SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN IX THƯỜNG NIÊN
LỄ VỌNG CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Xh 19, 3-8a. 16-20b; Rom. 8, 22-27; Ga 7, 37-39
Chiều hôm nay, chúng ta
cùng quy tụ nhau đây để cử hành lễ vọng, mừng kính trọng thể lễ Chúa Thánh
Thần hiện xuống.
Phụng vụ lời Chúa hôm nay
cho chúng ta biết vai trò rất quan trọng của Chúa Thánh Thần trong đời sống
chúng ta và GH. Chính Ngài là Đấng khai sinh và nuôi sống GH. Ngài cũng chính
là nguyên lý tạo nên sự hiệp nhất trong GH và chính là nguồn sự sống đích thực
của chúng ta.
Xin cho chúng ta biết
khiêm tốn mở lòng đón nhận nguồn nước sự sống của Chúa Thánh Thần và ngoan
ngoãn để cho CTT hướng dẫn cuộc sống chúng ta. Nhờ đó đời ta mới có thể trổ
sinh được nhiều hoa trái tốt lành.
- Bài đọc 1,
trích sách Xuất hành: nhấn mạnh đến sự nguy hiểm của sự chia rẽ. Trình thuật
trong sách xuất hành hôm nay nhắc lại câu chuyện tháp Babel thời ông Nôe. Sau trận
lục đại hồng thủy, con cháu ông Noe còn sống sót. Họ tập họp nhau
lại không phải là để tạ ơn và tìm cách tôn thờ Chúa cho phải đạo;
trái lại họ quy tụ với nhau để bàn kế sách đối phó chống lại Thiên Chúa. Họ
cùng nhau quyết định xây dựng cây tháp ở Babel cao ngút lên tận trời, nhằm
thách thức Thiên Chúa có thể làm gì được họ. Nhưng khi họ tiến hành xây dựng
được nữa chừng thì Chúa liền cho họ trở nên bất đồng về ngôn ngữ. Khiến họ
không còn hiểu nhau nữa, gây nên sự chia rẽ nhau. Vì thế kế hoạch xây tháp
Babel của họ bất thành.
Câu chuyện cho thấy rằng
nếu con người kiêu căng muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống, sẽ nhận lấy
hậu quả tai hại đó là sự chia rẽ, chống đối nhau và sẽ bị thất bại trong mọi
việc làm. Chia rẽ còn đồng nghĩa với sự chết.
- Trái lại với sự chia rẽ
gây nên cái chết về tình yêu thương, hiệp nhất của nơi con cháu Noe ngày xưa,
thì bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến sự sống nhờ sự
hiệp nhất trong nguồn nước CTT.
Nói đến sự sống là phải
nói đến nước và sự hiệp nhất. Chúa Giêsu sánh ví CTT chính là nguồn nước. Nguồn
nước ấy được tuôn tràn trên các tông đồ và thế gian vào ngày lễ ngũ tuần. Ngày
ấy từ Giêrusalem mới sẽ tuôn tràn nguồn suối nước mát, mang lại sự sống dồi dào
cho thế gian.
Thật ra CTT là nguyên lý
của sự sống đã được Thánh Kinh diễn tả khá nhiều.
Trong cựu ước, ngay từ
chương đầu sách Sáng Thế đã cho thấy CTT là hơi thở Thần Khí mà TC đã thổi vào
hồn con người của Ađam. Và sự sống vạn vật được hình thành kể từ khi “Thần
Khí Chúa bay là trên mặt nước”. (St 1,2)
Trong sách 1 Xh 17,6-7, cho biết: Từ
trong tảng đá Mêriba ở Masa nơi sa mạc khô cằn đã tuôn ra dòng nước nuôi sống
dân Do Thái trên hành trình tiến về đất hứa. Tảng đá Mêriba ấy chính là hình
ảnh của Giêsu. Từ tảng đá Giêsu cũng tuôn tràn một dòng nước chính là CTT sẽ
nuôi sống cho dân Chúa vượt qua hành trình tiến về quê trời.
Còn trong
sách Edekiel 47, 1-9. 12, thì mô tả. “Tôi
đã thấy Nước từ bên phải Đền Thờ chảy ra, và Nước ấy chảy đến đâu thì tất cả
đều được cứu rỗi…”. (Ed 47, 1-9. 12). Đền Thờ đó chính là
hình ảnh của Chúa Giêsu và từ nơi Chúa Giêsu Đền Thờ Mới ấy lại tuôn tràn dòng
nước mang sự sống sung mãn đến mọi người và mọi nơi. Dòng nước
ban sự sống ấy chính là CTT.
Mừng lễ Chúa Thánh thần
hôm nay, xin cho chúng ta biết nhìn nhận vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần
trong GH và trong đời sống mỗi người chúng ta. Xin cho chúng ta biết
khiêm tốn mở lòng đón nhận dòng nước ân thiêng của Chúa Thánh Thần tuôn đổ vào
tâm hồn chúng ta. Nhờ đó mà chúng ta được hiệp nhất với nhau trong cùng một
Thánh Thần và được tưới dội cùng một dòng nước sự sống của CTT. Nhờ
đó mà hoa trái CTT là bác ái, bình an và hoan lạc được trổ sinh trong cuộc đời
mỗi chúng ta.
DANH XƯNG-BIỂU TƯỢNG-VAI TRÒ CỦA CTT
Cùng với toàn thể GH, hôm
nay chúng ta hân hoan mừng trọng thể lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Đánh dấu
chính thức ngày khai sinh của GH, dưới sự hướng dẫn của CTT. Chính CTT là Đấng
ban tràn đầy ân sủng, sự sống và sức mạnh cho GH. Ngài cũng là tác nhân
tạo nên sự hiệp nhất, bình an và tình yêu trong lòng GH.
Hiệp dâng Thánh lễ hôm
nay, xin Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng ta, để Ngài sửa lại mọi sự trong
ngoài chúng ta. Xin CTT ban cho chúng ta biết sốnghiệp nhất với nhau trong cùng
một đức tin, đức cậy và đức mến, nhất là luôn hăng say sống và làm chứng cho Tin
Mừng tình thương cứu độ của Chúa.
1. Danh xưng:
- Chúa Thánh Thần là tên
gọi của Ngôi Thứ Ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha và
Chúa Con, cùng được phụng thờ và tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con. (khi
đọc kinh tin kính và khi làm dấu Thánh giá là chúng ta tuyên xưng uy danh ấy).
- Chúa Thánh Thần là Đấng
Bảo Trợ, là Trạng Sư mà Chúa Giêsu hứa ban cho các môn đệ.
- Chúa Thánh Thần cũng
còn được gọi Đấng An Ủi, Thần Chân Lý (Ga 16,13), Thần Khí của Thiên Chúa (Rm
8,9; 15,19; 1Cr 6,11; 7,40), Thần Khí của Chúa Kitô (Rm 8,11), Thần Khí Vinh
Hiển (1P 4,14), Thần Khí của Lời hứa (Gl 3,14: Ep 1,13), Thần Khí làm cho ta
nên nghĩa tử (Rm 8,15; Gl 4,6)…
2. Biểu tượng:
Chúa Thánh Thần được nhắc
đến trong Kinh Thánh dưới nhiều biểu tượng khác nhau như: nước, dầu, lửa, áng
mây và ánh sáng, chim bồ câu…
- Gió, hơi
thở: (Tiếng Hipri: Ruah; tiếng Hylạp: Pneuma) là
sinh khí, sức sống mà Thiên Chúa ban để con người tham dự vào sự sống của Người
(Ds 16,22; Cv 2,2; Ga 3,8)
- Nước: có ý
nghĩa về hoạt động của Chúa Thánh Thần để thanh tẩy. Chúa Thánh Thần là nước
nguồn vọt ra từ Chúa Kitô bị đóng đinh trên thập giá rửa ta sạch mọi tội lỗi và
sinh ra lại làm con Chúa; trong bí tích Thánh Tẩy, Chúa Thánh Thần thanh tẩy
tội lỗi và sinh ta lại làm con Thiên Chúa (Ga 3,5)
- Dầu: nói lên
sức mạnh đặc biệt Thiên Chúa ban, cách riêng cho những kẻ Người chọn. Việc xức
dầu rất có ý nghĩa đối với Chúa Thánh Thần, người “được xức dầu” đồng nghĩa với
được “Thánh Thần ngự đến” (Is 61,1tt; Lc 4,16tt)
- Áng mây và ánh
sáng: Hai biểu tượng này nói lên sự tỏ hiện của Chúa Thánh Thần mặc khải
về sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa hằng sống và cứu độ (Ds 11,24–25;
Lc 9,28–36)
- Bàn tay: Thánh
Thần được thông ban nhờ việc đặt tay của Đức Giêsu (Mc 6,5; 8,23; 10,16; 16,18)
và của các Tông đồ (Cv 5,12; 8,17-19; 13,3; 14,5; 19,6). Giáo Hội cũng đặt tay
khẩn cầu Thánh Thần trong các bí tích.
- Chim bồ câu: Hình
ảnh chim bồ câu biểu tượng Thánh Thần xuống trên Đức Giêsu khi chịu phép Rửa
sám hối ở sông Jođan, nói lên sứ mạng của Đức Giêsu. Chúa Thánh Thần cũng
sẽ ngự xuống và ở lại trong tâm hồn tín hữu đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy.
3. Vai trò của Chúa Thánh
Thần:
- Chúa Thánh Thần đóng
một vai trò rất quan trọng cho sự hình thành và phát triển vũ trụ vạn vật. Sách
Sáng thế viết: khi đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực
thẳm và Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.
- Trong biến cố truyền
tin Thiên Chúa nhập thể nơi cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria thì Chúa Thánh
Thần là tác nhân chính. Tin mừng Luca khẳng định: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên
bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh
ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.
- Khi Đức Giêsu chịu phép
rửa tại sông Giođan thì Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu hiện đến để thông
truyền cho nhân loại biết Đức Giêsu quả thật là Con yêu dấu của Thiên Chúa.
- Đặc biệt, trong ngày Lễ
Ngũ Tuần, chính Chúa Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa đậu xuống trên các tông đồ và
làm cho các tông đồ nhớ lại mọi điều Đức Giêsu đã nói với các ngài, đồng thời
khiến các ngài đang từ những kẻ nhút nhát, sợ sệt đã trở nên những con người
can đảm, mạnh mẽ, sẵn sàng ra đi làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh.
* Ngày nay, Chúa Thánh
Thần vẫn đang hoạt động trong đời sống của Giáo hội. Sự tác động của Chúa Thánh
Thần sẽ làm Giáo hội không ngừng phát triển, nhất là Người luôn luôn đồng hành
với mỗi người chúng ta. Thế nên, trước khi chúng ta bắt tay vào làm bất kỳ công
việc nào, chúng ta đều khởi đầu bằng việc nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, đồng
thời cầu xin sự soi sáng và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để tất cả mọi việc
từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa.
Như vậy, vai trò của Chúa
Thánh Thần vô cùng quan trọng trong công cuộc sáng tạo và cứu chuộc. Hơn thế
nữa, Chúa Thánh Thần còn không ngừng thánh hóa toàn thể nhân loại. Người sẽ
thúc đẩy tâm hồn con người hành động theo sự hướng dẫn của Người để có thể đưa
nhân loại tiến vào con đường hoàn thiện trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Như lời Đức Giêsu đã nói
với các môn đệ xưa về sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần sau khi Ngài về với Chúa
Cha cũng là đang nói với mỗi người chúng ta hôm nay. Tuy nhiên, nhiều khi chúng
ta quên mất vai trò của Chúa Thánh Thần, hay nói một cách khác là chúng ta bỏ
rơi Chúa Thánh Thần, chẳng quan tâm đến sự hiện hữu của Người trong cuộc đời
chúng ta.
Xin cho mỗi người chúng
ta biết đón nhận Lời Chúa và mở rộng con tim để Chúa Thánh Thần đến và hoạt
động trong tâm hồn chúng ta. Chắc chắn Chúa Thánh Thần sẽ luôn đồng hành, gìn
giữ và thánh hóa mỗi người, đồng thời Người sẽ thúc đẩy chúng ta hăng say làm
chứng nhân cho Đức Kitô Phục Sinh trong chính cuộc sống hằng ngày.
Thứ Hai: Mc 12, 1-12.
Khi rao giảng Tin mừng,
Chúa Giêsu thích dùng những hình ảnh gần gũi nhưng sâu sắc, đơn sơ nhưng thực
tế nhằm diễn tả mầu nhiệm nước trời và khơi lên những thực trạng của đời sống
con người. Dụ ngôn mà chúng ta vừa nghe trong đoạn Tin mừng hôm nay là một
ví dụ. Để nêu lên quá khứ đáng chê trách của dân Do Thái thời cựu ước, nhất là
sự tắc trách của các kỳ mục, kinh sư và biệt phái thời bấy giờ, Chúa Giêsu đã
dùng dụ ngôn những tá điền sát nhân.
- Hình ảnh ông chủ vườn
nho chính là Thiên Chúa.
- Vườn nho được xem là
dân Israel; sau này là GH; cũng có thể hiểu đó là những ân huệ về vật chất và
tinh thần nơi mỗi chúng ta.
- Bồn nho, tháp canh và
rào dậu… tất cả là những giáo huấn, lề luật và ân huệ của Chúa ban.
- Tá điền chính là những
giới chức đạo-đời.
- Những đầy tớ chính là
các ngôn sứ, hay những người đại diện nói Lời Chúa.
- Người con của ông chủ
chính là Đức Giêsu.
Tất cả những hình ảnh mà
Chúa Giêsu đề cập trong dụ ngôn trên đây nhằm phản ánh sự đối lập giữa một vị
Thiên Chúa giàu lòng yêu thương và sự bất trung của con người.
- Vì yêu
thương TC tin tưởng trao ban: hình ảnh tận tụy của ông chủ vườn nho như:
trồng nho, đào bồn ép, xây tháp canh, rào dậu chung quanh… rồi tin tưởng giao
cho tá điền chăm sóc mà trẩy đi xa; cho thấy Thiên Chúa luôn tin tưởng chúng ta
là những tá điền của Chúa. Người không đứng cạnh bên ta dòm ngó như viên cảnh
sát, nhưng để ta tự do sáng kiến làm việc. Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ vạn
vật và trao cho chúng ta “giữ và canh tác vườn” như đã từng
trao cho Adam và Eva xưa, nên ta phải yêu mến đáp lại sự tin tưởng của Chúa
dành cho chúng ta bằng cách tích cực chu toàn tốt nhất nhiệm vụ Chúa
trao. Dân Israel được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng của Người như là
vườn nho được Người yêu thương. Ngừơi đã tin tưởng trao phó dân Israel cho các
giới chức tôn giáo chăm sóc hướng dẫn, nhưng họ đã lười biếng và tắc trách nên
đã làm hư hoại dân Người.
- Vì yêu
thương TC kiên trì nhắc nhở: như người chủ khi thấy sự lười biếng của tá
điền liền sai những người đầy tớ của ngài đến nhắc nhở họ. Thiên Chúa không chỉ
sai 1 tiên tri mà nhiều tiên tri; không chỉ sai một lần mà nhiều lần các ngôn
sứ đến để nhắc nhở dân Do Thái về sự bất trung của họ. Nhưng họ vẫn bưng tai
bịt mắt làm ngơ trước lời mời gọi của Chúa. Thiên Chúa cũng nín chịu hết mọi
tội lỗi của con người chúng ta và kiên nhẫn chờ đợi chúng ta ăn năn đổi mới.
Dân chúng và các giới chức lãnh đạo đời Do Thái tượng trưng cho những tá điền.
Nhiều lần Chúa gửi các ngôn sứ đến nhắc nhở sai lầm và kêu gọi họ sống theo
đường lối Chúa, nhưng họ không nghe mà còn ra tay sát hại các ngôn sứ của Chúa.
- Vì yêu
thương TC hy sinh Người Con yêu quý: Các tá điền không chỉ ngược đãi đánh đập
những đầy tớ của chủ sai đến, mà còn nhẫn tâm bắt trói và quăng xác Con Ông Chủ
ra khỏi vườn nho, rồi giết đi. Đó là lời tiên tri mà Chúa Giêsu báo trước
về cái chết của Người ngoài thành Giêrusalem, do lòng hận thù của dân chúng và
những giới chức tôn giáo Do Thái.
- Vì yêu
thương TC phán xử công thẳng: Cuối cùng thì ông chủ cũng lấy lại vườn nho
và trao lại cho người khác canh tác. Tương tự như thế, Thiên Chúa phán xét thật
công thẳng vì “ác giả thì ác báo”. Thiên Chúa sẽ lấy khỏi tay
những ai chểnh mảng tự hào về tài năng Chúa ban cho mình mà không lo chu toàn
tốt bổn phận Chúa trao để trao lại cho những ai biết tích cực làm việc cho
Chúa. Chúng ta cũng sẽ phải trả lời về những hành vi của mình trước
mặt Thiên Chúa về cách chúng ta thi hành những bổn phận mà Chúa trao ban.
Xin Chúa cho chúng ta có
được con mắt tinh tường để nhận ra những ơn huệ Chúa ban; đôi tai sâu lắng để
nghe được Lời dạy của Chúa cùng trái tim nhạy bén để cảm nhận được tình yêu tận
hiến đến cùng mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Xin đừng để chúng ta
trở nên kẻ vô ơn bạc nghĩa như những tá điền bất trung, nhưng trở nên những tá
điền trung thành và khôn ngoan để thi hành tốt bổn phận Chúa trao ban, nhằm
sinh lợi nhiều hoa trái tốt lành cho vườn nho của Chúa là bản thân, gia đình và
GH.
Thứ Ba: Mc 12, 13 -17.
Sau nhiều lần gài bẫy
Chúa Giêsu không thành, lần này những người Pharisêu sẵn sàng phối hợp với nhóm
người Hêrôđê tạo thành sức mạnh gọng kìm nhằm tấn công triệt hạ cho bằng được
Chúa Giêsu, cho dầu hai nhóm này không cùng chung một lý tưởng và quan niệm
sống:
- Phe Pharisêu: Chủ
trương chống lại mọi thế lực ngoại bang, cũng như phản đối việc nộp thuế cho đế
quốc Rôma.
- Phe Hêrôđê: thì chủ
trương thỏa hiệp với Rôma để được an phận. Vì lợi ích cá nhân, họ sẵn sàng cộng
tác làm việc cho đế quốc Rôma nhằm bóc lột dân tộc mình.
Nhưng vì hôm nay họ có
cùng một đối tượng nhắm đến để triệt tiêu là Chúa Giêsu, nên họ sẵn sàng kết
thân với nhau.
Trước đây, những người
Pharisêu cũng đã không ít lần giăng bẫy để cho Chúa Giêsu vướn vào khung hình
phạt cao nhất của luật Do Thái giáo là tử hình, nhưng Người đã khôn khéo vượt
thoát. Hôm nay, với quyết tâm cao nhất là không để Chúa Giêsu vượt thoát lưới
giăng như những lần trước, nên họ liên minh với phe Hêrôđê nhằm đẩy Chúa Giêsu
vướn khung hình phạt cao nhất của luật dân sự là phản động, chống lại đế quốc
Rôma. Như thế phe Hêrôđê sẽ tóm lấy và lên án tử cho Người.
Nhưng để gài bẫy được
Chúa Giêsu không phải dễ dàng. Nên trước khi đặt bẫy họ bày ra miếng mồi thơm
ngon bằng những lời khen tặng dành cho Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng
tôi biết Thầy là người chân thật không vị nể ai…” nhằm cho thấy thiện
chí và chân thành của họ. Nhưng liền ngay đó, bất ngờ họ đưa ra câu hỏi chết
người: “có nên nộp thuế cho Xêda không?”. Trả lời
“không” cũng chết mà trả lời “phải” cũng chết. Nếu Chúa trả lời “Phải!” họ sẽ
xui giục dân chúng chống Chúa vì toa rập với thế lực nước ngoài. Nếu Chúa trả
lời “Không” họ sẽ nộp Chúa cho quân đội Rôma vì xui giục dân phản chính quyền.
Nhưng vì quá hiểu về lòng dạ thâm hiểm của họ, Đức Giêsu nói với họ: "Tại
sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem!". Họ
liền đưa cho Người. Người hỏi: "Hình và danh hiệu này là của ai
đây?" Họ đáp: "Của Xê-da." Đức Giêsu bảo
họ: "Của Xê-da.", trả về Xê-da."; của Thiên Chúa, trả về
Thiên Chúa". Câu trả lời thật tuyệt vời làm họ hết sức ngạc nhiên
về Người. Như vậy “lưới giăng đã đứt rồi, thế là ta thoát nạn”
(Tv 124, 7).
Qua câu trả lời khôn
ngoan ấy, ngoài việc Chúa Giêsu đã vượt thoát khỏi án tử họ giăng, Người còn
minh định cho họ hiểu về hai vấn đề quan trọng:
- Thứ nhất: Tôn giáo và chính
trị tách biệt nhau. Chính trị không thể trở thành tôn giáo hoặc bắt tôn giáo
làm nô lệ cho chính trị. Tôn giáo cũng không thể đi vào chính trị, đánh mất bản
chất của mình.
- Thứ hai: Mỗi người phải chu
toàn hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ đối với xã hội là “trả cho Xê-da” những
gì của Xê-da. Nhiệm vụ đối với Thiên Chúa: “trả cho Thiên Chúa” những
gì thuộc về Thiên Chúa.
Hình và huy hiệu khắc
trên đồng tiền là hình của hoàng đế Xê-da, vì thế phải trả lại cho ông ta.
Nhưng linh hồn con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa nên linh hồn
phải được trả về cho Thiên Chúa.
Xin cho chúng
ta biết khiêm nhường nhìn nhận chúng ta không khôn ngoan hơn Thiên Chúa
nên hãy ngoan ngoãn vâng lời và làm theo những gì Ngài truyền dạy.
Điều quan trọng là lo chu toàn tốt bổn phận tôn thờ Thiên Chúa; đồng thời
cũng không quên bổn phận đóng góp công sức tiền của để xây dựng GH và xã hội
trần thế theo tinh thần Phúc âm, hầu trở nên người công dân tốt và người Kitô
hữu trưởng thành.
Thứ Tư: Mc 12, 18-27.
Đa phần con người tin có
sự sống lại và cuộc sống đời sau. Nhưng cũng phần lớn cho rằng sự sống đời sau
cũng giống như sự sống đời này. Còn quan niệm người Kitô hữu chúng ta thế nào
về vấn đề này? Đó là điều mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin mừng hôm nay. Chúng
ta lắng nghe lời Chúa dạy để có quan niệm đúng đắn hơn trong vấn đề này.
Thời Chúa Giêsu có khá
nhiều nhóm: Pharisêu, Biệt phái, Hêrôđê và Saduceo. Mỗi nhóm theo đuổi 1 lý
tưởng khác nhau, và cũng có những quan niệm khác biệt. Nhóm Saducêo mà Tin mừng
hôm nay nhắc đến không tin vào sự sống lại giống như những người theo duy vật
chủ nghĩa thời nay. Do đó họ tìm mọi cách để đối chất với Chúa Giêsu nhằm
hạ nhục và loại trừ quan niệm vào sự sống lại mà Chúa Giêsu rao giảng. Họ đặt
ra 1 câu chuyện lố bịch về 1 gia đình có 7 người anh em. Theo luật Môisen thì
nếu người anh lớn cưới vợ mà chẳng may chết đi không con, thì người em phải
cưới lấy người vợ góa đó, để sinh con nối dõi tông đường. Vậy có cả thảy 7
người anh em cùng cưới 1 bà vợ. Nhưng lần lượt cả thảy 7 người anh em đó đều
chết đi và không con. Cuối cùng người vợ góa đó cũng chết. Vậy nếu có sự sống
lại thì ai sẽ là người chồng của chị ta?
Tình thế họ đặt ra xem ra
rất hóc búa, nhưng Chúa Giêsu đã dựa trên nền tảng Thánh Kinh đoạn nói về
Môisen diện kiến Thiên Chúa nơi bụi gai cháy sáng, để minh chứng cho
biết: “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ
sống”. Bởi lẽ Người là “Thiên Chúa hằng hữu”. Thứ hai sự
sống mai sau là sự sống vĩnh cửu nên không còn phải lấy vợ cưới chồng để duy
trì giống nòi nữa. Thứ ba tình trạng sự sống mai sau không giống như sự sống
trần gian mà như các Thiên Thần. Với câu trả lời ấy, Chúa Giêsu đã làm
cho họ phải câm miệng không còn vênh váo, khoát lát nữa.
Trong cuộc sống trần gian
này mỗi người có cái nhìn khác nhau nên đưa đến những quan niệm niềm tin khác
nhau. Do đó cần tránh thái độ kiêu căng xem thường quan niệm niềm tin của người
khác; trái lại phải tìm cách dung hòa trong tinh thần tôn trọng những khác
biệt. Là người Kitô hữu chúng ta phải tin tưởng vào Lời Chúa dạy và GH hướng
dẫn nên phải xác tín vững chắc vào sự sống lại và sự thưởng phạt đời sau.
Xin cho chúng ta luôn
biết gắn kết với Chúa trong lời cầu nguyện, siêng năng tham dự thánh lễ và kết
hợp với Chúa trong Bí tích Thánh Thể, nhất là khiêm tốn lắng nghe và thực thi
lời Chúa trong việc trung thành sống giới luật yêu thương mà Chúa chỉ dạy. Nhờ
đó ta mới có thể hưởng được tình trạng hạnh phúc viên mãn như các Thiên Thần
mai này.
Thứ Năm: Mc 12, 28b-34.
Cốt lõi của đạo Công giáo
là Bác ái. Bác ái là đồng phục và là ngôn ngữ chung của người kitô hữu. Bác ái
là dấu chứng để nhận ra môn đệ của Chúa Kitô, cũng là ngôn ngữ cao trọng của
loài người và các Thiên Thần; Và là ngôn ngữ độc nhất tồn tại trên thiên
đàng. Xin cho chúng ta biết giá trị cao quý của Bác ái và nỗ lực thi
hành đức ái trong đời sống để xứng danh là môn đệ Chúa.
Sống trong xã hội Do Thái
thời bấy giờ, với ngổn ngang những luật lệ, làm cho con người không còn
phân biệt đâu là chính, đâu là phụ. Vì thế, một người trong nhóm Luật sĩ tới
hỏi Chúa Giêsu xem điều răn nào là quan trọng nhất?
Thời bấy giờ lại có nhiều
phe nhóm, mỗi phe nhóm đề cao một số luật lệ. Có lẽ, nhân cơ hội này họ cũng
muốn biết Chúa Giêsu đứng về phe nhóm nào? Bằng cách thăm dò đó, họ cũng muốn
thử xem trình độ hiểu biết về Thánh Kinh và Luật Lệ của Chúa Giêsu ở mức độ
nào? Chúa Giêsu trích dẫn hai câu Thánh Kinh, một trong sách Đệ Nhị Luật và một
trong sách Lê-vi: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi,
hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi”. Đó là điều quan trọng
thứ nhất. Điều luật thứ hai cũng quan trọng không kém, đó là: “Ngươi
phải yêu thương người tha nhân như chính mình ngươi”.
1. Yêu mến Chúa:
- Yêu mến Chúa hết
lòng: Nghĩa là ta phải yêu Chúa chân thật, tình yêu phát xuất từ đáy lòng.
Yêu hết lòng cũng có nghĩa là yêu trung thuỷ, trước sau như một, không bao giờ
thay lòng đổi dạ, không một cản trở nào làm giảm bớt hay sức mẻ, dù có phải hy
sinh vẫn chấp nhận.
- Yêu mến Chúa hết linh
hồn: Nghĩa là tình yêu ta dành cho Chúa có sự can thiệp của những tài năng
linh hồn Chúa ban: lý trí, ý chí và nhất là tự do. Chứ không phải là tình yêu
mù quáng.
2. Yêu thương người:
- Tha nhân là ai ?
Trong Cựu ước chỉ có
nghĩa là người gần gũi với người Do thái về huyết thống và chủng
tộc. Nhưng “tha nhân” mà Đức Giêsu dùng ở đây có ý hiểu về hết mọi
người, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, người nghĩa thiết hay kẻ thù…
- Như chính mình là sao?
Không có nghĩa là ngươi
phải làm cho kẻ khác những gì ngươi làm cho ngươi, nhưng đúng hơn là phải đối
xử với kẻ khác cùng một “tình yêu” như ngươi đã xử với ngươi. Đó là một nét độc
đáo của tình yêu Kitô giáo, thứ tình yêu đạp đổ mọi hàng rào ngăn cách chủng
tộc, mầu da, vượt lên trên óc phân biệt quốc gia hay tôn giáo, quên đi mọi hiềm
khích hay những thành kiến cá nhân hoặc cổ truyền.
* Mến Chúa và yêu người,
đó là hai mặt của một tình yêu. Giống như đồng tiền hai mặt, bỏ một mặt cũng
đồng nghĩa là bỏ cả hai.
Xin Chúa cho chúng ta
biết sống trọn vẹn điều luật Chúa dạy bằng cách đặt Chúa vào vị trí quan trọng
nhất trong cuộc đời của ta và luôn biết đối xử với tha nhân bằng tình yêu chân
thành như chính Chúa đã yêu thương chúng ta. Thực hiện được như thế chúng ta
mới xứng danh là môn đệ của Chúa Giêsu và xứng đáng đón nhận phần thưởng nước
trời.
Thứ Sáu: Mc 12, 35-37
Như chúng ta đều biết,
Tin mừng thánh Marcô là quyển tin mừng ngắn nhất, chỉ
gồm 16 chương; trong khi đó Tin mừng Matthêu chương
28, Luca 24 chương, và Gioan 21 chương. Tuy ngắn nhưng Tin
mừng Marcô lại ghi lại 5 cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với :
(1) các Thượng tế, Kinh
sư và Kỳ mục về quyền bính của Chúa Giệsu sau khi đánh đuổi những người buôn
bán ra khỏi đền thờ (Mc 11,27-33);
(2) với nhóm Pharisêu và mấy
người thuộc phe Hêrôđê về việc có nên nộp thuế cho Xêda không? (12, 13-17);
(3) với nhóm Xađốc về kẻ chết
sống lại (12, 18-27);
(4) với một vị Kinh sư về
điều răn nào trọng nhất? (12, 28-34);
(5) Và hôm nay là cuộc tranh
luận thứ 5 về vấn đề Đức Kitô và vua Đa vít. (12, 35-37).
Cuộc tranh luận hôm nay
được diễn ra trong đền thờ, trước đám người đông đảo. Vấn đề được đặt ra
là “các Kinh sư nói Đấng Kitô là con vua Đa-vít”. Đây không
chỉ là quan niệm của các Kinh sư mà còn là quan niệm hầu hết những người Do
Thái thời bấy giờ. Tại sao họ có quan niệm như vậy?
Thưa bởi vì họ không muốn
tin nhận Đấng Kitô là Thiên Chúa. Họ chỉ muốn tin nhận Đấng Kitô theo nghĩa
chính trị, Ngài đến để lãnh đạo dân chúng làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc
khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma.
Bằng việc trích lại lời
của thánh vương Đa-vít nói: “Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên
hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con.” (Tv
110, 1), Chúa Giêsu minh chứng cho họ thấy, Đấng Kitô ấy không chỉ là người
được sinh ra bởi dòng tộc Đa-vít, mà Đấng ấy còn là Chúa Thượng của vua Đa-vít
nữa. Và Chúa Thượng đó chính là Ngài.
Theo như lời của thánh
vương Đa-vít nói ở trên, ta phải ngầm hiểu rằng bao địch thù là tội lỗi, ma quỷ
và sự chết… phải được đặt dưới chân Ngài qua cuộc khổ nạn và phục sinh, rồi mới
lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Nên Ngài không phải là Đấng Kitô theo quan niệm
chính trị như những Kinh sư đã nói, mà Ngài chính là Thiên Chúa làm người để
cứu độ nhân loại.
Ngày nay vẫn còn đó nhiều
người vẫn quan niệm về một Đức Kitô rất trần tục như các Kinh sư và nhiều người
Do Thái xưa. Họ chỉ xem Ngài như là một thần tượng như bao thần tượng khác, khá
hơn là một siêu nhân, hay một ông thần như bao nhiêu Bụt thần khác. May mắn
thay, chúng ta đã tin nhận Đức Kitô là Chúa Thượng nhưng Người đã chấp nhận đi
qua con đường đau khổ thập giá, con đường của hi sinh tận hiến, của khiêm tốn
phục vụ đến cùng vì yêu thương chúng ta.
Xin cho chúng ta biết can
đảm chọn lựa chọn con đường tình mà Chúa đã đi qua, và luôn hằng vững bước theo
Ngài với niềm tin yêu và phó thác vào tình thương và quyền năng của Chúa.
Thứ bảy: Mc 12, 38-44
Có lẽ hai hình ảnh đẹp
được Chúa Giêsu yêu thích và khen ngợi nức lòng nơi đền thờ khi Ngài còn ở tại
thế, đó là hình ảnh của người thu thuế và người đàn bà góa nghèo.
1. Người
thu thuế khi lên đền thờ cầu nguyện là hình ảnh đẹp. Đẹp bởi tâm tình
thống hối chân thành và thái độ khiêm nhường thẳm sâu: “Đứng xa xa,
không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: Lạy Chúa, xin thương xót
con là kẻ có tội”. Nên khi ra về ông được Chúa tha thứ và trở nên công
chính. Vì “Ai nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được
nhắc lên”.
2. Người đàn bà
góa nghèo bỏ “hai đồng tiền là một phần tư xu” vào
hòm tiền hôm nay. Hình ảnh của bà thật tuyệt đẹp làm Chúa Giêsu phấn khích đến
nỗi đã gọi ngay các môn đệ lại chỉ cho thấy và dạy các ông : “Thầy nói
thật với các con: trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa này đã bỏ nhiều
hơn hết”. Nết đẹp của bà không đến từ dáng vẻ bên ngoài như những vị
Luật sĩ với những bộ áo thụng đắc tiền, hay bởi có chức cao quyền trọng được
mọi người kính trọng…Nhưng nét đẹp của bà được ẩn bên trong, đó là nét đẹp của
tấm lòng. Một tấm lòng quảng đại, yêu thương cho đi mà không cần tính toán.
Đúng như ông bà ta thường nói: của ít lòng nhiều; giá trị của quà tặng không
tùy thuộc vào số lượng mà là ở tấm lòng.
Việc dâng cúng của người
đàn bà góa nghèo hết sức bé nhỏ, nhưng lại vô cùng to lớn trước mặt Chúa, vì bà
đã cho tất cả những gì bà có, ngay cả hai đồng xu đó chính là thứ nuôi sống
bà “đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống”.
Tinh thần cho đi của bà
góa nghèo phải là khuôn mẫu cho tinh thần bác ái người Kitô giáo chúng ta. Đó
là tinh thần vô vị lợi, không màng đến danh lợi, cũng không nhằm phô trương
đánh bóng tên tuổi. Bác ái Kitô giáo không phải là cho đi những thứ dư thừa,
nhưng là cho đi những gì thiết thân nhất cho đời sống của mình, nhưng lại là
nhu cầu cần thiết nhất của tha nhân.
Thật ra làm bác ái không
khó. Không khó, bởi vì thông thường chúng ta chỉ cho đi những gì dư thừa. Chúng
ta chỉ cần mặc ba bốn bộ đồ hay mang vài ba đôi dép… là đủ. Nhưng thực tế,
nhiều người trong chúng ta lại sở hữu lên đến vài chục bộ đồ, hàng chục đôi
giày dép, mà những thứ dư thừa này luôn nằm im trong tủ, không bao giờ ta sử
dụng đến. Nên khi cho đi những thứ ấy không khó chút nào, nhưng cho đi với tình
thần bác ái Kitô giáo thì không dễ, bởi nó đòi hỏi chúng ta phải chia sẻ những
gì chúng ta cần, chứ không phải những gì dư thừa. Tuy nhiên nếu chúng ta có
được niềm tin và tình yêu vào Chúa thì chúng ta sẽ làm được.
Xin cho chúng ta đừng bao
giờ có thái độ trọng phú, khinh bần cũng như đánh giá tha nhân qua dáng vẻ bên
ngoài. Nhưng xin cho chúng ta luôn biết trân quý tấm lòng bên trong của mỗi con
người. Nhất là xin cho chúng ta hằng để tâm giúp đỡ những ai đang gặp khốn khó,
nghèo khổ bằng tinh thần bác ái Kitô giáo chân thành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét