Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN VIII TN

CHÚA NHẬT VIII TN C
“Hãy tự biết mình”, đó là câu nói bất hủ của nhà hiền triết Socrates, người Hy Lạp, sống vào thế kỷ thứ V trước công nguyên.  Nhưng tự biết mình không phải dễ, vì chúng ta chỉ thích nhìn vào người khác mà ít khi nhìn vào chính mình. Nên ta chỉ  "thấy cái rác trong mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới". Cho nên phụng vụ lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta cần phải trở về với chính mình mà chấn chỉnh lại đời sống sao phù hợp với thánh ý của Chúa.

Xin Chúa giúp chúng ta dám can đảm nhìn vào chính mình để nhận ra những lầm lỗi, thiếu sót, và khiêm tốn xin Chúa thương tha thứ và ban ơn đổi mới, để mỗi ngày ta trở nên hoàn thiện hơn.
Phụng vụ lời chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm trở về với chính lòng mình để nhận ra những lầm lỗi, thiếu xót của phận người mà chân thành sám hối, xin Chúa tha thứ và  ban ơn đổi mới đời sống. Nhờ đó ta mới xứng đáng là môn đệ đích thực của Chúa Kitô.
Đúng như cổ nhân đã nói: “Nhân vô thập toàn”. Mang thân phận con người, ai trong chúng ta tránh được thiếu sót và không có tội. Lắm khi những thiếu sót và tội lỗi của chúng ta còn lớn hơn nhiều so với những người khác. Vậy mà theo khuynh hướng tự nhiên, ta lại thường hay chỉnh sửa và lên mặt dạy đời người khác. Thật là khó chấp nhận!
Vì thế mà tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy để ý đến cái “xà” trong mắt của mình hơn là quan tâm đến cái “rác” trong mắt anh em. Bởi có lấy được cái xà trong mắt mình ra, thì mắt của ta mới được trong sáng. Nhờ đó mà ta mới có thể hướng dẫn người khác đi đúng hướng, không lạc đường. Bằng ngược lại, ta sẽ dắt người khác đi sai đường, lạc lối, có nguy cơ cả hai cùng lọt xuống hố mất mạng là rất cao! 
Rất mong mỗi người trong chúng ta luôn biết lưu tâm sửa đổi bản thân sao cho thật tốt. Được như vậy thì việc sửa lỗi của chúng ta dành cho tha nhân mới mang lại hiệu quả tốt đẹp. 
Xin Chúa thương thanh tẩy tâm hồn và ban ơn đổi mới cho tất cả chúng ta, với hy vọng cuộc đời của mỗi chúng ta sẽ trổ sinh nhiều hoa trái thơm ngon, tốt lành để dâng hiến cho đời và cho người. Amen

Thứ haiMc 10, 17-27
Có lẽ thao thức và khát vọng lớn nhất của con người là sự sống đời đời. Để được sự sống đời đời thì phải làm gì? Lời Chúa hôm nay sẽ giải đáp cho chúng ta biết được điều đó. 
Trong  sách Giáo lý công giáo thường được thành 4 phần:
Tín lý (tin): kinh tin kính (tuyên xưng đức tin).
Luân lý (giữ): 10 điều răn  (sống đức tin).
Bí tích (nhận): 7 bí tích (cử hành đức tin).
Cầu nguyện (xin): các kinh nguyện (củng cố đức tin).
Nhưng hình những người không có tín ngưỡng cũng như đa số những người có tín ngưỡng của các tôn giáo khác chỉ chú trọng đến phần luân lý mà thiếu quan tâm đến vấn đề niềm tin và sống niềm tin, cho nên xảy ra những điều sai lạc trong luân lý.
Ngày hôm nay, nền luân lý Kitô giáo đề cập rất nhiều về Mục đích và Phương tiện trong đạo đức sinh học. Một hành vi được xem là tốt khi người ta dùng một phương tiện tốt để đạt đến mục đích tốt. Nếu thiếu đi một trong hai yếu tố này thì kể như hành vi đó chưa tốt.
Ví dụ: Con người không thể nhân danh mục đích giúp đỡ những người nghèo khó, mà đi cướp bóc của cải người giàu để chia cho người nghèo. Điều này sai luật luân lý. Hay vì nhằm mục đích giúp cho những người đau đớn vì chứng bệnh nan y được chết êm dịu mà dùng đến thuốc an tử kết thúc sự sống của họ. Đây quả là hành vi sai trái, tội lỗi.
Lý do vì chính Chúa là nguồn và là Đấng ban sự sống. Sự sống là do chính Thiên Chúa tác tạo, quyền quyết định sinh tử là bởi Thiên Chúa, con người không có quyền can thiệp vào sự sống-chết của con người.
Anh thanh niên trong bài tin mừng hôm nay mặc dù giàu có và xem ra đạo đức nhưng anh ta vẫn không an lòng. Giữ luật lệ chín chắn cũng như nhiều của cải xem ra không bảo đảm cho hạnh phúc nước trời. Chính vì mục đích là nước trời đã làm cho anh ta phải thao thức.
Để đạt được mục đích tốt thì cần phải xử dụng phương tiện tốt. Anh ta cứ tưởng chăm chú giữ những luật lệ hay giàu có là đạt được nước trời. Nhưng anh ta thật sai lầm bởi lẽ những phương tiện đó nó lại không hợp với mục đích hạnh phúc nước trời.
Mục đích mà Chúa Giêsu chỉ cho anh ta biết đó là Tình Yêu, bởi chính Chúa là Tình Yêu. Có được Tình Yêu như Chúa thì giống Chúa, ở trong Chúa, nên một với Chúa. Mà giống Chúa, nên một với Chúa, ở trong Chúa chính là hạnh phúc nước trời.
Phương tiện Chúa Giêsu chỉ cho anh ta đạt đến mục đích không phải là tiền bạc, của cải, cũng không chỉ là tuân giữ chay cứng những luật lệ, nhưng phải là những việc làm thể hiện tình yêu Chúa, yêu người. Yêu Chúa thì phải sống cậy trông phó thác vào Chúa chứ không phải là tiền bạc của cải. Nên Chúa bảo: “hãy bán tấ cả …mà theo Ta”. Yêu người là phải biết rộng lượng chia sẻ với anh chị em, đặc biệt những người nghèo khó “hãy bán hết của cải mà bố thí cho người nghèo…”.
Lạy Chúa cả đời sống đạo là để được hạnh phúc nước trời, xin cho con biết phụng sự Chúa hết lòng vì tình yêu với niềm tin tưởng phó thác; cũng như biết quảng đại chia sẻ với anh chị em chúng con hết lòng với tình quý mến. Nhờ đó mà con có được hạnh hạnh phúc ở đời này và cả đời sau . Amen.

