Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

GIẢNG LỄ NHẬN NHIỆM SỞ HỌ ĐẠO ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI CỦA CHA Pr. SIÊNG
Lm Seoka
Tin mừng: Mc 6, 6-13.

Kính thưa cha quản hạt, quý cha và cộng đoàn phụng vụ,
Hôm cấm phòng năm, khi biết tin được thuyên chuyển, cha Phêrô có nói với em cháu: ngày nhận nhiệm sở của mình, cậu chia sẻ ít lời trong thánh lễ nha! Tưởng ngài nói đùa nên con cũng hứa chơi cho qua chuyện. Nhưng không ngờ cách nay không lâu, ngài gọi điện thoại báo tin, hôm nay ngài về nhận họ, xuống chia sẻ nha! Lệnh đã truyền, nên em cháu đành xin vâng!  Xin vâng không chỉ vì lỡ hứa mà còn vì: thứ nhất, con với ngài học cùng lớp. Thứ hai, ngài thuộc bậc đáng kính vì “người đầu bạc thì khôn ngoan”. Thứ ba, từ khi ra trường đến giờ con và ngài luôn gắn bó qua lại với nhau.
Ông bà và anh chị em thân mến, để thực hiện sứ mạng giải thoát con người khỏi những đau khổ về thể xác và tinh thần, một mình Đức Giêsu là đủ, vì Ngài là Thiên Chúa quyền năng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại không dùng cách thế đó. Trái lại Chúa mời gọi chúng ta cộng tác. Cụ thể bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chọn gọi 12 tông đồ, ban quyền trừ quỷ cho các ông và sai các ông từng 2 người một đi rao giảng tin mừng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối.
Có thể nói, Lm là người được Chúa chọn gọi và trao quyền cách đặc biệt để tiếp nối sứ mạng loan báo tin mừng.
Sứ mạng thì to lớn, nhưng phận người lại bé nhỏ. Thế nên, Chúa Giêsu ý thức các linh mục hãy cậy trông vào Chúa.
Cậy trông vào Chúa, Lm sẽ dễ dàng sống tinh thần khó nghèo, sẵn sàng ra đi bất cứ nơi nào Chúa muốn. Cho dù bản thân không gạo, không tiền, không bao bị, không có đến hai áo.
Cậy trông vào Chúa, Lm dễ dàng sống siêu thoát, bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Sẵn sàng đến và sẵn sàng ra đi mà không hề vương vấn, tiếc nối vì “tiền” và “tình”.
Cậy trông vào Chúa, Lm sẽ không kiêu căng tự mãn nhưng biết khiêm tốn đón nhận, hợp tác làm việc với anh em lm đoàn và cộng đoàn trong nhiệm cao quý là loan báo tin mừng.
Chính vì ý thức trách nhiệm cao quý mà Chúa trao phó, nên cha Phêrô hôm nay đã sẵn sàng rời khỏi Ninh Sơn để vui vẻ đến với họ đạo Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Với việc công bố Bổ Nhiệm Thư của Đức Giám Mục giáo phận Cần Thơ, cha Phêrô chính thức làm cha sở họ đạo Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Phải nói từ nay lịch sử họ đạo Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời lại sang một trang mới, vì lần đầu tiên chào đón một tân chánh sở về ở trực tiếp với mình.
Cha Phêrô năm nay đã bước sang tuổi 49, với 12 năm trong thiên chức linh mục. 12 năm linh mục, cha đã kinh qua 2 họ đạo, những nếp nhăn đã bắt đầu hằn lên trán cha, mái tóc cũng đã bắt đầu điểm những sợi bạc. Ninh Sơn là giáo xứ cha coi sóc trong 6 năm rưởi trở lại đây. Vâng lời Chúa, vâng lời Đức Cha, nay cha lên đường nhận nhiệm sở mới, bỏ lại đàng sau những điều còn dang dở chưa làm xong, bỏ lại đàng sau tấm lòng yêu mến, quyến luyến không rời của hơn 1000 giáo dân xứ đạo Ninh Sơn. Mặc dù sắp đón cha xứ mới, nhưng cái tình với cha xứ cũ vẫn chưa thể nào dứt được, vì thế đông đảo bà con giáo dân Vinh Sơn đã tới đây hôm nay, để chào tạm biệt cha xứ thân yêu. Xin chia buồn cùng bà con giáo dân họ đạo Ninh Sơn nhé!
Còn họ đạo Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, chắc hẳn hôm nay rất vui mừng. Vui vì từ nay có một vị mục tử đạo đức và hiền hòa trực tiếp ở với mình. Mừng vì hơn 3 năm tái lập, xây dựng và phát triển, nay họ đạo lần đầu tiên đón nhận một cha sở. (xin cộng đoàn cho tràng pháo tay thật lớn để chia vui cùng họ đạo).
Tạm biệt ngoại thành, với bao mộng đẹp, nay cha phêrô tiến về nội thành Bạc Liêu, cái nôi của đàn ca tài tử. Chia tay với thân phận anh ba khía, đơn sơ, nơi vùng ven Vinh Sơn, nay cha Phêrô chính thức trở thành công tử hào hoa nơi mãnh đất nội thành Bạc Liêu. Thế là cha công tử từ nay sống trên mãnh đất tài tử. Song hỉ lâm môn! (xin cho thên tràng pháo tay nữa để chia vui cùng cha Phêrô)
Làm cha công tử, chắc hẳn cha rất sướng. Bởi thời phong kiến, có năm thứ bậc tước vị: Công - Hầu - Bá - Tử - Nam. “Công tử” tức là con của những vị quan có tước “Công”. Nhưng sau này hai chữ “công tử” được dùng để chỉ chung con cái của những gia đình giàu sang quyền quý, có thế lực. Vì là con của gia đình giàu sang, quyền thế nên công tử được hiểu đơn giản là rất sung sướng.
Hôm nay cha Phêrô về nhận nhiệm sở ở đất nội thành Bạc Liêu, đương nhiên tên cha gắn liền với tên công tử Bạc Liêu. Mà đã mang danh công tử thì dĩ nhiên phải sướng!
Theo Cha Anthony Đào Quang Chinh thì làm linh mục có nhiều cái sướng:
Xin kể một vài cái sướng cho cộng đoàn đỡ buồn.
1.Cái sướng thứ nhất là được gọi bằng “cha”.
Dù là linh mục già hay linh mục trẻ, thì đi bất cứ nơi đâu đều được mọi người tín hữu gọi là cha. Trương Tấn Sang hay Nguyễn Tấn Dũng chỉ làm chủ tịch hay thủ tướng một nước chứ làm linh mục thì cha cả và thiên hạ. Nên Linh mục đi đâu cũng được gọi bằng Cha. Có một linh mục nói đùa “ta là cha quốc tế mà!”.
2.Cái sướng thứ hai là được ăn trên ngồi trước.
Đây nhé, trông thì thấy ngay. Vào những dịp lễ đông người, như vọng Giáng sinh hay Phục sinh chẳng hạn, trong khi nhiều người đến sớm kiếm chỗ ngồi, thì cha cứ từ từ tiến lên ghế đã dành riêng của mình, chẳng phải tranh dành với ai mà cũng chẳng ai dám tranh dành với cha. Đố ông nào bà nào lên ngồi “ghế của cha” hay là ngồi gần cha trên bàn thờ? Có mời cũng chẳng dám.Rồi giáo dân đi lễ trễ mấy phút thì sợ mất lễ, còn cha “chẳng may” có trễ, mọi người đều phải chờ. Vị nào dám lên “làm lễ thay cha”. Sướng quá rồi còn gì!
Đấy là chưa kể đến các bữa tiệc phải chờ cha ban phép lành mới ăn. “Ăn uống mà chưa đượccha ban phép thì khác gì người ngoại đạo!”. Cha luôn được mời ngồi ở chỗ vinh dự nhất, trông thật oai. Khi dọn bất cứ món gì ngon, chủ nhà đều bảo tiếp tân: nhớ để trên đầu cha sở đó nha! Vì cha là vị khách đặc biệt.
3.Cái sướng thứ ba là cha “nói một tiếng bằng chúng con nói mười tiếng”.
Đúng vậy, trong nhà thờ, nếu cha kêu gọi điều gì, xem ra toàn dân hưởng ứng dễ dàng. Cònquý ông có dài cổ ra mời, may ra được bà vợ và đoàn con của mình đáp ứng thôi. Bởi thế cho nên người Mỹ mới có câu truyện hài hước:
Ba thằng nhãi con ngồi nói chuyện với nhau, khen bố mình giỏi.
Thằng thứ nhất khoe: - Mọi người gọi bố tao là giáo sư. Lương tháng của bố tao hơn ba ngàn. Tính ra mỗi giờ dạy học của bố tao hơn 50đô. Mai mốt tao giống bố tao. Học trò đến với bố tao phải trả tiền đó mày, vì bố tao dạy học dễ hiểu, nổi tiếng cả thành phố.
Thằng thứ nhì nổ: - Bố tao tuyệt vời lắm. Bố tao là ca sĩ. Mỗi lần hát được trả 2000đô cho vài bài nhạc, chưa đến nửa tiếng. Thiên hạ khoái bố tao lắm, vỗ tay quá trời. Bố tao nổi tiếng cả tiểu bang.
Thằng thứ ba có vẻ khiêm tốn: - Tao chẳng biết bố tao tài năng ra sao, nhưng mà ở trong nhà thờ, ông ấy rút ra một tờ giấy, đọc cái gì ấy, chẳng biết có ai hiểu không, sau đó 5, 6 người đứng lên cầm giỏ đi thu tiền mọi người. Bố tao chỉ lề rề đọc chừng 10 phút, chẳng ai cười, chẳng ai vỗ tay, vậy mà mỗi tuần thu được hơn 10 ngàn đô đó mày!
Hai thằng kia tranh nhau hỏi: - Thế bố mày làm nghề gì? – làm Mục sư chánh xứ chứ làm gì!.
Nếu tiếp tục kể về các cái “sướng” thì còn dài lắm, nhưng cuộc đời làm gì luôn luôn được suôn sẻ như vậy. Nếu làm cha sướng thì thiên hạ đi tu hết rồi? Sao lại cứ để mấy vị “LM, khờ khờ” làm cha? Thôi bây giờ bàn về cái khổ của cha sở cho công bằng.
Tác gỉả Thế Nhân đã diễn tả những nổi khổ của cha sở trong bài thơ sau:
LÀM CHA SỞ… THẬT LÀ KHỔ!
Làm cha sở…ôi thật là khổ sở/. Nếu hòa đồng bị than thở: không nghiêm/. Còn cương nghị thì bị chê liền: khó tính./ Khi giảng dài bị cho là: tra tấn./ Giảng ngắn gọn thì than thở: qua loa./ Làm việc xông pha thì bị chê là: bày vẽ./ Đơn giản, sơ mi thì lại nói Cha: trẻ hóa/. Sống chiêm niệm bị đánh giá nấp: ở nhà./ Không rượu, không chè thì bị coi là: giữ kẽ./ Có chút rượu bia bị lên án: rượu chè./ Nếu nghỉ ngơi lại bị chê: làm biếng./ Còn siêng làm thì mang tiếng: bao sân/. Chịu khó tiếp dân, bị coi lười: cầu nguyện/ . Còn ít tiếp dân, Cha mang tiếng: quan liêu/. Làm việc năng nổ, thì bị xếp loại: kiêu./ Giáo xứ có bề gì lại mang tai tiếng: yếu/. Làm cha sở ôi thật là khổ sở./ Nhưng khổ sở là muôn thuở thế gian/. Vậy xin cha chớ vội than van/. Còn nhiệm sở tức là còn khổ sở./ Vì những niềm đau và biết bao gian khó/. Đang mong Cha soi rọi mối tình trời/. Đem Phúc âm cho nhân thế nơi nơi/. Cho reo vui muôn tiếng cười cứu độ/. Còn nhiệm sở nghĩa là còn bóng tối/. Cần nơi Cha nguồn cội suối tâm linh/. Soi chiếu đường đi ánh sáng Tin Mừng/. Cho rạng ngời ánh thiều quang chân lý/. Còn nhiệm sở, còn nhiều điều suy nghĩ/. Còn lo lắng, còn nặng gánh khổ sầu/. Nào ai hiểu: làm Linh Mục dễ đâu/. Khi giáo dân luôn khẩn cầu ơn thánh/. Còn nhiệm sở, còn nặng vai gồng gánh/. Lúa chín mênh mông, thiếu vắng thợ tài./ Khôn ngoan, thánh thiện, sức khỏe dẻo dai/.Đem ơn Chúa đến mọi nơi mọi chỗ/. Làm cha sở…cho dù rất là khổ sở/. Cũng là đường luôn rạng rỡ hân hoan/. Khổ vì yêu, vì trách nhiệm cưu mang/. Là Mục tử dưỡng nuôi đoàn chiên Chúa/. Làm Cha sở ôi muôn vàn khổ sở./ Cha là người Chúa muôn thuở yêu thương/.
Như vậy, trong niềm vui sướng lại có những khổ sở vì là cha sở!
Việc cha Phêrô chuyển đổi về đây hôm nay như là một cuộc trở về. Bởi lẽ trước đây ngài có thời gian phục vụ họ đạo Bạc Liêu. Dù nơi củ, nhưng là nhà thờ mới. Dù gặp lại giáo dân củ, nhưng trong vai trò mới. Dù trên vùng đất củ, nhưng với công việc mới, chắc cũng khiến ngài phải lo xa đủ thứ, nhưng thiết nghĩ với tinh thần phó thác cậy trông của người môn đệ Chúa cùng vớibản chất trầm tĩnh, lòng nhiệt tâm tông đồ, cộng với tên gọi cha Siêng nữa, ngài sẽ siêng năng chăm lo cho cộng đoàn họ đạo Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời khai thác hết tiềm năng phong phú sẵn có của vùng đất tài tử, để phát triển và mở mang Nước Chúa tại địa bàn thành phố trẻ đông đúcdân cư này.

Chính trong tâm tình đó, chúng ta cùng chào mừng cha tân chánh sở Phêrô và cầu chúc cha nhiều sức khỏe, khôn ngoan và con tim đủ lớn của người mục tử để cha thi hành tốt nhiệm vụ thánh hóa, giảng dạy và cai quản họ đạo mà Chúa và Giáo Hội giao phó. Hy vọng với kinh nghiệm và tài đức, cha sẽ đem lại nhiều hoa trái tốt lành cho họ đạo Đức Mẹ hồn xác lên trời. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...