Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN VIII TN 
                                          
Thứ hai (Mc 10,17-27)

Có lẽ thao thức và khát vọng lớn nhất của con người là sự sống đời đời. Nhưng để có được sự sống đời đời thì phải làm gì? Lời Chúa hôm nay sẽ giải đáp cho chúng ta biết được điều đó.

Trong  sách Giáo lý công giáo thường được chia thành 3 phần:
Tín lý (những điều phải tin).
Luân lý (những điều phải giữ).
Bí tích (những điều phải sống).
Nhưng hình như những người không có tín ngưỡng cũng như đa số những người có tính ngưỡng của các tôn giáo khác chỉ chú trọng đến phần luân lý mà thiếu quan tâm đến vấn đề niềm tin và sống niềm tin, cho nên xảy ra những điều sai lạc trong luân lý.
Ngày hôm nay, nền luân lý Kitô giáo đề cập rất nhiều về Mục Đích và Phương Tiện trong đạo đức sinh học. Một hành vi được xem là tốt khi người ta dùng một phương tiện tốt để đạt đến mục đích tốt. Nếu thiếu đi một trong hai yếu tố này thì kể như hành vi đó chưa tốt.
Ví dụ: Con người không thể nhân danh mục đích giúp đỡ những người nghèo khó, mà đi cướp bóc của cải người giàu để chia cho người nghèo. Điều này sai luật luân lý. Hay vì nhằm mục đích giúp cho những người đau đớn vì chứng bệnh nan y được chết êm dịu mà dùng đến thuốc an tử kết thúc sự sống của họ. Đây quả là hành vi sai trái, tội lỗi.
Lý do vì chính Chúa là nguồn và là Đấng ban sự sống. Sự sống là do chính Thiên Chúa tác tạo, quyền quyết định sinh tử là bởi Thiên Chúa, con người không có quyền can thiệp vào sự sống-chết của con người.
Anh thanh niên trong bài tin mừng hôm nay mặc dù giàu có và xem ra đạo đức nhưng anh ta vẫn không an lòng.
Giữ luật lệ chính chắn cũng như nhiều của cải xem ra không bảo đảm cho hạnh phúc nước trời. Chính vì mục đích là nước trời đã làm cho anh ta phải thao thức.
Để đạt được mục đích tốt thì cần phải xử dụng phương tiện tốt . Nhưng anh ta cứ tưởng chăm chú giữ những luật lệ hay giàu có là đạt được nước trời. Nhưng anh ta thật sai lầm bởi lẽ những phương tiện đó nó lại không hợp để đạt mục đích hạnh phúc nước trời.
Phương tiện mà Chúa Giêsu chỉ cho anh ta biết đó là Tình Yêu, bởi chính Chúa là Tình Yêu. Có được Tình Yêu như Chúa thì giống Chúa, ở trong Chúa, nên một với Chúa. Mà giống Chúa, nên một với Chúa, ở trong Chúa thì sẽ là hạnh phúc nước trời.
Như vậy phương tiện Chúa Giêsu chỉ cho anh ta đạt đến mục đích nước trời không phải là tiền bạc, của cải, cũng không chỉ là tuân giữ chay cứng những luật lệ, nhưng phải là những việc làm thể hiện Tình yêu Chúa, yêu người. Yêu Chúa thì phải sống cậy trông phó thác vào Chúa chứ không phải là tiền bạc của cải. Nên Chúa bảo: “ hãy bán tấ cả …mà theo Ta”. Yêu người là phải biết rộng lượng chia sẻ với anh chị em, đặc biệt những người nghèo khó “hãy bán hết của cải mà bố thí cho người nghèo…”.
Lạy Chúa cả đời sống đạo là để được hạnh phúc nước trời, xin cho con biết phụng sự Chúa hết lòng vì tình yêu với niềm tin tưởng phó thác; cũng như biết quảng đại chia sẻ với anh chị em chúng con hết lòng với tình quý mến. Nhờ đó mà con có được hạnh hạnh phúc ở đời này và cả đời sau . Amen

Thứ ba. (Mc 10,28-31)
Con đường dẫn đến hạnh phúc quê trời không phải thoải mái, dễ dàng. Trái lại con đường ấy đầy chông gai và thử thách, đòi hỏi chúng ta phải nổ lực cố gắng hy sinh rất nhiều. Con đường đó cũng không hề ngắn ngủi, đến đích chỉ trong vòng một hai ngày, trái lại nó rất dài, đòi chúng ta phải kiên trì bước đi trong sự tốt lành từng giây phút và suốt cả đời ta.

Vì nhu cầu hưởng thụ vật chất mà ngày nay người ta có thể dùng mọi hình thức để kiếm tiền, bất kể việc làm đó đúng hay sai, tốt hay xấu, chính đáng hay không chính đáng.
Một học sinh bỏ thời giờ, sức khoẻ, tiền của, tâm trí …cho việc học tập với mong muốn sau này mình có việc làm ổn định, đời sống thoải mái.
Một người nông dân suốt năm tháng vất vã gieo trồng với hy vọng được mùa bội thu, lợi nhuận kinh tế cao.
Người buôn bán cũng luôn mong mua may bán đắc, lời càng nhiều càng tốt.
Nhìn chung khi làm bất cứ việc gì điều đầu tiên mà ai cũng nhắm đến đó là phải có lợi, có lời.
Với suy nghĩ rất con người ấy, hôm nay tông đồ Phêrô cũng thưa với Chúa Giêsu: “chúng con bỏ mọi sự mà theo Thầy ?”, với ý là bỏ và theo Chúa thì có lợi gì?
Sau khi đưa ra một loạt những việc từ bỏ: cha mẹ, anh em, ruộng vườn, nhà cửa…Chúa Giêsu khẳng định sẽ trọng thưởng gấp trăm ngay ở đời này cộng với sự ngược đãi, nhất là được sự sống đời đời mai ngày.
Phần thưởng gấp trăm ở đây không có nghĩa là về số lượng con số. Nhưng phải hiểu theo nghĩa là sẽ nhận được những giá trị khác quý giá gấp trăm lần.
Ví dụ: Những người hiến thân trong bậc tu trì, khi chấp nhận rời xa cha mẹ, anh chị em ruột, khi đó họ lại gia nhập vào một cộng đoàn có rất nhiều người cha thiêng liêng và anh em cùng chí hướng. Gia đình này lớn hơn, thân thiết hơn, gắn bó hơn, yêu thương chia sẻ và giúp đỡ nhau nhiều hơn gia đình nhỏ bé cùng chung huyết thống chúng ta nữa.
Nhất là phần thưởng sự sống đời đời mai sau. Quả đây là phần thưởng vô cùng to lớn, không gì có thể đánh đổi được giá trị của  sự sống hạnh phúc đời sau.
Còn khi Chúa Giêsu nói “ kẻ đứng đầu sẽ nên sau chót, và kẻ sau chót sẽ lên đứng đầu”. Câu nói này, Chúa Giêsu muốn chúng ta đừng bao giờ ỉ lại, hay chểnh mảng trong nhiệm vụ nhưng phải luôn hy sinh cố gắng và kiên trì trên bước đường theo Chúa..
Lạy chúa, Ở đời tốt xấu trở như bàn tay. Có khi trước đây họ là người tội lỗi xấu xa, nhưng giờ họ lại ăn năn hối lỗi và có đời sống đạo đức tốt lành. Trái lại có những người trước đây là tốt lành thánh thiện nhưng giờ họ lại bê tha, tội lỗi, xấu xa. Xin cho chúng con luôn luôn biết tỉnh thức sẵn sàng trong bổn phận, để trong giờ Chúa đến chúng con phải là "kẻ trước hết" trong kiên trì, cố gắng hy sinh đi theo Chúa, sống hết mình vì tình yêu "như Chúa đã yêu".

Thứ tư (Mc 10, 32-45)
Danh dự con người không hệ tại ở chức cao quyền trọng, làm lớn hay nhỏ, nhưng hệ tại ở lòng khiêm tốn phục vụ lợi ích cho tha nhân. Đó là sứ điệp lời Chúa muốn gửi đến chúng ta qua bài tin mừng hôm nay .

Kiêu ngạo là tự cho mình hơn người, coi thường những người khác.
Ai cũng mến người khiêm nhường và ghét người kiêu ngạo, bởi lẽ hơn người thì kiêu mà kém người thì ghen. Đó là tâm lý của nhiều người.
Các môn đệ Chúa Giêsu, dù lâu nay theo Chúa, được dạy bảo và huấn luyện nhiều, nhưng trong đầu các ông vẫn còn mang nặng tính kiêu ngạo.
Vì kiêu ngạo mà các ông đã không ngần ngại tranh giành chức quyền, đang lúc Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Người.
Vì kiêu ngạo muốn hơn người, nên hai ông Giacôbê và Gioan đã xin Chúa Giêsu cho mỗi ông được ngồi bên hữu bên tả Chúa, nghĩa là muốn được địa vị cao, có vinh dự, được làm lớn và muốn người ta phục vụ mình  trong nước của Chúa khi Ngài lên làm vua Dân Do Thái.
Cũng vì kiêu ngạo mà những môn đệ khác sinh lòng ghen tị, khó chịu khi hai ông Giacôbê và Gioan xin được ngồi bên hữu bên tả Chúa.
Phấn đấu để được hiểu biết hơn, tài giỏi hơn, tốt lành hơn nhằm phục vụ lợi ích cho mình, cho người, cho xã hội và Giáo Hội là việc nên làm. Nhưng nổ lực tranh đấu để đứng đầu mọi người, để thống trị mọi người, để tạo uy thế cho mình, để được tư lợi và bắt mọi người phục vụ cho quyền lợi cá nhân quả là điều đáng lên án. Cũng đáng khiển trách đối với những ai khi thấy người khác tài giỏi hơn mình, tốt lành hơn mình, thành công hơn mình mà tỏ ra ghen tị, khó chịu, tức giận…vì đó cũng chính là những kẻ kiêu ngạo.
 Các môn đệ của Chúa Giêsu ngày xưa là thế, tự cao tự đại, ham mê chức quyền, say mê danh vọng… cũng vẫn ích kỉ hẹp hòi, ghen tị muốn hơn thua với nhau. Tất cả xuất phát từ tính kiêu ngạo.
Mà hậu quả của kiệu ngạo là không thể lường. Theo Kinh Thánh, thiên thần Luxiphe phản nghịch muốn có quyền năng bằng Đức Chúa Trời nên bị Ngài nguyền rủa và đày xuống hỏa ngục thành satan.
Adam và Eve khi nghe lời cám dỗ của Satan ăn trái Chúa cấm cũng là để có được sự tinh khôn và giống Thiên Chúa biết cả tốt xấu, hậu quả là đất mất hạnh phúc thiêng đàng.
Người kiêu ngạo chỉ thấy mình là tất cả, mình tài giỏi hơn, khôn ngoan hơn người khác, ý của mình luôn đúng, văn thơ mình luôn hay, họ không thấy trời cao đất rộng, như ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung.
Lạy chúa, Kiêu ngạo và ghen tị là hai tật xấu cản trở sự phát triển đời sống chúng con về mọi phương diện. Xin cho chúng con ý thức loại bỏ hai tật xấu này để sống hoà hợp, vui vẻ với nhau, cộng tác với nhau, đừng để con kiêu ngạo muốn hơn người, và cũng đừng để con phân bì, ghen tị khi thấy người khác hơn mình.

Thứ năm (Mc 10, 46-52)
Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chữa đôi mắt mù loà của anh chàng Bartimê được sáng, nhờ lời kêu xin tha thiết của anh ta: “ lạy ông Giêsu, con vua Đavít. Xin dủ lòng thương tôi” và “ xin cho tôi được sáng”.
Chúng ta cũng bắt chước anh mù này,  tha thiết  xin Chúa chữa đôi mắt tâm hồn chúng ta được sáng, để chúng ta nhận ra Chúa chính là Cứu Chúa chúng ta, nhận ra mọi người là anh em, nhất là nhận ra Chúa nơi những người nghèo khổ bất hạnh.

Anh mù rất đổi quen thuộc ở thành Giêricô, tên đích danh của anh ta ai mà không biết: Bác-ti-mê, con ông Ti-mê chẳng xa lạ gì. Bởi lẽ hằng ngày anh thường quanh quẩn nơi đó để xin ăn.
Mà đã mang kiếp cầm ca, thì có ai muốn đến gần, cho dẫu là người hát rong thì cũng chẳng ai muốn để ý làm gì cho vướng bận, tốn hao.
Vì quen nên nhàm. Do đó, chẳng ai muốn nhìn và cũng chẳng ai chịu nghe tiếng kêu xin của anh ta.
Nhưng người đời thường nói “có tật ,có tài”. Vì thế, cho dù mọi nguời xa tránh làm ngơ, nhưng anh ta biết Đức Giêsu quan tâm và yêu thương anh.
Dẫu mọi người hôm đó không nhận ra sứ mạng Thiên Sai của Ông Giêsu, nhưng bằng con mắt tâm hồn anh lại nhận ra sứ mạng bí mật Thiên Sai của Đức Giêsu. Vì vậy, anh ta đã không ngần ngại lớn tiếng kêu vang Người. “ Lạy ông Giêsu, con vua Đavit. Xin dủ lòng thương tôi”. Bằng cảm nhận trực giác, anh ta nhận ra quyền năng chữa lành nơi Đức . Nên dù bị cản ngăn, cấm đoán anh vẫn kêu xin thiết tha.
 Thật tinh tường, anh ta còn thấy nơi Đức Giêsu có một kho báu rất quý giá mà trần gian chẳng ai có, đó là quyền cứu chữa. Vì thế, anh ta không hề xin Người: tiền bạc, cơm gạo, bánh trái như mọi ngày, trái lại anh ta xin cho được sáng mắt : “ xin cho tôi được sáng”.
Nhờ nổ lực cảm nhận thế giới và con người bằng đôi mắt của tâm hồn, của đức tin và rồi nỗ lực hết sức mình để thực hiện điều cảm nhận đó, anh ta đã được Chúa đáp lời, cho anh ta được sáng mắt như lòng nguyện ước.
 Hằng ngày các môn đệ vẫn thấy, vẫn nghe Chúa Giêsu  nói, chứng kiến những việc Người làm, nhưng vì mơ tưởng địa vị cao sang, chức cao quyền trọng nên đôi mắt họ đã bị che mờ, không nhận ra sứ mạng Messia của Chúa Giêsu.
Cảm tạ ơn Chúa đã cho ta có được đôi mắt sáng ngời, để nhìn đời và để làm duyên. Xin cho chúng ta có được đôi mắt sáng tâm hồn để đừng bao giờ nhìn đời, nhìn người bằng ánh mắt (mang hình viên đạn) của vô tình, hửng hờ và khinh khi như đám đông và các môn đệ, nhưng biết nhìn đời bằng ánh mắt của cảm thông, yêu mến chân tình.
Xin cho ta cũng có được ánh sáng của niềm tin để đừng bao giờ hành xử vô duyên đối với nhau, nhất là đối với những người thiếu may mắn hơn mình bằng những hành vi ngăn cản, cấm đoán như đám dân xưa. Trái lại, xin cho chúng ta có những hành động thật đẹp, bằng những việc làm bác ái, bằng những hy sinh phục vụ quên mình khi anh chị em cần đến chúng ta. Nhất là đừng bao giờ có thái độ và hành vi ngăn cản những người yếu đuối, sa ngã đến với Chúa.

Thứ Sáu (Lc 1, 39-56).

ĐỨC MARIA THĂM VIẾNG BÀ ELIZABETH

Sự kiện Đức Maria ra đi thăm viếng bà Elizabeth để lại cho chúng ta những bài học hết sức quý giá.
1. Bài học từ bỏ và hy sinh
Khi chấp nhận ra đi thăm viếng bà chị họ Elizebeth là Đức Maria đã sẵn sàng chấp nhận từ bỏ:
-  Bỏ mái ấm gia đình với những gì đang có, như sự yên hàn, những tiện nghi, dẫu là tiện nghi tối thiểu.
-  Bỏ lại những công việc gia đình hàng ngày và những thói quen nhỏ nhặt.
- Bỏ những bận tâm lo lắng cho bản thân và gia đình mình.
Từ bỏ những gì quen thuộc với mình là điều rất khó. Thế nhưng, nếu không dám từ bỏ thì không thể lên đường.
Sự cất bước lên lên đường của Đức Maria cần phải hy sinh.
- Hy sinh chổ ở thân quen, chổ nằm êm ấm cho dẫu là nhà tre vách lá, chiếu rách giường xiêu.
- Hy sinh mang lấy hành trang nặng nề trên vai gầy và tiến bước nặng nhọc đang lúc lòng mang dạ chữa.
- Hy sinh chịu gian lao thử thách để băng qua những vùng đồi núi, sa mạc, giữa bầu trời nắng gắt với bao là hiểm trở, đói khát dọc đường.
Đến với những nơi phồn hoa phố thị, vào với những biệt thự sang trọng, gặp gỡ những đại gia, được đón tiếp nồng hậu, được thết đãi bởi những bữa ăn cao lương mỹ vị đã là một hy sinh; huống chi ra đi đến những nơi đèo dốc hiểm trở, vào ở trong ngôi nhà nghèo nàn như nhà của Giacaria có lẽ chẳng ai muốn bao giờ. Hơn nữa đến viếng thăm gia đình của Giacaria chẳng được phục vụ chu đáo, trái lại Đức Maria còn phải lo lắng chăm sóc cho bà chủ nhà trong lúc sắp sinh nở quả là một hy sinh lớn lao.
Nhưng điều mà con người không muốn ấy thì Đức Maria lại thực hiện cách vội vàng "vội vả lên đường".
Động lực nào đã thúc đẩy Đức Maria ra đi thăm viếng bà Elizabeth? Nếu không phải là động lực của tình yêu. Chính tình yêu là động lực giúp cho Đức Maria sẵn sàng từ bỏ, chấp nhận hy sinh để ra đi thăm viếng và giúp đỡ người chị họ mình trong lúc khó khăn. Chính tình yêu thúc bách Đức Maria ra đi để chia sẻ niềm vui. Vui vì đang cưu mang Đấng Cứu Thế. Niềm vui ấy mong muốn được chia sẻ cùng người chị họ và cho gia đình Giacaria. Vui vì "có Chúa ở cùng".
2. Bài học của yêu thương phục vụ.
Không chỉ đơn thuần thăm viếng để chia sẻ niềm vui, Mẹ còn chấp nhận hy sinh thời giờ và công việc gia đình để ở lại với người chị họ, không phải một giờ hai giờ, một ngày hai ngày mà là suốt 3 tháng.
Ở lại không phải để được phục vụ, để sống trong cảnh nệm êm chăn ấm nhưng để giúp đỡ người chị họ đang mang thai và sinh con trong lúc tuổi già. Đức Maria "đến để phục vụ chứ không phải được phục vụ".
Ngày nay, thời đại văn minh, tiến bộ con người không còn nhiều thời gian thăm viếng nhau. Có chăng người ta chỉ thăm nhau bằng một cú điện thoại hay vài hàng chữ qua Emai, họa hiếm lắm người ta mới đến với nhau với tính cách xã giao, hời hợt.
Giữa cuộc sống bộn bề lo toan cơm áo gạo tiền, vất vả nhọc nhằn, việc đến thăm nhau chân tình là điều rất quý. Nhất là thăm viếng mục vụ lại là việc làm cao quý biết bao.
Thăm viếng một bệnh nhân để lắng nghe họ tâm sự cũng là góp phần chữa lành họ. Có mặt bên cạnh một một gia đình đang gặp chuyện bất hoà để chia sẻ nỗi niềm của họ cũng là góp phần hàn gắn gia đình họ trước nguy cơ rạn vỡ, thăm viếng những gia đình ngụi lạnh trong đạo thánh để hâm nóng lại tình yêu Chúa, cần thiết lắm thay. Thăm viếng những gia đình nghèo khổ, những bệnh nhân già yếu để chia sẻ, an ủi, động viên và cũng cố đức tin là nhiệm vụ hết sức quan trọng của đời kitô hữu....
Dĩ nhiên để làm được điều đó cần phải "có Chúa ở cùng", nhất là dám chấp nhận hy sinh từ bỏ, cũng như ý thức sống trong tinh thần phục vụ yêu thương chân thành theo gương Mẹ Maria. Xin Mẹ thương giúp chúng con.

Thứ Bảy (Mc 11,27-33)
Trong cuộc sống ngày nay, việc nhận ra được chân lý đã là khó, nói chi sống theo chân lý quả là không dễ chút nào.
Xin Chúa cho chúng ta có được đôi tai sâu lắng như Đức Maria, để chúng ta cũng có thể nhận ra lời chân lý từ Chúa. Và xin cho chúng ta có được sức mạnh nội tâm như Đức Maria, để can đảm sống theo lời chân lý của Chúa dạy.

Khi thấy đời sống độc thân-khiến tịnh của các linh mục, anh em chính quyền hay thắc mắc và đặt câu hỏi:
Làm sao các vị ấy có thể sống khiết tịnh được?
Nếu là người có thiện chí, thì lời giải thích của ta sẽ làm cho họ hiểu và dễ chấp nhận. Ngược lại, họ hỏi để đã kích, bôi nhọ, hạ bệ thì dù cho giải thích thề nào đi nữa thì cũng như không.
Sau khi Chúa đánh đuổi những người buôn bán, đổi tiền ra khỏi đền thờ. Các thượng tế, kinh sư và đầu mục thấy khó chịu muốn nhổ bỏ cái gai Giêsu ra khỏi mắt họ. Chính vì thế họ họp lại với nhau, bàn luận cách thế để hạ bệ  Đức Giêsu. Sau cuộc hội thảo, họ tóm kết lại thành hai câu hỏi để gài bẩy đẩy Chúa Giêsu vào con đường chết, đó là:
1.“ Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?
 2. Ai đã cho ông quyền đó để ông làm các điều ấy?”
Hai Câu hỏi trên không phải vì thiện chí muốn tìm hiểu sự thật, nhưng là để gài bẩy hạ bệ và tiêu diệt Đức Giêsu. Điều này không chỉ xảy ra một lần trong tin mừng mà ít nhất là ba lần.
Trước những câu hỏi nhằm tìm cách gài bẩy như thế này, Chúa Giêsu không hề trả lời trực tiếp? Vì nếu trả lời quyền ấy là do từ trời là sẽ lọt vào khung phạm luật cao nhất của thời bấy giờ. Còn nếu trả lời không biết, thì sẽ  đánh mất niềm tin của dân chúng. Đàng nào cũng nguy.
Nhưng “võ quít dày có móng tay nhọn”. Thay vì trả lời trực tiếp, Chúa đảo ngược tình thế nhằm đưa họ về chính cõi lòng, để tự vấn lương tâm bằng cách đặt câu hỏi ngược lại: “ Tôi xin hỏi các ông một điều, nếu các ông trả lời đúng thì tôi sẽ nói cho các ông biết, tôi lấy quyền ai mà làm việc đó. Vậy phép rửa của ông Gioan bởi Thiên Chúa hay bởi loài người?.”
Nếu họ trả lời phép rửa của Gioan bởi trời. Tại sao không tin Chúa?, vì chính Gioan làm chứng và loan báo về Đấng Cứu Thế là do Thiên Chúa sai đến và có uy quyền Thiên Chúa.
Còn nếu trả lời là do bởi người ta, thì sẽ gặp phản ứng của dân chúng, vì họ tin ông Gioan là ngôn sứ bởi trời đến để loan báo về Đấng Cứu Thế. Đàng nào cũng không được, nên họ chọn cách an toàn nhất là: “chúng tôi không biết” cho xong chuyện. Dù biết rõ nhưng phải dối lòng.
Xin cho chúng ta biết chân thành tìm kiếm sự thật đích thực. Đừng bao giờ vì quyền lợi hay thành kiến mà đóng chặt cửa lòng phủ nhận chân lý.
Xin cho chúng ta biết can đảm sống thành thật trong lời nói, ý tưởng và việc làm nhất là can đảm làm chứng cho chân lý.
Xin cho chúng ta cũng biết khiêm tốn nhận ra quyền năng Chúa hành động trong thế giới này và luôn tin tưởng vào uy quyền của Chúa. Amen.


Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH B

Dẫn
Người đời thường nói: “Yêu là khổ, không yêu thì lỗ, thà chịu khổ chứ không chịu lỗ”. Nhưng cái khổ lớn nhất không phải là yêu mà là bị người mình yêu từ chối tình yêu. Đúng vậy, yêu mà bị phản bội thì đau tê tái lòng.
Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã thí mạng mình vì chúng ta và mong muốn chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài. Nhưng nhân loại hình như đã hững hừ trước tình yêu của Chúa. Vì thế Ngài tha thiết kêu mời chúng ta: “ Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”, bằng cách tuân giữ giới răn của Ngài. Khi ấy ta cảm nhận được niềm vui trọn vẹn.

Chia sẻ
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu tha thiết mời gọi: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”.
Chúa Giêsu là tình yêu hữu hình của Chúa Cha dành cho chúng ta những người con yêu dấu của Chúa.
Chính tình yêu, Chúa Giêsu chấp nhận sinh ra mang thân phận con người để ở giữa loài người chúng ta.
Chính tình thương, Chúa Giêsu đã chấp nhận chịu đói, chịu khát… và bôn ba đi khắp các nẻo đường đất nước Do Thái để rao giảng tin mừng, làm phép lạ cứu chữa những ai đau khổ.
Cũng chính vì yêu, Chúa Giêsu chấp nhận đi vào con đường thập giá chịu đau khổ và sẵn sàng đón nhận cái chết đau đớn trên thập giá vì tội lỗi chúng ta. Rồi Chúa đã phục sinh vinh hiển mang đến niềm vui sống lại cho tất cả chúng ta.
Vì muốn ở lại mãi với con người, Chúa Giêsu đã ban lời giáo huấn và giới luật yêu thương. Chúa cũng thiết lập các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể, qua đó ở lại mãi với chúng ta.
Tình yêu Chúa thật quá cao vời. Sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ, hy sinh và cả tính mạng để được “ở lại” với con người chúng ta.
Vì thế Chúa cũng mong mỏi chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài bằng cách tha thiết mời gọi: “Hãy ở lại trong tình thương của Ngài”.
Ở lại trong tình thương của Chúa được thể hiện qua việc tuân giữ giới răn của Ngài. Bởi lẽ  thánh Phao-lô trong gửi tín hữu Rôma đã nói: “Không sống theo luật, luật mới do Thánh Linh là sống phản với Thánh Linh, mà Thánh Linh chính là tình yêu Thiên Chúa”. Thánh Gioan cũng nói: “Ai giữ luật Chúa thì ở lại trong Ngài và Ngài ở lại trong kẻ ấy”. Không ai có thể nói tôi yêu mến Chúa mà không thực hiện lời Ngài.
Kinh nghiệm cho thấy: khi tôi yêu mến ai thì bất cứ việc to, việc nhỏ, việc nặng, việc nhẹ người ấy nhờ tôi, tôi sẵn sàng làm, có khi người ấy không nhờ tôi cũng làm miễn sao đẹp lòng người mình yêu.

Như thế muốn ở lại trong tình yêu Chúa, chúng ta phải thực hành lời Chúa. Nghĩa là thực hiện điều Chúa truyền dạy, mà lời dạy của Chúa là giới răn yêu thương. Trung thành sống trọn tình mến Chúa, yêu người là ta đã ở lại trong Chúa và khi đó chúng ta sẽ được Chúa ban cho niềm vui trọn vẹn là được sống mật thiết với Chúa ngay ở đời này và mãi đời sau.

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH B

Dẫn
Chúa Giêsu dùng hình ảnh quen thuộc là cây nho, để nói lên sự gắn kết sâu xa giữa Ngài với Chúng ta. Vì tình yêu Chúa Giêsu ở lại với chúng ta và mong muốn chúng ta ở lại trong Ngài để tiếp nhận sự sống dồi dào Ngài thông truyền cho chúng ta. Nhờ thế chúng ta sẽ trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành dâng cho Chúa và dành cho nhau.
Chia sẻ
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu sánh ví Ngài như là cây nho được Chúa Cha trồng xuống thế gian.
Chúng ta được ví như là những cành kết hiệp trong cùng một cây nho là Chúa Giêsu.
Mục đích của người trồng nho là để thu hoạch hoa trái. Nên các cành của cây nho phải sinh nhiều hoa trái thì mới làm vui lòng ông chủ.
Khi sánh ví chúng ta là cành nho thì đồng thời Chúa Giêsu cũng mời gọi  chúng ta sinh nhiều hoa trái là các việc lành phúc đức để Thiên Chúa được vinh hiển.
Nhưng để cành nho sinh nhiều hoa trái, cần phải có hai điều kiện:
Thứ nhất Gắn liền với thân nho. Cành nào càng gắn kết với với thân nho thì càng tươi tốt và sinh nhiều hoa trái.
Cũng vậy để có đời sống sung mãn và sinh  nhiều hoa trái thiêng liêng tốt lành. Chúng ta phải liên kết chặt chẻ với Chúa Giêsu bằng đời sống cầu nguyện và năng nhận lãnh các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể.
Thứ hai phải được chăm sóc và chịu cắt tỉa. Niềm vui của người trồng nho là vườn nho ông trồng sinh thật nhiều hoa trái tốt. Vì thế chủ vườn nho không ngừng chăm sóc và cắt tỉa.
 Cũng vậy, để  sinh thật nhiều hoa trái tốt lành, Thiên Chúa không ngừng chăm sóc chúng ta bằng Giáo Huấn và các Bí Tích, đồng thời Chúa cũng hằng cắt tỉa chúng ta bằng cách cho phép những sự dữ, những thử thách, những thất bại và đau khổ… xảy ra trong cuộc sống. Việc làm đó là cần thiết để ta chiến đấu không ngừng, hầu mỗi ngày nên thanh sạch và mạnh mẻ hơn.

Xin cho chúng ta biết sống gắn bó mật thiết với Chúa, tin tưởng phó thác vào ơn ban của Chúa, cũng như biết can đảm để Chúa cắt tỉa mỗi ngày. Nhờ thế, mỗi ngày chúng ta sinh nhiều hoa trái tốt lành là phụng sự Chúa sốt sắng hơn và phục vụ mọi người đắc lực hơn.

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

LINH MỤC LÀM GÌ ĐỂ XÂY DỰNG 
GIA ĐÌNH GIÁO XỨ?

Lm Seoka

Dẫn nhập:
Tiếp nối Năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống Gia đình, các Đức Giám Mục Việt Nam trong Thư Mục vụ 2014-2015 mời gọi chúng ta hướng đến một gia đình rộng lớn hơn, là Giáo xứ.
1. Giáo xứ là gi?
Có nhiều cái nhìn khác nhau. Ở đây chỉ liệt kê một vài cái nhìn tiêu biểu về Gíao xứ.
- Giáo xứ là gia đình của những người con cái Thiên Chúa, trong đó tất cả là anh chị em với nhau. (Thư Mục Vụ của HĐGMVN năm 2014)
- Giáo xứ là một cộng đoàn Kitô hữu nhất định được thiết lập cách bền vững trong Giáo Hội địa phương, mà trách nhiệm mục vụ được ủy thác cho linh mục quản xứ như là chủ chăn riêng của giáo xứ ấy, dưới quyền Giám mục Giáo phận. (GL 515 §1).
- Giáo xứ là một hình thức tông đồ cộng đồng kiểu mẫu, vì đó là nơi qui tụ mọi hạng người thành một cộng đoàn và đem họ vào tinh thần đại đồng của Giáo Hội. (Sắc lệnh về tông đồ giáo dân. x.số 10).
2. Thành phần trong Giáo xứ bao gồm những ai?
Từ những cái nhìn trên về Gíao xứ, ta có thể nói Giáo xứ là gia đình bao gồm mọi thành phần có cùng một niềm tin vào Chúa Giêsu, như Chúa Giêsu đã nói: "Ai là anh chị em Ta? "Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta".". (x. Mc 3, 31- 35).
3. Tại sao phải tân phúc âm hóa Gíao xứ?
Khiêm tốn nhìn nhận, chúng ta thấy rằng, các Giáo xứ theo thời gian và trào lưu cuộc sống, diện mạo của giáo xứ đang bị bám bụi, đang bị lấm lem và có những vết bẩn. Do đó, năm phụng vụ 2015 đối với Giáo Hội Việt Nam là thời điểm mời gọi canh tân, thời điểm trở về nguồn của các Giáo xứ. Để có thể trả lại đúng dung mạo của Giáo xứ. (TTLM GP Phan Thiết 2015, ĐC Giuse Đặng Đức Ngân). Nói như thư chung của HĐGMVN 2014, thì Tân Phúc Âm hóa Giáo xứ là nhằm làm cho Giáo xứ được thấm đẫm tinh thần Phúc Âm và làm chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm ra chung quanh, đến với muôn dân.
4. Canh tân Giáo xứ theo tiêu chí nào?
Phải trở về nguồn. Để thực hiện Tân Phúc-Âm-Hóa Giáo xứ , Thư Chung 2014 đã đề nghị chiêm ngắm cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên như được mô tả trong sách Công vụ: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng”.(Cv 2,42). "Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng. Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.". (Cv 4,33-35). Như vậy sách công vụ tông đồ trình bày cho ta biết 5 điểm nổi bật nơi cộng đoàn tín hữu đầu tiên là:
- Giáo xứ phải là cộng đoàn siêng năng tham dự Lễ Bẻ Bánh.
- Giáo xứ là cộng đoàn biêt lắng nghe Giáo Huấn của các Tông Đồ. 
- Cộng đoàn Giáo xứ luôn hiệp thông với nhau.
- Cộng đoàn Giáo xứ không ngừng cầu nguyện.
- Cộng đoàn làm chứng cho Tin Mừng.
5. Ai là người có trách nhiệm canh tân Gíao xứ?
“Công cuộc canh tân Hội Thánh cần được bắt đầu từ hàng Linh mục, vì thế, ước mong các Giám mục và Linh mục Việt Nam không chỉ là người quản trị giỏi nhưng trước hết là người của Chúa và là những mục tử nhân lành”. (Sứ điệp Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010, số 5).
Như vậy có thể nói để canh tân Hội Thánh hay Gíao xứ thì Linh mục là người có nhiệm vụ hàng đầu.
6. Canh tân hay tân phúc âm hóa Gíao xứ bằng cách nào?
Phải hướng đến 5 tiêu chí theo mô hình của cộng đoàn các tín hữu đầu tiên như thư mục vụ của HĐGM VN mời gọi để hướng đến.
6.1. LM (cha xứ) phải xây dựng gia đình Giáo xứ thành một cộng đoàn siêng năng tham dự Lễ Bẻ Bánh. Muốn thế cha xứ phải tạo điều kiện thuận tiện cho giáo dân tham dự thánh lễ. Gíúp giáo dân ý thức tầm quan trọng và sự quý giá của thánh lễ. Phải chuẩn bị dâng thánh lễ ý thức và sốt sắng. Siêng năng cầu nguyện với Lời Chúa. Nhất là chuẩn bị bài giảng cho thật tốt.
6.2. LM phải tìm cách giúp giáo dân yêu mến Lời Chúa và lắng nghe lời giáo huấn Gíao Hội.
LM phải thao thức làm thế nào để giúp cho giáo dân tiếp cận được với Lời Chúa. Gíup họ chân thành lắng nghe Lời Chúa, đón nhận và ghi khắc gíao huấn của Gíao hội rồi rút ra bài học thực hành cụ thể, để Lời Chúa và giáo huấn Gíao hội thấm nhập và đổi mới tâm hồn.
6.3. LM cần có sáng kiến tạo ra nhiều buổi cầu nguyện. LM phải là người giúp cộng đoàn Giáo xứ canh tân về việc cầu nguyện. Lời cầu nguyện chính là hơi thở của linh hồn, làm cho ta nối kết với Thiên Chúa. Giáo xứ phải là cộng đoàn cầu nguyện, cầu nguyên riêng và cầu nguyện chung. Cầu nguyện sẽ giúp cho các giáo dân thấy được sự giới hạn đời sống đạo của mình, giúp cho giáo dân sửa chữa và được biến đổi tốt hơn.
6.4. Gia đình giáo xứ phải là một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương.  “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là chúng con thương yêu nhau” (Ga 13, 35). Đây là mệnh lệnh Chúa Giêsu trao cho các môn đệ và qua các môn đệ, Chúa Giêsu trao cho Hội thánh. Giáo xứ là Hội Thánh, mọi người sống trong Giáo xứ là anh em. Vì vậy, LM (cha xứ) phải yêu mến các linh hồn, yêu mến hết mọi người trong Giáo xứ, nhất là những người nghèo, những người thiếu thốn tình thương của Chúa. Không những LM yêu mến họ mà thôi, nhưng LM còn phải giúp người ta yêu thương nhau nữa, sống hiệp nhất với nhau, hòa bình với nhau, thông cảm và tha thứ cho nhau.
6.5. Giáo xứ là cộng đoàn làm chứng Tin mừng.
Đây là nhiệm vụ hàng đầu của Gíao xứ. Bởi đây là lệnh truyền của Chúa. (Mc 16, 15); là bản tính GH lữ hành.(CĐ Vat II); là nhiệm vụ sống còn của Gíao hội. (UB.LBTM/HĐGMVN).
Cha xứ cần phải thao thức đề tìm ra những sáng kiến giúp cho Giáo xứ sống Tin Mừng. Có sống Tin Mừng thì gia đình Giáo xứ mới thật sự có bình an, hạnh phúc, chan hòa tình yêu thương. nhờ đó Giáo xứ trở nên cộng đoàn nhân chứng sáng ngời cho Tin Mừng cứu độ, tình thương của Con Thiên Chúa làm người, nơi ấy mọi người tìm thấy cuộc sống bình an, hạnh phúc và tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa.
Kết luận:            
Trong lời mở đầu của Sắc lệnh về tác vụ và đời sống các linh mục có ghi: "Chức Linh Mục trong Giáo Hội hết sức cao trọng, đó là điều Thánh Công Ðồng nầy đã nhiều lần nhắc nhở cho hết mọi người".(Presbyterorum Ordinis).  Đúng thế, vai trò linh mục coi xứ rất cao quý và quan trọng. Trong một lần, các linh mục đến Rôma để chào Đức Giáo hoàng Gioan XXIII. Từng vị linh mục tiến đến trước mặt ngài, chào ngài và giới thiệu về công việc của mình. Có vị giới thiệu mình là giáo sư dạy ở một học viện, có vị giới thiệu là tuyên úy bệnh viện, có vị giới thiệu là chưởng ấn của giáo phận... có một vị linh mục cuối cùng giới thiệu với Đức Giáo Hoàng trong thái độ rụt rè: “Thưa Đức Thánh Cha, con chỉ là một linh mục coi xứ”. Sau khi nghe giới thiệu, ĐGH bái gối trước mặt ngài, hôn tay ngài và đứng dậy nói: “Đó là công việc cao trọng nhất của linh mục”.
Linh mục coi xứ luôn ở tuyến đầu của Giáo hội. Nhiều chương trình đề ra, nhiều đường hướng mục vụ đề ra, phong trào... nhưng nó sẽ không có kết quả nếu không được thực hiện trong Giáo xứ dưới sự hướng dẫn của các cha xứ thánh thiện, nhiệt thành và đầy tình yêu mục tử.
Gợi ý chia sẻ

Làm thế nào để giúp giáo dân tích cực tham dự thánh lễ, ham thích học Thánh Kinh, siêng năng cầu nguyện và ý thức tham gia các công việc trong Gíao xứ? Xin quý cha chia sẻ.

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015



SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY 
TRONG TUẦN V PHỤC SINH
Lm Seoka

Thứ hai (Ga 14,21-26)

Dẫn
Có yêu nhau thì mới sẵn sàng lắng nghe và làm theo điều người yêu mình mong muốn.
Đứa con có yêu cha mẹ thì mới trân trọng lắng nghe lời cha mẹ khuyên dạy và vui mừng thực hiện điều cha mẹ chỉ bảo.
Cũng vậy chúng ta có yêu mến Chúa thì mới nghe lời và sẵn lòng làm theo lời Chúa.

Chia sẻ
Không phải bất cứ ai lãnh nhận bí tích rửa tội thì hẳn nhiên trở nên con cái đích thực của Thiên Chúa.
Nhưng để nên con cái đích thực của Chúa, trước hết chúng ta phải có lòng yêu mến Chúa bằng cách đặt Chúa vào vị trí cao nhất trong cuộc đời chúng ta. Ưu tiên chọn Chúa làm giá trị hàng đầu trong cuộc sống.
Thứ đến, yêu mến Chúa thì phải gắn bó với Chúa mật thiết. Định luật tình yêu dạy ta hiểu rằng: Yêu ai thì ở gần người đó, yêu ai thì muốn ở bên người đó và yêu ai thì muốn ở với và ở trong để trở nên một với người đó.
Cuối cùng Chúa Giêsu cho biết dấu hiệu của những người có lòng yêu mến Chúa đích thực đó là: tuân giữ lời Chúa. Thước đo của lòng yêu mến chúng ta nhiều hay ít hệ tại ở việc chúng ta tuân giữ lời Chúa ít hay nhiều.
Nếu chúng ta nói chúng ta yêu mến Thiên Chúa mà chúng ta không thực hành lời Chúa dạy, thì có khác gì đứa con “gọi dạ bảo vâng”, nhưng chỉ vâng vâng dạ dạ mà không làm theo lời cha mẹ chỉ dạy, thì tình yêu đó chỉ là thứ tình yêu giả hình, thứ tình yêu đầu môi trót lưỡi. Tình yêu đó chỉ là nhãn hiệu, là cái mác mà thôi.
Vì thế, Chúa Giêsu luôn nhấn mạnh đến lợi ích và giá trị của việc nghe và làm theo lời Chúa: “ Nghe và thực hành lời Chúa giống như người khôn xây nhà trên nền đá”; “ hãy làm theo lời Chúa chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình”. Lý thuyết và thực hành phải đi đôi mới có ích lợi, đức tin không việc làm là đức tin chết.
Xin Chúa cho chúng ta luôn hết lòng tuân giữ và thực hành lời Chúa bằng tình yêu mến. Biết đặt Chúa vào vị trí quan trọng trong cuộc sống và sẵn sàng chọn Chúa làm gia nghiệp đời ta. Làm được như thế chứng tỏ là chúng ta yêu mến Chúa và xứng danh là con cái đích thực của Chúa.

Thứ ba (Ga 14,27-31a)
Dẫn
Thiên tai, dịch bệnh, nghèo đói, đam mê tội lỗi, hận thù ghen ghét… tất cả những mối hiểm họa ấy như dâng tràn trong thế giới hôm nay, khiến cho lòng người đầy bất an.
Xin Chúa thương ban bình an của Chúa cho chúng con, sự bình an đích thực trong tâm hồn như lời Chúa hứa.
Chia sẻ
Chưa bao giờ con người lại phải đối diện trước những lo âu, bối rối, sợ hãi và bất an như ngày hôm nay. Chiến tranh, thiên tai, bệnh tật… xảy ra hàng ngày. Thất nghiệp, vật giá leo thang, trộm cắp… gia tăng đến mức báo động.  Ly dị, phá thai, bất trung, tệ nạn xã hội …không ngừng gia tăng. Vì thế hơn lúc nào hết, con người ngày hôm nay luôn khao khát có được cuộc sống bình an.
Để chốn chạy nỗi lo sợ, buồn phiền, bất an, con người thường chỉ biết dựa vào của cải vật chất để trấn an tâm hồn đấy bất an.
Chẳng hạn như:  Mua bảo hiểm xe cộ, nhà cửa, nhân mạng, y tế…
Hằng đêm mơ mộng để đánh con số đề, mua tấm vé kiến thiết hy vọng bớt đi những lo âu về tiến bạc.
Kẻ thì lao mình vào rượu chè và những thú vui khác để tìm những phút giây thoải mái quên đi chuyện đời.
Người thì uống thuốc an thần để đi tìm giấc ngủ hy vọng quên đi những muộn phiền.
Kẻ đễ tin thì đi tìm thầy bói, thầy tướng, thầy số để kiếm tìm hậu vận tương lai.
Người giàu có thì gởi tiền vàng vào ngân hàng để được an tâm.
Nhưng tất cả việc làm ấy chỉ là giải pháp tạm thời, thiếu căn bản và không bền vững nên không đem lại nguồn bình an đích thực cho tâm hồn.
Vì thế Chúa Giêsu nói với các tông đồ: bình an của Ngài không như thế gian ban tặng.
Bình an của Ngài không phải là thứ bình an bên ngoài, giả tạo. Nhưng là bình an bên trong, nghĩa là không giống như sự yên ổn hay hòa bình, vì yên ổn hay hòa bình là ở bên ngoài còn bình an thì ở bên trong.
Bình an là tình trạng tâm hồn đang tương quan tốt với Thiên Chúa và tha nhân.
Bình an của Chúa là bình an khi có Chúa làm chủ đời sống mình, luôn tin tưởng, phó thác và vâng theo ý Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc đời.
Bình an của Chúa là có một tâm hồn trong sạch, được giao hòa với Chúa và anh em.
Bình an của Chúa ban tặng còn được hiểu là bình an với anh em mình. Sống hoà thuận với nhau, không thấy mình có điều gì làm phiền lòng anh em và thấy anh em không có điều gì làm phiền lòng mình.
Chỉ có bình an của Chúa mới làm cho chúng ta được hạnh phúc. Bởi vì bình an là thông hiệp với Thiên Chúa. Chúa Giêsu nhờ thông hiệp mật thiết với Thiên Chúa Cha nên Ngài luôn thấy bình an ngay khi kẻ thù đang đến gần và sắp giết chết Ngài.
Thế giới ngày hôm nay như đang sống trên một lò lửa. chíến tranh, khủng bố, thiên tai, động đất, khủng hoảng kinh tế, ô nhiễm môi trường…, thế gian chưa có bình an nên Bình An của Chúa Giêsu ban tặng vẫn còn nguyên giá trị cho nhân loại, cho những tâm hồn đang khắc khoải tìm kiếm bình an trong cuộc sống.
Mỗi người phải có bình an của Chúa mới có thể sống an bình với mọi người. Muốn có bình an ở bình diện lớn thì phải bắt đầu từ những bình diện nhỏ, là nơi mỗi người chúng ta.
Không ai cho cái mình không có. Sự bình an bắt đầu từ lòng mình rồi mới lan tỏa ra xã tắc nhân quần, như cổ nhân nói: “ Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

Thứ tư (Ga 15,1-8)
Dẫn
Chúa Giêsu dùng hình ảnh quen thuộc là cây nho, để nói lên sự gắn kết sâu xa giữa Ngài với Chúng ta. Vì tình yêu Chúa Giêsu ở lại với chúng ta và mong muốn chúng ta ở lại trong Ngài để tiếp nhận sự sống dồi dào Ngài thông truyền cho chúng ta. Nhờ thế chúng ta sẽ trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành dâng cho Chúa và dành cho nhau.
Chia sẻ
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu sánh ví Ngài như là cây nho được Chúa Cha trồng xuống thế gian.
Chúng ta được ví như là những cành kết hiệp trong cùng một cây nho là Chúa Giêsu.
Mục đích của người trồng nho là để thu hoạch hoa trái. Nên các cành của cây nho phải sinh nhiều hoa trái thì mới làm vui lòng ông chủ.
Khi sánh ví chúng ta là cành nho thì đồng thời Chúa Giêsu cũng mời gọi  chúng ta sinh nhiều hoa trái là các việc lành phúc đức để Thiên Chúa được vinh hiển.
Nhưng để cành nho sinh nhiều hoa trái, cần phải có hai điều kiện:
Thứ nhất Gắn liền với thân nho. Cành nào càng gắn kết với với thân nho thì càng tươi tốt và sinh nhiều hoa trái.
Cũng vậy để có đời sống sung mãn và sinh  nhiều hoa trái thiêng liêng tốt lành. Chúng ta phải liên kết chặt chẻ với Chúa Giêsu bằng đời sống cầu nguyện và năng nhận lãnh các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể.
Thứ hai phải được chăm sóc và chịu cắt tỉa. Niềm vui của người trồng nho là vườn nho ông trồng sinh thật nhiều hoa trái tốt. Vì thế chủ vườn nho không ngừng chăm sóc và cắt tỉa.
 Cũng vậy, để  sinh thật nhiều hoa trái tốt lành, Thiên Chúa không ngừng chăm sóc chúng ta bằng Giáo Huấn và các Bí Tích, đồng thời Chúa cũng hằng cắt tỉa chúng ta bằng cách cho phép những sự dữ, những thử thách, những thất bại và đau khổ… xảy ra trong cuộc sống. Việc làm đó là cần thiết để ta chiến đấu không ngừng, hầu mỗi ngày nên thanh sạch và mạnh mẻ hơn.
Xin cho chúng ta biết sống gắn bó mật thiết với Chúa, tin tưởng phó thác vào ơn ban của Chúa, cũng như biết can đảm để Chúa cắt tỉa mỗi ngày. Nhờ thế, mỗi ngày chúng ta sinh nhiều hoa trái tốt lành là phụng sự Chúa sốt sắng hơn và phục vụ mọi người đắc lực hơn.

Thứ năm (Ga 15, 9-11)
Dẫn
Người đời thường nói: “ Yêu là khổ, không yêu thì lỗ, thà chịu khổ chứ không chịu lỗ”. Nhưng cái khổ lớn nhất không phải là yêu mà là bị người mình yêu từ chối tình yêu. Đúng vậy, yêu mà bị phản bội thì đau tê tái lòng.
Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã thí mạng mình vì chúng ta và mong muốn chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài. Nhưng nhân loại hình như đã hững hừ trước tình yêu của Chúa. Vì thế Ngài tha thiết kêu mời chúng ta: “ Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”, bằng cách tuân giữ giới răn của Ngài. Khi ấy ta cảm nhận được niềm vui trọn vẹn.
Chia sẻ
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu tha thiết mời gọi: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”.
Chúa Giêsu là tình yêu hữu hình của Chúa Cha dành cho chúng ta những người con yêu dấu của Chúa.
Chính tình yêu, Chúa Giêsu chấp nhận sinh ra mang thân phận con người để ở giữa loài người chúng ta.
Chính tình thương, Chúa Giêsu đã chấp nhận chịu đói, chịu khát… và bôn ba đi khắp các nẻo đường đất nước Do Thái để rao giảng tin mừng, làm phép lạ cứu chữa những ai đau khổ.
Cũng chính vì yêu, Chúa Giêsu chấp nhận đi vào con đường thập giá chịu đau khổ và sẵn sàng đón nhận cái chết đau đớn trên thập giá vì tội lỗi chúng ta. Rồi Chúa đã phục sinh vinh hiển mang đến niềm vui sống lại cho tất cả chúng ta.
Vì muốn ở lại mãi với con người, Chúa Giêsu đã ban lời giáo huấn và giới luật yêu thương. Chúa cũng thiết lập các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể, qua đó ở lại mãi với chúng ta.
Tình yêu Chúa thật quá cao vời. Sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ, hy sinh và cả tính mạng để được “ở lại” với con người chúng ta.
Vì thế Chúa cũng mong mỏi chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài bằng cách tha thiết mời gọi: “ Hãy ở lại trong tình thương của Ngài”.
Ở lại trong tình thương của Chúa được thể hiện qua việc tuân giữ giới răn của Ngài. Bởi lẽ  thánh Phao-lô trong gửi tín hữu Rôma đã nói: “Không sống theo luật, luật mới do Thánh Linh là sống phản với Thánh Linh, mà Thánh Linh chính là tình yêu Thiên Chúa”. Thánh Gioan cũng nói: “Ai giữ luật Chúa thì ở lại trong Ngài và Ngài ở lại trong kẻ ấy”. Không ai có thể nói tôi yêu mến Chúa mà không thực hiện lời Ngài.
Kinh nghiệm cho thấy: khi tôi yêu mến ai thì bất cứ việc to, việc nhỏ, việc nặng, việc nhẹ người ấy nhờ tôi, tôi sẵn sàng làm, có khi người ấy không nhờ tôi cũng làm miễn sao đẹp lòng người mình yêu.
Như thế muốn ở lại trong tình yêu Chúa, chúng ta phải thực hành lời Chúa. Nghĩa là thực hiện điều Chúa truyền dạy, mà lời dạy của Chúa là giới răn yêu thương. Trung thành sống trọn tình mến Chúa, yêu người là ta đã ở lại trong Chúa và khi đó chúng ta sẽ được Chúa ban cho niềm vui trọn vẹn là được sống mật thiết với Chúa ngay ở đời này và mãi đời sau.

Thứ sáu (Ga 15, 12-17)
Dẫn
Trước khi về cùng Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu đã để lại cho các môn đệ cũng như cho tất cả chúng ta lời nhắn nhử yêu thương: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
Yêu thương theo lệnh truyền của Chúa không chỉ là yêu thương người thân cận như chính mình. Nhưng là yêu thương tất cả mọi người không phân biệt bạn hay thù…, bằng một tình “yêu như Chúa yêu”.  Yêu nhưng không và sẵn sàng hy sinh ngay cả mạng sống cho người mình yêu.
Xin cho chúng ta có được tình yêu như Chúa, xứng đáng được gọi là bạn hữu của Chúa.

Chia sẻ
“ Anh  em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”. (Ga 15, 12).   
Yêu thương nhau không thôi thì chưa đủ, Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài, trong đó có tôi và bạn, phải yêu như Ngài yêu! Yêu như Chúa yêu là biết chấp nhận tất cả những cái hay cái dở, những tính hư nết xấu và tất cả những sự bất toàn và yếu đuối … của tha nhân.
Yêu thương như Thầy là phải biết kiên nhẫn trước những yếu đuối lỗi lầm, trước những giới hạn về niềm tin cũng như về mặt nhân bản của tha nhân.
Yêu như Chúa Giêsu là biết quan tâm tới những nhu cầu cần thiết của tha nhân. Sự quan tâm ấy không phải chỉ bằng lời nói, nhưng còn bằng những hành động rất cụ thể và thiết thực.
Chính Chúa Giêsu đã yêu chúng ta nên đã chấp nhận, kiên nhẫn trước tất cả mọi ưu khuyết điểm, trước cái hay cũng như cái dở, trước cái đẹp cũng như cái xấu, trước cái giỏi cũng như cái dở của chúng ta. Ngài đã không ngừng quan tâm và đáp ứng lại những nhu cầu chính đáng và không ngừng mời gọi chúng ta hãy noi gương bắt chước Ngài bằng một tình yêu như Ngài yêu ta.

Thứ bảy (Ga 15,18-21)
Dẫn
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ biết cuộc sống theo Chúa sẽ gặp những thử thách và khổ cực như Ngài: “ Nếu thế gian ghét anh em, anh em biết rằng nó đã ghét Thầy trước”.
Xin cho chúng ta luôn trung thành theo Chúa dù phải bị người đời ghen ghét và bách hại, vì tin rằng mình đã thuộc về Chúa.
Chia sẻ
- Không phải ngày hôm nay, thế gian mới ghét bỏ và bách hại chúng ta những kitô hữu. Nhưng ngay từ xưa, Chúa Giêsu cũng đã bị bao người khinh bỉ, hiểu lầm. các nhà cầm quyền thì nghi ngờ, những Pharisêu, kinh sư, tư tế thì chống đối kịch liệt; những người đồng hương thì xem thường, phủ nhận…tất cả những thái độ đó cuối cùng đã đi đến chỗ độc ác là hành hạ và giết chết Chúa.
- Đến thời các tông đồ, các môn đệ Chúa cũng gặp phải những đau khổ đúng như điều mà Chúa Giêsu đã nói. Khi thi hành sứ vụ rao giảng, các tông đồ và các môn đệ khác luôn bị cấm đoán đe dọa, bắt bớ và hành hạ đủ mọi thứ cực hình…, cuối cùng các ngài cũng kết thúc cuộc đời bằng cái chết bi thảm.
- Nối tiếp các tông đồ, Giáo Hội ở khắp nơi đều bị các nhà cầm quyền ghét bỏ, bách hại. Cụ thể ở Việt Nam qua bốn thế kỷ đã có hàng trăm ngàn người chịu đổ máu và hiến mạng sống mình để làm chứng cho niềm tin vào Chúa.
- Hôm nay dù trãi qua hơn 2000 năm, ấy vậy mà Giáo Hội nói chung và các kitô hữu nói riêng vẫn không ngừng bị xiết chặt, ghét bỏ, trù dập, bắt bớ và giết hại khắp nơi trên thế giới. Khiến chúng ta những người theo Chúa không ngừng phải lo lắng, sợ hãi và bất an…
Nhưng với niền tin tưởng vào sự quan phòng đầy yêu thương của Chúa. Chúng ta hãy an tâm phó thác vào bàn tay uy quyền của Chúa.

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...