SUY NIỆM LỜI CHÚA
TUẦN XIV TN
Lời Chúa
Mt 9,18-26
Khi ấy, Chúa Giêsu đang nói,
thì có một vị kỳ mục kia đến lạy Người mà thưa rằng: "Lạy Ngài, con gái
tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến đặt tay trên nó, thì nó sẽ sống lại".
Chúa Giêsu chỗi dậy, và cùng với các môn đệ, đi theo ông ấy. Và này có người
đàn bà bị bệnh loạn huyết đã mười hai năm, tiến lại đàng sau Người và chạm đến
gấu áo Người. Vì bà nghĩ thầm rằng: Nếu tôi được chạm đến áo Người thôi, thì
tôi sẽ được khỏi. Chúa Giêsu ngoảnh lại, trông thấy bà ta, liền phán rằng:
"Này con, hãy vững lòng. Ðức tin của con đã cứu thoát con". Và người
đàn bà được khỏi bệnh.
Khi Chúa Giêsu đến nhà vị kỳ
mục, và thấy những người thổi kèn và đám đông đang xôn xao, thì bảo rằng:
"Các ngươi hãy lui ra, con bé không có chết đâu, nó ngủ đó thôi". Họ
liền nhạo cười Người. Và khi đã xua đám đông ra ngoài, Người vào cầm tay đứa bé
và nó liền chỗi dậy. Tin này đồn đi khắp cả miền ấy.
Suy niệm
Tình
thương cứu độ của Chúa là phổ quát dành cho hết mọi người, không phân biệt màu
da, chủng tộc hay tôn giáo. Tuy nhiên để đón nhận được tình thương và ơn cứu độ
của Chúa đòi hỏi con người phải có đức tin.
Tin
mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của Chúa Giêsu: cứu sống con gái của vị thủ lãnh và
chữa lành người đàn bà bị băng huyết 12 năm, nhờ lòng tin mạnh mẽ của họ.
Đức
tin chính là thần dược chữa lành mọi bệnh tật con người. Nhờ tin mà cô con gái
vị thủ lãnh và người đàn bà bị băng huyết 12 năm được cứu chữa.
Đức
Tin đem đến cho con người niềm hy vọng.
§ Hy vọng vào Chúa, nên vị thủ lãnh và người đàn bà bị
băng huyết 12 năm đã không ngần ngại ra đi tìm đến Chúa Giêsu.
§ Hy vọng nơi Chúa, ông thủ lãnh đã không ngần ngại sấp
mình nài nỉ xin Chúa đến cứu sống con gái ông.
§ Hy vọng ở Chúa, ngườiđàn bà bị băng huyết đã can đảm
chạm đến gấu áo Chúa .
Nhờ
lòng tin công khai và mạnh mẽ của viên thủ lãnh mà cô con gái ông được Chúa cứu
sống.
Nhờ
lòng tin chân thành, đơn sơ và kín đáo mà người đàn bà bị băng huyết 12 năm dài
được Chúa chữa lành.
Tin
chính là đặt hết niềm hy vọng" vào", "nơi" và "ở"
Chúa, trao cho Chúa mọi lắng lo, khốn khổ.
Con
cái là món quà quý giá và là kho báu vô tận. Trong mắt cha mẹ, con cái là tất
cả. Mất con cái là mất tất cả. Nhưng chính lúc xem ra mất tất cả đó, viên thủ
lãnh đã có được niềm tin.
Bệnh
tật luôn là nỗi ám ảnh của con người, bởi lẽ bệnh tật làm cho con người trở nên
đau khổ, chán nản và tuyệt vọng. Nhưng chính lúc đau khổ và tuyệt vọng ấy,
người đàn bà đã có được niềm tin âm thầm nhưng mạnh mẻ.
Niềm
tin của chúng ta cần được trui rèn, để sau những thử thách đau thương, đức tin
chúng ta được vững mạnh hơn. Không nhất thiết là được ơn, được phép lạ như
người cha hay như người đàn bà bị bệnh băng huyết trong bài tin mừng hôm nay,
điều quan trọng là trong mọi biến cố, chúng ta cần nhìn về phía bên kia điều
Chúa muốn, để vững tin vào Chúa. Nhờ thế mà chính ta và những người chung quanh
ta có thêm lòng tin cũng như gia tăng lòng cậy trông nơi Chúa.
Trên
hành trình bước theo Chúa, niềm tin của chúng ta cũng phải đối diện với bao là
thử thách. Xin cho chúng ta luôn kiên vững niềm tin vào Chúa và mạnh mẽ thể
hiện niềm tin của mình như viên thủ lãnh và người đàn bà bị băng huyết.
Trong
cuộc sống, chúng ta xin ơn Chúa rất nhiều, nhưng lại quên xin ơn rất quan trọng
là ơn "Đức Tin". Chắc chắn đức tin chúng ta vẫn còn yếu kém. Chúng ta
hãy tha thiết xin Chúa gia tăng Đức Tin cho chúng ta.
Lời Chúa
Mt 9,32-38
Khi ấy, người ta đem đến Chúa
Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi đã trừ quỷ, thì người câm nói được, đám đông
dân chúng kinh ngạc và nói rằng: "Chưa bao giờ thấy xảy ra như vậy trong
dân Israel". Nhưng các người biệt phái nói rằng: "Ông ta đã nhờ tướng
quỷ mà trừ quỷ".
Và Chúa Giêsu đi rảo khắp các
thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời,
và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng
xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn.
Người liền bảo môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợgặt thì ít. Các con
hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa".
Suy niệm
Thống kê cho biết: Hiện tại Người
Công giáo chỉ chiếm 17,2% trên toàn thế giới; Châu Á dừng lại ở mức 2,9%, đất
nước Việt Nam là 6,87%, riêng Giáo Phận Cần Thơ chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 3,4 %.
Như vậy, cánh đồng truyền giáo vẫn còn bao la.
Nhu cầu truyền giáo vẫn luôn là nhu
cầu khẩn thiết và phải là ưu tư số một của Giáo Hội, của Giáo Phận và cũng là
của từng người tín hữu chúng ta.
Khi thiết lập Giáo Hội, Chúa Giêsu
đã trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho các Tông Đồ và ngày nay cho từng người tín
hữu. Bổn phận này chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội và được củng cố
nhờ bí tích thêm sức. Nhưng làm thế nào để thực hiện sứ mạng cấp thiết này?
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu chỉ cho
chúng ta một vài cách thức:
- Hãy nên giống Chúa, biết
"chạnh lòng thương" đối với tha nhân, nhất là những người bị bỏ
rơi....
- Hãy nghe theo lời Chúa dạy, là
cầu xin với Chúa, chủ mùa gặt, vì chỉ có Chúa mới đánh động lòng người và làm
cho người khác tin Chúa mà thôi; chứ người phàm không có khả năng làm được điều
đó. Cầu xin cho có nhiều thợ gặt lành nghề sẵn sàng dấn thân hy sinh lo cho
việc truyền giáo; đồng thời, chúng ta cũng cầu xin cho từng người chúng ta biết
tích cực góp công sức, thời giờ, sức khỏe và cả của cải tiền bạc để lo cho việc
truyền giáo.
- Cuối cùng hãy làm theo ý Chúa,
mỗi kitô hữu phải có một đời sống tốt lành thánh thiện để làm gương sáng cho
người khác, vì như Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: "Người thời
nay không thích những thầy dạy cho bằng nhân chứng”.
Chúng ta chỉ có thể truyền giáo
bằng gương sống của chúng ta qua việc sẵn sàng giúp đỡ mọi người theo tinh thần
bác ái của Tin mừng.
Ước gì đời sống mỗi người, mỗi gia
đình biết nghe lời Chúa, làm theo ý Chúa, để mỗi ngày nên giống Chúa
hơn trong cung cách sống yêu thương, nhờ đó mới có thể minh chứng cụ thể
niềm tin và lòng yêu mến Chúa của chúng ta.
Lời Chúa
Mt 10,1-7
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai
môn đệ Người lại, và ban cho các ông quyền hành trên các thần ô uế để các ông
xua đuổi chúng và chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền.
Ðây là tên của mười hai Tông
đồ: Trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em của ông, Giacôbê con
ông Giêbêđê và Gioan em của ông, Philipphê và Bartôlômêô, Tôma và Matthêu người
thu thế, Giacôbê con ông Alphê và Tađêô, Simon nhiệt tâm và Giuđa Iscariô là kẻ
nộp Người.
Chúa Giêsu đã sai mười hai vị
này đi và truyền rằng: "Các con đừng đi về phía các dân ngoại và đừng vào
thành của người Samaria. Tốt hơn, các con hãy đến cùng các chiên lạc nhà
Israel. Các con hãy đi rao giảng rằng: 'Nước Trời đã gần đến'".
Để
thực hiện sứ mạng giải thoát con người khỏi những đau khổ về thể xác và tinh
thần do trói buộc bởi ma quỷ, một mình Đức Giêsu là đủ, vì Ngài là Thiên Chúa
quyền năng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại không dùng cách thế đó, trái lại Chúa mời
gọi chúng ta cộng tác.
Cụ
thể bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chọn gọi 12 Tông Đồ, ban quyền trừ quỷ và
chữa bệnh cho các ông và sai các ông đi rao giảng Tin mừng.
Khi
lãnh nhận bí tích rửa tội và thêm sức là chúng ta đã lãnh nhận quyền năng của
Chúa và được mời gọi để chia sẻ sứ mạng loan báo Tin mừng..
Cánh đồng truyền giáo thật mênh
mông bát ngát. Chúa đã nhìn thấy lúa vàng đã chín rộ, nhưng ma quỷ lại đang phá
hoại bằng biết bao phương cách, từ bên trong (tham, sân, si), cũng như bên
ngoài (những trò chơi đồi trụy, sách báo, phim ảnh xấu) đã len lỏi và thấm
nhập cách tinh vi vào tâm hồn chúng ta những tư tưởng xấu xa, tội lỗi.
Xin
cho chúng ta biết canh tân đời sống bản thân, làm lành mạnh hóa đời sống tâm
hồn; đồng thời cũng biết canh tân đổi mới những người chung quanh. Cụ thể là
những người sống gần gũi: trong gia đình, trong xóm làng và nơi họ đạo chúng
ta.
Xin Chúa ban cho Giáo hội nhiều
tông đồ nhiệt thành để đẩy lùi sự dữ và khử trừ sự ô uế ra khỏi môi trường
chúng ta đang sống.
Lạy Chúa, Chúa biết chúng con
là những phận hèn sức yếu. Vì thế, Chúa không đòi hỏi chúng phải rađi loan báo
tin mừng ở những nơi xa xôi. Nhưng Chúa muốn chúng con biết tích cực gieo vãi
yêu thương và bình an cho những người gần gủi chúng con. Xin cho chúng con ý thức
và tích cực thực thi lời Chúa dạy. Amen.
Trang Tin mừng hôm nay kể về việc
Chúa Giêsu tuyển chọn 12 Tông Đồ, và trao cho các Tông Đồ một sứ vụ quan trọng,
đó là loan báo Nước Trời. Đối tượng để rao giảng mà Chúa Giêsu nhắm đến là các
con chiên lạc nhà Israel, chứ không phải là các dân ngoại, hay dân Samaria. Tại
sao lại có sự phân biệt như thế?
Theo bản văn Mt 10,5 thì Chúa Giêsu
cũng ghi nhận sự chia rẽ trầm trọng giữa hai dân này. Ngược dòng lịch sử, chúng
ta biết rằng: Đầu tiên, người Samaria cũng là người Do thái, nhưng từ khi kinh
đô Samaria bị rơi vào tay đế quốc Assiry năm 721tcn, họ bị lai căng, vì có
nhiều người dân của Assiry đến ở trong thành mà họ vừa chiếm được. Dân Samaria
có đền thờ trên núi Garidim. Dân Do thái khinh chê họ, nhưng họ chẳng chịu
thua. Có lẽ, vì hoàn cảnh chưa cho phép hoặc vì dân Do thái có quyền ưu tiên
nên Đức Giêsu bảo các Tông Đồ đi loan báo Tin Mừng cho dân Do thái trước.
Vậy, chúng ta phải hiểu như thế nào
đây, khi mà, Tin Mừng phải được loan báo cho hết mọi người? Quả thật sau khi
sống lại, Chúa Giêsu đã xóa bỏ hố phân cách ấy. Từ nay, mọi người, Samaria, Hy
Lạp cũng như Do thái đều được nghe Tin Mừng (Cv 1,8).
Là những người được tuyển chọn,
chúng ta cần có thái độ nào đối với công cuộc rao giảng Tin Mừng? Với một xã
hội mang tính thực dụng và hưởng thụ, công cuộc loan báo quả lắm nhiêu khê cho
người môn đệ của Chúa. Nếu người kitô hữu được “gạn đục khơi trong”, được sàng
lọc khỏi những “tạp chất” của xã hội, thì đời sống của họ càng được thấm đẫm
tinh thần của Chúa Giêsu. Chính khi kín múc được tinh thần đó, người môn đệ
Chúa Giêsu mới có thể loan báo về Nước Trời.
Trong môi trường truyền giáo ngày
nay, việc sống chung với người ngoại, ít nhiều kitô hữu cũng bị ảnh hưởng bởi
lối sống của họ, nhiều gương mù gương xấu, đôi khi bị lung lay về niềm tin,
hoài nghi về sự hiện diện của Thiên Chúa… Vì thế, bổn phận trước hết của người
môn đệ Chúa là đi tìm những con chiên lạc về, nâng đỡ, ủi an, khích lệ, và thắp
lên niềm hy vọng cho họ. Sau đó, đến với dân ngoại để giới thiệu Thiên Chúa cho
họ, đồng hành với họ, sống chứng tá.
Lạy Chúa Giêsu, công cuộc loan
báo Tin Mừng đang gặp những khó khăn, bởi vì não trạng của con người đang chạy
theo và tôn thờ vật chất, tiền bạc. Dường như con người không nhận ra sự hiện diện
của Chúa trong cuộc đời nữa, và đấng họ tôn thờ không phải là Chúa mà là cái
bụng, là tiền bạc. Xin gìn giữ người môn đệ của Chúa khỏi những cám dỗ ấy, để
một lòng thờ phượng Chúa và sẵn sàng phục vụ Nước Trời.
Các sách Tin Mừng Nhất lãm đều liệt
kê tên 12 vị Tông Đồ. Nhưng có sự khác nhau. Thánh Máccô và Luca liệt kê danh
sách 12 Tông Đồ khi trình bày việc Chúa gọi các ngài. Còn thánh Mátthêu, đợi
khi Chúa trao sứ mạng đi rao giảng, ngài mới liệt kê tên của 12 Tông Đồ. Phải
chăng như thế, thánh Mátthêu muốn làm nổi bật mối tương quan giữa Tông Đồ đoàn
và sứ mạng rao giảng Tin Mừng?
Chữ Tông Đồ, có nghĩa là “người
được Thiên Chúa- Chúa Giêsu sai đi”. Theo quan niệm người Do Thái, người được
sai đi có toàn quyền của người sai mình đi và được coi là ngang với người sai
mình đi về sứ mệnh. Vậy ai tiếp nhận người được sai- Tông Đồ là tiếp nhận Chúa
Giêsu mà tiếp nhận Chúa Giêsu chính là đón tiếp Thiên Chúa Cha.
“Nước Trời đã đến gần”. Là người Do
Thái, thánh Mátthêu biết rằng vương quyền trên trần thế luôn thuộc về Chúa (Tv
22,29; Tv 103,19), nhưng ngài muốn nói rằng vương quyền muôn thuở ấy đã đến gần
với loài người vì Chúa Giêsu đã đến và đang hoạt động.
Bản chất của Giáo Hội là truyền
giáo nên mọi thành phần trong Giáo Hội đều phải có bổn phận truyền giáo, không
phải chỉ riêng hàng giáo sỹ hay những người chuyên môn. Là người tín hữu- tôi
đã có tinh thần truyền giáo không? Công việc truyền giáo của tôi có theo đúng
thánh ý Chúa và giáo huấn của Giáo Hội không? Hay theo ý riêng và quyền lợi riêng
của cá nhân tôi?
Thiên Chúa luôn thương yêu đoàn
chiên của Người nên Người gửi những chủ chăn thay mặt Người để chăm sóc và
hướng dẫn. Là người tín hữu, tôi có cộng tác với chủ chăn trong công việc chung
hay không? Và tôi đã cộng tác như thế nào? Vì chính khi người tín hữu cộng tác
tích cực với chủ chăn trong công việc chung là lúc làm cho Nước Thiên Chúa thật
sự hiện diện trên trần gian này. Như thế, lời cầu xin trong kinh Lạy Cha:
“chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất
cũng như trên trời” mới trở nên hiện thực.
Lạy Chúa, xin Chúa ban ơn giúp
chúng con can đảm sống chứng nhân trong đời sống hằng này. Vì chính đời sống
chứng nhân của chúng con là cách chúng con truyền giáo hữu hiệu nhất. Nhưng
trước tiên, xin cho chúng con biết đón tiếp những vị chủ chăn mà Chúa gửi đến
cho chúng con, cùng cộng tác trong công việc chung để làm sáng danh Chúa và mưu
cầu ơn cứu rỗi cho mọi người.
Lời Chúa
Mt 10,7-15
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng
các Tông đồ rằng: "Các con hãy đi rao giảng rằng "Nước Trời đã gần
đến". Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho
những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không
thì hãy cho nhưng không. Các con chớ mang vàng bạc, tiền nong trong đai lưng,
chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc,
vì thợ thì đáng được nuôi ăn.
"Khi các con vào thành hay
làng nào, hãy hỏi ở đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi.
Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: "Bình an cho nhà này". Nếu
nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy. Nhưng nếu ai
không tiếp rước các con và không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi nhà hay
thành ấy và giũ bụi chân các con lại. Thật, Thầy bảo các con: Trong ngày phán
xét, đất Sôđôma và Gômôra sẽ được xét xử khoan dung hơn thành ấy".
Bài tin mừng hôm qua kể về việc
Chúa Giêsu tuyển chọn nhóm Mười Hai, và sai các ông đi rao giảng. Qua bài tin
mừng hôm nay, Chúa Giêsu phác họa cho ta thấy tinh thần và hành trang người môn
đệ cần phải có khi đi rao giảng là như thế nào.
Về tinh thần: Người môn đệ cần phải
biết an ủi, chữa lành người bệnh tật; làm cho kẻ chết sống lại; cho người phong
hủi được sạch; khử trừ ma quỷ; đem bình an cho mọi người.
Về hành trang: Người môn đệ cần
phải sống thật đơn giản, không bám víu vào của cải vật chất…những thứ này sẽ có
người khác lo “vì thợ thì đáng được nuôi ăn”. Sở dĩ, người môn đệ phải sống
siêu thoát như thế là để tín thác vào Chúa và tập trung cho việc loan báo Nước
Trời.
Chúa Giêsu đã sống tinh thần nghèo
khó ấy, khi nói: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người
không có chỗ tựa đầu". Cũng vậy, Người môn đệ của Chúa không có thứ
vật chất nào là bảo đảm, chắc chắn, ngay cả chỗ tựa đầu. Họ đi tới đâu cũng là
nhà, và mọi người đều là anh em của họ.
Sống tinh thần siêu thoát: không
màng chi tiền bạc, không coi trọng vật chất…xem ra là một điều gì đó rất khó,
thậm chí còn là một thách đố cho người môn đệ. Bởi vì, những thứ đó là nhu cầu
và gắn liền với cuộc sống con người. Dường như có được nó, con người sẽ trở nên
phấn khởi, cảm thấy sảng khoái, cuộc sống trở nên thú vị hơn. Thấy trước được
mối nguy hiểm đó, Chúa Giêsu đã đưa ra những hành trang cụ thể cho người môn
đệ: không vàng bạc, không tiền giắt lưng, không bao bị, không giày dép, cũng
như không mặc hai áo. Nếu quá chú trọng vào vật chất, người môn đệ sẽ dần đánh
mất đi căn tính của mình, là sứ giả loan báo Nước Trời.
Vậy, đâu là thái độ của người môn
đệ Chúa Giêsu? Đâu đó không thiếu hình bóng của người môn đệ đích thực của Chúa
Giêsu, họ sống đúng với căn tính của mình, quên tất cả để chỉ dấn thân cho sứ
mạng loan báo Tin Mừng. Nhưng, cũng không thể không có hình bóng của những
người môn đệ chưa chu toàn nhiệm vụ của mình, thích vun vén cho đời sống cá
nhân hơn cho cộng đoàn, thích tìm những tiện nghi vật chất để hưởng thụ. Vậy,
Người môn đệ cần phải thật giàu có về đời sống tinh thần: đức tin, lòng mến,
niềm hy vọng, tình yêu…, chỉ khi mình phong phú về những thứ ấy, thì mới có thể
chia sẽ cho người khác về Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin mặc cho con
chiếc áo của người nghèo để con cảm nhận được những thiếu thốn của họ, đồng cảm
với những cảnh đời bất hạnh trong cuộc sống với họ. Chính khi sống tinh thần
nghèo khó ấy, con mới có thể toàn tâm toàn ý phục vụ cho sứ mạng loan báo Tin
Mừng. Xin gìn giữ con trước những ma lực của đồng tiền, trước những quyến rũ
của vật chất, để giữ trọn lòng trung thành với Chúa.
Ra đi loan báo Tin mừng, các Tông
Đồ công bố rằng đã đến thời cứu độ qua lời loan báo “Nước Trời đã đến gần”.
Các ngài phải rao giảng như Đức Giêsu, nghĩa là lời rao giảng đi kèm với việc
làm cụ thể, mà việc làm cụ thể ở đây chính là việc khử trừ ma quỷ.
Theo quan niệm của người Do Thái
xưa, người ta ốm đau bệnh hoạn là do quyền lực Satan và tội lỗi thống trị. Nay
các Tông Đồ loan báo Nước Thiên Chúa đã đến gần, mà nước Thiên Chúa đã đến thì
quyền lực Satan phải bị tiêu diệt. Các Tông Đồ phải minh chứng cho lời loan báo
của mình qua việc chứng tỏ các ngài có quyền trên ma quỷ khi các ngài chữa lành
người đau yếu và cho kẻ chết sống lại.
Sự hiện diện của Nước Trời còn phải
được minh chứng bằng chính nếp sống của các Tông Đồ: nghèo khó và đơn giản về
tiện nghi vật chất, siêu thoát về tình cảm nhân loại. Như thế, với tâm hồn tự
do, không lệ thuộc, không bám trụ, các Tông Đồ sai luôn luôn lên đường, mang
Tin Mừng, sự sống mới và sự bình an cho mọi người thành tâm thiện chí.
“Thợ thì đáng được nuôi ăn”, một
mặt muốn nói rằng các Tông Đồ phải biết tín thác vào sự quan phòng của Chúa
trong khi phục vụ Tin Mừng, mặt khác còn ngụ ý tới trách nhiệm của cộng đoàn là
phải lo phương tiện sống cho những nhà truyền giáo.
Ngày nay người ta cần chứng nhân
hơn là thầy dạy, không phải là không cần thầy dạy nữa, nhưng song song với thầy
dạy cần có chứng nhân, vì “lời nói thì thoảng qua nhưng gương lành thì lôi
kéo”. Chúng ta không có khả năng, không có chuyên môn, nhưng chính đời sống
chứng nhân của chúng ta là lời rao giảng Tin Mừng hùng hồn nhất, là bằng chứng
cho mọi người cảm nhận sự hiện diện của Nước Trời nơi trần gian này. Vì Nước
Trời là nơi sự thật, bác ái, yêu thương ngự trị nên khi chúng ta sống được
những điều này trong cuộc sống hằng ngày là lúc chúng ta đem Tin Mừng, đem Nước
Trời đến cho mọi người.
Mặc dù chúng ta không có điều kiện
để lên đường ra đi đến những vùng xa xôi hẻo lánhđể rao giảng Tin Mừng, nhưng
chúng ta cũng có thể thể hiện tinh thần truyền giáo. Chúng ta góp sức bằng lời
cầu nguyện, song song với lời cầu nguyện, chúng ta góp tiền của trong khả năng
của chúng ta. Chính những đồng tiền đóng góp của chúng ta vào quỹ truyền giáo,
Giáo Hội sẽ dùng vào những nhu cầu thiết thực trong công cuộc truyền giáo.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người trong
chúng con luôn luôn thể hiện tinh thần truyền giáo bằng nhiều cách khác nhau.
Chúa đã đến mang ơn cứu rỗi cho tất cả mọi người và Chúa muốn chúng con mang
tin mừng cứu rỗi đó đến cho mọi người qua lệnh truyền của Chúa “Anh em hãy
đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng”. Ước gì đời sống của chúng
con là lời rao giảng Tin Mừng, rao giảng về Chúa, về Nước Trời thiết thực nhất,
để rồi chúng con cũng có thể thốt lên như thánh Phaolô “Khốn thân tôi, nếu
tôi không rao giảng Tin Mừng”.
Lời Chúa
Mt 10,16-23
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng
các Tông đồ rằng: "Này, Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa sói
rừng. Vậy các con hãy ở khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu. Các con
hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các
con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì
Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt
nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì? Vì trong giờ
ấy sẽ cho các con biết phải nói gì; vì chưng, không phải chính các con nói,
nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con.
"Anh sẽ đem nộp giết em,
cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại với cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì
danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ
được cứu độ. Khi người ta bắt bớ các con trong thành này, thì hãy trốn sang
thành khác. Thầy bảo thật các con: Các con sẽ không đi khắp hết các thành
Israel trước khi Con Người đến".
Trang Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu
tiên báo về những cuộc bách hại mà người môn đệ thường gặp khi rao giảng tin
mừng, nào là bị tố cáo, bị đánh đập, bị thù ghét, bị anh em phản bội… Vì danh
Chúa Giêsu mà người môn đệ phải chịu những bách hại ấy. Tuy gặp khó khăn, bị
ngược đãi nhưng phải mạnh dạn, đừng sợ sệt, vì có Chúa Thánh Thần, vì dù cho
xác của họ có thể bị người đời giết đi, nhưng Thiên Chúa sẽ chứng kiến, sẽ lo
liệu, sẽ gìn giữ linh hồn họ. Chỉ có Thiên Chúa mới nắm trọn quyền trên hồn và
xác, chứ không phải là người đời.
Chúa Giêsu cũng phải chịu nhiều tiếng
gièm pha, lời qua tiếng lại của bà con lối xóm, rồi những chống đối của các
Kinh sư cũng như nhóm Pharisêu, nhất là những bách hại trong cuộc khổ nạn và
cuối cùng là cái chết trên thập giá. Dẫu luôn bị bách hại nhưng Chúa Giêsu vẫn
trung thành với sứ mạng của mình.
Dõi theo Chúa Giêsu, cuộc đời làm
chứng cho Tin mừng không phải là một cuộc sống an nhàn, hưởng thụ,cũng như
không phải là một hành trình gặp nhiều thuận lợi. Trái lại, đó là một cuộc sống
nhiều cam go thử thách: bị chống đối, bị đánh đập, bị bắt bớ, bị bỏ tù. Phải hy
sinh nhiều thứ như: gia đình, bạn bè, ước muốn, thời gian, tiền bạc, thậm chí
cả mạng sống. Vì danh Chúa Giêsu, chúng ta có thể phải hy sinh tất cả, phải
chịu đựng nhiều thiếu thốn, đau khổ. Sống niềm tin như thế thì mới có thể làm
chứng cho Chúa được.
Ngày nay, có nhiều người không dám
làm chứng cho Chúa Giêsu, không dám sống vì danh Chúa. Họ có thể bỏ đi lễ để đi
làm, bỏ Chúa chứ không bỏ nhậu, kiếm tiền chứ không tìm Chúa. Họ có thể đi chơi
vài giờ, vài ngày nhưng lại ngại đi lễ trong vòng một giờ hoặc hai giờ. Họ có
thể sắm đầy đủ tiện nghi trong nhà mình nhưng lại ngại đóng góp cho công việc
của Giáo Hội. Bên cạnh đó, sống với những người anh em ngoại giáo, họ lại làm
gương mù gương xấu. Thay vì giới thiệu khuôn mặt của Chúa Giêsu, họ lại đi giới
thiệu một hình ảnh về mình; thay vì giới thiệu một cuộc sống kitô hữu thánh
thiện, công bằng và huynh đệ, họ lại sống bất công, ăn thua đủ với người khác.
Cũng thế, có nhiều người vì sợ bắt bớ, sợ mất việc làm nên đã không dám tuyên xưng
niềm tin của mình. Họ chỉ lo sợ những thế lực của trần thế mà quyên lo kính sợ
Thiên Chúa.
Lạy Chúa, sống niềm tin và làm
chứng cho Chúa là trách nhiệm và bổn phận của chúng con. Xin ban ơn can đảm cho
chúng con, để trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống chúng con dám sống hết mình vì
danh Chúa, luôn can trường trong mọi thử thách để loan báo Tin mừng.
“Thầy sai anh em đi như
chiên ở giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu”.
Dưới hình ảnh bầy sói hình như Chúa
muốn nói đến các ngôn sứ giả (x. Mt 7,15) để cảnh giác các Tông Đồ trước những
chống đối hiểm độc của những kẻ nhân danh chân lý, nhân danh Lời Chúa để phá
hoại Tin Mừng.
Như con rắn có tài tránh nguy hiểm
và luôn luôn giữ cái đầu cho khỏi bị tấn công, Chúa cũng muốn các Tông Đồ cố
gắng đừng lọt vào tròng của những thầy dạy giả hiệu, nếu cần thì phải tránh
đụng độ với họ. Tuy nhiên, Chúa cũng muốn các Tông Đồ phải giữ thái độ và tâm
hồn đơn sơ như bồ câu, một loài chim vẫn được coi là vô hại, hơi nghe tiếng
động là bay đi nơi khác.
Bị bách hại là số phận thường tình
của những người rao giảng Tin Mừng. Nhưng giữa những cuộc bách hại đó, họ cảm
thấy hãnh diện bởi vì họ chịu như thế là vì Chúa Giêsu và thật là chính đáng
bởi vì chỉ có như vậy họ mới đưa lời chứng hùng hồn của mình ra trước người
đời. Mặc dù, Chúa muốn các Tông Đồ can đảm và kiên trì trong cơn bách hại nhưng
không được liều mạng một cách vô ích, nếu cần thiết và có thể thì cũng phải
trốn tránh nguy hiểm.
Nhưng Chúa không để các Tông Đồ
phải đơn độc một mình chống chọi lại những âm mưu bách hại của người đời. Người
hứa với các Tông Đồ là trong những giây phút khó khăn đó, Thánh Thần của Chúa
Cha luôn luôn đồng hành, che chở và trợ giúp.
Giáo Hội luôn luôn bị bách hại,
thời nào cũng có, mỗi thời mỗi hình thức khác nhau. Vì thế, con cái của Giáo
Hội ít nhiều cũng bị bách hại chứ không phải chỉ riêng những người ra đi rao
giảng và làm chứng cho Tin Mừng. Chúng ta đang được tự do giữ đạo và sống đạo,
nhưng có nhiều cuộc bách hại, cản trở chúng ta giữ đạo và sống đạo mà chúng ta
không nhận ra. Có khi chúng ta lại thỏa hiệp với chúng, vì chúng đem lại lợi
ích trước mắt cho chúng ta. Có thể gọi những cuộc bách hại này là những viên
đạn bọc đường. Chúng sẽ giết chết đời sống thiêng liêng và đạo đức của chúng
ta. Chẳng hạn tiền bạc bách hại chúng ta, khi chúng ta vì đồng tiền mà bỏ lễ
Chúa Nhật. Sự an toàn bách hại chúng ta khi chúng ta vì nó mà không dám làm
chứng cho sự thật, cho chân lý.
Ngay từ thời sơ khai, Giáo Hội đã
bị bách hại. Trải qua suốt dòng lịch sử, Giáo Hội luôn luôn bị bách hại. Nhưng
Giáo Hội vẫn tồn tại và phát triển không ngừng cho đến ngày hôm nay. Qua điều
đó, chúng ta tin rằng Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn, thánh hóa và canh tân
Giáo Hội, chúng ta càng xác tín vào điều Chúa hứa với Phêrô “trên Tảng Đá
này, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy và không quyền lực âm phủ sẽ không thắng
được” (Mt 16, 18).
Lạy Chúa, xin ban ơn soi sáng để
chúng con biết nhận ra những cuộc bách hại tinh vi của thời đại hôm nay, cản
trở chúng con giữ đạo và sống đạo, không cho chúng con thực hành Lời Chúa dạy.
Đồng thời xin ban thêm lòng tin nơi chúng con, sự can đảm và lòng kiên trì để
chúng con dám lội dòng nước ngược đối với những đòi hỏi của thế gian khi chúng
con sống theo Tin Mừng.
Lời Chúa
Mt 10,24-33
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng
các môn đệ rằng: "Môn đệ không hơn thầy, và tôi tớ không hơn chủ mình. Môn
đệ được bằng thầy, tôi tớ được bằng chủ mình thì đã là khá rồi. Nếu họ đã gọi
chủ nhà là Bêelgiêbul thì huống hồ là người nhà của Ngài. Vậy các con đừng sợ
những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thốlộ; và không có gì kín
nhiệm mà không hề hay biết. Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói
nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.
"Các con đừng sợ kẻ giết
được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn. Các con hãy sợ Ðấng có thể
ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một
đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết
đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng
sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.
"Vậy ai tuyên xưng Thầy
trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy là Ðấng ngự
trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽchối nó trước mặt
Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời".
Suy niệm
Bài Tin mừng tường thuật về việc
Chúa Giêsu khuyên các môn đệ đừng sợ trước thế gian và trước những thế lực bách
hại khi loan báo Tin mừng. Hãy can đảm để tuyên xưng niềm tin của mình.
Dẫu cho trong công cuộc loan báo
tin mừng luôn có những cuộc bách hại, nhưng người môn đệ vẫn tin chắc rằng:
Thiên Chúa sẽ chứng kiến và lo cho, nên người môn đệ mạnh dạn tuyên xưng niềm
tin vào Đức Giêsu.
Xưng là làm chứng công khai, bằng
hành động, và liên kết số phận mình với số phận Đức Giêsu, dầu phảiđổ máu.
Tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Mêsia và là Chúa. Còn chối là nói: tôi không biết
người ấy.
Xưng hay chối sẽ đưa đến hậu quả
khác nhau. Những ai xưng Người thì Người sẽ thừa nhận họ là người nhà trước mặt
Chúa Cha; còn những ai chối Người thì Người cũng sẽ chối họ trước mặt Chúa Cha,
sẽ nói rằng “tôi không biết các ông”.
Ông Giuđa Ítcariốt và thánh Phêrô
đã chối Chúa. Nhưng lại có kết quả khác nhau: ông Giuđa không biết ăn năn,
không tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa nên đã đi tự tử. Còn thánh Phêrô
đã được tha thứ, vì ông biết ăn năn hối cải.
Thiên Chúa không ép buộc, nhưng
luôn để cho con người tự do chọn lựa. Chọn lựa đúng thì được đón nhận phần
thưởng, chọn lựa sai thì phải nhận lấy hình phạt.
Lạy Chúa Giêsu, ơn đức tin thật
là cần thiết cho chúng con, chỉ có đức tin mạnh mới đủ can đảm tuyên xưng niềm
tin vào Chúa trước mọi thử thách, trước những cám dỗ của thế gian. Xin ban thêm
đức tin cho chúng con, để suốt cuộc đời không bao giờ lìa xa Chúa, không bao
giờ chối bỏ Chúa trước những lời mời gọi thấp hèn, nhưng luôn tin tưởng và tín
thác vào Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét