Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

CHÚA NHẬT MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ

MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
(lễ thiếu nhi)

Dẫn
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội long trọng mừng kính lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Mừng kính thánh lễ hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta tìm hiểu và suy niệm sâu xa hơn về bí tích Thánh Thể, nhờ thế chúng ta thêm hiểu biết và yêu mến Thánh Thể Chúa hơn.
Giờ đây chúng ta hãy khiêm tốn nhìn nhận những lầm lỗi, thiếu sót và xin ơn tha thứ của Chúa để xứng đáng cử hành mầu nhiệm Thánh.

Chia sẻ
Mừng kính trọng thể  lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô hôm nay, là dịp thuận tiện để cha cùng với các con ôn lại đôi chút giáo lý về Bí Tích Thánh Thể mà Giáo Hội chỉ dạy chúng ta.
1. Các con cho cha biết: Ai đã lập Bí Tích Thánh Thể?
- Chúa Giêsu.
2. Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể khi nào?
- Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly trước khi Người chịu chết.
3. Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể như thế nào?
- Đang trong bữa ăn, Người cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng tạ ơn rồi bẻ ra trao cho các môn đệ mà phán: “Này là mình Ta, các con hãy cầm lấy mà ăn”. Sau đó, Chúa Giêsu cầm lấy chén rượu nho, tạ ơn Chúa Cha rồi trao cho các môn đệ và nói: “ Các con hãy nhận lấy mà uống, này là máu Ta, Máu tân ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội” ( Mt 26, 26-28; Lc 22, 17-20). Khi ấy bánh và rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa.
4. Vì ý gì Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể?
- Vì yêu thương chúng ta và muốn ở với chúng ta mãi nên Chúa Giêsu đã dùng chính Mình Máu Người làm của ăn thức uống để nuôi dưỡng linh hồn bổ dưỡng thân xác nhắm giúp chúng ta đủ sức tiến bưóc trên hành trình đi về nhà Cha.
5. Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể mấy lần?
- Chúa Giêsu chỉ lập bí tích Thánh Thể một lần, nhưng Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho các tông đồ: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” ( Lc 22, 19). Qua đây Chúa Giêsu truyền lệnh cho Hội Thánh cử hành bí tích Thánh Thể mà tưởng nhớ đến Chúa.
6. Giáo Hội cử hành bí tích Thánh Thể khi nào?
Chính khi cử hành thánh lễ là Giáo Hội cử hành bí tích Thánh Thể.
7. Khi nào bánh rượu trở nên Mình Máu Chúa?
Trong thánh lễ, khi linh mục chủ tế đọc lời truyền phép trên bánh và rượu lúc ấy bánh rượu liền trở nên Mình và Máu Thánh Chúa.
8. Chúa Giêsu yêu thương muốn ở với chúng con. Vậy các con có muốn rước Chúa vào lòng để ở cùng chúng con không?
- Muốn.
9. Muốn rước Chúa vào lòng thì phải có những điều kiện gì?
- Sạch tội trọng, có ý ngay lành, giữ chay một giờ trước khi rước Chúa.
10. Rước Chúa thì được những ơn ích gì các con?
- Được kết hợp mật thiếu với Chúa Giêsu và với nhau.
Xóa bỏ các tôi nhẹ và gia tăng ơn thánh hóa.
Có sức chống trả chước cám dỗ.
Bảo đảm cho ta được sống đời đời.
Các con thân mến, Chúa Giêsu yêu thương chúng ta đến hy sinh thân mình để trở nên Mình Máu Thánh nuôi sống chúng ta. Chúng ta xin Chúa cho chúng ta biết đáp lại tình yêu Chúa bằng việc chăm học giáo lý, siêng năng tham dự thánh lễ và luôn giữ tâm hồn trong sạch để dọn mình rước Mình Máu Thánh Chúa cho xứng đáng.

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

SỐNG LỜI CHÚA TUẦN XII THƯỜNG NIÊM A

Thứ hai (Mt 7, 1-5)

Dẫn
Chúa dạy chúng ta: “Các con phải nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành”. Tuy nhiên Chúa không muốn chúng ta tự cao, tự đại cho mình tốt lành thánh thiện hơn người khác rồi lên mặt dạy đời, xét đoán và lên án người khác.
Xin cho chúng ta biết khiêm tốn nhận mình còn nhiều yếu đuối, thiếu sót và lầm lỗi để biết lo sửa đổi mỗi ngày nên hoàn thiện hơn, hầu xứng đáng là con của Chúa.

Chia sẻ
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta: “ anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán”.
Tâm lý tự nhiên trong chúng ta là thích xét đoán người khác. Lý do bởi vì:
- Ta luôn nghĩ mình hay hơn, tốt hơn, giỏi hơn người khác.
- Do tính ác nằm sẵn trong người ta. Tuân tử nói: Nhân tri sơ tính bản ác.
- Ta thích chà đạp và hạ bệ người khác nhằm để tự nâng bốc mình lên.
Thật vậy khi xét đoán ai, tức là chúng ta đặt mình lên trên người ấy, và muốn mọi người tôn vinh ca ngợi ta.

Sở dĩ Chúa Giêsu dạy chúng ta chứ nên xét đoán người khác là bởi vì:
- Quyền xét đoán là quyền của Thiên Chúa: “ Chỉ có một Đấng ra lề luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn ngươi là ai mà dám xét đoán người thân cận?” ( Gc 5, 12 ).
- Nhân vô thập toàn, là con người ai cũng có những thiếu sót và tội lỗi, lắm khi tính hư nết xấu và tội lỗi chúng ta còn lớn hơn người khác. Do đó Chúa Giêsu khuyên chúng ta nên để ý đến cái “xà” trong mắt của mình hơn là quan tâm đến cái “rác” trong mắt anh em. Và hãy lưu tâm lấy cái “xà” trong mắt mình trước đã hơn là chỉ lo lấy cái “rác” trong mắt anh em.
-  “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán”. “Cầm đuốt mà rê chân người”; “ Bới lông tìm vết, vạch lá tìm sâu”, bươi móc lầm lỗi người khác rồi kết án buộc tội thì đáng bị Thiên Chúa kết án.
Xin cho chúng ta đừng bao giờ tước quyền của Thiên Chúa để xét đoán và lên án anh em mình, cũng đừng bao giờ đồng lõa hùa theo người khác để rồi nói xấu và dạy đời người khác. Trái lại cho chúng ta biết can đảm nói điều tốt lành cho anh em, nhất là những người vắng mặt  Làm thế ta sẽ được Thiên Chúa ghi công. Bởi vì “ anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy”.

Thứ ba (7, 6. 12-14)

Dẫn
Con tim chỉ vui trở lại, hy vọng và tình yêu chỉ được thắp sáng và tâm hồn được biến đổi thành một người mới khi tôi biết sống hy sinh và cho đi. Đó là sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta.

Chia sẻ
Truyện kể:
Hai hạt giống cùng nằm trên một mảnh đất màu mỡ.
Hạt giống đầu tiên nói: “Tôi muốn lớn lên! Tôi muốn rễ của tôi phải ăn sâu xuống lòng đất, mầm của tôi sẽ vươn lên vỏ đất cứng bên trên…Tôi muốn giương nhành lộc non như tấm băng rôn báo hiệu xuân về… Tôi muốn cảm nhận cái ấm áp của mặt trời chảy dài trên khuôn mặt, và cái tinh khiết của sương mai trên những cánh hoa.
Và cô ta lớn lên …
Hạt giống thứ 2 nói “ Hmmm, nếu rễ của tôi ăn sâu xuống đất, tôi không biết tôi sẽ đụng phải thứ gì trong bóng tối. Nếu tôi vươn mầm qua lớp đất cứng, cái mầm mịn màng của tôi có lẽ sẽ bị hủy hoại … chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi để lộc non xuất hiện và sâu bọ có ăn chúng? Và nếu tôi nở hoa, một đứa trẻ nào đó sẽ ngắt tôi khỏi đất. Không, tốt hơn là tôi nên chờ cho tới khi an toàn.
Và rồi cô ta chờ …
Một con gà mái đang đào bới xung quanh tìm thức ăn và phát hiện ra hạt giống đang nằm chờ, thế là gà ta ăn ngay hạt giống ấy.
Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho vườn hoa cuộc đời thêm tươi đẹp - đó là sự chọn lựa của hạt giống thứ hai.

Tự nhiên ai trong chúng ta cũng thích sống an nhàn và tìm tư lợi cho mình. Nhưng đó không phải là điều Chúa muốn: “ Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng phải làm cho người ta”.
Trong cựu ước chỉ dạy: “ Đừng làm cho người khác điều chính mình không thích” (Tb 4, 16). Lời dạy này còn mang tính thụ động và tiêu cực không phù hợp với lời dạy của Chúa Giêsu.
 Vì sợ bóng tối, hạt giống thứ hai đã không đâm rễ vào lòng đất nên chẳng bao giờ nhìn thấy được ánh sáng.
Cũng vậy, không thích bóng tối không có nghĩa là không gieo bóng tối. Vì chưa hẳn không gieo bóng tối là có ánh sáng. Muốn có ánh sáng phải gieo ánh sáng.
Vì lo sợ đất cứng, sâu bọ và lũ trẻ làm hại nên hạt giống thứ hai đã thụ động tìm sự an toàn, cuối cùng rồi cũng bị hủy diệt.
Cũng vậy tránh điều dữ cũng chưa hẳn tìm được điều lành. Muốn có điều lành cần phải làm những việc lành.
Không ai là một hòn đảo. Sống là sống với, sống cùng, sống vì và sống cho người khác. Khi sống cho người khác đòi hỏi chúng ta phải hy sinh, chịu thiệt thòi và mất mác, phải đi vào con đường hẹp. Nhưng đó lại là con đường dẫn đến sự sống.
Sự sống ở đây không đơn thuần là tồn tại dưới hình thức vật chất, vì không có vật chất nào không theo quy luật: sinh ra, lớn lên và bị tiêu diệt; sự sống ở đây chính là cõi vĩnh hằng, là dẫu có chết đi, nhưng với mọi người xung quanh, bạn chưa từng chết, bạn không bao giờ chết, bạn tồn tại trong trái tim mỗi người và trong tình yêu của Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta biết khôn ngoan chọn cho mình một con đường hẹp. Đó là con đường của thập giá hy sinh. Con đường vị tha, sống vì anh em bằng tấm lòng yêu mến cho dẫu phải gặp nhiều gian lao thử thách và đau khổ. Nhưng chúng ta hằng tin rằng đó là con đường dẫn chúng ta đến ánh sáng của niềm vui, hạnh phúc và sự sống đời đời.
Thứ tư (Mt 7, 15-20)
Dẫn
Lòng dạ con người tỏ hiện ra bên ngoài bằng việc họ làm chứ không phải điều họ nói. Người đời thì thường nói một đàng làm một nẻo.
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cảnh cáo và lên án những ai nói một đàng làm một nẻo; đồng thời cũng mời gọi chúng ta biết nỗ lực thống nhất đời sống, nghĩa là thống nhất giữa “cái là” và “cái làm”.
Chia sẻ
- Thông tin cho biết những tháng gần đây đã xuất hiện nhiều loại thực phẩm giả trên thị trường Việt Nam: Hột gà giả, gạo giả, thịt bò giả, rượu giả…
Trên đài truyền hình VTV1 cách đây ít ngày thông tin cho biết, công an đã bắt được một số lượng lớn tiền giả Việt Nam đồng, được vận chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Không chỉ thực phẩm giả, tiền giả trôi nổi trên thị trường mà vàng giả  vẫn bày bán khắp nơi. Nhiều cô làm le đeo quằn cả tay, cứ tưởng là vàng thật ai ngờ là vàng giả trăm phần trăm.
- Nhưng hàng giả không nguy hiểm cho bằng người giả.
Với kỹ thuật giải phẫu thẩm mỹ và trang điểm như hiện nay, người ta có thể biến một người xấu xí già nua trở trở nên xinh đẹp và trẻ trung lạ thường, bằng cách: đội tóc giả, gắn mi răng giả, độn ngực mông giả…Người ta cònthể làm cho anh chàng đực rựa “trăm phần trăm”  thành cô gái y như thật.
- Thế nhưng cái giả bên ngoài không đáng sợ bằng sự giả dối bên trong của con người.
Chẳng hạn để khoe khoang với bè bạn, để dễ dàng trong công ăn việc làm, cũng như để luồn lách vào chức vụ nọ chức vụ kia, người ta có thể bỏ tiền ra mua một cái bằng…phó tiến sĩ giả, để hù dọa bà con lối xóm.
Người ta cũng có thể mượn danh làm công an giả, cán bộ giả, thậm chí cả linh mục giả để dối gạt thiên hạ, ẵm về cho mình những món tiền lớn và những lợi nhuận kếch xù.
 Người ta sẵn sàng mượn tạm danh nghĩa, lợi dụng những chức vụ giả tổ chức gây quỹ từ thiện nhằm móc túi  những nhà hảo tâm.
Họ là những kẻ nghĩ thế này, nói thế kia, nói một đàng làm quàng một nẻo. Tư tưởng không đi đôi với lời nói, còn lời nói thì không đi đôi với việc làm. Tư tưởng, lời nói và việc làm của họ không còn trong suốt như pha lê. Không còn hợp nhất với nhau.
Đúng như Chúa Giêsu nói trong bài tin mừng hômn nay: “ Họ là những ngôn sứ giả đội lốt chiên mà đến với chúng ta”. Và lưu ý chúng ta phải cẩn thận đề cao cảnh giác những hạng người ấy.
Xin cho chúng ta biết can đảm sống thật với mình với người và với Chúa. Vì sự thật sẽ giải thoát chúng ta.

Thứ bảy (Mt 8,5-17)

Dẫn
Tình thương ơn cứu độ của Chúa là phổ quát dành cho hết mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc hay tôn giáo. Tuy nhiên để đón nhận được tình thương và ơn cứu độ của Chúa đòi hỏi con người phải có đức tin. Đó là sứ điệp lời Chúa hôm nay gởi đến chúng ta.

Chia sẻ
Tin mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu yêu thương và cứu chữa nhiều người, không phận biệt họ là ai.
Tiêu biểu là việc Chúa Giêsu chữa lành người đầy tớ tê bại của viên đại đội trưởng, nhờ lòng tin mạnh mẻ của ông ta.
Cất bước ra đi khỏi mái nhà tiện nghi êm ấm để lên đường tìm Đức Giêsu là bằng chứng của một niềm tin.
Thốt lên lời nài xin cùng Đức Giêsu về nhu cầu mình cần trong khiêm tốn là dấu chứng của lòng tin cậy.
Nhận thân phận và ngôi nhà mình bất xứng không đáng Chúa ngự đến, thể hiện lòng khiêm nhường thẳm sâu và niềm tin tuyệt đối vào quyền năng của Chúa nơi Đức Giêsu.
Niềm tin này đã được Chúa Giêsu xác nhận qua lời tuyên bố mạnh mẽ: “Tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế”.
Chính lòng khiêm nhường thẳm sâu và niềm tin tưởng tuyệt đối của viên đại đội trưởng đã được Chúa Giêsu đón nhận qua việc Chúa đã cứu chữa tên đầy tớ của ông ta được lành bệnh.
Lòng tin tưởng phó thác của viên đại đội trưởng khiến chúng ta nhớ đến lòng tin phó thác của Đức Maria nhân ngày thứ bảy hôm nay. Với lòng tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, Đức Mẹ đã sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc đời, dù phải trải qua bao là thử thách.
Trên hành trình bước theo Chúa, niềm tin của chúng ta cũng phải đối diện với biết bao là chông gai thử thách. Xin cho chúng ta luôn kiên vững niềm tin vào Chúa như Đức Maria và mạnh mẻ thể hiện niềm tin của mình như viên đại đội trưởng, nhờ thế chúng ta sẽ được Chúa yêu thương đón nhận và cứu chữa.

CHÚA NHẬT CHÚA BA NGÔI

LỄ CHÚA BA NGÔI
(giới thiếu nhi)
Dẫn
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội long trọng mừng kính mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Một Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần. Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi là một trong ba mầu nhiệm chính trong đạo vì mầu nhiệm này ảnh hưởng quan trọng trên đời sống đức tin của chúng ta.
Nhưng hình như trong đời sống đạo chúng ta ít quan tâm tìm hiểu và sống tâm tình của mầu nhiệm này.
Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta xin cho lời Chúa soi sáng cho chúng ta hiểu rõ hơn về mầu nhiệm này, và xin Chúa giúp ta sống tinh thần của mầu nhiệm này cho xứng đáng.

Chia sẻ
1. Chúa nhật hôm nay, chúng ta và Giáo Hội toàn cầu mừng kính mầu nhiệm nào?
- Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Một Chúa nhưng có Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi nhưng chỉ có một Chúa. Ba Ngôi bằng nhau không ngôi nào hơn ngôi nào kém.

2. Hội thánh dạy chúng ta có mấy mầu nhiệm chính trong đạo?
- Có ba mầu nhiệm chính trong đạo: Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người, mầu nhiệm Ngôi Hai cứu chuộc.
3. Ai dạy cho ta biết mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi?
- Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta biết mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi.
4. Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta biết mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi khi nào?
-  Trước khi về trời, Chúa Giêsu dạy các tông đồ: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”( Mt 28,19).
5. Trong tin mừng có chổ nào diễn tả về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi Không?
-  Đọc Tin Mừng, chúng ta gặp thấy nhiều hình ảnh và lời nói trình bày về mầu nhiệm Ba Ngôi:
Khi Sứ thần Gabriel đến báo tin cho Đức Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ che chở bà, vì thế Hài Nhi bà sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Những lời đó cho biết: Đấng Tối Cao là Chúa Cha. Đấng quyền năng là Chúa Thánh Thần sẽ làm Đức Maria thụ thai và sinh hạ. Hài Nhi sinh ra là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.
Hình ảnh đặc trưng nhất là khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, chim bồ câu ngự xuống đậu trên Ngài (Ga1,32-34). Tiếng Chúa Cha tuyên phán : Con là con Ta yêu dấu (Mt 1,11).Tiếng nói, chim câu,Chúa Giêsu, ba hình ảnh này tạo nên chân dung sống động về Ba Ngôi.
Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu hứa với các tông đồ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bàu Chữa khác, đó là Thần Khí sự thật…” Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban Đấng Bàu Chữa là Thần Khí sự thật, nghĩa là Chúa Thánh Thần cho các môn đệ.
Đức Kitô mặc khải : “Ai thấy ta là thấy Cha…Cha và Ta là một….Ta sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác để ở cùng anh em luôn mãi”
Thánh Phaolô luôn cầu chúc: Ân sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em.
6. Tại sao Giáo Hội cho rằng: Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm?
- Vì đây là điều vượt trên trí năng suy luận và hiểu biết của con người. Con người chúng ta không thể dùng bất cứ hình ảnh  hay ngôn từ nào để có thể diễn tả hết về mầu nhiệm này.
7. Thông thường khi diễn tả mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, người ta dùng đến những hình ảnh nào?
- Có người dùng tam giác đều. Có ba cạnh bằng nhau làm nên một tam giác.
- Có người dùng ngón tay. Ngón tay có ba đốt trên cùng một ngón tay.
- Có người diễn tả mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi bằng nước ở ba thể: lõng, đặc và hơi.
- Người ta cũng có thể diễn tả mầu nhiệm này như là: Mặt trời, ánh sáng và sức nóng. Mặt trời là Chúa Cha, từ mặt trời có ánh sáng là Chúa Con, từ đó sinh ra sức nóng là Chúa Thánh Thần…
Dù chúng ta có đưa ra nhiều hình ảnh để nói về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi cũng sẽ không bao giờ diễn tả hết về mầu nhiệm này. Vì Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm nên chúng ta không bao giờ hiểu thấu được. Sở dĩ chúng ta biết được là vì chính Chúa đã tỏ lộ cho chúng ta.
Không riêng về các mầu nhiệm trong đạo mà còn nhiều điều trong cuộc sống trí khôn chúng ta cũng không bao giờ hiểu thấu được
Để diễn tả các điều khó hiểu của cuộc sống, cha ông ngày xưa mới đố nhau : Đố ai biết lúa mấy cây, biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng. Đố ai quét sạch lá rừng, để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.
Có lẽ trong tất cả mọi điều khó hiểu của cuộc sống con người thì tình yêu là khó hiểu nhất.
Chỉ nguyên định nghĩa tình yêu thôi cũng đủ để hao tổn bao công sức và giấy mực qua các thời đại mà vẫn không có được một định nghĩa diễn tả trọn vẹn ý nghĩa. Và vì không có được một định nghĩa nên người ta mới coi tình yêu như là mầu nhiệm. Thế nhưng, mầu nhiệm tình yêu có đáng là gì so với các mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Tuy trí khôn con người thì quá nhỏ bé không tài nào hiểu về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi nhưng con tim của chúng ta lại đủ to lớn để yêu mến Ngài. Thực vậy, Chúa Giêsu đã tỏ lộ không phải để chúng ta hiểu thấu, nhưng để chúng ta yêu mến.
Trước hết, con tim chúng ta đủ to lớn để ca tụng ngài.
Mỗi khi hát: Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời. Mỗi khi đọc: Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Mỗi khi làm dấu thánh giá, là chúng ta ca tụng và thờ lạy Chúa Ba Ngôi.
Hơn thế nữa, con tim chúng ta cũng đủ to lớn để cảm tạ Chúa Ba Ngôi.
Vậy Ngài đã làm gì cho chúng ta?
Chúa Cha đã tạo dựng nên chúng ta ngay khi chúng ta còn chưa cất tiếng khóc chào đời.
Chúa Con đã dùng cái chết trên Thập giá để cứu chuộc chúng ta.
Và Chúa Thánh Thần luôn thánh hóa chúng ta.
Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa.
Nhờ bí tích Thêm sức, chúng ta trở nên những người lính chiến của Chúa Thánh Thần.
Nhờ bí tích Giải tội, chúng ta được tẩy sạch mọi tội lỗi. Vì thế, chúng ta phải cảm tạ và yêu mến Chúa Ba Ngôi.
Thứ đến, trái tim chúng ta cũng đủ to lớn để cho Chúa Ba Ngôi ngự trị.
Thiên Chúa không ngự trên chốn trời cao, xa cách ngàn trùng. Trái lại, Ngài sống trong chúng ta, Ngài ở cùng chúng ta và chúng ta là đền thờ sống động của Ngài. Mỗi khi tâm hồn chúng ta sạch tội trọng, Chúa Ba Ngôi sẽ ngự trị và trao ban cho chúng ta sự sống thầm linh, sự sống ân sủng, nhờ đó, chúng ta thuộc về gia đình của Thiên Chúa.
Sau cùng, trái tim của đủ lớn để sống yêu thương như Chúa đã yêu chúng ta.
Yêu thương như Chúa yêu là cho đi: “ Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian”.
Yêu thương như Chúa là làm cho sống và sống dồi dào: “ … để ai tin vào Con của Ngài thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời”.
Yêu thương như Chúa là tha thứ: Thiên Chúa mạc khải cho Môisen biết Ngài là : “ Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, nhẫn nại, giàu ân nghĩa và thành tín”.
Yêu thương như Chúa yêu là ở chung, sống chung, đi chung. Môisen đã nài xin và được Thiên Chúa chấp nhận: “ Dám xin Chúa cùng đi đường với chúng con”.
Thánh Phaolô cũng cho tín hữu Côrintô biết Thiên Chúa “ sẽ ở trong anh em.”.
Chúng ta không mong muốn thấu hiểu hết về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Nhưng xin cho chúng ta biết sống mầu nhiệm này cho xứng đáng.
Đó là biết chúc tụng và tôn vinh danh thánh Ba Ngôi Thiên Chúa không ngừng. Biết siêng năng cảm tạ tình thương Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho chúng ta cũng như luôn gìn giữ tâm hồn trong sạch để xứng đáng là nơi Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị. Nhất là biết sống theo mẫu gương tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.





  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...