SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN A
Mt 14,
22-33
Cuộc
đời chúng ta có lúc yên bình nhưng lắm khi cũng gặp giông bão, khiến chúng ta
cảm thấy sợ hãi bất an, nên rất cần có Chúa ở bên để che chở, hướng dẫn. Có
Chúa ở bên, thuyền đời của ta mới mong vượt thoát được sóng to gió lớn
giữa biển trần mà đạt đến bến bờ của bình an.
Những
hình ảnh được đề cập trong đoạn Tin mừng hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng:
Các
môn đệ chính là mỗi người chúng ta.
Con
thuyền là hình ảnh của Giáo Hội.
Biển
khơi là hình ảnh trần gian.
Đêm
tối, bảo tố, gió mạnh là những thử thách do ma quỷ gây nên.
- Giống
như các môn đệ xưa, chúng ta đã bước vào con thuyền của Giáo Hội khi lãnh
nhận bí tích thánh tẩy. Cùng ở trong con thuyền Giáo hội, tất cả chúng ta đều
đang tiến bước trên biển đời trần gian này.
- Tựa như
con thuyền của các môn đệ bị sóng to gió lớn đánh dữ dội, thì ở mọi thời, mọi
nơi, Giáo hội cách chung; cách riêng thuyền đời của mỗi người chúng
ta cũng phải đương đầu với bao là chống đối, vu khống, bôi nhọ và loại trừ
bởi thế lực của ma quỷ gây ra.
- Ví như
bóng đêm là những vết đen đáng tiếc xảy ra trong Giáo hội; hay những đau
khổ, thất bại và bất hạnh xảy đến trong cuộc sống mình, làm cho niềm tin
của chúng ta như bị chao đảo, lắm khi mất cả phương hướng cho cuộc sống.
- Sánh như
tông đồ Phêrô, vì nghi ngờ vào quyền năng của Chúa, khiến ông sợ hãi, sắp chìm.
Cuộc đời của người Kitô hữu chúng ta khi đối mặt với những khó khăn, đau khổ và
thử thách… trong cuộc sống, lắm khi cũng làm ta lo sợ, nghi ngờ vào quyền năng
của Chúa và có khi đánh mất cả niềm tin và hy vọng mà buông mình chìm sâu vào
dòng chảy của biển đời này. Nhưng chúng ta hãy vững tin vì có Chúa Giêsu luôn ở
bên đời, hằng nâng đỡ chở che và ra tay cứu giúp, nếu chúng ta biết tin tưởng,
trông cậy và tha thiết kêu cầu Người như Phêrô:“Lạy Thầy, xin cứu tôi”.
Xin Chúa ban thêm lòng tin nơi chúng ta, để trong bất cứ hoàn cảnh thử thách nào, ngay cả những lúc bước đi trong đêm tối của đức tin, chúng ta vẫn an tâm tiến bước trên sóng gió cuộc đời này với lòng hân hoan vì tin rằng có Chúa luôn ở bên hướng dẫn chúng ta.
Thứ hai:
2Cr 9,6-10; Ga 12, 24-26
Kính Thánh
Lau-ren-sô, phó tế tử đạo
Cả hai bài
đọc hôm nay đều nói lên tinh thần hy sinh vô vị lợi vì nước trời.
Bài đọc 1:
Với nguyên tắc bình thường, ngoại trừ bất thường, Thánh Phaolô cho biết: “gieo
nhiều” sẽ “gặt nhiều”. Theo nguyên tắc này, thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu
Côrintô cũng như chúng ta hãy tích cực dâng hiến đời mình để phục vụ Chúa.
Nhưng để dâng hiến phục vụ, đòi hỏi ta phải hy sinh. Mà hy sinh là việc làm
khó. Bởi lẽ ta thường cho rằng những gì ta dâng hiến là của ta. Nhưng thực ra
những gì ta “Có” và ta “Là” đều do Thiên Chúa ban tặng. Nên “ai vui vẻ
dâng hiến sẽ được Thiên Chúa yêu thương” (x. 2 Cr 9,7).
Còn
bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại đưa ra cho chúng ta hiểu được quy
luật căn bản: chết để được sống. “nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà
không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được
nhiều bông hạt.” (Ga 12,24); theo nguyên tắc này Chúa Giêsu xác
quyết: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng
sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Ga
12,25).
Thầy phó
tế Lô-ren-sô đã nhận ra nguyên tắc và hiểu được quy luật ấy nên đã vui vẻ dâng
hiến đời mình, sẵn sàng chết đi vì tình yêu.
– Yêu
Chúa, thánh nhân đã rời bỏ quê hương Hu-ét-cô, nước Tây Ban Nha thân
yêu để đến Roma du học. Tại đây ngài được biết đến là con người nổi danh về tài
đức. Nhưng không vì thế mà ngài tìm cho mình cuộc sống vinh hoa, phú quý. Trái
lại, thánh nhân đã dùng tài đức Chúa ban dấn thân phục vụ Chúa, dưới thời giáo
hoàng Xít-tô II, trong bối cảnh đầy hiểm nguy bởi sự cấm cách và bách hại khắc
nghiệt của hoàng đế Đê-ci-ô.
– Yêu
người, thánh nhân đã không ngại hy sinh dấn thân trong trách nhiệm
phục vụ người nghèo. Với vai trò là vị phó tế trưởng, quảng trị tài sản của
Giáo hội, ngài luôn ưu tư lo cho người nghèo. Ngay trong giờ phút nguy khốn
nhất, với cái chết cận kề, ngài vẫn không quên dùng tất cả tài sản của Giáo hội
đem ra phân phát cho người nghèo. Với ngài tài sản quý giá nhất chính là người
nghèo. Nên sau khi phân phát hết của cải cho người nghèo, ngài đã dẫn họ đến
trước mặt viên tổng trấn Va-lê-ri-a-nô và xác nhận cho biết: những người nghèo
đứng trước mặt tổng trấn chính là tài sản của Giáo hội.
Tình yêu
chính là sức mạnh thúc đẩy thánh Lau-ren-sô sẵn sàng phục vụ Chúa và tha nhân
cho dẫu phải hy sinh tính mạng. Đúng như lời thánh Phaolô nói: “Ai vui
vẻ dâng hiến sẽ được Thiên Chúa yêu thương.” Thánh nhân đã vui vẻ dâng
hiến vì cảm thấy mình được Chúa yêu thương. Nên khi bị hỏa thiêu, ngài còn khôi
hài nói với hoàng đế: Một bên đã chín rồi hãy chiên bên kia nữa mà
ăn!. Sau đó ngài cầu xin cho thành phố Rôma được trở lại với Ðức
Kitô và cho Ðức Tin Công Giáo được lan tràn khắp thế giới. Ngài lãnh nhận triều
thiên tử đạo vào năm 258 và đã được Thiên Chúa yêu thương ban thưởng sự sống
đời đời vì đã coi thường mạng sống mình ở đời này.
Xin cho
chúng ta có được tình yêu Chúa nồng nàn, để ta luôn trung kiên sống và làm
chứng niềm tin dù có phải chịu nhiều gian khổ, ngay cả hy sinh mạng sống mình;
đồng thời cũng xin cho chúng ta có được lòng yêu người, nhất là những người
nghèo như thánh Lau-ren-sô, để ta tận tâm phục vụ tha nhân với hết khả năng của
mình.
Thứ
ba: Mt 18,1-5.10.12-14
Dưới
trần gian tranh giành địa vị, chức quyền đã đành. Trên trời mà còn tranh quyền
đoạt lợi quả là một điều đáng trách. Thế mà các môn đệ xưa kia lại đưa lối suy
nghĩ trần tục ấy vào chốn vĩnh cửu, nên các ngài không ngần ngại đặt vấn đề với
Chúa: "ai là người lớn nhất trong nước trời."
Chúa
Giêsu không trả lời ai là người lớn nhất trong Nước Trời, nhưng Chúa cho biết
cần phải có điều kiện như thế nào? để được vào Nước Trời.
Điều
kiện ấy chính là phải trở nên như trẻ nhỏ. Không phải chúng ta hóa kiếp trở lại
làm trẻ nhỏ, nhưng Chúa muốn chúng ta phải có tinh thần trẻ nhỏ.
Vì trẻ
nhỏ luôn thành thật, đơn sơ, trong trắng. Chúa muốn chúng ta cũng
hãy đơn sơ, thành thật, đừng mưu mô, lọc lừa… , cho dẫu lắm khi sự thật làm ta
phải chịu thiệt thòi, bị xem thường, bị hiểu lầm…
Vì trẻ
nhỏ cảm thấy mình yếu đuối nên luôn tin tưởng phó thác cậy dựa
vào cha mẹ. Chúa cũng muốn chúng ta luôn tin tưởng tín thác và cậy trông vào
Chúa, nhất là những lúc chúng ta gặp phải gian nan, khốn khó.
Vì trẻ
nhỏ luôn khiêm nhường biết mình còn nhiều giới hạn nên không
ngừng cố gắng trao dồi học hỏi những điều hay lẽ phải từ người lớn. Chúa cũng
muốn chúng ta biết khiêm tốn lắng nghe và học hỏi lời Chúa trong Thánh kinh,
qua các giáo huấn của GH, nhất là qua các biến cố xảy ra trong cuộc sống
hằng ngày.
Nói
tóm lại, Chúa muốn chúng ta hãy sống tinh thần trẻ thơ, mặc dù chúng ta mang
thân xác của người lớn. Ai sống được tinh thần như thế, mới xứng đáng được vào
Nước Trời và là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.
Chúng
ta hãy luôn nhớ rằng: trước mặt Chúa, chúng ta chỉ là những người con bé nhỏ.
Không có Chúa, chúng ta chẳng làm được chuyện gì nhưng nếu chúng ta có làm được
chuyện gì đi nữa, thì tất cả cũng là nhờ bởi ơn Chúa ban mà thôi.
Xin
Chúa cho chúng con luôn biết phó thác cả cuộc đời chúng con cho Chúa, như đứa
bé đặt hết niềm tin yêu vào cha mẹ. Để sau cuộc đời dương thế này, chúng con
được quây quần bên Chúa, chung hưởng niềm hạnh phúc viên mãn cùng các thánh tử
đạo Việt Nam trong nước trời.
Thứ
tư: Mt 18, 15-20
Đoạn
tin mừng hôm nay ghi lại 3 lời giáo huấn của Chúa Giêsu dành cho các môn
đệ: 1 Sửa lỗi huynh đệ, 2 tha thứ cho
nhau 3 và hiệu quả của lời cầu xin hiệp
nhất. Những lời giáo này rất cần cho đời sống cộng đoàn.
1. Sửa
lỗi huynh đệ. Lầm lỗi là chuyện thường tình của con
người “nhân vô thập toàn”. Nên sửa lỗi cho nhau là trách nhiệm của
mỗi người trong cộng đoàn, chứ không phải là việc làm tùy thích riêng ai. Bởi
lỗi lầm cá nhân gây nguy hại đến người khác và làm sứt mẻ tình đoàn kết giữa
các thành phần trong cộng đoàn.
Tâm lý tự nhiên ai trong chúng ta cũng ngại
đến việc sửa lỗi. Bởi không khéo, ta sẽ bị người đời lên án là “ăn cơm
nhà vác tù và hàng tổng”, chẳng lợi lộc gì cho bản thân mà còn gây ra
lụy phiền cho mình cho người. Nhưng vì tình huynh đệ và vì ích lợi chung, đòi
buộc ta phải có bổn phận sửa lỗi cho nhau.
Vậy ta phải sửa lỗi thế nào để mang lại kết
quả tích cực? Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ dạy chúng ta phải
tiến hành cách tiệm tiến và tế nhị, đi từ kín đáo đến công khai; từ cá nhân đến
tập thể, theo các bước sau:
- Trước hết gặp riêng ngươi với nó: giữa hai
người (cá nhân với cá nhân). Nếu không có kết quả?
- Tiếp theo ta đem theo một hay hai người làm
chứng. (tạo nên sức mạnh và mang tính xác thực cho lời chứng). Nếu cũng không
nhìn nhận sai lỗi?
- Sau cùng đưa ra cộng đoàn Hội Thánh. “Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe thì kể nó như
người ngoại hay thu thuế.”
Tuy
nhiên, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ta phải luôn giữ được tinh thần bác ái huynh
đệ, với hy vọng giúp người có lỗi ý thức về sai lầm của mình mà sửa đổi. Không
chịu nghe cộng đoàn thì họ đã tự cô lập mình. Ta chỉ còn phó thác họ cho lòng
nhân từ của Chúa mà thôi.
2. Tha thứ cho nhau. Nếu
lỗi lầm làm ảnh hưởng đến cộng đoàn Hội Thánh, thì ta tiến hành từng bước như
lời Chúa dạy trên. Nhưng nếu lỗi lầm chỉ mang tính cá nhân, không gây nguy hại
đến cộng đoàn Hội Thánh thì cách hay nhất là ta hãy bao dung tha thứ mãi. Đó
cũng là điều Chúa nói với Phêrô: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến
con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không? Chúa
Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi
lần bảy.” (Mt 18, 21-22). Và trong kinh lạy Cha, Chúa Giêsu cũng dạy
ta biết rằng: ta chỉ được Chúa tha thứ tội lỗi một khi ta biết tha thứ lỗi
tội cho tha nhân. Vì thế mà tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu mới xác quyết với
các môn đệ rằng: “những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo
gỡ.”
3. Lời cầu xin hiệp nhất. Biết
rằng, mục đích của việc sửa lỗi và tha lỗi cho nhau trong đời sống là nhằm thức
tỉnh người sai phạm để họ sửa đổi mà trở về hòa nhập với cộng đoàn. Tuy nhiên
đây là việc làm hết sức khó khăn nên rất cần ơn Chúa. Vì thế mà Chúa Giêsu nhắc
nhở chúng ta cần phải hiệp nhất trong lời cầu nguyện.
Lời cầu nguyện hiệp nhất của cộng đoàn rất có
hiệu lực vì làm đẹp lòng Thiên Chúa và sẽ được Người đón nhận: "Thầy
lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin
bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó.”
Nếu tội lỗi làm chia rẽ thì sự cầu nguyện là
phương thế nối kết và hiệp nhất chúng ta lại với nhau trong Chúa. Vì Chúa Giêsu
chính là trung tâm nối kết mọi người trong cùng một đức tin. Bởi thế mà ở đâu
có “hai ba người tụ họp với nhau nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa
những người ấy.”
Xin
Chúa cho chúng ta biết khiêm tốn nhìn nhận mình còn nhiều thiếu sót lầm lỗi để
đón nhận lời góp ý sửa lỗi chân thành của tha nhân mà chấn chỉnh lại đời sống nên
tốt đẹp hơn. Và cũng xin Chúa cho chúng ta biết khôn ngoan áp dụng phương cách
sửa lỗi do Chúa chỉ dạy để giúp nhau chỉnh sửa đời sống sao cho phù hợp với
thánh ý của Chúa, tạo nên sự hiệp nhất và khả tin trong cộng đoàn hội thánh
Chúa.
Thứ
năm: Mt 18, 21-19,1
Có thể
nói, tha thứ chính là đỉnh cao của lòng thương xót. Thánh Tôma đã nói: “Tha thứ cho người khác là thương xót họ, đó là việc to lớn hơn
việc tạo dựng thế giới”. Thật vậy, hành động cao quý nhất của con
người để giống TC chính là sự tha thứ. Nhưng thực tế cho thấy tha thứ không dễ
chút nào: tha thứ 1 lần đã khó, huống chi tha thứ hoài, tha thứ mãi như lời dạy
của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay quả là khó hơn cả vượt sông sâu,
leo núi cao hiểm trở. Bởi lẽ muốn tha thứ đòi buộc ta phải vượt qua biển sâu
của tự ái và leo khỏi núi cao của kiêu căng, tự mãn.
Nhưng
cho dẫu khó khăn như vượt đại dương mênh mông và sâu thẳm, vậy mà dân Do Thái
vẫn tiến qua giữa lòng biển Đỏ khô chân, đó mới là điều lạ lùng! Vì đối với
quyền năng Thiên Chúa thì mọi sự tưởng như không thể đều trở nên có thể, nếu
chúng ta biết tin tưởng và phó thác vào uy quyền của Người.
Hơn
nữa để giúp ta vượt qua núi cao của kiêu căng, tự mãn mà tỏ lòng bao dung tha
thứ cho tha nhân, Chúa Giêsu còn khéo léo nhắc nhở chúng ta về một đấng Thiên
Chúa giàu lòng thương xót, hằng sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi cho ta, cho dẫu
rất nhiều lần ta xúc phạm đến Chúa nặng nề.
Trong
kinh lạy Cha, Chúa Giêsu còn đã dạy chúng ta phải tha thứ cho nhau để được Chúa
thứ tha. Xin Chúa cho chúng ta có được tấm lòng thương xót của Chúa để ta
cũng hết lòng tha thứ cho anh em mình, nhờ đó mà ta mới xứng đáng đón nhận
được sự tha thứ của Chúa. Amen.
Thứ
sáu: Mt 19, 3-12
Bất cứ
xã hội nào, đất nước nào, tập thể nào, gia đình nào… dù lớn hay nhỏ đều có những
quy định và luật lệ của nó. Chính những quy định luật lệ sẽ đem lại tính ổn
định xã hội và bảo vệ quyền lợi cho con người. Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu
khẳng định với những người Biệt Phái về sự ràng buộc không thể tháo gỡ trong
đời sống hôn nhân“sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân
ly”.
Luật
hôn nhân không phải phát xuất từ định chế của con người, nhưng xuất phát từ ý
định của Thiên Chúa. Ngay từ khi tạo dựng con người “ Thiên Chúa đã làm
nên con người có nam có nữ; vì thế người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với
vợ mình, và cả hai sẽ trở thành một xương một thịt” (St 1, 24).
Đã là
định chế do chính Thiên Chúa thiết lập (gọi là Thiên luật) thì đòi buộc mọi
người đều phải tuân giữ, còn nhân luật (là luật do con người quy ước) thì có tính
tương đối và sẽ bị điều kiện hoá bởi hoàn cảnh, thời gian, không gian và cả
truyền thống văn hoá… nên có thể thay đổi và cần được thay đổi cho phù hợp với
hoàn cảnh của thời đại. Vì luật của Thiên Chúa thì bất biến, vì thế khi
nhân luật và Thiên luật đòi buộc cùng lúc, ta cần phải ưu tiên cho Thiên
luật. Cho nên khi những người Pharisêu đề cập đến chuyện Môsê cho phép ly dị,
thì ngay lập tức Chúa Giêsu đã nói đến sự bất cập của nhân luật và Người tái
khẳng định lại sự bất biến mang tính bó buộc của Thiên luật về hôn nhân là bất
khả phân ly. (x.Mt 19,1-9; Mc 10,1-12).
Xin
Chúa cho các đôi vợ chồng luôn ý thức lời thề hứa chung thủy với nhau trong
ngày thành hôn, và ban cho họ dồi dào ơn thiêng để họ đủ nghị lực vượt qua
những thách đố trong đời sống hôn nhân và gia đình ngày hôm nay, mà trung tín
mãi với nhau đến trọn đời.
Thứ
bảy: Lc 1, 39-56
KÍNH
TRỌNG THỂ LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI
Mừng
kính trọng thể lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời hôm nay, đem đến cho chúng ta niềm hy
vọng lớn lao. Bởi tin rằng mai sau chúng ta cũng được về trời hưởng vinh phúc
cùng với Mẹ. Vì cha mẹ có bao giờ quên con cái và muốn xa rời những đứa con yêu
quý bao giờ!
Tuy
nhiên để được ở bên Mẹ trong niềm hạnh phúc thiêng đàng, đòi hỏi ta phải sống
xứng danh là con yêu dấu của Mẹ. Để trở nên con yêu dấu Mẹ không gì khác hơn là
chúng ta noi gương sống như Mẹ đã sống. Đó là sống giới luật Tình Yêu mà Chúa
đã dạy.
- Yêu
Chúa: Đức Maria đã luôn lắng nghe và thực hành lời Chúa
truyền dạy: “ Vâng này tôi là nữ tì của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như
lời sứ thần nói”. (Lc 1,38 ).
. Yêu
Chúa: Mẹ đã chấp nhận những hệ lụy đau khổ xảy đến, khi đón nhận cưu mang và
sinh hạ Hài Nhi Giêsu.
. Yêu
Chúa: Mẹ đã can đảm bước đi cùng với Con Mẹ là Đức Giêsu trên mọi nẻo đường
đời. Con đường ấy là đường hẹp và là con đường thập giá. Nhưng đó là con đường
dẫn đến sự sống đời đời. Như lời Chúa Giêsu đã phán: “Ai muốn theo Ta,
hãy tự bỏ mình vác thập giá mình mà theo Ta….” (Mc 8,34).
- Yêu
người: Mẹ đã sẵn sàng hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa để
cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ nhân thế.
. Yêu
người: Mẹ đã không ngại chấp nhận gian khổ "vội vả lên đường" thăm
viếng và ở lại chăm sóc cho người chị họ Elizabeth trong lúc sắp sinh
nở. Quả là một hy sinh lớn lao!
. Yêu
người: Mẹ đã nhận thánh Gioan (đại biểu nhân loại) làm con Mẹ, cho dẫu trong
hoàn cảnh đau khổ tột cùng dưới chân thập giá và tương lai mịt mù.
Chính
tình yêu là động lực giúp cho Đức Maria sẵn sàng từ bỏ ý riêng, chấp nhận dấn
thân hy sinh suốt đời để Phục vụ Chúa và dâng hiến cho tha nhân.
Có thể
nói hình ảnh người phụ nữ được thánh Gioan mô tả trong sách Khải huyền hôm nay
là hình ảnh tập chú về Đức Mẹ. Dẫu lộng lẫy, kiêu sa xuất hiện trên trời nơi
đền thờ Thiên Chúa cao sang. Nhưng bên cạnh đó, Mẹ cũng phải đối diện với bao
nguy hiểm của mãn xà hung ác là sự dữ. Như vậy, bên cạnh hạnh phúc vinh quang
nước trời, vẫn luôn có bóng dáng của đau khổ bởi sự dữ đang trực chờ, cần phải
vượt qua bằng sức mạnh của Tình yêu nhờ liên kết chặt chẻ với Chúa Giêsu với
niềm tin kiên vững vào quyền năng Thiên Chúa mới bay cao, bay xa vào cỏi vinh
quang sáng ngời.
Xin cho chúng ta biết noi gương Mẹ Maria hằng gắn bó chặt chẻ với Chúa Giêsu để kín múc sức mạnh và sự sống nơi Người, vì“nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15,22). Nhất là luôn biết chu toàn giới luật Tình Yêu mà Chúa chỉ dạy qua việc tận tâm phục vụ tha nhân theo gương Mẹ Maria, hầu xứng danh là con Mẹ và xứng đáng được Chúa ban thưởng hạnh phúc nước trời. Xin Mẹ thương giúp chúng con!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét