Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN A

Lm. Seoka
Dẫn
Thật-giả, tốt-xấu, tội lỗi-thánh thiện…ở đâu và thời nào cũng có và lắm khi rất khó phân biệt. Khi chứng kiến cái xấu, cái ác và sự dối trá ta muốn tức khắc loại trừ chúng ra khỏi cuộc sống này. Nhưng Thiên Chúa có cùng quan điểm với chúng ta không? Đó là ý nghĩa của sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn gửi đến cho chúng ta.

Suy niệm
Mỗi ngày có 24 giờ, trong đó có biết bao thay đổi. Thấu hiểu điều đó nên Thiên Chúa (ông chủ ruộng) đã kêu gọi gia nhân hãy kiên nhẫn chờ đợi cho cỏ lùng và lúa tốt cùng sống bên cạnh nhau đến ngày thu hoạch.
Các nhà tu đức đã có lý khi nói: "Thánh nhân là tội nhân biết ăn năn sám hối.". Mang thân phân con người không ai là vô tội.  Nhưng điều quan trọng là biết sám hối ăn năn, thì tội nhân có thể sẽ trở thành thánh nhân.
Tạ ơn Chúa rất nhân từ đã "không muốn kẻ gian ác phải chết nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống".
Xin cho chúng ta biết khiêm tốn nhận ra sự yếu đuối của phận người như thánh Phaolô đã cảm nhận: "sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm." (Rm 8,19), để tích cực vung trồng, bảo vệ và chăm sóc cho những hạt lúa tốt nơi tâm hồn chúng ta được nẩy mầm, lớn nhanh, lớn mạnh, hầu đủ sức loại trừ dần những mầm móng cỏ lùng độc hại xấu xa ra khỏi mảnh đất nơi tâm hồn chúng ta.


Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY 
TRONG TUẦN XVI TN

Thứ hai (Mt 12,38-42)

Kinh nghiệm cho thấy: "Người buồn cảnh có vui bao giờ.".
Việc thay đổi con người không hệ tại ở hình thức bên ngoài, nhưng trước hết là phải thay đổi tận cõi lòng, thay đổi não trạng và cái nhìn.
Mặc dù chứng kiến bao là phép lạ Chúa Giêsu đã làm, mặc dù đã nhiều lần vỗ tay ca ngợi những lời hay ý đẹp của Chúa Giêsu, nhưng rốt cùng nhiều người Do Thái, đặc biệt là nhóm người Pha-ri-sêu và Biệt phái vẫn không tin.
Hết cách, Chúa Giêsu đành phải thốt lên: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác, chúng xin điềm lạ. nhưng chúng sẽ không thấy được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Gio-na”. Và như một cố gắng cuối cùng, Chúa Giêsu đã dùng lại hai câu chuyện ngày xưa với hy vọng họ suy nghĩ lại mà thay đổi não trạng.
Nhắc lại chuyện Giona ngày xưa, nhằm lưu ý họ rằng: Ngày xưa dân thành Ninivê chỉ nghe lời rao giảng miễn cưỡng của Ngôn sứ Giona. Vậy mà cả thành, từ vua đến dân, từ già đến trẻ, từ người đến súc vật đều ăn chay sám hối và khẩn xin sự tha thứ của Chúa. Vậy mà hôm nay có Người còn hơn Giona. Đấng mà Giona loan báo đã đến và rao giảng, vậy mà họ lại không để tâm ăn năn hối cải. Thật đáng buồn!
Nhắc lại câu chuyện nữ hoàng Phương nam vượt đường xa vạn dặm, bất chấp khó khăn, tốn kém đến để diện kiến vị vua khôn ngoan là Salomon. Bà ta đã toại nguyện, hết lòng cảm phục sự khôn ngoan của nhà vua. Nhưng ở đây còn trọng hơn vua Salomon nữa, vì Người chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa và là vua trên hết các vị vua. Thế mà họ chẳng thèm nghe. Thật đau lòng!!
Chính lòng tự mãn làm cho họ trở nên mù quáng nên đã làm hỏng hết mọi ơn phúc, vì thế không còn cách nào để tự chữa mình được nữa.
Xin cho chúng ta đừng như thế hệ Do Thái xưa, mù quáng và tự mãn. Nhưng hãy trở nên giống dân thành Ninivê và nữ hoàng Phương nam có cái nhìn ngay chính để nhận ra chân lý mà theo đuổi; cũng như biết khiêm tốn nhận mình còn nhiều khiếm khuyết, thiếu sót, tật xấu và tội lỗi, để theo sự khôn ngoan của Chúa hướng dẫn mà sửa đổi đời sống mỗi ngày nên tốt hơn.

Thứ ba. Thánh nữ Maria Magđalêna (Ga 20, 1-2. 11-18).
Dựa trên những gì Tin mừng nói đến, chúng ta có thể gạch vài đầu dòng về thánh nữ Maria Magđalênna mà Giáo hội kính nhớ hôm nay:
- Theo Tin mừng thánh Luca thì: Thánh Maria Magđalêna sống cùng thời với Chúa Giêsu. Bà đã từng bị bệnh và bị quỷ ám, nhưng được Chúa Giêsu chữa lành và giải thoát khỏi 7 quỷ. Bà đã nhập đoàn với các bà đạo đức đi theo Chúa Giêsu để giúp đỡ Ngài trên hành trình truyền giáo. (Lc 8,2-3).
-  Bà đã theo Chúa Giêsu đến giây phút cuối cùng, nên đã chứng kiến cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. (Mc 15,40).
- Bà cũng đã cẩn trọng để ý xem ông Giô-xếp hạ xác, tẩm liệm và an táng Chúa Giêsu trong mộ đá như thế nào. (Mc 15,46-47).
- Đặc biệt bài Tin mừng hôm nay cho biết bà rất yêu Chúa Giêsu.
Chính tình yêu thúc đẩy nên bà đã ra thăm mộ Chúa từ sáng sớm của ngày thứ nhất trong tuần.
Vì lòng mến yêu Chúa, bà đã hốt hoảng và khóc nức nở khi thấy ngôi mộ trống và không nhìn thấy xác Chúa đâu.
Và cũng vì yêu Chúa, bà đã tìm đủ mọi cách để tìm lại Người như: trình bày nỗi lòng với hai Thiên Thần: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi”; cũng như hỏi xem hai Thiên Thần có biết Chúa Giêsu đâu không?.
Dù lệ rơi có làm cho đôi mắt bà trở nên lờ mờ không nhận ra Chúa. Nhưng với con tim nhạy bén, bà vẫn đủ sáng suốt để nhận ra tiếng Chúa gọi: “Maria!”. Trong niềm vui sướng và với lòng yêu mến chân thành, bà muốn giữ Chúa ở lại mãi bên mình. Nhưng Chúa Phục sinh bảo bà: "Đừng giữ Thầy lại...", mà hãy ra đi để gặp gỡ và chia sẻ về những điều mà mình đã thấy và kể lại những điều Người đã nói!
Mong rằng mỗi chúng ta cũng có được tình yêu Chúa một cách nồng nàn như thánh nữ Maria Magđalêna.
Ước rằng mỗi chúng ta cũng luôn sẵn sàng bước theo Chúa đến cùng trong bất cứ cảnh huống nào trong cuộc sống theo gương thánh nữ Maria Magđalêna.
 Xin cho chúng ta cũng biết thao thức được ở bên Chúa, Đấng mà ta yêu mến. Nhất là biết đem niềm vui phục sinh đến cho những ai đang sống trong cảnh đau buồn, thất vọng, vì đó là cách thức ta thể hiện tình yêu đối với Chúa cụ thể nhất.

Thứ tư (Mt 13,1-9)
Chúa Giêsu thường dùng những hình ảnh rất gần gũi và quen thuộc để nói lên thực tại của cuộc sống. Cụ thể bài Tin mừng hôm nay Chúa dùng hình ảnh người nông phu ra đi gieo hạt giống.
Với hình ảnh người ra đi gieo hạt, Chúa Giêsu muốn nói đến lòng quảng đại hào phóng của một vị Thiên Chúa. Ngài sẵn sàng gieo vãi hạt giống Lời Chúa vào bất cứ nơi đâu, dẫu biết rằng những nơi ấy có thể  không sinh hoa kết quả.
Với hình ảnh môi trường mà hạt giống được gieo vào, Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến tâm hồn của con người. Môi trường ấy, Chúa Giêsu cho biết có nhiều loại. Có loại lề đường, có loại sỏi đá, có thứ gai góc..., nhưng cũng có loại đất tốt.
Hạt giống Lời Chúa thì luôn tốt, có khả năng phát triển và sinh nhiều bông hạt. Người gieo vãi hạt giống ấy là Thiên Chúa thì luôn hào phóng và quảng đại không so đo tính toán. Điều quan trọng còn lại là môi trường lòng người có chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận hạt giống Lời Chúa hay không?
Nếu tâm hồn mỗi người chúng ta chính là mảnh đất tiếp nhận hạt giống Lời Chúa. Thì giờ đây ta cần xét xem mảnh đất tâm hồn của ta là loại đất nào?
Nếu tâm hồn ta còn mang nặng những thành kiến, cố chấp, bảo thủ, ngại thay đổi bản thân theo lời dạy của Chúa và Giáo Hội, thì mảnh đất tâm hồn ta đang thuộc dạng vệ đường.
Nếu tâm hồn chúng ta còn có những bất hòa, phân biệt, chia rẻ đánh mất tình hiệp thông với tha nhân thì mảnh đất tâm hồn chúng ta vẫn còn nhiều gai gốc.
Nếu tâm hồn chúng ta còn sống ích kỉ, kiêu căng, bất công, thiếu bác ái với tha nhân là mảnh đất tâm hồn của ta còn nhiều sỏi đá.
Xin Chúa cho mảnh đất tâm hồn của chúng con được nên màu mở để hạt giống Lời Chúa gieo vãi vào có cơ may mọc lên, phát triển vững mạnh và sinh được nhiều bông hạt tốt tươi qua những việc làm tốt lành của chúng con.

Thứ năm (Mt 13,10-17).
Khi muốn nói điều gì khó nói, người ta hay dùng cách ví von.
Khi muốn thổ lộ tâm tình sâu kín, người ta hay nhờ đến câu chuyện.
Khi muốn diễn tả chân lý tròn đầy, Chúa Giêsu lại dùng đến dụ ngôn.
Dụ ngôn chính là cách diễn đạt chân lý về "mầu nhiệm nước trời" dễ hiểu nhất.
Vì dụ ngôn mang ý tưởng so sánh và diễn đạt khía cạnh khó hiểu. Do đó chỉ những ai cố công tìm hiểu mới có thể nhận ra được giá trị chân lý siêu việt mà Chúa Giêsu muốn nói đến.
Nhưng hình như  những lời giảng dạy của Chúa Giêsu bằng dụ ngôn không được dân chúng đón nhận cách tích cực. Đa phần họ nghe cho vui tai thôi chứ không ra công tìm hiểu. Vì thế Chúa Giêsu đã không ngần ngại nói thẳng: "Họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe, không hiểu". Duy chỉ có các tông đồ là những người tích cực chủ động muốn nghe và tìm hiểu lời giảng dạy của Chúa, nên họ được mạc khải cho biết về mầu nhiệm nước trời.
Do đó không phải Chúa Giêsu cố tình dùng dụ ngôn để gây khó dễ cho người nghe, nhưng là để xác định xem ai là người thiện chí thì mới xứng đáng hiểu lời vàng ngọc, châu báo của Chúa.
Nhìn thấy Chúa và Nghe được Lời Chúa đã là một diễm phúc lớn lao cho những người sống cùng thời với Chúa rồi. Bởi lẽ "nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi được thấy điều anh em thấy mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe mà không được nghe".  Tuy nhiên nếu nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu thì quả là một bất hạnh to lớn.
Chúng ta là những người thật hạnh phúc vì được vinh dự được lắng nghe, gặp gỡ  và đón nhận Chúa hằng ngày qua Thánh Lễ.
Xin cho chúng ta biết siêng năng tham dự thánh lễ hàng ngày với lòng khao khát nghe và đón nhận Chúa vào lòng để nhờ đó ta cảm nếm được niềm hạnh phúc sâu xa nơi tâm hồn.

Thứ sáu. Thánh Giacôbê Tông đồ (Mt  20, 20-28).
Mừng kính Thánh Giacôbê tông đồ hôm nay, chúng ta cùng nhau liệt kê vài nét chính liên quan đến con người của thánh nhân mà tin mừng đã nói đến.
- Thánh Giacôbê là anh ruột của thánh Gioan, quê ở làng Bếtsaiđa, cùng quê với Phêrô và Anrê. Cha ngài là ông Dêbêđê làm nghề chài lưới. Mẹ ngài là bà Salômê, một người phụ nữ đạo đức được nhắc trong thánh kinh.
- Ngài là một trong 4 môn đệ đầu tiên được Chúa Giêsu kêu gọi theo Ngài trên biển hồ Têbêria. Không ngần ngại do dự, Giacôbê đã lập tức bỏ lại tất cả để đi theo Chúa.
- Trong số 12 tông đồ, ngài là một trong ba môn đệ thân tín và gần gũi Chúa Giêsu nhất. Ngài được diễm phúc chứng kiến Chúa biến hình trên núi Tabo, được chứng kiến Chúa phục sinh con gái ông Gia-ia, được Chúa sai đi sửa soạn bữa tiệc cuối cùng; ngài cũng được hiện diện cùng với Chúa trong vườn cây dầu và chứng kiến giây phút sợ hãi nhất của Thầy Giêsu. Nhất là vinh dự được làm tông đồ đầu tiên hiến mạng sống để làm chứng cho tin mừng.
- Nhắc đến tông đồ Giacôbê ai trong chúng ta cũng đều nhớ đến hai tính xấu nổi bật nơi con người ông.
Thứ nhất: ông là một con người nóng tính.
Một lần Chúa Giêsu cùng các môn đệ lên Giêrusalem, vì phải đi ngang qua Samaria. Do đường xa nên Chúa Giêsu sai ông cùng Gioan đi trước để chuẩn bị chỗ ở. Nhưng những người trong thành quyết liệt từ chối không cho thầy trò nghỉ trọ. Lý do vì họ không ưa thích người Do Thái. Tông đồ Giacôbê rất tức giận, nên khi trở lại gặp Chúa Giêsu, ông xin Chúa khiến lữa từ trời xuống để thiêu đốt cả dân thành ấy. Nhưng Chúa không  làm theo ý của ông. Trái lại Ngài quở trách ông là "con của sấm sét". Sau đó thầy trò sang đường khác tiếp tục cuộc hành trình.
Thứ hai ông là con người đam mê quyền lực.
Mặc dù Giacôbê đã theo Chúa, được Chúa dạy bảo và huấn luyện nhiều, nhưng trong đầu các ông vẫn còn mang nặng đam mê quyền lực.
Do đó đã có lần chính ông và Gioan trực tiếp đến xin Chúa cho ngồi hai bên tả hữu trong nước của Chúa, ngay sau khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài. Thật quá đáng!
Càng quá đáng hơn khi hai anh em ông nhờ cậy chính người mẹ mình đi cửa sau để xin Chúa cho hai anh em ông được ngồi vào hai chiếc ghế bên cạnh Chúa, một khi giang sơn thuộc về tay Chúa.
Với Chúa Giêsu phấn đấu để được hiểu biết hơn, tài giỏi hơn, tốt lành hơn nhằm phục vụ lợi ích cho mình, cho người, cho xã hội và Giáo Hội là việc tốt, nên làm.
Nhưng nổ lực tranh đấu để đứng đầu nhằm thống trị mọi người, để tạo uy thế cho mình, để được tư lợi và bắt mọi người phục vụ cho quyền lợi cá nhân quả là điều đáng lên án. Nhưng càng đáng khiển trách hơn đối với những ai khi thấy người khác tài giỏi hơn mình, tốt lành hơn mình, thành công hơn mình mà tỏ ra ghen tị, khó chịu, tức giận… để tìm cách triệt hạ. Hạng người ấy chỉ đáng là kẻ tiểu nhân.
Xin cho chúng ta biết dùng tính nóng của mình để không nhằm làm điều xấu gây phương hại đến tha nhân, nhưng biết điều hướng tính nóng ấy để xả thân làm những việc lành và loan báo tin mừng theo gương thánh Giacôbê tông đồ .
 Xin cho chúng ta cũng ý thức rằng: làm lớn không phải là để thống trị hà khắc người khác, nhưng là để phục vụ vô vị lợi trong tinh thần khiêm tốn. Nhất là đừng vì lòng ghen tị mà tìm mọi cách để hạ bệ hay ngăn bước tiến anh em mình.

Thứ bảy. Thánh Gioakim và Anna. (Mt 13,24-30).
Trong suốt những tháng qua, tin tức nóng nhất trên các phương tiện truyền thông là sự kiện Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan HD 981 vào thềm lục địa, thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trước sự kiện này mọi người dân Việt Nam đều hết sức phẩn nộ, bất bình. Mỗi người, mỗi tổ chức, mỗi nhóm, thuộc đủ mọi lĩnh vực ngành nghề đều thể hiện tình yêu quê hương biển đảo của mình dưới nhiều hình thức khác nhau theo khả năng.
Gần đây, thông tin mạng có nói đến tình yêu quê hương đất nước của đại gia Phạm Ngọc Lâm đã đầu tư 100 tàu đánh cá với công suất 500 - 1.500 mã lực và 2 trực thăng để ra biển cùng ngư dân trong bối cảnh Biển Đông đang dậy sóng.
Kế hoạch của Phạm Ngọc Lâm đã thu hút sự quan tâm không chỉ vì góp phần khai thác và bảo vệ biển đảo mà còn là hướng mới cho DN. (Bởi Huấn Tú.  Vef.vn). 
Được biết trong quá khứ, ông Lâm đã từng là tội nhân và đã bị kết án tù chung thân. Tuy nhiên với hành động hào hiệp của ông ở vào thời điểm nóng hiện tại, thì ông được kể là người tốt, vì có lòng yêu quê hương đất nước thiết thực.
Câu chuyện của ông Lâm cho thấy: Qúa khứ có thể tôi là người tội lỗi, nhưng tương lai có thể tôi là người tốt lành. Mỗi ngày có 24 giờ, trong đó có biết bao thay đổi. Thấu hiểu điều đó nên Thiên Chúa (ông chủ ruộng) đã kêu gọi gia nhân hãy kiên nhẫn chờ đợi cho cỏ lùng và lúa tốt cùng sống bên cạnh nhau đến ngày thu hoạch.
Các nhà tu đức đã có lý khi nói: "Thánh nhân là tội nhân biết ăn năn sám hối.". Mang thân phân con người không ai là vô tội.  Nhưng điều quan trọng là biết sám hối ăn năn, thì tội nhân có thể sẽ trở thành thánh nhân.
Tạ ơn Chúa rất nhân từ đã "không muốn kẻ gian ác phải chết nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống". Xin cho chúng ta biết khiêm tốn nhận ra sự yếu đuối của phận người như thánh Phaolô đã cảm nhận: "sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm." (Rm 8,19) để tích cựcvung trồng, bảo vệ và chăm sóc cho những hạt lúa tốt nơi tâm hồn chúng ta được nẩy mầm, lớn nhanh, lớn mạnh, hầu đủ sức loại trừ dần những mầm móng cỏ lùng độc hại xấu xa ra khỏi mảnh đất nơi tâm hồn chúng ta.
Hôm nay chúng ta mừng kính thánh Gioakim và Anna song thân Đức Maria. Dù rằng chúng ta không biết gì về đời sống của hai ngài. Nhưng với kinh nghiệm của cha ông ta: "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, hay "Cha nào con nấy".  Nhất là  dưới ánh sáng lời Chúa dạy: "Xem quả thì biết cây", phần nào chúng ta nhận ra đôi chút về đời sống của hai ngài qua Đức Maria, người con của hai ngài.
Đức Maria sẽ không được mọi đời khen ngợi là người phụ nữ diễm phúc nếu không được cảm nếm niềm hạnh phúc nơi thánh Gioankim và Anna.
Đức Maria sẽ không được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế nếu như tâm hồn Mẹ không được thánh Gioakim và Anna chuần bị xứng hợp.
Đức Maria sẽ không có tinh thần âm thầm hy sinh phục vụ nếu như không nhận thấy đời sống hy sinh phục vụ âm thầm của cha mẹ người.
Đức Maria sẽ không thể có được tinh thần khiêm hạ, nghèo khó nếu như không được hấp thụ bởi gương sáng từ cha mẹ.
Đức Maria sẽ không có được tinh thần vâng phục thánh ý Thiên Chúa nếu như không được cha mẹ truyền thụ lại một nền tảng đức tin vững chắc.
Xin Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Maria giúp cho gia đình chúng con biết noi gương gia đình thánh Gioakim và Anna, luôn vâng nghe lời Chúa và Hội thánh; biết loại trừ tính hư tính xấu là cỏ lùng độc hại ra khỏi đời sống, để những giá trị Tin mừng là lúa tốt được triển nở mạnh mẻ nơi gia đình chúng con.

Xin cho các bật làm cha mẹ trở thành gương sáng đời sống đức tin và yêu thương cho con cái như thánh Gioakim và Anna, nhằm góp phần làm cho mảnh đất tâm hồn nơi con cái trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành.

Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN A
Lm Seoka

Dẫn

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người gieo giống để nói lên tinh thần hào phóng của Thiên Chúa đã không ngần ngại gieo vãi hạt giống Lời Chúa khắp mọi nơi trong mọi tâm hồn. Với mong muốn hạt giống Lời Chúa có cơ may sinh sôi và phát triển dồi dào.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa cho chúng ta biết chuẩn bị mãnh đất tâm hồn thật tốt qua việc tích cực lắng nghe, học hỏi, suy niệm và đem ra thực hành Lời Chúa, nhờ đó mà hạt giống Lời Chúa mới cơ may sinh nhiều hoa trái tốt đẹp trong đời sống hàng ngày.

Suy niệm

Chúa Giêsu thường dùng những hình ảnh rất gần gũi và quen thuộc để nói lên thực tại của cuộc sống. Cụ thể bài Tin mừng hôm nay Chúa dùng hình ảnh người nông phu ra đi gieo hạt giống.
Với hình ảnh người đi gieo hạt, Chúa Giêsu muốn nói đến lòng quảng đại hào phóng của một vị Thiên Chúa. Ngài sẵn sàng gieo vãi hạt giống Lời Chúa vào bất cứ nơi đâu, dẫu biết rằng những nơi ấy có thể không sinh hoa kết quả.
Với hình ảnh môi trường mà hạt giống được gieo vào, Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến tâm hồn của con người. Môi trường ấy, Chúa Giêsu cho biết có nhiều loại. Có loại lề đường, có loại sỏi đá, có thứ gai góc..., nhưng cũng có loại đất tốt.
Hạt giống là Lời Chúa thì luôn tốt, có khả năng phát triển và sinh nhiều bông hạt.
Người gieo vãi hạt giống ấy là Thiên Chúa thì luôn hào phóng và quảng đại không so đo tính toán. Điều quan trọng còn lại là môi trường lòng người có chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận hạt giống Lời Chúa hay không?
Nếu tâm hồn mỗi người chúng ta chính là mảnh đất tiếp nhận hạt giống Lời Chúa. Thì giờ đây ta cần xét xem mảnh đất tâm hồn của ta là loại đất nào?
- Nếu tâm hồn ta còn mang nặng những thành kiến, cố chấp, bảo thủ, ngại thay đổi bản thân theo lời dạy của Chúa và Giáo Hội, thì mảnh đất tâm hồn ta đang thuộc dạng vệ đường. 
- Nếu tâm hồn chúng ta còn có những bất hòa, phân biệt, chia rẽ, đánh mất tình hiệp thông với tha nhân thì mảnh đất tâm hồn chúng ta vẫn còn nhiều gai gốc. 
- Nếu tâm hồn chúng ta còn sống ích kỉ, kiêu căng, bất công, thiếu bác ái với tha nhân thì mảnh đất tâm hồn của ta còn nhiều sỏi đá.
- Xin Chúa cho mảnh đất tâm hồn của chúng con được nên màu mở để hạt giống Lời Chúa gieo vãi vào có cơ may mọc lên, phát triển vững mạnh và sinh được nhiều bông hạt tốt tươi qua những việc làm tốt lành của chúng con.

Truyện:

Trong một vườn nho kia có một gốc nho bị tàn héo đang khi các cây nho khác lại vẫn xanh tốt. Người làm vườn đã mất nhiều công sức đào sới đất chung quanh, rắc phân tro và tưới nước hằng ngày cho cây nho này. Nhưng sau một thời gian mà cây nho vẫn èo uột không sinh hoa trái. Cuối cùng ông đã đào bật gốc nho lên thì phát hiện ra có một miếng tôn nằm dưới gốc cây, khiến rễ cây không cắm sâu xuống đất để hút được các chất bổ dưỡng. Từ lúc lấy miếng tôn kia đi thì cây nho đã bắt đầu xanh tốt và sinh hoa trái như các cây nho khác. Cuộc đời chúng ta cũng vậy: Nếu sau một thời gian dài theo đạo, mà chúng ta vẫn như cây nho tàn úa không sinh hoa trái là các việc lành, không sống công bình nhân ái hơn anh em lương dân… là do chúng ta đã không chịu lắng nghe Lời Chúa, không suy niệm để tìm hiểu và không quyết tâm sống theo ý Chúa muốn. 

Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017

CHÚA NHẬT XIV TN A
Lm Seoka

Đức Giêsu mang hai bản tính: Thiên tính và nhân tính.
Nếu bỏ qua Thiên tính mà xét theo nhân tính, thì Tin mừng hôm nay cho biết Đức Giêsu là con người tuyệt vời, bởi Ngài luôn có được tâm an và khí hòa.

1.  Với tâm an: Ngài đã nhìn mọi sự xảy đến trong đời sống hết sức an nhiên và bình thản.
Trước những thàn công, Ngài không tỏ ra thái độ hãnh diện và kiêu kỳ. Khi đối mặt với thất bại, Ngài không thua buồn, buông xuôi và bỏ cuộc. Tất cả được Ngài nhìn dưới ánh sáng của niềm tin vào kế hoạch của Thiên Chúa Cha.
- Có được tâm an: Ngài đã sáng suốt nhận ra chính vì lòng đầy kiêu căng và tự mãn là nguyên nhân làm cho những người biệt phái, các kinh sư không có khả năng đón nhận mầu nhiệm nước trời. Nhờ tâm an Ngài cũng thấu hiểu nhờ lòng khiêm tốn và hiền hòa mà những người thu thuế, tội lỗi, những người bệnh tật và ít học, gọi chung là kẻ bé mọn đón nhận được mầu nhiệm cao quý nước trời.

2. Với khí hòa: Ngài không nổi nóng và loại trừ những kẻ kiêu căng chống đối; cũng như không hãnh diện tự hào trước những người tin nhận Ngài và muốn tôn Ngài làm vua. Trái lại Ngài sáng suốt hướng họ đến cách sống tốt đẹp hơn.
- Với những kẻ cứng cỏi và kiêu căng, Ngài mời gọi họ đến với Ngài để học lấy bài học quan trọng làm người đó là hiền lành và khiêm nhường.
- Với những người khiêm nhường và hiền lành, Ngài mời gọi họ tiến thêm một bước nữa trong đời sống đức tin để sẵn sàng mang lấy ách và vác lấy gánh của Ngài. Nghĩa là đi theo Chúa để thi hành giới luật tình yêu của Chúa dạy.
Dẫu biết rằng khi mang lấy ách và vác gánh lấy của Chúa thì rất nặng nề và nhọc mệt. Bởi con đường của Chúa là con đường hẹp và là đường thập giá cũng như sống theo giới luật yêu thương Chúa dạy thì phải chịu rất nhiều thiệt thòi ở thế gian này. Biết thế nên Chúa Giêsu tha thiết mời gọi những người này hãy đến với Ngài để Ngài nâng đỡ và bổ sức cho và Ngài đảm bảo rằng: “Ơn Ta đủ cho con”.

Tóm lại sứ điệp lời Chúa hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng:
Muốn có được tâm an, khí hòa để an bình đón nhận những biến cố vui buồn trong cuộc sống; cũng như sáng suốt giải quyết mọi vấn đề một cách tốt đẹp nhất, chúng ta cần phải luôn có cái nhìn đức tin. Nhưng để có cái nhìn đức tin đòi hỏi chúng ta phải hoàn thiện đời sống nhân bản là hiền lành và khiêm nhường.

Xin Chúa cho ta biết sống hiền lành (kỹ năng mềm) và khiêm tốn (kỹ năng thấp) trước Chúa,  tha nhân và lương tâm. Nhất là xin cho ta có được đức tin vững mạnh để can đảm đi theo Chúa đến cùng trong việc thực thi giới luật tình yêu mà Chúa chỉ dạy, nhờ đó ta mới xứng đáng trở thành những kẻ bé mọn trong nước trời. 

SUY NIỆM LỜI CHÚA 

CÁC NGÀY TRONG TUẦN XIV TN


Lm Seoka


Thứ hai
Lời Chúa: Mt 9,18-26
Khi ấy, Chúa Giêsu đang nói, thì có một vị kỳ mục kia đến lạy Người mà thưa rằng: "Lạy Ngài, con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến đặt tay trên nó, thì nó sẽ sống lại". Chúa Giêsu chỗi dậy, và cùng với các môn đệ, đi theo ông ấy. Và này có người đàn bà bị bệnh loạn huyết đã mười hai năm, tiến lại đàng sau Người và chạm đến gấu áo Người. Vì bà nghĩ thầm rằng: Nếu tôi được chạm đến áo Người thôi, thì tôi sẽ được khỏi. Chúa Giêsu ngoảnh lại, trông thấy bà ta, liền phán rằng: "Này con, hãy vững lòng. Ðức tin của con đã cứu thoát con". Và người đàn bà được khỏi bệnh.
Khi Chúa Giêsu đến nhà vị kỳ mục, và thấy những người thổi kèn và đám đông đang xôn xao, thì bảo rằng: "Các ngươi hãy lui ra, con bé không có chết đâu, nó ngủ đó thôi". Họ liền nhạo cười Người. Và khi đã xua đám đông ra ngoài, Người vào cầm tay đứa bé và nó liền chỗi dậy. Tin này đồn đi khắp cả miền ấy.

Suy niệm
Tình thương cứu độ của Chúa là phổ quát dành cho hết mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc hay tôn giáo. Tuy nhiên để đón nhận được tình thương và ơn cứu độ của Chúa đòi hỏi con người phải có đức tin.
Tin mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của Chúa Giêsu: cứu sống con gái của vị thủ lãnh và chữa lành người đàn bà bị băng huyết 12 năm, nhờ lòng tin mạnh mẽ của họ.
Đức tin chính là thần dược chữa lành mọi bệnh tật con người. Nhờ tin mà cô con gái vị thủ lãnh và người đàn bà bị băng huyết 12 năm được cứu chữa.
Đức Tin đem đến cho con người niềm hy vọng.
§  Hy vọng vào Chúa, nên vị thủ lãnh và người đàn bà bị băng huyết 12 năm đã không ngần ngại ra đi tìm đến Chúa Giêsu.
§  Hy vọng nơi Chúa, ông thủ lãnh đã không ngần ngại sấp mình nài nỉ xin Chúa đến cứu sống con gái ông.
§  Hy vọng ở Chúa, ngườiđàn bà bị băng huyết đã can đảm chạm đến gấu áo Chúa .
Nhờ lòng tin công khai và mạnh mẽ của viên thủ lãnh mà cô con gái ông được Chúa cứu sống.
Nhờ lòng tin chân thành, đơn sơ và kín đáo mà người đàn bà bị băng huyết 12 năm dài được Chúa chữa lành.
Tin chính là đặt hết niềm hy vọng" vào", "nơi" và "ở" Chúa, trao cho Chúa mọi lắng lo, khốn khổ.
Con cái là món quà quý giá và là kho báu vô tận. Trong mắt cha mẹ, con cái là tất cả. Mất con cái là mất tất cả. Nhưng chính lúc xem ra mất tất cả đó, viên thủ lãnh đã có được niềm tin.
Bệnh tật luôn là nỗi ám ảnh của con người, bởi lẽ bệnh tật làm cho con người trở nên đau khổ, chán nản và tuyệt vọng. Nhưng chính lúc đau khổ và tuyệt vọng ấy, người đàn bà đã có được niềm tin âm thầm nhưng mạnh mẻ.
Niềm tin của chúng ta cần được trui rèn, để sau những thử thách đau thương, đức tin chúng ta được vững mạnh hơn. Không nhất thiết là được ơn, được phép lạ như người cha hay như người đàn bà bị bệnh băng huyết trong bài tin mừng hôm nay, điều quan trọng là trong mọi biến cố, chúng ta cần nhìn về phía bên kia điều Chúa muốn, để vững tin vào Chúa. Nhờ thế mà chính ta và những người chung quanh ta có thêm lòng tin cũng như gia tăng lòng cậy trông nơi Chúa.
Trên hành trình bước theo Chúa, niềm tin của chúng ta cũng phải đối diện với bao là thử thách. Xin cho chúng ta luôn kiên vững niềm tin vào Chúa và mạnh mẽ thể hiện niềm tin của mình như viên thủ lãnh và người đàn bà bị băng huyết.
Trong cuộc sống, chúng ta xin ơn Chúa rất nhiều, nhưng lại quên xin ơn rất quan trọng là ơn "Đức Tin". Chắc chắn đức tin chúng ta vẫn còn yếu kém. Chúng ta hãy tha thiết xin Chúa gia tăng Đức Tin cho chúng ta.

Thứ ba
Lời Chúa: Mt 9,32-38
Khi ấy, người ta đem đến Chúa Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi đã trừ quỷ, thì người câm nói được, đám đông dân chúng kinh ngạc và nói rằng: "Chưa bao giờ thấy xảy ra như vậy trong dân Israel". Nhưng các người biệt phái nói rằng: "Ông ta đã nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ".
Và Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn. Người liền bảo môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợgặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa".

Suy niệm
Thống kê cho biết: Hiện tại Người Công giáo chỉ chiếm 17,2% trên toàn thế giới; Châu Á dừng lại ở mức 2,9%, đất nước Việt Nam là 6,87%, riêng Giáo Phận Cần Thơ chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 3,4 %. Như vậy, cánh đồng truyền giáo vẫn còn bao la.
Nhu cầu truyền giáo vẫn luôn là nhu cầu khẩn thiết và phải là ưu tư số một của Giáo Hội, của Giáo Phận và cũng là của từng người tín hữu chúng ta.
Khi thiết lập Giáo Hội, Chúa Giêsu đã trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho các Tông Đồ và ngày nay cho từng người tín hữu. Bổn phận này chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội và được củng cố nhờ bí tích thêm sức. Nhưng làm thế nào để thực hiện sứ mạng cấp thiết này?
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một vài cách thức:
- Hãy nên giống Chúa, biết "chạnh lòng thương" đối với tha nhân, nhất là những người bị bỏ rơi....
- Hãy nghe theo lời Chúa dạy, là cầu xin với Chúa, chủ mùa gặt, vì chỉ có Chúa mới đánh động lòng người và làm cho người khác tin Chúa mà thôi; chứ người phàm không có khả năng làm được điều đó. Cầu xin cho có nhiều thợ gặt lành nghề sẵn sàng dấn thân hy sinh lo cho việc truyền giáo; đồng thời, chúng ta cũng cầu xin cho từng người chúng ta biết tích cực góp công sức, thời giờ, sức khỏe và cả của cải tiền bạc để lo cho việc truyền giáo.
- Cuối cùng hãy làm theo ý Chúa, mỗi kitô hữu phải có một đời sống tốt lành thánh thiện để làm gương sáng cho người khác, vì như Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: "Người thời nay không thích những thầy dạy cho bằng nhân chứng”.
Chúng ta chỉ có thể truyền giáo bằng gương sống của chúng ta qua việc sẵn sàng giúp đỡ mọi người theo tinh thần bác ái của Tin mừng.
Ước gì đời sống mỗi người, mỗi gia đình biết nghe lời Chúa, làm theo ý Chúa, để mỗi ngày nên giống Chúa hơn trong cung cách sống yêu thương, nhờ đó mới có thể minh chứng cụ thể niềm tin và lòng yêu mến Chúa của chúng ta.

Thứ tư
Lời Chúa: Mt 10,1-7
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ Người lại, và ban cho các ông quyền hành trên các thần ô uế để các ông xua đuổi chúng và chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền.
Ðây là tên của mười hai Tông đồ: Trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em của ông, Giacôbê con ông Giêbêđê và Gioan em của ông, Philipphê và Bartôlômêô, Tôma và Matthêu người thu thế, Giacôbê con ông Alphê và Tađêô, Simon nhiệt tâm và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.
Chúa Giêsu đã sai mười hai vị này đi và truyền rằng: "Các con đừng đi về phía các dân ngoại và đừng vào thành của người Samaria. Tốt hơn, các con hãy đến cùng các chiên lạc nhà Israel. Các con hãy đi rao giảng rằng: 'Nước Trời đã gần đến'".

Suy niệm
Để thực hiện sứ mạng giải thoát con người khỏi những đau khổ về thể xác và tinh thần do trói buộc bởi ma quỷ, một mình Đức Giêsu là đủ, vì Ngài là Thiên Chúa quyền năng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại không dùng cách thế đó, trái lại Chúa mời gọi chúng ta cộng tác.
Cụ thể bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chọn gọi 12 Tông Đồ, ban quyền trừ quỷ và chữa bệnh cho các ông và sai các ông đi rao giảng Tin mừng.
Khi lãnh nhận bí tích rửa tội và thêm sức là chúng ta đã lãnh nhận quyền năng của Chúa và được mời gọi để chia sẻ sứ mạng loan báo Tin mừng..
Cánh đồng truyền giáo thật mênh mông bát ngát. Chúa đã nhìn thấy lúa vàng đã chín rộ, nhưng ma quỷ lại đang phá hoại bằng biết bao phương cách, từ bên trong (tham, sân, si), cũng như bên ngoài (những trò chơi đồi trụy, sách báo, phim ảnh xấu) đã len lỏi và thấm nhập cách tinh vi vào tâm hồn chúng ta những tư tưởng xấu xa, tội lỗi.
Xin cho chúng ta biết canh tân đời sống bản thân, làm lành mạnh hóa đời sống tâm hồn; đồng thời cũng biết canh tân đổi mới những người chung quanh. Cụ thể là những người sống gần gũi: trong gia đình, trong xóm làng và nơi họ đạo chúng ta.
Xin Chúa ban cho Giáo hội nhiều tông đồ nhiệt thành để đẩy lùi sự dữ và khử trừ sự ô uế ra khỏi môi trường chúng ta đang sống.
Lạy Chúa, Chúa biết chúng con là những phận hèn sức yếu. Vì thế, Chúa không đòi hỏi chúng phải rađi loan báo tin mừng ở những nơi xa xôi. Nhưng Chúa muốn chúng con biết tích cực gieo vãi yêu thương và bình an cho những người gần gủi chúng con. Xin cho chúng con ý thức và tích cực thực thi lời Chúa dạy. Amen.


Thứ năm
Lời Chúa: Mt 10,7-15
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con hãy đi rao giảng rằng "Nước Trời đã gần đến". Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Các con chớ mang vàng bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc, vì thợ thì đáng được nuôi ăn.
"Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi. Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: "Bình an cho nhà này". Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy. Nhưng nếu ai không tiếp rước các con và không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi nhà hay thành ấy và giũ bụi chân các con lại. Thật, Thầy bảo các con: Trong ngày phán xét, đất Sôđôma và Gômôra sẽ được xét xử khoan dung hơn thành ấy".

Suy niệm
Bài tin mừng hôm qua kể về việc Chúa Giêsu tuyển chọn nhóm Mười Hai, và sai các ông đi rao giảng. Qua bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu phác họa cho ta thấy tinh thần và hành trang người môn đệ cần phải có khi đi rao giảng là như thế nào.
Về tinh thần: Người môn đệ cần phải biết an ủi, chữa lành người bệnh tật; làm cho kẻ chết sống lại; cho người phong hủi được sạch; khử trừ ma quỷ; đem bình an cho mọi người.
Về hành trang: Người môn đệ cần phải sống thật đơn giản, không bám víu vào của cải vật chất…những thứ này sẽ có người khác lo “vì thợ thì đáng được nuôi ăn”. Sở dĩ, người môn đệ phải sống siêu thoát như thế là để tín thác vào Chúa và tập trung cho việc loan báo Nước Trời.
Chúa Giêsu đã sống tinh thần nghèo khó ấy, khi nói: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu". Cũng vậy, Người môn đệ của Chúa không có thứ vật chất nào là bảo đảm, chắc chắn, ngay cả chỗ tựa đầu. Họ đi tới đâu cũng là nhà, và mọi người đều là anh em của họ.
Sống tinh thần siêu thoát: không màng chi tiền bạc, không coi trọng vật chất…xem ra là một điều gì đó rất khó, thậm chí còn là một thách đố cho người môn đệ. Bởi vì, những thứ đó là nhu cầu và gắn liền với cuộc sống con người. Dường như có được nó, con người sẽ trở nên phấn khởi, cảm thấy sảng khoái, cuộc sống trở nên thú vị hơn. Thấy trước được mối nguy hiểm đó, Chúa Giêsu đã đưa ra những hành trang cụ thể cho người môn đệ: không vàng bạc, không tiền giắt lưng, không bao bị, không giày dép, cũng như không mặc hai áo. Nếu quá chú trọng vào vật chất, người môn đệ sẽ dần đánh mất đi căn tính của mình, là sứ giả loan báo Nước Trời.
Vậy, đâu là thái độ của người môn đệ Chúa Giêsu? Đâu đó không thiếu hình bóng của người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, họ sống đúng với căn tính của mình, quên tất cả để chỉ dấn thân cho sứ mạng loan báo Tin Mừng. Nhưng, cũng không thể không có hình bóng của những người môn đệ chưa chu toàn nhiệm vụ của mình, thích vun vén cho đời sống cá nhân hơn cho cộng đoàn, thích tìm những tiện nghi vật chất để hưởng thụ. Vậy, Người môn đệ cần phải thật giàu có về đời sống tinh thần: đức tin, lòng mến, niềm hy vọng, tình yêu…, chỉ khi mình phong phú về những thứ ấy, thì mới có thể chia sẽ cho người khác về Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin mặc cho con chiếc áo của người nghèo để con cảm nhận được những thiếu thốn của họ, đồng cảm với những cảnh đời bất hạnh trong cuộc sống với họ. Chính khi sống tinh thần nghèo khó ấy, con mới có thể toàn tâm toàn ý phục vụ cho sứ mạng loan báo Tin Mừng. Xin gìn giữ con trước những ma lực của đồng tiền, trước những quyến rũ của vật chất, để giữ trọn lòng trung thành với Chúa.


Thứ sáu
Lời Chúa: Mt 10,16-23
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Này, Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa sói rừng. Vậy các con hãy ở khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu. Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì? Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì; vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con.
"Anh sẽ đem nộp giết em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại với cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ. Khi người ta bắt bớ các con trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật các con: Các con sẽ không đi khắp hết các thành Israel trước khi Con Người đến".

Suy niệm 1
Trang Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiên báo về những cuộc bách hại mà người môn đệ thường gặp khi rao giảng tin mừng, nào là bị tố cáo, bị đánh đập, bị thù ghét, bị anh em phản bội… Vì danh Chúa Giêsu mà người môn đệ phải chịu những bách hại ấy. Tuy gặp khó khăn, bị ngược đãi nhưng phải mạnh dạn, đừng sợ sệt, vì có Chúa Thánh Thần, vì dù cho xác của họ có thể bị người đời giết đi, nhưng Thiên Chúa sẽ chứng kiến, sẽ lo liệu, sẽ gìn giữ linh hồn họ. Chỉ có Thiên Chúa mới nắm trọn quyền trên hồn và xác, chứ không phải là người đời.
Chúa Giêsu cũng phải chịu nhiều tiếng gièm pha, lời qua tiếng lại của bà con lối xóm, rồi những chống đối của các Kinh sư cũng như nhóm Pharisêu, nhất là những bách hại trong cuộc khổ nạn và cuối cùng là cái chết trên thập giá. Dẫu luôn bị bách hại nhưng Chúa Giêsu vẫn trung thành với sứ mạng của mình.
Dõi theo Chúa Giêsu, cuộc đời làm chứng cho Tin mừng không phải là một cuộc sống an nhàn, hưởng thụ,cũng như không phải là một hành trình gặp nhiều thuận lợi. Trái lại, đó là một cuộc sống nhiều cam go thử thách: bị chống đối, bị đánh đập, bị bắt bớ, bị bỏ tù. Phải hy sinh nhiều thứ như: gia đình, bạn bè, ước muốn, thời gian, tiền bạc, thậm chí cả mạng sống. Vì danh Chúa Giêsu, chúng ta có thể phải hy sinh tất cả, phải chịu đựng nhiều thiếu thốn, đau khổ. Sống niềm tin như thế thì mới có thể làm chứng cho Chúa được.
Ngày nay, có nhiều người không dám làm chứng cho Chúa Giêsu, không dám sống vì danh Chúa. Họ có thể bỏ đi lễ để đi làm, bỏ Chúa chứ không bỏ nhậu, kiếm tiền chứ không tìm Chúa. Họ có thể đi chơi vài giờ, vài ngày nhưng lại ngại đi lễ trong vòng một giờ hoặc hai giờ. Họ có thể sắm đầy đủ tiện nghi trong nhà mình nhưng lại ngại đóng góp cho công việc của Giáo Hội. Bên cạnh đó, sống với những người anh em ngoại giáo, họ lại làm gương mù gương xấu. Thay vì giới thiệu khuôn mặt của Chúa Giêsu, họ lại đi giới thiệu một hình ảnh về mình; thay vì giới thiệu một cuộc sống kitô hữu thánh thiện, công bằng và huynh đệ, họ lại sống bất công, ăn thua đủ với người khác. Cũng thế, có nhiều người vì sợ bắt bớ, sợ mất việc làm nên đã không dám tuyên xưng niềm tin của mình. Họ chỉ lo sợ những thế lực của trần thế mà quyên lo kính sợ Thiên Chúa.
Lạy Chúa, sống niềm tin và làm chứng cho Chúa là trách nhiệm và bổn phận của chúng con. Xin ban ơn can đảm cho chúng con, để trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống chúng con dám sống hết mình vì danh Chúa, luôn can trường trong mọi thử thách để loan báo Tin mừng.

Suy niệm 2
 “Thầy sai anh em đi như chiên ở giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu”.
Dưới hình ảnh bầy sói hình như Chúa muốn nói đến các ngôn sứ giả (x. Mt 7,15) để cảnh giác các Tông Đồ trước những chống đối hiểm độc của những kẻ nhân danh chân lý, nhân danh Lời Chúa để phá hoại Tin Mừng.
Như con rắn có tài tránh nguy hiểm và luôn luôn giữ cái đầu cho khỏi bị tấn công, Chúa cũng muốn các Tông Đồ cố gắng đừng lọt vào tròng của những thầy dạy giả hiệu, nếu cần thì phải tránh đụng độ với họ. Tuy nhiên, Chúa cũng muốn các Tông Đồ phải giữ thái độ và tâm hồn đơn sơ như bồ câu, một loài chim vẫn được coi là vô hại, hơi nghe tiếng động là bay đi nơi khác.
Bị bách hại là số phận thường tình của những người rao giảng Tin Mừng. Nhưng giữa những cuộc bách hại đó, họ cảm thấy hãnh diện bởi vì họ chịu như thế là vì Chúa Giêsu và thật là chính đáng bởi vì chỉ có như vậy họ mới đưa lời chứng hùng hồn của mình ra trước người đời. Mặc dù, Chúa muốn các Tông Đồ can đảm và kiên trì trong cơn bách hại nhưng không được liều mạng một cách vô ích, nếu cần thiết và có thể thì cũng phải trốn tránh nguy hiểm.
Nhưng Chúa không để các Tông Đồ phải đơn độc một mình chống chọi lại những âm mưu bách hại của người đời. Người hứa với các Tông Đồ là trong những giây phút khó khăn đó, Thánh Thần của Chúa Cha luôn luôn đồng hành, che chở và trợ giúp.
Giáo Hội luôn luôn bị bách hại, thời nào cũng có, mỗi thời mỗi hình thức khác nhau. Vì thế, con cái của Giáo Hội ít nhiều cũng bị bách hại chứ không phải chỉ riêng những người ra đi rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng. Chúng ta đang được tự do giữ đạo và sống đạo, nhưng có nhiều cuộc bách hại, cản trở chúng ta giữ đạo và sống đạo mà chúng ta không nhận ra. Có khi chúng ta lại thỏa hiệp với chúng, vì chúng đem lại lợi ích trước mắt cho chúng ta. Có thể gọi những cuộc bách hại này là những viên đạn bọc đường. Chúng sẽ giết chết đời sống thiêng liêng và đạo đức của chúng ta. Chẳng hạn tiền bạc bách hại chúng ta, khi chúng ta vì đồng tiền mà bỏ lễ Chúa Nhật. Sự an toàn bách hại chúng ta khi chúng ta vì nó mà không dám làm chứng cho sự thật, cho chân lý.
Ngay từ thời sơ khai, Giáo Hội đã bị bách hại. Trải qua suốt dòng lịch sử, Giáo Hội luôn luôn bị bách hại. Nhưng Giáo Hội vẫn tồn tại và phát triển không ngừng cho đến ngày hôm nay. Qua điều đó, chúng ta tin rằng Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn, thánh hóa và canh tân Giáo Hội, chúng ta càng xác tín vào điều Chúa hứa với Phêrô “trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy và không quyền lực âm phủ sẽ không thắng được” (Mt 16, 18).
Lạy Chúa, xin ban ơn soi sáng để chúng con biết nhận ra những cuộc bách hại tinh vi của thời đại hôm nay, cản trở chúng con giữ đạo và sống đạo, không cho chúng con thực hành Lời Chúa dạy. Đồng thời xin ban thêm lòng tin nơi chúng con, sự can đảm và lòng kiên trì để chúng con dám lội dòng nước ngược đối với những đòi hỏi của thế gian khi chúng con sống theo Tin Mừng.


Thứ bảy
Lời Chúa: Mt 10,24-33
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Môn đệ không hơn thầy, và tôi tớ không hơn chủ mình. Môn đệ được bằng thầy, tôi tớ được bằng chủ mình thì đã là khá rồi. Nếu họ đã gọi chủ nhà là Bêelgiêbul thì huống hồ là người nhà của Ngài. Vậy các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thốlộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.
"Các con đừng sợ kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn. Các con hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.
"Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽchối nó trước mặt Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời".


Suy niệm
Bài Tin mừng tường thuật về việc Chúa Giêsu khuyên các môn đệ đừng sợ trước thế gian và trước những thế lực bách hại khi loan báo Tin mừng. Hãy can đảm để tuyên xưng niềm tin của mình.
Dẫu cho trong công cuộc loan báo tin mừng luôn có những cuộc bách hại, nhưng người môn đệ vẫn tin chắc rằng: Thiên Chúa sẽ chứng kiến và lo cho, nên người môn đệ mạnh dạn tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu.
Xưng là làm chứng công khai, bằng hành động, và liên kết số phận mình với số phận Đức Giêsu, dầu phảiđổ máu. Tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Mêsia và là Chúa. Còn chối là nói: tôi không biết người ấy.
Xưng hay chối sẽ đưa đến hậu quả khác nhau. Những ai xưng Người thì Người sẽ thừa nhận họ là người nhà trước mặt Chúa Cha; còn những ai chối Người thì Người cũng sẽ chối họ trước mặt Chúa Cha, sẽ nói rằng “tôi không biết các ông”.
Ông Giuđa Ítcariốt và thánh Phêrô đã chối Chúa. Nhưng lại có kết quả khác nhau: ông Giuđa không biết ăn năn, không tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa nên đã đi tự tử. Còn thánh Phêrô đã được tha thứ, vì ông biết ăn năn hối cải.
Thiên Chúa không ép buộc, nhưng luôn để cho con người tự do chọn lựa. Chọn lựa đúng thì được đón nhận phần thưởng, chọn lựa sai thì phải nhận lấy hình phạt.

Lạy Chúa Giêsu, ơn đức tin thật là cần thiết cho chúng con, chỉ có đức tin mạnh mới đủ can đảm tuyên xưng niềm tin vào Chúa trước mọi thử thách, trước những cám dỗ của thế gian. Xin ban thêm đức tin cho chúng con, để suốt cuộc đời không bao giờ lìa xa Chúa, không bao giờ chối bỏ Chúa trước những lời mời gọi thấp hèn, nhưng luôn tin tưởng và tín thác vào Chúa.

Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

GIẢNG LỄ TẠ ƠN TÂN LINH MỤC

Trước khi chia sẻ lời Chúa trong thánh lễ tạ ơn hôm nay, em cháu xin chính trước 3 điều:
- Thứ nhất vẫn biết bà con giáo dân không thích các vị Linh Mục “giảng dài, giảng dai, mà lại dỡ”. Tuy vậy, với 1 khung cảnh của ngày đại lễ như hôm nay, em cháu xin được trình bày hơi dài một chút.
- Thứ hai vì tân LM hôm nay là cha cháu, nên những gì em cháu chia sẻ hôm nay không nhằm tôn vinh con người và sứ vụ LM, trái lại sẽ nói đến những thách đố trong đời sống của người mục tử.
- Thứ ba, xin cộng đoàn cho phép em cháu xưng hô bằng “tôi”.

Kính thưa quý cha, quý tu sĩ nam nữ,
Kính thưa quý thân nhân, quý khách và toàn thể cộng đoàn phụng vụ,
Nếu trong những ngày qua, tiếng ve đã râm rang gọi hè; những tia nắng vàng ban mai làm tan biến những hạt mưa đêm; những cánh hoa phượng rực rỡ khoe sắc màu trãi rộng lối đi…như là để tôn vinh cho một tình yêu rực cháy nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thì hôm nay, tại Họ đạo Bôna nằm bên dòng kinh Sáng hiền hòa của miền sông nước Miền Tây êm đềm, lại trở nên náo nhiệt bởi cờ hoa rực rỡ, tiếng chuông ngân vang, tiếng nhạc du dương và dòng người nô nức hướng về Giáo đường. Tất cả được cộng hưởng với nhau tạo nên 1 bầu khí tưng bừng nhằm hân hoan đón chào một sự kiện trọng đại “trăm năm có một”; sự kiện một người con tiên khởi của Họ đạo được Chúa thương chọn gọi làm Linh mục. Người con yêu quý của Họ đạo ấy giờ đây đang hiện diện trước mắt chúng ta. Tân LM. DENYS NGUYỄN VĂN NHỮNG. 
OBACE thân mến, sự kiện trọng đại này, có lẽ không phải được bà con Họ đạo Bôna chuẩn bị và đợi chờ trong mấy ngày qua, nhưng sự kiện này đã được bà con Họ đạo trông ngóng, đợi chờ cả hơn 1 thế kỷ nay. Hôm nay niềm vui mong đợi ngậm ngùi ấy đã trở thành hiện thực. Tất cả như ngỡ ngàng đến ngẹn lòng và vui mừng đến vỡ òa trong hạnh phúc, vì cuối cùng Họ đạo Bôna cũng được Chúa đoái thương nhìn đến. Từ nay Họ đạo “không còn mang tiếng là phận bạt duyên đơn”. Mà được gọi là “ái khanh lòng ta hỡi!”. Kể từ đây gánh nặng như một lời nguyền “quen tu ra” đeo đuổi suốt 127 năm như được trút bỏ! Để thay vào đó phải là một lời nguyện: “Bôna quên tu ra” cho tương lai!.
Vâng niềm vui lớn lao như một giấc mơ, nên có lời thơ rằng: “Bao năm thao thức mãi đợi chờ. Hôm nay vui đến ngỡ trong mơ…”.  Đúng vậy, chính vì niềm vui ngỡ như mơ này, mà hôm nay chúng ta có mặt nơi đây đông đảo để chia vui, chúc mừng và hiệp dâng thánh lễ tạ ơn cùng với tân chức, thật là một niềm vui chính đáng và phải đạo biết bao!
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, niềm vui của lễ tạ ơn hôm nay lại được diễn ra trong tháng 6, tháng mà GH kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, nghĩa là tôn kính tình yêu của Thiên Chúa đã trao ban chính người con duy nhất của Người là Đức Giêsu cho thế gian “để ai tin vào người Con ấy thì được cứu độ”. Tình yêu ấy được bày tỏ cách cụ thể qua dung mạo của Chúa Giêsu làm người. Nhất là qua cái chết đau thương của Người trên thập giá với trái tim bị đâm thâu, nước và máu trào tràn, khơi nguồn ân sủng các bí tích đem lại sự sống dồi dào cho nhân loại.
Cảm nhận trước tình yêu cao đẹp, vĩ đại của Thiên Chúa nơi Đức Kitô, nên trong bài đọc 1 Thánh Phaolô cho biết: ngài sẵn sàng chấp nhận mọi gian nan thử thách để gắn bó cho Tình Yêu Chúa,  cho dẫu phải hy sinh chính mạng sống mình, với lời xác quyết mạnh mẽ: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô?” . Với lời xác quyết đó, thánh nhân đã chịu rất nhiều đau khổ về thể xác lẫn tinh thần, trong sứ vụ của người mục tử.
- Trước hết là những đau khổ về mặt thể xác thánh nhân phải chịu:                                         
Đọc sách CVTĐ, chúng ta nhận thấy gần một phần ba (1/3) sách Công Vụ Tông Đồ kể chuyện Phaolô trong tù hay bị xử án. Rồi trong số 13 lá thư Ngài viết thì trong đó có đến 5 lá thư đã nhắc đến Ngài như một tù nhân. Cụ thể trong thư thứ 2 gửi cho tín hữu Côrintô, chính thánh Phaolô kể về những đau khổ Ngài chịu: “Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng. Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh!” (2 Cor 11:24-28).
Ngoài ra thánh Phaolô còn nói đến “cái dằm đâm vào thịt” của Ngài: Một số nhà thánh kinh cho rằng “cái dằm” này có thể chỉ những viết thương thể lí (như bệnh tật) mà Phaolô chịu, hay những vết thương tâm linh mà Phaolô gặp phải do Satan gây ra hoặc bởi sự chống đối của người khác. 
- Tiếp đến là những đau khổ về mặt tinh thần thánh nhân phải chịu:
Để ngắn gọn tôi xin nêu ra 4 đối tượng đã làm cho thánh nhân phải chịu nhiều đau khổ:
+ 1 là những Kitô hữu sống không đúng với tinh thần của Tin Mừng vì lối sống chia rẽ và buông thả theo xác thịt.
+ 2 là những Kitô hữu gốc Do thái luôn gây áp lực bắt dân ngoại phải chịu cắt bì và giữ luật Môisê.  
+ 3 là những người Do Thái nhiệt tình luôn tìm cách đàn áp sự lớn mạnh của người Kitô giáo.
+ 4 là chính quyền Rôma luôn tìm cách theo dõi để trấn áp những hoạt động của người Kitô giáo. 
Tóm lại để gắn bó mật thiết vào tình yêu Chúa Kitô trong sứ vụ loan báo tin mừng, thánh Phaolô phải chịu rất nhiều đau khổ cả xác lẫn tinh thần.

 ÔB ACE thân mến, với ước nguyện tháp nhập trái tim mình trong trái tim Chúa và gắn kết đời sống mình cho tình yêu Chúa nên tân LM Denys đã chọn lấy khẩu hiệu: “Ai có gì tách tôi ra khỏi tỉnh yêu Đức Kitô” làm phương châm cho đời sống và sứ vụ Linh mục của mình. Nhưng để gắn kết chặt chẽ vào tình yêu cao đẹp của Chúa Kitô trong sứ vụ của người Mục Tử, chắn chắn tân LM cũng phải đối mặt với nhiều thách đố như thánh Phaolô. Vậy đâu là những thách đố có thể xảy ra trong đời LM?
Theo cha. Anthony Đào Quang Chinh thì có 5+ thách đố trong đời LM:
1. Thách đố trước tiên là “muốn làm người bình thường mà không được.”
Làm cha, dĩ nhiên, được yêu mến, kính trọng, được dành chỗ đặc biệt trong nhà thờ, nhà hàng thì vui đấy; nhưng nếu thử tưởng tượng cứ ngồi vào chỗ dành riêng mãi thì vui thú gì đâu. Rồi ăn uống cũng giữ ý tứ, nói cũng cẩn thận, ngồi cũng nghiêm trang. Hàng trăm con mắt nhìn vào mình thì còn thích thú gì?
2. Thách đố thứ hai là cái khổ của “đời tôi cô đơn”. Các cha thường đùa với nhau: làm LM thì lúc nào cũng có nhiều cô yêu mến, nhưng chỉ được chung sống với 3 cô thôi: cô đơn, cô độc, cô liêu…Đúng thế,  một vị hồng y Việt nam đã nói rất chân tình: “Vào tiểu chủng viện, tôi mất một số bạn cũ tiểu học. Lúc lên đại chủng viện thì mất nhiều bạn thân ngoài đời. Sau ngày chịu chức linh mục, số bạn tâm giao, chỉ còn trên đầu ngón tay. Đến lúc làm giám mục thì coi như chẳng còn ai, vì chẳng ai muốn làm bạn với giám mục. Rồi khi lên hồng y thì coi như... hết đời. Hết bạn, hết bè, hết người nói chuyện!
3. Thách đố thứ ba là bị “quân Giu-Dêu” nó chửi mà mình lại không có quyền “chửi” lại chúng.  Bá nhân, bá tánh. Làm dâu trăm họ, có cách nào chiều được mọi người không? Dễ dãi quá thì sợ sai luật Giáo hội, luật địa phận, các bề trên quở trách. Đúng luật thì bị lên án là “làm phách”. Đương nhiên sau khi phật ý là bị chê bai ngay, mà chê bai thì luôn kèm theo tặng phẩm là quà nói xấu.
4. Thách đố thứ tư là bị thiên hạ vu vạ, cáo gian mà mình không có quyền tìm cách giải thích công khai. Bởi vì trên tòa giảng, cha nói về yêu thương, tha thứ, cầu nguyện cho kẻ thù, nên đến lúc có người vu khống thì biết làm sao, thanh minh, thanh nga thì còn rao giảng Tin Mừng gì nữa?
5. Thách đố thứ năm là dễ bị phân tích theo tiêu chuẩn rất chủ quan.  Có người đeo kiếng màu đen, có người đeo kiếng màu hồng. Người đeo kính màu hồng nhìn cha như thánh sống. Kính trọng cha quá mức đến phát ngượng. Người đeo kính màu đen lúc nào cũng chỉ thấy lỗi lầm chung quanh cha. Cho nên nếu thấy cha vui vẻ, cười cợt với người khác phái thì sợ cha dễ bị sa ngã. Thấy có người đưa tiền xin lễ hoặc biếu xén rộng rãi thì nghĩ rằng họ đang lợi dụng cha. Thấy cha thăm viếng thường xuyên một vài gia đình thì lo cha sẽ bị ảnh hưởng của họ. Hơn nữa có nhiều vấn đề gai góc làm quên ăn mất ngủ đến nhũng não thuộc phạm vi mục vụ, nhưng biết chia sẻ cùng ai, các ngài chỉ biết chạy đến than thở với Chúa, hay ôm lòng chịu đựng một mình thôi nên tóc bạc nhanh là vậy.
5+. Thách đố thứ 6 là bị bỏ rơi khi về hưu. Đa số các Linh Mục khi về hưu phải trải qua cuộc sống vô cùng bấp bênh và cơ cực. Khi còn phục vụ trong các họ đạo thì còn kẻ đón người đưa, còn có giáo dân vào ra thăm viếng, xin lễ hay biếu cái này cho cái nọ, chứ một khi đã về hưu rồi là xong, là hết người đưa đón và phải “đi sớm về khuya một mình”, là như món đồ “hết đát”, không ai xài nữa. Giống như một lon Coca Cola: Khi còn nước bên trong thì được người người nâng niu chiều chuộng, vì còn có thể làm dịu cơn khát của họ, nhưng khi người ta đã uống cạn nước thì bị bóp méo, bị vất đi và nằm lăn lóc ở các lề đường, chung số phận với đất bụi.
Có người đùa rằng: cuộc đời giáo sĩ phải trãi qua 5 chữ t: không phải là tiền, tình, tửu, tù, tội nhưng là tiến, tân, tìm, tan, và tàn. (tiến chức, tân chức, tìm chức, tan chức và tàn chức".
Dĩ nhiên, khi nói thế, tôi không có ý kể khổ với anh chị em, nhất là không có ý làm nản lòng tân LM, nhưng tôi chỉ muốn cho anh chị em hiểu rõ cuộc sống các Linh Mục dưới phương diện đời thường, để anh chị em thông cảm và nhất là để anh chị em thêm lời cầu nguyện cho các Linh Mục chúng tôi mà thôi. Đừng bao giờ lầm tưởng rằng làm Linh Mục là một hình thức “làm quan”,  là con đường tìm kiếm “vinh thân phì gia” theo kiểu trần thế, nhưng là con đường tận hiến cho Thiên Chúa và làm tôi tớ phục vụ hết mọi người, con đường xả thân hy sinh cho lợi ích các linh hồn. Tất nhiên, những hy sinh và từ bỏ như thế sẽ không hề vô ích. Thiên Chúa sẽ ban thưởng xứng đáng cho người tôi trung của Ngài (x. Mc 10,28-31) đó là niềm hoan lạc và sự an bình khôn tả của Thánh Linh.
Vậy, xin cộng đoàn cùng hợp ý với tân Linh Mục cảm tạ Thiên Chúa về Thánh chức Linh Mục cao cả mà Ngài đã thương ban; đồng thời xin anh chị em thêm lời cầu nguyện cho Tân chức hôm nay đang dấn bước vào con đường tình mang tên Giêsu. Xin dòng máu tình yêu từ thánh tâm CG tuôn tràn dồi dào vào con tim của tân LM để ngài đủ nhiệt quyết chu toàn tốt sứ vụ mục tử trong thời đại hôm nay có nhiều đổi thay. Amen.

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN-NĂM B Kn 1,13-15; 2,23-24; 2Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43 Suy niệm 1: ...