SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN V PHỤC SINH
Lm Seoka
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH C
Trước khi về cùng Thiên Chúa Cha, Chúa
Giêsu đã để lại cho các môn đệ cũng như cho tất cả chúng ta lời nhắn nhủ yêu
thương: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã
yêu thương anh em”.
Yêu thương theo lệnh truyền của Chúa
không chỉ là yêu thương người thân cận như chính mình, nhưng còn là yêu thương
tất cả mọi người bằng một tình yêu “như Chúa yêu”. “Như Chúa yêu” là
bao dung tha thứ là khiêm tốn phục vụ và sẵn sàng hy sinh chính mạng sống mình cho
người mình yêu. Xin cho chúng ta có được tình yêu như Chúa để xứng đáng được
gọi là bạn hữu của Chúa.
“Yêu như Thầy”(Ga 15,12). Nghĩa
là Chúa Giêsu mong muốn nơi các môn đệ của Ngài, trong đó có tôi và bạn, phải
yêu giống như Ngài. Yêu giống Ngài là
biết chấp nhận tất cả những cái hay cái dở, những cái tố cái xấu và tất cả
những sự bất toàn, yếu đuối … của tha nhân.
"Yêu như Thầy" là phải biết kiên
nhẫn trước những yếu đuối lỗi lầm, trước những giới hạn về niềm tin cũng như về
mặt nhân bản của tha nhân.
"Yêu như Thầy" là biết quan tâm
tới những nhu cầu cần thiết của tha nhân. Sự quan tâm ấy không phải chỉ
bằng lời nói, nhưng còn bằng những hành động rất cụ thể và thiết thực.
"Yêu như Thầy" là biết bao dung và sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm của những ai xúc phạm đến ta.
"Yêu như Thầy" là sẵn sàng cúi xuống rửa chân và khiêm tốn phục vụ tha nhân như Thầy Giêsu; mà đỉnh cao của tình yêu như Thầy là sẵn sàng hy sinh thí mạng sống mình cho người mình yêu được sống và sống dồi dào. Bởi "Không
có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình" (Ga 15,13).
Vì muốn tình yêu của Chúa được thấm nhập vào tâm hồn mỗi người và được lan tỏa khắp nơi nên Chúa Giêsu tha thiết mời
gọi các môn đệ Ngài, trong đó có mỗi chúng ta "hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương".
Xin Chúa cho chúng ta
có được tình yêu như Chúa để mọi người nhận ra Chúa nơi mỗi người chúng ta. Được như thế chúng ta mới xứng danh là môn đệ của Chúa.
Thứ hai
Suy niệm 1: Cv 14, 5-18.
Tuần này, phụng vụ Lời Chúa Bài đọc 1
tiếp tục mời gọi chúng ta đồng hành với Phaolô và Barnaba trên những nẻo đường
truyền giáo cho dân ngoại lần thứ nhất. Đoạn sách Cvtđ hôm nay nói đến những
buồn vui, sướng khổ khi thi hành sứ mạng truyền giáo.
Vui vì được nhiều người dân ngoại đón
nhận Tin mừng của Chúa.
Sướng vì những khả năng làm phép lạ do
Chúa ban để củng cố niềm tin cho tín hữu và góp phần thuận lợi cho việc loan
báo Tin mừng.
Nhưng bên cạnh đó cũng gặp rất nhiều đau
khổ.
Khổ vì bị hiểu lầm bởi dân ngoại, bị ghi
kỵ, làm nhục và chống đối liên tục của những người gốc Do Thái.
Đau vì ném đá, bị bắt và bị đánh đập đến
nữa sống nữa chết và bị trục xuất ra khỏi thành của họ.
Nhưng cho dù sướng hay khổ, vui hay buồn,
thành công hay thất bại vẫn không làm sờn lòng nản chí của tông đồ Phaolô và
Barnaba. Bởi hai ông luôn ý thức truyền giáo chính là lệnh truyền tâm quyết của
Chúa Giêsu phục sinh trao ban cho các môn đệ trước khi về trời: "Các
con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha,
và Con và Thánh Thần" (Mt 28,19). Loan báo Tin mừng còn mang một
giá trị cao quý gắn liền với đời sống của Phaolô, nếu không thi hành sẽ rất là
đau khổ: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”(1 Cr
9,16).
Làm chứng nhân cho Chúa là một vinh dự
cao quý do Chúa Phục Sinh trao ban, nhưng đây lại là nhiệm vụ đầy dẩy cam go
thử thách. Để thi hành nhiệm vụ này Phaolô và Barnaba đã phải hy sinh bằng mồ
hôi, nước mắt và sức lực, ngay cả mạng sống mình. Nhiệm vụ này không chỉ khó
khăn đối với các tông đồ vào thời GH ban đầu, nhưng ngày nay lại càng trở nên
khó khăn hơn đối với GH bởi cuộc sống con người hôm nay có quá nhiều rào cản...
Nên đòi hỏi con cái GH phải nổ lực và hy sinh thật nhiều.
Xin cho chúng ta biết noi gương hai thánh
tông đồ Phaolô và Barnaba mà góp phần tích cực vào công cuộc truyền giáo của
GH, cho dù gặp phải những chống đối, ghi kỵ, loại trừ của thế gian, vì tin rằng
Chúa luôn ở bên ta để nâng đỡ, bảo vệ, dự liệu và ban ân sủng cho ta trong khi
thi hành nhiệm vụ cao cả này. Như Lời Chúa phán với Phaolô:“Ơn Ta đủ cho ngươi,
vì sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối” (2Cr 12,9).
Đọc thêm:
Để dễ nắm bắt đoạn sách Cvtđ này, ta có
thể chia làm 3 phần:
1. Sự việc xảy ra tại Icôniô.
Sau khi giũ bụi chân nhằm phản đối cách
hành xử của những người gốc Do Thái tại Antiokhia miền Pixiđia. Phaolô và
Barnaba đến Icôniô. Dù đoạn tuyệt với người Do Thái, nhưng hai ông vẫn
gắn bó với hội đường. Tại đây hai ông tiếp tục giảng dạy. Tương tự như những
lần trước, tại đây bên cạnh thành công vì có rất đông người Do Thái và Hy Lạp
tin theo nhưng cũng có người không đón nhận, nên họ mưu toan làm nhục và ném đá
hai ông. Biết thế hai ông lánh sang các thành miền Lycaonia: Lytra, Đécbê, và
vùng phụ cận.
2. Phép lạ tại Lýtra.
Tại đây hai ông tiếp tục rao giảng và làm
phép lạ chữa cho một người bại hai chân từ lọt lòng mẹ được khỏi. Anh ta đứng
dậy và đi được.
Lời tung hô dân chúng sau phép lạ: sau
khi chứng kiến phép lạ đã tung hô hai ông như thần linh mặc lốt người phàm. Họ
gọi ông Barnaba là thần Dớt (Zeus), ông Phaolô là thần Hécme (Hermes), vì ông
là người phát ngôn. Họ đã đem bò và vòng hoa đến trước cổng thành, và cùng với
đám đông, muốn dâng lễ tế.
(Zeus và Hermes là hai thần của người
Hy-lạp. Zeus được xem như vua của các thần Hy-lạp, và quan thầy của những người
làm nghề trồng cấy. Có lẽ vì lý do này mà Phaolô muốn nói với dân thành: không
phải Zeus ban mưa từ trời và mùa màng; nhưng là chính Thiên Chúa ban. Hermes là
con của Zeus với Maia; được xem là quan thầy của những người lữ hành, tội nhân,
và gái điếm. Hermes là sứ giả và đem những sứ điệp của các thần cho con người.)
3. Phản ứng của Phaolô và Barnaba.
- Barnaba và Phaolô xé áo mình ra: Tỏ
thái độ tức giận vì họ đã đặt mình ngang hàng với TC và buồn phiền vì cảm thấy
bản thân xúc phạm đến Thiên Chúa.
- Sau đó hai ông giải thích cho họ hiểu
rằng: “Chúng tôi đây cũng chỉ là người phàm, cùng thân phận với các
bạn”. Rồi kêu gọi họ: “hãy bỏ những cái hão huyền này đi, mà trở
lại cùng Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã tạo thành trời đất với biển khơi cùng
muôn loài trong đó”.
Suy niệm 2: Ga 14, 21-26.
Có yêu nhau thì mới sẵn sàng lắng nghe và
làm theo điều người yêu mình mong muốn. Đứa con có yêu cha mẹ thì mới trân
trọng lắng nghe lời cha mẹ khuyên dạy và vui mừng thực hiện điều cha mẹ chỉ
bảo. Cũng vậy chúng ta có yêu mến Chúa thì mới nghe lời và sẵn lòng làm theo
lời Chúa.
Không phải bất cứ ai lãnh nhận bí tích
rửa tội thì hẳn nhiên trở nên con cái đích thực của Thiên Chúa. Nhưng để nên
con cái đích thực của Chúa,
Trước hết chúng ta phải có lòng
yêu mến Chúa bằng cách đặt Chúa vào vị trí cao nhất trong cuộc đời
chúng ta. Ưu tiên chọn Chúa làm giá trị hàng đầu trong cuộc sống.
Thứ đến, yêu mến Chúa thì phải
gắn bó với Chúa mật thiết. Định luật tình yêu dạy ta hiểu rằng: Yêu ai
thì ở gần người đó, yêu ai thì muốn ở bên người đó và yêu ai thì muốn ở với và
ở trong để trở nên một với người đó.
Cuối cùng Chúa Giêsu cho biết dấu hiệu
của những người có lòng yêu mến Chúa đích thực đó là: tuân giữ lời Chúa.
Thước đo của lòng yêu mến chúng ta nhiều hay ít hệ tại ở việc chúng ta tuân giữ
lời Chúa ít hay nhiều. Nếu chúng ta nói chúng ta yêu mến Thiên Chúa mà chúng ta
không thực hành lời Chúa dạy, thì có khác gì đứa con “gọi dạ bảo vâng”, nhưng
chỉ vâng vâng dạ dạ mà không làm theo lời cha mẹ chỉ dạy, thì tình yêu đó chỉ
là thứ tình yêu giả hình, thứ tình yêu đầu môi trót lưỡi. Tình yêu đó chỉ là
nhãn hiệu, là cái mác mà thôi. Vì thế, Chúa Giêsu luôn nhấn mạnh đến lợi ích và
giá trị của việc nghe và làm theo lời Chúa: “ Nghe và thực hành lời
Chúa giống như người khôn xây nhà trên nền đá”; “ hãy làm theo lời Chúa chứ
đừng nghe suông mà lừa dối chính mình”. Lý thuyết và thực hành phải đi đôi
mới có ích lợi, vì “đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc
2, 17).
Xin Chúa cho chúng ta luôn hết lòng tuân
giữ và thực hành lời Chúa bằng tình yêu mến. Biết đặt Chúa vào vị trí quan
trọng trong cuộc sống và sẵn sàng chọn Chúa làm gia nghiệp đời ta. Làm được như
thế chứng tỏ là chúng ta yêu mến Chúa và xứng danh là con cái đích thực của
Chúa.
Suy niệm 1: Cv 14, 19-28.
Nhìn lại trong suốt cuộc hành trình
truyền giáo lần thứ nhất của Phaolô và Barnaba, chúng ta nhận thấy những điểm
đáng chú ý sau:
- Lòng nhiệt tâm truyền giáo của Phaolô
và Barnaba: Hai ông miệt mài rao giảng Tin mừng cho dân ngoại dù gặp phải biết
bao nhiêu là khó khăn: Phải vượt qua đường sá xa xôi, cách trở; kiên trì chịu
đựng bao là nguy hiểm: chống đối, bắt bớ, ghen tị, tù đày, ném đá …; luôn thao
thức ra đi tìm đến những vùng đất mới để gieo vãi hạt giống đức tin,.
- Đến đâu rao giảng các ông cũng đều bị
những người Do Thái kéo đến để chống phá. Đoạn sách Cvtđ hôm nay là một ví
dụ: "Bấy giờ có những người Do-thái từ Antioch và Iconium đến
Lystra, thuyết phục được đám đông. Họ ném đá ông Phaolô rồi lôi ông ra ngoài
thành, vì tưởng ông đã chết. Nhưng khi các môn đệ xúm lại quanh ông, ông đứng
dậy và vào thành. Hôm sau, ông trẩy đi Đécbê cùng với ông Barnaba". Tại
đây các ông tiếp tục rao giảng và giúp nhiều người tin vào Chúa Giêsu.
- Điều đáng nói là cứ sau một chuyến
truyền giáo khi trở về Giêrusalem, Phaolô và Barnaba đều ghé lại thăm viếng một
số nơi mà các ông đã đi qua. Với mục đích là khích lệ và củng cố đức tin cho
họ; tổ chức lại cộng đoàn và chỉ định các kỳ mục thay mặt các ông coi sóc và
chăn dắt cộng đoàn; sau đó các ông cầu nguyện và phó dâng các cộng đoàn cho
Thiên Chúa.
- Khi điểm lại hành trình truyền giáo lần
thứ nhất này ta nhận thấy hai ông đã đi qua tất cả 8 thành. (Bắt đầu từ
Antiôkhia của Syria đến Xalamin và Paphô của đảo Sýp, đến Pécghê, Antiôkhia của
Pixiđia, đến Icôniô, Lýtra, Đécbê, và theo đường cũ trở lại Pécghê, rồi từ
Pécghê đến Áttalia, trở về Pécghê và dùng thuyền trở về Antiôkhia của Xyria). Đây
là cuộc hành trình ngắn nhất trong 3 cuộc hành trình của Phaolô rao giảng Tin
mừng cho dân Ngoại. Khi trở về Antiôkhia, hai ông tập họp Hội Thánh và kể lại
tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho
các dân ngoại đón nhận đức tin. Rồi hai ông ở lại một thời gian khá lâu với các
môn đệ trước khi bắt đầu cuộc hành trình thứ hai.
Tạ ơn Chúa đã ban cho GH những nhà truyền
giáo nhiệt tình, đã sẵn sàng chịu mọi gian lao thử thách, ngay cả tính mạng, để
gieo vãi hạt giống đức tin khắp mọi nơi. Nhờ ơn Chúa mà hạt giống quý giá ấy
được gieo vào lòng đất Việt Nam. Cha ông chúng ta đã tiếp nhận, củng cố và nuôi
dưỡng bằng máu nhờ thế mà hạt giống đức tin được sinh hoa trái dồi dào. Xin cho
chúng ta biết trân trọng bảo vệ, nuôi dưỡng và gieo vãi hạt giống đức tin ấy
khắp nơi và vào mọi tâm hồn, ngỏ hầu mọi người đón nhận được niềm vui Tin mừng
cứu độ của Chúa.
Suy niệm 2: Ga 14, 27-31a.
Thiên tai, dịch bệnh, nghèo đói, đam mê
tội lỗi, hận thù ghen ghét… tất cả những mối hiểm họa ấy như dâng tràn trong
thế giới hôm nay, khiến cho lòng người đầy bất an. Xin Chúa thương ban bình an
của Chúa cho chúng con, sự bình an đích thực trong tâm hồn như lời Chúa đã hứa.
Chưa bao giờ con người lại phải đối diện
trước những lo âu, bối rối, sợ hãi và bất an như ngày hôm nay. Chiến tranh,
thiên tai, bệnh tật… xảy ra hàng ngày. Thất nghiệp, vật giá leo thang, trộm
cắp… gia tăng đến mức báo động. Ly dị, phá thai, bất trung, tệ nạn
xã hội …không ngừng gia tăng. Vì thế hơn lúc nào hết, con người ngày hôm nay
luôn khao khát có được cuộc sống bình an. Để chốn chạy nỗi lo sợ, buồn phiền,
bất an, con người thường chỉ biết dựa vào của cải vật chất để trấn an tâm hồn
đấy bất an. Chẳng hạn như: Mua bảo hiểm xe cộ, nhà cửa, nhân mạng, y
tế…Hằng đêm mơ mộng để đánh con số đề, mua tấm vé kiến thiết hy vọng bớt đi
những lo âu về tiến bạc. Kẻ thì lao mình vào rượu chè và những thú vui khác để
tìm những phút giây thoải mái quên đi chuyện đời. Người thì uống thuốc an thần
để đi tìm giấc ngủ hy vọng quên đi những muộn phiền. Kẻ đễ tin thì đi tìm thầy
bói, thầy tướng, thầy số để kiếm tìm hậu vận tương lai. Người giàu có thì gởi
tiền vàng vào ngân hàng để được an tâm. Nhưng tất cả việc làm ấy chỉ là giải
pháp tạm thời, thiếu căn bản và không bền vững nên không đem lại nguồn bình an
đích thực cho tâm hồn. Vì thế Chúa Giêsu nói với các tông đồ: “sự bình
an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban
tặng” (Ga 14, 27).
Bình an của Ngài không phải là thứ bình
an bên ngoài, giả tạo. Nhưng là bình an bên trong, nghĩa là không giống như sự
yên ổn hay hòa bình, vì yên ổn hay hòa bình là ở bên ngoài còn bình an thì ở
bên trong.
Bình an là tình trạng tâm hồn đang tương
quan tốt với Thiên Chúa và tha nhân. Bình an của Chúa là bình an khi có Chúa
làm chủ đời sống mình, luôn tin tưởng, phó thác và vâng theo ý Chúa trong mọi
cảnh huống của cuộc đời. Bình an của Chúa là có một tâm hồn trong sạch, được
giao hòa với Chúa và anh em. Bình an của Chúa ban tặng còn được hiểu là bình an
với anh em mình. Sống hoà thuận với nhau, không thấy mình có điều gì làm phiền
lòng anh em và thấy anh em không có điều gì làm phiền lòng mình.
Chỉ có bình an của Chúa mới làm cho chúng
ta được hạnh phúc. Bởi vì bình an là thông hiệp với Thiên Chúa. Chúa Giêsu nhờ
thông hiệp mật thiết với Thiên Chúa Cha nên Ngài luôn thấy bình an ngay khi kẻ
thù đang đến gần và sắp giết chết Ngài.
Thế giới ngày hôm nay như đang sống trên
một lò lửa. chíến tranh, khủng bố, thiên tai, động đất, khủng hoảng kinh tế, ô
nhiễm môi trường…, thế gian chưa có bình an nên Bình An của Chúa Giêsu ban tặng
vẫn còn nguyên giá trị cho nhân loại, cho những tâm hồn đang khắc khoải tìm
kiếm bình an trong cuộc sống. Mỗi người phải có bình an của Chúa mới có thể
sống an bình với mọi người. Muốn có bình an ở bình diện lớn thì phải bắt đầu từ
những bình diện nhỏ, là nơi mỗi người chúng ta. Không ai cho cái mình không có.
Sự bình an bắt đầu từ lòng mình rồi mới lan tỏa ra xã tắc nhân quần, như cổ
nhân nói: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Suy niệm 1: Cv 15, 1-6.
Công cuộc truyền giáo cho dân ngoại của
Phaolô và Barnaba luôn vấp phải phải những khó khăn và sự chống đối.
- Khó khăn trong chọn lựa: cần phải giữ
những gì và nên bỏ những gì khi người dân gốc Do Thái và dân ngoại gia nhập
Kitô giáo? Cụ thể là 2 vấn đề chính: Dân ngoại có phải cắt bì và giữ Lề Luật
như người gốc Do Thái khi tin theo Kitô Giáo không? Nếu buộc dân ngoại tuân giữ
thì lại ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa của họ. Còn nếu chuẩn miễn thì gặp
phải sự chống đối của người gốc Do Thái.
- Chống đối bởi người Do Thái: Đọan sách
Cvtđ hôm nay nói đến sự chống đối quyết liệt của người Do Thái nhằm bảo vệ quan
điểm mình. Họ từ Giuđa đã đến tận Antiôkhia để tỏ thái độ chống đối Phaolô và
Barnaba bằng cách buộc những tín hữu gốc dân ngoại phải cắt bì: "Nếu
anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Mô-sê, thì anh em không thể được cứu
độ". Chính vì lý do này đã khiến cho Phaolô và Barnaba phản ứng
lại mạnh mẽ với họ. Cuối cùng, Phaolô và Barnaba cùng với một vài người khác
phải về Giêrusalem gặp các Tông đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh
luận này.
Điều này làm cho chúng ta nghĩ đến việc
truyển giáo tại quê hương Việt Nam lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là
trong việc thờ cúng tổ tiên. Nhưng tạ ơn Chúa vì Giáo Hội chúng ta đã nhận ra
và đã hội nhập dễ dàng nên công cuộc truyền giáo tại Việt Nam đã lan tỏa nhanh
chóng.
Là người Việt Nam, xin cho chúng ta biết
trân quý những giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của cha ông để lại. Tuy
nhiên, nếu có sự khác biệt không thể dung hòa giữa truyền thống dân tộc và đức
tin, chúng ta cần tìm đến ánh sáng Lời Chúa soi dẫn, nhất là đến những nhà hữu
trách để được hướng dẫn để chúng ta có cách ứng xử theo đúng ý muốn của Chúa và
GH.
Suy niệm 2: Ga 15,1-8.
Chúa Giêsu dùng hình ảnh quen thuộc là
cây nho, để nói lên sự gắn kết sâu xa giữa Ngài với Chúng ta. Vì tình yêu Chúa
Giêsu ở lại với chúng ta và mong muốn chúng ta ở lại trong Ngài để tiếp nhận sự
sống dồi dào Ngài thông truyền cho chúng ta. Nhờ thế chúng ta mới có thể trổ
sinh nhiều hoa trái tốt lành dâng cho Chúa và dành cho nhau.
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu sánh ví Ngài
như là cây nho được Chúa Cha trồng xuống thế gian. Chúng ta được ví như là
những cành kết hiệp trong cùng một cây nho là Chúa Giêsu.
Mục đích của người trồng nho là để thu
hoạch hoa trái. Nên các cành của cây nho phải sinh nhiều hoa trái thì mới làm
vui lòng ông chủ. Khi sánh ví chúng ta là cành nho thì đồng thời Chúa Giêsu
cũng mời gọi chúng ta sinh nhiều hoa trái là các việc lành phúc đức
để Thiên Chúa được vinh hiển.
Nhưng để cành nho sinh nhiều hoa trái,
cần phải có hai điều kiện:
Thứ nhất gắn liền với thân nho. Cành nào càng gắn kết với với thân nho thì càng tươi tốt và sinh nhiều
hoa trái.
Cũng vậy để có đời sống sung mãn và
sinh nhiều hoa trái thiêng liêng tốt lành. Chúng ta phải liên kết
chặt chẻ với Chúa Giêsu bằng đời sống cầu nguyện và năng nhận lãnh các bí tích
nhất là bí tích Thánh Thể.
Thứ hai phải được chăm sóc và chịu cắt
tỉa. Niềm vui của người trồng nho là vườn
nho ông trồng sinh thật nhiều hoa trái tốt. Vì thế chủ vườn nho không ngừng
chăm sóc và cắt tỉa.
Cũng vậy, để sinh thật
nhiều hoa trái tốt lành, Thiên Chúa không ngừng chăm sóc chúng ta bằng Giáo
huấn và các Bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, đồng thời Chúa cũng
hằng cắt tỉa chúng ta bằng cách cho phép sự dữ, thử thách, thất bại và đau khổ…
xảy ra trong cuộc sống. Việc làm đó là cần thiết để ta chiến đấu không ngừng,
hầu mỗi ngày nên thanh sạch và mạnh mẻ hơn.
Xin cho chúng ta biết sống gắn bó mật
thiết với Chúa và với nhau, luôn tin tưởng phó thác vào ơn ban của Chúa; nhất
là can đảm để Chúa cắt tỉa đời mình mỗi ngày. Nhờ thế, cuộc sống ta mới có thể
sinh được nhiều hoa trái tốt lành mà phụng sự Chúa và phục vụ ích lợi cho nhiều
người.
Suy niệm 1: Cv 15, 7-21.
Bài đọc 1, sách công vụ tông đồ hôm nay
đề cập đến cuộc xung đột xảy ra giữa Phaolô và Barnaba với những tín hữu gốc Do
Thái, và hướng giải quyết của Hội Thánh.
1. Xung đột xảy xa.
Như chúng ta biết hành trình truyền giáo
lần thứ nhất của Phaolô và Barnaba gặp phải một khó khăn lớn, phát xuất từ hai
phía:
- Từ phía dân ngoại: Họ cũng có những văn
hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông họ cần phải tôn trọng.
- Từ phía tín hữu gốc Do Thái giáo: Họ
cũng muốn gìn giữ bảo vệ những tập tục và luật lệ truyền thống của cha ông họ
như: cắt bì, ăn thịt cúng, và luật Môsê.
Để hội nhập vào nền văn hóa của dân
ngoại, Phaolô và Barnaba đã chuẩn miễn cho những người tin theo Chúa gốc ngoại
giáo không phải cắt bì và giữ luật Môsê. Nhưng việc này đã gây ra sự chống đối
mạnh mẽ đối với tín hữu gốc Do Thái. Họ đã đến giáo đoàn Antiôkhia tuyên truyền
rằng: (1) Phaolô và Barnaba không phải là người hợp pháp do các tông đồ từ cộng
đoàn mẹ Giêrusalem gửi đến và kêu gọi mọi người đừng nghe theo. (2) Để được cứu
độ không chỉ tin vào Chúa Giêsu mà còn phải cắt bì và giữ luật Môsê nữa. Chính
vì thế mà đã xảy ra xung đột nảy lửa giữa Phaolô, Barnaba với những người tín
hữu gốc Do Thái.
2. Cách giải quyết xung đột.
Các tông đồ triệu tập họp công đồng chung
tại Giêrusalem, để lắng nghe tiếng nói mọi người, nhằm đưa ra những quyết định
thực hành.
- Lắng nghe:
Lời phát biểu của Phêrô là tông đồ
trưởng: ông nhắc lại kinh nghiệm mà ông có được khi là người đầu tiên được TC
mời gọi đem Tin Mừng cho dân ngoại, cụ thể là gia đình ông Cornêliô. Rồi khuyên
mọi người đừng “quàng vào cổ các môn đệ một cái ách”. Với lời
khẳng định nhờ tin vào Chúa Giêsu mà được cứu độ chứ không phải chỉ giữ lề
luật: “chính nhờ ân sủng Chúa Giêsu mà chúng ta tin mình được cứu độ”.
Lời phát biểu của Phaolô và Barnaba: Hai
ông chỉ kể lại những biến cố mà hai ông trãi qua trong quá trình truyền giáo.
Cho thấy chính Thiên Chúa đã dùng hai ông để rao giảng, làm dấu lạ cho dân ngoại
và họ đón nhận ra sao. Tất cả như để xác tín và củng cố cho lập trường của
Phêrô.
- Hướng giải quyết.
Tông đồ Giacôbê, Giám mục Giêrusalem đã
dung hòa bằng phán quyết: Không được gây phiền hà cho các tín hữu gốc dân
ngoại, nghĩa là không đòi buộc họ cắt bì và giữ luật Môsê. Khuyên họ giữ một ít
tập tục: kiêng thức ăn ô uế, tránh gian dâm, kiên găn tiết hay loài vật không
cắt tiết (vật chết ngạt).
Lời đề nghị này đã làm hài lòng các tín
hữu gốc dân ngoại cũng như gốc Do Thái.
Đời sống đạo của chúng ta có lúc cũng gặp
phải những khó khăn, ước gì chúng ta cũng biết tìm đến các vị hữu trách
để xin sự hướng dẫn của các ngài. Cũng vậy nếu trong đời sống gia đình hay cộng
đoàn chẳng may xảy ra xung đột, ước gì chúng ta cũng biết bình tỉnh ngồi lại để
lắng nghe và thông cảm cho nhau. Nhất là biết dựa trên giới luật tình yêu của
Chúa và giáo huấn của GH mà tìm đến lợi ích chung trong đời sống.
Suy niệm 2: Ga 15, 9-11.
Người đời thường nói: “Yêu là khổ, không
yêu thì lỗ, thà chịu khổ chứ không chịu lỗ”. Nhưng cái khổ lớn nhất không phải
là yêu mà là bị người mình yêu từ chối tình yêu. Đúng vậy, yêu mà bị phản bội
thì đau tê tái lòng. Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã thí mạng mình
vì chúng ta và mong muốn chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài. Nhưng nhân loại
hình như đã hững hừ trước tình yêu của Chúa. Vì thế Ngài tha thiết kêu mời
chúng ta: “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”, bằng cách tuân giữ giới
răn của Ngài. Khi ấy ta cảm nhận được niềm vui trọn vẹn.
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu tha thiết mời
gọi: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. Chúa Giêsu
là tình yêu hữu hình của Chúa Cha dành cho chúng ta những người con yêu dấu của
Chúa. Chính tình yêu, Chúa Giêsu chấp nhận sinh ra mang thân phận con người để
ở giữa loài người chúng ta; chính tình thương, Chúa Giêsu đã chấp nhận chịu
đói, chịu khát… và bôn ba đi khắp các nẻo đường đất nước Do Thái để rao giảng
Tin mừng, làm phép lạ cứu chữa những ai đau khổ; cũng chính vì yêu, Chúa Giêsu
chấp nhận đi vào con đường thập giá chịu đau khổ và sẵn sàng đón nhận cái chết
đau đớn trên thập giá vì tội lỗi chúng ta. Rồi Chúa đã phục sinh vinh hiển mang
đến niềm vui sống lại cho tất cả chúng ta. Nhưng vì muốn ở lại mãi với con
người, Chúa Giêsu đã ban lời giáo huấn và giới luật yêu thương. Chúa cũng thiết
lập các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể, qua đó ở lại mãi với chúng ta.
Tình yêu Chúa thật quá cao vời. Sẵn sàng
chấp nhận mọi đau khổ, hy sinh và cả tính mạng để được “ở lại” với con người
chúng ta. Vì thế, Chúa cũng mong mỏi chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài nên tha
thiết mời gọi: Hãy ở lại trong tình thương của Ngài”.
Ở lại trong tình thương của Chúa được thể
hiện qua việc tuân giữ giới răn của Ngài. Bởi lẽ thánh Phao-lô trong
gửi tín hữu Rôma đã nói: “Không sống theo luật, luật mới do Thánh Linh
là sống phản với Thánh Linh, mà Thánh Linh chính là tình yêu Thiên Chúa”.
Thánh Gioan cũng nói: “Ai giữ luật Chúa thì ở lại trong Ngài và Ngài ở
lại trong kẻ ấy”. Không ai có thể nói tôi yêu mến Chúa mà không thực hiện
lời Ngài.
Kinh nghiệm cho thấy: khi tôi yêu mến ai
thì bất cứ việc to, việc nhỏ, việc nặng, việc nhẹ người ấy nhờ tôi, tôi sẵn
sàng làm, có khi người ấy không nhờ tôi cũng làm miễn sao đẹp lòng người mình
yêu. Như thế muốn ở lại trong tình yêu Chúa, chúng ta phải thực hành lời Chúa.
Nghĩa là thực hiện điều Chúa truyền dạy, mà lời dạy của Chúa là giới răn yêu
thương. Trung thành sống trọn tình mến Chúa, yêu người là ta đã ở lại trong
Chúa và khi đó chúng ta sẽ được Chúa ban cho niềm vui trọn vẹn là được sống mật
thiết với Chúa ngay ở đời này và mãi đời sau.
Suy niệm 1: Cv 15, 22-31
Để dễ nhớ đoạn sách Cvtđ hôm nay, ta có
thể chia đoạn này làm hai phần:
- Phần đầu: liệt kê danh sách phái đoàn được các tông đồ và kỳ mục của Hội Thánh
Giêrusalem cử đến Antiôkhia gồm có: Ngoài Phaolô và Barnaba, còn có ông
Giuđa và Xila là những người có uy tín trong Hội Thánh. Khi đến nơi, các ông
triệu tập cộng đoàn lại để công bố bức thư.
- Phần thứ hai: nội dung của bức thư, gồm ba điểm:
1. Lời chào thăm của các tông đồ và kỳ
mục gửi đến anh em gốc dân ngoại tại Antiokhia, tại Xyria và Kilikia. Ngay sau
đó là 3 lời xác nhận chính thức: (1) Những người Do Thái đến gây rối trước đây làm
xáo trộn và gây hoang mang cho các tín hữu là những người bất hợp pháp. (2)
Phaolô và Barnaba chính là người anh em thân mến với chúng tôi và đã cống hiến
cuộc đời vì danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. (3) Xác nhận ông Giuđa và
Xila chính là người được Hội Thánh cử đến để trình bày trực tiếp về những quyết
định của công đồng.
2. Quyết định chính thức của Công đồng
dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần như sau: Không bắt tín hữu gốc dân ngoại
cắt bì và giữ luật Môsê, nhưng khuyên giữ vài điều cần thiết như: tránh gian
dâm, không uống tiết, không ăn thịt không cắt tiết và đồ cúng cho ngẫu tượng.
3. Cuối cùng là lời khuyên nhủ họ cẩn
thận giữ những điều mà Hội Thánh hướng dẫn và chúc họ được an mạnh.
* Sau khi nghe xong bức thư, họ vui mừng
vì lời khích lệ đó.
Những xung đột xảy ra trong cuộc sống là
không tránh khỏi. Ngay trong cộng đoàn Họ đạo hay gia đình cũng thường xuyên
xảy ra. Vậy ta làm thế nào để giải quyết êm đẹp những xung đột ấy? Sách Cvtđ
hôm nay gợi mở cho chúng ta đường hướng tốt nhất:
- Trước tiên, cùng nhau ngồi lại để tìm
cách giải quyết vấn đề.
- Thứ đến, theo sự hướng dẫn của Thánh
Thần để tìm ra đâu là sự thật nền tảng mọi người phải giữ, những gì có thể dung
hòa, và những gì có thể chuẩn chước được.
- Sau đó, phải khiêm nhường bỏ thói quen
của mình, hy sinh chấp nhận ý kiến chung, và giải quyết vấn đề trong tình yêu
thương anh em; chứ không ra lệnh theo thói cha ông.
Xin Chúa cho chúng ta luôn biết khiêm tốn
nghe theo sự hướng dẫn của Thánh Thần để tìm ra sự thật. Nếu mình có sai trái,
lỗi lầm thì can đảm nhận lỗi mà sửa đổi. Nếu người khác có sai trái thì hãy
dùng tình thương mà sửa lỗi cho nhau theo lời dạy của Chúa và tinh thần của
Công đồng Giêrusalem.
Suy niệm 2: Ga 15, 12-17.
Trước khi về cùng Thiên Chúa Cha, Chúa
Giêsu đã để lại cho các môn đệ cũng như cho tất cả chúng ta lời nhắn nhử yêu
thương: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã
yêu thương anh em”.
Yêu thương theo lệnh truyền của Chúa
không chỉ là yêu thương người thân cận như chính mình. Nhưng là yêu thương tất
cả mọi người không phân biệt bạn hay thù bằng một tình “yêu như Chúa
yêu”. Yêu nhưng không và sẵn sàng hy sinh ngay cả mạng sống cho
người mình yêu. Xin cho chúng ta có được tình yêu như Chúa để xứng đáng được
gọi là bạn hữu của Chúa.
“Anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em”. (Ga 15,
12). Yêu thương nhau không thôi thì chưa đủ, Chúa Giêsu muốn
các môn đệ của Ngài, trong đó có tôi và bạn, phải yêu như Ngài yêu! “Yêu
như Chúa yêu” là biết chấp nhận tất cả những cái hay cái dở,
những tính hư nết xấu và tất cả những sự bất toàn và yếu đuối … của tha nhân.
Yêu thương như Thầy là phải biết kiên
nhẫn trước những yếu đuối lỗi lầm, trước những giới hạn về niềm tin cũng như về
mặt nhân bản của tha nhân.
Yêu như Chúa Giêsu là biết quan tâm
tới những nhu cầu cần thiết của tha nhân. Sự quan tâm ấy không phải chỉ
bằng lời nói, nhưng còn bằng những hành động rất cụ thể và thiết thực.
Chính Chúa Giêsu đã yêu chúng ta nên
đã chấp nhận, kiên nhẫn trước tất cả mọi ưu khuyết điểm: cái hay cũng như cái
dở, cái đẹp cũng như cái xấu, cái giỏi cũng như cái dở của chúng ta. Ngài đã
không ngừng quan tâm và đáp ứng lại những nhu cầu chính đáng và không ngừng mời
gọi chúng ta hãy noi gương bắt chước Ngài bằng một tình yêu như Ngài yêu ta.
Suy niệm 1: Cv 16, 1-10.
Làm thế nào để việc loan báo Tin mừng có
kết quả tốt đẹp? Đoạn sách Cvtđ hôm nay sẽ soi sáng cho chúng ta một vài gợi ý
quý giá:
1. Biết quan tâm gắn kết giáo đoàn địa
phương với hội thánh.
Sau khi chia tay với Barnaba tại
Antiôkhia, Phaolô chọn Xila để trở lại thăm viếng các giáo đoàn cũ như Đécbê và
Lýtra. Tại đây ông bố về những quyết định của công đồng Giêrusalem liên quan
đến các tín hữu gốc dân ngoại như: không đòi buộc họ phải cắt bì và giữ luật
Môsê nữa, nhưng phải giữ một số tập tục như kiêng thức ăn ô uế, tránh
gian dâm và kiêng ăn tiết hay loài vật không cắt tiết. Tại mỗi nơi các ông đến
thăm viếng, điều quan trọng các ông quan tâm là truyền lại cho họ những chỉ thị
của công đồng Giêrusalem ban bố, để họ tuân giữ và khuyên nhủ họ. Nhờ đó
mà “các Hội Thánh được vững mạnh trong đức tin và mỗi ngày thêm đông
số".
2. Tìm kiếm nhân sự để đào tạo cho cộng
tác truyền giáo.
Trở lại Lytra Phaolô đã tìm thấy Timôthê,
mẹ ông là người Do-thái đã tin Chúa, còn cha là người Hy-lạp. Ông được các anh
em ở Lytra và Icônia chứng nhận là tốt. Nên Phaolô muốn Timôthê cộng tác truyền
giáo với mình. Phaolô đã đem ông đi làm phép cắt bì.
Tại sao phải cắt bì vì công đồng
Giêrsalem đã bãi bỏ? Có nhiều lý do: (1) đã được nói ở đây là vì nể các người
Do-thái ở những nơi ấy. (2) Vì mẹ của anh ta là người Do Thái nên con sinh ra
phải giữ luật Do Thái. (3) Nhằm giúp cho Timôthê dễ dàng hơn khi rao giảng
trong các hội đường người Do Thái, như Phaolô đã nói trong thư gửi tín hữu
Corintô: “Trở nên người Do Thái để chinh phục người Do Thái…” (1Cr
9, 19-23).
3. Phải lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa
Thánh Thần .
Dự tính ban đầu các ông là đi sang miền
Phygia va Galát để rao giảng tại Asia, nhưng Thánh Thần ngăn cản nên các ông
lại tiếp tục tới sát ranh giới Myxia và thử vào miền Bithynia, nhưng Thần Khí
Đức Giêsu cũng không cho phép. Các ông bèn đi qua miền Mysia mà xuống Troa. Tại
đây “ban đêm, ông Phaolô thấy một thị kiến: một người miền Makêđônia đứng đó,
mời ông rằng: “Xin ông sang Makêđônia giúp chúng tôi!”.“Sau khi thấy thị
kiến đó, lập tức các ông tìm cách đi Makêđônia, vì hiểu ra rằng TC kêu gọi các
ông loan báo Tin Mừng cho họ”.
Qua hai lần ngăn cản của Thánh Thần, nhất
là nhìn thấy thị kiến, Phaolô đã nhận ra ý Thiên Chúa nên ông đã lập tức tìm
cách đi Makêđônia, vì hiểu ra rằng Thiên Chúa muốn ông đem Tin Mừng của Chúa
đến Âu Châu, bắt đầu với các thành phố Hy-lạp.
Xin cho chúng ta biết mở rộng tâm hồn để
nghe theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong công cuộc loan báo Tin Mừng.
Nhất là luôn biết gắn kết với GH để hiệp nhất với nhau trong những đường hướng
truyền giáo; cũng như tích cực quan tâm đến việc đào tạo nhân sự kế thừa theo
tinh thần của Thánh Phaolô.
Suy niệm 2: Ga 15,18-21.
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu báo trước
cho các môn đệ biết cuộc sống theo Chúa sẽ gặp những thử thách và khổ cực như
Ngài. “ Nếu thế gian ghét anh em, anh em biết rằng nó đã ghét Thầy trước”.
Xin cho chúng ta luôn trung thành theo
Chúa dù phải bị người đời ghen ghét và bách hại, vì tin rằng mình đã thuộc về
Chúa.
Không phải ngày hôm nay, thế gian mới
ghét bỏ và bách hại những kitô hữu. Nhưng ngay từ xưa, Chúa Giêsu cũng đã bị
bao người khinh bỉ, hiểu lầm. Các nhà cầm quyền thì nghi ngờ; những Pharisêu,
kinh sư, tư tế thì chống đối kịch liệt; những người đồng hương thì xem thường,
phủ nhận…tất cả những thái độ đó cuối cùng đã đi đến chỗ độc ác là hành hạ và
giết chết Chúa.
Đến thời các tông đồ, các môn đệ Chúa
cũng gặp phải những đau khổ đúng như điều mà Chúa Giêsu đã nói. Khi thi hành sứ
vụ rao giảng, các tông đồ và các môn đệ khác luôn bị cấm đoán đe dọa, bắt bớ và
hành hạ đủ mọi thứ cực hình…, cuối cùng các ngài cũng kết thúc cuộc đời bằng
cái chết bi thảm.
Nối tiếp các tông đồ, Giáo hội ở khắp nơi
đều bị các nhà cầm quyền ghét bỏ, loại trừ, bách hại... Cụ thể ở Việt Nam
trong khoảng gần 300 năm đầu (1638-1886) đã có hàng trăm
ngàn người chịu đổ máu và hiến mạng sống mình để làm chứng cho niềm tin vào
Chúa.
Hôm nay dù trãi qua hơn 2000 năm, ấy vậy
mà Giáo hội nói chung và các kitô hữu nói riêng vẫn không ngừng bị xiết chặt,
ghét bỏ, trù dập, bắt bớ và giết hại khắp nơi trên thế giới. Khiến chúng ta
những người theo Chúa không ngừng phải lo lắng, sợ hãi và bất an…Nhưng với niền
tin tưởng vào sự quan phòng đầy yêu thương của Chúa. Chúng ta hãy an tâm phó
thác vào bàn tay uy quyền của Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét