SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN
Lm Vĩnh Hòa
CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN B
Đnl 6,2-6; Dt 7,23-28; Mc 12,28b-34
Cốt lõi của đạo Công giáo là bác ái. Bác ái là đồng phục và là ngôn ngữ chung của người kitô hữu. Bác ái là dấu chứng để nhận ra môn đệ của Chúa Giêsu, là ngôn ngữ cao trọng của loài người và thiên thần, là ngôn ngữ độc nhất tồn tại trên thiêng đàng. Xin cho chúng ta biết giá trị cao quý của bác ái mà nỗ lực thi hành trong đời sống, hầu xứng danh là môn đệ Chúa.
Theo truyền thống hội đường Do-thái thời Chúa Giêsu, có đến 613 điều luật. Trong đó có 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm. Giữa một rừng luật như thế thì ngay cả chính người thông luật còn bối rối huống chi là thường dân.
Thời bấy giờ trong xã hội Do Thái cũng có nhiều phe nhóm, mỗi phe nhóm đề cao một số luật lệ nên họ cũng không biết đâu là điều luật quan trọng nhất để giữ. Có lẽ vì lý do đó mà tin mừng hôm nay cho biết: nhóm Kinh Sư đề cử ra một người để đến hỏi thử Chúa Giêsu xem điều răn nào là quan trọng nhất? Với câu hỏi này, họ vừa muốn biết Chúa Giêsu đứng về phe nhóm nào? Vừa muốn thử xem trình độ hiểu biết của Chúa Giêsu về Thánh kinh và luật lệ ra sao?
Chắc hẳn Chúa Giêsu dư biết dụng ý của họ, nhưng vì đây là cơ hội thuận lợi để Chúa Giêsu xác định lại điều quan trọng nhất trong giới luật của Chúa. Người đã trích dẫn lại hai câu thánh kinh. Một được trong sách Đệ Nhị Luật:“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi”(x Đnl 6,4-7). Một trong sách Lê-vi, đó là: “Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình” (x Lv 19,18) để trả lời cho họ: “Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”. Còn đây là giới răn thứ hai: “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi”. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.
1. Với Chúa:
- Yêu hết lòng: Nghĩa là yêu trọn vẹn con người. Yêu hết lòng cũng có nghĩa là yêu trung thuỷ, trước sau như một, không bao giờ thay lòng đổi dạ, không một cản trở nào làm giảm bớt hay sức mẻ, dù có phải hy sinh vẫn chấp nhận.
- Yêu hết linh hồn: Nghĩa là tình yêu ta dành cho Chúa có sự can thiệp của những tài năng linh hồn như: lý trí, ý chí và nhất là tự do. Chứ không phải là tình yêu mù quáng, hời hợt.
2. Với người thân cận:
- Người thân cận là ai?
Trong Cựu ước chỉ có nghĩa là người gần gũi với người Do thái về huyết thống và chủng tộc. Nhưng “tha nhân” mà Đức Giêsu nói ở đây là hết mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo… ngay cả kẻ thù cũng phải yêu.
- Như chính mình là sao?
Là phải ứng xử với kẻ khác cùng một “tình yêu” như chính bản thân mình. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn đòi buộc chúng ta phải tiến lên tới đỉnh của tình yêu bằng chính tình yêu Chúa dành cho ta: "Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con"(Ga 5,12). Đó là một nét độc đáo của tình yêu Kitô giáo, thứ tình yêu đạp đổ mọi hàng rào ngăn cách chủng tộc, mầu da, vượt lên trên óc phân biệt quốc gia hay tôn giáo, quên đi mọi hiềm khích hay những thành kiến cá nhân hoặc phe nhóm.
Nếu so sánh tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, thì có lẽ yêu mến Chúa dễ hơn yêu thương tha nhân. Bởi vì tha nhân là những con người đầy giới hạn, đầy khuyết điểm, nên dễ làm cho ta khó chịu. Còn Thiên Chúa là Đấng trọn tốt, trọn lành và ở xa nên ta dễ yêu mến Người hơn. Tuy nhiên nếu không yêu thương tha nhân là ta không yêu mến Thiên Chúa vì ta không tuân giữ lời Người.
Như vậy, mến Chúa và yêu người là hai mặt của một tình yêu. Cả hai như một đồng tiền hai mặt. Nếu bỏ một mặt, đồng tiền ấy sẽ vô giá trị.
Xin Chúa cho chúng ta biết sống yêu thương nhau như tình Chúa yêu chúng ta. Đó là tình yêu phổ quát, bao dung tha thứ, tận tâm phục vụ và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu. Nhờ thế mà ta mới xứng đáng với tình Chúa yêu và xứng danh là môn đệ của Chúa. Amen.
Thứ hai 01/11: KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH NAM NỮ
Kh 7, 2-4.9-14; 1Ga 3,1-3; Mt 5,1-12a
CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN HẠNH PHÚC THẬT
Hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta hướng vọng lên cao để chiêm ngắm vinh quang rạng ngời nơi các thánh Nam Nữ. Các ngài đã trung thành bước theo Chúa đến cùng trên con đường “tám mối phúc thật”, dẫu phải chịu nhiều đau thương thử thách. Nên các ngài xứng đáng được Chúa ân thưởng hạnh phúc nước trời.
Dâng thánh lễ hôm nay, một mặt chúng ta chúc tụng ngợi mừng các thánh; mặt khác chúng ta cũng không quên xin ơn Chúa ban cho chúng ta niềm tin yêu và lòng trung tín để dấn bước trên con đường 8 mối phúc thật theo gương các thánh, với niềm hy vọng sẽ được chung niềm vinh phúc cùng với các ngài trong nhà Cha trên trời.
Ở đời luôn có hai mặt thật và giả. Hạnh phúc cũng vậy. Có những thứ đem đến cho con người hạnh phúc thật. Tuy nhiên cũng có những thứ chỉ đem đến cho con người hạnh phúc giả tạo, không bền lâu. Điều nghịch lý là ai cũng mong muốn có được hạnh phúc thật, nhưng rồi lại thích đi tìm những thứ chỉ mang đến hạnh phúc giả tạo, chóng qua.
Xã hội ngày nay, nhiều người cho rằng hạnh phúc là có 1,2,3,4,5 ( một là vợ đẹp, hai là con ngoan, ba là nhà 3 tấm, bốn là xe 4 bánh và năm là du lịch 5 châu). Thế nhưng thực tế cho thấy, khi đạt được những điều mong ước ấy, con người vẫn không tìm thấy hạnh phúc thật.
Như thế thì tiền bạc của cải, vật chất tiện nghi, đam mê lạc thú nơi trần gian không lấp đầy được khát vọng sâu xa nơi cỏi lòng con người và không là phương thế đưa đến hạnh phúc thật. Vậy ta phải làm gì để có hạnh phúc thật?
Bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết những phương cách để đạt đến hạnh phúc đích thật. Đó chính là thực thi 8 mối phúc thật.
Điều đáng nói là con đường 8 mối phúc thật mà Chúa Giêsu đề ra hình như đi ngược lại với suy nghĩ thực tế của con người thời nay và lắm khi trở thành xa lạ ngay cả đối với người Kitô hữu chúng ta. Vì con người thời nay vẫn còn bám víu quá nhiều vào tiền bạc, của cải, danh vọng... nên không dám chấp nhận những phương cách mà Chúa Giêsu đề ra: là tinh thần khó nghèo, từ bỏ, đau khổ ngay cả hy sinh vì chính đạo để phục vụ tha nhân và nước Chúa.
Con đường 8 mối phúc không phải là viễn vong, mơ hồ hay bất khả thi nhưng là con đường chính đạo. Bởi vì chính Đức Giêsu đã kinh qua và đã đạt đến hạnh phúc vinh quang. Do đó muốn có hạnh phúc thật chúng ta không thể đi theo con đường nào khác ngoài con đường Đức Giêsu đã đi và đã chỉ dạy. Con đường khiêm hạ, khó nghèo, hi sinh từ bỏ và hiến thân cho tha nhân bằng tình yêu.
Các thánh nam nữ mà chúng ta mừng kính hôm nay, tất cả đã hân hoan bước vào con đường 8 mối phúc mà Chúa Giêsu đã vạch ra và hâm hở tiến bước với lòng đầy niềm tin, nên tất cả đã đi đến đích điểm và đã lãnh nhận triều thiêng vinh quang nước trời do Chúa tặng ban.
Mừng lễ các Thánh Nam Nữ, ngoài việc chúng ta tôn vinh chúc tụng các ngài là cha ông, bạn bè, người thân… của chúng ta đã đi trọn con đường 8 mối phúc và nay đã khải hoàn vinh hiển trong vinh quang; chúng ta còn phải nổ lực nên thánh giữa đời theo gương các ngài, với niềm xác tín như Thánh Augustinô: “Ông nọ bà kia nên thánh được, còn tôi tại sao lại không được?”.
Xin các thánh ngự bên tòa Chúa hằng thương nguyện giúp cầu thay cho chúng ta luôn can đảm bước theo con đường các Thánh Nam Nữ đã đi, bằng cách trung thành thực thi 8 mối phúc mà Chúa Giêsu vạch ra, nhờ đó chúng ta đạt được điều mà mình hằng khao khát là hạnh phúc thật. Amen.
Ngày 01.11: LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ
Mt 5, 1-12.
- Bài I: Ðoạn sách chúng ta vừa nghe có ý an ủi những tín hữu trong thời bị bách hại. Những con số được nêu ra chỉ là tượng trưng cho một đoàn lũ đông đảo những người đã được cứu rỗi do máu của Con Chiên, tức là giá máu cứu chuộc của Chúa Giêsu.
- Bài II: Thánh Gioan nhắc nhở chúng ta phải tin tưởng vào Thiên Chúa, và chúng ta được nhận biết Thiên Chúa nhờ qua Giáo Hội.
- Bài Tin Mừng hướng dẫn cho chúng ta biết cách làm thế nào để nên thánh. Con đường nên thánh được chỉ vẽ qua 8 mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu đã rao giảng. Con đường đó đòi hỏi nơi chúng ta phải chấp nhận hy sinh, gian khổ và chịu đựng thử thách trong đời sống đức tin.
Hôm nay Giáo Hội hân hoan mừng lễ kính các thánh nam nữ trên thiên đàng, qua thánh lễ này chúng ta càng thấu hiểu hơn nữa về mầu nhiệm các thánh cùng thông công trong Giáo Hội. Khi suy niệm đến mầu nhiệm thông công này, chúng ta càng đặt niềm tin tưởng và hy vọng hơn vào ơn cứu độ của Thiên Chúa và tình liên đới trong Hội Thánh.
Các thánh là những con người như chúng ta, không ai có thể nên thánh nếu không đi qua cuộc sống làm người với những hy sinh gian khổ. Trước khi là thánh thì các ngài đã là người như chúng ta vá cũng đã phải chịu nhiều hy sinh gian khổ. Con đường đó chính Chúa Giêsu khi mang phận người cũng đã kinh và qua con đường khổ giá ấy, Ngài đã cứu chuộc nhân loại chúng ta.
Các thánh nam nữ là những con người như chúng ta, khi còn sống ở thế gian các ngài cũng có những tham sân si, cũng kiêu căng từ mãn, cũng giận hờn ghét ghen, cũng tham lam ham muốn, cũng mang nơi mình những tội lỗi không khác gì chúng ta. Nhưng các ngài đã biết tin tưởng, cậy trông vào tình thương tha thứ và ơn thánh Chúa nên đã quyết tâm đứng lên, đã sám hối và làm lại cuộc đời mình. Các ngài đã can đảm chiến đấu với những cám dỗ, để rồi hôm nay các ngài được Chúa ân thưởng niềm hạnh phúc với Thiên Chúa, cùng Đức Mẹ Maria và các thiên thần trên thiên đàng.
Các thánh nam nữ là những người như chúng ta, có vị đã từng làm vua, có vị đã từng làm quan, làm bác sĩ, làm kỹ sư, làm thấy giáo, làm nô lệ, có vị làm giáo hoàng, có vị làm giám mục, linh mục, phó tế, và nam nữ tu sĩ.v.v... nghĩa là các ngài có đủ mọi thành phần giai cấp trong xã hội, và hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng các ngài đã có một mục đích chung là nỗ lực nên thánh, phải trở thành bạn hữu của Thiên Chúa trong chính bổn phận hằng ngày của mình.
Các thánh nam nữ là những người như chúng ta, nhưng các ngài đã biết thực hiện “hiến chương Nước Trời” tức là “Tám Mối Phúc thật” ngay tại trần gian này:
Các ngài giàu có nhưng đã sống tinh thần khó nghèo vì Nước Trời.
Các ngài bị người khác vu oan giá họa nhưng vẫn hiền lành với họ.
Các ngài đã chia vui với người vui và buồn với người buồn, nên được Thiên Chúa an ủi ngay khi còn ở đời này.
Các ngài mong muốn được trở nên người công chính giữa một xã hội đầy mưu mô xảo trá, nên được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
Các ngài biết thương xót người, tức là biết động lòng trước cảnh thương tâm của người khác, nên được Thiên Chúa xót thương.
Các ngài sống trong danh vọng, sống giữa bụi trần với những đam mê của nó, nhưng vẫn giữ được tâm hồn trong sạch, nên các ngài được nhìn thấy Thiên Chúa.
Các ngài đi đến đâu là đem bình an của Thiên Chúa đến nơi đó, các ngài được gọi là những người biết kiến tạo hoà bình, nên các ngài được gọi là con Thiên Chúa.
Các ngài bị bắt bớ, bị đánh đập, bị tra tấn, bị tù đày vì các ngài sống và tin vào Đức Chúa Giê-su, Đấng sẽ ban Nước Trời cho những kẻ tin vào Ngài, nên các ngài đã được Nước Trời làm của mình sau khi từ giã cõi đời tạm này...
Anh chị em thân mến,
Các thánh nam nữ đều là những con người như chúng ta, các ngài đã trở nên những vị thánh thì chúng ta cũng có thể trở nên thánh như các ngài, bởi vì nên thánh là đòi hỏi của Phúc âm và là mục đích sống của chúng ta, những Kitô hữu.
Xin Đức Mẹ Maria, các thánh nam nữ trên thiên đàng cầu bàu cho chúng ta, là những người đang trên đường đi về quê trời, được noi gương của các ngài, biết quyết tâm đổi mới đời sống, biết đứng dậy khi ngã quỵ trong tội, nhất là biết hy sinh phục vụ và tha thứ cho nhau vì lòng yêu mến Chúa và yêu thương nhau. (St)
Thứ ba 02/11: LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN
LÀM GÌ ĐỂ GIÚP ĐỠ CÁC ĐẲNG LINH HỒN?
Để nhắc nhở chúng ta siêng năng “đi viếng nhà thờ” mà cầu nguyện cho các đẳng linh hồn vào tháng 11, người ta thường kể cho nhau nghe câu chuyện sau đây:
Ở một Họ đạo nọ, có một người đàn ông sống đạo rất khô khan nguội lạnh. Ít khi thấy anh ta đi đến nhà thờ để tham dự thánh lễ một mình. Anh chỉ đi nhà thờ, khi nào đứa con trai cưng bảy tuổi của anh đòi đi mà thôi.
Số là vào một buổi chiều trong tháng các đẳng linh hồn, đứa con của anh thấy bạn bè mình đều được cha mẹ dẫn đi “viếng nhà thờ” để đọc kinh cầu nguyện cho ông bà tổ tiên đã qua đời, nó cũng đòi đi cho bằng được, để cầu nguyện cho ông bà nội đã qua đời.
Sau khi đưa ra hết mọi lý lẽ để cản ngăn con đừng đi nhà thờ không thành công, anh ta đành phải chiều lòng con mà đưa nó đến nhà thờ.
Nhưng khi đến nhà thờ, anh không vào tham dự thánh lễ mà ngồi chờ con bên ngoài hành lang nhà thờ. Anh dặn đứa con: “Khi nào con đọc kinh xong thì ra, ba sẽ đưa con về!”.
Nhưng vì ngồi chờ quá lâu ở ngoài nhà thờ, nên anh ta đã ngủ quên và không biết giờ kinh đã xong lúc nào. Trong khi đang say ngủ như vậy thì anh mơ thấy một đoàn các Thiên Thần đông vô kể, từ trên trời bay xuống, vị nào cũng ì ạch mang theo những bao chứa đầy những thứ có màu trắng tựa như bông, lại bốc mùi rất thơm không thể nào diễn tả được. Quá tò mò, anh chạy theo một vị Thiên Thần và hỏi nhỏ: đó là thứ gì vậy? Vị Thiên Thần trả lời: đây là “các ơn thánh” mà những người trên trần gian đã tích góp được nhờ vào việc đọc kinh, lần hạt và đi viếng nhà thờ, nay gửi xuống cho người thân của họ đang bị giam cầm trong Luyện ngục. Được lệnh của Thiên Chúa nay chúng tôi đi giao quà. Nghe vậy, anh liền rón rén đi theo các Thiên Thần.
Khi các Thiên Thần đi đến đâu thì các linh hồn đều rất vui mừng bởi họ đều nhận được thật nhiều quà “ơn thánh” mà bà con thân thuộc của họ gửi đến cho họ nên ai cũng đều cám ơn rối rít.
Sau cùng, còn lại một món quà nho nhỏ, các Thiên Thần tìm đến một phòng giam trông rất hoang vắng rồi gõ cửa và nói: “Này, ông bà cụ ơi, có quà của cháu nội gửi cho ông bà đây, ra mà nhận!”. Bổng từ bên trong có tiếng vọng ra vừa vui mừng vừa xúc động nói: “Trời ơi, chúng tôi mà cũng có người tưởng nhớ tới sao! Bởi vì từ khi chết cho tới nay đã lâu quá rồi, đâu có ai nhớ đến chúng tôi nữa mà gửi quà! Nhưng thật cảm động vì hôm nay chúng tôi nhận được món quà hết sức quý giá của đứa cháu nội, ôi hạnh phúc biết bao!”.
Thật bất ngờ không thể tin vào mắt mình nữa, bởi vì vừa khi mở cửa ra để lãnh quà “ơn thánh” của đứa cháu nội, thì anh ta nhận ra đó chính là cha mẹ ruột của anh. Nhưng giờ đây hình dáng của hai ông bà đã gầy óm và hốc hác đi quá nhiều, trông rất là đau khổ.
Lúc ấy anh thấy hai ông bà hướng mắt nhìn về anh rồi từ từ tiến lại gần anh với một vẽ mặt rất tức giận. Với cái gậy đang cầm sẵn trong tay, ông bà đã phang thẳng vào đầu anh một cái thật mạnh và quát lớn: “Thằng con bất hiếu kia, mi còn mò tới đây làm gì nữa! Mi quả là đứa con bất hiếu! Mi coi gương đứa con của mi mà từ nay ăn ở sao cho phải đạo đó!”. Bị đánh một cú quá bất ngờ và đau điếng, anh chàng bèn tỉnh giấc. Khi ngước mặt lên, anh ta bất ngờ nhìn thấy ông từ trông coi nhà thờ đang đứng trước mặt anh và la lớn tiếng: “Mi là ai mà giờ này còn nằm trước cửa nhà thờ ngủ như thế này!”.
Bấy giờ anh ta mới biết là mình đang mơ. Và cú gậy vừa rồi là do ông từ đánh, chứ không phải ba mẹ anh đánh!
Trên đường lủi thủi về nhà, người đàn ông ấy đã suy nghĩ thật nhiều về giấc mơ ấy. Cuối cùng anh ta cũng quyết tâm đổi đời. Từ đó anh ta cương quyết sống đạo tốt hơn, siêng năng tham dự thánh lễ thường xuyên và lúc nào cũng nhớ cầu nguyện cho cha mẹ anh ta thật nhiều.
Câu chuyện trên là lời nhắc nhớ mỗi người chúng ta hãy siêng năng cầu nguyện cho các linh hồn, nhất là trong tháng 11 này, vì các ngài đang chờ đợi nơi chúng ta những người còn sống tặng “quà ơn thánh” cho họ.
Qùa ơn thánh mà những người đã chết mong chờ chính là những việc làm bác ái yêu thương, là những kinh nguyện sáng chiều, là những hy sinh phục vụ chân thành và nỗ lực chu toàn tốt bổn phận của mình trong gia đình, nơi họ đạo và ngoài xã hội. Nhất là những thánh lễ mà chúng ta cùng hiệp dâng lên Chúa mỗi ngày với niềm xác tín vào mầu nhiệm các thánh cùng thông công, nhờ vào tình thương cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô.
Với tình yêu mến và hiệp thông trong đức tin, chúng ta hãy tích lũy thật nhiều quà công đức mà gửi tặng các linh hồn nơi luyện tội, trong đó rất có thể là ông bà, cha mẹ, người thân của chúng ta, với niềm xác tín vào lòng Chúa thương xót sẽ được Chúa thanh luyện nên trinh trong, hầu xứng đáng bước vào nước trời chung hưởng niềm vinh phúc trên trời cùng các thánh trong nhà Cha muôn đời. Amen.
NGHỊCH LÝ LỄ CẦU HỒN
Lm. Nguyễn Xuân Trường
Lễ Cầu Hồn để cầu cho các tín hữu đã chết. Nhưng thật ngạc nhiên, toàn bộ phụng vụ của Giáo hội từ Phụng vụ Giờ kinh, Lời nguyện và Lời Chúa trong 3 Thánh lễ cầu hồn lại nhấn mạnh chủ đề SỰ SỐNG. Thế nên, Lễ Cầu Hồn là ngày của những điều nghịch lý:
Ngày nhớ về người chết mà lại nói về sự sống đời đời.
Ngày ra viếng mộ người thân trong lòng đất nhưng lại mong ngôi nhà trên trời.
Ngày ra dâng lễ ở nghĩa trang nhưng tâm hồn lại hướng lên thiên đàng.
Ngày nhớ về người qua đời trong quá khứ mà lòng lại hy vọng tương lai mai sau.
Thế nên, cần khẳng định rằng: Lễ Cầu Hồn là ngày bày tỏ lòng thương nhớ người đã qua đời, là ngày tuyên xưng niềm tin vào sự sống đời đời, là ngày diễn tả niềm vui hy vọng nước thiên đàng mai sau. Bởi vì, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù có chết cũng sẽ được sống”. Amen.
LUYỆN NGỤC THẬT LÀ PHÚC TỔ
Chúng ta thường nói đến luyện ngục như một nơi giam cầm, nơi chịu hình phạt lửa thiêu. Có đúng vậy không?
Theo giáo lý, luyện ngục là nơi để thanh luyện các linh hồn cho hoàn toàn tinh sạch để về thiên đàng. Nếu vậy, luyện ngục là cơ hội vớt vát, là ân huệ cuối cùng Chúa ban để chúng ta có thể vào thiên đàng. Luyện ngục là nơi Chúa bày tỏ lòng thương xót đến cùng của Ngài.
Chúa yêu thương nên không muốn con cái Ngài mất phúc thiên đàng. Thế nhưng, thiên đàng là nơi không còn tội, bởi thế, tự bản thân tội nhân không thích hợp với thiên đàng, chứ không phải Chúa không muốn họ vào. Trước khi vào, họ cần cơ hội để thanh luyện tội lỗi.
Nói theo ngôn ngữ thời Covid-19, thì luyện ngục là nơi cách ly. Người con từ vùng dịch về nhà, bố mẹ muốn ôm con, đón con vào nhà mình ngay chứ. Tuy nhiên, con còn “vương Covid” nên không thể vào nhà ngay mà phải có thời gian cách ly. Cách ly là thời gian không vui gì, nhưng không phải là bố mẹ phạt, mà là cơ hội làm sạch Covid. Xong rồi con sẽ hân hoan vào nhà với cha mẹ tay bắt mặt mừng. Luyện ngục tương tự như thế, là nơi để làm sạch tội lỗi, trước khi mỗi người được vào hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa tình thương trong thiên đàng vinh quang. Amen.
Thứ tư: Lc 14, 25-33
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục đưa ra những điều kiện cần thiết để trở thành môn đệ chân chính của Chúa. Xin cho chúng ta tích cực làm theo lời dạy của Chúa với mong muốn trở nên môn đệ đích thực của Người.
Thời buổi kinh tế thị trường như hôm nay, trước khi đầu tư vào bất cứ công việc gì, người ta cũng phải tính toán rất là chi tiết, kẻo thất bại sẽ gây tan nhà nát cửa và bị người khác chê cười.
Đầu tư cho nước trời và tòng quân đứng dưới cờ Giêsu là quyết định hệ trọng ảnh hưởng đến hạnh phúc đời này và đời sau. Vì thế, Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta phải hãy suy tính thật cẩn trọng. Ví như người muốn xây nhà, trước hết phải tính xem phí tổn bao nhiêu? có khả năng làm nổi hay không? Nếu không thì đừng khởi công kẻo công trình đắp chiếu gây tổn hại kinh tế. Cũng vậy muốn chống lại quân thù kéo 20 ngàn quân vây đánh, nhà vua phải tính toán lực lượng xem có đối đầu nổi không. Nếu chỉ có 10 ngàn quân lại không có kế sách nào hay, thì tốt nhất nên cầu hòa, hoãn binh kẻo thua trận, nước mất nhà tan là chắc chắn.
Nếu những sự đời như xây nhà, đánh trận mà người ta còn biết suy nghĩ tính toán cẩn trọng như thế, thì hạnh phúc vĩnh cửu nước trời và làm môn đệ của Chúa không phải là chuyện đùa, nên cần phải chuẩn bị thật chu đáo. Vậy phải chuẩn bị thế nào?
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết sẽ phải chuẩn bị 2 cách: 1 là từ bỏ, 2 là vác thánh giá. Đó là phương cách hữu hiệu để được làm môn đệ Chúa và sẽ chiếm hữu được nước trời.
Từ bỏ những gì mình yêu thích cũng đồng nghĩa với việc vác thập giá vì nó khiến ta hối tiếc vì mất mát và thấy thương đau vì những thử thách. Từ bỏ tiền bạc, của cải, danh vọng, tình thân…xem ra còn dễ. Nhưng từ bỏ bản thân để thuộc trọn về Chúa quả là rất khó khăn. Thật khó biết bao phải bỏ tính kiêu căng tự mãn, lòng ích kỷ tham lam, bỏ ý riêng để vâng phục ý Chúa hoàn toàn. Nhưng với ơn Chúa ta có thể bỏ được mọi sự chóng qua ở đời này.
Xin Chúa giúp chúng ta có đủ sức mạnh ơn thánh để ta can đảm khướt từ mọi quyến rủ trần gian mà làm theo ý Chúa muốn. Nhờ đó ta mới xứng đáng trở thành môn đệ chân chính của Chúa và chiếm hữu được hạnh phúc nước trời.
Thứ năm: Lc 15, 1-10
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để làm nổi bậc lên tình thương vô cùng của Thiên Chúa dành cho con người. Xin cho chúng ta cảm nhận được tình thương Chúa mà chân thành sám hối để an vui sống trong vòng tay yêu thương của Người.
Trong quyển sách “Niềm vui sống đạo”. Tác giả người tôi tớ Chúa là đức cố Hồng Y Phanxiô-Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã dí dỏm nêu ra 10 khuyết điểm của Chúa Giêsu. Trong 10 khuyến điểm đó có hai khuyết điểm liên quan đến đoạn tin mừng hôm nay:
1. Chúa Giêsu không biết làm toán.
Với dụ ngôn con chiên bị mất, cho thấy lối cư xử của Chúa Giêsu tỏ ra không biết tính toán. Một kẻ có 100 con chiên ở giữa đồng trống mà mất một con, hẳn phải tính toán xem làm sao một con đi lạc lại hơn 99 con còn lại. Vậy mà Chúa Giêsu cho rằng 1 con đi mất cũng bằng 99 con còn lại, nên chấp nhận bỏ 99 con mà đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất. Rồi khi tìm thấy thì vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu mời bạn hữu và những người thân cận đến chia vui. Hẳn là Chúa Giêsu không biết làm toán!
2. Chúa Giêsu không sành luận lý.
Chúa Giêsu không những không cân nhắc tính toán trên số lượng, mà có lúc lời dạy của Ngài xem ra đi ngược lại với sự khôn ngoan bình thường của con người. Với dụ ngôn về đồng bạc bị mất, người phụ nữ có 10 đồng, nhưng trong đêm lỡ đánh mất 1 đồng: “Bà thắp đèn, quét nhà, moi móc tìm cho bằng được”. Rồi khi tìm được, thì bất chấp giờ giấc nghỉ ngơi đêm của hàng xóm, bạn bè mà đánh thức họ để cùng chung vui với mình. Sao bà không nghĩ dù sao thì cũng vẫn còn 9 đồng khác trong tay, 1 đồng rơi thì vẫn còn đó, tìm trong đêm chi cho mệt nhọc. Rồi vui mừng gì mà đến độ phải làm phiền hà đến những người chung quanh trong đêm tối. Đúng là thiếu lý luận!
Sau khi dí dỏm kể ra 10 khuyết điểm của Chúa Giêsu, Đức cố Hồng Y tài đức của chúng ta đã tóm kết bằng một lý do duy nhất, đó là: vì Chúa Giêsu quá yêu thương chúng ta. Yêu đến nỗi không nhớ lỗi lầm, không tính toán, không xét nét, không vị kỷ, không phê phán, không câu chấp, không gò bó, không biên giới, không điều kiện; Tình yêu đó yêu điên cuồng đến độ phiêu lưu và hy sinh cả mạng sống mình; tình yêu đó khác với mẫu mực nhỏ hẹp của xã hội và của lối cân nhắc giới hạn của chúng ta.
Thật ra, Chúa là Ðấng trọn lành, làm sao có khuyết điểm được, nhưng Chúa lại là Tình Yêu vô hạn, mầu nhiệm. Trí khôn loài người không hiểu nổi, không tin nổi, nên gọi là khuyết điểm! Chẳng qua vì Chúa là yêu thương, mà yêu thương của Thiên Chúa cao hơn lý luận con của người. Và ngài khích lệ chúng ta hãy can đảm chọn lựa cuộc sống làm chứng cho 10 khuyết điểm tuyệt vời đó của Chúa Giêsu. Nghĩa là làm chứng cho tình yêu cao vời của Chúa.
Xin Chúa cho chúng con cảm nhận được tình yêu lớn lao mà Chúa dành cho mỗi người chúng con. Và đừng bao giờ để chúng con phản phúc lại tình yêu của Chúa.
Thứ sáu: Lc 16, 1-8
Làm thế nào để trở thành người quản lý khôn ngoan và trung tín? Đó là sứ điệp lời Chúa hôm nay muốn nói với chúng ta. Xin cho chúng ta biết tận dụng sự khôn ngoan Chúa ban để sinh nhiều hoa trái tốt lành mang lại lợi ích cho mình và cho nước trời.
Quản gia là người được ông chủ rất tin tưởng trao phó trông coi tất cả tài sản. Nhiệm vụ của người quản gia trung thành là vừa quản lý tốt tài sản, vừa khôn khéo làm gia tăng tài sản cho ông chủ. Thế nhưng người quản gia mà Chúa Giêsu đề cập trong đoạn Tin mừng hôm nay tuy khôn ngoan nhưng lại bất trung.
Anh ta khôn ngoan vì biết tận dụng tài sản sẵn có của chủ để thu lợi bất chính cho mình. Đến khi chủ gia khám phá và có ý định sa thải, thì một lần nữa anh ta lại khôn ngoan nghĩ ra cách thức đáp cánh an toàn. Với sự nhanh nhẹn vốn có, anh đã nghĩ ngay đến việc dùng tiền của gian dối để mua lấy bạn hữu, với suy tính sau khi mất việc, anh sẽ được nhiều người thương mến mà đón tiếp anh vào nương tựa nơi nhà họ.
Dù rất khôn ngoan nhưng anh vẫn bị xem là kẻ bất lương vì 2 lý do: thứ nhất anh ta đã không trung thực trong vai trò quản gia, có lẽ anh đã từng dùng tài sản của chủ làm lợi cho mình. Thứ hai anh ta đã làm sai nguyên tắc luân lý đòi buộc là anh đã dùng phương tiện xấu để đạt được mục đích tốt.
Khi ca ngợi hành động khôn ngoan của người quản gia bất lương này, Chúa Giêsu không có ý khuyến khích chúng làm điều xấu để đạt mục đích tốt, nhưng Chúa muốn mời gọi chúng ta học nơi người quản gia này biết khôn ngoan chuẩn bị cho tương lai xa.
Chúng ta đang sống trong những ngày cuối năm phụng vụ, lời Chúa hôm nay là hồi chuông cảnh tỉnh những ai còn đang ngủ mê trong tội lỗi bởi lối sống bất trung với Chúa và gian dối với người khác kịp thời điều chỉnh lại cuộc sống mình sao cho phù hợp với thánh ý của Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta biết luôn ý thức xử dụng tốt những ân huệ Chúa ban: sức khỏe, thời giờ, tài năng, tiền của… để sinh nhiều hoa trái tốt lành dâng hiến cho Chúa, cho người và cho đời.
Thứ bảy: Lc 16, 9-15
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta xác định lại chỗ đứng đích thực của đồng tiền để có sự chọn lựa khôn ngoan cho những giá trị của cuộc sống. Đó là điều thực tế ta đối diện hàng ngày nên cần phải lưu tâm.
Chúng ta đang sống trong đời đại kinh tế thị trường nên tiền bạc có sức ảnh hưởng rất lớn trên cuộc sống. Nếu không thức tỉnh chúng ta dễ rơi vào vòng xoáy kim tiền mà đánh mất những giá trị cao quý khác, và có nguy cơ loại bỏ TC ra khỏi cuộc sống của mình.
Dẫu biết rằng tiền của thế gian chỉ là phương tiện chứ không phải là ông chủ. Nhưng vì tiền bạc giúp con người có được cuộc sống sung túc và thoải mái nên nó có một sức hút rất mãnh liệt. Nhiều người say mê tiền bạc đến nỗi đặt nó lên làm ông chủ để tôn thờ ngang hàng với thần thánh “tiền là tiên là phật”. Chính vì đặt tiền bạc vào địa vị cao nhất đời mình, nên họ dễ dàng loại bỏ tất cả những giá trị cao quý khác. Vì tiền người ta có thể làm bất cứ việc gì ngay cả tham nhũng, gian lận, bán rẻ nhân phẩm và giết hại lẫn nhau để có được đồng tiền.
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy được giới hạn của tiền bạc, và qua đó Chúa mời gọi chúng ta hãy vươn tới tình bạn hữu và giá trị nước trời: “Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào nơi vĩnh cửu.” (Lc 16, 9). Đúng vậy, tiền bạc không phải là ông chủ để ta tôn thờ mà chỉ là đầy tớ để phục vụ cho tình bạn và là phương tiện vật chất làm bậc thang lót đường để đưa ta đến với nhau và cùng nhau vươn lên đến tận trời cao. Vì thế mà Chúa Giêsu quyết liệt đòi buộc chúng ta phải có thái dứt khoát chọn lựa giữa Thần Tài và TC: “Các con không thể làm tôi TC mà lại làm tôi tiền của được!”.
Xin cho chúng ta biết khôn ngoan chọn Chúa làm gia nghiệp đời mình và đặt Chúa làm vị trí trung tâm và cao nhất trong các chọn lựa của đời sống Chúng ta. Để cho dù bất cứ hoàn cảnh nào xảy ra, chúng ta vẫn trung thành với Chúa Đấng đáng chúng ta yêu mến và tôn thờ.
Để Lời Chúa không những được đọc mà còn được suy niệm, được hiểu và sống tốt hơn nơi mỗi người. Nói khác đi là để cho "Lời Chúa ở lại trong ta"(Ga 8,31) mỗi ngày. Xin được gợi lên một vài cảm nhận đơn sơ được ghi lại mỗi khi đọc Lời Chúa, như là những chia sẻ chân tình phát xuất từ tấm lòng. Hy vọng Lời Chúa trở thành bạn đồng hành hướng dẫn đời sống chúng ta. Nhờ ánh sáng Lời Chúa soi dẫn chúng ta tìm thấy sự thật đích thực mà được giải thoát.
Tìm kiếm Blog này
Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...
-
NGHI THỨC XỨC DẦU BỆNH NHÂN 1. NHỮNG LƯU Ý MỤC VỤ CẦN BIẾT TRƯỚC 1. Chỉ linh mục mới là thừa tác viên chính thức của bí tích xức dầu bệ...
-
NGHI THỨC BÍ TÍCH THÊM SỨC I. ĐÓN ĐỨC GIÁM MỤC (cổng nhà thờ: đọc ) Đức Giám Mục,với tư cách là người rao giảng tin m...
-
L Ễ TẠ ƠN HAI TÂN LINH MỤC Emmanuel. Nguyễn Thành Đô và Giuse. Nguyễn Hoàng Minh Sakeo 02/7/2009 DAÃN NHAÄP LEÃ Kính thöa coäng...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét