Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN IV THƯỜNG NIÊN 

Lm Vĩnh Hòa 

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN NĂM C

Gr 1,4-5.17-19; 1Cr 12,31-13,13; Lc 4, 21-30

Thái độ khướt từ Chúa Giêsu của dân làng Nazareth xưa nhắc nhở chúng ta cần phải duyệt xét lại thái độ sống đạo hôm nay.

Có những anh chị em tân tòng nhưng đời sống đạo của họ rất tốt. Trái lại, có những người vỗ ngực xưng mình là đạo dòng, thì lại có đời sống đức tin hết sức là yếu kém. Phải chăng “sống lâu lên lão làng?”

Có những giáo dân gần gũi nhà thờ, được dễ dàng lãnh nhận các bí tích, nhưng lại thờ ơ.  Trái lại có những giáo dân ở xa nhà thờ lại siêng năng chuyên chăm tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích. Phải chăng “quen quá hóa nhàm?”

Có những giáo dân miệng luôn ca ngợi việc làm của cha này, cha kia. Trong khi đó lại xem thường những việc làm của cha sở mình, để rồi không hề góp phần cộng tác xây dựng họ đạo nhà. Phải chăng “gần chùa gọi bụt bằng anh?”

Có những người chỉ thích đi khấn vái nơi này nơi kia, nhưng chính nhà thờ của mình thì chẳng bao giờ xem trọng. Vì thế ít khi thấy bén mảng tới để cầu nguyện, khấn xin. Phải chăng “bụt nhà không thiêng?”.

Nếu có những thái độ và những biểu hiện như thế là chúng ta lại đi vào vết xe củ của dân làng Nazareth xưa.

Thành kiến có thể làm cho chúng ta mù quáng không nhận định và phê phán một cách khách quan đúng đắn được. Thành kiến làm cho chúng ta không thể đối thoại, cởi mở với người khác và không nhìn thấy cái hay cái tốt nơi anh em. 

Xin Chúa cho chúng ta biết can đảm dẹp bỏ những thành kiến để nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống. Nhất là nhận ra những mặt tích cực và cao đẹp nơi những người anh em bé nhỏ. Amen

 

Thứ hai: Mc 5,1-20

Nhớ thánh Gioan Bốt-cô, Linh mục

Giáo lý công giáo dạy ta biết rằng:  Ma quỷ là loài Thiên Thần. Nhưng vì không vâng phục Thiên Chúa nên đã bị phạt thành Satan hay Ma quỷ. Vì thế Satan hay ma quỷ được mệnh danh là “kẻ chống đối”.  Do không tài nào chống đối lại Thiên Chúa quyền năng nên ma quỷ quay sang hãm hại con người. Bởi lẽ con người là tạo vật được Chúa yêu thương bật nhất. 

Tin mừng hôm nay cho biết, tại vùng đất dân ngoại Ghê-ra-sa, đạo binh ma quỷ đang thống trị và dùng mọi thủ đoạn để hãm hại con người.

- Thủ đoạn thứ nhất: Hành hạ thân xác con người. 

Quỷ đã nhập vào một người làm cho anh ta phải điêu đứng khổ sở, mất hết nhân tính, phải sống cô độc trong mồ mả và trên núi đồi, tự làm hại bản thân bằng cách tru tréo và lấy đá đập vào mình…

- Thủ đoạn thứ hai: Xúi dục con người chống lại Thiên Chúa.

Ngay sau khi bị Chúa Giêsu trục xuất ra khỏi người bị nó ám hại, thì tứ khắc ma quỷ  quay sang cám dỗ về lòng tham mê của cải nơi con người. Chính lòng say mê của cải mà dân trong vùng ấy chống lại Chúa Giêsu, bằng cách xin Ngài rời khỏi vùng đất của họ. Bởi lẽ họ sợ rằng hôm nay thiệt hại đàn heo, tiếp theo ngày mai sẽ mất đi tài sản quý giá gì nữa? Vì vậy, họ quyết tâm xua đuổi Chúa Giêsu ra xa họ.

Ngày nay có lẽ ma quỷ ít khi trực tiếp nhập vào con người, làm cho họ phải điêu đứng khổ sở như ngày xưa. Nhưng chúng thường bày ra muôn ngàn cách để lôi kéo con người chống lại Thiên Chúa. Thúc đẩy con người hành động đến mất cả nhân tính như: giết người cướp của; tự do đồng tình luyến ái; nghiện ngập rượu chè, xì ke ma túy, hoang dâm… 

Hoặc có khi nó cám dỗ con người bằng những hình thức nhẹ nhàng, tưởng chừng như vô hại, nhưng nếu không tỉnh thức con người sẽ dễ dàng sập vào bẫy nó giăng. 

Chuyện dân gian kể rằng: có một người đàn ông nọ bị quỷ hiện lên chận đường. Quỷ bắt anh ta phải làm một trong ba điều sau đây: một là uống rượu thật say, hai là đốt nhà của mình, ba là giết chết vợ mình. Quá hoảng sợ, người đàn ông đành chọn uống rượu thật say, vì anh ta cho đó là việc làm ít nguy hại nhất. Nào ngờ, khi say rượu, anh ta mất hết lý trí nên nổi lửa đốt nhà mình. Bà vợ can ngăn, anh ta điên tiết giết luôn vợ mình. Rốt cuộc là anh ta đã làm cả ba việc mà tên quỷ đề ra.

Thủ đoạn của ma qủy là vô biên nếu không đề cao cảnh giác chúng ta sẽ dễ buông mình theo những lý lẽ xem ra rất hợp lý của chúng, tựa như câu chuyện sau:

Một tu sĩ kia rất có lòng đạo đức, ngày nào ông cũng thức dậy lúc 5 giờ sáng để đọc kinh thờ phượng Chúa. Xảy ra là có một hôm ông ngủ quên, thấy vậy, tướng quỷ Sa-tan đến đánh thức ông. Khi biết kẻ đánh thức mình là Sa-tan, tu sĩ tỏ dấu thắc mắc, ma quỷ liền nói với ông: “Tôi là ai, điều đó không quan trọng, việc tôi đánh thức ông là một điều tốt. Ông thấy không, ai làm việc lành đều là người tốt cả. Vậy tôi cũng là một người tốt”. Tu sĩ đáp: “Không bao giờ ma quỷ lại làm điều lành, vậy nhân danh Thiên Chúa, mi phải nói rõ vì lý do nào mi đánh thức ta?“ Bấy giờ ma quỷ buộc lòng phải nói thật: “Nếu ngày nào ông ngủ quên không đọc kinh sáng, thì khi thức dậy ông sẽ cảm thấy hối hận, khiêm tốn và quyết tâm sống đạo đức hơn. Còn ngày nào ông thức dậy sớm đọc kinh sáng, thì ông sẽ nghĩ mình đạo đức và không quyết tâm làm các việc lành khác”. Nói xong nó biến mất.

Để chống lại mưu mô của quỷ dữ, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta không ngừng chay tịnh, cầu nguyện nhất là sống theo Lời Chúa chỉ dạy.

Xin cho chúng ta biết chay tịnh cỏi lòng, chuyên chăm cầu nguyện. Nhất là biết dùng  Lời Chúa như là kim chỉ nam định hướng cuộc sống chúng ta.

 

Thứ ba: St 1, 14-18; Pl 4,4-8; Mt 6,25-34

Mồng Một Tết: Cầu Bình An Năm Mới

Chuyện kể: Có một gia đình sống giữa khu phố, vào một đêm nọ người trong nhà sơ ý làm rớt cây đèn dầu, căn nhà bốc cháy dữ dội, cha mẹ con cái vội vã chạy ra ngoài sân và đành đứng bất lực nhìn ngọn lữa thiêu rụi mái ấm của họ.

Bổng mọi người chợt nhận ra còn thiếu mất một đứa con bé nhất trong nhà. Thì ra trong lúc cậu bé chạy với mọi người, nhưng chưa ra tới cửa thấy lửa cháy dữ quá, cậu bé sợ hãi nên chạy trở lại lên lầu. Lửa phừng phừng cao vút tứ phía. Đang lúc cả gia đình hốt hoảng, không biết phải làm sao để cứu cậu bé chỉ mới 5 tuổi này. Thì bổng nhiên cửa sổ trên tầng lầu mở toang và cậu bé ló ra nhìn xuống kêu khóc in ỏi.

Từ dưới sân cha cậu bé gọi lớn tên con rồi nói: con nhảy xuống đây!

Cậu bé chỉ thấy bên dưới toàn khói và lửa mù mịt, nhưng cậu nghe rõ tiếng cha kêu mình nên liền trả lời: Ba ơi! Con không thấy ba đâu hết!

Người ba liền trả lời giọng cương quyết: Con cứ nhảy đi! Có ba trông thấy con là đủ rồi.

Nghe lời cha, cậu bé leo lên thành cửa sổ và lều mình nhảy xuống. Mọi người la lên kinh hãi vì lo sợ cho mạng sống của cậu. Nhưng cậu đã rơi đúng vào vòng tay yêu thương của cha mình một cách an toàn.

Sau này nhiều năm, người quen trong khu phố ai gặp cậu bé cũng tò mò hỏi: sao hôm ấy cháu liều thế? Lỡ rơi không đúng vòng tay của ba cháu thì sao?

Cậu hồn nhiên trả lời: Cháu cũng không biết nữa, nhưng khi ấy cháu nghe tiếng kêu của ba cháu, tự nhiên cháu không sợ nữa. Cháu tin ba cháu không bao giờ để cho cháu té chết đâu.

Tựa như tiếng gọi của người cha trong câu chuyện trên, Tin Mừng của ngày đầu Năm Mới hôm nay, Đức Giê-su cũng mời gọi các môn đệ và chúng ta đừng quá lo lắng về đời sống cho bản thân, nhưng hãy tin cậy vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa bằng cách nêu lên những dấu chỉ cụ thể cho chúng ta thấy mà vững tin:

- Một là “loài chim trời không gieo không gặt, nhưng Cha trên trời vẫn nuôi sống chúng.”

- Hai là “về việc sống lâu thì dù lo lắng cũng không thể kéo dài đời mình thêm một vài gang tấc!”

- Ba là “về cơm ăn áo mặc: Như loài hoa huệ ngoài đồng không kéo sợi may mặc, thế mà Cha trên trời vẫn cho chúng mặc áo đẹp hơn long bào của vua Sa-lo-mon vinh hoa tột bậc.”

Chim trời chẳng đáng giá một đồng; hoa đồng cỏ nội sớm nở chiều tàn vậy mà Cha trên trời còn chăm sóc cho như thế, phương chi là loài người chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Chúa và là con cái của Người nên đáng giá muôn phần, chẳng lẽ lại không được Thiên Chúa quan phòng gìn giữ hay sao? Chính vì thế mà Chúa Giêsu mới khẳng định: "Vậy đừng quá lo lắng về ngày mai. Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó."

 Mặc dù Chúa bảo chúng ta “đừng quá lo lắng”, nhưng không có nghĩa là chúng ta “không cần lo liệu”. Người biết lo liệu được xem là người khôn ngoan. Vì có lần Chúa đã nói: “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cái tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: ‘Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc’. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hòa.” (Lc 14,28).

Ơn lo liệu không chỉ là sự nỗ lực do lý trí của con người mà còn là ơn ban của Chúa Thánh Thần nữa. Bởi thế khi trao ban bí tích Thêm Sức, ĐGM đã đặt tay lên đầu thụ nhân mà đọc lời nguyện xin : “Lạy Chúa, xin ban Chúa Thánh Thần, Đấng an ủi đến trong những người này. Xin ban cho nhứng người này thần trí khôn ngoan và thông hiểu; thần trí lo liệu và sức mạnh; thần trí suy biết và đạo đức; xin ban cho người này đầy ơn kính sợ Chúa. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.”

Dẫu rằng chim trời không phải vất vả gieo gặt như loài người, nhưng chúng cũng phải bay đi đó đây để tìm mồi. Hoa huệ ngoài đồng tuy không phải cất công dệt may nhưng chúng cũng phải đâm rễ tìm chất bổ dưỡng để hút lấy. Nên ta cần phải tránh thái độ lười biếng vô trách nhiệm. Do đó Chúa Giêsu mới xác định cho ta biết: "Ngày nào có cái khổ của ngày ấy" (Mt 6,34).  Nghĩa là Chúa muốn chúng ta phải chịu khó làm việc mà lo cho bản thân, gia đình và xã hội; phải biết tích cực góp phần mình để làm cho môi trường sống ngày thêm an toàn sạch đẹp, cho thế giới này trở nên đáng sống hơn. Do vậy mà ngay từ khi dựng loài người, Thiên Chúa đã trao ban nhiệm vụ cho Ađam và Eva bổn phận canh tác trái đất và làm chủ vạn vật. Trong dụ ngôn về những nén bạc (x. Mt 25,15-25), Chúa Giêsu cũng đã đòi mỗi đầy tớ phải sinh lợi cho chủ gấp đôi các nén bạc được trao, chứ không được mang đi chôn giấu. Như vậy là Chúa không chấp nhận cho chúng ta quá lo lắng về vật chất, cơm ăn áo mặc và xem nó như là cùng đích của đời mình.

Là người con Chúa một mặt chúng ta phải quan tâm đến những giá trị trần gian, vật chất, tuy nhiên chúng ta đừng bao giờ xem chúng là quan trọng hơn Nước Thiên Chúa. Người đời thường coi tiền bạc vật chất là số một và có khả năng giải quyết được mọi vấn đề của con người. Nhưng thực tế chứng minh cho thấy suy nghĩ ấy là sai lầm. Thực ra tiền bạc của cải là phương tiện cần thiết để giúp con người có đời sống tốt hơn như người ta thường hay nói: “Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc”. Nhưng tiền bạc của cải tự nó không mang lại hạnh phúc. Nó chỉ hữu dụng khi chúng ta biết dùng nó như phương tiện, như đầy tớ của chúng ta. Nhưng một khi nó biến thành ông chủ thì nó sẽ bắt chúng ta phải phụng sự nó như một đầy tớ bằng bất cứ giá nào.

Tóm lại: chúng ta cần tránh thái độ ỷ lại vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa nhưng phải biết chủ động tích cực cộng tác với hết khả năng Chúa ban và không quên xin ơn Chúa Thánh thần soi sáng hướng dẫn những hoạt động của chúng ta trong cuộc sống thường ngày. Bởi người xưa đã dạy: “Tận nhân lực, mới tri thiên mệnh”, hay: “đừng ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối, nhưng hãy thắp sáng lên ngọn đèn”.

Xin chúng ta luôn biết phó thác đời mình trong bàn tay uy quyền và yêu thương của Chúa trong năm mới này với lòng tin tưởng cậy trông. Và xin Chúa cũng thương ban bình an và chúc lành cho tất cả chúng con. Amen.

 

Thứ tư: Hc 44,1.10-15; Ep 6,1-4.18-23; Mt 15,1-6

Mồng Hai Tết: Kính Nhớ Tổ Tiên

Có một câu chuyện về tình mẹ rất đẹp được kể lại trong “Sự Tích Cây Vú Sữa” như sau:

Ngày xưa, ở vùng Lái Thiêu (thuộc tỉnh Sông Bé) có hai mẹ con sống đơn chiếc bên nhau. Thương con trai mồ côi bố, người mẹ hết sức cưng chiều con. Vì quá nuông chiều, cậu bé trở nên nghịch phá và ham chơi.

Một ngày kia, vì phá phách, bị mẹ quở mắng, cậu bé bỏ nhà ra đi. Cậu đi lang thang hết ngày này sang ngày khác, ai cho cái gì thì ăn cái ấy.

Một hôm, cậu quyết tâm trở về với mẹ. Sau bao ngày lặn lội, cậu cũng về tới nhà. Cảnh vật còn nguyên, nhưng mẹ cậu thì không còn nữa. Cậu bé đâu có biết rằng mẹ cậu vì mong mãi con không về nên đã sinh bệnh rồi chết, hóa thành một cây xanh.

Cậu bé gọi hoài, gọi mãi không thấy mẹ. Cậu chỉ biết ôm lấy cây xanh mà khóc. Bỗng cây xanh run rẩy và rơi xuống một trái to, da căng mịn và xanh óng ánh.

Vừa đói, vừa mệt, cậu bé đưa quả lên rồi cắn một miếng, dòng sữa trắng trong quả trào ra, như dòng sữa mẹ thật thơm ngon.

Vỏ cây xù xì như bàn tay lam lũ của mẹ, lá cây một mặt xanh bóng, một mặt đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Mẹ không còn nữa, nhưng mẹ vẫn đứng đó để nuôi con bằng dòng sữa mẹ ngọt ngào.

Từ đó, người ta gọi cây xanh ấy là cây vú sữa, để tưởng nhớ đến tình mẹ thiêng liêng và cao cả.

Không lời lẽ nào có thể diễn tả hết tình mẹ tình cha; cũng không bút mực nào có thể tát cạn được công cha nghĩa mẹ. Bởi lẽ :

Công cha như núi ngất trời,

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.

Núi cao biển rộng mênh mông,

Cù lao chín chữ, ghi lòng con ơi!”.

Chính vì thế mà trong những ngày tết GH không quên nhắc chúng ta nhớ đến cội nguồn gốc rễ của mình qua việc kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ. 

Người Việt Nam chúng ta rất coi trọng chữ hiếu và luôn đặt nó lên hàng đầu. Chữ hiếu đó được người Việt chúng ta biểu lộ qua nhiều cách thế khác nhau:

- Trong lòng thì hằng ghi tâm khắc cốt công ơn sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên, ông bà cha mẹ. Và ai cũng đều ý thức được rằng các ngài chính là nguồn gốc và là mối dây linh thiêng, huyền nhiệm liên kết tất cả mọi con cháu lại thành một giòng tộc.

- Bên ngoài thì thường xuyên thăm hỏi, an ủi, chăm sóc sức khỏe, tặng quà, và quy tụ lại với nhau chung quanh các ngài để biểu lộ lòng tôn kính, biết ơn và yêu mến. Còn khi các ngài khuất bóng, thì con cháu không quên làm giỗ kỵ, tết nhất thì thắp nhang, cúng hoa quả, bánh mứt đầy ắp để tưởng nhớ và khấn cầu. Nhất là trong những ngày Thanh minh, ngày giỗ con cháu thường ra viếng mộ, quét dọn và trang hoàng lại mộ phần của các ngài cho khang trang, sạch đẹp.

Riêng với người Công giáo, Giáo Hội mẹ chúng ta còn nhắc nhở con cái mình dành đặc biệt ngày Mùng Hai Tết để hướng về tổ tiên ông bà cha mẹ mà tỏ lòng thảo hiếu. Vì trong 10 điều răn Thiên Chúa phán dạy, 3 điều răn đầu thì nói đến bổn phận của con người đối với thiên Chúa, nhưng liền ngay đó, điều răn thứ bốn Chúa dạy chúng ta phải thảo kính ông bà cha mẹ. Đây không phải là lời khuyên mà là một điều luật nên buộc chúng ta phải thi hành, ai không thi hành thì phạm tội chứ không chỉ là phạm lỗi bình thường.

Để giúp chúng ta thể hiện lòng hiếu thảo ấy cho đúng ý muốn của Chúa, sách giáo lý công giáo cũng đã chỉ cho chúng ta phải hiếu thảo như thế nào. Đó là phải yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ các ngài khi còn sống cũng như đã qua đời.

Đặc biệt, trong 3 bài đọc lời Chúa hôm nay đều nhấn mạnh đến lòng hiếu thảo:

1. Bài đọc 1, sách Huấn ca đã đề cập đến lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Theo tác giả Ben Sira, lòng hiếu thảo đối với cha mẹ đem lại nhiều lợi ích:

Được đền bù tội lỗi.

Được con cái cháu chắt thảo hiếu lại.

Sẽ được Chúa nhận lời.

Bài đọc 2, thư gửi cho tín hữu Ephêsô, thánh Phaolô khuyên bảo con cái: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.”(Ep 6,1-3).

Còn bài Tin mừng, Chúa Giêsu xác quyết lại điều răn thứ bốn mà TC đã truyền dạy khi xưa. Và Người cũng lên án mạnh mẽ những kẻ nào dám sống bất hiếu đối với ông bà, cha mẹ của mình: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ. Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử”.

Điều đáng buồn là ngày nay có khá nhiều người trẻ đã coi thường điều răn Chúa dạy và chối bỏ truyền thống tốt đẹp của cha ông. Họ cho rằng hiếu thảo theo truyền thống văn hóa cha ông để lại nay đã lỗi thời trong thời đại tiến bộ 4.0, văn minh và dân chủ như ngày nay.

Sống trong thời đại phát triển như ngày nay, con cái đến tuổi khôn là muốn vượt thoát khỏi gia đình để sống độc lập tự do, không cần đến sự hướng dẫn bảo ban của ông bà cha mẹ nữa. Nhưng họ lại quên rằng“Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già” (Tục ngữ). Cha mẹ có tuổi tuy già yếu thật, nhưng với kinh nghiệm và khôn ngoan thì chắc hẳn sẽ nhiều hơn con cháu. Vì thế người đời mới có câu tục ngữ: “Người 70 còn phải học người 71”, để nhắc nhở phận con cháu như chúng ta.

Ngày nay con cái hình như có cảm giác như không còn muốn nuôi dưỡng cha mẹ trong lúc tuổi già nữa vì nhiều người cho đó là vướn bận và là gánh nặng. Để giải quyết bớt vướn bận và gánh nặng ấy, xã hội đã đưa ra giải pháp bằng cách xây dựng lên những viện dưỡng lão, con cái chỉ việc gửi cha mẹ vào đó, rồi lâu lâu ghé qua, gửi ít đồng tiền, hay một món quà nào đó cho cha mẹ già là xem như chu toàn bổn phận hiếu thảo, mặc cho cha mẹ phải sống cô đơn vì thiếu vắng tình thân. Họ đâu hiểu được cha mẹ cần tình thương hơn là tiền bạc, cần sự viếng thăm hơn là của cải.

Ông bà và anh chị em thân mến, “cha mẹ” hai từ ấy rất thiêng liêng và cao quí. Thế nhưng nhiều người trong chúng ta ngày nay đã vô tình hay cố ý quên đi ý nghĩa và giá trị thiêng liêng cao quí của nó. Nên đây đó vẫn còn những lời nói, những hành vi bất hiếu với ông bà cha mẹ và người lớn. Mỗi khi nghe ai đó gọi cha mẹ mình bằng “ông này, bà nọ”, hay tỏ ra thái độ bất xứng trước mặt ông bà cha mẹ, thầy cô…chắc hẳn ai trong chúng ta cũng nhói lòng!

Hôm nay, mùng hai tết, GH nhắc nhở chúng ta hướng về tổ tiên ông bà cha mẹ để bày tỏ lòng hiếu thảo qua việc tưởng nhớ, dâng những hy sinh công đức và tham dự thánh lễ để cầu nguyện cách đặc biệt cho các ngài. Đó là những việc làm tựa như những đóa hoa tươi đẹp, ngào ngạt hương thơm dâng kính ông bà cha mẹ chúng ta trong những ngày đầu năm mới, chắc chắn đó sẽ mang đến niềm vui cho ông bà cha mẹ và cũng là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Xin cho mỗi người trong chúng ta luôn biết trân trọng những  giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam mà sống thảo hiếu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ của chúng ta đúng theo tinh thần của GH, qua việc thi hành điều răn hiếu thảo do chính Chúa phán dạy.

 

Thứ năm: St 2,4b-9.15; Cv 20,32-35; Mt 25, 14-30                 

Mùng 3 Tết: Thánh Hóa Công Việc Làm

Ca dao có câu “Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai trồng đậu trồng khoai trồng cà”. Còn Hài Bảo Liêm thì sửa lại như sau:

Tháng giêng là tháng ăn chơi

Tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè

Tháng tư cày bữa ruộng ra

Tháng năm đóng lại đi chơi với bạn bè

Tháng sáu, tháng bảy nghỉ hè

Tháng tám, tháng chín mùa hè mới xong

Tháng mười, mười một, mười hai

Còn ba tháng nữa thôi nghỉ đông cho rồi.

Nhưng cho dù ăn Tết một vài ngày, một tháng hay muốn nghỉ ngơi cả năm thì cũng không thể được, buộc ta cũng phải trở lại làm việc.

Nghĩ đến công việc phải làm trong năm mới, có người thì ngao ngán, nhưng dù ngán cũng vẫn phải làm; có người thì dửng dưng chẳng suy nghĩ gì cả, làm thì làm vậy thôi. Phần chúng ta, Giáo Hội dành ra ngày mồng 3 Tết để cầu nguyện cho công ăn việc làm trong năm. Hôm nay chúng ta hãy dựa vào Lời Chúa để suy nghĩ về việc làm của chúng ta trong năm sắp tới theo hướng dẫn của Chúa và ý muốn của GH.

Nếu đọc kỹ bài đọc thứ nhất trích sách Sáng thế có lẽ chúng ta sẽ ngạc nhiên. Xưa nay chúng ta tưởng rằng 2 ông bà nguyên tổ trong vườn Địa đàng chỉ ở không và hưởng thụ, không phải làm gì cả.

Nhưng sách Sáng thế nói Thiên Chúa cho ông bà ở trong vườn địa đàng để “canh tác và giữ vườn”. Địa đàng là hình ảnh của hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc ấy con người phải “canh tác” nghĩa là phải làm việc để tạo ra. Nên con người cũng phải “giữ vườn” như nguyên tổ, nghĩa là phải biết làm việc gìn giữ thì nó mới tồn tại và tận hưởng hạnh phúc được.

Vậy, mục đích thứ nhất của việc làm là để tạo ra hạnh phúc và gìn giữ hạnh phúc cho mình. Nói cách khác, mục tiêu thứ nhát của làm việc là “vì mình” và những người thân trong gia đình mình.

Còn bài Tin Mừng thì ghi lại một cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái. Vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabát nên những người Biệt phái trách Ngài đã vi phạm luật nghỉ làm việc trong ngày đó. Để trả lời họ, Chúa Giêsu nói: “Cha tôi vẫn làm việc luôn, cho nên tôi cũng làm việc”.

Trong cuộc tranh luận này, cách suy nghĩ của những người Biệt phái và Chúa Giêsu khác nhau.. Những người biệt phái chỉ biết có mỗi một việc làm của Thiên Chúa là tạo dựng, sau khi tạo dựng xong trời đất muôn vật thì Thiên Chúa nghỉ ngơi. Suy nghĩ như thế thật thiếu sót. Chúa Giêsu cho biết thêm rằng ngoài việc tạo dựng, Thiên Chúa còn quan phòng nữa, nghĩa là tiếp tục chăm sóc những loài Ngài đã dựng nên. Và việc chăm sóc này thì Ngài làm không bao giờ nghỉ. Nếu Chúa chỉ buông lơi một giây không chăm sóc vũ trụ và coon người thì lập tức chúng ta sẽ chết liền. Bởi thế Chúa Giêsu nói “Cha tôi làm việc liên lỉ”. Ngài còn nói tiếp “Cho nên tôi cũng làm việc”.

Chúa Giêsu làm việc gì? Thưa Ngài giảng dạy và cứu chữa những người bệnh tật đau khổ. Như vậy, Chúa Giêsu cho ta hiểu việc làm còn có mục đích thứ hai nữa, đó là “vì người khác”, đặc biệt là những người thiếu thốn, nghèo khổ.

Vậy trước khi bước vào những ngày làm việc sắp tới, Chúa nhắc nhở chúng ta hai điều quan trọng:

Thứ nhất, làm việc là điều tốt đẹp cao cả. Ngay từ khi mới tạo dựng con người, dù Thiên Chúa cho nguyên tổ được sống hạnh phúc trong vườn Địa đàng, nhưng nguyên tổ vẫn phải canh tác và gìn giữ hạnh phúc. Ngay cả Chúa Giêsu và Chúa Cha còn phải làm việc liên lỉ. Huống chi là chúng ta thụ tạo giống Người.

Thứ hai, noi gương Thiên Chúa, chúng ta làm việc, không chỉ làm việc vì mình và những người thân của ta, mà còn để phục vụ và giúp đỡ những người khác, nhất là những người khốn khổ. Phải thành thật nhìn nhận rằng từ trước tới nay, chúng ta làm việc hầu như chỉ nhắm đến mỗi một mục tiêu là “vì mình” chứ không nhắm đến “vì người khác”.

Chúng ta hãy dâng lên Chúa tất cả những việc chúng ta sắp làm trong năm cùng với những lao nhọc vất vả chúng ta sẽ gặp phải trong khi làm việc.

Xin Chúa giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc và ý nghĩa cao đẹp trong mọi công việc làm.

Xin Chúa nâng đỡ để việc làm của chúng ta đem lại hiệu quả tốt đẹp,đủ thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình chúng ta.

Xin Chúa cũng cho chúng ta biết sống quãng đại, sẵn sàng mở rộng lòng, rộng tay ra để chia sẻ những thành quả lao động cho những người túng thiếu chung quanh chúng ta. Amen.

(Viết theo ý tưởng cha Carolo Hồ Bặc Xái)

 

Thứ sáu: Mc 6, 14-29

Cái chết anh dũng của Gioan Tẩy Gỉa được tin mừng trình thuật hôm nay, cho thấy lòng người còn nhiều góc tối.

- Góc tối của đam mê dục vọng:  Đắm chìm trong dục vọng, vua Hêrôđê đã xem thường đạo lý luân thường nên đã cướp đi người vợ của anh mình. Đắm chìm trong đam mê, nhà vua chỉ còn biết buông mình theo những thú vui thấp hèn trong những tiệc tùng náo nhiệt, đầy rượu và thịt.

- Góc tối của hận thù ghen ghét: Không chịu nổi lời nhắc nhở của Gioan Tẩy Gỉa trước hành động vô luân của mình, bà Hêrôdia đã căm thù Gioan Tẩy Gỉa đến tận xương tủy. Nên khi cơ hội đến, bà lập tức mách bảo con gái xin vua cha cái đầu Gioan Tẩy Giả thay cho nửa giang sơn.

- Góc tối của nhác đảm sợ hãi: “Vẫn biết Gioan Tẩy Gỉa là người công chính thánh thiện; vua che chở ông. Khi nghe Gioan nói, nhà vua rất phân vân nhưng lại cứ thích nghe. Nhưng rồi lại không can đảm làm theo tiếng lương tâm của mình”. Vì sợ tiếng nói lương tâm, sợ nghe những lời chân lý, sợ mất uy tín với lời hứa bồng bột trước bá quan văn võ trong lúc ngà ngà… nên nhà vua đã đi đến quyết định ngông cuồng là ra lệnh chém đầu Gioan Tẩy Gỉa. 

- Góc tối của ngây ngô dại khờ: Salômê một cô con gái có tài mà không có đức. Cô đã dùng tài múa nhảy của mình thay vì phục vụ niềm vui và hạnh phúc cho đời cho người. Trái lại với sự ngây ngô dại khờ của mình, tài năng của cô đã bị lợi dụng để phục vụ cho văn hóa sự chết.

Xin cho ánh sáng chân lý của Chúa chiếu giãi vào mọi ngõ ngách của lòng người, hầu xua tan những góc tối nguy hại đang còn ẩn nấp đâu đó nơi cỏi lòng con người hôm nay.

Xin cho chúng ta dám can đảm sống và làm chứng cho ánh chân lý như Gioan Tẩy Gỉa dầu phải hy sinh mạng sống, để bảo vệ cho đạo lý luân thường và làm chứng cho nền văn hóa tình thương.

 

Thứ bảy: Mc 6,30-34

Nhớ thánh A-ga-ta, trinh nữ, tử đạo

Ðức thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II khẳng định: “Lòng Thương Xót là tên gọi thứ hai của tình thương". (Thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót, số 7). 

Đức Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa làm người. Vì thế Ngài chính là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Lòng Thương Xót đó của Chúa Giêsu được thể hiện cách cụ qua bài tin mừng hôm nay, bằng cách:

- Quan tâm đến các tông đồ: Sau cuộc hành trình truyền giáo vất vả, các Tông đồ trở về phấn khởi thuật lại cho Đức Giêsu nghe những thành quả vàng son của mình. Ngoài việc lắng nghe và đồng cảm với những thành công ấy, Chúa Giêsu còn nhìn thấy điều cần thiết và quan trọng hơn đối với các tông đồ lúc này, ở đây đó là nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi để lấy lại sức, để nhìn lại những việc đã làm, để sống thân tình với Chúa và với nhau… Đây là nhu cầu chính đáng và rất bổ ích nhằm quân bình cuộc sống. Nên Ngài khuyên các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. (Mc 6,31).Với sự quan tâm này cho biết: Chúa Giêsu coi trọng con người hơn công việc.

- Quan tâm đến dân chúng: Mặc dù Đức Giêsu muốn cùng các Tông đồ tách biệt khỏi đám đông ồn ào, tìm nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút.Nhưng khi thấy dân chúng tấp nập tuôn đến, “Ngài chạnh lòng thương vì họ đang bơ vơ như đàn chiên không có người chăn”. Ngài quên cả mệt nhọc, sẵn sàng hy sinh thời giờ nghỉ ngơi để ban phát Lời Chúa và đáp ứng những nhu cầu chính đáng của họ. Hành động này cho biết: Đức Giêsu không nghĩ đến mình, Ngài chỉ quan tâm đến người khác.

Mỗi người chúng ta có đời sống riêng tư, được sắp xếp theo ngăn nắp, hợp lý, chúng ta có quyền bảo vệ sự quân bình ấy, nhưng nếu có đôi lúc phải hy sinh cái lợi ích riêng tư ấy vì hạnh phúc của người khác, chúng ta hãy coi đó là một nhiệm vụ.

Xin Chúa cho chúng ta có được cái nhìn của Chúa, để chúng ta nhận ra những nhu cầu cần thiết nơi tha nhân. Và xin cho chúng ta có được tấm lòng thương xót như Chúa để chúng ta không cảm thấy mệt nhọc khi hy sinh phục vụ hạnh phúc cho con người.

 

 

Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2022

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN III THƯỜNG NIÊN

Lm Vĩnh Hòa 

CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN, NĂM C

Phụng vụ lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết được sứ mạng quan trọng của Chúa Giêsu khi xuống thế làm người là để loan tin mừng giải thoát và đem ơn cứu độ đến cho nhân loại. Sứ mạng ấy được tiếp tục trao ban cho GH trước khi Người về trời:“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ” (Mc 16, 15-16). Chúng ta những người kitô hữu, là thành phần của GH nên chúng ta cũng phải ý thức sứ mạng cao trọng ấy mà tích cực thông truyền tin mừng giải thoát và ơn cứu độ của Chúa đến với mọi người, ở khắp mọi nơi, qua các thời đại.

Xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy và hướng dẫn để mỗi người trong chúng ta hoàn thành sứ mạng mà Chúa Giêsu trao phó một cách tốt đẹp.

Sau những ngày thi hành sứ vụ loan báo tin mừng đó đây trong vùng đất miền Galilê rất thành công (gọi là mùa xuân Galilê), thì Tin mừng hôm nay nhấn mạnh đến sự kiện Chúa Giêsu trở về  quê nhà Nadaret, nơi người sinh trưởng. Tại đây, vào ngày Sabat, Người vào hội đường và long trọng công bố chương trình hành động. Đó là một chương trình bao gồm những việc làm cụ thể mà Chúa Giêsu ưu tiên dành cho người nghèo: “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn… Công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”. 

Chương trình hành động của Chúa Giêsu rất hợp lòng dân, nên được “mọi người đều tán thành và thán phục lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”. Nhưng trên hết chương trình ấy còn rất đẹp thánh ý của Chúa Cha, bởi vì những việc làm ấy được ứng nghiệm đúng với những lời loan báo được ghi trong Thánh Kinh đã được ngôn sứ Isaia tiên báo cách đó khoảng 700 năm về trước.

Nếu chương trình hành động của Chúa Giêsu là nhằm thực thi sứ mạng đem ơn giải thoát cho nhân loại khỏi những trói buộc tội lỗi, áp bức, bất công và hận thù do ma quỷ gây nên. Nhằm đem lại ánh sáng của niềm vui, tha thứ và ơn giải thoát đến cho mọi người, nhất là với những ai nghèo khổ. Thì hôm nay sứ mạng đó Chúa trao phó lại cho chúng ta.

Vậy thử hỏi ngày hôm nay mỗi người chúng ta cần phải làm gì để tiếp nối sứ mạng cứu độ mà Chúa trao phó cho chúng ta?

Trong bài đọc II, thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta phải loại bỏ lòng đố kỵ ghen ghét để sống hòa hợp yêu thương. Ngài ví GH như một thân thể mầu nhiệm trong Đức Kitô mà mỗi người chúng ta là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm ấy. Mỗi chi thể đều có vai trò đặc biệt không thay thế được, tuy nhiên chúng lại bổ túc cho nhau để nhằm phục vụ ích lợi chung. Vì thế mà “chân không thể nói với tay: Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể…”. Mỗi bộ phận lớn nhỏ đều bổ trợ nhau và tùy thuộc vào nhau để làm nên thân thể GH được khỏe mạnh và tốt đẹp.

Trong mỗi Họ đạo cũng có nhiều thành phần, với những khả năng và nhiệm vụ khác nhau tùy theo đặc sủng Chúa ban. Nhưng tất cả phải cùng chung một mục đích là nhằm phục vụ Chúa và GH. Tựa như vườn hoa đủ loại sắc màu, nhưng nhờ thế làm chúng làm nên vẽ đẹp phong phú cho cả vườn hoa. Hay trong dàn hợp xướng mỗi nhạc cụ có chức năng khác nhau, nhưng khi hòa điệu chung với nhau sẽ tạo nên những âm thanh và giai điệu rất đẹp, làm ngây ngất cho tâm hồn người nghe. Cũng vậy, nếu mỗi người nếu biết hợp tác với nhau, sẽ tạo nên một bản nhạc tuyệt vời để ca ngợi và tôn vinh danh thánh Chúa.

Chính vì thế để tiếp nối sứ vụ cứu độ của Chúa trong ngày hôm nay, điều quan trọng nhất là mỗi người chúng ta phải biết sống hiệp nhất yêu thương. Với mục đích duy nhất là  làm chứng cho tin mừng tình thương cứu độ của Chúa. Để qua đời sống của chúng ta người khác tin nhận Chúa Giêsu Kitô là Đấng cứu độ mà sống theo lời dạy của Người, nhờ đó mà đón nhận được hồng ân cứu độ mà Người mang đến. “Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau" (Ga 13, 35).

Xin Chúa cho chúng ta biết quan tâm yêu thương hết mọi người, nhất là những người nghèo khổ đang sống chung quanh chúng ta. Bằng những lời nói yêu thương chân thành và những việc làm bác ái cụ thể. Làm được như thế là ta đã góp phần đưa chương trình hành động  yêu thương của Chúa đến được với mọi người nhất là những người khổ đau.

Thứ hai: Mc 3, 22-30

Người Việt có câu: “Yêu nhau cau sáu bổ ba, ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”.  Đây là câu tục ngữ, ý nói khi yêu thương, quý mến nhau thì dành cho nhau những thứ ngon lành, đầy đặn, còn khi đã ghét bỏ nhau thì cư xử với nhau nhạt nhẽo, không tử tế.

Tin mừng hôm nay cho biết những người Biệt Phái vì ghen ghét Chúa Giêsu nên đã tìm mọi cách để hạ uy tín và hãm hại Người. Ngay cả những thực tại chân lý mà họ cũng bẻ cong để gán ghép một cách ác ý cho Chúa Giêsu.

Chứng kiến những phép lạ chữa bệnh và trừ quỷ mà Chúa Giêsu thực hiện, phần đông dân chúng vui mừng ngợi khen và tôn vinh Chúa Giêsu, nhưng bên cạnh đó lại có những người vì sợ mất chổ đứng và uy tín nên trở nên ghen tỵ với Chúa Giêsu nên họ tìm mọi cách để hạ bệ uy tìn của Người.

Cụ thể Tin mừng hôm nay họ gán ghép ác ý là Chúa Giêsu đã bị quỷ nhập và đã dùng sức mạnh của quỷ vương để trừ quỷ nhỏ ám hại con người. nhằm lay động đức tin của quần chúng, nhằm kéo cái nhìn của đám đông về họ mà loại trừ Đức Giêsu.

Trước lời vu khống thiếu nền tảng ấy Chúa Giêsu đã vạch ra cho dân chúng thấy rõ giả tâm của họ qua việc đưa ra những luận cứ giải thích hết sức rõ ràng:

- Ma quỷ chắc chắn sẽ không chống đối nhau. Nên không có chuyện tướng quỷ lớn tiêu diệt quỷ nhỏ. Làm như vậy thì thế lực của Satan sẽ tan rã.

- Chúa dùng hình ảnh kẻ cướp tấn công chủ nhà để lấy của và cho thấy rằng chỉ khi kẻ cướp mạnh hơn chủ nhà thì mới không chế và tước hết của cải của chủ nhà, bằng không nó sẽ bị chủ nhà tước lấy vũ khí và loại trừ. Ma quỷ là các Thiên Thần sa ngã nên sức mạnh con người không thể chống đở nổi, chỉ có quyền năng Thiên Chúa mới không chế được sức mạnh của chúng. Do đó khi Chúa Giêsu trừ khử ma quỷ ám hại, chứng minh cho thấy Đức Giêsu chính là TC làm người.

- Cuối cùng Chúa Giêsu cũng cảnh báo những ai cố tình chối bỏ chân lý và chai lì trong sai lầm tội lỗi thì không thể được TC tha thứ, và cho biết đó chính là tội xúc phạm đến CTT. Chối bỏ chân lý cũng đồng nghĩa loại trừ Chúa Thánh Thần ra khỏi tâm hồn mình và bẻ cong Chân Lý.

Xin cho chúng ta biết can đảm loại trừ khỏi tâm hồn mầm móng của ganh tỵ, ghen ghét để có cái nhìn trong sáng mà nhận ra chân lý; đồng thời cũng biết can đảm sống và làm chứng cho chân lý theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Thứ ba: Cv 22, 3-16; Mc 16, 15-18

Kính thánh Phaolô, tông đồ trở lại.

Mỗi ngày có 24 giờ, trong đó có biết bao là thay đổi. Sự thay đổi số phận con người có khi cũng lắm bất ngờ. Hôm qua tội lỗi, hôm nay trở nên tốt lành; hôm qua nghèo khổ, hôm nay trở nên giàu sang, hôm qua đầy tớ, hôm nay là ông chủ…và có thể ngược lại. Vận mạng con người thay đổi cũng bởi nhiều lý do khác nhau: có khi do một lời nói, một ánh mắt, một nụ cười, một gương sáng, một lời cầu nguyện chân thành hay một biến cố vui buồn, thành công thất bại… nào đó xảy ra trong cuộc sống.

Sách Cv hôm nay thuật lại biến cố ngã ngựa bất ngờ, làm thay đổi cuộc đời của Sao-lô, nhờ gặp gỡ Đức Giêsu.

Sách Cv cho biết: Sao-lô, quê ở Tác xô, là người Do-thái trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do-thái và Hy Lạp. Vốn là một biệt phái nhiệt thành, Sao-lô thường đi lùng sục bắt bớ đạo Chúa, tham gia vào vụ giết thánh Tê-pha-nô. Sau khi nhận được thư giới thiệu của vị thượng tế, chàng trai Sao-lô hăng máu phóng ngựa như bay rong ruổi khắp các nẻo đường thành Đa-mát để truy bắt các Ki-tô hữu đem về Giê-ru-sa-lem trị tội. Hành động ấy Sao-lô xem là nhiệt thành với lề luật Do Thái giáo đúng như lời Chúa Giêsu đã nói:“Có lúc, những người bắt bớ các con, cứ tưởng rằng đó là việc tôn thờ Thiên Chúa”. (Ga.16, 2). Nhưng không ngờ đang lúc ông hăng máu phóng ngựa truy cùng, diệt tận các kitô hữu trên đường Đa-mat, bất ngờ một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông, khiến ông ngã xuống đất. Lúc đó ông nghe có tiếng nói: "Sa-un, Sa-un, tại sao người bắt bớ Ta?". Ông hỏi: "Thưa Ngài, Ngài là ai?". Người ấy đáp: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ". Nhưng không ai trông Chúa Giêsu. Sau đó Sao-lô được người ta đưa vào một căn nhà trong thành Đa-mát với tình trạng mắt ông bị mù. Tại đây Sao-lô được chữa lành đôi mắt và nhận lãnh Chúa Thánh Thần, nhờ việc đặt tay của Kha-na-ni-a, người môn đệ Chúa Giêsu sai đến.

Thế là sau ba ngày ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn uống được gì. Nay ông đứng dậy chịu phép rửa, rồi ăn uống và khỏe lại. Thế là đời ông được thay đổi từ đây!

Từ một con người trung thành với quan niệm duy Do Thái giáo, nay Phaolô lại thay đổi trở nên con người say mê Giêsu đến độ ngài nói: “kể từ khi tôi biết Đức Giêsu Phục Sinh, tôi coi mọi sự như phân bón. Kể từ khi biết Đức Giêsu, tôi coi mọi sự như thua lỗ bất lợi cả trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô Chúa tôi”. (Pl.3, 8-9).

Nếu trước đây Sao-lô tìm mọi cách để tiêu diệt những người theo Chúa Giêsu, thì nay Phao-lô lại hăng say rao giảng Tin mừng để đưa mọi người đến cùng Giêsu. Lòng nhiệt thành rao giảng Tin mừng của Chúa đã trở thành phương châm sống của ông: "khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng tin mừng". (1Cr 9,16) 

Trong cuộc đời chúng ta cũng vậy, lắm khi một biến cố, một dấu chỉ nào đó xảy ra làm ta cảm thấy khó chịu, đau đớn lòng, nhưng có khi đó lại chính lại là hồng ân đổi mới. Giúp chúng ta trưởng thành hơn trong đức tin và dạng dày hơn trong cuộc sống nhờ ơn ban của Chúa.

Xin Chúa cho con biết nhìn các biến cố bằng cặp mắt đức tin, để chúng con không ngã lòng, buông xuôi khi gặp thử thách, thất bại; Và xin cho chúng con cũng đừng bao giờ tự mãn khi thành công. Vì cuộc đời có lắm đổi thay!. 

Thứ tư: Lc 10, 1-9

Nhớ thánh Timôthê & thánh Titô, Giám mục.

- Ti-mô-thê sinh tại Lít-tra, ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ; cha là một người ngoại giáo, mẹ theo Do Thái giáo. Thánh Phaolô, trong chuyến truyền giáo lần thứ nhất, đã rửa tội cho Ti-mô-thê; từ đó Ti-mô-thê luôn theo Phaolô và trở thành cộng tác viên đắc lực cho thánh nhân. Cả khi Phaolô bị tù đày, Ti-mô-thê vẫn ở với ngài. Theo truyền thuyết, Ti-mô-thê là giám mục tiên khởi của giáo đoàn Êphêsô. Hai lá thơ Phaolô được đề tựa gửi cho ngài.

- Ti-tô là con của một gia đình hoàn toàn ngoại giáo. Trong Công vụ Tông đồ, Ti-tô không bao giờ được nhắc đến; nhưng trong các lá thơ, thánh Phaolô đều gọi ông Ti-tô là cộng tác viên. Phaolô đã rửa tội cho Ti-tô, đem theo lên Giêrusalem để dự Công đồng các Tông đồ. Phaolô đã trao cho Ti-tô nhiều trách vụ quan trọng. Theo truyền thuyết, thánh Phaolô đã đặt Ti-tô làm giám mục cho giáo đoàn Cờ-rê-ta.

Công đồng Vatican II khẳng định rõ rằng: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là truyền giáo” (Ecclesia peregrinans natura sua missionaria est, Ad gentes 2). Sẽ không còn là Giáo Hội nữa nếu như Giáo Hội không truyền giáo. Chính Chúa Giê-su, trước khi về cùng Thiên Chúa Cha, đã trao lại sứ mạng truyền giáo cho Giáo Hội qua các tông đồ:“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng”(Mc 16,15). Nhưng không phải đợi đến khi về trời, Chúa mới trao sứ mạng này cho các Tông Đồ, mà ngay khi còn ở tại thế, Chúa đã sai phái không chỉ 12 tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng mà Người còn chỉ định thêm 72 môn đệ nữa. 

Bài Tin Mừng hôm nay, tường thuật lại sự kiện Chúa Giê-su sai 72 môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng. Khi thi hành sứ vụ loan báo tin mừng, Chúa muốn các ngài phải đặt mối ưu tư truyền giáo lên hàng đầu, đừng quá bận tâm những chuyện vật chất khi truyền dạy: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép; cứ ăn những gì người ta dọn lên.”

Trải qua mọi thời, ở mọi nơi, Hội Thánh không ngừng thực hiện sứ mạng cao cả này. Từ 12 Tông Đồ và 72 môn đệ, nay Hội Thánh Chúa đã phát triển và lan rộng đến mọi nơi trên thế giới. Hội Thánh cũng muốn con cái của mình cùng thao thức và hành động cho sứ mạng truyền giáo.

Phải chăng truyền giáo là công việc của hàng giáo sỹ và những nhà chuyên môn? Không phải như thế! Mỗi người tín hữu, khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội đều được tham dự vào 3 chức vụ của Hội Thánh đó là: Ngôn Sứ, Tư Tế Và Vương Giả. Với chức vụ ngôn sứ, mỗi người tín hữu có nhiệm vụ và bổn phận phải truyền giáo tùy theo bậc sống và khả năng của mình.

Mục đích truyền giáo là giới thiệu Chúa cho mọi người, giúp mọi người tin vào Chúa và đón nhận ơn cứu độ. Là một tín hữu bình thường, chúng ta phải có sự hiểu biết sâu xa về Chúa qua việc không ngừng trau dồi kiến thức giáo lý và học hỏi Phúc âm. Vì làm sao ta có thể giới thiệu một người cho người khác nếu ta không hiểu không biết người đó là ai? Bên cạnh việc giới thiệu Chúa cho người khác, chúng ta còn phải làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày, đừng để đời sống của chúng ta phản chứng lại những gì chúng ta loan báo trên môi trên miệng. Vì ngày hôm nay người ta cần chứng nhân hơn thầy dạy, mặc dù thầy dạy cũng rất cần.

- Vậy trước tiên chúng ta can đảm tuyên xưng mình là người tin theo Chúa, đừng vì những lợi ích vật chất mà ta chối bỏ niềm tin của mình.

- Tiếp theo, chúng ta can đảm sống cho những giá trị Tin Mừng như: sự thật, công bằng, bác ái…mặc dù đôi lúc vì những giá trị này mà chúng ta phải chịu thiệt thòi, hiểu lầm.

- Cuối cùng chúng ta phải thực hành niềm tin của chúng ta. Làm sao người ta có thể tin có Chúa khi thấy một người Công Giáo không thực hành niềm tin và lòng bác ái. Có ai đó đã thốt lên “Tôi tin có đạo Công Giáo nhưng tôi không tin người Công Giáo” thật là đau lòng!

Vậy, mỗi người trong chúng ta hãy thao thức ưu tư về việc truyền giáo. Thao thức lo âu chưa đủ, Chúa muốn chúng ta hãy có những hành động cụ thể tùy theo bậc sống và khả năng của mỗi người theo gương 2 thánh Ti-mô-thê và Ti-tô mà GH hôm nay kính nhớ. Thánh Timôthê và Titô là môn đệ nổi tiếng gắn bó mật thiết và nhiệt thành cộng tác với thánh Phaolô trên các hành trỉnh loan báo Tin mừng cho dân ngoại. Cho dẫu bước đường rao giảng của các ngài gặp phải trăm ngàn thử thách gian khổ như lời Chúa Giêsu tiên báo :“Như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10,3). Nhưng các ngài đã vượt thắng tất cả nhờ sức mạnh của Chúa ban và đã chu toàn xuất sắc sứ mạng mà Chúa trao phó.

Xin cho chúng ta biết noi gương hai thánh Ti-mô-thê và Ti-tô can đảm hăng say chứng tá Tin mừng cho những người chung quanh chúng ta bằng lời nói và việc làm. Xin cho chúng ta biết ý thức:“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Lc 10, 2), để tích cực cộng tác với Hội Thánh trong sứ mạng truyền giáo với hết khả năng và sức lực của mình.

Thứ năm: Mc 4, 21-25

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nhắc chúng ta về bản chất và sứ mạng đích thực của người Kitô hữu. Ta hãy lắng nghe Lời Chúa chỉ dạy để chấn chỉnh lại đời sống của mình cho phù hợp với bản chất và sứ vụ mà Chúa muốn.

- Nếu bản chất của chiếc đèn là để thắp sáng, thì đức tin chính là bản chất của người kitô hữu. Vì chúng ta được gọi là "tín hữu".

- Còn nếu sứ mạng của chiếc đèn là chiếu giải ánh sáng cho mọi người nhìn thấy, thì sứ mạng của người kitô hữu là chiếu tỏa ánh sáng đức tin ấy cho mọi người nhìn thấy bằng những việc làm cụ thể. Vì "Đức tin không có việc làm là đức tin chết ". (Gc.2,17). Mà những việc làm cụ thể ấy chính là những việc lành. “Ánh sáng của anh em phải chiếu giải trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”.

Qua bí tích rửa tội, chúng ta được Chúa trao ban cho ánh sáng Đức tin và kêu mời chúng ta chiếu tỏ ánh sáng đó cho trần gian. Nhờ ánh sáng của những việc làm vì đức tin ta mới có thể đẩy lui được những bóng tối của gian dối, ghen ghét, hận thù, tranh chấp, chia rẽ, đau khổ và sự chết ta khỏi cuộc sống để nhường lại cho ánh sáng của yêu thương, tha thứ, bác ái, niềm vui và sự sống…

Nếu mỗi chúng ta tích cực thắp lên ánh sáng của đức tin thì bóng tối của sự dữ sẽ tan biến. Ngược lại nếu ta ích kỷ chỉ giữ lại ánh sáng cho riêng mình hay che đậy nó lại thỉ sẽ nguy hại cho ta và cho người nên Chúa Giêsu khuyến cáo chúng ta : “ai có sẽ được cho thêm, còn ai không có, cả điều mình tưởng có cũng bị lấy đi.”.

Xin Chúa củng cố Đức Tin nơi mỗi chúng con, hầu chúng con có thể can đảm thắp lên ngọn lửa đức tin ấy bằng những hành động yêu thương bác ái cụ thể cho tha nhân, để qua đó mà mọi người nhận ra Chúa và ngợi ca Danh Người.

Thứ sáu: Mc 4, 21-25

Nhớ thánh Tôma A-qui-nô, linh mục tiến sĩ Hội thánh.

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nhắc chúng ta về bản chất và sứ mạng đích thực của người Kitô hữu. Ta hãy lắng nghe Lời Chúa chỉ dạy để chấn chỉnh lại đời sống của mình cho phù hợp với bản chất và sứ vụ mà Chúa muốn.

- Nếu bản chất của chiếc đèn là để thắp sáng, thì đức tin chính là bản chất của người kitô hữu. Vì chúng ta được gọi là "tín hữu".

- Còn nếu sứ mạng của chiếc đèn là chiếu giải ánh sáng cho mọi người nhìn thấy, thì sứ mạng của người kitô hữu là chiếu tỏa ánh sáng đức tin ấy cho mọi người nhìn thấy bằng những việc làm cụ thể. Vì "Đức tin không có việc làm là đức tin chết " (Gc.2,17). Mà những việc làm cụ thể ấy chính là những việc lành. “Ánh sáng của anh em phải chiếu giải trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5, 16).

Qua bí tích rửa tội, chúng ta được Chúa trao ban cho ánh sáng Đức tin và kêu mời chúng ta chiếu tỏ ánh sáng đó cho trần gian. Nhờ ánh sáng của những việc làm vì đức tin ta mới có thể đẩy lui được những bóng tối của gian dối, ghen ghét, hận thù, tranh chấp, chia rẽ, đau khổ và sự chết ta khỏi cuộc sống để nhường lại cho ánh sáng của yêu thương, tha thứ, bác ái, niềm vui và sự sống…

Nếu mỗi chúng ta tích cực thắp lên ánh sáng của đức tin thì bóng tối của sự dữ sẽ tan biến. Ngược lại nếu ta ích kỷ chỉ giữ lại ánh sáng cho riêng mình hay che đậy nó lại thỉ sẽ nguy hại cho ta và cho người nên Chúa Giêsu khuyến cáo chúng ta : “Ai có sẽ được cho thêm, còn ai không có, cả điều mình tưởng có cũng bị lấy đi.” (Mt 13, 12).

Xin Chúa củng cố Đức Tin nơi mỗi chúng con, hầu chúng con có thể can đảm thắp lên ngọn lửa đức tin ấy bằng những hành động yêu thương bác ái cụ thể cho tha nhân, để qua đó mà mọi người nhận ra Chúa và ngợi ca danh Người.

Thứ bảy: Mc 4, 35-41

Bài Tin mừng hôm nay thì nêu lên những sóng gió mà các tông đồ gặp phải khi xuống thuyền sang bờ bên kia biển hồ trong đêm tối. Nhưng nhờ có Chúa Giêsu hiện diện sóng nước mới yên lặng, con thuyền được cập bến bình an.

Cuộc đời ta của chúng ta có lúc yên bình nhưng cũng có lúc sóng gió nổi lên khiến ta sợ hãi bất an.  Xin Chúa luôn ở bên để che chở, chấn an nhờ đó ta mới dễ dàng vượt qua sóng gió hiễm nguy của biển đời trần gian mà đạt đến bến bờ của an vui và hạnh phúc.

Suy niệm về bài tin mừng hôm nay, ta nhận ra rằng:

Các môn đệ chính là mỗi người chúng ta.

Con thuyền là hình ảnh của Giáo Hội.

Biển Hồ là hình ảnh trần gian.

Đêm tối, bảo tố, gió mạnh là những thử thách do ma quỷ gây nên.

Bờ bên kia là hạnh phúc nước trời mà con người cần vươn tới.

Cũng như các môn đệ xưa, chúng ta đã bước vào con thuyền của Giáo Hội khi lãnh nhận bí tích thánh tẩy. Cùng với con thuyền Giáo hội, chúng ta đang tiến bước trên biển đời trần gian.

Giống như con thuyền của các môn đệ bị những cơn sóng to, gió lớn đánh dữ dội, thì ở mọi thời, mọi nơi Giáo Hội cách chung, cách riêng mỗi chúng ta cũng đương đầu với những chống đối, những vu khống, bôi nhọ và loại trừ, do thế lực ma quỷ gây ra.

Có khi những bóng tối, những vết đen đáng tiếc xảy ra trong Giáo Hội cách chung hay những đau khổ, những thất bại và những bất hạnh xảy đến cho bản thân, làm cho ta dao động, mất hướng sống. Khi đó là lúc thuyền đời của ta đang đi trong đêm tối đức tin, đến nỗi ta muốn buông xuôi tất cả.

Quan trọng là Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi chúng ta khi gặp gian nan thử thách. Chính lúc đó, Chúa sẽ ra tay cứu giúp chúng ta, không để cho sóng gió nhận chìm chúng ta vì “Ơn Ta đủ cho con.” (2Cr 12, 9) Ngài vẫn ở bên Giáo Hội; Ngài luôn đồng hành và hiện diện bên mỗi người chúng ta. Ngài ban Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội và ban ơn trợ giúp chúng ta đủ sức lướt thắng mọi sóng to gió lớn và dìu bước chúng ta cập bến bình an, nếu chúng ta tin tưởng cậy trông phó thác vào quyền năng của Người.

Xin Chúa ban thêm lòng tin kiên vững nơi chúng con, để dù trong bất cứ hoàn cảnh thử thách nào, ngay cả những lúc bước đi trong đêm tối của đức tin, chúng con vẫn an tâm tiến bước trên biển đời. Xin Chúa luôn hiện diện và đồng hành với chúng con, để đưa dẫn chúng con đạt tới bến bờ bình an.

 

 

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN-NĂM B Kn 1,13-15; 2,23-24; 2Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43 Suy niệm 1: ...