Thứ baMc 10, 28-31
Con đường dẫn đến hạnh phúc quê trời không phải thoải mái, dễ dàng. Trái lại con đường ấy đầy chông gai và thử thách, đòi hỏi chúng ta phải nổ lực cố gắng hy sinh rất nhiều. Con đường đó cũng không hề ngắn ngủi, đến đích chỉ trong vòng một hai ngày, trái lại nó rất dài, đòi chúng ta phải kiên trì bước đi trong sự tốt lành từng giây phút và suốt cả đời ta.
Vì nhu cầu hưởng thụ vật chất mà ngày nay người ta có thể dùng mọi hình thức để kiếm tiền, bất kể việc làm đó đúng hay sai, tốt hay xấu, chính đáng hay bất chính.
Một học sinh bỏ thời giờ, sức khoẻ, tiền của và tâm trí …cho việc học tập với mong muốn sau này mình có việc làm ổn định, có được tương lai thoải mái. Một người nông dân suốt năm tháng vất vả gieo trồng, với hy vọng trúng mùa, có lợi nhuận kinh tế cao. Người buôn bán cũng luôn mong được mua may bán đắt, lời càng nhiều càng tốt.
Nhìn chung khi làm bất cứ việc gì điều đầu tiên mà ai cũng nhắm đến đó là phải có lợi, có lời. Với suy nghĩ rất con người ấy, hôm nay tông đồ Phêrô cũng thưa với Chúa Giêsu: “chúng con bỏ mọi sự mà theo Thầy ?”, với ý là từ con đã bỏ tất cả mà theo Chúa, thì con có lợi gì cho hôm nay và tương lai?
Sau khi đưa ra một loạt những việc từ bỏ: cha mẹ, anh em, ruộng vườn, nhà cửa…Chúa Giêsu hứa sẽ trọng thưởng gấp trăm ở đời này cho những ai dám từ bỏ theo Chúa. Ngài còn bảo đảm sự sống đời đời mai sau cho những ai bị ngược đải vì danh Người. Phần thưởng gấp trăm ở đây không có nghĩa là về số lượng. Nhưng phải hiểu theo nghĩa là sẽ nhận được những giá trị khác quý giá gấp trăm lần.
Ví dụ: Những người hiến thân trong bậc tu trì, khi chấp nhận rời xa cha mẹ, anh chị em ruột, khi đó họ lại gia nhập vào một cộng đoàn có rất nhiều người cha thiêng liêng và anh em cùng chí hướng. Gia đình này lớn hơn, thân thiết hơn, gắn bó hơn, yêu thương chia sẻ và giúp đỡ nhau nhiều hơn gia đình nhỏ bé cùng chung huyết thống chúng ta nữa. Nhất là phần thưởng sự sống đời đời mai sau. Quả đây là phần thưởng vô cùng to lớn, không gì có thể đánh đổi được giá trị của  sự sống hạnh phúc đời sau.
Còn khi Chúa Giêsu nói “kẻ đứng đầu sẽ nên sau chót, và kẻ sau chót sẽ lên đứng đầu”. Câu nói này, Chúa Giêsu muốn chúng ta đừng bao giờ ỷ lại hay chểnh mảng trong nhiệm vụ nhưng phải luôn hy sinh cố gắng và kiên trì trên bước đường theo Chúa..
Lạy Chúa, ở đời tốt xấu trở như bàn tay. Có khi trước đây họ là người tội lỗi xấu xa, nhưng giờ họ lại ăn năn hối lỗi và có đời sống đạo đức tốt lành. Trái lại có những người trước đây là tốt lành thánh thiện nhưng giờ họ lại bê tha, tội lỗi, xấu xa. Xin cho chúng con luôn luôn biết tỉnh thức sẵn sàng trong bổn phận, để trong giờ Chúa đến chúng con phải là "kẻ trước hết" trong kiên trì, cố gắng hy sinh đi theo Chúa, sống hết mình vì tình yêu "như Chúa đã yêu".

Thứ tưMc 10, 32-45
Danh dự con người không hệ tại ở chức cao quyền trọng, làm lớn hay nhỏ, nhưng hệ tại ở lòng khiêm tốn phục vụ lợi ích cho tha nhân. Đó là sứ điệp lời Chúa muốn gửi đến chúng ta qua bài tin mừng hôm nay .
Kiêu ngạo là tự cho mình hơn người, coi thường những người khác. Ai cũng mến người khiêm nhường và ghét người kiêu ngạo, bởi lẽ hơn người thì kiêu mà kém người thì ghen. Đó là tâm lý của nhiều người.
Các môn đệ Chúa Giêsu, dù lâu nay theo Chúa, được dạy bảo và huấn luyện nhiều, nhưng trong đầu các ông vẫn còn mang nặng tính kiêu ngạo. Vì kiêu ngạo mà các ông đã không ngần ngại tranh giành chức quyền, đang lúc Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Người.
Vì kiêu ngạo muốn hơn người, nên hai ông Giacôbê và Gioan đã xin Chúa Giêsu cho mỗi ông được ngồi bên hữu bên tả Chúa; nghĩa là muốn được địa vị cao, có vinh dự, được làm lớn và muốn người ta phục vụ mình trong nước của Chúa, khi Ngài lên làm vua Dân Do Thái. Cũng vì kiêu ngạo mà những môn đệ khác sinh lòng ghen tị, khó chịu khi hai ông Giacôbê và Gioan xin được ngồi bên hữu bên tả Chúa.
Phấn đấu để được hiểu biết hơn, tài giỏi hơn, tốt lành hơn nhằm phục vụ lợi ích cho mình, cho người, cho xã hội và Giáo Hội là việc nên làm. Nhưng nổ lực tranh đấu để đứng đầu mọi người, để thống trị mọi người, để tạo uy thế cho mình, để được tư lợi và bắt mọi người phục vụ cho quyền lợi cá nhân quả là điều đáng lên án. Cũng đáng khiển trách đối với những ai khi thấy người khác tài giỏi hơn mình, tốt lành hơn mình, thành công hơn mình mà tỏ ra ghen tị, khó chịu, tức giận… vì đó cũng chính là những kẻ kiêu ngạo.
 Các môn đệ của Chúa Giêsu ngày xưa là thế, tự cao tự đại, ham mê chức quyền, say mê danh vọng… cũng vẫn ích kỉ hẹp hòi, ghen tị muốn hơn thua với nhau. Tất cả xuất phát từ tính kiêu ngạo. Mà hậu quả của kiệu ngạo là không thể lường. Theo Kinh Thánh, Adam và Eva khi nghe lời cám dỗ của Xatan ăn trái Chúa cấm cũng là để có được sự tinh khôn và giống Thiên Chúa biết cả tốt xấu, hậu quả là đất mất hạnh phúc thiêng đàng.
Người kiêu ngạo chỉ thấy mình là tất cả, mình tài giỏi hơn, khôn ngoan hơn người khác, ý của mình luôn đúng, văn thơ mình luôn hay, họ không thấy trời cao đất rộng, như ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung.
Lạy Chúa, kiêu ngạo và ghen tị là hai tật xấu cản trở sự phát triển đời sống chúng con về mọi phương diện. Xin cho chúng con ý thức loại bỏ hai tật xấu này để sống hoà hợp, vui vẻ với nhau, cộng tác với nhau, đừng để con kiêu ngạo muốn hơn người, và cũng đừng để con phân bì, ghen tị khi thấy người khác hơn mình.

Thứ nămMc 10, 46-52
Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chữa đôi mắt mù loà của anh chàng Bartimê được sáng, nhờ lời kêu xin tha thiết của anh ta: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavít. Xin dủ lòng thương tôi” và “ xin cho tôi được sáng”. Chúng ta cũng bắt chước anh mù này, tha thiết  xin Chúa chữa đôi mắt tâm hồn chúng ta được sáng, để chúng ta nhận ra Chúa chính là Cứu Chúa chúng ta, nhận ra mọi người là anh em, nhất là nhận ra Chúa nơi những người nghèo khổ bất hạnh.
Anh mù rất đổi quen thuộc ở thành Giêricô, tên đích danh của anh ta, ai mà không biết: Báctimê, con ông Timê chẳng xa lạ gì! Bởi lẽ hằng ngày anh thường quanh quẩn nơi đó để xin ăn.
Mà đã mang kiếp "cái bang", thì có ai muốn đến gần, chẳng ai muốn để ý làm gì cho vướng bận, tốn hao. Vì quen nên nhàm. Do đó, chẳng ai muốn nhìn và cũng chẳng ai chịu nghe tiếng kêu xin của anh ta.
Nhưng người đời thường nói “có tật, có tài”. Cho dù mọi nguời xa tránh làm ngơ, nhưng anh mù biết Đức Giêsu quan tâm và yêu thương anh. Dẫu mọi người hôm đó không nhận ra sứ mạng Thiên Sai của Ông Giêsu, nhưng bằng con mắt tâm hồn anh lại nhận ra sứ mạng bí mật Thiên Sai của Đức Giêsu. Vì vậy, anh ta đã không ngần ngại lớn tiếng kêu vang Người. “Lạy ông Giêsu, con vua Đavit. Xin dủ lòng thương tôi”. Bằng cảm nhận trực giác, anh ta nhận ra quyền năng chữa lành nơi Đức. Vì thế, dù bị cản ngăn, cấm đoán anh vẫn kêu xin thiết tha.
 Thật tinh tường, anh ta còn thấy nơi Đức Giêsu có một kho báu rất quý giá mà trần gian chẳng ai có, đó là quyền cứu chữa. Vì thế, anh ta không hề xin Người tiền bạc, cơm gạo, bánh trái như mọi ngày, trái lại anh ta xin cho được sáng mắt: “xin cho tôi được sáng”.
Nhờ nổ lực cảm nhận thế giới và con người bằng đôi mắt của tâm hồn, của đức tin và rồi nổ lực hết sức mình để thực hiện điều cảm nhận đó, anh ta đã được Chúa đáp lời, cho anh ta được sáng mắt như lòng nguyện ước.
 Hằng ngày các môn đệ vẫn thấy, vẫn nghe Chúa Giêsu nói, chứng kiến những việc Người làm, nhưng vì mơ tưởng địa vị cao sang, chức cao quyền trọng nên đôi mắt họ đã bị che mờ, không nhận ra sứ mạng Messia của Chúa Giêsu.
Cảm tạ ơn Chúa đã cho ta có được đôi mắt sáng ngời, để nhìn đời và để làm duyên. Xin cho chúng ta có được đôi mắt sáng tâm hồn để đừng bao giờ nhìn đời, nhìn người bằng ánh mắt (mang hình viên đạn) của vô tình, hững hờ và khinh khi như đám đông và các môn đệ, nhưng biết nhìn đời bằng ánh mắt của cảm thông, yêu mến chân tình.
Xin cho ta cũng có được ánh sáng của niềm tin để đừng bao giờ hành xử vô duyên đối với nhau, nhất là đối với những người thiếu may mắn hơn mình bằng những hành vi ngăn cản, cấm đoán như đám dân xưa. Trái lại, xin cho chúng ta có những hành động thật đẹp, bằng những việc làm bác ái, bằng những hy sinh phục vụ quên mình khi anh chị em cần đến chúng ta. Nhất là đừng bao giờ có thái độ và hành vi ngăn cản những người yếu đuối, sa ngã đến với Chúa.

Thứ Sáu: Mc 11, 11-26
Sự kiện Chúa Giêsu đánh đuổi những con buôn ra khỏi đền thờ mà bài Tin mừng hôm nay tường thuật, nhắc nhở chúng ta hai điều quan trọng trong đời sống đức tin:
–  Ý thức tầm quan trọng của ngôi Nhà Thờ vật chất: Bởi nơi đây là nơi hiện diện cách đặc biệt của TC, là nơi quy tụ những người tín hữu tôn thờ Thiên Chúa, là nơi biểu tỏ đức tin, là nơi gặp gỡ và sống tình huynh đệ bác ái Kitô giáo, là nơi tụ họp để lắng nghe và được giải thích lời Chúa, là nơi để lãnh nhận các ơn thiêng cao quý Chúa ban qua các bí tích và lời cầu nguyện… Nơi đây Đức Tin của người kitô hữu mỗi ngày được nuôi dưỡng và lớn mạnh hơn. Do đó, mỗi chúng ta cần phải ý thức tầm quan trọng và giá trị thánh thiêng của Nhà Thờ mà chung tay xây dựng và góp phần gìn giữ Nhà Thờ được sạch đẹp; luôn giữ thái độ xứng hợp khi bước vào Nhà Thờ; nhất là biết siêng năng kính viếng Chúa nơi Nhà Thờ.
– Ý thức giá trị cao quý của đền thờ tâm hồn: Sự kiện Chúa Giêsu đánh đuổi những con buôn ra khỏi đền thờ còn nhắc nhớ chúng ta về giá trị thánh thiêng của ngôi đền thờ tâm hồn. Bởi tâm hồn chúng ta chính là nơi Thiên Chúa Ba Ngôi thích ngự trị nhất. Nhưng rất có thể ngôi đền thờ tâm hồn chúng ta vẫn còn ngỗn ngang bởi những toan tính lợi danh, những đam mê dục vọng. Nơi ấy vẫn còn chất chứa nhiều tính hư tật xấu và tội lỗi nên rất cần được Chúa thanh tẩy cho thanh sạch, hầu xứng đáng là nơi ngự trị của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Xin cho mỗi người chúng ta biết góp phần tích cực trong việc gìn giữ và bảo vệ ngôi nhà thờ vật chất cũng như canh tân ngôi nhà tâm hồn của mình sao cho xứng đáng là nơi TC ngự trị. Nhờ đó mà cuộc đời của chúng ta mới có thể trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành, mang lại niềm vui và ơn ích cho người và cho đời.

Thứ bảyMc 11, 27-33
Trong cuộc sống ngày nay, việc nhận ra được chân lý đã là khó, nói chi sống theo chân lý quả là không dễ chút nào. Xin Chúa cho chúng ta có được đôi tai sâu lắng như Đức Maria, để chúng ta cũng có thể nhận ra lời chân lý từ Chúa. Và xin cho chúng ta có được sức mạnh nội tâm như Đức Maria, để can đảm sống theo lời chân lý của Chúa dạy.
Khi thấy đời sống độc thân-khiến tịnh của các linh mục, anh em chính quyền hay thắc mắc và đặt câu hỏi:
Làm sao các vị ấy có thể sống khiết tịnh được?
Nếu là người có thiện chí, thì lời giải thích của ta sẽ làm cho họ hiểu và dễ chấp nhận. Ngược lại, họ hỏi để đã kích, bôi nhọ, hạ bệ thì dù cho giải thích thề nào đi nữa thì cũng như không.
Sau khi Chúa đánh đuổi những người buôn bán, đổi tiền ra khỏi đền thờ. Các thượng tế, kinh sư và đầu mục thấy khó chịu muốn nhổ bỏ "cái gai Giêsu" ra khỏi mắt họ. Chính vì thế họ họp lại với nhau, bàn luận cách thế để hạ bệ Ngài. Sau cuộc hội thảo, họ tóm kết lại thành hai câu hỏi để gài bẫy đẩy Chúa Giêsu vào con đường chết, đó là:
1.“Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?
2. “Ai đã cho ông quyền đó để ông làm các điều ấy?”
Hai Câu hỏi trên không phải vì thiện chí muốn tìm hiểu sự thật, nhưng là để gài bẫy hạ bệ và tiêu diệt Đức Giêsu. Điều này không chỉ xảy ra một lần trong tin mừng mà ít nhất là ba lần.
Trước những câu hỏi nhằm tìm cách gài bẫy như thế này, Chúa Giêsu không hề trả lời trực tiếp? Vì nếu trả lời quyền ấy là do từ trời là sẽ lọt vào khung phạm luật cao nhất của thời bấy giờ. Còn nếu trả lời không biết, thì sẽ  đánh mất niềm tin của dân chúng. Đàng nào cũng nguy.
Nhưng “võ quít dày có móng tay nhọn”. Thay vì trả lời trực tiếp, Chúa đảo ngược tình thế nhằm đưa họ về chính cõi lòng, để tự vấn lương tâm bằng cách đặt câu hỏi ngược lại: “Tôi xin hỏi các ông một điều, nếu các ông trả lời đúng thì tôi sẽ nói cho các ông biết, tôi lấy quyền ai mà làm việc đó. Vậy phép rửa của ông Gioan bởi Thiên Chúa hay bởi loài người?.”
Nếu họ trả lời phép rửa của Gioan bởi trời. Tại sao không tin Chúa? vì chính Gioan làm chứng và loan báo về Đấng Cứu Thế là do Thiên Chúa sai đến và có uy quyền Thiên Chúa. Còn nếu trả lời là do bởi người ta, thì sẽ gặp phản ứng của dân chúng, vì họ tin ông Gioan là ngôn sứ bởi trời đến để loan báo về Đấng Cứu Thế. Đàng nào cũng không được, nên họ chọn cách an toàn nhất là: “chúng tôi không biết” cho xong chuyện. Dù biết rõ nhưng phải dối lòng.
Xin cho chúng ta biết chân thành tìm kiếm sự thật đích thực. Đừng bao giờ vì quyền lợi hay thành kiến mà đóng chặt cửa lòng phủ nhận chân lý.
Xin cho chúng ta biết can đảm sống thành thật trong lời nói, ý tưởng và việc làm nhất là can đảm làm chứng cho chân lý.
Xin cho chúng ta cũng biết khiêm tốn nhận ra quyền năng Chúa hành động trong thế giới này và luôn tin tưởng vào uy quyền của Chúa. Amen.






Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN VII TN

CHÚA NHẬT VII TN C
Phụng vụ lời Chúa hôm nay đề cập đến điều luật căn bản của Chúa. Đó là luật tình thương. Tình thương mà Chúa Giêsu chỉ dạy không dừng lại nơi người thân cận nhưng phải được vươn xa đến hết mọi người, ngay cả những kẻ thù ghét mình nữa. Đây quả là điều luật rất khó thực hiện với khả năng con người, nhưng sẽ không khó nếu chúng ta biết nương tựa vào sức mạnh của Chúa.
Vậy trong thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy tha thiết xin Chúa ban tràn đầy ơn thiêng xuống trên ta, để chúng ta đủ sức mạnh thực hiện điều Chúa chỉ dạy, hầu  xứng danh là môn đệ của Chúa Giêsu và trở nên con của Cha trên trời là đấng nhân lành.
Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Nên con người cũng phải có tình yêu như Chúa. Nhưng trãi qua dòng thời gian với hoàn cảnh đổi thay, nhất là do bị lây nhiễm bởi tội lỗi nguyên tổ, nên tình yêu nguyên tuyền của Thiên Chúa nơi con người đã bị lu mờ và biến chất. Vì thế khi Chúa Giêsu đến trần gian, Ngài xác định: “Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri. Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn”. Qua đó, Ngài mời gọi chúng ta hãy trở về với Tình Yêu nguyên tuyền của thuở ban đầu như vốn dĩ nó là: 
 Tình yêu mang tính chất chiều rộng:  Tình yêu không chỉ bị giới hạn trong một ranh giới hạn hẹp của một lãnh thổ, tôn giáo hay sắc tộc… nào cả theo như luật cựu ước quy định, mà phải được mở rộng ra khỏi vùng ngoại biên, nghĩa là tình yêu phải được hiện diện khắp mọi nơi trong trời đất.
-  Tình yêu mang tính chất chiều ngang: Tình yêu đích thực không chỉ bó buộc trong những người thân thuộc cùng huyết thống hay trong cùng một đất nước theo như sách luật Lêvi chỉ dạy là: "anh em ngươi, con cái dân ngươi và đồng loại ngươi"; mà tình yêu phải được mở rộng ra khỏi vùng ngoại biên và vươn đến những kẻ thù ghét mình như lời xác quyết của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay: “Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em”. Như vậy đối tượng tình yêu phải được nới dài ra cho hết mọi người, ngay cả những người mà ta gọi là kẻ thù nữa.
- Tình yêu mang tính chất của chiều sâu: 
  Hành động thể hiện tình yêu phải vượt trên mức độ công bằng và không mang tính của tiêu cực như là: "Mắt đền mắt, răng đền răng” hay “đừng chống cự lại với kẻ hung ác”; trái lại, phải mang màu sắc tích cực, cụ thể là: “nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ.". Chưa hết, tình yêu mà Chúa Giêsu đòi hỏi còn phải đạt đến đỉnh cao“yêu như Chúa yêu”
Khi trở về và sống đúng với bản chất của tình yêu theo lời dạy của Chúa Giêsu quả là khó vô cùng. Biết thế, nên Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta những phương cách cần thiết để ta có thể dễ dàng thực hiện:
- Nghĩ đến tâm hồn mỗi người là đền thờ của Chúa Thánh Thần nên cần trân trọng yêu thương.
- Nghĩ đến sự hiệp nhất trong cùng một thân thể mầu nhiệm nơi Chúa Giêsu.
- Nghĩ đến Thiên Chúa là người Cha giàu lòng thương xót.  “Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương”.
- Nghĩ đến mình là con của Chúa và Người là Cha chúng ta.
- Nghĩ đến lời kêu gọi của Chúa Giêsu: “phải nên tốt hơn những người thu thuế và dân ngoại”.
- Nhất là phải ý thức trở nên trọn lành như Cha chúng ta trên trời:“Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành".
Khi suy nghĩ đến những điều ấy, ta sẽ dễ dàng thi hành giới luật tình yêu mà Chúa Giêsu chỉ dạy, bởi vì ta biết rằng làm như thế mới xứng đáng là con của Chúa.
Xin Chúa thanh luyện tình yêu trong ta, để ta không chỉ đối xử với nhau theo lẽ công bằng mà còn biết tích cực sống với nhau theo tinh thần bác ái kitô giáo nữa. Sống như thế ta sẽ trở nên trọn lành và xứng đáng là con của Chúa. Amen. 

Thứ hai: Mc 9,14-29
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho ta biết hậu quả tai hại do cứng lòng tin.
- Cứng lòng tin là nguyên nhân làm hư hỏng cả thế hệ. 
Đó là lời than phiền của Chúa Giêsu khi phải đối mặt với tình trạng đau khổ của đứa bé bị thần câm điếc ám hại. “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin!”.
Sách sáng thế cho biết: Do Nguyên Tổ đã không tin vào tình thương của TC nên đã dùng tự do Chúa ban để khướt từ Ngài; với mong muốn đi tìm một hạnh phúc mà không cần TC. Từ đó đau khổ, bệnh tật và sự dữ xuất hiện lan tràn qua muôn thế hệ. Nhìn thấy những nỗi khổ đau của nhân loại cách chung, cách riêng tình trạng của đứa bé phải chịu sự khống chế của ma quỷ, Chúa Giêsu đã cất lên lời than thở “Tôi phải ở cùng các ngươi cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa?”. Qủa vậy, một khi con người không còn ý thức sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống mình, thì hậu quả thật khôn lường xảy ra, không chỉ làm hư hỏng đến thế hệ tương lai mà còn hư hoại cả vũ trụ này nữa.
- Kém lòng tin là lý do làm cho các môn đệ không thể khống chế được ma quỷ.
Chính Chúa Giêsu cho biết lý do tại sao các môn đệ không thể chữa lành được đứa bé bị quỷ ám. Đó là vì họ thiếu đức tin.
- Trước hết là đức tin của các môn đệ. Đức tin của các môn đệ còn yếu kém nên các ông đã không thể khống chế được sức mạnh của thần câm điếc ám hại đứa bé được. Điều này đã được minh chứng qua là lời trình báo của cha đức bé với Chúa Giêsu: “Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông đã không làm nổi”.
- Tiếp đến là đức tin của người cha đứa bé. Cũng vì đức tin của người cha đức bé vào các môn đệ không được vững mạnh là nguyên do làm cho các môn đệ không thể khống chế được ma quỷ. Nên Chúa Giêsu đã chỉnh sửa lại niềm tin nơi ông: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin”. 
Nhận ra được đức tin của mình còn yếu kém. Nên ông đã khiêm tốn kêu xin Chúa tăng cường đức tin cho ông: “Tôi tin! nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi”. Chính nhờ lòng khiêm tốn và đức tin của ông được củng cố vững mạnh mà đứa con yêu quý của ông đã được Chúa Giêsu ra tay cứu chữa. 
Đọc Phúc âm, chúng ta thấy hầu hết những phép lạ mà Chúa Giêsu thực hiện đều khởi đi từ lòng tin của con người. Nên Chúa Giêsu đã quả quyết mạnh mẻ với người cha của đức bé: “Mọi sự đều có thể đối với người có lòng tin” (Mc 9, 23).
Xin Chúa cho chúng ta biết gia tăng cầu nguyện và ăn chay hãm mình để đức tin nơi chúng ta được củng cố thêm vững mạnh, nhờ đó ta mới có thể vượt thắng được mọi cám dỗ và đủ sức mạnh để khống chế được sức mạnh của ma quỷ.

Thứ ba: Mc 9, 30-37
Tin mừng hôm nay cho biết, trong khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Người sắp xảy đến, thì các tông đồ lại không muốn nghe và không muốn hiểu, chỉ vì những lời loan báo của Chúa Giêsu đi ngược lại ước vọng trần tục của các ông. Xin Chúa giúp chúng ta biết can đảm vượt lên những khuynh hướng tự nhiên của con người để biết khao khát sống theo tinh thần của Chúa chỉ dạy. 
Kinh nghiệm cho thấy, mỗi người có những sở thích hay “gu” khác nhau về: ăn mặc, giải trí, nghề nghiệp, bạn bè và lý tưởng…
Có thể nói “gu” của các tông đồ là được làm lớn, được ca tụng, được vinh dự… Do đó không lạ gì khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Người lần thứ hai: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”, thì các tông đồ hình như không thích nên không hiểu hay không muốn hiểu, bởi điều đó phải là “gu” mà các ông mong muốn nên“các ông sợ không dám hỏi Người”.
“Gu” các tông đồ muốn là được làm lớn, đứng đầu nên“dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất” (Mc 9, 34).
“Gu” mà các tông đồ là muốn dễ dãi nên sau khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn lần thứ nhất, tông đồ Phêrô đã đứng ra can ngăn và đã bị Chúa Giêsu quở trách nặng lời: “Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người” (Mc 833).
“Gu các tông đồ là muốn thống trị nên có lần ông Giacôbê và Gioan đã xin Chúa Giêsu sai lửa trời xuống để thiêu hủy làng Samaria vì không đón tiếp thầy trò các ông. “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?” (Lc 9, 54). 
“Gu” các tông đồ là muốn độc quyền ân huệ Chúa nên không muốn cho người khác làm phép lạ như Thầy mình. Ông Gioan nói với Đức Giêsu:“Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta” (Mc 9,38).
Tóm lại “gu” của các tông đồ khi theo Chúa Giêsu là vì quyền lực để được người khác phục vụ và tận hưởng vinh quang. Vì thế, những gì đi ngược lại với “gu” ấy đều nằm ngoài tai của các ông.
Rất có thể “gu” của các tông đồ cũng là  “gu” của chúng ta. Nhưng đó không phải là “gu” mà Chúa Giêsu muốn. “Gu” mà Chúa Giêsu mong muốn nơi người làm lớnđứng đầu và lãnh đạo theo tinh thần môn đệ của Chúa Giêsu phải là:
Tận tình phục vụ người khác trong khiêm tốn. 
“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Khi người lãnh đạo biết hạ mình xuống như trẻ nhỏ để phục vụ người khác cách vô vị lợi thì lúc ấy hình ảnh và giá trị của người lãnh đạo mới đẹp, thanh cao và đáng quý biết mấy. Ước mong trong đạo, ngoài đời đều có những vị lãnh đạo mang tinh thần ấy!
Mở lòng đón tiếp mọi người, nhất là những người bé nhỏ. 
Lẽ thường tình ở đời, chúng ta thường thích tiếp đón và liên hệ với những người có chức vụ cao, vai trò lớn và những ai giàu sang; còn những người thấp cổ bé miệng, nghèo khó có vẻ không ai muốn qua lại. Phải chăng chúng ta chỉ xem trọng những mối tương quan nào có lợi cho chúng ta? Nhưng Chúa lại không muốn như thế. Chúa muốn chúng ta hãy vì danh Chúa mà đón tiếp những ai bé nhỏ, nghèo hèn. Khi chúng ta đón tiếp những ai bé nhỏ nghèo hèn là đón tiếp chính Chúa, không những là đón tiếp Chúa mà còn là đón tiếp Thiên Chúa Cha, vì Chúa Giê-su chính là Thiên Chúa nhập thể làm người. Chúa Giê-su đã từng nói về ngày phán xét chung: Ngày đó, Chúa sẽ xét hỏi mọi người về đức ái. Phần thưởng hay hình phạt là tùy thuộc vào việc có giúp đỡ những người đói ăn, khát nước, bệnh tật, trần truồng, khách lỡ đường, kẻ tù tội hay không? Đón tiếp và tận tâm giúp đỡ những con người đó chính là làm cho Chúa. Hy vọng mọi người đều có thái độ đón tiếp ân cần, quảng đại với hết mọi người, nhất là người nghèo!
Xin cho chúng ta biết từ bỏ “gu” làm lớn theo kiểu thế gian  để chấp nhận “gu” lãnh đạo theo tinh thần của Chúa mà sẵn sàng mở lòng đón tiếp những người bé nhỏ, nghèo hèn với tấm lòng yêu thương chân thành; và tận tâm phục vụ mọi người với lòng khiêm tốn, vô vị lợi theo gương Chúa Giêsu, cho dẫu phải trải qua con đường thập giá.

Thứ tư: Mc 9,38-40
Xã hội luôn lên án mạnh mẻ tính cục bộ và loại trừ những ai có đầu óc bè phái. Đoàn kết nội bộ là điều đáng quý, nhưng kỳ thị và loại trừ người khác là điều không nên. Chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa dạy hôm nay để ta biết cách cư xử thế nào cho đúng ý muốn của Chúa.
Linh mục Anthony De Mello, chuyên viên huấn luyện tu đức, đã tưởng tượng câu chuyện dí dỏm như sau: “Đức Giêsu hay than phiền với các môn đệ là Ngài chưa một bao giờ được xem bóng đá, một hôm có người đưa Người đến sân bóng để xem trận đấu giữa hai đội tuyển Tin Lành và Công Giáo.
Vào trận không bao lâu, đội Công Giáo bắt đầu mở tỉ số trước 1-0, Đức Giêsu liền vỗ tay hoan hô vang dội và tung cả mũ lên trời. Nhưng chỉ vài phút sau, trong một đợt phản công đẹp mắt, đội Tin Lành chọc thũng lưới đội Công Gíao, khi ấy Đức Giêsu cũng lại vỗ tay reo hò và tung mũ cả lên trời y như lần trước.
Một khán giả ngồi bên cạnh tỏ vẻ khó chịu trước thái độ của Đức Giêsu, ông ta quay sang hỏi Người:
– Này ông ông, ông là cổ động viên của đội bóng nào vậy ? Đức Giêsu liền trả lời:
– Tôi à ? “Tôi chẳng ủng hộ đội nào cả. Tôi đến đây là để thưởng thức trận đấu mà thôi”.
Người khán giả ấy càng tỏ ra khó chịu hơn về thái độ của Đức Giêsu, ông ta  quay sang nói nhỏ với người bên cạnh: “Hắn ta chắc là một gã vô thần!”.
Trên đường về nhà, một môn đệ nói với Đức Giêsu:
– Thưa Thầy, những người có tôn giáo thật là buồn cười, họ tưởng rằng Thầy chỉ đứng về phe họ và chống lại tất cả những ai không cùng một tôn giáo với họ”.
Đức Giêsu gật đầu tỏ ý đồng tình và bảo:
– Đó là lý do tại sao Thầy không ủng hộ đội bóng Tin Lành hay đội bóng Công Giáo, mà chỉ ủng hộ các cầu thủ nào đá hay thôi, dù họ thuộc đội nào đi nữa”.
Câu chuyện trên khiến chúng ta liên tưởng tới chủ đề mà Chúa Giêsu nói đến trong đoạn tin mừng hôm nay.
Sự việc xảy ra là có một số người không thuộc nhóm 12 tông đồ đã nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ. Thấy vậy, các môn đệ bực tức và Gioan đã đứng ra ngăn cản họ. Ông tưởng làm như vậy là đẹp lòng Chúa. Nhưng không ngờ Chúa Giêsu lại bảo Gioan “đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi sau đó lại nói xấu Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng Ta”.
Hành động ngăn cản người khác làm phép lạ, cho thấy các môn đệ nói chung và tông đồ Gioan nói riêng là những con người ích kỷ, hẹp hòi nên ông mới tỏ ra ghen tỵ khi thấy người khác làm điều tốt. Mặc dù Gioan là môn đệ rất thân tín với Chúa Giêsu và được Người yêu thương cách đặc biệt. Nhưng ông vẫn không vượt thắng được tính ghen tỵ và đầu óc phe nhóm. Điều này cho thấy lòng ghen tỵ và óc phe nhóm rất khó loại trừ ra khỏi tâm hồn con người. 
Chính vì thế mà lời dạy của Chúa Giêsu trong bài tin mừng hôm nay không những dành riêng cho các môn đệ khi xưa, mà lời răn dạy ấy của Chúa vẫn còn nguyên giá trị cho mỗi chúng ta trong ngày hôm nay. Vậy ta hãy để tâm ghi nhớ và quyết tâm thực thi lời dạy của Chúa hôm nay mà:
- Sẵn sàng mặc lấy tinh thần bao dung và hợp tác, “đừng ngăn cản người ta” làm những điều tốt lành cho tha nhân.
- Luôn can đảm loại trừ óc bè phái và lợi ích nhóm. Đoàn kết nội bộ là điều cần, nhưng chưa đủ. Ta còn phải xây dựng tình hiệp nhất và sống hài hòa với những người khác và nhóm khác nữa. Đó mới là điều Chúa mong muốn nơi chúng ta, những môn đệ Chúa.
Xin Chúa giúp ta biết can đảm loại bỏ phương châm của thế gian: “ai không theo ta tức là nghịch ta” mà mở lòng sẵn sàng đón nhận phương châm của Chúa: “Ai không chống đối ta, tức là ủng hộ ta”. Nhờ đó tâm hồn ta được bình an, gia đình ta được hạnh phúc và cuộc sống được yên vui.

Thứ năm: Mc 9, 41-50
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến sự nguy hiểm của tính hư, tật xấu và tội lỗi. Nó không chỉ làm cho bản thân ta sa vào hỏa ngục, mà còn là nguyên cớ đưa đẩy tha nhân, nhất là những người bé nhỏ ra khỏi nước trời. Xin Chúa cho chúng ta nhận ra tính chất nguy hại của tội lỗi và cố gắng đừng bao giờ trở thành gương mù, gương xấu lôi kéo người khác phạm tội. 
Mạnh Tử nói: “Nhân tri sơ tính bổn thiện”. Tuân Tử lại nói: “Nhân tri sơ tính bổn ác”. Cùng bàn về tính thiện ác trong con người, một nhà triết học phương Tây là Honbach cũng đưa ra quan điểm: “con người khi sinh ra vốn không thiện cũng không ác. Thiện hay ác là do hoàn cảnh tạo nên”.
Còn Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay thì không bàn về tính thiện- ác nơi con người. Ngài cũng không theo quan điểm trung dung, nhưng khuyên chúng ta đừng làm gương mù, gương xấu mà làm ảnh hưởng đến tha nhân, nhất là với những người bé nhỏ.
Gương xấu là gì? Gương xấu là một lời nói hay một hành động không thích hợp làm cớ, tạo dịp cho người khác vấp phạm, sa ngã, phạm tội.
Có hai hình thức gây gương mù, gương xấu: Trực tiếp và gián tiếp. Trực tiếp là một hành động hay lời nói có chủ ý, cố tình làm vậy để tạo dịp cho người khác sa ngã. Gián tiếp là hành vi hay lời nói vô ý, sơ suất có thể làm cho người khác hiểu lầm mà sa ngã, nhưng thực chất người làm không muốn. Dù trực tiếp hay gián tiếp làm gương xấu thì cả hai hình thức này đều phải tránh, vì nó lôi kéo người khác vào những sai lầm, tội lỗi.
Chúa Giêsu lên án rất mạnh mẻ về việc làm này. Và án phạt mà Chúa Giêsu đưa ra cho những ai cố tình làm gương xấu là tử hình “Cột cối đá mà quăng xuống biển”.
Để tránh gây gương mù gương xấu cho tha nhân không là điều dễ dàng, nên Chúa Giêsu đòi hỏi cần phải có lòng tin. Lòng tin chính là sức mạnh giúp ta vượt thắng mọi gian lao thử thách. Sống lòng tin mọi nơi mọi lúc, ta mới có thể hóa giải được những khuynh hướng xấu nơi chính bản thân. Nhờ đó ta tránh gây ra những nguyên cớ làm thiệt hại cho tha nhân.
Xin Chúa ban thêm lòng tin nơi chúng con để chúng con đủ can đảm thi hành những điều tốt lành Chúa chỉ dạy, để những lời nói xấu và những hành vi đen tối, tội lỗi được đẩy lùi ra khỏi tâm hồn chúng con. Nhờ đó mà xã hội mỗi ngày thêm tươi đẹp hơn.

Thứ sáu: Mc 10, 1-12
Bất cứ xã hội nào, đất nước nào, tập thể nào, gia đình nào… dù lớn hay nhỏ đều có những quy định và luật lệ của nó. Chính những quy định luật lệ sẽ đem lại tính ổn định xã hội và bảo vệ quyền lợi chung cho con người. Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định với những người Biệt Phái về sự ràng buộc không thể tháo gỡ trong đời sống hôn nhân“sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”.
Luật hôn nhân không phải phát xuất từ định chế của con người, nhưng xuất phát từ ý định của Thiên Chúa. Ngay từ khi tạo dựng con người “Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ trở thành một xương một thịt” (St 1, 24).
Đã là định chế do chính Thiên Chúa thiết lập (gọi là Thiên luật) thì đòi buộc mọi người đều phải tuân giữ, còn nhân luật (là luật do con người quy ước) thì có tính tương đối và sẽ bị điều kiện hoá bởi hoàn cảnh, thời gian, không gian, nền văn hoá… nên có thể thay đổi và cần được thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh, thời đại. Nhưng luật của Thiên Chúa thì bất biến. Chính vì thế khi nhân luật và thiên luật đòi buộc cùng lúc, ta cần phải ưu tiên cho thiên luật. Vì vậy, khi những người Pharisêu đề cập đến chuyện Môsê cho phép ly dị, thì ngay lập tức Chúa Giêsu đã nói đến sự bất cập của nhân luật và Người tái khẳng định lại sự bất biến mang tính bó buộc của thiên luật về hôn nhân là bất khả phân ly. (x.Mt 19,1-9; Mc 10,1-12).
Xin Chúa cho các đôi vợ chồng luôn ý thức lời thề hứa chung thủy với nhau trong ngày thành hôn, cũng như ban cho họ dồi dào ơn thiêng để họ đủ nghị lực vượt qua những thách đố trong đời sống hôn nhân và gia đình ngày hôm nay, mà trung tín mãi với nhau đến trọn đời.

Thứ bảy: Mc 10, 13-16
Có lẽ khát vọng lớn nhất của người Kitô hữu chúng ta không gì khác hơn là đạt được hạnh phúc nước trời sau khi trãi qua hành trình lữ khách dưới trần gian này. Nhưng làm thế nào để điều mà chúng ta khát mong ấy được trở nên hiện thực. Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã tỏ lộ cho chúng ta biết. Đó là hãy trở nên giống trẻ thơ : “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng”.
Như vậy điều kiện để chiếm hữu nước trời mà Chúa Giêsu đòi buộc là phải trở nên giống như trẻ nhỏ. Không phải chúng ta hóa kiếp trở lại làm trẻ nhỏ, nhưng Chúa muốn chúng ta phải có tinh thần trẻ nhỏ.
Vì trẻ nhỏ luôn thành thật, đơn sơ, trong trắng. Chúa muốn chúng ta cũng hãy đơn sơ, thành thật, đừng mưu mô, lọc lừa… , cho dẫu lắm khi sự thật làm ta phải chịu thiệt thòi, bị xem thường, bị hiểu lầm…
Vì trẻ nhỏ cảm thấy mình yếu đuối nên luôn tin tưởng phó thác cậy dựa vào cha mẹ. Chúa cũng muốn chúng ta luôn tin tưởng tín thác và cậy trông vào Chúa, nhất là những lúc chúng ta gặp phải gian nan, khốn khó.
Vì trẻ nhỏ luôn khiêm nhường biết mình còn nhiều giới hạn nên không ngừng cố gắng trao dồi học hỏi những điều hay lẽ phải từ người lớn. Chúa cũng muốn chúng ta biết khiêm tốn lắng nghe và học hỏi lời Chúa trong Thánh kinh, qua các giáo huấn của GH, nhất là qua các biến cố xảy ra trong cuộc sống  hằng ngày.
Nói tóm lại, Chúa muốn chúng ta hãy sống tinh thần trẻ thơ, mặc dù chúng ta mang thân xác của người lớn. Ai sống được tinh thần như thế, mới xứng đáng được vào Nước Trời và là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.
Chúng ta hãy luôn nhớ rằng: trước mặt Chúa, chúng ta chỉ là những người con bé nhỏ. Không có Chúa, chúng ta chẳng làm được chuyện gì nhưng nếu chúng ta có làm được chuyện gì đi nữa, thì tất cả cũng là nhờ bởi ơn Chúa ban mà thôi.
Xin Chúa cho chúng con luôn biết phó thác cả cuộc đời chúng con cho Chúa, như đứa bé đặt hết niềm tin yêu vào cha mẹ. Để sau cuộc đời dương thế này, chúng con được quây quần bên Chúa, chung hưởng niềm hạnh phúc viên mãn cùng các thánh tử đạo Việt Nam trong nước trời.









Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2019

GIÁO PHẬN CẦN THƠ                                   Số:…….
      Họ đạo: SAKEO

LỜI RAO HÔN PHỐI

Có hai người muốn kết hôn với nhau:
* Bên Nam: …………………………….
Sinh ngày……tháng…….năm………
Cha là:……………………………......
Mẹ là:………………………………...
Trước kia ở:…………………………..
 Hiện nay ở:…………………………...

* Bên Nữ: ………………….....................
     Sinh ngày……tháng…….năm.............
     Cha là:…………………………….......
     Mẹ là:………………………………....
     Trước kia ở:…………………………...
     Hiện nay ở:……………………………

Rao lần 1: Chúa nhật………………………
Rao lần 2: Chúa nhật………………………
Rao lần 3: Chúa nhật………………………

Xin thêm lời rao tại:…………………………..
Sẽ gửi lời rao cho:…………………………….
BT Hôn phối dự định cử hành vào ngày:….....


Xin Ông Bà Anh Chị Em cầu nguyện cho đôi hôn nhân. Và ai thấy có điều chi ngăn trở hai người lãnh BTHP, xin cho Cha Sở biết.



Họ đạo Sakeo

Ý LỄ TRONG TUẦN


                Tuần:                     từ                          đến

                                           Ý  lễ                    Người xin
CN: Sáng:
      Chiều:

    Thứ  2:

    Thứ  3:

    Thứ  4:

   Thứ  5:

   Thứ  6:

  Thứ  7:


* Ghi chú


  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...