SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN VII TN
CHÚA NHẬT VII TN C
Phụng vụ lời Chúa hôm nay đề cập đến điều
luật căn bản của Chúa. Đó là luật tình thương. Tình thương mà Chúa Giêsu chỉ
dạy không dừng lại nơi người thân cận nhưng phải được vươn xa đến hết mọi
người, ngay cả những kẻ thù ghét mình nữa. Đây quả là điều luật rất khó thực
hiện với khả năng con người, nhưng sẽ không khó nếu chúng ta biết nương tựa vào
sức mạnh của Chúa.
Vậy trong thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy
tha thiết xin Chúa ban tràn đầy ơn thiêng xuống trên ta, để chúng ta đủ sức
mạnh thực hiện điều Chúa chỉ dạy, hầu xứng danh là môn đệ của Chúa Giêsu
và trở nên con của Cha trên trời là đấng nhân lành.
Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên
Chúa là Tình Yêu”. Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Thiên
Chúa. Nên con người cũng phải có tình yêu như Chúa. Nhưng trãi qua dòng thời
gian với hoàn cảnh đổi thay, nhất là do bị lây nhiễm bởi tội lỗi nguyên tổ, nên
tình yêu nguyên tuyền của Thiên Chúa nơi con người đã bị lu mờ và biến chất. Vì
thế khi Chúa Giêsu đến trần gian, Ngài xác định: “Các con đừng tưởng Ta
đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri. Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện
toàn”. Qua đó, Ngài mời gọi chúng ta hãy trở về với Tình Yêu nguyên
tuyền của thuở ban đầu như vốn dĩ nó là:
- Tình yêu mang tính chất
chiều rộng: Tình yêu không chỉ bị giới hạn trong một ranh giới hạn
hẹp của một lãnh thổ, tôn giáo hay sắc tộc… nào cả theo như luật cựu ước quy
định, mà phải được mở rộng ra khỏi vùng ngoại biên, nghĩa là tình yêu phải được
hiện diện khắp mọi nơi trong trời đất.
- Tình yêu mang tính chất chiều
ngang: Tình yêu đích thực không chỉ bó
buộc trong những người thân thuộc cùng huyết thống hay trong cùng một đất nước
theo như sách luật Lêvi chỉ dạy là: "anh em ngươi, con cái dân
ngươi và đồng loại ngươi"; mà tình yêu phải được mở rộng ra khỏi vùng
ngoại biên và vươn đến những kẻ thù ghét mình như lời xác quyết của Chúa Giêsu
trong bài Tin mừng hôm nay: “Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ
ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu
khống anh em”. Như vậy đối tượng tình yêu phải được nới dài ra cho hết
mọi người, ngay cả những người mà ta gọi là kẻ thù nữa.
- Tình yêu mang tính chất của chiều sâu:
Hành động thể hiện tình yêu phải
vượt trên mức độ công bằng và không mang tính của tiêu cực như là: "Mắt
đền mắt, răng đền răng” hay “đừng chống cự lại với kẻ hung ác”; trái
lại, phải mang màu sắc tích cực, cụ thể là: “nếu ai vả má bên phải
của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo
trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm,
thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì
con đừng khước từ.". Chưa hết, tình yêu mà Chúa Giêsu đòi
hỏi còn phải đạt đến đỉnh cao“yêu như Chúa yêu”.
Khi trở về và sống đúng với bản chất của
tình yêu theo lời dạy của Chúa Giêsu quả là khó vô cùng. Biết thế, nên Chúa
Giêsu chỉ cho chúng ta những phương cách cần thiết để ta có thể dễ dàng thực
hiện:
- Nghĩ đến tâm hồn mỗi người là đền thờ
của Chúa Thánh Thần nên cần trân trọng yêu thương.
- Nghĩ đến sự hiệp nhất trong cùng một
thân thể mầu nhiệm nơi Chúa Giêsu.
- Nghĩ đến Thiên Chúa là người Cha giàu
lòng thương xót. “Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng
như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương”.
- Nghĩ đến mình là con của Chúa và
Người là Cha chúng ta.
- Nghĩ đến lời kêu gọi của Chúa
Giêsu: “phải nên tốt hơn những người thu thuế và dân ngoại”.
- Nhất là phải ý thức trở nên trọn lành
như Cha chúng ta trên trời:“Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên
trời là Đấng trọn lành".
Khi suy nghĩ đến những điều ấy, ta sẽ dễ
dàng thi hành giới luật tình yêu mà Chúa Giêsu chỉ dạy, bởi vì ta biết rằng làm
như thế mới xứng đáng là con của Chúa.
Xin Chúa thanh luyện tình yêu trong ta,
để ta không chỉ đối xử với nhau theo lẽ công bằng mà còn biết tích cực sống với
nhau theo tinh thần bác ái kitô giáo nữa. Sống như thế ta sẽ trở nên trọn lành
và xứng đáng là con của Chúa. Amen.
Thứ hai: Mc 9,14-29
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho ta biết
hậu quả tai hại do cứng lòng tin.
- Cứng lòng tin là nguyên nhân làm hư
hỏng cả thế hệ.
Đó là lời than phiền của Chúa Giêsu khi
phải đối mặt với tình trạng đau khổ của đứa bé bị thần câm điếc ám hại. “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin!”.
Sách sáng thế cho biết: Do Nguyên Tổ đã
không tin vào tình thương của TC nên đã dùng tự do Chúa ban để khướt từ Ngài;
với mong muốn đi tìm một hạnh phúc mà không cần TC. Từ đó đau khổ, bệnh tật và
sự dữ xuất hiện lan tràn qua muôn thế hệ. Nhìn thấy những nỗi khổ đau của nhân
loại cách chung, cách riêng tình trạng của đứa bé phải chịu sự khống chế của ma
quỷ, Chúa Giêsu đã cất lên lời than thở “Tôi phải ở cùng các ngươi cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng
các người cho đến bao giờ nữa?”. Qủa vậy, một khi con người không còn ý thức sự hiện diện của Chúa
trong cuộc sống mình, thì hậu quả thật khôn lường xảy ra, không chỉ làm hư hỏng
đến thế hệ tương lai mà còn hư hoại cả vũ trụ này nữa.
- Kém lòng tin là lý do làm cho
các môn đệ không thể khống chế được ma quỷ.
Chính Chúa Giêsu cho biết lý do tại
sao các môn đệ không thể chữa lành được đứa bé bị quỷ ám. Đó là vì họ
thiếu đức tin.
- Trước hết là đức tin của các môn đệ.
Đức tin của các môn đệ còn yếu kém nên các ông đã không thể khống chế được sức
mạnh của thần câm điếc ám hại đứa bé được. Điều này đã được minh chứng qua là
lời trình báo của cha đức bé với Chúa Giêsu: “Tôi đã nói với các môn đệ
Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông đã không làm nổi”.
- Tiếp đến là đức tin của người cha đứa
bé. Cũng vì đức tin của người cha đức bé vào các môn đệ không được vững mạnh là
nguyên do làm cho các môn đệ không thể khống chế được ma quỷ. Nên Chúa Giêsu đã
chỉnh sửa lại niềm tin nơi ông: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự
đều có thể đối với người tin”.
Nhận ra được đức tin của mình còn yếu
kém. Nên ông đã khiêm tốn kêu xin Chúa tăng cường đức tin cho ông: “Tôi
tin! nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi”. Chính nhờ lòng khiêm
tốn và đức tin của ông được củng cố vững mạnh mà đứa con yêu quý của ông đã
được Chúa Giêsu ra tay cứu chữa.
Đọc Phúc âm, chúng ta thấy hầu hết những
phép lạ mà Chúa Giêsu thực hiện đều khởi đi từ lòng tin của con người. Nên Chúa
Giêsu đã quả quyết mạnh mẻ với người cha của đức bé: “Mọi sự đều có thể đối với người có lòng tin” (Mc 9, 23).
Xin Chúa cho chúng ta biết gia tăng cầu
nguyện và ăn chay hãm mình để đức tin nơi chúng ta được củng cố thêm vững mạnh,
nhờ đó ta mới có thể vượt thắng được mọi cám dỗ và đủ sức mạnh để khống chế
được sức mạnh của ma quỷ.
Thứ ba: Mc 9, 30-37
Tin mừng hôm nay cho biết, trong khi Chúa
Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Người sắp xảy đến, thì các tông đồ lại không
muốn nghe và không muốn hiểu, chỉ vì những lời loan báo của Chúa Giêsu đi ngược
lại ước vọng trần tục của các ông. Xin Chúa giúp chúng ta biết can đảm vượt lên
những khuynh hướng tự nhiên của con người để biết khao khát sống theo tinh thần
của Chúa chỉ dạy.
Kinh nghiệm cho thấy, mỗi người có những
sở thích hay “gu” khác nhau về: ăn mặc, giải trí, nghề nghiệp, bạn bè và lý
tưởng…
Có thể nói “gu” của các tông đồ là được
làm lớn, được ca tụng, được vinh dự… Do đó không lạ gì khi Chúa Giêsu loan báo
về cuộc khổ nạn của Người lần thứ hai: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi
đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”, thì các tông đồ hình như không thích nên không hiểu hay không muốn
hiểu, bởi điều đó phải là “gu” mà các ông mong muốn nên“các ông sợ không dám hỏi Người”.
“Gu” các tông đồ muốn là được làm lớn,
đứng đầu nên“dọc đàng các ông tranh
luận xem ai là người lớn nhất” (Mc 9, 34).
“Gu” mà các tông đồ là muốn dễ dãi nên
sau khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn lần thứ nhất, tông đồ Phêrô đã đứng
ra can ngăn và đã bị Chúa Giêsu quở trách nặng lời: “Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa,
mà chỉ biết việc loài người” (Mc 8, 33).
“Gu các tông đồ là muốn thống trị nên có
lần ông Giacôbê và Gioan đã xin Chúa Giêsu sai lửa trời xuống để thiêu hủy làng
Samaria vì không đón tiếp thầy trò các ông. “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống
thiêu hủy chúng nó không?” (Lc 9, 54).
“Gu” các tông đồ là muốn độc quyền ân huệ
Chúa nên không muốn cho người khác làm phép lạ như Thầy mình. “Ông Gioan nói với Đức Giêsu:“Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh
Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng
ta” (Mc 9,38).
Tóm lại “gu” của các tông đồ khi theo
Chúa Giêsu là vì quyền lực để được người khác phục vụ và tận hưởng vinh quang.
Vì thế, những gì đi ngược lại với “gu” ấy đều nằm ngoài tai của các ông.
Rất có thể “gu” của các tông đồ cũng
là “gu” của chúng ta. Nhưng đó không phải là “gu” mà Chúa Giêsu muốn.
“Gu” mà Chúa Giêsu mong muốn nơi người làm lớn, đứng đầu và lãnh đạo theo tinh
thần môn đệ của Chúa Giêsu phải là:
- Tận tình phục vụ người khác
trong khiêm tốn.
“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm
người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Khi người lãnh đạo biết hạ mình xuống như trẻ nhỏ để phục vụ người khác
cách vô vị lợi thì lúc ấy hình ảnh và giá trị của người lãnh đạo mới đẹp, thanh
cao và đáng quý biết mấy. Ước mong trong đạo, ngoài đời đều có những vị lãnh
đạo mang tinh thần ấy!
- Mở lòng đón tiếp mọi người, nhất là những người bé nhỏ.
Lẽ thường tình ở đời, chúng ta thường
thích tiếp đón và liên hệ với những người có chức vụ cao, vai trò lớn và những
ai giàu sang; còn những người thấp cổ bé miệng, nghèo khó có vẻ không ai muốn
qua lại. Phải chăng chúng ta chỉ xem trọng những mối tương quan nào có lợi cho
chúng ta? Nhưng Chúa lại không muốn như thế. Chúa muốn chúng ta hãy vì danh
Chúa mà đón tiếp những ai bé nhỏ, nghèo hèn. Khi chúng ta đón tiếp những ai bé
nhỏ nghèo hèn là đón tiếp chính Chúa, không những là đón tiếp Chúa mà còn là
đón tiếp Thiên Chúa Cha, vì Chúa Giê-su chính là Thiên Chúa nhập thể làm người.
Chúa Giê-su đã từng nói về ngày phán xét chung: Ngày đó, Chúa sẽ xét hỏi mọi
người về đức ái. Phần thưởng hay hình phạt là tùy thuộc vào việc có giúp đỡ
những người đói ăn, khát nước, bệnh tật, trần truồng, khách lỡ đường, kẻ tù tội
hay không? Đón tiếp và tận tâm giúp đỡ những con người đó chính là làm cho
Chúa. Hy vọng mọi người đều có thái độ đón tiếp ân cần, quảng đại với hết mọi
người, nhất là người nghèo!
Xin cho chúng ta biết từ bỏ “gu” làm lớn
theo kiểu thế gian để chấp nhận “gu” lãnh đạo theo tinh thần của Chúa mà
sẵn sàng mở lòng đón tiếp những người bé nhỏ, nghèo hèn với tấm lòng yêu
thương chân thành; và tận tâm phục vụ mọi người với lòng khiêm tốn, vô vị lợi
theo gương Chúa Giêsu, cho dẫu phải trải qua con đường thập giá.
Thứ tư: Mc 9,38-40
Xã hội luôn lên án mạnh mẻ tính cục bộ và
loại trừ những ai có đầu óc bè phái. Đoàn kết nội bộ là điều đáng quý, nhưng kỳ
thị và loại trừ người khác là điều không nên. Chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa dạy hôm nay để ta
biết cách cư xử thế nào cho đúng ý muốn của Chúa.
Linh mục Anthony De Mello, chuyên viên
huấn luyện tu đức, đã tưởng tượng câu chuyện dí dỏm như sau: “Đức Giêsu hay than phiền với các môn đệ là Ngài chưa một
bao giờ được xem bóng đá, một hôm có người đưa Người đến sân bóng để xem trận
đấu giữa hai đội tuyển Tin Lành và Công Giáo.
Vào trận không bao lâu, đội Công Giáo bắt
đầu mở tỉ số trước 1-0, Đức Giêsu liền vỗ tay hoan hô vang dội và tung cả mũ
lên trời. Nhưng chỉ vài phút sau, trong một đợt phản công đẹp mắt, đội Tin Lành
chọc thũng lưới đội Công Gíao, khi ấy Đức Giêsu cũng lại vỗ tay reo hò và tung
mũ cả lên trời y như lần trước.
Một khán giả ngồi bên cạnh tỏ vẻ khó chịu
trước thái độ của Đức Giêsu, ông ta quay sang hỏi Người:
– Này ông ông, ông là cổ động viên của
đội bóng nào vậy ? Đức Giêsu liền trả lời:
– Tôi à ? “Tôi chẳng ủng hộ đội nào cả.
Tôi đến đây là để thưởng thức trận đấu mà thôi”.
Người khán giả ấy càng tỏ ra khó chịu hơn
về thái độ của Đức Giêsu, ông ta quay sang nói nhỏ với người bên cạnh:
“Hắn ta chắc là một gã vô thần!”.
Trên đường về nhà, một môn đệ nói với Đức
Giêsu:
– Thưa Thầy, những người có tôn giáo thật
là buồn cười, họ tưởng rằng Thầy chỉ đứng về phe họ và chống lại tất cả những
ai không cùng một tôn giáo với họ”.
Đức Giêsu gật đầu tỏ ý đồng tình và bảo:
– Đó là lý do tại sao Thầy không ủng hộ
đội bóng Tin Lành hay đội bóng Công Giáo, mà chỉ ủng hộ các cầu thủ nào đá hay
thôi, dù họ thuộc đội nào đi nữa”.
Câu chuyện trên khiến chúng ta liên tưởng
tới chủ đề mà Chúa Giêsu nói đến trong đoạn tin mừng hôm nay.
Sự việc xảy ra là có một số người không
thuộc nhóm 12 tông đồ đã nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ. Thấy vậy, các môn đệ
bực tức và Gioan đã đứng ra ngăn cản họ. Ông tưởng làm như vậy là đẹp lòng
Chúa. Nhưng không ngờ Chúa Giêsu lại bảo Gioan “đừng ngăn cản người ta,
vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi sau đó lại nói xấu Thầy.
Quả thật, ai không chống lại
chúng ta là ủng hộ chúng Ta”.
Hành động ngăn cản người khác làm phép
lạ, cho thấy các môn đệ nói chung và tông đồ Gioan nói riêng là những con người
ích kỷ, hẹp hòi nên ông mới tỏ ra ghen tỵ khi thấy người khác làm điều tốt. Mặc
dù Gioan là môn đệ rất thân tín với Chúa Giêsu và được Người yêu thương cách
đặc biệt. Nhưng ông vẫn không vượt thắng được tính ghen tỵ và đầu óc phe nhóm.
Điều này cho thấy lòng ghen tỵ và óc phe nhóm rất khó loại trừ ra khỏi tâm hồn
con người.
Chính vì thế mà lời dạy của Chúa
Giêsu trong bài tin mừng hôm nay không những dành riêng cho các môn đệ khi xưa, mà lời răn
dạy ấy của Chúa vẫn còn nguyên giá trị cho mỗi chúng ta trong ngày hôm nay. Vậy
ta hãy để tâm ghi nhớ và quyết tâm thực thi lời dạy của Chúa hôm nay mà:
- Sẵn sàng mặc lấy tinh thần bao dung và
hợp tác, “đừng ngăn cản người ta” làm những điều tốt lành cho
tha nhân.
- Luôn can đảm loại trừ óc bè phái và lợi
ích nhóm. Đoàn kết nội bộ là điều cần, nhưng chưa đủ. Ta còn phải xây dựng tình
hiệp nhất và sống hài hòa với những người khác và nhóm khác nữa. Đó mới là điều
Chúa mong muốn nơi chúng ta, những môn đệ Chúa.
Xin Chúa giúp ta biết can đảm loại bỏ
phương châm của thế gian: “ai không theo ta tức là nghịch ta” mà mở lòng sẵn
sàng đón nhận phương châm của Chúa: “Ai không chống đối ta, tức là ủng hộ ta”.
Nhờ đó tâm hồn ta được bình an, gia đình ta được hạnh phúc và cuộc sống được
yên vui.
Thứ năm: Mc 9, 41-50
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến sự nguy hiểm của tính hư, tật xấu và tội lỗi. Nó không chỉ làm cho bản thân ta sa vào hỏa ngục, mà còn là nguyên cớ đưa đẩy tha nhân, nhất là những người bé nhỏ ra khỏi nước trời. Xin Chúa cho chúng ta
nhận ra tính chất nguy hại của tội lỗi và cố gắng đừng bao giờ trở thành gương mù, gương xấu lôi kéo người khác phạm tội.
Mạnh Tử nói: “Nhân tri sơ tính
bổn thiện”. Tuân Tử lại nói: “Nhân tri sơ tính bổn ác”. Cùng bàn về tính thiện
ác trong con người, một nhà triết học phương Tây là Honbach cũng đưa ra quan
điểm: “con người khi sinh ra vốn không thiện cũng không ác. Thiện hay ác là do
hoàn cảnh tạo nên”.
Còn Chúa Giêsu trong bài Tin
mừng hôm nay thì không bàn về tính thiện- ác nơi con người. Ngài cũng không
theo quan điểm trung dung, nhưng khuyên chúng ta đừng làm gương mù, gương xấu
mà làm ảnh hưởng đến tha nhân, nhất là với những người bé nhỏ.
Gương xấu là gì? Gương xấu là một lời nói hay một hành động không
thích hợp làm cớ, tạo dịp cho người khác vấp phạm, sa ngã, phạm tội.
Có hai hình thức gây gương mù, gương xấu: Trực tiếp và gián tiếp.
Trực tiếp là một hành động hay lời nói có chủ ý, cố tình làm vậy để tạo dịp cho
người khác sa ngã. Gián tiếp là hành vi hay lời nói vô ý, sơ suất có thể làm
cho người khác hiểu lầm mà sa ngã, nhưng thực chất người làm không muốn. Dù
trực tiếp hay gián tiếp làm gương xấu thì cả hai hình thức này đều phải tránh,
vì nó lôi kéo người khác vào những sai lầm, tội lỗi.
Chúa Giêsu lên án rất mạnh mẻ về việc làm này. Và án phạt mà Chúa
Giêsu đưa ra cho những ai cố tình làm gương xấu là tử hình “Cột cối đá mà quăng xuống biển”.
Để tránh gây gương mù gương xấu cho tha nhân không là điều dễ dàng,
nên Chúa Giêsu đòi hỏi cần phải có lòng tin. Lòng tin chính là sức mạnh giúp ta
vượt thắng mọi gian lao thử thách. Sống lòng tin mọi nơi mọi lúc, ta mới
có thể hóa giải được những khuynh hướng xấu nơi chính bản thân. Nhờ đó ta tránh
gây ra những nguyên cớ làm thiệt hại cho tha nhân.
Xin Chúa ban thêm lòng tin nơi
chúng con để chúng con đủ can đảm thi hành những điều tốt lành Chúa chỉ dạy, để
những lời nói xấu và những hành vi đen tối, tội lỗi được đẩy lùi ra khỏi tâm hồn chúng con. Nhờ đó mà xã hội mỗi ngày thêm tươi đẹp hơn.
Thứ sáu: Mc 10, 1-12
Bất cứ xã hội nào, đất nước
nào, tập thể nào, gia đình nào… dù lớn hay nhỏ đều có những quy định và luật lệ
của nó. Chính những quy định luật lệ sẽ đem lại tính ổn định xã hội và bảo vệ
quyền lợi chung cho con người. Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định với những
người Biệt Phái về sự ràng buộc không thể tháo gỡ trong đời sống hôn nhân“sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài
người không được phân ly”.
Luật hôn nhân không phải phát xuất từ định chế của con người,
nhưng xuất phát từ ý định của Thiên Chúa. Ngay từ khi tạo dựng con người “Thiên Chúa đã làm nên con người có
nam có nữ; vì thế người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả
hai sẽ trở thành một xương một thịt” (St 1, 24).
Đã là định chế do chính Thiên Chúa thiết lập (gọi là Thiên luật)
thì đòi buộc mọi người đều phải tuân giữ, còn nhân luật (là luật do con người
quy ước) thì có tính tương đối và sẽ bị điều kiện hoá bởi hoàn cảnh, thời gian,
không gian, nền văn hoá… nên có thể thay đổi và cần được thay đổi cho phù hợp
với hoàn cảnh, thời đại. Nhưng luật của Thiên Chúa thì bất biến. Chính vì
thế khi nhân luật và thiên luật đòi buộc cùng lúc, ta cần phải ưu
tiên cho thiên luật. Vì vậy, khi những người Pharisêu đề cập đến chuyện Môsê
cho phép ly dị, thì ngay lập tức Chúa Giêsu đã nói đến sự bất cập của nhân luật
và Người tái khẳng định lại sự bất biến mang tính bó buộc của thiên luật về hôn
nhân là bất khả phân ly. (x.Mt 19,1-9; Mc 10,1-12).
Xin Chúa cho các đôi vợ chồng
luôn ý thức lời thề hứa chung thủy với nhau trong ngày thành hôn, cũng như ban
cho họ dồi dào ơn thiêng để họ đủ nghị lực vượt qua những thách đố trong đời
sống hôn nhân và gia đình ngày hôm nay, mà trung tín mãi với nhau đến trọn đời.
Thứ bảy: Mc 10, 13-16
Có lẽ khát vọng lớn nhất của
người Kitô hữu chúng ta không gì khác hơn là đạt được hạnh phúc nước trời sau
khi trãi qua hành trình lữ khách dưới trần gian này. Nhưng làm thế nào để điều
mà chúng ta khát mong ấy được trở nên hiện thực. Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu
đã tỏ lộ cho chúng ta biết. Đó là hãy trở nên giống trẻ thơ : “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn
cản chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng”.
Như vậy điều kiện để chiếm hữu
nước trời mà Chúa Giêsu đòi buộc là phải trở nên giống như trẻ nhỏ. Không phải chúng ta hóa kiếp trở lại
làm trẻ nhỏ, nhưng Chúa muốn chúng ta phải có tinh thần trẻ nhỏ.
Vì trẻ nhỏ luôn thành
thật, đơn sơ, trong trắng. Chúa muốn chúng ta cũng hãy đơn sơ, thành
thật, đừng mưu mô, lọc lừa… , cho dẫu lắm khi sự thật làm ta phải chịu thiệt
thòi, bị xem thường, bị hiểu lầm…
Vì trẻ nhỏ cảm thấy mình yếu
đuối nên luôn tin tưởng phó thác cậy dựa vào cha mẹ.
Chúa cũng muốn chúng ta luôn tin tưởng tín thác và cậy trông vào Chúa, nhất là
những lúc chúng ta gặp phải gian nan, khốn khó.
Vì trẻ nhỏ luôn khiêm
nhường biết mình còn nhiều giới hạn nên không ngừng cố gắng trao
dồi học hỏi những điều hay lẽ phải từ người lớn. Chúa cũng muốn chúng ta biết
khiêm tốn lắng nghe và học hỏi lời Chúa trong Thánh kinh, qua các giáo huấn của
GH, nhất là qua các biến cố xảy ra trong cuộc sống hằng ngày.
Nói tóm lại, Chúa muốn chúng ta
hãy sống tinh thần trẻ thơ, mặc dù chúng ta mang thân xác của người lớn. Ai
sống được tinh thần như thế, mới xứng đáng được vào Nước Trời và là kẻ lớn nhất
trong Nước Trời.
Chúng ta hãy luôn nhớ rằng:
trước mặt Chúa, chúng ta chỉ là những người con bé nhỏ. Không có Chúa, chúng ta
chẳng làm được chuyện gì nhưng nếu chúng ta có làm được chuyện gì đi nữa, thì
tất cả cũng là nhờ bởi ơn Chúa ban mà thôi.
Xin Chúa cho chúng con luôn
biết phó thác cả cuộc đời chúng con cho Chúa, như đứa bé đặt hết niềm tin yêu
vào cha mẹ. Để sau cuộc đời dương thế này, chúng con được quây quần bên Chúa,
chung hưởng niềm hạnh phúc viên mãn cùng các thánh tử đạo Việt Nam trong nước
trời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét