Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

CHÚA NHẬT CHÚA BA NGÔI

LỄ CHÚA BA NGÔI
(giới thiếu nhi)
Dẫn
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội long trọng mừng kính mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Một Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần. Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi là một trong ba mầu nhiệm chính trong đạo vì mầu nhiệm này ảnh hưởng quan trọng trên đời sống đức tin của chúng ta.
Nhưng hình như trong đời sống đạo chúng ta ít quan tâm tìm hiểu và sống tâm tình của mầu nhiệm này.
Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta xin cho lời Chúa soi sáng cho chúng ta hiểu rõ hơn về mầu nhiệm này, và xin Chúa giúp ta sống tinh thần của mầu nhiệm này cho xứng đáng.

Chia sẻ
1. Chúa nhật hôm nay, chúng ta và Giáo Hội toàn cầu mừng kính mầu nhiệm nào?
- Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Một Chúa nhưng có Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi nhưng chỉ có một Chúa. Ba Ngôi bằng nhau không ngôi nào hơn ngôi nào kém.

2. Hội thánh dạy chúng ta có mấy mầu nhiệm chính trong đạo?
- Có ba mầu nhiệm chính trong đạo: Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người, mầu nhiệm Ngôi Hai cứu chuộc.
3. Ai dạy cho ta biết mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi?
- Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta biết mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi.
4. Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta biết mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi khi nào?
-  Trước khi về trời, Chúa Giêsu dạy các tông đồ: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”( Mt 28,19).
5. Trong tin mừng có chổ nào diễn tả về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi Không?
-  Đọc Tin Mừng, chúng ta gặp thấy nhiều hình ảnh và lời nói trình bày về mầu nhiệm Ba Ngôi:
Khi Sứ thần Gabriel đến báo tin cho Đức Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ che chở bà, vì thế Hài Nhi bà sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Những lời đó cho biết: Đấng Tối Cao là Chúa Cha. Đấng quyền năng là Chúa Thánh Thần sẽ làm Đức Maria thụ thai và sinh hạ. Hài Nhi sinh ra là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.
Hình ảnh đặc trưng nhất là khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, chim bồ câu ngự xuống đậu trên Ngài (Ga1,32-34). Tiếng Chúa Cha tuyên phán : Con là con Ta yêu dấu (Mt 1,11).Tiếng nói, chim câu,Chúa Giêsu, ba hình ảnh này tạo nên chân dung sống động về Ba Ngôi.
Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu hứa với các tông đồ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bàu Chữa khác, đó là Thần Khí sự thật…” Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban Đấng Bàu Chữa là Thần Khí sự thật, nghĩa là Chúa Thánh Thần cho các môn đệ.
Đức Kitô mặc khải : “Ai thấy ta là thấy Cha…Cha và Ta là một….Ta sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác để ở cùng anh em luôn mãi”
Thánh Phaolô luôn cầu chúc: Ân sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em.
6. Tại sao Giáo Hội cho rằng: Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm?
- Vì đây là điều vượt trên trí năng suy luận và hiểu biết của con người. Con người chúng ta không thể dùng bất cứ hình ảnh  hay ngôn từ nào để có thể diễn tả hết về mầu nhiệm này.
7. Thông thường khi diễn tả mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, người ta dùng đến những hình ảnh nào?
- Có người dùng tam giác đều. Có ba cạnh bằng nhau làm nên một tam giác.
- Có người dùng ngón tay. Ngón tay có ba đốt trên cùng một ngón tay.
- Có người diễn tả mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi bằng nước ở ba thể: lõng, đặc và hơi.
- Người ta cũng có thể diễn tả mầu nhiệm này như là: Mặt trời, ánh sáng và sức nóng. Mặt trời là Chúa Cha, từ mặt trời có ánh sáng là Chúa Con, từ đó sinh ra sức nóng là Chúa Thánh Thần…
Dù chúng ta có đưa ra nhiều hình ảnh để nói về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi cũng sẽ không bao giờ diễn tả hết về mầu nhiệm này. Vì Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm nên chúng ta không bao giờ hiểu thấu được. Sở dĩ chúng ta biết được là vì chính Chúa đã tỏ lộ cho chúng ta.
Không riêng về các mầu nhiệm trong đạo mà còn nhiều điều trong cuộc sống trí khôn chúng ta cũng không bao giờ hiểu thấu được
Để diễn tả các điều khó hiểu của cuộc sống, cha ông ngày xưa mới đố nhau : Đố ai biết lúa mấy cây, biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng. Đố ai quét sạch lá rừng, để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.
Có lẽ trong tất cả mọi điều khó hiểu của cuộc sống con người thì tình yêu là khó hiểu nhất.
Chỉ nguyên định nghĩa tình yêu thôi cũng đủ để hao tổn bao công sức và giấy mực qua các thời đại mà vẫn không có được một định nghĩa diễn tả trọn vẹn ý nghĩa. Và vì không có được một định nghĩa nên người ta mới coi tình yêu như là mầu nhiệm. Thế nhưng, mầu nhiệm tình yêu có đáng là gì so với các mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Tuy trí khôn con người thì quá nhỏ bé không tài nào hiểu về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi nhưng con tim của chúng ta lại đủ to lớn để yêu mến Ngài. Thực vậy, Chúa Giêsu đã tỏ lộ không phải để chúng ta hiểu thấu, nhưng để chúng ta yêu mến.
Trước hết, con tim chúng ta đủ to lớn để ca tụng ngài.
Mỗi khi hát: Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời. Mỗi khi đọc: Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Mỗi khi làm dấu thánh giá, là chúng ta ca tụng và thờ lạy Chúa Ba Ngôi.
Hơn thế nữa, con tim chúng ta cũng đủ to lớn để cảm tạ Chúa Ba Ngôi.
Vậy Ngài đã làm gì cho chúng ta?
Chúa Cha đã tạo dựng nên chúng ta ngay khi chúng ta còn chưa cất tiếng khóc chào đời.
Chúa Con đã dùng cái chết trên Thập giá để cứu chuộc chúng ta.
Và Chúa Thánh Thần luôn thánh hóa chúng ta.
Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa.
Nhờ bí tích Thêm sức, chúng ta trở nên những người lính chiến của Chúa Thánh Thần.
Nhờ bí tích Giải tội, chúng ta được tẩy sạch mọi tội lỗi. Vì thế, chúng ta phải cảm tạ và yêu mến Chúa Ba Ngôi.
Thứ đến, trái tim chúng ta cũng đủ to lớn để cho Chúa Ba Ngôi ngự trị.
Thiên Chúa không ngự trên chốn trời cao, xa cách ngàn trùng. Trái lại, Ngài sống trong chúng ta, Ngài ở cùng chúng ta và chúng ta là đền thờ sống động của Ngài. Mỗi khi tâm hồn chúng ta sạch tội trọng, Chúa Ba Ngôi sẽ ngự trị và trao ban cho chúng ta sự sống thầm linh, sự sống ân sủng, nhờ đó, chúng ta thuộc về gia đình của Thiên Chúa.
Sau cùng, trái tim của đủ lớn để sống yêu thương như Chúa đã yêu chúng ta.
Yêu thương như Chúa yêu là cho đi: “ Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian”.
Yêu thương như Chúa là làm cho sống và sống dồi dào: “ … để ai tin vào Con của Ngài thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời”.
Yêu thương như Chúa là tha thứ: Thiên Chúa mạc khải cho Môisen biết Ngài là : “ Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, nhẫn nại, giàu ân nghĩa và thành tín”.
Yêu thương như Chúa yêu là ở chung, sống chung, đi chung. Môisen đã nài xin và được Thiên Chúa chấp nhận: “ Dám xin Chúa cùng đi đường với chúng con”.
Thánh Phaolô cũng cho tín hữu Côrintô biết Thiên Chúa “ sẽ ở trong anh em.”.
Chúng ta không mong muốn thấu hiểu hết về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Nhưng xin cho chúng ta biết sống mầu nhiệm này cho xứng đáng.
Đó là biết chúc tụng và tôn vinh danh thánh Ba Ngôi Thiên Chúa không ngừng. Biết siêng năng cảm tạ tình thương Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho chúng ta cũng như luôn gìn giữ tâm hồn trong sạch để xứng đáng là nơi Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị. Nhất là biết sống theo mẫu gương tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...