Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

Chúa chăn chiên lành

SUY TƯ VỀ NGƯỜI MỤC TỬ
( Ga 10,1-17)

Đoạn tin mừng này, Chúa Giêsu tự giới thiệu Ngài là vị mục tử nhân lành với những đặc tính sau:
Mục tử nhân lành “hy sinh” mạng sống mình cho đoàn chiên ( x Ga 10,11).
Mục tử nhân lành “biết” chiên của mình ( x Ga 10,14).
Mục tử nhân lành “ lo” cho chiên được sống dồi dào ( x Ga 10, 10).
Mục tử nhân lành “ tìm” chiên lạc và đưa chúng vào ràn. ( x Ga 10, 16).
Trong những đặc tính trên, có hai đặc tính nổi bật mà người mục tử cần phải có. Đó là “biết” chiên và “hy sinh” vì đoàn chiêm mình.

Người chăn chiên tốt lành phải là người “biết” rõ chiên mình
Biết từng con chiên một trong đàn. Biết khi nào chiên đói để cho ăn; khi nào chiến khát để cho uống. Biết con chiên nào lạc đàn để tìm về; con nào gặp nguy hiểm để tiếp cứu.
Người mục tử nhân lành còn biết cảm thương những con chiên đang trong tình trạng mệt mỏi để dắt dìu; biết yêu mến những chiên bệnh tật để tìm cách chữa trị.

Người chăn chiên tốt lành còn là người luôn sẵn sàng “hy sinh” cho đoàn chiên.
Hy sinh công sức, thời giờ để tìm đồng cỏ xanh tốt, tìm nguồn nuớc mát trong lành cho chiên uống.
Không quản khó nhọc tắm rửa cho chiên được sạch. Không ngại dậy sớm đưa chiên đi ăn, tối đưa chiên về nghỉ và hy sinh giấc ngủ canh giữ chu đáo đoàn chiên không để chúng hoảng sợ khi đối mặt với kẻ thù.
Người chăn chiên lành còn sẵn sàng liều mạng sống để chống lại thú dữ, kẻ trộm để bảo vệ cho đàn chiên mình được an toàn.

Đức Giêsu chính là vị mục tử nhân lành vì Ngài đã thi hành nhiệm vụ chăn chiên cách tuyệt hảo. Vì thế Ngài không ngần ngại tự xưng mình là Đấng Mục Tử nhân lành, chẳng những cho dân Israel mà cho toàn thể nhân loại ( x Ga 10,11-16). “Tôi chính là mục tử nhân lành, mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” ( Ga 10,11). “ Tôi chính là mục tử nhân lành, Tôi biết chiên của Tôi và chiên Tôi biết Tôi”. (Ga 10, 15).

Linh mục là người mục tử.

Nhờ bí tích truyền chức, linh mục trở nên “Alter Christus”  và được tham dự vào đức ái mục tử, tự hiến bản thân mình để phục vụ Hội Thánh theo gương hiến thân của Đức Kitô.
Như Đức Kitô đã cảm thương với dân chúng khi nhọc mệt, đuối sức ( x. Mt 9, 35-36; Ga 6, 15). Linh mục cũng phải biểu lộ lòng cảm thương của mình cách chân thành và cụ thể đối với mọi người mà mình gặp gỡ “ anh em hãy vui với người vui, khóc với người khóc” ( Rm 12, 15).
Như Đức Kitô đã yêu mến những con chiên lạc đàn và vui mừng khi tìm gặp ( x. Mt 18, 12-14; Ga 8,11). Linh mục cũng phải tìm đến những ngưuời đang sống trong cô đơn thất vọng; những người tội lỗi, nhất là những người không mấy cảm tình với Giáo Hội… vì họ cũng là đối tượng của lòng thương xót Thiên Chúa. “ Con Người đến để tìm và cứu chữa những gì đã hư mất.” ( Lc 19,10).
Như Đức Kitô hằng biết rõ và gọi tên từng người một (x. Ga 10, 3). Linh mục phải nỗ lực quan tâm và phục vụ từng người trong họ đạo mình, không loại trừ một ai.
Như Đức Kitô đã hy sinh hiến thân vì tình yêu nhân loại ( x Ga 10, 15). Linh mục cũng hãy yêu thương chăm sóc cộng đoàn mà Chúa trao phó. Vị người mục tử nhân lành không chỉ dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi và suối mát ( x TV 23,22) mà còn phải nuôi dưỡng đàn chiên bằng chính sự sống mình qua việc hiến tế theo gương Chúa Giêsu. ( x. Ga 6, 56). Để có thể nói rằng: “ Ta đến để chiên được sống và sống dồi dào” ( Ga 10,10).

Như ngọn nến cháy hao mòn theo tháng ngày để chiếu giãi ánh sáng; như hạt lúa mục nát để phát sinh sự sống mới. Linh mục cũng phải chấp nhận tiêu hao đời mình từng giây phút để phục vụ cộng đoàn dân Chúa.
Người linh mục giống Đức Kitô thì không trách khỏi qui luật “ vượt qua” (chết để được sống). ( x Ga 12, 25). Chính thánh Phanxicô Assisi cảm nghiệm quy luật này và đã thốt lên những lời nghịch lý trong bài ca bất hủ: “ Chính lúc hiến thân là khi được nhận lãnh… Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.
Nhưng để thực hiện được vai trò người mục tử nhân lành, linh mục phải có Đức Ái Mục Tử vì đó là nguyên lý và động lực thúc đẩy linh mục sống xứng danh vai trò mục tử của mình.
Lạy Chúa Giêsu là mục tử tối cao, chúng con là những linh mục bước theo Chúa trong vai trò người mục tử.
Xin cho trái tim con thuộc thuộc về Chúa và thuộc về mọi người.
Xin cho trái tim con biết yêu bằng tình yêu hiến dâng.
Xin cho trái tim con mở rộng đủ lớn để chứa mọi người và từng người một.
Xin cho con có trái tim của Chúa để con say mê Chúa và say mê con người.
Xin cho con luôn yêu Chúa để khi yêu Chúa con sẵn sàng hy sinh đời mình bảo vệ đoàn chiên và dẫn đưa đoàn chiên đến với Chúa là nguồn sống đích thực. Amen.

Chúa Nhật IV Phục Sinh
Mục tử nhân lành là một hình ảnh rất đẹp ở xứ Palestin. Danh xưng mục tử nhân lành không phải là tôn danh người ta gán cho Chúa Giêsu để ca tụng Ngài, nhưng đây chính là mạc khải của Chúa Giêsu cho biết Ngài là ai. Ngài là mục tử chính hiệu, mục tử thứ thiệt, mục tử nhân lành đúng nghĩa :
- Mục tử nhân lành là mục tử biết rõ đàn chiên :
Ngài biết rõ từng con chiên. Biết theo nghĩa Thánh kinh, tức là không phải chỉ biết trên lý thuyết, biết theo con số, nhưng là biết tường tận từng đặc điểm, từng tính cách của mỗi con chiên và Ngài có thể gọi tên từng con một, dẫu đàn chiên của Ngài là vô cùng đông đảo. Tương quan giữa Ngài và đàn chiên là rất gần gũi và mật thiết. Đàn chiên trở nên lẽ sống của Ngài.
Ngài gọi tên rồi đi trước dẫn đường cho đàn chiên theo sau. Ngài đi trước chứ không phải đi sau để “lùa”. Chiên đi sau cũng có nghĩa là chúng được Ngài cho tự do để có thể theo hoặc không theo Ngài. Ngài đi trước bằng lời nói, bằng việc làm. Ngài đi trước bằng gương sáng phục vụ cách tận tuỵ.
- Mục tử nhân lành là mục tử yêu thương đàn chiên :
Ngài không chăn dắt bằng quyền uy và bạo lực như những mục tử trong Cựu Ước. Ngài cũng không chăn dắt kiểu tắc trách, gặp chăng hay chớ như những kẻ chăn thuê. Ngài chăn dắt hoàn toàn bằng tình yêu và trách nhiệm. Tình yêu được thể hiện đặc biệt ở chổ : đối với những con chiên đau yếu, Ngài tận tuỵtận tình băng bó; những con chiên lạc đàn, Ngài tận lực kiếm tìm; những con chiên có nguy cơ làm mồi cho sói hùm, Ngài tận trung canh giữ… Ngài chưa thể an giấc, bao lâu còn những con chiên bị yếu đau, thương tích. Ngài chưa thể an phận, bao lâu còn những con chiên ngơ ngác lạc đàn. Ngài chưa thể an tâm, bao lâu còn những con chiên hoang đàng đùa giỡn trước nanh vuốt của ác thú. Mục tử nhân lành là thế, và nhất là Ngài còn sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên. chạy chữa; những con chiên thương tích, Ngài
- Mục tử nhân lành là mục tử hiến mạng vì đàn chiên :
Thường tình thì chủ chiên bắt các con chiên hiến lông, hiến thịt, hiến sữa và cả hiến mạng cho mình. Hiếm có trường hợp ngược lại. Đây là điểm khác biệt rõ nét giữa mục tử nhân lành và người chăn thuê. Chỉ có mục tử chính hiệu Giêsu nhân lành mới sẵn sàng tự nguyện hiến mạng cho đàn chiên. Ngài hiến mạng để bảo vệ sự hiệp nhất cho đàn chiên. Ngài hiến mạng để cho đàn chiên được sống và sống  dồi dào. Nói cách khác để đàn chiên có được sự hệp nhất và sự sống sung mãn, Chúa Giêsu đã phải trả bằng chính giá máu của mình. Đây là đỉnh cao của tình yêu mà Ngài dâng hiến cho đàn chiên.
Là những Kitô hữu, chúng ta được mời gọi trở nên những con chiên tốt lành của Chúa Kitô, Vị Mục Tử Nhân Lành, mục tử chính hiệu. Trở nên tốt lành qua hai tương quan tình yêu :
+ Tương quan với người mục tử : biết – nghe – đi theo. Biết mục tử của mình là Đấng đã yêu thương và hiến mạng sống vì mình. Biết qua Lời của Chúa, qua Phụng vụ các Bí tích, qua cầu nguyện…. Nghe theo tiếng người mục tử, tiếng mang lại hạnh phúc đời đời, chứ không nghe tiếng người lạ. Đi theo mục tử của mình, chứ không đi theo người lạ, kẻ trộm hay sói dữ. Nếu chiên mà nghe và đi theo người lạ thì sẽ bị lạc; nghe và đi theo kẻ trộm sẽ bị bắt; nghe và đi theo sói dữ sẽ bị ăn thịt. Chỉ khi biết nghe và đi theo chủ mình thì mới có sự sống đích thực. Vì chỉ có chủ chiên mới đưa đàn chiên tới những nơi có đồng cỏ xanh tươi, có suối nước mát lành.
+ Tương quan với các con chiên khác : hiệp nhất trong yêu thương, phục vụ trong quên mình. Biết, nghe và đi theo chủ chiên, con chiên cũng phải biết yêu thương hiệp nhất trong đàn chiên nữa. Chiên không thể cấu xé nhau, hay mạnh con nào con đó sống. Trái lại các con chiên khoẻ mạnh phải biết phục vụ nâng đỡ các con chiên ốm yếu theo gương của chủ mình. Sẽ không thể nào có một đàn chiên duy nhất, nếu các con chiên không hoà hợp với nhau, không yêu thương nâng đỡ nhau. Sẽ không thể nào trở nên gương sáng cho các con chiên khác không thuộc về đàn noi theo, nếu đàn chiên không biết hy sinh phục vụ lẫn nhau theo tinh thần của người mục tử nhân lành.
Trong ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành hôm nay, chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì hồng ân được thuộc về đàn chiên của Người. Đồng thời hãy xin Chúa giúp mỗi người chúng ta luôn biết trung thành nghe và đi theo vị Mục Tử Tuyệt Hảo là chính Đức Giêsu Kitô, qua các các vị chủ chăn đại diện cho Ngài ở trần gian. Xin Chúa cũng gởi thêm cho chúng ta nhiều mục tử nhân hậu biết noi gương Đức Kitô : hết lòng yêu thương và sẵn lòng hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên được Chúa trao phó. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...