SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY TRONG TUẦN I MC
Lm Seoka
Thứ hai
Bài đọc I: Lv 19, 1-2.11-18
1 Đức Chúa phán với ông Mô-sê rằng
: 2 “Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en và bảo chúng : Các ngươi
phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.
11 Các ngươi không được trộm cắp,
không được nói dối, không được lừa gạt đồng bào mình. 12 Các ngươi không được lấy
danh Ta mà thề gian : làm thế là (các) ngươi xúc phạm đến danh Thiên Chúa của
(các) ngươi. Ta là Đức Chúa. 13 Ngươi không được bóc lột người đồng loại, không
được cướp của ; tiền công người làm thuê, ngươi không được giữ lại qua đêm cho
đến sáng. 14 Ngươi không được rủa người điếc, đặt chướng ngại cho người mù vấp
chân, nhưng phải kính sợ Thiên Chúa của ngươi, Ta là Đức Chúa. 15 Các ngươi
không được làm điều bất công khi xét xử : không được thiên vị người yếu thế,
cũng không được nể mặt người quyền quý, nhưng hãy xét xử công minh cho người đồng
bào. 16 Ngươi không được vu khống những người trong dòng họ, không được ra toà
đòi người đồng loại phải chết. Ta là Đức Chúa. 17 Ngươi không được để lòng ghét
người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ
khỏi mang tội vì nó. 18 Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người
thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là Đức
Chúa.
Tin mừng: Mt
25, 31-46
Khi ấy, Chúa
Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi Con Người đến trong vinh quang, có
hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn
dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục
tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái.
Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: "Hãy đến, hỡi những kẻ
Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các
ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các
ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các
ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi
đã đến với Ta". Khi ấy người lành đáp lại rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ
chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy
Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy
Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?" Vua đáp lại:
"Quả thật, Ta bảo các ngươi: Những gì các ngươi đã làm cho một trong các
anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta"."Rồi
Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: "Hỡi phường bị chúc dữ, hãy
lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì
xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là
khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc;
Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!" Bấy giờ họ cũng đáp
lại rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ
hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?" Khi
ấy Người đáp lại: "Quả thật, Ta bảo cho các ngươi biết, những gì các ngươi
đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã
không làm cho chính Ta". Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn
thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu".
Suy niệm 1
Nên Thánh là tiêu chí mà mọi người, đặc biệt là các kitô hữu hướng
đến vì đó là lời mời gọi của Thiên Chúa "Các ngươi phải
thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.” ( Lv
19, 2). Nhưng làm thế
nào để nên thánh?
Bài đọc I cho
chúng ta biết cần phải trung thành tuân giữ các giới răn của Chúa. Các điều răn
của Chúa gồm tóm vào hai điều chính yếu:
Mến
Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. Để cụ thể hóa điều này, sách Lê-vi chỉ
dạy chúng ta "không được lấy danh
Chúa mà thề gian: làm như thế là ta xúc phạm đến danh Thiên Chúa". ( Lv
19, 12).
Yêu
đồng loại như chính mình. Để thực hiện cụ thể
điều luật này, sách Lê-vi khuyên dạy chúng ta phải giữ đức công bằng. (Lv 9,
11-16); đồng thời cần phải loại trừ lòng
ghen ghét, hận thù, oán hận ra khỏi lòng mình.
Còn bài tin
mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thực thi luật tình yêu cách tích cực
hơn qua những việc làm bác ái cụ thể như: cho kẻ đói ăn, khát uống, tiếp đón
khách trọ, chia sẻ quần áo mặc, giúp đỡ người đau yếu…Chúa Giêsu cũng cho biết
khi giúp đỡ tha nhân nhất là những người nghèo khổ là ta làm cho chính Chúa.
Bác ái đối với
tha nhân chính là điều kiện cần thiết để được Chúa chúc phúc và xứng đáng đón
nhận phần thưởng nước trời.
Xin Chúa cho chúng ta mùa chay biết gia tăng làm việc
bác ái, nhất là biết lưu tâm giúp đỡ những người nghèo về vật chất và khổ về
tinh thần, cũng như siêng năng việc thờ phượng Chúa hơn.
Suy niệm 2
Ước muốn của người kitô hữu chúng ta là gi? Nếu không phải là được
hạnh phúc nước trời làm gia nghiệp. Nhưng làm thế nào để đạt được điều mà chúng
ta hằng mong ước đó? Lời Chúa hôm nay sẽ chỉ dạy chúng ta.
Thánh Gioan đã định nghĩa Thiên Chúa là “Tình Yêu”. Chúa Giêsu đi vào trần gian không chỉ thể hiện
tình yêu qua việc giúp đỡ mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ bệnh
tật,…mà còn vạch ra cho chúng ta con đường tình yêu qua cái “chết cho người mình yêu”, để rồi mời
gọi tất cả những ai muốn vào nước trời phải đi vào con đường tình đó: “yêu như Chúa yêu”.
Sở dĩ chúng ta phải yêu thương mọi người vì: (1) tất cả đều do Chúa
dựng nên giống hình ảnh Chúa. (2) Mọi người đều được Chúa Giêsu đổ máu để cứu
chuộc. (3)Chính Chúa Giêsu cũng đồng hoá Người với tất cả những ai bé nhỏ nghèo
hèn nữa. Do vậy ai giúp người, nhất là người nghèo khổ chính là giúp Chúa.
Chúng ta thường hay phân biệt hai loại nghèo: (1) nghèo mà dễ thương
là những người chí thú lo làm ăn lương thiện, nhưng vì hoàn cảnh họ không khá
lên được. (2) Loại nghèo khó thương, là những ai suốt ngày chỉ lo cờ bạc, rượu chè,
gian tham, lười biếng không lo làm, nên sinh nghèo. Loại nghèo này đáng phải
trừng phạt và loại trừ mới đáng. Tuy nhiên với cái nhìn của Chúa thì hoàn toàn
khác. Loại nghèo xem ra khó thương, thì đó lại là loại nghèo đáng thương trước
mặt Chúa, vì họ không chỉ nghèo vật chất mà nghèo cả tinh thần và kiến thức. Do
đó họ đáng cần được yêu thương và giúp đỡ.
Mỗi người đều được Chúa kêu mời hưởng hạnh phúc muôn đời. Do đó dù
con người có xấu xa, tội lỗi như thế nào đi nữa thì họ cũng là đối tượng được
Chúa yêu thương và tôn trọng, nên chúng ta không có quyền loại trừ.
Nhưng ta phải làm gì để nói lên tình yêu dành cho tha nhân?
Bài tin mừng hôm nay gợi cho chúng ta ý thức nổ lực thực hành sống
mười bốn mối yêu người.
- Thương xác bảy mối:
Cho kẻ đói ăn, kẻ khác uống, rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệc cùng kẻ tù đày,
cho khách đổ nhờ, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết…
- Thương linh hồn bảy mối: Lấy lời lành khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, an ủi kẻ âu lo, răn bảo
kẻ có tội, tha kẻ khinh dễ ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.
Sống được như thế là chúng ta đã chuẩn bị hành trang sẵn sàng cho
ngày Con Người đến trong vinh quang. Chắc chắn ngày ấy chúng ta sẽ đứng bên
phải, thuộc hạng chiên ngoan xứng đáng được Chúa chúc phúc và thưởng vương quốc
mà Người đã dọn sẵn cho.
Xin cho mùa chay này chúng ta ý
thức sống tình bác ái với tha nhân tích cực hơn: Bằng cái nhìn ngay thẳng và
trong sáng, bằng những cử chỉ thân tình, bằng những nụ cười quý mến, bằng đôi
chân ra đi đến với anh em, bằng đôi tay sẵn sàng mở rộng để chia sẻ với anh chị
em, nhất là những ai nghèo khổ.
Nhờ thế chúng ta sẽ nên giống Chúa
và được Chúa chúc phúc lành cho chúng ta hôm nay và mai sau.
Thứ ba
Bài đọc I: Isaia 55, 10-11
10 Đức Chúa phán thế này: “Cũng
như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất,
chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho
người đói có bánh ăn,11 thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ
không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa
chu toàn sứ mạng Ta giao phó.”
Tin mừng: Mt 6, 5-15
Khi ấy, Chúa
Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời
như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ,
vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các
con hãy cầu nguyện như thế này:"Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con
nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như
trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng
con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ đến chúng con sa chước
cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
"Vì nếu
các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng ngự
trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì
Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con".
Suy niệm
1
Trong hoàn cảnh bị lưu đày bên Babylon. Dân Chúa phải sống
trong tình trạng tủi nhục, đau khổ nên lúc nào họ cũng trông chờ ngày Thiên
Chúa ra tay giải thoát họ. Họ nhớ lại lời Chúa hứa với cha ông họ và
mong Ngài mau đến để thực hiện lời hứa.
Trong bố cảnh đó, ngôn sứ Isaia đã lên tiếng chấn
an họ hãy an tâm vì Thiên Chúa sẽ không thất tín bao
giờ.
Bằng
hình ảnh mưa móc làm cho đất phì nhiêu, làm cho hạt giống
đâm chồi nẩy lộc sinh hoa kết trái và đem lại cơm bánh cho con người. Isaia
muốn nhấn mạnh đến hai đặc tính của Lời Chúa.
1. Lời Chúa là lời Chân lý vì thế Lời Chúa hứa với dân Ngài
chắn chắn sẽ được thực hiện. “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời
không trở về trời"
2. Lời Chúa có sức biến đổi tâm hồn và cuộc sống con người
trở nên an vui và hạnh phúc. Tựa như mưa sa tưới gội "làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi
nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn" vậy.
Vì thế Isaia kêu gọi mọi người hãy tin tưởng vào Lời Chúa và
hãy để cho Lời Chúa biến đổi cuộc đời.
Còn bài tin mừng hôm nay thì mời gọi chúng ta
thực hiện Lời Chúa qua hai việc làm cụ thể đó là: Cầu nguyện với lời kinh Lạy
Cha và thực thi tình bác ái với nhau bằng việc tha thứ. Thực thi lời dạy của
Chúa Giêsu tin chắn đời chúng ta sẽ tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.
Xin
cho chúng ta trong Mùa chay này biết chuyên chăm cầu
nguyện và tích cực sống tình bác ái tha thứ nhằm góp phần xây dựng Họ đạo chúng
ta trở thành cộng đoàn hiệp nhất, phụng tự và đức ái theo lời mời gọi của các vị
chủ chăn Gíao Hội.
Suy niệm 2
Cầu nguyện là một trong ba việc làm đạo đức quan trọng mà Giáo Hội
nhắc nhở chúng ta thi hành trong mùa chay. Nhưng chúng ta đã cầu nguyện như thế
nào? Có hợp với ý muốn của Chúa chưa? Hãy lắng nghe lời Chúa dạy hôm nay, để
điều chỉnh lại việc cầu nguyện của chúng ta cho xứng hợp.
Thông thường khi nói đến cầu nguyện, đa số chúng ta đều nghĩ đến xin
ơn nọ ơn kia, it ai nghĩ rằng cầu nguyện là tìm cách làm vinh danh Chúa và làm
công việc của Chúa.
Xin những ích lợi vật chất cho mình, đành là một điều cần, nhưng nó
lại mang tính cách vị kỷ làm cho ta chỉ nghĩ đến bản thân mà không quan tâm đến
ý muốn của Chúa. Vì thế Chúa dạy cho các Tông đồ cách thức cầu nguyện sao cho
phù hợp qua lời kinh Lạy Cha.
Phân tích kinh lạy cha, ta thấy gồm có bảy điều nguyện xin và được
chia ra làm hai phần rõ rệt:
Phần thứ nhất: gồm ba
điều nguyện ước hướng về Chúa. Xin cho Thánh danh Thiên Chúa được thiên hạ nhận
biết mến yêu và phụng sự, xin cho Nước Cha tức là uy quyền của Chúa hay là Giáo
Hội Ngài thành lập được lan rộng khắp nơi, được thống trị trong cả thế giới
nhất là trong các linh hồn ; xin cho thánh ý Cha được mọi người ở dưới đất tuân
phục cách hoàn hảo cũng như các Thánh ở trên trời hằng tuân phục.
Phần thứ hai: gồm bốn
điều, là những lời nguyện xin cho nhu cầu vật chất và tinh thần cho chính chúng
ta. Xin cho được đủ của để nuôi mình hằng ngày ; xin Chúa tha nợ tội lỗi, cái
nợ tội lỗi đã làm phiền lòng Chúa ; xin Chúa cứu khỏi những chước cám dỗ bất kỳ
bởi đâu và cả những sự dữ, những tai ương ở trần gian nữa.
Những lời nguyện xin ở trên đây phải luôn luôn được nuôi dưỡng bằng
những tâm tình tin cậy yêu mến của người con đối với người Cha. Nên người cầu
nguyện phải coi Thiên Chúa là Cha, một người Cha trên hết các người Cha.
Sau khi dạy kinh lạy cha, Chúa Giêsu đặc biệt nhấn mạnh đến việc tha
thứ. Đây là vấn đế khó. Mình xin Chúa tha nợ (tội) cho mình thì dễ, nhưng mình
tha nợ (lỗi) cho người khác quả là không dễ. Sở dĩ khó bởi vì chúng ta xem
trọng mình hơn Chúa. Nếu suy nghĩ kỉ chúng ta thấy rằng: chúng ta xúc phạm đến
Chúa là Đấng Thánh, là Đấng Tạo Dựng… thì nặng nề biết dường nào. Ngược lại
người khác xúc phạm đến ta chỉ là thụ tạo thì có đáng gì. Như thế ta nợ Chúa
quá nặng, người khác nợ ta thì quá nhẹ. Chúa lại lấy cái nợ nhẹ ra để làm điều
kiện tha nợ nặng cho chúng ta quả là ân huệ lớn lao cho ta rồi. Nếu ta không
chấp nhận đúng ta là người dại biết mấy. Hơn nữa chẳng những Chúa không tha tội
cho ta mà Chúa cũng không nhận lời cầu xin và lễ dâng của ta nữa. Chính Chúa đã
nói rõ: “khi đi dâng lễ mà nhớ mình có
chuyện bất hoà với anh em, thì hãy để của lễ đó mà về làm hòa với anh em đã,
rồi hãy trở lại dâng của lễ sau”.
Hằng ngày, chúng ta vẫn đọc kinh lạy cha, chúng ta thờ lạy Chúa,
chúng ta tôn vinh Chúa, chúng ta cầu xin những ơn hồn xác điều đó tốt lắm.
Riêng việc cầu xin ơn tha thứ cho nhau là điều rất cần nhưng chúng ta lại hay
quên.
Xin Chúa giúp chúng ta ít là trong
mùa chay này biết sẵn sàng quảng đại tha thứ cho những ai đã đang và sẽ làm cho
chúng ta đau lòng, nhờ đó chúng ta mới xứng đáng được Chúa tha thứ và ban ơn
phúc.
Thứ tư
Bài đọc I: Gn 3, 1-10
Lời Chúa phán cùng Giona rằng:
"Hãy chỗi dậy và đi đến Ninivê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó
điều Ta sẽ nói cho ngươi". Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo lời Chúa
dạy. Ninivê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng. Giona tiến vào thành
phố, đi một ngày đàng, rồi rao giảng rằng: "Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê
sẽ bị phá huỷ". Dân thành tin tưởng nơi Chúa; họ công bố việc ăn chay và
mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ.
Vua thành Ninivê nghe điều đó, liền
bỏ ngai vàng, cởi áo cẩm bào, mặc áo nhặm và ngồi trên đống tro. Trong thành
Ninivê, người ta rao sắc lệnh sau đây của nhà vua và các vương hầu:
"Người, vật, bò, chiên, không được nếm, không được ăn uống gì hết; người
và vật phải mặc áo nhặm, phải kêu to lên cùng Chúa và phải cải thiện đời sống,
phải bỏ đàng tội lỗi và những điều bất chính đã phạm. Biết đâu Chúa sẽ đổi ý
thứ tha, nguôi giận và chúng ta khỏi chết?" Chúa thấy việc họ làm, vì họ
bỏ đời sống xấu xa, Chúa đổi ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó.
Đó là lời Chúa.
Tin mừng: Lc 11,29-32
Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa
Giêsu phán rằng: "Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ,
nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì
Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là
điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ
đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến
nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành
Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo
lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa".
Suy Niệm
Mặc dù được nghe rất nhiều lời giảng dạy và chứng kiến không ít những
phép lạ Chúa Giêsu làm. Nhưng người Do Thái thời Chúa Giêsu vẫn cứng lòng,
không ăn năn hoán cải. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu quở trách họ rất nặng
lời.
Xin đừng để chúng ta đi vào vết xe củ như người Do Thái xưa. Nhưng
cho chúng ta biết khiêm tốn đón nhận Lời Chúa và Giáo Huấn của Giáo Hội chỉ dạy
mà hoán cải đời sống mỗi ngày nên tốt hơn.
"Người buồn cảnh có vui bao
giờ". Việc thay
đổi con người không hệ tại ở hình thức bên ngoài, nhưng trước hết là phải thay
đổi tận cõi lòng, thay đổi não trạng và cái nhìn. Dù có chứng kiến bao là phép
lạ, dù có vỗ tay ca ngợi không ít những lời hay ý đẹp của Chúa Giêsu, rốt cùng
họ vẫn không tin.
Như hết cách, Chúa Giêsu đành phải thốt lên: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác, chúng xin điềm lạ. nhưng chúng sẽ
không thấy được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Gio-na”.
Như một cố gắng cuối cùng, Chúa Giêsu đã dùng lại hai câu chuyện ngày
xưa, hy vọng họ suy nghĩ lại mà thay đổi não trạng.
Nhắc lại chuyện Gio-na ngày xưa (bài
đọc I), nhằm lưu ý họ rằng: Ngày xưa chỉ lời rao giảng miễn cưỡng của Ngôn
sứ Giona. Vậy mà cả thành Ninivê, từ vua đến dân, từ già đến trẻ, từ người đến
súc vật đều ăn chay, sám hối và khẩn xin sự tha thứ của Chúa. Vậy mà hôm nay có
Người còn hơn Giona. Đấng mà Giona loan báo đã đến và rao giảng vậy mà họ lại
không để tâm ăn năn hối cải. Thật đáng buồn!
Nhắc lại câu chuyện nữ hoàng phương nam vượt đường xa vạn dặm, bất
chấp khó khăn, tốn kém đến để diện kiến vị vua khôn ngoan là Salomon. Bà ta đã
toại nguyện, hết lòng cảm phục sự khôn ngoan của nhà vua. Nhưng ở đây còn trọng
hơn vua Salomon nữa, vì Người chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa và là vua
trên hết các vị vua. Thế mà họ chẳng thèm nghe. Thật đau lòng!
Chính lòng tự mãn và mù quáng đã làm hỏng hết mọi ơn phúc, vì thế
không còn cách nào để tự chữa mình được nữa.
Xin cho chúng ta đừng như thế hệ Do
Thái xưa mù quáng và tự mãn, nhưng trở nên giống dân thành Ninivê và nữ hoàng
phương nam mau mắn lắng nghe lời Chúa và quyết tâm ăn năn sám hối; cũng như
biết khiêm tốn nhận mình còn nhiều khiếm khuyết, thiếu sót, tật xấu và tội lỗi,
để theo sự khôn ngoan của Chúa hướng dẫn mà sửa đổi đời sống mỗi ngày nên tốt
hơn.
Thứ năm
Bài
đọc I: Est 14, 1. 3-5. 12-14.
Trong những ngày ấy, nữ hoàng
Esther kinh hoàng vì lâm nguy, nên tìm nương tựa nơi Chúa. Bà nài xin Chúa là
Thiên Chúa Israel rằng: "Lạy Chúa con, chỉ mình Chúa là Vua chúng con, xin
cứu giúp con đang sống cô độc, ngoài Chúa không có ai khác giúp đỡ con. Con
đang lâm cơn nguy biến. Lạy Chúa, con nghe cha con nói rằng Chúa ưu đãi Israel
hơn mọi dân tộc, ưu đãi cha ông chúng con hơn bậc tiền bối của các ngài, đã
nhận các ngài làm phần cơ nghiệp muôn đời và đã thực thi lời hứa với các ngài.
"Lạy Chúa, xin hãy nhớ (đến
chúng con) và hãy tỏ mình ra cho chúng con trong cơn gian truân của chúng con.
Lạy Chúa là Vua các thần minh và mọi bậc quyền bính, xin ban cho con lòng tin
tưởng. Xin đặt trong miệng con những lời khôn khéo trước mặt sư tử, xin Chúa
đổi lòng sư tử để nó ghét kẻ thù của chúng con, để kẻ thù ấy và những ai đồng
loã với hắn sẽ phải chết. Nhưng phần chúng con, thì xin Chúa ra tay giải thoát
chúng con và phù trợ con, vì lạy Chúa, ngoài Chúa là Đấng thông suốt mọi sự,
không ai giúp đỡ con".
Tin mừng: Mt 7, 7-12
Khi ấy, Chúa
Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp,
hãy gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì bất cứ ai xin thì sẽ nhận được, ai tìm thì sẽ gặp,
ai gõ cửa sẽ mở cho. Nào ai trong các con thấy con mình xin bánh, mà lại đưa
cho nó hòn đá ư? Hay là nó xin con cá mà lại trao cho nó con rắn ư? Vậy nếu các
con, dù là kẻ xấu, còn biết lấy của tốt mà cho con cái, thì huống chi Cha các
con, Ðấng ở trên trời, sẽ ban những sự lành biết bao cho kẻ cầu khẩn Người!
"Vậy tất
cả những gì các con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con hãy làm cho
người ta như thế: Ðấy là điều mà Lề luật và các tiên tri dạy".
Suy niệm
Lời Chúa hôm nay khuyến khích chúng ta hãy siêng năng và kiên trì cầu
nguyện với lòng tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa là Cha.
Người xưa thường nói: "Có
chí thì nên. Kiến tha lâu đầy tổ. Góp gió thành bão. Năng nhặt chặt bị. Ngồi
lâu câu bền. Thua keo này, bày keo khác". “Dẫu rằng chí thiển tài hèn, chịu khó nhẫn nại làm nên cơ đồ”…
Kinh nghiệm đời thường cũng cho chúng ta biết: muốn làm bất cứ việc
gì, chúng ta cũng phải dầy công vất vả: người nông dân muốn có mùa gặt, phải
làm đất, gieo hạt, nhổ cỏ, vun xới đất, tưới phân chăm sóc cây lúa. Có như thế
mới có thu hoạch.
Học sinh muốn trở thành bác sĩ, kỹ sư phải vất vả và học hành bao
nhiêu năm trời đèn sách. Có như thế mới có thể trở thành người có chuyên môn
giỏi giúp ích cho gia đình và xã hội.
Kiên trì lao động là đều kiện cần thiết cho sự thành đạt của mọi công
việc. Nói cách khác, kiên trì lao động chắc chắn sẽ đem lại thành công. Kinh
nghiệm ấy được cha ông ta đúc kết thành câu châm ngôn : "Có công mài sắt có ngày nên kim”. Câu châm ngôn này không
những chỉ đúng trong lãnh vực tự nhiên mà còn đúng cả trong lãnh vực siêu nhiên
nữa.
Khi cầu nguyện, Abraham mặc cả với Chúa nhiều lần bằng cách hạ dần số
người công chính có trong thành Xơ-đôm tội lỗi, để xin Chúa tha phạt cho cả
thành. Quả là có lợi khi ông lý luận chẳng lẽ người công chính cũng bị vạ lây
với hình phạt dành cho người tội lỗi? Và cuối cùng nhờ biết “đôi co”, Thiên
Chúa “đành thua” sự kiên trì của ông Abraham. Thế là ông và cả thành thoát nạn
bởi bản chất của Thiên Chúa là Đấng "chậm
bất bình và đầy lòng khoan dung".
Lòng kiên nhẫn cầu nguyện của ông Maisen cũng vậy. Khi ông giang tay
cầu nguyện thì dân Chúa thắng thế. Còn khi ông mệt mỏi xuôi tay xuống thì quân
A-ma-lếch thắng.
Thánh Phaolô trong thư gửi Timôthêô cũng đã căn dặn phải kiên nhẫn,
trung tín cầu nguyện và năng suy gẫm Lời Chúa trong Thánh Kinh.
Rồi đến dụ ngôn bà góa trong Tin mừng. Bà góa nài nỉ xin thẩm phán
xét xử công lý cho bà. Để bà khỏi quấy rầy, ông thẩm phán, mặc dù là người bất
lương, cuối cùng cũng phải xét xử vụ kiện của bà.
Cuộc trở lại của thánh Augustinô là một ví dụ điển hình, nói lên lòng
kiên nhẫn trong việc cầu nguyện của bà mẹ là Monica. Phải mất gần 20 năm trời
lời cầu xin, bà Mônica mới được Chúa
nhậm lời.
Đặc biệt Bài đọc I hôm nay cho chúng ta thấy mẫu gương cầu nguyện
tuyệt vời của bà Esther. Nhờ kiên tâm cầu nguyện với niềm tin tưởng vào Thiên
Chúa quyền năng nên lời cầu xin của bà
được Chúa nhậm lời.
Hơn ai hết, Chúa Giêsu biết được giá trị cao quý của việc cầu nguyện
là cần thiết cho đời sống chúng ta là thế nào nên bài Tin mừng hôm nay, Chúa
Giêsu tha thiết kêu mời chúng ta hãy kiên tâm cầu nguyện: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở
cho” (Lc 11, 9).
Xin cho chúng ta nghe lời Chúa chỉ
dạy mà siêng năng cầu nguyện và cầu nguyện kiên trì với lòng tin tưởng vào Chúa
là người Cha đầy lòng yêu thương chúng ta. Tin chắn Ngài sẽ nhận lời mà ban cho
chúng ta những điều thiện hảo nhất hơn cả những gì chúng ta cầu xin.
Thứ sáu
Bài
đọc I: Ed 18, 21-28
Đây Chúa là Thiên Chúa phán:
"Nếu kẻ gian ác ăn năn sám hối mọi tội nó đã phạm, tuân giữ mọi giới răn
của Ta, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ sống chớ không phải chết. Ta sẽ
không nhớ lại mọi tội ác nó đã phạm: nó sẽ sống nhờ việc công chính mà nó đã
thực hành! Chúa là Thiên Chúa phán: "Có phải Ta muốn kẻ gian ác phải chết,
chớ không muốn nó bỏ đàng tội lỗi và được sống ư?
Còn nếu kẻ công chính bỏ đàng công
chính, và phạm tội ác cách ghê tởm như người gian ác quen phạm, có phải nó được
sống ư? Chẳng ai còn nhớ đến mọi việc công chính nó đã thực hiện, vì sự bất
trung nó đã làm và tội lỗi nó đã phạm, nó sẽ phải chết.
Các ngươi nói rằng: 'Đường lối của
Chúa không chính trực'. Vậy hỡi nhà Israel, hãy nghe đây: Có phải đường lối của
Ta không chính trực ư? Hay trái lại đường lối của các ngươi không chính trực?
Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính và phạm tội ác, nó phải chết, chính vì
tội ác nó phạm mà nó phải chết. Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và
thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi
tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết".
Tin mừng: Mt 5, 20-26
Khi ấy, Chúa
Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu các con không công chính hơn các luật
sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu. Các con đã nghe dạy
người xưa rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà
án. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án
luận phạt. Ai bảo anh em là "ngốc", thì bị phạt trước công nghị. Ai
rủa anh em là "khùng", thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng
của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì
con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã,
rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc
đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao
con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không
thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!"
Suy niệm
Giết người thì ở đâu và thời nào cũng là tội nặng, vì chỉ có Chúa làm
chủ sự sống mới có quyền đó. Đó là công lý.
Luật của Chúa trong tin mừng hôm nay còn vượt trên công lý nữa. Công
lý hay luật pháp buộc tội khi một người phạm tội. Còn Chúa, Chúa đi xa hơn,
Chúa ngăn chặng ngay từ nguyên nhân, nguồn gốc đưa đến tội giết người.
Xin cho mùa chay này chúng ta biết giữ tâm hồn cũng như môi miệng cẩn
trọng để khỏi sa vào tội giết người không gươm.
Chúa nói “ai giận anh em mình
thì đáng bị tòa xét xử, ai mắng chửi anh em là đồ ngốc thì sẽ bị lên án trước
công nghị và ai mắng chửi anh em mình là khùng thì đáng lửa trầm luân.”
Người xưa kết tội khi người ấy ra tay giết anh em mình. Còn Chúa
Giêsu lên án ngay từ đáy lòng kẻ mắc tội lỗi ấy. Vì vậy, kẻ giết người thì
thường bắt đầu từ chỗ ganh ghét, ghen tỵ, giận dỗi. Và Chúa cấm ngay từ chỗ tư
tưởng đó chứ không chờ cho việc xảy ra bằng hành động. Chúa cấm từ trong trứng
nước như vậy.
1. “Ai giận anh em mình thì đáng bị
xét xử”.
Giận dỗi thì ai cũng dễ mắc lắm. “...
dày môi hay hờn, giận cá chém thớt”. Người ta chỉ giận người khác rồi mới
nảy ra ý định giết người đó. Khi ta giận ai là ta muốn cho người đó khuất mắt
ta, ta không muốn người đó hiện diện trên cõi đời này nữa. Cho nên giận như vậy
thì chẳng khác gì giết người không dao.
2. Thái độ thứ hai được kể ngang hàng với tội sát nhân là tội khinh
dể anh em mình. Chúa Giêsu nói: “Ai bảo
anh em mình là đố ngốc... là đáng bị lên án trước công nghị.”
Tại sao khinh bỉ người như thế mà cũng bị coi là giết người. Thưa vì
khinh khi như thế, ta thường kiếm cách sát phạt họ, làm hại thanh danh họ mà
không cần gươm giáo gì cả. Cho nên giết người ở đây là giết trong phạm vi tinh
thần day dứt, làm cho người đó khốn khổ, tủi nhục, tuyệt vọng, chết dần chết
mòn... Đó cũng là cách làm cho người đó chết mau hơn.
3. Cũng chưa hết, Chúa Giêsu nói: “Ai
mắng anh em là đồ khùng... đáng lửa hỏa ngục”.
Khi ta mắng một người như vậy là ta đóng một vai trò quan án mà mình
không có quyền như thế. Ta mắng một người như thế là ta hạ thấp họ xuống hàng
con vật hết trí khôn rồi, không đáng là người nữa. Trong lòng chúng ta chất
chứa những cay đắng giận dữ ghen ghét và ta muốn đổ hết lên đầu người mà ta
mắng chửi kia.
Chúng ta nhớ một điều khi chúng ta phạm tội giết người từ trong tư
tưởng, lời nói hay việc làm là chính chúng ta cướp quyền của Thiên Chúa, là
chúng ta phản bội Thiên Chúa. nên đáng nhận lấy hình phạt là lửa địa ngục.
Chúng ta phải ăn năn thống hối nhiều lắm vì đời chúng ta hằng gây
sóng gió bằng lời ăn tiếng nói làm đau khổ, làm tan nát bao nhiêu tâm hồn. Do
bởi lời nói, chúng ta sẽ bị Thiên Chúa xét xử ngày phán xét đó!
4. Tha thứ không phải là điều dễ nhưng đó lại là điều kiện để tôn
vinh Thiên Chúa một cách xứng đáng: "Nếu
ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ anh em đang có điều bất bình với
ngươi, hãy đặt của lễ trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em trước, rồi hãy
đến mà dâng của lễ." . Tha thứ là bắt đầu lại mối tương quan tốt đẹp
với người anh em, theo gương Chúa đã tha thứ và bắt đầu lại mãi với mỗi người
chúng ta.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết
yêu thương và tha thứ như Chúa đã từng yêu thương và tha thứ cho chúng con.
Amen.
Thứ
Bảy
Bài
đọc I: Đnl 26, 16-19
Môsê đã nói với dân chúng rằng:
"Hôm nay Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho ngươi phải thi hành các lề
luật và các huấn lệnh này; ngươi phải tuân giữ và thực thi các điều đó hết lòng
và hết tâm hồn. Hôm nay ngươi đã chọn Chúa làm Thiên Chúa, thì hãy bước đi
trong đường lối Người, tuân giữ các lề luật, giới răn và huấn lệnh của Người;
hãy vâng lệnh Người. Hôm nay Chúa đã chọn ngươi làm dân riêng Chúa, như Người
đã phán với ngươi, thì ngươi hãy tuân giữ mọi giới răn của Người. Người sẽ làm
cho ngươi được vinh quang, thanh danh và huy hoàng hơn mọi dân tộc Người đã tạo
dựng, để ngươi trở thành dân thánh của Chúa là Thiên Chúa ngươi, như Người đã
phán". Đó là lời
Chúa.
Tin mừng: Mt 5, 43-48
Khi ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe dạy:
Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù. Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy
yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con; hãy cầu nguyện cho
những ai bắt bớ và nguyền rủa các con, để như vậy các con nên con cái của Cha
các con, Ðấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ,
và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu
thương những ai mến trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu
thuế không làm như thế ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì các
con đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm thế ư? Vậy các con hãy
nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Ðấng hoàn hảo".
Suy niệm
Để xứng
đáng là dân thánh Thiên Chúa nhằm thừa hưởng vinh quang, thanh danh và huy
hoàng hơn mọi dân tộc, sách Đệ Nhị Luật trong bài đọc I đưa ra một số điều kiện
như sau:
Phải
chọn Chúa là Thiên Chúa của đời mình.
Phải
hết lòng tuân giữ và đem ra thực hành các thánh chỉ, mệnh lệnh của Chúa.
Phải
hết lòng tin tưởng Thiên Chúa và bước đi trong đường lối của Ngài theo gương tổ
phụ Abraham.
Còn bài
tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đưa ra những tiêu chí để trở nên hoàn thiện,
xứng đáng làm môn đệ của Ngài:
1. Phải
"yêu thương địch thù và làm ơn cho
những kẻ ghét các ngươi".
2. Hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và
nguyền rủa các ngươi".
Thực
hiện những tiêu chí mà Chúa Giêsu đòi hỏi không phải là điều dễ dàng. Khó nhưng
không phải là không thể, bởi lẽ chính Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng
ta. Ngài đã yêu thương đến tận cùng bằng
cái chết để cho nhân loại được sống. Trên đỉnh cao thập giá Ngài đã tha thứ cho
những kẻ giết hại Người và cầu xin Chúa Cha tha thứ cho chúng. " Xin tha cho chúng vì chúng không biết
việc chúng làm".
Ngài
còn hướng chúng ta đến mẫu gương cội nguồn Tình yêu nơi Thiên Chúa. Một tình
yêu dành cho hết mọi loài và mọi người không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn
giáo. Không giới hạn giới tính nam hay nữ, hoàn cảnh giàu hay nghèo, tình trạng
tốt hay xấu… tất cả đều được Ngài yêu thương. Tình yêu của Ngài tựa như " mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết
cũng như kẻ bất lương." và mời gọi chúng ta noi theo gương Chúa để trở
nên hoàn thiện. Qua đó mọi người sẽ nhận
biết chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu vì chúng ta có lòng yêu thương nhau như
Chúa yêu.
Qua bí
tích rửa tội, chúng ta được Thiên Chúa tuyển chọn trở nên dân Thánh và trở
thành môn đệ Chúa Giêsu.
Xin cho chúng ta biết sống theo tinh thần của
Thiên Chúa là: bao dung- tha thứ, quảng
đại- hy sinh cho hết mọi người.
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin uốn lòng chúng
con nên giống Trái Tim Chúa.