SỐNG
LỜI CHÚA TUẦN III MÙA CHAY A
THÁNH
GIUSE
DẠY TA SỐNG TINH THẦN MÙA CHAY
Lm
Seoka
Không biết vô tình hay hữu ý, năm nào cũng vậy, GH lại mừng kính
thánh Giuse vào đúng lịch PV mùa chay.
Chắn hẳn GH rất có lý. Bời lẽ nếu mùa chay là mùa sám hối, trở về, thì sự trở về sâu xa nhất lại chính là trở về chính mình và trở về với Thiên
Chúa. Nói
như vậy thì hơn ai hết Thánh Giuse chính là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta về
sự trở về ấy.
1. Trước hết thánh Giuse dạy ta bài học trở về với chính
mình trong thinh lặng.
Khi đọc các sách Tin Mừng, ta không thấy thuật lại bất cứ
lời nào của thánh Giuse, dù chỉ một lời nói với Mẹ Maria hay với Chúa Giêsu.
Ngay cả khi gặp trẻ Giêsu ở trong Đền Thờ sau những ngày lo âu tìm kiếm
cũng không thấy lời nào của ngài hé lộ. Có lẽ hơn ai hết thánh Giuse thấu hiểu về sự quý giá
của thinh lặng.
Đúng thế cha ông chúng ta đã từng
nói: "lời nói là
bạc, im lặng là vàng": nên chi thinh lặng giá trị hơn nói, vì nói chỉ là
bạc mà im lặng mới là vàng; là vàng thì bao giờ cũng quí hơn bạc!
Hơn nữa thinh lặng còn là biểu hiện cho sự hiểu biết của một con
người. Ông bà ta thường nói “Ngôn giả bất tri, tri giả bất ngôn” : Người không
biết thì lại nhiều lời vì tưởng người khác không biết như mình, ngườì biết thì
lại không nói, vì nghĩ rằng mọi người đều biết. Ông Heidegger khuyên chúng ta
thực tập thinh lặng, bớt nói, bớt phát biểu, bớt bàn tán….không phải là ta ngu
muội, vô tri, nhưng để cho tâm hồn của chúng ta hoà quỵện với sinh linh vạn
vật, và chỉ khi đó chúng ta mới có thể thấu đạt hết mọi ngóc ngách, thông tường
mọi thế thái, biến chuyển trong sự biểu đạt khôn cùng của nhân sinh, và của
nhiên giới.
Nhưng thực tế đời sống cho thấy chúng ta lại thích nói và nói
nhiều hơn là yêu mến sự thinh lặng. Chính vì thế mà chúng ta đã sai lỗi quá
nhiều trong lời nói vì “đa ngôn thì đa quá”. Nói nhiều thì trở nên nói dai
và kéo theo nói dở, nói ẩu và dại nữa. Do đó hãy thận trọng trong lời nói. Bởi
lời nói sẽ trở nên mối nguy cơ đánh mất tình thương, chia cắt tình thân và gây
nên đau khổ cho nhau.
Ném một lông vịt vào trong gió, thì làm sao nhặt lại được. Một
lời nói ra bốn ngựa đuổi theo cũng không kịp “tứ mã nan truy”. Nên trong
những lúc gặp phải những căng thẳng và sóng gió trong đời, ta hãy học cùng thánh Giuse bài học thinh lặng
để lắng nghe được tiếng Chúa khẻ nói với ta mà làm theo, nhờ đó chúng ta sẽ ngăn
chặng được những đổ vỡ đáng tiếc xảy ra trong cuộc sống.
2. Thứ hai thánh Giuse dạy ta bài học sự tín thác và sự vâng
phục Thiên Chúa.
Nếu ông Giacaria nghi ngờ về ý định của Thiên Chúa qua biến cố
truyền tin trong đền thờ lúc dâng hương. Mẹ Maria thì ngỡ ngàng với biến cố
truyền tịn, thì Giuse lại hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa mà không một lời chấp vấn hay bối
rối gì cả.
Thánh Kinh thuật lại: khi biết được Đức Maria mang thai là do
quyền năng Chúa Thánh Thần, Thánh Giuse đã không ngần ngại nhận Đức Maria về
nhà mình để chở che và nuôi dưỡng. Nhận lãnh hay bảo lãnh Đức Maria về nhà cũng
đồng nghĩa Thánh Giuse giải cứu Đức Maria khỏi búa rìu dư luận và thoát khỏi án
tử. Việc bảo trợ Đức Maria cũng có nghĩa là đồng bảo trợ Hài Nhi đang được
cưu mang trong cung lòng Đức Maria. Việc nhận Đức Giêsu làm con cũng đồng nghĩa
với việc bảo trợ cho Đức Giêsu sinh ra cách hợp pháp và đưa Đức Giêsu vào trong
dòng tộc vua Đavít.
Vâng phục ý Chúa, không chỉ bảo trợ cho Hài nhi Giêsu sinh ra
hợp pháp mà thánh Giuse còn bảo toàn mạng sống của Đức Giêsu khỏi nanh vuốt của
vua Hêrôđê qua việc vâng theo lời báo mộng của Chúa trong đêm mà nhanh chóng
đem mẹ Người và Hài Nhi Giêsu vượt đường xa hiểm trở gần 500 cây số xuyên qua
sa mạc dài hơn 200 km không một bóng cây, không một ngọn cỏ, không một giọt
nước, rất gian khổ để đến Ai-cập tị nạn.
Và khi tình hình yên ổn, một lần nữa Giuse lại nghe theo lời báo
mộng bỏ Ai-cập đem gia đình trở về Palestine, định cư tại Nagiarét để chăm sóc
nuôi dưỡng bằng chính công sức lao động chân chính của mình với nghề thợ mộc.
Còn chúng ta thì khác, chúng ta thường tìm ý mình hơn là ý Chúa.
Mỗi khi gặp phải những nghịch cảnh xảy ra trong đời sống, ta thường kêu trách
Chúa và lắm khi còn xúc phạm đến Chúa nữa. Vì chúng ta cho rằng vâng phục thánh
ý Chúa là hành động hèn nhát, mất tự do và đánh mất nhân phẩm của mình. Thánh
Giuse giúp chúng ta hiểu rằng: không phải lúc nào chúng ta cũng biết được
kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta chỉ biết rằng cách của
Người thì khác với cách của chúng ta, nhưng cách của Người thì luôn luôn tuyệt
vời nhất. Vì thế, hãy tín thác và vâng phục thánh ý Thiên Chúa, để chúng
ta sẽ trở nên những tôi tớ trung thành và khôn ngoan theo gương thánh cả Giuse.
Lạy Chúa, giữa bao triết lý
và lắm luồng tư tưởng trong xã hội này, con phải chọn lựa như thế nào?. Giữa
những nền văn hóa đa dạng và những nền văn minh phức tạp, con biết đâu là đúng,
đâu là sai? Xin cho con chúng con mùa chay thánh này biết đến với thánh cả Giuse
để học nơi thánh nhân bài học của sự trở về trong thinh lặng mà nhận ra thánh ý
Chúa và trở về với Chúa để vâng phục thánh ý Ngài theo gương thánh cả Giuse kính yêu. Amen
Thứ hai (Lc 4, 24-30)
Dẫn
Chúa Giêsu đến trần gian là
để cứu độ hết mọi người, vì ơn cứu độ là ơn phổ quát. Vì thế không phải cứ là
đồng hương, hay đạo dòng là được Chúa ưu ái cứu độ. Trái lại để được Chúa yêu
thương cứu độ, đòi hỏi con người phải tin và sống niềm tin của mình. Xin cho
chúng ta hết lòng tin yêu Chúa, sống đạo sốt sắng và làm theo lời Chúa dạy để
xứng đáng đón nhận ơn cứu độ Chúa ban.
Chia sẻ
Quen quá, hóa nhàm. Gần
chùa gọi bụt bằng anh. Đó thái độ của những người đồng hương với Chúa Giêsu
trong bài tin mừng hôm nay. Đối với những người Do Thái nói chung và dân làng
Nazaret nói riêng, Đấng cứu độ phải là người siêu quần bạt chúng, thuộc dòng
dõi Đa-vít, sinh ở một nơi quyền quý cao sang và phải là Đấng oai phong lẫn
liệt, chứ không phải là một Đấng tầm thường, sinh ra trong gia đình nghèo nàn
chẳng có danh phận gì như Đức Giêsu. Từ thành kiến sai lạc, đưa đến thái độ
hoài nghi rồi dẫn đến thử thách Chúa. Họ thử thách bằng cách đòi hỏi Chúa Giêsu
làm phép lạ như đã làm ở những nơi khác, nhằm minh chứng uy quyền của Người, họ
mới tin nhận. Trước thái độ hoài nghi, (bụt nhà không thiêng) của những người
đồng hương Nazaret, Chúa Giêsu không thể làm gì ngoài việc kể lại cho họ nghe
hai câu chuyện thời xưa. Vào lúc trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước
phải đói kém dữ dội nhưng tiên tri Êlia không giúp người nào trong bọn họ cả,
mà lại giúp bà góa ngoại giáo ở Xa-rép-ta. Và trong lúc nhiều người phong cùi
trong họ không ai được tiên tri Ê-li-sê chữa lành, chỉ ngoại trừ ông Na-a-man,
người ngoại xứ Xy-ri-a. Nghe hai câu chuyện dân làng Nazaret hiểu Chúa Giêsu ám
chỉ họ, nên họ bực tức, định đẩy Người lên núi rồi xô Người xuống vực sâu,
nhưng Người bỏ họ mà đi. Vì thành kiến nên họ đóng khung Thiên Chúa theo quan
niệm sẵn có trong đầu họ.
Chính quan niệm sai lầm đưa
đến hậu quả nguy hại là không còn khả năng đón nhận ơn Chúa. Thành kiến làm cho
chúng ta ra mùa quáng, không còn nhận định và phê phán khách quan đúng đắn
được. Thành kiến cũng làm cho chúng ta không thể đối thoại cởi mở với nhau. Xin
cho chúng ta biết loại bỏ những thành kiến của mình về người khác, để luôn có
cái nhìn ngay thẳng và trong sáng, một nhận xét chân thành và đời sống cởi mở.
Loại bỏ được thành kiến, ta sẽ nhận ra tình thương cứu độ của Chúa dành cho mọi
người không riêng cho ai cả. Chỉ cần mở lòng chấp nhận, tin tưởng Người thì có
thể đón nhận được ơn cứu độ. Xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ ỷ lại mình là
người có đạo mà lơ là sống niềm tin. Trái lại xin cho chúng ta luôn giữ vững
niềm tin, sống chết cho niềm tin bằng cách tích cực thi hành
Lời Chúa dạy, nhờ thế ta
xứng đáng đón nhận được tình yêu và ơn cứu độ Chúa thương ban.
Thứ ba (Mt 18, 21-35)
Dẫn
Lấy oán báo oán, oán chồng
chất. Ngược lại lấy đức báo oán, oán tiêu tan. Ai trong chúng ta lại không lầm
lỗi thiếu sót. Ai trong chúng ta lại không hơn một lần làm xúc phạm đến tha
nhân. Chúng ta hãy lấy tình thương hóa giải hận thù, lấy lòng bao dung mà tha
thứ lỗi lầm cho nhau, như chính Chúa bao dung và hằng tha thứ cho ta.
Chia sẻ
Khi muốn nói một điều khó nói,
người ta dùng câu chuyện. Khi muốn diễn tả một điều gì đó khó diễn tả, người ta
lại dùng câu chuyện. Khi diễn đạt một chân lý sâu sắc mà không ngôn từ nào nào
lột tả hết, người ta hay dùng đến câu chuyện. Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng
dùng câu chuyện dụ ngôn để trình bày về tình thương tha thứ của Chúa và mời gọi
con người bao dung tha thứ luôn mãi cho nhau. Đó là một người mắc nợ vua mười
ngàn nén bạc, số nợ rất lớn y không có gì để trả. Ông van xin và được nhà vua
tha hế cho anh. Vừa được tha, khi ra về anh ta lại gặp người bạn mắc nợ anh ta
không bao nhiêu chỉ một trăm quan tiền. Nhưng ông không tha, mặc cho người ấy
hết lời van xin. Ông lại bắt tù bạn mình. Câu chuyện tới tai nhà vua, vua thịnh
nộ bắt giam anh ta cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng. Nhà vua chính là
Thiên Chúa. Dù con người xúc phạm, thiếu nợ Thiên Chúa rất nhiều và thường
xuyên, Chúa vẫn rộng lòng tha thứ. Còn chúng ta dù tha nhân đôi khi vô tình hay
hữu ý xúc phạm nhỏ đến ta, ta lại khắc khe không tha thứ. Con người là con vật
có xã hội tính. Không ai là một hòn đảo. Chúng ta sống là sống với, sống cùng,
sống cho và sống vì người khác. Cuộc sống chung trong xã hội giúp ta thăng tiến
và phát triển nhiều phương diện.
Tuy nhiên đời sống chung có
khi gây không ít phiền hà, làm khổ cho nhau. Bởi bá nhân bá tính. Nhưng trong
thẳm sâu lòng mỗi người vẫn là lòng bao dung tha thứ. Sự tha thứ không chỉ một
lần, ba lần nhưng Chúa dạy chúng ta phải tha thứ luôn mãi, tha thứ không ngừng.
Tha thứ cho nhau không là chuyện dễ, rất khó khi phải tha thứ hoài. Để thực
hiện được sự tha thứ cho nhau ta cần ý thức: Trước mặt Chúa ta là con người đầy
tội lỗi thuờng, xuyên xúc phạm đến Chúa, nhưng được Chúa thứ tha luôn. Không ai
hoàn hảo, chính ta cũng có nhiều sai sót, lầm lỗi với anh em. Nên ta cần thông
cảm tha thứ lỗi lầm cho anh em. Đừng bao giờ nhìn vào sức nặng của xúc phạm,
nhưng hãy nhìn vào tình thương của Thiên Chúa và nhìn vào cuốn sổ ghi lỗi của
mình. Thù hận, bất hòa chỉ gây đau khổ và bất an cho chính ta mà thôi. Tha thứ
hoà giải chúng ta sẽ cảm nhận niềm vui và hạnh phúc. Trong mùa chay chúng ta
hãy duyệt xét lại các mối tương quan của mình với tha nhân. Nếu thấy có điều
bất hòa, chúng ta hãy hòa giải và tha thứ cho nhau để xứng đáng được Chúa
thương tha tội cho ta.
Thứ tư (Mt 5, 17-19)
Dẫn
Chúa Giêsu đến trần gian
không phải để phá hủy lề luật và lời các tiên tri nhưng là để kiện toàn. Xin
cho chúng ta hết lòng tuân giữ luật Chúa và Giáo Huấn Giáo Hội dạy bảo; đồng
thời cũng giúp mọi người yêu mến và tuân giữ.
Chia sẻ
Những cuộc họp của quốc hội Việt Nam những năm gần đây được đánh giá
là có nhiều tiến bộ và dân chủ. Nhiều dự luật mới được đệ trình để quốc hội và
nhân dân bàn thảo, nhiều luật củ được đặt lại để chỉnh sửa cho hoàn chỉnh hơn
theo hoàn cảnh xã hội, cũng như theo tinh thần chung của quốc tế. Sở dĩ có
những sửa đổi và đệ trình những luật mới như thế cũng đều nhằm mục đích phục vụ
lợi ích cho con người (có thể cho một nhóm người nào đó hay cho tất cả mọi
người). Nhưng càng phục vụ lợi ích cho nhiều người bao nhiêu thì giá trị của
luật ấy càng có giá trị cao bấy nhiêu. Bất cứ xã hội nào, đất nước nào, tập thể
nào, gia đình nào dù lớn hay nhỏ đều có những quy định và luật lệ của nó. Chính
những quy định luật lệ sẽ đem lại tính ổn định xã hội và bảo vệ quyền lợi cho
con người. Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu khẳng định: “ Anh em đừng tưởng Thầy đến
để bãi bỏ luật Môisê hoặc các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng
để kiện toàn…” Như thế đã có sai lạc nào đó về quan niệm, cách thế giữ luật của
những người biệt phái nên Chúa Giêsu mới kiện toàn. Cần xác định lại những yếu
tố cần thiết của luật:
Mục đích của luật
Mục đích của luật là nhằm
đem lại lợi ích cho con người. Nếu luật nào không mang đến lợi ích cho con
người thì xem như không cần thiết nữa. Ăn chay, cầu nguyện, bố thí là những
phương tiện nhằm giúp con người nâng cao tâm hồn, liên kết mật thiết với Chúa
và sống tình thân với nhau. Nếu luật ăn chay, cầu nguyện và bố thí không mang
lại những giá trị trên, trái lại chỉ nhằm để lé mắt thiên hạ thì tốt nhất không
nên giữ làm gì. “Ngày Sabbát được tạo nên cho con người, chứ không phải con
người cho ngày Sabbát” (Mc 2,27).
Ưu tiên của luật
Thiên luật là luật do Thiên
Chúa ban thì trên hết và mọi người đều phải tuân giữ, còn nhân luật là luật do
con người làm ra thì có tính tương đối vì bị điều kiện hoá bởi các hoàn cảnh
thời gian, không gian, nền văn hoá… Luật của con người thì có thể thay đổi và
cần được thay đổi, nhưng luật của Thiên Chúa thì bất biến. Chính vì thế cần
phải ưu tiên tuân giữ luật của Thiên Chúa, khi nhân luật và Thiên luật đòi buộc
cùng lúc. Khi người ta nói đến chuyện Môsê cho phép ly dị thì Chúa Giêsu đã
khẳng định sự bất cập của nhân luật và Người tái khẳng định sự bất biến và tính
bó buộc của thiên luật về hôn nhân bất khả phân ly (x.Mt 19,1-9; Mc 10,1-12).
Tinh thần giữ luật
Rất nhiều lần Chúa Giêsu
phê phán thái độ giữ luật bằng hình thức bên ngoài mà thiếu sự chân thành bên
trong tâm hồn. Người đã dùng hình ảnh “mả tô vôi”, bên ngoài thì đẹp đẽ nhưng
bên trong thì tanh hôi, để ví nhiều người giữ luật theo kiểu này. Người cũng đã
dùng lời sứ ngôn Isaia để nhắc nhớ họ: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn
lòng chúng thì lại xa Ta” (x.Mt 15,7-8). Loài người chúng ta trong thân phận
hữu hình thì các hành vi bên ngoài luôn có tính cần thiết như tất yếu. Tuy
nhiên chính cái tấm lòng, cái ý hướng bên trong mới quyết định giá trị tốt xấu
các hành vi bên ngoài.
Yêu thương là trên hết
Chúa Giêsu đã nhiều lần
minh định về giới răn: Kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và
hết trí khôn, đồng thời yêu thương tha nhân như chính mình (x.Mt 22,34-40; Mc
12,28-34; Lc 10,25-28). Trong tình yêu, khi bỏ qua, không làm một điều tích cực
trong khả năng và hoàn cảnh thì đã làm một điều tiêu cực mà thậm chí là xấu xa.
Nhiều người phải trầm luân đời đời vì khi còn sống đã không làm những việc
lành, việc tốt, việc phải làm cho một trong những kẻ bé mọn (x.Mt 25,31-46).
Mùa chay là dịp tốt để ta duyệt xét lại đời sống đạo qua cách thức giữ luật.
Xin chúa cho chúng ta không giữ luật bằng những hình thức bên ngoài, mà còn
phải trung thành giữ luật bằng tấm lòng yêu mến.
Thứ năm (Lc 11,14-23)
Dẫn
Trước một sự việc, có những
phản ứng khác nhau tuỳ theo cái nhìn của mỗi người. Đồng thuận hay chống đối.
Tin nhận hay từ chối. Đó cũng là phản ứng lẫn lộn của đám đông dân chúng khi
chứng kiến phép lạ trừ quỷ câm của Chúa Giêsu trong bài tin mừng hôm nay. Xin
cho chúng ta luôn có cái nhìn ngay thẳng và trong sáng để nhận ra giá trị đích
thực của mọi biến cố xảy đến trong đời sống.
Chia sẻ
Cùng chứng kiến một phép
lạ. Nhưng lại có những phản ứng trái chiều:
1. Đám đông lấy làm ngạc
nhiên.
2. Một số người cho rằng:
"Ông ấy dựa thế quỷ vương Beelzebul mà trừ quỷ."
3. Kẻ khác lại muốn thử
Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời.
Trước những phản ứng trái
chiều, nhất là thái độ chống đối của nhóm Biệt Phái. Chúa Giêsu lại kiên nhẫn
lý giải cho họ hiểu rõ hai điều:
Thứ nhất: “Đòan kết là sức mạnh
và là điều kiện chính để sinh tồn”, nên Satan không thể chống đối lẫn nhau.
"Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nào tự chia rẽ thì sẽ đổ xuống.
Nếu Satan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?”.
Bởi thế cho rằng Chúa Giêsu dựa thế Beelzebul mà trừ quỷ câm là không đúng.
Thứ hai: Để tạo nên sức mạnh
chống lại Thiên Chúa và hãm hại con người, ma quỷ không ngu dại gì mà làm hại
thuộc hạ của nó. Bởi thế việc Chúa Giêsu trừ quỷ không phải là dựa vào thế của
quỷ vương. Nếu việc đó không do quỷ vương thì do đâu? Thưa do một quyền lực
mạnh hơn ma quỷ, tức là Thiên Chúa. Như thế phép lạ này là dấu chỉ rằng Nước
Thiên Chúa đã đến gần.
Sở dĩ những người Biệt Phái
không tin nhận phép lạ Chúa Giêsu thực hiện là do quyền năng đến từ Thiên Chúa
là vì họ ganh tị và ghen ghét Chúa Giêsu.
Lòng ganh tỵ, ghen gét làm
cho con người trở nên mù quáng, không còn khả năng nhận ra chân giá trị của sự
việc và sự thật về con người. Khi nuôi dưỡng hận thù trong lòng, người ta có
thể tìm mọi cách để hạ bệ hãm hại người khác. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Cố
tình không đón nhận nó chỉ thiệt hại và làm đau khổ cho chính bản thân mình mà
thôi.
Câu truyện
Có một con đại bàng ganh tị
với một con đại bàng khác vì con này bay cao hơn nó. Một hôm con đại bàng ganh
tị gặp một xạ thủ. Nó xúi anh bắn hạ đối thủ của nó. Chàng xạ thủ đáp: “Được.
Nhưng tôi không có tên.” Con đại bàng nhổ một cọng lông cánh đưa cho chàng xạ
thủ làm tên. Nhưng chàng bắn hụt. Vì quyết tâm hại đối thủ của mình, con đại
bàng ganh tị lại nhổ thêm một cọng nữa, rồi một cọng nữa... cho tới khi hai
cánh nhỏ trụi nhẵn. Nó không bay được nữa. Chàng xạ thủ không bắn được con kia
nên bắt lấy con đại bàng trụi cánh về làm thịt. Nếu bạn ganh tị muốn hại ai thì
rốt cuộc bạn chỉ tổ hại chính bản thân mình.
Xin Chúa cho chúng con tấm
lòng đơn sơ trong trắng để có cái nhìn ngay chính và trong sáng trước mọi biến
cố xảy ra trong cuộc sống. Đừng để con vì ghen tỵ, thù ghét mà có thái độ tiêu
cực, chỉ biết “vạch lá tìm sâu” và luôn nghi ngờ thiện chí của tha nhân. Xin
cho chúng con luôn vững tin vào quyền năng Thiên Chúa và can đảm loại trừ thái
độ làm tôi hai chủ trong cuộc đời này.
Thứ sáu (Mc 12,28b-34)
Dẫn
Cốt lõi của đạo Công Giáo
là Bác Ái. Bác ái là đồng phục và là ngôn ngữ chung của người kitô hữu. Bác ái
là dấu chứng để nhận ra môn đệ của Chúa, là ngôn ngữ cao trọng của loài người
và các thiên thần, là ngôn ngữ độc nhất tồn tại trên thiên đàng.
Xin cho chúng ta biết giá
trị cao quý của bác ái và nỗ lực thi hành đức ái trong đời sống để xứng danh là
môn đệ Chúa.
Chia sẻ
Sống trong xã hội Do Thái
thời bấy giờ, với ngổn ngang những luật lệ, làm cho con người không còn
phân biệt đâu là chính, đâu là phụ. Vì thế, một người trong nhóm kinh sư tới
hỏi Chúa Giêsu xem điều răn nào là quan trọng nhất.
Thời bấy giờ có nhiều phe
nhóm, mỗi phe nhóm đề cao một số luật lệ. Có lẽ, nhân cơ hội này họ cũng muốn
biết Chúa Giêsu đứng về phe nhóm nào. Bằng cách thăm dò đó , họ cũng muốn thử
xem trình độ hiểu biết của Chúa Giêsu về Thánh Kinh và luật lệ tới mức độ nào.
Chúa Giêsu trích dẫn hai
câu Thánh Kinh, một trong sách Đệ Nhị Luật và một trong sách Lê-vi: “ Ngươi
phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết sức
lực ngươi”. Đó là điều quan trọng thứ nhất. Điều luật thứ hai cũng quan trọng
không kém, đó là: “ Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình”.
I. YÊU MẾN CHÚA
Yêu mến Chúa hết lòng: Nghĩa là ta phải yêu
Chúa chân thật, tình yêu phát xuất từ đáy lòng. Yêu hết lòng cũng có nghĩa là
yêu trung thuỷ, trước sau như một, không bao giờ thay lòng đổi dạ, không một
cản trở nào làm giảm bớt hay sức mẻ, dù có phải hy sinh vẫn chấp nhận.
Yêu mến chúa hết linh hồn: Nghĩa là tình yêu ta
dành cho Chúa có sự can thiệp của những tài năng linh hồn Chúa ban: lý trí, ý
chí và nhất là tự do. Chứ không phải là tình yêu mù quáng.
II. YÊU THƯƠNG NGƯỜI
Thân cận là ai ?
Trong Cựu ước chỉ có nghĩa
là người gần gũi với người Do thái về huyết thống và chủng tộc. Nhưng
“tha nhân” mà Đức Giêsu dùng ở đây có ý hiểu về hết mọi người, không phân
biệt tôn giáo, chủng tộc, người nghĩa thiết hay kẻ thù.
Như chính mình là sao?
Không có nghĩa là ngươi
phải làm cho kẻ khác những gì ngươi làm cho ngươi, nhưng đúng hơn là phải đối
xử với kẻ khác cùng một “tình yêu” như ngươi đã xử với ngươi. Đó là một nét độc
đáo của tình yêu Kitô giáo, thứ tình yêu đạp đổ mọi hàng rào ngăn cách chủng
tộc, mầu da, vượt lên trên óc phân biệt quốc gia hay tôn giáo, quên đi mọi hiềm
khích hay những thành kiến cá nhân hoặc cổ truyền.
III. CỤ THỂ HÓA TÌNH YÊU
THA NHÂN
1. Thứ nhất: Yêu là
thông cảm với nhau trong bất cứ trưòng hợp nào: “ vui với người vui,
khóc với người khóc”. Sự chia sẻ này không chỉ ở đầu môi chót lưỡi, nhưng phải
thể hiện cụ thể bằng hành động. Vì tình yêu chân thực là tình yêu san sẻ.
2. Thứ hai: Yêu
nhau là phải xây dựng cho nhau. Không ai hoàn hảo. vậy khi thấy anh em
sa ngã hay sai trái, chúng ta có bổn phận chân thành nhắc nhở, khuyên bảo, giúp
đỡ, động viên, an ủi và cầu nguyện, để họ ăn năn hối cải . “ có nhau lúc hoạn
nạn, mới là bạn”.
3. Thứ ba: Yêu mến
nhau là biết nhường nhịn nhau. Chấp nhận thiệt thòi về phía mình. Bởi yêu
thì không chấp nhất, trái lại sẵn sàng hy sinh, nhường nhịn, bỏ qua và tha thứ.
Có người ví von: “ Muốn biết là tình yêu thật hay dỏm, cứ bỏ tình yêu vào máy
ép, nếu nó tiết ra hai chữ hy sinh, thì đó là tình yêu thật”.
Mến Chúa và yêu người, đó
là hai bộ mặt của một tình yêu. Cả hai chỉ là một như đồng tiền hai mặt. bỏ một
mặt đồng nghĩa bỏ cả hai.
Nếu so sánh tình yêu đối
với Chúa và anh em thì có nhiều người tưởng rằng yêu mến Thiên Chúa dễ hơn yêu
thương anh em. Bởi vì theo họ, anh em là những con người đầy giới hạn, đầy
khuyết điểm, trờ trờ trước mắt, nên dễ làm cho chúng ta khó chịu. Còn Thiên
Chúa là Đấng hoàn toàn tốt lành, chẳng có gì không đáng yêu. Thiên Chúa ở xa
không đụng chạm, còn anh em ở gần thì đụng chạm hoài. Thiên Chúa dễ để cho mình
“hối lộ”, cứ dâng lễ, cầu kinh rồi Ngài xí xóa mọi chuyện.
Cũng không phải yêu anh em
dễ hơn yêu Chúa, nhưng yêu thương anh em là việc cụ thể nhất mà Thiên Chúa chờ
đợi ở nơi chúng ta.
Yêu mến Thiên Chúa là tuân
giữ lời Ngài. Không yêu thương anh em là không giữ lời Thiên Chúa, tức là không
yêu mến Thiên Chúa. Rút cục, hai điều khó như nhau, vì không thể thiếu một
trong hai, không thể tách rời để chỉ giữ một trong hai.
IV. YÊU THA NHÂN LÀ YÊU
CHÍNH MÌNH
Nhờ hai tình yêu đó mà con
người có thể tìm lại được chính mình. Các tác giả tu đức nói rằng lệnh
truyền của Đức Giêsu đòi buộc chúng ta yêu tha nhân và lệnh truyền của Ngài đòi
buộc chúng ta yêu mến Chúa. Hai lệnh truyền đó tương quan mật thiết với nhau
đến nỗi nếu chúng ta không thương yêu anh em mình thì chẳng bao lâu chúng
ta cũng chẳng còn yêu mến Thiên Chúa nữa. Có một câu châm ngôn rất phổ
biến diễn tả chân lý ấy thật sống động như sau :
Nơi nào không có tình yêu,
ta hãy gieo tình yêu và ta sẽ gặt được tình yêu,
Nơi nào không có tình yêu,
ta hãy đặt tình yêu vào đấy và ta sẽ tìm thấy tình yêu.
Tôi đi tìm Chúa nhưng tôi
không gặp được Ngài,
Tôi đi tìm linh hồn tôi
nhưng linh hồn trốn né tôi,
Tôi đi tìm người láng
giềng, và tôi gặp được cả ba.
Chúng ta có thể quả quyết :
Bí quyết để gặp được Thiên Chúa và gặp được chính mình là tìm gặp và yêu thương
người lân cận của mình.
Xin Chúa cho chúng ta biết
sống yêu thương và biết đối xử với nhau bằng tình yêu thương. Yêu anh em là yêu
Chúa, và yêu người khác là yêu chính mình. Amen
(Viết theo Lm. Gc Phạm Văn
Phượng, OP. và Lm. Giuse Đinh lập Liễm)
Thứ bảy (Lc 18,9-14)
Dẫn
Thái độ kiêu căng, phách
lối làm cho người đời khinh thường, ghét bỏ và xa lánh.
Khiêm nhường, nhận lỗi là
hành động can đảm anh hùng, khiến mọi người mến phục.
Xin cho chúng ta có đưuợc
thái độ khiêm nhường như người thu thuế trong bài tin mừng hôm nay, để xứng
đáng được Chúa yêu thương ban ơn tha thứ.
Chia sẻ
Mấy ngày gần đây, báo giới
xôn xao về lời xin lỗi muộn màng của BTV Kim Ngân nói riêng và của nhà đài THVN
nói chung.
Ngày 25/01/2011 VTV đã phát
sóng chương trình “ Mối Tình Đầu Của Lượm” sai sự thật.
Đáng lẽ ra, Nhà Đài phải có
lời xin lỗi chính thức với khán giả về việc làm không nghiêm túc dẫn đến sai
trái, lừa dối lòng tin yêu của nhân dân.
Đàng này Nhà Đài còn muốn to tiếng đỗ lỗi và trút trách nhiệm cho cô Trần Thuỳ
Dương, người đóng vai Cô Lượm.
Trước hành động cao ngạo
của BTV Kim Ngân và ê kíp chương trình, đã làm cho báo giới bất bình và ước
mong một lời xin lỗi chân thành từ phía Đài.
Tối ngày 29/3/2011, trong
chương trình Người Xây Tổ Ấm, phát sóng lúc 22h30, BTV Kim Ngân đã có lời xin
lỗi chính thức gởi tới khán giả của Đài THVN liên quan tới chương trình “ Mối
Tình Đầu Của Lựơm”, là câu chuyện không có thật.
Lời xin lỗi chính thức của
BTV Kim Ngân dù muộn màng nhưng đã làm hài lòng khán giả cả nước. Giá như khiêm
tốn xin lỗi khán giả ngay từ đầu, thì sự việc sẽ không phức tạp. Trái lại sẽ
càng được mọi người kính trọng và yêu mến.
Bài tin mừng hôm nay, một
lần nữa, Chúa Giêsu lại dạy cho chúng ta biết sức mạnh của đức khiêm nhường:
lời cầu nguyện của người khiêm nhường chọc thủng trời mây, tức là lời cầu
nguyện của người khiêm nhường sẽ được Chúa nhậm lời. “ Phận nữ tỳ hèn mọn Người
đoái thương nhìn tới…”
Ước mong mùa chay, chúng ta
có được tâm tình, thái độ và lời cầu nguyện khiên tốn của người thu thuế. Tránh
thái độ kiêu căng tự mãn đề cao mình trước mặt Chúa và tìm cách hạ bệ, buộc tội
người khác của người Biệt Phái.
Chúa chỉ tha thứ và ban ơn
cho những ai biết nhận ra thiếu sót, tội lỗi của mình và khiên tốn hết lòng kêu
xin lòng thương xót của Chúa.
LỄ TUYỀN TIN
(Lc 1, 26-38)
Dẫn
Cùng với Giáo Hội, hôm nay
chúng ta long trọng mừng Lễ Truyền Tin. Kỷ niệm biến cố Thiên Thần Gabriel
truyền tin cho Đức Maria, khởi đầu cho chương trình cứu độ đầy yêu thương của
Thiên Chúa dành cho con người.
Để thực hiện chương trình
cứu độ, Thiên Chúa đã chọn gọi Đức Maria cộng tác trong việc cưu mang và sinh
hạ Đấng Cứu Thế và Đức Maria đã đáp lời bằng hai tiếng “ xin vâng”.
Xin cho chúng ta cũng biết
noi gương Đức Maria khiêm tốn và ngoan ngoãn vâng theo thánh ý Chúa trong mọi
hoàn cảnh, để chương trình cứu độ của Chúa nơi ta được hoàn thành tốt đẹp.
Chia sẻ
Mội khi đọc kinh kính mừng,
chúng ta nhắc lại lời truyền tin của sứ thần Gabriel cho Đức Maria xưa: “kính
mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phước lạ hơn mọi người
nữ….” cũng đồng nghĩa với lời Thiên Thần: “Mừng vui lên, Đấng
đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng bà…”.
Lời truyền tin này là một
lời chào chúc quý giá và mang giá trị hết sức cao cả. Bởi lẽ có ơn phúc nào cao
lớn cho bằng ơn phúc được Thiên Chúa ở cùng (chính Chúa là nguồn mọi ơn
phúc và Đấng ban ơn phúc. Được Thiên Chúa ở cùng thì có mọi ơn phúc nơi mình
rồi). Và có hạnh phúc nào lớn bằng hạnh phúc được Thiên Chúa ưu ái chọn làm
Mẹ Thiên Chúa. (được chọn làm mẹ vua đã là vinh dự và ơn phúc quá lớn
rồi huống chi là Mẹ Vua Trời).
Ý thức sứ mạng cao quý ấy
trong vui mừng khôn tả vượt trí hiểu, Đức Maria đã bối rối và tự hỏi lời chào
ấy có ý nghĩa như thế nào? Nhưng sau khi được Thiên Thần giải thích, Đức Maria
biết đó là ý định Thiên Chúa, dù không hiểu hết nhưng Đức Maria vẫn khiêm tốn
ngoan ngoãn vâng nghe.
Có nhiều điều xảy ra trong
đời sống vượt ngoài trí hiểu và khả năng chúng ta, chúng ta thấy không thể thực
hiện được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi chuyện đều có thể. Từ không Chúa đã
tạo thành vũ trụ vạn vật chỉ bằng lời phán truyền. Chỉ cần bùn đất Chúa đã tạo
dựng con người bằng hơi thở của Chúa. Với quyền năng bà chị họ Isave son sẻ đã
mang thai và sinh con. Còn với Đức Maria việc cưu mang Đấng Cứu Thế mà vẫn đồng
trinh là chuyện bình thường. Miễn chúng ta sẵn sàng để Chúa hành động nơi chúng
ta như Đức Maria.
Tuy Thiên Chúa quyền năng
làm được mọi sự. Nhưng Thiên Chúa lại yêu thích con người cộng tác với Chúa.
Để chọn gọi dân riêng, Chúa
đã mời gọi tổ phụ Abraham cộng tác, và Abraham đã vâng lời bỏ xứ sở ra đi theo ý
định Thiên Chúa. Thế là một dân riêng của Chúa đã hình thành.
Để cứu dân tộc Israel ra
khỏi kiếp nô lệ bên Ai cập, Thiên Chúa đã mời gọi Môsê cộng tác, dù sợ hãi về
sự kém cỏi của mình, Môsê vẫn vâng phục ý muốn của Chúa. Thế là cuộc giải
phóng đã hoàn tất.
Để cứu độ nhân loại, Thiên
Chúa chọn Đức Maria, một người thiếu nữ bình thường, nghèo khó làm mẹ Đấng Cứu
Thế và Mẹ đã ngoan ngoãn tin tưởng vâng nghe. Thế là chương trình cứu độ từ
ngàn đời của Thiên Chúa được thực hiện.
Để cứu độ mỗi chúng ta,
Chúa cũng mời gọi chúng ta hợp tác với Chúa. Như thánh Augustinô đã nói: “Chúa
dựng nên con Chúa không cần con, nhưng để cứ độ con Chúa cần con cộng tác”. Xin
cho chúng ta tích cự cộng tác với ơn cứu độ của Chúa để cứu chính mình và tha
nhân.
Trước ơn phúc lớn lao, Đức
Maria đã bối rối và muốn tìm hiểu xem sự việc sẽ xảy đến như thế nào? Một khi
nhận biết là ý định Thiên Chúa Đức Maria sẵn sàng vâng theo chứ không hề nghi
ngờ, hay kém tin.
Trước những thử thách, khó
khăn, đau buồn trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta bị lung lay, nghi ngờ và
than trách người, than trách Chúa, ít khi chúng ta bắt chước Đức Maria tìm hiểu
xem Chúa muốn gì qua những biến cố vui buồn, thành công thất bại, hạnh phúc hay
bất hạnh ấy trong cuộc sống. Mỗi biến cố đều có sứ điệp Chúa gởi đến ta mong ta
đọc ra mà điều chỉnh đời sống theo thánh ý của Chúa. Chúa luôn đi qua cuộc đời
chúng ta, nhưng chúng ta lại không gặp Ngài. Chúa luôn đồng hành với ta nhưng
ta lại không nhận ra Ngài. Chúa hằng gõ cửa nhà chúng ta nhưng ta lại không
nhận ra tiếng Ngài.
Xin cho chúng ta biết để
tâm suy niệm các biết cố trong đời để nhận ra tình thuơng của Chúa như Đức
Maria. Amen