SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXII
TN, 2018
CHÚA NHẬT XXII TN B
Phụng vụ lời Chúa hôm
nay nhấn mạnh đến chủ đề thống nhất đời sống; nghĩa là phải thống nhất giữa cái
“là” và cái “làm” nơi con người chúng ta.
Bài Đọc I: Ông Môsê đã gợi lại cho dân chúng nhớ về những
việc vĩ đại mà Thiên Chúa đã làm cho họ. Từ đó nhắc nhở họ: “đừng thêm
gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh
lệnh của Đức Chúa”. Như vậy Môsê
muốn nhắc họ là lo củng cố con tim, tình yêu đối với Thiên Chúa, chứ đừng tìm
kiếm thêm thắt những gì bên ngoài làm sai ý muốn của Thiên Chúa.
Bài Đọc II: Thánh
Giacôbê nhắc nhở tín hữu của mình là khi đã nghe lời Chúa rồi thì phải biết đem
ra thực hành “chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình”. Nhưng điều
quan trọng là phải thực hành sao cho đúng đắn. Ngài không phủ nhận các việc đạo
đức như: đọc kinh, ăn chay, bố thí… Tuy nhiên điều quan trọng ngài hướng đến là
những việc làm đạo đức ấy phải được xuất phát từ tâm hồn trong sáng, tinh
tuyền:“lòng đạo đức tinh tuyền là thăm viếng cô nhi quả phụ, lo giữ mình
khỏi mọi vết nhơ”.
Còn bài Tin Mừng:
Chúa Giêsu cho biết đâu là yếu tố căn bản nhất để đem lại cho những việc làm có
được giá trị trước mặt Thiên Chúa.
Vì quá chú tâm đến
hình thức bên ngoài nên những người Biệt phái và Kinh sư cảm thấy khó chịu khi
thấy các môn đệ CG không rửa tay trước khi dùng bữa. Nên họ đã tố cáo các môn
đệ Người là đã“vi phạm truyền thống của tiền nhân”. Như vậy đã rõ, rửa tay chỉ là truyền thống của
cha ông họ để lại, chứ không liên quan gì đến việc tôn thờ Thiên Chúa. Từ đó CG
cho thấy họ giữ luật quá nặng hình thức nên Người đã dùng Kinh Thánh mà cảnh cáo
họ: “Tiên tri Isaia nói rất đúng: dân này thờ Ta bằng môi bằng miệng,
còn lòng chúng thì lại xa Ta”. Rồi Người lên án: “Các ông là
những kẻ đạo đức giả”.
Thật vậy, những người
Biệt phái và Kinh sư chỉ tôn thờ Thiên Chúa bằng môi miệng chứ không phải bằng
tấm lòng. Họ chỉ đọc kinh cho lâu giờ nhằm nuốt tiền các bà góa chứ không phải
vì yêu mến Chúa. Như vậy, đạo đức giả là quá chú trọng đến những việc bề ngoài
mà quên đi động lực chính yếu là tình yêu bên trong. CG đã không ngần ngại chỉ
ra sai lầm của họ là: “các ông bỏ lề luật của Thiên Chúa, mà duy trì
truyền thống của người phàm”. Rồi nhắc nhở họ phải ưu tiên sống và dạy
người khác sống theo luật Thiên Chúa chứ không được tùy tiện bỏ qua. Ấy thế mà họ vẫn ngang nhiên xem thường luật
Chúa để thay vào đó luật phàm nhân, khi bảo:
"Nếu
ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được là Corban
rồi (nghĩa là của dâng cho Chúa)", và các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì
cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi huỷ bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại
cho nhau. Và các ngươi còn làm nhiều điều khác giống như thế". (Mc 7, 11-13).
Suy niệm và cầu
nguyện với lời Chúa hôm nay, Chúa như nhắc nhở chúng ta cần phải chấn chỉnh lại
thái độ sống đạo của mình sao cho phù hợp với ý muốn của Chúa. Để từ đó tất cả
những hành vi thờ phượng Thiên Chúa của ta đều phải được phát xuất từ một tình
yêu tinh tuyền, trong sáng. Vì yêu Chúa, ta đi lễ; vì yêu Chúa, ta siêng năng
đọc kinh hôm kinh mai; vì yêu Chúa nên ta sẵn sàng từ bỏ những thói hư, tật
xấu… Nói tóm lại, vì yêu Chúa nên ta tuân giữ những điều luật của Chúa và GH.
Trong tương quan với
người khác cũng vậy, ta hãy đối xử với nhau bằng một tình yêu chân thành. Chính
sức mạnh tình yêu chân thành sẽ thúc đẩy chúng ta biết phải làm gì tốt nhất cho
anh em mình. Một khi chúng ta biết đặt tình
yêu trong sáng, tinh tuyền như thánh Phaolô khuyên dạy vào các mối tương quan
với Chúa, với người khác và công việc… thì chúng ta sẽ biết mình phải làm gì?
và như thế nào? để thống nhất đời sống. Bởi tất cả hành vi của ta đều được định
hướng từ tình yêu của Chúa nên những gì ta làm chắn chắn sẽ đẹp lòng Chúa và đem
đến ích lợi cho tha nhân.
Xin Chúa đong đầy tình yêu nơi tâm hồn chúng con, để những hành vi thờ
phượng Chúa và những việc làm bác ái cho tha nhân của chúng con đều phát xuất
từ một tình yêu tinh tuyền và trong sáng. Nhờ đó, mang lại ơn ích thiêng liêng
cho chúng con.
ĐẠO TẠI TÂM HAY TẠI HÀNH?
Bài
Tin Mừng hôm nay khởi đi từ sự kiện những người Biệt phái và Kinh sư bắt
bẻ các môn đệ của CG vì không rửa tay trước khi dùng bữa; điều mà họ cho
là đã “vi phạm truyền thống của tiền nhân”. Như vậy đã rõ, rửa
tay trước khi ăn chỉ là tục lệ truyền thống, chứ không phải là hành vi tôn thờ
Thiên Chúa.
CG
nhận thấy họ giữ đạo một cách nặng hình thức quá, nên Ngài đã dựa vào Thánh
Kinh mà cảnh báo họ: “Tiên tri Isaia nói rất đúng: dân này thờ Ta bằng
môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”. Và Ngài đã kết
luận: “Các ông là những kẻ đạo đức giả”. Như vậy, đạo đức giả
là tôn thờ Thiên Chúa bằng môi miệng chứ không phải bằng tấm lòng; đạo đức giả
là đọc kinh, cầu nguyện cho nhiều chứ không có tâm tình yêu mến trong lòng; đạo
đức giả là quá chú trọng đến những việc bề ngoài mà quên đi động lực chính yếu
bên trong. CG dẫn chứng cho thấy họ đã “bỏ lề luật của Thiên Chúa, mà
duy trì truyền thống của người phàm”. Họ còn dạy dân chúng sai lầm: “chỉ cần dâng cúng vào
đền thờ một số tiền là coi như đã chu toàn bổn phận hiếu thảo với cha
mẹ”. Trong khi đó lại xem thường luật Chúa dạy: “phải hiếu thảo
với cha mẹ”.
Lời
cảnh tỉnh của Chúa Giêsu đối với những Biệt phái và Pharisêu khi xưa, cũng là
lời nhắc nhở chúng ta hôm nay về hai quan niệm sống đạo khác biệt của người
Kitô hữu:
1.
Sống đạo tại tâm.
Sống
“đạo tại tâm”, có nghĩa là chỉ cần yêu Chúa thôi chứ không cần làm gì hết. Vậy
có được không? Thưa không! Một câu chuyện rất
quen, đó là ở dưới quê, xưa kia người ta rước dâu bằng ghe, riêng cô dâu chú rể
thì đi bằng chiếc xuống 3 lá, rất thơ mộng. Bỗng chiếc xuồng bị lật, chú rể gố
gắng bơi vào bờ, để mặc cô dâu chơi vơi giữa dòng sông. Thấy vậy nên chú rể phụ
lội ra cố gắng dìu cô dâu vào. Khi vào đến bờ, cô dâu tuyên bố bỏ chú rể chính,
lấy chú rể phụ. Câu chuyện trên cho biết, ta không thể
nói: “Anh yêu em là đủ” mà không hành động gì cả để thể hiện tình
yêu. Tương tự thế, đứa con không thể nói: con yêu cha mẹ lắm nhưng lại không
hề thăm viếng, an ủi và giúp đỡ cha mẹ gì cả…Với người tín hữu cũng vậy, ta
không thể nào nói: “Con tin Chúa, con yêu Chúa nhiều lắm! yêu Chúa, con
để trong tâm chứ không thích bộc lộ ra bên ngoài đâu”. Nói như vậy là ngụy
biện và cho thấy đức tin người ấy đã chết, đúng như lời thánh Giacôbê xác quyết: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Vì tình yêu
hay đức tin rất cần được biểu tỏ!
2. Sống
đạo tại hành.
Đây
là những người cho rằng sống đạo thì phải làm thật nhiều việc đạo đức. Những gì
Chúa và Giáo hội chỉ dạy là chưa đủ nên họ muốn đặt ra thêm nhiều điều khác nữa
để làm, nhằm chứng tỏ cho mọi người thấy mình là người sống đạo tích cực.
Truyện
kể: Hai vợ
chồng kia cưới nhau, sau đó anh chồng đi làm miết: làm sáng, làm tối, làm ngày,
làm đêm, làm thêm Chúa nhật. Ba tháng sau cô vợ bỏ về nhà mình. Mẹ cô ta hỏi
sao vậy con? thằng đó được lắm mà! Cô ta nói ảnh đi làm suốt, không có đoái
hoài gì đến con; ảnh chỉ lo kiếm tiền mà không quan tâm đến con gì hết!
Câu
chuyện trên giúp chúng ta hiểu rằng: không nên quan niệm đọc kinh, đi lễ, hãm
mình, ép xác, làm nhiều việc thiện là đã sống đạo tốt. Chưa chắc! Bởi Chúa
Giêsu đã mượn lời tiên tri Isaia mà khiển trách nặng lời lối sống chuộng hình
thức của những người Biệt phái và Pharisêu:“dân này thờ Ta bằng môi bằng
miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”.
3. Yêu
đi rồi làm.
Yêu
mà không làm cũng không đúng. Làm mà không yêu cũng không xong. Vậy ta phải
sống thế nào cho đúng với thánh ý của Chúa?
Thánh
Augustinô hướng dẫn chúng ta: “Yêu đi rồi hành động”. Có nghĩa là tất cả
mọi hành động của chúng ta chỉ có giá trị khi được đặt trong tình yêu đích
thực. Khi yêu rồi thì tự nhiên người ta có những sáng kiến làm những gì tốt đẹp
nhất cho người mình yêu. Còn ngược lại, những hành động không xuất phát từ tình
yêu chỉ là lường gạt, lợi dụng, thỏa mãn ích kỷ, nên sẽ dẫn đến đau khổ cho
nhau.
*
Từ cái nhìn thực tế dưới ánh sáng lời Chúa soi chiếu, chúng ta rút ra bài học gì
cho mình trong quan niệm sống đạo hôm nay?
Nếu
trước đến nay, ta làm mọi việc chỉ vì thói quen; chỉ vì ích kỷ cá nhân; chỉ để
người ta khen ngợi,… thì đó là cách sống đạo hình thức giống những người Biệt
phái và Pharisêu, đã bị Chúa Giêsu lên án. Nên trong các hành vi thờ phượng
Thiên Chúa mỗi khi chúng ta biểu lộ ra bên ngoài thì phải phát xuất từ tình
yêu. Vì yêu Chúa nên con đi lễ; vì yêu Chúa nên con đọc kinh hôm, kinh mai sốt
sắng; vì yêu Chúa con làm bác ái; vì yêu Chúa con sẵn sàng từ bỏ những thói hư,
tật xấu… Nói tóm lại, vì yêu Chúa nên con sung sướng thực thi thánh ý Chúa.
Cũng
thế, trong tương quan với người khác, ta hãy đối xử với nhau bằng một tình yêu
chân thành. Chính tình yêu chân thành sẽ thúc đẩy chúng ta biết làm những điều
tốt đẹp nhất dành cho anh em mình. Kinh nghiệm cho thấy, những trục trặc xảy ra
trong cuộc sống cũng chỉ vì thiếu tình yêu chân thành.
Khi chúng ta đặt tình yêu đúng đắn vào các mối tương quan
với Chúa, với người khác…, thì chúng ta không còn phải bận tâm đến việc sống
đạo tại tâm hay tại hành nữa. Bởi vì chính tình yêu tinh tuyền phát xuất từ nơi
Chúa sẽ thúc đẩy và soi dẫn chúng ta biết cách thống nhất đời sống sao cho phù
hợp với thánh ý của Chúa.
Lạy
Chúa, xin củng cố tình yêu Chúa nơi chúng con, để chúng con không cần nghĩ ra
những gì mới mẻ để làm cho Chúa, cho anh chị em của mình; vì chúng con tin rằng
tình yêu của Chúa sẽ hướng dẫn chúng con đi vào nẻo chính, đường ngay như Chúa
muốn.
Thứ hai: Lc 4, 16-30
Thái
độ khướt từ Chúa Giêsu của dân làng Nazareth xưa nhắc nhở chúng ta cần phải
duyệt xét lại thái độ sống đạo hôm nay.
Có
những anh chị em tân tòng nhưng đời sống đạo của họ rất tốt. Trái lại, có những
người vỗ ngực xưng mình là đạo dòng, thì lại có đời sống đức tin hết sức là yếu
kém. Phải chăng “sống lâu lên lão làng?”
Có
những giáo dân gần gũi nhà thờ, được dễ dàng lãnh nhận các bí tích, nhưng lại
thờ ơ. Trái lại có những giáo dân ở xa nhà thờ lại siêng năng chuyên chăm
tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích. Phải chăng “quen quá hóa
nhàm?”
Có
những giáo dân miệng luôn ca ngợi việc làm của cha này, cha kia. Trong khi đó
lại xem thường những việc làm của cha sở mình, để rồi không hề góp phần cộng
tác xây dựng họ đạo nhà. Phải chăng “gần chùa gọi bụt bằng anh?”
Có
những người chỉ thích đi khấn vái nơi này nơi kia, nhưng chính nhà thờ của mình
thì chẳng bao giờ xem trọng. Vì thế ít khi thấy bén mảng tới để cầu nguyện,
khấn xin. Phải chăng “bụt nhà không thiêng?”.
Nếu
có những thái độ và những biểu hiện như thế là chúng ta lại đi vào vết xe củ
của dân làng Nazareth xưa.
Thành kiến
có thể làm cho chúng ta mù quáng không nhận định và phê phán một cách khách
quan đúng đắn được. Thành kiến làm cho chúng ta không thể đối thoại cởi mở với
người khác và không nhìn thấy cái hay cái tốt nơi anh em.
Xin
Chúa giúp chúng ta biết can đảm dẹp bỏ những thành kiến để nhận ra giá trị
đích thực của cuộc sống. Nhất là nhận ra những mặt tích cực và cao đẹp nơi
những người anh em bé nhỏ. Amen
Thứ ba: Lc 4, 31-37
Năm
1983, trong cuộc nói chuyện với liên hội đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh, Đức cố
Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Đã khẳng định "Tân Phúc-Âm-hóa", không
phải là Phúc âm mới, nhưng là "mới về lòng nhiệt thành, mới trong
phương pháp và mới trong các diễn tả" vì "Đức Giêsu
Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời" (Dt
13,8). Như vậy "Tân phúc âm hóa" không phải là Phúc âm mới; cũng
không phải là một sáng kiến mới của Giáo Hội trong việc loan báo Tin mừng ngày
nay. Mà công cuộc "Tân phúc âm hóa" đã được Đức cố GH Gioan Phaolô II
đề cập cách nay khá lâu. Nhưng trên hết công cuộc "Tân phúc âm hóa"
này là do chính Chúa Giêsu khởi xướng và thực hiện cách nay hơn 2000 năm, ngay
khi bắt đầu sứ vụ loan báo Tin mừng. Đó là điều mà Tin mừng hôm nay nói đến.
-
Chúa Giêsu luôn làm mới lòng nhiệt thành.
Dù
rằng bị thất bại ngay trong lần trở về quê nhà, nhưng Chúa Giêsu không hề nản
lòng trước thái độ khướt từ chống đối của dân làng Nazareth. Trái lại càng làm
cho Ngài nhiệt thành hơn. Bằng chứng là Ngài đã bình tâm rời bỏ nơi đó mà sẵn
sàng đi đến các thành khác (Capharnaum) để tiếp tục thi hành sứ mạng đã được
Chúa Cha trao phó với lòng nhiệt thành mới mẻ như ban đầu.
-
Chúa Giêsu làm mới trong phương pháp giảng dạy.
Không
biết nội dung Chúa Giêsu giảng dạy như thế nào tại hội đường Capharnaum, nhưng
đã làm cho dân chúng hôm đó phải sửng sốt. Tin mừng chỉ cho biết việc giảng dạy
của Người rất mới lạ và rất uy quyền. Chắc chắn rằng phong thái và
phương pháp giảng dạy của Chúa Giêsu không giống như các kinh sư. Các kinh
sư khi giảng dạy thì chỉ giải thích Kinh Thánh và Luật Lệ cách dài dòng,
nhằm chất lên vai người khác những gánh nặng. Còn giáo huấn của Chúa Giêsu thì
ngắn gọn, cụ thể, gần gủi nên dễ hiểu; hơn nữa lời giảng dạy của Ngài luôn
hướng đến những người nghèo khổ, những người bị loại ra bên lề xã hội, đúng như
chương trình hành động mà Ngài đã công bố nơi hội đường Nazareth. Vì thế mà lời
giảng dạy của Ngài đã đụng chạm đến trái tim người nghe.
-
Cuối cùng Chúa Giêsu đã làm mới trong cách diễn tả.
Chúa
Giêsu không chỉ nói suông như những Kinh sư và Biệt phái"họ nói mà
không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ lại
không buồn động ngón tay vào". (Mt 23, 3-4). Còn Chúa Giêsu thì trái
lại lời giảng dạy luôn đi đôi với việc làm cụ thể. Bằng phép lạ chữa một người
bị quỷ ám, ngoài việc minh chứng cho biết Ngài chính là Thiên Chúa uy
quyền; còn cho thấy cách thế diễn tả mới mẻ của Chúa Giêsu trong việc rao giảng
Tin mừng, nên đã thu hút được người nghe. Đúng là “Lời nói lung lay,
gương lành lôi kéo”. Hay như cố ĐGH Phaolô VI đã nói: "ngày
nay người ta cần chứng nhân hơn thầy dạy".
Xin
Chúa ban cho mỗi chúng ta luôn biết làm mới lại lòng nhiệt tâm tông đồ, luôn
biết thao thức tìm ra những phương cách phù hợp để đem Tin mừng đến được với
người nghe, nhất là biết tích cực sống những giá trị của Tin mừng phù hợp với
thời đại mới. Nhờ thế sức sống của Tin mừng của Chúa mới có thể lan tỏa mạnh mẻ
đến mọi người và mọi nơi.
Suy
niệm 2:
Bài
Tin mừng hôm nay dạy chúng ta hai bài học.
1.
Bài học thứ nhất: Thắng không kêu bại không nản.
Dẫu
trong ngày tiếp xúc cử tri tại quê nhà, để công bố chương trình hành động, Chúa
Giêsu đã bị thất bại vì những định kiến cố hữu của họ. Nhưng không vì thế
mà Người nản lòng, bỏ cuộc. Bởi vì Chúa Giêsu hiểu rằng: "không
một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình" . (Lc 4, 24).Nhưng
Tin mừng phải được rao giảng, nên Người bỏ nơi đó mà xuống thành
Capharnaum, vào hội đường và tiếp tục thi hành sứ vụ. Tại đây Ngài đã thành
công rực rỡ vì được dân chúng đón nhận hồ hởi, nên đã gây được tiếng vang lớn
khắp cả vùng. Đây cũng là bài học quý gia cho chúng ta. Đừng nản lòng khi gặp
thất bại, nhưng cũng đừng quá hãnh diện khi thành công may mắn. Điều quan trọng
là khiêm tốn tạ ơn Chúa trong mọi lúc.
2.
Bài học thứ hai: Lời nói phải đi đôi với việc làm.
Nếu
lời giảng dạy của các Biệt phái và Kinh sư không được dân chúng đón nhận là
vì "họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên
vai người ta, nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào". (Mt
23, 3-4). Lối sống giả hình của họ khiến dân chúng chán ngán, mệt mỏi. Thì
với Chúa Giêsu lại khác. Lời giảng dạy của Ngài đã được dân chúng đón nhận cách
nhiệt tình. Với phép lạ trục xuất ma quỷ ra khỏi người bị nó ám hại, Chúa Giêsu
không những minh chứng mạnh mẻ uy quyền của Thiên Chúa mà còn gây sửng sốt cho
mọi người, vì lời Ngài nói luôn đi đôi với việc Ngài làm. Vì vậy, để có thể
thuyết phục người khác tin vào Chúa, chúng ta không chỉ rao giảng suông bằng
lời, nhưng đòi hỏi chúng ta phải thực hiện bằng những việc làm cụ thể.
Nguyện
xin Chúa Giêsu, Ðấng giảng dạy với uy quyền, giúp chúng con biết thống nhất
giữa lời nói và việc làm để những giá trị Tin mừng luôn được người nghe đón
nhận và tin tưởng. Xin Chúa củng cố niềm tin, gia tăng đức mến và bảo toàn
niềm trông cậy nơi chúng ta để dẫu khi thành công hay khi thất bại chúng ta vẫn
luôn an vui sống trong vòng tay đầy yêu thương của Chúa.
Thứ tư: Lc 4, 38-44
Có
thể nói tin mừng hôm nay thuật lại một ngày sống tiêu biểu của Chúa Giêsu ở
Caphácnaum với biết bao công việc: Vào Hội đường giảng dạy, rồi đến nhà chữa
bệnh cho nhạc mẫu Phêrô; mãi đến lúc mặt trời lặn Ngài vẫn còn tất bật chữa
lành đủ mọi loại bệnh hoạn, tật nguyền. Sáng sớm tinh mơ, Chúa lại tìm đến nơi
hoang vắng để cầu nguyện cùng Chúa Cha.
Ngày
sống tiêu biểu của Chúa Giêsu phải trở nên khuôn mẫu cho ngày sống của mỗi
người kitô hữu chúng ta.
-
Noi gương Chúa Giêsu chúng ta hãy bắt đầu ngày mới bằng việc cầu nguyện.
Cầu
nguyện để gặp gỡ Chúa, được sống thân tình bên Chúa, để lắng nghe lời Chúa chỉ
dạy. Trên hết cầu nguyện để nhận lấy nguồn ơn sức mạnh nâng đỡ của Chúa nhằm
chu toàn tốt bổn phận hằng ngày. Một ngày sống khởi đầu với kinh nguyện, thánh
lễ, chúng ta được gia tăng lòng Tin Cậy Mến, nhờ đó mà nhiệt thành làm mọi việc
trong ngày sáng danh Chúa.
-
Học nơi Chúa Giêsu, chúng ta hãy chuyên chăm làm việc.
Con
người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa để sống trong thế giới hữu hình và
được đặt trong thế giới này để "làm chủ trái đất" ; vì
thế, ngay từ đầu con người đã được kêu gọi để lao động. Chính Chúa Giêsu cũng
đã nêu gương cho ta : "cho đến nay, Cha tôi làm việc, thì Tôi cũng làm
việc"(Ga 5, 17). Làm việc để có của nuôi sống bản thân và gia
đình; đóng góp vào sự tiến bộ liên tục của khoa học kỹ thuật, nhất là làm cho
cộng đồng xã hội anh em của mình luôn luôn thăng tiến về văn hóa và đạo đức, đó
là ý định của Chúa và mong muốn của con người.
Tóm
lại: Chúa Giêsu đã đi bước trước trong đời sống lao động và cầu nguyện. lao
động mà không cầu nguyện sẽ làm cuộc sống con người mệt mỏi và đơn điệu; ngược
lại cầu nguyện mà không lao động, khiến con người trở nên sống hình thức, lười
biếng và ỷ lại.
Xin
Chúa cho mỗi người chúng ta biết kết hợp cách hài hoà giữa lao động và cầu
nguyện để nhờ đó nhân loại không chỉ biết trân trọng những giá trị do lao động
mang lại, mà còn biết trân trọng những hiệu quả lớn lao của đời sống kết hiệp
với Thiên Chúa.
Thứ năm: Lc 5, 1-11
Trên
báo điện tử Trí Thức Trẻ ngày 12.8.2014 có đăng
tải bài viết: Gái Miền Tây, và 3 chữ "N" nổi danh thiên hạ. (3 chữ
"N": Ngon, Ngoan và Ngu), đã bị dân cư mạng phản đối cực lực, khiến
cho bộ VHTT phải vào cuộc và xử lý nghiêm khắc. Bởi vì tác giả đã bôi nhọ và
xúc phạm đến giá trị nhân phẩm của gái Miền Tây, cũng như chia rẻ người vùng
miền. Trái với nội dung bài viết trên báo điện
tử Tri Thức Trẻ trên, bài viết và nội dung của tác giả thánh Luca
trong bài Tin mừng hôm nay đã để lại cho người đọc một ấn tượng tuyệt đẹp, khi
đề cao nhân vật Giêsu với 3 chữ "L" (lạ) nổi danh thiên hạ.
1.
"Lạ" về nơi giảng dạy.
Lạ
là ở đời ai lại dùng thuyền đánh cá để ngồi trên đó mà giảng dạy; cũng chưa
từng thấy ai quy tụ dân chúng nơi bãi biển để giáo huấn. Vậy mà Chúa Giêsu đã
không ngần ngại tận dụng phương tiện và nơi chốn ấy để rao giảng Lời
Chúa. Quả là lạ thường!
2.
"Lạ" về mẻ cá bất thường.
Với
kinh nghiệm lành nghề về việc đánh bắt cá biển, Sinmon cùng các bạn đồng nghiệp
đã trãi qua một đêm vất vả, nhưng chẳng được con cá nào. Trong khi giữa lúc ban
ngày, thầy Giêsu chẳng có chút kinh nghiệm gì về việc ra khơi bám biển, lại đề
nghị Simon thả lưới bắt cá, quả là chuyện đùa! Nhưng để làm vui lòng thầy
Giêsu, Simon đành miễn cưỡng làm theo; vật mà thật bất ngờ, kết quả lại ngoài
sức tưởng tượng. Một mẻ cá lạ đầy ấp những cá là cá. Ấy mới là sự lạ!
3.
"Lạ" về việc chuyển đổi nghề nghiệp bất ngờ.
Trước
một mẻ cá lạ lùng, Sinmon đã hò reo sung sướng, nhưng cũng đầy sợ hãi khi nhận
ra thân phận yếu hèn tội lỗi của mình nên đã sụp lạy thầy Giêsu đầy quyền năng.
Không ngờ chính lúc đó, Chúa Giêsu lại nhẹ nhàng chấn an, rồi bất ngờ kêu gọi
ông chuyển đổi ngành nghề: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục
người ta". Sinmon đã không cưỡng lại được lời mời gọi chân tình tha
thiết ấy của Đấng quyền năng, nên đã"bỏ mọi sự mà theo
Người". Ôi lạ lùng biết mấy!
Với
3 chữ "lạ" nơi con người Giêsu mà thánh Luca tường thuật trong bài
Tin mừng hôm nay, như dạy chúng ta những bài học quý:
-
Phải tận dụng mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh để loan báo Tin Mừng.
-
Luôn biết tin tưởng, trông cậy vào quyền năng Chúa trong mọi lúc vì
"mọi kẻ tin vào Ngài sẽ không thất vọng bao giờ". (Tv
90 ). Biết cậy dựa vào Chúa, ta có thể làm được những điều kì diệu, như
thánh Phaolô đã nói: "Tôi có thể làm mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho
tôi". (Phi-líp 4,13).
Mỗi
người mỗi hoàn cảnh, mỗi người mỗi kinh nghiệm, mỗi người mỗi khả năng, tính
cách..., nhưng Chúa đều tin tưởng mời gọi để cộng tác với Chúa để cứu rỗi các
linh hồn.
Xin
cho chúng ta biết mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa cách tích cực, sẵn sàng
từ bỏ mọi sự để thi hành thánh ý Chúa với lòng tin tưởng cậy trông vào quyền
năng của Người.
Thứ
Sáu: Lc 5, 33-39
Nhân
cơ hội giải thích cho những người Pharisêu lý do vì sao các môn đệ Chúa không
ăn chay, Chúa Giêsu mạc khải cho họ biết về bản thân và sứ mạng của Ngài.
Trong
cựu ước Thiên Chúa tự ví Người là chàng rể và Israel là nàng dâu. Như thế
khi đem trường hợp tiệc cưới ra để giải thích về việc ăn chay, Chúa Giêsu muốn
cho họ biết rằng: Người là chàng rể và Israel là nàng dâu. Qua đó mặc
nhiên tuyên bố Người chính là Thiên Chúa đã đến giữa lòng nhân loại.
Hơn
nữa, mục đích chính của việc ăn chay bấy giờ là mong đợi Đấng Messia đến. Mà
Chúa Giêsu chính là Đấng Messia (chàng rể) đã đến với loài người (nàng
dâu) rồi, thì cớ gì phải ăn chay. Việc ăn chay phải gắn liền với cuộc đời của
Đức Giêsu. Do đó lúc Người vui thì con người phải chia vui với Người. Khi Người
khổ thì con người cùng chung đau khổ. Lúc Người chết thì con người phải cùng
chấp nhận chịu chết với Người. Khi Người sống lại thì con người cũng cùng sống
lại với Người.
Tóm
lại, Chúa Giêsu không hề phủ nhận việc ăn chay, nhưng qua lời giải đáp thắc mắc
trên, Chúa Giêsu muốn cho biết: Người chính là chàng rể Chúa Cha sai đến kết
hôn với loài người, yêu thương loài người và cứu độ loài người. Cũng như xác
định rõ cho chúng ta biết việc ăn chay là để dọn lòng tiếp rước Chúa. Một khi
đã tiếp nhận Chúa rồi thì không cần ăn chay nữa, trái lại phải vui mừng phấn
khởi trong niềm tin yêu Chúa.
Xin
cho chúng ta biết lo ăn chay hãm mình, để dọn lòng xứng đáng đón nhận Chúa qua
bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày, nhờ đó mà được thông hiệp với Chúa nguồn hạnh phúc
đời ta.
Thứ bảy: Lc 6, 1-5
Tin
mừng hôm nay tường thuật về cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người
Pharisêu. Lý do xảy ra cuộc tranh luận là vì các môn đệ Chúa Giêsu bứt bông lúa
ăn cho đỡ đói vào ngày Sabát. Nguyên nhân chính của cuộc tranh luận này là vì bất
đồng quan điểm.
-
Với những người Pharisêu giữ ngày Sabát là điều hết sức quan trọng. Ai vi
phạm ngày này có thể bị xử tử (Xh 31, 14), bị ném đá (Ds 15, 32-36).
Bứt
bông lúa để ăn là một hành động không thể chấp nhận được. Mặc dù theo sách Đệ
Nhị Luật (23, 26) thì hành động này được phép làm: “Khi vào đồng lúa của
người đồng loại, anh em có thể lấy tay bứt bông lúa”. Nhưng vì đố kỵ, ghen
ghét Chúa Giêsu nên họ cho rằng việc bứt lúa và vò trong tay cũng giống với
hành vi gặt và xay lúa, mà gặt và xay lúa là một trong ba mươi chín việc không
được phép làm ngày Sabát.
-
Còn Chúa Giêsu thì cho rằng: Thiên Chúa lập nên ngày Sabát để loài người
có thời gian nghỉ ngơi hầu nhớ đến công trình tạo dựng và giải phóng của Ngài
(Đnl 5, 14-15). Ngày Sabát đúng là ngày của Chúa, dành cho Chúa, nhưng nó cũng
là ngày phục vụ nhu cầu lợi ích cho con người và vì con người. "Ngày
Sabát được đặt ra vì con người". Do đó việc các môn đệ Chúa bứt
lúa ăn cho đỡ đói trong ngày Sabát là một nhu cầu chính đáng vì nó phục vụ cho
nhu cầu lợi ích chính đáng cho con người. Chính vua Đa-vít và đoàn tùy tùng
cũng đã vào đền thờ và đã lấy bánh dâng tiến để ăn khi bụng đói! Nhưng vì ghen
ghét và hận thù đã làm cho những người Pharisêu trở nên mù quáng mà quên đi mục
đích chính của việc giữ luật.
Để
giúp cho những người Pharisêu có cái nhìn đúng đắn về mục đích của
luật, Giêsu đã không ngần ngại đối đầu với họ cho đến cùng, dù có phải trả
giá bằng cái chết trên Thập giá, tất cả là để minh chứng rằng: chỉ có một lề
luật duy nhất để tuân giữ, đó là luật yêu thương, và chỉ có một giá trị cao cả
nhất để sống và chết cho, đó là tình yêu. Sống"yêu thương là chu toàn
lề luật". (Rm 13,10).
Xin
Chúa loại trừ nơi chúng ta những đố kỵ, ghen ghét tầm thường để chúng ta có
được cái nhìn trong sáng đúng đắn. Và xin Chúa giúp chúng ta luôn biết sống
nhân ái và bao dung với hết mọi người như Chúa đã yêu thương chúng ta. Amen.
LỄ SINH NHẬT ĐỨC MARIA
Mt:1, 1-16.18-23
Cùng với GH, hôm nay chúng ta
mừng kính lễ sinh nhật Đức Mẹ Maria. Hiệp với tâm tình của Mẹ Maria, chúng ta
cùng dâng lên Thiên Chúa lòng tôn kính, yêu mến và cảm tạ vì“biết bao điều
trọng đại Chúa đã làm” trên cuộc đời chúng ta. Một trong muôn điều trọng đại
Chúa thương làm, là cho chúng ta được làm người và làm con Chúa. Xin cho chúng
ta biết noi gương Mẹ Maria, sẵn sàng mở lòng đón nhận mọi ơn ban của Chúa, và
tích cực đáp trả cách vẹn ơn gọi và sứ mạng Chúa ban, qua việc hăng say loan
báo niềm vui Tin mừng của Chúa cho mọi người.
1. Cho dẫu Đức Giêsu là Thiên Chúa thánh thiện, tốt lành vô cùng.
Nhưng vì quá yêu thương nhân loại lỗi lầm nên Chúa đã chấp nhận xuống thế làm
người và đã sinh ra trong một dòng tộc bao gồm đủ mọi thành phần. Trong đó có
người tốt nhưng đa phần lại là những người xấu và tội lỗi như: tổ phụ Giacóp đã
giành quyền trưởng nam của anh mình; Đavít vị vua tốt lành nhưng lại cướp
vợ Uriagia; Salômôn vị vua khôn ngoan nhưng lại sa đọa; bà Rút là dâu hiền
nhưng lại là dân ngoại; Tama là gái điếm; Bathsheba vợ của ông
Urigia nhưng cũng chấp nhận cho vua Đavít cưỡng đoạt … , qua đó cho ta hiểu
rằng: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó
Ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5, 20). Chúa chấp nhận đi vào
dòng lịch sử nhân loại đầy khiếm khuyết để chia sẻ, đồng cảm nhằm cứu độ nhân
loại tội lỗi. Đó quả là ân sủng lớn lao mà Thiên Chúa dành cho con người.
Mỗi người chúng ta khi sinh ra cũng được Thiên Chúa sắp xếp trong
một đất nước, một dân tộc và một gia cảnh khác nhau. Nơi ấy người tốt và người
xấu cùng sống chung với nhau. Là những Kitô hữu, Chúa còn đặt chúng ta vào
trong môi trường cộng đoàn và Họ đạo khác nhau. Nơi ấy bao gồm những người tốt
và xấu; thánh thiện và tội lỗi. Môi trường mà chúng ta đang sống có khi thuận
lợi, nhưng lắm khi cũng rất khó khăn bất lợi. Nhưng chúng ta luôn tin rằng: “Ơn Ta đủ
cho con” (2Cr 12,9”.
Xin
Chúa cho chúng ta biết vui lòng đón nhận tất cả mọi người, cũng như mọi nghịch
cảnh nơi môi trường chúng ta đang sống mà không kêu ca, phản kháng. Trái lại
luôn đặt tin tưởng và phó thác vào đường lối nhiệm mầu của Thiên Chúa mà nỗ lực
thi hành tốt ơn gọi và bổn phận Chúa trao theo gương Mẹ Maria.
2. Để trở nên “Đấng
Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, từ thuở đời đời, Thiên Chúa đã chọn
Đức Maria và mời gọi Mẹ cộng tác với Ngài trong việc cưu mang, sinh hạ Đấng Cứu
Thế; cho dẫu Mẹ không hiểu rõ về tất cả những gì đã, đang và
sẽ xảy ra trong đường lối mà Chúa, nhưng Mẹ vẫn sẵn sàng “xin vâng” theo
thánh ý Thiên Chúa, cho dẫu biết rằng cuộc đời mình rồi sẽ phải đối mặt với
muôn vàn khó khăn , thử thách phía trước.
Cũng
thế, do tình thương và sự quan phòng của Chúa, mỗi người chúng ta được sinh ra
trên trần gian này. Chúa cũng trao ban mỗi người chúng ta những sứ mạng giống
và khác nhau. Sứ mạng nào cũng cao quý và quan trọng. Sứ mạng nào cũng nói lên
tình thương của Thiên Chúa.
Xin Chúa giúp chúng ta
biết noi gương Mẹ Maria, luôn biết tin tưởng và trân trọng sứ mạng Chúa trao
ban mà nỗ lực chu toàn tốt nhất trách nhiệm của mình với niềm hy vọng và phó
thác vào tình thương quan phòng lạ lùng của Thiên Chúa.
Cách riêng những ai đang sống đời thánh hiến, ngoài ơn gọi làm người và
làm con Chúa với sứ mạng loan báo niềm vui Tin mừng đến mọi người. Để thi hành
tốt sứ mạng này, ĐGH Phanxicô lưu ý chúng ta về 4 cách thức quan trọng cần phải
đưa vào cuộc sống khi thi hành sứ mạng trong thế giới ngày nay. Đó là:
- “Sống
vui tươi”. “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm niềm vui”.
ĐTC
nói: “Người loan báo Tin Mừng không bao giờ được mang bộ mặt của một người vừa
đi đưa đám về! Chúng ta hãy lấy lại và đào sâu sự phấn khởi của mình, đào
sâu “niềm vui dịu ngọt và phấn khởi của việc loan báo Tin Mừng, cả khi chúng ta
phải gieo trong nước mắt...”. (Tông
huấn Evangelii Gaudium, số 10).
- “Đánh thức thế giới”. (Tông thư
năm đời sống thánh hiến, số 2. 2). Đức Thánh Cha đã nhắn
nhủ những người sống đời thánh hiến là: “Hãy đánh thức thế giới”. Để
đánh thức thế giới thì phải trở nên chứng nhân của một cách làm việc khác, cách
hành động khác, cách sống khác! Có thể sống khác đi trong thế giới này. Nhưng
trước khi đánh thức thế giới, chúng ta phải đánh thức chính mình. Nếu đặc trưng
của đời sống thánh hiến là tính ngôn sứ, thì “đánh
thức thế giới”, chính là sống đặc tính ngôn sứ của mình. Nhưng muốn sống với vai trò ngôn
sứ để đánh thức thế giới thì phải chấp nhận bị bách hại, đau khổ. Vì không có
ngôn sứ nào được tôn trọng nơi quê hương mình.
- “Chuyên viên của sự hiệp thông”. (Tông thư
năm đời sống thánh hiến, số 3.2). Đức thánh cha
kêu gọi hãy “làm cho Giáo hội trở thành ngôi nhà và trường học của hiệp
thông”. Sự hiệp thông đó được “tăng trưởng ở nhiều cấp độ, tựa hồ những
vòng tròn đồng tâm”. Sự hiệp thông được diễn tiến qua các mức độ khác nhau, từ
gần đến xa. Trước hết là ngay trong cộng đoàn, trong hội dòng mình.
- “Đi ra khỏi chính mình để đi
tới các vùng ngoại ô của cuộc sống” (Tông thư năm đời sống thánh hiến 4.2). Đức thánh cha mời gọi tu sĩ thực hiện lệnh truyền của Chúa
là “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ” (Mc 16,15) để đem hy vọng
cho thế giới. Đừng ai khép lại trong chính mình, đừng để mình bị giam hãm, ngột
ngạt trong những chuyện lẩm cẩm của nội bộ. Nhưng hãy đi ra ngoài, đến với “những
người đã mất hết hy vọng, những gia đình đang gặp khó khăn, những trẻ thơ bị bỏ
rơi, các bạn trẻ gặp ngõ cụt trước tương lai, những người già lão bệnh tật bị
loại trừ, những người giàu của cải nhưng trống rỗng trong lòng, những người
đang tìm ý nghĩa cuộc đời, khao khát đời tâm linh...”. Thế
giới hôm nay đang rất cần chúng ta, đặc biệt là những dòng họat động, đem niềm
vui Tin Mừng và hy vọng đến cho họ.
Ước
gì với lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô như là tiếng chuông đánh thức
những ai còn mê ngủ hãy thức dậy, tích cực ra đi thi hành sứ mạng của mình cách
hăng say với lòng nhiệt tâm đông đồ theo lời kêu gọi của Chúa qua lời nhắc nhở
của Đức Thánh Cha.
Lạy
Mẹ Maria, xin Mẹ nâng đỡ và giúp sức chúng con những linh mục, tu sĩ của
Chúa, để chúng con đủ can đảm, nghị lực mà thực thi
sứ mạng mà Chúa đã trao ban cho chúng con trong việc loan báo niềm vui Tin mừng
tình thương của Chúa cho hết mọi người; nhất là cho những người chưa nhận biết
Chúa, để tất cả đều được đón nhận ơn cứu độ của Chúa. Amen