Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

HỌ ĐẠO SAKEO KHÁM VÀ PHÁT THUỐC TỪ THIỆN

Nhân ngày mừng kính trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi (ngày 25-26, tháng 05 năm 2013), họ đạo Sakeo hân hạnh chào đón anh chị em Y-Bác sĩ thuộc nhóm bác ái Giêrado, bệnh việnTân Định, Sài Gòn đến khám và phát thuốc từ thiện cho bệnh nhân nghèo thuộc 2 Xã Thạnh Tân và Lâm Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng.
Vượt qua chặng đường trên 200km đường xe và trên 6km đường thủy, đoàn đã về đến họ đạo Sakeo vào lúc 13g00.
Sau khi nhanh chóng chào thăm cha sở và dùng cơm trưa đạm bạt cùng họ đạo; không cần nghỉ ngơi, anh chị em Y-Bác sĩ sẵn sàng bắt tay ngay vào việc khám chữa bệnh cho trên 400 bệnh nhân đang háo hứng chờ đợi từ sớm.
 Nhờ cha sở điều động và phân bố các phòng khám hợp lý, đoàn Y-Bác Sĩ đã thực hiện công việc khám và phát thuốc hết sức thuận tiện. Bà con cũng cảm thấy thoải mái, dễ chịu vì được sự hướng dẫn tận tình của nhân viên đưa đến các phòng khám. Tại các phòng khám bệnh nhân được các bác sĩ khám và chữa tri cách tận tình, vui vẻ.
Sau hai buổi khám và điều trị (chiều 25.05 và sáng 26.05) hết sức khẩn trương, đầy trách nhiệm. Đoàn đã khám và phát thuốc trên 750 lượt bệnh nhân. Trong  số đó có hai bé bị bệnh tim bẩm sinh và 36 trường hợp cần phải mổ mắt. Có lẽ một ngày không xa những bệnh nhân này sẽ có được niềm vui vì được chữa lành, nhờ sự giúp đỡ của nhóm bác ái Giêrado và sự quan tâm đặc biệt của cha sở.
Điều đáng chú ý những bệnh nhân được khám và điều trị lần này đa số là bà con lương dân, đặc biệt là anh chị em người dân tộc Khmer.
Việc khám chữa bệnh cho bà con nghèo trong những ngày này mang một ý nghĩa hết sức quan trọng.
1. Mừng kính Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm tình yêu-chi sẻ.
2. Tưởng niệm đến những hoạt động công khai, trong sứ mạng loan báo tin mừng của Chúa Giêsu. (phụng vụ mùa thường niên).
3. Đây cũng là việc làm có ý nghĩa rất lớn nhân dịp kết thúc tháng 05, tháng Hoa dân kính Đức Maria, người mẹ của mẫu gương yêu thương và phục vụ.
4. Nếu năm đức tin là năm mà Giáo Hội nhắc nhở con cái mình ý thức tìm hiểu, học hỏi, cũng cố, thực hành và loan truyền Đức Tin, thì việc khám và chữa bệnh cho những bà con nghèo lương dân nhất là đồng bào khmer là việc làm cụ thể hóa nhiệm vụ loan truyền đức tin có sức thuyết phục to lớn.
Xin chân thành cám ơn sự hy sinh và tình thương lớn lao mà cha sở và đoàn đã dành cho bà con nghèo trong vùng họ đạo Sakeo.
Tình thương ấy trước tiên được thể hiện nơi cha sở.
Rất thao thức trước bệnh tật là nổi bất hạnh của bà con trong vùng quê khó khăn, cha đã không ngại hy sinh vất vả đứng ra để mời gọi những y- bác sĩ về họ đạo khám bệnh. Rồi đứng ra tổ chức quy tụ bà con bệnh tật đến với mình nhằm giúp cho bà con được sự chăm sóc sức khỏe cần thiết.
Tình thương ấy còn được thể hiện nơi nhóm Y-Bác sĩ thuộc nhóm bác ái Giêrado.
Thứ bảy và Chúa Nhật là dịp nghĩ ngơi sau 1 tuần làm việc mệt nhọc, nhưng các Bác Sĩ, Y Sĩ,  Dược Sĩ đã không  ngại hy sinh niềm vui riêng của gia đình để chia sẻ niềm vui chung với các bệnh nhân nghèo, bằng cách nhiệt tâm chăm sóc sức khỏe cho bà con vùng quê. 
Với tình thương chia sẻ, đoàn đã sẵn sàng hy sinh nghỉ ngơi, ăn uống đạm bạt để tích cực khám bệnh-phát thuốc trong suốt 2 buổi hết sức là bận rộn.
Được biết, phần đông y- bác sĩ là anh chị em Lương dân. Tấm lòng quảng đại, tận tâm, nhiệt thành của anh chị em y-bác sĩ lương-giáo nói lên tình thương và sự hiệp thông sâu xa giữa những người có thiện tâm và có tình bác ái cao quý.
Việc làm của nhóm bác ái Giêrado như một minh chứng cho tình yêu mạnh mẻ không cần lời lẽ về một Thiên Chúa giàu lòng yêu thương. Quả vậy việc làm cao đẹp của anh chị em này như dòng nước mát chở nặng phù sa màu mở của tình yêu và ân sủng Thiên Chúa Ba Ngôi tuôn chảy đến các tâm hồn. Vì vậy đã đem lại niềm vui lớn lao cho nhiều người bất hạnh đau khổ.









Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013


LƯỢC SỬ HỌ ĐẠO SAKEO
ĐỊA DANH VÀ DÂN SỐ HỌ ĐẠO SAKEO

Họ đạo Sakeo trực thuộc hạt Sóc Trăng, Giáo Phận Cần Thơ.
Sakeo là tên một địa danh thuộc xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Cũng tại nơi đây, hạt giống  Đức Tin đầu tiên được gieo vãi. Trãi qua gần 100 năm nay (1924-2013), với biết bao thăng trầm, thay đổi, di dời, hạt giống bé nhỏ ấy đã nẩy mầm, âm thầm lớn lên và phát triển không ngừng, trở thành một cộng đoàn sống đức tin khá vững mạnh.
Sau nhiều lần di dời, hiện nay họ đạo nằm trên địa bàn của xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng .
Địa chính họ đạo bao gồm bốn xã: Thạnh Tân, Lâm Tân, Lâm Kiết, Tuân Tức, có 25 ấp. Tổng dân số khoảng 30.495 người. Trong đó có ba dân tộc: Kinh, Hoa và Khmer chung sống. Người dân tộc Khmer chiếm khá đông, khoảng trên 50 phần trăm.

GIÁO DÂN HỌ ĐẠO SAKEO
Giáo dân chủ yếu cư trú rãi rác trên địa bàn 2 xã Thạnh Tân và Lâm Tân.
Tổng số Giáo dân hiện nay khoảng 1.000, trên 300 hộ.
2 thầy Đại Chủng Sinh,1 thầy Dòng Đồng Công, 1 dự tu chủng viện và 1 đệ tử Dòng Con Đức Mẹ Cần Thơ.
Họ đạo được chia làm 9 khu, 4 giới (Gia Trưởng, Hiền Mẫu, Giới Trẻ và Thiếu Nhi). Ngoài ra, còn có các Hội đoàn như: Legio Maerie, hội bác ái và Thiếu Nhi Thánh Thể. Bên cạnh đó, còn có nhóm Giáo Lý Viên và Ca Đoàn, Lễ Sinh cùng với Ban Hội Đồng Giáo Xứ cộng tác tích cực với Cha sở trong các sinh hoạt của Họ đạo.

HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN HỌ ĐẠO
Trước năm 1924: Tại xóm kinh Cây Cóc. có một cái bến hơi phình ra giống như "bụng bà có bầu". Dân quen gọi là Bến Bầu, chỗ cho ghe, xuồng đậu lại buôn bán. "Bến Bầu" đó nay vẫn còn. Từ đó mang tên Bầu Còn. Tại đây, cha KÈN lập một Nhà Thờ bằng cây lá và tụ tập được 3 gia đình công giáo. Cha lấy tên địa danh làm tên gọi cho Nhà Thờ: Nhà Thờ SAKEO nguyên thuỷ.
Năm 1924 – 1935, Khi con kinh Cái Trầu  (là con kinh phía trước Nhà Thờ Sakeo hiện nay) múc xong, dân chúng bắt đầu tụ tập ra mé bờ kinh sinh sống và khẩn hoang lập nghiệp. Cách bờ kinh xáng khoảng 1km, cha Emmanuel Phan Thanh Hóa đã dựng lên một nhà thờ nằm ven con rạch được gọi là Rạch Cũ, nhánh của Rạch Chóc. Lúc này họ đạo có tên là Rạch Cũ.
Năm 1928 Nhà Thờ được di dời ra sát bờ kinh sáng và họ đạo đổi tên thành Rạch Chóc, gồm 32 gia đình Công Giáo.
 Năm 1938 cha Gioan Baotixita Hồ Thanh Biên từ Talok (Kampuchia) được thuyên chuyển về làm cha sở họ đạo Sakeo.
Đến năm 1945, giặc giã nổi lên, nhà thờ, nhà xứ bị đốt phá bình địa, ảnh tượng nát tan…cha con phải di tản vào kinh số II, thuộc khu vực rừng chàm. Thời kỳ lưu lạc rừng chàm, từ năm 1945-1948, cha con dựng nhà thờ, nhà xứ bằng cây lá. Đây là thời kỳ cực kỳ gian khổ. Vì hoàn cảnh cha và một số giáo dân theo cha vào rừng chàm xây dựng nhà thờ và sinh hoạt tôn giáo, một số khác lưu lạc qua những vùng bên cạnh như: Trà Cú, Mỹ Phước, Sóc Trăng.
Đến khoảng năm 1950, tình hình tương đối yên ổn, cha con trở về Sakeo xây dựng Nhà Thờ trên nên đất của ông bà cụ thân sinh cha Phêrô Nguyễn Văn Chính, (cha sở họ đạo Trà Rầm). Con số giáo dân trở về quê cũ, dĩ nhiên giảm sút vì đã quen nơi sinh sống và lập nghiệp rồi. Cũng may là khi trở về, cha con còn nh đem về được một quả chuông, quả chuông đó còn đang treo tại gác chuông đơn sơ hiện nay, họ đạo lúc này mang tên Bầu Còn.
Năm 1956, cha Tôma Lê Văn Hay được bổ nhiệm làm cha sở họ đạo, cha cùng với bà con giáo dân dựng lại Nhà Thờ, nhà xứ bằng vật liệu nhẹ trên nền Nhà Thờ mà cha Biên đã xây dựng.
 Cuối năm 1958 cha Phêrô Nguyễn Dư Khánh về nhậm chức cha sở Họ Đạo. Ngài đã điều đình và mua đứt miếng đất của con cháu Bà Ba Tỏ, để xây cất nhà Thờ, nhà xứ theo lối kiến trúc thật độc đáo. Năm 1961 thì hoàn thành Nhà Thờ. Sau đó 1962 nhà xứ và một ngôi trường cấp I, cũng được xây dựng.
Năm 1968, cha Laurensô Phạm Thanh Xuân về nhận nhiệm sở, là một linh mục trẻ, năng động, hăng say với việc mục vụ họ đạo. Cha tiếp tục trùng tu họ đạo và phát triển nhiều mặt đạo đời. Các sinh hoạt đoàn thể rất hăng hái, đặc biệt là phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Ngoài ra, cha còn lập thí điểm truyền giáo ở Phú Lộc ( 1971). Họ đạo lúc này mang tên là Tuân Tức, theo tên hành chánh địa phương.
Sau ngày 30-4-1975, cha Anrê Nguyễn Quang Toàn về nhận nhiệm sở mới. Thời gian này rất khó khăn về nhiều mặt. Hai bên đạo-đời chưa hiểu rõ nhau nên có những sự kiện đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên, họ đạo vẫn sinh hoạt bình thường, thánh lễ, giáo lý vẫn theo khuôn khổ quy định. Giáo dân đã lên tới 1.022 người, gồm 178 gia đình. Lúc này Sakeo lại phải đổi tên là họ đạo Tân Phước, vì Nhà Thờ, nhà xứ thuộc ấp Tân Phước, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Hậu Giang.
Đến tháng 4 năm 1991, cha Matthêu Hoàng Văn Lại được Đức Cha Emmanuel Lê Phong Thuận bổ nhiệm làm cha sở họ đạo thay thế cha Anrê. Cha sống rất đơn sơ và gần gủi với bà con cả lương lẫn giáo. Dân chúng cũng rất quý mến cha. Năm 1994 cha lâm bệnh nặng và đã qua đời.
  Sau khi cha Matthêu. Hoàng Văn Lại qua đời, năm 1995 Đức Cha Emmanuel bổ nhiệm cha Giuse Trần Đình Phượng  về làm cha sở họ đạo Sakeo.
Lúc này, các cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng. nhà thờ nứt nẻ, mối mọt và dột nát. Nhà xứ thì củ kỉ, chật hẹp nên cha cho sửa sang lại. Dù có cố gắng sửa lại nhưng vẫn không chắc chắn được.
Nhận thấy những khó khăn nhất định trong các sinh hoạt của họ đạo, nhiều lần Đức Cha Emmanuel tỏ ý muốn cha sở xây dựng lại nhà thờ.
Vâng theo ý Đức Cha, đầu năm 2006 cha sởcha phó Clémente Nguyễn Văn Lanh cùng với bà con giáo dân bắt tay vào việc xây dựng nhà thờ mới. Tuy nhiên, vì họ đạo còn nghèo, kinh phí xây dựng chủ yếu là do 2 cha đi xin các ân nhân giúp đỡ, và sau gần 5 năm xây dựng, nhà Chúa vẫn còn dở dang.
 Đầu năm 2011, cha Giuse Trần Đình Phượng nhận được bài sai về nhận nhiệm sở Họ đạo Ngan Rô. Cha phó Clémente Nguyễn Văn Lanh được Đức Cha bổ nhiệm làm cha sở Họ đạo. Thế là bao khó khăn, vất vã giờ chỉ còn một mình cha gánh vát. Cha cùng với bà con giáo dân tiếp tục công việc xây dựng nhà Chúa trong niềm tin tưởng và phó thác. Và đến hôm nay, sau gần 7 năm xây dựng ngôi Nhà Thờ mới đã được hoàn thành.
Tạ ơn Thiên Chúa ban cho chúng con những vị tiền nhân anh dũng, đã không quản ngại hy sinh để gieo rắc hạt giống tin mừng nơi mãnh đất Sakeo lắm chua mặn này.
Tạ ơn Chúa đã gìn giữ, che chở họ đạo đứng vững, tồn tại và phát triển cho đến hôm nay, dù phải trải qua bao cuộc bể dâu.
Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con có được ngôi nhà thờ mới khang trang như ngày hôm nay, sau gần một 100 năm mong ước.
Xin dâng lên Chúa niềm vui mừng lớn lao này của bà con họ đạo Sakeo chúng con.
Xin dâng lên Chúa với biết bao là mồ hôi công sức của tháng ngày qua.
Xin cảm tạ tình thương quang phòng của Chúa, và xin tri ân tình người đã trợ giúp, đỡ nâng.
Xin phó thác tương lai họ đạo vào bàn tay đầy yêu thương của Chúa Giêsu là Vua, bổn mạng họ đạo chúng con.

BÀI CÁM ƠN
THÁNH LỄ CUNG HIẾN VÀ KHÁNH THÀNH NHÀ THỜ SAKEO

 Trọng kính Đức Cha Stêphanô – Giám mục giáo phận Cần Thơ.
Kính thưa Cha Tổng đại diện, quý Cha quản hạt, quý cha, quý bề trên dòng tu, quý nam nữ tu sỹ, quý vị chính quyền, quý khách và toàn thể cộng đồng dân Chúa.
 Nhờ hồng ân Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ và thánh Giuse, sự quan tâm giúp đỡ của các Đấng bậc và mọi thành phần dân Chúa, ngôi thánh đường  Họ Đạo Sakeo sau gần 8 năm xây dựng (2006-2013), nay đã hoàn thành và long trọng cung hiến dâng cho Thiên Chúa.
 Trong ngày hồng phúc này, Đức Cha, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và mọi người đã hiệp ý với chúng con dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ ngợi khen từ sâu thẳm lòng mình.
Trãi qua bao sóng gió và những thử thách khắc nghiệt, Chúa vẫn quan phòng, yêu thương và gìn giữ họ đạo Chúng con trong vòng tay yêu thương của Người. Ngôi thánh đường được hoàn tất và cung hiến đã trở nên dấu chỉ sống động của tình thương Chúa dành cho chúng con. Ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương!
 Ngôi thánh đường Họ Đạo Sakeo có được như ngày hôm nay, cũng là do công ơn trời bể của các Đấng Bề Trên Giáo phận và quý vị ân nhân xa gần.

