Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

Thứ sáu 26/1 
Kính Thánh Timôthê & thánh Titô, Giám mục.

- Ti-mô-thê sinh tại Lít-tra, ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ; cha là một người ngoại giáo, mẹ theo Do Thái giáo. Thánh Phaolô, trong chuyến truyền giáo lần thứ nhất, đã rửa tội cho Ti-mô-thê; từ đó Ti-mô-thê luôn theo Phaolô và trở thành cộng tác viên đắc lực cho thánh nhân. Cả khi Phaolô bị tù đày, Ti-mô-thê vẫn ở với ngài. Theo truyền thuyết, Ti-mô-thê là giám mục tiên khởi của giáo đoàn Êphêsô. Hai lá thơ Phaolô được đề tựa gửi cho ngài.
- Ti-tô là con của một gia đình hoàn toàn ngoại giáo. Trong Công vụ Tông đồ, Ti-tô không bao giờ được nhắc đến; nhưng trong các lá thơ, thánh Phaolô đều gọi ông Ti-tô là cộng tác viên. Phaolô đã rửa tội cho Ti-tô, đem theo lên Giêrusalem để dự Công đồng các Tông đồ. Phaolô đã trao cho Ti-tô nhiều trách vụ quan trọng. Theo truyền thuyết, thánh Phaolô đã đặt Ti-tô làm giám mục cho giáo đoàn Cờ-rê-ta.

Suy niệm: Luca 10, 1-12.
Bản chất của Hội Thánh là truyền giáo, Hội Thánh không còn là Hội Thánh nữa nếu như Hội thánh không truyền giáo. Chính Chúa Giê-su, trước khi về cùng Thiên Chúa Cha, Người đã trao sứ mạng truyền giáo cho Hội Thánh mà đại diện là các Tông Đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng” (Mc 16,15).
Không phải đợi đến khi Chúa về trời, Người mới giao sứ mạng này cho các Tông Đồ mà ngay trong khi Người còn đang thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng, Người cũng đã sai phái các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng.
Bài Tin Mừng hôm nay, tường thuật lại việc Chúa Giê-su sai 72 môn đệ đi loan báo Tin Mừng. Khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, Chúa muốn các ngài phải đặt mối ưu tư truyền giáo lên hàng đầu, đừng quá bận tâm những chuyện vật chất khi truyền dạy: “đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép; cứ ăn những gì người ta dọn lên…”.
Trải qua mọi thời, ở mọi nơi, Hội Thánh không ngừng thực hiện sứ mạng cao cả này. Từ 12 Tông Đồ, Hội Thánh Chúa đã phát triển và lan rộng đến mọi nơi trên thế giới. Hội Thánh cũng muốn con cái của mình cùng thao thức và hành động cho sứ mạng truyền giáo.
Phải chăng truyền giáo là công việc của hàng giáo sỹ và những nhà chuyên môn? Không phải như thế! Mỗi người tín hữu, khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội đều được tham dự vào 3 chức vụ của Hội Thánh đó là: ngôn sứ, tư tế và vương giả. Với chức vụ ngôn sứ, mỗi người tín hữu có nhiệm vụ và bổn phận phải truyền giáo tùy theo bậc sống của mình.
Mục đích truyền giáo là giới thiệu Chúa cho mọi người, giúp mọi người tin vào Chúa và đón nhận ơn cứu độ. Là một tín hữu bình thường, chúng ta phải có sự hiểu biết sâu xa về Chúa qua việc không ngừng trau dồi kiến thức giáo lý. Vì làm sao ta có thể giới thiệu một người cho người khác nếu ta không hiểu không biết người đó là ai? Bên cạnh việc giới thiệu Chúa cho người khác, chúng ta còn phải làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày, đừng để đời sống của chúng ta phản chứng lại những gì chúng ta loan báo trên môi trên miệng. Vì ngày hôm nay người ta cần chứng nhân hơn thầy dạy, mặc dù thầy dạy cũng rất cần.
Vậy trước tiên chúng ta can đảm tuyên xưng mình là người tin theo Chúa, đừng vì những lợi ích vật chất mà ta chối bỏ niềm tin của mình.
Tiếp theo, chúng ta can đảm sống cho những giá trị Tin Mừng như: sự thật, công bằng, bác ái…mặc dù đôi lúc vì những giá trị này mà chúng ta phải chịu thiệt thòi, hiểu lầm.
Cuối cùng chúng ta phải thực hành niềm tin của chúng ta. Làm sao người ta có thể tin có Chúa khi thấy một người Công Giáo không thực hành niềm tin và lòng bác ái. Có ai đó đã thốt lên “Tôi tin có đạo Công Giáo nhưng tôi không tin người Công Giáo” thật là đau lòng!
Vậy mỗi người trong chúng ta hãy thao thức ưu tư về việc truyền giáo. Thao thức lo âu chưa đủ, Chúa muốn chúng ta hãy có những hành động cụ thể tùy theo bậc sống và khả năng của mỗi người theo gương 2 thánh Ti-mô-thê và Ti-tô mà GH hôm nay kính nhớ.  Thánh Timôthê và Titô là môn đệ nổi tiếng gắn bó mật thiết và nhiệt thành cộng tác với thánh Phaolô trên các hành trỉnh loan báo Tin mừng cho dân ngoại. Cho dẫu bước đường rao giảng của các ngài gặp phải trăm ngàn thử thách gian khổ như lời Chúa Giêsu tiên báo “như chiên con vào giữa sói rừng”, nhưng các ngài đã vượt thắng tất cả nhờ sức mạnh của Chúa ban và đã chu toàn xuất sắc sứ mạng mà Chúa trao phó.
Xin cho chúng ta biết noi gương hai thánh Ti-mô-thê và Ti-tô can đảm hăng say chứng tá Tin mừng cho những người chung quanh chúng ta bằng lời nói và việc làm. Xin cho chúng ta biết ý thức:“lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”, để tích cực cộng tác với Hội Thánh trong sứ mạng truyền giáo với hết khả năng và sức lực của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...