Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY TRONG TUẦN XVI TN

Thứ hai (Mt 12,38-42)
Kinh nghiệm cho thấy: "Người buồn cảnh có vui bao giờ.".
Việc thay đổi con người không hệ tại ở hình thức bên ngoài, nhưng trước hết là phải thay đổi tận cõi lòng, thay đổi não trạng và cái nhìn.
Mặc dù chứng kiến bao là phép lạ Chúa Giêsu đã làm, mặc dù đã nhiều lần vỗ tay ca ngợi những lời hay ý đẹp của Chúa Giêsu, nhưng rốt cùng nhiều người Do Thái, đặc biệt là nhóm người Pha-ri-sêu và Biệt phái vẫn không tin.
Hết cách, Chúa Giêsu đành phải thốt lên: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác, chúng xin điềm lạ. nhưng chúng sẽ không thấy được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Gio-na”. Và như một cố gắng cuối cùng, Chúa Giêsu đã dùng lại hai câu chuyện ngày xưa với hy vọng họ suy nghĩ lại mà thay đổi não trạng.
Nhắc lại chuyện Giona ngày xưa, nhằm lưu ý họ rằng: Ngày xưa dân thành Ninivê chỉ nghe lời rao giảng miễn cưỡng của Ngôn sứ Giona. Vậy mà cả thành, từ vua đến dân, từ già đến trẻ, từ người đến súc vật đều ăn chay sám hối và khẩn xin sự tha thứ của Chúa. Vậy mà hôm nay có Người còn hơn Giona. Đấng mà Giona loan báo đã đến và rao giảng, vậy mà họ lại không để tâm ăn năn hối cải. Thật đáng buồn!
Nhắc lại câu chuyện nữ hoàng Phương nam vượt đường xa vạn dặm, bất chấp khó khăn, tốn kém đến để diện kiến vị vua khôn ngoan là Salomon. Bà ta đã toại nguyện, hết lòng cảm phục sự khôn ngoan của nhà vua. Nhưng ở đây còn trọng hơn vua Salomon nữa, vì Người chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa và là vua trên hết các vị vua. Thế mà họ chẳng thèm nghe. Thật đau lòng!!
Chính lòng tự mãn làm cho họ trở nên mù quáng nên đã làm hỏng hết mọi ơn phúc, vì thế không còn cách nào để tự chữa mình được nữa.
Xin cho chúng ta đừng như thế hệ Do Thái xưa, mù quáng và tự mãn. Nhưng hãy trở nên giống dân thành Ninivê và nữ hoàng Phương nam có cái nhìn ngay chính để nhận ra chân lý mà theo đuổi; cũng như biết khiêm tốn nhận mình còn nhiều khiếm khuyết, thiếu sót, tật xấu và tội lỗi, để theo sự khôn ngoan của Chúa hướng dẫn mà sửa đổi đời sống mỗi ngày nên tốt hơn.

Thứ ba. Thánh nữ Maria Magđalêna (Ga 20, 1-2. 11-18).
Dựa trên những gì Tin mừng nói đến, chúng ta có thể gạch vài đầu dòng về thánh nữ Maria Magđalênna mà Giáo hội kính nhớ hôm nay:
- Theo Tin mừng thánh Luca thì: Thánh Maria Magđalêna sống cùng thời với Chúa Giêsu. Bà đã từng bị bệnh và bị quỷ ám, nhưng được Chúa Giêsu chữa lành và giải thoát khỏi 7 quỷ. Bà đã nhập đoàn với các bà đạo đức đi theo Chúa Giêsu để giúp đỡ Ngài trên hành trình truyền giáo. (Lc 8,2-3).
-  Bà đã theo Chúa Giêsu đến giây phút cuối cùng, nên đã chứng kiến cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. (Mc 15,40).
- Bà cũng đã cẩn trọng để ý xem ông Giô-xếp hạ xác, tẩm liệm và an táng Chúa Giêsu trong mộ đá như thế nào. (Mc 15,46-47).
- Đặc biệt bài Tin mừng hôm nay cho biết bà rất yêu Chúa Giêsu.
Chính tình yêu thúc đẩy nên bà đã ra thăm mộ Chúa từ sáng sớm của ngày thứ nhất trong tuần.
Vì lòng mến yêu Chúa, bà đã hốt hoảng và khóc nức nở khi thấy ngôi mộ trống và không nhìn thấy xác Chúa đâu.
Và cũng vì yêu Chúa, bà đã tìm đủ mọi cách để tìm lại Người như: trình bày nỗi lòng với hai Thiên Thần: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi”; cũng như hỏi xem hai Thiên Thần có biết Chúa Giêsu đâu không?.
Dù lệ rơi có làm cho đôi mắt bà trở nên lờ mờ không nhận ra Chúa. Nhưng với con tim nhạy bén, bà vẫn đủ sáng suốt để nhận ra tiếng Chúa gọi: “Maria!”. Trong niềm vui sướng và với lòng yêu mến chân thành, bà muốn giữ Chúa ở lại mãi bên mình. Nhưng Chúa Phục sinh bảo bà: "Đừng giữ Thầy lại...", mà hãy ra đi để gặp gỡ và chia sẻ về những điều mà mình đã thấy và kể lại những điều Người đã nói!
Mong rằng mỗi chúng ta cũng có được tình yêu Chúa một cách nồng nàn như thánh nữ Maria Magđalêna.
Ước rằng mỗi chúng ta cũng luôn sẵn sàng bước theo Chúa đến cùng trong bất cứ cảnh huống nào trong cuộc sống theo gương thánh nữ Maria Magđalêna.
 Xin cho chúng ta cũng biết thao thức được ở bên Chúa, Đấng mà ta yêu mến. Nhất là biết đem niềm vui phục sinh đến cho những ai đang sống trong cảnh đau buồn, thất vọng, vì đó là cách thức ta thể hiện tình yêu đối với Chúa cụ thể nhất.

Thứ tư (Mt 13,1-9)
Chúa Giêsu thường dùng những hình ảnh rất gần gũi và quen thuộc để nói lên thực tại của cuộc sống. Cụ thể bài Tin mừng hôm nay Chúa dùng hình ảnh người nông phu ra đi gieo hạt giống.
Với hình ảnh người ra đi gieo hạt, Chúa Giêsu muốn nói đến lòng quảng đại hào phóng của một vị Thiên Chúa. Ngài sẵn sàng gieo vãi hạt giống Lời Chúa vào bất cứ nơi đâu, dẫu biết rằng những nơi ấy có thể  không sinh hoa kết quả.
Với hình ảnh môi trường mà hạt giống được gieo vào, Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến tâm hồn của con người. Môi trường ấy, Chúa Giêsu cho biết có nhiều loại. Có loại lề đường, có loại sỏi đá, có thứ gai góc..., nhưng cũng có loại đất tốt.
Hạt giống Lời Chúa thì luôn tốt, có khả năng phát triển và sinh nhiều bông hạt. Người gieo vãi hạt giống ấy là Thiên Chúa thì luôn hào phóng và quảng đại không so đo tính toán. Điều quan trọng còn lại là môi trường lòng người có chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận hạt giống Lời Chúa hay không?
Nếu tâm hồn mỗi người chúng ta chính là mảnh đất tiếp nhận hạt giống Lời Chúa. Thì giờ đây ta cần xét xem mảnh đất tâm hồn của ta là loại đất nào?
Nếu tâm hồn ta còn mang nặng những thành kiến, cố chấp, bảo thủ, ngại thay đổi bản thân theo lời dạy của Chúa và Giáo Hội, thì mảnh đất tâm hồn ta đang thuộc dạng vệ đường.
Nếu tâm hồn chúng ta còn có những bất hòa, phân biệt, chia rẻ đánh mất tình hiệp thông với tha nhân thì mảnh đất tâm hồn chúng ta vẫn còn nhiều gai gốc.
Nếu tâm hồn chúng ta còn sống ích kỉ, kiêu căng, bất công, thiếu bác ái với tha nhân là mảnh đất tâm hồn của ta còn nhiều sỏi đá.
Xin Chúa cho mảnh đất tâm hồn của chúng con được nên màu mở để hạt giống Lời Chúa gieo vãi vào có cơ may mọc lên, phát triển vững mạnh và sinh được nhiều bông hạt tốt tươi qua những việc làm tốt lành của chúng con.

Thứ năm (Mt 13,10-17).
Khi muốn nói điều gì khó nói, người ta hay dùng cách ví von.
Khi muốn thổ lộ tâm tình sâu kín, người ta hay nhờ đến câu chuyện.
Khi muốn diễn tả chân lý tròn đầy, Chúa Giêsu lại dùng đến dụ ngôn.
Dụ ngôn chính là cách diễn đạt chân lý về "mầu nhiệm nước trời" dễ hiểu nhất.
Vì dụ ngôn mang ý tưởng so sánh và diễn đạt khía cạnh khó hiểu. Do đó chỉ những ai cố công tìm hiểu mới có thể nhận ra được giá trị chân lý siêu việt mà Chúa Giêsu muốn nói đến.
Nhưng hình như  những lời giảng dạy của Chúa Giêsu bằng dụ ngôn không được dân chúng đón nhận cách tích cực. Đa phần họ nghe cho vui tai thôi chứ không ra công tìm hiểu. Vì thế Chúa Giêsu đã không ngần ngại nói thẳng: "Họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe, không hiểu". Duy chỉ có các tông đồ là những người tích cực chủ động muốn nghe và tìm hiểu lời giảng dạy của Chúa, nên họ được mạc khải cho biết về mầu nhiệm nước trời.
Do đó không phải Chúa Giêsu cố tình dùng dụ ngôn để gây khó dễ cho người nghe, nhưng là để xác định xem ai là người thiện chí thì mới xứng đáng hiểu lời vàng ngọc, châu báo của Chúa.
Nhìn thấy Chúa và Nghe được Lời Chúa đã là một diễm phúc lớn lao cho những người sống cùng thời với Chúa rồi. Bởi lẽ "nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi được thấy điều anh em thấy mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe mà không được nghe".  Tuy nhiên nếu nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu thì quả là một bất hạnh to lớn.
Chúng ta là những người thật hạnh phúc vì được vinh dự được lắng nghe, gặp gỡ  và đón nhận Chúa hằng ngày qua Thánh Lễ.
Xin cho chúng ta biết siêng năng tham dự thánh lễ hàng ngày với lòng khao khát nghe và đón nhận Chúa vào lòng để nhờ đó ta cảm nếm được niềm hạnh phúc sâu xa nơi tâm hồn.

Thứ sáu. Thánh Giacôbê Tông đồ (Mt  20, 20-28).
Mừng kính Thánh Giacôbê tông đồ hôm nay, chúng ta cùng nhau liệt kê vài nét chính liên quan đến con người của thánh nhân mà tin mừng đã nói đến.
- Thánh Giacôbê là anh ruột của thánh Gioan, quê ở làng Bếtsaiđa, cùng quê với Phêrô và Anrê. Cha ngài là ông Dêbêđê làm nghề chài lưới. Mẹ ngài là bà Salômê, một người phụ nữ đạo đức được nhắc trong thánh kinh.
- Ngài là một trong 4 môn đệ đầu tiên được Chúa Giêsu kêu gọi theo Ngài trên biển hồ Têbêria. Không ngần ngại do dự, Giacôbê đã lập tức bỏ lại tất cả để đi theo Chúa.
- Trong số 12 tông đồ, ngài là một trong ba môn đệ thân tín và gần gũi Chúa Giêsu nhất. Ngài được diễm phúc chứng kiến Chúa biến hình trên núi Tabo, được chứng kiến Chúa phục sinh con gái ông Gia-ia, được Chúa sai đi sửa soạn bữa tiệc cuối cùng; ngài cũng được hiện diện cùng với Chúa trong vườn cây dầu và chứng kiến giây phút sợ hãi nhất của Thầy Giêsu. Nhất là vinh dự được làm tông đồ đầu tiên hiến mạng sống để làm chứng cho tin mừng.
- Nhắc đến tông đồ Giacôbê ai trong chúng ta cũng đều nhớ đến hai tính xấu nổi bật nơi con người ông.
Thứ nhất: ông là một con người nóng tính.
Một lần Chúa Giêsu cùng các môn đệ lên Giêrusalem, vì phải đi ngang qua Samaria. Do đường xa nên Chúa Giêsu sai ông cùng Gioan đi trước để chuẩn bị chỗ ở. Nhưng những người trong thành quyết liệt từ chối không cho thầy trò nghỉ trọ. Lý do vì họ không ưa thích người Do Thái. Tông đồ Giacôbê rất tức giận, nên khi trở lại gặp Chúa Giêsu, ông xin Chúa khiến lữa từ trời xuống để thiêu đốt cả dân thành ấy. Nhưng Chúa không  làm theo ý của ông. Trái lại Ngài quở trách ông là "con của sấm sét". Sau đó thầy trò sang đường khác tiếp tục cuộc hành trình.
Thứ hai ông là con người đam mê quyền lực.
Mặc dù Giacôbê đã theo Chúa, được Chúa dạy bảo và huấn luyện nhiều, nhưng trong đầu các ông vẫn còn mang nặng đam mê quyền lực.
Do đó đã có lần chính ông và Gioan trực tiếp đến xin Chúa cho ngồi hai bên tả hữu trong nước của Chúa, ngay sau khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài. Thật quá đáng!
Càng quá đáng hơn khi hai anh em ông nhờ cậy chính người mẹ mình đi cửa sau để xin Chúa cho hai anh em ông được ngồi vào hai chiếc ghế bên cạnh Chúa, một khi giang sơn thuộc về tay Chúa.
Với Chúa Giêsu phấn đấu để được hiểu biết hơn, tài giỏi hơn, tốt lành hơn nhằm phục vụ lợi ích cho mình, cho người, cho xã hội và Giáo Hội là việc tốt, nên làm.
Nhưng nổ lực tranh đấu để đứng đầu nhằm thống trị mọi người, để tạo uy thế cho mình, để được tư lợi và bắt mọi người phục vụ cho quyền lợi cá nhân quả là điều đáng lên án. Nhưng càng đáng khiển trách hơn đối với những ai khi thấy người khác tài giỏi hơn mình, tốt lành hơn mình, thành công hơn mình mà tỏ ra ghen tị, khó chịu, tức giận… để tìm cách triệt hạ. Hạng người ấy chỉ đáng là kẻ tiểu nhân.
Xin cho chúng ta biết dùng tính nóng của mình để không nhằm làm điều xấu gây phương hại đến tha nhân, nhưng biết điều hướng tính nóng ấy để xả thân làm những việc lành và loan báo tin mừng theo gương thánh Giacôbê tông đồ .
 Xin cho chúng ta cũng ý thức rằng: làm lớn không phải là để thống trị hà khắc người khác, nhưng là để phục vụ vô vị lợi trong tinh thần khiêm tốn. Nhất là đừng vì lòng ghen tị mà tìm mọi cách để hạ bệ hay ngăn bước tiến anh em mình.

Thánh Gioakim và Anna. (Mt 13,24-30).
Trong suốt những tháng qua, tin tức nóng nhất trên các phương tiện truyền thông là sự kiện Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan HD 981 vào thềm lục địa, thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trước sự kiện này mọi người dân Việt Nam đều hết sức phẩn nộ, bất bình. Mỗi người, mỗi tổ chức, mỗi nhóm, thuộc đủ mọi lĩnh vực ngành nghề đều thể hiện tình yêu quê hương biển đảo của mình dưới nhiều hình thức khác nhau theo khả năng.
Gần đây, thông tin mạng có nói đến tình yêu quê hương đất nước của đại giaPhạm Ngọc Lâm đã đầu tư 100 tàu đánh cá với công suất 500 - 1.500 mã lực và 2 trực thăng để ra biển cùng ngư dân trong bối cảnh Biển Đông đang dậy sóng.
Kế hoạch của Phạm Ngọc Lâm đã thu hút sự quan tâm không chỉ vì góp phần khai thác và bảo vệ biển đảo mà còn là hướng mới cho DN. (Bởi Huấn Tú.  Vef.vn). 
Được biết trong quá khứ, ông Lâm đã từng là tội nhân và đã bị kết án tù chung thân. Tuy nhiên với hành động hào hiệp của ông ở vào thời điểm nóng hiện tại, thì ông được kể là người tốt, vì có lòng yêu quê hương đất nước thiết thực.
Câu chuyện của ông Lâm cho thấy: Qúa khứ có thể tôi là người tội lỗi, nhưng tương lai có thể tôi là người tốt lành. Mỗi ngày có 24 giờ, trong đó có biết bao thay đổi. Thấu hiểu điều đó nên Thiên Chúa (ông chủ ruộng) đã kêu gọi gia nhân hãy kiên nhẫn chờ đợi cho cỏ lùng và lúa tốt cùng sống bên cạnh nhau đến ngày thu hoạch.
Các nhà tu đức đã có lý khi nói: "Thánh nhân là tội nhân biết ăn năn sám hối.". Mang thân phân con người không ai là vô tội.  Nhưng điều quan trọng là biết sám hối ăn năn, thì tội nhân có thể sẽ trở thành thánh nhân.
Tạ ơn Chúa rất nhân từ đã "không muốn kẻ gian ác phải chết nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống". Xin cho chúng ta biết khiêm tốn nhận ra sự yếu đuối của phận người như thánh Phaolô đã cảm nhận: "sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm." (Rm 8,19) để tích cực vung trồng, bảo vệ và chăm sóc cho những hạt lúa tốt nơi tâm hồn chúng ta được nẩy mầm, lớn nhanh, lớn mạnh, hầu đủ sức loại trừ dần những mầm móng cỏ lùng độc hại xấu xa ra khỏi mảnh đất nơi tâm hồn chúng ta.
Hôm nay chúng ta mừng kính thánh Gioakim và Anna song thân Đức Maria. Dù rằng chúng ta không biết gì về đời sống của hai ngài. Nhưng với kinh nghiệm của cha ông ta: "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, hay "Cha nào con nấy".  Nhất là  dưới ánh sáng lời Chúa dạy: "Xem quả thì biết cây", phần nào chúng ta nhận ra đôi chút về đời sống của hai ngài qua Đức Maria, người con của hai ngài.
Đức Maria sẽ không được mọi đời khen ngợi là người phụ nữ diễm phúc nếu không được cảm nếm niềm hạnh phúc nơi thánh Gioankim và Anna.
Đức Maria sẽ không được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế nếu như tâm hồn Mẹ không được thánh Gioakim và Anna chuần bị xứng hợp.
Đức Maria sẽ không có tinh thần âm thầm hy sinh phục vụ nếu như không nhận thấy đời sống hy sinh phục vụ âm thầm của cha mẹ người.
Đức Maria sẽ không thể có được tinh thần khiêm hạ, nghèo khó nếu như không được hấp thụ bởi gương sáng từ cha mẹ.
Đức Maria sẽ không có được tinh thần vâng phục thánh ý Thiên Chúa nếu như không được cha mẹ truyền thụ lại một nền tảng đức tin vững chắc.
Xin Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Maria giúp cho gia đình chúng con biết noi gương gia đình thánh Gioakim và Anna, luôn vâng nghe lời Chúa và Hội thánh; biết loại trừ tính hư tính xấu là cỏ lùng độc hại ra khỏi đời sống, để những giá trị Tin mừng là lúa tốt được triển nở mạnh mẻ nơi gia đình chúng con.

Xin cho các bật làm cha mẹ trở thành gương sáng đời sống đức tin và yêu thương cho con cái như thánh Gioakim và Anna, nhằm góp phần làm cho mảnh đất tâm hồn nơi con cái trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành.

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN B

Ông bà và anh chị em thân mến, để thực hiện sứ mạng giải thoát con người khỏi những đau khổ về thể xác và tinh thần, một mình Đức Giêsu là đủ, vì Ngài là Thiên Chúa quyền năng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại không dùng cách thế đó. Trái lại Chúa mời gọi chúng ta cộng tác. Cụ thể bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chọn gọi 12 tông đồ, ban quyền trừ quỷ cho các ông và sai các ông từng 2 người một đi rao giảng tin mừng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối.
Mỗi người ki-tô hữu chúng ta qua bí tích rửa tội và thêm sức được Chúa chọn gọi và trao quyền cách đặc biệt để tiếp nối sứ mạng loan báo tin mừng.
Sứ mạng thì to lớn, nhưng phận người lại bé nhỏ. Thế nên, Chúa Giêsu ý thức chúng ta hãy cậy trông vào Chúa.
Cậy trông vào Chúa, ta sẽ dễ dàng sống tinh thần khó nghèo, sẵn sàng ra đi bất cứ nơi nào Chúa muốn. Cho dù bản thân không gạo, không tiền, không bao bị, không có đến hai áo.
Cậy trông vào Chúa, ta sẽ dễ dàng sống siêu thoát, bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Sẵn sàng đến và sẵn sàng ra đi mà không hề vương vấn, tiếc nối vì “tiền” và “tình”.
Cậy trông vào Chúa, ta sẽ không kiêu căng tự mãn nhưng biết khiêm tốn đón nhận, hợp tác làm việc với anh chị em trong cộng đoàn với trách nhiệm cao quý là loan báo tin mừng.
Xin cho chúng ta biết canh tân đời sống bản thân, làm lành mạnh hóa đời sống tâm hồn; đồng thời cũng biết canh tân đổi mới những người chung quanh. Cụ thể là những người sống gần gũi: trong gia đình, trong xóm làng và nơi họ đạo chúng ta.
Xin Chúa ban cho Giáo hội nhiều tông đồ nhiệt thành để đẩy lùi sự dữ và khử trừ sự ô uế ra khỏi môi trường chúng ta đang sống.
Lạy Chúa, Chúa biết chúng con là những phận hèn sức yếu. Vì thế, Chúa không đòi hỏi chúng phải rađi loan báo tin mừng ở những nơi xa xôi. Nhưng Chúa muốn chúng con biết tích cực gieo vãi yêu thương và bình an cho những người gần gủi chúng con. Xin cho chúng con ý thức và tích cực thực thi lời Chúa dạy. Amen.


Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

GIẢNG LỄ NHẬN NHIỆM SỞ HỌ ĐẠO ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI CỦA CHA Pr. SIÊNG
Lm Seoka
Tin mừng: Mc 6, 6-13.

Kính thưa cha quản hạt, quý cha và cộng đoàn phụng vụ,
Hôm cấm phòng năm, khi biết tin được thuyên chuyển, cha Phêrô có nói với em cháu: ngày nhận nhiệm sở của mình, cậu chia sẻ ít lời trong thánh lễ nha! Tưởng ngài nói đùa nên con cũng hứa chơi cho qua chuyện. Nhưng không ngờ cách nay không lâu, ngài gọi điện thoại báo tin, hôm nay ngài về nhận họ, xuống chia sẻ nha! Lệnh đã truyền, nên em cháu đành xin vâng!  Xin vâng không chỉ vì lỡ hứa mà còn vì: thứ nhất, con với ngài học cùng lớp. Thứ hai, ngài thuộc bậc đáng kính vì “người đầu bạc thì khôn ngoan”. Thứ ba, từ khi ra trường đến giờ con và ngài luôn gắn bó qua lại với nhau.
Ông bà và anh chị em thân mến, để thực hiện sứ mạng giải thoát con người khỏi những đau khổ về thể xác và tinh thần, một mình Đức Giêsu là đủ, vì Ngài là Thiên Chúa quyền năng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại không dùng cách thế đó. Trái lại Chúa mời gọi chúng ta cộng tác. Cụ thể bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chọn gọi 12 tông đồ, ban quyền trừ quỷ cho các ông và sai các ông từng 2 người một đi rao giảng tin mừng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối.
Có thể nói, Lm là người được Chúa chọn gọi và trao quyền cách đặc biệt để tiếp nối sứ mạng loan báo tin mừng.
Sứ mạng thì to lớn, nhưng phận người lại bé nhỏ. Thế nên, Chúa Giêsu ý thức các linh mục hãy cậy trông vào Chúa.
Cậy trông vào Chúa, Lm sẽ dễ dàng sống tinh thần khó nghèo, sẵn sàng ra đi bất cứ nơi nào Chúa muốn. Cho dù bản thân không gạo, không tiền, không bao bị, không có đến hai áo.
Cậy trông vào Chúa, Lm dễ dàng sống siêu thoát, bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Sẵn sàng đến và sẵn sàng ra đi mà không hề vương vấn, tiếc nối vì “tiền” và “tình”.
Cậy trông vào Chúa, Lm sẽ không kiêu căng tự mãn nhưng biết khiêm tốn đón nhận, hợp tác làm việc với anh em lm đoàn và cộng đoàn trong nhiệm cao quý là loan báo tin mừng.
Chính vì ý thức trách nhiệm cao quý mà Chúa trao phó, nên cha Phêrô hôm nay đã sẵn sàng rời khỏi Ninh Sơn để vui vẻ đến với họ đạo Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Với việc công bố Bổ Nhiệm Thư của Đức Giám Mục giáo phận Cần Thơ, cha Phêrô chính thức làm cha sở họ đạo Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Phải nói từ nay lịch sử họ đạo Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời lại sang một trang mới, vì lần đầu tiên chào đón một tân chánh sở về ở trực tiếp với mình.
Cha Phêrô năm nay đã bước sang tuổi 49, với 12 năm trong thiên chức linh mục. 12 năm linh mục, cha đã kinh qua 2 họ đạo, những nếp nhăn đã bắt đầu hằn lên trán cha, mái tóc cũng đã bắt đầu điểm những sợi bạc. Ninh Sơn là giáo xứ cha coi sóc trong 6 năm rưởi trở lại đây. Vâng lời Chúa, vâng lời Đức Cha, nay cha lên đường nhận nhiệm sở mới, bỏ lại đàng sau những điều còn dang dở chưa làm xong, bỏ lại đàng sau tấm lòng yêu mến, quyến luyến không rời của hơn 1000 giáo dân xứ đạo Ninh Sơn. Mặc dù sắp đón cha xứ mới, nhưng cái tình với cha xứ cũ vẫn chưa thể nào dứt được, vì thế đông đảo bà con giáo dân Vinh Sơn đã tới đây hôm nay, để chào tạm biệt cha xứ thân yêu. Xin chia buồn cùng bà con giáo dân họ đạo Ninh Sơn nhé!
Còn họ đạo Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, chắc hẳn hôm nay rất vui mừng. Vui vì từ nay có một vị mục tử đạo đức và hiền hòa trực tiếp ở với mình. Mừng vì hơn 3 năm tái lập, xây dựng và phát triển, nay họ đạo lần đầu tiên đón nhận một cha sở. (xin cộng đoàn cho tràng pháo tay thật lớn để chia vui cùng họ đạo).
Tạm biệt ngoại thành, với bao mộng đẹp, nay cha phêrô tiến về nội thành Bạc Liêu, cái nôi của đàn ca tài tử. Chia tay với thân phận anh ba khía, đơn sơ, nơi vùng ven Vinh Sơn, nay cha Phêrô chính thức trở thành công tử hào hoa nơi mãnh đất nội thành Bạc Liêu. Thế là cha công tử từ nay sống trên mãnh đất tài tử. Song hỉ lâm môn! (xin cho thên tràng pháo tay nữa để chia vui cùng cha Phêrô)
Làm cha công tử, chắc hẳn cha rất sướng. Bởi thời phong kiến, có năm thứ bậc tước vị: Công - Hầu - Bá - Tử - Nam. “Công tử” tức là con của những vị quan có tước “Công”. Nhưng sau này hai chữ “công tử” được dùng để chỉ chung con cái của những gia đình giàu sang quyền quý, có thế lực. Vì là con của gia đình giàu sang, quyền thế nên công tử được hiểu đơn giản là rất sung sướng.
Hôm nay cha Phêrô về nhận nhiệm sở ở đất nội thành Bạc Liêu, đương nhiên tên cha gắn liền với tên công tử Bạc Liêu. Mà đã mang danh công tử thì dĩ nhiên phải sướng!
Theo Cha Anthony Đào Quang Chinh thì làm linh mục có nhiều cái sướng:
Xin kể một vài cái sướng cho cộng đoàn đỡ buồn.
1.Cái sướng thứ nhất là được gọi bằng “cha”.
Dù là linh mục già hay linh mục trẻ, thì đi bất cứ nơi đâu đều được mọi người tín hữu gọi là cha. Trương Tấn Sang hay Nguyễn Tấn Dũng chỉ làm chủ tịch hay thủ tướng một nước chứ làm linh mục thì cha cả và thiên hạ. Nên Linh mục đi đâu cũng được gọi bằng Cha. Có một linh mục nói đùa “ta là cha quốc tế mà!”.
2.Cái sướng thứ hai là được ăn trên ngồi trước.
Đây nhé, trông thì thấy ngay. Vào những dịp lễ đông người, như vọng Giáng sinh hay Phục sinh chẳng hạn, trong khi nhiều người đến sớm kiếm chỗ ngồi, thì cha cứ từ từ tiến lên ghế đã dành riêng của mình, chẳng phải tranh dành với ai mà cũng chẳng ai dám tranh dành với cha. Đố ông nào bà nào lên ngồi “ghế của cha” hay là ngồi gần cha trên bàn thờ? Có mời cũng chẳng dám.Rồi giáo dân đi lễ trễ mấy phút thì sợ mất lễ, còn cha “chẳng may” có trễ, mọi người đều phải chờ. Vị nào dám lên “làm lễ thay cha”. Sướng quá rồi còn gì!
Đấy là chưa kể đến các bữa tiệc phải chờ cha ban phép lành mới ăn. “Ăn uống mà chưa đượccha ban phép thì khác gì người ngoại đạo!”. Cha luôn được mời ngồi ở chỗ vinh dự nhất, trông thật oai. Khi dọn bất cứ món gì ngon, chủ nhà đều bảo tiếp tân: nhớ để trên đầu cha sở đó nha! Vì cha là vị khách đặc biệt.
3.Cái sướng thứ ba là cha “nói một tiếng bằng chúng con nói mười tiếng”.
Đúng vậy, trong nhà thờ, nếu cha kêu gọi điều gì, xem ra toàn dân hưởng ứng dễ dàng. Cònquý ông có dài cổ ra mời, may ra được bà vợ và đoàn con của mình đáp ứng thôi. Bởi thế cho nên người Mỹ mới có câu truyện hài hước:
Ba thằng nhãi con ngồi nói chuyện với nhau, khen bố mình giỏi.
Thằng thứ nhất khoe: - Mọi người gọi bố tao là giáo sư. Lương tháng của bố tao hơn ba ngàn. Tính ra mỗi giờ dạy học của bố tao hơn 50đô. Mai mốt tao giống bố tao. Học trò đến với bố tao phải trả tiền đó mày, vì bố tao dạy học dễ hiểu, nổi tiếng cả thành phố.
Thằng thứ nhì nổ: - Bố tao tuyệt vời lắm. Bố tao là ca sĩ. Mỗi lần hát được trả 2000đô cho vài bài nhạc, chưa đến nửa tiếng. Thiên hạ khoái bố tao lắm, vỗ tay quá trời. Bố tao nổi tiếng cả tiểu bang.
Thằng thứ ba có vẻ khiêm tốn: - Tao chẳng biết bố tao tài năng ra sao, nhưng mà ở trong nhà thờ, ông ấy rút ra một tờ giấy, đọc cái gì ấy, chẳng biết có ai hiểu không, sau đó 5, 6 người đứng lên cầm giỏ đi thu tiền mọi người. Bố tao chỉ lề rề đọc chừng 10 phút, chẳng ai cười, chẳng ai vỗ tay, vậy mà mỗi tuần thu được hơn 10 ngàn đô đó mày!
Hai thằng kia tranh nhau hỏi: - Thế bố mày làm nghề gì? – làm Mục sư chánh xứ chứ làm gì!.
Nếu tiếp tục kể về các cái “sướng” thì còn dài lắm, nhưng cuộc đời làm gì luôn luôn được suôn sẻ như vậy. Nếu làm cha sướng thì thiên hạ đi tu hết rồi? Sao lại cứ để mấy vị “LM, khờ khờ” làm cha? Thôi bây giờ bàn về cái khổ của cha sở cho công bằng.
Tác gỉả Thế Nhân đã diễn tả những nổi khổ của cha sở trong bài thơ sau:
LÀM CHA SỞ… THẬT LÀ KHỔ!
Làm cha sở…ôi thật là khổ sở/. Nếu hòa đồng bị than thở: không nghiêm/. Còn cương nghị thì bị chê liền: khó tính./ Khi giảng dài bị cho là: tra tấn./ Giảng ngắn gọn thì than thở: qua loa./ Làm việc xông pha thì bị chê là: bày vẽ./ Đơn giản, sơ mi thì lại nói Cha: trẻ hóa/. Sống chiêm niệm bị đánh giá nấp: ở nhà./ Không rượu, không chè thì bị coi là: giữ kẽ./ Có chút rượu bia bị lên án: rượu chè./ Nếu nghỉ ngơi lại bị chê: làm biếng./ Còn siêng làm thì mang tiếng: bao sân/. Chịu khó tiếp dân, bị coi lười: cầu nguyện/ . Còn ít tiếp dân, Cha mang tiếng: quan liêu/. Làm việc năng nổ, thì bị xếp loại: kiêu./ Giáo xứ có bề gì lại mang tai tiếng: yếu/. Làm cha sở ôi thật là khổ sở./ Nhưng khổ sở là muôn thuở thế gian/. Vậy xin cha chớ vội than van/. Còn nhiệm sở tức là còn khổ sở./ Vì những niềm đau và biết bao gian khó/. Đang mong Cha soi rọi mối tình trời/. Đem Phúc âm cho nhân thế nơi nơi/. Cho reo vui muôn tiếng cười cứu độ/. Còn nhiệm sở nghĩa là còn bóng tối/. Cần nơi Cha nguồn cội suối tâm linh/. Soi chiếu đường đi ánh sáng Tin Mừng/. Cho rạng ngời ánh thiều quang chân lý/. Còn nhiệm sở, còn nhiều điều suy nghĩ/. Còn lo lắng, còn nặng gánh khổ sầu/. Nào ai hiểu: làm Linh Mục dễ đâu/. Khi giáo dân luôn khẩn cầu ơn thánh/. Còn nhiệm sở, còn nặng vai gồng gánh/. Lúa chín mênh mông, thiếu vắng thợ tài./ Khôn ngoan, thánh thiện, sức khỏe dẻo dai/.Đem ơn Chúa đến mọi nơi mọi chỗ/. Làm cha sở…cho dù rất là khổ sở/. Cũng là đường luôn rạng rỡ hân hoan/. Khổ vì yêu, vì trách nhiệm cưu mang/. Là Mục tử dưỡng nuôi đoàn chiên Chúa/. Làm Cha sở ôi muôn vàn khổ sở./ Cha là người Chúa muôn thuở yêu thương/.
Như vậy, trong niềm vui sướng lại có những khổ sở vì là cha sở!
Việc cha Phêrô chuyển đổi về đây hôm nay như là một cuộc trở về. Bởi lẽ trước đây ngài có thời gian phục vụ họ đạo Bạc Liêu. Dù nơi củ, nhưng là nhà thờ mới. Dù gặp lại giáo dân củ, nhưng trong vai trò mới. Dù trên vùng đất củ, nhưng với công việc mới, chắc cũng khiến ngài phải lo xa đủ thứ, nhưng thiết nghĩ với tinh thần phó thác cậy trông của người môn đệ Chúa cùng vớibản chất trầm tĩnh, lòng nhiệt tâm tông đồ, cộng với tên gọi cha Siêng nữa, ngài sẽ siêng năng chăm lo cho cộng đoàn họ đạo Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời khai thác hết tiềm năng phong phú sẵn có của vùng đất tài tử, để phát triển và mở mang Nước Chúa tại địa bàn thành phố trẻ đông đúcdân cư này.

Chính trong tâm tình đó, chúng ta cùng chào mừng cha tân chánh sở Phêrô và cầu chúc cha nhiều sức khỏe, khôn ngoan và con tim đủ lớn của người mục tử để cha thi hành tốt nhiệm vụ thánh hóa, giảng dạy và cai quản họ đạo mà Chúa và Giáo Hội giao phó. Hy vọng với kinh nghiệm và tài đức, cha sẽ đem lại nhiều hoa trái tốt lành cho họ đạo Đức Mẹ hồn xác lên trời. Amen.

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV TN


Lời Chúa
Mt 9,18-26
Khi ấy, Chúa Giêsu đang nói, thì có một vị kỳ mục kia đến lạy Người mà thưa rằng: "Lạy Ngài, con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến đặt tay trên nó, thì nó sẽ sống lại". Chúa Giêsu chỗi dậy, và cùng với các môn đệ, đi theo ông ấy. Và này có người đàn bà bị bệnh loạn huyết đã mười hai năm, tiến lại đàng sau Người và chạm đến gấu áo Người. Vì bà nghĩ thầm rằng: Nếu tôi được chạm đến áo Người thôi, thì tôi sẽ được khỏi. Chúa Giêsu ngoảnh lại, trông thấy bà ta, liền phán rằng: "Này con, hãy vững lòng. Ðức tin của con đã cứu thoát con". Và người đàn bà được khỏi bệnh.
Khi Chúa Giêsu đến nhà vị kỳ mục, và thấy những người thổi kèn và đám đông đang xôn xao, thì bảo rằng: "Các ngươi hãy lui ra, con bé không có chết đâu, nó ngủ đó thôi". Họ liền nhạo cười Người. Và khi đã xua đám đông ra ngoài, Người vào cầm tay đứa bé và nó liền chỗi dậy. Tin này đồn đi khắp cả miền ấy.
Suy niệm

Tình thương cứu độ của Chúa là phổ quát dành cho hết mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc hay tôn giáo. Tuy nhiên để đón nhận được tình thương và ơn cứu độ của Chúa đòi hỏi con người phải có đức tin.
Tin mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của Chúa Giêsu: cứu sống con gái của vị thủ lãnh và chữa lành người đàn bà bị băng huyết 12 năm, nhờ lòng tin mạnh mẽ của họ.
Đức tin chính là thần dược chữa lành mọi bệnh tật con người. Nhờ tin mà cô con gái vị thủ lãnh và người đàn bà bị băng huyết 12 năm được cứu chữa.
Đức Tin đem đến cho con người niềm hy vọng.
§      Hy vọng vào Chúa, nên vị thủ lãnh và người đàn bà bị băng huyết 12 năm đã không ngần ngại ra đi tìm đến Chúa Giêsu.
§      Hy vọng nơi Chúa, ông thủ lãnh đã không ngần ngại sấp mình nài nỉ xin Chúa đến cứu sống con gái ông.
§      Hy vọng ở Chúa, ngườiđàn bà bị băng huyết đã can đảm chạm đến gấu áo Chúa .
Nhờ lòng tin công khai và mạnh mẽ của viên thủ lãnh mà cô con gái ông được Chúa cứu sống.
Nhờ lòng tin chân thành, đơn sơ và kín đáo mà người đàn bà bị băng huyết 12 năm dài được Chúa chữa lành.
Tin chính là đặt hết niềm hy vọng" vào", "nơi" và "ở" Chúa, trao cho Chúa mọi lắng lo, khốn khổ.
Con cái là món quà quý giá và là kho báu vô tận. Trong mắt cha mẹ, con cái là tất cả. Mất con cái là mất tất cả. Nhưng chính lúc xem ra mất tất cả đó, viên thủ lãnh đã có được niềm tin.
Bệnh tật luôn là nỗi ám ảnh của con người, bởi lẽ bệnh tật làm cho con người trở nên đau khổ, chán nản và tuyệt vọng. Nhưng chính lúc đau khổ và tuyệt vọng ấy, người đàn bà đã có được niềm tin âm thầm nhưng mạnh mẻ.
Niềm tin của chúng ta cần được trui rèn, để sau những thử thách đau thương, đức tin chúng ta được vững mạnh hơn. Không nhất thiết là được ơn, được phép lạ như người cha hay như người đàn bà bị bệnh băng huyết trong bài tin mừng hôm nay, điều quan trọng là trong mọi biến cố, chúng ta cần nhìn về phía bên kia điều Chúa muốn, để vững tin vào Chúa. Nhờ thế mà chính ta và những người chung quanh ta có thêm lòng tin cũng như gia tăng lòng cậy trông nơi Chúa.
Trên hành trình bước theo Chúa, niềm tin của chúng ta cũng phải đối diện với bao là thử thách. Xin cho chúng ta luôn kiên vững niềm tin vào Chúa và mạnh mẽ thể hiện niềm tin của mình như viên thủ lãnh và người đàn bà bị băng huyết.
Trong cuộc sống, chúng ta xin ơn Chúa rất nhiều, nhưng lại quên xin ơn rất quan trọng là ơn "Đức Tin". Chắc chắn đức tin chúng ta vẫn còn yếu kém. Chúng ta hãy tha thiết xin Chúa gia tăng Đức Tin cho chúng ta.


Lời Chúa
Mt 9,32-38
Khi ấy, người ta đem đến Chúa Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi đã trừ quỷ, thì người câm nói được, đám đông dân chúng kinh ngạc và nói rằng: "Chưa bao giờ thấy xảy ra như vậy trong dân Israel". Nhưng các người biệt phái nói rằng: "Ông ta đã nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ".
Và Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn. Người liền bảo môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợgặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa".

Suy niệm 
Thống kê cho biết: Hiện tại Người Công giáo chỉ chiếm 17,2% trên toàn thế giới; Châu Á dừng lại ở mức 2,9%, đất nước Việt Nam là 6,87%, riêng Giáo Phận Cần Thơ chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 3,4 %. Như vậy, cánh đồng truyền giáo vẫn còn bao la.
Nhu cầu truyền giáo vẫn luôn là nhu cầu khẩn thiết và phải là ưu tư số một của Giáo Hội, của Giáo Phận và cũng là của từng người tín hữu chúng ta.
Khi thiết lập Giáo Hội, Chúa Giêsu đã trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho các Tông Đồ và ngày nay cho từng người tín hữu. Bổn phận này chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội và được củng cố nhờ bí tích thêm sức. Nhưng làm thế nào để thực hiện sứ mạng cấp thiết này?
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một vài cách thức:
- Hãy nên giống Chúa, biết "chạnh lòng thương" đối với tha nhân, nhất là những người bị bỏ rơi....
- Hãy nghe theo lời Chúa dạy, là cầu xin với Chúa, chủ mùa gặt, vì chỉ có Chúa mới đánh động lòng người và làm cho người khác tin Chúa mà thôi; chứ người phàm không có khả năng làm được điều đó. Cầu xin cho có nhiều thợ gặt lành nghề sẵn sàng dấn thân hy sinh lo cho việc truyền giáo; đồng thời, chúng ta cũng cầu xin cho từng người chúng ta biết tích cực góp công sức, thời giờ, sức khỏe và cả của cải tiền bạc để lo cho việc truyền giáo.
- Cuối cùng hãy làm theo ý Chúa, mỗi kitô hữu phải có một đời sống tốt lành thánh thiện để làm gương sáng cho người khác, vì như Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: "Người thời nay không thích những thầy dạy cho bằng nhân chứng”.
Chúng ta chỉ có thể truyền giáo bằng gương sống của chúng ta qua việc sẵn sàng giúp đỡ mọi người theo tinh thần bác ái của Tin mừng.
Ước gì đời sống mỗi người, mỗi gia đình biết nghe lời Chúa, làm theo ý Chúa, để mỗi ngày nên giống Chúa hơn trong cung cách sống yêu thương, nhờ đó mới có thể minh chứng cụ thể niềm tin và lòng yêu mến Chúa của chúng ta.


Lời Chúa
Mt 10,1-7
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ Người lại, và ban cho các ông quyền hành trên các thần ô uế để các ông xua đuổi chúng và chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền.
Ðây là tên của mười hai Tông đồ: Trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em của ông, Giacôbê con ông Giêbêđê và Gioan em của ông, Philipphê và Bartôlômêô, Tôma và Matthêu người thu thế, Giacôbê con ông Alphê và Tađêô, Simon nhiệt tâm và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.
Chúa Giêsu đã sai mười hai vị này đi và truyền rằng: "Các con đừng đi về phía các dân ngoại và đừng vào thành của người Samaria. Tốt hơn, các con hãy đến cùng các chiên lạc nhà Israel. Các con hãy đi rao giảng rằng: 'Nước Trời đã gần đến'".

Để thực hiện sứ mạng giải thoát con người khỏi những đau khổ về thể xác và tinh thần do trói buộc bởi ma quỷ, một mình Đức Giêsu là đủ, vì Ngài là Thiên Chúa quyền năng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại không dùng cách thế đó, trái lại Chúa mời gọi chúng ta cộng tác.
Cụ thể bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chọn gọi 12 Tông Đồ, ban quyền trừ quỷ và chữa bệnh cho các ông và sai các ông đi rao giảng Tin mừng.
Khi lãnh nhận bí tích rửa tội và thêm sức là chúng ta đã lãnh nhận quyền năng của Chúa và được mời gọi để chia sẻ sứ mạng loan báo Tin mừng..
Cánh đồng truyền giáo thật mênh mông bát ngát. Chúa đã nhìn thấy lúa vàng đã chín rộ, nhưng ma quỷ lại đang phá hoại bằng biết bao phương cách, từ bên trong (tham, sân, si), cũng như bên ngoài (những trò chơi đồi trụy, sách báo, phim ảnh xấu) đã len lỏi và thấm nhập cách tinh vi vào tâm hồn chúng ta những tư tưởng xấu xa, tội lỗi.
Xin cho chúng ta biết canh tân đời sống bản thân, làm lành mạnh hóa đời sống tâm hồn; đồng thời cũng biết canh tân đổi mới những người chung quanh. Cụ thể là những người sống gần gũi: trong gia đình, trong xóm làng và nơi họ đạo chúng ta.
Xin Chúa ban cho Giáo hội nhiều tông đồ nhiệt thành để đẩy lùi sự dữ và khử trừ sự ô uế ra khỏi môi trường chúng ta đang sống.
Lạy Chúa, Chúa biết chúng con là những phận hèn sức yếu. Vì thế, Chúa không đòi hỏi chúng phải rađi loan báo tin mừng ở những nơi xa xôi. Nhưng Chúa muốn chúng con biết tích cực gieo vãi yêu thương và bình an cho những người gần gủi chúng con. Xin cho chúng con ý thức và tích cực thực thi lời Chúa dạy. Amen.

Trang Tin mừng hôm nay kể về việc Chúa Giêsu tuyển chọn 12 Tông Đồ, và trao cho các Tông Đồ một sứ vụ quan trọng, đó là loan báo Nước Trời. Đối tượng để rao giảng mà Chúa Giêsu nhắm đến là các con chiên lạc nhà Israel, chứ không phải là các dân ngoại, hay dân Samaria. Tại sao lại có sự phân biệt như thế?
Theo bản văn Mt 10,5 thì Chúa Giêsu cũng ghi nhận sự chia rẽ trầm trọng giữa hai dân này. Ngược dòng lịch sử, chúng ta biết rằng: Đầu tiên, người Samaria cũng là người Do thái, nhưng từ khi kinh đô Samaria bị rơi vào tay đế quốc Assiry năm 721tcn, họ bị lai căng, vì có nhiều người dân của Assiry đến ở trong thành mà họ vừa chiếm được. Dân Samaria có đền thờ trên núi Garidim. Dân Do thái khinh chê họ, nhưng họ chẳng chịu thua. Có lẽ, vì hoàn cảnh chưa cho phép hoặc vì dân Do thái có quyền ưu tiên nên Đức Giêsu bảo các Tông Đồ đi loan báo Tin Mừng cho dân Do thái trước.
Vậy, chúng ta phải hiểu như thế nào đây, khi mà, Tin Mừng phải được loan báo cho hết mọi người? Quả thật sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã xóa bỏ hố phân cách ấy. Từ nay, mọi người, Samaria, Hy Lạp cũng như Do thái đều được nghe Tin Mừng (Cv 1,8).
Là những người được tuyển chọn, chúng ta cần có thái độ nào đối với công cuộc rao giảng Tin Mừng? Với một xã hội mang tính thực dụng và hưởng thụ, công cuộc loan báo quả lắm nhiêu khê cho người môn đệ của Chúa. Nếu người kitô hữu được “gạn đục khơi trong”, được sàng lọc khỏi những “tạp chất” của xã hội, thì đời sống của họ càng được thấm đẫm tinh thần của Chúa Giêsu. Chính khi kín múc được tinh thần đó, người môn đệ Chúa Giêsu mới có thể loan báo về Nước Trời.
Trong môi trường truyền giáo ngày nay, việc sống chung với người ngoại, ít nhiều kitô hữu cũng bị ảnh hưởng bởi lối sống của họ, nhiều gương mù gương xấu, đôi khi bị lung lay về niềm tin, hoài nghi về sự hiện diện của Thiên Chúa… Vì thế, bổn phận trước hết của người môn đệ Chúa là đi tìm những con chiên lạc về, nâng đỡ, ủi an, khích lệ, và thắp lên niềm hy vọng cho họ. Sau đó, đến với dân ngoại để giới thiệu Thiên Chúa cho họ, đồng hành với họ, sống chứng tá.
Lạy Chúa Giêsu, công cuộc loan báo Tin Mừng đang gặp những khó khăn, bởi vì não trạng của con người đang chạy theo và tôn thờ vật chất, tiền bạc. Dường như con người không nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời nữa, và đấng họ tôn thờ không phải là Chúa mà là cái bụng, là tiền bạc. Xin gìn giữ người môn đệ của Chúa khỏi những cám dỗ ấy, để một lòng thờ phượng Chúa và sẵn sàng phục vụ Nước Trời.


Các sách Tin Mừng Nhất lãm đều liệt kê tên 12 vị Tông Đồ. Nhưng có sự khác nhau. Thánh Máccô và Luca liệt kê danh sách 12 Tông Đồ khi trình bày việc Chúa gọi các ngài. Còn thánh Mátthêu, đợi khi Chúa trao sứ mạng đi rao giảng, ngài mới liệt kê tên của 12 Tông Đồ. Phải chăng như thế, thánh Mátthêu muốn làm nổi bật mối tương quan giữa Tông Đồ đoàn và sứ mạng rao giảng Tin Mừng?
Chữ Tông Đồ, có nghĩa là “người được Thiên Chúa- Chúa Giêsu sai đi”. Theo quan niệm người Do Thái, người được sai đi có toàn quyền của người sai mình đi và được coi là ngang với người sai mình đi về sứ mệnh. Vậy ai tiếp nhận người được sai- Tông Đồ là tiếp nhận Chúa Giêsu mà tiếp nhận Chúa Giêsu chính là đón tiếp Thiên Chúa Cha.
“Nước Trời đã đến gần”. Là người Do Thái, thánh Mátthêu biết rằng vương quyền trên trần thế luôn thuộc về Chúa (Tv 22,29; Tv 103,19), nhưng ngài muốn nói rằng vương quyền muôn thuở ấy đã đến gần với loài người vì Chúa Giêsu đã đến và đang hoạt động.
Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo nên mọi thành phần trong Giáo Hội đều phải có bổn phận truyền giáo, không phải chỉ riêng hàng giáo sỹ hay những người chuyên môn. Là người tín hữu- tôi đã có tinh thần truyền giáo không? Công việc truyền giáo của tôi có theo đúng thánh ý Chúa và giáo huấn của Giáo Hội không? Hay theo ý riêng và quyền lợi riêng của cá nhân tôi?
Thiên Chúa luôn thương yêu đoàn chiên của Người nên Người gửi những chủ chăn thay mặt Người để chăm sóc và hướng dẫn. Là người tín hữu, tôi có cộng tác với chủ chăn trong công việc chung hay không? Và tôi đã cộng tác như thế nào? Vì chính khi người tín hữu cộng tác tích cực với chủ chăn trong công việc chung là lúc làm cho Nước Thiên Chúa thật sự hiện diện trên trần gian này. Như thế, lời cầu xin trong kinh Lạy Cha: “chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” mới trở nên hiện thực.
Lạy Chúa, xin Chúa ban ơn giúp chúng con can đảm sống chứng nhân trong đời sống hằng này. Vì chính đời sống chứng nhân của chúng con là cách chúng con truyền giáo hữu hiệu nhất. Nhưng trước tiên, xin cho chúng con biết đón tiếp những vị chủ chăn mà Chúa gửi đến cho chúng con, cùng cộng tác trong công việc chung để làm sáng danh Chúa và mưu cầu ơn cứu rỗi cho mọi người.


Lời Chúa
Mt 10,7-15
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con hãy đi rao giảng rằng "Nước Trời đã gần đến". Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Các con chớ mang vàng bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc, vì thợ thì đáng được nuôi ăn.
"Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi. Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: "Bình an cho nhà này". Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy. Nhưng nếu ai không tiếp rước các con và không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi nhà hay thành ấy và giũ bụi chân các con lại. Thật, Thầy bảo các con: Trong ngày phán xét, đất Sôđôma và Gômôra sẽ được xét xử khoan dung hơn thành ấy".


Bài tin mừng hôm qua kể về việc Chúa Giêsu tuyển chọn nhóm Mười Hai, và sai các ông đi rao giảng. Qua bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu phác họa cho ta thấy tinh thần và hành trang người môn đệ cần phải có khi đi rao giảng là như thế nào.
Về tinh thần: Người môn đệ cần phải biết an ủi, chữa lành người bệnh tật; làm cho kẻ chết sống lại; cho người phong hủi được sạch; khử trừ ma quỷ; đem bình an cho mọi người.
Về hành trang: Người môn đệ cần phải sống thật đơn giản, không bám víu vào của cải vật chất…những thứ này sẽ có người khác lo “vì thợ thì đáng được nuôi ăn”. Sở dĩ, người môn đệ phải sống siêu thoát như thế là để tín thác vào Chúa và tập trung cho việc loan báo Nước Trời.
Chúa Giêsu đã sống tinh thần nghèo khó ấy, khi nói: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu". Cũng vậy, Người môn đệ của Chúa không có thứ vật chất nào là bảo đảm, chắc chắn, ngay cả chỗ tựa đầu. Họ đi tới đâu cũng là nhà, và mọi người đều là anh em của họ.
Sống tinh thần siêu thoát: không màng chi tiền bạc, không coi trọng vật chất…xem ra là một điều gì đó rất khó, thậm chí còn là một thách đố cho người môn đệ. Bởi vì, những thứ đó là nhu cầu và gắn liền với cuộc sống con người. Dường như có được nó, con người sẽ trở nên phấn khởi, cảm thấy sảng khoái, cuộc sống trở nên thú vị hơn. Thấy trước được mối nguy hiểm đó, Chúa Giêsu đã đưa ra những hành trang cụ thể cho người môn đệ: không vàng bạc, không tiền giắt lưng, không bao bị, không giày dép, cũng như không mặc hai áo. Nếu quá chú trọng vào vật chất, người môn đệ sẽ dần đánh mất đi căn tính của mình, là sứ giả loan báo Nước Trời.
Vậy, đâu là thái độ của người môn đệ Chúa Giêsu? Đâu đó không thiếu hình bóng của người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, họ sống đúng với căn tính của mình, quên tất cả để chỉ dấn thân cho sứ mạng loan báo Tin Mừng. Nhưng, cũng không thể không có hình bóng của những người môn đệ chưa chu toàn nhiệm vụ của mình, thích vun vén cho đời sống cá nhân hơn cho cộng đoàn, thích tìm những tiện nghi vật chất để hưởng thụ. Vậy, Người môn đệ cần phải thật giàu có về đời sống tinh thần: đức tin, lòng mến, niềm hy vọng, tình yêu…, chỉ khi mình phong phú về những thứ ấy, thì mới có thể chia sẽ cho người khác về Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin mặc cho con chiếc áo của người nghèo để con cảm nhận được những thiếu thốn của họ, đồng cảm với những cảnh đời bất hạnh trong cuộc sống với họ. Chính khi sống tinh thần nghèo khó ấy, con mới có thể toàn tâm toàn ý phục vụ cho sứ mạng loan báo Tin Mừng. Xin gìn giữ con trước những ma lực của đồng tiền, trước những quyến rũ của vật chất, để giữ trọn lòng trung thành với Chúa.

Ra đi loan báo Tin mừng, các Tông Đồ công bố rằng đã đến thời cứu độ qua lời loan báo “Nước Trời đã đến gần”. Các ngài phải rao giảng như Đức Giêsu, nghĩa là lời rao giảng đi kèm với việc làm cụ thể, mà việc làm cụ thể ở đây chính là việc khử trừ ma quỷ.
Theo quan niệm của người Do Thái xưa, người ta ốm đau bệnh hoạn là do quyền lực Satan và tội lỗi thống trị. Nay các Tông Đồ loan báo Nước Thiên Chúa đã đến gần, mà nước Thiên Chúa đã đến thì quyền lực Satan phải bị tiêu diệt. Các Tông Đồ phải minh chứng cho lời loan báo của mình qua việc chứng tỏ các ngài có quyền trên ma quỷ khi các ngài chữa lành người đau yếu và cho kẻ chết sống lại.
Sự hiện diện của Nước Trời còn phải được minh chứng bằng chính nếp sống của các Tông Đồ: nghèo khó và đơn giản về tiện nghi vật chất, siêu thoát về tình cảm nhân loại. Như thế, với tâm hồn tự do, không lệ thuộc, không bám trụ, các Tông Đồ sai luôn luôn lên đường, mang Tin Mừng, sự sống mới và sự bình an cho mọi người thành tâm thiện chí.
“Thợ thì đáng được nuôi ăn”, một mặt muốn nói rằng các Tông Đồ phải biết tín thác vào sự quan phòng của Chúa trong khi phục vụ Tin Mừng, mặt khác còn ngụ ý tới trách nhiệm của cộng đoàn là phải lo phương tiện sống cho những nhà truyền giáo.
Ngày nay người ta cần chứng nhân hơn là thầy dạy, không phải là không cần thầy dạy nữa, nhưng song song với thầy dạy cần có chứng nhân, vì “lời nói thì thoảng qua nhưng gương lành thì lôi kéo”. Chúng ta không có khả năng, không có chuyên môn, nhưng chính đời sống chứng nhân của chúng ta là lời rao giảng Tin Mừng hùng hồn nhất, là bằng chứng cho mọi người cảm nhận sự hiện diện của Nước Trời nơi trần gian này. Vì Nước Trời là nơi sự thật, bác ái, yêu thương ngự trị nên khi chúng ta sống được những điều này trong cuộc sống hằng ngày là lúc chúng ta đem Tin Mừng, đem Nước Trời đến cho mọi người.
Mặc dù chúng ta không có điều kiện để lên đường ra đi đến những vùng xa xôi hẻo lánhđể rao giảng Tin Mừng, nhưng chúng ta cũng có thể thể hiện tinh thần truyền giáo. Chúng ta góp sức bằng lời cầu nguyện, song song với lời cầu nguyện, chúng ta góp tiền của trong khả năng của chúng ta. Chính những đồng tiền đóng góp của chúng ta vào quỹ truyền giáo, Giáo Hội sẽ dùng vào những nhu cầu thiết thực trong công cuộc truyền giáo.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người trong chúng con luôn luôn thể hiện tinh thần truyền giáo bằng nhiều cách khác nhau. Chúa đã đến mang ơn cứu rỗi cho tất cả mọi người và Chúa muốn chúng con mang tin mừng cứu rỗi đó đến cho mọi người qua lệnh truyền của Chúa “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng”. Ước gì đời sống của chúng con là lời rao giảng Tin Mừng, rao giảng về Chúa, về Nước Trời thiết thực nhất, để rồi chúng con cũng có thể thốt lên như thánh Phaolô “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.


Lời Chúa
Mt 10,16-23
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Này, Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa sói rừng. Vậy các con hãy ở khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu. Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì? Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì; vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con.
"Anh sẽ đem nộp giết em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại với cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ. Khi người ta bắt bớ các con trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật các con: Các con sẽ không đi khắp hết các thành Israel trước khi Con Người đến".

Trang Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiên báo về những cuộc bách hại mà người môn đệ thường gặp khi rao giảng tin mừng, nào là bị tố cáo, bị đánh đập, bị thù ghét, bị anh em phản bội… Vì danh Chúa Giêsu mà người môn đệ phải chịu những bách hại ấy. Tuy gặp khó khăn, bị ngược đãi nhưng phải mạnh dạn, đừng sợ sệt, vì có Chúa Thánh Thần, vì dù cho xác của họ có thể bị người đời giết đi, nhưng Thiên Chúa sẽ chứng kiến, sẽ lo liệu, sẽ gìn giữ linh hồn họ. Chỉ có Thiên Chúa mới nắm trọn quyền trên hồn và xác, chứ không phải là người đời.
Chúa Giêsu cũng phải chịu nhiều tiếng gièm pha, lời qua tiếng lại của bà con lối xóm, rồi những chống đối của các Kinh sư cũng như nhóm Pharisêu, nhất là những bách hại trong cuộc khổ nạn và cuối cùng là cái chết trên thập giá. Dẫu luôn bị bách hại nhưng Chúa Giêsu vẫn trung thành với sứ mạng của mình.
Dõi theo Chúa Giêsu, cuộc đời làm chứng cho Tin mừng không phải là một cuộc sống an nhàn, hưởng thụ,cũng như không phải là một hành trình gặp nhiều thuận lợi. Trái lại, đó là một cuộc sống nhiều cam go thử thách: bị chống đối, bị đánh đập, bị bắt bớ, bị bỏ tù. Phải hy sinh nhiều thứ như: gia đình, bạn bè, ước muốn, thời gian, tiền bạc, thậm chí cả mạng sống. Vì danh Chúa Giêsu, chúng ta có thể phải hy sinh tất cả, phải chịu đựng nhiều thiếu thốn, đau khổ. Sống niềm tin như thế thì mới có thể làm chứng cho Chúa được.
Ngày nay, có nhiều người không dám làm chứng cho Chúa Giêsu, không dám sống vì danh Chúa. Họ có thể bỏ đi lễ để đi làm, bỏ Chúa chứ không bỏ nhậu, kiếm tiền chứ không tìm Chúa. Họ có thể đi chơi vài giờ, vài ngày nhưng lại ngại đi lễ trong vòng một giờ hoặc hai giờ. Họ có thể sắm đầy đủ tiện nghi trong nhà mình nhưng lại ngại đóng góp cho công việc của Giáo Hội. Bên cạnh đó, sống với những người anh em ngoại giáo, họ lại làm gương mù gương xấu. Thay vì giới thiệu khuôn mặt của Chúa Giêsu, họ lại đi giới thiệu một hình ảnh về mình; thay vì giới thiệu một cuộc sống kitô hữu thánh thiện, công bằng và huynh đệ, họ lại sống bất công, ăn thua đủ với người khác. Cũng thế, có nhiều người vì sợ bắt bớ, sợ mất việc làm nên đã không dám tuyên xưng niềm tin của mình. Họ chỉ lo sợ những thế lực của trần thế mà quyên lo kính sợ Thiên Chúa.
Lạy Chúa, sống niềm tin và làm chứng cho Chúa là trách nhiệm và bổn phận của chúng con. Xin ban ơn can đảm cho chúng con, để trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống chúng con dám sống hết mình vì danh Chúa, luôn can trường trong mọi thử thách để loan báo Tin mừng.

 “Thầy sai anh em đi như chiên ở giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu”.
Dưới hình ảnh bầy sói hình như Chúa muốn nói đến các ngôn sứ giả (x. Mt 7,15) để cảnh giác các Tông Đồ trước những chống đối hiểm độc của những kẻ nhân danh chân lý, nhân danh Lời Chúa để phá hoại Tin Mừng.
Như con rắn có tài tránh nguy hiểm và luôn luôn giữ cái đầu cho khỏi bị tấn công, Chúa cũng muốn các Tông Đồ cố gắng đừng lọt vào tròng của những thầy dạy giả hiệu, nếu cần thì phải tránh đụng độ với họ. Tuy nhiên, Chúa cũng muốn các Tông Đồ phải giữ thái độ và tâm hồn đơn sơ như bồ câu, một loài chim vẫn được coi là vô hại, hơi nghe tiếng động là bay đi nơi khác.
Bị bách hại là số phận thường tình của những người rao giảng Tin Mừng. Nhưng giữa những cuộc bách hại đó, họ cảm thấy hãnh diện bởi vì họ chịu như thế là vì Chúa Giêsu và thật là chính đáng bởi vì chỉ có như vậy họ mới đưa lời chứng hùng hồn của mình ra trước người đời. Mặc dù, Chúa muốn các Tông Đồ can đảm và kiên trì trong cơn bách hại nhưng không được liều mạng một cách vô ích, nếu cần thiết và có thể thì cũng phải trốn tránh nguy hiểm.
Nhưng Chúa không để các Tông Đồ phải đơn độc một mình chống chọi lại những âm mưu bách hại của người đời. Người hứa với các Tông Đồ là trong những giây phút khó khăn đó, Thánh Thần của Chúa Cha luôn luôn đồng hành, che chở và trợ giúp.
Giáo Hội luôn luôn bị bách hại, thời nào cũng có, mỗi thời mỗi hình thức khác nhau. Vì thế, con cái của Giáo Hội ít nhiều cũng bị bách hại chứ không phải chỉ riêng những người ra đi rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng. Chúng ta đang được tự do giữ đạo và sống đạo, nhưng có nhiều cuộc bách hại, cản trở chúng ta giữ đạo và sống đạo mà chúng ta không nhận ra. Có khi chúng ta lại thỏa hiệp với chúng, vì chúng đem lại lợi ích trước mắt cho chúng ta. Có thể gọi những cuộc bách hại này là những viên đạn bọc đường. Chúng sẽ giết chết đời sống thiêng liêng và đạo đức của chúng ta. Chẳng hạn tiền bạc bách hại chúng ta, khi chúng ta vì đồng tiền mà bỏ lễ Chúa Nhật. Sự an toàn bách hại chúng ta khi chúng ta vì nó mà không dám làm chứng cho sự thật, cho chân lý.
Ngay từ thời sơ khai, Giáo Hội đã bị bách hại. Trải qua suốt dòng lịch sử, Giáo Hội luôn luôn bị bách hại. Nhưng Giáo Hội vẫn tồn tại và phát triển không ngừng cho đến ngày hôm nay. Qua điều đó, chúng ta tin rằng Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn, thánh hóa và canh tân Giáo Hội, chúng ta càng xác tín vào điều Chúa hứa với Phêrô “trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy và không quyền lực âm phủ sẽ không thắng được” (Mt 16, 18).
Lạy Chúa, xin ban ơn soi sáng để chúng con biết nhận ra những cuộc bách hại tinh vi của thời đại hôm nay, cản trở chúng con giữ đạo và sống đạo, không cho chúng con thực hành Lời Chúa dạy. Đồng thời xin ban thêm lòng tin nơi chúng con, sự can đảm và lòng kiên trì để chúng con dám lội dòng nước ngược đối với những đòi hỏi của thế gian khi chúng con sống theo Tin Mừng.



Lời Chúa
Mt 10,24-33
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Môn đệ không hơn thầy, và tôi tớ không hơn chủ mình. Môn đệ được bằng thầy, tôi tớ được bằng chủ mình thì đã là khá rồi. Nếu họ đã gọi chủ nhà là Bêelgiêbul thì huống hồ là người nhà của Ngài. Vậy các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thốlộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.
"Các con đừng sợ kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn. Các con hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.
"Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽchối nó trước mặt Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời".

Suy niệm
Bài Tin mừng tường thuật về việc Chúa Giêsu khuyên các môn đệ đừng sợ trước thế gian và trước những thế lực bách hại khi loan báo Tin mừng. Hãy can đảm để tuyên xưng niềm tin của mình.
Dẫu cho trong công cuộc loan báo tin mừng luôn có những cuộc bách hại, nhưng người môn đệ vẫn tin chắc rằng: Thiên Chúa sẽ chứng kiến và lo cho, nên người môn đệ mạnh dạn tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu.
Xưng là làm chứng công khai, bằng hành động, và liên kết số phận mình với số phận Đức Giêsu, dầu phảiđổ máu. Tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Mêsia và là Chúa. Còn chối là nói: tôi không biết người ấy.
Xưng hay chối sẽ đưa đến hậu quả khác nhau. Những ai xưng Người thì Người sẽ thừa nhận họ là người nhà trước mặt Chúa Cha; còn những ai chối Người thì Người cũng sẽ chối họ trước mặt Chúa Cha, sẽ nói rằng “tôi không biết các ông”.
Ông Giuđa Ítcariốt và thánh Phêrô đã chối Chúa. Nhưng lại có kết quả khác nhau: ông Giuđa không biết ăn năn, không tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa nên đã đi tự tử. Còn thánh Phêrô đã được tha thứ, vì ông biết ăn năn hối cải.
Thiên Chúa không ép buộc, nhưng luôn để cho con người tự do chọn lựa. Chọn lựa đúng thì được đón nhận phần thưởng, chọn lựa sai thì phải nhận lấy hình phạt.
Lạy Chúa Giêsu, ơn đức tin thật là cần thiết cho chúng con, chỉ có đức tin mạnh mới đủ can đảm tuyên xưng niềm tin vào Chúa trước mọi thử thách, trước những cám dỗ của thế gian. Xin ban thêm đức tin cho chúng con, để suốt cuộc đời không bao giờ lìa xa Chúa, không bao giờ chối bỏ Chúa trước những lời mời gọi thấp hèn, nhưng luôn tin tưởng và tín thác vào Chúa.


SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN-NĂM B Kn 1,13-15; 2,23-24; 2Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43 Suy niệm 1: ...