SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM A
Mt 18, 21-35
Nếu tuần qua, Chúa dạy ta phải thi hành bổn phận sửa lỗi huynh đệ, thì tuần này Chúa lại dạy ta phải biết sẵn sàng tha lỗi cho nhau. Sửa và thả là 2 mặt của biểu tỏ tình yêu. Có yêu nhiều mới tha nhiều, càng tha nhiều càng giống TC và càng xứng đáng để được TC yêu thương thứ tha. Đó chính là sứ điệp mời gọi của Chúa hôm nay.
“Đức
Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là
bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5,8). Vì thế, “Chúng ta
hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.” (1Ga 4,7). Xin cho chúng ta biết tích cực đáp lại lời mời gọi
của Chúa mà sẵn sàng yêu thương và tha thứ cho nhau.
“Không ai là một hòn
đảo.” Vì thế, mà các nhà xã hội học định nghĩa: “Con người là con vật có xã hội
tính.” Đúng vậy, chúng ta sống là “sống cùng”, “sống với”, “sống nhờ”, “sống
vì” và “sống cho” nhau. Nhờ thế mà chúng ta được trưởng thành và hoàn thiện hơn
mỗi ngày. Tuy nhiên cũng vì thế mà ta không tránh khỏi những va chạm xảy ra,
bởi do sự khác biệt về tính tình, văn hóa, quan điểm, trình độ, môi trường…Từ
đó đưa đến những bất đồng đáng tiếc, làm tổn thương đến tinh thần, thể chất, có
khi cả tính mạng nữa. Kinh nghiệm ấy đã được minh chứng qua các thời kỳ:
- Vào thời Cựu
ước, đã có những mâu thuẩn xảy ra rồi,
nên sách Huấn ca mới khuyên dạy người xưa phải biết tha thứ cho
nhau: “Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm
hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha”. Để hóa giải hận thù và dễ dàng tha
thứ cho nhau, Ben Sira, tác giả
sách Huấn ca đã khuyên dạy: “Hãy nhớ đến điều sau hết, và chấm dứt hận thù: hãy nhớ đến sự hư nát và sự
chết, hãy trung thành với các giới răn. Hãy nhớ kính sợ Thiên Chúa, và đừng
giận ghét kẻ khác. Hãy nhớ đến giao ước của Ðấng Tối Cao, và hãy bỏ qua sự lầm
lỗi của kẻ khác”.
- Đến thời Chúa Giêsu
(Tân ước), sự hận thù và báo oán không suy
giảm, trái lại càng gia tăng trong xã hội bấy giờ. Do đó, bài Tin mừng hôm
nay, Phêrô mới đặt vấn đế này với Chúa Giêsu: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải
tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?". Tha
thứ 3 lần là chuẩn mực do xã hội ấn định “quá tam 3 bận”. Tha thứ 7 lần là suy
nghĩ hào phóng của Phêrô. Nhưng với Chúa Giêsu thì không chỉ tha thứ 7
lần mà là 70 lần 7, nghĩa là tha hoài, tha mãi.
- Đến thời các Tông đồ
(GH), cho dẫu các Kitô hữu đều hiệp
nhất với nhau trong cùng một đức tin, nhưng vẫn có những xung đột xảy ra. Do
đó, trong bài đọc 2, thư gửi cho tín Rôma, thánh Phaolô đã khuyên nhủ họ phải
biết bỏ đi cái tôi mà quy hướng về Chúa để xây dựng tình hiệp nhất trong
Người: “Không ai sống cho mình, cũng không ai chết cho chính mình…
Chúng ta sống hay chết thì đều thuộc về Chúa”.
Tình hiệp nhất là yếu tố
quan trọng nhất để xây dựng đời sống cộng đoàn. Nhưng muốn có tình hiệp nhất
thì tha thứ là điều cần phải có. Tha thứ chính là đỉnh cao của tình yêu, vì thế
mà tôn giáo nào cũng dạy tha thứ. Nhưng tha thứ cho ai? Tha thứ bao nhiêu lần?
Làm thế nào để dễ dàng tha thứ? Đó mới là vấn đề!
Tha thứ cho người ta
thương và cho những ân nhân của mình thì dễ, nhưng tha thứ cho kẻ xúc phạm và
luôn làm hại mình quả là khó! Ấy vậy mà Chúa Giêsu lại không chỉ dạy tha thứ
cho những người ấy, mà còn kêu gọi chúng ta làm ơn và cầu nguyện cho họ
nữa. Quả là không dễ chút nào!
Tha thứ 3 lần, 7 lần thì
có thể chấp nhận, nhưng tha thứ hoài và mãi thì quá khó và không tưởng! Tuy
nhiên khó và không tưởng đối với khả năng con người, nhưng với Chúa thì mọi sự
đều có thể! Tin tưởng vào ơn ban của Chúa ta hãy lắng nghe và thực hành theo sự
hướng dẫn của Người:
1. Trước hết hãy nhớ đến
tình thương của Thiên Chúa.
TC là người
Cha giàu lòng thương xót, tình thương của Người dành cho chúng ta thật bao
la “Người khiến mặt trời mọc lên cho
người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất
lương.” (Mt 5,45). Ngài
cũng là “Đấng từ bi và hay thương
xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân.” (Tv 102, 8).
2. Tiếp đến, noi gương
Chúa Giêsu.
Trong 3 năm rao giảng
Tin mừng, Người đã tha thứ cho bao là tội nhân, nhất là trong cuộc khổ nạn và
cái chết đau thương trên thập giá, cho dẫu Ngài phải chịu nhiều đau khổ về thể
xác lẫn tinh thần bởi lòng hận thù, ghen ghét của người đời gây nên. Nhưng Ngài
vẫn không oán hận, trái lại còn xin Chúa Cha tha thứ cho họ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc
họ làm.” (Lc 23, 34).
3. Sau hết hãy nhớ đến
lời dạy của Chúa Giêsu.
Bằng dụ ngôn “người
đầy tớ mắc nợ” trong bài tin mừng hôm nay. Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta về
lòng thương xót lớn lao của Thiên Chúa dành cho chúng ta, là những tội nhân
đáng chết, nhưng Thiên Chúa đã yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho ta. Nên chúng
ta cũng phải yêu thương và tha thứ cho nhau. Còn nếu chúng ta cương quyết không
tỏ lòng bao dung và tha thứ cho anh em mình thì hậu quả là ta cũng không xứng
đáng đón nhận tình thương và sự tha thứ của Chúa. Chúa sẽ xét xử chúng ta tùy
thuộc vào cách chúng ta cư xử với anh em mình: “Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người
trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.
Xin Chúa giúp chúng ta
đủ sức mạnh của Chúa để tha thứ cho nhau. Được vậy, tâm hồn của mỗi chúng ta
mới được bình an, gia đình của ta mới có hạnh phúc và xã hội mới an vui sống
với nhau trong tình hiệp nhất.
Thứ hai: Lc 7, 1-10
Sống thế nào để đẹp lòng
Thiên Chúa và được mọi người quý mến? Đó là điều mà bài tin mừng hôm nay muốn
nói đến.
Lối sống cao đẹp của
viên sĩ quan ngoại giáo người Rôma mà tin mừng thánh Luca hôm nay đề cập đến,
đã được Chúa Giêsu khen ngợi; chắc chắn đó phải là lối sống mà Chúa
mong muốn nơi người Kitô hữu chúng ta vươn đến. Vậy đó là lối sống nào?
1. Trước tiên là lối
sống tử tế:
- Tử tế đối
với người ăn kẻ ở. Bằng tình thương chân thành qua việc tận tâm lo lắng và
vất vả hy sinh tìm thầy chạy thuốc để cứu chữa cho người đầy tớ của ông đang bị
bệnh nặng.
- Tử tế với Thầy Giêsu.
Với lòng kính trọng Đức Giêsu, ông nghĩ mình không xứng đáng đến gặp trực tiếp
Ngài, nên ông đã nhờ những người có uy tín trong đạo làm trung gian giúp ông
tiếp cận Chúa Giêsu để xin Ngài cứu chữa cho tên đầy tớ của ông. Hành động ứng
xử tinh tế này cho thấy ông quả là con người hết sức nhân bản và tử tế.
- Tử tế với dân tộc Do
Thái. Việc làm tử tế của ông không chỉ giới hạn đối với cá nhân một ai đó, mà
còn dành cho cả dân tộc Do Thái nữa. Chính vì vậy mà ông đã được người dân Do
Thái quý mến qua lời xác nhận: “ông ta đã yêu mến dân ta, và chính ông
đã xây cất hội đường cho chúng ta.”
2. Thứ đến ông có lòng
khiêm tốn:
Với chức vị sĩ quan của
đế quốc Rôma nên quyền thế của ông rất lớn trong xã hội. Đáng lẽ ra ông chỉ cần
ra lệnh là Đức Giêsu cũng phải tùng phục theo mệnh lệnh của ông. Nhưng không,
trái lại ông chỉ nhận mình là người bé nhỏ không xứng đáng trực tiếp gặp Chúa
Giêsu và còn cho rằng ngôi nhà của ông cũng không xứng hợp để Chúa Giêsu đặt
bước chân vào: "Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi
không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi”.
3. Trên hết, ông ta là người có đức tin mạnh mẽ:
Với kinh nghiệm của một
người lãnh đạo quân đội, ông hiểu rằng chỉ cần cấp trên ra lệnh là cấp dưới
phải phục tùng. Áp dụng kinh nghiệm ấy vào đời sống đức tin, ông xác tín rằng
chỉ cần Đức Giêsu phán một lời thì mọi bệnh tật đều tan biến. Chính niềm xác
tín mạnh mẽ đó nên ông đã được Chúa Giêsu khen ngợi hết lòng: “Trong
Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”. Và Người đã
ra tay chữa lành cho tên đầy tớ theo như ý nguyện của ông.
Xin cho chúng ta biết
học nơi người sĩ quan Rôma ngoại giáo này những đức tính cao đẹp trong cách ứng
xử, nhờ đó mới mong được mọi người quý mến và xứng đáng đón nhận phúc lành của
Chúa.
14/09: LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ
Ga 3, 13-17
Cùng với GH hôm nay chúng ta dâng thánh lễ suy tôn Thánh Giá Chúa. Đây là dịp chúng ta chiêm ngắm kỹ hơn Thánh Giá Chúa. Để qua đó, ta nhận ra tội lỗi của mình; nhất là nhận ra tình yêu vô cùng mà Thiên Chúa dành cho
chúng ta.
Nói đến thánh giá là nói đến tình yêu. Mà đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta
chính là cái chết đau thương của Đức Giêsu trên thập giá. Kể từ khi thập giá treo Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế thì thập giá lại trở nên Thánh Giá bởi nơi ấy gắn liền
với Đấng Thánh đem lại ơn cứu độ cho nhân loại.
Xin cho
chúng ta nhận ra con đường tình đó mà Chúa đã dành cho chúng ta và xin cho chúng ta cũng biết can đảm dấn bước
vào con đường tình thập giá Chúa, để được tham dự vào sự phục sinh vinh
quang của Người.
Lễ suy tôn thánh giá hôm nay, GH như muốn mời gọi chúng ta chiêm ngắm kỹ hơn về Thánh Giá Chúa.
- Bài
đọc 1 hôm nay trình thuật cho chúng ta biết, dân Israel đã được Thiên Chúa yêu thương. Qua ông Môsê, Thiên
Chúa đã đưa dẫn họ về đất hứa. Nhưng trên hành trình trong sa mạc, dân
Israel đã nhiều lần bất trung, kêu trách Đức Chúa và
trút tội lên đầu Môsê. Trước tình cảnh đó, Thiên Chúa đã cho rắn lửa xuất hiện và cắn chết nhiều
người. Nhận ra sự bất trung về tội lỗi của mình đã phạm, toàn dân
đồng loạt kêu cầu ông Môsê xin sự tha
thứ của Thiên Chúa. Thiên Chúa
đã nhận lời Môsê và truyền cho ông: "Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai
bị rắn cắn mà nhìn
lên con rắn đó, sẽ được sống" (Ds 21, 8).
-
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu xác định hình ảnh con rắn đồng
treo trong sa mạc xưa chính là
Ngài, khi nói: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa
mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,
14-15). Như vậy, khi chiêm ngắm Thánh Giá, chúng ta thấy gì? và được gì?
1. Thấy gì?
- Thấy tội phản phúc của mình đã
gây nên cái chết đau thương của Chúa, tựa như những người Do Thái trong sa mạc và những người cùng thời với Chúa Giêsu.
- Thấy tình
thương lớn lao mà Thiên
Chúa đã dành cho chúng ta. Tội lỗi đáng lẽ làm cho
chúng ta phải chết, nhưng Chúa đã chết hay cho chúng ta. Một vị Thiên Chúa
quyền năng và thánh thiện mà lại sẵn sàng chết cho thụ tạo là tội nhân, quả là lớn lao biết bao.
- Thấy được sự tự hạ tột cùng của Thiên
Chúa. Thánh Phaolô đã diễn tả tư tưởng này trong thư gửi cho tín hữu Philipphê như sau: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy
trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hủy mình ra không, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần
thế. Người lại còn hạ mình, vâng phục cho đến chết,
chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-7).
2. Và
được gì?
- Được Chúa ban
lại ơn sự sống. Tội lỗi làm cho
chúng ta phải chết nhưng qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu đã mang lại cho chúng ta sự sống.
- Được phục hồi chức vị làm con Thiên Chúa và được gọi Thiên Chúa là Cha.
- Được hiệp thông với nhau trong tình anh em và được đón nhận dồi dào ân sủng của Thiên Chúa, nhất là ơn cứu độ.
Khi
chiêm ngắm Thánh Giá
Chúa, chúng ta cũng nhận ra rằng: Muốn được phục sinh vinh quang cùng với Đức Giêsu thì chúng ta cũng phải chấp nhận trãi qua thập giá đau khổ. Xin cho
chúng ta học được những bài học cao quý nơi Thánh Giá Chúa. Nhờ đó, ta ý thức sống xứng đáng hơn với mầu nhiệm thập gía của Chúa Giêsu bằng cách noi gương thánh Phaolô luôn sống gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu trong niềm xác tín: "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi" (Gl 2,20).
Thứ ba: Lc 7, 11-17
Tin mừng hôm nay trình
thuật lại phép lạ Chúa Giêsu cứu sống con trai người đàn bà góa thành Naim. Qua
đây minh chứng cho biết Đức Giêsu chính là Thiên Chúa quyền năng và giàu lòng
thương xót. Xin cho chúng ta luôn vững tin vào Người, nhất là trong những lúc
gặp gian nan thử thách.
Phép lạ của Chúa Giêsu
cứu sống đứa con trai người đàn bà góa thành Naim hôm nay muốn nói với chúng ta
2 điều:
- Đức Giêsu chính là
Thiên Chúa quyền năng: Sự sống con người là
quý giá nhất. Sự sống ấy do chính Chúa tạo nên và ban tặng cho con người. Nên
không ai có quyền trên sự sống ấy, ngoại trừ Thiên Chúa. Sự sống của đứa con
trai bà góa thành Naim hôm nay đã mất, không ai trên trần gian này có thể phục
hồi được, trừ một mình Thiên Chúa là chủ của sự sống. Nên khi Chúa Giêsu phục
hồi sự sống của đứa con trai bà góa thành Naim, minh chứng cho biết Đức Giêsu
chính là vị Thiên Chúa quyền năng.
- Đức Giêsu là
Thiên Chúa giàu lòng thương xót: Với quan niệm của người Do Thái thời Chúa
Giêsu thì người phụ nữ và con trẻ là thành phần thấp kém vì bị xã hội khinh
thường. Người phụ nữ không được tham gia vào các công việc trong xã hội cũng
như tôn giáo vì thế mà mất đi nguồn thu nhập cho cuộc sống nên tình cảnh sẽ rất
khó khăn và nghèo khổ. Đứa con trai chính là niềm vui và hy vọng lớn lao của bà
góa này. Nhưng nay niềm hy vọng của cuộc sống bà ta đã mất vì đứa con trai bà
ta đã chết. Nhìn thấy tình cảnh đau thương ấy, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương
và quyết định ra tay cứu sống đứa con trai duy nhất của bà góa và trao nó lại
cho bà, cho dẫu đây là trường hợp không ai kêu xin Người. Trao đưa đứa con trai
sống lại cho bà góa, cũng đồng nghĩa với việc trạo ban lại cho bà ánh sáng hy
vọng và niềm vui.
Qua phép lạ này cho
thấy: Đức Giêsu chính là vị Thiên Chúa quyền năng, nhưng cũng rất giàu lòng
thương xót. Ngài đã dùng quyền năng của Ngài để thực thi lòng thương xót qua
việc phục sinh đứa con trai của bà góa thành Naim, đem lại cho bà ta niềm niềm
vui và hy vọng sáng tươi.
Xin cho chúng ta nhận ra
được khuôn mặt của Thiên Chúa giàu lòng thương xót nơi Chúa Giêsu để chúng ta
luôn biết yêu mến, vâng nghe và sống theo sự hướng dẫn của Người. Đặc biệt
trong những lúc đau khổ và thất vọng xin cho chúng ta biết tìm đến nương tựa
vào quyền năng và tình thương của Ngài.
15/9: LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI
Ga 19, 25-27
Hôm qua, chúng ta mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá. Suy tôn
Thánh giá là suy tôn chính tình yêu tự hiến của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô
để đem lại ơn cứu chuộc cho nhân loại. Hôm nay, chúng ta mừng lễ Đức Mẹ
Sầu Bi, tức là chúng ta kính nhớ đến những đau khổ của Đức Mẹ phải chịu để
thông phần vào ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người. Đó là lý do mà Giáo
Hội mừng hai ngày lễ này sát kề nhau.
“Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người.” (Ga 19, 25). Hành trình môn đệ
của Mẹ Maria là tiếng xin vâng trọn vẹn. Mẹ đã vâng phục ý Chúa khi sứ thần
truyền tin. Mẹ cũng dõi bước theo Chúa Giêsu trên con đường sứ vụ của Ngài và
hiện diện bên Ngài trong những giây phút cuối của cuộc khổ nạn.
Dưới chân thập giá, trong thân phận người phụ nữ yếu
đuối, trái tim Mẹ đã tan nát như điều mà cụ già Simêon đã tiên báo thuở xưa. Mẹ
chứng kiến những làn roi, những vết thương đang rỉ máu trên thân thể người con
yêu dấu mà mẹ đã sinh hạ. Có người nào có thể hiểu thấu nỗi đau mà mẹ đang chịu
đựng. Tuy nhiên, mẹ chấp nhận tất cả bằng việc phó thác mọi điều đang xảy ra
trong chương trình của Chúa. Chính tự nơi đây và giờ phút này, hình ảnh người
môn đệ càng thể hiện tuyệt hảo nơi mẹ. Đứng bên thập giá Chúa Kitô, mẹ cảm
nghiệm được trọn vẹn thực tại ơn cứu độ để rồi thâm tín vào tình yêu và quyền
năng của Chúa. Mẹ đã làm trọn vẹn lời xin vâng của mình.
Người môn đệ của Chúa là người vâng phục ý Chúa, đáp lại
lời mời gọi của Chúa và bước theo con đường Ngài đã đi. Con đường đầy gian nan
thử thách và đỉnh cao là cái chết trên thập giá. Đức Maria đã đi trọn vẹn con
đường này và cùng với Chúa Giêsu, dâng chính cuộc sống mình trong thánh ý Thiên
Chúa.
Mỗi người chúng ta hãy học theo mẹ Maria, tin tưởng, phó
dâng cuộc đời mình trong bàn tay yêu thương quan phòng của Chúa. Điều này thể
hiện qua sự chấp nhận những thua thiệt, hy sinh trong đời sống thường ngày vì
tình yêu Chúa.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con Mẹ
Maria, một tấm gương tuyệt hảo để bước theo Chúa trong cuộc hành trình tiến về
quê trời. Nhờ lời cầu bầu của Mẹ, xin Chúa ban cho chúng con thêm lòng tin
tưởng và yêu mến Chúa, để chúng con nhận ra tình yêu của Chúa qua mọi sự xảy
đến với chúng con. Amen.
Thứ tư: Lc 7, 31-35
Bằng lối so sánh dí dỏm,
Chúa Giêsu đã dùng những hình ảnh của các trẻ em chơi đùa ngoài đường phố để phản
ánh thái độ và lối sống tiêu cực của những người Biệt phái và Kinh sư.
- Với thái độ
kiêu căng, không muốn ai bằng mình nên những người Biệt phái và
Kinh sư tự xem mình là trung tâm vũ trụ. Họ luôn muốn đặt mình ở vị trí
cao nhất, vì thế họ tự cho mình cái quyền phê phán và chê bai bất cứ người nào.
Ngay cả Gioan Tẩy Gỉa người rất thánh thiện đạo đức được dân chúng ngưỡng mộ,
vậy mà cũng bị họ chê bai hạ bệ:“khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không
uống rượu, thì các ngươi bảo: Người bị quỷ ám". Thậm chí cả Đức
Giêsu được dân chúng ngưỡng mộ và được Gioan tẩy giả giới thiệu “Đấng
quyền thế” ấy vậy mà họ vẫn ác ý tìm cách bôi xấu, khinh thường.“Khi
Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: "Kìa con người mê ăn
tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi".
- Với lối sống tiêu cực
đầy lòng ích kỷ như các trẻ nhỏ, những
người Biệt phái và Kinh sư luôn đòi buộc mọi người phải tùng phục và làm theo ý
của họ. Chưa bao giờ thấy họ khiêm tốn nhận ra khuyết điểm và sai trái của
mình; cũng như không bao giờ thấy họ tôn trọng ý kiến và sống cho người khác.
Xin cho chúng ta biết
loại khỏi lòng mình sự ích kỷ, lòng tự mãn để chúng ta biết khiêm tốn nhận ra
những yếu đuối thiếu xót bản thân mà thấy được những điều tích cực tốt đẹp nơi
tha nhân bằng cái nhìn trong sáng và chân thành.
Thứ năm: Lc 7, 36-50
Giáo lý công giáo dạy
cho chúng ta biết: điều kiện quan trọng nhất để đón nhận sự tha thứ của Chúa
khi lãnh nhận bí tích giao hòa, đó chính là ăn năn dốc lòng chừa.
- Ăn năn tội: Tức là
thật lòng đau đớn vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa.
- Dốc lòng chừa: là
quyết tâm chừa cải (không phạm tội nữa).
Ăn năn
tội cách trọn là sự hối hận vì đã xúc phạm đến tình yêu. Ăn năn tội cách chẳng
trọn là hối hận vì sợ hãi hình phạt. Nói như vậy thì người phụ nữ tội lỗi có mặt trong nhà
người Biệt phái mà bài tin mừng hôm nay nói đến đã hội đủ các điều kiện cần
thiết để xứng đáng được Chúa tha thứ.
- Trước
hết bà có lòng ăn năn cách trọn nên“bà đứng phía chân Chúa khóc nức nở, nước mắt đẩm chân Người,
bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức dầu thơm”. Những hành vi này vừa nói
lên nỗi đau đớn vì tội lỗi bà đã phạm. Vừa cho thấy bà cảm nghiệm được lòng
khoan dung tha thứ của Chúa Giêsu nên bà sẵn sàng quên mình không sợ dư luận
cũng như lề luật cấm mà can đảm đến với Chúa Giêsu.
- Thứ
đến bà cũng quyết tâm dốc lòng chừa cải qua những hành động như hy sinh trút hết bình dầu thơm bạch ngọc để
xức chân Chúa; khóc lóc bên chân Chúa; dùng mái tóc để lau chân Chúa và dành
đôi môi để hôn chân Chúa… Tất cả cho thấy giờ đây bà đã sẵn sàng quyết tâm để
biến đổi đời sống.
Lòng
khiêm tốn ăn năn tội và quyết tâm đổi mới đời sống là điều kiện tiên quyết để
bà xứng đáng đón nhận được lòng thương xót và sự tha thứ của Chúa Giêsu khi
Người tuyên bố với ông Biệt phái mời Chúa đến dự tiệc: “tôi bảo ông,
tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều”. Rồi Người bảo
người đàn bà: “Đức tin con đã cứu con, con hãy về bình an”.
Xin cho
chúng ta biết khiêm tốn nhận ra những lầm lỗi thiếu xót của mình mà chân thành
sám hối ăn năn và quyết tâm đổi mới đời sống như người đàn bà tội lỗi hôm nay,
hầu xứng đáng đón nhận tình thương và sự tha thứ của Chúa.
Thứ sáu: Lc 8, 1-3
Để thực thi sứ mạng loan
báo tin mừng đến muôn dân, Chúa Giêsu luôn cần đến sự cộng tác của mọi người,
thuộc mọi thành phần. Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết ngoài sự cộng tác của
các tông đồ, còn có một thành phần đặc biệt cùng đồng hành với Chúa Giêsu trên
bước đường rao giảng Tin mừng. Đó là những người phụ nữ. Xin cho chúng ta biết ý thức tích cực góp phần
cộng tác với Chúa và GH trong việc loan báo tin mừng.
Quan niệm người Do Thái
thời Chúa Giêsu cũng như người Việt Nam chúng ta trước đây là trọng nam khinh
nữ. Do đó phụ nữ là thành phần thấp kém và bị xã hội xem thường. Tiếng nói hay
việc làm của họ không được xã hội đề cao. Trong mắt mọi người, người phụ nữ
đúng nghĩa phải là người phụ nữ truyền thống và gia đình mà thôi.
Ngày nay ở Việt Nam
chúng ta có cái nhìn cởi mở hơn. Một người phụ nữ được đánh giá cao là người
phụ nữ biết kết hợp giữa hiện đại và truyền thống. Nghĩa là người ấy một mặt
biết chăm lo tốt gia đình mình nhưng cũng phải là người tích cực tham gia vào
các công việc ngoài xã hội.
Chúa Giêsu đã có cái
nhìn rất hiện đại nhưng cũng rất truyền thống. Chính vì thế mà Ngài không khinh
chê sự đóng góp của những người phụ nữ đã hy sinh đồng hành và giúp đỡ Ngài
cũng như các tông đồ trên hành trình rao giảng Tin mừng. Cái nhìn của Chúa
Giêsu là cái nhìn của dung hòa, của bao dung với hết mọi người cũng như luôn
trân trọng mọi đóng góp cho công việc loan báo Tin mừng tình thương.
Xin cho mọi người, mọi
thành phần trong GH ý thức được sự cần thiết của Chúa đối với mỗi người chúng
ta trong việc loan niềm vui tin mừng, để dùng hết khả năng hay địa vị của mình
mà cộng tác tích cực với GH trong việc truyền giáo.
Thứ bảy: Lc 8, 4-15
Tin mừng hôm nay, Chúa
Giêsu sánh ví tâm hồn của mỗi chúng ta như mảnh đất; và rất mong tâm hồn của ta
là mảnh đất tốt để hạt giống Lời Chúa gieo vào được đơm hoa kết trái tốt lành.
Dụ ngôn người gieo hạt
mà Chúa Giêsu nói đến hôm nay rất quen thuộc với người nông dân của chúng ta.
- Hình ảnh người gieo
hạt đó chính là Thiên Chúa.
- Hạt giống chính là Lời
Chúa.
- Các mảnh đất chính là
tâm hồn của mỗi chúng ta.
Thiên Chúa thì luôn
quảng đại và hào phóng sẵn sàng gieo Lời của Ngài đến với mọi nơi và mọi tâm
hồn. Hạt giống Lời Chúa thì luôn mang mầm sự sống tốt và có khả năng trổ sinh
dồi dào hoa trái tốt lành. Nhưng kết quả có sinh được nhiều hoa trái là những
việc làm tốt lành hay không còn tùy thuộc rất nhiều vào mảnh đất tâm hồn của
mỗi chúng ta.
Mong rằng tâm hồn của ta không trở nên chai lì như đất vệ đường, cũng đừng cứng cỏi như sỏi đá và bị nhiều vướng bận như đất đầy cỏ dại. Nhưng hãy là những tâm hồn thật tốt để hạt Lời Chúa có cơ mai đâm chồi nẩy lộc và trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng tốt đẹp sinh ích cho mình và hữu ích cho người khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét