Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018


SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXVI TN, 2018

CHÚA NHẬ XXVI TN B
Xã hội luôn lên án mạnh mẻ tính cục bộ và loại trừ những ai có đầu óc bè phái. Đoàn kết nội bộ là điều đáng quý, nhưng kỳ thị và loại trừ những người khác là điều không nên.
Chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa dạy hôm nay để ta biết cách cư xử thế nào cho đúng ý muốn của Chúa.
Linh mục Anthony De Mello, chuyên viên huấn luyện tu đức, đã tưởng tượng câu chuyện dí dỏm như sau: "Đức Giêsu hay than phiền với các môn đệ là Ngài chưa một bao giờ được xem bóng đá, một hôm có người đưa Người đến sân bóng để xem trận đấu giữa hai đội tuyển Tin Lành và Công Giáo.
Vào trận không bao lâu, đội Công Giáo bắt đầu mở tỉ số trước 1-0, Đức Giêsu liền vỗ tay hoan hô vang dội và tung cả mũ lên trời. Nhưng chỉ vài phút sau, trong một đợt phản công đẹp mắt, đội Tin Lành chọc thũng lưới đội Công Gíao, khi ấy Đức Giêsu cũng lại vỗ tay reo hò và tung mũ cả lên trời y như lần trước.
Một khán giả ngồi bên cạnh tỏ vẻ khó chịu trước thái độ của Đức Giêsu, ông ta quay sang hỏi Người:
- Này ông ông, ông là cổ động viên của đội bóng nào vậy ? Đức Giêsu liền trả lời:
- Tôi à ? “Tôi chẳng ủng hộ đội nào cả. Tôi đến đây là để thưởng thức trận đấu mà thôi".
Người khán giả ấy càng tỏ ra khó chịu hơn về thái độ của Đức Giêsu, ông ta  quay sang nói nhỏ với người bên cạnh: "Hắn ta chắc là một gã vô thần!".
Trên đường về nhà, một môn đệ nói với Đức Giêsu:
- Thưa Thầy, những người có tôn giáo thật là buồn cười, họ tưởng rằng Thầy chỉ đứng về phe họ và chống lại tất cả những ai không cùng một tôn giáo với họ".
Đức Giêsu gật đầu tỏ ý đồng tình và bảo:
- Đó là lý do tại sao Thầy không ủng hộ đội bóng Tin Lành hay đội bóng Công Giáo, mà chỉ ủng hộ các cầu thủ nào đá hay thôi, dù họ thuộc đội nào đi nữa".
Câu chuyện trên làm cho chúng ta liên tưởng tới chủ đề của Lời Chúa hôm nay.
- Bài đọc 1 trích sách dân số, kể lại câu chuyện xảy ra từ thời ông Môsê, nghĩa là trước Chúa Giêsu giáng sinh khoảng 1250. Khi ấy Chúa bảo Môsê chọn trong dân 70 người để Chúa đổ ơn Chúa Thánh Thần xuống trên họ, nhờ đó họ được ơn nói tiên tri. Môsê đã chọn 70 người và Chúa đã ban cho họ ơn nói tiên tri. Nhưng khi đó cũng có 2 người khác không ở trong danh sách 70 người được chọn, họ cũng nói tiên tri. Một đứa bé thấy vậy chạy báo cho Môsê và người phụ tá của ông là ông Giôsuê biết được sự việc ấy. Nên ông đề nghị với Môsê ra lệnh nghiêm cấm 2 người ấy nói tiên tri. Lý do vì họ không thuộc nhóm 70. Như vậy, ngay từ thời xa xưa, con người đã có tính ganh tị và bè phái rồi.
- Và tính xấu ấy vẫn còn tiếp diễn đến thời các tông đồ. Bài tin mừng hôm nay cho biết: có một số người không thuộc nhóm 12 tông đồ. Họ thấy Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ và các tông đồ cũng làm được những phép lạ nữa. Thế là họ cũng nhân danh Chúa Giêu và cũng làm được phép lạ như các tông đồ. Thấy vậy, ông Gioan bực tức, đã ngăn cấm họ làm phép lạ và báo cáo lại cho Chúa Giêsu.  Gioan tưởng cấm như vậy là đẹp ý Chúa. Nhưng Chúa Giêsu bảo đừng ngăn cấm họ với một câu nói rất hay: “Ai không chống lại ta thì thuộc về Ta”.
Qua đó ta thấy, tính ghen tỵ và đầu bè phái đã có sẵn trong con người chúng ta từ thuở xa xưa và nó vẫn tiếp diễn đến thời các tông đồ. Tính xấu ấy có cả nơi  những người lãnh đạo như Giôsuê, sau này ông thay Môsê lãnh đạo dân Chúa tiến vào đất hứa; cũng như có nơi cả những người ở gần bên Chúa và được Chúa yêu như tông đồ Gioan. Chắc chắn lòng ghen tỵ, óc bè phái cũng sẽ có nơi mỗi người chúng ta hôm nay.  Vì thế, lời Chúa hôm cũng nhắc nhở mỗi chúng ta:
1. Hãy mặc lấy tinh thần bao dung và hợp tác như lời dạy của Chúa Giêsu: “Đừng ngăn cản người ta” làm điều tốt, những việc lành có ích cho tha nhân.
2. Hãy loại trừ óc bè phái và lợi ích nhóm. Đoàn kết nội bộ cho nhóm mình đó là điều cần nhưng chưa đủ, ta còn phải hiệp nhất và sống hài hòa với những người khác và nhóm khác nữa mới là điều Chúa mong muốn nơi chúng ta.
Xin Chúa giúp chúng ta biết loại trừ phương châm của thế gian: “ai không theo ta tức là nghịch ta” ra khỏi cuộc sống mà nổ lực thực hiện phương châm: “Ai không chống đối ta, tức là ủng hộ ta” theo như Chúa Giêsu chỉ dạy.

Thứ hai: Mt 18, 1-5
Kính thánh Têrêsa Hài Đồng Giê-su 
Dưới trần gian tranh giành địa vị, chức quyền đã đành. Trên trời mà còn tranh quyền đoạt lợi quả là một điều đáng trách. Thế mà các môn đệ xưa kia lại đưa lối suy nghĩ ấy vào chốn vĩnh cửu, nên các ngài không ngần ngại đặt vấn đề với Chúa: "ai là người lớn nhất trong nước trời".  
Chúa Giêsu không trả lời ai là người lớn nhất trong Nước Trời, nhưng Chúa cho biết cần phải có điều kiện như thế nào để được vào Nước Trời.
Điều kiện ấy chính là phải trở nên như trẻ nhỏ. Không phải chúng ta hóa kiếp trở lại làm trẻ nhỏ, nhưng Chúa muốn chúng ta phải có tinh thần trẻ nhỏ.
Vì trẻ nhỏ có lòng đơn sơ, chân thành. Chúa muốn chúng ta cũng hãy đơn sơ và chân thành như các trẻ nhỏ. Đừng mưu mô, lọc lừa, cho dẫu đôi lúc vì sự thật mà chúng ta phải chịu thiệt thòi, hay bị người khác hiểu lầm.
Vì trẻ nhỏ luôn tin tưởng phó thác cậy dựa vào cha mẹ. Chúa cũng muốn chúng ta luôn tin tưởng tín thác và cậy trông vào Chúa, cho dù cuộc sống có gặp nhiều gian lao vất vả.
Vì trẻ nhỏ luôn khiêm nhường biết mình có giới hạn nên không ngừng cố gắng học hỏi những điều hay lẽ phải từ cha mẹ, người lớn. Chúa cũng muốn chúng ta phải biết luôn lắng nghe lời Chúa. Chúng ta có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự thinh lặng trong tâm hồn, biết được thánh ý của Chúa qua việc nghe, đọc và suy niệm Lời Chúa, chúng ta cũng có thể biết được thánh ý Chúa qua những biến cố của cuộc đời hay những lời chỉ bảo khuyên răn chân tình của người khác.
Nói tóm lại, Chúa muốn chúng ta hãy sống tinh thần trẻ thơ, mặc dù chúng ta mang thân xác của người lớn. Ai sống được tinh thần như thế, mới được vào Nước Trời và là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.
Đây cũng là con đường mà thánh Têrêsa Hài Đồng Giê-su đã trải qua, đã sống. Thánh Têrêsa là một vị thánh rất trẻ, cuộc đời của ngài chỉ vọn vẹn 24 tuổi thanh xuân. Ngài đã chọn cho mình con đường nên thánh, con đường để được vào Nước Trời là con đường thơ ấu. Ngài yêu Chúa như một đứa con thơ yêu mến cha mẹ. Ngài làm những việc rất ư là tầm thường nhưng với tấm lòng phi thường. Thân xác ngài mỏng manh yếu đuối nhiều bệnh tật nhưng lòng mến ngài dành cho Chúa, cho những ai chưa tin nhận Chúa và những linh hồn trong luyện ngục thật nồng nàn chan chứa.
Noi gương thánh nữ, chúng ta cũng hãy trở nên bé nhỏ, để luôn tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa; nhận ra sự giới hạn yếu đuối của mình để biết lắng nghe tiếng Chúa dạy bảo và hướng dẫn; hãy yêu mến hết khả năng, sức lực, trí khôn như một đứa bé luôn yêu mến cha mẹ, luôn tìm mọi cách làm vui lòng cha mẹ của nó.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhớ rằng trước mặt Chúa, chúng con chỉ là những người con bé nhỏ, không có Chúa chúng con chẳng làm được chuyện gì và nếu chúng con có làm được chuyện gì đi nữa, tất cả cũng là ơn Chúa ban. Xin cho chúng con luôn biết phó thác cả cuộc đời chúng con cho Chúa, như đứa bé đặt trọn niềm tin vào cha mẹ. Để sau cuộc đời dương thế này, chúng con sẽ quây quần bên Chúa, hưởng sự hạnh phúc vĩnh cửu trong nhà Cha trên trời.

Th ba: Mt 18, 1-5.10.
Nhớ các Thiên Thần Hộ Thủ 
Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng Thiên Chúa dựng nên hai thế giới hữu hình và vô hình. Thế giới vô hình là thế giới thiêng liêng, mắt phàm không thấy được, thế giới thiêng liêng đó có các Thiên Thần.
Thiên Chúa dựng nên các Thiên Thần nhằm để thờ phượng Thiên Chúa, thi hành những mệnh lệnh của Thiên Chúa và giúp đỡ con người. Thiên Chúa dựng nên hằng vô số các Thiên Thần, nhưng có 3 Tổng Lãnh Thiên Thần là: Mi-ca-en, Gáp-ri-en và Ra-phen-en mà Hội Thánh đã mừng lễ vào ngày 29 tháng 09.
Riêng hôm nay cùng với Hội Thánh, chúng ta kính nhớ các Thiên Thần Bản Mệnh hay còn gọi là Thiên Thần Hộ Thủ. Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta một Thiên Thần Bản Mệnh riêng. Vị Thiên Thần này luôn gìn giữ bảo vệ chúng ta khỏi mọi sự hãm hại của ma quỷ; giúp chúng ta tránh xa mọi cám dỗ ma quỷ ở mọi nơi mọi lúc.
Vị Thiên Thần Hộ Thủ sẽ luôn ở bên cạnh chúng ta, đồng hành với chúng ta suốt cuộc đời dương thế cho đến khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay.
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su nhắc đến vị Thiên Thần này. Từ đó Chúa muốn chúng ta hãy tôn trọng phẩm giá mỗi người, chớ khinh thường bất cứ ai, nhất là những con người bé nhỏ nghèo hèn, vì mỗi người chúng ta đều mang hình ảnh Thiên Chúa, là con Thiên Chúa và được Thiên Chúa giao cho một vị Thiên Thần bảo vệ, gìn giữ. Đồng thời, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy trở nên như trẻ nhỏ. Vì trẻ nhỏ có tâm hồn đơn sơ trong trắng như Thiên Thần. Trẻ nhỏ biết mình yếu đuối mỏng manh nên luôn tin tưởng phó thác vào tình thương của Chúa.
Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa, vì Chúa đã thương ban cho mỗi người chúng con một vị Thiên Thần Hộ Thủ. Xin cho chúng con luôn nhớ tới Thiên Thần Hộ Thủ và  tích cực cộng tác với ngài để chống lại những cám dỗ của ma quỷ. Đồng thời xin Chúa cũng giúp chúng con biết  ý thức tôn trọng phẩm giá của con người, nhất là những con người bé nhỏ nghèo hèn mà sẵn sàng đón tiếp những người đó vì danh Chúa.

Thứ tư: Lc 9, 57-62.
Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết những điều kiện cần thiết phải có nếu muốn trở nên người môn đệ chân chính của Chúa Giêsu:
Người thứ nhất: tự nguyện xin theo Chúa bất cứ nơi đâu. Nhưng Chúa Giêsu cho biết theo Người sẽ phải chấp nhận cuộc sống vô sản: không nhà cửa, không tiền bạc, không nơi ăn chốn ở và phải phiêu bạt khắp nơi. "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con người không có nơi gối đầu". Không biết anh ta có chấp nhận theo hay không? Tin mừng không nói rõ.
Người thứ hai: Chúa Giêsu lại kêu gọi: "hãy theo Ta". Nhưng điều kiện anh ta đưa ra là: "xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã". Một điều kiện xem ra rất cấp thiết và phù hợp với đạo làm người, không ai có thể chối cải được. Nếu theo Chúa mà phải bỏ cha mẹ và không lo cho cha mẹ trong lúc cuối đời thì quả là người con bất hiếu, không xứng đạo làm người sao xứng đáng làm môn đệ của Chúa được. Ấy vậy mà Chúa Giêsu lại tỏ ra cương quyết đòi hỏi: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa". Chắn chắn là Chúa Giêsu không hề xem thường đạo hiếu bởi trong 10 điều răn thì ngay sau 3 điều răn đầu nói về bổn phận với Chúa, thì điều răn thừ 4 Chúa dạy phải thảo kính cha mẹ. Nhưng nếu một khi rơi vào tình thế phải chọn lựa giữa việc thờ và kính; giữa đạo làm người và làm con Chúa; nhất là giữa việc Chúa và việc con người; giữa ý Chúa và ý ta thì ta phải ưu tiên cho Chúa. Việc rao giảng Nước Thiên Chúa là việc làm tối quan trọng vì đem đến niềm vui tin mừng cứu độ đến cho con người nên phải là việc cấp bách và ưu tiên hàng đầu. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã quyết liệt đòi hỏi như thế. Tin mừng cũng không cho biết anh ta có theo Chúa Giêsu hay không.
Người thứ ba: cũng xin theo Chúa Giêsu với điều kiện là cho phép anh ta về từ giã gia đình trước đã. Nhưng Chúa Giêsu không đồng ý với lý do đó, Người nói :"ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa". Nếu theo Chúa mà còn vướn bận chuyện gia đình, còn lưu luyến bởi những tình cảm thân quen thì khó lòng mà dốc toàn tâm toàn lực cho Chúa và nước trời được. Do đó Chúa Giêsu đòi hỏi anh ta phải dứt khoát từ bỏ những vướn bận ấy mới xứng đáng làm môn đệ Người. Cuối cùng ta cũng không biết anh ta có theo Chúa hay không.
- Tóm lại: Muốn đi theo làm môn đệ Chúa Giêsu đòi hỏi ta không chỉ bỏ một phần hay từ từ, nhưng Chúa đòi ta phải từ bỏ cách dứt khoát và trọn vẹn để gắn bó đời mình cho Chúa và Nước Trời. Tiền bạc của cải, tình cảm gia đình, bổn phận trần thế... là những thứ rất cần thiết cho con người; nhưng nếu không vượt lên những thứ ấy để dành con tim trọn vẹn cho Chúa và Nước Trời, chắc chắn ta sẽ không xứng đáng làm môn đệ đích thực của Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta biết ưu tiên đặt Chúa làm trọng tâm trong đời sống chúng ta để sẵn sàng khướt từ mọi giá trị trần thế mà gắn kết đời ta trong Chúa và cho những giá trị của Tin mừng. 

Th năm: Nhớ thánh Phanxicô Assisi.

Suy niệm 1: Lc 10, 1-12.
Công đồng Vatican II khẳng định rõ rằng: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là truyền giáo” (Ecclesia peregrinans natura sua missionaria est, Ad gentes 2). Sẽ không còn là Giáo Hội nữa nếu như Giáo Hội không truyền giáo. Chính Chúa Giê-su, trước khi về cùng Thiên Chúa Cha, đã trao lại sứ mạng truyền giáo cho Giáo Hội qua các tông đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng”(Mc 16,15). Nhưng không phải đợi đến khi về trời, Chúa mới trao sứ mạng này cho các Tông Đồ, mà ngay khi còn ở tại thế, Chúa đã sai phái không chỉ 12 tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng mà Người còn chỉ định thêm 72 môn đệ nữa. Vì đây là sứ mạng quan trọng nên trước khi sai 72 môn đệ lên đường thi hành sứ vụ truyền giáo, Chúa Giêsu căn dặn các ông nhiều điều:
1. Gắn bó mật thiết với Chúa bằng cầu nguyện: Ý thức Thiên Chúa mới chính là chủ mùa gặt. Nên Chúa Giêsu bảo các môn đệ: “hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Bởi vì chỉ có Chúa mới đánh động lòng người và làm cho người ta tin vào Chúa; chứ con người không có khả năng làm được điều đó.
2 . Tin tưởng và phó thác vào Chúa: Khi thi hành sứ vụ loan báo tin mừng, Chúa muốn các môn đệ phải tuyệt đối tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa, đừng quá nương tựa vật chất: Ðừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép…”. Cũng đừng quá  sợ hãi khi đối mặt với những hiểm nguy như chiên con đi vào giữa bầy sói”.
3.  Sống tinh thần siêu thoát: Bằng lòng với cuộc sống hiện tại, không so đo tính toán, đứng núi này trông núi nọ: “Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Ðừng đi hết nhà nọ đến nhà kia”. Sẵn sàng cắt đứt mọi liên hệ với những ai không đón tiếp các ngài mà không hề vương vấn hay tiếc nối: “ vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần”.
4. Khiêm tốn cộng tác với nhau: Để loại trừ tính kiêu căng tự mãn, nhưng biết khiêm tốn đón nhận và hợp tác làm việc với anh em trong nhiệm cao quý là loan báo Tin mừng, nên Chúa đã “sai các ông cứ từng hai người một”. Nhờ cộng tác với nhau  nên lời chứng của các môn đệ đáng tin cậy và có sức mạnh lay động người nghe.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã từng băn khoăn khắc khoải khi nhìn thấy “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Hôm nay, cánh đồng truyền giáo vẫn còn bao la bát ngát. Vì thế, Chúa cũng muốn sai mỗi người chúng con ra đi khỏi vùng ngoại biên đi đến vùng đất mới, môi trường mới và gặp gỡ những con người mới để loan báo niềm vui tin mừng. Xin cho chúng con ý thức được những điều mà Chúa đã căn dặn các môn đệ xưa kia mà áp dụng vào đời sống chúng con hôm nay, khi thi hành sứ mạng truyền giáo.

Suy niệm 2: Mt 11, 25-30.
Mạc khải cho biết, Đức Giêsu mang hai bản tính: Thiên tính và nhân tính. Nếu bỏ qua Thiên tính mà xét theo nhân tính, thì Tin mừng hôm nay cho biết Đức Giêsu là một người tuyệt vời, bởi Ngài luôn có được tâm an và khí hòa.
1. Với tâm an: Ngài đã nhìn mọi sự xảy đến trong đời sống hết sức an nhiên và bình thản. Trước những thành công, Ngài không tỏ ra hãnh diện và kiêu kỳ. Khi đối mặt với thất bại, Ngài không thua buồn, buông xuôi bỏ cuộc. Tất cả đều được Ngài nhìn dưới ánh sáng của niềm tín thác vào kế hoạch của Thiên Chúa Cha.
- Nhờ tâm an, nên Ngài sáng suốt nhận ra rằng: chính vì lòng đầy kiêu căng và tự mãn là nguyên nhân làm cho những người Biệt phái, các Kinh sư không còn khả năng đón nhận mầu nhiệm nước trời.
- Nhờ tâm an nên Ngài biết được: Do lòng khiêm tốn của những người thu thuế, tội lỗi, bệnh tật và ít học…, gọi chung là những kẻ bé mọn mà họ đón nhận được mầu nhiệm cao quý nước trời.
2. Với khí hòa: Ngài không nổi nóng và loại trừ những kẻ kiêu căng chống đối; cũng như không hãnh diện tự hào trước những người tin nhận và muốn tôn Ngài làm vua. Trái lại, Ngài sáng suốt hướng họ đến cách sống tốt đẹp hơn:
- Với những kẻ cứng cỏi và kiêu căng, Ngài mời gọi họ đến với Ngài để học lấy bài học quan trọng làm người đó là hiền lành và khiêm nhường.
- Với những người khiêm nhường và hiền lành, Ngài mời gọi họ tiến thêm một bước nữa trong đời sống đức tin mà sẵn sàng mang vào ách và vác lấy gánh của Ngài. Nghĩa là đi theo để thi hành giới luật tình yêu của Chúa dạy.
Dẫu biết rằng khi mang ách và vác lấy gánh của Chúa thì rất nặng nề và nhọc mệt. Bởi con đường theo Chúa là con đường hẹp và là đường thập giá. Biết thế, nên Chúa Giêsu tha thiết mời gọi những người này hãy đến với Ngài để Ngài nâng đỡ và bổ sức cho và Ngài đảm bảo rằng: “Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12,9).
Tóm lại sứ điệp lời Chúa hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng: Muốn có được tâm an, khí hòa mà bình tâm đón nhận những biến cố vui buồn trong cuộc sống; cũng như sáng suốt giải quyết mọi vấn đề một cách tốt đẹp nhất theo ý Chúa, chúng ta cần phải luôn có cái nhìn đức tin. Nhưng để có cái nhìn đức tin, đòi buộc trước hết chúng ta phải hoàn thiện đời sống nhân bản là hiền lành và khiêm nhường trong lòng.
Xin Chúa cho ta biết sống hiền lành (kỹ năng mềm) và khiêm tốn (kỹ năng thấp) trước Chúa,  tha nhân và lương tâm. Nhất là xin cho ta có được đức tin vững mạnh để can đảm đi theo Chúa đến cùng trong việc thực thi giới luật tình yêu mà Chúa chỉ dạy. Nhờ đó, ta mới xứng đáng trở thành những kẻ bé mọn trong nước trời. 

Thứ sáu: Lc 10, 13-16.
Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm người, Người luôn hiền hậu và khiêm nhường, đầy lòng yêu thương và nhân từ với mọi người, ngay cả tim đèn leo lét Người không nỡ dập tắt, cây lau bị ngã, Người không nỡ bẻ gãy. Thế nhưng tại sao bài Tin Mừng hôm nay lại ghi lại những lời quở trách nặng nề của Chúa dành cho những thành như: Corozain, Bethsaiđa hay Capharnaum?
Chúa Giê-su xuống thế làm người, sau 30 năm sống ẩn dật, Người ra đi rao giảng Tin Mừng, mạc khải Thiên Chúa Cha, kêu gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng. Những thành như Corozain, Bethsaiđa hay Capharnaum là những thành dân Israel, được diễm phúc in dấu chân của Chúa, được nghe những lời giáo huấn của Chúa, được chứng kiến những phép lạ Chúa làm. Nhưng những con người ở những thành này lại lòng chai dạ đá, cứng đầu cứng cổ, không chịu ăn năn sám hối, canh tân đời sống, khước từ những lời giảng dạy của Chúa. Thế là Chúa phải thốt lên những lời quở trách xem ra rất nặng nề: “khốn cho ngươi”. Giả như Chúa đến những thành dân ngoại như Tyrô và Siđon để rao giảng thì họ đã ăn năn sám hối và tin vào Chúa từ lâu rồi. Vì thế trong ngày phán xét nhưng thành đó sẽ được xét xử khoan hồng hơn những thành mà được Chúa rao giảng Tin Mừng và kêu gọi sám hối.
Vì sao những thành dân Israel lại không chịu ăn năn sám hối và tin theo Chúa. Có thể họ quá biết rõ con người Chúa Giê-su. Một con người xuất thân từ một gia đình nghèo ở một làng quê hẻo lánh và nghèo khổ, con của một bạc thợ mộc tầm thường. Họ không nhận ra nguồn gốc đích thực của Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa. Có thể họ tự hào là dân riêng của Chúa, là con cháu của tổ phụ Abraham, nên sẽ được Thiên Chúa nâng lên đến tận trời.
Những lời chúc dữ của Chúa Giê-su dành cho những thành như Corozain, Bethsaiđa hay Capharnaum cũng là bài học cho chúng ta hôm nay.
Chúng ta cũng được Chúa chọn làm dân riêng khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, được gia nhập vào cộng đoàn Hội Thánh, được lắng nghe Lời Chúa, được Hội Thánh dạy dỗ và hướng dẫn, nhất là Chúa ban cho chúng ta chính Mình và Máu Chúa để dưỡng nuôi linh hồn. Thế nhưng đời sống của chúng ta nhiều khi chẳng khác gì một người không biết Chúa, có khi còn tệ hơn nữa. Cũng bon chen, tranh giành, lọc lừa, mưu mô xảo quyệt như người đời, khước từ những lời giáo huấn của Hội Thánh mà sống đạo theo ý riêng của ta.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết nhận ra con người yếu đuối mong manh với những giới hạn, để luôn đón nhận những lời dạy dỗ bảo ban của Chúa qua những giáo huấn của Hội Thánh, qua những người thay mặt Chúa hướng dẫn. Đồng thời, xin Chúa ban thêm ơn can đảm giúp chúng con thực tâm sám hối ăn năn về những lỗi phạm của chúng con và không ngừng canh tân đổi mới đời sống sao cho phù hợp với thánh ý của Chúa.

Th bảy: Lc 10, 17-24.
Các môn đệ trở về sau khi ra đi loan báo Tin Mừng, lòng đầy hớn hở vui mừng vì thành quả đã đạt được. Nhưng Chúa bảo các ngài chớ vội mừng về những thành quả đó. Vì sao vậy? Có thể Chúa chưa hoàn thành sứ mạng cứu chuộc nhân loại mà Thiên Chúa Cha giao phó nên quyền lực ma quỷ và sự dữ vẫn còn hoành hành thế gian; cũng có thể Chúa không muốn các môn đệ tự cao tự mãn về những gì các ngài làm được. Chúa muốn các ngài hãy vui mừng vì phần thưởng dành cho các ngài ở trên trời.
Thật vậy! Quê thật của chúng ta, đích điểm của cuộc đời chúng ta là ở Nước Thiên Đàng. Cuộc sống ở trần gian chỉ là một cuộc lữ hành. Cho dù ở trần gian này có hạnh phúc thế nào đi nữa, rồi cũng sẽ qua, của cải vật chất có nhiều bao nhiêu, tất cả cũng sẽ hết khi ta nhắm mắt xuôi tay. Của cải trần gian chỉ là phương tiện cho ta sử dụng, ta phải sử dụng làm sao để đạt được Nước Trời mai sau.
Tất cả những điều trên, không phải ai cũng hiểu được. Chỉ những ai có tâm hồn đơn sơ bé nhỏ mới hiểu được những mạc khải của Thiên Chúa. Không phải Thiên Chúa không mạc khải cho những nhà thông thái, nhưng vì họ tự cho họ hiểu biết hết mọi sự, họ không cần ai dạy bảo và hướng dẫn. Ơn Thiên Chúa ban giống như mưa từ trời, ai biết đem đồ ra hứng thì mới lấy được nước mưa. Một ly nước đã đầy làm sao có thể đổ thêm nước vào nữa, có đổ vào thì nó cũng tràn ra ngoài; tâm hồn của một người đã bị lấp đầy những sự hiểu biết thế gian và đầu óc con người bị nhét đầy bởi tính tự cao tự mãn thì làm sao hiểu được những điều cao siêu mà Thiên Chúa mạc khải.
Các môn đệ là những người có phúc. Vì các môn đệ đang sống với Chúa, lắng nghe những lời giáo huấn của Chúa. Chúa Giê-su chính là mạc khải cuối cùng và là mạc khải trọn vẹn của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Điều mà các ngôn sứ và vua chúa thời xưa hằng mong ước. Ngày xưa, trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa mạc khải cho dân Ít-ra-en qua các ngôn sứ, các ngôn sứ chỉ loan báo Đấng Cứu Thế là Chúa Giê-su sẽ xuất hiện trong tương lai và các ngài hằng ao ước Đấng Cứu Thế sẽ đến vào thời các ngài. Nhưng mơ ước cũng chỉ là ước mơ.
Phúc của các môn đệ cũng là phúc của mỗi người chúng ta. Ngày hôm nay chúng ta sống trong thời Tân Ước, chúng ta không còn phải chờ đợi một mạc khải nào nữa từ Thiên Chúa. Chính Chúa Giê-su đã đến, Người chính là mạc khải trọn vẹn và cuối cùng của Thiên Chúa và Người đã mạc khải Thiên Chúa cho chúng ta, như có lần Người đã từng phán: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.  Thế mà nhiều khi chúng ta lại còn đi tìm kiếm những mạc khải khác, chúng ta tin vào những ma thuật bói toán, những tiên đoán này, nọ vì niềm tin của chúng ta đặt nơi Thiên Chúa chưa thật vững mạnh.
Lạy Chúa, xin Người củng cố và gia tăng thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con cảm thấy hạnh phúc được gọi Thiên Chúa là Cha, cảm nhận Chúa thật gần gũi và luôn hiện diện với chúng con trong cuộc sống hằng ngày. Còn gì hơn, khi chúng con được nghe chính Chúa dạy dỗ và hướng dẫn, được chính Chúa nuôi dưỡng bằng Mình Thánh Chúa mỗi khi tham dự thánh lễ, điều mà bao người mơ ước mà không được. Xin Chúa cũng soi lòng mở trí giúp chúng con hiểu rằng cuộc sống ở trần gian này chỉ là tạm bợ, chóng qua, đích điểm và mục đích cuối cùng của chúng con chính là phần thưởng Nước Trời, để chúng con luôn biết sống  theo thánh ý Chúa.




Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

CHÚA NHẬT XXV TN-B

“GU” LÃNH ĐẠO NÀO CHÚA MUỐN?
 Mc 9, 29-36
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu loan báo lần thứ 2 về cuộc khổ nạn của Người. Nhưng các tông đồ không hiểu hay không muốn hiểu vì những lời loan báo của Chúa Giêsu đi ngược lại với những gì các ông mong ước. Xin Chúa cho chúng ta hiểu rằng: muốn đạt đến vinh quang cần phải trải qua con đường thập giá.
Kinh nghiệm cho thấy, mỗi người có những sở thích hay “gu” khác nhau về: ăn mặc, giải trí, nghề nghiệp, bạn bè và lý tưởng…
Có thể nói “gu” của các tông đồ là được làm lớn, được ca tụng, được vinh dự… Do đó không lạ gì khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Người lần thứ hai: Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”, thì các tông đồ hình như không thích nên không hiểu hay không muốn hiểu, bởi điều đó không phải là “gu” mà các ông mong muốn nên“các ông sợ không dám hỏi Người”.
“Gu” các tông đồ muốn là được làm lớn, đứng đầu nên“dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất” (Mc 9,34).
“Gu” mà các tông đồ là muốn dễ dãi nên sau khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn lần thứ nhất, tông đồ Phêrô đã đứng ra can ngăn và đã bị Chúa Giêsu quở trách nặng lời: Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người(Mc 8, 33).
“Gu các tông đồ là muốn thống trị nên có lần ông Giacôbê và Gioan đã xin Chúa Giêsu sai lửa trời xuống để thiêu hủy làng Samaria vì không đón tiếp thầy trò các ông. “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?” (Lc 9,54). 
“Gu” các tông đồ là muốn độc quyền ân huệ Chúa nên không muốn cho người khác làm phép lạ như Thầy mình. Ông Gioan nói với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta" (Mc 9,38).
Tóm lại “gu” của các tông đồ khi theo Chúa Giêsu là vì quyền lực để được người khác phục vụ và tận hưởng vinh quang. Vì thế, những gì đi ngược lại với “gu” ấy đều nằm ngoài tai của các ông.
Rất có thể “gu” của các tông đồ cũng là  “gu” của chúng ta. Nhưng đó không phải là “gu” mà Chúa Giêsu muốn. “Gu” mà Chúa Giêsu mong muốn nơi người làm lớn, đứng đầu và lãnh đạo theo tinh thần môn đệ của Chúa Giêsu phải là:
- Tận tình phục vụ người khác trong khiêm tốn. “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Khi người lãnh đạo biết hạ mình xuống như trẻ nhỏ để phục vụ người khác cách vô vị lợi thì lúc ấy hình ảnh và giá trị của người lãnh đạo mới đẹp, thanh cao và đáng quý biết mấy. Ước mong trong đạo, ngoài đời đều có những vị lãnh đạo mang tinh thần ấy!
- Mở lòng đón tiếp mọi người, nhất là những người bé nhỏ. Lẽ thường tình ở đời, chúng ta thường thích tiếp đón và liên hệ với những người có chức vụ cao, vai trò lớn và những ai giàu sang; còn những người thấp cổ bé miệng, nghèo khó có vẻ không ai muốn qua lại. Phải chăng chúng ta chỉ xem trọng những mối tương quan nào có lợi cho chúng ta? Nhưng Chúa lại không muốn như thế. Chúa muốn chúng ta hãy vì danh Chúa mà đón tiếp những ai bé nhỏ, nghèo hèn. Khi chúng ta đón tiếp những ai bé nhỏ nghèo hèn là đón tiếp chính Chúa, không những là đón tiếp Chúa mà còn là đón tiếp Thiên Chúa Cha, vì Chúa Giê-su chính là Thiên Chúa nhập thể làm người. Chúa Giê-su đã từng nói về ngày phán xét chung: Ngày đó, Chúa sẽ xét hỏi mọi người về đức ái. Phần thưởng hay hình phạt là tùy thuộc vào việc có giúp đỡ những người đói ăn, khát nước, bệnh tật, trần truồng, khách lỡ đường, kẻ tù tội hay không? Đón tiếp và tận tâm giúp đỡ những con người đó chính là làm cho Chúa. Hy vọng mọi người đều có thái độ đón tiếp ân cần, quảng đại với hết mọi người, nhất là người nghèo!
Xin cho chúng ta biết từ bỏ “gu” làm lớn theo kiểu thế gian  để chấp nhận “gu” lãnh đạo theo tinh thần của Chúa mà sẵn sàng mở lòng đón tiếp những người bé nhỏ, nghèo hèn với tấm lòng yêu thương chân thành; và tận tâm phục vụ mọi người với lòng khiêm tốn, vô vị lợi theo gương Chúa Giêsu, cho dẫu phải trải qua con đường thập giá.

Thứ hai: Lc 8,16-18
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nhắc chúng ta về bản chất và sứ mạng đích thực của người Kitô hữu. Ta hãy lắng nghe Lời Chúa chỉ dạy để chấn chỉnh lại đời sống của mình cho phù hợp với bản chất và sứ vụ mà Chúa muốn.
- Nếu bản chất của chiếc đèn là để thắp sáng, thì đức tin chính là bản chất của người kitô hữu. Vì chúng ta được gọi là "tín hữu".
- Còn nếu sứ mạng của chiếc đèn là chiếu giải ánh sáng cho mọi người nhìn thấy, thì sứ mạng của người kitô hữu là chiếu tỏa ánh sáng đức tin ấy cho mọi người nhìn thấy bằng những việc làm cụ thể. Vì "Đức tin không có việc làm là đức tin chết " (Gc 2,17). Mà những việc làm cụ thể ấy chính là những việc lành. “Ánh sáng của anh em phải chiếu giải trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 16).
Qua bí tích rửa tội, chúng ta được Chúa trao ban cho ánh sáng Đức tin và kêu mời chúng ta chiếu tỏ ánh sáng đó cho trần gian. Nhờ ánh sáng của những việc làm vì đức tin ta mới có thể đẩy lui được những bóng tối của gian dối, ghen ghét, hận thù, tranh chấp, chia rẽ, đau khổ và sự chết ta khỏi cuộc sống để nhường lại cho ánh sáng của yêu thương, tha thứ, bác ái, niềm vui và sự sống…
Nếu mỗi chúng ta tích cực thắp lên ánh sáng của đức tin thì bóng tối của sự dữ sẽ tan biến. Ngược lại nếu ta ích kỷ chỉ giữ lại ánh sáng cho riêng mình hay che đậy nó lại thỉ sẽ nguy hại cho ta và cho người nên Chúa Giêsu khuyến cáo chúng ta : “vì ai có, sẽ được cho thêm, và ai không có, cả cái đang có cũng bị lấy mất” (Mc 4, 25)
Xin Chúa củng cố Đức Tin nơi mỗi chúng con để chúng con can đảm thắp lên ngọn lửa đức tin bằng những hành động bác ái cụ thể cho tha nhân, nhờ đó mà mọi người nhận ra danh thánh Chúa và ngợi ca Danh Người.

Thứ ba: Lc 8,19-21
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta biết những điều kiện cần thiết để xứng đáng trở nên thành viên trong gia đình của Người.
Nhờ tích tích rửa tội chúng ta trở thành con Chúa và là thành viên trong GH. Nên ngoài gia đình tự nhiên được liên hệ bằng huyết thống, chúng ta ta còn có một gia đình thiêng liêng nhờ được sinh ra trong đức tin.
Vì thế Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định thành viên trong gia đình của Chúa chính là những người biết “lắng nghe và thực hành Lời Chúa”.
Nếu để trở thành người con ngoan trong gia đình tự nhiên theo huyết thống ta phải lắng nghe và thi hành điều mà cha mẹ và anh chị hướng dẫn, chỉ bảo. Cũng vậy,  để trở thành con ngoan của Chúa và anh chị em thật sự với nhau trong gia đình thiêng liêng của đức tin, ta cần phải lắng nghe và thực hành Lời Chúa dưới sự hướng dẫn của GH.
Hơn ai hết Đức Maria là người luôn để tâm lắng nghe và mau mắn thi hành thánh ý Chúa trong suốt cuộc đời mình. Nên Đức Maria trở nên kiểu mẫu cho đời sống cho chúng ta.
Khi khám phá những giọt máu trong chiếc khăn liệm thành Turin, các nhà khoa học chứng minh cho biết đó là loại máu B: Bái ái, bao dung và bình an.
Xin cho chúng ta mang lấy dòng máu của Chúa Giêsu để ta cũng biết sống bác ái, bao dung và bình an qua việc thực thi lời dạy của Chúa. Nhờ đó ta xứng đáng trở thành người thân của Chúa trong gia đình thiêng liêng.

Thứ tư: Lc 9,1-6
Sứ mạng quan trọng nhất khi Chúa Giêsu đến trần gian này là loan báo Tin mừng, mang ơn cứu độ đến cho nhân loại. Sứ mạng ấy Chúa trao cho các tông đồ xưa và nay cho chúng ta. Xin cho chúng ta ý thức sứ mạng quan trọng ấy để nỗ lực thi hành cho thật tốt.
Để thực hiện sứ mạng giải thoát con người khỏi những đau khổ về thể xác và tinh thần do trói buộc bởi ma quỷ, một mình Đức Giêsu là đủ, vì Ngài là Thiên Chúa quyền năng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại không dùng cách thế đó. Trái lại, Chúa mời gọi chúng ta cộng tác.
Cụ thể bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chọn gọi 12 Tông Đồ, ban quyền trừ quỷ và chữa bệnh cho các ông và sai các ông đi rao giảng Tin mừng.
Khi lãnh nhận bí tích rửa tội và thêm sức là chúng ta đã lãnh nhận quyền năng của Chúa và được mời gọi để chia sẻ sứ mạng loan báo Tin mừng..
Cánh đồng truyền giáo thật mênh mông bát ngát. Chúa đã nhìn thấy lúa vàng đã chín rộ, nhưng ma quỷ lại đang phá hoại bằng biết bao phương cách, từ bên trong (tham, sân, si), cũng như bên ngoài (những trò chơi đồi trụy, sách báo, phim ảnh xấu) đã len lỏi và thấm nhập cách tinh vi vào tâm hồn chúng ta những tư tưởng xấu xa, tội lỗi.
Xin cho chúng ta biết canh tân đời sống bản thân, làm lành mạnh hóa đời sống tâm hồn; đồng thời cũng biết canh tân đổi mới những người chung quanh. Cụ thể là những người sống gần gũi: trong gia đình, trong xóm làng và nơi họ đạo chúng ta.
Xin Chúa ban cho Giáo hội nhiều tông đồ nhiệt thành để đẩy lùi sự dữ và khử trừ sự ô uế ra khỏi môi trường chúng ta đang sống.
Lạy Chúa, Chúa biết chúng con là những phận hèn sức yếu. Vì thế, Chúa không đòi hỏi chúng phải ra đi loan báo tin mừng ở những nơi xa xôi. Nhưng Chúa muốn chúng con biết tích cực gieo vãi yêu thương và bình an cho những người gần gủi chúng con. Xin cho chúng con ý thức và tích cực thực thi lời Chúa dạy. Amen.

Thứ năm: Lc 9,7-9
Thông thường mong muốn được gặp gỡ một ai đó là vì mộ mến, muốn được học hỏi những điều tốt đẹp nơi con người ấy. Nhưng khao khát gặp gỡ Chúa Giêsu của vua Hêrôđê không phải thế mà là vì hiếu kỳ nên ước muốn của ông bất thành.  Đó những điều mà Tin mừng hôm nay muốn nói với chúng ta.
Tin mừng hôm nay cho biết danh tiếng Chúa Giêsu được nhiều người biết đến, bởi những lời giảng dạy khôn ngoan và những phép lạ lớn lao Người thực hiện. Danh tiếng Người đã được mọi người ngưỡng mộ nên cả vua Hêrôđê cũng muốn gặp gỡ để tìm hiểu xem Đức Giêsu là Người thế nào.
Do đó ước muốn gặp gỡ của Vua Hêrôđê không phải là vì thiện chí nhưng là nhằm để:
- Xác định xem Đức Giêsu có phải là Gioan Tẩy Giả mà ông đã nhẫn tâm giết chết không?
- Vì hiếu kỳ muốn xem Đức Giêsu có thực sự tài năng xuất chúng như dân chúng đồn đoán không?
- Nhằm chấn an lương tâm bất ổn vì ông đã phạm quá nhiều tội ác: giết các hài nhi từ 2 tuổi trở xuống ở Bêlem và các vùng phụ cận khi Chúa Giêsu giáng sinh, khiến cho những tiếng khóc than ai oán thét gào không ngưng của bà Rakhen khóc thương con mình. Cướp lấy bà vợ của anh mình là bà Hêrôđia. Nhất là ra lệnh chém đầu Gioan Tẩy Giả.
Vì ý muốn gặp gỡ Chúa Giêsu không phát xuất từ ý định thiện hảo nên mãi khi Chúa Giêsu bị những người Do Thái và giới lãnh đạo tôn giáo bắt và đem đến trình diện để ông xử án, thì ông mới gặp được Chúa Giêsu. Nhưng trong cuộc gặp gỡ này ông cũng không đón nhận được bất cứ điều gì nơi Đức Giêsu. Bởi lẽ cuộc gặp gỡ này không phải vì chủ đích tốt lành; cũng như tâm hồn ông còn chất chứa quá nhiều tội ác mà không muốn sám hối thay đổi nên không trở nên ân phúc cho ông.  
Xin cho chúng ta luôn biết tìm đến Chúa bằng một tấm lòng chân thành khiêm tốn với ước muốn được đón nhận ơn tha thứ và lời chỉ dạy của Chúa. Nhờ đó ta mới có thể đón nhận những ơn lành của Chúa mà biến đổi cuộc đời nên tốt đẹp hơn.

Thứ sáu: Lc 9, 18-22
Đức Giêsu là ai? và con đường thực thi sứ mạng của Ngài là gì? Đó là điều mà Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ và với chúng ta qua đoạn Tin mừng hôm nay.
Sau một thời gian rao giảng thi hành sứ vụ đó đây, hôm nay Chúa Giêsu muốn làm một cuộc thăm dò có tính cách xã hội học. Nên Ngài phỏng vấn các môn đệ xem dư luận người ta bảo Thầy là ai?
Theo nghe ngóng đây đó, các môn đệ thấy có 3 luồng đánh giá về Thầy Giêsu.
Số người thì cho là Gioan Tẩy Giả, bởi lẽ Chúa Giêsu cũng có đời sống khắc khổ chay tịnh và mạnh mẽ lên án lối sống giả hình của người Pharisêu cũng như rao giảng về sự sám hối gần giống như Gioan Tẩy Gỉa. Một số người khác thì cho rằng là Êlia, bởi Chúa Giêsu cũng đã từng làm phép lạ tựa như Êlia xưa kia. Cũng có một số người xem Chúa Giêsu là một vị tiên tri vì cách chung họ cũng thấy Chúa cũng nói lời Chúa và tiên báo về những vấn đề tương lai như các tiên tri.
Nhưng có lẽ điều quan tâm nhất đối với Chúa Giêsu là các môn đệ hiểu về Ngài như thế nào? May mắn thay,  Phêrô đã thay mặt anh em tuyên xưng đúng như Ngài là: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại ngăn cấm các ông không được nói điều ấy với bất cứ ai cả và rồi Người mạc khải về con đường thương khó mà Người phải đi, để hoàn thành sứ mạng cứu độ theo thánh ý Chúa Cha. Qua lời loan báo này, Chúa Giêsu rất muốn các môn đệ và dân chúng phải hiểu đúng về vai trò đích thực “Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Đó là một Đấng Kitô cứu độ con người bằng con đường yêu thương:
- Chính vì yêu thương thế gian nên Chúa Giêsu đã chấp nhận từ  bỏ vinh quang và quyền thế của một vị Thiên Chúa tối cao để nhập thể làm người, ngoại trừ tội lỗi; đến nỗi những người Do Thái sống cùng thời với Người không nhận ra Thiên Tính đích thực của Người.
- Cũng vì quá yêu con người tội lỗi chúng ta, Chúa Giêsu đã chấp nhận đi vào con đường khổ nạn, đón nhận cái chết đau thương trên thập giá để cứu độ chúng ta theo thánh ý của Chúa Cha.
Xin cho chúng ta cảm nhận được tình thương lớn lao của Chúa, để ta biết nỗ lực sống xứng đáng với tình yêu ấy, cho dẫu phải đối mặt với bao gian nan thử thách trong cuộc sống hàng ngày.

Thứ bảy: Ga 1, 47-51
KÍNH TỔNG LÃNH CÁC THIÊN THẦN
Cùng với toàn thể Giáo Hội, hôm nay chúng ta cử hành Lễ Kính các Tổng Lãnh Thiên Thần: Micaen, Gabrien và Raphaen. Các ngài là tạo vật của do Thiên Chúa tạo dựng. Nhưng vì mang tính thiêng liêng nên ta không thấy được. Tuy nhiên các ngài luôn túc trực bên tòa Thiên Chúa để ca khen, chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa. Đồng thời các ngài cũng là sứ giả được Thiên Chúa sai đến với con người để thông truyền lại những ý định của Thiên Chúa và giúp sức cho con người chống lại sức mạnh của ma quỷ.
Xin cho chúng ta luôn yêu mến và kính nhớ đến các Tổng Lãnh Thiên Thần. Nhất là biết liên kết với các ngài để chống lại những cám dỗ của ma quỷ.
Dựa vào nền tảng Thánh Kinh, GH dạy cho ta biết TC dựng nên 2 thế giới. Một thế giới hữu hình vật chất và một thế giới vô hình thiêng liêng. Và tạo vật quan trọng nhất được TC dựng nên trong thế giới hữu hình là con người. Còn tạo vật đặc biệt cao quý nhất được TC tạo nên trong thế giới vô hình là các Thiên Thần.
Thánh Kinh cũng mạc khải cho biết có vô số các Thiên Thần, trong đó gồm có thần lành là các Thiên Thần và thần dữ là Luxiphe chống lại Thiên Chúa nên gọi là Satan.
Các Thiên Thần là sứ giả thần linh phục vụ Thiên Chúa và giúp đỡ con người.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác quyết với Nathanael về sự hiện hữu và hoạt động của các Thiên Thần trong thế giới, trong GH và trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Khi nói: Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người.”.
Có vô số các Thiên Thần nhưng Thánh Kinh chỉ nhấn mạnh đến tên ba vị Tổng Lãnh Thiên Thần là Mi-ca-en, Gáp-ri-en và Ra-pha-en. Cả 3 tổng lãnh đều có âm cuối là “en”. Trong tiếng Do Thái là “El” có nghĩa là Thiên Chúa.
- Tổng lãnh thiên thần Micaen. Tên gọi “Micael”, tiếng Do Thái có nghĩa “ai bằng Thiên Chúa”. Vì thế, sứ mạng của ngài là chiến đấu chống lại Satan, kẻ có tham vọng muốn trở nên như Thiên Chúa, và xúi dục con người chúng ta cũng ham muốn thiên tính theo nó (x. St 3); Vì thế Satan luôn cám dỗ con người đứng dưới cờ nó để tranh giành quyền ảnh hưởng của Thiên Chúa.
Sách Khải Huyền tường thuật cuộc chiến thắng khải hoàn của ngài và của các thiên thần trong cuộc chiến đấu chống lại Luxiphe (x. Kh 12, 7-12a). Chính vì thế, ảnh tượng của ngài luôn là vị tổng lãnh Thiên Thần uy dũng, tay cầm gươm, chân đạp đầu con rắn, vốn là hình ảnh của Satan.
Trong truyền thống GH còn tin rằng ngài là vị đặc biệt bảo vệ Mình Thánh Chúa, bảo vệ Đức Giáo Hoàng và GH. Ngài cũng luôn hiện diện với những người đang hấp hối để giúp họ chiến đấu trong trận chiến cuối cùng chống lại thần dữ và dẫn đưa các linh hồn qua đời đến trước tòa Thiên Chúa.
- Tổng lãnh thiên thần Gabrien. Tên gọi “Gabriel”, tiếng Do Thái có nghĩa là “sức mạnh của Thiên Chúa”. Ngài được chúng ta biết đến nhiều nhất, vì chính ngài, với tư cách là sứ giả truyền đạt tin vui của Thiên Chúa. Trong chương 8 của sách ngôn sứ Đa-ni-en, cho biết điều đó. Trong tân ước ngài mang đến cho con người những sứ điệp của niềm vui trọng đại qua việc truyền tin cho cho ông Dacaria, thánh Giuse và Đức Mẹ.
- Tổng lãnh Thiên Thần Raphaen. Tên gọi “Raphael”, tiếng Do Thái có nghĩa là “Thiên Chúa chữa trị”. Bởi vì, ngài có sứ vụ, thay mặt Thiên Chúa chữa lành tất các bệnh hoạn tật nguyền của loài người. Trong sách Tôbia (Tb 12, 15), Ngài là bạn đồng với Tôbia con và đã chữa mù mắt cho Tôbia cha được sáng. Truyền thống của Giáo Hội hiểu đoạn Tin Mừng sau đây: “Thỉnh thoảng có thiên thần Chúa xuống khuấy nước lên; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi” (Ga 5, 1-4) là hoạt động của Tổng Lãnh Thiên Thần Raphaen.
Như thế TC dựng nên các Thiên Thần để phụng sự Chúa; đồng thời cũng là để giúp đỡ chúng ta. Vì thế chúng ta hãy luôn biết hiệp với tâm tình của các Tổng Lãnh Thiên Thần ngợi khen vá chúc tụng Chúa không ngừng. Đồng thời xin cho chúng ta cũng biết năng tưởng và cầu xin với các Tổng Lãnh Thiên Thần gìn giữ, bảo vệ và cứu giúp chúng ta khỏi những cơn gian nan khốn khó.

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2018

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN 

Thứ hai: Lc 7, 1-10
Sống thế nào để đẹp lòng Thiên Chúa và được mọi người quý mến? Đó là điều mà bài tin mừng hôm nay muốn nói đến.
Lối sống cao đẹp của viên sĩ quan ngoại giáo người Rôma mà tin mừng thánh Luca hôm nay đề cập đến, đã được Chúa Giêsu khen ngợi; chắc chắn phải là lối sống mà Chúa mong muốn nơi người kitô hữu chúng ta phải vươn đến. Vậy đó là lối sống nào?
- Trước tiên là lối sống tử tế:
. Tử tế đối với người ăn kẻ ở của mình. Bằng tình thương chân thành qua việc tận tâm lo lắng và vất vả hy sinh tìm thầy chạy thuốc để cứu chữa cho người đầy tớ của ông đang bị bệnh nặng.
. Tử tế với Đức Giêsu. Với lòng kính trọng với Chúa Giêsu, ông nghĩ mình không xứng đáng đến gặp mặt Chúa Giêsu, nên đã nảy ra sáng kiến nhờ người có uy tín trong đạo thay ông đến gặp Chúa Giêsu để xin Người cứu chữa cho tên đầy tớ của ông. Hành động này cho thấy cung cách ứng xử hết sức tử tế mà ông dành cho Chúa Giêsu.
. Tử tế với dân tộc Do Thái. Việc làm tử tế của ông không chỉ giới hạn đối với cá nhân một ai đó mà việc làm tử tế của ông còn dành cho cả dân tộc Do Thái nữa. Chính vì vậy mà ông đã được người dân Do Thái quý mến và xác nhận: “ông ta đã yêu mến dân ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta”.
- Thứ đến ông có lòng khiêm tốn. Với chức vị là sĩ quan Rôma nên có quyền thế rất lớn trong xã hội. Đáng lẽ ra ông chỉ cần ra lệnh hay bắt buộc Đức Giêsu phải tùng phục theo mệnh lệnh của ông cũng là lẽ thường. Nhưng không, ông không chỉ nhận mình là người bé nhỏ không xứng đáng trực tiếp gặp Chúa Giêsu mà còn cho rằng ngay cả ngôi nhà của ông cũng không xứng hợp để Chúa Giêsu đặt bước chân vào: "Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi”. 
- Trên hết, ông ta là người có đức tin mạnh mẽ. Với kinh nghiệm của người lãnh đạo quân đội, ông hiểu rằng: chỉ cần cấp trên ra lệnh là cấp dưới phải phục tùng. Cũng vậy, với niềm xác tín mạnh mẽ vào Đức Giêsu là Đấng có uy quyền tối cao nên ông tin rằng chỉ cần Đức Giêsu phán một lời thì tên đầy tớ của ông sẽ lành mạnh. Với niềm xác tín như vậy nên Chúa Giêsu đã hết lời khen ngợi lòng tin của ông ta:“trong Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”. Chính vì đức tin mạnh mẽ của ông  mà Chúa Giêsu đã ra tay cứu chữa cho tên đầy tớ theo như ý nguyện mà ông mong muốn.
Xin cho chúng ta biết học nơi người sĩ quan Rôma ngoại giáo này những đức tính cao đẹp để được mọi người quý mến và xứng đáng đón nhận ơn lành của Chúa.

Thứ ba: Lc 7, 11-17
Tin mừng hôm nay trình thuật lại phép lạ Chúa Giêsu cứu sống con trai người đàn bà góa thành Naim. Qua đây minh chứng cho biết Đức Giêsu chính là Thiên Chúa quyền năng và giàu lòng thương xót. Xin cho chúng ta luôn vững tin vào Người, nhất là trong những lúc gặp gian nan thử thách.
Phép lạ của Chúa Giêsu cứu sống đứa con trai người đàn bà góa thành Naim hôm nay muốn nói với chúng ta 2 điều:
- Đức Giêsu chính là Thiên Chúa quyền năng: Sự sống con người là quý giá nhất. Sự sống ấy do chính Chúa tạo nên và ban tặng cho con người. Nên không ai có quyền trên sự sống ấy, ngoại trừ Thiên Chúa. Sự sống của đứa con trai bà góa thành Naim hôm nay đã mất, không ai trên trần gian này có thể phục hồi được, trừ một mình Thiên Chúa là chủ của sự sống. Nên khi Chúa Giêsu phục hồi sự sống của đứa con trai bà góa thành Naim, minh chứng cho biết Đức Giêsu chính là vị Thiên Chúa quyền năng.
- Đức Giêsu là Thiên Chúa giàu lòng thương xót: Với quan niệm của người Do Thái thời Chúa Giêsu thì người phụ nữ và con trẻ là thành phần thấp kém vì bị xã hội khinh thường. Người phụ nữ không được tham gia vào các công việc trong xã hội cũng như tôn giáo vì thế mà mất đi nguồn thu nhập cho cuộc sống nên tình cảnh sẽ rất khó khăn và nghèo khổ. Đứa con trai chính là niềm vui và hy vọng lớn lao của bà góa này. Nhưng nay niềm hy vọng của cuộc sống bà ta đã mất vì đứa con trai bà ta đã chết. Nhìn thấy tình cảnh đau thương ấy, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương và quyết định ra tay cứu sống đứa con trai duy nhất của bà góa và trao nó lại cho bà, cho dẫu đây là trường hợp không ai kêu xin Người. Trao đưa đứa con trai sống lại cho bà góa, cũng đồng nghĩa với việc trạo ban lại cho bà ánh sáng hy vọng và niềm vui.
Qua phép lạ này cho thấy: Đức Giêsu chính là vị Thiên Chúa quyền năng, nhưng cũng rất giàu lòng thương xót. Ngài đã dùng quyền năng của Ngài để thực thi lòng thương xót qua việc phục sinh đứa con trai của bà góa thành Naim, đem lại cho bà ta niềm niềm vui và hy vọng sáng tươi.
Xin cho chúng ta nhận ra được khuôn mặt của Thiên Chúa giàu lòng thương xót nơi Chúa Giêsu để chúng ta luôn biết yêu mến, vâng nghe và sống theo sự hướng dẫn của Người. Đặc biệt trong những lúc đau khổ và thất vọng xin cho chúng ta biết tìm đến nương tựa vào quyền năng và tình thương của Ngài.

Thứ tư: Lc 7, 31-35
Bằng lối so sánh dí dỏm, Chúa Giêsu đã dùng những hình ảnh của các trẻ em chơi đùa ngoài đường phố để phản ánh thái độ và lối sống tiêu cực của những người Biệt phái và Kinh sư.
- Với thái độ kiêu căng không muốn ai bằng mình nên những người Biệt phái và  Kinh sư tự xem mình là trung tâm vũ trụ. Họ luôn muốn đặt mình ở vị trí cao nhất, vì thế họ tự cho mình cái quyền phê phán và chê bai bất cứ người nào. Ngay cả Gioan Tẩy Gỉa người rất thánh thiện đạo đức được dân chúng ngưỡng mộ, vậy mà cũng bị họ chê bai hạ bệ:khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ngươi bảo: Người bị quỷ ám". Thậm chí cả Đức Giêsu được dân chúng ngưỡng mộ và được Gioan tẩy giả giới thiệu “Đấng quyền thế” ấy vậy mà họ vẫn ác ý tìm cách bôi xấu, khinh thường.Khi Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: "Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi".  
- Với lối sống tiêu cực đầy lòng ích kỷ như các trẻ nhỏ, những người Biệt phái và Kinh sư luôn đòi buộc mọi người phải tùng phục và làm theo ý của họ. Chưa bao giờ thấy họ khiêm tốn nhận ra khuyết điểm và sai trái của mình; cũng như không bao giờ thấy họ tôn trọng ý kiến và sống cho người khác.
Xin cho chúng ta biết loại khỏi lòng mình sự ích kỷ, lòng tự mãn để chúng ta biết khiêm tốn nhận ra những yếu đuối thiếu xót bản thân mà thấy được những điều tích cực tốt đẹp nơi tha nhân bằng cái nhìn trong sáng và chân thành.

Thứ năm: Lc 7, 36-50
Giáo lý công giáo dạy cho chúng ta biết: điều kiện quan trọng nhất để đón nhận sự tha thứ của Chúa khi lãnh nhận bí tích giao hòa, đó chính là ăn năn dốc lòng chừa tội.
- Ăn năn tội: Tức là thật lòng đau đớn vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa.
- Dốc lòng chừa: là quyết tâm chừa cải (không phạm tội nữa).
Ăn năn tội cách trọn là sự hối hận vì đã xúc phạm đến tình yêu. Ăn năn tội cách chẳng trọn là hối hận vì sợ hãi hình phạt.
Nói như vậy thì người phụ nữ tội lỗi có mặt trong nhà người Biệt phái mà bài tin mừng hôm nay nói đến đã hội đủ các điều kiện cần thiết để xứng đáng được Chúa tha thứ.
- Trước hết bà có lòng ăn năn cách trọn nên“bà đứng phía chân Chúa khóc nức nở, nước mắt đẩm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức dầu thơm”. Những hành vi này vừa nói lên nỗi đau đớn vì tội lỗi bà đã phạm. Vừa cho thấy bà cảm nghiệm được lòng khoan dung tha thứ của Chúa Giêsu nên bà sẵn sàng quên mình không sợ dư luận cũng như lề luật cấm mà can đảm đến với Chúa Giêsu.
- Thứ đến bà cũng quyết tâm dốc lòng chừa cải qua những hành động như hy sinh trút hết bình dầu thơm bạch ngọc để xức chân Chúa; khóc lóc bên chân Chúa; dùng mái tóc để lau chân Chúa và dành đôi môi để hôn chân Chúa… Tất cả cho thấy giờ đây bà đã sẵn sàng quyết tâm để biến đổi đời sống.
Lòng khiêm tốn ăn năn tội và quyết tâm đổi mới đời sống là điều kiện tiên quyết để bà xứng đáng đón nhận được lòng thương xót và sự tha thứ của Chúa Giêsu khi Người tuyên bố với ông Biệt phái mời Chúa đến dự tiệc: “tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều”. Rồi Người bảo người đàn bà: “Đức tin con đã cứu con, con hãy về bình an”.
Xin cho chúng ta biết khiêm tốn nhận ra những lầm lỗi thiếu xót của mình mà chân thành sám hối ăn năn và quyết tâm đổi mới đời sống như người đàn bà tội lỗi hôm nay hầu xứng đáng đón nhận tình thương và sự tha thứ của Chúa.

Thứ sáu: Mt 9, 9-13
KÍNH THÁNH MATTHÊU TÔNG ĐỒ
Cùng với GH hôm nay chúng ta mừng kính thánh Matthêu tông đồ. Cuộc đời và ơn gọi của Mathêu được biến đổi nhờ vào mong muốn của bản thân khi bắt gặp được ánh mắt cảm thông và lòng thương xót của Chúa Giêsu. Chúa cũng luôn nhìn chúng ta với ánh mắt cảm thông và đầy yêu thương.  Xin cho chúng ta cảm nhận được tình yêu ấy để mau chóng thay đổi đời sống mà sẵn sàng đi theo Chúa trên mọi nẻo đường theo gương của thánh Matthêu.
Về Matthêu, Thánh kinh không thấy nói về ngài nhiều. Chỉ biết tên của ngài là Lêvi, làm nghề thu thuế. Sống ở Caphanaum. Sau khi được Chúa Giêsu kêu gọi, ông bỏ lại tất cả để theo Chúa Giêsu làm tông đồ. Theo lưu truyền thì sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, ông rao giảng tin mừng cho người Do Thái tại Palestin ở vùng đất Ê-thi-ô-pi, Ba tư… ; sau đó tử đạo ở Ê-thi-ô-pi. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Matthêu đã ghi lại những hoạt động, cách sống và lời giảng dạy của Chúa Giêsu thành quyển Tin mừng vào khoảng năm 60.
Bài tin mừng được trích đọc hôm nay nói đến 2 điều: Lòng thương xót của Đức Giêsu và sự đáp trả nhanh chóng của Lêvi tội lỗi.
1. Lòng thương xót của Đức Giêsu. Nếu mọi người trong xã hội Do Thái thời bấy giờ khinh bỉ và xa lánh những người thu thuế, bởi vì họ cho rằng những người làm nghề này phạm vào 2 tội công khai không thể tha thứ được, đó là: cộng tác với đế quốc Rôma để bóc lột dân tộc mình; và lấy thuế vượt mức quy định để làm lợi cho mình. Nhưng hôm nay Lêvi đã bị chinh phục bởi cảm nhận được ánh mắt đầy yêu thương của Thầy Giêsu khi đi ngang qua bàn thu thuế của ông và bất ngờ hơn nữa là ông nhận ra Chúa Giêsu đã đặt niềm tin vào ông qua lời mời gọi theo Ngài.
2. Sự đáp trả nhanh chóng của Lêvi tội lỗi. Cảm nhận trước tình yêu và sự tin tưởng của Chúa Giêsu, Matthêu đã lập tức đứng dậy đi theo Chúa, cho dẫu phải bỏ lại tất cả, ngay cả cái nghề hái ra tiền cho dẫu mai này cuộc đời có bấp bênh đi nữa. Điều này cho thấy tận thâm tâm Matthêu đã luôn mong muốn có được cơ hội đổi đời và cơ hội ấy hôm nay đã đến với ông. Ông lập tức nắm lấy cơ hội ấy khi bắt gặp được ánh mắt giàu lòng thương xót và tin tưởng của Chúa Giêsu dành cho ông.
Xin cho chúng ta cảm nhận được ánh mắt đầy yêu thương của Chúa Giêsu và lời mời gọi chân tình của Người mà can đảm từ bỏ tất cả, ngay cả những gì đam mê nhất nơi trần gian để dấn bước theo Chúa cho đến cùng với sứ mạng sống và làm chứng cho niềm vui tin mừng tình thương của Chúa với hết khả năng của mình, theo gương Thánh Matthêu tông đồ.

Thứ bảy: Lc 8, 4-15
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu sánh ví tâm hồn của mỗi chúng ta như mảnh đất; và rất mong tâm hồn của ta là mảnh đất tốt để hạt giống Lời Chúa gieo vào được đơm hoa kết trái tốt lành.
Dụ ngôn người gieo hạt mà Chúa Giêsu nói đến hôm nay rất quen thuộc với người nông dân của chúng ta.
- Hình ảnh người gieo hạt đó chính là Thiên Chúa.
- Hạt giống chính là Lời Chúa.
- Các mảnh đất chính là tâm hồn của mỗi chúng ta.
Thiên Chúa thì luôn quảng đại và hào phóng sẵn sàng gieo Lời của Ngài đến với mọi nơi và mọi tâm hồn. Hạt giống Lời Chúa thì luôn mang mầm sự sống tốt và có khả năng trổ sinh dồi dào hoa trái tốt lành. Nhưng kết quả có sinh được nhiều hoa trái là những việc làm tốt lành hay không còn tùy thuộc rất nhiều vào mảnh đất tâm hồn của mỗi chúng ta.
Mong rằng tâm hồn của ta không trở nên chai lì như đất vệ đường, cũng đừng cứng cỏi như sỏi đá và bị nhiều vướng bận như đất đầy cỏ dại. Nhưng hãy là những tâm hồn thật tốt để hạt Lời Chúa có cơ mai đâm chồi nẩy lộc và trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng tốt đẹp sinh ích cho mình và hữu ích cho người khác.

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN-NĂM B Kn 1,13-15; 2,23-24; 2Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43 Suy niệm 1: ...