SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT XXV TN-B
“GU” LÃNH ĐẠO NÀO CHÚA MUỐN?
Mc 9, 29-36
Tin mừng
hôm nay, Chúa Giêsu loan báo lần thứ 2 về cuộc khổ nạn của Người. Nhưng các
tông đồ không hiểu hay không muốn hiểu vì những lời loan báo của Chúa Giêsu đi
ngược lại với những gì các ông mong ước. Xin Chúa cho chúng ta hiểu rằng: muốn
đạt đến vinh quang cần phải trải qua con đường thập giá.
Kinh nghiệm cho thấy, mỗi người có
những sở thích hay “gu” khác nhau về: ăn mặc, giải trí, nghề nghiệp, bạn bè và
lý tưởng…
Có thể nói “gu” của các tông đồ là
được làm lớn, được ca tụng, được vinh dự… Do đó không lạ gì khi Chúa Giêsu loan
báo về cuộc khổ nạn của Người lần thứ hai: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã
bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”, thì các
tông đồ hình như không thích nên không hiểu hay không muốn hiểu, bởi điều đó không phải
là “gu” mà các ông mong muốn nên“các ông
sợ không dám hỏi Người”.
“Gu” các tông đồ muốn là được làm
lớn, đứng đầu nên“dọc đàng
các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất” (Mc 9,34).
“Gu” mà các tông đồ là muốn dễ dãi
nên sau khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn lần thứ nhất, tông đồ Phêrô đã
đứng ra can ngăn và đã bị Chúa Giêsu quở trách nặng lời: “Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc
Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người” (Mc 8, 33).
“Gu các tông đồ là muốn thống trị
nên có lần ông Giacôbê và Gioan đã xin Chúa Giêsu sai lửa trời xuống để thiêu
hủy làng Samaria vì không đón tiếp thầy trò các ông. “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống
thiêu hủy chúng nó không?” (Lc 9,54).
“Gu” các tông đồ là muốn độc quyền
ân huệ Chúa nên không muốn cho người khác làm phép lạ như Thầy mình. “Ông
Gioan nói với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy
mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta" (Mc
9,38).
Tóm lại “gu” của các tông đồ khi
theo Chúa Giêsu là vì quyền lực để được người khác phục vụ và tận hưởng vinh
quang. Vì thế, những gì đi ngược lại với “gu” ấy đều nằm ngoài tai của các ông.
Rất có thể “gu” của các tông đồ cũng là “gu” của chúng
ta. Nhưng đó không phải là “gu” mà Chúa Giêsu muốn. “Gu” mà Chúa Giêsu mong
muốn nơi người làm lớn, đứng đầu và lãnh đạo theo
tinh thần môn đệ của Chúa Giêsu phải là:
- Tận
tình phục vụ người khác trong khiêm tốn. “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự
làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Khi người lãnh đạo biết hạ mình xuống
như trẻ nhỏ để phục vụ người khác cách vô vị lợi thì lúc ấy hình ảnh và giá trị
của người lãnh đạo mới đẹp, thanh cao và đáng quý biết mấy. Ước mong trong đạo,
ngoài đời đều có những vị lãnh đạo mang tinh thần ấy!
- Mở
lòng đón tiếp mọi người, nhất là những người bé nhỏ. Lẽ thường tình ở đời, chúng ta thường thích tiếp đón và liên hệ với những
người có chức vụ cao, vai trò lớn và những ai giàu sang; còn những người thấp cổ
bé miệng, nghèo khó có vẻ không ai muốn qua lại. Phải chăng chúng ta chỉ xem trọng
những mối tương quan nào có lợi cho chúng ta? Nhưng Chúa lại không muốn
như thế. Chúa muốn chúng ta hãy vì danh Chúa mà đón tiếp những ai bé nhỏ, nghèo
hèn. Khi chúng ta đón tiếp những ai bé nhỏ nghèo hèn là đón tiếp chính Chúa,
không những là đón tiếp Chúa mà còn là đón tiếp Thiên Chúa Cha, vì Chúa Giê-su
chính là Thiên Chúa nhập thể làm người. Chúa
Giê-su đã từng nói về ngày phán xét chung: Ngày đó, Chúa sẽ xét hỏi mọi người về
đức ái. Phần thưởng hay hình phạt là tùy thuộc vào việc có giúp đỡ những người
đói ăn, khát nước, bệnh tật, trần truồng, khách lỡ đường, kẻ tù tội hay không?
Đón tiếp và tận tâm giúp đỡ những con người đó chính là làm cho Chúa. Hy vọng mọi
người đều có thái độ đón tiếp ân cần, quảng đại với hết mọi người, nhất là người
nghèo!
Xin cho chúng ta biết từ bỏ “gu” làm
lớn theo kiểu thế gian để chấp nhận “gu”
lãnh đạo theo tinh thần của Chúa mà sẵn sàng mở lòng đón tiếp những
người bé nhỏ, nghèo hèn với tấm lòng yêu thương chân thành; và tận tâm phục vụ
mọi người với lòng khiêm tốn, vô vị lợi theo gương Chúa Giêsu, cho dẫu phải trải
qua con đường thập giá.
Thứ hai: Lc 8,16-18
Tin mừng
hôm nay Chúa Giêsu nhắc chúng ta về bản chất và sứ mạng đích thực của người
Kitô hữu. Ta hãy lắng nghe Lời Chúa chỉ dạy để chấn chỉnh lại đời sống của mình
cho phù hợp với bản chất và sứ vụ mà Chúa muốn.
- Nếu bản chất của chiếc đèn
là để thắp sáng, thì đức tin chính là bản chất của người kitô hữu. Vì chúng ta
được gọi là "tín hữu".
- Còn nếu sứ mạng của chiếc
đèn là chiếu giải ánh sáng cho mọi người nhìn thấy, thì sứ mạng của người kitô
hữu là chiếu tỏa ánh sáng đức tin ấy cho mọi người nhìn thấy bằng những việc
làm cụ thể. Vì "Đức tin không có việc làm là đức tin chết "
(Gc 2,17). Mà những việc làm cụ thể ấy chính là những việc lành. “Ánh
sáng của anh em phải chiếu giải trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc
tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,
16).
Qua bí tích rửa tội, chúng ta
được Chúa trao ban cho ánh sáng Đức tin và kêu mời chúng ta chiếu tỏ ánh sáng
đó cho trần gian. Nhờ ánh
sáng của những việc làm vì đức tin ta mới có thể đẩy lui được những bóng tối
của gian dối, ghen ghét, hận thù, tranh chấp, chia rẽ, đau khổ và sự chết ta
khỏi cuộc sống để nhường lại cho ánh sáng của yêu thương, tha thứ, bác ái, niềm
vui và sự sống…
Nếu mỗi chúng ta tích cực thắp lên
ánh sáng của đức tin thì bóng tối của sự dữ sẽ tan biến. Ngược lại nếu ta ích
kỷ chỉ giữ lại ánh sáng cho riêng mình hay che đậy nó lại thỉ sẽ nguy hại cho
ta và cho người nên Chúa Giêsu khuyến cáo chúng ta : “vì ai có, sẽ được cho
thêm, và ai không có, cả cái đang có cũng bị lấy mất” (Mc 4, 25)
Xin Chúa củng cố Đức Tin nơi
mỗi chúng con để chúng con can đảm thắp lên ngọn lửa đức tin bằng những hành
động bác ái cụ thể cho tha nhân, nhờ đó mà mọi người nhận ra danh thánh Chúa và
ngợi ca Danh Người.
Thứ ba: Lc 8,19-21
Tin mừng
hôm nay Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta biết những điều kiện cần thiết để xứng
đáng trở nên thành viên trong gia đình của Người.
Nhờ tích tích rửa tội chúng
ta trở thành con Chúa và là thành viên trong GH. Nên ngoài gia đình tự nhiên được
liên hệ bằng huyết thống, chúng ta ta còn có một gia đình thiêng liêng nhờ được
sinh ra trong đức tin.
Vì thế Tin mừng hôm nay, Chúa
Giêsu khẳng định thành viên trong gia đình của Chúa chính là những người biết “lắng nghe và thực hành Lời Chúa”.
Nếu để trở thành người con
ngoan trong gia đình tự nhiên theo huyết thống ta phải lắng nghe và thi hành
điều mà cha mẹ và anh chị hướng dẫn, chỉ bảo. Cũng vậy, để trở thành con ngoan của Chúa và anh chị em
thật sự với nhau trong gia đình thiêng liêng của đức tin, ta cần phải lắng nghe
và thực hành Lời Chúa dưới sự hướng dẫn của GH.
Hơn ai hết Đức Maria là người
luôn để tâm lắng nghe và mau mắn thi hành thánh ý Chúa trong suốt cuộc đời
mình. Nên Đức Maria trở nên kiểu mẫu cho đời sống cho chúng ta.
Khi khám phá những giọt máu
trong chiếc khăn liệm thành Turin, các nhà khoa học chứng minh cho biết đó là
loại máu B: Bái ái, bao dung và bình an.
Xin cho chúng ta mang lấy
dòng máu của Chúa Giêsu để ta cũng biết sống bác ái, bao dung và bình an qua
việc thực thi lời dạy của Chúa. Nhờ đó ta xứng đáng trở thành người thân của
Chúa trong gia đình thiêng liêng.
Thứ tư: Lc 9,1-6
Sứ mạng
quan trọng nhất khi Chúa Giêsu đến trần gian này là loan báo Tin mừng, mang ơn
cứu độ đến cho nhân loại. Sứ mạng ấy Chúa trao cho các tông đồ xưa và nay cho
chúng ta. Xin cho chúng ta ý thức sứ mạng quan trọng ấy để nỗ lực thi hành cho
thật tốt.
Để thực hiện sứ mạng giải thoát con
người khỏi những đau khổ về thể xác và tinh thần do trói buộc bởi ma quỷ, một
mình Đức Giêsu là đủ, vì Ngài là Thiên Chúa quyền năng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu
lại không dùng cách thế đó. Trái lại, Chúa mời gọi chúng ta cộng tác.
Cụ thể bài tin mừng hôm nay, Chúa
Giêsu chọn gọi 12 Tông Đồ, ban quyền trừ quỷ và chữa bệnh cho các ông và sai
các ông đi rao giảng Tin mừng.
Khi lãnh nhận bí tích rửa tội và
thêm sức là chúng ta đã lãnh nhận quyền năng của Chúa và được mời gọi để chia
sẻ sứ mạng loan báo Tin mừng..
Cánh đồng truyền giáo thật mênh
mông bát ngát. Chúa đã nhìn thấy lúa vàng đã chín rộ, nhưng ma quỷ lại đang phá
hoại bằng biết bao phương cách, từ bên trong (tham, sân, si), cũng như bên
ngoài (những trò chơi đồi trụy, sách báo, phim ảnh xấu) đã len lỏi và thấm nhập
cách tinh vi vào tâm hồn chúng ta những tư tưởng xấu xa, tội lỗi.
Xin cho chúng ta biết canh tân đời
sống bản thân, làm lành mạnh hóa đời sống tâm hồn; đồng thời cũng biết canh tân
đổi mới những người chung quanh. Cụ thể là những người sống gần gũi: trong gia
đình, trong xóm làng và nơi họ đạo chúng ta.
Xin Chúa ban cho Giáo hội nhiều
tông đồ nhiệt thành để đẩy lùi sự dữ và khử trừ sự ô uế ra khỏi môi trường
chúng ta đang sống.
