Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 2 tháng 11, 2021

 SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN

                                                      Lm. Vĩnh Hòa

 

CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN B

17,10-16; Dt 9,24-28; Mc 12, 38-44

Hai hình ảnh đẹp được Chúa Giêsu yêu thích và khen ngợi nức lòng nơi đền thờ khi Ngài còn ở tại thế, có lẽ đó là hình ảnh cầu nguyện khiêm tốn của người thu thuế và của lễ dâng cúng âm thầm của người đàn bà góa nghèo. Đây được gọi là hai việc làm đạo đức tuyệt đẹp và cao quý của con người. Nhưng lại được thể hiện nơi những con người bị xem là tội lỗi và nghèo khổ trong xã hội.

1.  Người thu thuế: hình ảnh người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện là hình ảnh đẹp. Đẹp bởi tâm tình thống hối chân thành và thái độ khiêm nhường thẳm sâu: “Đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Nên khi ra về ông được Chúa tha thứ và trở nên công chính. Vì “Ai nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nhắc lên”.

2. Người đàn bà góa nghèo: hình ảnh người đàn bà góa nghèo khổ bỏ “hai đồng tiền là một phần tư xu” vào hòm tiền ảnh thật tuyệt đẹp, khiến cho Chúa Giêsu phải phấn khích đến nỗi đã gọi ngay các môn đệ lại chỉ cho các ông thấy nhằm dạy các ông bài học về việc dâng cúng“Thầy nói thật với các con: trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa này đã bỏ nhiều hơn hết”. Nét đẹp của bà không đến từ dáng vẻ bên ngoài như những vị Luật sĩ với những bộ áo thụng đắc tiền, hay bởi có chức cao quyền trọng được mọi người kính trọng…Nhưng nét đẹp của bà được ẩn bên trong, đó là nét đẹp của tấm lòng. Một tấm lòng quảng đại, yêu thương cho đi mà không cần tính toán. Đúng như ông bà ta thường nói: của ít lòng nhiều; giá trị của quà tặng không tùy thuộc vào số lượng mà là ở tấm lòng.

Việc dâng cúng của người đàn bà góa nghèo hết sức bé nhỏ, nhưng lại vô cùng to lớn trước mặt Chúa, vì bà đã cho tất cả những gì bà có, ngay cả hai đồng xu đó chính là thứ nuôi sống bà “đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống”.

Tinh thần cho đi của bà góa nghèo phải là khuôn mẫu cho tinh thần bác ái người Kitô giáo chúng ta. Đó là tinh thần vô vị lợi, không màng đến danh lợi, cũng không nhằm phô trương đánh bóng tên tuổi. Bác ái Kitô giáo không phải là cho đi những thứ dư thừa, nhưng là cho đi những gì thiết thân nhất cho đời sống của mình, nhưng lại là nhu cầu cần thiết nhất của tha nhân.

Thật ra làm bác ái không khó. Không khó, bởi vì thông thường chúng ta chỉ cho đi những gì dư thừa. Chúng ta chỉ cần mặc ba bốn bộ đồ hay mang vài ba đôi dép… là đủ. Nhưng thực tế, nhiều người trong chúng ta lại sở hữu lên đến vài chục bộ đồ, hàng chục đôi giày dép, mà những thứ dư thừa này luôn nằm im trong tủ, không bao giờ ta sử dụng đến. Nên khi cho đi những thứ ấy không khó chút nào, nhưng cho đi với tình thần bác ái Kitô giáo thì không dễ, bởi nó đòi hỏi chúng ta phải chia sẻ những gì chúng ta cần, chứ không phải những gì dư thừa. Tuy nhiên nếu chúng ta có được niềm tin và tình yêu vào Chúa thì chúng ta sẽ làm được.

Xin cho chúng ta đừng bao giờ có thái độ trọng phú, khinh bần cũng như đánh giá tha nhân qua dáng vẻ bên ngoài. Nhưng xin cho chúng ta luôn biết trân quý tấm lòng bên trong của mỗi con người. Nhất là xin cho chúng ta hằng để tâm giúp đỡ những ai đang gặp khốn khó, nghèo khổ bằng tinh thần bác ái Kitô giáo chân thành.

 

Thứ hai: Lc 17, 1-6

Mạnh Tử nói: "Nhân tri sơ tính bổn thiện". Tuân Tử lại nói: "Nhân tri sơ tính bổn ác". Cùng bàn về tính thiện ác trong con người, một nhà triết học phương Tây là Honbach cũng đưa ra quan điểm: “con người khi sinh ra vốn không thiện cũng không ác. Thiện hay ác là do hoàn cảnh tạo nên”. Còn Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay thì không bàn về tính thiện- ác nơi con người. Ngài cũng không theo quan điểm trung dung, nhưng khuyên chúng ta đừng làm gương mù, gương xấu mà làm ảnh hưởng đến tha nhân, nhất là với những người bé nhỏ.

Gương xấu là gì? Gương xấu là một lời nói hay một hành động không thích hợp làm cớ, tạo dịp cho người khác vấp phạm, sa ngã, phạm tội.

Có hai hình thức gây gương mù, gương xấu: Trực tiếp và gián tiếp. Trực tiếp là một hành động hay lời nói chủ ý, cố tình làm vậy để tạo dịp cho người khác sa ngã. Gián tiếp là hành vi hay lời nói vô ý, sơ suất có thể làm cho người khác hiểu lầm mà sa ngã, nhưng thực chất người làm không muốn. Dù trực tiếp hay gián tiếp làm gương xấu thì cả hai hình thức này đều phải tránh vì nó lôi kéo người khác vào những sai lầm, tội lỗi.

Chúa Giêsu lên án rất mạnh mẻ về việc làm này. Án phạt mà Chúa Giêsu đưa ra cho những ai cố tình làm gương xấu là tử hình “Cột cối đá mà quăng xuống nước”.

Để tránh gây gương mù gương xấu cho tha nhân không là điều dễ dàng nên Chúa Giêsu đòi hỏi cần phải có lòng tin. Lòng tin chính là sức mạnh vượt thắng những khó khăn trong đời. Sống lòng tin mọi nơi mọi lúc, ta mới có thể hóa giải được những khuynh hướng xấu nơi chính bản thân. Nhờ đó ta tránh gây ra những nguyên cớ làm thiệt hại cho tha nhân.

Xin Chúa ban thêm lòng tin nơi chúng con để chúng con đủ can đảm thi hành những điều tốt lành Chúa chỉ dạy, nhờ đó chúng con loại trừ được những hành vi và lời nói xấu xa, tội lỗi gây chia rẽ bất hòa trong đời sống.

 

Thứ ba: Ga 2, 13-22

CUNG HIẾN ĐỀN THỜ LATÊRANÔ, lễ kính

Cùng với GH, hôm nay chúng ta kỷ niệm lễ cung hiến Đền Thờ Latêranô. Sau 300 năm GH sơ khai bị bách hại gắt gao. Đến năm 306 khi vua Công-tăng-ti-nô lên ngôi, với chiếu chỉ Mi-la-nô được ban hành, thì tự do tín ngưỡng mới được tôn trọng. Từ đó các thánh đường và cơ sở tôn giáo của GH được triều đình hỗ trợ tái thiết và xây mới lại, trong đó nổi bật là đền thờ Latêranô. Đến ngày 09/11/ 324 đền thờ được hoàn thành và cung hiến long trọng, dưới triều đại ĐGH Xin-vét-te.

Mừng kính kỷ niệm ngày cung hiến đền thờ Latêranô hôm nay, là dịp nhắc nhờ chúng ta về sự cao quý của nhà thờ: là nơi Thiên Chúa hiện diện cách đặc biệt giữa dân Người, là nơi dành riêng thờ phượng TC, là nơi con người gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau, là nơi tín hữu lãnh nhận các nguồn ơn thiêng của Chúa qua các bí tích, là nơi dân Chúa qui tụ lại để lắng nghe và học hỏi Lời Chúa…vì thế chúng ta phải quan tâm gìn giữ Nhà Thờ sạch đẹp, đồng thời có thái độ xứng hợp mỗi khi bước vào nhà Chúa.

Hơn nữa hình ảnh đền thờ vật chất còn nhắc nhớ chúng ta đến ngôi đền thờ vững bền và cao quý khác xinh đẹp không tàn phai theo năm tháng đó là ngôi đền thờ tâm hồn, nơi TC Ba Ngôi ngự trị. Xin cho chúng ta luôn ý thức gìn giữ thân xác và tâm hồn mình trong sạch để xứng đáng là nơi cư ngụ của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Bài đọc 1, tiên tri Ezekiel tiên báo về hình ảnh Đền Thờ thật lạ lùng. Từ nơi Đền Thờ ấy, một dòng nước chảy tràn ra và làm cho nước biển hóa thành nước ngọt. Nguồn nước ấy làm sinh sôi các sinh vật. Hai bên bờ dòng nước ấy mọc lên những cây trái tốt tươi. Trái thì làm thức ăn và lá lại dùng làm thuốc uống, chữa lành bệnh tật.

Hình ảnh đền thờ lạ lùng mà tiên tri Edekiel tiên báo ấy được ứng nghiệm nơi Thân Thể Đức Giêsu. Thật vậy chính từ cạnh sườn bị đâm thâu trên thập giá mà nguồn nước sự sống dồi dào của Chúa được tuôn đổ trên thế gian và thấm nhập vào tâm hồn những ai tiếp nhận Người, từ đó làm phát sinh hoa trái tốt lành nơi những tín hữu. Đó cũng là tư tưởng của thánh Phaolô. Trong bài đọc II, thư gửi các tín hữu Côrintô, thánh Phaolô cho biết: Thân thể của chúng ta đã được Thiên Chúa tạo dựng trên nền tảng là Đức Kitô, nên được hòa nhập vào trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô và trở nên đền thờ của TC. Nên khi tôn trọng và giữ gìn thân xác mình trong sạch cũng là góp phần làm cho đền thờ trong Đức Kitô được tốt đẹp.

Sự kiện Chúa Giêsu đánh đuổi những con buôn ra khỏi đền thờ mà bài Tin Mừng tường thuật, một mặt nhắc nhở chúng ta về giá trị cao quý của ngôi Nhà thờ vật chất, bởi nơi đây giúp ta cùng với cộng đoàn được hiệp thông với nhau trong Chúa; mặt khác cũng ý thức chúng ta về ý nghĩa thánh thiêng về một đền thờ quý giá hơn đó là đền thờ tâm hồn. Bởi nơi đây chính là nơi mà Thiên Chúa Ba Ngôi thích ngự trị.

Xin cho chúng ta ý thức rằng, sự hiệp thông với Chúa và với nhau trong Chúa không chỉ nơi Nhà Thờ vật chất; mà sự hiệp thông ấy phải được trãi dài trong suốt đời sống ở mọi nơi và trong mọi lúc. Nhờ đó mà sự sống của Chúa Giêsu được lan tràn trên cuộc đời chúng ta, từ đó trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành mang lại niềm vui và ơn ích cho người và cho đời.

 

Thứ ba: Lc 17, 7-10

Để nói một điều gì khó nói, người ta hay dùng cách nói ví von

Để thổ lộ một tâm tình sâu kín, người ta hay bộc bạch qua một câu chuyện.

Để diễn tả một chân lý nào đó, người ta hay dùng một dụ ngôn.

Dụ ngôn là cách thế Chúa Giêsu hay dùng trong lời rao giảng nhằm dạy chúng ta về chân lý của lẽ sống.

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng câu chuyện dụ ngôn về người đầy tớ để dạy chúng ta về thái độ khiêm tốn phải có trong bổn phận phục vụ.

Như người đầy tớ, sau khi đã đi cày hay đi chăn chiên về, sẽ tự thấy có bổn phận phải tiếp tục phục vụ bữa tối cho chủ, rồi sau đó mới được ăn mà vẫn không hề kêu ca.

Chúng ta cũng vậy, khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm theo ý Chúa, thì cũng hãy nói : "Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi" (Lc 17,10), chứ không được tự mãn, khoe khoang về những thành quả do công khó của mình mà đòi hỏi Chúa phải trả công như người làm thuê. Vì xét cho cùng, tất cả những gì chúng ta “có” và chúng ta “là” đều do ơn Chúa ban: Sự sống, sức khỏe, tài năng, điều kiện hoàn cảnh…; ngay cả những lúc thành công trong công việc tất cả đều nhờ bởi ơn Chúa. Như lời Người phán: “Không có Thầy, anh em không làm được gì” (Ga 15,5).

Tạ ơn Chúa vì chúng ta được Chúa tin tưởng trao phó cho nhiệm vụ phụng thờ Chúa và phục vụ anh em.

Xin Chúa ban cho chúng ta có được tấm lòng khiêm tốn trước Chúa, trước anh em và bản thân mình trong khi thi hành những bổn phận hằng ngày. Để khi thành công chúng ta không hề kêu căng tự mãn đòi hỏi công sức; cũng như khi thất bại chúng ta cũng không bao giờ buồn tủi, chán nản, bỏ cuộc trong những bổn phận phục vụ của mình.

 

Thứ tư: Lc 17, 11-19

Người mắc bệnh cùi thời Chúa Giêsu phải chịu nhiều đau khổ.

- Đau về thể xác:

Vì không có thuốc chữa trị, nên bệnh cùi hành hạ thân xác rất nhức nhối.

Vi trùng cùi Hansen ăn vào da thịt dần mòn làm lỡ loét mặt mày, tay chân đau buốt.

Gân cốt tay chân thường bị co vấp lại, không còn khả năng làm việc như người bình thường. Tình cảnh họ rất là đau thương.

- Khổ về tâm hồn:

Quan niệm bệnh là do tội lỗi lỗi gây nên. Cùi là bệnh nan y thời bấy giờ chứng tỏ tội của người cùi phải rất nặng.

Người cùi bị mọi người xem thường, khinh bỉ và xa lánh vì sợ lây uế. Người cùi bị buộc phải sống tách biệt với cộng đồng và bị xã hội đẩy ra bên lề cuộc sống.

Người bị bệnh cùi luôn phải sống nương tựa vào người khác nên bị xem là thành phần ăn bám của xã hội. Thật chua xót!

Việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh cùi chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa quyền năng và giàu lòng thương xót.

Việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh cùi đồng nghĩa với việc Chúa phục hồi phẩm giá làm người của họ, trả lại cho họ tình trạng tốt đẹp thuở ban đầu mà Thiên Chúa đã tác tạo.

Việc Chúa chữa lành bệnh cùi, tạo điều kiện cho họ hòa nhập vào xã hội. Đó cũng chính là sứ điệp mời gọi mọi người hãy mở rộng vòng tay đón nhận nhau trong tình anh em, dù họ là ai.

Việc Chúa chữa lành bệnh cùi còn là mời gọi tha thiết đối với những ai đang mang nặng những nỗi đau về thể xác hay những vết thương nơi tâm hồn hãy mạnh dạn đến với Chúa để kêu xin ơn cứu chữa của Ngài; qua đó giúp họ tự tin can đảm hòa nhập vào cộng đồng xã hội tận hưởng niềm vui, nguồn an ủi sẻ chia tình người.

Có lẽ chúng ta không mắc phải bệnh cùi về thể lý vì ngày nay đã có thuốc đặc trị. Nhưng rất có thể chúng ta lại mắc phải bệnh cùi về tâm linh:

Cùi tâm linh là khi chúng ta vô ơn đối với Thiên Chúa. Sống xa cách Chúa, không quan tâm đến thánh lễ Chúa nhật, không còn biết cám ơn Chúa qua giờ kinh sáng-tối nơi gia đình, không để tâm học hỏi Thánh kinh và giáo lý….

Cùi tâm linh là khi chúng ta tự tách rời khỏi anh em trong các sinh hoạt của họ đạo. Có thể vì mặc cảm hay vì tự cao mà ta sống cu ki một mình, không còn khả năng hòa nhập với cộng đoàn họ đạo.

Cùi tâm linh là khi chúng ta vô tâm, thờ ơ, dửng dưng, ích kỷ, tư lợi mà không biết chạnh lòng thương trước nỗi đau của người khác. Những thứ đó chính là triệu chứng bệnh cùi tâm linh rất nguy hiểm.

Vậy mỗi người chúng ta hãy ý thức về bệnh cùi tâm linh của mình và xin Chúa cứu chữa.

Xin Chúa cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra bệnh tình nguy hiểm mà ta đang mang trong người. Và xin Chúa thương cứu chữa cho lành sạch. “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!”.

 

Thứ năm: Lc 17, 20-25

Bao giờ triều đại Thiên Chúa đến và đến ở đâu? Đó không chỉ là thắc mắc của người Pharisêu mà là của tất cả chúng ta.

Qua câu trả lời, Chúa Giêsu như muốn nói với ta rằng: Bao giờ triều đại Thiên Chúa đến hay đến ở đâu không quan trọng. Quan trọng là làm sao chúng ta cảm nhận được triều đại Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta.

Làm thế nào chúng ta cảm nhận được triều đại Thiên Chúa đang ở giữa hay ở nơi chúng ta?

- Phải sống yêu thương.

Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Như vậy ai sống yêu thương thì người ấy giống Thiên Chúa; giống Thiên Chúa thì tất nhiên được ở trong triều đại của Chúa; mà ở trong triều đại Chúa có nghĩa là triều đại Thiên Chúa đang đến ở giữa người đó. Linh mục Vinh Hạnh đã sáng tác một bài hát “Đâu có tình yêu thương” rất hay. Lời của bài hát viết rằng: “Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa trời”. Vậy nơi nào có tình yêu, thì Đức Chúa Trời hiện diện nơi đó. Và nơi đó chính là triều đại của Thiên Chúa đang đến.

- Phải đặt niềm tin vào Đức Giêsu.

Trong cuộc đàm luận với ông Nicôđêmô, Chúa Giêsu đã khẳng định: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”(Ga 3,1-21). Nên những ai tin tưởng vào Đức Giêsu, Thiên Chúa làm Người sẽ đón nhận được ơn cứu độ. Đón nhận được cứu độ cũng đồng nghĩa với triều đại Thiên Chúa đang đến giữa họ.

- Phải sống công chính.

Thánh Phaolô xác định mạnh mẻ: “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17). Do đó, ai biết sống đời công chính, kiến tạo bình an và gieo rắc niềm vui trong Chúa Thánh Thần, người ấy xứng đáng là công dân của nước Chúa. Là công dân nước Chúa thì tất nhiên triều đại Thiên Chúa đang đến ở giữa họ.

Tóm lại: Niềm tin, tình yêu, công chính... là những điều kiện nền tảng mà mỗi người chúng ta phải nỗ lực thực hiện, mới mong đón nhận được triều đại Thiên Chúa đang đến với ta.

Xin Chúa cũng cố niềm tin, tình yêu và sự công chính của Chúa nơi mỗi chúng ta, ngõ hầu chúng ta cảm nhận được bình an, hạnh phúc và niềm vui nơi tâm hồn. Khi đó chúng ta sẽ nhận thấy triều đại Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta. Amen.

 

Thứ sáu: Lc 17, 26-37

“Bao giờ triều đại Thiên Chúa đến?” (Lc 17, 20) hoặc bao giờ đến ngày tận thế? Đó không chỉ là nỗi quan tâm của những người Pharisêu mà còn là của các môn đệ Chúa Giêsu: “Thưa thầy, ở đâu vậy?” (Lc 17,37). Trãi qua mọi thời đại, con người lúc nào cũng quan tâm đến vấn đề này.

Vào những thời kì đầu của Giáo Hội, các tín hữu Thessalonica đã nghe theo những luận điệu tuyên truyền sai lạc về ngày tận thế sắp đến. Do đó họ tỏ ra chán nản, lười biếng buông xuôi hết mọi thứ, không còn lo làm việc nữa. Đến nổi thánh Phaolô phải viết thư khuyên họ, đừng tin theo những luận điệu sai lạc ấy.

Ta vẫn còn nhớ khi bước vào năm 2000, nhiều người cho rằng ngày tận thế sẽ đến, họ lo lắng và chuẩn bị đủ mọi chuyện: dự trữ lương thực, mua đèn cầy để xin làm phép, lo đi xưng tội, cố gắng sống tốt... nhằm chờ đón ngày tận thế đến.

Cũng vậy, cách đây vài năm, người ta đồn đoán rằng: theo lịch Maya, thì vào ngày 21/12/2012 là ngày tận thế, do đây là ngày kết thúc niên lịch của họ. Nhưng tất cả những đồn đoán ấy đều qua đi, mà không hề xảy ra ngày tận thế.

Vậy bao giờ thì tận thế?

Không ai biết trước được. Cả Chúa Giêsu cũng không mạc khải về thời giờ cụ thể của ngày này, chỉ có Chúa Cha biết thôi: “Còn về ngày hay giờ đó, thì dù các thiên sứ trên trời, hay cả Con Người đi nữa, cũng không ai biết được trừ một mình Chúa Cha mà thôi”(Mc 13, 32). Chúa Giêsu chỉ nói sẽ có ngày tận thế. Ngày ấy đến một cách rất là nhanh chóng và bất ngờ như “ánh chớp chói lòa chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia” (Lc 17, 24).

Và để minh họa cho tính bất ngờ của ngày tận thế ấy, bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hai sự kiện cụ thể trong thời cựu ước đó là: lụt Đại Hồng Thủy thời Nô-e và Mưa lửa, Diêm sinh từ trời xuống thời ông Lót để mời gọi chúng ta phải có thái độ sẵn sàng cho ngày ấy.

Cũng như ngày tận thế đến bất ngờ và nhanh chóng thế nào, thì cái chết cũng đến với mỗi chúng ta cũng mang tính cách bất ngờ như vậy. Vì thế, điều quan trọng là hãy nghe theo lời dạy của Chúa mà chuẩn bị sẵn sàng. Có sẵn sàng thì cho dù cái chết có đến bất ngờ, ta cũng không hề sợ hãi; trái lại, ngày ấy sẽ là ngày hân hoan vui mừng của ta, vì triều đại Thiên Chúa thuộc về ta.

Lạy Chúa, sống trên đời này, ai trong chúng con cũng tất bật lo cho cơm áo gạo tiền; cũng như muốn vui chơi hưởng thụ. Nhưng xin Chúa đừng để chúng con quá ham mê của cải và đam mê hưởng thụ mà quên đi nhiệm vụ chính yếu là chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Chúa đến.

 

Thứ bảy: Lc 18, 1-8

Phải nói rằng cầu nguyện chính là biểu lộ của đức tin. Có tin mới cầu xin. Tin ít thì cầu xin ít, tin nhiều cầu xin nhiều. Tin vững vàng thì cầu xin kiên trì.

Vì thế, chúng ta mới hiểu tại sao Chúa Giêsu phải thốt lên: “khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”. Nói cách khác là liệu Ngài có còn thấy con người cầu nguyện khi ngày Ngài ngự đến nữa chăng?

Với hình ảnh bà góa trong bài tin mừng hôm nay, chúa Giêsu muốn dạy chúng ta phải kiên trì trong cầu nguyện để biểu lộ đức tin mạnh mẻ của mình.

Kiên trì là gì?

Kiên trì là: bền bỉ, giữ vững, không bỏ.

Bền bỉ cầu xin như người đàn bà góa bất hạnh trong bài tin mừng hôm nay. Như thánh nữ Mônica hơn 20 năm cầu nguyện cho chồng, cho con….

Nếu bà góa kiên vững đặt hết niềm tin và lời cầu xin của mình vào ông quan tòa bất chính, thì chúng ta càng phải kiên gan giữ vững niềm tin với lời nguyện xin của chúng ta vào Thiên Chúa là người Cha chúng ta.

Nếu ông quan tòa bất chính còn đáp lại nguyện vọng của người đàn bà góa nhờ sự kiên trì không chán nản bỏ cuộc của bà ta, thì Thiên Chúa, người cha nhân ái chắc chắn sẽ không bao giờ làm ngơ trước lời cầu xin liên tục của con cái mình. Nhưng liệu lòng tin chúng ta có đủ mạnh để kiên trì cầu xin hay là chúng ta dễ dàng nản lòng bỏ cuộc?

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết biểu lộ lòng tin của mình cách mạnh mẻ bằng việc cầu nguyện kiên trì. Để khi vui hay lúc buồn, thành công hay thất bại, mưa hay nắng, mạnh khỏe hay đau yếu… lúc nào con cũng gắn kết với Chúa qua việc cầu nguyện. Xin cho con cũng ý thức cầu nguyện là nhu cầu rất cần thiết cho đời sống đức tin như hơi thở cần cho sự sống vậy!


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...