CHÚA NHẬT LỄ LÁ
“THƯƠNG KHÓ” VÌ “KHÓ
THƯƠNG”
( Mt 27, 11-54)
Lm. Seoka
Tin mừng hôm nay, tường thuật lại cuộc thương
khó của Chúa Giêsu.
Nguyên nhân dẫn đến cuộc “Thương khó” của
Chúa Giêsu là vì Người trở nên “khó thương” đối với nhiều người, thuộc mọi
thành phần trong xã hội.
Khó thương đối với dân Do Thái
Nhiều lần dân chúng đã nhiệt liệt vỗ tay, tét
đùi khi chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu thực hiện: Trừ quỷ câm ( Lc11,14-23), cứu
chữa con trai của viên sĩ quan ngoại giáo (Ga 4, 43-54), chữa người bất toại 38
năm được khỏi bên bờ hồ Bết-da-tha (Ga,1-16), cho người mù từ lúc mới sinh được
xem thấy (Ga 9, 1-38). Cho La-da-rô sống lại ( Ga1,1-45).
Mới hôm nào họ được no lòng, thoả dạ khi
chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều, nuôi năm ngàn người ăn no nê.
Trước đây, họ đã nức tiếng khen
ngợi về những lời giảng dạy khôn ngoan của Chúa Giêsu và tin nhận:
“ông này thật là vị ngôn sứ”. Kẻ khác rằng “ông này là Đấng Kitô”(Ga 7,40). Họ
kháo nhau: “Ông này không học hành gì mà sao lại thông thạo chữ nghĩa thế!”
(Ga7,15).
Mới đây, đám đông dân chúng thành Giêrusalem
nô nức phấn khởi, trải áo choàng, chặt những nhánh lá cây rải trên đường để Chúa
đi qua, tay cầm cành lá, miệng reo hò tung hô Chúa, họ dành cho Chúa một nghi
lễ đón rước như cho một vị vua của họ. Họ vừa đi vừa tung hô: “Hoan hô con vua
Đavít” ; “Vạn tuế Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến”.
Thế mà liền sau đó họ lại chống đối, lên án
và la hét đòi "đóng đinh nó vào thập giá".
Trước đây, Chúa Giêsu là thần tượng được dân
chúng ngưỡng mộ yêu mến, thì trong thời điểm “thương khó”, Chúa Giêsu lại
trở thành nhân vật “khó thương” đối với dân chúng.
Khó thương đối với giới chức tôn giáo
Chúa Giêsu đụng chạm đến uy tín họ
Chúa Giêsu nhiều lần lên án gắt gao lối sống
giả hình của giới chức tôn giáo. Chỉ chích họ giữ đạo hình thức mà không
có tâm tình yêu mến. Vạch mặt những việc đạo đức của họ làm, cốt để lòe mắt
thiên hạ. Khiến cho uy tính của giới chức tôn giáo càng lúc càng bị lu mờ.
Chúa Giêsu đã đụng chạm đến quyền lợi vật
chất của họ
Thu nhập kinh tế của hàng ngũ giới chức chủ
yếu nhờ vào buôn bán và đổi tiền ở đền thờ. Đặc biệt vào những ngày lễ lớn,
nguồn thu nhập của họ và con cháu họ rất lớn. Vậy mà Chúa Giêsu dám động đến
nồi cơm của họ. Dám cả gan vào đền thờ đánh đuổi những con buôn và lật tung
những bàn đổi tiền. Người còn thách thức: “Cứ phá huỷ Đền Thờ này đi, nội trong
ba ngày tôi sẽ xây dựng lại.” Và còn xưng mình là Con Thiên Chúa (Mt 26,61; Mc
14,58).
Vì những lý do trên, Chúa Giêsu đã trở nên
nhân vật “khó thương” trong con mắt của hàng lãnh đạo tôn giáo. Không lạ gì, họ
quyết lên án tử Chúa Giêsu.
Khó thương đối với giới chức chính quyền
Để tạo được sự đồng thuận đối với giới chức
chính quyền, giới chức tôn giáo đã gắn Chúa Giêsu vào tội chính trị.
Họ tố cáo Chúa Giêsu đã xách động dân chúng chống lại chính quyền: “Chúng tôi
phát giác ra tên này xách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp
thuế cho hoàng đế Xêda, lại còn xưng mình là Mêsia, là vua nữa” (Lc 23, 2).
Do đó, Chúa Giêsu bị xem là nhân vật nguy
hiểm đối với giới chức lãnh đạo của đế quốc Rôma, vì có âm mưu lật đổ chính
quyền và lãnh đạo dân chúng nổi dậy làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Chúa
Giêsu đương nhiên trở thành đối tượng nguy hiểm đối với các giới chức chính
quyền. Cần phải tiêu diệt ngay.
Khó thương đối với môn đệ của mình
Chúa Giêsu đã trở nên khó thương trong mắt
của môn đệ Giuđa.
Giuđa, một con người được Chúa yêu thương
chọn gọi làm môn đệ. Được Chúa dạy dỗ và cho chứng kiến bao phép lạ Chúa làm.
Được Chúa tín nhiệm giao cho làm thủ quỹ, giữ túi tiền. Nhưng vì tham
lam tiền của, say cuồng theo đuổi mục tiêu chính trị, giải phóng dân tộc, Giuđa
đã phản lại thầy. Dùng một cái hôn rẽ tiền để bán đứng thầy. Trong
mắt ông, Chúa Giêsu đã trở nên ông thầy “khó thương”, đáng để cho ông lợi dụng.
Phêrô cũng chẳng hơn gì.
Tự hào về lòng trung tín đối với thầy. “Dù
mọi người có bỏ thầy, thì con sẽ không bỏ thầy”. Vậy mà ông đã dễ dàng chối bỏ
thầy mình trước một cô đầy tớ. Chẳng những chối một lần mà cả đến ba lần. Không
chỉ chối thầy mà còn chối bỏ cả nguồn gốc, quê hương xứ sở của mình nữa. Với
Chúa Giêsu, trong cuộc thương khó đã trở nên “khó thương” đối với Phêrô thế
sao!
Cũng như Giuđa và Phêrô, các tông đồ khác
được Chúa Giêsu hết lòng thương yêu, dạy bảo. Được Chúa ban cho diễm phúc đồng
thân, đồng phận với Chúa. Nhưng vì sợ đồng tử nên đã bỏ thầy mình trong lúc
hoạn nạn, để chạy thoát thân. Ôi thầy Giêsu "khó thương" đến thế.
Khó thương đối với chúng ta
Nếu xưa kia, Chúa Giêsu trở nên “khó thương”
trong mắt mọi người, thuộc mọi thành phần. Từ giới chức tôn giáo đến quan chức
lãnh đạo đời. Từ dân chúng ít hiểu biết đến giới trí thức kinh sư, luật sĩ. Từ
những bà con làng xóm đến những môn đệ thân tín. Thì ngày nay, Chúa Giêsu cũng
trở nên “khó thương” đối với nhiều người trong chúng ta như vậy.
Như Giuđa, Chúa Giêsu trở nên “khó thương”
đối với chúng ta. Bởi vì Ngài không đáp ứng được những yêu sách đòi
hỏi của chúng ta khi ngăn cản lòng tham lam và những việc làm giả dối của
chúng ta.
Giống như Phêrô, Chúa Giêsu trở nên “khó
thương” với tôi, vì Ngài bắt tôi phải trung thành với Ngài trong việc tuân
giữ Lề Luật và Giáo Huấn của Ngài. Ngài còn đòi hỏi tôi phải thể hiện niềm tin
trước mặt mọi người. Trong khi tôi đang sống trong xã hội vô thần. Ôi khó biết
bao!
Như giới chức tôn giáo, tôi cảm thấy khó
chịu. Bởi vì lời dạy của Ngài ngăn cản lối sống giả hình. Đã phá tính kiêu căng
tự mãn. Công kính những việc làm sai trái của tôi.
Cũng giống như giới chức chính
quyền, nhiều lúc tôi không có chút cảm tình với Chúa Giêsu. Bởi Ngài
chính là đối tượng nguy hại, ảnh hưởng đến cuộc đời tôi.
Chính vì Ngài mà tôi bị loại ra khỏi hàng ngũ đảng. Vì Ngài mà tôi mất đi cơ
hội ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo. Vì Ngài mà tôi mất việc…. Vì thế tôi cần phải
đánh chéo tên Giêsu khỏi cuộc đời tôi.
Tệ hại hơn, giống như đám đông dân chúng, tôi
cũng nông nổi nhẹ dạ, dễ nghe theo dư luận, lúc thì vỗ tay ủng
hộ đạo thánh Chúa, lúc thì gào thét đả đảo Giáo Hội
Chúa. Vì chức quyền, danh vọng, tiền bạc… tôi sẵn sàng gạt bỏ Thiên Chúa
ra khỏi cuộc sống.
Một nỗi buồn thấm thía, sao Chúa lại trở nên
“khó thương” và bị bạc bẽo đến mức như vậy?
CHÚA NHẬT LỄ LÁ – NĂM A
Lm. Anthony Trung Thành
Phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay có thể chia
thành hai phần: Phần thứ nhất là nghi thức làm phép và rước lá; Phần thứ hai là
thánh lễ như thường lệ nhưng nội dung các bài đọc mang vẻ trầm buồn, nhất là
bài thương khó kể lại cuộc khổ nạn của Đức Giêsu.
Phần thứ nhất, nghi thứ làm phép và rước lá.
Trong phần này của Chúa Nhật năm A, chúng ta nghe đọc đoạn Tin mừng theo Thánh
Mathêu, tường thuật lại việc Đức Giêsu vào thành thánh Giêrusalem. Quang cảnh rất
hoành tráng. Đức Giêsu ngồi trên lưng lừa. Dân chúng đón tiếp một cách nồng hậu.
Tin mừng cho biết: “Phần đông dân chúng trải áo xuống đường, kẻ khác thì chặt
nhành cây trải lối đi. Dân chúng kẻ thì đi trước, người theo sau tung hô rằng:
Hoan hô con vua Ðavit! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng
trời!” (Mt 21,8-9). Có thể nói, đây là một cuộc khải hoàn vào thành thánh
Giêrusalem của Đức Giêsu, toàn dân ủng hộ, không thấy một sự chống đối nào.
Phần thứ hai, phụng vụ cho chúng ta nghe ba bài đọc
liên quan đến cuộc khổ nạn của Đức Giêsu.
Bài đọc I, trích sách tiên tri Isaia, đây là bài
ca thứ ba về người tôi tớ đau khổ. Tác giả cho biết, người tôi tớ bị bách hại,
phỉ nhổ, tra tấn và bỏ rơi nhưng vẫn nhịn nhục, chịu đựng, trung thành và tin
tưởng phó thác vào Thiên Chúa: “Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho
kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những
người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi…” (x. Is 50, 6-7).
Bài đọc II, trích thư gửi tín hữu Philipphê,
Thánh Phaolô cho chúng ta biết Đức Giêsu chính là người tôi tớ mà tiên tri
Isaia tiên báo: “Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người.” (x.
Pl 2, 6-11).
Bài Thương khó được Thánh Mathêu tường thuật lại
cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Đây là một bằng chứng hùng hồn về tình yêu của Ngài
đối với nhân loại. Qua cuộc khổ nạn này, Ngài đã để lại cho chúng ta nhiều bài
học cao quý, xin được đơn cử một số bài học sau đây:
Bài học thứ nhất: Sự can đảm, quảng đại, hy sinh
vì người khác. Ngài đã chấp nhận muôn vàn đau khổ vì yêu thương nhân loại chúng
ta. Đây là bằng chứng của một tình yêu cao quý. Vì,“không có tình yêu nào cao
quý hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga
15,13).
Bài học thứ hai: Sự tha thứ. Ngài tha thứ cho
Giuđa là kẻ nộp Ngài. Ngài tha thứ cho Phêrô là kẻ chối Ngài. Ngài tha thứ cho
các môn đệ là những người thân tín nhưng đã bỏ trốn khi Ngài gặp nạn. Ngài tha
thứ cho kẻ đóng đinh Ngài vào thập giá. Ngài tha thứ cho kẻ trộm cướp bên phải
và cho anh ta được vào Thiên đàng với Ngài ngay ngày hôm ấy.
Bài học thứ ba: Sự vâng phục Thánh ý Thiên Chúa
Cha. Khi cảm thấy khó có thể vượt qua nỗi cô đơn, đau khổ, Đức Giêsu không
tránh né nhưng phó thác và vâng theo ý Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin
cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý
Cha. Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi thì xin
vâng Ý Cha.” (Mt 26,39 và 42). Đúng như Thánh Phaolô khẳng định trong bài đọc
II: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên
cây thập tự.” (Pl 2,8)
Ngoài ra, khi suy niệm cuộc thương khó của Đức
Giêsu còn giúp chúng ta hiểu hơn về ý nghĩa của đau khổ, từ đó chúng ta biết
can đảm hơn để vác thập giá của mình và sẵn sàng nâng đỡ thập giá của tha nhân.
Ở Bỉ, trong trận thế chiến thứ nhất, một trận
đánh khốc liệt vừa xảy ra. Trong một nhà thờ đã được biến thành nhà thương,
hàng trăm thương binh nằm la liệt. Bàn thờ được biến thành bàn mổ. Thiếu thốn
thuốc men, người ta phải giải phẫu các thương binh mà không có thuốc tê hay gây
mê. Một thương binh đang được giải phẫu, trong một khắc đồng hồ, anh ta phải chịu
“tử đạo”, tay nắm chặt, mồ hôi đầm đìa, nhưng không một lời than trách hay rên
la.
Sau khi hoàn tất ca phẫu thuật, bác sĩ hỏi anh :
“Tại sao anh có thể chịu đựng được như thế ? ”
Anh trả lời: “chính vì tôi đã nhìn lên Đức Kitô
chịu đóng đinh. Ngài đã chết không một tiếng rên la vì tội lỗi nhân loại. Cho
nên, tôi cũng không thể than khóc vì những đau khổ mà tôi có thể chịu để đem lại
hạnh phúc tự do cho người khác. ”
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chấp nhận bước vào cuộc khổ nạn để chịu
chết trên cây thánh giá vì yêu thương nhân loại chúng con. Xin cho mỗi người
chúng con cũng biết chấp nhận những đau khổ trong cuộc sống để cộng tác với
Chúa trong việc cứu độ nhân loại. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét