Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2018

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN I TN B

Lm. Seoka


Thứ hai: Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa
Dẫn:
Khởi đầu cho sứ mạng công khai loan báo Tin mừng cứu độ mà Chúa Cha trao phó, Chúa Giêsu đã đến dòng sông Giodan để lãnh nhận phép rửa của Gioan Tẩy Gỉa. Trong biến cố này, Đức Giêsu được Chúa Cha xác nhận là con yêu dấu của Người và mời gọi mọi người hãy nghe Lời Người chỉ dạy. Xin cho chúng ta biết vâng nghe và thực thi lời giảng dạy của Chúa Giêsu, để chúng ta cũng trở thành con yêu dấu của Chúa Cha và xứng đáng đón nhận ơn cứu độ mà Chúa Giêsu mang đến.

Suy niệm:
Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa trong dòng sông Giodan mạc khải cho chúng ta thấy rất nhiều điều quan trọng:
- Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi được minh định: Trong biến cố này có sự xuất hiện của Chúa Cha qua tiếng nói từ trong đám mây; có Chúa Thánh Thần ngự xuống qua hình ảnh chim bồ câu; và của Chúa Con nơi Đức Giêsu qua lời xác nhận của Chúa Cha “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người”. (Mt 3, 17)
- Cuộc sáng tạo mới được khai màu: Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan như khai mở một cuộc sáng tạo mới, bởi khi ấy trời mở ra và có sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần với hình chim câu ngự xuống. Hình ảnh ấy gợi nhớ lại hình ảnh Thần Khí Chúa bay là trên nước lúc khởi nguyên khi TC tạo dựng vũ trụ và con người. Nếu như cuộc sáng tạo ban đầu đã bị tội lỗi nguyên tổ phá đỗ, thì nay trong Đức Giêsu cuộc tạo dựng mới lại được Thiên Chúa khai mở.
- Nhưng cảm động nhất vẫn là hình ảnh rất khiêm nhường của một vị TC làm người nơi Đức Giêsu:
Hình ảnh của người tôi trung của TC đã được Isaia loan báo từ ngàn xưa, nay được thực hiện nơi Đức Giêsu rất đổi là khiêm nhường: Người chính là Con Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang đến ở giữa loài người và trở thành người phàm giống như chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi như lời thánh Phaolô nói: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.” (Pl 2, 6-7)
Dẫu là Đấng vô tội, nhưng lại chấp nhận hòa vào dòng đời của kiếp người và dòng người tội lỗi để đứng xếp hàng chung với tội nhân mà lãnh nhận phép rửa bằng nước của Gio-an trong dòng sông Giođan như bao người để trở nên đồng thân, đồng phận và sau này đồng tử với con người tội lỗi chúng ta. Như vậy với lòng khiêm tốn hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha, Chúa Giêsu đã trở nên Ađam mới, khai mở cho một thời kỳ của ơn cứu rỗi. 
Xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng ta sạch hết mọi thói hư tật xấu, nhất là thói tự cao và tự mãn bằng cách noi theo đời sống của Chúa Giêsu “dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng.”(Mt 11,29 , nhất là biết khiêm tốn lắng nghe và thực thi lời dạy của Chúa Giêsu để xứng đáng được làm con Chúa và được hưởng hạnh phúc Nước Trời.

Thứ ba: Mc 1, 21-28

Dẫn:
Qua lời giảng dạy đầy uy quyền và phép lạ khống chế ma quỷ của Đức Giêsu mà Tin mừng hôm nay trình thuật, cho chúng ta biết Đức Giêsu chính là TC uy quyền. Xin cho chúng ta luôn tin tưởng và phó thác cuộc đời chúng ta trong bàn tay yêu thương uy quyền của Người.

Suy niệm:
Sau khi chịu phép rửa của Gioan Tẩy Gỉa ở sông Giodan, Chúa Giêsu bắt đầu thực thi sứ mạng loan báo Tin mừng mang ơn cứu độ cho nhân loại bằng việc thực thi 3 chức năng: tư tế, ngôn sứ và vương đế.
- Trong vai trò là tư tế: Chúa Giêsu đã vào hội đường để cùng với mọi người cầu nguyện, nghe lời Chúa, dâng của lễ cũng như những tâm tư ước nguyện của mình lên TC trong ngày Sabat.
- Với vai trò ngôn sứ: Chúa Giêsu đã trang trọng đọc Lời Chúa và thi hành nhiệm vụ giảng dạy. Lời giảng dạy của Người rất thu hút và có một sức mạnh lôi cuốn, khiến mọi người phải thán phục. Bởi vì Người giảng dạy như đấng có uy quyền chứ không như các Kinh sư và Biệt phái.
- Với nhiệm vụ vương đế: Chúa Giêsu đã dùng quyền năng TC mà trục xuất ma quỷ ra khỏi người bị nó ám hại, để trả lại quyền tự do làm chủ bản thân, thoát khỏi vòng khống chế bời sức mạnh của ác thần của ma quỷ.
Khi lãnh nhận lãnh nhận bí tích rửa tội, Chúa cũng trao ban cho mỗi chúng ta ba nhiệm vụ hay chức năng: ngôn sứ, tư tế và vương đế.
Xin cho chúng ta thi hành tốt 3 chức năng này theo gương Chúa Giêsu: Luôn ý thức loan báo tin mừng và giới thiệu Chúa cho người khác. Chuyên chăm đến nhà thờ để cùng với mọi người hiệp dâng thánh lễ tưởng niệm hy tế thập giá mà Chúa Giêsu đã dâng lên Chúa Cha trên thập giá trong vai trò tư tế; nhất là ý thức làm chủ bản thân, can đảm loại trừ tính hư tật xấu và tội lỗi ra khỏi tâm hồn, ngõ hầu tâm hồn chúng ta xứng hợp là đền thờ thiêng liêng xứng đáng là nơi Thiên Chúa ngự trị.

Suy niệm 2:
Nếu lời giảng dạy của các Biệt phái và Kinh sư không được dân chúng đón nhận là vì "họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào". (Mt 23, 3-4). Lối sống giả hình của họ khiến dân chúng chán ngán, mệt mỏi. Thì với Chúa Giêsu lại khác. Lời giảng dạy của Ngài đã được dân chúng đón nhận cách nhiệt tình. Với phép lạ trục xuất ma quỷ ra khỏi người bị nó ám hại, Chúa Giêsu không những minh chứng mạnh mẻ uy quyền của Thiên Chúa, mà còn gây sửng sốt cho mọi người, vì lời Ngài nói luôn đi đôi với việc Ngài làm. Vì vậy, để có thể thuyết phục người khác tin vào Chúa, chúng ta không chỉ rao giảng suông bằng lời, nhưng đòi hỏi chúng ta phải thực hiện bằng những việc làm cụ thể.
Nguyện xin Chúa Giêsu, Ðấng giảng dạy uy quyền, giúp chúng con biết thống nhất giữa lời nói và việc làm để những giá trị Tin mừng luôn được người nghe đón nhận và tin tưởng.


Thứ tư: Mc 1, 29-39

Dẫn:
Tin mừng hôm nay trình thuật lại một ngày sống tiêu biểu của Chúa Giêsu. Một ngày sống liên đới mật thiết với Chúa Cha và với mọi người, nhất là những người gặp đau khổ, bệnh tật. Xin cho chúng ta cũng ý thức nêu gương đời sống của Chúa Giêsu để có một ngày sống thật tốt đẹp.

Suy niệm:
Có thể nói Tin mừng hôm nay thuật lại một ngày sống tiêu biểu của Chúa Giêsu ở Caphácnaum với biết bao công việc: Vào Hội đường giảng dạy, rồi đến nhà chữa bệnh cho nhạc mẫu Phêrô; mãi đến lúc mặt trời lặn Ngài vẫn còn tất bật chữa lành đủ mọi loại bệnh hoạn, tật nguyền. Sáng sớm tinh mơ, Chúa lại tìm đến nơi hoang vắng để cầu nguyện cùng Chúa Cha.
Ngày sống tiêu biểu của Chúa Giêsu phải trở nên khuôn mẫu cho ngày sống của mỗi người kitô hữu chúng ta.
Noi gương Chúa Giêsu chúng ta hãy bắt đầu ngày mới bằng việc cầu nguyện.
Cầu nguyện để gặp gỡ Chúa, được sống thân tình bên Chúa, để lắng nghe lời Chúa chỉ dạy. Trên hết cầu nguyện để nhận lấy nguồn ơn sức mạnh nâng đỡ của Chúa nhằm chu toàn tốt bổn phận hằng ngày. Một ngày sống khởi đầu với kinh nguyện, thánh lễ, chúng ta được gia tăng lòng Tin Cậy Mến, nhờ đó mà nhiệt thành làm mọi việc trong ngày sáng danh Chúa.
Học nơi Chúa Giêsu, chúng ta hãy chuyên chăm làm việc.
Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa để sống trong thế giới hữu hình và được đặt trong thế giới này để"làm chủ trái đất" ; vì thế, ngay từ đầu con người đã được kêu gọi để lao động. Chính Chúa Giêsu cũng đã nêu gương cho ta : "cho đến nay, Cha tôi làm việc, thì tôi cũng làm việc". (Ga 5, 17)
Làm việc để có của nuôi sống bản thân và gia đình; đóng góp vào sự tiến bộ liên tục của khoa học kỹ thuật, nhất là làm cho cộng đồng xã hội anh em của mình luôn luôn thăng tiến về văn hóa và đạo đức, đó là ý định của Chúa và mong muốn của con người.
Tóm lại: Chúa Giêsu đã đi bước trước trong đời sống lao động và cầu nguyện. Lao động mà không cầu nguyện sẽ làm cuộc sống con người mệt mỏi và đơn điệu; ngược lại cầu nguyện mà không lao động khiến con người trở nên sống hình thức, lười biếng và ỷ lại.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết kết hợp cách hài hoà giữa lao động và cầu nguyện để nhờ đó nhân loại không chỉ biết trân trọng những giá trị do lao động mang lại, mà còn biết trân trọng những hiệu quả lớn lao của đời sống kết hiệp với Thiên Chúa.

Thứ năm: Mc 1, 40-45

Dẫn:
Tin mừng hôm nay trình thuật lại phép lạ của Chúa Giêsu chữa cho người phong cùi được lành sạch. Phép lạ này nói lên tình thương và quyền năng của TC nơi Đức Giêsu. Xin cho chúng ta luôn biết tin tưởng vào tình thương và quyền năng của Người, nhất là khi chúng ta gặp những gian nan thử thách.

Suy niệm:
Người mắc bệnh cùi thời Chúa Giêsu phải chịu nhiều đau khổ.
Đau về thể xác
Vì không có thuốc chữa trị, nên bệnh cùi hành hạ thân xác rất nhức nhối.
Vi trùng cùi Hansen ăn vào da thịt dần mòn làm lỡ loét mặt mày, tay chân đau buốt.
Gân cốt tay chân thường bị co vấp lại, không còn khả năng làm việc như người bình thường. Tình cảnh họ rất là đau thương.
Khổ về tâm hồn
Quan niệm bệnh là do tội lỗi lỗi gây nên, cùi là bệnh nặng chứng tỏ tội của người cùi phải rất nhiều.
Người cùi bị mọi người xem thường, khinh bỉ và xa lánh vì sợ lây uế. Người cùi phải sống tách biệt với cộng đồng vì xã hội đẩy họ ra bên lề cuộc sống.
Người bị bệnh cùi luôn phải sống nhờ người khác và bị xem là thành phần ăn bám xã hội. Thật chua xót!

Việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh cùi chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa quyền năng và giàu lòng thương yêu..
Việc Chúa Giêsu chữ lành bệnh cùi đồng nghĩa với việc Chúa phục hồi phẩm giá làm người của họ, trả lại cho họ tình trạng tốt đẹp thuở ban đầu mà Chúa đã tác tạo.
Việc Chúa chữa lành bệnh cùi cho họ là lời mời gọi mọi người hãy mở rộng vòng tay đón nhận nhau trong tình anh em, dù họ là ai.
Việc Chúa chữa lành bệnh cùi cũng chính là mời gọi tha thiết đối với những ai đang mang nặng những nỗi đau về thể xác hay những vết thương nơi tâm hồn hãy mạnh dạn đến với Chúa để kêu xin ơn cứu chữa của Ngài; và hãy can đảm hòa nhập với cộng đồng xã hội để có được niềm vui, nguồn an ủi.
Có lẽ chúng ta không mắc phải bệnh cùi về thể lý vì ngày nay đã có thuốc đặc trị. Nhưng rất có thể chúng ta lại mắc phải bệnh cùi về tâm linh.
Cùi tâm linh là khi chúng ta vô ơn đối với Thiên Chúa. Sống xa cách Chúa, không quan tâm đến thánh lễ Chúa nhựt, không còn biết cám ơn Chúa qua giờ kinh sáng-tối nơi gia đình, không để tâm học hỏi Thánh kinh và giáo lý….
Cùi tâm linh là khi chúng ta tự tách rời khỏi anh em trong các sinh hoạt của họ đạo. Có thể vì mặc cảm hay vì tự cao mà ta sống cu ki một mình, không còn khả năng hòa nhập với cộng đoàn họ đạo.
Cùi tâm linh là khi chúng ta vô tâm, thờ ơ, dửng dưng, ích kỷ, tư lợi mà không biết chạnh lòng thương trước nỗi đau của người khác. Sự Những thứ đó chính là những chứng bệnh cùi về tâm linhnguy hiểm.
Vậy mỗi người chúng ta hãy ý thức về bệnh cùi tâm linh của mình và xin Chúa cứu chữa.
Xin Chúa cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra bệnh tình nguy hiểm đang mang trong người. Và xin Chúa thương cứu chữa cho lành sạch. “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!”.

Thứ sáu: Mc 2, 1-12

Dẫn:
Tin mừng hôm nay tiếp tục trình thuật phép lạ Chúa Giêsu chữa cho người bị bại liệt được khỏi. Xin cho chúng ta cũng biết can đảm đến gặp gỡ Chúa Giêsu để chúng ta cũng được Người chữa lành căn bệnh bại liệt thiêng liêng; cũng như cho chúng ta biết quan tâm giúp đỡ những người thân chúng ta đang trong tình trạng bại liệt thiêng liêng đến gặp gỡ Chúa để họ cũng được Chúa chữa lành.

Suy niệm:
 Cuộc đời của người bại liệt tại Caphanaum được biến đổi và tâm hồn anh ta nhận được ơn tái sinh, tất cả là nhờ anh ta gặp gỡ được Đức Kitô.
Nhưng hành trình để gặp gỡ Chúa Giêsu lại gặp rất nhiều ngăn trở:
- Cản trở do bệnh tật: Bởi mang căn bệnh bại liệt nên chính anh không thể thân hành đi đến với Chúa. Có thể anh ta rất muốn đến gặp Chúa.
- Cản trở do phải vượt qua đoạn đường dài mới đến gặp được Chúa Giêsu.
- Cản trở do đám đông bao quanh Chúa Giêsu chật ních làm anh không thể đến gần Chúa được…
Nhưng mọi cản trở ấy được dẹp bỏ nhờ và tình thương và sự hy sinh cao cả của những người thân anh.  Họ đã đưa anh lên chõng và cùng nhau khiêng anh đến với Chúa; họ đã vượt qua trở ngại không gian để đưa anh lên mái nhà và vất vả dỡ mái mới thòng anh xuống ngay trước mặt Chúa Giêsu được.
Chính sức mạnh của niềm tin và tình thương của những người thân đã giúp anh vượt qua mọi rào cản. Nhờ đó mà anh mới có thể đến được Chúa Giêsu và được Người thương cứu chữa.
Nhưng để cứu chữa người bất toại khỏi căn bệnh thể xác và tâm hồn, Chúa Giêsu cũng phải vượt qua những rào cản khắc nghiệt bởi sự chống đối của những người Biệt phái và Luật sĩ. Dẫu họ không nói ra, nhưng Chúa Giêsu biết trong thâm tâm họ có sẵn một bản án dành cho Chúa Giêsu khi Người thốt lên lời tha tội cho người bị bại liệt. “Người này là ai mà dám phạm thượng?”. Quyền tha tội là đặt quyền của TC, khi nói lời tha tội là Chúa Giêsu đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa nên phạm vào khung luật tử hình. Nhưng với sức mạnh của lòng thương xót, Chúa Giêsu đã vượt lên tất cả những rào cản của nghi kỵ của luật lệ vô hồn để thực hiện giới luật tình yêu, là vừa chữa lành bệnh thể xác và bệnh tâm hồn cho người bại liệt qua việc tha tội cho anh ta.
Xin Chúa chúng ta biết can đảm vượt qua mọi cản trở mà can đảm đến với Chúa để được Người tha thứ tội lỗi và chữa lành mọi vết thương lòng. Nhất là xin cho chúng ta biết can đảm đến với tha nhân nhất là những anh chị em đang xa lìa Chúa và xa cách cộng đoàn để yêu thương và an ủi họ nhằm giúp họ vượt qua mọi vướn mắc để đưa họ trở về cùng Chúa và hiệp nhất trong đức tin mà đón nhận được Niềm Vui Tin Mừng cứu độ của Chúa.

Thứ bảy: Mc 2, 13-17
Dẫn
Tin mừng hôm nay thuật lại sự kiện Chúa Giêsu kêu gọi Lêvi, người thu thuế tội lỗi làm môn đệ Chúa và sẵn lòng đồng bàn ăn uống với tội nhân. Sự kiện này minh chứng mạnh mẽ lời xác quyết: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” của Chúa.
Xin cho chúng ta cũng có cái nhìn tích cực và bao dung với mọi người, nhất là những người bị coi là tội lỗi. Đồng thời cũng cho chúng ta biết can đảm từ bỏ tội lỗi mình để xứng đáng bước theo Chúa trong đời sống mới.

Chia sẻ
Lêvi được xem là người tội lỗi công khai đáng sợ đối với những người Do Thái bấy giờ, bởi vì:
Những người thu thuế thường lạm dụng quyền hành để đánh thuế cao hơn theo luật định nhằm làm giàu cho bản thân mình.
Người thu thuế cũng bị coi là người trực tiếp cộng tác với ngoại bang bóc lột trên xương máu đồng bào mình.
Trong xã hội xưa nay, hạng người bán thân để nuôi miệng luôn được gắn liền với hạng người dắt mối, bảo kê được gọi là ma cô. Trong khi gái điếm kiếm tiền bằng thân xác mình, thì hạng người ma cô lại kiếm tiền trên thân xác người khác.
Đọc tin mừng chúng ta thấy nhóm người thu thuế thường được gắn liền với phường bán thân nuôi miệng. Dưới cái nhìn này thu thuế chẳng khác gì ma cô, mà còn tệ hại hơn vì họ kiếm tiền trên xương máu của người khác.
Chính vì thế mà ai ai cũng cái nhìn ác cảm, khinh bỉ đối với những người làm nghề thu thuế.
Nhưng Chúa Giêsu lại có cái nhìn khác về họ. Chúa không nhìn họ làm nghề gì? xem họ thuộc băng nhóm nào? chơi với ai?  Nhưng trên hết Chúa có cái yêu thương.
Chính cái nhìn đầy yêu thương cộng với lời mời gọi tin tưởng của Chúa Giêsu mà Lêvi đáp lời bằng cách dứt khoát từ bỏ cái nghề gặt hái ra tiền dễ dàng, nguồn thu lợi béo bỡ. “Tình yêu vẫy gọi tình yêu”, Lêvi đã không chỉ dứt khoát bỏ nghề nghiệp mà ông còn chấp nhận bỏ chổ ở an toàn, êm ấm quen thuộc để dấn thân vào con đường tình yêu. Yêu Chúa bằng từ bỏ tất cả để theo, yêu anh em đồng nghiệp bằng việc tạo điều kiện để đưa anh em mình đến gặp gỡ Chúa mong chính họ cũng được biến đổi nhờ cảm nhận tình yêu và lòng bao dung tha thứ của Chúa.
Chính trong khung cảnh bàn tiệc gây khó chịu cho nhiều người chung quanh, Chúa lại bất ngờ tuyên bố sứ mạng làm kinh ngạc mọi người: “ người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”.
Xin Chúa chữa chúng con lành sạch hết những bệnh tật tâm hồn là những tính hư nết xấu và tội lỗi. Xin cho chúng con biết tích cực và kiên nhẫn dùng những linh dược mà Chúa đã chỉ dẫn là: cầu nguyện, ăn chay, bố thí”  mà chữa trị tâm hồn, sửa đổi đời sống cho tốt đẹp hầu xứng đáng với tình yêu và xứng danh là môn đệ Chúa.
Khi đã được Chúa chữa trị lành sạch, xin cho chúng ta cũng biết quan tâm giới thiệu những người bệnh khác đến với Chúa để hy vọng họ cũng được Chúa chữa lành.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...