Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

SUY NIỆM LỜI CHÚA 
CÁC NGÀY TRONG TUẦN X TN A
Lm. Seoka

Thứ hai (Mt 5,1-12)
Ở đời luôn có hai mặt thật và giả. Hạnh phúc cũng vậy. Có những thứ đem đến cho con người hạnh phúc thật. Tuy nhiên cũng có những thứ chỉ đem đến cho con người hạnh phúc giả tạo, không bền lâu. Điều nghịch lý là ai cũng mong muốn có được hạnh phúc thật, nhưng rồi lại thích đi tìm những thứ chỉ mang đến hạnh phúc giả tạo, chóng qua.
Xã hội ngày nay, nhiều người cho rằng hạnh phúc là có 1,2,3,4,5: một là vợ đẹp, hai là con ngoan, ba là nhà 3 tấm, bốn là xe 4 bánh và năm là du lịch 5 châu. Thế nhưng thực tế cho thấy, khi đạt được những điều mong ước ấy, con người vẫn không tìm thấy hạnh phúc thật.
Như thế thì tiền bạc của cải, vật chất tiện nghi, đam mê lạc thú nơi trần gian không lấp đầy được khát vọng sâu xa nơi cỏi lòng con người và không là phương thế đưa đến hạnh phúc thật. Vậy ta phải làm gì để có hạnh phúc thật?
Bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết những phương cách để đạt đến hạnh phúc đích thực thật. Đó chính là thực thi 8 mối phúc thật.
Điều đáng nói là con đường 8 mối phúc thật mà Chúa Giêsu đề ra hình như đi ngược lại với suy nghĩ thực tế của con người thời nay và lắm khi trở thành xa lạ ngay cả đối với người Kitô hữu chúng ta. Vì con người thời nay vẫn còn bám víu quá nhiều vào tiền bạc, của cải, danh vọng... nên không dám chấp nhận những phương cách mà Chúa Giêsu đề ra: là tinh thần khó nghèo, từ bỏ, đau khổ ngay cả hy sinh vì chính đạo để phục vụ tha nhân và nước Chúa.
Con đường 8 mối phúc không phải là viễn vong, mơ hồ hay bất khả thi nhưng là con đường chính đạo. Bởi vì chính Chúa Giêsu Đức Giêsu đã kinh qua bằng chính đời sống nghèo khó, hi sinh từ bỏ và hiến thân cho tha nhân vì nước trời. Do đó muốn có hạnh phúc thật chúng ta không thể đi theo con đường nào khác ngoài con đường Đức Giêsu đã đi và đã chỉ dạy.
Xin Chúa giúp chúng ta can đảm bước theo con đường mà Chúa Giêsu đã đi, bằng cách trung thành thực thi 8 mối phúc thật mà Chúa Giêsu vạch ra, nhờ đó ta đạt được điều mà mình khao khát là hạnh phúc thật. Amen.


Thứ ba (Mt 5,13-16)
Bằng hai hình ảnh muối và ánh sáng, Chúa Giêsu muốn nói đến bản chất và sứ mạng của người kitô hữu.
1. Bản chất và sứ mạng của muối:
Nếu bản chất của muối là phải mặn. Muối không mặn thì không còn là muối nữa, chỉ còn cách quăng xuống đường cho người ta giẫm đạp lên. Cũng vậy, bản chất của người Kitô hữu phải mang đậm chất mặn của tình yêu. Nếu ta không có tình yêu thì không còn là Kitô hữu nữa. Bởi lẽ "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1Ga 4,7). Ngài đã dựng nên chúng ta giống hình ảnh Ngài, nên tự bản chất nơi ta phải mang chất tình yêu. Dĩ nhiên tình yêu ấy phải đặt trên nền tảng Tình Yêu như Chúa. "Yêu như Thầy đã yêu" (Ga 15,12).
Còn nếu sứ mạng của muối là giữ cho thức ăn khỏi hư thối và đem lại mùi vị thơm ngon cho thức ăn. Thì sứ mạng của người kitô hữu phải có nhiệm vụ ướp đời, ướp người khỏi những băng hoại của dối trá, hận thù, ganh tị, lường gạt, bất trung... Ngoài sứ mạng ngăn chặn cuộc sống khỏi những băng hoại, chúng ta còn phải là tác nhân đem lại hương vị ngọt ngào cho cuộc sống bằng những cử chỉ, lời nói, việc làm thắm đợm tình thương nhằm mang đến niềm vui, an bình và hạnh phúc cho tha nhân.
2. Bản chất và sứ mạng của đèn:
Nếu bản chất của chiếc đèn là để thắp sáng, thì đức tin chính là bản chất của người kitô hữu. Vì chúng ta được gọi là "tín hữu".
Còn nếu sứ mạng của chiếc đèn là chiếu giải ánh sáng cho mọi người nhìn thấy, thì sứ mạng của người kitô hữu là chiếu tỏa ánh sáng đức tin ấy cho mọi người nhìn thấy bằng những việc làm cụ thể. Vì "Đức tin không có việc làm là đức tin chết ". (Gc.2,17). Mà những việc làm cụ thể ấy chính là những việc lành. “Ánh sáng của anh em phải chiếu giải trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”. Qua bí tích rửa tội, chúng ta được Chúa trao ban cho ánh sáng Đức tin và kêu mời chúng ta chiếu tỏ ánh sáng đó cho trần gian.
Xin Chúa giúp chúng con luôn giữ được chất tình yêu của Chúa, để chúng con có thể ướp mặn cho đời và cho người, cụ thể là những thành viên trong gia đình con khỏi những băng hoại do tội lỗi gây nên. Đồng thời xin Chúa cũng ban thêm chất Đức Tin nơi mỗi chúng con, hầu chúng con có thể can đảm thắp lên ngọn lữa đức tin ấy bằng những hành động bác ái cụ thể cho tha nhân, để qua đó mà mọi người nhận ra Chúa và ngợi ca Danh Người.

 Thứ tư: LỄ THÁNH BARNABA TÔNG ĐỒ (Mt 10, 7-13)

Để thực hiện sứ mạng giải thoát con người khỏi những đau khổ về thể xác và tinh thần, một mình Đức Giêsu là đủ, vì Ngài là Thiên Chúa quyền năng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại không dùng cách thế đó. Trái lại Chúa mời gọi chúng ta cộng tác. Cụ thể bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chọn gọi các tông đồ, ban quyền chữa bệnh, trừ quỷ cho các ông và sai các ông ra đi gieo rắc Bình an của Chúa cho mọi nhà, mọi người. 
Sứ mạng thì to lớn, nhưng phận người lại bé nhỏ. Thế nên, Chúa Giêsu ý thức các Tông đồ hãy cậy trông vào Chúa.
- Cậy trông vào Chúa, nên tông đồ Barnaba đã sống tinh thần khó nghèo. Ngài sẵn sàng bán đi thửa ruộng của mình có và đem bạc đặt dưới chân các Tông đồ (Cv 4,36-37).
- Cậy trông vào Chúa, tông đồ Barnaba dễ dàng sống siêu thoát, sẵn sàng ra đi bất cứ nơi nào khi Giáo hội muốn với tinh thần phó thác.
Sách Công vụ cho biết khi được mọi người cử đi An-ti-ô-khi-a xem tình hình ở đó thực hư thế nào, Barnaba đã sẵn sàng lên đường và khi Barnaba tới nơi thì thấy rõ đó là kết quả của “Ơn Thiên Chúa” cho nên ông không nghi ngờ gì, trái lại còn “mừng rỡ và khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa” ( Cv 11, 23-24).
Rồi khi nhận được bài sai từ Thánh Thần: “Hãy dành riêng Barnaba và Saolô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm” (Cv 13, 2). Ông cùng với Phaolô đã lên đường, nhiệt thành với công việc loan báo Tin Mừng cho lương dân, âm vang Lời Chúa lan rộng ở các cộng đoàn nhất là ở Giêrusalem, Antiokhia ….
- Cậy trông vào Chúa, Banaba đã khiêm tốn đón nhận mọi cảnh huống của cuộc sống, nhằm thi hành tốt sứ mạng đem Bình an của Chúa cho mọi người.
Bằng chứng là Ngài đã giúp Phaolô hoà nhập với tông đồ đoàn tại Giêrusalem trong lần gặp mặt đầu tiên, khi mọi người chưa dám tin Phaolô là tông đồ (x. Cv 9, 26-27);  và sau đó hai bên hoà thuận với nhau, cộng tác nhau vui vẻ (x. Cv 9, 28.30).
Cùng với Phaolô, ngài rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, khiến họ vui mừng tôn vinh Lời Chúa… Lời Chúa lan tràn khắp vùng. (Cv 14, 48-49). Rồi bênh vực họ trong hội nghị Giêrusalem (Cv 15, 12). Việc này góp phần làm cho kitô hữu gốc Do thái và kitô hữu gốc lương dân hiểu nhau và sống hòa thuận với nhau trong cùng một niềm tin.
Ngay cả khi đụng độ với Phaolô về việc đem theo Mác-cô đi truyền giáo mà Thánh Phaolô không muốn, nên họ to tiếng với nhau và chia tay nhau, thì Barnaba cũng được thúc đẩy bởi tấm lòng khiêm tốn hòa giải vì ngài muốn cứu vớt một kẻ đã lỡ một lần lỗi phạm (x. Cv 15, 37.39). Quả là ý định tốt lành của Barnaba đạt kết quả tốt lành vì Mác-cô trở thành một tông đồ nhiệt thành và tác giả quyển Tin Mừng thứ hai.
Bổn phận truyền giáo không là việc của riêng ai mà là nhiệm vụ của mọi Kitô hữu. Mừng lễ Thánh Barnaba Tông đồ, là dịp chúng ta kiểm xét lại chính mình, xem chúng ta đã góp được gì cho công cuộc truyền giáo, hay chúng ta cũng chỉ là những kẻ cổ suý hô hào cho việc truyền giảng Tin Mừng bằng môi miệng, mà cuộc sống thì lại là một phản chứng ghê gớm đối với Tin Mừng?! 
Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Barnaba tông đồ, xin Chúa ban cho chúng ta ý thức được tầm quan trọng của việc truyền giáo, để chúng ta tích cực góp phần vào công cuộc truyền giáo bằng lời cầu nguyện, bằng sức lực, tài lực và cả của cải. Nhất là xin Chúa ban cho chúng con có tinh thần khó nghèo, siêu thoát và khiêm tốn hầu trở nên khí cụ Bình an của Chúa trong khi thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng, theo mẫu gương của thánh Barnaba tông đồ.

Thứ năm (Mt 5,20-26)
Giết người thì ở đâu và thời nào cũng là tội nặng, vì Chúa mới là chủ sự sống. Đó là công lý.
Lời Chúa dạy bảo trong bài Tin Mừng hôm nay còn vượt trên công lý nữa. Công lý hay luật pháp chỉ buộc tội khi một người phạm tội bằng hành vi cụ thể. Còn Chúa thì đi xa hơn, Chúa ngăn chặng ngay từ nguyên nhân, nguồn gốc đưa đến tội giết người.
Vì thế, “Ai giận anh em mình thì đáng bị tòa xét xử, ai mắng chửi anh em là đồ ngốc thì sẽ bị lên án trước công nghị và ai mắng chửi anh em mình là khùng thì đáng lửa trầm luân.”.
Đúng như Lời Chúa nói:
Giận dỗi chính là nguyên nhân đưa đến tội giết người. Vì khi ta giận ai là ta muốn cho người đó khuất mắt ta; ta không muốn người đó hiện diện trên cõi đời này nữa. Cho nên giận như vậy thì chẳng khác nào giết người không dao.
Cũng thế, khi ta mắng chửi anh em là đồ ngốc là khùng thì chẳng khác nào ta xem thường anh em mình, để rồi hạ thấp họ xuống hàng con vật, không đáng là người nữa. Hành vi như thế là chiếm đoạt quyền phán xét của Thiên Chúa, nên đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt.
Như vậy, để khỏi bị Thiên Chúa luận phạt và kết án, Chúng ta phải có lòng quảng đại tha thứ. Tha thứ là điều kiện để tôn vinh Thiên Chúa một cách xứng đáng: "Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ anh em đang có điều bất bình với ngươi, hãy đặt của lễ trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em trước, rồi hãy đến mà dâng của lễ.".  Tha thứ là cách ta hàn gắn lại những vết thương lòng của ta và cho tha nhân. Tha thứ cũng là cách chúng ta bắt đầu lại mối tương quan tốt đẹp với anh em mình.
Xin Chúa cho chúng con biết giữ tâm hồn và môi miệng cẩn trọng để khỏi sa vào tội giết người không gươm.
 Xin Chúa cũng dạy chúng con biết yêu thương và tha thứ, như Chúa đã từng yêu thương và tha thứ cho chúng con. Amen.

Thứ sáu (Mt 5,27-32).
Chúa Giêsu tiếp tục kiện toàn giới luật một vợ một chồng.
Để tránh đi tình trạng đỗ vỡ trong đời sống hôn nhân, chẳng những Chúa Giêsu cấm không được li dị mà Chúa còn ngăn chặn ngay cả nguyên nhân sâu xa đưa đến tình trạng bất trung trong đời sống hôn nhân nữa.
 “Anh  em đã nghe Luật dạy rằng: chớ ngoại tình, còn Thầy, Thầy bảo cho anh  em  biết : ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi..” ( Mt 5:  27-28)
Như thế là dù chỉ thèm muốn trong lòng vợ hay chồng của người khác thì đã phạm tội ngoại tình trong tư tưởng rồi, vì trong lòng đã nuôi dưỡng ước muốn sai trái. Từ đó sẽ dễ dẫn đến hành động phản bội tình nghĩa vợ chồng.
Có thể nói mọi tội lỗi con người phạm, đều xuất phát từ trong lòng. Do đó, muốn tránh tội thì phải dứt khoát từ bỏ ước muốn bất chính ngay trong lòng. Nhưng để tránh được ước muốn bất chính trong lòng chúng ta cần phải giữ gìn đôi mắt. Đôi mắt là của sổ tâm hồn nên mọi điều tốt xấu muốn vào được căn nhà tâm hồn đều phải qua cửa sổ của đôi mắt.
E-va chính vì đã không gìn giữ được đôi mắt nên đã hướng cái nhìn về trái cấm và đã nuôi dưỡng trong lòng sự thèm muốn. Từ ước muốn ấy bà đã cả lòng đưa tay hái trái cấm ăn, dầu biết rằng hành động ấy là phạm tội bất trung với Chúa.
Ða-vít cũng vì không giữ được đôi mắt nên đắm đuối nhìn người phụ nữ khỏa thân và có ước muốn khoái lạc. Từ đó đưa đến những hành vi tội ác: ngoại tình và giết người giấu tay.
Lạy chúa xin giúp chúng con biết gìn giữ đôi mắt luôn có cái nhìn trong sáng và can đảm dứt bỏ những nguyên nhân làm cớ chúng con lỗi đức trong sạch, cho dù đó là một phần của cơ thể như: là mắt, là tay.... bởi vì Chúa đã phán: "thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục".

  Thứ bảy (Mt 5,33-37)
Trong cuộc sống, ta thường nghe được những luồng thông tin khác nhau về một sự kiện nào đó xảy ra trong xã hội cũng như trong Giáo Hội. Có những thông tin chính thống cần tin theo. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi, phe nhóm và thế lực của mình cũng không ít những thông tin sai lạc, ta cần phải dè chừng.
Hằng ngày trên báo chí, truyền thanh, truyền hình ta bắt gặp rất nhiều thông tin quảng cáo nhằm thu hút khách hàng và lợi nhuận. Bên cạnh những thông tin thật cũng có nhiều thông tin không thật.
Sống trong một xã hội mà phải liên tục đề phòng hàng giả, người giả, thông tin giả thật là bất an.
Chắc chắc ai trong chúng ta cũng không muốn điều ấy xảy ra. Nhưng rồi chính cuộc sống chúng ta cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Nhiều lần vì sợ, vì tham vì bị mua chuộc… ta lại chấp nhận im lặng hay từ chối làm chứng cho chân lý. Lắm khi vì ham mê tiền bạc, chức quyền ta cũng sẵn sàng chối bỏ niềm tin cách dễ dàng.
Chúa Giêsu xác định:“Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. (Ga 18,37). Do đó để thuộc về Chúa chúng ta cần phải sống và làm chứng cho sự thật, vì sự thật mới giải phóng chúng ta khỏi những ràn buột của gian dối và bóng tối của sự dữ. "Sự thật sẽ giải phóng các ông".(Ga 8, 32). Vì thế, "hể có thì nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ."
Xin cho chúng ta biết vâng nghe lời Chúa, luôn can đảm nói và làm theo sự thật, để chúng ta khỏi sa vào cạm bẫy của ma quỷ. Nhờ đó cuộc sống mới được an vui, hạnh phúc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...