CHÚA NHẬT III PHỤC SINH A
Dẫn nhập
“Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình; gặp gỡ Đức Kitô đón nhận ơn tái
sinh…”, đó là điều mà 2 môn đệ trên đường Em-mau có được qua trình thuật của bài Tin mừng hôm
nay.
Mỗi lần tham dự thánh lễ chúng ta gặp gỡ Đức Kitô Phục sinh nơi Thánh Kinh
và Thánh Thể. Xin cho Lời Chúa và Thánh Thể Chúa biến đổi và
ban cho chúng ta niềm vui, hy vọng, bình an cũng như củng cố niềm tin cho chúng
ta thêm vững mạnh như hai môn đệ Em-mau xưa.
Suy niệm 1:
Tin mừng hôm nay cho ta biết hai môn đệ trên đường Em-mau đã được biến đổi
lạ lùng khi nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh như thế nào.
Trước khi gặp Chúa Giêsu phục sinh, lòng hai ông chất chứa một nổi buồn
chán vô tận vì mộng ước làm quan không thành và hy vọng đổi đời đã tan vỡ. Đời
hai ông hoàn toàn lạc mất hướng.
Tin mừng trình thuật cho biết hai môn đệ trên đường Em-mau. Một người
tên là Cleopas, ông còn lại không nêu rõ tên nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng
đó có lẽ là Luca. Hai ông đã từ bỏ Giêrusalem phồn vinh đô thị với bao kỉ niệm vui
buồn cùng thầy Giêsu và anh em mình trước đây, để giờ đây lê từng bước nặng nề,
mệt mỏi trên chặng đường dài 11 cây số để trở về quê nhà. Một ngày họ đi bên
nhau cùng với một vị khách lạ Giêsu, vậy mà mắt các ông còn nặng trĩu nổi buồn
nên đã không nhận ra người khách ấy chính là Thầy mình.
Chính trong lúc đau buồn, thất vọng ấy, Chúa Giêsu Phục sinh đã hiện diện
và đồng hành cạnh các ông, Ngài đã dùng Kinh thánh để trò chuyện cùng các ông,
Ngài đã tế nhị gợi lại cho các ông những điều Thánh kinh đã nói về Ngài cũng
như những lời Ngài đã tuyên bố trước đây khi ở với các ông, Ngài minh chứng cho
các ông thấy rằng tất cả những điều ấy giờ đây đã ứng nghiệm. Nhờ thế mà lòng
các ông như ấm lên niềm hy vọng. Cuối cùng trong bầu khí thân tình của bữa ăn
chiều tàn, Chúa Giêsu Phục Sinh đã hoàn toàn mở mắt cho 2 ông nhận ra Ngài qua
cử chỉ bẻ bánh và dâng lời chúc tụng quen thuộc như xưa. Niềm vui các ông đã vỡ
òa, lòng các ông tràn đầy hân hoan và hy vọng. Lập tức các ông đứng dậy lên đường
quay trở lại Giêrusalem để gặp lại các tông đồ và anh em bạn bè mình để chia sẻ
niềm vui cho dẫu trời đã tối. Con đường ấy giờ như thật ngắn ngủi không ngờ!
Trong cuộc sống lữ hành trên trần gian, nhiều khi chúng ta cũng rơi vào
tình thế như hai môn đệ trên đường Em-mau, khi ấy chúng ta cũng không nhận ra
Chúa hiện diện trong đời chúng ta. Mặc dù Chúa có đó trong mọi nơi mọi lúc mọi
hoàn cảnh. Chúa có đó nơi anh em thân thuộc trong gia đình ta, Chúa vẫn hiện
diện nơi những người nghèo hèn, những người neo đơn, đói khổ…Nhất là Chúa Giêsu
Phục Sinh luôn hiện diện qua Lời Chúa và nơi bí tích Thánh Thể.
Xin cho chúng ta biết
mở rộng lòng đón nhận mọi người, cũng như biết tha thiết khẩn nài xin “Lời và
Thánh Thể Ngài ở lại với chúng ta” mỗi khi trời về chiều của những nổi lo buồn ,
xao xuyến, thất vọng của cuộc sống để Ngài ban cho ta có lại niềm vui, sự bình
an, hy vọng. Có như vậy ta mới có thể ra đi chia sẻ Tin mừng Phục Sinh cho anh
em chung quanh chúng ta. Amen.
Suy niệm 2:
Tin mừng hôm nay như giúp chúng ta giải tỏa được 2 thắc mắc lớn trong đời sống đức tin, đó là : Chúa Giêsu phục sinh đang ở đâu? và làm thế nào để nhận ra Chúa phục sinh?
1. Qua câu chuyện Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường đi Emmau, cho chúng ta hiểu rằng: Chúa Giêsu phục sinh hiện diện mọi nơi và mọi lúc. Ngài hiện diện trên các nẻo đường; Ngài đã hiện diện tại vùng quê Emmau, Người hiện diện tại nơi ở của 2 môn đệ; Người hiện diện ngay trong bàn ăn…; đồng thời cùng lúc ấy, Người cũng hiện diện tại thành đô Giêrusalem nơi 11 tông đồ đang họp nhau cầu nguyện.
2. Chúa Phục sinh tỏ hiện qua những cách thức nào? Chúa Giêsu phục sinh đã tỏ hiện qua người khách bộ hành với dáng vẻ rất đỗi bình thường. Chúa tỏ hiện qua Lời Chúa được ghi trong thánh kinh, đặc biệt là nơi bàn tiệc Thánh Thể…
Như thế, Chúa Giêsu phục sinh không còn lệ thuộc vào không gian và thời gian nữa, nên Người hiện diện mọi nơi và mọi lúc, qua nhiều cách thức khác nhau. Chính vì thế mà Chúa luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường đời; nhất là trong những lúc chúng ta gặp đau khổ và thất vọng như hai môn đệ Emmau. Do đó để nhận ra Chúa Phục sinh, ta phải liên kết với anh em, phải biết thể hiện tình bác ái với tha nhân; phải biết hiệp thông với cộng đoàn trong những giờ cầu nguyện. Nhất là phải biết để tâm lắng nghe lời Chúa và tích cực tham dự thánh lễ và chầu thánh thể. Bởi chính những cách thế đó ta sẽ dễ dàng gặp gỡ Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét