SUY NIỆM LỜI CHÚA
TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG
NIÊN C
Suy niệm 1:
Để cảnh tỉnh “những ai tự hào cho mình là người công
chính mà khinh chê người khác”, Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu kể cho chúng ta
nghe câu chuyện dụ ngôn về hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người biệt
phái và một ngưởi thu thuế. Kết quả lời cầu nguyện khiêm
tốn của người thu thuế được Chúa nhận lời, còn lời cầu nguyện kiêu căng của
người biệt phái thì không.
Xin Chúa cho chúng ta biết sống khiêm nhường như người
thu thuế và loại bỏ thái độ kiêu căng của người biệt phái, nhờ đó ta mới được
mọi người quý mến và được Chúa bao dung tha thứ lỗi lầm và ban dồi dào ơn phúc.
Chuyện kể rằng: Benjamin Franklin, ông
tổ của nước Mỹ khi còn trẻ đã từng đến thăm một bậc tiền bối đức cao vọng trọng.
Khi đó, ông tràn trề nhiệt huyết của tuổi trẻ, chân sải
bước rộng tiến về phía trước.
Vào đến cửa, đột nhiên đầu Franklin đập phải khung cửa,
đau điếng. Ông vừa phải dùng tay xoa liên tục vào chỗ đau, vừa đưa mắt nhìn cái
cửa còn thấp hơn chiều cao của mình.
Vị tiền bối ra cửa đón khách, nhìn thấy bộ dạng đó của
Franklin liền cười nói: "Đau lắm hả, tuy nhiên đây
chính là thu hoạch lớn nhất của cậu khi đến thăm tôi hôm nay đấy. Một người
muốn bình an vô sự sống trên đời này, phải luôn luôn ghi nhớ trong đầu một
điều: Lúc nào nên cúi đầu thì phải cúi đầu!" .
Câu chuyện trên nhắc nhở chúng ta ý thức hơn về cách đánh
giá về bản thân mình. Nên nhớ tuyệt đối đừng bao giờ tự cho mình là quá quan
trọng!
Người Biệt Phái được Chúa Giêsu nói đến trong đoạn tin
mừng hôm nay, vì quá xem trọng bản thân, nên ông đã tự đặt mình vào một vị trí
sai lầm trước mặt Chúa và tha nhân.
- Hình ảnh ông đứng trước mặt Chúa để cầu nguyện không có
gì sai. Ông chỉ sai khi không hề ý thức về thân phận yếu hèn của mình
trước một đấng tạo hóa là TC. Mặc dù ông hiện diện trước Chúa, nhưng mắt
ông ta lại quay hướng về mình, để rồi tự mãn với những chiến tích mà mình đã
lập được. Tuy ông vẫn thốt lên lời tạ ơn Chúa, nhưng đầu ông không hề cúi xuống
để nhìn nhận tất cả những gì ông “có”, ông “là” và ông “làm” đều nhờ bởi ơn
Chúa. Ông luôn nghĩ rằng những gì ông làm được là do tự sức mình. Hãnh diện, tự
hào như thế nên ông không ngại đặt mình vào vị trí quan trọng để đòi buộc Chúa
phải cám ơn ông thay cho lời cám ơn ông dành cho Chúa; Chúa phải trả công cho
ông thay cho bổn phận ông phải đáp đền ơn Chúa.
- Đối với người khác, ông cũng không hề có cái nhìn yêu
mến và tôn trọng. Lúc nào ông cũng tỏ vẻ khinh chê, xem thường người khác.
Trong mọi hoàn cảnh ông tự đặt mình vào chiếc ghế quan tòa để hăng giọng lên án
và kết tội người khác thay cho TC. Ngay khi ở trong đền thờ ông cũng muốn tự
tách mình ra khỏi mọi người để chọn một vị trí cao nhất mà phán quyết những kẻ
khác là: “tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế tội
lỗi kia.”
- Khi nhìn vào bản thân mình, ông rất mãn nguyện với
những thành quả mà ông đã lập được như: "Con ăn chay mỗi tuần hai
lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Thế là quá đủ
để Chúa ban tặng giấy khen cho ông!
Kiêu căng tự mãn đã khiến cho người Biệt Phái không còn
khả năng nhận thấy khuyết điểm, thiếu sót và tội lỗi của mình. Ông quên đi thân
phận ông là con người, chứ không phải thần thánh. Mà là con người thì không ai
vô tội trước mặt Chúa vì “nhân vô thập toàn” mà!. Đặt
sai chỗ đứng của mình trước mặt Thiên Chúa và tha nhân nên ông đã trượt ra xa
đường lối của Thiên Chúa.
Đường lối của Chúa là con đường khiêm hạ: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết
duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh
quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người
lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập
tự”.(Pl 2, 6-8). Nên “ai tự nhắc mình lên sẽ bị TC hạ
xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được TC nhắc lên”.
Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của tháng 10, tháng Mân
Côi, lời Chúa nhắc nhở chúng ta hướng về Đức Maria, mẫu gương tuyệt hảo của đức
khiêm nhường. Đức khiêm nhường ấy được thể hiện qua thái độ luôn vâng nghe và
làm theo thánh ý của TC. Chính vì sống đức khiêm nhường nên Mẹ đã được TC cất
nhấc lên tận trời cao và ban thưởng nhiều đặc ân cao quý... Trong lời kinh
Magificat, Mẹ đã vui mừng cất cao lời ngợi khen TC bởi đường lối diệu kỳ của
Người: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa; Thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi. Phận nữ tì hèn mọn Người đoái thương nhìn đến!
Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc… Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh và
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những người quyền thế và nâng cao
mọi kẻ khiêm nhường…” (Lc 1,47-55).
Đúng vậy, với kinh nghiệm thực tế, ai đó cũng đã nói thật
chí lý: “Khi không quá xem trọng bản thân thực ra đó là một dạng tu dưỡng, một
phong độ, một cảnh giới cao thượng, là biểu hiện của sự trưởng thành về thái độ! Vì
thế cho nên, hãy khiêm nhường, biết tự hạ thấp mình. Sở dĩ trăm sông đổ ra
biển là do biển nằm ở vị trí thấp hơn các con sông. Con người cũng vậy, khi hạ
thấp cái tôi cá nhân, người đó sẽ tiếp nhận được những tinh hoa từ người khác
để hoàn thiện mình.” (x. Trí thức trẻ).
Xin Chúa giúp chúng con biết can đảm loại trừ thái độ
kiêu căng tự mãn mà thương ban cho chúng con có được tấm lòng khiêm tốn như
người thu thuế để chúng con cũng được Chúa yêu thương tha thứ mọi lỗi lầm và
xứng đáng đón nhận dồi dào phúc lành của Chúa, nhờ lời cầu thay nguyện giúp của
Mẹ Maria Mân Côi, mẫu gương của đời sống khiêm nhường. Amen.
Suy niệm 2:
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nêu lên hai thái độ đối lập
nơi hai con người khác nhau:
- Người biệt phái thì kiêu căng tự mãn
được biểu hiện qua tư cách và thái độ như sau:
Ông ta thích chọn đứng vào chỗ nhất trong đền thờ, trong tư thế ngẫng cao đầu khi đến trước mặt Chúa.
Những điều ông thân thưa với Chúa chỉ toàn là kể tội
người khác: “tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế tội lỗi
kia.”. Và tự hào khoe
khoan về những việc tốt lành ông làm: "Con
ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”.
Tất cả chỉ vì ông muốn đặt mình vào vị trí trung tâm và là
mẫu gương tiêu biểu để mọi người noi theo. Ông không còn khả năng cúi xuống để nhận
ra những giới hạn, thiếu sót, tội lỗi của mình trước Chúa nữa.
- Còn Người thu thuế thì ngược lại. Lòng khiêm nhường của ông được biểu hiện qua tâm tình và thái độ rất dễ
thương: “Đứng xa
xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: Lạy Chúa, xin thương
xót con là kẻ có tội”.
Ý thức mình là kẻ có tội nên ông không dám đứng gần Chúa, và đầu ông cũng không dám ngẫng cao mà chỉ muốn cúi xuống thật sâu trước một Thiên
Chúa, Đấng thánh thiện và uy quyền vô cùng.
Ông xấu hổ vì thấy mình bất xứng trước mặt Chúa và tha nhân. Ông chỉ còn biết tự trách
mình thật xấu xa tội lỗi và mong muốn đón nhận lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa: "Lạy
Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”.
Kết quả thật bất ngờ, Chúa lại tuyên bố: người thu thuế
ra về thì được Chúa tha thứ và trở nên công chính; còn người biệt phái thì không.
Xin Chúa cho chúng ta luôn ghi nhớ lời xác quyết cuối
cùng của Chúa Giêsu trong đoạn tin mừng hôm nay: “Ai nhắc mình lên sẽ bị hạ
xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nhắc lên”, để chọn cho mình cách sống khiêm
hạ theo tinh thần của người thu thuế, nhờ đó ta mới xứng đáng được Chúa yêu thương tha thức và ban dồi dào ơn phúc cho ta.
Thứ hai: Lc 12, 13-21
Trang Tin mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta nhiều bài học
quý:
1. Nơi Đức Giêsu: Vẫn biết rằng việc
chữa bệnh cho người đàn bà bị còng lưng trong ngày Sabat là gặp phải sự phản
ứng mạnh mẻ của nhiều phe nhóm, cụ thể là thái độ phản đối của ông trưởng hội
đường hôm nay. Thế mà Chúa Giêsu lại không chùn bước và sợ hãi. Trái lại
với tình yêu thúc đẩy và luật bác ái đòi buộc, Chúa Giêsu đã ra tay cứu chữa
cho bà. Hành động này của Chúa Giêsu gợi lên trong ta nhiều suy nghĩ:
- Khi thực thi tình bác ái đối với tha nhân, nhiều lúc
tôi cũng bị người đời gièm pha chỉ trích hoặc giả bị ngăn cản chống đối. Vậy
tôi có chùn bước không?
- Để an phận, để a- dua theo cái nhìn sai lạc của thói
đời, tôi có thường dửng dưng trước những đau khổ của tha nhân không?
- Đã bao lần tôi có đủ can đảm để thực thi luật tình yêu,
bằng cách tận tâm giúp đỡ những người gặp khốn khổ chung quanh tôi?
2. Nơi ông trưởng hội đường: Với
danh phận là người đứng đầu của Hội đường, đáng lẽ ông phải là người đầu tiên
cảm thương cho số phận khốn khổ của người chị em mình, vì suốt 18 năm dài lưng
chị bị còng không ngẩng đầu lên nổi.
Hơn ai hết ông phải là người vui nhất khi nhìn thấy người
chị em mình được cứu chữa; ấy vậy mà khi chứng kiến người chị em này được
Chúa Giêsu chữa lành, ông ta lại tỏ ra khó chịu. Như "Giận cá chém
thớt", ông quay về phía dân chúng trút xuống cơn mưa giận dữ khi
tuyên bố: "có sáu ngày người ta phải làm việc: vậy thì các người
hãy đến xin chữa bệnh trong những ngày đó, chứ đừng đến trong ngày Sabat.".
Để cởi trói cái nhìn và quan niệm sai lạc về việc giữ
luật ngày Sabat, Chúa Giêsu đã không ngần ngại lên án mạnh mẽ lối sống giả
hình của ông, rồi xác định cho mọi người thấy được giá trị cao quý của phẩm giá
con người khi tuyên bố: "chớ thì trong ngày Sabat, mỗi người trong
các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước
nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan đã cột trói nó đã 18
năm nay, chớ thì không nên tháo xiếng xích buộc nó trong ngày Sabat sao?".
Súc vật mà còn được tháo cởi trong ngày Sabat để chúng tự do đi lại ăn
uống, thì tại sao người đàn bà này là con gái của tổ phụ Abraham và là con
Thiên Chúa lại không được thừa hưởng quyền tự do cơ bản đó!.
Qua đây Chúa Giêsu minh chứng rằng: chỉ có một lề luật
duy nhất để tuân giữ, đó là luật yêu thương, và chỉ có một giá trị cao cả nhất
để sống và chết cho đó là tự do làm người và làm con Chúa.
Xin Chúa loại trừ nơi chúng ta những đố kỵ, ghen ghét tầm
thường để chúng ta có được cái nhìn trong sáng đúng đắn. Và xin Chúa giúp chúng
ta luôn biết sống nhân ái bao dung với hết mọi người như Chúa đã hằng nhân ái
với chúng ta. Amen
3. Nơi người đàn bà bị còng lưng 18 năm: Với
hình ảnh người đàn bà bị còng lưng 18 năm trời, cho thấy nổi đau mà bà phải cam
chịu trong suốt thời gian dài, thật khổ!
Khổ vì không ngước mặt lên được để nhìn người, nhìn đời.
Khổ vì không thể nhìn xa, ngước cao dù chỉ một lần.
Khổ vì mang gánh nặng mặc cảm tội lỗi mà người đời gán
ghép cho. (người Do Thái cho rằng bệnh tật là do tội lỗi gây nên).
Khổ vì hằng ngày phải đối diện với bao lời xì xầm nhạo
cười của bao người chung quanh, do tướng mạo khác người.
Việc bà được Chúa Giêsu chữa khỏi quả là một niềm vui lớn
lao. Vui vì từ nay gánh nặng trên lưng bà được cất khỏi sau 18 năm trời mang
lấy. Vui vì khối u tội lỗi đè nặng tâm hồn bà nay được gỡ bỏ. Từ nay bà có
thể ngước nhìn đời và nhìn người cách dễ dàng. Hạnh phúc nào bằng khi hôm
nay bà có thể hòa nhập với mọi người trong các sinh hoạt xã hội và tôn giáo. Từ
nay bà tự do hướng nhìn về trời cao và có quyền mơ ước những điều cao quý như
bao người!
Tội lỗi, tính hư tật xấu là gánh nặng vô hình nhiều lúc
cũng đè nặng tâm hồn và cuộc sống chúng ta. Mong được giải thoát, trút khỏi
gánh nặng nề ấy để lòng được thanh thản, an vui là nổi khát khao lớn lao của
mỗi người. Nhưng tự sức ta nhiều lúc không đủ sức vượt thoát khỏi những trói
buộc vô hình ấy. Chỉ có quyền lực của Chúa mới có thể cởi trói và giải
thoát ta khỏi ràng buộc của ma quỷ mà thôi.
Xin Chúa thương đụng chạm đến con người đầy yếu đuối của
ta mà cất đi những gánh nặng do bệnh tật thể xác và tâm hồn do ma quỷ gây ra.
Nhờ đó đem lại cho ta nguồn tự do đích thực của đời làm con Chúa.
28/10: KÍNH THÁNH
SIMON VÀ GIUĐA TÔNG ĐỒ
Lc 6, 12-19
Để thực thi sứ mạng rao giảng Tin mừng, đem ơn cứu độ đến
cho con người, một mình Chúa Giêsu là đủ, vì Ngài là Thiên Chúa. Nhưng Chúa lại
không dùng cách thế đó. Trái lại, Chúa muốn mời gọi con người cộng tác.
Cụ thể bài Tin mừng hôm nay liệt kê bảng danh sách
12 tông đồ, những người được Chúa Giêsu tuyển chọn để cộng tác với Ngài trong
sứ mạng hết sức cao cả là loan báo Tin mừng. Để tuyển chọn và trao phó cho con
người sứ mạng hết sức cao quý này, Chúa Giêsu đã không làm theo cảm tính cá
nhân, hay theo cái nhìn chủ quan. Trái lại Ngài đã thận trọng tìm hiểu và bàn
hỏi với Chúa Cha bằng cách suốt đêm cầu nguyện.
Nhìn vào danh sách 12 tông đồ mà Chúa Giêsu tuyển chọn
sau một đêm dài cầu nguyện, chúng ta nhận thấy đa số các ngài là những
người quê mùa, ít học, nghèo khổ, tính tình lại rất người, chẳng tài ba lỗi lạc
gì. Trong đó có hai vị tông đồ mà chúng ta mừng kính hôm nay: Giuđa và Simon.
Thánh Kinh ít khi nhắc đến hai vị tông đồ này, ngoại
trừ bảng liệt kê danh sách các tông đồ hôm nay. Được biết trong số
12 tông đồ có tới hai vị mang tên là Simon. Để phân biệt, Thánh kinh gọi thánh
Simon mừng kính hôm nay là Simon Nhiệt Thành, khác với Simon Phêrô. Cũng
vậy, có hai vị mang tên là Giuđa trong danh sách 12 tông đồ. Nên để phân
biệt, Thánh kinh gọi Giuđa mừng kính hôm nay là Giuđa Tađêô khác với Giuđa
Iscariôt (Phản bội). Cả hai vị không có tài năng nào nổi trội ngoại trừ lòng
Nhiệt Thành và sự Tín Trung, theo ý nghĩa biệt danh của hai ngài.
Như vậy, để tuyển chọn những người tiếp nối sứ mạng loan
báo Tin mừng mang ơn cứu độ đến với nhân loại, Chúa Giêsu không chọn những
người giàu có, tài ba lỗi lạc hay đạo đức thánh thiện trổi vượt. Điều Chúa cần
đó là những con người khiêm tốn âm thầm cộng tác với Ngài và tiêu chuẩn mà Chúa
đến là lòng Nhiệt Tâm trong sứ vụ và sự Trung Thành cho lý tưởng tới cùng. Thế
là đủ!
Xin cho chúng ta ý thức rằng: ý Chúa luôn tốt hơn ý
của ta, sự chỉ dạy của Ngài luôn mang lại lợi ích tốt nhất cho phần phúc chúng ta.
Vì thế mội khi làm bất cứ việc gì, nhất là khi quyết định những việc quan trọng
trong đời, chúng ta cần dành thời giờ để cầu nguyện, xin ơn soi sáng của Chúa;
đồng thời cũng nên bàn hỏi với bề trên là những người có kinh nghiệm và có
trách nhiệm hướng dẫn đời sống đức tin của chúng ta. Xin cho chúng ta hằng biết
noi gương hai vị thánh tông đồ Simon và Giuđa luôn nhiệt thành trong bổn phận
và hằng trung tín với niềm tin.
Thứ ba: Lc 13,18-21
Khi
muốn nói những điều khó nói, người ta hay dùng cách nói ví von. Khi muốn bộc
bạch những tâm tình sâu kín, khó nói thành lời, người ta hay nhờ đến những câu
truyện. Còn khi mạc khải về mầu nhiệm nước trời cho dễ hiểu, Chúa Giêsu lại hay
dùng đến những dụ ngôn. Có thể nói, dụ ngôn là con đường ngắn nhất, thực tế nhất,
gần gũi nhất và cũng hữu hiệu nhất đưa dẫn chúng ta tiếp nhận được những giá
trị thiêng liêng và thực tại vô hình.
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng đến hai dụ ngôn: Dụ hạt
cải và tấm men để mạc khải về mầu nhiệm nước trời. Với hai dụ ngôn này, Chúa
Giêsu muốn cho chúng ta biết: nước trời khởi đầu bé tí ti như hạt cải, âm thầm
như tấm men. Nhưng với thời gian nó dần dần lớn lên, vững mạnh và có sức lan
tỏa đến bất ngờ!
- Với hạt cải nhỏ bé, nhưng khi được gieo vào lòng đất,
nó lại âm thầm lớn lên vững mạnh, to lớn đến nổi làm chổ nương tựa cho chim
trời ẩn trú an toàn.
- Với tấm men ít ỏi, nhưng khi trộn lẫn vào ba đấu bột
thì nó lại kích thích ba đấu bột dậy men, trở thành một khối bột to lớn.
+ Giống như hạt cải ban đầu nhỏ tí ti, nhưng khi gieo vào
lòng đất nó mọc lên và trở thành cây cao bóng cả, trở nên nơi trú ẩn an toàn
cho chim trời những khi mõi mệt và gặp hiểm nguy; GH khởi đầu rất khiêm tốn,
nhỏ bé chỉ với nhóm tông đồ 12 nhỏ nhoi. Nhưng trãi qua hơn 2000 năm qua,
GH đã không ngừng phát triển và lớn mạnh. Đến nay đã có trên 2 tỷ người kitô
giáo, chiếm 1/3 dân số thế giới. GH đã trở thành nơi tựa nương cho bao nhiêu
người yếu đuối, nghèo khổ tựa nương; trở nên bóng mát cho những ai mệt nhòai
trên đường đời ẩn náo. Bởi lúc nào GH cũng đứng về phía người nghèo, cô thế cô
thân để bênh vực chở che, nhằm đem lại cho họ nguồn bình an đích thực. Như lời
mời gọi của Chúa Giêsu: "những ai vất vả mang gánh nặng nề,
hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11, 28).
+ Tựa như tấm men rất ít ỏi, nhưng khi được trộn vào ba
đấu bột nó lại âm thầm kích thích cho ba đấu bột dậy men thành một khối to; làm
thành những tấm bánh thơm ngon mang
lại niềm vui và nguồn sức sống cho con người. Số tín hữu trong GH ban đầu cũng
rất ít ỏi, lại phải sống hòa nhập với mọi người trong một thế giới rộng lớn.
Vậy mà chỉ với thời gian ngắn, Tin mừng của Chúa đã thấm nhập và lan tỏa đến
mọi người trên khắp cùng thế giới, nhờ vào đời sống hiệp nhất yêu thương và
gương chứng nhân đức tin anh hùng của các kitô hữu.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết tích cực cộng
tác với GH trong sứ mạng mở mang nước trời bằng đời sống chứng nhân của tình
yêu Chúa; trở thành men Tin mừng thấm nhập vào mọi tâm hồn và lan tỏa đến mọi
nơi. Nhờ đó mà GH của Chúa mỗi ngày được lan rộng và vững vàng hơn.
Thứ tư: Lc 13, 22-30
Được cứu độ hay vào được nước trời nhiều hay ít? có lẽ là
nỗi trăn trở của không ít người thời Chúa Giêsu. Với nỗi ưu tư đó nên tin mừng
hôm nay cho biết có một người đến đặt vấn đề với Chúa Giêsu: "Lạy
Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ? ".
Để trả lời cho vấn nạn này, Chúa Giêsu không cho anh ta
biết số lượng vào nước trời nhiều hay ít. Nhưng Chúa Giêsu lại đưa ra phương
cách cần thiết để được cứu độ.
Mặt tích cực, Chúa Giêsu kêu gọi:
- "Hãy cố gắng vào qua cửa hẹp" (Lc
13,24), vì "cửa hẹp dẫn đến sự sống" (Mt 7,14). Thật
ra cửa vào sự sống không hẹp, nhưng hẹp vì cái tôi của tôi to quá. Cần nỗ lực
liên tục để giữ cho cái tôi nhỏ lại, khiêm hạ trước Thiên Chúa, cởi mở trước
anh em. Cần có một cái tôi như trẻ thơ mới được vào Nước Trời (Mt 18, 3).
Cái tôi của chúng ta luôn có khuynh hướng bành trướng nhờ
thu tích nơi mình tri thức, tiền bạc, khả năng. Cả kinh nghiệm, tuổi tác, đạo
đức, chức vụ, cũng có thể làm cái tôi xơ cứng và phình to. Ðể "người
lớn" trở nên bé nhỏ như trẻ thơ, cần phải biến đổi và tự hạ (x. Mt 18,
3-4). Ðây thật là một cố gắng không ngừng. Khi hủy mình ra không, ta sẽ dễ dàng
đi qua cửa hẹp.
- Phải thể hiện đời sống như các tổ phụ: Nghĩa
là phải noi gương Abraham, Isaac và Giacóp, vững vàng trong đức tin và trung
kiên trong đức mến.
Mặt tiêu cực, Chúa Giêsu cảnh báo những điều nên tránh:
- Tránh ảo tưởng mình là người Kitô hữu đương nhiên được
cứu. Gioan Tẩy Gỉa đã chẳng cảnh báo với những người Biệt phái và nhóm Sađucêô:
"Đừng ỷ mình là con cháu tổ phụ Abraham…”(Mt 3, 7t); cũng như Chúa
đã khuyến cáo: đừng tưởng rằng đã từng ăn uống trước mặt Ngài, và từng nghe
Ngài giảng dạy là được cứu. Nhưng để được cứu độ, ta còn phải biết lắng
nghe và thực hành Lời của Chúa: "Mẹ và anh em của Ta là những
người nghe Lời Chúa và đem ra thực hành" (Lc 8, 21).
- Tránh quan niệm “sống lâu năm lên lão làng”. Nghĩa là ỷ
vào công trạng giữ đạo lâu năm mà chễnh mãng trong đời sống đức tin, xem thường
đạo lý và Lời Chúa. Điều này có nguy cơ sẽ bị loại khỏi nước trời. Ơn cứu độ
chỉ dành riêng cho những ai kiên trung sống đức tin đến cùng. Vì thế, Chúa
Giêsu đã không ngại tuyên bố: " kẻ sau hết sẽ trở nên trước
hết...".
Xin cho chúng ta biết loại bỏ đi những suy nghĩ theo kiểu
người đời. Nhưng biết kiên trì không ngừng nổ lực thực thi Lời Chúa dạy
bảo, với tinh thần khiêm tốn, để xứng đáng được vào số người được cứu độ.
Thứ năm: Lc 13, 31-35
Để thi hành sứ mạng cứu độ con người, Chúa Giêsu đã phải
đối mặt với biết bao là thử thách. Có những thử thách xem ra nhỏ nhoi dễ dàng
vượt qua, cũng có những thử thách khắt nghiệt có nguy hại đến mạng sống
và lý tưởng, xem chừng khó vượt thắng. Tin mừng hôm nay cho biết Chúa
Giêsu phải đối mặt với hai thử thách hết sức cam go.
1. Đến từ bên ngoài: Vua
Hêrôđê đang tìm cách hãm hại và tiêu diệt Ngài. Vì thế khi đến địa hạt thuộc
vua này quản lý, Chúa Giêsu đã phải chịu áp lực bởi lời cảnh báo của một vài
người...
Nhưng trung thành với với sứ mạng, Chúa Giêsu đã không hề
chùng bước và sợ hãi. Trái lại Ngài tỉnh táo phân tích vấn đề và khẳng định
nhiệm vụ ưu tiên của Ngài là loan báo tin mừng cứu độ nên phải chu toàn. Mặt
khác Ngài cũng rất hiểu về hoàn cảnh và con người của vua Hêrôđê. Vì thế Ngài
rất bìn tâm vì biết mình phải đối phó với hoàn cảnh nguy hiểm ấy như thế nào.
2. Đến từ bên trong: Người đời
thường nói: giặc ngoài không sợ, nhưng ngại nhất là thù trong. Giêrusalem được
xem là trung tâm chính trị, kinh tế , văn hóa và là cái nôi của tôn giáo. Ấy
vậy mà nơi đây đã trở nên kinh hoàng nhất vì bao ngôn sứ đã bị giết tại đây và
sứ điệp Tin mừng cũng bị khướt từ chính từ nơi này. Chúa Giêsu đã mạc khải cho
biết về đau khổ mà Ngài phải chịu, và cái chết đau thương mà Ngài đối mặt cũng
sẽ xảy ra chính tại nơi này, nơi mà được xem là người nhà và là cái nôi của tôn
giáo.
Đời sống đức tin của mỗi chúng ta cũng luôn phải đối đầu
với bao là thử thách. Có những thử thách đến từ bên ngoài, tuy nhiên cũng có
những thử thách đến từ bên trong, ngay trong chính bản thân ta cũng có sự xung
khắc.
Xin cho chúng ta luôn can đảm sống trọn bổn phận với Chúa
với nhau; đồng thời xin Chúa giúp chúng ta kiên vững niềm tin dù có gặp nguy
khó trên đường đời.
Thứ sáu: Mt 5, 1-12a
LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ
Con Đường Nào Dẫn Đến
Hạnh Phúc Đích Thật?
Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng vọng lên cao để
chiêm ngắm vinh quang rạng ngời nơi các Thánh Nam Nữ. Các ngài đã trung thành
bước theo con đường “tám mối phúc thật” mà Chúa Giêsu chỉ dạy, cho dẫu phải
chịu nhiều đau thương thử thách. Nên các ngài xứng đáng được Chúa ân thưởng
hạnh phúc nước trời.
Dâng thánh lễ hôm nay, một mặt chúng ta chúc tụng ngợi
mừng các thánh; mặt khác chúng ta cũng không quên xin Chúa qua lời chuyển cầu
của các thánh nam nữ nơi vinh phúc ban cho chúng ta biết nghe theo lời Chúa dạy
mà can đảm bước theo con đường 8 mối phúc thật như các thánh, để mai sau chúng
ta cũng được chung hưởng niềm vinh phúc nước trời như các ngài.
Ở đời luôn có hai mặt thật và giả. Hạnh phúc cũng vậy. Có
những thứ đem đến cho con người hạnh phúc thật. Tuy nhiên cũng có những thứ chỉ
đem đến cho con người hạnh phúc giả tạo, không bền lâu. Điều nghịch lý là ai
cũng mong muốn có được hạnh phúc thật, nhưng rồi lại thích đi tìm những thứ chỉ
mang đến hạnh phúc giả tạo, chóng qua.
Xã hội ngày nay, nhiều người cho rằng hạnh phúc là có
1,2,3,4,5 ( một là vợ đẹp, hai là con ngoan, ba là nhà 3 tấm, bốn là xe 4 bánh
và năm là du lịch 5 châu). Thế nhưng thực tế cho thấy, khi đạt được những điều
mong ước ấy, con người vẫn không tìm thấy hạnh phúc thật.
Như thế thì tiền bạc của cải, vật chất tiện nghi, đam mê
lạc thú nơi trần gian không lấp đầy được khát vọng sâu xa nơi cỏi lòng con
người và không là phương thế đưa đến hạnh phúc thật. Vậy ta phải làm gì để có
hạnh phúc thật?
Bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết
những phương cách để đạt đến hạnh phúc đích thật. Đó chính là thực thi 8 mối
phúc thật.
Điều đáng nói là con đường 8 mối phúc thật mà Chúa Giêsu
đề ra hình như đi ngược lại với suy nghĩ thực tế của con người thời nay và lắm
khi trở thành xa lạ ngay cả đối với người Kitô hữu chúng ta. Vì con người thời
nay vẫn còn bám víu quá nhiều vào tiền bạc, của cải, danh vọng... nên không dám
chấp nhận những phương cách mà Chúa Giêsu đề ra: là tinh thần khó nghèo, từ bỏ,
đau khổ ngay cả hy sinh vì chính đạo để phục vụ tha nhân và nước Chúa.
Con đường 8 mối phúc không phải là viễn vong, mơ hồ hay
bất khả thi nhưng là con đường chính đạo. Bởi vì chính Đức Giêsu đã kinh qua và
đã đạt đến hạnh phúc vinh quang. Do đó muốn có hạnh phúc thật chúng ta không
thể đi theo con đường nào khác ngoài con đường Đức Giêsu đã đi và đã chỉ dạy.
Con đường khiêm hạ, khó nghèo, hi sinh từ bỏ và hiến thân cho tha nhân bằng
tình yêu.
Các thánh nam nữ mà chúng ta mừng kính hôm nay, tất cả đã hân hoan bước vào con đường 8 mối phúc mà Chúa
Giêsu đã vạch ra và hâm hở tiến bước với lòng đầy niềm tin, nên tất cả đã đi
đến đích điểm và đã lãnh nhận triều thiêng vinh quang nước trời do Chúa
tặng ban.
Mừng lễ Các Thánh Nam Nữ, ngoài việc chúng ta tôn vinh
chúc tụng các ngài là cha ông, bạn bè, người thân của chúng ta đã đi trọn con
đường 8 mối phúc và nay đã khải hoàn vinh hiển trong vinh quang; chúng ta còn
phải nổ lực nên thánh giữa đời theo gương các ngài, với niềm xác tín như Thánh
Augustinô: “Ông nọ bà kia nên thánh được, còn tôi tại sao lại không được?”.
Xin các thánh ngự bên tòa Chúa hằng thương nguyện giúp
cầu thay cho chúng ta luôn can đảm bước theo con đường các Thánh Nam Nữ đã đi, bằng cách trung thành
thực thi 8 mối phúc mà Chúa Giêsu vạch ra, nhờ đó chúng ta đạt được điều mà
mình hằng khao khát là hạnh phúc thật. Amen.
Thứ bảy: LỄ CÁC ĐẲNG
LINH HỒN
Làm
Gì Để Giúp Đỡ Các Đẳng Linh Hồn?
Để nhắc nhở chúng ta siêng năng “đi viếng nhà thờ” mà cầu
nguyện cho các linh hồn vào tháng 11, tháng Các Linh Hồn, người ta thường kể
cho nhau nghe câu chuyện sau đây:
Ở một Họ đạo nọ, có một người đàn ông sống đạo rất khô
khan nguội lạnh. Ít khi thấy anh ta đi đến nhà thờ để tham dự thánh lễ một
mình. Anh chỉ đi nhà thờ, khi nào đứa con trai cưng bảy tuổi của anh đòi đi mà
thôi. Số là vào một buổi chiều trong tháng các đẳng linh hồn, đứa con của anh
thấy bạn bè mình đều được cha mẹ dẫn đi “viếng nhà thờ” để đọc kinh cầu nguyện
cho ông bà tổ tiên đã qua đời, nó cũng đòi đi cho bằng được, để cầu nguyện cho
ông bà nội đã qua đời.
Sau khi đưa ra hết mọi lý lẽ để cản ngăn con đừng đi nhà
thờ không thành công, anh ta đành phải chiều lòng con mà đưa nó đến nhà thờ.
Nhưng khi đến nhà thờ, anh không vào tham dự thánh lễ mà
ngồi chờ con bên ngoài hành lang nhà thờ. Anh dặn đứa con: “Khi nào con đọc
kinh xong thì ra, ba sẽ đưa con về!”.
Nhưng vì ngồi chờ quá lâu ở ngoài nhà thờ, nên anh ta đã
ngủ quên và không biết giờ kinh đã xong lúc nào. Trong khi đang say ngủ như vậy
thì anh mơ thấy một đoàn các Thiên Thần đông vô kể, từ trên trời bay xuống, vị
nào cũng ì ạch mang theo những bao chứa đầy những thứ có màu trắng tựa như
bông, lại bốc mùi rất thơm không thể nào diễn tả được. Quá tò mò, anh chạy theo
một vị Thiên Thần và hỏi nhỏ: đó là thứ gì vậy? Vị Thiên Thần trả lời: đây là
“các ơn thánh” mà những người trên trần gian đã tích góp được nhờ vào việc đọc
kinh, lần hạt và đi viếng nhà thờ, nay gửi xuống cho người thân của họ đang bị
giam cầm trong Luyện Ngục. Được lệnh của Thiên Chúa nay chúng tôi đi giao
quà. Nghe vậy, anh liền rón rén đi theo các Thiên Thần.
Khi các Thiên Thần đi đến đâu thì các linh hồn đều rất
vui mừng bởi họ đều nhận được thật nhiều quà “ơn thánh” mà bà con thân thuộc
của họ gửi đến cho họ nên ai cũng đều cám ơn rối rít.
Sau cùng, còn lại một món quà nho nhỏ, các Thiên Thần tìm
đến một phòng giam trông rất hoang vắng rồi gõ cửa và nói: “Này, ông bà cụ ơi,
có quà của cháu nội gửi cho ông bà đây, ra mà nhận!”. Bổng từ bên trong có
tiếng vọng ra vừa vui mừng vừa xúc động nói: “Trời ơi, chúng tôi mà cũng có
người tưởng nhớ tới sao! Bởi vì từ khi chết cho tới nay đã lâu quá rồi, đâu có
ai nhớ đến chúng tôi nữa mà gửi quà! Nhưng thật cảm động vì hôm nay chúng tôi
nhận được món quà hết sức quý giá của đứa cháu nội, ôi hạnh phúc biết
bao!”.
Thật bất ngờ không thể tin vào mắt mình nữa, bởi vì vừa
khi mở cửa ra để lãnh quà “ơn thánh” của đứa cháu nội, thì anh ta nhận ra đó
chính là cha mẹ ruột của anh. Nhưng giờ đây hình dáng của hai ông bà đã gầy óm
và hốc hác đi quá nhiều, trông rất là đau khổ.
Lúc ấy anh thấy hai ông bà hướng mắt nhìn về anh rồi từ
từ tiến lại gần anh với một vẽ mặt rất tức giận. Với cái gậy đang cầm sẵn trong
tay, ông bà đã phang thẳng vào đầu anh một cái thật mạnh và quát lớn: “Thằng
con bất hiếu kia, mi còn mò tới đây làm gì nữa! Mi quả là đứa con bất hiếu! Mi
coi gương đứa con của mi mà từ nay ăn ở sao cho phải đạo đó!”. Bị đánh một cú
quá bất ngờ và đau điếng, anh chàng bèn tỉnh giấc. Khi ngước mặt lên, anh ta
bất ngờ nhìn thấy ông từ trông coi nhà thờ đang đứng trước mặt anh và la lớn
tiếng: “Mi là ai mà giờ này còn nằm trước cửa nhà thờ ngủ như thế này!”.
Bấy giờ anh ta mới biết là mình đang mơ. Và cú gậy vừa
rồi là do ông từ đánh, chứ không phải ba mẹ anh đánh!
Trên đường lủi thủi về nhà, người đàn ông ấy đã suy nghĩ
thật nhiều về giấc mơ ấy. Cuối cùng anh ta cũng quyết tâm đổi đời. Từ đó anh ta
cương quyết sống đạo tốt hơn, siêng năng tham dự thánh lễ thường xuyên hơn và
lúc nào cũng nhớ cầu nguyện cho cha mẹ anh ta thật nhiều.
Câu chuyện trên là lời nhắc nhớ mỗi người chúng ta hãy
siêng năng cầu nguyện cho các linh hồn, nhất là trong tháng 11 này, vì các ngài
đang chờ đợi nơi chúng ta những người còn sống tặng “quà ơn thánh” cho họ. Qùa
ơn thánh mà những người đã chết mong chờ chính là những việc làm bác ái yêu
thương, là những kinh nguyện sáng chiều, là những hy sinh phục vụ chân thành
trong bổn phận, nhất là những Thánh Lễ mà chúng ta cùng hiệp dâng lên Chúa mỗi
ngày trong niềm tin yêu với niềm xác tín vào mầu nhiệm các thánh cùng thông
công, nhờ vào tình thương và ơn cứu chuộc của Chúa Kitô mà ban thưởng hạnh phúc
nước trời cho các đẳng linh hồn trong nơi luyện tội, trong đó rất có thể là ông
bà cha mẹ và những người thân yêu của chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét