Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

LỄ TUYỀN TIN (Lc 1, 26-38)
Dẫn
Cùng với Giáo Hội, hôm nay chúng ta long trọng mừng Lễ Truyền Tin. Kỷ niệm biến cố Thiên Thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria, khởi đầu cho chương trình cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người.
Để thực hiện chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã chọn gọi Đức Maria cộng tác trong việc cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế và Đức Maria đã đáp lời bằng hai tiếng “ xin vâng”.
Xin cho chúng ta cũng biết noi gương Đức Maria khiêm tốn và ngoan ngoãn vâng theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, để chương trình cứu độ của Chúa nơi ta được hoàn thành tốt đẹp.
Chia sẻ
Mội khi đọc kinh kính mừng, chúng ta nhắc lại lời truyền tin của sứ thần Gabriel cho Đức Maria xưa: “kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phước lạ hơn mọi người nữ….” cũng đồng nghĩa với lời Thiên Thần: “Mừng vui lên, Đấng đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng bà…”.
Lời truyền tin này là một lời chào chúc quý giá và mang giá trị hết sức cao cả. Bởi lẽ có ơn phúc nào cao lớn cho bằng ơn phúc được Thiên Chúa ở cùng (chính Chúa là nguồn mọi ơn phúc và Đấng ban ơn phúc. Được Thiên Chúa ở cùng thì có mọi ơn phúc nơi mình rồi). Và có hạnh phúc nào lớn bằng hạnh phúc được Thiên Chúa ưu ái chọn làm Mẹ Thiên Chúa. (được chọn làm mẹ vua đã là vinh dự và ơn phúc quá lớn rồi huống chi là Mẹ Vua Trời).
Ý thức sứ mạng cao quý ấy trong vui mừng khôn tả vượt trí hiểu, Đức Maria đã bối rối và tự hỏi lời chào ấy có ý nghĩa như thế nào? Nhưng sau khi được Thiên Thần giải thích, Đức Maria biết đó là ý định Thiên Chúa, dù không hiểu hết nhưng Đức Maria vẫn khiêm tốn ngoan ngoãn vâng nghe.
Có nhiều điều xảy ra trong đời sống vượt ngoài trí hiểu và khả năng chúng ta, chúng ta thấy không thể thực hiện được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi chuyện đều có thể. Từ không Chúa đã tạo thành vũ trụ vạn vật chỉ bằng lời phán truyền. Chỉ cần bùn đất Chúa đã tạo dựng con người bằng hơi thở của Chúa. Với quyền năng bà chị họ Isave son sẻ đã mang thai và sinh con. Còn với Đức Maria việc cưu mang Đấng Cứu Thế mà vẫn đồng trinh là chuyện bình thường. Miễn chúng ta sẵn sàng để Chúa hành động nơi chúng ta như Đức Maria.
Tuy Thiên Chúa quyền năng làm được mọi sự. Nhưng Thiên Chúa lại yêu thích con người cộng tác với Chúa.
Để chọn gọi dân riêng, Chúa đã mời gọi tổ phụ Abraham cộng tác, và Abraham đã vâng lời bỏ xứ sở ra đi theo ý định Thiên Chúa. Thế là một dân riêng của Chúa đã hình thành.
Để cứu dân tộc Israel ra khỏi kiếp nô lệ bên Ai cập, Thiên Chúa đã mời gọi Môsê cộng tác, dù sợ hãi về sự kém cỏi của mình, Môsê vẫn vâng phục  ý muốn của Chúa. Thế là cuộc giải phóng đã hoàn tất.
Để cứu độ nhân loại, Thiên Chúa chọn Đức Maria, một người thiếu nữ bình thường, nghèo khó làm mẹ Đấng Cứu Thế và Mẹ đã ngoan ngoãn tin tưởng vâng nghe. Thế là chương trình cứu độ từ ngàn đời của Thiên Chúa được thực hiện.
Để cứu độ mỗi chúng ta, Chúa cũng mời gọi chúng ta hợp tác với Chúa. Như thánh Augustinô đã nói: “Chúa dựng nên con Chúa không cần con, nhưng để cứ độ con Chúa cần con cộng tác”. Xin cho chúng ta tích cự cộng tác với ơn cứu độ của Chúa để cứu chính mình và tha nhân.
Trước ơn phúc lớn lao, Đức Maria đã bối rối và muốn tìm hiểu xem sự việc sẽ xảy đến như thế nào? Một khi nhận biết là ý định Thiên Chúa Đức Maria sẵn sàng vâng theo chứ không hề nghi ngờ, hay kém tin.
Trước những thử thách, khó khăn, đau buồn trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta bị lung lay, nghi ngờ và than trách người, than trách Chúa, ít khi chúng ta bắt chước Đức Maria tìm hiểu xem Chúa muốn gì qua những biến cố vui buồn, thành công thất bại, hạnh phúc hay bất hạnh ấy trong cuộc sống. Mỗi biến cố đều có sứ điệp Chúa gởi đến ta mong ta đọc ra mà điều chỉnh đời sống theo thánh ý của Chúa. Chúa luôn đi qua cuộc đời chúng ta, nhưng chúng ta lại không gặp Ngài. Chúa luôn đồng hành với ta nhưng ta lại không nhận ra Ngài. Chúa hằng gõ cửa nhà chúng ta nhưng ta lại không nhận ra tiếng Ngài.
Xin cho chúng ta biết để tâm suy niệm các biết cố trong đời để nhận ra tình thuơng của Chúa như Đức Maria. Amen 

(Viết theo Hạt Giống Nẩy Mầm, của cha Carôlô Hồ Bặc Xái)

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

SUY NIỆM  LỜI CHÚA TUẦN V MÙA CHAY
Lm Seoka

Thứ hai (Ga 8,1-11)
Dẫn
Trong tình yêu, người ta có những sáng kiến bất ngờ.
Khi yêu, người ta có thể quên hết những khuyết điểm, lầm lỗi của người mình yêu.
Khi yêu người ta tìm mọi cách làm vui lòng người mình yêu.
Khi yêu người ta sẽ không ngần ngại giúp đỡ người yêu của mình được tốt đẹp hơn.
Tình yêu là động lực thúc đẩy sự thăng tiến và biến đổi đời sống.
Đó chính là điều mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta những người đuợc Chúa yêu, qua bài tin mừng hôm nay.
Chia sẻ
Nếu có ai đó còn nghi ngờ về tình yêu Thiên Chúa, thì sứ điệp lời Chúa hôm nay là lời giải đáp có sức thuyết phục, xua tan hết những nghi ngại trong lòng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa.
Biết trước mình là tội nhân, bị liệt vào bản án tử hình, ai lại không cảm thấy run sợ khi đứng trước tòa xét xử. Đó là tâm trạng của người phụ nữ phạm tội ngoại tình trong bài tin mừng hôm nay.

Vì không kiềm chế được bản năng sinh lý đòi hỏi và không tự chủ trước những nhu cầu hưởng thụ khoái lạc sai lầm, người phụ nữ trong bài tin mừng hôm nay đã phạm trọng tội và phải lãnh lấy khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Trước mắt chị bây giờ chỉ là màn đêm vây kín. Cuộc đời chị coi như sắp kết thúc. Mạng sống của chị như ngàn cân treo sợi tóc vì bản án tử hình đã rõ. Bó tay!
Bó tay vì theo luật Môsê, ngoại tình công khai thì lãnh lấy án tử, không còn cách nào khác.
Bó tay vì không ai dám đứng về phía chị để bênh đỡ.
Bó tay vì những búa rìu dư luận nặng nề bổ lên đầu chị mà không ai có thể ngăn cản.
Nhưng trước những trói buộc của lòng người hiểm ác, của dư luật độc hại, của luật lệ cứng ngắt, tưởng chừng như không thể thoát khỏi, thì với Chúa Giêsu mọi bó buộc đã được tháo cởi.
Trước hết Chúa tháo cởi lòng người hiểm ác. Bằng khoảng lặng và cách đặt vấn đế: “ Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!”. Tự vấn lương tâm, ai cũng nhận ra mình là tội nhân. Thay vì kết tội người khác họ quay về kết tội chính mình. Thế là Chúa đã cởi bỏ tính tự mãn, kiêu căng nham hiểm nơi lòng họ.
Đồng thời qua đó Chúa Giêsu cũng đã tháo cởi được những ánh mắt giận dữ, những lời nói độc ác, những búa rìu dư luận và lời kết án nặng nề trút lên người phụ nữ qua cách thức từ từ rút lui của họ. Chúa Giêsu hỏi: “Họ đâu rồi? không ai lên án chị sao?”. Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả”.
Cuối cùng với lời tha thứ: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” Chúa Giêsu cởi trói tội lỗi cho chị và mở ra bầu trời hy vọng sáng ngời.
Sau khi cởi hết những trói buộc, Chúa Giêsu không quên khuyên bảo: “ Thôi chị cứ về đi,  và từ nay đừng phạm tội nữa!”, những gánh nặng tội lỗi xưa nay nơi chị đã được trút bỏ. Từ đây chị có thể nhẹ nhàng tiến bước trong hân hoan với niềm vui và hạnh phúc của con người mới được Chúa yêu thương. Đồng thời chị cũng ý thức quyết tâm đổi mới cuộc đời xứng đáng với tình yêu và ơn tha thứ của Chúa.
Chúng ta là những tội nhân đáng chết, nhưng được Chúa yêu thương tha thứ qua bí tích giao hoà. Xin cho mùa chay này, chúng ta can đảm từ bỏ đi những tính hư nết xấu và tội lỗi, canh tân đời sống, hầu xứng đáng với tình thương ơn tha thứ mà Chúa dành cho ta.

Thứ ba (Ga 8,21-30)
Dẫn
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta biết Ngài là ai, đến từ đâu và con đường nào Ngài phải đi.
Xin cho chúng ta luôn vững tin vào Chúa và vững bước theo Ngài.
Chia sẻ
Một lần nữa, Chúa Giêsu cố gắng giúp cho những người biệt phải cứng lòng hiểu về Ngài.
Ngài là ai và đến từ đâu?
Đức Giêsu cho biết Ngài bởi thượng giới mà đến. Ngài không thuộc về thế gian này. Ngài Hằng Hữu. Những lời Ngài nói là những lời của Chính Thiên Chúa nói. Ai không tin nhận sẽ bị xét đoán và mang tội nơi mình mà chết.
Con đường nào Ngài phải đi?
Chúa cho người Do Thái biết con đường ngài đi họ không đi được.
Có lần Chúa Giêsu cũng nói với các môn đệ, con đường Ngài đi hiện giờ các ông không theo được. Con đường nào mà bí ẩn thế?
Người Do Thái cho rằng Ngài sẽ đi tự vẫn. Nhưng Ngài không xác định rõ ràng. Giống như Ngài đã trả lời với các môn đệ: “sau này anh em sẽ hiểu”.
Ngày nay chúng ta đã hiểu con đường ấy là con đường thập giá. Chính Chúa Giêsu cũng đã nói về con đường ấy trong bài tin mừng hôm nay: “ khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết tôi là Tôi Hằng Hữu”.
Con đường thập giá là con đường đẹp ý Chúa Cha. Nhưng lại ngược với tư tưởng và cảm nghĩ lựa chọn của con người tự nhiên.
Ai mà chẳng mong muốn được sống tiện nghi và giàu có. Ai mà chẳng mong được danh vọng chức quyền. Chẳng ai muốn thập giá của nghèo khổ, vất vả và cay đắng. Thực tế cho thấy, dù không muốn vẫn không tránh khỏi. Vì thế Chúa bảo chúng ta nếu tin vào Ngài và cầu xin với Ngài, Ngài sẽ ban ơn trợ giúp để chúng ta đủ sức mạnh vác lấy thập giá đời mình.
Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần kêu gọi: “Ai muốn theo ta hãy từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo”.
Đã rõ, Đức Giêsu là Đấng Hằng Hữu đến từ Thiên Chúa và con đường cứu độ của Ngài là con đường Thập Giá. Vì thế để được cứu độ thì không có con đường nào khác mà ta chọn lựa ngoài con đường thập giá mà Chúa đã đi qua.
Xin cho chúng ta biết từ bỏ mình: từ bỏ ý riêng không hợp ý Chúa.
Vác thập giá mình: chấp nhận đón nhận những hy sinh vất vả khó khăn thử thách trong cuộc sống mà không kêu than, oán trách với niềm tin tưởng và yêu mến Thiên Chúa.
Đi theo Chúa: theo Chúa chứ không theo ai khác ngoài Đức Giêsu Kitô Đấng đã chết và sống lại. Đi chứ không đứng: nghĩa là mỗi ngày phải thấy mình gần Chúa và gần anh chị em hơn.
Sống được như thế chúng ta sẽ không bị luận phạt và không mang tội nơi mình mà chết. Trái lại sẽ được sống trong Chúa với niềm hạnh phúc viên mãn.
Thứ tư (Ga 8, 31-42)
Dẫn
Thấy niềm tin của của những người Do Thái mới tin chưa trọn vẹn lắm, nên Chúa Giêsu đề nghị họ cần phải “sống lời Chúa”, để cho Lời Chúa thấm nhập vào trọn cuộc đời họ, để lời Chúa giải thoát họ khỏi nô lệ tội lỗi và xứng đáng trở thành môn đệ Chúa.
Nhưng những người này chưa đủ khiêm tốn để chấp nhận lời đề nghị của Chúa. Họ tự phụ cho mình là con cháu Abraham và không cần chỉ dạy thêm điều gì nữa.
Xin cho chúng ta biết khiêm tốn lắng nghe và làm theo lời dạy của Chúa để được giải thoát khỏi xích xiềng tội lỗi mà xứng đáng là môn đệ Chúa.
Chia sẻ
Bài tin mừng hôm nay, Chúa kêu gọi những người Do Thái mới tin Chúa hãy: “ Ở lại trong Lời Chúa, vì Lời Chúa là lời chân thật và sự thật sẽ giải phóng các ông”.
Nhưng những người Do Thái cho rằng: “ Chúng tôi là dòng dõi ông Abraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ”.
Thế là họ hiểu sai lời Chúa. Không phải Abraham làm cho họ  tự do nhưng tự do trước Chúa là sự sạch tội. Còn ai phạm tội là trở nên nô lệ.
Đức thánh cha Bênêđictô 16 trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 13/03/2011 đã nói: “Nô lệ nghiêm trọng và sâu xa nhất là nô lệ cho tội lỗi”
Đúng vậy, hể ai phạm tội tất nhiên là nô lệ cho tội. Bởi khi phạm tội là ta xua đuổi Chúa ra khỏi lòng mình và rước ác thần satan vào cư ngụ thay thế cho Thiên Chúa.
Để khỏi nô lệ cho tội hay ma quỷ, điều kiện là ta phải ở lại trong Lời Chúa. Bởi lẽ khi ở lại với Lời Chúa là chúng ta giữ Lời Chúa. Mà giữ lời Chúa là dấu hiệu nói lên lòng ta yêu mến Chúa. Cũng đồng nghĩa là ta để cho Chúa ở lại trong ta. “Chúa chính là đường là sự thật và là sự sống”. Ở lại trong Chúa thì sự thật chiến hữu lấy ta và sự thật giải thoát ta khỏi ràn buộc của tội lỗi. Nhờ thế ta có được sự sống của Chúa.
Nhưng làm thế nào để Lời Chúa ở lại trong ta?
Tin mừng cũng cho ta biết sở dĩ họ không chịu ở lại trong lời của Chúa đó là vì họ tự mãn cho mình là con cháu Abraham là con cái Thiên Chúa.
Tự mãn kiêu căng là tội đầu trong các tội. Chính vì kiêu căng tự mãn muốn bằng Chúa nên nguyên tổ đã đánh mất thiêng đàng và trở nên nô lệ cho ma quỷ.
Chính kiêu căng tự mãn, thiên thần Luxiphe đã chống đối lại Chúa và bị trừng phạt trở nên satan.
Ta cũng thường tự mãn vỗ ngực xưng tên là người công giáo, nhưng nhiều lúc chúng ta không sống đúng với danh xưng ấy. Thay vì sống theo lời Chúa dạy, làm theo ý Chúa muốn, thì chúng ta lại làm theo ý riêng mình, sống theo những đam mê dục vọng mình. Thay vì làm tôi Chúa chúng ta lại làm tôi ma quỷ, xác thịt, thế gian.
Xin Chúa tha thứ những lầm lỗi chúng ta. Cho chúng ta biết vâng nghe và làm theo Lời Chúa để được tự do làm con cái Chúa.
Thứ năm (Ga 8,51-59)
Dẫn
Trong những cuộc đối thoại với người Do Thái, Chúa Giêsu kiên nhẫn mạc khải cho họ biết về thân thế của Ngài; cũng như về nếp sống phải có của những ai tin nhận Ngài. Nhưng với cái nhìn và kiến thức hạn hẹp cũng như ỷ vào kinh nghiệm sống của mình, họ không thể nhận biết thân thế của Chúa. Do đó cũng không chấp nhận sống theo Lời Chúa chỉ dạy.
Xin cho chúng ta đừng ỷ vào kiến thức và nếp sống đạo lâu nay của mình mà chối từ Lời chỉ dạy của Chúa và hướng dẫn của Giáo Hội.
Nhưng xin cho chúng ta vững tin vào Chúa, sẵn sàng lắng nghe và thi hành Lời Chúa và Giáo Huấn Giáo Hội chỉ bảo để được sống sung mãn.
Chia sẻ
Tin mừng hôm nay có hai điểm cần lưu ý:
Thứ nhất, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến mối tương quan giữa Ngài với Chúa Cha.
Thứ hai, Chúa Giêsu nói đến giá trị cao quý của việc tuân giữ Lời Chúa.

1. Thánh Gioan luôn nói đến mối tương quan mật thiết giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha.
Tin mừng hôm nay cũng vậy, thánh Gioan cho biết: Chúa Giêsu quả quyết Ngài biết Thiên Chúa Cha, nhưng những người khác thì không biết. Chính Chúa Cha sai Ngài đến trần gian. Những lời Ngài dạy bảo là Lời của Chúa Cha. Chúa Giêsu không hề tìm vinh danh cho chính mình mà chỉ tìm vinh danh cho Đấng đã sai mình. Vì thế mà Ngài được Chúa Cha tôn vinh.

2. Ngài đến từ Chúa Cha, biết rõ về Chúa cha, nói những lời của Chúa Cha. Mà Lời của Chúa Cha chính là “Lời ban sự sống đời đời”, vì thế Chúa Giêsu cho biết: “ Nếu ai tuân giữ Lời Ngài, thì sẽ không bao giờ phải chết”.
Người Do Thái tự hào là con cháu Abraham nên họ xứng đáng thừa hưởng lời chúc phúc mà Chúa đã hứa với tổ phụ Abraham trước đây.
Nhưng Chúa Giêsu cho họ biết là con cháu Abraham thôi chưa đủ điều kiện, nhưng phải là con cháu có đức tin giống như Abraham mới xứng đáng thừa hưởng gia nghiệp nước trời.
Tin Chúa nên Abraham đã nghe Lời chỉ dạy của Chúa mà sẵn sàng ra đi, dù không biết đi đâu. Như thế tin Chúa thì phải nghe lời Chúa.
Mà Lời Chúa thì mang lại sự sống đời đời, nên ai tuân giữ Lời Chúa thì không chết bao giờ. Giống như cành nho gắn liền với thân nho, cành nho được sống vì tiếp nhận nhựa sống từ thân nho nuôi dưỡng.
Gắn kết với Lời Chúa ta sẽ được Chúa thông truyền sự sống. Mà Chúa  là sự sống vĩnh cửu, nên ta sẽ được tham dự vào sự sống đời đời của Chúa.

Xin cho chúng ta xác tín được giá trị cao quý Lời của Chúa và cố gắng thi hành Lời Chúa dạy, để đón nhận sự sống đời đời Chúa thương ban.

Thứ sáu (Ga 10, 31-42)
Dẫn
Trong suốt những ngày qua, chúng ta đọc những đoạn tin mừng của thánh Gioan ghi lại các cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người Do Thái không tin Ngài. Cũng như các cuộc tranh luận trước, cuộc tranh luận trong tin mừng hôm nay, một lần nữa Chúa Giêsu mạc khải sự thật quan trọng về Ngài. Ngài xác định rõ ràng: Ngài là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa.
Xin cho mọi người tin tưởng vào Đức Giêsu chính là Thiên Chúa làm người, cứu độ chúng ta.
Chia sẻ
Bài tin mừng hôm nay Chúa Giêsu mạc khải hai chân lý đức tin rất quan trọng đó là: “ Tôi là Con Thiên Chúa” và “ Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong chúa Cha”. Qua đây Chúa Giêsu cho biết Ngài chính là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa.
Đây là một giáo lý rất quan trọng. bởi vì nếu Chúa Giêsu chỉ là một người như bao người, thì lời giảng dạy của Ngài cũng chỉ là để nghe cho vui tai và chỉ được khen là hay ho cũng như lời giảng dạy của những nhà chuyên môn hùng biện, hay như các đấng hiền triết, hoặc như các vị sáng lập các tôn giáo khác mà thôi. Nhưng Ngài là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa nên lời giảng dạy của Ngài quý giá hơn bất cứ người nào trên trần gian.
Người Do Thái không chấp nhận điều đó. Những phép lạ cả thể, những lời giảng dạy khôn ngoan nhưng không làm họ tin. Lý do vì họ cứng lòng và cố chấp.
Ngày nay không chỉ có những người cứng lòng tin như người Do Thái xưa mà còn đó những con người vô thần. Lối sống của họ chỉ nghĩ đến huởng thụ hiện tại, chỉ thích vui cuồng sống vội. Họ xem giáo huấn của Chúa thật rắc rối, là chướng ngại vật, là bức tường cản ngăn lối sống phóng túng, trụy lạc, tội lỗi của họ. Để rồi họ sẵn sàng ném đá tiêu diệt nhằm lọi bỏ Thiên Chúa ra khỏi lòng họ và cuộc sống họ như người Do Thái xưa.
Chúng ta hãy cầu xin cho những người vô thần. vô thần trong tư tưởng, trong lập trường cũng như vô thần trong lối sống biết nhìn vào thiên nhiên, nhìn vào vạn vật, nhìn vào các biến cố xảy ra nhất là nhìn vào bản thân mình mà khám phá ra sự hiện hữu của Chúa mà tin vào Chúa Giêsu. Với chúng ta cũng cần nhìn lại cách thế sống và thể hiện niềm tin vào Chúa như thế nào?

Thứ bảy (Ga  11,45-56)
Dẫn
Sự đố kị và lòng hận thù khiến người ta mù quáng không còn nhận ra lẽ phải và bất chấp mọi thủ đoạn, ngay cả giết người. Đó là cách thế hành xử của các thượng tế và biệt phái đối với Chúa Giêsu trong bài tin mừng hôm nay.
Chia sẻ
Jean de La Fontaine từng viết bài thơ ngụ ngôn “Le Loup et l’Agneau” kể về con chó sói và con cừu non cùng ra suối uống nước. Con sói muốn ăn thịt con cừu bèn tìm đủ cách buộc tội con cừu.
Đầu tiên con sói bảo con cừu làm bẩn nước suối của con sói.
Bị con cừu bẻ: “Thưa ông, ông uống ở thượng lưu, tôi uống ở hạ lưu, thì chỉ có ông làm bẩn nước của tôi chứ làm sao tôi có thể làm bẩn nước của ông được?
con sói nói: “Năm ngoái mày đã phỉ báng tao!
Con cừu trả lời: “Thưa ông, năm ngoái tôi chưa ra đời.”
Con sói nói: “Thế thì thằng anh mày đã phỉ báng tao!
Con cừu đáp: “Thưa ông tôi là con một.”
Con sói rống lên: “Thế thì một đứa trong lũ chúng mày đã nói xấu tao, thằng chăn chúng mày đã nói xấu tao, con chó chăn chúng mày đã nói xấu, tao phải trả thù!” Thế rồi con sói vồ con cừu nhai ngấu nghiến.
La Fontaine kết luận: “Lý lẽ kẻ mạnh bao giờ cũng thắng
Đọc tin mừng hôm nay, ta có cảm tưởng các thượng tế và biệt phái giống như con sói. Họ tìm mọi cách, diện đủ các lý do để tiêu diệt Chúa Giêsu.
Họ đã triệu tập một công nghị để bàn tính với nhau cách đối phó với Chúa Giêsu thế nào. Vì thấy Chúa làm được nhiều việc, có nhiều người tin theo Chúa, sợ mất ảnh hưởng vì thế phải khử trừ Ngài cho xong.
Sau khi diện đủ mọi lý do tôn giáo để kết tội Chúa Giêsu như: Chúa đã lộng ngôn phạm thượng xưng mình là Con Thiên Chúa. Rồi lại công khai tuyên bố phá hủy đền thờ Giêrusalem, nhất là đã liên tục vi phạm ngày sabát…nhưng những cáo buộc ấy không thành. Vì thế, họ chuyển sang ghép Ngài vào tội chính trị. Họ vu cáo Ngài vi phạm tới luật lệ của nhà nước và quyền của đế quốc Rôma. Rồi họ ra chỉ thị truy nả Ngài trong toàn dân. Với lời khích động: “Thà một người chết thay cho toàn dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”
Quyết định Chúa Giêsu phải chết để thay cho toàn dân quả là một quyết định do lòng ghen tỵ hận thù, thật bất công. Nhưng trong chương trình của Thiên Chúa, thì cái chết của Chúa Giêsu là để cho mọi người được sống đời đời. Thay cho hành động hận thù và bất công của các thượng tế và biệt phái là hành động tình thương của Thiên Chúa, nhằm quy tụ con cái tản mác khắp nơi về một mối trong hiệp nhất yêu thương.
Xin cho chúng ta đừng vì ghen ghét và hận thù mà tìm đủ mọi cách để hãm hại người khác. Nhưng xin Chúa ban cho chúng ta có được lòng quảng đại, yêu thương tha thứ và sẵn sàng hy sinh, chịu gian lao khốn khó như Chúa Giêsu.


Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

SUY NIỆN LỜI CHÚA
TUẦN IV MÙA CHAY 
Lm Seoka

Thứ hai (Ga 4, 43-54)

Dẫn
Đức tin chính là thần dược chữa lành mọi bệnh tật cho con người.
Chính đức tin, viên sĩ quan đã đặt trọn hy vọng nơi Chúa. Chính đức tin mà phép lạ Chúa được thực hiện và con ông được cứu chữa.
Xin Chúa ban thêm lòng tin nơi chúng ta.

Chia sẻ
Tin là đặt trọn hy vọng vào Chúa.
Ông viên sĩ quan trong bài tin mừng hôm nay đã tin vào Chúa Giêsu nên ông đã đặt trọn niềm hy vọng của mình vào Chúa.
Vì hy vọng vào Chúa, nên ông đã ra đi tìm đến Chúa Giêsu. 
Hy vọng nơi Chúa, ông đã không ngại kêu xin và kiên nhẫn nài nỉ Chúa đến nhà cứu sống con ông. 
Hy vọng Chúa, ông đã khiêm tốn đón nhận mọi thử thách: “ Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu”. Dẫu bị mỉa mai, nhưng ông vẫn khiêm tốn kiên nhẫn kêu xin.
Cũng chính niềm hy vọng rất nhiều vào Chúa, ông tin nhận Lời Chúa: “ cứ về đi, con ông sống”. Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình và ra về.
Nhờ lòng tin mạnh mẽ của viên sĩ quan ngoại giáo mà con ông đã được Chúa cứu khỏi chết và cả gia đình ông được ơn đức tin.
Tin chính là đặt hết niềm hy vọng vào Chúa. Trao cho Chúa mọi lắng lo, khốn khó. 
Con cái là món quà quý giá và là kho báu vô tận. Đau đớn, bệnh tật con cái là nỗi đau vô cùng của cha mẹ. Nhưng chính lúc đau khổ ấy, viên sĩ quan ngoại giáo đã có được niềm tin. Gặp gỡ Chúa niềm tin của ông lại vững mạnh hơn. Niềm tin của ông đã trở nên niềm tin cứu rỗi cho cả gia đình ông.
Chúng ta cũng vậy, niềm tin của chúng ta cần được trui rèn, để sau những thử thách đau thương, đức tin chúng ta được vững mạnh hơn, không nhất thiết là được ơn, được phép lạ như người cha trong bài tin mừng hôm nay. Điều quan trọng là trong mọi biến cố, chúng ta cần nhìn về phía bên kia điều Chúa muốn, để vững tin vào Chúa. Nhờ thế mà những người chung quanh và trong gia đình có thêm lòng tin cũng như gia tăng lòng cậy trông nơi Chúa.
Trong cuộc sống, chúng ta xin ơn Chúa rất nhiều, nhưng lại quên xin ơn rất quan trọng là ơn Đức Tin. Chắc chắn đức tin chúng ta vẫn còn yếu kém. Mùa chay này, chúng ta hãy tha thiết xin Chúa gia tăng Đức Tin cho chúng ta.

Thứ ba ( Ga 5, 1-3.5-16)
Dẫn
Thiếu bác ái yêu thương, việc thực thi lề luật chỉ còn là cái xác không hồn và là những hành động mù quáng.
Tin mừng hôm nay, kêu gọi chúng ta ý thức trách nhiệm đối với nhau trong cuộc sống, bằng việc thực thi tình bác ái, qua việc giúp đỡ những người nghèo khổ và bất hạnh. Đó là cách thức ta thể hiện tâm tình tôn vinh Chúa.
Chia sẻ
Anh Nguyễn Công Hùng, 29 tuổi, quê quê quán ở Nghệ An, hiện đang sống tại khu đô thị mới Linh Đàm, Hà Nội. Anh hiện là ủy viên ban cố vấn Hội Tin Học Trẻ Việt Nam và là giám đốc công ty cổ phần Nghị Lực Sống, chuyên giới thiệu, hướng nghiệp, đào tạo nghề cho người khuyết tật với hai nội dung chính là ngoại ngữ và công nghệ thông tin.
Bị sốt bại liệt từ nhỏ, anh Hùng phải ngồi xe lăn và luôn cần có người trợ giúp bên cạnh.
Anh đã tự ra ứng cử Quốc hội Việt Nam khóa XIII và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 sẽ được tổ chức ngày 22 tháng tới đây. Với ước mong lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho người khuyết tật trong vấn đề cải tiến chăm sóc y tế cho người khuyết tật được thỏa đáng, và đề nghị xem xét lại lĩnh vực đào tạo. Nhưng do tình trạng sức khoẻ, theo luật anhkhông đủ tiêu chuẩn để ra ứng cử vào quốc hội.
Qua đây cho thấy, quyền được quan tâm chăm sóc, quyền được giáo dục, quyền được sống, trên hết là quyền làm người là khao khát của mọi người, dù họ là ai.

Anh chàng trong bài tin mừng hôm nay đã bị bại liệt suốt 38 năm. Chắc hẳn gặp rất nhiều khó khăn và đau khổ.
Khó khăn trong việc chăm sóc bản thân. Khó khăn trong việc đi lại. Khó khăn mỗi khi tiếp xúc với người khác.
Anh cũng gặp không ít đau khổ. Đau khổ vì bệnh tật hành hạ, Đau khổ vì bị mọi người bỏ rơi, ngay cả những người thân “ không có người đem xuống hồ…”. Đau khổ vì bị mọi người khinh ghét, bị xã hội xem thường. Anh bị liệt vào thành phần “mang kiếp cầm ca”, ăn bám xã hội. Nhưng có lẽ đau khổ nhất vẫn là nổi đau mặc cảm vì bị mọi người xem là người tội lỗi.
Nổi khát khao lớn nhất của anh là được làm người bình thường như bao người. Được xã hội tôn trọng; được mọi người quan tâm, yêu mến; được tự do đi lại; nhất là được khẳng định giá trị và phẩm giá làm người của mình.
Hôm nay Chúa Giêsu đã trao ban cho anh món quà vô giá mà anh hằng khao khát đêm ngày, đó là chữa anh khỏi căn bệnh bại liệt. Quả là niềm vui lớn lao, niềm vui chính đáng. Ấy vậy mà niềm vui ấy lại bị chống đối. “ Hôm nay là ngày Sabát không được phép vác chõng”. Không những chống đối quyền đi lại và làm người của anh, mà họ còn chống đối cả Chúa Giêsu vì đã vi phạm ngày Sabát.
Lòng ích kỷ và luật lệ vô hồn, quả là một gánh nặng, một rào cảng đáng sợ đẩy con người đến chổ vô cảm và cư xử bất nhân với nhau, khiến ngưòi khác không thể vươn lên sống xứng đáng là con người.
Họ không hiểu rằng: “vinh quang Thiên Chúa là con người được sống”. Bất cứ nơi nào phẩm giá con người được nhìn nhận, bất cứ một con người nào được tôn trọng, thì nơi đó Thiên Chúa được tôn vinh.
Xin cho chúng ta ý thức rằng: khi chối bỏ và khước từ thể hiện lòng nhân ái đối với người khác, là chúng ta đã xúc phạm đến chính Thiên Chúa.
Yêu thương và thực thi bác ái đối với người khác cũng là cách chúng ta đền bù tội lỗi trong mùa chay này.

Thứ tư (Ga 5, 17-30)
Dẫn
Người kitô hữu, là người có Chúa Kitô. Nghĩa là từng suy nghĩ, lời nói và hành vi của ta phải là của Chúa, như chính Chúa Giêsu là hiện thân của Chúa Cha. “ Ai thấy Ta là thấy Cha”.
Xin cho cuộc sống của chúng ta ngày càng phản ánh trung thực dung mạo của Chúa Giêsu hơn. Để qua ta mọi người nhận biết Đức Giêsu.
Chia sẻ
Định luật tình yêu dạy chúng ta rằng: Yêu ai thì ở gần người ấy. Yêu ai thì nên giống người ấy. Yêu ai thì muốn ở trong người ấy, và yêu ai thì sẵn sàng sống chết vì người ấy.
Chính vì yêu mến Thiên Chúa là Cha, Chúa Giêsu đã trở nên giống Cha mọi đàng.
Mối bận tâm lớn nhất của Chúa Giêsu là thể hiện thánh ý Cha Ngài: “ Lạy Cha, này con xin đến để thi hành thánh ý Cha”. Chúa Giêsu khẳng định, suốt cuộc đời, Ngài làm việc như Cha Ngài: “ Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc”. Chúa Giêsu cũng xác định cho chúng ta biết, Ngài chính là hình ảnh của Thiên Chúa, vì “ Ta và Cha là một”, và “ Ai thấy Ta là thấy cha”.
Như vậy, lẽ sống của Chúa Giêsu là sống như Cha. Trong mọi sự, Ngài đều lấy Cha làm mẫu mực. Và Ngài muốn chúng ta cũng phải lấy Cha làm mẫu mực cho đời sống: “ Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành”.
Mà mẫu mực Chúa Cha ở nơi Ngài. Do đó muốn nên giống Cha ta chỉ cần nên giống Chúa Giêsu.
Giống Chúa Giêsu trong mối bận tâm duy nhất là cứu độ nhân loại.
Giống Chúa Giêsu ở thái độ khiêm nhường vâng phục thánh ý Chúa Cha.
Giống Chúa Giêsu bằng cách sống thành thật: ‘ Ta là đường là sự thật và là sự sống”. sự thật trong lời nói, trong việc làm.
Nhất là giống Chúa Giêsu cách sống yêu thương. Như trái tim không bao giờ ngừng đập, tình thương cũng không bao giờ ngơi nghỉ. Chúa Giêsu vẫn liên lỉ làm những việc tình thương. Bất chấp là ngày Sabát, vì ngày sabát dù nghỉ ngơi, nhưng Chúa vẫn quang phòng vũ trụ và con nguời mà chính Ngài đã dựng nên.
Xin Chúa cho chúng ta mỗi ngày trở nên giống Chúa Giêsu hơn, để tâm hồn, trái tim, suy nghĩ vá cách sống của chúng ta ngày càng phản ánh trung thực hình ảnh của Chúa. Để qua đó mọi người nhận ra chúng ta là mộn đệ Chúa, qua chúng ta danh Chúa được vinh danh.

Thứ năm đầu tháng (Ga, 31-47)
Thánh Gioan Lasan, linh mục
Dẫn
Tin hay không tin là chấp nhận hay từ chối.
Dù nhũng  người Do Thái, nhất là nhóm Biệt Phái đã chứng kiến biết bao điều lạ Chúa Giêsu đã làm, nhưng họ vẫn không tin nhận Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa. .
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu kiên nhẫn đưa ra những bằng chứng xác thực để minh chứng về Ngài. Nhưng vì thiếu lòng yêu mến Chúa và cứng lòng, họ vẫn không tin.
Xin cho chúng ta biết nhận ra sự hiện diện của Chúa qua các dấu chỉ của thời đại và qua Thánh Kinh. Và với lòng khiêm tốn thi hành ý Chúa trong đời sống hằng trong tin yêu. Tin chắc rằng Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho chúng ta.
Chia sẻ
Để ứng cử và thi hành nhiệm vụ HĐND hay Đại Biểu Quốc Hội, người  ta cần được sự giới thiệu của địa phương và được cử tri tín nhiệm cao.
Để làm Linh Mục và thi hành sứ vụ tông đồ, cần có người giới thiệu, được đấng bản quyền chuẩn nhận, cho phép.
Còn Chúa Giêsu trái lại, khi thi hành sứ mạng Chúa Cha giao phó là cứu độ nhân loại, thì chẳng có sự chuẩn nhận nào của Giáo Quyền cũng như Chính Quyền. Nên không lạ gì Ngài luôn bị khước từ và chống đối.
Nếu ta ở vào trường hợp của họ lúc ấy, chúng ta cũng khó lòng chấp nhận Đấng Cứu Thế là ông Giêsu đến từ Nazarét. Một Đấng Cứu thế xem ra không phù hợp với quan niệm, suy nghĩ của con người.

Thân thế và sứ mạng của Chúa Giêsu xem ra không hợp pháp theo quan niệm con người, nhưng đó lại phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Vì Đức Giêsu là Thiên Chúa nên Ngài vượt lên trên và không phụ thuộc vào những ràn buộc của thế quyền.
Nhưng để cho thế quyền chấp nhận, Chúa Giêsu sẵn sàng đưa ra những bằng chứng xác thực để minh chứng về thân thế và sứ mạng của Ngài qua bài tin mừng hôm nay.
Thứ nhất: Bằng chứng của Gioan Tẩy Giả: “Đấng đến sau tôi, nhưng quyền thế hơn tôi. Tôi rửa anh em bằng nước, nhưng Đấng ấy sẽ rửa anh em trong Thánh Thần”.
Thứ hai: Chính lời Tôi nói và những việc Tôi làm:
Có ai làm cho người mù mới sinh được khỏi như Chúa Giêsu.
Có ai làm cho một người phong cùi được sạch.
Có ai làm cho một đứa bé đã chết được sống lại.
Có ai làm cho đứa con trai của bà goá thành Naim bị cột chặt trong vải liệm và đang khiêng đem chôn được hồi sinh.
Có ai làm cho ông Lazarô chết 4 ngày được chỗi dậy.
Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền làm những điều ấy.
Thứ ba: Chúa Cha làm chứng về Ngài: “ Này là Con Chí Ái của Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”.
Thứ tư: Bằng chứng của Thánh Kinh và Môsê đã loan báo về Ngài chính là Đấng Messia.
Tuy Chúa đã đưa ra những bằng chứng xác thực như vậy, nhưng người Do Thái không nhìn nhận Ngài.
Lý do:  Vì họ không có lòng yêu mến Thiên Chúa và vì tính ích kỉ, hám danh. Vì thế họ đã không còn khả năng mở lòng đón nhận Ngài.
Dù họ có tin hay không tin, thì sự thật Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người. với tất cả nhân tính và Thiên tính nơi Ngài.
Suốt hơn hai ngàn năm qua, không ai có thể để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử như Chúa Giêsu.
Không nhà cách mạng tài ba nào có thể biến đổi thế giới được như Ngài.
Không có vị tôn sư nào có` một dòng dõi môn đệ đông đảo như Ngài.
Không có tên ai được nhắc một cách cực trong như tên Ngài.
Không có một ân nhân nào được yêu mến say mê như Ngài.
Thế mới rõ Đấng vĩ đại ấy chính là một người, nhưng là người Chúa, vì Ngài là Con Thiên Chúa.
Xin cho chúng con và hết mọi người biết khiêm tốn tin nhận Đức Kitô là Chúa lòng mình và nổ lực hết lòng sống theo lời Người chỉ dạy với tình yêu mến. Amen.

Thứ sáu (Ga 7,1-2.10.25-30)
Dẫn
Tự mãn về sự hiểu biết của mình, dân Do Thái nói chung cách riêng những người Biệt Phái đã trở nên mù quáng, không còn khả năng nhận ra Đức Giêsu chính là Đấng từ Thiên Chúa mà đến. Do đó họ đã không tin nhận Ngài và ra sức chống đối quyết liệt.
Dù ngày nay chúng ta dễ dàng tin Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người, nhưng nhiều lúc đức tin chúng ta cũng bị chao đảo. Xin Chúa ban thêm lòng tin nơi chúng ta. Và cho nhiều người chưa tin Chúa cũng đón nhận ơn đức tin như chúng ta.
Chia sẻ
Càng ngày cuộc tranh luận về nguồn gốc và những phép lạ của Chúa Giêsu với người Do Thái, cách riêng với nhóm Biệt Phái càng trở nên gây gắt. Khiến họ đưa đến quyết định bắt và giết Ngài.
Bằng lời giảng dạy khôn ngoan đầy thuyết phục, dân chúng rất ngạc nhiên về Người. Những lời lẽ về đạo lý khôn ngoan ấy phải đến từ Thiên Chúa.
Bằng những bằng chứng cụ thể về ông Môsê đã truyền phải làm phép cắt bì và họ vẫn chịu cắt bì trong ngày sabát. Vậy có người đã chịu phép cắt bì trong ngày sabát để khỏi phạm luật Môsê, thì tại sao Chúa Giêsu cứu chữa người bệnh tật trong ngày sabát lại phạm luật.
Chữa một phần cơ thể bị bất thường là việc bác ái đáng làm trong ngày sabát. Tại sao với tình yêu thương cứu chữa toàn thân thể cho người bị bệnh tật  trong ngày sabát lại không được làm?
Và Chúa Giêsu khẳng định: sở dĩ họ không tin nhận Ngài là do họ chỉ xét đoán theo bề ngoài.
Họ cho rằng họ biết quá rõ về lý lịch Đức Giêsu. Biết nơi sinh, chổ ở và còn biết cả cha mẹ, bà con họ hàng của Người nữa. Một người xuất thân từ một nơi chốn, một hoàn cảnh và một gia đình nghèo khó, tầm thường, nhỏ bé thì làm sao là Đấng Cứu Thế được.
Còn những người có chức quyền thì ghen tức vì thấy Ngài được dân chúng ái mộ. Nhất là họ không thể chịu nổi những lời tuyên bố về nguồn gốc xuất thân từ Thiên Chúa của Ngài. Nên đã quyết tâm trừ khử Ngài.
Thế đã rõ:
Vì kiêu căng-tự mãn, không muốn đón nhận lời chân lý Chúa dạy nên đã có cái nhìn lầm lạc về Chúa.
Và vì tự ái-tự phụ, không muốn người khác hơn mình, đã ghen ghét và tìm cách giết hại Chúa.
Xin Chúa giúp chúng con hết lòng tin kính Chúa là Đấng Cứu Độ Chúa Cha gởi đến cho chúng con. Và cho chúng con biết khiêm tốn ăn năn sám hối quay về với Chúa, để đón nhận tình thương ơn chữa lành những bệnh tật tâm hồn trong mùa chay thánh này.

Thứ bảy (Ga 7,40-53)
Dẫn
Sống theo cảm tính và nhận định chủ quan, khiến cho con người có những nhận định sai lầm và đưa đến hành động tàn bạo, độc ác. Đó là điều mà tin mừng hôn nay muốn đề cập đến.
Chia sẻ
Trước những phép lạ và lời giảng dạy của Chúa Giêsu, người Do Thái có những phản ứng khác nhau.
Người bình dân, đơn sơ thì tin Ngài là một ngôn sứ cao cả được Môsê báo trước.
Một số người hiểu biết thì cho rằng: Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế như lời ngôn sứ Isaia đã loan báo.
Còn những người thuộc giới lãnh đạo thì phủ nhận hoàn toàn, cho rằng: Ngài không phải là ngôn sứ, cũng không phải là Đấng Cứu Thế.
Có nhiều lý do:
1. Không hội đủ những điều kiện về địa dư và dòng tộc.
2. Sứ điệp lời Chúa có nguy cơ làm cho dân chúng sao lãng lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc.
3. Lời giảng dạy và phép lạ Chúa Giêsu làm lu mờ hình ảnh và uy thế của họ. Vì thế họ quyết định nhổ “cái gai Giêsu” ra khỏi mắt họ.

Nhưng đối với những người am tường luật lệ và yêu mến sự thật thì có cái nhìn trong sáng và cách hành xử công minh. Ông Nicôđêmô là một điển hình. Ông là thành viên của hội đồng lập pháp, là tiến sĩ luật có thế giá và là người can đảm đứng ra biện hộ cho Chúa, ông nói: “ muốn bắt người ta, tức là Chúa Giêsu, thì trước hết phải đối diện thẩm vấn, phải có nhân chứng và xét xử theo luật lệ”. Nhưng lời đề nghị của ông chẳng ăn nhằm gì với số đông không cần luật lệ gì hơn là luật rừng.

Thời nay cũng vậy. Chân lý thuộc về số đông và nằm trong tay những kẻ có quyền. Công lý thường bị bẽ cong và hậu quả là những người sống theo sự thật, chân lý và tình thương bị xem là người khờ dại. Có nguy cơ đẩy toàn bộ thế hệ đi vào hướng nhìn lệch lạc, nhằm lẫn. Không còn phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Đâu là chính, đâu là phụ. Đâu là điều ưu tiên phải thực hiện và đâu là điều cần bỏ qua nếu cần.
Xin cho chúng ta biết tôn thờ Chúa trên hết mọi sự. Biết làm theo ý Chúa hơn ý mình. Biết ưu tiên làm việc của Chúa, cho Chúa và vì Chúa hơn là cho mình. Nhất là biết chọn Chúa là lẽ sống và là con đường để ta dấn bước.
Xin đừng để ta sống theo cảm tính nhẹ dạ, cả tin vào những luồng tư tưởng, thông tin bên ngoài áp đặt. Nhưng cho ta biết khôn ngoan lấy lời Chúa và Giáo Huấn Giáo chọn lọc và cam đảm sống theo sự hướng dẫn đó. Hy vọng chúng ta không phải đi vào vết xe đổ của người Do Thái ngày xưa


  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...