Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

GIẢNG LỄ NHẬN NHIỆM SỞ CỦA CHA SIÊNG
(Mc 6, 6-13)
Lm. Seoka
Kính thưa cha quản hạt, quý cha và cộng đoàn phụng vụ,
Hôm cấm phòng năm, khi biết tin được thuyên chuyển, cha Phêrô có nói với em cháu: ngày nhận nhiệm sở của mình, cậu chia sẻ ít lời trong thánh lễ nha! Tưởng ngài nói đùa nên con cũng hứa chơi cho qua chuyện. Nhưng không ngờ cách nay không lâu, ngài gọi điện thoại báo tin, hôm nay ngài về nhận họ, xuống chia sẻ nha! Lệnh đã truyền, nên em cháu đành xin vâng!  Xin vâng không chỉ vì lỡ hứa mà còn vì: thứ nhất, con với ngài học cùng lớp. Thứ hai, ngài thuộc bậc đáng kính vì “người đầu bạc thì khôn ngoan”. Thứ ba, từ khi ra trường đến giờ con và ngài luôn gắn bó qua lại với nhau.
Ông bà và anh chị em thân mến, để thực hiện sứ mạng giải thoát con người khỏi những đau khổ về thể xác và tinh thầnmột mình Đức Giêsu là đủ, vì Ngài là Thiên Chúa quyền năng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại không dùng cách thế đó. Trái lại Chúa mời gọi chúng ta cộng tác. Cụ thể bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chọn gọi 12 tông đồ, ban quyền trừ quỷ cho các ông và sai các ông từng 2 người một đi rao giảng tin mừng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối.
Có thể nói, Lm là người được Chúa chọn gọi và trao quyền cách đặc biệt để tiếp nối sứ mạng loan báo tin mừng.
Sứ mạng thì to lớn, nhưng phận người lại bé nhỏ. Thế nên, Chúa Giêsu ý thức các linh mục hãy cậy trông vào Chúa.
Cậy trông vào Chúa, Lm sẽ dễ dàng sống tinh thần khó nghèo, sẵn sàng ra đi bất cứ nơi nào Chúa muốn. Cho dù bản thân không gạokhông tiền, không bao bị, không có đến hai áo.
Cậy trông vào Chúa, Lm dễ dàng sống siêu thoát, bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Sẵn sàng đến và sẵn sàng ra đi mà không hề vương vấn, tiếc nối vì “tiền” và “tình”.
Cậy trông vào Chúa, Lm sẽ không kiêu căng tự mãn nhưng biết khiêm tốn đón nhận, hợp tác làm việc với anh em lm đoàn và cộng đoàn trong nhiệm cao quý là loan báo tin mừng.
Chính vì ý thức trách nhiệm cao quý mà Chúa trao phó, nên cha Phêrô hôm nay đã sẵn sàng rời khỏi Ninh Sơn để vui vẻ đến với họ đạo Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Với việc công bố Bổ Nhiệm Thư của Đức Giám Mục giáo phận Cần Thơ, cha Phêrô chính thức làm cha sở họ đạo Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Phải nói từ nay lịch sử họ đạo Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời lại sang một trang mới, vì lần đầu tiên chào đón một tân chánh sở về ở trực tiếp với mình.
Cha Phêrô năm nay đã bước sang tuổi 49, với 12 năm trong thiên chức linh mục. 12 năm linh mục, cha đã kinh qua 2 họ đạo, những nếp nhăn đã bắt đầu hằn lên trán cha, mái tóc cũng đã bắt đầu điểm những sợi bạc. Ninh Sơn giáo xứ cha coi sóc trong 6 năm rưởi trở lại đây. Vâng lời Chúa, vâng lời Đức Cha, nay cha lên đường nhận nhiệm sở mới, bỏ lại đàng sau những điều còn dang dở chưa làm xong, bỏ lại đàng sau tấm lòng yêu mến, quyến luyến không rời của hơn 1000 giáo dân xứ đạo Ninh Sơn. Mặc dù sắp đón cha xứ mới, nhưng cái tình với cha xứ cũ vẫn chưa th nào dứt được, vì thế đông đảo bà con giáo dân Vinh Sơn đã tới đây hôm nay, để chào tạm biệt cha xứ thân yêu. Xin chia buồn cùng bà con giáo dân họ đạo Ninh Sơn nhé!
Còn họ đạo Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, chắc hẳn hôm nay rất vui mừng. Vui vì từ nay có một vị mục tử đạo đức và hiền hòa trực tiếp ở với mình. Mừng vì hơn 3 năm tái lập, xây dựng và phát triển, nay họ đạo lần đầu tiên đón nhận một cha sở. (xin cộng đoàn cho tràng pháo tay thật lớn để chia vui cùng họ đạo).
Tạm biệt ngoại thành, với bao mộng đẹp, nay cha phêrô tiến về nội thành Bạc Liêu, cái nôi của đàn ca tài tử. Chia tay với thân phận anh ba khía, đơn sơ, nơi vùng ven Vinh Sơn, nay cha Phêrô chính thức trở thành công tử hào hoa nơi mãnh đất nội thành Bạc Liêu. Thế là cha công tử từ nay sống trên mãnh đất tài tử. Song hỉ lâm môn! (xin cho thên tràng pháo tay nữa để chia vui cùng cha Phêrô)
Làm cha công tử, chắc hẳn cha rất sướng. Bởi thời phong kiến, có năm thứ bậc tước vị: Công - Hầu - Bá - Tử - Nam. “Công tử” tức là con của những vị quan có tước “Công”. Nhưng sau này hai chữ “công tử” được dùng để chỉ chung con cái của những gia đình giàu sang quyền quý, có thế lực. Vì là con của gia đình giàu sang, quyền thế nên công tử được hiểu đơn giản là rất sung sướng.
Hôm nay cha Phêrô về nhận nhiệm sở ở đất nội thành Bạc Liêu, đương nhiên tên cha gắn liền với tên công tử Bạc Liêu. Mà đã mang danh công tử thì dĩ nhiên phải sướng!
Theo Cha Anthony Đào Quang Chinh thì làm linh mục có nhiều cái sướng:
Xin kể một vài cái sướng cho cộng đoàn đỡ buồn.
1.Cái sướng thứ nhất là được gọi bằng “cha”.
Dù là linh mục già hay linh mục trẻ, thì đi bất cứ nơi đâu đều được mọi người tín hữu gọi là cha. Trương Tấn Sang hay Nguyễn Tấn Dũng chỉ làm chủ tịch hay thủ tướng một nước chứ làm linh mục thì cha cả và thiên hạ. Nên Linh mục đi đâu cũng được gọi bằng Cha. Có một linh mục nói đùa “ta là cha quốc tế mà!”.
2.Cái sướng thứ hai được ăn trên ngồi trước.
Đây nhé, trông thì thấy ngay. Vào những dịp lễ đông người, như vọng Giáng sinh hay Phục sinh chẳng hạn, trong khi nhiều người đến sớm kiếm chỗ ngồi, thì cha cứ từ từ tiến lên ghế đã dành riêng của mình, chẳng phải tranh dành với ai mà cũng chẳng ai dám tranh dành với cha. Đố ông nào bà nào lên ngồi “ghế của cha” hay là ngồi gần cha trên bàn thờ? Có mời cũng chẳng dám. Rồi giáo dân đi lễ trễ mấy phút thì sợ mất lễ, còn cha “chẳng may” có trễ, mọi người đều phải chờ. Vị nào dám lên “làm lễ thay cha”. Sướng quá rồi còn gì!
Đấy là chưa kể đến các bữa tiệc phải chờ cha ban phép lành mới ăn. “Ăn uống mà chưa được cha ban phép thì khác gì người ngoại đạo!”. Cha luôn được mời ngồi ở chỗ vinh dự nhất, trông thật oai. Khi dọn bất cứ món gì ngon, chủ nhà đều bảo tiếp tân: nhớ để trên đầu cha sở đó nha! Vì cha là vị khách đặc biệt.
3.Cái sướng thứ ba là cha “nói một tiếng bằng chúng con nói mười tiếng”.
Đúng vậy, trong nhà thờ, nếu cha kêu gọi điều gì, xem ra toàn dân hưởng ứng dễ dàng. Còn quý ông có dài cổ ra mời, may ra được bà vợ và đoàn con của mình đáp ứng thôi. Bởi thế cho nên người Mỹ mới có câu truyện hài hước:
Ba thằng nhãi con ngồi nói chuyện với nhau, khen bố mình giỏi.
Thằng thứ nhất khoe: - Mọi người gọi bố tao là giáo sư. Lương tháng của bố tao hơn ba ngàn. Tính ra mỗi giờ dạy học của bố tao hơn 50đô. Mai mốt tao giống bố tao. Học trò đến với bố tao phải trả tiền đó mày, vì bố tao dạy học dễ hiểu, nổi tiếng cả thành phố.
Thằng thứ nhì nổ: - Bố tao tuyệt vời lắm. Bố tao là ca sĩ. Mỗi lần hát được trả 2000đô cho vài bài nhạc, chưa đến nửa tiếng. Thiên hạ khoái bố tao lắm, vỗ tay quá trời. Bố tao nổi tiếng cả tiểu bang.
Thằng thứ ba có vẻ khiêm tốn: - Tao chẳng biết bố tao tài năng ra sao, nhưng mà ở trong nhà thờ, ông ấy rút ra một tờ giấy, đọc cái gì ấy, chẳng biết có ai hiểu không, sau đó 5, 6 người đứng lên cầm giỏ đi thu tiền mọi người. Bố tao chỉ lề rề đọc chừng 10 phút, chẳng ai cười, chẳng ai vỗ tay, vậy mà mỗi tuần thu được hơn 10 ngàn đô đó mày!
Hai thằng kia tranh nhau hỏi: - Thế bố mày làm nghề gì? làm Mục sư chánh xứ chứ làm gì!.
Nếu tiếp tục kể về các cái “sướng” thì còn dài lắm, nhưng cuộc đời làm gì luôn luôn được suôn sẻ như vậy. Nếu làm cha sướng thì thiên hạ đi tu hết rồi? Sao lại cứ để mấy vị “LM, khờ khờ” làm cha? Thôi bây giờ bàn về cái khổ của cha sở cho công bằng.
Tác gỉả Thế Nhân đã diễn tả những nổi khổ của cha sở trong bài thơ sau:
LÀM CHA SỞ… THẬT LÀ KHỔ!
Làm cha sở…ôi thật là khổ sở/. Nếu hòa đồng bị than thở: không nghiêm/. Còn cương nghị thì bị chê liền: khó tính./ Khi giảng dài bị cho là: tra tấn./ Giảng ngắn gọn thì than thở: qua loa./ Làm việc xông pha thì bị chê là: bày vẽ./ Đơn giản, sơ mi thì lại nói Cha: trẻ hóa/. Sống chiêm niệm bị đánh giá nấp: ở nhà./ Không rượu, không chè thì bị coi là: giữ kẽ./ Có chút rượu bia bị lên án: rượu chè./ Nếu nghỉ ngơi lại bị chê: làm biếng./ Còn siêng làm thì mang tiếng: bao sân/. Chịu khó tiếp dân, bị coi lười: cầu nguyện/ . Còn ít tiếp dân, Cha mang tiếng: quan liêu/. Làm việc năng nổ, thì bị xếp loại: kiêu./ Giáo xứ có bề gì lại mang tai tiếng: yếu/. Làm cha sở ôi thật là khổ sở./ Nhưng khổ sở là muôn thuở thế gian/. Vậy xin cha chớ vội than van/. Còn nhiệm sở tức là còn khổ sở./ Vì những niềm đau và biết bao gian khó/. Đang mong Cha soi rọi mối tình trời/. Đem Phúc âm cho nhân thế nơi nơi/. Cho reo vui muôn tiếng cười cứu độ/. Còn nhiệm sở nghĩa là còn bóng tối/. Cần nơi Cha nguồn cội suối tâm linh/. Soi chiếu đường đi ánh sáng Tin Mừng/. Cho rạng ngời ánh thiều quang chân lý/. Còn nhiệm sở, còn nhiều điều suy nghĩ/. Còn lo lắng, còn nặng gánh khổ sầu/. Nào ai hiểu: làm Linh Mục dễ đâu/. Khi giáo dân luôn khẩn cầu ơn thánh/. Còn nhiệm sở, còn nặng vai gồng gánh/. Lúa chín mênh mông, thiếu vắng thợ tài./ Khôn ngoan, thánh thiện, sức khỏe dẻo dai/. Đem ơn Chúa đến mọi nơi mọi chỗ/. Làm cha sở…cho dù rất là khổ sở/. Cũng là đường luôn rạng rỡ hân hoan/. Khổ vì yêu, vì trách nhiệm cưu mang/. Là Mục tử dưỡng nuôi đoàn chiên Chúa/. Làm Cha sở ôi muôn vàn khổ sở./ Cha là người Chúa muôn thuở yêu thương/.
Như vậy, trong niềm vui sướng lại có những khổ sở vì là cha sở!
Việc cha Phêrô chuyển đổi về đây hôm nay như là một cuộc trở về. Bởi lẽ trước đây ngài có thời gian phục vụ họ đạo Bạc Liêu. Dù nơi củ, nhưng là nhà thờ mới. Dù gặp lại giáo dân củ, nhưng trong vai trò mới. Dù trên vùng đất củ, nhưng với công việc mới, chắc cũng khiến ngài phải lo xa đủ thứ, nhưng thiết nghĩ với tinh thần phó thác cậy trông của người môn đệ Chúa cùng với bản chất trầm tĩnh, lòng nhiệt tâm tông đồ, cộng với tên gọi cha Siêng nữa, ngài sẽ siêng năng chăm lo cho cộng đoàn họ đạo Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời khai thác hết tiềm năng phong phú sẵn có của vùng đất tài tử, để phát triển và mở mang Nước Chúa tại địa bàn thành phố trẻ đông đúc dân cư này.

Chính trong tâm tình đó, chúng ta cùng chào mừng cha tân chánh sở Phêrô và cầu chúc cha nhiều sức khỏe, khôn ngoan và con tim đủ lớn của người mục tử để cha thi hành tốt nhiệm vụ thánh hóa, giảng dạy và cai quản họ đạo mà Chúa và Giáo Hội giao phó. Hy vọng với kinh nghiệm và tài đức, cha sẽ đem lại nhiều hoa trái tốt lành cho họ đạo Đức Mẹ hồn xác lên trời. Amen.


SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN II MÙA CHAY NĂM A

Thứ hai (Lc 6,36-38)
Trong chúng ta có lẽ không ai muốn lúc nào cũng bị người khác dòm ngó, bới móc. Vậy chúng ta cũng đừng làm cho người khác điều gì mà chính chúng ta không ưa thích!
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy trở nên con cái đích thực của Ngài bằng cách thể hiện lòng nhân từ với tha nhân theo mẫu gương của Chúa.
Thiên Chúa là người Cha giàu lòng yêu thương nên rất muốn chúng ta là những người con biết yêu thương như Ngài. Niềm vui và hãnh diện của cha mẹ chính là con cái nên giống mình. Cũng thế, Thiên Chúa, Người Cha của chúng ta sẽ vui mừng và hãnh diện biết mấy nếu chúng ta nên giống Ngài.
Thiên Chúa là Đấng Nhân Từ, vì thế Người cũng mong chúng ta phải có lòng nhân từ như Người. Để thể hiện lòng nhân từ, một mặt Chúa dạy chúng ta “đừng xét đoán” và “đừng kết án”; mặt khác, cách tích cực “hãy tha thứ” và “hãy cho đi”.
Nhưng hình như do hậu quả của tội nguyên tổ và bị ảnh hưởng bởi bầu khí hận thù chống đối của Satan xưa, nên chúng ta thường làm ngược lại điều Thiên Chúa muốn.
Chính chất độc tội nguyên tổ đã tiêm nhiễm vào người ta và bầu khí hận thù của Satan thấm nhập hồn ta nên khuôn mặt chúng ta đã bị biến dạng, tâm tính chúng ta đã bị biến chất không còn là hình ảnh tốt đẹp của Chúa nữa.
Chúng ta thường thích xét đoán người khác hơn xét đoán chính mình. Chúng ta thường thích lên án người khác hơn lên án chính mình. Trong khi Thiên Chúa là Đấng toàn thiện, cthánh, uy quyền nhưng Chúa không hề xét đoán hay lên án, một mực Người yêu thương và tìm cách cứu vớt. Người luôn kiên nhẫn chờ đợi kẻ có tội ăn năn sám hối để Người tha thứ.
Bình an và hạnh phúc của con cái chỉ có được khi biết vâng lời Cha và noi theo nếp sống tốt đẹp của Cha mình.
Lạy Chúa, xin cho chúng con, những người con Chúa ngày càng giống Chúa nhân từ, quảng đại. Không bao giờ xét đoán, phê bình chỉ trích, nói hành nói xấu, cáo gian ai. Trái lại luôn có cái nhìn ngay thẳng và trong sáng. Luôn  biết nghĩ tốt, nói tốt, làm tốt cho mọi người. Biết cho đi không cần toan tính. Nhất là biết sẵn sàng thứ tha cho nhau như Chúa hằng tha thứ cho chúng con. Amen.

Thứ ba Mt 23,1-12

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu lên án mạnh mẽ lối sống giả hình của các Kinh Sư và những người Pharisêu, bằng cách ý thức chúng ta hãy sống theo những gì họ dạy, nhưng tránh làm theo những gì họ làm. Bởi họ dạy một đàng lại làm một nẻo. Nói thì đúng làm thì sai. Dạy sống đạo đức, nhưng lại sống bất nhân.
Chúng ta đang sống trong một xã hội phủ đầy bóng tối của gian dối. Chân thành và sự thật hình như không còn chỗ đứng; trái lại xảo trá và lọc lừa lại lên ngôi và được xem là model của thời đại. Chính vì thế mà ngày hôm nay, con người không còn phân biệt đâu là hàng thật đâu là hàng giả, đâu là người tốt đâu là người xấu. Sống trong xã hội như vậy thật là đau buồn và bất an.
Xin cho con cái Chúa biết can đảm sống và làm chứng cho ánh sáng của trung thực hầu xua tan bóng tối của bất công, gian dối, lộc lừa còn đang bao phủ nặng nề trong cuộc sống hôm nay.
Xin Chúa cho chúng ta biết tránh xa tính kiêu căng, thói giả hình của người Biệt Phái để chân thành nhận mình còn nhiều khiếm khuyết, tội lỗi.
Xin cho chúng ta biết noi gương Chúa sẵn sàng phục vụ giúp đỡ mọi người trong hết mọi việc hầu xứng đáng là con Chúa và trở nên bạn hữu thân thiết với mọi người. Amen

Thứ tư (Mt 1, 16.18-21.24a).
Thánh Giuse bạn trăn năm Đức Trinh Nữ Maria.

THÁNH GIUSE NGƯỜI GIA TRƯỞNG TRUNG THÀNH
Để đảm bảo hạnh phúc gia đình, hơn lúc nào hết các đôi vợ chồng ngày hôm cần phải  ý thức và can đảm sống nhân đức trung thành theo mẫu gương của Thánh Giuse.
1. Thánh Giuse trung thành bảo trợ gia đình.
Sau khi nhận được thánh ý Thiên Chúa, Thánh Giuse đã sẵn sàng đứng ra để bảo trợ gia đình Thánh gia.
Thánh Kinh thuật lại: khi biết được Đức Maria mang thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần, Thánh Giuse đã không ngần ngại nhận Đức Maria về nhà mình đễ chở che và nuôi dưỡng. Nhận lãnh hay bảo lãnh Đức Maria về nhà cũng đồng nghĩa Thánh Giuse giải cứu Đức Maria khỏi búa rìu dư luận và thoát khỏi án tử, vì theo luật Do Thái thời bấy giờ, đàn bà không chồng mà có con thì phải bị ném đá đến chết.
Việc bảo trợ Đức Maria cũng có nghĩa là đồng bảo trợ Hài Nhi đang được cưu mang trong cung lòng Đức Maria. Việc nhận Đức Giêsu làm con cũng đồng nghĩa với việc bảo trợ cho Đức Giêsu sinh ra cách hợp pháp đưa Đức Giêsu vào trong dòng tộc vua Đavít.
Không chỉ bảo trợ cho Hài nhi Giêsu sinh ra hợp pháp mà thánh Giuse còn bảo toàn mạng sống của Đức Giêsu khỏi nanh vuốt của vua Hêrôđê. Để bảo toàn mạng sống của Đức Giêsu, thánh Giuse phải vượt đường xa hiểm trở gần 500 cây số xuyên qua sa mạc dài hơn 200 km không một bóng cây, không một ngọn cỏ, không một giọt nước, rất gian khổ để đến Ai-cập tị nạn.
Ngoài việc bảo vệ sự sống, bảo vệ mạng sống, Thánh Giuse còn phải bảo vệ cho Đức Maria và Hài Nhi Giêsu được sống nữa. Ngài đã phải lao động vất vã tại hãng xưởng mộc bé nhỏ tại làng Nazarét để mưu tìm miếng cơm, manh áo, tiền nong để nuôi sống gia đình.
Cuộc đời thánh Giuse quả không phải sung sướng, an nhàn, trái lại ngài phải trãi qua trăm chiều thử thách và đau khổ. Ý Chúa quan phòng để ngài nêu gương cho ta khi gặp gian lao, thử thách cũng biết vui lòng hy sinh như ngài để bảo vệ sự sống, mạng sống và tạo điều kiện cho gia đình mình được sống an bình.
Là người cha phải hết lòng bảo vệ con cái mình khỏi tay kẻ dữ, khỏi bầu khí hận thù và bất công. Đó là nhiệm vụ vô cùng to lớn của người gia trưởng.
Hằng ngày có biết bao hài nhi bị hủy diệt trong bào thai. Chúng ta cũng đã từng chứng kiến không ít những hài nhi vừa cất tiếng khóc chào đời lại bị chính cha mẹ chúng bỏ rơi, thật đau lòng!
Cách bảo vệ hài nhi an toàn nhất là chúng ta phải biết tỉnh thức để nghe tiếng Chúa nói trong lương tri như Thánh Giuse, dù khi ngủ ngài vẫn thức tỉnh nhận ra tiếng Chúa nói trong giấc mộng.
2. Thánh Giuse trung thành trong nhiệm vụ giáo dục con cái.
Tin mừng thánh Luca đề cao nền giáo dục tuyệt vời của Thánh gia qua câu: "Hài nhi lớn lên càng mạnh khỏe, khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Chúa và người ta" ( Lc 2, 40-52). Chỉ một lời ngắn ngủi của thánh sử Luca nhưng đã diễn tả hầu như trọn vẹn cách thế giáo dục của thánh Giuse và Đức Maria đối với con mình. Các ngài đã để ý và giáo dục con mình về mọi phương diện: Thể dục, trí dục, đức dục ...
- Thể dục: Trẻ Giêsu càng lớn lên càng mạnh mẻ, đầy sức lực nhờ vào lao động nơi xưởng mộc Nazarét mà thánh Giuse đã dày công tạo dựng. Lên 12 tuổi trẻ Giêsu đã đi bộ suốt bốn năm ngày đàng lên Giêrusalem dự lễ, vậy mà không thấy Thánh kinh nói trẻ Giêsu mệt mỏi. Sau này giảng đạo, Đức Giêsu đã đi khắp cùng làng mạc, thành phố và cả những vùng lân cận nữa. 
- Trí dục: Càng tuyệt vời hơn khi mới 12 tuổi, cậu bé Giêsu của làng Nazarét quê mùa, vô danh, ở tít vùng sâu, vùng xa đã đàng hoàng vào đền thờ ở thủ đô Giêrusalem, ngồi giữa các thầy tiến sĩ vừa nghe vừa hỏi. Ai cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp khôn ngoan của cậu. Nếu gia đình Thánh Giuse không quan tâm đến việc hướng dẫn con mình học hỏi và trao dồi Thánh kinh thì làm gì có sự hiểu biết như thế? 
Mỗi ngày Sabát là dịp tốt để tìm hiểu Thánh kinh và nghiên cứu Luật Chúa. Như trở thành thói quen mà cha mẹ để lại. Sau này khi rao ging Chúa Giêsu thường xuyên vào Hội Đường đọc Lời Chúa, giảng dạy và chữa bệnh. Có lẽ nhờ việc quan tâm đến giáo dục tri thức cho con mình nên Đức Giêsu đã thuộc lòng các khoản Luật và Lời Chúa. 
- Đức dục: Ngoài đức công chính gắn liền với tên tuổi Thánh Giuse, chúng ta còn nhận thấy một nhân đức khác nổi bậc nơi ngài nữa đó là đức vâng lời. Vâng lời thánh ý Thiên Chúa, ngài đã bỏ ý riêng mình để đón nhận Đức Maria về nhà mình. Vâng lời Thiên Chúa, ngài đã mau mắn đem Đức Maria và Hài Nhi trốn sang Aicập.
Chính nhờ ảnh hưởng của một nền đạo đức như vậy mà Đức Giêsu trở nên người con hằng "đẹp lòng Chúa Cha". Cuộc đời Chúa Giêsu cũng tiếp nối bằng hai chữ "xin vâng" theo thánh ý Chúa Cha như thánh Giuse và Đức Maria: 
Vâng lời Chúa Cha từ trời cao Người xuống thế, từ Vị Thiên Chúa trở nên người phàm, từ Đấng Thánh Thiện lại gánh lấy tội nhân. Người vốn là giàu sang lại trở nên nghèo khó...; và Ngài đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Vì thế nên Người hằng xác quyết: "lương thực của Ta là làm theo Đấng đã sai ta". Ngoài việc vâng lời Chúa Cha, Đức Giêsu còn luôn vâng lời thánh Giuse và Đức Maria: "Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazarét và hằng vâng phục các ngài" (Lc 2, 51).
Vậy những bậc cha mẹ cũng hãy noi gương thánh Giuse quan tâm giáo dục con mình phát triển toàn diện. Trung thành giáo dục như thế mới hy vọng con chúng ta trở nên tốt.
Cùng với Giáo Hội, chúng ta cũng đang sống trong tâm tình của mùa chay thánh. Nếu mùa chay Giáo Hội mời gọi chúng ta trở về, thì trước hết, chúng ta hãy bắt đầu trở về với chính mình, với những bổn phận của người chồng-vợ, người cha-mẹ, người gia trưởng-hiền mẫu trong gia đình mình, bằng việc noi gương thánh Giuse trung thành trong vai trò bảo trợ gia đình, trung thành trong trách nhiệm làm cha-mẹ và nhất là trung thành trong việc giáo dục con mình trở thành người và thành người con Chúa.
Vì sự sống và hạnh phúc gia đình, xin cho các gia trưởng-hiền mẫu quyết sống với HAI TRUNG THÀNH theo gương thánh Giuse Bổn mạng gia trưởng. Amen.
THÁNH GIUSE MẪU GƯƠNG CỦA THINH LẶNG
Dẫn nhập
Nếu mùa chay là mùa sám hối, trở về. Có lẽ việc trở về sâu xa nhất là trở về cõi lòng mình trong thinh lặng để nhận ra Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương, nhận ra tha nhân là anh em mình, nhất là nhận ra con người thật của mình. Nhờ đó mà ta có những điều chỉnh cho đúng đắn phù hợp với ý Chúa hơn.
 Nếu Giáo Hội đặt tháng kính Thánh Giuse vào Mùa Chay, thì mục đích đã rõ, bởi vì ngài là khuôn mẫu của con người nội tâm, thinh lặng. 
Xin Chúa cho chúng ta biết trân trọng và yêu quý đời sống thinh lặng, nhất là biết học nơi thánh Giuse bài học về “đức thinh lặng”.

Chia sẻ
Có truyện kể về 3 pho tượng: Xưa một nhà vua Ấn Độ, muốn thử nhân tài của một nước Chư hầu liền gửi tới nước này ba pho tượng vàng, giống hệt nhau. Nhà vua Ấn Độ yêu cầu nhà vua Chư hầu cho biết trong ba pho tượng vàng này, đâu là pho tượng quí giá nhất.
Nhà vua nước Chư hầu cho triệu tập các nhà thông thái tới để đánh giá ba pho tượng vàng này, tìm ra xem pho tượng nào quí giá nhất. Các nhà thông thái nghĩ ngay tới giá trị của mỗi pho tượng sẽ căn cứ vào cân nặng nhẹ, hoặc vào tuổi vàng tốt xấu, hoặc căn cứ vào nghệ thuật tìm thấy trên ba pho tượng vàng! Nhưng rồi các nhà thông thái đành phải bó tay, vì ba pho tượng này giống hệt nhau về nghệ thuật, khối lượng và tuổi vàng. 
Nhà vua nước Chư hầu rất buồn, vì không biết được giá trị hơn kém của ba pho tượng. Vua liền cho loan báo khắp nước: Ai tìm được bí mật giá trị của mỗi pho tượng sẽ được trọng thưởng.
Có một người tù, biết chuyện xin được xem ba pho tượng và nếu anh ta tìm ra giá trị hơn kém của ba pho tượng này thì anh chỉ xin một điều kiện là cho anh được tự do. Lập tức nhà vua cho anh xem ba pho tượng. Vừa ngó xong ba pho tượng, anh ta xin một cọng rơm. Chỉ trong ít phút, anh đã khám phá ra giá trị hơn kém của ba pho tượng vàng.
Anh lấy cọng rơm chọc vào lỗ tai pho tượng thứ nhất, thì thấy cọng rơm xuyên từ lỗ tai này sang lỗ tai kia, anh bảo: “đây là pho tượng ít giá trị nhất, vì nó tượng trưng cho hạng người nghe điều gì, vừa vào tai nọ, đã ra tai kia, không biết ghi nhớ, không để tâm gì suy nghĩ điều đã nghe”.
Anh ta lại lấy cọng rơm chọc vào lỗ tai pho tượng thứ hai, thì thấy cọng rơm đi từ lỗ tai chạy xuống miệng pho tượng. Anh bảo: “pho tượng này hơn pho tượng trước là vì nó tượng trưng cho hạng người biết nghe, biết nhớ nhưng mắc khuyết điểm là: vừa nghe được gì đã vội nói ngay, không suy nghĩ xem điều mình nghe đúng hay sai, nói ra có lợi hay có hại”.
Anh lại lấy cọng rơm chọc vào lỗ tai pho tượng thứ ba, thì thấy cọng rơm đi từ lỗ tai chạy xuống bụng. Anh nói: “pho tượng này quý giá nhất, vì nó tượng trưng cho hạng người biết nghe, biết nhớ, biết để lòng suy nghĩ, biết ghi vào tâm dạ mình.
Vua nước lớn nghe được lời giải đáp của thần dân nước nhỏ thì vô cùng kính nể. Ông về nói với các quan trong triều: “Nước họ có người thông minh tài giỏi như vậy, hẳn nước họ là nước mạnh mẽ, hưng thịnh, ta nên giao hoà với họ chứ không nên giao chiến”.

Trong các sách Tin Mừng dù có nhắc tên Thánh Giuse đôi lần, nhưng không hề thuật lại bất cứ lời nào của thánh Giuse. Có lẽ không phải vô tình Thánh Kinh không ghi nhận một lời nào của Thánh Giuse, nhưng muốn đề cao giá trị của sự thinh lặng.
Thinh lặng giúp ta cảm nhận được vẽ đẹp.
“...Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu...”
Trong bài thơ “Đà Lạt Trăng Mờ”, nhà thơ Hàn Mặc Tử kêu mời ta hãy lắng đọng tâm hồn trong cỏi riêng tư để cảm nhận sâu xa vẽ đẹp thiên nhiên mà Thượng Đế yêu thương ban tặng cho. Chỉ có thinh lặng, ta mới chìm sâu vào tận đáy lòng mình để nhận ra đáy nước hồ reo, nghe thấy nhịp rung của liễu tơ và nhận ra tình yêu của đất trời.
Chính đời sống thinh lặng, Thánh Giuse mới có khả năng nhìn thấu được phía bên kia của những biến động làm xáo trộn cuộc sống của ngài. Chính trong thinh lặng ngài mới thấu suốt và tin tưởng vào những vẽ đẹp của ơn Chúa ban trước những biến cố đầy sóng gió xảy đến cho gia đình mình.
Thinh lặng là chọn cho mình lối sống khôn ngoan
Người đời thường nói: "Lời nói là bạc, im lặng là vàng". Thinh lặng hơn nói, vì nói chỉ là bạc mà im lặng mới là vàng, là vàng thì bao giờ cũng quí hơn bạc. Như thế thinh lặng đưc ví như một chuẩn mực của đạo đức, một tiêu chí của khôn ngoan thông thái.
Ông bà ta vẫn nói “Ngôn giả bất tri, tri giả bất ngôn” (Người không biết thì lại lắm mồm vì tưởng người khác không biết như mình, ngườì biết thì lại không nói vì nghĩ rằng mọi người đều biết”.). 
Trong thinh lặng đầy khôn ngoan, Thánh Giuse đã âm thầm bảo vệ che ch Đức Maria và nuôi dưỡng Hài Nhi Giêsu trong bầu khí ấm êm của một gia đình hợp pháp.
Cho nên Heidegger mới khuyên chúng ta thực tập thinh lặng, bớt nói, bớt phát biu, bớt bàn tán….không phải để ta nên ngu muội, vô tri, nhưng để cho tâm khảm suy nghĩ hoà quyện với sinh linh vạn vật, và chỉ khi đó chúng ta mới có thể thấu đạt hết mọi ngóc ngách, thông tường mọi thế thái, biến chuyển trong sự biểu đạt khôn cùng của nhân sinh, của nhiên giới.
Thinh lặng giúp ta nhận ra giới hạn của mình.
Thinh lặng để thấu đạt được cái vô thường, cái bất biến, cái trường cửu của đất trời. Thinh lặng để thấu triệt được nội quan cũng như ngoại giới. Thinh lặng đễ thấy ta là nhỏ bé, là mong manh, là hạn hữu trong mênh mông, bao la, vô hạn giới của đất trời, của vũ trụ thường hằng và vô biên. Thinh lặng để chuyển tải nhiều hơn, thinh lặng để nói nhiều hơn, để nghe nhiều hơn, để thấu đạt nhiều hơn, có lẽ cũng đáng giá lắm thay sự thinh lặng ấy! 
Trong chính sự thinh lặng của đêm vắng, Thánh Giuse đã nhận ra được ý muốn của Chúa, lắng nghe được Lời Chúa nói. Phân biệt được điều gì đúng, điều gì sai và chọn lựa cách thế thực hiện như thế nào đẹp ý Chúa nhất. Vì thế ngài được gọi là “người công chính”: làm theo ý Chúa.
Giữa bao triết lý và lắm luồng tư tưởng trong xã hội này, ta phải chọn lựa như thế nào? Giữa những nền văn hóa đa dạng và những nền văn minh phức tạp, ta biết đâu là đúng, đâu là sai? Có lẽ ta hãy học thinh lặng như thánh Giuse, để lắng đọng tâm hồn, bình tĩnh lắng nghe Tiếng Chúa nói. Khi nghe được Tiếng Chúa, ta phải cương quyết chọn lấy cho mình con đường. Đó là sống cho nền văn minh tình thương và văn hoá của sự sống theo gương Thánh Giuse.

Thứ năm (Lc 16,19-31)
Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta phải có thái độ khôn ngoan khi xử dụng tiền của.
Ông phú hộ trong dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể, xem ra cũng đáng khen. Ông chẳng làm gì nên tội. Không ăn trộm ăn cắp ai. Không cho vay ăn lời dù lãi chỉ bằng ngân hàng nhà nước. Không lấn ranh hay chiếm đoạt đất đai ai cả cho dù là ý muốn. Cũng chẳng lê lết sang nhà hàng xóm để nhiều chuyện, cũng không thấy phiền trách hay nói hành nói xấu ai. Đời ông không hề cờ bạc, không số đầu số đuôi. Dù nhiều tiền lắm của nhưng chẳng thấy đi bia om hay vào hàng quán ăn uống phung phí…, sống được như ông thời nay xem ra đã là tốt quá còn gì!
Phải chi trái đất này chỉ một mình ông thì quá tốt. Phải chi xã hội này mọi người đều giàu có như ông thì số phận ông ta đâu có hẵm hiêu và đau đớn đến thế. Cũng tại cái anh Lazarô nghèo nàn và bệnh tật hiện diện trên thế gian này nên cuộc sống giàu sang, sung sướng của ông phú hộ đã trở nên nguy hiểm, bất an. Bất an không vì sợ trộm cắp, nhưng sợ vì phải chia sẻ. Không ngại vì lẽ sống công bằng, nhưng cảm thấy bất an vì phải thực thi  tình bác ái.
Nhưng cuộc đời luôn biến đổi không dò. Hôm qua là chủ nay lại là tớ. Hôm qua giàu có nay lại nghèo khổ. Hôm qua là sung sướng thoải mái nhưng nay lại gian lao, khổ nhọc… Cuộc đời của ông phú hộ và Lazarô cũng đổi thay sau cái chết. Giàu có, sung sướng, tiện nghị, yến tiệc linh đình, nhưng thiếu bác ái đã trở thành vực sâu u tối giam hãm nhà phú hộ muôn đời.
Chấp nhận đau khổ, bệnh tật trong thân phận nghèo nàn, khiêm tốn không hề than trách, nhưng một mực tin tưởng phó thác vào tình thương Chúa như Lazarô đã trở thành những bậc thang đưa Lazarô lên cao vút, đến nỗi khoảng cách từ Lazarô đến nhà phú hộ xa vời không thể qua lại được.
Chúa sẽ xét xử chúng ta về những việc làm bác ái ta đã làm hay không làm cho tha nhân. “Hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc hãy vào hưởng vinh quang cùng Ta. Vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn…..”.
Như thế ông phú hộ bị phạt không vì ông ta lắm tiền nhiều của; cũng không vì ăn sang mặc đẹp. Nhưng ông ta bị phạt bởi vì ông không biết dùng của cải tiền bạc mà giúp đỡ người nghèo.
Xin chúa cho chúng ta biết vâng lời Chúa và Giáo Hội, hằng ngày biết dùng của cải Chúa ban mà làm lợi ích cho mình và tha nhân về phần hồn cũng như phần xác; và cho chúng con dù giàu hay nghèo cũng luôn sống đẹp lòng Chúa để mai sau được hưởng hạnh phúc bên Chúa muôn đời.

Thứ sáu (Mt 21, 33-43.45-46)
Dụ ngôn ám chỉ ông chủ vườn nho là Thiên Chúa.
Đầy tớ ông chủ các ngôn sứ.
Tá điền là những người khước từ, không chấp nhận lời Thiên Chúa phán dạy. Cụ thể là giới tư tế Do Thái giáo.
Người con trai của chủ vườn nho là Giêsu.
Dụ ngôn vẽ lên hình ảnh đối lập giữa tình thương, lòng bao dung, sự nhẫn nại của Thiên Chúa trước sự phản phúc, ích kỉ, độc ác của con người.
Bằng tình thương ông chủ đã tạo lập vườn nho và chuẩn bị đầy đủ những phương tiện cần thiết để phát triển; rồi tin tưởng giao phó cho tá điền chăm sóc, làm lợi.
Với tấm lòng bao dung, ông chủ đã lần lượt gửi những đầy tớ tin cậy của mình đến để nhắc nhở, khích lệ các tá điền làm việc có trách nhiệm, nhằm sinh lại nhiều hoa lợi cho chủ.
Cuối cùng với lòng nhẫn nại, ông chủ đã gửi đến chính người con yêu của mình, với hy vọng các tá điền cảm nếm được tình thương sự quan tâm của ông chủ mà thức tỉnh, lo chu toàn bổn phận.
Đổi lại tình thương của chủ là sự bất cần của những tá điền. Họ không màn đến tình thương và sự tin tưởng của ông chủ dành cho họ nên đã chễnh mãn trong bổn phận vun trồng và chăm sóc vườn nho.
Đổi lấy tấm lòng bao dung của chủ là sự ích kỉ tham lam bất chính của các tá điền nên đã dã tâm chiếm đoạt luôn hoa lợi của chủ.
Đổi lấy sự nhẫn nại của chủ là sự nhẫn tâm của các tá điền. Họ sẵn sàng ra tay manh động, độc ác giết chết luôn người con thừa tự của ông chủ và không ngại vứt xác ra ngoài vườn.
Hình ảnh của các tá điền trên không những ám chỉ các tư tế Do Thái xưa, mà ám chỉ đến mỗi chúng ta.
Ngày lãnh nhận bí tích rửa tội, Chúa đã thương chọn tôi vào làm vườn nho của Ngài. Ngài đã xây dựng luật lệ, lập nên các bí tích và dùng chính Lời Ngài mà chỉ dạy, bảo vệ và nuôi dưỡng đời sống đức tin của chúng ta. Những thứ ấy ví như hàng rào, bồn đạp nho, vọng gác trong vườn. Thế nhưng vì sự chễnh mãn, chúng ta đã không nghĩ đến tình thương và sự ưu ái của Chúa, không lo vun trồng đức tin Chúa ban nên đã gạt bỏ ngoài tai những lời Chúa dạy, không buồn thực thi lề luật Chúa, không thiết tha với những ơn ích của các bí tích mang lại.
Với mưu cầu lợi ích cá nhân, chúng ta đã thực hiện những việc làm xấu xa trái lại với những lời nhắc nhở chỉ bảo của các đấng bề trên, Giáo hội là sứ giả của Chúa, gây ra gương mù, gương xấu cho những người trong gia đình, trong khu xóm…. Đó là cách chúng ta giết chết những đầy tớ Chúa gửi đến.
Biết bao lần trong đời sống, chúng ta cũng đã bỏ ngoài tai lời dạy của chính con một Người là Đức Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Chúa Cha. Ấy là chúng ta đã nhẫn tâm giết chết chính Đức Giêsu con yêu dấu của Thiên Chúa!
Rõ ràng Chúa muốn cứu độ mọi người, nhưng vẫn có những hạng người biết lề luật nhưng không biết tuân giữ lề luật. Họ chỉ nói mà không thực hành. Chúa lên án họ và Nước Trời cũng luột khỏi tay họ.
Lạy Chúa xin ban cho chúng con một tấm lòng thành để chúng con luôn sẵn sàng lắng nghe và thực thi lời Chúa và Giáo huấn của Giáo Hội.


Thứ bảy (Lc 15,
1-3.11-31)
Chúa là Người Cha nhân hậu, giàu lòng lòng yêu thương, cảm thông và sẵn sàng tha thứ những lầm lỗi của ta, một khi ta nhận ra sai lỗi và quyết tâm đổi mới đời sống. Đó là nội dung của sứ điệp lời Chúa hôm nay gởi đến chúng ta. Xin cho chúng ta cảm nhận được tình yêu của Chúa mà quyết tâm từ bỏ tội lỗi, quay về sống trong ân sủng của Người.
Người đời thường nói: con cưng là con hư. Nếu cưng không đúng cách sẽ làm hư hỏng con cái.
Nhưng con đã hư rồi thì liều thuốc duy nhất để chữa là tình thương.
Tin mừng hôm nay, không trình bày cho chúng ta biết trước khi hai người con hư, người cha đã yêu thương chúng như thế nào. Nhưng chỉ cho ta biết, người cha đã dùng tấm lòng yêu thương tha thiết để cảm hóa hai đứa con sau khi chúng đã ra hư đốn.
Người con thứ: Nhẫn tâm cắt đứt tình cha và sẵn sàng bỏ nghĩa anh em, gom lấy nữa phần gia sản gia đình ra đi phiêu lưu tìm cảm giác lạ. Từ nay thay vì ngủ nhà cha, anh ngủ nhà trọ. Thay những bữa cơm đơn sơ ở nhà cha bằng những bữa tiệc linh đình nơi nhà hàng sang trọng. Thay vòng tay yêu thương chân tình của cha già bằng những vòng tay ân ái gian trá của các kiều nữ chân dài xinh đẹp.
Nhưng khách sạn dù có thoải mái, cơm nhà hàng dù có sang trọng, nằm trong vòng tay của các kiều nữ xinh đẹp êm ái, thì rồi anh cũng chẳng thấy bình an và hạnh phúc. Kết quả của phiêu lưu tìm cảm giác lạ trong thác loạn đã làm anh tan gia bại sản, thân xác tiều tụy và đau khổ, kiếp sống không ra con người.
Dẫu thế tình cha vẫn ấm áp như ngày nào. Vui mừng chào đón người con như thuợng khách. Sẵn sàng tha thứ, yêu thương. Tình yêu vẫn nguyên vẹn tha thiết và nồng nàn như xưa.
Người con cả cũng chẳng hơn gì đứa em hư hỏng. Dù cần cù lam lũ, không hề bất tuân lệnh cha. Nhưng đầu anh lại có nhiều toan tính, lòng anh đầy ích kỷ và ghen tỵ. Trong khi mọi người vui mừng vì em con đã chết nay sống lại đã mất nay tìm thấy. Vậy mà anh lại kể công và phân bì với em mình cùng cha già. Trong khi người cha không hề coi anh là người ngoài thì chính anh lại xem mình là kẻ xa lạ vì không thừa nhận mình là con cha và là người anh của đứa con thứ: “Cha coi đã bao năm con hầu hạ Cha, thế mà chưa bao giờ Cha cho lấy một con bê con để ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con cha kia ( không phải là em con), sau khi nuốt hết của cải của cha với bọn đĩ điếm, nay trở về, cha lại cho con bê béo ăn mừng”.
Thấu hiểu hết lòng con, người cha ra năn nỉ con vào chia sẻ niềm vui và ân cần giải thích cho con hiểu rằng: nó là em con và con là con cha. Cha muốn con vui trong phận làm con và làm anh và hãy vui mừng và hãnh diện vì luôn được sống trong tình thương của cha.
Hình ảnh của hai đứa con trong dụ ngôn có lúc cũng hiện diện nơi mỗi chúng ta. Có lúc ta cũng muốn chối bỏ chúa, bỏ đạo, bỏ nhà thờ. Có lúc chúng ta cũng muốn phiêu lưu tìm cảm giác lạ quá độ của bia rượu, thuốc lá, cà phê, trai gái, bất trung và sa đoạ như đứa con thứ. Cũng lắm lúc chúng ta sống trong ít kỷ tham lam toan tính, tìm lợi mình, muốn hại người, nuông chiều và nuôi dưỡng lòng ghanh tị. Cảm thấy khó chiụ khi ai đó giàu hơn chúng ta, giỏi hơn chúng ta, đạo đức hơn chúng ta, được nhiều người thương mến hơn chúng ta.
Chúa Người Cha thấu hiểu lòng của mỗi chúng ta. Nhưng Chúa cũng là Đấng giàu lòng yêu thương tha thứ, mong muốn ta nhận ra lầm lỗi mà sửa đổi.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết bỏ đi con đường đi hoang tội lỗi mà can đảm quay về nhà Cha để cảm nhận tình của Cha yêu ta là dường nào. Nhờ thế trong mùa chay thánh này, chúng con quyết tâm đổi mới đời sống nên tốt hơn, hầu xứng đáng với tình yêu của Cha dành cho chúng con.



SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN-NĂM B Kn 1,13-15; 2,23-24; 2Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43 Suy niệm 1: ...