Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN II PHỤC SINH A

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN II PHỤC SINH A
LM SEOKA

Thứ hai (Ga 3,1-8)

Tin mừng hôm nay thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Nicôđêmô. Qua cuộc đối thoại này, Chúa giải thích cho ông Nicôđêmô hiểu được ý nghĩa của việc “tái sinh”; đồng thời Chúa Giêsu cũng cho ông ta biết giá trị và mục đích của việc “tái sinh”   được làm con Chúa và được vào nước trời.
Xin cho chúng ta biết quý trọng những ơn ích Chúa ban trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội. Cho chúng ta biết từ bỏ tội lỗi, tính hư nết xấu, gìn gữ tâm hồn trong trắng, sống xứng đáng là con Chúa.

Nicôđêmô, thủ lãnh người Do Thái, có địa vị, có học thức cao là thành phần trong công nghị, được mọi người kính nể. Nghe những lời giảng dạy và chứng kiến những phép lạ Chúa Giêsu làm, ông cảm phục, tin nhận Chúa Giêsu là tôn sư đến từ Thiên Chúa. Tuy nhiên vì có nhiều điều làm ông thắc mắc nên không ngại đêm khuya, kín đáo tìm đến Chúa Giêsu, trong khiêm tốn xin Chúa giải đáp.
Nghe những lời giảng hay, chứng kiến nhiều phép lạ nếu để vui tai, thích mắt thì chẳng ích lợi gì nếu bản thân chúng ta không thay đổi trở nên tốt hơn. Giảng dạy và phép lạ chỉ là phương tiện, nước trời mới là đích điểm.
Nhưng làm thế nào để đạt được nước trời?
Trong cuộc đàm đạo với Nicôđêmô, Chúa Giêsu đã chỉ cho ông cách thức rất cụ thể để vào nước trời đó là phải “tái sinh”. Nicôđimô, chỉ hiểu tái sinh theo nghĩa xác thịt, theo cách thức tự nhiên nên ngây ngô thốt lên: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?”. Chứng tỏ ông không hiểu việc tái sinh theo nghĩa siêu nhiên Chúa Giêsu đề cập đến :“Tái sinh bởi nước và Thần Khí”.
Để là người, chúng ta phải được sinh ra bởi cha mẹ. Các ngài đã truyền cho chúng ta sự sống tự nhiên. Để trở nên người, chúng ta phải được hướng dẫn giáo dục nhờ gia đình và xã hội. Nhưng để trở thành người con Chúa, chúng ta phải được sinh lại trong Chúa Thánh Thần nhờ bí tích rửa tội. Qua bí tích rửa tội Chúng ta được Chúa ban cho sự sống siêu nhiên.
Như thế, để làm người và nên người, chúng ta phải được sinh ra theo lối tự nhiên bởi cha mẹ. Nhưng để là người con Chúa, chúng ta phải được sinh ra theo lối siêu nhiên bởi nước và Thánh Thần qua bí tích rửa tội. Nhờ tái sinh qua bí tích rửa tội, chúng ta được Chúa tha thứ tội lỗi, được làm Con Chúa, được gia nhập vào Hội Thánh, được trở nên tạo vật mới mặc lấy Đức Kitô và được kêu mời trở nên ánh sáng giữa trần đời.
Chúa Giêsu đã chết để tiêu diệt sự chết và sống lại để phục hồi sự sống cho chúng ta. Vì thế chúng ta được Chúa kêu mời chết đi cho con người cũ bất tòan, tội lỗi để sống con người mới hoàn hảo nhờ được tái sinh trong Chúa.
Xin cho chúng ta biết ý thức gìn giữ và pháy huy ơn trọng đại làm con Chúa trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội.  Biết chừa bỏ tội lỗi, tính hư nết xấu mà sống con người mới thánh thiện tốt lành, trở nên ánh sáng tin mừng phục sinh soi chiếu vào trần đời còn nhiều bóng tối, hầu xứng đáng được vào Nước Chúa.

Thứ ba (Ga 3,7b-15)

Qua cuộc đàm đạo với Ni-cô-đê-mô trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác nhận cho biết về nguồn gốc và vai trò của Người trong việc cứu độ con người.
Trước hết Chúa Giêsu minh chứng về nguồn gốc của Người.
Nguồn gốc của Người đến từ trời cao, nên Người biết và thấy hết những điều kiện cần thiết để được sự sống đời đời. Điều kiện cần thiết ấy chính là “phải được sinh lại bởi ơn trên”. Bởi vậy trước khi lên trời, Chúa Giêsu đã truyền dạy các tông đồ đi loan báoTin Mừng và rửa tội cho muôn dân: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án…” (Mc 16, 15-16).
Tiếp đến Chúa Giêsu cho biết vai trò của Người trong việc cứu độ.
Với hình ảnh con rắn đồng được treo trong sa mạc thời Mô-sê đã cứu chữa những người bị rắn lữa cắn khỏi chết, nhờ tin nhận và nhìn lên rắn đồng, Chúa Giêsu mời gọi Nicôđêmô hãy tin vào Ngài để được cứu độ.
Nếu xưa kia nguyên tổ đã nghe lời cám dỗ của ma quỷ, đưa tay hái trái cấm trên cây mà ăn để rồi nhận lấy án tử, thì nay với cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, Thánh Gtrở thành cây quả phúc, Chúa Giêsu trở nên trái chín thơm lành, mang lại sự sống trường sinh cho những ai tin tưởng nhìn lên Ngài và can đảm ăn lấy Ngài.  
Tin tưởng nhìn lên Ngài và ăn lấy Ngài, đồng nghĩa với việc chấp nhận đồng thân, đồng phận, và đồng tử với Chúa Giêsu trên con đường khổ giá.
Như thế để được sự sống đời đời ngoài điều kiện được sinh lại bởi ơn trên nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta còn phải can đảm dấn bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá, qua việc chấp nhận những thử thách, gian nan, khốn khó ở đời này với lòng tin tưởng vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta trong mùa phục sinh này, biết ý thức sống trọn vẹn ơn tái sinh làm con Chúa, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần; nhất là luôn can đảm chấp nhận vác thập giá mình, bước theo Chúa Giêsu trong niềm xác tín:  “Nếu chúng ta cùng chết với Ðức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người…” (Rm 6,8).

Thứ tư (Ga 3, 16-21)
Ánh sáng và bóng tối, sống và chết luôn tồn tại nơi trần gian và trong mỗi người chúng ta. Muốn bước đi trong ánh sáng để được sự sống đời đời, chúng ta cần phải đến cùng Đức Giêsu, nguồn ánh sáng và là Đấng ban sự sống.
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh Ánh Sáng để chỉ về Người.
Ánh sáng là thứ quan trọng và gần gũi với con người. Ánh sáng rất cần thiết cho sự sống. Không có ánh sáng thì không có sự sống. Thảo mộc , súc vật và con người nếu không có ánh sáng thì sẽ chết.
Ánh sáng giúp cho con người thấy nhau, thấy được vẽ đẹp vũ trụ vạn vật, phân biệt được màu sắc và cảnh vật.
Trong lãnh vực siêu nhiên, Chúa Giêsu muốn nói đến sự cần thiết của Ngài như ánh sáng không thể thiếu. Không có Người thì tạo vật không được tạo thành. Không có Người không có ơn cứu rỗi. Không có Người không có sự sống đích thực nơi con người.
Nhưng con người chúng ta lại sợ ánh sáng và ngại đến cùng ánh sáng vì ánh sáng phơi bày tội lỗi chúng ta trước mặt Chúa và mọi người, nên chúng ta yêu bóng tối hơn ánh sáng.
Xin Chúa giúp chúng ta biết can đảm đẩy lui những bóng tối của gian dối, bất công, chia rẽ hận thù và sự chết ra khỏi tâm hồn và môi trường sống của ta.
Xin cho chúng ta luôn yêu thích tắm dội ánh sáng chân lý, tình thương và sự sống của Chúa Giêsu vào cuộc đời ta.

Suy niệm 2
Sống trong xã hội vàng thau lẫn lộn, con người không còn khả năng phân biệt đúng sai, tốt xấu, thật giả…vì thế, hơn bao giờ hết con người ngày hôm nay cần có ánh sáng thật soi đường, chỉ lối.
Chúa Kitô, ánh sáng thật, đến trần gian để soi đường chỉ lối. Xin cho chúng ta tin nhận và sống theo sự hướng dẫn của Ngài.

Ánh sáng là chủ đề tài nổi bậc trong tin mừng:
Ngay những trang đầu của tin mừng, thánh Gioan đã cho biết Chúa Giêsu chính là ánh sáng, ánh sáng thật, ánh sáng đến trần gian và chiếu soi mọi người”.
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tự xưng là ánh sáng thế gian và Ngài mời gọi con người đi trong ánh sáng của Ngài.
Từ hai ngàn năm qua, Ngôi Lời Thiên Chúa đã chiếu ánh sáng Thiên Chúa vào trần gian. Người mang lửa xuống trần gian. Người mong ước cho ngọn lửa ấy cháy bừng lên, lan rộng ra. Nhưng nhìn vào tình hình thế giới hôm nay, ta thấy bóng tối vẫn còn vây phủ con người.
 Bóng tối chết chóc của chiến tranh, hận thù, của ô nhiễm môi trường, của đói nghèo, áp bức, phân biệt chủng tộc, của nền văn hóa sự chết giết hại cả những mầm mống sự sống.
Bóng tối tội lỗi. Tội lỗi vẫn tiếp tục lan tràn. Sự dữ nổi lên dưới nhiều hình thức khác nhau. Nguy hiểm nhất là người ta đánh mất cảm thức về tội lỗi, thản nhiên sống trong tội, sống chung với tội lỗi.
Bóng tối của hận thù ghen ghét. Trong thế giới văn minh mà con người hô hào hôm nay, vẫn còn có những người say máu giết hại đồng bào của mình, gây nên tội ác diệt chủng. Vẫn có những thế lực đen tối ngấm ngầm gây chia rẽ giữa các quốc gia, dân tộc, giữa các cộng đoàn, hội thánh...
Sống trong xã hội tràn ngập bóng tối của sự chết, của tội lỗi và hận thù…như thế, Chúa Giêsu không ngừng mời gọi chúng ta phải chiếu giãi trước mặt mọi người.
“Các con là ánh sáng thế gian”. Ngày nhận lãnh bí tích rửa tội, Giáo Hội trao cho ta cây nến sáng để nhắc nhớ chúng ta hãy gìn giữ ngọn nến ấy luôn cháy sáng mãi trong suốt cuộc đời.
Cây nến phục sinh mà người kitô hữu chúng ta thắp lên trong đêm lễ phục sinh nhắc nhở chúng ta nhiệm vụ mang ánh sáng Chúa Kitô chia sẻ cho mọi người chung quanh.
Xin Chúa giúp chúng ta tẩy sạch mọi bóng tối tội lỗi, để thực sự được sinh lại cùng với Đức Giê-su. Trở nên con cái sự sáng bằng đời sống tươi vui, an hoà, khiêm nhường, nhịn nhục, yêu thương, đoàn kết đến cho anh em. 

Thứ năm (Ga 3,31-36)
Bằng những hình ảnh đối lập: cao- thấp, trời-đất, Chúa Giêsu muốn xác định thiên tính của Ngài và mời gọi chúng ta dấn bước theo Ngài để được sự sống đời dời.
Chúa Giêsu xác định:
Ngài đến từ trên cao nên cao trọng hơn hết mọi người.
Ngài được Thiên Chúa sai đi nên Ngài là Người của Thiên Chúa.
Ngài được Thiên Chúa yêu thương trao ban thần khí vô ngần vô hạn cũng như Chúa Cha trao ban mọi sự trong tay Ngài, điều này xác nhận Ngài chính là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa.
Vì ngài đến từ trời cao, là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa làm người, nên Ngài thấy hết, biết hết các việc trên trời. Đo đó lời chứng của Ngài là chân thật, để ai tin vào Ngài thì được sự sống đời đời, kẻ nào không tin thì sẽ bị luận phạt.
Là Thiên Chúa làm người và đã trãi qua kiếp người bằng cái chết đau thương để rồi phục sinh vinh hiển trở về cùng Thiên Chúa, nên ai tin theo con đường Ngài đã đi thì sẽ không sợ lạc đường về quê trời.  
Chúa Giêsu không chỉ vạch ra cho ta con đường đạt đến sự sống đời đời, mà Ngài còn dấn thân tiến bước trên con đường ấy. Vì thế chúng ta hãy vững tin tiến bước theo Ngài. Đường dẫn về quê trời đã có, người dẫn đường đã sẵn sàng, điều quan trọng là tùy thuộc nơi mỗi chúng ta có dám dấn thân bước theo hay không? Chúa không thể bắt ép ta bước đi trên con đường ấy, nếu như ta không muốn.
Xin cho chúng ta biết ngước vọng về trời cao và hướng lòng trí về quê trời vĩnh cửu mà xin cho lòng được ái mộ những sự trên trời. Nhờ đó ta sẵn sàng dấn thân bước theo con đường mà Chúa Giêsu đã vạch ra mà thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa để được Chúa thương ban cho chúng ta sự sống đời đời.

Thứ sáu (Ga 6, 1-15)
Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đã làm phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi đám đông. Cho thấy Ngài quan tâm đến nhu cầu của thân xác của con người. Nhưng Ngài không dừng lại ở việc thỏa mãn nhu cầu cơ bản là “đói cho ăn, khát cho uống”. Cơm bánh chỉ là thứ lương thực mau qua dành cho thân xác, chứ không phải là thứ lương thực đem lại sự sống đời đời. Do đó Ngài muốn ban cho con người thứ lương thực trường tồn đem lại sự sống vĩnh cửu.
Để có được của ăn mau qua, nuôi dưỡng thân xác, con người phải ra công làm việc vất vã “đổ mồ hôi sót con mắt ”, cũng như biết nhường cơm xẻ áo cho nhau.
 Để có của ăn vĩnh cửu, nuôi dưỡng tinh thần và tâm linh, con người chỉ cần làm hai việc: Đến với Chúa Giêsu và Tin vào Ngài.
Cái đói của thân xác không cồn cào bằng cái đói tinh thần.
Con người đói công bằng và hạnh phúc, đói yêu thương và kính trọng.
Con người khát niềm vui và bình an, cảm thông và sự thật.
Trong nơi sâu thẳm, con người đói khát Ai đó để mình yêu mến tôn thờ.
Đức Giêsu mời ta hãy tin vào Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến.
Hãy đến với Giêsu để bắt đầu được nếm thử tấm bánh của Ngài, vì chính Ngài là Tình yêu, Sự thật và Bình an.
Xin cho chúng ta biết siêng năng đến với Chúa Giêsu với niềm tin yêu, để chúng ta được chính Chúa nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Bánh Thánh, là thứ lương thực không hư nát và đem lại sự sống đời đời cho chúng ta.

Thứ bảy Ga 6,16-21
Suy niệm về bài tin mừng hôm nay, ta nhận ra rằng:
Các môn đệ chính là mỗi người chúng ta.
Con thuyền là hình ảnh của Giáo Hội.
Biển Hồ là hình ảnh trần gian.
Đêm tối, bảo tố, gió mạnh là những thử thách do ma quỷ gây nên.
Bờ bên kia là hạnh phúc nước trời mà con người cần vươn tới.

Cũng như các môn đệ xưa, chúng ta đã bước vào con thuyền của Giáo Hội khi lãnh nhận bí tích thánh tẩy. Cùng với con thuyền Giáo hội, chúng ta đang tiến bước trên biển đời trần gian.
Giống như con thuyền của các môn đệ bị những cơn sóng to, gió lớn đánh dữ dội, thì ở mọi thời, mọi nơi Giáo Hội cách chung, cách riêng mỗi chúng ta cũng đương đầu với những chống đối, những vu khống, bôi nhọ và loại trừ do thế lực ma quỷ gây ra.
Có khi những bóng tối, những vết đen đáng tiếc xảy ra trong Giáo Hội cách chung hay những đau khổ, những thất bại và những bất hạnh xảy đến cho bản thân, làm cho ta dao động, mất hướng sống. Khi đó là lúc thuyền đời của ta đang đi trong đêm tối đức tin, đến nỗi ta muốn buông xuôi tất cả.
Quan trọng là Chúa Giêsu phục sinh không bỏ rơi chúng ta khi gặp gian nan thử thách. Chính lúc đó, Chúa sẽ ra tay cứu giúp chúng ta, không để cho sóng gió nhận chìm chúng ta vì “Ơn Ta đủ cho con”. Ngài vẫn ở bên Giáo Hội. Ngài luôn đồng hành và hiện diện bên mỗi người chúng ta. Ngài ban Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội và ban ơn trợ giúp chúng ta đủ sức lướt thắng mọi sóng to gió lớn và dìu bước chúng ta cập bến bình an, nếu chúng ta tin tưởng cậy trông phó thác vào Ngài.

Xin Chúa phục sinh ban thêm lòng tin kiên vững nơi chúng con, để trong bất cứ hoàn cảnh thử thách nào, ngay cả những lúc bước đi trong đêm tối của đức tin, chúng con vẫn an tâm tiến bước trên biển đời. Xin Chúa luôn hiện diện và đồng hành với chúng con, để đưa dẫn chúng con đạt tới bến bờ bình an.

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

TAM NHỰT VƯỢT QUA 2014

SUY NIỆM BA NGÀY TAM NHỰT VƯỢT QUA 2014

 

THỨ NĂM TUẦN THÁNH NĂM A

NGÀI  YÊU THƯƠNG HỌ ĐẾN CÙNG (Ga 13,1)
Định luật tình yêu dạy cho ta hiểu rằng: yêu ai thì muốn ở gần người đó, yêu ai thì muốn hy sinh  phục vụ cho người đó, yêu ai thì muốn trở nên một với người mình yêu.
Tình yêu của Chúa Giêsu thể hiện qua bài tin mừng hôm nay, cho chúng ta thấy những điều đó.
Yêu ai thì muốn ở gần người đó.
“Ngài đã yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian; và Ngài yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).
“Đức Giêsu biết giờ của người đã đến”, thời gian mà Người phải lìa bỏ thế gian mà  trở về cùng Thiên Chúa.
Thời gian còn lại không bao nhiêu nên Ngài muốn tận dụng thời điểm mừng đại lễ vượt qua của người Do Thái để tổ chức bữa tiệc với các môn đệ,  vừa theo đúng luật định vừa tranh thủ giờ phút ngắn ngủi trong phòng tiệc ly ấm cúng để ở bên các môn đệ yêu dấu.
Thánh Gioan cho biết Đức Giêsu đã ao ước mãnh liệt được dùng bữa ăn này với các môn đệ vì đây là bữa tiệc cuối cùng. Trong bữa tiệc, Chúa Giêsu đã không ngại lên tiếng bộc lộ những tâm tình sâu kín về lòng thương của Ngài dành cho các môn đệ. Ngài gọi họ bằng những lời lẽ đầy thân thương: “những người con bé nhỏ của Thấy”. Lòng bên lòng, Chúa Giêsu giãi bày tâm sự vừa thắm thiết vừa u buồn. Vượt trên hết là linh cảm về cái chết, với những lời tiên báo về sự phản bội, bỏ rơi, hy sinh. Cuộc trao đổi thân tình dần dần đi đến kết thúc, trong khi những lời của Chúa Giêsu vẫn tiếp tục tuôn ra một cách  dịu dàng và cuốn hút, mặc dù có một chút căng thẳng khác thường ẩn trong những lời ám chỉ nghiêm trọng của Ngài về dao động giữa sự sống và sự chết. Tất cả những gì mà Chúa Giêsu thể hiện trong bữa tiệc ly là muốn được ở bên các môn đệ cách thân tình nhất, để thể tình yêu thương Ngài.
Yêu nhau là sẵn sàng hy sinh phục vụ
Yêu thương bằng lời thì có thể coi là đầu môi trót lưỡi, yêu thương bằng thái độ có thể bị coi là giả hình. Chỉ có yêu thương bằng hành động mới là tình yêu chân thực.
Chúa Giêsu không chỉ dạy các môn đệ của Ngài : “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương chúng con” mà Chúa Giêsu còn thể hiện tình yêu cụ thể bằng cách cúi xuống để rửa chân cho các môn đệ.  
Ngài không ngần ngại cởi bỏ chiếc áo cao sang của Thiên Chúa; nhận lấy chiếc áo phận người, nhận lấy phận tôi đòi cúi xuống dưới chân cho các môn đệ.
Rửa chân xong, Chúa Giêsu ngồi vào bàn tiệc và dạy cho các môn đệ  về bài học yêu thương bằng cách phục vụ: “Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm. Vậy Thầy là Thầy, là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”
Bằng hy sinh khiêm tốn phục vụ, người ta đo lường được sự chân thành và mức độ của tình yêu.

Yêu nhau người ta muốn nên một với nhau
Khi Yêu nhau người ta không dừng ở việc phục vụ trong hy sinh, nhưng người ta còn muốn nên một với người mình yêu : mình với ta tuy hai mà một. Vì lẽ đó, Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể, biến bánh thành Thịt và rượu thành Máu Người ở lại mãi với người mình yêu.
Người đời trước khi đi xa, xưa nay thường để lại cho người thân bằng những kỉ vật, bằng của hồi môn quý giá. Đối với Chúa Giêsu những kỉ vật những của hồi môn dù cho quý giá mấy cũng tầm thường, không đủ nói lên hết tấm lòng yêu thương của Chúa dành cho nhân loại. Nên Chúa muốn dùng kỉ vật hết sức đặc biệt và cao trọng nhất, đó chính bản thân Chúa. Nhưng bản thân bằng xường thịt của Chúa chỉ có thể trao ban một lần, không thể trao ban mãi. Vì thế, Chúa muốn lưu lại bản thân Ngài bằng hình thức nhiệm mầu dưới hình bánh và rượu làm của ăn của uống thiên liêng dưỡng nuôi linh hồn ta. Làm như thế Chúa muốn ở lại với các tông đồ và với chúng ta luôn mãi. Đồng thời qua việc kết hiệp với Mình Chúa, Chúa lưu truyền sự sống của Ngài trong thân thể và trở nên một trong chúng ta.
Để thể hiện yêu thương các môn đệ đến cùng, Chúa Giêsu còn muốn các môn đệ trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài và là hiện thân của Ngài giữa trần gian. Vì thế Chúa Giêsu trao ban chức linh mục cho các môn đệ “các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Trong thánh lễ, nhờ việc đặt tay trên bánh rượu và đọc lời truyền phép như Chúa Giêsu đã làm trong bữa tiệc ly, qua đó Chúa hiện diện nơi hình bánh rượu, trở nên của ăn bổ dưỡng thân xác nuôi sống linh hồn cho những ai đón nhận Ngài, vì Chúa nên một với chúng ta.
Tham dự cử hành nghi thức rửa chân và thánh lễ chiều thứ năm hôm nay, ước gì giúp ta hiểu được bài học khiêm tốn phục vụ và tình thương đến cùng mà Chúa dành cho chúng ta. Xin cho chúng ta cảm nhận sâu sắc tình Chúa mà nổ lực hết sức mình để đáp lại tình Chúa yêu thương bằng đời sống gắn bó thân tình với Chúa; bằng những hy sinh phục vụ quên mình vì Chúa và tha nhân, nhất là luôn biết gắn kết với Chúa nơi Bí Tích Thánh Thể để Chúa ở trong ta và ta được sống trong Chúa trong tình yêu viên mãn.

SUY NIỆM TRƯỚC THÁNH THỂ THỨ NĂM

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chính vì biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Nhưng Người yêu thương quá đổi những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, nên Chúa đã có những sáng kiến kì diệu nhằm minh chứng cho tình yêu của mình qua việc: 
Lập nên bí tích Thánh Thể. Đây là sáng kiến độc nhất vô nhị trong toàn thể vũ trụ này. Chỉ một mình Thiên Chúa với tình yêu thương mới có thể nghĩ ra cách thức để được ở lại với con người. Đây là một tình yêu hiến mình.

Cũng chính trong tình yêu, Chúa Giêsu lập bí tích Truyền Chức Thánh để thông ban chức linh mục cho một số người Chúa tuyển chọn, với mục đích có người là hình ảnh của Chúa ở trần gian này, và thực hiện hành động ban phát lương thực là chính Mình Máu Ngài để nuôi sống những con người muốn sống gắn bó với Ngài. Đây là một tình yêu trao ban.

Cuối cùng với hành động quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ như một người đầy tớ phục vụ cho chủ mình. Chúa muốn để lại cho các môn đệ và mỗi người chúng ta bài học về tình yêu phục vụ.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, đứng trước tình yêu hiến mình, tình yêu trao ban và tình yêu phục vụ, xin cho chúng con được mời gọi đáp trả lại tình yêu của Chúa để trở nên giống Chúa trong việc hy sinh hiến mình, trong việc trao ban tình yêu và phục vụ tha nhân, nhất là những người thân trong gia đình. Lạy Chúa xin cho chúng con biết lấy tình yêu đáp đền tình yêu qua việc chia sẻ nổi đau buồn với Chúa trong vườn dầu, qua việc hy sinh Thức với Chúa một giờ trong đâm hôm nay.



THỨ SÁU TUẦN THÁNH
OB và ACE thân mến, chúng ta vừa nghe lại bài tường thuật về cuộc thương khó của Chúa Giêsu đã chịu vì tội lỗi chúng ta. Suy niệm về cuộc thương khó của Chúa, chúng ta cảm thấy không ai trong chúng ta vô tội trước cái chết đau thương của Chúa.
Có thể ta là những Thượng tế, những biệt phái và Pharisêu muốn tiêu diệt Chúa để Chúa đừng làm phiền, đừng nhắc nhở những sai trái của ta.
Có thể ta là dân chúng bàng quang, hoặc có tâm lý hùa theo đám đông mà không dám nói lên chính kiến của mình, để bênh vực cho những người anh em vô tội.
Có thể ta là những tên lính đã đánh đòn, đóng đinh, hành hạ Chúa cho hả cơn giận nơi những người anh em chúng ta tốt lành, hiền từ. 
Có thể ta là những người phụ nữ thành Giêrusalem khóc thương chỉ vì tội nghiệp Chúa nơi những người khốn cùng, nghèo khó chứ chưa biết phải làm sao để giúp cho họ đỡ khổ.
Có thể ta là tên trộm dữ đã bao lần oán trách cuộc đời và than trách Chúa khi thấy những điều trái ý xảy đến cho chúng ta.

Hãy xin cho chúng ta là Simon, sẵn sàng vác lấy thánh giá Chúa qua việc chấp nhận thử thách gian khổ mà Chúa gửi đến và sẵn sàng san sẻ nỗi đau với người khác.
Hãy xin cho chúng ta biết noi gương  Đức Mẹ mạnh dạn, can trường bước theo Chúa Giêsu trên đường đau khổ không một lời than thở, không một chút kêu ca.
Hãy xin cho chúng ta là Gioan, đón lấy sứ mạng của Chúa trao ban để sẵn sàng hiến thân phục vụ cho những chương trình, hoạch định của Chúa.
Trên hết, xin cho chúng ta giống như viên đại đội trưởng: “Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa”. (Lc 23,47).
Lạy Chúa, đã biết bao lần chúng con ngước nhìn lên Chúa bị đóng đinh, nhưng chúng con chưa xác tín niềm tin mạnh mẽ vào Chúa; nhất là chưa dám sống chết vì niềm tin trước người đời. Xin Chúa tha thứ và ban ơn oán cải sâu xa như tông đồ Phêrô khi xưa. Amen.

THỨ BẢY: VỌNG PHỤC SINH A

SỨ ĐIỆP PHỤC SINH
(Mt 28, 1-10)
Tin mừng đêm vọng phục sinh tường thuật lại sự kiện hai phụ nữ Maria Mácđala và Maria đến thăm mộ Chúa từ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần. Hai bà chứng kiến cảnh đất chuyển động dữ dội và Thiên Thần Chúa từ trời xuống lăn tảng đá đậy cửa mộ ra, rồi ngồi lên trên.. Diện mạo Người như ánh chớp, y phục nguời trắng như tuyết.
Lính canh thấy vậy thì khiếp sợ. Tuy nhiên Thiên Thần chấn an  hai bà “đừng sợ” và nói: Chúa Giêsu chịu đóng đinh, Người không còn ở đây nữa. người đã sống lại như Lời Người phán trước…Hai bà vừa mừng vừa sợ chạy về báo tin cho các tông đồ. Nhưng Chúa Giêsu đón hai bà lại. Hai bà liền phục lạy và ôm chân Chúa. Chúa bảo hai bà về báo cho các môn đệ đến Galilê. Họ sẽ gặp Người ở đó.
Trình thuật của tin mừng phục sinh tối nay muốn gởi đến chúng ta hai sứ điệp quan trọng.
Sứ điệp I:  Chúa phục sinh mang đến niềm vui
Thiên Thần Chúa đã trấn an trước nổi lo sợ của hai phụ nữ “đừng sợ” .
Sau khi Chúa Giêsu chết, các môn đệ đều hoang mang và lo sợ. Chính vì thế mà ngay khi phục sinh, Chúa muốn chấn an các môn đệ Người “Đừng sợ”. Đừng sợ thập giá của đau khổ, bởi từ nay thập giá sẽ trở thành thánh giá vinh quang”. “ Đừng sợ kẻ chỉ giết được thân xác nhưng không giết được linh hồn”. Đừng sợ ma quỷ, đừng sợ thế gian, đừng sợ thần chết vì Chúa đã chiến thắng tất cả. Ai tin nhận Người cũng sẽ chiến thắng vẽ vang như thế.
Sứ điệp II: Loan báo tin mừng phục sinh
Sau khi nhận ra Chúa phục sinh, hai bà tiến đến ôm chân Chúa và bái lạy. Ngay khi đó Chúa phục sinh trao ban cho hai bà sứ mạng loan báo. “Hãy về báo cho anh em của thày để họ đến Galilê. Họ sẽ gặp thầy ở đó”
Tin mừng phục sinh phải được loan báo cho mọi người, đó là lệnh truyền của Chúa Giêsu Phục sinh. Chính Thánh Phêrô là tông đồ đã vâng nghe và đã thi hành lệnh truyền đó qua bài đọc I.  Cv 10,34.37-43
Viên quan bách quản Roma, là người ngoại giáo, khi nghe biết về Chúa Giêsu, đã đến xin ông Phêrô làm phép rửa để được gia nhập cộng đoàn các tín hữu đầu tiên. Thánh Phêrô đã nhắc cho ông và gia đình ông niềm tin căn bản này : Đức Giêsu đã phục sinh. Đây là bài giảng đầu tiên mà Phêrô dạy dỗ cho những người tân tòng. Thánh Kinh gọi bài giảng truyền giáo này là Keryma. Lược đồ của mỗi Keryma thường là 
a) Tóm tắt cuộc đời của Đức Giêsu ở trần thế.
b) Cái chết của Ngài.
c) Việc Ngài sống lại.
d) Kêu gọi hãy tin vào Ngài để được ơn cứu độ.

Chúa Giêsu đã chịu khổ hình, chịu chết trên thánh giá và đã phục sinh để đem lại sự sống đời đời cho chúng ta. Đó là tin mừng lớn lao mà chúng ta phải tin nhận và loan báo cho mọi người.
Xin cho chúng ta biết tin tưởng vào sức mạnh và quyền năng của Chúa Phục sinh mà dám chết đi cho tội lỗi, xác thịt và thế gian để được sống lại vinh hiển với Chúa.
Xin cũng cho chúng ta biết nổ lực loan báo tin mừng phục sinh cho mọi người bằng lời nói, gương lành để xua tan bóng tối sợ hải của hận thù chia rẻ, ích kỉ bất công và chết chóc mà đón nhận ánh sáng tình thương và tha thứ, của chân lý và niềm vui sự sống mà Chúa phục sinh đem đến qua đời sống chúng ta.

CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM A

TÌNH YÊU VÀ LỜI CHÚA GIÚP NHẬN RA CHÚA PHỤC SINH
(Ga 20, 1-9)
Truyện kể:
Mặt trăng và Mặt Trời tranh cãi với nhau về Trái Ðất.
N. Mặt Trời nói : "Lá và cây cối, tất cả đều màu xanh".
Đ. Nhưng Mặt Trăng thì lại cho rằng, tất cả chúng mang một ánh bạc lấp lánh.
Đ. Mặt Trăng nói rằng, con người trên Trái Ðất thường ngủ.
N. Còn Mặt Trời lại bảo con người luôn hoạt động đấy chứ.
Đ. Con người hoạt động, vậy tại sao trên Trái Ðất lại yên ắng đến vậy ? Mặt Trăng cãi.
N. Ai bảo là trên Trái Ðất yên lặng ? Mặt Trời ngạc nhiên. Trên Trái Ðất mọi thứ đều hoạt động, và còn rất ồn ào, náo nhiệt nữa.
Và họ cãi nhau rất lâu, cho đến khi Gió bay ngang qua.
G. Tại sao các bạn lại cãi nhau về chuyện này chứ ? Tôi đã ở bên cạnh Mặt Trời khi Mặt Trời nhìn xuống Trái Ðất, và tôi cũng đi cùng Mặt Trăng khi Mặt Trăng xuất hiện.
Khi Mặt Trời xuất hiện, mọi thứ là ban ngày, cây cối màu xanh, con người hoạt đông. Còn khi Trăng lên, đêm về, mọi người chìm vào giấc ngủ.
Nếu chỉ nhìn mọi việc dưới con mắt của mình, thì mọi thứ chẳng có gì là hoàn hảo, trọn vẹn cả. Không thể đánh giá Trái Ðất chỉ bằng con mắt của Mặt Trời hoặc Mặt trăng được.
Tin mừng phục sinh thuật lại cho thấy ba cái nhìn khác nhau khi chứng kiến cùng một sự kiện “Ngôi mộ trống”.
- Ma-ri-a Ma-đa-lê-na cứ đinh ninh rằng xác Chúa Giêsu đã bị đánh cắp (Gioan 20, 13-15).
- Phêrô thì rất đỗi ngạc nhiên vì sự việc đã xảy ra (Lu-ca 24, 12).
- Còn Gioan, người môn đệ Chúa Giê-su thương mến, thì tin chắc rằng Chúa Giêsu đã sống lại như lời Ngài đã tiên báo (Ga 20, 9).
Sở dĩ có cái nhìn khác nhau là vì cả ba có những tâm trạng khác nhau:
Maria Macđala, với tâm trạng thương nhớ Chúa thiết tha. Có lẽ cả đêm dài bà không chợp mắt được. Bà ước ao trời mau sáng để ra thăm mộ Chúa. Nhưng khi chứng kiến tảng đá đậy mộ bị lăn ra, bà đã hốt hoảng chạy về báo tin cho các môn đệ Chúa. Tình thương mà Maria Macđala dành cho Chúa Giêsu là một tình thương đáng trân trọng. Nhưng nếu tình thương chỉ dừng lại ở mức độ cảm tính thường tình của con người thì không có khả năng nhận ra Chúa phục sinh.
Phêrô mang tâm trạng buồn vì tội lỗi đè nặng nên cũng không nhận ra gì hơn ngoài việc rất đổi ngạc nhiên khi chứng kiến những băng vải và khăn che đầu được cuốn lại xếp riêng ra cũng như ngôi mộ trống. Phải chăng lúc đó tâm trí của Phêrô vẫn còn bị ám ảnh giờ phút chối Chúa. Phải chăng lòng ông vẫn còn mang nặng nỗi u buồn về tội lỗi của mình. Ông còn phải có thời gian và kiên nhẫn như là liều thuốc đặc trị chữa lành vết thương tâm hồn bất tín mà tiến đến niềm tin vào Chúa phục sinh.
Gioan, người môn đệ Chúa yêu, mà cũng là môn đệ rất yêu Chúa, nên khi chứng kiến những băng vải còn đó bên ngôi mộ trống ông đã tin.
Để tin vào sự phục sinh của Chúa Giêsu, Gioan đã vượt lên trên tình cảm thường tình của Maria Macđala và nổi đau buồn vì mặc cảm tội lỗi của Phêrô. Cái nhìn vào sự kiện ngôi mộ trống của Gioan được định hướng bởi tình yêu trong sáng và sự hướng dẫn của Lời Chúa. Chính cái nhìn này đã cho ông niềm tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu.
Như thế, cùng một sự kiện, nhưng lại có nhiều tâm trạng khác nhau nên đưa đến cái nhìn khác nhau.
Những biến cố vui buồn, sướng khổ, thành công thất bại…như là dấu chỉ “ngôi mộ trống” thường xuyên xảy đến cho chúng ta. Vậy trước những dấu chỉ đó ta có cái nhìn như thế nào?
Có thể giống như Maria Macdala, chỉ dừng lại ở tình cảm thường tình nên khi những biến cố ấy xảy đến trong cuộc sống, chúng ta chỉ phản ứng theo cảm tính. Vui mừng khi thành công, hạnh phúc…, đau buồn khi gặp nghèo khổ, mất mác, thất bại trong cuộc sống.
Có thể chúng ta cũng giống như Phêrô chẳng thấy gì hơn khi đối mặt với thử thách. Đối diện trước những biến cố, chỉ dừng lại ở sự ngạc nhiên như bao người, không thể nhận ra gì thêm ở phía sau biến cố ấy mà Chúa gởi đến.
Xin cho chúng ta biết nhìn mọi việc, mọi biến cố xảy đến trong cuộc đời với cái nhìn đức tin của thánh Gioan. Nhờ cái nhìn đức tin này thì cho dù đối mặt với bất cứ thử thách nào, hoàn cảnh nào ta vẫn thấy an tâm vì chính Chúa Phục sinh hiện diện và đồng hành cùng chúng ta.
Nhưng để có được cái nhìn đức tin, chúng ta cần có được tình yêu Chúa chân thành, cũng như sáng suốt nhìn những biến cố dưới ánh sáng Lời Chúa. Sống niềm tin là biết nhìn tất cả mọi việc theo tình yêu Chúa và dưới ánh sáng của Lời Chúa .
Xin Chúa cho chúng con có được tình yêu Chúa nồng nàn và ơn soi sáng bởi Lời Chúa như thánh Gioan để qua những dấu chỉ, biến cố hay sự kiện xảy đến trong cuộc sống, chúng con tin và nhận ra Chúa phục sinh. A-men.


LM SEOKA











SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN-NĂM B Kn 1,13-15; 2,23-24; 2Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43 Suy niệm 1: ...