SUY
NIỆM LỜI CHÚA TUẦN VI THƯỜNG NIÊN
CHÚA
NHẬT VI THƯỜNG NIÊN A
Mt
5, 17-37
Chúa Giêsu đến trần gian không phải để phá hủy lề luật và
lời các tiên tri nhưng là để kiện toàn. Xin cho chúng ta hết lòng tuân giữ luật
Chúa và Giáo Huấn Giáo Hội dạy bảo; đồng thời cũng giúp mọi người yêu mến và
tuân giữ.
Trong những lần họp quốc hội Việt Nam gần đây, được
nhiều người đánh giá là có tiến bộ vì đã lắng nghe được tâm tư nguyện vọng
chính đáng của người dân qua những kiến nghị của các đại biểu quốc hội.
Từ đó, nhiều dự luật mới được đệ trình để quốc hội và
nhân dân bàn thảo; nhiều luật củ được đặt lại để chỉnh sửa cho hoàn chỉnh hơn
theo hoàn cảnh đổi mới của xã hội, cũng như theo tinh thần chung của quốc tế.
Sở dĩ có những sửa đổi và đệ trình những luật mới như thế
cũng đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích cho con người (không nói là ưu tiên cho
một nhóm người nào đó, hoặc giả cho một gia tầng nào đó). Nhưng càng phục vụ
lợi ích cho nhiều người bao nhiêu thì giá trị của luật ấy càng được xem trọng
bấy nhiêu.
Bất cứ xã hội nào, đất nước nào, tập thể nào, gia đình
nào dù lớn hay nhỏ đều có những quy định và luật lệ của nó (quốc có quốc pháp,
gia có gia huy). Chính những quy định luật lệ ấy sẽ đem lại tính ổn định cho
cộng đoàn, xã hội và bảo vệ quyền lợi cho con người.
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu khẳng định: “Anh em
đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môisê hoặc các ngôn sứ. Thầy đến không phải
là để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn…”. Khi khẳng định như thế là Chúa Giêsu đã
thấy có sự sai lạc nào đó về quan niệm, cách thức giữ luật của con người, cụ
thể là những người Biệt phái nên Chúa Giêsu mới kiện toàn.
Để nhận ra những sai lầm trên, trước hết ta cần xác định
lại những yếu tố cần thiết của luật:
1. Mục đích của luật:
Mục đích của luật là nhằm đem lại lợi ích cho con người.
Nếu luật nào không mang đến lợi ích cho con người thì xem như không cần thiết nữa.
Ăn chay, cầu nguyện, bố thí… là những phương tiện nhằm giúp con người nâng cao
tâm hồn, liên kết mật thiết với Chúa và sống tình thân với nhau. Nếu luật ăn
chay, cầu nguyện và bố thí… không mang lại những giá trị trên, trái lại chỉ
nhằm để làm lé mắt thiên hạ thì tốt nhất không nên giữ thì hơn. Nên Chúa
Giêsu mới xác định lại mục đích của việc giữ ngày Sabbát: “Ngày Sabbát
được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabbát” .
(Mc 2,27).
2. Ưu tiên của luật:
Thiên luật là luật do Thiên Chúa ấn định thì trên hết nên
đòi buộc mọi người phải tuân giữ, còn nhân luật là luật do con người làm ra thì
có tính tương đối vì lắm khi những điều luật ấy bị tác động hoá bởi hoàn cảnh,
thời gian, không gian, nền văn hoá thay đổi… Do đó luật do con người lập ra thì
có thể thay đổi và cần phải được thay đổi cho phù hợp trong từng hoàn cảnh,
nhưng luật của Thiên Chúa thì bất biến. Chính vì thế mà ta cần phải ưu tiên
tuân giữ luật của Thiên Chúa một khi nhân luật và Thiên luật đòi buộc cùng một
lúc.
Khi người ta nói đến chuyện Môisê cho phép ly dị thì Chúa
Giêsu đã khẳng định sự bất cập của nhân luật và Người tái khẳng định sự bất
biến và tính bó buộc của Thiên luật về hôn nhân bất khả phân ly (x. Mt 19,1-9;
Mc 10,1-12).
3. Tinh thần giữ luật:
Rất nhiều lần Chúa Giêsu phê phán thái độ giữ luật bằng
hình thức bên ngoài mà thiếu tâm tình bên trong. Người đã dùng hình ảnh “mồ mả
tô vôi”, bên ngoài thì trông rất đẹp đẽ nhưng bên trong thì tanh hôi, để ví
nhiều người giữ luật theo kiểu này. Người cũng đã dùng lời sứ ngôn Isaia để
cảnh tỉnh họ: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì
lại xa Ta” (x. Mt 15,7-8).
Loài người chúng ta trong thân phận hữu hình thì các hành
vi bên ngoài luôn là điều cần thiết vì mang tính tất yếu. Tuy nhiên chính tâm
tình, tấm lòng, ý hướng bên trong mới là yếu tố quan trọng quyết định giá trị
tốt-xấu qua những hành vi thể hiện ra bên ngoài.
4. Yêu thương là trên hết:
Chúa Giêsu đã nhiều lần minh định về giới răn: “Kính mến
Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn, đồng thời yêu
thương tha nhân như chính mình” (x. Mt 22,34-40; Mc 12,28-34; Lc 10,25-28).
Trong tình yêu, nếu bỏ qua hay không làm một điều tích cực với khả năng và hoàn
cảnh cho phép của mình thì bị xem là tiêu cực, thậm chí là tội lỗi vì tội không
chỉ là làm trái lại ý muốn của Chúa trong tư tưởng, lời nói, việc làm mà còn cả
những điều thiếu sót nữa. Nhiều người phải trầm luân đời đời vì khi còn sống đã
không làm những việc lành, việc tốt, việc phải làm cho một trong những kẻ bé
mọn (x. Mt 25,31-46).
Đây là dịp tốt để mỗi người chúng ta duyệt xét lại đời
sống của mình qua cách thức sống đạo.
Xin Chúa cho chúng ta không chỉ tuân giữ luật Chúa hay
luật Hội Thánh bằng những việc làm bên ngoài, mà còn phải biết thổi hồn vào
những việc làm ấy bằng tấm lòng yêu mến nữa.
Suy niệm 2: Tin mừng hôm
nay, Chúa Giêsu cho các môn đệ cũng như chúng ta biết thêm về lý do quan trọng
mà Ngài đến trần gian này là:“không phải hủy bỏ lề luật hay các tiên
tri, nhưng là để kiện toàn”.
Do tác động thay đổi của xã hội qua dòng thời
gian, nhất là vào thời Chúa Giêsu, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã có sự giải
thích sai lệch về lề luật Chúa nên cần phải kiện toàn.
Luật của Chúa được ban cho nhân loại xuyên
qua dân tộc Do Thái, bởi trung gian là ông Môsê. Luật đó được gìn giữ
và bảo tồn qua thời các ngôn sứ. Nhưng đến thời Chúa Giêsu, luật Chúa được trao
quyền cho các kinh sư giải thích và hướng dẫn cho dân chúng. Thay vì giúp người
dân hiểu biết rõ về luật Chúa cũng như tinh thần đúng đắn phải có khi tuân giữ
luật Chúa, thì trái lại các ông lại thêm thắc vào đó quá nhiều chi tiết từ 10
điều lên đến 613 điều khoản, khiến cho dân chúng rối ren không còn phân biệt
đâu là điều chính đâu là điều phụ nữa.
Hơn nữa các ông lại quá chú trọng đến hình thức
bên ngoài làm cho người dân có cảm giác luật Chúa quá nặng nề bởi những ràng
buộc vượt quá khả năng của họ. Nên khi rao giảng, Chúa Giêsu đã nhiều lần đả
kích lối sống vị luật của người Pharisêu; cũng như cảnh báo về mối nguy hiểm
của những gánh nặng mà dân chúng phải chịu do các kinh sư chất chồng lên vai
họ. Có lẽ vì đó mà nhiều người tưởng rằng Chúa Giêsu muốn phá bỏ lề luật và các
tiên tri.
Để chỉnh sửa lại ý nghĩ sai lệch ấy, Chúa
Giêsu đã khẳng định với các môn đệ về lý do mà Ngài đến thế gian này đó là nhằm
để kiện toàn lề luật. Vậy Chúa muốn kiện toàn điều gì?
- Trước hết Chúa Giêsu kiện toàn về nội dung
văn bản của luật: Phải giữ nguyên trạng giới luật của Chúa, dù một chấm, một
phẩy cũng không được thay đổi hay bỏ sót.
- Thứ đến Chúa kiện toàn về hình thức thi
hành luật: Nếu các kinh sư và người Pharisêu quá chú trọng bởi hình thức bên
ngoài thì Chúa Giêsu nhấn mạnh đến trọng tâm giữ luật bên trong. Việc giữ luật
chỉ có giá trị đích thực khi nó xuất phát từ trái tim và tấm lòng.
- Cuối cùng Chúa Giêsu kiện toàn về tâm tình
phải có khi giữ luật: Việc giữ luật không phải vì lo sợ. Sợ không giữ thì
bị Chúa phạt; lo vì nếu không thi hành luật sẽ bị người đời khinh thường và lên
án… nếu mang nặng tâm lý ấy thì quả thật luật trở nên gánh nặng đáng sợ cho đời
sống con người.
Điều mà Chúa Giêsu mong muốn là mọi người hãy
tuân giữ luật với tấm lòng yêu mến. Chính lòng mến Chúa chân thành sẽ giúp ta
cảm thấy vui tươi, thoải mái khi thi hành luật Chúa; và nhờ động lực tình thúc
đẩy mà chúng ta không còn sợ hãi do những ràn buộc của luật lệ nữa.
Mong cho mỗi người trong chúng ta hiểu được
rằng: vì không muốn nhân loại phải đi lạc đường nên Chúa mới ban truyền lề luật
để hướng dẫn.
Xin Chúa cho chúng ta cảm nhận được tình
thương lớn lao ấy của Chúa mà trung thành tuân giữ luật Chúa và GH chỉ dạy với
tất cả tấm lòng trân quý và yêu mến của mình.
Đọc thêm:
Tin mừng hôm nay, thánh Matthêu cho biết Chúa
Giêsu đã kiện toàn khá nhiều luật lệ như: luật giết người, luật hôn nhân, luật
làm chứng…
1. Kiện toàn luật giết người:
Giết người thì ở đâu và thời nào cũng là tội
nặng, vì Chúa mới là chủ sự sống. Đó là công lý. Lời Chúa dạy bảo trong bài Tin
Mừng hôm nay còn vượt trên công lý nữa. Công lý hay luật pháp chỉ buộc tội khi
một người phạm tội bằng hành vi cụ thể. Còn Chúa thì đi xa hơn, Chúa ngăn chặng
ngay từ nguyên nhân, nguồn gốc đưa đến tội giết người.
Vì thế, “Ai giận anh em mình thì đáng
bị tòa xét xử, ai mắng chửi anh em là đồ ngốc thì sẽ bị lên án trước công nghị
và ai mắng chửi anh em mình là khùng thì đáng lửa trầm luân”.
Đúng như lời Chúa nói: Giận dỗi chính là
nguyên nhân đưa đến tội giết người. Vì khi ta giận ai là ta muốn cho người đó
khuất mắt ta; ta không muốn người đó hiện diện trên cõi đời này nữa. Cho nên
giận như vậy thì chẳng khác nào giết người không dao.
Cũng thế, khi ta mắng chửi anh em là đồ ngốc
là khùng thì chẳng khác nào ta xem thường anh em mình, để rồi hạ thấp họ xuống
hàng con vật, không đáng là người nữa. Hành vi như thế là chiếm đoạt quyền phán
xét của Thiên Chúa, nên đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt.
Như vậy, để khỏi bị Thiên Chúa luận phạt và
kết án, Chúng ta phải có lòng quảng đại tha thứ. Tha thứ là điều kiện để tôn
vinh Thiên Chúa một cách xứng đáng: "Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn
thờ mà sực nhớ anh em đang có điều bất bình với ngươi, hãy đặt của lễ trước bàn
thờ, đi làm hoà với người anh em trước, rồi hãy đến mà dâng của
lễ.". Tha thứ là cách ta hàn gắn lại những vết thương lòng của ta và
cho tha nhân. Tha thứ cũng là cách chúng ta bắt đầu lại mối tương quan tốt đẹp
với anh em mình.
Xin Chúa cho chúng con biết giữ tâm hồn và
môi miệng cẩn trọng để khỏi sa vào tội giết người không gươm. Xin
Chúa cũng dạy chúng con biết yêu thương và tha thứ, như Chúa đã từng yêu thương
và tha thứ cho chúng con. Amen.
2. Kiện toàn luật hôn nhân:
Chúa Giêsu tiếp tục kiện toàn giới luật một
vợ một chồng. Để tránh đi tình trạng đỗ vỡ trong đời sống hôn nhân, chẳng những
Chúa Giêsu cấm không được li dị mà Chúa còn ngăn chặn ngay cả nguyên nhân sâu
xa đưa đến tình trạng bất trung trong đời sống hôn nhân nữa. “Anh
em đã nghe Luật dạy rằng: chớ ngoại tình, còn Thầy, Thầy bảo cho anh em
biết : ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với
người ấy rồi…” (Mt 5: 27-28).
Như thế là dù chỉ thèm muốn trong
lòng vợ hay chồng của người khác thì đã phạm tội ngoại tình trong tư tưởng
rồi; vì trong lòng đã nuôi dưỡng ước muốn sai trái. Từ đó sẽ dễ dẫn đến hành
động phản bội tình nghĩa vợ chồng.
Có thể nói mọi tội lỗi con người phạm, đều
xuất phát từ trong lòng. Do đó, muốn tránh tội thì phải dứt khoát từ bỏ ước
muốn bất chính ngay trong lòng. Nhưng để tránh được ước muốn bất chính trong
lòng, chúng ta cần phải giữ gìn đôi mắt. Đôi mắt là của sổ tâm hồn nên mọi điều
tốt xấu muốn vào được căn nhà tâm hồn đều phải qua cửa sổ của đôi mắt.
E-va chính vì đã không gìn giữ được đôi mắt
nên đã hướng cái nhìn về trái cấm và đã nuôi dưỡng trong lòng sự thèm
muốn. Từ ước muốn ấy bà đã cả lòng đưa tay hái trái cấm ăn, dầu biết rằng hành
động ấy là phạm tội bất trung với Chúa.
Ða-vít cũng vì không giữ được đôi mắt nên đắm
đuối nhìn người phụ nữ khỏa thân và có ước muốn khoái lạc. Từ đó đưa đến
những hành vi tội ác: ngoại tình và giết người giấu tay.
Lạy chúa xin giúp chúng con biết gìn giữ đôi
mắt luôn có cái nhìn trong sáng và can đảm dứt bỏ những nguyên nhân làm cớ
chúng con lỗi đức trong sạch, cho dù đó là một phần của cơ thể như: là mắt, là
tay... bởi vì Chúa đã phán: "thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn
thân bị ném vào hỏa ngục".
3. Kiện toàn về luật làm chứng:
Trong cuộc sống, ta thường nghe được những luồng thông
tin khác nhau về một sự kiện nào đó xảy ra trong xã hội, cũng như trong Giáo
Hội. Có những thông tin chính thống cần tin theo. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền
lợi, phe nhóm và thế lực của mình cũng không ít những thông tin sai lạc, ta cần
phải dè chừng.
Hằng ngày trên báo chí, truyền thanh, truyền hình ta bắt
gặp rất nhiều thông tin quảng cáo nhằm thu hút khách hàng và lợi nhuận. Bên
cạnh những thông tin thật cũng có nhiều thông tin không thật. Sống trong
một xã hội mà phải liên tục đề phòng hàng giả, người giả, thông tin giả thật là
bất an.
Chắc chắc ai trong chúng ta cũng không muốn điều ấy xảy
ra. Nhưng rồi chính cuộc sống chúng ta cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Nhiều lần vì
sợ, vì tham, vì bị mua chuộc… ta lại chấp nhận im lặng hay từ chối làm chứng
cho chân lý. Lắm khi vì ham mê tiền bạc, chức quyền… ta cũng sẵn sàng chối bỏ
niềm tin cách dễ dàng.
Chúa Giêsu xác định: “Tôi sinh ra
và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự
thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga
18,37). Do đó để thuộc về Chúa chúng ta cần phải sống và làm chứng cho sự thật,
vì sự thật mới giải phóng chúng ta khỏi những ràn buột của gian dối và bóng tối
của sự dữ. "Sự thật sẽ giải phóng các ông" (Ga 8, 32). Vì
thế, "hể có thì nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều
gì là do ác quỷ".
Xin cho chúng ta biết vâng nghe lời Chúa, luôn can đảm
nói và làm theo sự thật, để chúng ta khỏi sa vào cạm bẫy của ma quỷ. Nhờ đó
cuộc sống mới được an vui, hạnh phúc.
Thứ hai: Mc 8, 11-13.
Tin mừng hôm nay cho biết vì tính kêu căng nên đã làm cho
đôi mắt của những người Biệt Phái và Luật sĩ trở nên mù quáng không còn khả
năng nhận thấy giá trị đích thực của những phép lạ mà Chúa Giêsu đã thực hiện.
Hơn thế nữa vì lòng dạ ghen tỵ nên họ đã ác ý giải thích cách sai lạc
trước những phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm.
Họ cho rằng Chúa đã nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ. Chính vì
thế mà trước những yêu sách đòi hỏi phép lạ của họ hôm nay, Chúa Giêsu đã quyết
liệt khướt từ. Bởi Chúa thừa biết lòng dạ chai cứng vì kiêu ngạo và ghen tỵ của
họ nên cho dù Chúa có làm cả ngàn phép lạ để đáp ứng yêu sách của họ thì
chắc chắn là họ vẫn không bao giờ tin.
Xin Chúa loại trừ tính kiêu căng tự mãn ra khỏi tâm hồn
ta vì đó là nguồn gốc gây ra những tội ác đáng sợ và là nguyên nhân làm cho tâm
hồn chúng ta trở nên mù tối không còn khả năng nhận ra giá trị, ý nghĩa
đích thực của cuộc sống.
Xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng ta trở nên sạch trong để
ta dễ dàng nhận ra tình thương và quyền năng Chúa hiện diện trong cuộc đời và
nhận ra tha nhân chính là anh em đích thật của ta.
Thứ ba: Mc 8, 14-21
Do tính chất của gương mù,
gương xấu có sức lôi kéo mãnh liệt nên lan tỏa rất nhanh vì thế
mà lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh các môn đệ cũng như chúng ta về tác hại nguy
hiểm của nó mà tránh xa.
Xin
cho chúng ta biết liên kết chặt chẽ với Chúa bằng đời sống cầu nguyện và hằng
bước đi dưới ánh sáng lời Chúa, nhờ đó chúng ta mới có thể vượt thắng được sức
mạnh cám dỗ của ba thù.
Vậy 2 loại men ấy là gì mà Chúa Giêsu lại phải cảnh tỉnh
các môn đệ Ngài tránh xa?
Thưa men ấy chính là đời sống xấu xa, tội lỗi của họ.
Men của Biệt Phái là lòng kiêu căng, tự mãn và lối sống
giả hình.
Men của Hêrôđê là tham vọng quyền lực, tiền bạc và gian
ác.
Những loại men này có độc tố cực mạnh và khả năng lan tỏa
rất nhanh. Trái lại có một thứ men rất bổ dưỡng, đem lại sức khỏe cho tâm hồn rất
tốt, loại men ấy Chúa Giêsu đã nhắc đến qua "dụ ngôn nấm men người đàn bà
trộn vào ba đấu bột cho đến khi toàn bộ bột dậy men". Men ấy là men Tin
mừng, men của tình yêu, men của hy sinh, bao dung và tha thứ…Nhưng đáng tiếc
loại men này lại ít người xử dụng nên lan tỏa rất chậm chạp.
Ngày nay những loại men độc hại có tính chất thấm nhập và
lan tỏa rất nhanh vào trong xã hội và đời sống con người. Nên lời cảnh báo của
Chúa Giêsu vẫn còn nguyên giá trị. Men của ích kỷ, dối trá, dững dưng,
tham vọng, tự do phóng túng…rất nguy hiểm vì chính nó đã gây ra biết bao đỡ vỡ
hạnh phúc gia đình, tạo nên những xáo trộn trong đời sống xã hội và giết chết
biết bao tâm hồn người trẻ nên cần phải tránh xa!
Xin Chúa thương thanh tẩy tâm hồn chúng con khỏi những
độc tố bởi những loại men nguy hại gây nên. Nhất là biết can đảm khướt từ những
cám dỗ ngọt ngào của những loại men độc hại, bằng cách luôn gắn bó với Chúa qua
cầu nguyện, thực hành bác ái và chay tịnh tâm hồn.
Thứ tư: Mc 8, 22-26
Tin mừng hôm nay thuật lại phép lạ Chúa Giêsu chữa cho
người mù được sáng mắt. Phép lạ này diễn ra cách tiệm tiến và có vẻ khá cầu
kỳ.
Xin Chúa cũng luôn kiên nhẫn mà chữa lành căn bệnh mù lòa
tâm hồn của chúng ta do tội lỗi gây ra, bằng chính tình thương và quyền năng của
Người.
Bài tin mừng hôm nay, thuật lại phép lạ Chúa Giêsu chữa
cho người mù được sáng mắt một cách tiệm tiến và có vẻ rất công phu. Tin mừng
cho biết Chúa Giêsu phải đưa người mù ra khỏi đám đông, bôi nước bọt vào mắt
anh ta, rồi lấy tay sờ vào mắt đến những hai lần thì mắt anh ta mới được sáng
hẳn. Tại sao Chúa Giêsu quyền năng mà lại phải chữa lành người mù một cách
công phu và mất nhiều thời giờ như thế?
Thưa bởi vì Chúa muốn nói với chúng ta nhiều điều:
- Để chữa lành bệnh mù lòa thể lý mà Chúa còn phải tế
nhị và kiên nhẫn như thế, huống chi là việc cứu chữa căn bệnh mù lòa nơi tâm hồn của
chúng ta. Tội lỗi và những tính hư tật xấu đã thấm sâu vào trong tâm hồn chúng ta và bám chặt chúng ta như hình với bóng. Cho dẫu đã bao nhiêu lần ta đến với Chúa để kêu xin lòng thương xót Người, ta đều được Chúa bao dung tha thứ. Nhưng cũng bấy nhiêu lần ta đã hứa sẽ quyết tâm chừa bỏ để xứng đáng đón nhận ơn tha thứ của Người, vậy mà ta vẫn sa đi ngả lại. Vậy mà Chúa không
hề thất vọng và chối bỏ chúng ta. Bởi Chúa biết từ khi nguyên tổ nghe theo lời cám dỗ ma quỷ, thì tội lỗi đã đi vào thế gian và thâm nhập sâu vào tâm hồn con người, khó mà vứt bỏ được. Chính vì thế mà Chúa luôn phải kiên nhẫn chờ đợi chúng ta tự nguyện ăn năn sám hối mà đổi mới đời sống.
- Để cứu chữa cho người mù được sáng đôi mắt thể lý, Chúa Giêsu đã phải ân cần đụng chạm vào người mù và thực hiện nhiều động tác mất khá nhiều thời gian. Tương tự như thế để cứu chữa căn bệnh mù
lòa đức tin của chúng ta, Chúa cũng phải rất ân cần và kiên nhẫn đợi chờ chúng ta có đủ thời gian để trãi nghiệm đời sống đạo qua việc cầu nguyện, học hỏi lời Chúa và lãnh nhận các bí tích…, ngay cả những vấp ngã trong cuộc sống. Nhưng qua đó con mắt đức tin của chúng ta mới được Chúa thanh luyện mỗi ngày nên trong sáng và kiên vững hơn.
Tạ cám ơn Chúa vì đã nhân từ và kiên nhẫn trước tình
trạng tội lỗi của chúng ta. Xin cho chúng ta cảm nhận được tình
thương của Chúa mà nỗ lực hoán cải đời sống hầu xứng đáng với
tình Chúa yêu ta.
Thứ năm: Mc 8, 27-33
Đức Giêsu là ai và con đường thực thi sứ mạng của Ngài là
gì? Đó là điều mà Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ và với chúng ta qua đoạn
Tin mừng hôm nay.
Tin mừng hôm nay tiếp tục trình bày cho chúng ta thấy
dung mạo của một vị Thiên Chúa nơi Đức Giêsu rất giàu lòng yêu thương.
Vì yêu Người chấp nhận bỏ vinh quang và địa vị cao sang
để nhập thể, nhập thế, mang thân phận con người như ta, ngoại trừ tội lỗi, đến
nỗi người Do Thái hầu hết đều không nhận ra thiên tính đích thực của Người. Họ
chỉ nhìn nhận Người giống như là các tiên tri, như Êlia hay như Gioan Tẩy Gỉa
mà thôi. Ngay cả các môn đệ, cụ thể là Phêrô, mặc dù tuyên xưng Người là
Đức Kitô, là Con TC nhưng vẫn không hiểu rõ sứ mạng cứu độ của Người. Nên liền
sau đó đã quyết liệt can ngăn con đường thập giá mà Người phải đi qua.
Vì quá yêu nhân loại mà Chúa Giêsu đã chấp nhận dấn bước
vào con đường khổ nạn, và đón nhận cái chết đau thương trên thập giá theo thánh
ý Chúa Cha để cứu độ nhân loại. Nhưng vì các môn đệ cách chung và Phêrô cách
riêng còn mang tinh thần thế tục quá nặng nề nên các ông đã không nhận rõ Thiên
tính nơi Đức Giêsu và cũng không hiểu được sứ mạng cứu độ của Người.
Xin cho chúng ta nhận ra lòng thương xót thật vô bờ mà
Chúa đã dành cho chúng ta, để ta không ngừng tạ ơn và luôn trung kiên sống
trong niềm tin yêu phó thác vào Chúa.
Suy niệm 2
Sau một thời gian rao giảng thi hành sứ vụ đó đây, hôm
nay Chúa Giêsu muốn làm một cuộc thăm dò có tính cách xã hội học. Nên Ngài
phỏng vấn các môn đệ xem dư luận người ta bảo Thầy là ai?
Theo nghe ngóng đây đó, các môn đệ thấy có 3 luồng đánh
giá về Thầy Giêsu.
Số người thì cho là Gioan Tẩy Giả, bởi lẽ Chúa Giêsu cũng
có đời sống khắc khổ chay tịnh, lên án mạnh mẽ lối sống giả hình của
người Pharisêu, Và hăng say rao giảng về sự sám hối gần giống như Gioan Tẩy Gỉa.
Một số người khác thì cho rằng Người là Êlia, bởi Chúa
Giêsu cũng đã từng làm phép lạ tựa như Êlia xưa kia.
Cũng có một số người xem Chúa Giêsu là một vị tiên tri vì
cách chung họ thấy Chúa cũng nói lời của Chúa và tiên báo về những vấn đề tương
lai như các tiên tri.
Nhưng điều quan tâm nhất là Chúa Giêsu muốn biết các môn
hiểu về Ngài như thế nào? nên Ngài đặt thêm câu hỏi thứ 2: “còn các
con, các con bảo Thầy là ai?”. Phêrô thay mặt anh em tuyên xưng đúng như
Ngài là: “Thầy là Đấng Kitô”.
Sau đó Chúa Giêsu mạc khải về con đường thập giá mà Ngài
phải đi để thi hành sứ mạng cứu độ, nhưng Phêrô lại không chấp nhận nên đã
quyết liệt can ngăn. Vì thế mà Chúa Giêsu đã khiển trách Phêrô nặng lời: “Satan,
hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.
Như thế, cho dẫu Phêrô tin vào Đức Giêsu là Đấng Thiên
Sai, là Chúa nhưng ông mong muốn một đấng Messia theo quan niệm trần tục, mang
lại lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội cho ông và phe nhóm ông. Ông không thể
đón nhận một Đấng Kitô phải đi vào con đường thập giá để cứu độ nhân loại.
Ngẫm đi nghĩ lại, nhiều lúc chúng ta cũng có những đòi
hỏi và mong muốn giống như Phêrô nên khi nào đời ta cảm thấy thoải mái, giàu
có, thành công và thuận lợi... thì chúng ta dễ dàng tin nhận Thiên Chúa; trái lại
khi chúng ta gặp phải những đau khổ, đối mặt với những khó khăn thử thách, nhất
là khi bị bách hại thì chúng ta muốn khướt từ Thiên Chúa và đánh mất niềm tin
vào Người.
Xin Chúa nâng đỡ và ban thêm lòng tin nơi chúng ta, nhất
là trong những lúc gặp gian nan, thử thách.
Thứ sáu: Mc 8, 34-9,1
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm tiến bước
trên con đường hẹp. Bởi vì con đường ấy mới dẫn đến sự sống đời đời. Xin
cho chúng ta có đủ sức mạnh của niềm tin để đi dấn bước trên con đường ấy.
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ và chúng
ta hãy đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa giàu lòng thương xót.
Không phải vì Chúa ghét bỏ chúng ta, hay muốn cho ta phải
đau khổ nhưng vì Chúa thương xót chúng ta nên mới kêu gọi chúng ta dấn bước
trên con đường thập giá của hy sinh từ bỏ mà theo Chúa. Bởi vì đó mới chính là
con đường Chúa Giêsu đã chọn, đã đi và đã đạt đến vinh quang phục sinh. Nên
những ai muốn có được sự sống đời đời trong vinh quang thì không thể đi con
đường nào khác ngoài con đường mà Chúa Giêsu đã đi và mời gọi.
Nhưng để chấp nhận dấn bước vào con đường ấy không phải
dễ. Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy nghiêm túc đặt lại bậc thang
giá trị cho cuộc đời để chọn lựa . Chấp nhận “cứu mạng sống mình, thì
sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được
mạng sống mình”. Hay muốn “được lời lãi cả thế gian mà mất
mạng sống mình…”. Nếu ta xác định được linh hồn cao quý hơn thể xác,
sự sống đời đời quý hơn sự sống chóng qua, thì đòi hỏi ta phải chấp nhận đánh
đổi dù phải gặp nhiều khó khăn.
Chúa biết khi chọn lựa để bước theo Chúa trên con đường
hẹp quả là khó khăn vô cùng. Vì thế, Chúa còn hứa sẽ đồng hành và tán thưởng ta
nếu ta biết hy sinh dấn bước theo Chúa. Ngược lại Ngài cũng sẽ hổn thẹn nếu
chúng ta chối bỏ không đi theo con đường của Ngài:“Ai hổ thẹn vì Ta và vì
lời Ta trong thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn từ
khước nó, khi Người đến trong vinh quang của Cha Người cùng với các thần
thánh".
Xin cho chúng ta biết luôn tin tưởng vào Thiên Chúa giàu
lòng thương xót để chúng ta có đủ can đảm dấn bước theo Ngài trên con đường
thập giá. Bởi đó là con đường dẫn đến hạnh phúc thật cho đời ta.
Suy niệm 2
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải can
đảm từ bỏ mình, vác thập giá và hân hoan bước đi trên con đường theo Chúa.
Nhưng để làm được điều đó không hề dễ chút nào, không nói
là quá khó khăn đối với chúng ta. Khó nhưng không phải là không thể. Bởi vì
Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta phương cách để có thể thực hiện điều ấy:
Hãy nghĩ đến những bậc giá trị trong đời sống mà
chọn lựa. Xem chúng ta đang yêu quý cái gì? Linh hồn hay thể xác;
sự sống chóng qua đời này hay sự sống đời đời mai sau…Nếu ta ý thực được giá
trị linh hồn và sự sống mai sau là quý thì ta sẽ dễ dàng buông bỏ tất cả, hy
tất cả để dấn bước theo Chúa trên con đường hẹp. Bởi vì ta biết rằng con đường
hẹp là con đường dẫn đến sự sống đích thực.
Phải có một đức tin vững mạnh vào Chúa.
Một khi tin vào Chúa sẽ bên vực chúng ta trong nước trời, ta sẽ dễ dàng ưu tiên
làm mọi việc để tôn vinh danh thánh Chúa trong cuộc sống. Khi có đức tin vững
mạnh vào Chúa thì cho dù cuộc sống ta có gặp phải những gian nan thử
thách hay phải đối diện với chính cái chết, ta vẫn hân hoan công khai tuyên
xưng Danh Chúa trước mặt người đời.
Xin Chúa giúp chúng ta khôn ngoan đặt lại những bậc thang
giá trị trong đời sống và giúp ta can đảm sống theo bậc thang giá trị ưu tiên
theo sự hướng dẫn của Chúa; đồng thời xin Chúa củng cố đức tin cho chúng ta nên
vũng mạnh nhờ đó chúng ta mời có sức mạnh dấn bước theo Chúa trên mọi nẻo đường
đời.
Thứ bảy: Mc 9, 2-13
Tin mừng hôm nay thuật lại cuộc biến hình của Chúa Giêsu
trên núi cao, nhằm củng cố niềm tin cho các môn đệ và mạc khải Thiên Tính
của Ngài. Xin cho chúng ta luôn tin tưởng vào Chúa, để sẵn sàng đón nhận
những thập giá xảy đến trong đời mình.
Cuộc biến hình xảy ra sau khi Chúa Giêsu loan báo cho các
môn đệ biết về con đường thập giá mà Ngài phải trãi qua. Nhưng Phêrô đã không
chấp nhận con đường ấy, nên ông đã can ngăn cách quyết liệt. Vì thế, ông đã bị
Chúa Giêsu khiển trách rất nặng lời: “Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết
việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”. Khi đặt lời Chúa trong
bố cảnh ấy, ta sẽ nhận ra cuộc biến hình của Chúa Giêsu muốn hướng đến 2 mục
đích:
- Củng cố đức tin cho các môn đệ: Qua
lời tuyên bố của Chúa Cha từ trên cao: “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các
ngươi hãy nghe lời Người", Chúa muốn mời gọi các môn
đệ hãy tin tưởng vào thiên tính nơi Đức Giêsu mà kiên vững bước theo Người.
- Khích lệ các môn đệ can đảm chấp nhận con đường thập
giá. Để cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu sẽ phải trãi
qua con đường thập giá theo ý định của Chúa Cha:“như có lời
chép về Con Người rằng, Người phải chịu nhiều đau khổ và khinh bỉ”. Nên
qua biến cố biến hình, Chúa Giêsu nhằm muốn chấn an các môn đệ hãy can đảm
đón nhận thập giá khi thi hành sứ mạng loan báo tin mừng sau này.
Đức tin là nền tảng hết sức quan trọng để dấn bước theo
Chúa trên con đường thập giá. Vì thế mà trong bài đọc 1, thánh Phaolô đã cho
các tín hữu Do Thái thấy được giá trị cao quý của đức tin: Chính đức tin sẽ đem
đến cho ta niềm hy vọng và giúp ta nhận ra những thực tại vô hình qua thế giới
hữu hình. Nhờ đức tin mà chúng ta mới can đảm hy sinh cho Chúa tất cả những gì
quý giá nhất của đời mình như của lễ dâng hiến rọn vẹn của Abel; cũng như sẵn
sàng vâng phục thánh ý Thiên Chúa theo mẫu gương của ông Noe.
Tóm lại, Nhờ đức tin mà chúng ta mới có đủ sức mạnh vượt
thắng mọi nghịch cảnh xảy ra trong đời sống. Nhờ đức tin mà chúng ta mới dám mở
lòng sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa, ngay khi mạng sống của mình bị đe
dọa...Tất cả là vì bởi ta tin rằng phía sau con đường thập giá chắc chắn sẽ dẫn
đến vinh quang phục sinh và hạnh phúc đời đời.
Xin Chúa ban thêm niềm tin cho chúng con, để chúng con
luôn trung thành bước theo Chúa trên muôn vạn nẻo đường, dẫu cho đường đời
không bằng phẳng như ý muốn. Nhờ sự dìu dắt của Mẹ Maria, ta hãy hân hoan tiến
bước!
22/02: Lập Tông Tòa Thánh Phêrô
Mt 16, 13-19
Sau một thời gian rao giảng thi hành sứ vụ đó đây, hôm
nay Chúa Giêsu muốn làm một cuộc thăm dò có tính cách xã hội học. Nên Chúa Giêsu thử phỏng vấn các môn đệ xem coi dư luận người ngoài bảo Người là ai?
Theo nghe ngóng đây đó, các môn đệ thấy có 3 luồng đánh
giá về Thầy Giêsu của mình.
Một số người thì cho là Gioan Tẩy Giả, bởi lẽ Chúa Giêsu cũng
có đời sống khắc khổ chay tịnh và hay lên án mạnh mẽ lối sống giả hình của
người Pharisêu, cũng như hăng say rao giảng về sự sám hối gần giống như Gioan Tẩy Gỉa.
Một số người khác thì cho là Êlia, bởi Chúa
Giêsu cũng đã từng làm phép lạ tựa như tiên tri Êlia xưa kia.
Cũng có một số khác xem Chúa Giêsu là tiên tri Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ nào đó. Bởi họ thấy Chúa Giêsu cũng nói lời của Thiên Chúa và tiên báo về những vấn đề giống như các tiên tri trước kia.
Nhưng có lẽ người khác nghĩ gì về Người không quan trọng lắm. Điều quan tâm nhất đối với Chúa Giêsu là muốn biết các môn
hiểu về Ngài như thế nào? Vì thế nên Người đặt thêm câu hỏi thứ 2: “còn các
con, các con bảo Thầy là ai?”.
Vẫn như mọi khi, Phêrô nhanh nhẹn thay mặt anh em tuyên xưng Đức Giêsu chính là: "Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”
Vẫn như mọi khi, Phêrô nhanh nhẹn thay mặt anh em tuyên xưng Đức Giêsu chính là: "Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”
Chúa Giêsu liền khen ngợi Phêrô có phúc vì đã nhận ra đích thực Người là ai, nhờ bởi ơn soi sáng của Chúa Cha từ trên cao. Sau đó Người chọn lấy
Phêrô đặt làm nền tảng để xây dựng Hội Thánh và trao ban cho ông quyền lãnh đạo Hội Thánh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Nhận biết Đức Giêsu là ai và xác tín được niềm tin kiên vững vào Người, đó chính là điều kiện tiên quyết để được Chúa Giêsu tin tưởng trao phó cho
những trách nhiệm quan trọng trong việc xây dựng, bảo vệ và điều hành trong những sinh hoạt quan trọng của Hội Thánh.
Vậy xin Chúa kiện toàn và ban thêm lòng tin nơi chúng ta, để
trong mọi hoàn cảnh ta đều biết tin tưởng và phó thác vào tình thương và quyền năng của Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét