Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

NHỮNG NGÀY ĐÁNG GHI NHỚ tháng 08/2013

1. Chúa Nhật, ngày 25/08/2013
- Chia sẻ niềm vui và cầu nguyện cho một số con em trong họ đạo được rước lễ lần đầu.
- Nhằm chuẩn bị tâm hồn và tinh thần mừng kính thánh Mônica và thánh Augustinô, họ đạo tổ chức buổi cầu nguyện theo phương pháp Taizé dành cho giới hiền mẫu và giới trẻ trong bầu khí sâu lắng nói lên tình mẹ-con rất sốt sắng và cảm động.
2. Chiều thứ hai, ngày 26/08/2013
- Hiệp dâng thánh lễ long trọng mừng thánh nữ Monica, bổn mạng giới hiền mẫu.
- Chia sẻ niềm vui nhân ngày mừng bổn mạng giới Hiền mẫu, họ đạo đã tổ chức bữa tiệc thân tình. Đây cũng là dịp các bà vợ bà mẹ có cơ hội thi thố tài năng nấu ăn và trình diễn văn nghệ.
3. Thứ ba, ngày 27/08/2013
- Dâng thánh lễ tạ ơn, nhân dịp họ đạo vui mừng đón nhận 3 thành viên gia nhập Giáo Hội qua bí tích thánh tẩy và cầu nguyện cách đặc biệt cho các đôi hôn nhân được hợp thức hóa sau gần 3 tháng học hỏi giáo lý dự tòng và hôn nhân.
















Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXVI TN C

SUY NIỆM LỜI CHÚA
CÁC NGÀY TRONG TUẦN XXVI TN C

Th hai (Luca 9, 46-50)
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu đề cập đến tinh thần, thái độ và cách hành xử cần phải có trong cuộc sống hàng ngày.
- Tinh thần cần phải có của người làm lớn.
Lẽ thường tình ở đời ai cũng thích làm lớn, đứng đầu, lãnh đạo để sai khiến, để ra lệnh, để ăn trên ngồi trước, để hưởng bỗng lộc..., nhưng người môn đệ Chúa Giêsu thì cần phải có suy nghĩ và cách hành xử khác. Để xứng đáng là người đứng đầu, lãnh đạo cộng đoàn phải là người biết tận tình phục vụ người khác trong khiêm tốn. Vì chức vụ phải đi đôi với trách nhiệm. Khi người lãnh đạo biết hạ mình xuống như trẻ nhỏ để phục vụ người khác cách vô tư thì chính lúc ấy hình ảnh và giá trị của người lãnh đạo mới đẹp, thanh cao và đáng quý biết mấy. Ước mong trong đạo, ngoài đời đều có những vị lãnh đạo mang tinh thần ấy!
- Thái độ cần có đối với mọi người.
Lẽ thường tình ở đời, chúng ta thích tiếp đón và liên hệ với những người có chức vụ cao, vai trò lớn và những ai giàu sang; còn những người thấp cổ bé miệng, nghèo khó có vẻ không ai muốn qua lại. Phải chăng chúng ta chỉ xem trọng những mối tương quan nào có lợi cho chúng ta?
Chúa lại không muốn như thế. Chúa muốn chúng ta hãy vì danh Chúa mà đón tiếp những ai bé nhỏ, nghèo hèn. Khi chúng ta đón tiếp những ai bé nhỏ nghèo hèn là đón tiếp chính Chúa, không những là đón tiếp Chúa mà còn là đón tiếp Thiên Chúa Cha, vì Chúa Giê-su chính là Thiên Chúa nhập thể làm người.
Chúa Giê-su đã từng nói về ngày phán xét chung. Ngày đó, Chúa sẽ xét hỏi mọi người về đức ái. Phần thưởng hay hình phạt là tùy thuộc vào việc có giúp đỡ những người đói ăn, khát nước, bệnh tật, trần truồng, khách lỡ đường, kẻ tù tội hay không? Đón tiếp và tận tâm giúp đỡ những con người đó chính là làm cho Chúa. Hy vọng mọi người đền có thái độ đón tiếp ân cần, quảng đại với hết mọi người, nhất là người nghèo!
- Cách thế hành xử cần có với đồng loại.
Sống trên đời này con người cần có một tấm lòng và cần phải biết cư xử tử tế với nhau như tâm tình của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhưng hình như con người thời nay thường hay xử sự lọai trừ nhau. Óc phe nhóm lợi ích ngày càng phổ biến và lớn mạnh. Chính các Tông Đồ xưa kia cũng thế, các ngài có vẻ khó chịu và cố ngăn cản một ai đó nhân danh Chúa Giê-su mà trừ quỷ. Với óc phe nhóm, các ngài không muốn chia sẻ đặc quyền đặc lợi trừ quỷ ấy cho bất cứ ai ngoài nhóm của các ngài. Nhất là khi các ngài được Chúa ban quyền trừ quỷ khi sai các ngài đi rao giảng Tin Mừng, các ngài lại càng không muốn bất cứ ai cũng có quyền đó.
Những suy nghĩ của Tông Đồ ngày xưa cũng là bài học cho chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta vẫn còn ích kỷ nhỏ nhen muốn Chúa chỉ ban ơn riêng cho ta hay phe nhóm chúng ta thôi. Là những người tin theo Chúa, chúng ta nghĩ mình sống đạo đức thánh thiện, Chúa phải ban ơn này ơn nọ cho chúng ta. Chúa không được ban ơn cho những người ngoại giáo hay khô khan nguội lạnh. Chúng ta bắt Chúa phải theo phe nhóm của ta để đối đầu với những nhóm khác. Xin Chúa hoán cải và biến đối lối suy nghĩ hẹp hòi ích kỷ này của chúng con. Mong muốn lắm mọi người dù lương hay giáo, lớn hay nhỏ, hữu thần hay vô thần đều có được tinh thần hợp tác, tôn trọng đặc sủng riêng của mỗi người để mỗi người có điều kiện họp tác chung tay phục vụ mưu cầu lợi ích cho con người!

Thứ ba: Lễ thánh Têrêxa Hài Đồng Giê-su (Mt 18, 1-5)
Dưới trần gian tranh giành địa vị, chức quyền đã đành. Trên trời mà còn tranh quyền đoạt lợi quả là một điều đáng trách. Thế mà các môn đệ xưa kia lại đưa lối suy nghĩ ấy vào chốn vĩnh cửu, nên các ngài không ngần ngại đặt vấn đề với Chúa: "ai là người lớn nhất trong nước trời".  
Chúa Giêsu không trả lời ai là người lớn nhất trong Nước Trời, nhưng Chúa cho biết cần phải có điều kiện như thế nào để được vào Nước Trời.
Điều kiện ấy chính là phải trở nên như trẻ nhỏ. Không phải chúng ta hóa kiếp trở lại làm trẻ nhỏ, nhưng Chúa muốn chúng ta phải có tinh thần trẻ nhỏ.
Vì trẻ nhỏ luôn nói thật, đơn sơ, trong trắng. Chúa muốn chúng ta cũng hãy đơn sơ, luôn nói sự thật, đừng mưu mô, lọc lừa, mặc dù đôi lúc vì sự thật mà chúng ta phải chịu thiệt thòi, hay bị người khác hiểu lầm.
Vì trẻ nhỏ luôn cảm thấy mình yếu đuối nên luôn tin tưởng phó thác cậy dựa vào cha mẹ. Chúa cũng muốn chúng ta luôn tin tưởng tín thác và cậy trông vào Chúa, cho dù cuộc sống có gặp nhiều gian lao vất vả.
Vì trẻ nhỏ luôn khiêm nhường biết mình có giới hạn nên không ngừng cố gắng học hỏi những điều hay lẽ phải từ cha mẹ, người lớn. Chúa cũng muốn chúng ta phải biết luôn lắng nghe lời Chúa. Chúng ta có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự thinh lặng trong tâm hồn, biết được thánh ý của Chúa qua việc nghe, đọc và suy niệm Lời Chúa, chúng ta cũng có thể biết được thánh ý Chúa qua những biến cố của cuộc đời hay những lời chỉ bảo khuyên răn chân tình của người khác.
Nói tóm lại, Chúa muốn chúng ta hãy sống tinh thần trẻ thơ, mặc dù chúng ta mang thân xác của người lớn. Ai sống được tinh thần như thế, mới được vào Nước Trời và là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.
Đây cũng là con đường mà thánh Têrêxa Hài Đồng Giê-su đã trải qua, đã sống. Thánh Têrêxa là một vị thánh rất trẻ, cuộc đời của ngài chỉ vọn vẹn 24 tuổi thanh xuân. Ngài đã chọn cho mình con đường nên thánh, con đường để được vào Nước Trời là con đường thơ ấu. Ngài yêu Chúa như một đứa con thơ yêu mến cha mẹ. Ngài làm những việc rất ư là tầm thường nhưng ngài với tấm lòng phi thường. Thân xác ngài mỏng manh yếu đuối nhiều bệnh tật nhưng lòng mến ngài dành cho Chúa, cho những ai chưa tin nhận Chúa và những linh hồn trong luyện ngục thật nồng nàn chan chứa.
Noi gương thánh nữ, chúng ta cũng hãy trở nên bé nhỏ, để luôn tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa; nhận ra sự giới hạn yếu đuối của mình để biết lắng nghe tiếng Chúa dạy bảo và hướng dẫn; hãy yêu mến hết khả năng, sức lực, trí khôn như một đứa bé luôn yêu mến cha mẹ, luôn tìm mọi cách làm vui lòng cha mẹ của nó.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhớ rằng trước mặt Chúa, chúng con chỉ là những người con bé nhỏ, không có Chúa chúng con chẳng làm được chuyện gì và nếu chúng con có làm được chuyện gì đi nữa, tất cả cũng là ơn Chúa ban.
Xin cho chúng con luôn biết phó thác cả cuộc đời chúng con cho Chúa, như đứa bé đặt trọn niềm tin vào cha mẹ. Để sau cuộc đời dương thế này, chúng con sẽ quây quần bên Chúa, hưởng sự hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa.

Th tư: Lễ các Thiên Thần Hộ Thủ (Mt 18, 1-5.10)
Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng Thiên Chúa  dựng nên hai thế giới hữu hình và vô hình. Thế giới vô hình là thế giới thiêng liêng, mắt phàm không thấy được, thế giới thiêng liêng đó có các thiên thần.
Thiên Chúa dựng nên các thiên thần nhằm để thờ phượng Thiên Chúa, thi hành những mệnh lệnh của Thiên Chúa và giúp đỡ, bảo vệ con người. Thiên Chúa dựng nên hằng vô số các thiên thần, nhưng có 3 tổng lãnh thiên thần là: Mi-ca-en, Gáp-ri-en và Ra-phen-en mà Hội Thánh đã mừng lễ vào ngày 29 tháng 09.
Riêng hôm nay cùng với Hội Thánh, chúng ta kính nhớ các thiên thần bản mệnh hay còn gọi là thiên thần hộ thủ. Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta một thiên thần bản mệnh riêng. Vị thiên thần này luôn gìn giữ bảo vệ chúng ta khỏi mọi sự hãm hại của ma quỷ, giúp chúng ta tránh xa mọi cám dỗ ma quỷ ở mọi nơi mọi lúc.
Vị thiên thần hộ thủ sẽ luôn ở bên cạnh chúng ta, đồng hành với chúng ta suốt cuộc đời dương thế cho đến khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay.
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su nhắc đến vị thiên thần này. Từ đó Chúa muốn chúng ta hãy tôn trọng phẩm giá mỗi người, chớ khinh thường bất cứ ai, nhất là những con người bé nhỏ nghèo hèn, vì mỗi người chúng ta đều mang hình ảnh Thiên Chúa, là con Thiên Chúa và được Thiên Chúa giao cho một vị thiên thần bảo vệ, gìn giữ. Đồng thời Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy trở nên như trẻ nhỏ. Vì trẻ nhỏ có tâm hồn đơn sơ trong trắng như thiên thần, biết mình yếu đuối mỏng manh nên luôn tin tưởng phó thác vào tình thương của Chúa.
Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa, vì Chúa đã thương ban cho mỗi người chúng con một vị thiên thần hộ thủ. Xin cho chúng con luôn nhớ tới thiên thần hộ thủ của chúng con, để chúng con cùng cộng tác với ngài mà cố gắng tránh xa những cám dỗ của ma quỷ. Đồng thời xin Chúa cũng luôn soi sáng giúp chúng con luôn ý thức tôn trọng phẩm giá của mỗi người, nhất là những con người bé nhỏ nghèo hèn; sẵn sàng đón tiếp những con người đó vì Danh Chúa.

Th năm (Luca 10, 1-12)
Bản chất của Hội Thánh là truyền giáo, Hội Thánh không còn là Hội Thánh nữa nếu như Hội thánh không truyền giáo. Chính Chúa Giê-su, trước khi về cùng Thiên Chúa Cha, Người đã trao sứ mạng truyền giáo cho Hội Thánh mà đại diện là các Tông Đồ. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng”.
Không phải đợi đến khi Chúa về trời, Người mới giao sứ mạng này cho các Tông Đồ mà ngay trong khi Người còn đang thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng, Người cũng đã sai phái các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng.
Bài Tin Mừng hôm nay, tường thuật lại việc Chúa Giê-su sai 72 môn đệ đi loan báo Tin Mừng. Khi thi hành sứ vụ loan báo tin mừng, Chúa muốn các ngài phải đặt mối ưu tư truyền giáo lên hàng đầu, đừng quá bận tâm những chuyện vật chất khi truyền dạy: “đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép; cứ ăn những gì người ta dọn lên”
Trải qua mọi thời, ở mọi nơi, Hội Thánh không ngừng thực hiện sứ mạng cao cả này. Từ 12 Tông Đồ, Hội Thánh Chúa đã phát triển và lan rộng đến mọi nơi trên thế giới. Hội Thánh cũng muốn con cái của mình cùng thao thức và hành động cho sứ mạng truyền giáo.
Phải chăng truyền giáo là công việc của hàng giáo sỹ và những nhà chuyên môn. Không phải như thế! Mỗi người tín hữu, khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội đều được tham dự vào 3 chức vụ của Hội Thánh đó là: ngôn sứ, tư tế và vương giả. Với chức vụ ngôn sứ, mỗi người tín hữu có nhiệm vụ và bổn phận phải truyền giáo tùy theo bậc sống của mình.
Mục đích truyền giáo là giới thiệu Chúa cho mọi người, giúp mọi người tin vào Chúa và đón nhận ơn cứu độ. Là một tín hữu bình thường, chúng ta phải có sự hiểu biết sâu xa về Chúa qua việc không ngừng trau dồi kiến thức giáo lý. Vì làm sao ta có thể giới thiệu một người cho người khác nếu ta không hiểu không biết người đó là ai? Bên cạnh việc giới thiệu Chúa cho người khác, chúng ta còn phải làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày, đừng để đời sống của chúng ta phản chứng lại những gì chúng ta loan báo trên môi trên miệng. Vì ngày hôm nay người ta cần chứng nhân hơn thầy dạy, mặc dù thầy dạy cũng rất cần.
Vậy trước tiên chúng ta can đảm tuyên xưng mình là người tin theo Chúa, đừng vì những lợi ích vật chất mà ta chối bỏ niềm tin của mình.
Tiếp theo, chúng ta can đảm sống cho những giá trị Tin Mừng như: sự thật, công bằng, bác ái…mặc dù đôi lúc vì những giá trị này mà chúng ta phải chịu thiệt thòi, hiểu lầm.
Cuối cùng chúng ta phải thực hành niềm tin của chúng ta. Làm sao người ta có thể tin có Chúa khi thấy một người Công Giáo không thực hành niềm tin và lòng bác ái. Có ai đó đã thốt lên “Tôi tin có đạo Công Giáo nhưng tôi không tin người Công Giáo” thật là đau lòng!
Vậy mỗi người trong chúng ta hãy thao thức ưu tư về việc truyền giáo. Thao thức lo âu chưa đủ, Chúa muốn chúng ta hãy có những hành động cụ thể tùy theo bậc sống và khả năng của mỗi người.
Lạy Chúa, Chúa đã từng băn khoăn khắc khoải “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”, Chúa muốn mỗi người hãy là những tay thợ gặt lành nghề. Xin Chúa ban thêm cho chúng con sự can đảm và lòng hăng say giới thiệu Chúa cho những người chung sống và làm việc với chúng con bằng chính cuộc sống chứng tá của chúng con. Xin cho chúng con biết cùng cộng tác với Hội Thánh trong sứ mạng truyền giáo với hết khả năng và sức lực mà Chúa ban và xem đó như là công việc “sống còn” của chúng con và của Gíao hội.

Th sáu: Lễ thánh Phanxicô Assisi (Luca 10, 13-16)
Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm người, Người luôn hiền hậu và khiêm nhường, đầy lòng yêu thương và nhân từ với mọi người, ngay cả tim đèn leo lét Người không nỡ dập tắt, cây lau bị ngã, Người không nỡ bẻ gãy. Thế nhưng tại sao bài Tin Mừng hôm nay lại ghi lại những lời quở trách nặng nề của Chúa dành cho những thành như:  Kho-ra-din, Bết-xai-đa hay Ca-phác-na-um.
Chúa Giê-su xuống thế làm người, sau 30 năm sống ẩn dật, Người ra đi rao giảng Tin Mừng, mạc khải Thiên Chúa Cha, kêu gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng. Những thành như Kho-ra-din, Bết-sai-đa hay Ca-phác-na-um là những thành dân Ít-ra-en, được diễm phúc in dấu chân của Chúa, được nghe những lời giáo huấn của Chúa, được chứng kiến những phép lạ Chúa làm. Nhưng những con người ở những thành này lại lòng chai dạ đá, cứng đầu cứng cổ, không chịu ăn năn sám hối, canh tân đời sống, khước từ những lời giảng dạy của Chúa. Thế là Chúa phải thốt lên những lời quở trách xem ra rất nặng nề: “khốn cho ngươi”. Giả như Chúa đến những thành dân ngoại như Tia và Xi-đôn để rao giảng thì họ đã ăn năn sám hối và tin vào Chúa từ lâu rồi. Vì thế trong ngày Phán xét nhưng thành đó sẽ được xét xử khoan hồng hơn những thành mà được Chúa rao giảng Tin Mừng và kêu gọi sám hối.
Vì sao những thành dân Ít-ra-en lại không chịu ăn năn sám hối và tin theo Chúa. Có thể họ quá biết rõ con người Chúa Giê-su. Một con người xuất thân từ một gia đình nghèo ở một làng quê hẻo lánh và nghèo khổ, con của một bạc thợ mộc tầm thường. Họ không nhận ra nguồn gốc đích thực của Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa. Có thể họ tự hào là dân riêng của Chúa, là con cháu của tổ phụ Áp-ra-ham, nên sẽ được Thiên Chúa nâng lên đến tận trời.
Hôm nay Hội Thánh kính nhớ thánh Phanxicô Assisi, ngài là một trong những vị thánh có công canh tân đời sống của Hội Thánh lúc bấy giờ. Ngài nhận thấy đời sống xa hoa, giàu sang trong Hội Thánh khi đó, ngài đã cảnh tỉnh Hội Thánh hãy ăn năn sám hối, trở về với tinh thần nghèo khó, bằng cách ngài khước từ của cải tài sản đáng ra ngài được thừa hưởng từ người cha. Nhờ đó, Hội Thánh nhận ra sai lầm và trở về sống theo lời mời gọi của Chúa trong tinh thần nghèo khó vì Nước Trời.
Những lời chúc dữ của Chúa Giê-su dành cho những thành như Kho-ra-din, Bết-sai-đa hay Ca-phác-na-um cũng là bài học cho chúng ta hôm nay.
Chúng ta cũng được Chúa chọn làm dân riêng khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, được gia nhập vào cộng đoàn Hội Thánh, được lắng nghe Lời Chúa, được Hội Thánh dạy dỗ và hướng dẫn, nhất là Chúa ban cho chúng ta chính Mình và Máu Chúa để dưỡng nuôi linh hồn. Thế nhưng đời sống của chúng ta nhiều khi chẳng khác gì một người không biết Chúa, có khi còn tệ hơn nữa. Cũng bon chen, tranh giành, lọc lừa, mưu mô xảo quyệt như người đời, khước từ những lời giáo huấn của Hội Thánh mà sống đạo theo ý riêng của ta.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết nhận ra con người yếu đuối mong manh với những giới hạn, để luôn đón nhận những lời dạy dỗ bảo ban của Chúa qua những giáo huấn của Hội Thánh, qua những người thay mặt Chúa hướng dẫn. Đồng thời, xin Chúa ban thêm ơn can đảm giúp chúng con thực tâm sám hối ăn năn về những lỗi phạm của chúng con và không ngừng canh tân đổi mới đời sống sao cho phù hợp với thánh ý của Chúa.

Th bảy (Luca 10, 17-24)
Các môn đệ trở về sau khi ra đi loan báo Tin Mừng, lòng đầy hớn hở vui mừng vì thành quả đã đạt được. Nhưng Chúa bảo các ngài chớ vội mừng về những thành quả đó. Vì sao vậy? Có thể Chúa chưa hoàn thành sứ mạng cứu chuộc nhân loại mà Thiên Chúa Cha giao phó nên quyền lực ma quỷ và sự dữ vẫn còn hoành hành thế gian; cũng có thể Chúa không muốn các môn đệ tự cao tự mãn về những gì các ngài làm được. Chúa muốn các ngài hãy vui mừng vì phần thưởng dành cho các ngài ở trên trời.
Thật vậy! Quê thật của chúng ta, đích điểm của cuộc đời chúng ta là ở Nước Thiên Đàng. Cuộc sống ở trần gian chỉ là một cuộc lữ hành. Cho dù ở trần gian này có hạnh phúc thế nào đi nữa, rồi cũng sẽ qua, của cải vật chất có nhiều bao nhiêu, tất cả cũng sẽ hết khi ta nhắm mắt xuôi tay. Của cải trần gian chỉ là phương tiện cho ta sử dụng, ta phải sử dụng làm sao để đạt được Nước Trời mai sau.
Tất cả những điều trên, không phải ai cũng hiểu được. Chỉ những ai có tâm hồn đơn sơ bé nhỏ mới hiểu được những mạc khải của Thiên Chúa. Không phải Thiên Chúa không mạc khải cho những nhà thông thái, nhưng vì họ tự cho họ hiểu biết hết mọi sự, họ không cần ai dạy bảo và hướng dẫn. Ơn Thiên Chúa ban giống như mưa từ trời, ai biết đem đồ ra hứng thì mới lấy được nước mưa. Một ly nước đã đầy làm sao có thể đổ thêm nước vào nữa, có đổ vào thì nó cũng tràn ra ngoài; tâm hồn của một người đã bị lấp đầy những sự hiểu biết thế gian và đầu óc con người bị nhét đầy bởi tính tự cao tự mãn thì làm sao hiểu được những điều cao siêu mà Thiên Chúa mạc khải.
Các môn đệ là những người có phúc. Vì các môn đệ đang sống với Chúa, lắng nghe những lời giáo huấn của Chúa. Chúa Giê-su chính là mạc khải cuối cùng và là mạc khải trọn vẹn của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Điều mà các ngôn sứ và vua chúa thời xưa hằng mong ước. Ngày xưa, trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa mạc khải cho dân Ít-ra-en qua các ngôn sứ, các ngôn sứ chỉ loan báo Đấng Cứu Thế là Chúa Giê-su sẽ xuất hiện trong tương lai và các ngài hằng ao ước Đấng Cứu Thế sẽ đến vào thời các ngài. Nhưng mơ ước cũng chỉ là ước mơ.
Phúc của các môn đệ cũng là phúc của mỗi người chúng ta. Ngày hôm nay chúng ta sống trong thời Tân Ước, chúng ta không còn phải chờ đợi một mạc khải nào nữa từ Thiên Chúa. Chính Chúa Giê-su đã đến, Người chính là mạc khải trọn vẹn và cuối cùng của Thiên Chúa và Người đã mạc khải Thiên Chúa cho chúng ta, như có lần Người đã từng phán: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.  Thế mà nhiều khi chúng ta lại còn đi tìm kiếm những mạc khải khác, chúng ta tin vào những ma thuật bói toán, những tiên đoán này, nọ vì niềm tin của chúng ta đặt nơi Thiên Chúa chưa thật vững mạnh.
Lạy Chúa, xin Người củng cố và gia tăng thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con cảm thấy hạnh phúc được gọi Thiên Chúa là Cha, cảm nhận Chúa thật gần gũi và luôn hiện diện với chúng con trong cuộc sống hằng ngày.
Còn gì hơn, khi chúng con được nghe chính Chúa dạy dỗ và hướng dẫn, được chính Chúa nuôi dưỡng bằng Mình Thánh Chúa mỗi khi tham dự thánh lễ, điều mà bao người mơ ước mà không được. Xin Chúa cũng soi lòng mở trí giúp chúng con hiểu rằng cuộc sống ở trần gian này chỉ là tạm bợ, chóng qua, đích điểm và mục đích cuối cùng của chúng con chính là phần thưởng Nước Trời, để chúng con luôn biết sống  theo thánh ý Chúa.







Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

SUY NIỆM TUẦN XX THƯỜNG NIÊN C

SUY NIỆM TUẦN XX THƯỜNG NIÊN C

Thứ hai (Mt 19, 16-20)

Suy niệm 1.

Có lẽ thao thức và khát vọng lớn nhất của con người là sự sống đời đời. Để được sự sống đời đời thì phải làm gì? Lời Chúa hôm nay sẽ giải đáp cho chúng ta hiểu được điều đó. 
Giáo lý công giáo thường được chia thành 4 phần: Tín lý, luân lý, bí tích và cầu nguyện. Nhưng hình những người không có tín ngưỡng cũng như đa số những người có tính ngưỡng của các tôn giáo khác chỉ chú trọng đến phần luân lý mà thiếu quan tâm đến vấn đề niềm tin và sống niềm tin, cho nên xảy ra những điều sai lạc trong đời sống.
Ngày hôm nay, nền luân lý Kitô giáo đề cập rất nhiều về Mục Đích và Phương Tiện trong đạo đức sinh học. Một hành vi được xem là tốt khi người ta dùng một phương tiện tốt để đạt đến mục đích tốt. Nếu thiếu đi một trong hai yếu tố này thì kể như hành vi đó chưa tốt. Ví dụ: Con người không thể nhân danh mục đích giúp đỡ những người nghèo khó, mà đi cướp bóc của cải người giàu để chia cho người nghèo. Điều này sai luật luân lý. Hay vì nhằm mục đích giúp cho những người đau đớn vì chứng bệnh nan y được chết êm dịu mà dùng đến thuốc an tử kết thúc sự sống của họ. Đây quả là hành vi sai trái, tội lỗi. Lý do vì chính Chúa là nguồn và là Đấng ban sự sống. Sự sống là do chính Thiên Chúa tác tạo, quyền quyết định sinh tử là bởi Thiên Chúa, con người không có quyền can thiệp vào sự sống-chết của con người.
Anh thanh niên trong bài tin mừng hôm nay mặc dù giàu có và xem ra đạo đức nhưng anh ta vẫn không an lòng. Giữ luật lệ chính chắn cũng như nhiều của cải xem ra không bảo đảm cho hạnh phúc nước trời.
Chính vì mục đích là nước trời đã làm cho anh ta phải thao thức. Để đạt được mục đích tốt thì cần phải xử dụng phương tiện tốt . Nhưng anh ta cứ tưởng chăm chú giữ những luật lệ hay giàu có là đạt được nước trời. Nhưng anh ta thật sai lầm bởi lẽ những phương tiện đó nó lại không hợp với mục đích hạnh phúc nước trời.
Mục đích mà Chúa Giêsu chỉ cho anh ta biết đó là Tình Yêu, bởi chính Chúa là Tình Yêu. Có được Tình Yêu như Chúa thì giống Chúa, ở trong Chúa, nên một với Chúa. Mà giống Chúa, nên một với Chúa, ở trong Chúa thì là hạnh phúc nước trời.
Phương tiện Chúa Giêsu chỉ cho anh ta đạt đến mục đích không phải là tiền bạc, của cải, cũng không chỉ là tuân giữ chay cứng những luật lệ, nhưng phải là những việc làm thể hiện Tình Yêu Chúa yêu người.
Yêu Chúa thì phải sống cậy trông phó thác vào Chúa chứ không phải là tiền bạc của cải. Nên Chúa bảo: “ hãy bán tấ cả …mà theo Ta”.
Yêu người là phải biết rộng lượng chia sẻ với anh chị em, đặc biệt những người nghèo khó “ hãy bán hết của cải mà bố thí cho người nghèo…”.
Lạy Chúa cả đời sống đạo là để được hạnh phúc nước trời, xin cho con biết phụng sự Chúa hết lòng vì tình yêu và lòng tin tưởng phó thác cũng như biết quảng đại chia sẻ với anh chị em chúng con hết lòng với tình quý mến. Nhờ đó mà con có được hạnh hạnh phúc ở đời này và cả đời sau . Amen

Suy niệm 2

          Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại chuyện người thanh niên giàu có muốn được trở nên hoàn thiện, nhưng ước muốn ấy đã bị của cải vật chất ngăn cản.
          Nhìn lại cuộc sống của người thanh niên này, xem ra anh ta quả là một người đạo hạnh, vì tuân giữ các giới luật của Thiên Chúa từ lúc còn nhỏ. Thái độ sống của anh khiến chúng ta phải kính nể, bởi thật là khó để sống được như thế. Do đó, ước muốn trở nên hoàn thiện của anh là một điều chính đáng. Tuy nhiên, khát vọng trở nên hoàn thiện không chỉ là những điều phải tuân giữ như anh ta nghĩ, mà còn phải thể hiện một cách mạnh mẽ hơn, và triệt để hơn, đó là dám đánh đổi tất cả để được sự hoàn thiện ấy. Chúa Giêsu đã “đánh” vào điểm yếu của người thanh niên, khi Ngài đưa ra một cuộc “trao đổi” cho anh: bán tất cả tài sản để có một kho tàng khác; đổi cả một gia tài cả đời dành dụm để được một sự hoàn thiện, và đổi cái có trong tay để lấy cái không thấy được. Kết quả, anh ta đã không dám đánh đổi. Anh đành rút lui. Vâng, tiền bạc có thể mua được nhiều thứ nhưng không thể mua được sự thánh thiện. 
          Ngày nay, người ta thường truyền khẩu với nhau bài vè này “tiền là tiên là phật, là sức bật của lò xo, là thước đo của lòng người, là sức khỏe của tuổi già, là niềm vui của tuổi trẻ…, có tiền mua tiên cũng được”. Vâng, xem ra là quả chí lý. Trong cuộc sống, tiền bạc là nhu cầu vật chất rất cần thiết, bởi vì, có tiền ta mới mua được thực phẩm, đồ dùng; có tiền ta mới cho con cái ăn học; có tiền ta mới làm được việc này việc nọ; và có tiền ta mới có thể đi đây đi đó… Vì tiền bạc là thứ không thể thiếu, nên người ta phải ra sức làm việc để kiếm được thật nhiều tiền, và có càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, có tiền chưa chắc đã hạnh phúc.
Ngoài tiền của vật chất, xem ra đời sống con người có cái gì đó cần vươn cao hơn. Như ước muốn được sống vui vẻ, bình an, hạnh phúc, gia đình hòa thuận…và hơn thế nữa, là khát vọng trở nên hoàn thiện nằm sâu thẳm trong lòng mỗi người.
Thế nhưng, nhìn vào thực tế của cuộc sống, dường như Chúa và tiền như nhau. Nhiều người hãnh diện xưng mình là kitô hữu nhưng cũng lại dễ dàng bỏ lễ ngày Chúa nhật để đi kiếm tiền. Có người còn cho rằng, đi lễ Chúa đâu cho tiền cho cơm cho gạo…nên phải ở nhà đi làm thì mới có cái để ăn. Nhiều người có thể bỏ lễ để đi chơi, đi đám cưới, nhưng không thể bỏ đám cưới để đi lễ. hoặc là đi ăn tiệc thì đông đủ nhưng đi lễ thì lại ít…họ sống theo kiểu “có thực mới vực được đạo”. Nguy hiểm thay cho đức tin của họ.
Lạy Chúa, theo Chúa là một điều dễ nhưng cũng là một điều khó; dễ là khi biết sống theo lời Chúa dạy, và chọn Chúa là cùng đích của đời con; và khó là khi chọn tiền của, vật chất, và những thứ khác hơn Chúa. Người thanh niên trong bài Tin mừng đã chọn tiền bạc thay vì chọn Chúa, chọn vật chất thay cho sự hoàn thiện. Lạy Chúa, xin cho con biết chọn những gì có ích cho đời sống mai sau hơn là cái có lợi ở đời này, biết chọn Chúa là gia nghiệp muôn đời. Amen.

THỨ BA (Mt 19, 23-30)
Suy niệm 1.

Vì nhu cầu hưởng thụ vật chất mà ngày nay con người có thể dùng mọi hình thức để kiếm tiền, bất kể việc làm đó đúng hay sai, tốt hay xấu, chính đáng hay bất chính.
Một học sinh bỏ thời giờ, sức khoẻ, tiền của, tâm trí …cho việc học tập với mong muốn sau này mình có việc làm ổn định, đời sống thoải mái. Không có gì sai nhưng chưa đúng hẳn vì mục đích học không chỉ để kiếm tiền.
Một người nông dân suốt năm tháng vất vã gieo trồng với hy vọng được mùa bội thu, lợi nhuận kinh tế cao. Đúng, nhưng chưa đủ vì lao động không chỉ vì cơm bánh mà lao động còn mang những giá trị khác nữa.
Người buôn bán cũng luôn mong mua may bán đắc, lời càng nhiều càng tốt. Mong muốn ấy không sai chỉ khi lấy lời đừng vượt qua qui định cho phép.....
Nhìn chung khi làm bất cứ việc gì có thể là tốt, có thể là xấu thì điều đầu tiên mà ai cũng nhắm đến, đó là phải có lợi, có lời.
Với suy nghĩ rất con người ấy, hôm nay tông đồ Phêrô cũng thưa với Chúa Giêsu: “chúng con bỏ mọi sự mà theo Thầy ?”, với ý là bỏ và theo Chúa thì có lợi gì?
Sau khi đưa ra một loạt những việc từ bỏ: cha mẹ, anh em, ruộng vườn, nhà cửa…Chúa Giêsu khẳng định sẽ trọng thưởng gấp trăm ngay ở đời này cộng với sự ngược đãi, nhất là được sự sống đời đời mai ngày.
Phần thưởng gấp trăm ở đây không có nghĩa là về số lượng con số. Nhưng phải hiểu theo nghĩa là sẽ nhận được những giá trị khác quý giá gấp trăm lần.
Ví dụ: Những người hiến thân trong bậc tu trì, khi chấp nhận rời xa cha mẹ, anh chị em ruột, khi đó họ lại gia nhập vào một cộng đoàn có rất nhiều người cha thiêng liêng và anh em cùng chí hướng. Gia đình này lớn hơn, thân thiết hơn, gắn bó hơn, yêu thương chia sẻ và giúp đỡ nhau nhiều hơn gia đình nhỏ bé cùng chung huyết thống chúng ta nữa.
Nhất là phần thưởng sự sống đời đời mai sau. Quả đây là phần thưởng vô cùng to lớn, không gì có thể đánh đổi được giá trị của  sự sống hạnh phúc đời sau.
Còn khi Chúa Giêsu nói: “kẻ đứng đầu sẽ nên sau chót, và kẻ sau chót sẽ lên đứng đầu”. Câu nói này, Chúa Giêsu muốn chúng ta đừng bao giờ ỉ lại, hay chểnh mảng trong nhiệm vụ, nhưng phải luôn hy sinh cố gắng và kiên trì trên bước đường theo Chúa..
Ở đời tốt xấu trở như bàn tay. Có khi trước đây họ là người tội lỗi xấu xa, nhưng giờ họ lại ăn năn hối lỗi và có đời sống đạo đức tốt lành. Trái lại có những người trước đây là tốt lành thánh thiện, nhưng giờ họ lại bê tha, tội lỗi, xấu xa.
Lạy chúa xin cho chúng con hiểu rằng: điều quan trọng là luôn phải luôn tỉnh thức sẵn sàng trong mọi bổn phận, để trong giờ Chúa đến chúng con phải là "kẻ trước hết" trong kiên trì, cố gắng  hy sinh đi theo Chúa, sống hết mình vì tình yêu "như Chúa đã yêu". Amen.

Suy niệm 2.

Bài tin mừng hôm nay tiếp nối bài tin mừng hôm qua, sau khi người thanh niên giàu có từ chối bán tài sản của mình để có được sự hoàn thiện, Chúa Giêsu kết luận rằng người giàu có khó vào được Nước Trời. Bên cạnh đó, Chúa Giêsu cho biết phần thưởng của việc từ bỏ mọi sự vì danh Ngài, là được sự sống đời đời làm gia nghiệp.
Khi nói tới hai chữ “từ bỏ” tức là không còn hoặc mất đi một cái gì đó mà trước đây mình đã có hay đã sở hữu. Tâm lý con người thường không chịu thua thiệt, luôn luôn đòi hỏi sự cân xứng, hoặc là, có qua có lại mới toại lòng nhau. Thánh Phêrô đã hỏi thay cho chúng ta, Từ bỏ mọi sự, theo Ngài chúng con sẽ được gì? Chúa Giêsu không để cho những kẻ theo Ngài phải chịu thiệt thòi, mà trái lại, Ngài còn trả lại cho họ hơn thế nữa “được gấp bội và được sống đời đời”. Đây là một phần thưởng cao quý.
Ngày hôm nay, nếu bỏ cha mẹ, anh chị em, hay con cái, hoặc nhà cửa và ruộng đất mà theo Chúa, thì xem ra không bình thường, thậm chí còn mất tính nhân bản, hay đi ngược lại với nền giáo dục gia đình nữa. Nếu hiểu như thế là hiểu theo nghĩa đen. Thực ra, theo Chúa không phải như thế. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta luôn biết chọn Chúa làm ưu tiên số một, những điều khác là thứ yếu. Những gì ở đời này chỉ là tạm bợ, chóng qua, chỉ có Chúa mới là vĩnh cửu. Chúa Giêsu không muốn chúng ta quá bám víu vào vật chất, tiền bạc như người thanh niên để rồi khước từ Nước Thiên Chúa.
Thánh Bênađô, mà hôm nay chúng ta mừng kính là mẫu gương cho chúng ta khi bước theo Chúa Giêsu. Thánh nhân đã rời xa gia đình, xa người thân, bạn bè, xa những tiện nghi của cuộc sống…, từ bỏ của cải vật chất, sống khắc khổ, đi vào nơi cô tịch để tìm gặp và kết hiệp với Chúa. Vâng, Thánh nhân đã khước từ những của cải, những giá trị của trần gian để có được Chúa làm gia nghiệp. Ước gì mỗi người chúng ta cũng biết học hỏi nơi Thánh Bênađô, biết hy sinh tất cả để đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu mai sau.
Lạy Chúa, xã hội càng ngày càng văn minh, đầy đủ tiện nghi vật chất, vì thế mà, đời sống con người cũng được cải thiện và xung túc hơn. Thế nhưng, khi càng chạy theo vật chất thì con người lại càng dễ quên và xa Chúa, đời sống đức tin lại trở nên yếu đuối hơn, vì ma lực của đồng tiền, của vật chất thật khủng khiếp. Xin đừng để con làm tôi hai chủ, nhưng luôn biết chọn Chúa là ưu tiên hàng đầu và trên hết. Xin cho con biết sẵn sàng từ bỏ nhiều thứ vì Nước Trời, biết chấp nhận mất đi cái gì đó khi theo Chúa.


THỨ TƯ (Mt 20,1-16).

Suy niệm 1.
Thiên Chúa là Đấng công bằng vô cùng, nhưng cũng đầy lòng yêu thương. Đó là điều mà ta cảm nhận qua bài tin mừng hôm nay.
1. Thiên Chúa cũng rất ư là công bằng.
Những người thợ vườn nho đi làm từ sáng sớm, tỏ ra bất bình và khó chịu trước cách thức trả lương của ông chủ. Họ cho rằng đã làm nhiều giờ, vất vã đổ mồ hôi nhiều thì chủ phải trả tiền nhiều. Kẻ làm ít giờ, chịu nắng mưa và đổ mồ hôi ít thì tiền công phải ít. Vậy mà tất cả đều được ông chủ trả như nhau, là một đồng. Làm như vậy ông chủ có công bằng không?.
Tưởng như không công bằng trước cách thức trả tiền công của chủ. Nhưng qua lời giải thích của ông chủ, chúng ta thấy việc trả công của ông quá là công bằng. Bởi lẽ ngay từ đầu họ đã thoả thuận và chấp nhận với chủ ngày công là một đồng. Như thế ông chủ đã trả cho họ đúng với những gì họ đã thỏa thuận và xứng với những gì họ làm. Còn ông chủ có trả cho thợ làm vào giờ chót bằng số tiền của họ là vì tình thương của ông chủ. Chẳng lẽ ông chủ không được làm điều ấy sao!
Thiên Chúa là Đấng công bằng vô cùng, do đó Ngài sẽ ban thưởng hay luận phạt chúng ta theo công việc tội phúc mà chúng ta đã làm. Dĩ nhiên chúng ta không nên đòi hỏi nơi Ngài sự công thẳng "vì nếu chấp tội nào ai đứng vững".
2. Thiên Chúa Đấng giàu lòng yêu thương.
Thiên Chúa của chúng ta không chỉ là Thiên Chúa công bằng mà Người còn giàu lòng yêu thương. Những người thợ được ông chủ kêu gọi vào làm vườn nho ngay từ sáng sớm đã là một vinh dự và là niềm an vui lớn lao rồi, bởi lẽ họ không phải lo lắng và chờ đợi việc làm.
Kẻ được mời gọi vào những giờ chót trong ngày, họ phải sống trong tâm trạng phập phòng lo lắng và phải lang thang suốt cả ngày đi tìm việc làm.
Cuối cùng tất cả đều được kêu gọi vào làm cùng một việc và trong cùng vườn nho của chủ. Đó không chỉ là niềm vui lớn lao của người những thợ làm vườn sau chót mà còn là vinh hạnh cao quý của người được gọi làm từ ban mai.
Sở dĩ ông chủ mời gọi tất cả vào làm vườn nho của ông ,đó là vì Ngài giàu lòng yêu thương, muốn tạo công ăn việc làm và cuộc sống cho mọi người.
Hình ảnh ông chủ ấy là Thiên Chúa và vườn nho là Giáo Hội của Người.
Chúng ta là những người thợ vinh dự được Thiên Chúa mời gọi vào vườn nho Giáo hội. Có thể trong chúng ta, có những người được mai mắn gia nhập vào vườn nho Chúa rất sớm, ngay từ khi ban mai của cuộc đời; cũng có những người vì hoàn cảnh hay lý do nào đó, họ chỉ được mời gọi vào vườn nho Giáo Hội trong thời điểm của ngày tàn. Nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta đã được Chúa yêu thương mời gọi vào vườn nho Giáo Hội của Chúa, nên hãy ý thức cố gắng làm việc hết mình và hết tình trước tình yêu mời gọi của Người.
Lạy chúa, xin cho chúng con đừng tự hào về những công việc chúng ta đã làm, nhưng cho chúng con biết tự hào vì chúng con có một người Cha giàu lòng xót thương. Người sẽ ban thưởng cho chúng con hơn những gì chúng con đã làm.



Suy niệm 2.
          Trang Tin mừng hôm nay, kể lại dụ ngôn “ông chủ tốt bụng”. Ông đã phân phát tiền lương cho người trước kẻ sau đều như nhau. Hành động của ông không phải là do ông ta bất thường, bất công nhưng do ông ta tốt lành. Tốt ở chỗ không muốn ai phải thua thiệt, sút kém nhưng còn muốn ai cũng may mắn, ấm no. Một đồng ông phát cho người chỉ làm giờ chót, không phải là do công bình. Đồng bạc ấy là do lòng tốt. Vì ông tốt bụng nên có nhiều kẻ ganh tỵ, và trách móc ông.
          Đã thương xót thì không còn đứng trong ranh giới công bình, người thu thuế, kẻ đàng điếm, kẻ sinh trước, người sinh sau, Thiên Chúa đều cho tự do chen nhau hưởng ơn cứu độ. Thiên Chúa thì rộng rãi và giàu lòng xót thương như thế, còn chúng ta?
          Lòng ganh tỵ, dường như là căn bệnh nan y của con người.Vì một chút hơn thua mà phát sinh bao nhiêu chuyện trong cuộc sống. Thấy người này làm được việc nọ việc kia, mình làm không được hoặc không bằng họ, sinh ra lòng ganh tỵ. Cụ thể nhất là trong các sinh hoạt họ đạo. Hội đoàn này ganh tỵ Hội đoàn kia, khu này với kia, nhóm này với nhóm nọ... Có nhiều người mới theo đạo, sống đạo hạnh, phục vụ cộng đoàn nhiệt tình nên được Cha Sở quý trọng và giao nhiều công việc…thì có nhiều người “đạo gốc” sinh lòng ghen tỵ và nói này nói nọ. Người có chức có quyền cũng ganh tỵ với “dân đen”, vì “dân đen” hay được đi cùng Cha Sở. Người hát hay, chơi đàn giỏi nhưng không được trọng dụng vì sự kiêu ngạo, thì lại ganh tỵ với người hát, chơi đàn kém hơn. Vâng, đâu đó vẫn xảy ra những tình trạng như trên. Nếu như thế, thì sự hiệp nhất, tình liên đới, tinh thần trách nhiệm đâu còn nữa trong giáo xứ?
          Trong gia đình cũng vậy, anh chị em cũng ganh tỵ với nhau. Ba mẹ thương người này hơn người kia, phân chia tài sản khác nhau, thì người được hưởng ít luôn sinh lòng ganh tỵ. Anh chị em với nhau vì ganh tỵ từng ly từng tí một chút đất, một vài đồng bạc mà không ai biết nhường nhịn, chịu thua kém một tí thì có ngày sẽ đánh, giết nhau. Sống trong sự bất hòa, gạnh tỵ nhau thì ắt hẳn lời thánh vịnh sau sẽ khó thực hiện lắm “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau”. Ước gì các gia đình công giáo luôn giữ mãi lời thánh vịnh này.
Lạy Chúa, một khi sự ganh tỵ chiếm đoạt tâm hồn con, thì con sẽ không bao giờ sống bình an và hạnh phúc, xin diệt trừ tính ganh tỵ nơi con người của con, để con sống bao dung, sống quảng đại với hết mọi người.
         
          THỨ NĂM (Lc 1,26-38).
LỄ ĐỨC MARIA NỮ VƯƠNG
          Mừng lễ Đức Maria Nữ Vương, chúng ta hướng tâm hồn về Mẹ, vì Mẹ là một phần tử ưu việt của Hội thánh, đã sống với Thiên Chúa cách trọn hảo, và đã xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc đời.
Thánh Bênađô đã khẳng định rằng ‘nói về Mẹ thì không bao giờ đủ’, bởi vì các nhân đức của Mẹ thật tuyệt vời. Một trong những nhân đức ấy, là sự khiêm nhường của Mẹ. Thánh sử Luca cho biết, khi kết thúc biến cố truyền tin, Mẹ đã đáp lại ‘Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói’. Trong bài ca Magnificat, Mẹ cũng nhìn nhận mình là ‘phận nữ tỳ hèn mọn’. Nơi mái ấm gia đình Na-da-rét, Mẹ đã sống âm thầm lặng lẽ phục vụ thánh Giuse và Hài Nhi Giêsu. Vâng, Nữ tỳ của Chúa là người thuộc nữ giới, hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa, chỉ biết thực hiện mọi ý của Chúa, chứ không làm theo ý riêng. Vì thế, Mẹ đã để cho Chúa hướng dẫn cuộc đời của Mẹ, trong mọi hoàn cảnh sống, Mẹ sẵn sàng phó thác tất cả cho sự quan phòng của Chúa.
Sống khiêm nhường là một nhân đức, nhưng thật là khó để tập nhân đức này. Bởi vì, mỗi người trong chúng ta vốn ‘mang gen’ kiêu ngạo, luôn tự cho mình là tài giỏi và trên hết. Càng có chức có quyền thì cái tôi càng lớn, theo đó tính kiêu ngạo cũng càng cao. Được làm ông này bà nọ thì coi mọi người chỉ là hạng thứ dân. Người có chút tài năng thì sinh tính kiêu ngạo, mang cái ‘bệnh của sao’ và coi người khác chẳng ra gì… thật vậy, ai cũng muốn sống khiêm nhường trước mặt mọi người và Thiên Chúa, vì nó là một khát vọng chính đáng, nhưng nhiều khi ta không biết cách thực hành như thế nào, vậy phải làm sao đây?
Thiết nghĩ, muốn sống khiêm nhường thì cần phải diệt cái tôi của bản thân. Cha Vincente Lebbe cho rằng, chúng ta cần phải chiến đấu với cái tôi hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, nên phải luôn đánh tôi, đánh ngã tôi, và đánh chết tôi. Nói như thế, cái tôi trong mỗi người chúng ta thật là lớn, và rất khó để diệt nó. Chỉ khi nào chúng ta làm chủ được cái tôi thì ta mới có thể sống khiêm nhường được. Một tâm hồn khiêm nhường thì dễ lắng nghe tiếng Chúa và sẵn sàng đáp lại thánh ý Ngài, và rồi ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.
Mừng lễ Đức Maria Nữ Vương hôm nay, chúng ta cùng nhau xin Mẹ luôn chở che nâng đỡ mỗi người chúng ta trên hành trình dương thế này. Xin cho mỗi người chúng ta cũng biết thưa tiếng xin vâng như Mẹ trước thánh ý của Thiên Chúa, và để cho thánh ý của Chúa được hoàn thiện nơi bản thân chúng ta. Mẹ đã sống khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Noi gương Mẹ chúng ta hãy sống khiêm tốn trở nên người tôi tớ trung tín của Chúa, và phục vụ tha nhân cách chân thành. Cùng với Mẹ, ta hãy trở nên thành phần thánh thiện trong Hội thánh.

THỨ SÁU (Mt 22, 34-40)
Giao ước trên núi Xi-nai mà Thiên Chúa đã ký kết qua trung gian Mô-sê, được tóm gọn trong hai điều căn bản: kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và yêu tha nhân. Cả hai điều này đều quan trọng như nhau. Chúng ta cùng nhau suy nghĩ, về việc mình thực hành yêu tha nhân như thế nào.
Yêu mến tha nhân chỉ thành sự thực khi yêu mến họ một cách thiết thực. Chúa Giêsu đã yêu mến tất cả những ai mà Ngài gặp gỡ. Ngài đón tiếp họ, và cho điều họ muốn: người mù được sáng, kẻ què đi được, người điếc nghe được, người câm nói được, người mẹ mất con được lại con.., Ngài cũng quan tâm tới các môn đệ và bảo họ nghỉ ngơi dưỡng sức sau những ngày làm việc khó nhọc, rồi những yếu đuối của họ để sửa dạy và nâng đỡ. Vâng, tình yêu của Ngài là thế đó. Còn chúng ta?
Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chóp lưỡi. Làm sao ta có thể hiến mạng sống mình vì anh em, nếu như không tập từ những cái nho nhỏ, như: mong muốn người khác được hạnh phúc, vui, sướng, "được sống và sống dồi dào hơn". Vui với họ, buồn cùng họ. Chia sẽ từng miếng cơm, từng tấm áo, từng lời động viên, an ủi, cũng như không nói hành nói xấu người khác,... Làm được những điều nhỏ nhoi như thế, thì ta đã yêu thương họ cách chân thành, và khi cần thì cũng có thể hiến mạng sống vì họ.
Chỉ khi ta đã biết yêu qúi người khác một cách thiết thực, biết qúi và trân trọng đời sống, mạng sống và hạnh phúc của tha nhân, và mong cho họ được sống dồi dào hơn, được hạnh phúc hơn, và thực hiện lời Chúa dạy: "Điều mình muốn người ta làm cho mình thì hãy làm cho người ta trước", lúc đó ta mới có thể yêu tha nhân như yêu chính mình.
Lạy Chúa, yêu người quả là điều khó và yêu như chính mình nữa thì khó biết bao. Dẫu biết là khó nhưng con sẽ cố gắng hết sức để thực hành điều răn này. Có cố gắng thực hành yêu người mỗi ngày thì con mới có thể đụng chạm, đồng cảm và cùng nhịp đập với trái tim họ; mới có thể biết họ nghĩ gì, cần gì, và không muốn điều gì, nhờ đó con biết cách đối xử với họ, sống thân tình và biết đón nhận họ trong yêu thương chân thành. 

THỨ BẢY (Ga 1,45-51)
LỄ KÍNH THÁNH BARTHÔLÔMÊÔ TÔNG ĐỒ.
     Tin mừng hôm nay tường thuật việc ông Philipphê giới thiệu Đấng Messia cho ông Nathanaen, cũng gọi là Barthôlômêô. Khi nghe nói về Đức Giêsu, ông Nathanaen không tin và cho rằng Ngài chẳng có gì nổi bật, vì xuất thân từ Nadarét, nhưng sau khi gặp Đức Giêsu ông đã thay đổi cách nghĩ. Tại sao niềm tin của ông lại thay đổi như thế?
Thời Đức Giêsu, dân Dothái hiểu cách nói “vua Ít-ra-en” theo nghĩa: nhà vua sẽ thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, giải phóng Ít-ra-en khỏi ách nước ngoài, mà cụ thể là đế quốc Rôma. Ở Ga 1, 49, ông Nathanaen cũng không hiểu xa. Ông Nathanaen nghĩ vua Ít-ra-en phải trổi vượt, phải là một nhân vật nổi bật hay ít ra cũng phải sinh ra trong một gia đình giàu có, quí phái trong một thành đô rộng lớn. Nên khi Philipphê báo cho ông biết Đấng muôn dân mong chờ đã xuất hiện là người làng Nadarét. Nathanaen đã không tin. Ông đã phản bác “Từ Nadarét có thể có cái gì hay được”. Nhưng sau đó, ông lại nói “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Ít-ra-en”. Tuy ông tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng ông lại hiểu tước hiệu này cách mập mờ, hay nói đúng hơn, tước hiệu ấy ám chỉ đấng được Thiên Chúa xức dầu, nói lên sự liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa, người được Thiên Chúa chọn. Có lẽ sau ngày Phục Sinh, ông mới hiểu cách rõ ràng về tước hiệu này.
Như thánh philipphê đã không ngần ngại giới thiệu Đức Giêsu cho người bạn của mình, thì ngày nay, giữa một thế giới, xã hội đa tôn giáo, chúng ta có sẵn sàng giới thiệu Chúa Giêsu cho những người xung quanh không? Chúng ta đã giới thiệu như thế nào về Đức Giêsu: làm cho Ngài được nổi bật hay là đánh bóng bản thân mình?
Sau khi gặp Chúa Giêsu, thánh Barthôlômêô đã thay đổi cách suy nghĩ và biến đổi cuộc đời: trở nên môn đệ và sẵn sàng làm chứng cho Chúa đến giây phút cuối cùng. Còn chúng ta? Hằng ngày nghe Lời Chúa, chúng ta đã để cho Lời Chúa tác động, và thực hành như ý Ngài muốn không, và ta đã thay đổi đời sống như thế nào? Khi rước lấy Thánh Thể chúng ta đã biến đổi cuộc đời chưa ?

Lạy Chúa Giêsu, niềm tin của con còn non yếu và chính bản thân con cũng chưa xác tín niềm tin vào Chúa nên thường dễ xa ngã trước những cám dỗ. Xin thêm niềm tin cho con để mỗi ngày con một hiểu biết Chúa hơn và yêu mến Chúa hơn. Xin Chúa biến đổi con mỗi khi con gặp được Chúa, xin canh tân đời sống của con khi con lắng nghe Lời Chúa.

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

THƯ CÁM ƠN CHA ĐA MINH BÙI QUYỀN

Sakeo ngày 05.08.2013
Cha kính mến,
Con xin thay lời cho các gia đình nghèo trong họ đạo Sakeo tạ ơn Chúa và cám ơn cha.
Tạ ơn Chúa vì chỉ trong vòng hai năm qua, họ đạo chúng con đã có thêm 7 căn nhà tình thương được xây xong.
Tạ ơn Chúa vì những căn nhà tre, mái lá dột nát nay được thay thế bằng những ngôi nhà tường, mái tole kín đáo.
Tạ ơn Chúa vì anh chị em sống trong 7 căn nhà cũ rách xưa kia, giờ không còn phải sống trong cảnh phập phồng lo sợ trước những cơn mưa giông bất thường kéo về.
Tạ ơn Chúa đã đem lại hạnh phúc cho các đôi vợ chồng và niềm vui cho những đứa con thơ vì đã có được nơi ở kín đáo và chắc chắn.
Tạ ơn Chúa vì "con tim đã vui trở lại" được biểu hiện nơi nét mặt và nụ cười rạng rỡ của bao người vì có được căn nhà mới.
Tạ ơn Chúa vì có biết bao ân nhân, thân nhân đang âm thầm hy sinh đóng góp thời giờ, sức khỏe, tiền của lo lắng giúp đỡ cho đời, cho người.
7 căn nhà mới được xây dựng là công lao to lớn của cha và của anh em trong cộng đoàn Nazaret.
Thay lời cho anh chị em nghèo của những căn nhà mới thuộc họ đạo Sakeo, xin gửi đến cha lời cám ơn chân thành quý mến. Và qua cha, xin cho chúng con gửi lời tri ân chân thành đến những nhà hảo tâm đã âm thầm hy sinh giúp đỡ chúng con.
Chúng con hiểu rằng, để có được kinh phí giúp đỡ cho những gia đình nghèo không phải là việc dễ dàng. Chắc chắn cha đã tiêu hao nhiều công sức, thời giờ, tiền của...
Vì tình thương mà cha đã phải vất vã ngược xuôi để đi vận động các ân nhân, thân nhân nhằm gây quỹ cho nhà tình thương.
Cũng vì tình thương, cha không ngại chấp nhận thân mang đầy thương tích. Thương tích về thể xác lẫn tâm hồn.
Do sức mạnh tình yêu thoi thúc, cha sẵn sàng nhận lấy nhiều biệt danh: "người hát rong", "kiếp cầm ca",  nhóm "cái bang".
Tất cả có lẽ trên hết là "vì người nghèo và cho người nghèo" và tất cả là "vì vinh danh Chúa".
Xin cám ơn tình yêu cao quý của cha.
Nhân dịp Giáo Hội kính nhớ thánh Đôminicô quan thầy của cha, con xin cầu chúc cha nhiều sức khỏe, dồi dào ơn thánh và luôn nhiệt tâm tông đồ nhờ lời hộ giúp của thánh Dom để cha mang đến niềm vui và hạnh phúc cho đời cho người ở mọi nơi.
                                                                                                                   
con
    Lm Clé Nguyễn Văn Lanh

     Cha sở họ đạo Sakeo






  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...