Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

THÁNH GIUSE NGƯỜI GIA TRƯỞNG TRUNG THÀNH

Lm Seoka

Để đảm bảo hạnh phúc gia đình, hơn lúc nào hết các đôi vợ chồng ngày hôm nay cần phải ý thức và can đảm sống nhân đức trung thành theo mẫu gương của Thánh Giuse.
1. Thánh Giuse trung thành bảo trợ gia đình.
Sau khi nhận được thánh ý Thiên Chúa, Thánh Giuse đã sẵn sàng đứng ra để bảo trợ Thánh gia.
Thánh Kinh thuật lại: khi biết được Đức Maria mang thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần, Thánh Giuse đã không ngần ngại nhận Đức Maria về nhà mình để chở che và nuôi dưỡng. Nhận lãnh hay bảo lãnh Đức Maria về nhà cũng đồng nghĩa Thánh Giuse giải cứu Đức Maria khỏi búa rìu dư luận và thoát khỏi án tử.
Việc bảo trợ Đức Maria cũng có nghĩa là đồng bảo trợ Hài Nhi đang được cưu mang trong cung lòng Đức Maria. Việc nhận Đức Giêsu làm con cũng đồng nghĩa với việc bảo trợ cho Đức Giêsu sinh ra cách hợp pháp và đưa Đức Giêsu vào trong dòng tộc vua Đavít.
Không chỉ bảo trợ cho Hài nhi Giêsu sinh ra hợp pháp mà thánh Giuse còn bảo toàn mạng sống của Đức Giêsu khỏi nanh vuốt của vua Hêrôđê. Để bảo toàn mạng sống của Đức Giêsu, thánh Giuse phải vượt đường xa hiểm trở gần 500 cây số xuyên qua sa mạc dài hơn 200 km không một bóng cây, không một ngọn cỏ, không một giọt nước, rất gian khổ để đến Ai-cập tị nạn.
Ngoài việc bảo vệ sự sống, bảo vệ mạng sống, Thánh Giuse còn phải bảo vệ cho Đức Maria và Hài Nhi Giêsu được sống nữa. Ngài đã phải lao động vất vả tại xưởng mộc bé nhỏ tại làng Nazarét để mưu tìm miếng cơm, manh áo, tiền nong để nuôi sống gia đình.
Cuộc đời thánh Giuse quả không phải sung sướng, an nhàn, trái lại ngài phải trãi qua trăm chiều thử thách và đau khổ. Ý Chúa quan phòng để ngài nêu gương cho ta khi gặp gian lao, thử thách cũng biết vui lòng hy sinh như ngài để bảo vệ sự sống, mạng sống và tạo điều kiện cho gia đình mình được sống an bình.
Là người cha phải hết lòng bảo vệ con cái mình khỏi tay kẻ dữ, khỏi bầu khí hận thù và bất công. Đó là nhiệm vụ vô cùng to lớn của người gia trưởng.
Hằng ngày có biết bao hài nhi bị hủy diệt trong bào thai. Chúng ta cũng đã từng chứng kiến không ít những hài nhi vừa cất tiếng khóc chào đời lại bị chính cha mẹ chúng bỏ rơi, thật đau lòng!
Cách bảo vệ hài nhi an toàn nhất là chúng ta phải biết tỉnh thức để nghe tiếng Chúa nói trong lương tri như Thánh Giuse, dù khi ngủ, ngài vẫn thức tỉnh nhận ra tiếng Chúa nói trong giấc mộng.
2. Thánh Giuse trung thành trong nhiệm vụ giáo dục con cái.
Tin mừng thánh Luca đề cao nền giáo dục tuyệt vời của Thánh gia qua câu: “Hài nhi lớn lên càng mạnh khỏe, khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Chúa và người ta” (Lc 2,40-52). Chỉ một lời ngắn ngủi của thánh sử Luca nhưng đã diễn tả hầu như trọn vẹn cách thế giáo dục của thánh Giuse và Đức Maria đối với con mình. Các ngài đã để ý và giáo dục con mình về mọi phương diện: Thể dục, trí dục, đức dục …
- Thể dục: Trẻ Giêsu càng lớn lên càng mạnh mẻ, đầy sức lực nhờ vào lao động nơi xưởng mộc Nazarét mà thánh Giuse đã dày công tạo dựng. Lên 12 tuổi trẻ Giêsu đã đi bộ suốt bốn năm ngày đàng lên Giêrusalem dự lễ, vậy mà không thấy Thánh kinh nói trẻ Giêsu mệt mỏi. Sau này giảng đạo, Đức Giêsu đã đi khắp cùng làng mạc, thành phố và cả những vùng lân cận nữa.
- Trí dục: Càng tuyệt vời hơn khi mới 12 tuổi, cậu bé Giêsu của làng Nazarét quê mùa, vô danh, ở tít vùng sâu, vùng xa đã đàng hoàng vào đền thờ ở thủ đô Giêrusalem, ngồi giữa các thầy tiến sĩ vừa nghe vừa hỏi. Ai cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp khôn ngoan của cậu. Nếu gia đình Thánh Giuse không quan tâm đến việc hướng dẫn con mình học hỏi và trao dồi Thánh kinh thì làm gì có sự hiểu biết như thế?
Mỗi ngày Sabát là dịp tốt để tìm hiểu Thánh kinh và nghiên cứu Luật Chúa. Như trở thành thói quen mà cha mẹ để lại. Sau này khi rao giảng Chúa Giêsu thường xuyên vào Hội Đường đọc Lời Chúa, giảng dạy và chữa bệnh. Có lẽ nhờ việc quan tâm đến giáo dục tri thức cho con mình nên Đức Giêsu đã thuộc lòng các khoản Luật và Lời Chúa.
- Đức dục: Ngoài đức công chính gắn liền với tên tuổi Thánh Giuse, chúng ta còn nhận thấy một nhân đức khác nổi bậc nơi ngài nữa đó là đức vâng lời. Vâng lời thánh ý Thiên Chúa, ngài đã bỏ ý riêng mình để đón nhận Đức Maria về nhà mình. Vâng lời Thiên Chúa, ngài đã mau mắn đem Đức Maria và Hài Nhi trốn sang Aicập.
Chính nhờ ảnh hưởng của một nền đạo đức như vậy mà Đức Giêsu trở nên người con hằng “đẹp lòng Chúa Cha”. Cuộc đời Chúa Giêsu cũng tiếp nối bằng hai chữ “xin vâng” theo thánh ý Chúa Cha như thánh Giuse và Đức Maria:
Vâng lời Chúa Cha từ trời cao Người xuống thế, từ Vị Thiên Chúa trở nên người phàm, từ Đấng Thánh Thiện lại gánh lấy tội nhân. Người vốn là giàu sang lại trở nên nghèo khó…; và Ngài đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Vì thế nên Người hằng xác quyết: “lương thực của Ta là làm theo Đấng đã sai Ta” (Ga 4,34). Ngoài việc vâng lời Chúa Cha, Đức Giêsu còn luôn vâng lời thánh Giuse và Đức Maria: “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazarét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51).
Vậy những bậc cha mẹ cũng hãy noi gương thánh Giuse, quan tâm giáo dục con mình phát triển toàn diện. Trung thành giáo dục như thế mới hy vọng con chúng ta trở nên tốt.
Cùng với Giáo Hội, chúng ta cũng đang sống trong tâm tình của mùa chay thánh. Nếu mùa chay Giáo Hội mời gọi chúng ta trở về, thì trước hết, chúng ta hãy bắt đầu trở về với chính mình, với những bổn phận của người chồng-vợ, người cha-mẹ, người gia trưởng-hiền mẫu trong gia đình mình, bằng việc noi gương thánh Giuse trung thành trong vai trò bảo trợ gia đình, trung thành trong trách nhiệm làm cha-mẹ và nhất là trung thành trong việc giáo dục con mình trở thành người và thành người con Chúa.
Vì sự sống và hạnh phúc gia đình, xin cho các gia trưởng-hiền mẫu quyết sống với HAI CHỮ TRUNG THÀNH theo gương thánh Giuse Bổn mạng gia trưởng. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...