Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017


KÍNH THÁNH GIOAN TẨY GIẢ BỊ TRẢM QUYẾT
Ngày 29/8

Lm. Seoka
Dẫn
Người đời thường nói: “Hùm chết để da người chết để tiếng”, để nhằm khuyên dạy chúng ta hãy sống sao cho thật có ích.
Tin mừng hôm nay thuật lại cái chết anh dũng của Gioan Tẩy Gỉa để minh chứng cho chân lý và bảo vệ luân thường đạo lý qua việc tố cáo tội ác của vua Hêrôđê.
Xin cho chúng ta cũng can đảm làm chứng cho chân lý và dám hy sinh tất cả để bảo vệ nền đạo đức luân thường theo gương thánh Gioan Tẩy Gỉa.

Suy niệm
Cái chết anh dũng của Gioan Tẩy Gỉa được tin mừng trình thuật hôm nay, cho thấy lòng người còn nhiều góc tối.
- Góc tối của đam mê dục vọng:  Đắm chìm trong dục vọng, vua Hêrôđê đã xem thường đạo lý luân thường nên đã cướp đi người vợ của anh mình. Đắm chìm trong đam mê, nhà vua chỉ còn biết buông mình theo những thú vui thấp hèn trong những tiệc tùng náo nhiệt, đầy rượu và thịt.
- Góc tối của hận thù ghen ghét: Không chịu nổi lời nhắc nhở của Gioan Tẩy Gỉa trước hành động vô luân của mình, bà Hêrôdia đã căm thù Gioan Tẩy Gỉa đến tận xương tủy. Nên khi cơ hội đến, bà lập tức mách bảo con gái xin vua cha cái đầu Gioan Tẩy Giả thay cho nửa giang sơn.
- Góc tối của nhác đảm sợ hãi: “Vẫn biết Gioan Tẩy Gỉa là người công chính thánh thiện; vua che chở ông. Khi nghe Gioan nói, nhà vua rất phân vân nhưng lại cứ thích nghe. Nhưng rồi lại không can đảm làm theo tiếng lương tâm của mình”. Vì sợ tiếng nói lương tâm, sợ nghe những lời chân lý, sợ mất uy tín với lời hứa bồng bột trước bá quan văn võ trong lúc ngà ngà… nên nhà vua đã đi đến quyết định ngông cuồng là ra lệnh chém đầu Gioan Tẩy Gỉa.
- Góc tối của ngây ngô dại khờ: Salômê một cô con gái có tài và sắc nhưng lại không có đức. Cô đã dùng sắc đẹp và tài múa giỏi của mình thay vì phục vụ niềm vui và hạnh phúc cho đời, cho người; thì trái lại với sự ngây ngô dại khờ của mình, cô đã dùng những thứ ấy cho sự lợi dụng nhằm phục vụ cho nền văn hóa của sự chết.
Xin cho ánh sáng chân lý của Chúa chiếu giãi vào mọi ngõ ngách của lòng người, hầu xua tan những góc tối nguy hại đang còn ẩn nấp đâu đó nơi cỏi lòng con người hôm nay.

Xin cho chúng ta dám can đảm sống và làm chứng cho ánh chân lý như Gioan Tẩy Gỉa dầu phải hy sinh mạng sống, để bảo vệ cho đạo lý luân thường và làm chứng cho nền văn hóa tình thương.

Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017




SUY NIỆM TUẦN XX THƯỜNG NIÊN 
Lm. Seoka

Thứ hai (Mt 19, 16-20)

Suy niệm 1.

Có lẽ thao thức và khát vọng lớn nhất của con người là sự sống đời đời. Để được sự sống đời đời thì phải làm gì? Lời Chúa hôm nay sẽ giải đáp cho chúng ta hiểu được điều đó. 
Giáo lý Công giáo thường được chia thành 4 phần: Tín lý, luân lý, bí tích và cầu nguyện. Nhưng hình như những người không có tín ngưỡng cũng như đa số những người có tín ngưỡng của các tôn giáo khác chỉ chú trọng đến phần luân lý mà thiếu quan tâm đến vấn đề niềm tin và sống niềm tin, cho nên xảy ra những sai lệch trong đời sống.
Ngày hôm nay, nền luân lý Kitô giáo đề cập rất nhiều về Mục Đích và Phương Tiện trong đạo đức sinh học. Một hành vi được xem là tốt khi người ta dùng một phương tiện tốt để đạt đến mục đích tốt. Nếu thiếu đi một trong hai yếu tố này thì kể như hành vi đó chưa tốt. Ví dụ: Con người không thể nhân danh mục đích giúp đỡ những người nghèo khó, mà đi cướp bóc của cải người giàu để chia cho người nghèo. Điều này sai luật luân lý. Hay vì nhằm mục đích giúp cho những người đau đớn vì chứng bệnh nan y được chết êm dịu mà dùng đến thuốc an tử kết thúc sự sống của họ. Đây quả là hành vi sai trái, tội lỗi. Lý do vì chính Chúa là nguồn và là Đấng ban sự sống. Sự sống là do chính Thiên Chúa tác tạo, quyền quyết định sinh tử là bởi Thiên Chúa, con người không có quyền can thiệp vào sự sống-chết của con người.
Anh thanh niên trong bài Tin mừng hôm nay mặc dù giàu có và xem ra đạo đức nhưng anh ta vẫn không an lòng. Giữ luật lệ chính chắn cũng như nhiều của cải xem ra không bảo đảm cho hạnh phúc nước trời.
Chính vì mục đích là nước trời đã làm cho anh ta phải thao thức. Để đạt được mục đích tốt thì cần phải xử dụng phương tiện tốt . Nhưng anh ta cứ tưởng chăm chú giữ những luật lệ hay giàu có là đạt được nước trời. Nhưng anh ta thật sai lầm bởi lẽ những phương tiện đó nó lại không hợp với mục đích hạnh phúc nước trời.
Mục đích mà Chúa Giêsu chỉ cho anh ta biết đó là Tình Yêu, bởi chính Chúa là Tình Yêu. Có được Tình Yêu như Chúa thì giống Chúa, ở trong Chúa, nên một với Chúa. Mà giống Chúa, nên một với Chúa, ở trong Chúa thì là hạnh phúc nước trời.
Phương tiện Chúa Giêsu chỉ cho anh ta đạt đến mục đích không phải là tiền bạc, của cải, cũng không chỉ là tuân giữ chay cứng những luật lệ, nhưng phải là những việc làm thể hiện Tình Yêu Chúa yêu người.
Yêu Chúa thì phải sống cậy trông phó thác vào Chúa chứ không phải là tiền bạc của cải. Nên Chúa bảo: “ hãy bán tất cả …mà theo Ta”.
Yêu người là phải biết rộng lượng chia sẻ với anh chị em, đặc biệt những người nghèo khó “hãy bán hết của cải mà bố thí cho người nghèo…”.
Lạy Chúa cả đời sống đạo là để được hạnh phúc nước trời, xin cho con biết phụng sự Chúa hết lòng vì tình yêu và lòng tin tưởng phó thác cũng như biết quảng đại chia sẻ với anh chị em chúng con hết lòng với tình quý mến. Nhờ đó mà con có được hạnh hạnh phúc ở đời này và cả đời sau . Amen

Suy niệm 2

          Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại chuyện người thanh niên giàu có muốn được trở nên hoàn thiện, nhưng ước muốn ấy đã bị của cải vật chất ngăn cản.
          Nhìn lại cuộc sống của người thanh niên này, xem ra anh ta quả là một người đạo hạnh, vì tuân giữ các giới luật của Thiên Chúa từ lúc còn nhỏ. Thái độ sống của anh khiến chúng ta phải kính nể, bởi thật là khó để sống được như thế. Do đó, ước muốn trở nên hoàn thiện của anh là một điều chính đáng. Tuy nhiên, khát vọng trở nên hoàn thiện không chỉ là những điều phải tuân giữ như anh ta nghĩ, mà còn phải thể hiện một cách mạnh mẽ hơn, và triệt để hơn, đó là dám đánh đổi tất cả để được sự hoàn thiện ấy. Chúa Giêsu đã “đánh” vào điểm yếu của người thanh niên, khi Ngài đưa ra một cuộc “trao đổi” cho anh: bán tất cả tài sản để có một kho tàng khác; đổi cả một gia tài cả đời dành dụm để được một sự hoàn thiện, và đổi cái có trong tay để lấy cái không thấy được. Kết quả, anh ta đã không dám đánh đổi. Anh đành rút lui. Vâng, tiền bạc có thể mua được nhiều thứ nhưng không thể mua được sự thánh thiện. 
          Ngày nay, người ta thường truyền khẩu với nhau bài vè này “tiền là tiên là phật, là sức bật của lò xo, là thước đo của lòng người, là sức khỏe của tuổi già, là niềm vui của tuổi trẻ…, có tiền mua tiên cũng được”. Vâng, xem ra là quả chí lý. Trong cuộc sống, tiền bạc là nhu cầu vật chất rất cần thiết, bởi vì, có tiền ta mới mua được thực phẩm, đồ dùng; có tiền ta mới cho con cái ăn học; có tiền ta mới làm được việc này việc nọ; và có tiền ta mới có thể đi đây đi đó… Vì tiền bạc là thứ không thể thiếu, nên người ta phải ra sức làm việc để kiếm được thật nhiều tiền, và có càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, có tiền chưa chắc đã hạnh phúc.
Ngoài tiền của vật chất, xem ra đời sống con người có cái gì đó cần vươn cao hơn. Như ước muốn được sống vui vẻ, bình an, hạnh phúc, gia đình hòa thuận…và hơn thế nữa, là khát vọng trở nên hoàn thiện nằm sâu thẳm trong lòng mỗi người.
Thế nhưng, nhìn vào thực tế của cuộc sống, dường như Chúa và tiền như nhau. Nhiều người hãnh diện xưng mình là kitô hữu nhưng cũng lại dễ dàng bỏ lễ ngày Chúa nhật để đi kiếm tiền. Có người còn cho rằng, đi lễ Chúa đâu cho tiền cho cơm cho gạo…nên phải ở nhà đi làm thì mới có cái để ăn. Nhiều người có thể bỏ lễ để đi chơi, đi đám cưới, nhưng không thể bỏ đám cưới để đi lễ. hoặc là đi ăn tiệc thì đông đủ nhưng đi lễ thì lại ít…họ sống theo kiểu “có thực mới vực được đạo”. Nguy hiểm thay cho đức tin của họ.
Lạy Chúa, theo Chúa là một điều dễ nhưng cũng là một điều khó; dễ là khi biết sống theo lời Chúa dạy, và chọn Chúa là cùng đích của đời con; và khó là khi chọn tiền của, vật chất, và những thứ khác hơn Chúa. Người thanh niên trong bài Tin mừng đã chọn tiền bạc thay vì chọn Chúa, chọn vật chất thay cho sự hoàn thiện. Lạy Chúa, xin cho con biết chọn những gì có ích cho đời sống mai sau hơn là cái có lợi ở đời này, biết chọn Chúa là gia nghiệp muôn đời. Amen.

THỨ BA (Lc 1,26-38).

LỄ ĐỨC MARIA NỮ VƯƠNG
          Mừng lễ Đức Maria Nữ Vương, chúng ta hướng tâm hồn về Mẹ, vì Mẹ là một phần tử ưu việt của Hội thánh, đã sống với Thiên Chúa cách trọn hảo, và đã xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc đời.
Thánh Bênađô đã khẳng định rằng "nói về Mẹ thì không bao giờ đủ", bởi vì các nhân đức của Mẹ thật tuyệt vời. Một trong những nhân đức ấy, là sự khiêm nhường của Mẹ. Thánh sử Luca cho biết, khi kết thúc biến cố truyền tin, Mẹ đã đáp lại "Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói". Trong bài ca Magnificat, Mẹ cũng nhìn nhận mình là ‘phận nữ tỳ hèn mọn’. Nơi mái ấm gia đình Na-da-rét, Mẹ đã sống âm thầm lặng lẽ phục vụ thánh Giuse và Hài Nhi Giêsu. Vâng, Nữ tỳ của Chúa là người thuộc nữ giới, hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa, chỉ biết thực hiện mọi ý của Chúa, chứ không làm theo ý riêng. Vì thế, Mẹ đã để cho Chúa hướng dẫn cuộc đời của Mẹ, trong mọi hoàn cảnh sống, Mẹ sẵn sàng phó thác tất cả cho sự quan phòng của Chúa.
Sống khiêm nhường là một nhân đức, nhưng thật là khó để tập nhân đức này. Bởi vì, mỗi người trong chúng ta vốn ‘mang gen’ kiêu ngạo, luôn tự cho mình là tài giỏi và trên hết. Càng có chức có quyền thì cái tôi càng lớn, theo đó tính kiêu ngạo cũng càng cao. Được làm ông này bà nọ thì coi mọi người chỉ là hạng thứ dân. Người có chút tài năng thì sinh tính kiêu ngạo, mang cái ‘bệnh của sao’ và coi người khác chẳng ra gì… thật vậy, ai cũng muốn sống khiêm nhường trước mặt mọi người và Thiên Chúa, vì nó là một khát vọng chính đáng, nhưng nhiều khi ta không biết cách thực hành như thế nào, vậy phải làm sao đây?
Thiết nghĩ, muốn sống khiêm nhường thì cần phải diệt cái tôi của bản thân. Cha Vincente Lebbe cho rằng, chúng ta cần phải chiến đấu với cái tôi hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, nên phải luôn đánh tôi, đánh ngã tôi, và đánh chết tôi. Nói như thế, cái tôi trong mỗi người chúng ta thật là lớn, và rất khó để diệt nó. Chỉ khi nào chúng ta làm chủ được cái tôi thì ta mới có thể sống khiêm nhường được. Một tâm hồn khiêm nhường thì dễ lắng nghe tiếng Chúa và sẵn sàng đáp lại thánh ý Ngài, và rồi ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.
Mừng lễ Đức Maria Nữ Vương hôm nay, chúng ta cùng nhau xin Mẹ luôn chở che nâng đỡ mỗi người chúng ta trên hành trình dương thế này. Xin cho mỗi người chúng ta cũng biết thưa tiếng xin vâng như Mẹ trước thánh ý của Thiên Chúa, và để cho thánh ý của Chúa được hoàn thiện nơi bản thân chúng ta. Mẹ đã sống khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Noi gương Mẹ chúng ta hãy sống khiêm tốn trở nên người tôi tớ trung tín của Chúa, và phục vụ tha nhân cách chân thành. Cùng với Mẹ, ta hãy trở nên thành phần thánh thiện trong Hội thánh.


THỨ TƯ (Mt 20,1-16).

Suy niệm 1.
Thiên Chúa là Đấng công bằng vô cùng, nhưng cũng đầy lòng yêu thương. Đó là điều mà ta cảm nhận qua bài tin mừng hôm nay.

1. Thiên Chúa cũng rất ư là công bằng.
Những người thợ vườn nho đi làm từ sáng sớm, tỏ ra bất bình và khó chịu trước cách thức trả lương của ông chủ. Họ cho rằng đã làm nhiều giờ, vất vã đổ mồ hôi nhiều thì chủ phải trả tiền nhiều. Kẻ làm ít giờ, chịu nắng mưa và đổ mồ hôi ít thì tiền công phải ít. Vậy mà tất cả đều được ông chủ trả như nhau, là một đồng. Làm như vậy ông chủ có công bằng không?.
Tưởng như không công bằng trước cách thức trả tiền công của chủ. Nhưng qua lời giải thích của ông chủ, chúng ta thấy việc trả công của ông quá là công bằng. Bởi lẽ ngay từ đầu họ đã thoả thuận và chấp nhận với chủ ngày công là một đồng. Như thế ông chủ đã trả cho họ đúng với những gì họ đã thỏa thuận và xứng với những gì họ làm. Còn ông chủ có trả cho thợ làm vào giờ chót bằng số tiền của họ là vì tình thương của ông chủ. Chẳng lẽ ông chủ không được làm điều ấy sao!
Thiên Chúa là Đấng công bằng vô cùng, do đó Ngài sẽ ban thưởng hay luận phạt chúng ta theo công việc tội phúc mà chúng ta đã làm. Dĩ nhiên chúng ta không nên đòi hỏi nơi Ngài sự công thẳng "vì nếu chấp tội nào ai đứng vững".

2. Thiên Chúa Đấng giàu lòng yêu thương.
Thiên Chúa của chúng ta không chỉ là Thiên Chúa công bằng mà Người còn giàu lòng yêu thương. Những người thợ được ông chủ kêu gọi vào làm vườn nho ngay từ sáng sớm đã là một vinh dự và là niềm an vui lớn lao rồi, bởi lẽ họ không phải lo lắng và chờ đợi việc làm.
Kẻ được mời gọi vào những giờ chót trong ngày, họ phải sống trong tâm trạng phập phòng lo lắng và phải lang thang suốt cả ngày đi tìm việc làm.
Cuối cùng tất cả đều được kêu gọi vào làm cùng một việc và trong cùng vườn nho của chủ. Đó không chỉ là niềm vui lớn lao của người những thợ làm vườn sau chót mà còn là vinh hạnh cao quý của người được gọi làm từ ban mai.
Sở dĩ ông chủ mời gọi tất cả vào làm vườn nho của ông ,đó là vì Ngài giàu lòng yêu thương, muốn tạo công ăn việc làm và cuộc sống cho mọi người.
Hình ảnh ông chủ ấy là Thiên Chúa và vườn nho là Giáo Hội của Người.
Chúng ta là những người thợ vinh dự được Thiên Chúa mời gọi vào vườn nho Giáo hội. Có thể trong chúng ta, có những người được mai mắn gia nhập vào vườn nho Chúa rất sớm, ngay từ khi ban mai của cuộc đời; cũng có những người vì hoàn cảnh hay lý do nào đó, họ chỉ được mời gọi vào vườn nho Giáo Hội trong thời điểm của ngày tàn. Nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta đã được Chúa yêu thương mời gọi vào vườn nho Giáo Hội của Chúa, nên hãy ý thức cố gắng làm việc hết mình và hết tình trước tình yêu mời gọi của Người.
Lạy chúa, xin cho chúng con đừng tự hào về những công việc chúng ta đã làm, nhưng cho chúng con biết tự hào vì chúng con có một người Cha giàu lòng xót thương. Người sẽ ban thưởng cho chúng con hơn những gì chúng con đã làm.

Suy niệm 2.
          Trang Tin mừng hôm nay, kể lại dụ ngôn “ông chủ tốt bụng”. Ông đã phân phát tiền lương cho người trước kẻ sau đều như nhau. Hành động của ông không phải là do ông ta bất thường, bất công nhưng do ông ta tốt lành. Tốt ở chỗ không muốn ai phải thua thiệt, sút kém nhưng còn muốn ai cũng may mắn, ấm no. Một đồng ông phát cho người chỉ làm giờ chót, không phải là do công bình. Đồng bạc ấy là do lòng tốt. Vì ông tốt bụng nên có nhiều kẻ ganh tỵ, và trách móc ông.
          Đã thương xót thì không còn đứng trong ranh giới công bình, người thu thuế, kẻ đàng điếm, kẻ sinh trước, người sinh sau, Thiên Chúa đều cho tự do chen nhau hưởng ơn cứu độ. Thiên Chúa thì rộng rãi và giàu lòng xót thương như thế, còn chúng ta?
          Lòng ganh tỵ, dường như là căn bệnh nan y của con người.Vì một chút hơn thua mà phát sinh bao nhiêu chuyện trong cuộc sống. Thấy người này làm được việc nọ việc kia, mình làm không được hoặc không bằng họ, sinh ra lòng ganh tỵ. Cụ thể nhất là trong các sinh hoạt họ đạo. Hội đoàn này ganh tỵ Hội đoàn kia, khu này với kia, nhóm này với nhóm nọ... Có nhiều người mới theo đạo, sống đạo hạnh, phục vụ cộng đoàn nhiệt tình nên được Cha Sở quý trọng và giao nhiều công việc…thì có nhiều người “đạo gốc” sinh lòng ghen tỵ và nói này nói nọ. Người có chức có quyền cũng ganh tỵ với “dân đen”, vì “dân đen” hay được đi cùng Cha Sở. Người hát hay, chơi đàn giỏi nhưng không được trọng dụng vì sự kiêu ngạo, thì lại ganh tỵ với người hát, chơi đàn kém hơn. Vâng, đâu đó vẫn xảy ra những tình trạng như trên. Nếu như thế, thì sự hiệp nhất, tình liên đới, tinh thần trách nhiệm đâu còn nữa trong giáo xứ?
          Trong gia đình cũng vậy, anh chị em cũng ganh tỵ với nhau. Ba mẹ thương người này hơn người kia, phân chia tài sản khác nhau, thì người được hưởng ít luôn sinh lòng ganh tỵ. Anh chị em với nhau vì ganh tỵ từng ly từng tí một chút đất, một vài đồng bạc mà không ai biết nhường nhịn, chịu thua kém một tí thì có ngày sẽ đánh, giết nhau. Sống trong sự bất hòa, gạnh tỵ nhau thì ắt hẳn lời thánh vịnh sau sẽ khó thực hiện lắm “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau”. Ước gì các gia đình công giáo luôn giữ mãi lời thánh vịnh này.
Lạy Chúa, một khi sự ganh tỵ chiếm đoạt tâm hồn con, thì con sẽ không bao giờ sống bình an và hạnh phúc, xin diệt trừ tính ganh tỵ nơi con người của con, để con sống bao dung, sống quảng đại với hết mọi người.
         
          
THỨ NĂM (Ga 1, 45-51)

LỄ KÍNH THÁNH BARTHÔLÔMÊÔ TÔNG ĐỒ

     Tin mừng hôm nay tường thuật việc ông Philipphê giới thiệu Đấng Messia cho ông Nathanaen, cũng gọi là Barthôlômêô. Khi nghe nói về Đức Giêsu, ông Nathanaen không tin và cho rằng Ngài chẳng có gì nổi bật, vì xuất thân từ Nadarét, nhưng sau khi gặp Đức Giêsu ông đã thay đổi cách nghĩ. Tại sao niềm tin của ông lại thay đổi như thế?
Thời Đức Giêsu, dân Dothái hiểu cách nói “vua Ít-ra-en” theo nghĩa: nhà vua sẽ thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, giải phóng Ít-ra-en khỏi ách nước ngoài, mà cụ thể là đế quốc Rôma. Ở Ga 1, 49, ông Nathanaen cũng không hiểu xa. Ông Nathanaen nghĩ vua Ít-ra-en phải trổi vượt, phải là một nhân vật nổi bật hay ít ra cũng phải sinh ra trong một gia đình giàu có, quí phái trong một thành đô rộng lớn. Nên khi Philipphê báo cho ông biết Đấng muôn dân mong chờ đã xuất hiện là người làng Nadarét. Nathanaen đã không tin. Ông đã phản bác “Từ Nadarét có thể có cái gì hay được”. Nhưng sau đó, ông lại nói “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Ít-ra-en”. Tuy ông tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng ông lại hiểu tước hiệu này cách mập mờ, hay nói đúng hơn, tước hiệu ấy ám chỉ đấng được Thiên Chúa xức dầu, nói lên sự liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa, người được Thiên Chúa chọn. Có lẽ sau ngày Phục Sinh, ông mới hiểu cách rõ ràng về tước hiệu này.
Như thánh philipphê đã không ngần ngại giới thiệu Đức Giêsu cho người bạn của mình, thì ngày nay, giữa một thế giới, xã hội đa tôn giáo, chúng ta có sẵn sàng giới thiệu Chúa Giêsu cho những người xung quanh không? Chúng ta đã giới thiệu như thế nào về Đức Giêsu: làm cho Ngài được nổi bật hay là đánh bóng bản thân mình?
Sau khi gặp Chúa Giêsu, thánh Barthôlômêô đã thay đổi cách suy nghĩ và biến đổi cuộc đời: trở nên môn đệ và sẵn sàng làm chứng cho Chúa đến giây phút cuối cùng. Còn chúng ta? Hằng ngày nghe Lời Chúa, chúng ta đã để cho Lời Chúa tác động, và thực hành như ý Ngài muốn không, và ta đã thay đổi đời sống như thế nào? Khi rước lấy Thánh Thể chúng ta đã biến đổi cuộc đời chưa ?

Lạy Chúa Giêsu, niềm tin của con còn non yếu và chính bản thân con cũng chưa xác tín niềm tin vào Chúa nên thường dễ xa ngã trước những cám dỗ. Xin thêm niềm tin cho con để mỗi ngày con một hiểu biết Chúa hơn và yêu mến Chúa hơn. Xin Chúa biến đổi con mỗi khi con gặp được Chúa, xin canh tân đời sống của con khi con lắng nghe Lời Chúa.


THỨ SÁU (Mt 22, 34-40)

Giao ước trên núi Xi-nai mà Thiên Chúa đã ký kết qua trung gian Mô-sê, được tóm gọn trong hai điều căn bản: kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và yêu tha nhân. Cả hai điều này đều quan trọng như nhau. Chúng ta cùng nhau suy nghĩ, về việc mình thực hành yêu tha nhân như thế nào.
Yêu mến tha nhân chỉ thành sự thực khi yêu mến họ một cách thiết thực. Chúa Giêsu đã yêu mến tất cả những ai mà Ngài gặp gỡ. Ngài đón tiếp họ, và cho điều họ muốn: người mù được sáng, kẻ què đi được, người điếc nghe được, người câm nói được, người mẹ mất con được lại con.., Ngài cũng quan tâm tới các môn đệ và bảo họ nghỉ ngơi dưỡng sức sau những ngày làm việc khó nhọc, rồi những yếu đuối của họ để sửa dạy và nâng đỡ. Vâng, tình yêu của Ngài là thế đó. Còn chúng ta?
Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chóp lưỡi. Làm sao ta có thể hiến mạng sống mình vì anh em, nếu như không tập từ những cái nho nhỏ, như: mong muốn người khác được hạnh phúc, vui, sướng, "được sống và sống dồi dào hơn". Vui với họ, buồn cùng họ. Chia sẽ từng miếng cơm, từng tấm áo, từng lời động viên, an ủi, cũng như không nói hành nói xấu người khác,... Làm được những điều nhỏ nhoi như thế, thì ta đã yêu thương họ cách chân thành, và khi cần thì cũng có thể hiến mạng sống vì họ.
Chỉ khi ta đã biết yêu qúi người khác một cách thiết thực, biết qúi và trân trọng đời sống, mạng sống và hạnh phúc của tha nhân, và mong cho họ được sống dồi dào hơn, được hạnh phúc hơn, và thực hiện lời Chúa dạy: "Điều mình muốn người ta làm cho mình thì hãy làm cho người ta trước", lúc đó ta mới có thể yêu tha nhân như yêu chính mình.
Lạy Chúa, yêu người quả là điều khó và yêu như chính mình nữa thì khó biết bao. Dẫu biết là khó nhưng con sẽ cố gắng hết sức để thực hành điều răn này. Có cố gắng thực hành yêu người mỗi ngày thì con mới có thể đụng chạm, đồng cảm và cùng nhịp đập với trái tim họ; mới có thể biết họ nghĩ gì, cần gì, và không muốn điều gì, nhờ đó con biết cách đối xử với họ, sống thân tình và biết đón nhận họ trong yêu thương chân thành. 

THỨ BẢY (Mt 23,1-12)

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu lên án lối sống giả hình của các kinh sư và biệt phái. Qua đó Chúa mời gọi chúng ta hãy can đảm sống thành thật trước Chúa, mọi người và lương tâm của mình.
Tin mừng luôn cho biết Chúa Giêsu rất yêu thương, cảm thông và sẵn sàng tha thứ cho những tội nhân biết khiêm tốn ăn năn sám hối. Nhưng Chúa Giêsu cũng rất cứng rắn lên án mạnh mẽ lối sống giả hình và kiêu căng của những kinh sư và biệt phái.
- Giả hình vì họ không dám sống thật với lòng mình. Họ nói mà không làm, hay nói một đàng làm một nẻo. Cuộc sống họ không thống nhất giữa cái “là” và cái “làm”, nên Chúa Giêsu cảnh tỉnh mọi người “những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ; vì họ nói mà không làm”.
- Kiêu căng của họ được bộc lộ ra bởi nhiều hình thức khác nhau:
Để chứng tỏ cho mọi người thấy họ là những người có học thức và am tường luật nên tùy tiện giải thích và đặt ra nhiều luật lệ theo ý mình nên vô tình luật trở thành gánh nặng cho dân chúng.
Để chứng tỏ cho mọi người thấy họ là những người đạo đức nên họ không ngần ngại bao bọc chung quanh cuộc sống của họ bằng nhiều hình thức đạo đức bên ngoài: “nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo”.
Với mong muốn được mọi người trọng vọng, họ luôn đặt mình vào vị trí cao nhất trong đám tiệc cũng như ngồi vào ghế đầu trong hội đường. Nhất là rất thích thú khi được người ta bái chào ngoài đường phố và hãnh diện khi được thiên hạ gọi là thầy.
Chính vì thế mà Chúa Giêsu không ngần ngại nhắc nhở họ hãy trở về đúng vị trí của mình và hãy ý thức sống khiêm tốn trước mặt Chúa là Thầy và là Cha, bởi vì“ ai nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nhấc lên”.

Xin Chúa cho chúng ta biết tự hạ, sống khiêm như Giêsu từ ái. Lòng đơn sơ, chân thành cởi mở, đời hồn nhiên theo gương mẹ Maria, nhờ đó mà ta được Chúa yêu thương chúc lành; cũng như được mọi người yêu mến..

Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2017

SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY 
TRONG TUẦN XIX TN

Lm. Seoka

Thứ hai
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về bổn phận căn bản của người tín hữu. Bổn phận với Thiên Chúa và bổn phận với Giáo hội.
Bài đọc 1 cho biết, trước khi vào đất hứa, Môsê đã nhắc nhở dân chúng về bổn phận đối với Thiên Chúa là tôn kính và yêu mến Người.
- Tôn kính vì Thiên Chúa là chủ muôn loài muôn vật, là đấng sáng tạo nên vũ trụ và đầy quyền năng nên phải tuân giữ các điều Ngài truyền dạy và bước đi theo đường lối của Người
- Yêu mến hết lòng, hết dạ vì Ngài là Đấng yêu thương đã tuyển chọn họ thành dân riêng của Ngài và hằng bảo vệ chăm sóc cũng như đưa họ vào đất hứa nên họ phải tỏ ra ngoan ngoãn, vâng lời, cắt bì tâm hồn, và đừng cứng lòng.
Kết quả của lòng tôn kính và yêu mến Thiên Chúa sẽ làm cho họ được hạnh phúc.

Bài Tin mừng nhấn mạnh đến bổn phận đối với Giáo hội trần thế.
Sách Xuất Hành ấn định: Tất cả các đàn ông Do Thái, 20 tuổi trở nên, phải đóng góp vào thuế Đền Thờ mỗi năm 1/2 shekel (khỏang lương của 2 ngày công).
Có hai lý do thật rõ ràng Chúa Giêsu có thể dựa vào để miễn trừ đóng thuế: Thứ nhất, Thiên Chúa là Cha Ngài; và thứ hai, Đền Thờ là nơi ngự của Thiên Chúa, là nhà Cha của Ngài (Lc 2:49).
Tuy thế, Chúa Giêsu vẫn bảo: "Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.".
 Xin cho chúng ta ý thức chu toàn tốt bổn phận tôn thờ yêu mến Thiên Chúa; đồng thời cũng không quên bổn phận đóng góp công sức tiền của để xây dựng GH và xã hội trần thế theo tinh thần Phúc âm, hầu trở nên người công dân tốt và người Kitô hữu trưởng thành.


Thứ ba

KÍNH TRỌNG THỂ LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI

Mừng kính trọng thể lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời hôm nay, đem đến cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao. Bởi tin rằng mai sau chúng ta cũng được về trời hưởng vinh phúc cùng với Mẹ. Vì cha mẹ có bao giờ quên con cái và muốn xa rời những đứa con yêu quý bao giờ!
Tuy nhiên để được ở bên Mẹ trong niềm hạnh phúc thiêng đàng, đòi hỏi ta phải sống xứng danh là con yếu dấu của Mẹ. Để trở nên con yêu dấu Mẹ không gì khác hơn là chúng ta noi gương sống như Mẹ đã sống. Đó là sống giới luật Tình Yêu mà Chúa đã dạy.
- Yêu Chúa: Đức Maria đã luôn lắng nghe và thực hành lời Chúa truyền dạy: “ Vâng này tôi là nữ tì của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như lời sứ thần nói”. (Lc 1, 38 ).
Yêu Chúa: Mẹ đã chấp nhận những hệ lụy đau khổ xảy đến, khi đón nhận cưu mang và sinh hạ Hài Nhi Giêsu.
Yêu Chúa: Mẹ đã can đảm bước đi cùng với Con Mẹ là Đức Giêsu trên mọi nẻo đường đời. Con đường ấy là đường hẹp và là con đường thập giá. Nhưng đó là con đường dẫn đến sự sống đời đời. Như lời Chúa Giêsu đã phán: “Ai muốn theo Ta, hãy tự bỏ mình vác thập giá mình mà theo Ta….”. (Mc 8,34).
- Yêu người: Mẹ đã sẵn sàng hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa để cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ nhân thế.
Yêu người: Mẹ đã không ngại chấp nhận gian khổ "vội vả lên đường" thăm viếng và ở lại chăm sóc cho người chị họ Elizabeth trong lúc sắp sinh nở. Quả là một hy sinh lớn lao!
Yêu người: Mẹ đã nhận thánh Gioan (đại biểu nhân loại) làm con Mẹ, cho dẫu trong hoàn cảnh đau khổ tột cùng dưới chân thập giá và tương lai mịt mù.
Chính tình yêu là động lực giúp cho Đức Maria sẵn sàng từ bỏ ý riêng, chấp nhận dấn thân hy sinh suốt đời để Phục vụ Chúa và dâng hiến cho tha nhân.
Có thể nói hình ảnh người phụ nữ được thánh Gioan mô tả trong sách khải huyền hôm nay là hình ảnh tập chú về Đức Mẹ. Dẫu lộng lẫy, kiêu sa xuất hiện trên trời nơi đền thờ Thiên Chúa cao sang, Nhưng bên cạnh đó Mẹ cũng phải đối diện với bao nguy hiểm của mãn xà hung ác là sự dữ.
Như thế bên cạnh hạnh phúc vinh quang nước trời, vẫn luôn có bóng dáng của đau khổ bởi sự dữ đang trực chờ, cần phải vượt qua bằng sức mạnh của Tình yêu nhờ liên kết chặt chẻ với Chúa Giêsu với niềm tin kiên vững vào quyền năng Thiên Chúa mới bay cao, bay xa vào cỏi vinh quang sáng ngời.
Xin cho chúng ta biết noi gương Mẹ Maria hằng gắn bó chặt chẻ với Chúa Giêsu để kín múc sức mạnh và sự sống nơi Người, vì“nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15,22). Nhất là luôn biết chu toàn giới luật Tình Yêu mà Chúa chỉ dạy qua việc tận tâm phục vụ tha nhân theo gương Mẹ Maria, hầu xứng danh là con Mẹ và xứng đáng được Chúa ban thưởng hạnh phúc nước trời.
Xin Mẹ thương giúp chúng con!

Thứ tư
Bài đọc 1 hôm nay tường thuật lại cái chết của Môsê, vị cha già của dân tộc. Cái chết của ông đã để lại bao nỗi tiếc thương cho con dân Do Thái.
- Tiếc thương vì trãi qua 40 năm chịu bao gian lao, khổ nhọc trong vai trò dẫn dắt dân Chúa, nay thành quả ấy sắp hoàn thành, thì cũng chính là lúc ông phải ra đi về với Chúa, khép lại một quá khứ hào hùng, lẫy lừng bên ngoài quê cha đất tổ cho một con người luôn trung thành với lý tưởng đến cùng.
- Tiếc thương vì suốt 40 năm qua, ông cùng dân sát cánh bên nhau, cùng đồng thân, đồng phận trong vui buồn sướng khổ, thì nay ông cùng đồng tử với một thành phần dân chúng cùng thế hệ ông, để lại cho thế hệ mai sau bao tiếc nối, yêu thương.
- Tiếc thương vì một nhà lãnh đạo tài ba, đức hạnh, thương dân đã ngã xuống. Nên họ đã khóc thương ông thật nhiều và tổ chức tang lễ thật trang trọng cho một ngôn sứ đã làm bao điều lẫy lừng không ai sánh bằng. 
Nếu như cái chết của Mô-sê để lại trong dân nhiều vương vấn, hối tiếc khó mà chấp nhận được, thì đối với bản thân Mô-sê đó lại là cái chết vinh dự. Bởi lẽ ông dám chết đi cho ý riêng, chết cho sứ mạng và chết cho quê hương dân tộc theo thánh ý Thiên Chúa. Vì thế sự ra đi của ông là một sự ra đi trong an bình không hối hận và luyến tiếc. Nên khi chết cặp mắt đức tin của ông vẫn ngời sáng, khí lực sức mạnh tình mến Chúa, thương dân nơi ông không hề suy giảm.
Xin cho chúng ta có được lòng tin tưởng, phó thác vào thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh vì tin rằng ý Chúa luôn tốt ngàn lần hơn ý ta.
Xin cho chúng ta luôn tận tâm chu toàn bổn phận Chúa trao phó theo gương Mô-sê, để dẫu có nhắm mắt lìa đời, ta không hề vấn vương, ân hận, nhưng luôn an vui thanh thản trong an bình, bởi lẽ mình đã chu toàn tốt bổn phận Chúa trao.

Suy niệm 2
Nếu cách đây 40 năm, nơi vùng sa mạc Ma-đi-an, tại núi Hô-reb, Thiên Chúa hiện ra nơi bụi gai cháy bừng, để trao ban cho Mô-sê sứ mạng cao cả là đưa dẫn dân Ngài ra khỏi ách nô lệ  Ai-cập về miền đất hứa Ca-na, thì hôm nay tại đồng bằng Mô-áp, trên núi Nơ-vô, đối diện thành Giê-ri-cô bên kia sông Gio-đan, Chúa cũng lại hiện ra và chỉ cho ông thấy miền đứa hứa. Nhưng ông lại không được đặt chân vào!  
Nếu khi xưa chặng đường mà Chúa kêu gọi Mô-sê dấn bước là chặng đường dài và đầy dẫy gian nan, khốn khó bởi sự ngăn cách của biển đỏ bao la và sa mạc mênh mông xa vời, thì nay chặng đường còn lại là chặng đường ngắn ngủi trông thấy từ bên đây sông. Nhưng Chúa lại trao sứ mạng lãnh đạo ấy lại cho người khác và muốn ông bỏ lại tất cả, ngay cả thân xác bên ngoài đất hứa, khi mà nhiệm vụ sắp hoàn thành, vinh quang sắp tận hưởng.
Nếu cuộc đời ta đã dày công làm việc vất vả, với bao thành quả tốt đẹp gầy dựng nên. Nhưng bất ngờ Chúa lại không muốn ta tận hưởng mà trao lại cho người khác. Vậy ta có can đảm chấp nhận thánh ý Chúa trong niềm vui và tin tưởng như Mô-sê không? Thật khó biết bao!
 Xin cho chúng ta có được lòng can đảm để đón nhận những ngang trái cuộc đời trong niềm tin tưởng phó thác vào bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, vì biết rằng đường lối Chúa luôn tốt cho đời ta.

Thứ năm
 Biến cố vượt qua biển đỏ lạ lùng của dân Do Thái năm xưa và biến cố vượt sông Gio-đan hôm nay là hai biến cố lẫy lừng mà Thiên Chúa thực hiện trên dân Người.
Qua hai biến cố trọng đại này cho thấy Thiên Chúa luôn hiện diện với dân Ngài. Khi thì bằng cột mây, lúc thì bằng khám giao ước. Với sự hiện diện của Thiên Chúa thì cho dù có gặp những nguy khốn, tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng sẽ trở nên bé nhỏ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa. Đúng như lời Thiên Thần Gáp-ri-en đã nói với Đức Maria: "đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được" . (Lc 1, 37).
Tha thứ 1 lần còn dễ, nhưng tha thứ hoài, tha thứ mãi như lời dạy của Chúa Giêsu qua bài Tin mừng hôm nay quả là khó hơn cả vượt sông sâu, leo núi cao hiểm trở. Bởi lẽ để tha thứ đòi hỏi ta phải vượt qua biển sâu của tự ái và núi cao của kiêng căng, tự mãn. Khó như vượt biển đỏ mênh mông, sông Gio-đan sâu thẳm ấy vậy mà với Thiên Chúa mọi chuyện đều trở nên dễ dàng như trở bàn tay. Do đó mọi việc đều có thể làm được nếu ta có lòng tin vững vàn vào Thiên Chúa uy quyền. Chính vì thế Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy luôn nghĩ đến tình thương và lòng bao dung tha thứ của Chúa dành cho ta để nhờ đó ta có thể dễ dàng tha thứ cho nhau.
Xin cho chúng ta luôn biết đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa quyền năng. Nhất là trong những khi gặp nguy khó, chúng ta hãy chạy đến tìm nương tựa nơi trái tim đầy yêu thương của Người. Xin cho chúng ta cũng có được tấm lòng bao dung của Chúa để ta biết cảm thông và sẵn sàng tha thứ cho những ai xúc phạm đến ta.

Thứ sáu
Qua Giô-suê, Thiên Chúa nhắc lại những biến cố hiển hách mà Người đã thực hiện trên dân Người trong suốt chiều dài lịch sử. Nhắc lại những biến cố ấy để thấy rằng: Tình yêu mà Thiên Chúa dành cho dân Người lớn lao là dường nào.
Có thể nói tình yêu Thiên Chúa dành cho dân Do Thái sâu hơn đại dương, cao hơn núi, vững bền hơn thép và rộng lớn hơn bầu trời. Dẫu cho dân Ngài đã nhiều lần phản phúc, phản bội giao ước, nhưng với tình yêu lòng trung tín Người vẫn luôn bao dung tha thứ cho dân Người. 
Xin cho các cặp vợ chồng luôn biết quy hướng về Thiên Chúa giàu lòng yêu thương và trung tính với lời giao ước, để họ biết yêu thương và trung tín với nhau trong đời sống hôn nhân; đồng thời cũng cho họ có lòng bao dung, tha thứ để họ sẵn sàng tha thứ cho nhau mỗi khi lầm lỗi, ngõ hầu giữa vẹn lời thề hứa thuở ban đầu. 

Thứ bảy
Bài đọc I, trích sách Giô-suê hôm nay cho biết: trước khi sắp lìa đời, ông Giô-suê tập họp dân chúng lại để cắt nghĩa tầm quan trọng của việc tin yêu Thiên Chúa; sau đó ông truyền cho họ quyền tự do quyết định chọn lựa tôn thờ và đi theo đường lối của Thiên Chúa hay tôn thờ và chạy theo các thần ngoại bang: “Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Đức Chúa, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người Emorites mà anh em đã chiếm đất để ở. "
Sau khi nhớ lại những việc kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện trong suốt chiều dài lịch sử; nhất là trong cuộc giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai-cập về đất hứa; cũng như lời xác quyết một lòng trung thành với Thiên Chúa của ông Giô-suê và con cháu của ông, cuối cùng dân Israel đã xác quyết chọn lựa trung thành phụng thờ một mình Thiên Chúa: “Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi.".

Tin mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu quan tâm cách đặc biệt đến các trẻ nhỏ, thành phần bị xã hội Do Thái bấy giờ xem thường và bỏ rơi. Qua đó Ngài cũng muốn nhắc nhở chúng ta ngày hôm nay là hãy “cứ để trẻ em đến với Thầy! Đừng ngăn cấm chúng”. Ngài còn quả quyết rằng:  “Nước Trời là của những ai giống như chúng.".
Với lời nhắc nhở và quả quyết ấy: trước hết, Chúa muốn nhắc nhở bổn phận của xã hội là hãy tôn trọng quyền sống, cũng như những quyền lợi ích chính đáng mà các em được hưởng. Tiếp đến, Chúa cũng nhắc nhở những người cha người mẹ ý thức chu toàn tốt bổn phận của mình với con trẻ và tránh gây nên gương mù, gương xấu làm ảnh hưởng nguy hại đến tâm lý và thể lý của các em. Cuối cùng, Chúa muốn nói với tất cả chúng ta về 2 đức tính cao quý cần phải học nơi các em đó là: tình yêu chân thành và lòng trung tín sắc son.

Xin cho chúng ta chúng ta học được nơi các trẻ nhỏ bài học về tình yêu chân thành trong sáng và lòng trung tín sắc son với Chúa như dân Israel xưa, nhờ đó chúng con mới xứng đáng được Chúa ban thưởng hạnh phúc nước trời.  

Thứ Hai, 14 tháng 8, 2017

LÊ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI 
Để Lên Trời cần bắt chước các nhân đức của Mẹ

Sống trên đời ai cũng có một người mẹ. Người mẹ đó không chỉ sinh ra chúng ta mà còn yêu thương và nuôi dạy chúng ta lớn lên thành người. Vì vậy, qua mọi thời, con người không ngớt lời ca ngợi công ơn sinh thành dưỡng dục của người mẹ. Con dân Nước Việt cũng có nhiều câu ca dao tục ngữ, để nói lên tình yêu vô bờ bến của người mẹ: 
Đôi vai mẹ một gánh đầy huyền thoại, 
tình yêu thương hào phóng đến khôn cùng; 
Mênh mông bát ngát đại dương, 
Cũng không sánh được tình thương mẹ hiền. 
Nhưng cho dầu có dùng hết ngôn ngữ trần gian để ca tụng tình mẹ, thì cũng không thể nào diễn tả hết:
Ngôn ngữ trần gian khờ dại quá, 
Đựng sao đầy hai tiếng: Mẹ ơi !
Trong đức tin Công Giáo, mỗi người kitô hữu chúng ta có chung một người Mẹ, đó là Đức Maria. Công ơn của Mẹ Maria đối với mọi người không những không thua kém người mẹ trần thế mà còn gấp ngàn lần. Mẹ là Mẹ Đức Giêsu, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Hội Thánh và là Mẹ của mỗi người chúng ta. Nhờ Mẹ, chúng ta có Đức Giêsu là Đấng Cứu Chuộc loài người. Nhờ Mẹ chúng ta có tất cả trong đức tin: Được làm người Công Giáo, được lãnh nhận các Bí tích, được có nhiều cơ hội để lo phần rỗi hầu ngày sau được về Thiên đàng.
Mẹ được Thiên Chúa ban cho 4 đặc ân cao cả: Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, đặc ân Đồng trinh trọn đời, đặc ân làm Mẹ Thiên Chúa và đặc ân Hồn Lẫn Xác Lên Trời. Đối với đặc ân Hồn Xác Lên Trời đã được truyền thống Giáo Hội và các kitô hữu tôn kính từ xa xưa, nhưng mãi tới ngày 01 tháng 11 năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII mới tuyên bố thành tín điều. Mặc dầu trong Kinh Thánh không có chỗ nào nói rõ về đặc ân này, nhưng nếu chúng ta để ý thì chúng ta vẫn thấy đặc ân Mẹ Lên Trời cả hồn lẫn xác ẩn chứa trong nhiều đoạn Kinh Thánh. Chẳng hạn, lời thiên thần chào Mẹ “Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người phụ nữ.” Hay lời ca tụng của bà Êlizabét: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1, 42). Rồi, lời ca tụng Thiên Chúa của Đức Mẹ trong bài Magnificat: “Từ nay muôn đời sẽ khen rằng tôi có phúc, bởi Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều cao cả.” (x. Lc 1,48-49).
Mặt khác, bình thường chúng ta cũng có thể dễ chấp nhận đặc ân này. Bởi vì, thân xác chết là do tội lỗi. Nhưng Đức Maria không hề mắc tội Tổ tông truyền và tội riêng. Do đó, thân xác Mẹ không bị hủy hoại tiêu tan. 
Hơn nữa, các thánh và nhiều bậc thông thái trong Giáo Hội cũng đã từng quả quyết về việc Đức Mẹ được đặc ân lên trời cả hồn lẫn xác. Thánh Đamascênô tiến sĩ quả quyết: “Vì Đức Mẹ đã được sinh con mà vẫn trinh nguyên, thì cần thiết là sau khi qua đời, xác Đức Mẹ cũng phải được bảo tồn nguyên vẹn.” Cha Ađômêô thì nói rằng: “Thân xác Đức Mẹ không hề bị hư nát vì đã kết hợp với linh hồn và đã được đầy ơn.”
Ngày lễ hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta tuyên xưng niềm tin hồn xác lên trời của Mẹ. Đồng thời, chúng ta cùng cảm tạ Thiên Chúa vì đã thưởng công Mẹ hồn xác lên trời. Mặt khác, đây là dịp nhắc nhở chúng ta rằng, quê hương chúng ta ở trên trời. Mẹ đã lên trời, đó là niềm hy vọng để mỗi người chúng ta tiếp bước theo sau. Nhưng để được lên trời với Mẹ chúng ta phải cố gắng sống như Mẹ, đi con đường Mẹ đã đi. Sống như Mẹ, đi con đường Mẹ đã đi đó chính là noi gương bắt chước các nhân đức của Mẹ: 
Thứ nhất, chúng ta bắt chước nhân đức khiêm nhường của Mẹ: Sau lời sứ thần truyền tin, Đức Mẹ đã khiêm tốn thưa với Thiên thần rằng: “Này tôi là tớ tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền.” (Lc 1,38). Từ đó, Mẹ sống tinh thần khiêm nhường thẳm sâu trước mặt Chúa và mọi người: Khi Bà Êlizabét ca ngợi Mẹ, Mẹ đã qui hướng tất cả những gì mình có là do tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa: “Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn;”(Lc 1,49). Mẹ sống âm thầm trong vai trò làm vợ và làm mẹ tại mái ấm gia đình Nagiarét đến nỗi không ai biết Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa; Khi Đức Giêsu được nổi danh do lời giảng dạy và các phép lạ Ngài làm, Đức Mẹ vẫn sống âm thầm và ẩn danh…Tất cả điều đó cho chúng ta thấy nhân đức khiêm nhường của Mẹ. Đó là mẫu gương cho tất cả mỗi người chúng ta noi theo.
Thứ hai, chúng ta bắt chước Mẹ sống tin tưởng và phó thác vào Chúa: Sau khi thưa xin vâng, Mẹ trở thành Mẹ của Chúa Giêsu. Bào thai trong cung lòng của Mẹ ngày càng lớn lên. Nhưng không ai hiểu về nguyên nhân, kể cả Thánh Giuse. Bằng chứng là Thánh Giuse định tâm bỏ Mẹ mà trốn đi. Rồi, người thân và làng xóm láng giềng, chắc chắn không thiếu những lời đàm tiếu, thị phi. Vậy mà Mẹ vẫn tin tưởng phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Đúng như lời bà Thánh Êlizabét ca tụng Mẹ: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”(Lc 1,45). Sự tin tưởng và phó thác vào Chúa của Mẹ là mẫu gương cho tất cả mỗi người chúng ta noi theo.
Thứ ba, chúng ta bắt chước Mẹ để sống hiền lành và nhịn nhục: Từ khi cưu mang Đức Giêsu cho đến khi Con Mẹ chịu chết treo trên thập giá, Đức Mẹ phải đối diện với biết bao đau khổ: Đau khổ khi nghe ông Simêon nói tiên tri về Mẹ và Hài Nhi; Đau khổ khi đưa Hài Nhi trốn sang Ai Cập khỏi tay Hêrôđê lùng bắt; Đau khổ khi lạc mất Con ở Jêsusalem trong ba ngày; Đau khổ khi gặp Đức Giêsu vác Thập giá trên đường đến Núi Sọ; Đau khổ khi thấy Đức Giêsu bị đóng đinh; Đau khổ khi chứng kiến việc tháo xác Đức Giêsu xuống khỏi thập giá; Đau khổ khi phải chứng kiến việc chôn xác Đức Giêsu trong mồ. Nhưng trong khi chịu đựng những đau khổ đó, Đức Mẹ không hề trách móc kêu la một lời nào. Sự hiền lành và nhịn nhục cảu Mẹ là mẫu gương cho tất cả mọi người chúng ta noi theo.
Thứ tư, chúng ta bắt chước Mẹ để hết lòng yêu mến Chúa: Lòng yêu mến Chúa của Mẹ được thể hiện qua như việc tiêu biểu như: Ba tuổi Mẹ đã dâng mình trong đền thờ; Khi Thiên thần đến truyền tin cũng là lúc Mẹ đang đắm chìm trong lời kinh nguyện; Mẹ thưa “Xin Vâng” để cộng tác với chương trình cứu độ của Thiên Chúa; Hơn ba mươi năm Mẹ nuôi nấng chăm sóc Đức Giêsu; Mẹ chạy đôn đáo tìm cho bằng được khi Đức Giêsu đi lạc trong đền thờ... Tất cả những thái độ trên đều thể hiện một lòng yêu mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự của Mẹ. Đó là mẫu gương cho tất cả mỗi người chúng ta noi theo.
Thứ năm, chúng ta bắt chước Mẹ để sống yêu thương hết mọi người: Vì yêu thương nhân loại nên Mẹ đã chấp nhận làm Mẹ Thiên Chúa, nhờ đó nhân loại được cứu chuộc. Vì yêu thương nên Mẹ đã vội vã lên đường thăm bà Êlizabét để chia sẻ niềm vui có Chúa và để giúp đỡ bà chị họ trong những ngày thai nghén sinh nở. Vì yêu thương nên Mẹ đã cầu bầu cùng Đức Giêsu làm phép lạ biến nước thành rượu ngon để cứu gia chủ khi họ hết rượu. Vì yêu thương nên khi đã về trời Mẹ vẫn hiện ra đây đó trên thế giới để ủi an nâng đỡ con cái loài người…Đó là mẫu gương yêu người cho tất cả mỗi người chúng ta noi theo.
Như vậy, Đức Mẹ được lên trời cả hồn lẫn xác không chỉ nhờ những đặc ân Thiên Chúa ban mà còn nhờ những nhân đức mà Mẹ ra sức rèn luyện. Chúng ta muốn được lên Thiên đàng phải đi con đường Mẹ đã đi, phải sống như Mẹ đã sống, đó là biết noi gương bắt chước các nhân đức của Mẹ. 
Lạy Thiên Chúa là nguồn Tình Yêu, Chúa đã cho Mẹ hồn xác lên trời. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, xin giúp chúng con biết sống làm sao để một ngày kia cũng được hưởng hạnh phúc trên Trời với Mẹ. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành


Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

KÍNH TRỌNG THỂ LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI

Lm. Seoka

Mừng kính trọng thể lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời hôm nay, đem đến cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao. Bởi tin rằng mai sau chúng ta cũng được về trời hưởng vinh phúc cùng với Mẹ. Vì cha mẹ có bao giờ quên con cái và muốn xa rời những đứa con yêu quý bao giờ!
Tuy nhiên để được ở bên Mẹ trong niềm hạnh phúc thiêng đàng, đòi hỏi ta phải sống xứng danh là con yếu dấu của Mẹ. Để trở nên con yêu dấu Mẹ không gì khác hơn là chúng ta noi gương sống như Mẹ đã sống. Đó là sống giới luật Tình Yêu mà Chúa đã dạy.
- Yêu Chúa: Đức Maria đã luôn lắng nghe và thực hành lời Chúa truyền dạy: “ Vâng này tôi là nữ tì của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như lời sứ thần nói”. (Lc 1, 38 ).
Yêu Chúa: Mẹ đã chấp nhận những hệ lụy đau khổ xảy đến, khi đón nhận cưu mang và sinh hạ Hài Nhi Giêsu.
Yêu Chúa: Mẹ đã can đảm bước đi cùng với Con Mẹ là Đức Giêsu trên mọi nẻo đường đời. Con đường ấy là đường hẹp và là con đường thập giá. Nhưng đó là con đường dẫn đến sự sống đời đời. Như lời Chúa Giêsu đã phán: “Ai muốn theo Ta, hãy tự bỏ mình vác thập giá mình mà theo Ta….”. (Mc 8,34).
- Yêu người: Mẹ đã sẵn sàng hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa để cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ nhân thế.
Yêu người: Mẹ đã không ngại chấp nhận gian khổ "vội vả lên đường" thăm viếng và ở lại chăm sóc cho người chị họ Elizabeth trong lúc sắp sinh nở. Quả là một hy sinh lớn lao!
Yêu người: Mẹ đã nhận thánh Gioan (đại biểu nhân loại) làm con Mẹ, cho dẫu trong hoàn cảnh đau khổ tột cùng dưới chân thập giá và tương lai mịt mù.
Chính tình yêu là động lực giúp cho Đức Maria sẵn sàng từ bỏ ý riêng, chấp nhận dấn thân hy sinh suốt đời để Phục vụ Chúa và dâng hiến cho tha nhân.
Có thể nói hình ảnh người phụ nữ được thánh Gioan mô tả trong sách khải huyền hôm nay là hình ảnh tập chú về Đức Mẹ. Dẫu lộng lẫy, kiêu sa xuất hiện trên trời nơi đền thờ Thiên Chúa cao sang, Nhưng bên cạnh đó Mẹ cũng phải đối diện với bao nguy hiểm của mãn xà hung ác là sự dữ.
Như thế bên cạnh hạnh phúc vinh quang nước trời, vẫn luôn có bóng dáng của đau khổ bởi sự dữ đang trực chờ, cần phải vượt qua bằng sức mạnh của Tình yêu nhờ liên kết chặt chẻ với Chúa Giêsu với niềm tin kiên vững vào quyền năng Thiên Chúa mới bay cao, bay xa vào cỏi vinh quang sáng ngời.
Xin cho chúng ta biết noi gương Mẹ Maria hằng gắn bó chặt chẻ với Chúa Giêsu để kín múc sức mạnh và sự sống nơi Người, vì“nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15,22). Nhất là Luôn biết chu toàn giới luật Tình Yêu mà Chúa chỉ dạy qua việc tận tâm phục vụ tha nhân theo gương Mẹ Maria. Hầu xứng danh là con Mẹ và xứng đáng được Chúa ban thưởng hạnh phúc nước trời.

Xin Mẹ thương giúp chúng con!

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN-NĂM B Kn 1,13-15; 2,23-24; 2Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43 Suy niệm 1: ...