SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT XXXI TN NĂM C
Lc 19,
1-10
“Gặp gỡ Đức Ki-tô, biến
đổi cuộc đời mình. Gặp gỡ Đức Kitô đón nhận ơn tái sinh…”, đó không
chỉ là niềm xác tín của cha Tiến Lộc, tác giả của bài hát này. Nhưng trên hết
đó còn là chính sứ điệp của Chúa gửi đến mỗi người chúng ta qua Tin mừng hôm
nay. Xin cho chúng ta biết quảng đại hy sinh nhiều thời giờ đến gặp gỡ Chúa để đời
ta được Người biến đổi mỗi ngày nên tốt lành hơn.
Tin mừng mà chúng ta vừa nghe
trình thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Giakêu, thủ lãnh những người thu
thuế và là người giàu có. Chính nhờ cuộc gặp gỡ thân tình này đã làm cho Giakêu
biến đổi cách lạ lùng và nhờ đó mà cả nhà ông được ơn cứu độ. Ta cùng tìm hiểu đôi chút về sự
biến đổi lạ lùng của Giakêu trước và sau khi gặp Chúa:
- Trước khi gặp Chúa:
Ông Giakêu là một kẻ nối giáo
cho giặc, vì đã cộng tác với đế quốc Rôma thu thuế đồng bào của mình. Đây là
cái nghề bị người dân khinh bỉ vì nhẫn tâm bòn rút xương máu dân mình, để làm
giàu cho ngoại bang.
Giakêu là thủ lãnh những người
thu thuế nên ông rất coi trọng tiền của, và cũng rất là khinh người. Nếu cần
ông sẽ sẵn sàng ra tay đàn áp bất cứ ai chống đối không nộp thuế cho ông.
Ông lại là người giàu có. Sự
giàu có của ông chắc chắn là do tham lam trong việc gia tăng mức thuế hơn luật
định để bỏ túi riêng cho mình.
Chính vì vậy mà ông bị xem là
kẻ tội lỗi công khai, được liệt kê chung vào hạng đỉ điếm.
- Sau khi gặp Chúa:
Sau khi gặp gỡ Chúa Giêsu trong
bữa tiệc thân tình tại nhà ông, không biết Chúa Giêsu nói gì. Nhưng ông lại
được biến đổi lạ lùng: Ông trở nên một người quảng đại, cởi mở và sẵn sàng chi
tiền làm tiệc thết đãi Chúa Giêsu, các tông đồ và những người đồng môn của ông.
Ông cũng trở thành người biết tôn trọng lẽ công bằng nên tuyên bố sẽ đền bù cho
những ai mà ông đã gây ra thiệt hại “Nếu tôi đã làm thiệt hại ai cái gì, tôi
xin đền gấp bốn”. Đi xa hơn nữa, ông còn biết sống tinh thần bác ái,
sẵn sàng hy sinh gia sản của mình, mà chia sẻ cho người nghèo “Tôi xin chia
nửa gia tài, để bố thí cho người nghèo”.
Đúng là nhờ cuộc gặp gỡ Đức
Kitô mà ông được tái sinh. Giờ đây, ông không còn là kẻ tội lỗi mà là một con
người đạo đức, thánh thiện. Nếu trước đây ông bị mọi người khinh bỉ thì giờ đây
ông lại là một con người đáng thương. Nếu trước đây ông sống bất công, bất
chính thì giờ đây ông biết coi trọng lẽ công bằng và trở thành người công
chính.
Nhờ gặp gỡ Đức Kitô Đấng “đến
và cứu chữa những gì đã hư mất” mà ông và cả gia đình ông được biến
đổi và xứng đáng đón nhận ơn cứu độ như lời Chúa Giêsu xác quyết: “Hôm
nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham”.
Ước mong được biến đổi đời mình
mỗi ngày nên tốt hơn là khao khát chính đáng của mỗi chúng ta. Nhưng để biến
ước mơ đó trở thành hiện thực, chúng ta hãy bắt chước ông Gia-kêu tìm mọi cách
để gặp gỡ Đức Giêsu.
Xin cho chúng ta tìm đến gặp gỡ
Chúa qua việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa, siêng năng tham dự bàn tiệc
Thánh Thể, kiên trì trong cầu nguyện… Đặc biệt là gặp gỡ Đức Kitô nơi những
người anh em nghèo khổ. Nhờ đó mà đời ta sẽ được Chúa biến đổi và xứng đáng
được Chúa chúc lành. Amen.
Thứ hai: Lc 14, 12-14
“Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt
trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế
ấy”(Isaia 5, 9). Đó cũng là sứ điệp mà lời Chúa hôm nay muốn gửi đến
chúng ta. Xin Chúa uốn lòng chúng ta giống như trái tim Chúa, để
chúng ta cũng có cách suy nghĩ và hành xử giống như Chúa.
Gần đây rong khu vực nông thôn rộ lên phong trào tổ chức đám
tiệc. Ngoài tiệc cưới, đám tang, giỗ chạp… người ta còn bày ra nhiều lý do khác
để ăn mừng như: thôi nôi, đầy tháng, sinh nhật…nói chung người ta tìm đủ mọi lý
do để tổ chức tiệc. Thì ra người ta thích tổ chức tiệc tùng là nhắm đến
lợi nhuận kinh tế trong thời buổi kinh tế khó khăn. Vì thế, những thực khách
được nhắm đến thường là những người có tiền và có địa vị trong xã hội. Còn
những người nghèo thì ít khi người ta mời dự tiệc.
Đó cũng chính là mưu tính của vị thủ lãnh người Biệt Phái mà
Chúa đề cập trong bài Tin Mừng hôm nay. Để lên án đầu óc tính toán vụ lợi, Chúa
Giêsu đề nghị ông ta loại bỏ tính ích kỷ và lòng tham lam tiền mà quan tâm đến
những người nghèo khổ. Nên Chúa đề nghị khi dọn tiệc nên “mời những
người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù”. Làm được như vậy, ông sẽ được
phúc vì sẽ được người nghèo biết ơn ở đời này và được ban thưởng hạnh phúc ở
đời sau, nhờ những người công chính sống lại đền ơn cho ông.
Để cụ thể hóa lời dạy của Chúa Giêsu, ĐTC Phanxicô đã thiết
lập ngày “Thế giới người nghèo” hàng năm. Với mục đích để các cộng đoàn Kitô
hữu “trở nên dấu chỉ cụ thể, rõ ràng cho tình yêu thương của Chúa Kitô, đối với
những người rốt cùng và túng thiếu nhất”.
Xin cho chúng ta biết đáp lại lời mời gọi của Chúa và
GH mà thể hiện lòng yêu thương người nghèo bằng những việc làm thiết
thực như: lập “quỹ bác ái” tại các Họ đạo; học hỏi “sứ điệp ngày thế giới
người nghèo”; dành một ngày Chúa nhật dâng thánh lễ cầu nguyện cách đặc biệt
cho người nghèo; đi đến với người nghèo trong các khu xóm; chầu Thánh Thể và
suy niệm Kinh Lạy Cha để thấm nhuần tinh thần đón nhận và chia sẻ. Đó chính là
phương thế để ta đạt đến sự trọn lành và xứng danh là môn đệ Chúa Giêsu.
Thứ ba: Lc 14, 15-24
Đời người ai cũng khao khát được hạnh phúc nước trời. Làm
thế nào để đạt được niềm khát khao sâu xa đó? Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu sẽ
chỉ cho chúng ta biết. Xin cho chúng ta biết lắng nghe và nỗ lực thực thi điều
mà Chúa Giêsu chỉ dạy để được tham dự vào bàn tiệc nước trời.
Thấy cái này nhớ đến cái kia, hay làm cái này nghĩ cái nọ,
đó là suy nghĩ thường tình của con người. Cũng thế, trong bữa tiệc nhà thủ lãnh
Biệt phái, một người ngồi đồng bàn cùng với Chúa Giêsu đã bộc bạch nỗi khát
khao của mình “phúc cho kẻ được ăn tiệc trong Nước Thiên Chúa”.
Nhân cơ hội này Chúa Giêsu đã hướng dẫn ông cũng như chúng ta cách thế làm sao
để được tham dự bữa nước trời.
Chúa Giêsu cho biết bàn tiệc nước trời đã dọn sẵn sàng và
rộng cửa mời gọi mọi người vào tham dự. Thế nhưng, Chúa Giêsu cũng cho
thấy con người lại quá say mê nhiều thứ khác ở trần gian nên dễ dàng từ chối
bàn tiệc nước trời.
Chúa Giêsu đưa ra 3 lý do khiến con người thường hay từ chối
lời mời gọi tham dự bàn tiệc nước trời: Mới tậu một thửa ruộng, nên cần phải đi
xem đất (1). Mới mua năm đôi bò nên phải đi thử chúng (2). Mới cưới vợ,
bởi đó không thể đến được (3). Những lý do trên chung quy lại chỉ vì lợi ích
trước mắt mà quên đi giá trị vĩnh cửu sau này.
Hằng ngày, hàng tuần Chúa tha thiết mời chúng ta đến tham dự
bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể để ta cảm nếm niềm vui nước trời. Nhưng chúng ta
lại tìm mọi cách, diện mọi lý do để khướt từ. Tất cả cũng vì cơm áo gạo tiền.
Xin Chúa ban cho chúng lòng cam đảm để vượt lên trên những
giá trị trần thế chóng qua để siêng năng đến tham dự bàn tiệc Lời Chúa và Thánh
Thể mà Chúa thiết tha gọi mời. Nhờ đó chúng ta sẽ cảm nếm được niềm vui hạnh
phúc nước trời hôm nay và mai sau.
Thứ tư: Lc 14, 25-33
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục đưa ra những điều kiện
cần thiết để trở thành môn đệ chân chính của Chúa. Xin cho chúng ta tích cực
làm theo lời dạy của Chúa, để trở nên môn đệ đích thực của Người.
Thời buổi kinh tế thị trường như hôm nay, trước khi đầu tư
vào bất cứ công việc gì, người ta cũng phải tính toán rất là chi tiết, kẻo thất
bại sẽ gây tan nhà nát cửa và bị người khác chê cười.
Đầu tư cho nước trời và tòng quân đứng dưới cờ Giêsu là
quyết định hệ trọng ảnh hưởng đến hạnh phúc đời này và đời sau. Vì thế, Tin
mừng hôm nay Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta phải hãy suy tính thật cẩn
trọng. Ví như người muốn xây nhà, trước hết phải tính xem phí tổn bao
nhiêu? có khả năng làm nổi hay không? Nếu không thì đừng khởi công kẻo công
trình đắp chiếu gây tổn hại kinh tế. Cũng vậy muốn chống lại quân thù kéo 20
ngàn quân vây đánh, nhà vua phải tính toán lực lượng xem có đối đầu nổi không.
Nếu chỉ có 10 ngàn quân lại không có kế sách nào hay, thì tốt nhất nên cầu hòa,
hoãn binh kẻo thua trận, nước mất nhà tan là chắc chắn.
Nếu những sự đời như xây nhà, đánh trận mà người ta còn biết
suy nghĩ tính toán cẩn trọng như thế, thì hạnh phúc vĩnh cửu nước trời và làm
môn đệ của Chúa không phải là chuyện đùa, nên cần phải chuẩn bị thật chu đáo.
Vậy phải chuẩn bị thế nào?
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết sẽ phải
chuẩn bị 2 cách: 1 là từ bỏ, 2 là vác thánh giá. Đó là phương cách hữu hiệu để
được làm môn đệ Chúa và sẽ chiếm hữu được nước trời.
Từ bỏ những gì mình yêu thích cũng đồng nghĩa với việc vác
thập giá vì nó khiến ta hối tiếc vì mất mát và thấy thương đau vì những thử
thách. Từ bỏ tiền bạc, của cải, danh vọng, tình thân…xem ra còn dễ. Nhưng từ bỏ
bản thân để thuộc trọn về Chúa quả là rất khó khăn. Thật khó biết bao phải bỏ
tính kiêu căng tự mãn, lòng ích kỷ tham lam, bỏ ý riêng để vâng phục ý Chúa
hoàn toàn. Nhưng với ơn Chúa ta có thể bỏ được mọi sự chóng qua ở đời này.
Xin Chúa giúp chúng ta có đủ sức mạnh ơn thánh để ta can đảm
khướt từ mọi quyến rủ trần gian mà làm theo ý Chúa muốn. Nhờ đó ta mới xứng
đáng trở thành môn đệ chân chính của Chúa và chiếm hữu được hạnh phúc nước
trời.
Thứ năm: Lc 15, 1-10
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để làm nổi bậc
lên tình thương vô cùng của Thiên Chúa dành cho con người. Xin cho chúng ta cảm
nhận được tình thương Chúa mà chân thành sám hối để an vui sống trong vòng tay
yêu thương của Người.
Trong quyển sách “Niềm vui sống đạo”. Tác giả là người tôi
tớ Chúa, Đức cố Hồng Y Phanxiô-Xaviê
Nguyễn Văn Thuận đã dí dỏm nêu ra 10 khuyết điểm của Chúa Giêsu. Trong 10 khuyến điểm đó có hai khuyết
điểm liên quan đến đoạn tin mừng hôm nay:
1. Chúa Giêsu không
biết làm toán:
Với dụ ngôn con
chiên bị mất, cho
thấy lối cư xử của Chúa Giêsu tỏ ra không biết tính toán. Một kẻ có 100 con
chiên ở giữa đồng trống mà mất một con, hẳn phải tính toán xem làm sao một con
đi lạc lại hơn 99 con còn lại. Vậy mà Chúa Giêsu cho rằng 1 con đi mất cũng
bằng 99 con còn lại, nên chấp nhận bỏ 99 con mà đi tìm cho kỳ được con chiên bị
mất. Rồi khi tìm thấy thì vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu mời bạn
hữu và những người thân cận đến chia vui. Hẳn là Chúa Giêsu không biết làm
toán!
2. Chúa Giêsu không sành luận lý:
Chúa Giêsu không những không cân nhắc tính toán trên số
lượng, mà có lúc lời dạy của Ngài xem ra đi ngược lại với sự khôn ngoan bình
thường của con người. Với dụ ngôn về đồng bạc bị mất, người phụ nữ có 10 đồng,
nhưng trong đêm lỡ đánh mất 1 đồng: “Bà thắp đèn, quét nhà, moi móc tìm
cho bằng được”. Rồi khi tìm được, thì bất chấp giờ giấc nghỉ ngơi đêm
của hàng xóm, bạn bè mà đánh thức họ để cùng chung vui với mình. Sao bà không
nghĩ dù sao thì cũng vẫn còn 9 đồng khác trong tay, 1 đồng rơi thì vẫn còn đó,
tìm trong đêm chi cho mệt nhọc. Rồi vui mừng gì mà đến độ phải làm phiền hà đến
những người chung quanh trong đêm tối. Đúng là thiếu lý luận!
Sau khi dí dỏm kể ra 10 khuyết điểm của Chúa Giêsu, Đức cố
Hồng Y tài đức của chúng ta đã tóm kết bằng một lý do duy nhất, đó là: vì Chúa
Giêsu quá yêu thương chúng ta. Yêu đến nỗi không nhớ lỗi lầm, không tính toán,
không xét nét, không vị kỷ, không phê phán, không câu chấp, không gò bó, không
biên giới, không điều kiện; Tình yêu đó yêu điên cuồng đến độ phiêu lưu và hy
sinh cả mạng sống mình; tình yêu đó khác với mẫu mực nhỏ hẹp của xã hội và của
lối cân nhắc giới hạn của chúng ta.
Thật ra, Chúa là Ðấng trọn lành, làm sao có khuyết điểm
được, nhưng Chúa lại là Tình Yêu vô hạn, mầu nhiệm. Trí khôn loài người không
hiểu nổi, không tin nổi, nên gọi là khuyết điểm! Chẳng qua vì Chúa là yêu
thương, mà yêu thương của Thiên Chúa cao hơn lý luận con của người. Và
ngài khích lệ chúng ta hãy can đảm chọn lựa cuộc sống làm chứng cho 10 khuyết
điểm tuyệt vời đó của Chúa Giêsu. Nghĩa là làm chứng cho tình yêu cao vời của
Chúa.
Xin Chúa cho chúng con cảm nhận được tình
yêu lớn lao mà Chúa dành cho mỗi người chúng con. Và đừng bao giờ để chúng con
phản phúc lại tình yêu của Chúa.
Thứ sáu: Lc 16, 1-8
Làm thế nào để trở thành người
quản lý khôn ngoan và trung tín? Đó là sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn nói
với chúng ta. Xin cho chúng ta biết tận dụng sự khôn ngoan Chúa ban để sinh
nhiều hoa trái tốt lành mang lại lợi ích cho mình và cho nước trời.
Quản gia là người được ông chủ rất tin tưởng trao
phó tất cả tài sản cho quản gia trông coi. Nhiệm
vụ của người quản gia trung thành là vừa quản lý tốt tài sản,
vừa khôn khéo làm gia tăng tài sản cho ông chủ. Thế nhưng người quản
gia mà Chúa Giêsu đề cập trong đoạn Tin mừng hôm nay tuy khôn ngoan nhưng lại
bất trung.
Anh ta khôn ngoan vì biết tận dụng tài sản sẵn có của
chủ để thu lợi bất chính cho mình. Đến khi chủ gia khám phá và có ý
định sa thải, thì một lần nữa, anh khôn ngoan nghĩ ra cách đáp cánh
an toàn. Với sự nhanh nhẹn vốn có anh nghĩ ngay đến việc
dùng tiền của gian dối để mua lấy bạn hữu, với ý định sau khi mất việc anh được
nhiều người thương mến mà đón tiếp anh vào nương tựa nơi nhà họ.
Dù rất khôn ngoan nhưng anh vẫn bị xem
là kẻ bất lương vì 2 lý do: thứ nhất anh ta đã không trung thực
trong vai trò quản gia, có lẽ anh đã từng dùng tài sản của chủ làm lợi cho
mình. Thứ hai anh ta đã làm sai nguyên tắc luân
lý đòi buộc là dùng phương
tiện xấu hầu đạt được mục đích tốt.
Khi ca ngợi hành động khôn ngoan
của người quản gia bất lương này, Chúa Giêsu không có ý khuyến khích
chúng làm điều xấu để đạt mục đích tốt, nhưng Chúa muốn mời gọi chúng ta học
nơi người quản gia này biết khôn ngoan chuẩn bị cho tương
lai xa.
Chúng ta đang sống trong những ngày cuối năm phụng
vụ, Lời Chúa hôm nay là hồi chu chuông cảnh tỉnh những
ai còn đang ngủ mê trong tội lỗi bởi lối sống bất trung với Chúa và gian dối
với người kịp thời điều chỉnh lại cuộc sống sao cho phù hợp
với thánh ý của Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta biết luôn ý thức xử
dụng tốt những ân huệ Chúa ban: sức khỏe, thời
giờ, tài năng, tiền của… để sinh nhiều hoa trái
tốt lành dâng hiến cho người và cho nước trời.
CHẦU THÁNH
THỂ THÁNG 11/2019
Kính lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Đã trở thành thông lệ, tháng 11 là dịp tĩnh tâm cuối cùng của
anh em linh mục hạt Sóc Trăng chúng con. Đây là thời điểm thuận lợi để chúng
con nhìn lại chặng đường mục vụ đã qua và đưa ra những dự hướng mục vụ cho năm
sắp tới.
Gói gém tất cả chân tình của một năm qua với bao niềm vui-nỗi
buồn; thành công-thất bại; tội lỗi và ân sủng… chúng con xin dâng lên trước tôn
nhan Chúa với tâm tình cảm mến tri ân cùng với tấm lòng sám hối chân thành.
Nguyện xin Chúa rộng lòng nhân từ tha thứ tất cả những lầm lỗi, thiếu sót của
chúng con. Xin Chúa tiếp tục thương ban lời giáo huấn để hướng dẫn đời sống
chúng con.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Luca.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một người phú hộ kia có một người
quản lý; và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý
đến và bảo rằng: ‘Tôi nghe nói anh sao đó. Anh hãy tính sổ công việc quản lý
của anh, vì từ nay anh không thể làm quản lý nữa’. Người quản lý thầm nghĩ
rằng: ‘Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì
không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào để khi mất chức quản
lý thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ’.
“Vậy
anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: ‘Anh mắc nợ chủ tôi
bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy
lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại năm mươi’. Rồi anh hỏi người khác rằng:
‘Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm giạ lúa miến’. Anh bảo
người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi’.
“Và
chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời
này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”. Đó là lời
Chúa.
Suy
niệm:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, cũng như bao tín hữu khác, khi bước
vào đời, chúng con đã được Chúa trao ban cho rất nhiều “tài sản” đó là : sự sống,
sức khỏe, tài năng, công việc, tiền của … cùng với trách nhiệm là sinh lợi và
làm sáng danh Chúa trên trần gian này.
Riêng đối với anh em linh mục chúng con, Chúa còn trao ban
thêm thánh chức cao quý nữa. Với thánh chức linh mục ấy, chúng con được vinh dự
thông phần cách đặc biệt vào ba chức năng thừa tác của Chúa là: Tư tế
để hiến dâng của lễ cứu độ loài người. Ngôn sứ để loan báo Tin Mừng Nước Trời. Và Vương đế để thiết lập và phục vụ
dân mới, dân riêng của Chúa.
Khi trao ban gia sản quý giá ấy cho chúng con
quản lý, Chúa luôn mong muốn chúng con phải trở nên những người quản lý trung
tín và khôn ngoan.
Nhưng lạy Chúa, nhiều khi chỉ vì chúng con
thích chạy theo sự khôn ngoan của thế gian mà đánh mất đi lòng trung tín với
Chúa, tựa như người quản lý bất lương đã được Chúa nói đến trong bài tin mừng
hôm nay.
Khi nhìn lại một năm qua, có lẽ không ai
trong chúng con tự hào mình là người quản lý khôn ngoan và trung tín trước mặt
Chúa. Bởi chúng con đã không trung thành đủ trong các công việc bổn phận hàng
ngày của người mục tử vì nhiều lý do khác nhau:
Có thể do lười biếng nên lắm khi chúng con đã
lơ là trong việc chuẩn bị giảng dạy lời Chúa và dâng Thánh lễ.
Vì mãi mê thế sự với những đam mê kiếp người
nên chúng con dễ dàng cử hành các bí tích một cách chiếu lệ, qua loa.
Do thiếu nhiệt huyết tông đồ nên không còn
nhạy bén và tích cực thi hành các công tác mục vụ như thuở ban đầu.
Trái tim mục tử lâu ngày trở nên xơ cứng không
còn khả năng hòa nhịp cùng với con tim của những mãnh đời đau khổ và những gia cảnh
đang gặp khó khăn rất cần sự đỡ nâng của chúng con.
Trong khi đó chúng con lại dễ dàng phung phí
thời gian, sức khỏe, khả năng và tiền bạc vào những việc vô ích, xem ra không
phù hợp với lối sống và sứ vụ của mình.
Vậy
giờ đây chúng con xin Chúa thương tha thứ và giúp chúng con biết tích cực quản
lý ơn ban của Chúa một cách khôn ngoan và trung tín. Nhờ đó chúng con mới có
thể làm triển nở tốt đẹp các ân hụê Chúa ban, nhằm mang lại ích lợi cho bản
thân, mọi người và nước trời.
Thứ bảy: Ga 2, 13-22
09/11: CUNG HIẾN ĐỀN THỜ LATÊRANÔ
Cùng với GH, hôm nay chúng ta kỷ niệm lễ cung hiến Đền Thờ
Latêranô. Sau 300 năm GH sơ khai bị bách hại gắt gao. Đến năm 306 khi vua
Công-tăng-ti-nô lên ngôi, với chiếu chỉ Mi-la-nô được ban hành, thì tự do tín
ngưỡng mới được tôn trọng. Từ đó các thánh đường và cơ sở tôn giáo của GH được
triều đình hỗ trợ tái thiết và xây mới lại, trong đó nổi bật là đền thờ
Latêranô. Đến ngày 09/11/ 324 đền thờ được hoàn thành và cung hiến long trọng,
dưới triều đại ĐGH Xin-vét-te.
Mừng kính kỷ niệm ngày cung hiến đền thờ Latêranô hôm nay,
là dịp nhắc nhờ chúng ta về sự cao quý của nhà thờ: là nơi Thiên Chúa hiện diện
cách đặc biệt giữa dân Người, là nơi dành riêng thờ phượng TC, là nơi con người
gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau, là nơi tín hữu lãnh nhận các nguồn ơn thiêng của
Chúa qua các bí tích, là nơi dân Chúa qui tụ lại để lắng nghe và học hỏi Lời
Chúa…vì thế chúng ta phải quan tâm gìn giữ Nhà Thờ sạch đẹp, đồng thời có thái
độ xứng hợp mỗi khi bước vào nhà Chúa.
Hơn nữa hình ảnh đền thờ vật chất còn nhắc nhớ chúng ta đến
ngôi đền thờ vững bền và cao quý khác xinh đẹp không tàn phai theo năm tháng đó
là ngôi đền thờ tâm hồn, nơi TC Ba Ngôi ngự trị. Xin cho chúng ta luôn ý thức
gìn giữ thân xác và tâm hồn mình trong sạch để xứng đáng là nơi cư ngụ của
Thiên Chúa Ba Ngôi.
Bài đọc 1, tiên tri Ezekiel tiên báo về hình ảnh Đền Thờ
thật lạ lùng. Từ nơi Đền Thờ ấy, một dòng nước chảy tràn ra và làm cho nước
biển hóa thành nước ngọt. Nguồn nước ấy làm sinh sôi các sinh vật. Hai bên bờ
dòng nước ấy mọc lên những cây trái tốt tươi. Trái thì làm thức ăn và lá lại
dùng làm thuốc uống, chữa lành bệnh tật.
Hình ảnh đền thờ lạ lùng mà tiên tri Edekiel tiên báo ấy
được ứng nghiệm nơi Thân Thể Đức Giêsu. Thật vậy chính từ cạnh sườn bị đâm thâu
trên thập giá mà nguồn nước sự sống dồi dào của Chúa được tuôn đổ trên thế gian
và thấm nhập vào tâm hồn những ai tiếp nhận Người, từ đó làm phát sinh hoa trái
tốt lành nơi những tín hữu. Đó cũng là tư tưởng của thánh Phaolô. Trong bài đọc
II, thư gửi các tín hữu Côrintô, thánh Phaolô cho biết: Thân thể của chúng ta
đã được Thiên Chúa tạo dựng trên nền tảng là Đức Kitô, nên được hòa nhập vào
trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô và trở nên đền thờ của TC. Nên khi tôn
trọng và giữ gìn thân xác mình trong sạch cũng là góp phần làm cho đền thờ
trong Đức Kitô được tốt đẹp.
Sự kiện Chúa Giêsu đánh đuổi những con buôn ra khỏi đền thờ
mà bài Tin Mừng tường thuật, một mặt nhắc nhở chúng ta về giá trị cao quý của
ngôi Nhà thờ vật chất, bởi nơi đây giúp ta cùng với cộng đoàn được hiệp thông
với nhau trong Chúa; mặt khác cũng ý thức chúng ta về ý nghĩa thánh thiêng về
một đền thờ quý giá hơn đó là đền thờ tâm hồn. Bởi nơi đây chính là nơi mà
Thiên Chúa Ba Ngôi thích ngự trị.
Xin cho chúng ta ý thức rằng, sự hiệp thông với Chúa và với
nhau trong Chúa không chỉ nơi Nhà Thờ vật chất; mà sự hiệp thông ấy phải được
trãi dài trong suốt đời sống ở mọi nơi và trong mọi lúc. Nhờ đó mà sự sống của
Chúa Giêsu được lan tràn trên cuộc đời chúng ta, từ đó trổ sinh nhiều hoa trái
tốt lành mang lại niềm vui và ơn ích cho người và cho đời.