Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018


SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXVI TN, 2018

CHÚA NHẬ XXVI TN B
Xã hội luôn lên án mạnh mẻ tính cục bộ và loại trừ những ai có đầu óc bè phái. Đoàn kết nội bộ là điều đáng quý, nhưng kỳ thị và loại trừ những người khác là điều không nên.
Chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa dạy hôm nay để ta biết cách cư xử thế nào cho đúng ý muốn của Chúa.
Linh mục Anthony De Mello, chuyên viên huấn luyện tu đức, đã tưởng tượng câu chuyện dí dỏm như sau: "Đức Giêsu hay than phiền với các môn đệ là Ngài chưa một bao giờ được xem bóng đá, một hôm có người đưa Người đến sân bóng để xem trận đấu giữa hai đội tuyển Tin Lành và Công Giáo.
Vào trận không bao lâu, đội Công Giáo bắt đầu mở tỉ số trước 1-0, Đức Giêsu liền vỗ tay hoan hô vang dội và tung cả mũ lên trời. Nhưng chỉ vài phút sau, trong một đợt phản công đẹp mắt, đội Tin Lành chọc thũng lưới đội Công Gíao, khi ấy Đức Giêsu cũng lại vỗ tay reo hò và tung mũ cả lên trời y như lần trước.
Một khán giả ngồi bên cạnh tỏ vẻ khó chịu trước thái độ của Đức Giêsu, ông ta quay sang hỏi Người:
- Này ông ông, ông là cổ động viên của đội bóng nào vậy ? Đức Giêsu liền trả lời:
- Tôi à ? “Tôi chẳng ủng hộ đội nào cả. Tôi đến đây là để thưởng thức trận đấu mà thôi".
Người khán giả ấy càng tỏ ra khó chịu hơn về thái độ của Đức Giêsu, ông ta  quay sang nói nhỏ với người bên cạnh: "Hắn ta chắc là một gã vô thần!".
Trên đường về nhà, một môn đệ nói với Đức Giêsu:
- Thưa Thầy, những người có tôn giáo thật là buồn cười, họ tưởng rằng Thầy chỉ đứng về phe họ và chống lại tất cả những ai không cùng một tôn giáo với họ".
Đức Giêsu gật đầu tỏ ý đồng tình và bảo:
- Đó là lý do tại sao Thầy không ủng hộ đội bóng Tin Lành hay đội bóng Công Giáo, mà chỉ ủng hộ các cầu thủ nào đá hay thôi, dù họ thuộc đội nào đi nữa".
Câu chuyện trên làm cho chúng ta liên tưởng tới chủ đề của Lời Chúa hôm nay.
- Bài đọc 1 trích sách dân số, kể lại câu chuyện xảy ra từ thời ông Môsê, nghĩa là trước Chúa Giêsu giáng sinh khoảng 1250. Khi ấy Chúa bảo Môsê chọn trong dân 70 người để Chúa đổ ơn Chúa Thánh Thần xuống trên họ, nhờ đó họ được ơn nói tiên tri. Môsê đã chọn 70 người và Chúa đã ban cho họ ơn nói tiên tri. Nhưng khi đó cũng có 2 người khác không ở trong danh sách 70 người được chọn, họ cũng nói tiên tri. Một đứa bé thấy vậy chạy báo cho Môsê và người phụ tá của ông là ông Giôsuê biết được sự việc ấy. Nên ông đề nghị với Môsê ra lệnh nghiêm cấm 2 người ấy nói tiên tri. Lý do vì họ không thuộc nhóm 70. Như vậy, ngay từ thời xa xưa, con người đã có tính ganh tị và bè phái rồi.
- Và tính xấu ấy vẫn còn tiếp diễn đến thời các tông đồ. Bài tin mừng hôm nay cho biết: có một số người không thuộc nhóm 12 tông đồ. Họ thấy Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ và các tông đồ cũng làm được những phép lạ nữa. Thế là họ cũng nhân danh Chúa Giêu và cũng làm được phép lạ như các tông đồ. Thấy vậy, ông Gioan bực tức, đã ngăn cấm họ làm phép lạ và báo cáo lại cho Chúa Giêsu.  Gioan tưởng cấm như vậy là đẹp ý Chúa. Nhưng Chúa Giêsu bảo đừng ngăn cấm họ với một câu nói rất hay: “Ai không chống lại ta thì thuộc về Ta”.
Qua đó ta thấy, tính ghen tỵ và đầu bè phái đã có sẵn trong con người chúng ta từ thuở xa xưa và nó vẫn tiếp diễn đến thời các tông đồ. Tính xấu ấy có cả nơi  những người lãnh đạo như Giôsuê, sau này ông thay Môsê lãnh đạo dân Chúa tiến vào đất hứa; cũng như có nơi cả những người ở gần bên Chúa và được Chúa yêu như tông đồ Gioan. Chắc chắn lòng ghen tỵ, óc bè phái cũng sẽ có nơi mỗi người chúng ta hôm nay.  Vì thế, lời Chúa hôm cũng nhắc nhở mỗi chúng ta:
1. Hãy mặc lấy tinh thần bao dung và hợp tác như lời dạy của Chúa Giêsu: “Đừng ngăn cản người ta” làm điều tốt, những việc lành có ích cho tha nhân.
2. Hãy loại trừ óc bè phái và lợi ích nhóm. Đoàn kết nội bộ cho nhóm mình đó là điều cần nhưng chưa đủ, ta còn phải hiệp nhất và sống hài hòa với những người khác và nhóm khác nữa mới là điều Chúa mong muốn nơi chúng ta.
Xin Chúa giúp chúng ta biết loại trừ phương châm của thế gian: “ai không theo ta tức là nghịch ta” ra khỏi cuộc sống mà nổ lực thực hiện phương châm: “Ai không chống đối ta, tức là ủng hộ ta” theo như Chúa Giêsu chỉ dạy.

Thứ hai: Mt 18, 1-5
Kính thánh Têrêsa Hài Đồng Giê-su 
Dưới trần gian tranh giành địa vị, chức quyền đã đành. Trên trời mà còn tranh quyền đoạt lợi quả là một điều đáng trách. Thế mà các môn đệ xưa kia lại đưa lối suy nghĩ ấy vào chốn vĩnh cửu, nên các ngài không ngần ngại đặt vấn đề với Chúa: "ai là người lớn nhất trong nước trời".  
Chúa Giêsu không trả lời ai là người lớn nhất trong Nước Trời, nhưng Chúa cho biết cần phải có điều kiện như thế nào để được vào Nước Trời.
Điều kiện ấy chính là phải trở nên như trẻ nhỏ. Không phải chúng ta hóa kiếp trở lại làm trẻ nhỏ, nhưng Chúa muốn chúng ta phải có tinh thần trẻ nhỏ.
Vì trẻ nhỏ có lòng đơn sơ, chân thành. Chúa muốn chúng ta cũng hãy đơn sơ và chân thành như các trẻ nhỏ. Đừng mưu mô, lọc lừa, cho dẫu đôi lúc vì sự thật mà chúng ta phải chịu thiệt thòi, hay bị người khác hiểu lầm.
Vì trẻ nhỏ luôn tin tưởng phó thác cậy dựa vào cha mẹ. Chúa cũng muốn chúng ta luôn tin tưởng tín thác và cậy trông vào Chúa, cho dù cuộc sống có gặp nhiều gian lao vất vả.
Vì trẻ nhỏ luôn khiêm nhường biết mình có giới hạn nên không ngừng cố gắng học hỏi những điều hay lẽ phải từ cha mẹ, người lớn. Chúa cũng muốn chúng ta phải biết luôn lắng nghe lời Chúa. Chúng ta có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự thinh lặng trong tâm hồn, biết được thánh ý của Chúa qua việc nghe, đọc và suy niệm Lời Chúa, chúng ta cũng có thể biết được thánh ý Chúa qua những biến cố của cuộc đời hay những lời chỉ bảo khuyên răn chân tình của người khác.
Nói tóm lại, Chúa muốn chúng ta hãy sống tinh thần trẻ thơ, mặc dù chúng ta mang thân xác của người lớn. Ai sống được tinh thần như thế, mới được vào Nước Trời và là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.
Đây cũng là con đường mà thánh Têrêsa Hài Đồng Giê-su đã trải qua, đã sống. Thánh Têrêsa là một vị thánh rất trẻ, cuộc đời của ngài chỉ vọn vẹn 24 tuổi thanh xuân. Ngài đã chọn cho mình con đường nên thánh, con đường để được vào Nước Trời là con đường thơ ấu. Ngài yêu Chúa như một đứa con thơ yêu mến cha mẹ. Ngài làm những việc rất ư là tầm thường nhưng với tấm lòng phi thường. Thân xác ngài mỏng manh yếu đuối nhiều bệnh tật nhưng lòng mến ngài dành cho Chúa, cho những ai chưa tin nhận Chúa và những linh hồn trong luyện ngục thật nồng nàn chan chứa.
Noi gương thánh nữ, chúng ta cũng hãy trở nên bé nhỏ, để luôn tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa; nhận ra sự giới hạn yếu đuối của mình để biết lắng nghe tiếng Chúa dạy bảo và hướng dẫn; hãy yêu mến hết khả năng, sức lực, trí khôn như một đứa bé luôn yêu mến cha mẹ, luôn tìm mọi cách làm vui lòng cha mẹ của nó.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhớ rằng trước mặt Chúa, chúng con chỉ là những người con bé nhỏ, không có Chúa chúng con chẳng làm được chuyện gì và nếu chúng con có làm được chuyện gì đi nữa, tất cả cũng là ơn Chúa ban. Xin cho chúng con luôn biết phó thác cả cuộc đời chúng con cho Chúa, như đứa bé đặt trọn niềm tin vào cha mẹ. Để sau cuộc đời dương thế này, chúng con sẽ quây quần bên Chúa, hưởng sự hạnh phúc vĩnh cửu trong nhà Cha trên trời.

Th ba: Mt 18, 1-5.10.
Nhớ các Thiên Thần Hộ Thủ 
Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng Thiên Chúa dựng nên hai thế giới hữu hình và vô hình. Thế giới vô hình là thế giới thiêng liêng, mắt phàm không thấy được, thế giới thiêng liêng đó có các Thiên Thần.
Thiên Chúa dựng nên các Thiên Thần nhằm để thờ phượng Thiên Chúa, thi hành những mệnh lệnh của Thiên Chúa và giúp đỡ con người. Thiên Chúa dựng nên hằng vô số các Thiên Thần, nhưng có 3 Tổng Lãnh Thiên Thần là: Mi-ca-en, Gáp-ri-en và Ra-phen-en mà Hội Thánh đã mừng lễ vào ngày 29 tháng 09.
Riêng hôm nay cùng với Hội Thánh, chúng ta kính nhớ các Thiên Thần Bản Mệnh hay còn gọi là Thiên Thần Hộ Thủ. Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta một Thiên Thần Bản Mệnh riêng. Vị Thiên Thần này luôn gìn giữ bảo vệ chúng ta khỏi mọi sự hãm hại của ma quỷ; giúp chúng ta tránh xa mọi cám dỗ ma quỷ ở mọi nơi mọi lúc.
Vị Thiên Thần Hộ Thủ sẽ luôn ở bên cạnh chúng ta, đồng hành với chúng ta suốt cuộc đời dương thế cho đến khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay.
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su nhắc đến vị Thiên Thần này. Từ đó Chúa muốn chúng ta hãy tôn trọng phẩm giá mỗi người, chớ khinh thường bất cứ ai, nhất là những con người bé nhỏ nghèo hèn, vì mỗi người chúng ta đều mang hình ảnh Thiên Chúa, là con Thiên Chúa và được Thiên Chúa giao cho một vị Thiên Thần bảo vệ, gìn giữ. Đồng thời, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy trở nên như trẻ nhỏ. Vì trẻ nhỏ có tâm hồn đơn sơ trong trắng như Thiên Thần. Trẻ nhỏ biết mình yếu đuối mỏng manh nên luôn tin tưởng phó thác vào tình thương của Chúa.
Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa, vì Chúa đã thương ban cho mỗi người chúng con một vị Thiên Thần Hộ Thủ. Xin cho chúng con luôn nhớ tới Thiên Thần Hộ Thủ và  tích cực cộng tác với ngài để chống lại những cám dỗ của ma quỷ. Đồng thời xin Chúa cũng giúp chúng con biết  ý thức tôn trọng phẩm giá của con người, nhất là những con người bé nhỏ nghèo hèn mà sẵn sàng đón tiếp những người đó vì danh Chúa.

Thứ tư: Lc 9, 57-62.
Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết những điều kiện cần thiết phải có nếu muốn trở nên người môn đệ chân chính của Chúa Giêsu:
Người thứ nhất: tự nguyện xin theo Chúa bất cứ nơi đâu. Nhưng Chúa Giêsu cho biết theo Người sẽ phải chấp nhận cuộc sống vô sản: không nhà cửa, không tiền bạc, không nơi ăn chốn ở và phải phiêu bạt khắp nơi. "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con người không có nơi gối đầu". Không biết anh ta có chấp nhận theo hay không? Tin mừng không nói rõ.
Người thứ hai: Chúa Giêsu lại kêu gọi: "hãy theo Ta". Nhưng điều kiện anh ta đưa ra là: "xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã". Một điều kiện xem ra rất cấp thiết và phù hợp với đạo làm người, không ai có thể chối cải được. Nếu theo Chúa mà phải bỏ cha mẹ và không lo cho cha mẹ trong lúc cuối đời thì quả là người con bất hiếu, không xứng đạo làm người sao xứng đáng làm môn đệ của Chúa được. Ấy vậy mà Chúa Giêsu lại tỏ ra cương quyết đòi hỏi: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa". Chắn chắn là Chúa Giêsu không hề xem thường đạo hiếu bởi trong 10 điều răn thì ngay sau 3 điều răn đầu nói về bổn phận với Chúa, thì điều răn thừ 4 Chúa dạy phải thảo kính cha mẹ. Nhưng nếu một khi rơi vào tình thế phải chọn lựa giữa việc thờ và kính; giữa đạo làm người và làm con Chúa; nhất là giữa việc Chúa và việc con người; giữa ý Chúa và ý ta thì ta phải ưu tiên cho Chúa. Việc rao giảng Nước Thiên Chúa là việc làm tối quan trọng vì đem đến niềm vui tin mừng cứu độ đến cho con người nên phải là việc cấp bách và ưu tiên hàng đầu. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã quyết liệt đòi hỏi như thế. Tin mừng cũng không cho biết anh ta có theo Chúa Giêsu hay không.
Người thứ ba: cũng xin theo Chúa Giêsu với điều kiện là cho phép anh ta về từ giã gia đình trước đã. Nhưng Chúa Giêsu không đồng ý với lý do đó, Người nói :"ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa". Nếu theo Chúa mà còn vướn bận chuyện gia đình, còn lưu luyến bởi những tình cảm thân quen thì khó lòng mà dốc toàn tâm toàn lực cho Chúa và nước trời được. Do đó Chúa Giêsu đòi hỏi anh ta phải dứt khoát từ bỏ những vướn bận ấy mới xứng đáng làm môn đệ Người. Cuối cùng ta cũng không biết anh ta có theo Chúa hay không.
- Tóm lại: Muốn đi theo làm môn đệ Chúa Giêsu đòi hỏi ta không chỉ bỏ một phần hay từ từ, nhưng Chúa đòi ta phải từ bỏ cách dứt khoát và trọn vẹn để gắn bó đời mình cho Chúa và Nước Trời. Tiền bạc của cải, tình cảm gia đình, bổn phận trần thế... là những thứ rất cần thiết cho con người; nhưng nếu không vượt lên những thứ ấy để dành con tim trọn vẹn cho Chúa và Nước Trời, chắc chắn ta sẽ không xứng đáng làm môn đệ đích thực của Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta biết ưu tiên đặt Chúa làm trọng tâm trong đời sống chúng ta để sẵn sàng khướt từ mọi giá trị trần thế mà gắn kết đời ta trong Chúa và cho những giá trị của Tin mừng. 

Th năm: Nhớ thánh Phanxicô Assisi.

Suy niệm 1: Lc 10, 1-12.
Công đồng Vatican II khẳng định rõ rằng: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là truyền giáo” (Ecclesia peregrinans natura sua missionaria est, Ad gentes 2). Sẽ không còn là Giáo Hội nữa nếu như Giáo Hội không truyền giáo. Chính Chúa Giê-su, trước khi về cùng Thiên Chúa Cha, đã trao lại sứ mạng truyền giáo cho Giáo Hội qua các tông đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng”(Mc 16,15). Nhưng không phải đợi đến khi về trời, Chúa mới trao sứ mạng này cho các Tông Đồ, mà ngay khi còn ở tại thế, Chúa đã sai phái không chỉ 12 tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng mà Người còn chỉ định thêm 72 môn đệ nữa. Vì đây là sứ mạng quan trọng nên trước khi sai 72 môn đệ lên đường thi hành sứ vụ truyền giáo, Chúa Giêsu căn dặn các ông nhiều điều:
1. Gắn bó mật thiết với Chúa bằng cầu nguyện: Ý thức Thiên Chúa mới chính là chủ mùa gặt. Nên Chúa Giêsu bảo các môn đệ: “hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Bởi vì chỉ có Chúa mới đánh động lòng người và làm cho người ta tin vào Chúa; chứ con người không có khả năng làm được điều đó.
2 . Tin tưởng và phó thác vào Chúa: Khi thi hành sứ vụ loan báo tin mừng, Chúa muốn các môn đệ phải tuyệt đối tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa, đừng quá nương tựa vật chất: Ðừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép…”. Cũng đừng quá  sợ hãi khi đối mặt với những hiểm nguy như chiên con đi vào giữa bầy sói”.
3.  Sống tinh thần siêu thoát: Bằng lòng với cuộc sống hiện tại, không so đo tính toán, đứng núi này trông núi nọ: “Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Ðừng đi hết nhà nọ đến nhà kia”. Sẵn sàng cắt đứt mọi liên hệ với những ai không đón tiếp các ngài mà không hề vương vấn hay tiếc nối: “ vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần”.
4. Khiêm tốn cộng tác với nhau: Để loại trừ tính kiêu căng tự mãn, nhưng biết khiêm tốn đón nhận và hợp tác làm việc với anh em trong nhiệm cao quý là loan báo Tin mừng, nên Chúa đã “sai các ông cứ từng hai người một”. Nhờ cộng tác với nhau  nên lời chứng của các môn đệ đáng tin cậy và có sức mạnh lay động người nghe.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã từng băn khoăn khắc khoải khi nhìn thấy “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Hôm nay, cánh đồng truyền giáo vẫn còn bao la bát ngát. Vì thế, Chúa cũng muốn sai mỗi người chúng con ra đi khỏi vùng ngoại biên đi đến vùng đất mới, môi trường mới và gặp gỡ những con người mới để loan báo niềm vui tin mừng. Xin cho chúng con ý thức được những điều mà Chúa đã căn dặn các môn đệ xưa kia mà áp dụng vào đời sống chúng con hôm nay, khi thi hành sứ mạng truyền giáo.

Suy niệm 2: Mt 11, 25-30.
Mạc khải cho biết, Đức Giêsu mang hai bản tính: Thiên tính và nhân tính. Nếu bỏ qua Thiên tính mà xét theo nhân tính, thì Tin mừng hôm nay cho biết Đức Giêsu là một người tuyệt vời, bởi Ngài luôn có được tâm an và khí hòa.
1. Với tâm an: Ngài đã nhìn mọi sự xảy đến trong đời sống hết sức an nhiên và bình thản. Trước những thành công, Ngài không tỏ ra hãnh diện và kiêu kỳ. Khi đối mặt với thất bại, Ngài không thua buồn, buông xuôi bỏ cuộc. Tất cả đều được Ngài nhìn dưới ánh sáng của niềm tín thác vào kế hoạch của Thiên Chúa Cha.
- Nhờ tâm an, nên Ngài sáng suốt nhận ra rằng: chính vì lòng đầy kiêu căng và tự mãn là nguyên nhân làm cho những người Biệt phái, các Kinh sư không còn khả năng đón nhận mầu nhiệm nước trời.
- Nhờ tâm an nên Ngài biết được: Do lòng khiêm tốn của những người thu thuế, tội lỗi, bệnh tật và ít học…, gọi chung là những kẻ bé mọn mà họ đón nhận được mầu nhiệm cao quý nước trời.
2. Với khí hòa: Ngài không nổi nóng và loại trừ những kẻ kiêu căng chống đối; cũng như không hãnh diện tự hào trước những người tin nhận và muốn tôn Ngài làm vua. Trái lại, Ngài sáng suốt hướng họ đến cách sống tốt đẹp hơn:
- Với những kẻ cứng cỏi và kiêu căng, Ngài mời gọi họ đến với Ngài để học lấy bài học quan trọng làm người đó là hiền lành và khiêm nhường.
- Với những người khiêm nhường và hiền lành, Ngài mời gọi họ tiến thêm một bước nữa trong đời sống đức tin mà sẵn sàng mang vào ách và vác lấy gánh của Ngài. Nghĩa là đi theo để thi hành giới luật tình yêu của Chúa dạy.
Dẫu biết rằng khi mang ách và vác lấy gánh của Chúa thì rất nặng nề và nhọc mệt. Bởi con đường theo Chúa là con đường hẹp và là đường thập giá. Biết thế, nên Chúa Giêsu tha thiết mời gọi những người này hãy đến với Ngài để Ngài nâng đỡ và bổ sức cho và Ngài đảm bảo rằng: “Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12,9).
Tóm lại sứ điệp lời Chúa hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng: Muốn có được tâm an, khí hòa mà bình tâm đón nhận những biến cố vui buồn trong cuộc sống; cũng như sáng suốt giải quyết mọi vấn đề một cách tốt đẹp nhất theo ý Chúa, chúng ta cần phải luôn có cái nhìn đức tin. Nhưng để có cái nhìn đức tin, đòi buộc trước hết chúng ta phải hoàn thiện đời sống nhân bản là hiền lành và khiêm nhường trong lòng.
Xin Chúa cho ta biết sống hiền lành (kỹ năng mềm) và khiêm tốn (kỹ năng thấp) trước Chúa,  tha nhân và lương tâm. Nhất là xin cho ta có được đức tin vững mạnh để can đảm đi theo Chúa đến cùng trong việc thực thi giới luật tình yêu mà Chúa chỉ dạy. Nhờ đó, ta mới xứng đáng trở thành những kẻ bé mọn trong nước trời. 

Thứ sáu: Lc 10, 13-16.
Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm người, Người luôn hiền hậu và khiêm nhường, đầy lòng yêu thương và nhân từ với mọi người, ngay cả tim đèn leo lét Người không nỡ dập tắt, cây lau bị ngã, Người không nỡ bẻ gãy. Thế nhưng tại sao bài Tin Mừng hôm nay lại ghi lại những lời quở trách nặng nề của Chúa dành cho những thành như: Corozain, Bethsaiđa hay Capharnaum?
Chúa Giê-su xuống thế làm người, sau 30 năm sống ẩn dật, Người ra đi rao giảng Tin Mừng, mạc khải Thiên Chúa Cha, kêu gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng. Những thành như Corozain, Bethsaiđa hay Capharnaum là những thành dân Israel, được diễm phúc in dấu chân của Chúa, được nghe những lời giáo huấn của Chúa, được chứng kiến những phép lạ Chúa làm. Nhưng những con người ở những thành này lại lòng chai dạ đá, cứng đầu cứng cổ, không chịu ăn năn sám hối, canh tân đời sống, khước từ những lời giảng dạy của Chúa. Thế là Chúa phải thốt lên những lời quở trách xem ra rất nặng nề: “khốn cho ngươi”. Giả như Chúa đến những thành dân ngoại như Tyrô và Siđon để rao giảng thì họ đã ăn năn sám hối và tin vào Chúa từ lâu rồi. Vì thế trong ngày phán xét nhưng thành đó sẽ được xét xử khoan hồng hơn những thành mà được Chúa rao giảng Tin Mừng và kêu gọi sám hối.
Vì sao những thành dân Israel lại không chịu ăn năn sám hối và tin theo Chúa. Có thể họ quá biết rõ con người Chúa Giê-su. Một con người xuất thân từ một gia đình nghèo ở một làng quê hẻo lánh và nghèo khổ, con của một bạc thợ mộc tầm thường. Họ không nhận ra nguồn gốc đích thực của Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa. Có thể họ tự hào là dân riêng của Chúa, là con cháu của tổ phụ Abraham, nên sẽ được Thiên Chúa nâng lên đến tận trời.
Những lời chúc dữ của Chúa Giê-su dành cho những thành như Corozain, Bethsaiđa hay Capharnaum cũng là bài học cho chúng ta hôm nay.
Chúng ta cũng được Chúa chọn làm dân riêng khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, được gia nhập vào cộng đoàn Hội Thánh, được lắng nghe Lời Chúa, được Hội Thánh dạy dỗ và hướng dẫn, nhất là Chúa ban cho chúng ta chính Mình và Máu Chúa để dưỡng nuôi linh hồn. Thế nhưng đời sống của chúng ta nhiều khi chẳng khác gì một người không biết Chúa, có khi còn tệ hơn nữa. Cũng bon chen, tranh giành, lọc lừa, mưu mô xảo quyệt như người đời, khước từ những lời giáo huấn của Hội Thánh mà sống đạo theo ý riêng của ta.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết nhận ra con người yếu đuối mong manh với những giới hạn, để luôn đón nhận những lời dạy dỗ bảo ban của Chúa qua những giáo huấn của Hội Thánh, qua những người thay mặt Chúa hướng dẫn. Đồng thời, xin Chúa ban thêm ơn can đảm giúp chúng con thực tâm sám hối ăn năn về những lỗi phạm của chúng con và không ngừng canh tân đổi mới đời sống sao cho phù hợp với thánh ý của Chúa.

Th bảy: Lc 10, 17-24.
Các môn đệ trở về sau khi ra đi loan báo Tin Mừng, lòng đầy hớn hở vui mừng vì thành quả đã đạt được. Nhưng Chúa bảo các ngài chớ vội mừng về những thành quả đó. Vì sao vậy? Có thể Chúa chưa hoàn thành sứ mạng cứu chuộc nhân loại mà Thiên Chúa Cha giao phó nên quyền lực ma quỷ và sự dữ vẫn còn hoành hành thế gian; cũng có thể Chúa không muốn các môn đệ tự cao tự mãn về những gì các ngài làm được. Chúa muốn các ngài hãy vui mừng vì phần thưởng dành cho các ngài ở trên trời.
Thật vậy! Quê thật của chúng ta, đích điểm của cuộc đời chúng ta là ở Nước Thiên Đàng. Cuộc sống ở trần gian chỉ là một cuộc lữ hành. Cho dù ở trần gian này có hạnh phúc thế nào đi nữa, rồi cũng sẽ qua, của cải vật chất có nhiều bao nhiêu, tất cả cũng sẽ hết khi ta nhắm mắt xuôi tay. Của cải trần gian chỉ là phương tiện cho ta sử dụng, ta phải sử dụng làm sao để đạt được Nước Trời mai sau.
Tất cả những điều trên, không phải ai cũng hiểu được. Chỉ những ai có tâm hồn đơn sơ bé nhỏ mới hiểu được những mạc khải của Thiên Chúa. Không phải Thiên Chúa không mạc khải cho những nhà thông thái, nhưng vì họ tự cho họ hiểu biết hết mọi sự, họ không cần ai dạy bảo và hướng dẫn. Ơn Thiên Chúa ban giống như mưa từ trời, ai biết đem đồ ra hứng thì mới lấy được nước mưa. Một ly nước đã đầy làm sao có thể đổ thêm nước vào nữa, có đổ vào thì nó cũng tràn ra ngoài; tâm hồn của một người đã bị lấp đầy những sự hiểu biết thế gian và đầu óc con người bị nhét đầy bởi tính tự cao tự mãn thì làm sao hiểu được những điều cao siêu mà Thiên Chúa mạc khải.
Các môn đệ là những người có phúc. Vì các môn đệ đang sống với Chúa, lắng nghe những lời giáo huấn của Chúa. Chúa Giê-su chính là mạc khải cuối cùng và là mạc khải trọn vẹn của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Điều mà các ngôn sứ và vua chúa thời xưa hằng mong ước. Ngày xưa, trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa mạc khải cho dân Ít-ra-en qua các ngôn sứ, các ngôn sứ chỉ loan báo Đấng Cứu Thế là Chúa Giê-su sẽ xuất hiện trong tương lai và các ngài hằng ao ước Đấng Cứu Thế sẽ đến vào thời các ngài. Nhưng mơ ước cũng chỉ là ước mơ.
Phúc của các môn đệ cũng là phúc của mỗi người chúng ta. Ngày hôm nay chúng ta sống trong thời Tân Ước, chúng ta không còn phải chờ đợi một mạc khải nào nữa từ Thiên Chúa. Chính Chúa Giê-su đã đến, Người chính là mạc khải trọn vẹn và cuối cùng của Thiên Chúa và Người đã mạc khải Thiên Chúa cho chúng ta, như có lần Người đã từng phán: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.  Thế mà nhiều khi chúng ta lại còn đi tìm kiếm những mạc khải khác, chúng ta tin vào những ma thuật bói toán, những tiên đoán này, nọ vì niềm tin của chúng ta đặt nơi Thiên Chúa chưa thật vững mạnh.
Lạy Chúa, xin Người củng cố và gia tăng thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con cảm thấy hạnh phúc được gọi Thiên Chúa là Cha, cảm nhận Chúa thật gần gũi và luôn hiện diện với chúng con trong cuộc sống hằng ngày. Còn gì hơn, khi chúng con được nghe chính Chúa dạy dỗ và hướng dẫn, được chính Chúa nuôi dưỡng bằng Mình Thánh Chúa mỗi khi tham dự thánh lễ, điều mà bao người mơ ước mà không được. Xin Chúa cũng soi lòng mở trí giúp chúng con hiểu rằng cuộc sống ở trần gian này chỉ là tạm bợ, chóng qua, đích điểm và mục đích cuối cùng của chúng con chính là phần thưởng Nước Trời, để chúng con luôn biết sống  theo thánh ý Chúa.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...