Lạy Chúa, Chúa biết chúng con là
những phận hèn sức yếu. Vì thế, Chúa không đòi hỏi chúng phải ra đi loan báo
tin mừng ở những nơi xa xôi. Nhưng Chúa muốn chúng con biết tích cực gieo vãi
yêu thương và bình an cho những người gần gủi chúng con. Xin cho chúng con ý
thức và tích cực thực thi lời Chúa dạy. Amen.
Thứ năm: Lc 9,7-9
Thông
thường mong muốn được gặp gỡ một ai đó là vì mộ mến, muốn được học hỏi những
điều tốt đẹp nơi con người ấy. Nhưng khao khát gặp gỡ Chúa Giêsu của vua Hêrôđê
không phải thế mà là vì hiếu kỳ nên ước muốn của ông bất thành. Đó những điều
mà Tin mừng hôm nay muốn nói với chúng ta.
Tin mừng hôm nay cho biết danh
tiếng Chúa Giêsu được nhiều người biết đến, bởi những lời giảng dạy khôn ngoan
và những phép lạ lớn lao Người thực hiện. Danh tiếng Người đã được mọi người
ngưỡng mộ nên cả vua Hêrôđê cũng muốn gặp gỡ để tìm hiểu xem Đức Giêsu là Người
thế nào.
Do đó ước muốn gặp gỡ của Vua
Hêrôđê không phải là vì thiện chí nhưng là nhằm để:
- Xác định xem Đức Giêsu có phải là
Gioan Tẩy Giả mà ông đã nhẫn tâm giết chết không?
- Vì hiếu kỳ muốn xem Đức Giêsu có
thực sự tài năng xuất chúng như dân chúng đồn đoán không?
- Nhằm chấn an lương tâm bất ổn vì
ông đã phạm quá nhiều tội ác: giết các hài nhi từ 2 tuổi trở xuống ở Bêlem và
các vùng phụ cận khi Chúa Giêsu giáng sinh, khiến cho những tiếng khóc than ai
oán thét gào không ngưng của bà Rakhen khóc thương con
mình. Cướp lấy bà vợ của anh mình là bà Hêrôđia. Nhất là ra lệnh chém đầu
Gioan Tẩy Giả.
Vì ý muốn gặp gỡ Chúa Giêsu không
phát xuất từ ý định thiện hảo nên mãi khi Chúa Giêsu bị những người Do Thái và
giới lãnh đạo tôn giáo bắt và đem đến trình diện để ông xử án, thì ông mới gặp
được Chúa Giêsu. Nhưng trong cuộc gặp gỡ này ông cũng không đón nhận được bất
cứ điều gì nơi Đức Giêsu. Bởi lẽ cuộc gặp gỡ này không phải vì chủ đích tốt
lành; cũng như tâm hồn ông còn chất chứa quá nhiều tội ác mà không muốn sám hối
thay đổi nên không trở nên ân phúc cho ông.
Xin cho chúng ta luôn biết tìm đến
Chúa bằng một tấm lòng chân thành khiêm tốn với ước muốn được đón nhận ơn tha
thứ và lời chỉ dạy của Chúa. Nhờ đó ta mới có thể đón nhận những ơn lành của
Chúa mà biến đổi cuộc đời nên tốt đẹp hơn.
Thứ sáu: Lc 9, 18-22
Đức
Giêsu là ai? và con đường thực thi sứ mạng của Ngài là gì? Đó là điều mà Chúa
Giêsu muốn nói với các môn đệ và với chúng ta qua đoạn Tin mừng hôm nay.
Sau một thời gian rao giảng thi
hành sứ vụ đó đây, hôm nay Chúa Giêsu muốn làm một cuộc thăm dò có tính cách xã
hội học. Nên Ngài phỏng vấn các môn đệ xem dư luận người ta bảo Thầy là ai?
Theo nghe ngóng đây đó, các môn đệ
thấy có 3 luồng đánh giá về Thầy Giêsu.
Số người thì cho là Gioan Tẩy Giả,
bởi lẽ Chúa Giêsu cũng có đời sống khắc khổ chay tịnh và mạnh mẽ lên án lối
sống giả hình của người Pharisêu cũng như rao giảng về sự sám hối gần giống như
Gioan Tẩy Gỉa. Một số người khác thì cho rằng là Êlia, bởi Chúa Giêsu cũng đã
từng làm phép lạ tựa như Êlia xưa kia. Cũng có một số người xem Chúa Giêsu là
một vị tiên tri vì cách chung họ cũng thấy Chúa cũng nói lời Chúa và tiên báo
về những vấn đề tương lai như các tiên tri.
Nhưng có lẽ điều quan tâm nhất đối
với Chúa Giêsu là các môn đệ hiểu về Ngài như thế nào? May mắn thay, Phêrô đã thay mặt anh em tuyên xưng đúng như
Ngài là: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại ngăn cấm các ông
không được nói điều ấy với bất cứ ai cả và rồi Người mạc khải về con đường thương khó mà
Người phải đi, để hoàn thành sứ mạng cứu độ theo thánh ý Chúa Cha. Qua lời loan
báo này, Chúa Giêsu rất muốn các môn đệ và dân chúng phải hiểu đúng về vai trò
đích thực “Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Đó
là một Đấng Kitô cứu độ con người bằng con đường yêu thương:
- Chính vì yêu thương thế gian nên
Chúa Giêsu đã chấp nhận từ bỏ vinh quang
và quyền thế của một vị Thiên Chúa tối cao để nhập thể làm người, ngoại trừ tội
lỗi; đến nỗi những người Do Thái sống cùng thời với Người không nhận ra Thiên
Tính đích thực của Người.
- Cũng vì quá yêu con người tội lỗi
chúng ta, Chúa Giêsu đã chấp nhận đi vào con đường khổ nạn, đón nhận cái chết
đau thương trên thập giá để cứu độ chúng ta theo thánh ý của Chúa Cha.
Xin cho chúng ta cảm
nhận được tình thương lớn lao của Chúa, để ta biết nỗ lực sống xứng đáng với
tình yêu ấy, cho dẫu phải đối mặt với bao gian nan thử thách trong cuộc sống hàng ngày.
Thứ bảy: Ga 1, 47-51
KÍNH
TỔNG LÃNH CÁC THIÊN THẦN
Cùng với
toàn thể Giáo Hội, hôm nay chúng ta cử hành Lễ Kính các Tổng Lãnh Thiên Thần:
Micaen, Gabrien và Raphaen. Các ngài là tạo vật của do Thiên Chúa tạo dựng. Nhưng
vì mang tính thiêng liêng nên ta không thấy được. Tuy nhiên các ngài luôn túc
trực bên tòa Thiên Chúa để ca khen, chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa. Đồng thời
các ngài cũng là sứ giả được Thiên Chúa sai đến với con người để thông truyền
lại những ý định của Thiên Chúa và giúp sức cho con người chống lại sức mạnh
của ma quỷ.
Xin cho
chúng ta luôn yêu mến và kính nhớ đến các Tổng Lãnh Thiên Thần. Nhất là biết
liên kết với các ngài để chống lại những cám dỗ của ma quỷ.
Dựa vào nền tảng Thánh Kinh, GH dạy
cho ta biết TC dựng nên 2 thế giới. Một thế giới hữu hình vật chất và một thế
giới vô hình thiêng liêng. Và tạo vật quan trọng nhất được TC dựng nên trong
thế giới hữu hình là con người. Còn tạo vật đặc biệt cao quý nhất được TC tạo
nên trong thế giới vô hình là các Thiên Thần.
Thánh Kinh cũng mạc khải cho biết
có vô số các Thiên Thần, trong đó gồm có thần lành là các Thiên Thần và
thần dữ là Luxiphe chống lại Thiên Chúa nên gọi là Satan.
Các Thiên Thần là sứ giả thần linh
phục vụ Thiên Chúa và giúp đỡ con người.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu
xác quyết với Nathanael về sự hiện hữu và hoạt động của các Thiên Thần trong
thế giới, trong GH và trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Khi nói: “Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy
trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người.”.
Có vô số các Thiên Thần nhưng
Thánh Kinh chỉ nhấn mạnh đến tên ba vị Tổng Lãnh Thiên Thần là Mi-ca-en,
Gáp-ri-en và Ra-pha-en. Cả 3 tổng lãnh đều có âm cuối là “en”. Trong tiếng Do
Thái là “El” có nghĩa là
Thiên Chúa.
- Tổng lãnh thiên thần Micaen. Tên gọi “Micael”, tiếng Do Thái
có nghĩa “ai bằng Thiên Chúa”. Vì thế, sứ mạng của ngài là chiến đấu chống lại
Satan, kẻ có tham vọng muốn trở nên như Thiên Chúa, và xúi dục con người chúng ta
cũng ham muốn thiên tính theo nó (x. St 3); Vì thế Satan luôn cám dỗ con người
đứng dưới cờ nó để tranh giành quyền ảnh hưởng của Thiên Chúa.
Sách Khải Huyền tường thuật cuộc
chiến thắng khải hoàn của ngài và của các thiên thần trong cuộc chiến đấu chống
lại Luxiphe (x. Kh 12, 7-12a). Chính vì thế, ảnh tượng của ngài luôn là vị tổng
lãnh Thiên Thần uy dũng, tay cầm gươm, chân đạp đầu con rắn, vốn là hình ảnh
của Satan.
Trong truyền thống GH còn tin rằng
ngài là vị đặc biệt bảo vệ Mình Thánh Chúa, bảo vệ Đức Giáo Hoàng và GH. Ngài
cũng luôn hiện diện với những người đang hấp hối để giúp họ chiến đấu trong
trận chiến cuối cùng chống lại thần dữ và dẫn đưa các linh hồn qua đời đến
trước tòa Thiên Chúa.
- Tổng lãnh thiên thần Gabrien. Tên gọi “Gabriel”, tiếng Do Thái
có nghĩa là “sức mạnh của Thiên Chúa”. Ngài được chúng ta biết đến nhiều nhất,
vì chính ngài, với tư cách là sứ giả truyền đạt tin vui của Thiên Chúa. Trong
chương 8 của sách ngôn sứ Đa-ni-en, cho biết điều đó. Trong tân ước ngài mang
đến cho con người những sứ điệp của niềm vui trọng đại qua việc truyền tin cho
cho ông Dacaria, thánh Giuse và Đức Mẹ.
- Tổng lãnh Thiên Thần Raphaen. Tên gọi “Raphael”, tiếng Do Thái
có nghĩa là “Thiên Chúa chữa trị”. Bởi vì, ngài có sứ vụ, thay mặt Thiên Chúa
chữa lành tất các bệnh hoạn tật nguyền của loài người. Trong sách Tôbia (Tb 12,
15), Ngài là bạn đồng với Tôbia con và đã chữa mù mắt cho Tôbia cha được sáng.
Truyền thống của Giáo Hội hiểu đoạn Tin Mừng sau đây: “Thỉnh thoảng có
thiên thần Chúa xuống khuấy nước lên; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì
dù mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi” (Ga 5, 1-4) là hoạt động của
Tổng Lãnh Thiên Thần Raphaen.
Như thế TC dựng nên các Thiên Thần
để phụng sự Chúa; đồng thời cũng là để giúp đỡ chúng ta. Vì thế chúng ta hãy
luôn biết hiệp với tâm tình của các Tổng Lãnh Thiên Thần ngợi khen vá chúc tụng
Chúa không ngừng. Đồng thời xin cho chúng ta cũng biết năng tưởng và cầu xin
với các Tổng Lãnh Thiên Thần gìn giữ, bảo vệ và cứu giúp chúng ta khỏi những
cơn gian nan khốn khó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét