Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN 

CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN A

Mt 16, 13-20

Sau một thời gian Chúa Giêsu rao giảng Tin mừng và thi hành sứ vụ đây đó, nhiều người cũng đã biết đến Ngài. Nhưng để xem sự hiểu biết của họ như thế nào? Nên hôm nay, Chúa Giêsu muốn làm một cuộc thăm dò dư luận, mang tính xã hội học. Vì thế, bất ngờ Ngài hỏi các môn đệ: Người ta bảo Con Người là ai ?” Qua những lần thăm dò và nghe ngóng tin tức trong dân chúng, các môn đệ biết được có 3 luồng dư luận đánh giá về Thầy Giêsu của mình:

- Một số người cho rằng Thầy Giêsu là Gioan Tẩy Giả, bởi lẽ Chúa Giêsu cũng có đời sống chay tịnh khắc khổ và lên án mạnh mẽ lối sống giả hình của những người Pharisêu; hơn nữa lời rao giảng về sự sám hối của Chúa Giêsu cũng giống như Gioan Tẩy Gỉa.

- Một số khác thì cho rằng Thầy Giêsu là Êlia, vì Chúa Giêsu cũng đã từng làm phép lạ tựa như Êlia xưa kia.

- Phần đông còn lại thì xem Chúa Giêsu là Giêrêmia hay một vị tiên tri nào đó, bởi họ cũng nghe thấy Đức Giêsu rao giảng lời Chúa, tiên báo về những vấn đề tương lai như các tiên tri trước đây.

Nhưng có lẽ điều mà Chúa Giêsu quan tâm, không phải là dân chúng nghĩ về Ngài như thế nào? Mà quan trọng nhất là Ngài muốn biết các môn đệ hiểu về Ngài ra sao? Cho nên Ngài mới đặt câu hỏi thứ 2: “phần các con, các con bảo Thầy là ai?”.  Phêrô lại nhanh nhẹn thay mặt anh em tuyên xưng niềm tin: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Tuy lời tuyên xưng ấy chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời,” nhưng vẫn làm cho Chúa Giêsu cảm thấy rất hài lòng.

Sau đó, Chúa Giêsu mạc khải về con đường đau khổ mà Ngài phải đi để hoàn thành sứ mạng, thì lập tức Phêrô lại phản ứng quyết liệt, vì ông không thể chấp nhận Chúa Giêsu đi vào con đường ấy, cho nên Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu.” Tuy nhiên, hành động và lời can ngăn ấy của Phêrô đã làm cho Chúa Giêsu rất khó chịu nên Ngài đã khiển trách ông rất nặng lời: Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người.”

Điều này giúp ta hiểu rằng, cho dẫu Phêrô đã tin vào “Thầy là Đức Kitô, là Con Thiên Chúa”. Nhưng ông lại mong muốn một Đấng Messia theo quan niệm trần tục theo ý muốn của mình. Ông không thích đón nhận một Đấng Kitô phải đi vào con đường thập giá để cứu độ nhân loại, theo thánh ý của Chúa Cha.

Ngẫm đi nghĩ lại, nhiều lúc chúng ta cũng có quan niệm giống như Phêrô về một Đức Giêsu. Đó là khi ta mong muốn Người phải là một vị TC theo ý muốn của mình. Buộc Người phải đáp ứng tất cả những gì chúng ta đòi hỏi. Chính vì thế mà không ít người trong chúng ta chỉ tin yêu Chúa và giữ đạo khi thuận lợi, thành công, may lành…; bằng ngược lại, chúng ta dễ dàng đánh mất niềm tin, bỏ đạo và xa rời Thiên Chúa khi gặp phải những khó khăn, thử thách, thất bại…trong đời sống.

Xin Chúa nâng đỡ và ban thêm lòng tin còn non kém của chúng ta, nhất là khi chúng ta phải đối mặt với những gian nan, thử thách và hoạn nạn trong cuộc sống.

 

Thứ hai: Kính Thánh Barthôlômêô Tông Đồ

Ga 1, 45-51

Tin mừng hôm nay tường thuật lại sự kiện ông Philipphê giới thiệu Đấng Messia cho ông Nathanaen, cũng gọi là Barthôlômêô. Khi nghe nói về Đức Giêsu, ông Nathanaen không tin và cho rằng Ngài chẳng có gì nổi bật, vì xuất thân từ làng quê Nadarét. Nhưng sau khi gặp Đức Giêsu, ông đã thay đổi cách nghĩ. Vậy điều gì đã làm cho niềm tin của ông thay đổi?

Thời Đức Giêsu, dân Do Thái hiểu cách nói “vua Ít-ra-en” theo nghĩa: nhà vua sẽ thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, giải phóng Ít-ra-en khỏi ách nước ngoài, mà cụ thể là đế quốc Rôma. Ở Ga 1, 49, ông Nathanaen cũng không hiểu xa. Ông Nathanaen nghĩ vua Ít-ra-en phải trổi vượt, phải là một nhân vật nổi bật hay ít ra cũng phải sinh ra trong một gia đình giàu có, quí phái ở một thành đô hoa lệ. Nên khi Philipphê báo cho ông biết Đấng mà muôn dân đang mong chờ đã xuất hiện là người làng Nadarét, Nathanaen đã không tin. Ông đã phản bác “Từ Nadarét có thể có cái gì hay được”. Tuy nhiên, sau khi gặp mặt Đức Giêsu và trò chuyện với Ngài thì ông đã bị thuyết phục và đã tuyên xưng đức tin:“Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Ít-ra-en”. 

Dẫu ông đã tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng ông lại hiểu tước hiệu này một cách rất mập mờ. Cho mãi sau ngày Chúa Phục Sinh, ông mới hiểu cách rõ ràng về tước hiệu này.

Như thánh philipphê đã không ngần ngại giới thiệu Đức Giêsu cho người bạn của mình, thì ngày nay, giữa một thế giới, xã hội đa văn hóa và tôn giáo, chúng ta có ngần ngại giới thiệu Chúa Giêsu cho những người xung quanh không? Và chúng ta phải giới thiệu Đức Giêsu thế nào cho phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và sự bùng nổ của công nghệ 5G như hôm nay? 

Sau khi gặp Chúa Giêsu, tông đồ Barthôlômêô đã thay đổi suy nghĩ, biến đổi cuộc đời, trở thành môn đệ Chúa Giêsu. Sau ngày Chúa Giêsu phục sinh, ông còn hăng say ra đi loan báo Tin mừng và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để làm chứng cho Chúa. Còn chúng ta thì sao? Hằng ngày khi nghe lời Chúa, chúng ta có để cho lời Chúa tác động, thâm nhập và đem ra thực hành không? Và mỗi khi rước lấy Thánh Thể Chúa, chúng ta đã biến đổi cuộc đời như thế nào ?

Lạy Chúa Giêsu, niềm tin của chúng con còn non yếu nên chưa xác tín vững mạnh vào Chúa. Xin Chúa củng cố niềm tin cho chúng con mỗi khi gặp gỡ Chúa qua tha nhân, qua cầu nguyện, qua các biến cố...nhất là qua việc tham dự thánh lễ hàng ngày. Nhờ đó mà cuộc đời chúng con được biến đổi nhờ lời giáo huấn và Thánh Thể Chúa. 

 

Thứ ba: Mt 23, 23-26

Tiếp nối bài Tin mừng hôm qua, tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục lên án mạnh mẻ thói giả hình của những luật sĩ và biệt phái. Thói giả hình của họ được biểu hiện ra bên ngoài qua hai hành vi lầm lạc sau đây:

- Biến những điều phụ thành điều chính.

Sách Đệ nhị luật quy định: “Mỗi năm anh (em) phải trích một phần mười tất cả hoa lợi lấy từ những gì anh (em) gieo, những gì mọc lên ngoài đồng.  Anh (em) sẽ dùng trước nhan Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), ở nơi Người chọn cho Danh Người ngự…để mọi ngày anh (em) học cho biết kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em) (Đnl 14, 22). Như vậy, nộp thuế thập phân và hoa màu ruộng đất là cách thức giúp người Do Thái nhớ rằng: ruộng đất họ có và hoa màu mà họ thu hoạch được là do ân ban của Thiên Chúa. Nhưng các Luật sĩ và Biệt phái lại quá ham mê tiền bạc nên họ đã thu vào hơn những gì theo sáchluật quy định, từ đó đánh mất đi ý nghĩa tôn giáo của bổn phận nộp thuế. Họ ham tiền đến nổi đã đánh thuế luôn cả những luống rau thơm như :bạc hà, hồi hương và thì là”. Trong khi đó lại sao lãng “những điều quan trọng trong lề luật, là đức công bình, lòng nhân từ và lòng tin thì các ngươi lại bỏ qua; đáng lẽ phải làm những điều này và không bỏ các điều kia”. 

- Quan tâm đến hình thức mà quên đi tấm lòng.

Vì quá đề cao bản thân nên lúc nào cũng muốn mọi người xem mình là người đạo đức nên họ cố ý phô trương những việc làm nhỏ nhặt như quá bận tâm đến việc rửa sạch chén đĩa bên ngoài mà lại không lo thanh tẩy tâm địa gian tham và nhơ bẩn bên trong tâm hồn. Khiến cho Chúa Giêsu phải lên tiếng vạch trần tâm địa xấu xa của họ và không ngần ngại quở trách rất nặng lời “khốn cho các ngươi”; với hy vọng giúp họ nhận ra sai lầm mà sửa đổi.

Những lời quở trách của Chúa Giêsu dành cho những Luật sĩ và Biệt phái khi xưa, có lẽ cũng là những lời cảnh tỉnh chúng ta hôm nay.

Xin Chúa ban cho chúng ta ơn khôn ngoan để nhận ra những điều quan trọng trong đời sống. Từ đó can đảm từ bỏ những lợi lộc vật chất thấp hèn đi ngược lại với đức công bình, lòng nhân từ và trung tín với Chúa. Đồng thời cũng xin Chúa cho ta biết lo thanh tẩy tâm hồn khỏi những bợn nhơ của tính ích kỷ, lòng tham lam làm vẩn đục tâm hồn.  

 

Thứ tư: Mt 23, 27-32

Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cho ta biết đâu là yếu tố căn bản để đem lại cho những việc làm có được giá trị trước mặt Thiên Chúa. 

Vì quá chú tâm đến hình thức bên ngoài nên những người Biệt phái và Kinh sư cảm thấy khó chịu khi thấy các môn đệ CG không rửa tay trước khi dùng bữa. Nên họ đã tố cáo các môn đệ Người là đã “vi phạm truyền thống của tiền nhân”.  Như vậy đã rõ, rửa tay chỉ là truyền thống của cha ông họ để lại, chứ không liên quan gì đến việc tôn thờ Thiên Chúa. Từ đó CG cho thấy họ giữ luật quá nặng hình thức nên Người đã dùng Kinh Thánh mà cảnh cáo họ: “Tiên tri Isaia nói rất đúng: dân này thờ Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”. Rồi Người lên án: “Các ông là những kẻ đạo đức giả”. 

Thật vậy, những người Biệt phái và Kinh sư chỉ tôn thờ Thiên Chúa bằng môi miệng chứ không phải bằng tấm lòng. Họ chỉ đọc kinh cho lâu giờ nhằm nuốt tiền các bà góa chứ không phải vì yêu mến Chúa. Như vậy, đạo đức giả là quá chú trọng đến những việc bề ngoài mà quên đi động lực chính yếu là tình yêu bên trong.

CG cũng không ngần ngại chỉ ra sai lầm của họ là: “các ông bỏ lề luật của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”. Rồi nhắc nhở họ phải ưu tiên sống và dạy người khác sống theo luật Thiên Chúa chứ không được tùy tiện bỏ qua. Ấy thế mà họ vẫn ngang nhiên xem thường luật Chúa để thay vào đó luật phàm nhân, khi bảo"Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được là Corban rồi (nghĩa là của dâng cho Chúa)", và các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi huỷ bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau. Và các ngươi còn làm nhiều điều khác giống như thế". (Mc 7, 11-13).  

Suy niệm và cầu nguyện với lời Chúa hôm nay như nhắc nhở chúng ta cần phải chấn chỉnh lại thái độ sống đạo của mình sao cho phù hợp với ý muốn của Chúa. Với mong muốn tất cả những hành vi thờ phượng Thiên Chúa của ta đều được phát xuất từ một tình yêu tinh tuyền, trong sáng. Vì yêu Chúa, ta đi lễ; vì yêu Chúa, ta siêng năng đọc kinh hôm kinh mai; vì yêu Chúa ta sẵn sàng từ bỏ những thói hư, tật xấu… Nói tóm lại, vì yêu Chúa nên ta tuân giữ những điều luật của Chúa và GH.

Trong tương quan với người khác cũng vậy, ta hãy đối xử với nhau bằng một tình yêu chân thành. Chính sức mạnh tình yêu chân thành sẽ thúc đẩy chúng ta biết phải làm gì tốt nhất cho anh em mình. Một khi chúng ta biết đặt tình yêu trong sáng, tinh tuyền vào các mối tương quan với Chúa, với người khác và công việc… thì chúng ta sẽ biết mình phải làm gì? và như thế nào? để thống nhất đời sống. Bởi tất cả hành vi của ta đều được định hướng khởi nguồn từ tình yêu của Chúa nên những gì ta làm chắn chắn sẽ đẹp lòng Chúa và đem đến ích lợi cho tha nhân.

Xin Chúa đong đầy tình yêu nơi tâm hồn chúng con, để những hành vi thờ phượng Chúa và những việc làm bác ái cho tha nhân của chúng con đều phát xuất từ một tình yêu tinh tuyền và trong sáng. Nhờ đó, mang lại ơn ích thiêng liêng cho chúng con.

 

Thứ năm: Mừng Nhớ Thánh Mônica

† Suy niệm 1: Hc 26, 1-4. 13-16; Lc 7, 11-17

Tin mừng hôm nay trình thuật lại phép lạ Chúa Giêsu cứu sống con trai người đàn bà góa thành Naim. Qua đây, minh chứng cho biết Đức Giêsu chính là Thiên Chúa quyền năng và giàu lòng thương xót. Xin cho chúng ta luôn vững tin vào Người, nhất là trong những lúc gặp gian nan thử thách.

Phép lạ của Chúa Giêsu cứu sống đứa con trai người đàn bà góa thành Naim hôm nay muốn nói với chúng ta 2 điều:

- Đức Giêsu chính là Thiên Chúa quyền năng: Sự sống con người là quý giá nhất. Sự sống ấy do chính Chúa tạo nên và ban tặng cho con người. Nên không ai có quyền trên sự sống ấy, ngoại trừ Thiên Chúa. Sự sống của đứa con trai bà góa thành Naim hôm nay đã mất, không ai trên trần gian này có thể phục hồi được, trừ một mình Thiên Chúa là chủ của sự sống. Nên khi Chúa Giêsu phục hồi sự sống của đứa con trai bà góa thành Naim, minh chứng cho biết Đức Giêsu chính là vị Thiên Chúa quyền năng.

- Đức Giêsu là Thiên Chúa giàu lòng thương xót: Với quan niệm của người Do Thái thời Chúa Giêsu thì người phụ nữ và con trẻ là thành phần thấp kém vì bị xã hội khinh thường. Người phụ nữ không được tham gia vào các công việc trong xã hội cũng như tôn giáo vì thế mà mất đi nguồn thu nhập cho cuộc sống nên tình cảnh sẽ rất khó khăn và nghèo khổ. Đứa con trai chính là niềm vui và hy vọng lớn lao của bà góa này. Nhưng nay niềm hy vọng của cuộc sống bà ta đã mất vì đứa con trai bà ta đã chết. Nhìn thấy tình cảnh đau thương ấy, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương và quyết định ra tay cứu sống đứa con trai duy nhất của bà góa và trao nó lại cho bà, cho dẫu đây là trường hợp không ai kêu xin Người. Trao đưa đứa con trai sống lại cho bà góa, cũng đồng nghĩa với việc trạo ban lại cho bà ánh sáng hy vọng và niềm vui.

Qua phép lạ này cho thấy: Đức Giêsu chính là vị Thiên Chúa quyền năng, nhưng cũng rất giàu lòng thương xót. Ngài đã dùng quyền năng của Ngài để thực thi lòng thương xót qua việc phục sinh đứa con trai của bà góa thành Naim, đem lại cho bà ta niềm niềm vui và hy vọng sáng tươi.

Xin cho chúng ta nhận ra được khuôn mặt của Thiên Chúa giàu lòng thương xót nơi Chúa Giêsu, để chúng ta luôn biết yêu mến, vâng nghe và sống theo sự hướng dẫn của Người. Đặc biệt trong những lúc đau khổ và thất vọng, xin cho chúng ta biết tìm đến nương tựa vào cánh tay uy quyền năng của Người.

 

 Suy niệm 2:

Hôm nay cùng với GH chúng ta hân hoan mừng kính thánh nữ Mônica, bổn mạng của các chị em hiền mẫu công giáo. Đây là dịp thuận lợi GH mời gọi chúng ta hướng nhìn về gia đình của thánh nữ Mônica khi xưa mà nhận diện ra những thách đố đang và sẽ xảy ra nơi gia đình chúng ta ngày nay. Từ đó học cách vượt qua những thách đố ấy, bằng cách noi gương thánh nữ Mônica: Biết đặt niềm tin cậy vào quyền năng của Chúa qua việc kiên trì cầu nguyện; cũng như nổ lực chu toàn tốt bổn phận của mình trong vai trò: làm dâu con, làm vợ và làm mẹ trong gia đình.

- Với bổn phận làm dâu con, thánh Mônica rất mực yêu mến và hiếu kính cha mẹ chồng, cho dẫu ngài phải đối mặt với bà mẹ chồng chanh chua, đanh đá.

- Với trách nhiệm làm vợ, thánh Mônica đã hết lòng yêu thương kính trọng và chung thủy với chồng mình, cho dẫu phải chung sống cùng với người chồng bất trung, thô lỗ, cộc cằn.

- Với ơn gọi làm mẹ, thánh nhân rất mực yêu thương con cái, chấp nhận vắt kiệt sức để chăm sóc và giáo dục con cái đến hơi tàn, sức kiệt với mong muốn nhìn thấy những đứa con mình nên người và trở thành con Chúa; nhất là tìm đủ mọi cách để giúp cho đứa con hư hỏng của mình là Augustinô được ăn năn trở lại con đường ngay chính.

Ước mong các chị em hiền mẫu chúng ta cũng có được những nhân đức sáng ngời như thánh nữ Mônica để dẫn đưa mọi thành viên trong gia đình mình vượt qua những chặng đường đầy chông gai thử thách mà thẳng tiến về đích điểm của niềm vui, an bình và hạnh phúc trong Chúa.

 

Suy niệm 3:

Mỗi khi chiêm ngắm lại cuộc đời của thánh nữ Mônica, khiến chúng ta cảm thấy chạnh lòng và cảm phục vì những đức tính cao đẹp của ngài: 

- Kiên tâm chu toàn bổn phận của mình. Trong ơn gọi làm vợ thánh nhân đã hết lòng quý trọng, yêu thương và trung thủy với chồng. Với vai trò làm mẹ, thánh nhân hết mực yêu thương, hy sinh tất cả cho con cái. Tận tụy nuôi dạy và giáo dục con cái nên người và con người con Chúa. Khi không được như ý, ngài vẫn không thua buốn bỏ cuộc. Trái lại thánh nhân đã nhẫn nại hy sinh liên lỷ cho con. Nhờ đó mà ngài đã cải hóa được Augustinô trở về với Chúa và Giáo Hội.

- Nêu cao những đức tính cao đẹp của người phụ nữ. Khi bị ngược đãi bởi mẹ chồng và chồng, thánh nhân đã nêu cao gương khiêm nhường, yêu thương và tha thứ. Sẵn lòng thông cảm cho tính khí bất thường của người mẹ chồng và chồng mình. Yêu thương, phục vụ, khiêm nhường và tha thứ chính là lựa chọn của thánh nhân trong những lúc gặp khó khăn hay những khi gặp phải những chuyện chẳng may lành xảy đến.

- Kiên trì cầu nguyện với lòng tin tưởng cậy trông vào Chúa. Thánh nhân đã kết hợp với Chúa cách liên lỉ và hoàn toàn phó thác vào Chúa với lòng tin tưởng cậy trông. Cuộc đời của ngài được kết dệt bởi mồ hôi và nước mắt. Vui ít buồn nhiều, nhưng lúc nào ngài cũng gắn bó và phó thác mọi sự trong bàn tay uy quyền của Thiên Chúa.

Quả thật, cả cuộc đời của thánh nhân đã để lại cho những người vợ, người mẹ và cho hết mọi người chúng ta những bài học cao đẹp, đáng khâm phục nên cần phải noi gương:

- Noi gương thánh Mônica, chúng ta hãy tích cực chu toàn bổn phận hằng ngày của mình với lòng mến. Ý thức làm những việc tầm thường một cách phi thường trong sự kết hợp với Chúa và tín thác cho Người.

- Noi gương thánh Mônica, chúng ta hãy dùng gương sáng làm phương thế ưu tiên để cảm hóa người khác, nhất là những người ngang tàng mất nết.

-  Noi gương thánh Mônica, chúng ta phải hiểu rằng: “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên,nên hãy làm mọi việc trong tâm tình tín thác vào quyền năng Chúa. Sẵn sàng đón nhận mọi nghịch cảnh, miễn sao điều đó đẹp lòng Chúa và ích lợi cho phần rỗi linh hồn của mọi người.

- Noi gương thánh Mônica, chúng ta hãy luôn chu toàn thật tốt bổn phận hàng ngày của mình với lòng yêu mến Chúa với hy vọng sinh thật nhiều nén bạc quý giá cho mình và tha nhân.  

Lạy Chúa, xin nhận lời thánh nữ Mônica chuyển cầu mà ban cho chúng con, là những người vợ, người mẹ trong các gia đình có được đời sống thánh thiện, hiền lành, khiêm nhường, nhẫn nhịn, trung thành, tin tưởng và phó thác… theo gương thánh nữ Mônica, bổn mạng giới hiền mẫu chúng con. Amen.

 

Thứ sáu: Nhớ Thánh Augustinô.

Mt 25, 1-13

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục nhắc nhở chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng trong thời gian chờ đợi ngày Chúa đến, để khi Chúa đến bất ngờ, ta mới có thể ra nghênh đón Người và theo Người vào chung hưởng  niềm vui nước trời.

Hình ảnh 10 cô trinh nữ trong dụ ngôn mà Chúa Giêsu nói đến trong bài tin mừng hôm nay ám chỉ tất cả mọi người kitô hữu chúng ta. Trong đó có những người khôn như năm cô khôn ngoan, nhưng rất có thể có những người khờ như năm cô khờ dại.

Hình ảnh chú rể tượng trưng cho Chúa Kitô.

Sự chậm trễ tượng trưng cho thời gian Chúa đến không biết lúc nào. Chúa có thể đến sớm hay chậm, đêm hay ngày đó là quyền của Chúa.

Đèn tượng trưng cho đức tin.

Dầu tượng trưng cho tình yêu.

Còn phòng cưới thì tượng trưng cho nước trởi.

Có lẽ khi nghe dụ ngôn quen thuộc này, ai trong chúng ta cũng mong muốn mình là người khôn ngoan chứ không ai muốn mình trở thành kẻ khờ dại. Nhưng làm thế nào để ta nên người khôn ngoan?

Xin thưa đó là biết sẵn sàng. Năm cô khôn ngoan là những người biết chuẩn bị sẵn sàng. Các cô không chỉ mang đèn mà mang theo chai dầu. Còn năm cô khờ dại thì không biết phòng xa. Các cô chỉ mang đèn mà không mang dầu theo. Nên trong thời gian chờ đợi chàng rể đến chậm, đèn các cô khờ dại đã hết dầu và tắt lịm. Giờ đã điểm, các cô khờ dại không thể cậy dựa vào ai được, nên các cô đành phải chấp nhận số phận bị loại bỏ bên ngoài, vì cửa phòng cưới đã đóng lại. Còn các cô khôn ngoan thì vui mừng cầm đèn sáng trong tay ra đón chàng rể và hân hoan bước vào phòng cưới trong hạnh phúc.

Xin Chúa cho chúng con hiểu rằng ngày Chúa đến rất bất ngờ, không ai biết trước được. Vậy xin Chúa đong đầy dầu tình yêu của Chúa vào trong tâm hồn chúng con để ngọn đèn đức tin của chúng con luôn cháy sáng mãi cho đến khi ngày Chúa đến.

 

Thứ Bảy: Nhớ Thánh Gioan Tẩy Gỉa Bị Trảm Quyết

Mc 6, 17-29

Người đời thường nói: “Hùm chết để da người chết để tiếng”, để nhằm khuyên dạy chúng ta hãy sống sao cho thật có ích. Tin mừng hôm nay thuật lại cái chết anh dũng của Gioan Tẩy Gỉa để minh chứng cho chân lý và bảo vệ luân thường đạo lý qua việc tố cáo tội ác của vua Hêrôđê.

Xin cho chúng ta cũng can đảm làm chứng cho chân lý và dám hy sinh tất cả để bảo vệ nền đạo đức luân thường theo gương thánh Gioan Tẩy Gỉa.

Cái chết anh dũng của Gioan Tẩy Gỉa được tin mừng trình thuật hôm nay, cho thấy lòng người còn nhiều góc tối:

- Góc tối của đam mê dục vọng.  Đắm chìm trong dục vọng, vua Hêrôđê đã xem thường đạo lý luân thường nên đã cướp đi người vợ của anh mình. Đắm chìm trong đam mê, nhà vua chỉ còn biết buông mình theo những thú vui thấp hèn trong những tiệc tùng náo nhiệt, đầy rượu và thịt.

- Góc tối của hận thù ghen ghét. Không chịu nổi lời nhắc nhở của Gioan Tẩy Gỉa trước hành động vô luân của mình, bà Hêrôdia đã căm thù Gioan Tẩy Gỉa đến tận xương tủy. Nên khi cơ hội đến, bà lập tức mách bảo con gái xin vua cha cái đầu Gioan Tẩy Giả thay cho nửa giang sơn.

- Góc tối của nhác đảm sợ hãi. “Vẫn biết Gioan Tẩy Gỉa là người công chính thánh thiện; vua che chở ông. Khi nghe Gioan nói, nhà vua rất phân vân nhưng lại cứ thích nghe. Nhưng rồi lại không can đảm làm theo tiếng lương tâm của mình”. Vì sợ tiếng nói lương tâm, sợ nghe những lời chân lý, sợ mất uy tín với lời hứa bồng bột trước bá quan văn võ trong lúc ngà ngà… nên nhà vua đã đi đến quyết định ngông cuồng là ra lệnh chém đầu Gioan Tẩy Gỉa.

- Góc tối của ngây ngô dại khờ. Salômê một cô con gái có tài và sắc nhưng lại không có đức. Cô đã dùng sắc đẹp và tài múa giỏi của mình thay vì phục vụ niềm vui và hạnh phúc cho đời, cho người; thì trái lại với sự ngây ngô dại khờ của mình, cô đã dùng những thứ ấy cho sự lợi dụng nhằm phục vụ cho nền văn hóa của sự chết.

Xin cho ánh sáng chân lý của Chúa chiếu giãi vào mọi ngõ ngách của lòng người, hầu xua tan những góc tối nguy hại đang còn ẩn nấp đâu đó nơi cỏi lòng con người hôm nay.

Xin cho chúng ta dám can đảm sống và làm chứng cho ánh chân lý như Gioan Tẩy Gỉa dầu phải hy sinh mạng sống, để bảo vệ cho đạo lý luân thường và làm chứng cho nền văn hóa tình thương.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...