Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2021

 SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

Lm Vĩnh Hòa

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN B

Gr 31,7-9; Dt 5,1-6; Mc 10,46-52

Tin mừng hôm nay trình thuật lại phép lạ Chúa Giêsu chữa cho đôi mắt mù lòa của anh chàng Bartimê được sáng, nhờ vào lòng tin kiên vững và lời kêu xin tha thiết của anh ta. Với lòng tin tưởng cậy trông vào quyền năng Chúa, trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cũng hãy thiết tha cầu xin Chúa thương cứu chữa con mắt tâm hồn còn mù lòa của chúng ta để ta nhận ra Chúa là Cha giàu lòng thương xót, nhận ra tha nhân là anh em và nhận ra những tính hư tật xấu, tội lỗi của chúng ta mà thành tâm ăn năn sám hối để xứng đáng tham dự vào mầu nhiệm thánh.

Anh mù được tin mừng hôm nay nhắc đến rất đổi quen thuộc: Địa chỉ thường trú của anh là ở thành Giêricô. Tên đích danh của anh ta là Bartimê, ai cũng biết. Cha của anh là ông Timê, chẳng xa lạ gì. Hằng ngày anh mù Bartimê này phải mò mẫm đi lại nơi đây để xin lòng thương xót của mọi người.Vì thân phận mù lòa, trót mang kiếp sống "cầm ca" nên anh ta đã bị xã hội loại trừ và mọi người xa lánh. Tiếng kêu xin của anh ta đã trở thành âm thanh chói tai đối với mọi người qua chốn ấy nên không ai quan tâm lắng nghe và muốn đến gần anh ta.

Nhưng người đời thường nói “có tật, có tài”. Cho dù mọi nguời xa tránh làm ngơ, nhưng anh mù vẫn biết Đức Giêsu hằng quan tâm và yêu thương đến anh. Nên cho dẫu mọi người hôm đó không nhận ra sứ mạng Thiên Sai của ông Giêsu, còn anh mù với con mắt nhạy bén của tâm hồn, anh lại sáng suốt nhận ra sứ mạng bí mật Thiên Sai của Đức Giêsu. Vì vậy, anh ta đã không ngần ngại lớn tiếng kêu vang xin Người:“Lạy ông Giêsu, con vua Đavit. Xin dủ lòng thương tôi”. Bằng cảm nhận trực giác, anh ta nhận ra quyền năng chữa lành nơi Đức. Vì thế, dù bị cản ngăn, cấm đoán anh càng kêu xin thiết tha hơn.

 Thật tinh tường, anh ta còn thấy nơi Đức Giêsu có một kho báu rất quý giá mà trần gian chẳng ai có, đó là quyền cứu chữa. Vì thế, anh ta đã không hề xin Người tiền bạc, cơm gạo, bánh trái… như mọi ngày; trái lại anh ta chỉ xin Người cho anh được sáng mắt: “xin cho tôi được sáng”.

Nhờ nổ lực cảm nhận thế giới và con người bằng đôi mắt của tâm hồn, của đức tin và rồi nổ lực hết sức mình để thể hiện cảm nhận đó nên lời kêu xin tha thiết của anh đã được Chúa lắng nghe và nhận lời. Do đó, Người đã ra tay cứu chữa đôi mắt mù lòa của anh được sáng.

 Hằng ngày các môn đệ vẫn thấy, vẫn nghe Chúa Giêsu nói. Các ông đã chứng kiến bao là phép lạ Người làm, nhưng vì mơ tưởng địa vị cao sang, chức cao quyền trọng nên đôi mắt họ đã bị che mờ, không còn khả nhận ra sứ mạng Messia nơi Chúa Giêsu.

Xin Chúa cho chúng ta có được đôi mắt của đức tin để ta nhận ra những kỳ công lạ lùng của Chúa trong vũ trụ này, cũng như nhìn thấy được những ân huệ lớn lao mà Chúa thương ban trên cuộc đời ta.

Xin Chúa loại trừ khỏi những áng mây đen của vô tình, hững hờ và khinh khi… đang che phủ đôi mắt tâm hồn chúng ta, để ta nhìn thấy đời, nhận ra người bằng ánh mắt của cảm thông, bao dung và trân quý.

Xin Chúa đừng bao giờ để ta hành xử vô duyên đối với nhau bằng những lời nói xúc phạm đến nổi đau khiếm khuyết của tha nhân; hay bởi những hành vi ngăn cản, cấm đoán, tẩy trừ những ước muốn chính đáng của người khác. Trái lại, xin ban cho chúng ta có những hành vi thật đẹp bởi những lời nói cảm thông, những việc làm bác ái, những hy sinh phục vụ quên mình. Nhất là đừng bao giờ để ta có thái độ hay hành vi ngăn cản những người yếu đuối, sa ngã tìm đến với Chúa.

 

CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

Is 60,1-6; 1 Tm 2,1-8; Mt 28,16-20

Hai từ “truyền giáo” hình như gây phản cảm, không phù hợp với tâm thức của con người thời đại. Vậy “truyền giáo” có ý nghĩa ra sao mà khiến nhiều người ngoài công giáo không thiện cảm khi nghe đến? Ta thử tìm hiểu xem:

1. Truyền giáo là gì?

a. Từ điển Tiếng Việt định nghĩa:

- Truyền: là chuyển cái mình đang nắm giữ cho người khác, thường thuộc thế hệ sau: truyền nghề, truyền ngôi báu, truyền kiến thức cho học sinh.

- Gíao: là tôn giáo, đạo giáo, giáo lý…

* Vậy có thể nói “truyền giáo” là truyền bá tôn giáo hay chuyển tải đạo giáo.

b. Theo Lm. Phan Tấn Thành, O.P: “Truyền giáo” được dịch từ nguyên gốc tiếng La-tinh là “missio” (và tiếng Pháp và tiếng Anh phiên âm thành mission). Thế nhưng, missio không phải là truyền giáo.

Như thế thì missio có nghĩa là gì?

Trong tiếng La-tinh, missio là một danh từ gốc bởi động từ mittere có nghĩa là: gửi (thí dụ gửi một lá thư), cử đi, phái đi làm một công tác nào đó.

Tân Ước đã sử dụng theo một nghĩa rất đặc biệt để nói đến sứ mạng của Đức Kitô và của Hội Thánh. Ở đầu Tin Mừng theo Thánh Luca, chúng ta thấy thiên sứ Gabriel được Thiên Chúa cử đến (missus est) Nazareth để báo tin cứu thế cho Đức Maria (Lc 1,26).

Sang chương 4, ta thấy Đức Giêsu vào hội đường Nazareth, mở Kinh Thánh, và áp dụng cho bản thân câu nói của ngôn sứ Isaia “Thần khí Chúa ngự trên tôi, xức dầu cho tôi và phái tôi (misit me) rao giảng Tin Mừng cho người nghèo” (Lc 4,18).

Tư tưởng này cũng gặp nơi Thánh Gioan, chẳng hạn như ở chương 10 câu 36, Đức Giêsu tự xưng rằng mình là kẻ được Chúa Cha thánh hiến và phái đến trần gian (misit in mundum).

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và nói: “Như Chúa Cha đã phái Thầy, Thầy cũng phái anh em”; sự phái-ủy này tiếp theo tác động thổi hơi trên các tông đồ, biểu trưng cho việc trao ban Thần khí. Thực vậy, tại nhà Tiệc ly, trong đêm Tử Nạn, Chúa Kitô đã hứa sẽ phái Thánh Linh đến với các môn đệ để họ tiếp tục sứ mạng của Người (Ga 16,7).

* Tóm lại, missio trong Tân Ước có nghĩa là việc cử đi, phái đi; từ đó ta hiểu được tại sao trước đây được dịch là “thừa sai” (có nghĩa là: nhận sự sai khiến của ai đó, nhờ ai làm một việc gì đó); gần đây, có người dịch là “sứ vụ, sứ mạng”.

Như vậy, để tránh cái nhìn tiêu cực cho nhiều người, từ nay chúng ta nên dùng từ sứ vụ “loan báo tin mừng” thay cho “truyền giáo”.

2. Tại sao ta phải thi hành sứ vụ loan báo tin mừng?

- Ý muốn của Chúa Cha (Chúa Cha sai Chúa Con là Đức Giêsu Kitô đến thế gian để loan báo tin mừng, dưới tác động của CTT. Chúa Con tiếp tục sai các môn đệ qua lệnh truyền trước khi về trời).

- Xác tín của Hội Thánh (Công đồng Vaticano II và giáo huấn của GH).

- Nhiệm vụ và bổn phận ngôn sứ của người Kitô hữu. (Khi lãnh nhận bí tích rửa tội và thêm sức).

- Thực hiện đức bác ái (chân lý, niềm vui và hạnh phúc đích thực phải được chia sẻ theo tinh thần “lãnh nhận nhưng không phải cho nhưng không”).

3. Ai có nhiệm vụ loan báo tin mừng?

- Đầu tiên là những người lãnh đạo cộng đoàn trong GH (Chúa sai 12 tông đồ).

- Tất cả mọi Kitô hữu (Chúa sai 72 môn đệ).

4. Loan báo tin mừng cho ai?

- Những người tin và đang sống đức tin (tân phúc âm hóa).

- Những người tin nhưng chưa sống đức tin tích cực (bỏ phục sinh, rối Hp, không tích cực tham gia các sinh hoạt cộng đoàn Họ đạo…).

- Những người đồng hương, đồng bào nhưng chưa đồng đạo. (anh chị em chưa tin Chúa).

5. Loan báo tin mừng ở môi trường nào?

- Gia đình

- Làng xã (những người sống chung quanh)

- Nơi làm việc (trường học, công sở, xí nghiệp công ty…).

6. Loan báo tin mừng bằng cách nào?

- Cầu nguyện “xin chủ ruộng” (gương thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, thánh nữ Mônica).

- Xử dụng phương tiện truyền thông, mạng xã hội (zalo, facebook, Email…)

- Trực tiếp loan báo tin mừng của Chúa bằng lời nói (tông đồ Phaolô, thánh Phanxicô Xavie và các nhà truyền giáo đã thi hành).

- Làm chứng về những giá trị Tin mừng bằng chính đời sống mình (gương mẹ thánh Têrêsa Calcutta, các thánh tử đạo VN…).

7. Cầu xin và noi gương Mẹ Maria.

- Khiêm tốn lắng nghe, suy niệm và vâng phục thánh ý TC để Ngôi Lời TC thấm nhập vào trong cung lòng mình.

- Sẵn sàng lên đường không ngại hy sinh để ra đi đem niềm vui tin mừng cứu độ đến cho tha nhân như Mẹ đã đem Chúa Giêsu đến với bà chị họ Isave.

- Luôn trân quý, gìn giữ lời của Chúa sao cho được lớn lên trong đời sống của mình tựa như Mẹ Maria đã gìn giữa, chăm sóc cho Ngôi Lời TC được lớn lên trong suốt 30 năm sống ẩn dật tại vùng quê Nazaret.

- Biết lưu tâm, đồng hành và cộng tác tích cực cùng với GH trong sứ vụ loan báo tin mừng như Mẹ Maria khi xưa đã dõi theo chân Chúa Giêsu trên mọi nẻo đường trong suốt 3 năm rao giảng.

- Noi gương Mẹ Maria sẵn sàng đón nhận những nghịch cảnh xảy ra khi làm chứng nhân cho Tin mừng như Mẹ Maria khi xưa đã phải đón nhận những đau khổ cùng Chúa Giêsu trên con đường khổ nạn.

- Noi gương Mẹ Maria cầu nguyện, giúp đỡ, cộng tác với các vị mục tử trong việc truyền giáo như Mẹ Maira khi xưa đã hiện diện khích lệ, nâng đỡ và cầu nguyện cùng với các môn đệ trong phòng tiệc ly và trên bước đường thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng.

 

† LÀM GÌ ĐỂ GÓP PHẦN VÀO VIỆC LOAN BÁO TM?

"Công cuộc truyền giáo (LBTM) mãi mãi là vấn đề sống còn của Hội Thánh trên đất nước chúng ta". Đó là lời mở đầu của Uỷ Ban Loan Báo Tin Mừng trực thuộc Hội Đồng giám Mục ViệtNam sau 50 năm nỗ lực truyền giáo. Vì thế truyền giáo hay loan báo Tin mừng là nhiệm vụ hàng đầu của Giáo Hội. Giáo Hội có được lớn mạnh hay không tùy thuộc vào việc loan báo Tin mừng.

Công đồng Vatican II khẳng định rõ rằng: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là truyền giáo” (Ecclesia peregrinans natura sua missionaria est, Ad Gentes 2). Sẽ không là Giáo Hội hay là người kitô hữu nữa nếu không loan báo Tin mừng.

Trên hết truyền giáo hay loan báo Tin mừng là lệnh truyền tâm quyết của Chúa Giêsu. Nên trước khi về trời Ngài đã di chúc lại cho các Tông đồ: "Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin cùng chịu thanh tẩy thì sẽ được cứu, còn ai không tin thì sẽ bị luận tội." (Mc 16,15-16).

Vậy đã rõ mục đích của việc loan báo Tin mừng là để người khác tin vào Chúa Giêsu, nhận lãnh phép rửa và được cứu độ. Nhưng làm thế nào để việc loan báo tin mừng mang lại hiệu quả?

1. Trước hết chúng ta phải có sự hiểu biết sâu xa về Chúa qua việc không ngừng học hỏi Thánh Kinh và trau dồi kiến thức giáo lý. Vì làm sao ta có thể giới thiệu một người cho người khác nếu ta không hiểu không biết người đó là ai? Thánh Giêrônimô đã nói thật chí lý: “không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”.

2. Bên cạnh việc giới thiệu Chúa cho người khác, chúng ta còn phải làm chứng về Chúa trong cuộc sống hằng ngày, đừng để đời sống của chúng ta phản chứng lại những gì chúng ta loan báo trên môi trên miệng. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vừa được GH tôn phong lên bậc hiển thánh vào ngày 14/10/2018 đã nhấn mạnh giá trị của đời sống chứng nhân trong việc loan báo Tin Mừng như sau: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”.

3. Chúng ta can đảm tuyên xưng mình là người kitô hữu, đừng chỉ vì những lợi ích vật chất mà ta chối bỏ niềm tin của mình.

4. Chúng ta can đảm sống những giá trị Tin Mừng như: sự thật, công bằng, bác ái…mặc dù đôi lúc vì những giá trị này mà chúng ta phải chịu thiệt thòi, ngay cả sự hiểu lầm của người khác.

5. Cuối cùng chúng ta phải tích cực thực hành niềm tin của mình. Làm sao người ta có thể tin có Chúa khi thấy một người Công Giáo không thực hành niềm tin và sống tình bác ái. Có ai đó đã thốt lên “Tôi tin có đạo Công Giáo nhưng tôi không tin người Công Giáo” thật là đau lòng!

Vậy mỗi người trong chúng ta hãy thao thức ưu tư về việc truyền giáo. Thao thức lo âu chưa đủ, Chúa còn muốn chúng ta hãy có những hành động cụ thể tùy theo bậc sống và khả năng của mỗi người.

Lạy Chúa, Chúa đã từng băn khoăn khắc khoải “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”, Chúa muốn mỗi người hãy là những tay thợ gặt lành nghề. Xin Chúa ban thêm cho chúng con sự can đảm, lòng hăng say nhiệt tình giới thiệu Chúa cho những người chung sống và làm việc chung với chúng con bằng chính cuộc sống chứng tá của chúng con. Xin cho chúng con biết cùng cộng tác với Hội Thánh trong sứ mạng truyền giáo với hết khả năng, sức lực mà Chúa ban với ý thức đó chính là công việc “sống còn” của chúng con và của Gíao hội.

 

† NÊN GIỐNG CG TRONG SỨ VỤ LOAN BÁO TM

Theo thống kê của Phòng Báo Chí Tòa Thánh vào ngày 06/03/2019 cho biết: tính đến thời điểm cuối năm 2017, tổng dân số trên thế giới là 7 tỷ 408 triệu người; trong đó có 1 tỷ 313 triệu người Công giáo được rửa tội, chiếm 17,7% dân số thế giới.

Nếu phân chia theo từng châu lục thì có 48,5% sống ở châu Mỹ; 21.8% ở châu Âu; 17.8% sống ở châu Phi; 11.1% ở châu Á và 0.8% ở châu Đại Dương.

Còn ở Việt Nam chúng ta chỉ có 8% (theo báo cáo HĐGMVN 05/03/2018).

Cách riêng Giáo Phận Cần Thơ hiện nay, tổng dân số là 5.598.951 người, sống trên địa bàn khá rộng 14.423km, bao gồm: thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Nhưng người Công giáo chỉ có khoảng 191.000 tín hữu, chiếm tỉ lệ rất bé nhỏ là gần 3,4%.

Khi nhìn như vậy, ta mới nhận thấy cánh đồng loan báo tin mừng còn bao la bát ngát; sứ mạng loan báo tin mừng hết sức khẩn thiết, đòi buộc chúng ta phải quan tâm cách đặc biệt cho việc loan báo tin mừng.

Khi thiết lập Giáo Hội, Chúa Giêsu đã trao sứ vụ rao giảng Tin mừng cho các tông đồ và ngày nay cho từng người tín hữu. Bổn phận này chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội và được củng cố nhờ bí tích thêm sức.

Nhưng làm thế nào để thực hiện sứ mạng cấp thiết này?

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một vài cách thức:

- Hãy nên giống Chúa, biết chạnh lòng thương đối với tha nhân, nhất là những người bị bỏ rơi....(x. Mt 9,36).

- Hãy nghe theo lời Chúa dạy, là cầu xin với Chúa, chủ mùa gặt… (x. Mt 9, 38). Bởi vì chỉ mình Chúa mới đánh động lòng người và làm cho người khác tin Chúa mà thôi; chứ người phàm không có khả năng làm được điều đó vì ta chỉ là khí cụ của Chúa. Ta hãy cầu xin cho có nhiều thợ gặt lành nghề sẵn sàng dấn thân hy sinh lo cho việc truyền giáo; đồng thời, chúng ta cũng cầu xin cho từng người chúng ta biết tích cực góp công sức, thời giờ, sức khỏe và cả của cải tiền bạc để lo cho việc truyền giáo.

- Cuối cùng hãy làm theo ý Chúa. Mỗi kitô hữu chúng ta phải có đời sống tốt lành thánh thiện, làm gương sáng cho người khác. Chính Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói : “Người thời nay không thích những thầy dạy cho bằng nhân chứng”. Chúng ta chỉ có thể truyền giáo bằng gương sống của chúng ta qua việc sẵn sàng giúp đỡ mọi người, nhất là những ai đau khổ theo tinh thần bác ái kitô giáo như Chúa Giêsu chỉ dạy: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy." (Mt 10,8).

Ước gì đời sống mỗi người, mỗi gia đình biết nghe lời Chúa, làm theo ý Chúa, để mỗi ngày nên giống Chúa hơn trong cung cách sống yêu thương, nhờ đó mới có thể minh chứng cụ thể niềm tin và lòng yêu mến Chúa của chúng ta.

 

CHÚA NHẬT KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

(Sưu tầm và tổng hợp)

Để ý thức mỗi người Kitô hữu chúng ta biết thao thức và quyết tâm hơn vào sứ vụ loan báo Tin Mừng, trước hết chúng ta cùng nhau tìm hiểu về hiện tình của Giáo Hội qua bảng thống kê sau đây:

Theo báo cáo của Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc. Tính đến ngày 31/12/2019, dân số thế giới là 7 tỉ 577 triệu 777 ngàn người.

Số tín hữu Công giáo là 1 tỉ 344 triệu 403 ngàn người, chiếm tỉ lệ 17.74% dân số toàn cầu.

Nếu phân chia theo từng châu lục thì: Phi Châu chiếm tỉ lệ khoảng 19%. Châu Mỹ khoảng 48,5%. Châu Âu khoảng 21.8%. Châu Đại Dương khoảng 0.8%. Á Châu chúng ta, nơi có 4.5 tỷ người sinh sống, người Công Giáo chỉ chiếm 3.31%, tức là 149 triệu người.

Ở VN tổng dân số hiện nay là 98.176.244 người. Tín hữu Công giáo chỉ có khoảng 8% (theo báo cáo HĐGMVN 05/03/2018).

Cách riêng Giáo Phận Cần Thơ trải dài trên địa bàn khá rộng 14.423km, bao gồm: thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Tổng dân số là 5.598.951 người, trong đó người Công giáo chỉ có khoảng 191.000 tín hữu, chiếm tỉ lệ rất bé nhỏ là gần 3,4%.

Khi nhìn như vậy, ta mới nhận thấy cánh đồng Loan Báo Tin Mừng còn bao la bát ngát, nên việc truyền giáo là nhiệm vụ hết sức khẩn thiết, đòi buộc chúng ta phải thao thức và tích cực góp phần tích cực hơn nữa cho sứ vụ quan trọng này!

Có nhiều môi trường và cách thức để chúng ta thi hành sứ vụ truyền giáo, hay loan báo tin mừng... Tuy nhiên trong bố cảnh đặc biệt của đại dịch Covid-19 như hiện nay, mỗi người chúng ta phải tự hỏi: tôi phải loan báo tin mừng bằng cách nào có hiệu quả?

Đứng trước hoàn cảnh đại dịch ngày nay, tôi nghĩ hơn ai hết, người ki-tô hữu chúng ta phải được mời gọi sống tình liên đới, huynh đệ, tương thân tương ái với hết mọi người, đặc biệt là những ai nghèo khổ và đang gặp khó khăn hoạn nạn.

Nếu Virus Corona, hay chủng mới Delta… xuất hiện và lan tỏa, khiến ai cũng lo sợ và tránh né, bởi nó ảnh hưởng đến sức khỏe và nguy hại đến tính mạng con người. Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng có những loại Virus tốt, đủ sức mạnh đề kháng và hủy diệt những loại vi-rus nguy hại. Đó là  “Vi-rút bác ái, yêu thương, quan tâm và bao dung...”. Nếu chủng loại Vi-rút này được tiêm nhiễm vào trong cơ thể của mỗi người tin rằng cuộc sống của chúng ta sẽ tốt đẹp và an lành biết mấy!

Vì thế, hơn lúc nào hết mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy cố gắng kiến tạo cho được môi trường thuận lợi để chủng loại Vi-rus của tình thương, của lòng bao dung quảng đại, của hy sinh bác ái chân thành...được sống và lan tỏa nhanh chóng nơi trần gian này. Được như vậy thì những loại Vius độc hại mới được đẩy lui và ánh sáng Tin mừng cứu độ của Chúa mới được chiếu tỏa và lan rộng khắp nơi.

“Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”, lệnh truyền giáo năm xưa của Chúa Giêsu trước khi về trời vẫn luôn mang tính thời sự và cấp thiết hơn lúc nào hết.  Vậy, mỗi người chúng ta hãy ý thức và chung tay góp phần cùng với GH thực thi sứ mạng loan báo Tin mừng được Chúa trao phó, qua việc siêng năng cầu nguyện, sống công bằng bác ái, hy sinh phục vụ làm chứng nhân cho Chúa trong mọi hoàn cảnh sống với hết khả năng của mình với lòng tin yêu, cậy trông vào tình thương và quyền năng của Chúa, cậy nhờ Mẹ Maria Mân Côi.

Thứ hai: Lc 13, 10-17

Khi suy ngắm về lời nói cũng như hành vi của các nhân vật được đề cập trong đoạn tin mừng hôm nay, gợi lên cho chúng ta nhiều bài học quý:

1. Nơi Đức Giêsu: Vẫn biết rằng việc chữa bệnh cho người đàn bà bị còng lưng trong ngày Sabat là gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của nhiều phe nhóm, cụ thể là thái độ phản đối của ông trưởng hội đường hôm nay. Thế mà Chúa Giêsu lại không chùn bước và sợ hãi. Trái lại với tình yêu thúc đẩy và luật bác ái đòi buộc, Chúa Giêsu đã ra tay cứu chữa cho bà. Hành động này của Chúa Giêsu gợi lên trong ta nhiều suy nghĩ:

- Khi thực thi tình bác ái đối với tha nhân, nhiều lúc tôi cũng bị người đời gièm pha chỉ trích hoặc giả bị ngăn cản chống đối. Vậy tôi có chùn bước không?

- Để an phận, để a- dua theo cái nhìn sai lạc của thói đời, tôi có thường dửng dưng trước những đau khổ của tha nhân không?

- Đã bao lần tôi có đủ can đảm để thực thi luật tình yêu, bằng cách tận tâm giúp đỡ những người gặp khốn khổ chung quanh tôi? 

2. Nơi ông trưởng hội đường: Với danh phận là người đứng đầu của Hội đường, đáng lẽ ông phải là người đầu tiên cảm thương cho số phận khốn khổ của người chị em mình, vì suốt 18 năm dài lưng chị bị còng không ngẩng đầu lên nổi.

Hơn ai hết ông phải là người vui nhất khi nhìn thấy người chị em mình được cứu chữa;  ấy vậy mà khi chứng kiến người chị em này được Chúa Giêsu chữa lành, ông ta lại tỏ ra khó chịu. Như "Giận cá chém thớt", ông quay về phía dân chúng trút xuống cơn mưa giận dữ khi tuyên bố: "có sáu ngày người ta phải làm việc: vậy thì các người hãy đến xin chữa bệnh trong những ngày đó, chứ đừng đến trong ngày Sabat.".

Để cởi trói cái nhìn và quan niệm sai lạc về việc giữ luật ngày Sabat, Chúa Giêsu đã không ngần ngại lên án mạnh mẽ lối sống giả hình của ông, rồi xác định cho mọi người thấy được giá trị cao quý của phẩm giá con người khi tuyên bố: "chớ thì trong ngày Sabat, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan đã cột trói nó đã 18 năm nay, chớ thì không nên tháo xiếng xích buộc nó trong ngày Sabat sao?".  Súc vật mà còn được tháo cởi trong ngày Sabat để chúng tự do đi lại  ăn uống, thì tại sao người đàn bà này là con gái của tổ phụ Abraham và là con Thiên Chúa lại không được thừa hưởng quyền tự do cơ bản đó!.

Qua đây Chúa Giêsu minh chứng rằng: chỉ có một lề luật duy nhất để tuân giữ, đó là luật yêu thương, và chỉ có một giá trị cao cả nhất để sống và chết cho đó là tự do làm người và làm con Chúa.

Xin Chúa loại trừ nơi chúng ta những đố kỵ, ghen ghét tầm thường để chúng ta có được cái nhìn trong sáng đúng đắn. Và xin Chúa giúp chúng ta luôn biết sống nhân ái bao dung với hết mọi người như Chúa đã hằng nhân ái với chúng ta. Amen. 

3. Nơi người đàn bà bị còng lưng 18 năm: Với hình ảnh người đàn bà bị còng lưng 18 năm trời, cho thấy nổi đau mà bà phải cam chịu trong suốt thời gian dài, thật khổ!

Khổ vì không ngước mặt lên được để nhìn người, nhìn đời.

Khổ vì không thể nhìn xa, ngước cao dù chỉ một lần.

Khổ vì mang gánh nặng mặc cảm tội lỗi mà người đời gán ghép cho. (người Do Thái cho rằng bệnh tật là do tội lỗi gây nên).

Khổ vì hằng ngày phải đối diện với bao lời xì xầm nhạo cười của bao người chung quanh, do tướng mạo khác người.

Việc bà được Chúa Giêsu chữa khỏi quả là một niềm vui lớn lao. Vui vì từ nay gánh nặng trên lưng bà được cất khỏi sau 18 năm trời mang lấy. Vui vì khối u tội lỗi đè nặng tâm hồn bà nay được gỡ bỏ. Từ nay bà có thể  ngước nhìn đời và nhìn người cách dễ dàng. Hạnh phúc nào bằng khi hôm nay bà có thể hòa nhập với mọi người trong các sinh hoạt xã hội và tôn giáo. Từ nay bà tự do hướng nhìn về trời cao và có quyền mơ ước những điều cao quý như bao người!

Tội lỗi, tính hư tật xấu là gánh nặng vô hình nhiều lúc cũng đè nặng tâm hồn và cuộc sống chúng ta. Mong được giải thoát, trút khỏi gánh nặng nề ấy để lòng được thanh thản, an vui là nổi khát khao lớn lao của mỗi người. Nhưng tự sức ta nhiều lúc không đủ sức vượt thoát khỏi những trói buộc  vô hình ấy. Chỉ có quyền lực của Chúa mới có thể cởi trói và giải thoát ta khỏi ràng buộc của ma quỷ mà thôi.

Xin Chúa thương đụng chạm đến con người đầy yếu đuối của ta mà cất đi những gánh nặng do bệnh tật thể xác và tâm hồn do ma quỷ gây ra. Nhờ đó đem lại cho ta nguồn tự do đích thực của đời làm con Chúa.

 

Thứ ba: Lc 13,18-21

Con người trần gian thì thích những gì to lớn, quan tâm đến hình thức và nóng lòng nhanh chóng đạt được kết quả... Nhưng TC thì lại khác. Ngài thích những gì đơn sơ bé nhò, Ngài ưa chuộng những gì kín đáo và âm thầm và luôn kiên nhẫn chờ đợi kết quả. Ý định và tư tưởng này đã được minh chứng qua cách thế hiện diện của Ngôi Hai TC và mầu nhiệm nước trời giữa thế gian này. Sứ điệp của lời Chúa trong bài tin mừng hôm nay cũng đã ngầm nhắc nhở chúng ta về điều đó. 

Khi muốn nói những điều khó nói, người ta hay dùng cách nói ví von. Khi muốn bộc bạch những tâm tình sâu kín, khó nói thành lời, người ta hay nhờ đến những câu chuyện. Còn khi mạc khải về mầu nhiệm nước trời cho dễ hiểu, Chúa Giêsu lại hay dùng đến những dụ ngôn. Có thể nói, dụ ngôn là con đường ngắn nhất, thực tế nhất, gần gũi nhất và cũng hữu hiệu nhất đưa dẫn chúng ta tiếp nhận được những giá trị thiêng liêng và thực tại vô hình.

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng đến hai dụ ngôn: Dụ hạt cải và tấm men để mạc khải về mầu nhiệm nước trời. Với hai dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta biết: nước trời khởi đầu bé tí ti như hạt cải, âm thầm như tấm men. Nhưng với thời gian nó dần dần lớn lên, vững mạnh và có sức lan tỏa đến bất ngờ!

- Với hạt cải nhỏ bé, nhưng khi được gieo vào lòng đất, nó lại âm thầm lớn lên vững mạnh, to lớn đến nổi làm chổ nương tựa cho chim trời ẩn trú an toàn.

- Với tấm men ít ỏi, nhưng khi trộn lẫn vào ba đấu bột thì nó lại kích thích ba đấu bột dậy men, trở thành một khối bột to lớn.

+ Giống như hạt cải ban đầu nhỏ tí ti, nhưng khi gieo vào lòng đất nó mọc lên và trở thành cây cao bóng cả, trở nên nơi trú ẩn an toàn cho chim trời những khi mõi mệt và gặp hiểm nguy; GH khởi đầu rất khiêm tốn, nhỏ bé chỉ với nhóm tông đồ 12 nhỏ nhoi.  Nhưng trãi qua hơn 2000 năm qua, GH đã không ngừng phát triển và lớn mạnh. Đến nay đã có trên 2 tỷ người kitô giáo, chiếm 1/3 dân số thế giới. GH đã trở thành nơi tựa nương cho bao nhiêu người yếu đuối, nghèo khổ tựa nương; trở nên bóng mát cho những ai mệt nhòai trên đường đời ẩn náo. Bởi lúc nào GH cũng đứng về phía người nghèo, cô thế cô thân để bênh vực chở che, nhằm đem lại cho họ nguồn bình an đích thực. Như lời mời gọi của Chúa Giêsu: "những ai  vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11, 28).

+ Tựa như tấm men rất ít ỏi, nhưng khi được trộn vào ba đấu bột nó lại âm thầm kích thích cho ba đấu bột dậy men thành một khối to; làm thành những tấm bánh thơm ngon mang lại niềm vui và nguồn sức sống cho con người. Số tín hữu trong GH ban đầu cũng rất ít ỏi, lại phải sống hòa nhập với mọi người trong một thế giới rộng lớn. Vậy mà chỉ với thời gian ngắn, Tin mừng của Chúa đã thấm nhập và lan tỏa đến mọi người trên khắp cùng thế giới, nhờ vào đời sống hiệp nhất yêu thương và gương chứng nhân đức tin anh hùng của các kitô hữu.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết tích cực cộng tác với GH trong sứ mạng mở mang nước trời bằng đời sống chứng nhân của tình yêu Chúa; trở thành men Tin mừng thấm nhập vào mọi tâm hồn và lan tỏa đến mọi nơi. Nhờ đó mà GH của Chúa mỗi ngày được lan rộng và vững vàng hơn.

 

Thứ tư: Lc 13, 22-30

Huynh hướng tự nhiên, con người chúng ta thường nhắm đến số lượng hơn chất lượng, thứ yếu hơn chính yếu, mục đích hơn phương cách... khuynh hướng này sẽ được biểu tỏ qua câu hỏi của một người đại diện trong bài tin mừng hôm nay. 

Được cứu độ hay vào được nước trời nhiều hay ít? có lẽ là nỗi trăn trở của không ít người thời Chúa Giêsu. Với nỗi ưu tư đó nên tin mừng hôm nay cho biết có một người đến đặt vấn đề với Chúa Giêsu: "Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ? ".

Để trả lời cho vấn nạn này, Chúa Giêsu không cho anh ta biết số lượng vào nước trời nhiều hay ít. Nhưng Chúa Giêsu lại đưa ra phương cách cần thiết để được cứu độ.

Mặt tích cực, Chúa Giêsu kêu gọi:

- "Hãy cố gắng vào qua cửa hẹp" (Lc 13,24), vì "cửa hẹp dẫn đến sự sống" (Mt 7,14). Thật ra cửa vào sự sống không hẹp, nhưng hẹp vì cái tôi của tôi to quá. Cần nỗ lực liên tục để giữ cho cái tôi nhỏ lại, khiêm hạ trước Thiên Chúa, cởi mở trước anh em. Cần có một cái tôi như trẻ thơ mới được vào Nước Trời (Mt 18, 3).

Cái tôi của chúng ta luôn có khuynh hướng bành trướng nhờ thu tích nơi mình tri thức, tiền bạc, khả năng. Cả kinh nghiệm, tuổi tác, đạo đức, chức vụ, cũng có thể làm cái tôi xơ cứng và phình to. Ðể "người lớn" trở nên bé nhỏ như trẻ thơ, cần phải biến đổi và tự hạ (x. Mt 18, 3-4). Ðây thật là một cố gắng không ngừng. Khi hủy mình ra không, ta sẽ dễ dàng đi qua cửa hẹp.

- Phải thể hiện đời sống như các tổ phụ: Nghĩa là phải noi gương Abraham, Isaac và Giacóp, vững vàng trong đức tin và trung kiên trong đức mến.

Mặt tiêu cực, Chúa Giêsu cảnh báo những điều nên tránh:

- Tránh ảo tưởng mình là người Kitô hữu đương nhiên được cứu. Gioan Tẩy Gỉa đã chẳng cảnh báo với những người Biệt phái và nhóm Sađucêô: "Đừng ỷ mình là con cháu tổ phụ Abraham…”(Mt 3, 7t); cũng như Chúa đã khuyến cáo: đừng tưởng rằng đã từng ăn uống trước mặt Ngài, và từng nghe Ngài giảng dạy là được cứu. Nhưng để được cứu độ, ta còn phải biết lắng nghe và thực hành Lời của Chúa: "Mẹ và anh em của Ta là những người nghe Lời Chúa và đem ra thực hành" (Lc 8, 21). 

- Tránh quan niệm “sống lâu năm lên lão làng”. Nghĩa là ỷ vào công trạng giữ đạo lâu năm mà chễnh mãng trong đời sống đức tin, xem thường đạo lý và Lời Chúa. Điều này có nguy cơ sẽ bị loại khỏi nước trời. Ơn cứu độ chỉ dành riêng cho những ai kiên trung sống đức tin đến cùng. Vì thế, Chúa Giêsu đã không ngại tuyên bố: " kẻ sau hết sẽ trở nên trước hết...". 

Xin cho chúng ta biết loại bỏ đi những suy nghĩ theo kiểu người đời. Nhưng biết kiên trì  không ngừng nổ lực thực thi Lời Chúa dạy bảo, với tinh thần khiêm tốn, để xứng đáng được vào số người được cứu độ.

Thứ năm: Lc 6, 12-19

KÍNH THÁNH SIMON VÀ GIUĐA TÔNG ĐỒ

Để thực thi sứ mạng rao giảng Tin mừng, đem ơn cứu độ đến cho con người, một mình Chúa Giêsu là đủ, vì Ngài là Thiên Chúa. Nhưng Chúa lại không dùng cách thế đó. Trái lại, Chúa muốn mời gọi con người cộng tác.

Cụ thể  bài Tin mừng hôm nay liệt kê bảng danh sách 12 tông đồ, những người được Chúa Giêsu tuyển chọn để cộng tác với Ngài trong sứ mạng hết sức cao cả là loan báo Tin mừng. Để tuyển chọn và trao phó cho con người sứ mạng hết sức cao quý này, Chúa Giêsu đã không làm theo cảm tính cá nhân, hay theo cái nhìn chủ quan. Trái lại Ngài đã thận trọng tìm hiểu và bàn hỏi với Chúa Cha bằng cách suốt đêm cầu nguyện.

Nhìn vào danh sách 12 tông đồ mà Chúa Giêsu tuyển chọn sau một đêm dài cầu nguyện, chúng ta nhận thấy đa số các ngài là những người quê mùa, ít học, nghèo khổ, tính tình lại rất người, chẳng tài ba lỗi lạc gì. Trong đó có hai vị tông đồ mà chúng ta mừng kính hôm nay: Giuđa và Simon.

Thánh kinh ít khi nhắc đến hai vị tông đồ này, ngoại trừ  bảng liệt kê danh sách các tông đồ hôm nay. Được biết trong  số 12 tông đồ có tới hai vị mang tên là Simon. Để phân biệt, Thánh kinh gọi thánh Simon  mừng kính hôm nay là Simon Nhiệt Thành, khác với Simon Phêrô. Cũng vậy, có hai vị mang tên là Giuđa trong danh  sách 12 tông đồ. Nên để phân biệt, Thánh kinh gọi Giuđa mừng kính hôm nay là Giuđa Tađêô khác với Giuđa Iscariôt (phản bội). Cả hai vị không có tài năng nào nổi trội ngoại trừ lòng Nhiệt Thành và sự Tín Trung, theo ý nghĩa biệt danh của hai ngài.

Như vậy, để tuyển chọn những người tiếp nối sứ mạng loan báo Tin mừng mang ơn cứu độ đến với nhân loại, Chúa Giêsu không chọn những người giàu có, tài ba lỗi lạc hay đạo đức thánh thiện trổi vượt. Điều Chúa cần đó là những con người khiêm tốn âm thầm cộng tác với Ngài và tiêu chuẩn mà Chúa đến là lòng Nhiệt Tâm trong sứ vụ và sự Trung Thành cho lý tưởng tới cùng. Thế là đủ!

Xin cho chúng ta ý thức rằng:  ý Chúa luôn tốt hơn ý của ta, sự chỉ dạy của Ngài luôn mang lại lợi ích tốt nhất cho phần phúc chúng ta. Vì thế mội khi làm bất cứ việc gì, nhất là khi quyết định những việc quan trọng trong đời, chúng ta cần dành thời giờ để cầu nguyện, xin ơn soi sáng của Chúa; đồng thời cũng nên bàn hỏi với bề trên là những người có kinh nghiệm và có trách nhiệm hướng dẫn đời sống đức tin của chúng ta. Xin cho chúng ta hằng biết noi gương hai vị thánh tông đồ Simon và Giuđa luôn nhiệt thành trong bổn phận và hằng trung tín với niềm tin.

Thứ sáu: Lc 14, 1-6

Thiếu bác ái, việc thực thi lề luật chỉ còn là cái xác không hồn và là những hành động mù quáng. Tin mừng hôm nay, kêu gọi chúng ta ý thức trách nhiệm đối với nhau trong cuộc sống, bằng việc thực thi tình bác ái, qua việc giúp đỡ những người nghèo khổ và bất hạnh. Đó là cách thức ta thể hiện tâm tình tôn vinh Chúa.

Anh chàng trong bài Tin mừng hôm nay bị bệnh phù thủng chắc hẳn gặp rất nhiều khó khăn và đau khổ.

- Khó khăn trong việc đi lại. Khó khăn mỗi khi tiếp xúc với người khác.

- Đau khổ vì bệnh tật hành hạ, vì bỏ rơi không ai ngó tới. Đau khổ vì bị mọi người khinh ghét, bị xã hội xem thường. Nhưng trên hết có lẽ là nỗi đau mặc cảm vì bị mọi người xem là kẻ tội lỗi.

Nổi khát khao lớn nhất của anh là được làm người bình thường như bao người. Được xã hội tôn trọng; được mọi người quan tâm, yêu mến; được tự do đi lại; nhất là được khẳng định giá trị và phẩm giá làm người của mình.

Hôm nay Chúa Giêsu đã trao ban cho anh món quà vô giá mà anh hằng khao khát đêm ngày, đó là chữa anh khỏi căn bệnh phù thủng. Quả là niềm vui lớn lao, niềm vui chính đáng. Ấy vậy mà niềm vui đó lại bị chống đối. “Hôm nay là ngày Sabát không được phép”.  Không những chống đối quyền làm người của anh, mà họ còn chống đối cả Chúa Giêsu vì đã cho rằng Ngài đã vi phạm ngày Sabát.

Lòng ích kỷ và luật lệ vô hồn, quả là một gánh nặng, một rào cản đáng sợ đẩy con người đến chổ vô cảm và cư xử bất nhân với nhau, khiến người khác không thể vươn lên sống xứng đáng là con người. Họ không hiểu rằng: “Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống.”  Bất cứ nơi nào phẩm giá con người được nhìn nhận, bất cứ một con người nào được tôn trọng và hạnh phúc, thì nơi đó Thiên Chúa được tôn vinh.

Xin cho chúng ta ý thức rằng: khi chối bỏ và khước từ thể hiện lòng nhân ái đối với người khác, là chúng ta đã xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Yêu thương và thực thi bác ái đối với người khác cũng là cách chúng ta đền bù tội lỗi trong mùa báo hiếu tháng 11 gần kề.

Thứ bảy: Lc 14, 1.7-11

Tin mừng hôm nay ghi lại những lời khuyến cáo của Chúa Giêsu dành cho những kẻ sống kiêu ngạo và khích lệ cho những ai biết sống khiêm nhường. Nhưng làm thế nào để ta phân biệt được đâu là kẻ kiêu ngạo và đâu là người sống khiêm nhường?

Dựa vào câu nói cuối cùng của Chúa Giêsu trong đoạn tin mừng hôm nay: “Ai nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai họ mình xuống sẽ được nhắc lên.” Chúng ta biết được đâu là kẻ kiêu ngạo và đâu là người sống khiêm nhường. Như thế dấu hiệu của kẻ kiêu ngạo là “tự nhắc mình lên”; và dấu hiệu của người khiêm nhường là “tự hạ mình xuống”.

1. Người kiêu ngạo “tự nhắc mình lên” bằng cách nào? Thưa lhọ:

- Luôn cho mình là kẻ lớn nhất, biểu hiện ưa thích “chọn chỗ nhất” trong đám tiệc.

- Luôn khoe khoang thành tích của bản thân khi tiếp xúc với người khác. 

- Hay phàn nàn và luôn chê bai người khác là ngu dốt, ngầm ý mình là người khôn ngoan và tài giỏi.

- Luôn khăng khăng giữ ý kiến của mình xem thường ý kiến của người khác, không còn khả năng lắng nghe và hợp tác với ai cả.

- Mặt thì vênh váo, sẵn sàng nhẫn tâm chà đạp những người yếu thế, cô thân và thích lên giọng dạy đời người khác.

- Luôn tìm kiếm hư danh nên rất ưa nịnh nọt, sẵn sàng luồn cúi và tâng bốc bề trên. Nhưng sau lưng thì lại chê bai, nói xấu…

Hậu quả của kẻ kiêu ngạo là bị mọi người khinh ghét; bị bạn bè xa lánh… Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết: họ sẽ bị chủ tiệc làm bẻ mặt khi mời họ nhường chỗ cho người khác: “Xin ông nường chỗ cho người này”; nhất là họ còn bị Thiên Chúa hạ bệ:  “ hễ ai nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống”.

2. Người khiêm nhường “tự hạ mình xuống” ra sao? Thưa đó là người:

- Biết tôn trọng sự thật, dám nói và sống cho sự thật.

- Biết nhận ra giới hạn bản thân, dám chấp nhận thiếu sót và lầm lỗi của mình trước Chúa và tha nhân.

- Luôn sống chân thành cởi mở với mọi người. Sẵn sàng lắng nghe những lời giáo huấn của Chúa và GH. Luôn mở lòng đón nhận những lời góp ý chân thành và chỉ bảo tốt đẹp của mọi người.

- Biết ý thức những gì mình “là” và “có” đều do ân ban của Chúa nên luôn biết cảm tạ và tôn vinh Chúa, sẵn sàng hy sinh chia sẻ với mọi người về vật chất lẫn tinh thần…

+  Tóm lại: Người sống khiêm nhường là người biết mình là ai? Vị trí của mình đang ở đâu? Và công việc của mình là gì?...

Vì thế mà người sống khiêm nhường luôn được mọi người yêu mến, tôn trọng và thích kết giao. Tin mừng hôm nay còn cho biết họ thật vinh dự khi được chủ tiệc mời lên trên: “Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên”. Nhưng niềm vinh dự lớn nhất của người sống khiêm nhường là được chính Thiên Chúa yêu thương và nâng đỡ như lời Chúa Giêsu phán: “Ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên.”

Ta hãy mượn lại tâm tình bài hát sinh hoạt rất hay của nhạc sĩ linh mục Thái Nguyên mà dâng lên Chúa tâm tình cầu nguyện: “Xin cho con biết luôn tự hạ, sống khiêm như Giêsu từ ái. Lòng đơn sơ, chân thành cởi mở. Đời hồn nhiên như hoa nở thắm tươi.” Nhờ đó ta mới xứng đáng được Chúa yêu thương nâng đỡ và chúc lành; cũng như được mọi người trân trọng và yêu mến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...