SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN IV PHỤC SINH
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH
Lm Seoka
HAI NÉT ĐỘC ĐÁO
LÀM NÊN CHÂN DUNG NGƯỜI MỤC TỬ NHÂN LÀNH
Tin mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu đã
khắc họa lên bức chân dung đích thực của người mục tử nhân lành. Chân dung ấy
đã được Chúa Giêsu chấm phá bằng những đường nét hết sức tinh tế và sống động
như: “hy sinh” (x. Ga 10,11); “hiểu biết” (x. Ga 10,14); “quan tâm lo lắng” (x.
Ga 10, 10); “ thao thức tìm kiếm”…
Trong nhiều đường nét tinh tế ấy, nếu
chiêm ngắm kỹ, ta sẽ bắt gặp ngay hai nét chủ đạo làm nên cái hồn của bức chân
dung người mục tử nhân lành. Hai nét chủ đạo ấy là: “biết” và “hy
sinh”.
- Biết chiên: Để trở nên người mục tử nhân lành, trước hết phải “biết” rõ
chiên mình: Biết từng con chiên một trong đàn. Biết khi nào chiên đói để cho
ăn; khi nào chiên khát để cho uống. Biết con chiên nào lạc đàn để tìm về; con
nào gặp nguy hiểm để tiếp cứu. Hơn thế nữa, người mục tử còn phải biết cảm
thương những con chiên đang trong tình trạng mệt mỏi để dắt dìu và tận tâm yêu
mến lo lắng những con chiên bị bệnh tật để tìm cách chữa trị…
- Hy sinh: Có thể nói hy sinh chính là nét nổi bậc thứ hai làm nên cái hồn của bức
chân dung người mục tử nhân lành. Sức hấp dẫn và lôi cuốn nơi bức chân dung
người mục tử chính là “hy sinh” cho đoàn chiên: Hy sinh sức khỏe, thời giờ để
đi tìm đồng cỏ xanh tốt; ra sức khai thác nguồn nước mát trong lành cho chiên
uống no thỏa. Không quản khó nhọc để tắm rửa cho chiên được sạch sẽ; không ngần
ngại thức khuya dậy sớm để đưa chiên đi ăn và tối đưa chiên về nghỉ ngơi. Sẵn
sàng hy sinh giấc ngủ để canh giữ cho đoàn chiên được an giấc. Trên hết người
mục tử nhân lành còn phải anh dũng dám liều mạng sống mình chống lại sói dữ và
kẻ trộm để bảo vệ cho đàn chiên được sống và sống dồi dào. (x. Ga 10, 16).
Chúa Giêsu không chỉ khắc họa chân dung
tuyệt mỹ về người mục tử nhân lành bằng lời nói suông, bằng những nét vẽ vô
hồn. Nhưng Người còn khắc họa bức chân
dung ấy bằng chính đời sống trong suốt ba năm rao giảng Tin mừng, mà đỉnh cao
là cái chết đau thương trên thập giá. Trên đỉnh cao thập giá, Chúa Giêsu đã sẵn
sàng đổ hết máu và nước mình ra hầu hoàn thiện nét vẽ cuối cùng làm nên bức
chân dung mục tử không thể hoàn hảo hơn. Vì thế, Ngài không ngần ngại tự xưng
mình là đấng Mục Tử Nhân Lành, chẳng những cho dân Israel mà cho toàn
thể nhân loại ( x Ga 10,11-16). “Tôi chính là mục tử nhân lành, mục tử
nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” (Ga 10,11). “Tôi
chính là mục tử nhân lành, Tôi biết chiên của Tôi và chiên Tôi biết Tôi” (Ga
10, 15). “Để nhờ danh Người mà chúng ta được ơn cứu độ” (x.
Cvtđ 4, 12).
Hiểu theo một nghĩa nào đó, thì cha mẹ
cũng chính là mục tử nhân lành nơi gia đình và là chủ chăn của con cái
mình. Vì thế, cha mẹ cũng được kêu gọi trở nên người mục tử nhân lành theo
mẫu gương của Chúa Giêsu.
Xin cho bậc làm cha mẹ biết
quan tâm lắng nghe, tìm hiểu con cái để nhận ra tình trạng, tâm tư, nguyện vọng
thầm kín…của chúng mà chia sẻ, chăm sóc và hướng dẫn chúng kịp thời. Biết kiến
tạo gia đình mình trở thành mái ấm yêu thương hiệp nhất trong Chúa. Biết sẵn
sàng hy sinh bảo vệ con cái mình khỏi sa vào lưới ba thù: xác thịt, thế gian,
ma quỷ. Nhất là xin cho những bậc làm cha mẹ cũng biết hy sinh quảng đại
dâng hiến những người con ưu tú của mình cho Chúa và Giáo hội trong ơn gọi tu trì,
cũng như ước mong có nhiều bạn trẻ mạnh dạn dấn thân đáp lại tiếng Chúa kêu mời. Amen
LINH MỤC - NGƯỜI MỤC TỬ NHÂN LÀNH
“Công cuộc canh tân Hội Thánh cần được bắt đầu từ hàng Linh mục, vì thế,
ước mong các Giám mục và Linh mục Việt Nam không chỉ là người quản trị giỏi,
nhưng trước hết là người của Chúa và là những mục tử nhân lành”. (Sứ điệp Đại
hội Dân Chúa Việt Nam 2010, số 5). Xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh là
những chủ chăn đích thực như lòng Chúa mong ước, nhờ thế Hội Thánh Chúa được canh
tân mỗi ngày nên tốt đẹp hơn.
Nhờ bí tích truyền chức, linh mục trở
nên “Alter Christus” và được tham dự vào đức ái mục tử, tự hiến bản thân
mình để phục vụ Hội Thánh theo gương hiến thân của Đức Kitô.
Như Đức Kitô đã cảm thương với
dân chúng khi nhọc mệt, đuối sức ( x. Mt 9, 35-36; Ga 6, 15). Linh mục cũng
phải biểu lộ lòng cảm thương của mình cách chân thành và cụ thể đối với mọi
người mà mình gặp gỡ “anh em hãy vui với người vui, khóc với người
khóc” ( Rm 12, 15).
Như Đức Kitô đã yêu mến những
con chiên lạc đàn và vui mừng khi tìm gặp ( x. Mt 18, 12-14; Ga 8,11). Linh mục
cũng phải tìm đến những ngưuời đang sống trong cô đơn thất vọng; những người
tội lỗi, nhất là những người không mấy cảm tình với Giáo Hội…, vì họ cũng là
đối tượng của lòng thương xót Thiên Chúa. “Con Người đến để tìm và cứu
chữa những gì đã hư mất” (Lc 19,10).
Như Đức Kitô hằng biết rõ và
gọi tên từng người một (x. Ga 10, 3). Linh mục phải nỗ lực quan tâm và phục vụ
từng người trong Họ đạo mình, không loại trừ một ai.
Như Đức Kitô đã hy sinh hiến thân vì
tình yêu nhân loại (x. Ga 10, 15). Linh mục cũng hãy yêu thương chăm sóc cộng
đoàn mà Chúa trao phó. Người mục tử nhân lành không chỉ dẫn chiên đến đồng cỏ
xanh tươi và suối mát (x. Tv 23, 22), mà còn phải nuôi dưỡng đàn chiên
bằng chính sự sống mình qua việc hiến tế theo gương Chúa Giêsu (x. Ga 6,
56). Để có thể nói được như Chúa Giêsu đã nói: “Ta đến để chiên được
sống và sống dồi dào”. (Ga 10,10).
Như ngọn nến cháy hao mòn theo tháng ngày
để chiếu giãi ánh sáng; như hạt lúa mục nát để phát sinh sự sống mới, Linh mục
cũng phải chấp nhận tiêu hao đời mình từng giây phút để phục vụ cộng đoàn dân
Chúa. Người Linh mục giống Đức Kitô thì không trách khỏi qui luật “vượt qua”
chết để được sống (x. Ga 12, 25). Chính thánh Phanxicô Assisi cảm nghiệm quy
luật này và đã thốt lên những lời nghịch lý trong bài ca bất hủ: “Chính
lúc hiến thân là khi được nhận lãnh… Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn
đời”. Trên hết để thực hiện được vai trò người mục tử nhân lành, Linh
mục phải có Đức Ái Mục Tử vì đó là nguyên lý và động lực thúc đẩy Linh mục sống
xứng danh vai trò mục tử của mình.
Lạy Chúa Giêsu là mục tử tối cao, chúng
con là những Linh mục bước theo Chúa trong vai trò người mục tử.
Xin cho trái tim chúng con thuộc thuộc về
Chúa và thuộc về mọi người.
Xin cho trái tim chúng con biết yêu bằng
tình yêu hiến dâng.
Xin cho trái tim chúng con mở rộng đủ lớn
để chứa mọi người và từng người một.
Xin cho chúng con có trái tim của
Chúa để con say mê Chúa và say mê con người.
Xin cho chúng con luôn yêu Chúa, vì khi
yêu Chúa chúng con mới sẵn sàng hy sinh đời mình bảo vệ đoàn chiên và dẫn đưa
đoàn chiên đến với Chúa là nguồn sống đích thực. Amen.
Thứ hai
Đoạn sách Cvtđ hôm nay ghi lại cuộc đối thoại giữa Phêrô và những người tín
hữu gốc Do thái về vấn đề: có nên mở cửa để tiếp nhận dân ngoại vào ngôi nhà
Hội Thánh theo lệnh truyền của Chúa Giêsu Phục sinh “các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân
danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền
cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20); hay là đóng chặt cửa để
bảo toàn những giá trị truyền thống?
Với những người tín hữu gốc Do Thái thì không được vượt ra những luật lệ
truyền thống như: vào nhà dân ngoại, ăn uống những thức ăn bị xem là ô uế; nhất
là phải giữ luật cắt bì. Nên nghe biết sự việc ông Phêrô vào nhà ông Cornêliô
là người ngoại ăn uống, giảng dạy giáo lý và rửa tội cho ông và cả gia đình mà
không phải giữ luật cắt bì, đã làm cho họ khó chịu. Do đó, ngay khi Phêrô đặt
chân về Giêrusalem thì họ kéo đến để phản đối việc làm của Phêrô.
Nhưng sau khi lắng nghe Phêrô giải thích về những gì ông làm không phải là
sáng kiến của ông mà là do ý muốn của Thiên Chúa. Bằng việc trưng dẫn hai thị
kiến kỳ lạ đã xảy ra với ông và với ông Cornêliô đã làm cho chính Phêrô đã hiểu
ra rằng:“Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng
ta”. Sau khi lắng được lời giải thích của Phêrô, các tín hữu ở
Giêrusalem đã bị thuyết phục và họ đã thay đổi cái nhìn về dân ngoại. Họ cũng
nhận ra rằng: “Thiên Chúa cũng ban cho dân ngoại ơn sám hối để được sự
sống”.
Bế quan tỏa cảng để gìn giữ và bảo toàn hay là mở rộng cửa nhằm tiếp nhận
cái mới làm phong phú và hoàn thiện hơn? đó luôn là vấn đề được đặt ra để bàn
luận không những trên bình diện vĩ mô mà còn vấn đề được đặt ra trên bình diện
vi mô, cụ thể nơi các gia đình hôm nay, khi mà quyền chính kiến mỗi người được
tôn trọng.
Xin cho các thành viên trong gia hiểu
rằng: gìn giữ bảo vệ những giá trị truyền thống cha ông là điều đáng trân quý,
nhưng nếu vì tục lệ truyền thống mà gây bất ổn xã hội và làm tổn hại đến môi
trường thì cũng nên xét lại. Nhất là với các gia đình Công giáo khi có những
bất đồng quan điểm xảy ra thì phải biết lấy Lời Chúa và đường hướng của GH làm
nền tảng để giải quyết vấn đề. Bởi ta tin rằng Lời Chúa là chân lý và Giáo huấn
GH là lẽ khôn ngoan hướng dẫn chúng ta. Đó cũng là chọn lựa khôn ngoan của
thánh Phêrô: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là
vâng lời người phàm”(Cvtđ 5,32).
Suy
niệm 2: Ga 10,11-18
Đoạn tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho
chúng ta biết những đặc tính cần phải có của người mục tử nhân lành:
1. Dám hy sinh mạng sống mình: Đoàn chiên không phải là của người chăn thuê, nên anh ta
không thiết tha gì để bảo vệ đàn chiên. Mục tiêu của người chăn thuê thường là
vì lợi ích của bản thân. Vì thế khi có sói dữ tấn công, anh ta sẽ dễ dàng
bỏ mặt chiên cho sói dữ ăn thịt, còn anh ta thì sẽ tìm cách thoát thân. Còn mục
tử chân chính thì sẵn sàng đứng ra chống lại sói dữ để bảo vệ đàn chiên mình,
dù phải đối mặt với hiểm nguy, cho dù phải hy sinh mạng sống.
2. Biết chiên của mình: Cái biết của người mục tử không chỉ là cái biết chung
chung về số lượng, hời hợt về tên gọi. Nhưng mục tử đích thực phải biết chất
lượng: tình trạng, nhu cầu, ước muốn sâu xa của chiên mình. Cái biết đến độ
đồng thân, đồng phận, đồng cảm và đồng tử với chiên mình.
3. Quan tâm và đưa những chiên xa lạc về
đàn: Vì chiên cần có chủ chiên nên chủ
chiên phải quy tụ chiên vào cùng một đàn để chăm sóc, bảo vệ và nuôi dưỡng cho
chúng được sống và sống dồi dào. Do đó chủ chiên không chỉ quan tâm đến chiên
trong đàn mà còn tìm cách để đem các chiên ngoài đàn về, để chúng được hiệp
nhất trong cùng một đàn dưới sự hướng dẫn của cùng một chủ chiên.
Xin cho các vị chủ chăn sẵn sàng hy sinh
không chỉ thời giờ sức khoẻ mà cả mạng sống để phục vụ cho cộng đoàn được lớn
mạnh trong sức sống của Chúa.
Xin cho các vị chủ chăn cũng khiêm tốn
tìm hiểu và lắng nghe những tâm tư nguyện vọng chính đáng của mọi người trong
cộng đoàn mà sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu ấy bằng tình thương của người mục
tử nhân từ. Đừng vì tự cao, tự ái mà bỏ ngoài tai những đòi hỏi, nhu cầu chính
đáng của giáo dân. Xin cho các vị chủ chăn ngoài
việc lo lắng chăm sóc cho đàn chiên mình cho tốt, còn phải quan tâm đến những
con chiên ngoài đàn. Tìm mọi cách để dẫn đưa họ về với Chúa, hầu họ cũng được
sống trong tình thương chăm sóc của tình yêu Chúa.
Thứ ba
Suy niệm 1: Cv 11, 19-26.
Đoạn sách Cvtđ hôm nay gồm 2 phần:
- Phần thứ nhất: ghi lại thành quả tốt
đẹp của GH sau những ngày tháng lo sợ chạy trốn vì cuộc bách hại xảy ra nhân sự
kiện phó tế Stêphanô tử đạo tại Giêrusalem. Các môn đệ phải tản mác đến
các miền Phênixi, đảo Syp và thành Antiôkhia để trú ẩn. Tại những
nơi đây, các môn đệ chỉ rao giảng cho người Do Thái. Tuy nhiên trong
đó, có mấy người gốc Syp và Kyrênê, những người này, khi đến Antiôkhia, đã mạnh
dạn loan Tin mừng của Chúa cho người Hy-lạp nữa. Kết quả thật bất ngờ là “một
số đông đã tin và trở lại cùng Chúa”. Nhờ đâu mà có nhiều người ngoại
giáo tin theo Chúa như vậy? Thánh Luca cho biết đó là nhờ“bàn tay Chúa ở với
họ”. Nghĩa là nhờ vào sức mạnh và quyền năng Thiên Chúa phù giúp họ. Chính
tại Antiokhia mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu.
- Phần thứ hai: Đề cao đến tình hiệp thông
trong Hội Thánh. Khi nghe biết một số đông dân ngoại tại Antiokhia tin theo
đạo, thì các vị hữu trách của Hội Thánh tại Giêrusalem cử ông Barnaba đến để
chia sẻ niềm vui và củng cố đức tin cho các tín hữu ở đây bằng cách khuyên nhủ
họ hãy bền lòng gắn bó với Chúa. Rồi ông lên đường đi Tácxô để tìm Saolô về để
cộng tác với ngài lo cho giáo đoàn tại đây. Nhờ đó, giáo đoàn Antiokhia càng
thêm lớn mạnh. Qua đây cho thấy sự quan tâm, nâng đỡ kịp thời của
Hội Thánh. Điều này làm nổi bậc lên tính phổ quát và tình hiệp thông của GH
Công giáo.
Với cái nhìn của con người thì sự kiện Hội Thánh bị bách hại
gắt gao ở Giêrusalem là nỗi đau, nhưng với Thiên Chúa thì đó lại là cơ hội để
Tin mừng đến được với dân ngoại. Nhất là trong mọi hoàn cảnh GH
luôn biết quan tâm tìm hiểu để nâng đỡ cách tốt nhất trong tình hiệp thông.
Xin cho chúng ta luôn biết phó thác vào đường lối khôn ngoan
của Chúa và tin tưởng vào đường hướng của GH. Phần ta hãy luôn biết tận dụng
mọi hoàn cảnh để làm chứng tin mừng của Chúa theo gương các tín hữu Hy Lạp hóa
theo tinh thần nhiệt tâm của thánh Barnaba và Phaolô: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên
tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận
tiện; hãy biện bác, hãy khiển
trách, hãy khuyên lơn, hết tình đại lượng
và dụng tâm dạy dỗ” (2 Tim 4, 2).
Nhờ bí tích rửa tội, chúng ta trở thành
chiên của Chúa. Xin cho chúng ta hết lòng tin kính, vâng lời và sẵn sàng đi
theo sự hướng dẫn của Chúa Giêsu, vị chủ chăn tốt lành chúng ta.
Dù được nghe những lời giảng dạy và chứng kiến biết bao phép lạ Chúa làm,
nhưng những người Do Thái, cách riêng Biệt Phái và Kinh Sư vẫn không tin nhận
Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai. Do đâu mà họ không tin nhận và nghe theo lời của
Chúa Giêsu?
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết, vì họ không thuộc về đoàn chiên của
Ngài. Theo nghĩa phổ quát, mọi người đều là chiên của Chúa, vì mọi người đều
được Chúa yêu thương dựng nên và hy sinh đổ máu cứu chuộc. Tuy nhiên để trở
thành chiên thật thuộc về Chúa thì cần phải thỏa mãn hai điều kiện:
1. Tin nhận Chúa và chịu phép rửa tội. Vì giáo lý công giáo dạy: nhờ bí
tích rửa tội, chúng ta được thanh tẩy mọi tội lỗi, được làm con Chúa, được gia
nhập vào đoàn chiên Chúa là Giáo Hội.
2. Phải nghe theo lời Chúa là mục tử tối cao, cũng như tuân giữ mọi điều
răn và luật lệ Chúa truyền dạy với tình yêu mến.
Nhiều người Do Thái đã không thành tâm yêu mến Chúa, nên cho dù Chúa Giêsu
ở giữa họ, có giảng dạy và làm nhiều phép lạ, họ vẫn không tin nhận, vì họ
không thuộc đoàn chiên đích thực của Chúa.
Như Chúa Giêsu đã nói: chỉ những ai thuộc đoàn chiên Chúa, thì mới được
Chúa gìn giữ và ban cho sự sống đời đời .
Xin cho chúng ta biết tin kính và yêu mến Chúa Giêsu, đấng chăn chiên tốt
lành của chúng ta. Đồng thời cho chúng ta luôn là những con chiên ngoan hiền
của Chúa. Biết lắng nghe, vâng lời và thi hành điều Chúa chỉ dạy với tình con
thảo.
Kính Thánh Mátthia, Tông Đồ
Cv 1, 15-17. 20-26
Hòa nhịp cùng với GH hôm nay chúng ta
mừng kính thánh Matthia, tông đồ. Về thân thế, sự nghiệp và hoạt động của tông
đồ Matthia chúng ta không biết gì cả, bởi trong các sách Tin mừng không nói
đến. Ta chỉ biết được một chút thông tin về thánh Matthia qua đoạn sách Cvtđ
hôm nay.
Đoạn Sách Cvtđ hôm nay, thánh Luca trình
bày lại sự việc đề cử người để thay thế chỗ của tông đồ Giuđa Iscariốt còn bỏ
trống.
Với tư cách là tông đồ trưởng và đại diện
Hội Thánh, Phêrô đã đứng lên phát biểu trước cộng đoàn khoảng 120 người để nói
về số phận và cái chết bi thương của Giuđa Iscariốt vì ông đã chọn con đường
gian ác mà phản bội Chúa. Rồi đề nghị cộng đoàn lựa chọn ra người để thay thế
Giuđa Iscariốt với hai tiêu chuẩn được đề ra:(1) phải là người đã từng theo
Chúa Giêsu“kể từ phép rửa của Gioan cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và
được rước lên trời”. (2) Người ấy phải là chứng nhân cho sự phục sinh của
Chúa“phải có một người trở thành chứng nhân cùng với chúng tôi về cuộc Phục
Sinh của Người”. Xét theo hai tiêu chuẩn trên thì chỉ có ông Giuse (biệt
danh là Basaba, cũng gọi là Giútô) và ông Mátthia là hội đủ điều kiện được đề
cử. Sau khi cộng đoàn cầu nguyện và rút thăm thì ông Matthia trúng thăm và được
chọn vào vị trí tông đồ mà Giuđa Iscariốt bỏ trống.
Như vậy Matthia là tông đồ được chọn sau
cùng để lấp vào chỗ trống của Giuđa Iscariốt để lại. Ngài cũng là vị tông đồ âm
thầm nhất bởi các sách Tân ước không hề nhắc đến tên, tiếng nói hay một hoạt
động nào của ngài. Tuy nhiên nếu dựa vào hai tiêu chuẩn được đề ra để chọn lựa
vị tông đồ thay cho Giuđa Iscariốt ở trên, thì ta có thể biết được tông đồ
Matthia là một người trung thành theo Chúa Giêsu đến cùng; và là chứng nhân can
đảm cho Chúa Phục sinh. Nên ngài đã được cộng đoàn tin tưởng đề cử và được
Thiên Chúa yêu mến tuyển chọn.
Là con người, tự nhiên ai trong chúng ta
cũng thích được đứng đầu và muốn làm lớn. Sẽ rất buồn nếu là người đội sổ và bị
xem là kẻ bé nhỏ. Nhưng với thánh Matthia thì điều đó không quan trọng. Điều mà
ngài quan tâm là trung thành đi theo Chúa đến cùng để được “ở lại trong
tình yêu của Thầy”.
Nếu như người đời ai cũng thích làm nổi
để được nhiều người biết đến mà ca tụng, thì với thánh Matthia, tông đồ chỉ
mong muốn được làm chứng nhân âm thầm cho Chúa Phục sinh với hy vọng mọi người
tin nhận mà sống theo lệnh truyền yêu thương của Chúa chỉ dạy, nhờ đó mà được
vinh dự trở nên bạn hữu của Chúa Giêsu và hưởng được niềm vui trọn vẹn hôm nay
và mai này.
Xin Chúa ban cho chúng ta có được niềm
tin kiên vững để đi theo Chúa đến cùng theo gương thánh Matthia tông đồ. Nhất
là biết tích cực làm chứng nhân cho Tin mừng Phục sinh bằng đời sống bác ái yêu
thương mọi người như Chúa dạy, nhờ lời chuyển cầu của thánh nhân.
Thứ tư: Ga 12,44-50
Sống trong xã hội vàng
thau lẫn lộn, con người không còn khả năng phân biệt đúng sai, tốt xấu, thật
giả…vì thế, hơn bao giờ hết con người ngày hôm nay cần có ánh sáng thật soi
đường, chỉ lối.
Chúa Kitô, ánh sáng
thật, đến trần gian để soi đường chỉ lối. Xin cho chúng ta tin nhận và sống
theo sự hướng dẫn của Ngài.
Ánh sáng là chủ đề tài nổi bậc trong tin mừng:
Ngay những trang đầu của tin mừng, thánh Gioan đã cho biết
Chúa Giêsu chính “ là ánh sáng, ánh sáng thật, ánh sáng đến trần gian và chiếu
soi mọi người”.
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tự xưng là ánh sáng thế gian
và Ngài mời gọi con người đi trong ánh sáng của Ngài.
Từ hai ngàn năm qua, Ngôi Lời Thiên Chúa đã chiếu ánh sáng
Thiên Chúa vào trần gian. Người mang lửa xuống trần gian. Người mong ước cho
ngọn lửa ấy cháy bừng lên, lan rộng ra. Nhưng nhìn vào tình hình thế giới hôm
nay, ta thấy bóng tối vẫn còn vây phủ con người.
Bóng tối chết chóc của chiến tranh, hận thù, của ô
nhiễm môi trường, của đói nghèo, áp bức, phân biệt chủng tộc, của nền văn hóa
sự chết giết hại cả những mầm mống sự sống.
Bóng tối tội lỗi. Tội lỗi vẫn tiếp tục lan tràn. Sự dữ nổi
lên dưới nhiều hình thức khác nhau. Nguy hiểm nhất là người ta đánh mất cảm
thức về tội lỗi, thản nhiên sống trong tội, sống chung với tội lỗi.
Bóng tối của hận thù ghen ghét. Trong thế giới văn minh mà
con người hô hào hôm nay, vẫn còn có những người say máu giết hại đồng bào của
mình, gây nên tội ác diệt chủng. Vẫn có những thế lực đen tối ngấm ngầm gây chia
rẽ giữa các quốc gia, dân tộc, giữa các cộng đoàn, hội thánh...
Sống trong xã hội tràn ngập bóng tối của sự chết, của tội
lỗi và hận thù…như thế, Chúa Giêsu không ngừng mời gọi chúng ta phải chiếu
giãi trước mặt mọi người.
“Các con là ánh sáng thế gian”. Ngày nhận lãnh bí tích rửa
tội, Giáo Hội trao cho ta cây nến sáng để nhắc nhớ chúng ta hãy gìn giữ ngọn
nến ấy luôn cháy sáng mãi trong suốt cuộc đời.
Cây nến phục sinh mà người kitô hữu chúng ta thắp lên
trong đêm lễ phục sinh nhắc nhở chúng ta nhiệm vụ mang ánh sáng Chúa Kitô chia
sẻ cho mọi người chung quanh.
Xin Chúa giúp chúng ta tẩy sạch mọi bóng tối tội lỗi, để
thực sự được sinh lại cùng với Đức Giê-su. Trở nên con cái sự sáng bằng đời
sống tươi vui, an hoà, khiêm nhường, nhịn nhục, yêu thương, đoàn kết đến cho
anh em.
Thứ năm
Suy niệm 1: Cv 13, 13-25.
Sách Cvtđ hôm nay tiếp tục ghi lại cuộc hành trình truyền giáo lần thứ I
của Phaolô và Barnaba nơi vùng đất dân ngoại, ngoài lãnh thổ Giêrusalem. Có lẽ
cuộc hành trình truyền giáo này gặp rất nhiều vất vả, khó khăn nênmôn đệ
Gioan-Márcô đã rời bỏ nhóm mà trở về Giêrusalem, chỉ còn lại Phaolô và Barnaba.
Hai ông rời bỏ Paphô để vượt biển đến Antiokhia xứ Pisiđia. Tại đây, vào ngày
Sabath, Phaolô cùng với Barnaba vào hội đường người Do Thái để cử hành nghi
thức phụng vụ (đọc và nghe giải thích thánh kinh, học hỏi lề luật và cầu
nguyện). Tận dụng cơ hội này, Phaolô đã đứng lên giảng dạy. Nội dung bài
giảng của Phaolô chủ yếu là điểm lại những chặng đường lịch sử mà dân tộc Israel đã đi qua:
- Từ Aicập cho đến xuất hành khỏi cảnh nô lệ.
- Từ vượt qua hành trình 40 năm trong sa mạc cho đến vào đất
hứa.
- Từ thời các thủ lãnh đến thời quân chủ
- Cuối cùng là thời Messia đã được Gioan Tẩy Giả loan báo.
Đấng Messia ấy chính là Đức Giêsu-Kitô. Người đến để hoàn tất kế hoạch cứu độ
mà Thiên Chúa đã hứa với các tổ phụ.
Sau khi tóm tắt lại những chặng đường lịch sử mà dân tộc
Israel đã đi qua, Phaolô muốn chứng minh cho khán giả thấy rằng: Thiên Chúa là
Đấng luôn trung tín trong lời hứa với tổ phụ Abraham nên đã ban cho
Israel Đấng Cứu Độ xuất thân từ giòng dõi vua Đavid và Đất hứa làm gia
nghiệp.
Xin cho chúng ta luôn ý thức: Lời hứa rất quan trọng trong đời
sống. Nếu một người biết giữ lời hứa và thực hiện lời hứa, chứng tỏ người ấy
sống có trách nhiệm với bản thân và người khác, sẽ được người khác quý mến, tôn
trọng và tín nhiệm. Ngược lại, nếu nói mà không làm, thường xuyên thất hứa,
chứng tỏ người ấy sống thiếu trách nhiệm, không biết tôn trọng bản thân và
người khác, chắc chắn sẽ không được tôn trọng. Nên trước khi hứa với ai điều gì
ta nên cẩn trọng xem mình có khả năng thực hiện được không? Và nếu một khi đã
hứa, hãy cố gắng thực hiện!
Trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội, ta (hay cha mẹ thay ta)
đã hứa với Chúa và GH là từ bỏ tà thần và tuyên xưng đức tin, trung thành sống
với Chúa trong tình con thảo. Xin cho mỗi chúng ta luôn ý thức sống trung thành
với lời đã thề hứa ấy.
Nhất là xin cho các đôi vợ chồng trẻ luôn biết tôn trọng và
tuân giữ lời mình đã tự nguyện thề hứa trước mặt Thiên Chúa và cộng đoàn trong
ngày cử hành bí tích hôn phối mà trung thành với nhau trong đời vợ chồng, cho
dẫu phải đối mặt với những nghịch cảnh trong đời sống.
Các nhà xã hội học định nghĩa con người
là con vật có xã hội tính. Thật vậy “không ai là một hòn đảo”. Con người sống
là sống với, sống cùng, sống cho và sống nhờ… người khác. Tin mừng hôm nay,
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mở lòng đón tiếp những sứ giả Chúa với tấm lòng yêu
mến và hy sinh phục vụ. Yêu mến phục vụ các ngài chính là yêu mến và
phục vụ Chúa.
“Tôi tớ không lớn hơn chủa nhà, kẻ được
sai đi không lớn hơn người sai đi” (Ga 13, 16). Các tông
đồ là môn đệ Chúa nên các ông không thể bằng Chúa. Nhưng các ngài diễm phúc
được Chúa Giêsu đặt ngang hàng với Người. “Ai đón tiếp người Thầy sai
đến là đón tiếp Thầy”. Như thế, Chúa mời gọi chúng ta phải lưu tâm đón
tiếp và phục vụ những sứ giả của Chúa sai đến là các tông đồ. Tiếp nối các tông
đồ là các Linh mục. Các ngài cũng là những Chúa Kitô thứ hai. Do đó đón tiếp
các ngài là đón tiếp chính Chúa.
Trong Thánh Kinh chúng ta thấy còn ghi lại một vài nét đẹp của sự tiếp đón
đáng cho chúng ta bắt chước. Những gương sáng này vẫn luôn giữ được tính cách
thời sự của nó.
1. Ông Abraham.
Ông là một con người hiếu khách và quảng đại. Khi thấy ba khách lạ đang đi
trong sa mạc nắng cháy, không những ông mời mà còn năn nỉ họ vào nhà nghỉ và ân
cần săn sóc họ một cách chu đáo. Ba người khách lạ đó là ai ? Đó là ba sứ
giả của Thiên Chúa. Đáp lại tấm thịnh tình và lòng quảng đại của ông, ba sứ giả
ban cho vợ chồng hiến muộn này một đứa con trai đầu lòng. Đó là cậu Isáac.
2. Một gia đình ở Su-nêm.
Khi tiên tri Elia qua Su-nêm, một bà giầu có rất hiếu khách đã mời Elia vào
nhà dùng bữa với sự săn sóc tỉ mỉ. Bà còn dọn cho tiên tri một phòng trên gác
đầy tiện nghi để tiên tri có thể lui tới tự do. Đáp lại tấm lòng quảng đại của
bà, Elia cũng hứa ban cho bà một đứa con vì bà son sẻ: ‘Vào thời kỳ này, vào
độ này sang năm, bà sẽ có cháu trai bồng”
3. Gia đình ba chị em ở Bêtania.
Chúa Giêsu rất thương ba chị em này, mỗi khi đi qua Bêtania, Chúa và các
môn đệ thuờng ghé thăm chị em và nghỉ ngơi. Chị cả Matta rất hiếu khách, dọn
cho Chúa những bữa ăn ngon. Còn cô em Maria đón tiếp Chúa bằng cách
ngồi dưới chân Chúa mà nghe Ngài dạy dỗ, cách đón tiếp này cũng làm cho Chúa
rất hài lòng. Còn Lagiarô là đàn ông thì tiếp theo kiểu đàn ông là ăn uống và
chuyện trò với Chúa. Đáp lại sự đón tiếp ân cần và thành thực của ba chị em,
Chúa Giêsu đã làm cho Lagiarô sống lại sau khi chết bốn ngày.
Khi tiếp đón các tông đồ của Chúa, dĩ nhiên chúng ta phải mất mát : mất thì
giờ, mất tiền của, mất công... Nhưng tất cả sẽ được Chúa thưởng công cho ở đời
này hay đời sau. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa, đã tiên liệu cho chúng ta có những
người kế tiếp Chúa, là các Linh mục, để đem Chúa đến cho chúng ta và dạy bảo
chúng ta về đời sống đạo.
Chúng ta cầu xin cho các linh mục biết sống và thể hiện đầy đủ trách
nhiệm của mình trước mặt Chúa cho xứng đáng, để mọi người nhận ra khuôn mặt Đức
Kitô qua đời sống linh mục.
Thứ sáu
Suy niệm 1: Cv 13, 26-33.
Sau khi nhắc lại những chặng đường lịch sử mà dân Israel đã
trãi qua dưới sự dẫn dắt đầy khôn ngoan của TC, Phaolô tiếp tục dùng khung bài
giảng Kerygma (bài giảng truyền giáo) để khái quát về cuộc đời của Đức Giêsu
nơi trần thế và khẳng định mọi điều Thiên Chúa hứa ban nay đã được thành
toàn nơi Đức Kitô qua cái chết và sự Phục Sinh vinh hiển của Người.
- Về sự phục sinh của Đức Giêsu: Phaolô khẳng định chính Đức
Kitô đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ: "Trong nhiều ngày, Đức
Giêsu đã hiện ra với những kẻ từng theo Người từ Galilê lên Giêrusalem. Giờ đây
chính họ làm chứng cho Người trước mặt dân". Và Phaolô và Barnaba
chính là chứng nhân cho tin mừng ấy: "Còn chúng tôi, chúng tôi xin
loan báo cho anh em Tin Mừng này: Điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì
Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giêsu
sống lại, đúng như lời đã chép trong Thánh vịnh 2: Con là Con của Cha, ngày hôm
nay Cha đã sinh ra Con” (Tv 2, 7).
- Về cái chết của Đứcc Giêsu: Phaolô nhấn mạnh cái chết của
Đức Giêsu là do "dân cư thành Giêrusalem và các thủ lãnh của họ” gây
nên. Nhưng cũng như Phêrô, ngài cho biết sở dĩ họ giết Đức Giêsu là vì họ không
nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ.
+ Từ đó, Phaolô hướng mọi người nhìn về cái chết và sự phục
sinh của Đức Giêsu là kế hoạch cứu độ đầy khôn ngoan của TC, vì đã ứng nghiệm
lời ngôn sứ Isaia đã nói về Người Tôi Trung của TC. Và ông kêu gọi mọi
người sám hối, tin nhận Đức Giêsu để đón nhận ơn cứu độ.
Với cái nhìn đức tin, Phaolô cho thấy: dù con người có từ chối
và đóng đinh Chúa Giêsu trên Thập Giá, họ cũng không tài nào vô hiệu hóa được
kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, để từ nay, không những dân Israel mà mọi người
đều có thể nhận được ơn cứu độ.
Xin cho chúng ta biết phó thác đời mình cho kế hoạch đầy khôn
ngoan và giàu lòng yêu thương của TC.
Để cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu vẫn phải chấp nhận ngang qua
con đường thập giá. Vì thế thập giá chính là con đường mà chúng ta phải bước
theo nếu muốn được cứu độ. Xin cho chúng ta luôn can đảm sống tinh thần của
thánh Phaolô để sẵn sàng "cùng chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống
lại như Người".
Ngày xưa chưa có đường. Nhưng do đi lại
nên trở thành đường mà thôi. Muốn đi và đạt đến đỉnh hạnh phúc vinh quang ta
cần có con đường để đi. Con đường ấy chính là Đức Giêsu Kitô, Ngài đi từ trời
xuống và từ đất lên và trở nên đường đưa dẫn chúng ta về trời sum họp cùng với
Ngài trong nhà Cha. Xin cho chúng ta biết đi trên con đường mà chính Chúa đã
vạch ra hầu chúng ta đạt tới quê trời vinh phúc.
Sau một thời gian rời bỏ Việt Nam để tìm cho mình cuộc sống tự do nơi quê
hương xứ sở mới. Nay cuộc sống của hầu hết Việt Kiều ở nước ngoài đều ổn định
và sung túc. Trong khi đó những người thân của họ ở lại thì phải sống trong
cảnh khó khăn, vất vã. Với chính sách đoàn tụ gia đình, những năm gần đây,
nhiều việt kiều đã về nước để bảo lãnh người thân của mình sang để sum họp gia
đình và hưởng được cuộc sống tiện nghi thoải mái. Tuy nhiên để được đoàn tụ với
người thân bên nước ngoài, công dân việt nam phải thoả mãn nhiều điều kiện....
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho các tông đồ biết : Ngài sẽ ra đi để
dọn chỗ cho các ông, rồi một ngày nào đó, Chúa sẽ trở lại, đem các ông lên ở
với Chúa trên nhà Cha trên trời, để hưởng vinh phúc đời đời. Tuy nhiên để được
đoàn tụ với Chúa Giêsu trên quê hương thiêng đường, Chúa cũng đòi hỏi chúng ta
phải thoả mãn các điều kiện mà Chúa đưa ra. Đó là đi đúng con đường của Chúa đã
đi, tuân giữ chân lý mà Chúa đã truyền và hiệp thông trong sự sống của Chúa.
Con đường mà Chúa Giêsu đi là con đường hẹp, con đường thập giá. Chấp nhận
hy sinh, gian khổ để thi hành những giời răn mà Chúa đã chỉ dạy. Biết khiêm
tốn, hạ mình chấp nhận thiệt thòi để phục vụ tha nhân với tình yêu mến.
Cố gắng sống theo chân lý mà Chúa đã dạy. Chân lý ấy là sống yêu thương.
Yêu không chỉ những người thân cận, không phải những kẻ yêu mình mà tình yêu
phải quy chiếu vào tình yêu của Chúa Giêsu: “Yêu như Chúa yêu”,
tình yêu ấy phải dành cho hết mọi người, không phân biệt một ai, ngay cả kẻ
thù.
Ý thức nổ lực sống hiệp thông với Chúa, bằng việc lắng nghe và thi hành Lời
Chúa cũng như tha thiết kết hiệp với Chúa qua việc kính yêu và năng đón nhận
Mình Thánh Chúa. Nhờ thế sự sống và sức mạnh Chúa tuôn chảy trong ta. Như nhựa
cây cần thiết để nuôi sống cây nho và cành nho thế nào thì linh hồn chúng ta
cũng cần đến Lời Chúa và Mình Thánh Chúa như thế.
Mục đích một đời sống đạo là hạnh phúc thiêng đàng. Nhưng để đạt được
điều mong đó, không gì khác hơn là chúng ta phải đi theo đường Chúa đã đi, sống
theo chân lý mà Chúa đã sống và chỉ dạy, nhất là phải luôn sống bằng sức sống
của Chúa qua việc thi hành Lời Chúa và năng kết hiệp với Chúa nơi bàn tiệc
Thánh Thể.
Thứ bảy
Suy niệm 1: Cv 13, 44-52.
Với chủ đích ban đầu của các môn đệ là loan báo Tin mừng Cứu
độ chủ yếu cho người Do Thái nên Phaolô và Barnaba luôn tận dụng Hội đường để
rao giảng. Lần này cũng vậy, Phaolô và Barnaba đến Hội đường vào ngày Sabath để
rao giảng theo lời mời của một số người Do Thái. Tuy nhiên lần này hai ông lại
bị chống đối quyết liệt bởi những người Do Thái quá khích.
Hai lý do họ chống đối Phaolô và Barnaba là:
- Thứ nhất vì ghen tương: Họ không muốn Phaolô và Barnaba có
ảnh hưởng trên đám đông; vì nếu đám đông nghe theo Phaolo va Barnaba thì họ sẽ
không còn ảnh hưởng trên dân chúng nữa. Họ không muốn thấy ai được phép bằng
họ.
- Thứ hai vì quan niệm hẹp hòi: Truyền thống Do Thái quan niệm
chỉ có họ mới là con Thiên Chúa và có đặt quyền nghe lời của Thiên Chúa. Giờ
đây cả dân ngoại cũng được làm con Thiên Chúa và được nghe lời Thiên Chúa thì
họ đâu còn chi đặc biệt nữa. Nên khi “thấy đám đông dân chúng, thì
đâm ghen tương, nói lộng ngôn, chống lại các điều Phaolô giảng dạy”.
Cách giải quyết của Phaolô và Barnaba trước sự chống đối:
1. Bình tĩnh can đảm giải thích: Lẽ ra "Anh
em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh
em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì
đây chúng tôi quay về phía dân Ngoại".
2. Dùng Lời Chúa để minh chứng: Phaolô và Barnaba đã trích lại
lời Thiên Chúa trong sách Isaia để cho thấy việc rao giảng Lời của Chúa cho dân
ngoại chính là lệnh truyền của Thiên Chúa: “Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn
dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng
cõi đất." (Is 49, 6).
Nhưng khi nghe những lời đó, họ càng phẩn nộ, đã xách động và
xúi dục nhóm phụ nữ thượng lưu đã theo đạo Do-thái, và những thân hào trong
thành, ngược đãi ông Phaolô và ông Barnaba, và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh
thổ của họ.
Trước thái độ cố chấp của họ, cuối cùng hai ông đành phải cắt
đứt liên hệ với họ qua cử chỉ“giũ bụi chân phản đối họ và đi tới Icôniô”,
theo như lời Chúa Giêsu đã dạy:“Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh
em, thì khi ra khỏi thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại” (Mt 10,14).
Chính nhờ đó mà Lời Chúa lan tràn khắp miền ấy và dân ngoại được hân hoan ca
tụng Lời Chúa.
Xin cho chúng ta biết noi gương hai thánh tông đồ Phaolô và
Barnaba luôn nhiệt tâm rao giảng Tin mừng cho mọi người dù gặp phải nhiều gian
nan thử thách. Nhất là cho mỗi người Kitô hữu chúng ta biết tích cực góp phần
cho công cuộc truyền giáo với hết khả năng của mình. Đừng vì tính ích kỷ, ghen
tị, tự mãn… hay bất cứ lý do nào làm ngăn cản cho sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Suy niệm 2: Ga 14, 7-14.
"Xin cho chúng con thấy Chúa Cha" (Ga 14,8). Đó không chỉ là khao
khát của tông đồ philipphê mà là mỗi chúng ta, những người tin Chúa. Khao khát
đó sẽ được Đức Giêsu làm thoả mãn qua sứ điệp của lời Chúa hôm nay.
Tin Mừng hôm nay, Philipphê xin với Chúa Giêsu: "Xin tỏ cho
chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện" (Ga.14:8). Khao
khát của Philipphê, cũng là khao khát mỗi chúng ta.
Thiên Chúa đã đáp lại khát vọng đó qua việc cho Ngôi Hai Thiên Chúa làm
người. “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông
chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy
chúng ta qua Thánh Tử Giêsu” (Dt 1, 1- 20). Nơi Đức Giêsu Kitô, chúng
ta gặp được Thiên Chúa, dễ gần, dễ thấy, dễ quen.
Thiên Chúa đâu chỉ ở nơi cao thẳm ngàn trùng, Thiên Chúa hiện diện nơi con
người Đức Giêsu khiêm hạ. Giữa Ngài và Thiên Chúa Cha có một gắn bó lạ lùng đến
nỗi Đức Giêsu dám nói: "Ai biết Thầy là biết Cha" (Ga
14, 7). "Ai thấy Thầy là thấy Cha" (Ga 14, 9)
vì "Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy"(Ga 14, 10).
Lời nói và việc làm của Đức Giêsu chính là lời nói và việc làm của Thiên
Chúa (x. Ga 14, 10). Toàn bộ cuộc đời Đức Giêsu được Cha chiếm ngự. Ngài như
tấm gương trong suốt, phản chiếu khuôn mặt và trái tim Thiên Chúa, đầy nhân ái
và bao dung với hết mọi người. Kitô hữu là người có Chúa Kitô nên được mời gọi
trở nên giống Chúa Giêsu để có thể nói rằng: Ai biết tôi là biết Đức Kitô, ai
thấy tôi là thấy Đức Kitô.
Lạy Chúa Giêsu! Ðã bao lần con làm cho
khuôn mặt Chúa trở méo mó, biến dạng và có thể là rất khó thương vì đời sống
không tốt đẹp của con. Xin cho con biết nhìn lên Chúa
như một khuôn mẫu tuyệt vời để tu tập thành con người mới, con người có phẩm
chất cao đẹp, có đạo đức và tình yêu thương, để nhờ đó con trở thành hình ảnh
trung thực về Chúa cho thế giới hôm nay. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét