SUY NIỆM
LỜI CHÚA TUẦN XVI TN
CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN B
Mc 6,30-34
Ðức thánh cố giáo
hoàng Gio-an Phao-lô II khẳng định: “Lòng Thương Xót là tên gọi
thứ hai của tình thương". (thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót, số
7).
Đức Giêsu là hiện
thân của Thiên Chúa làm người. Vì thế Ngài chính là Lòng Thương Xót của Thiên
Chúa. Lòng Thương Xót đó của Chúa Giêsu được thể hiện cách cụ thể qua bài tin
mừng hôm nay, bằng cách:
- Quan tâm đến các tông đồ: Sau cuộc
hành trình truyền giáo vất vả, các Tông đồ trở về và phấn khởi thuật
lại cho Đức Giêsu nghe những thành quả vàng son mà các ông đã gặt hái được. Ngoài
việc lắng nghe và đồng cảm với những niềm vui ấy, Chúa Giêsu còn nhìn thấy điều
cần thiết và quan trọng hơn đối với các tông đồ lúc này và ở đây, đó là nghỉ
ngơi. Nghỉ ngơi để lấy lại sức, để nhìn lại những việc đã làm vừa qua, để sống
thân tình với Chúa và với nhau… Đây đúng là nhu cầu chính đáng và rất bổ ích
nhằm quân bình lại cuộc sống. Nên Ngài khuyên các ông: “Các con hãy lui
vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. (Mc 6,31).Với sự quan tâm này
cho biết: Chúa Giêsu coi trọng con người hơn là công việc.
- Quan tâm đến dân chúng: Mặc
dù Đức Giêsu muốn cùng các Tông đồ tách biệt khỏi đám đông ồn ào, tìm
nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút. Nhưng khi thấy dân chúng tấp nập tuôn đến “Ngài chạnh lòng thương vì họ
đang bơ vơ như đàn chiên không có người chăn”. Ngài quên cả mệt
nhọc, sẵn sàng hy sinh thời giờ nghỉ ngơi để ban phát lời Chúa và đáp
ứng những nhu cầu chính đáng của họ. Hành động này cho thấy: Đức
Giêsu lúc nào cũng quan tâm đến nhu cầu và sẵn sàng hy sinh phục vụ vì ích lợi
cho người khác.
Mỗi người chúng ta
có đời sống riêng tư, được sắp xếp ngăn nắp, hợp lý theo ý của ta. Chúng ta có
quyền bảo vệ sự quân bình ấy theo chương trình sống của mình. Nhưng nếu có đôi
lúc phải hy sinh cái lợi ích riêng tư ấy vì hạnh phúc của người khác, chúng ta
hãy xem đó là cơ hội quý giá để làm phong phú cho bản thân và là cơ hội quý giá
được phục vụ người khác.
Xin Chúa
cho chúng ta có được cái nhìn của Chúa, để chúng ta nhận ra được những nhu cầu
cần thiết nơi tha nhân. Và xin cho chúng ta có được tấm lòng thương xót như
Chúa để chúng ta không cảm thấy mệt nhọc khi hy sinh phục vụ hạnh phúc cho con
người.
Thứ hai:Mt
12, 38-42.
Kinh nghiệm cho thấy: "Người buồn cảnh có vui bao giờ".
Việc thay đổi con người không hệ tại ở hình thức bên ngoài, nhưng trước hết là
phải thay đổi tận cõi lòng, thay đổi não trạng và cái nhìn.
Mặc dù chứng kiến bao là phép lạ
Chúa Giêsu đã làm; mặc dù đã nhiều lần vỗ tay ca ngợi những lời hay ý đẹp của
Chúa Giêsu, nhưng rốt cùng nhiều người Do Thái, đặc biệt là nhóm người
Pha-ri-sêu và Biệt phái vẫn không tin.
Như hết cách, Chúa Giêsu đành phải
thốt lên: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác, chúng xin điềm lạ. nhưng
chúng sẽ không thấy được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Gio-na”. Như một
cố gắng cuối cùng, Chúa Giêsu đã dùng lại hai câu chuyện ngày xưa với hy vọng
họ suy nghĩ lại mà thay đổi não trạng.
- Nhắc lại chuyện Giona ngày xưa,
nhằm lưu ý họ rằng: Ngày xưa dân thành Ninivê chỉ nghe lời rao giảng miễn cưỡng
của Ngôn sứ Giona. Vậy mà cả thành, từ vua đến dân, từ già đến trẻ, từ người
đến súc vật đều ăn chay sám hối và khẩn xin sự tha thứ của Chúa. Vậy mà hôm nay
có Người còn hơn Giona. Đấng mà Giona loan báo đã đến và rao giảng, vậy mà họ
lại không để tâm ăn năn hối cải. Thật đáng buồn!
- Nhắc lại câu chuyện nữ hoàng
Phương nam vượt đường xa vạn dặm, bất chấp khó khăn, tốn kém đến để diện kiến
vị vua khôn ngoan là Salomon. Bà ta đã toại nguyện, hết lòng cảm phục sự khôn
ngoan của nhà vua. Nhưng ở đây còn trọng hơn vua Salomon nữa, vì Người chính là
sự khôn ngoan của Thiên Chúa và là vua trên hết các vị vua. Thế mà họ chẳng
thèm nghe. Thật đau lòng!
Chính lòng tự mãn làm cho họ trở
nên mù quáng nên đã làm hỏng hết mọi ơn phúc, vì thế không còn cách nào để tự
chữa mình được nữa.
Xin cho chúng ta đừng như thế hệ Do
Thái xưa, mù quáng và tự mãn. Nhưng hãy trở nên giống dân thành Ninivê và nữ
hoàng Phương nam có cái nhìn ngay chính để nhận ra chân lý mà theo đuổi; cũng
như biết khiêm tốn nhận mình còn nhiều khiếm khuyết, thiếu sót, tật xấu và tội
lỗi, để theo sự khôn ngoan của Chúa hướng dẫn mà sửa đổi đời sống mỗi ngày nên
tốt hơn.
Thứ ba:
Mt 12, 46-50
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu
đưa ra cho chúng ta biết những điều kiện cơ bản cần thiết để xứng đáng trở nên
thành viên trong gia đình của Người.
Nhờ tích tích rửa tội chúng
ta trở thành con Chúa và là thành viên trong GH. Nên ngoài gia đình tự nhiên
liên hệ bằng huyết thống, chúng ta ta còn có một gia đình thiêng liêng nhờ được
sinh ra trong đức tin. Vì thế, Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định: thành viên trong
gia đình của Chúa chính là những người biết “làm theo ý Cha trên trời”.
Nếu điều kiện căn bản để trở
thành người con ngoan trong gia đình tự nhiên theo huyết thống, ta phải lắng
nghe và thi hành điều tốt mà cha mẹ và anh chị hướng dẫn, chỉ bảo. Cũng vậy để
trở thành con ngoan của Thiên Chúa và anh chị em thật sự với nhau trong gia
đình thiêng liêng của đức tin, ta phải lắng nghe và thực hành Lời Chúa cùng với
sự hướng dẫn của GH.
Hơn ai hết Đức Maria là người
luôn để tâm lắng nghe và mau mắn thi hành thánh ý Chúa trong suốt cuộc đời
mình. Nên Đức Maria trở nên kiểu mẫu cho đời sống cho chúng ta.
Khi khám phá những giọt máu
trong chiếc khăn liệm thành Turin, các nhà khoa học đã chứng minh cho biết đó
là loại máu B. (B là bái ái, bao dung và bình an).
Xin cho chúng ta mang lấy
dòng máu của Chúa Giêsu để ta cũng biết sống bác ái, bao dung với mọi người và luôn
kiến tạo sự bình an cho mình và tha nhân nhờ việc lắng nghe và thực thi lời dạy
của Chúa. Có như vậy ta xứng đáng trở thành người thân của Chúa trong gia đình
thiêng liêng.
Thứ tư:
Kính thánh Giacôbê, tông đồ.
(Mt 20,
20-28).
Mừng kính Thánh Giacôbê tông đồ hôm
nay, chúng ta cùng nhau liệt kê vài nét chính liên quan đến con người của thánh
nhân mà tin mừng đã nói đến:
- Thánh Giacôbê là
anh ruột của thánh Gioan, quê ở làng Bếtsaiđa, cùng quê với Phêrô và Anrê. Cha
ngài là ông Dêbêđê làm nghề chài lưới. Mẹ ngài là bà Salômê, một người phụ nữ
đạo đức được nhắc trong thánh kinh.
- Ngài là một trong
4 môn đệ đầu tiên được Chúa Giêsu kêu gọi theo Ngài trên biển hồ Têbêria. Không
ngần ngại do dự, Giacôbê đã lập tức bỏ lại tất cả để đi theo Chúa.
- Trong số 12 tông
đồ, ngài là một trong ba môn đệ thân tín và gần gũi Chúa Giêsu nhất. Ngài được
diễm phúc chứng kiến Chúa biến hình trên núi Tabo, được chứng kiến Chúa phục
sinh con gái ông Gia-ia, được Chúa sai đi sửa soạn bữa tiệc cuối cùng; ngài
cũng được hiện diện cùng với Chúa trong vườn cây dầu và chứng kiến giây phút sợ
hãi nhất của Thầy Giêsu. Nhất là vinh dự được làm tông đồ đầu tiên hiến mạng
sống để làm chứng cho tin mừng.
- Nhắc đến tông đồ
Giacôbê ai trong chúng ta cũng đều nhớ đến hai tính xấu nổi bật nơi con người
ông.
Thứ nhất: ông là một con người nóng tính.
Một lần Chúa Giêsu
cùng các môn đệ lên Giêrusalem, vì phải đi ngang qua Samaria. Do đường xa nên
Chúa Giêsu sai ông cùng Gioan đi trước để chuẩn bị chỗ ở. Nhưng những người
trong thành quyết liệt từ chối không cho thầy trò nghỉ trọ. Lý do vì họ không
ưa thích người Do Thái. Tông đồ Giacôbê rất tức giận, nên khi trở lại gặp Chúa
Giêsu, ông xin Chúa khiến lữa từ trời xuống để thiêu đốt cả dân thành ấy. Nhưng
Chúa không làm theo ý của ông. Trái lại Ngài quở trách ông là "con
của sấm sét". Sau đó thầy trò sang đường khác tiếp tục cuộc hành trình.
Thứ hai ông là con người đam mê quyền lực.
Mặc dù Giacôbê
đã theo Chúa, được Chúa dạy bảo và huấn luyện nhiều, nhưng trong đầu các ông
vẫn còn mang nặng đam mê quyền lực. Do đó đã có lần chính ông và Gioan trực
tiếp đến xin Chúa cho ngồi hai bên tả hữu trong nước của Chúa, ngay sau khi
Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài. Thật quá đáng!
Càng quá đáng hơn
khi hai anh em ông nhờ cậy chính người mẹ mình đi cửa sau để xin Chúa cho hai
anh em ông được ngồi vào hai chiếc ghế bên cạnh Chúa, một khi giang sơn thuộc
về tay Chúa.
Với Chúa Giêsu phấn đấu để được
hiểu biết hơn, tài giỏi hơn, tốt lành hơn nhằm phục vụ lợi ích cho mình, cho
người, cho xã hội và Giáo Hội là việc tốt, nên làm. Nhưng nổ lực tranh đấu để
đứng đầu nhằm thống trị mọi người, để tạo uy thế cho mình, để được tư lợi và
bắt mọi người phục vụ cho quyền lợi cá nhân quả là điều đáng lên án. Nhưng càng
đáng khiển trách hơn đối với những ai khi thấy người khác tài giỏi hơn mình,
tốt lành hơn mình, thành công hơn mình mà tỏ ra ghen tị, khó chịu, tức giận… để
tìm cách triệt hạ. Hạng người ấy chỉ đáng là kẻ tiểu nhân!
Xin cho chúng ta biết dùng tính
nóng của mình để không nhằm làm điều xấu gây phương hại đến tha nhân, nhưng
biết điều hướng tính nóng ấy để xả thân làm những việc lành và loan báo tin
mừng theo gương thánh Giacôbê tông đồ .
Xin cho chúng ta cũng ý thức
rằng: làm lớn không phải là để thống trị hà khắc người khác, nhưng là để phục
vụ vô vị lợi trong tinh thần khiêm tốn. Nhất là đừng vì lòng ghen tị mà tìm mọi
cách để hạ bệ hay ngăn bước tiến anh em mình.
Thứ năm:
Mt 13, 10-17.
Khi muốn nói điều gì khó nói, người
ta hay dùng cách ví von.
Khi muốn thổ lộ tâm tình sâu kín,
người ta hay nhờ đến câu chuyện.
Khi muốn diễn tả chân lý tròn đầy,
Chúa Giêsu lại dùng đến dụ ngôn.
Dụ ngôn chính là cách diễn đạt chân
lý về "mầu nhiệm nước trời" dễ hiểu nhất.
Vì dụ ngôn mang ý tưởng so sánh và
diễn đạt khía cạnh khó hiểu. Do đó chỉ những ai cố công tìm hiểu mới có thể
nhận ra được giá trị chân lý siêu việt mà Chúa Giêsu muốn nói đến. Nhưng hình
như những lời giảng dạy của Chúa Giêsu bằng dụ ngôn không được dân chúng
đón nhận cách tích cực. Đa phần họ nghe cho vui tai thôi chứ không ra công tìm
hiểu. Vì thế Chúa Giêsu đã không ngần ngại nói thẳng: "Họ nhìn mà
không nhìn, nghe mà không nghe, không hiểu". Duy chỉ có các tông đồ là
những người tích cực chủ động muốn nghe và tìm hiểu lời giảng dạy của Chúa, nên
họ được mạc khải cho biết về mầu nhiệm nước trời. Do đó không phải Chúa Giêsu
cố tình dùng dụ ngôn để gây khó dễ cho người nghe, nhưng là để xác định xem ai
là người thiện chí thì mới xứng đáng hiểu lời vàng ngọc, châu báo của Chúa.
Nhìn thấy Chúa và Nghe được Lời
Chúa đã là một diễm phúc lớn lao cho những người sống cùng thời với Chúa rồi.
Bởi lẽ "nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi được thấy
điều anh em thấy mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe mà không được
nghe". Tuy nhiên nếu nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu
thì quả là một bất hạnh to lớn.
Chúng ta
là những người thật hạnh phúc vì được vinh dự được lắng nghe, gặp gỡ và
đón nhận Mình Thánh Chúa hằng ngày qua thánh lễ hằng ngày.
Xin cho chúng ta biết siêng năng
tham dự thánh lễ với lòng khao khát được nghe lời Chúa và đón nhận chính Chúa
vào tâm hồn, nhờ đó ta cảm nếm được niềm hạnh phúc sâu xa trong cuộc đời này.
Thánh
Gioakim và Anna: Mt 13, 16-17.
Hôm nay chúng ta mừng kính thánh
Gioakim và Anna song thân Đức Maria. Dù rằng chúng ta không biết gì về đời sống
của hai ngài. Nhưng với kinh nghiệm của cha ông ta: "Con nhà tông không
giống lông cũng giống cánh, hay "Cha nào con nấy"… Nhất
là dưới ánh sáng lời Chúa dạy: "Xem
quả thì biết cây", phần nào chúng ta nhận ra đôi chút về đời sống của
hai ngài qua Đức Maria, người con của hai ngài.
- Đức Maria sẽ không được mọi đời
khen ngợi là người phụ nữ diễm phúc nếu không được cảm nếm niềm hạnh phúc nơi
thánh Gioankim và Anna.
- Đức Maria sẽ không được chọn làm
Mẹ Đấng Cứu Thế nếu như tâm hồn Mẹ không được thánh Gioakim và Anna chuần bị
xứng hợp.
- Đức Maria sẽ không có tinh thần
âm thầm hy sinh phục vụ nếu như không nhận thấy đời sống hy sinh phục vụ âm
thầm của cha mẹ người.
- Đức Maria sẽ không thể có được
tinh thần khiêm hạ, nghèo khó nếu như không được hấp thụ bởi gương sáng từ cha
mẹ.
- Đức Maria sẽ không có được tinh
thần vâng phục thánh ý Thiên Chúa nếu như không được cha mẹ truyền thụ lại một
nền tảng đức tin vững chắc.
Xin Chúa qua lời chuyển cầu của Đức
Maria giúp cho gia đình chúng con biết noi gương gia đình thánh Gioakim và
Anna, luôn vâng nghe lời Chúa và Hội thánh; biết loại trừ tính hư tính xấu là
cỏ lùng độc hại ra khỏi đời sống, để những giá trị Tin mừng là lúa tốt được
triển nở mạnh mẻ nơi gia đình chúng con.
Xin cho các bật làm cha mẹ trở
thành gương sáng đời sống đức tin và yêu thương cho con cái như thánh Gioakim
và Anna, nhằm góp phần làm cho mảnh đất tâm hồn nơi con cái trổ sinh nhiều hoa
trái tốt lành.
Thứ sáu:
Mt 13,18-23
Chúa Giêsu thường
dùng những hình ảnh rất gần gũi và quen thuộc để nói lên thực tại của cuộc sống.
Cụ thể bài Tin mừng hôm nay Chúa dùng hình ảnh người nông phu ra đi gieo hạt giống.
Với hình ảnh người đi
gieo hạt, Chúa Giêsu muốn nói đến lòng quảng đại hào phóng của một vị Thiên
Chúa. Ngài sẵn sàng gieo vãi hạt giống Lời Chúa vào bất cứ nơi đâu, dẫu biết rằng
những nơi ấy có thể không sinh hoa kết quả.
Với hình ảnh môi trường
mà hạt giống được gieo vào, Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến tâm hồn của con người.
Môi trường ấy, Chúa Giêsu cho biết có nhiều loại. Có loại lề đường, có loại sỏi
đá, có thứ gai góc..., nhưng cũng có loại đất tốt.
Hạt giống Lời Chúa
thì luôn tốt, có khả năng phát triển và sinh nhiều bông hạt. Người gieo vãi hạt
giống ấy là Thiên Chúa thì luôn hào phóng và quảng đại không so đo tính toán.
Điều quan trọng còn lại là môi trường lòng người có chuẩn bị sẵn sàng để tiếp
nhận hạt giống Lời Chúa hay không?
Nếu tâm hồn mỗi người
chúng ta chính là mảnh đất tiếp nhận hạt giống Lời Chúa; thì giờ đây ta cần xét
xem mảnh đất tâm hồn của ta là loại đất nào?
- Nếu
tâm hồn ta còn mang nặng những thành kiến, cố chấp, bảo thủ, ngại thay đổi bản
thân theo lời dạy của Chúa và Giáo Hội, thì mảnh đất tâm hồn ta đang thuộc dạng
vệ đường.
- Nếu tâm hồn chúng
ta còn có những bất hòa, phân biệt, chia rẽ, đánh mất tình hiệp thông với tha nhân
thì mảnh đất tâm hồn chúng ta vẫn còn nhiều gai gốc.
- Nếu
tâm hồn chúng ta còn sống ích kỉ, kiêu căng, bất công, thiếu bác ái với tha
nhân thì mảnh đất tâm hồn của ta còn nhiều sỏi đá.
Xin Chúa thương biến đổi mảnh đất tâm hồn chúng con được
nên màu mở để hạt giống Lời Chúa gieo vãi vào có cơ may mọc lên, phát triển vững
mạnh và sinh được nhiều bông hạt tốt tươi qua những việc làm tốt lành, đem lại
niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người.
Thứ bảy:
Mt 13,24-30.
Qúa khứ có thể tôi là người tội
lỗi, nhưng tương lai có thể tôi là người tốt lành. Bởi vì mỗi ngày có 24 giờ,
trong đó có biết bao thay đổi. Thấu hiểu điều đó nên Thiên Chúa (ông chủ ruộng)
đã kêu gọi gia nhân hãy kiên nhẫn chờ đợi cho cỏ lùng và lúa tốt cùng sống bên
cạnh nhau đến ngày thu hoạch.
Các nhà tu đức đã có lý khi nói:
"Thánh nhân là tội nhân biết ăn năn sám hối". Mang thân phân con
người, không ai là vô tội trước mặt Thiên Chúa “nhân vô thập toàn”.
Gỉa như TC chiều ý ta mà tiêu diệt tức
khắc những kẻ gian ác, thì thế gian này chắc chắn không ai được cứu rỗi, vì: “nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi
được” (Tv 130,3). Nhưng thật may mắn, chúng ta lại có một Thiên
Chúa là Nười Cha giàu lòng thương xót. Người "không muốn kẻ gian ác phải chết nhưng muốn nó ăn năn sám hối và
được sống". (Lc 16, 19-31).
Xin cho
chúng ta luôn biết cảm thông trước những yếu đuối của mình cũng như của tha
nhân vì ý thức rằng: "sự thiện
tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm" (Rm 8,19). Đồng thời cũng biết đáp lại tình thương tha thứ của Chúa mà can đảm loại
trừ những mầm móng cỏ lùng độc hại ra khỏi mảnh đất nơi tâm hồn của mình để mầm
lúa tốt trong ta có cơ may phát triển mạnh mẻ. Nhờ thế, hạt giống của Chúa gieo
vải mới sinh được nhiều hoa trái, mang lại mùa bội thu cho nước trời.