Chúng con nhớ tới Đức cố Giám mục Emmanuel, là người cha hiền, đã luôn canh cánh lo lắng cho họ đạo chúng con có được nơi thờ phượng xứng đáng, dù nguyện ước chưa thành, nhưng chắc chắn, khi đã về nhà Cha, ngài luôn nhớ và cầu nguyện cho chúng con.
 Chúng con tri ân Đức cha Stêphanô  Giám Mục Giáo Phận Cần Thơ đã dành sự quan tâm ưu ái đặc biệt, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất về tinh thần và vật chất để chúng con có thể tiếp tục xây dựng ngôi thánh đường mà từ lâu chúng con hằng mong ước.
 Đặc biệt, trong ngày trọng đại này, chúng con xin được bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới Đức cha. Với tấm lòng người cha và con tim mục tử, Đức cha đã thường xuyên  lo lắng, quan tâm, thăm hỏi, động viên khích lệ và trợ giúp để chúng con có thể hoàn thành ngôi thánh đường này. Và hôm nay, chính Đức cha đến để chủ sự nghi thức khánh thành và thánh lễ cung hiến. Công ơn to lớn của Đức Cha, chúng con xin ghi tạc trong lòng. Xin Chúa ban cho Đức cha sức khoẻ, ơn khôn ngoan để Đức cha hướng dẫn Giáo Phận sống đức tin mỗi ngày thêm vững mạnh hơn.

 Chúng con chân thành cảm ơn Cha Tổng đại diện, quý Cha Đồng Tế, quý cha bạn, quý bề trên các dòng tu, Quý Thầy, Quý Dì và mọi thành phần dân Chúa, đã luôn nhớ tới, cầu nguyện và nâng đỡ tinh thần – vật chất. Và hôm nay với tình thương mến họ đạo vùng quê nghèo, quý cha và quý vị lại hiện diện nơi đây để tham dự các nghi thức trong ngày hồng phúc của họ đạo chúng con. Cầu chúc quý cha, quý tu sĩ nam nữ lòng nhiệt tâm tông đồ để hăng say phục vụ dân Chúa và loan báo tin mừng.
 Chúng con chân thành cám ơn ông bà anh chị em cộng đoàn các Giáo xứ đã hết lòng tài trợ cho chúng con như; Giáo xứ Tân Đức, Tân Lộc, Giáo Xứ Ngọc Đồng, Giáo xứ Tân Mai, cộng đoàn giáo xứ Chánh Hưng, Giáo xứ Bình An, Xóm Chiếu, Vũng Tàu-Bà Rịa. Giáo xứ SócTrăng, Đại Hải, Trà Lồng, Bôna, Hậu Bối, Bạc Liêu,....và hôm nay quý vị không ngại đường xa trắc trở lại đến hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện và chia vui với chúng con. Cầu chúc các Giáo xứ luôn hiệp nhất và vững mạnh trong đức tin.
 Đặc biệt chúng con xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới cha sở cựu Giuse Trần Đình Phượng, cha Phêrô Chính, cha quản hạt Trà Lồng, quản Hạt Đại Hải, quản hạt Sóc Trăng, quản hạt Bạc Liêu, cha Antôn Đầy, cha Emmanuel Quận, cha Tuần bề trên dòng Gioan Tẩy Gỉả, cha chánh xứ Tân Mai, cha phụ tá Xóm Chiếu, cha sở họ đạo Vĩnh Lợi, quý cộng đoàn nữ tu Vĩnh Lợi, cộng đoàn nữ tu Họ đạo Cái Trầu, ......đã hết lòng trợ giúp.

Xin cám ơn công ty Mai Hoa đã tích cực hổ trợ vật tư xây dựng, gia đình thím bảy Tâm, công ty nước uống Tân Hiệp Phát, các anh chị em giáo xứ Bình An, chị em Phượng-Uyên ở Cannada, gia đình chị Thanh Trúc thuốc tây Phúc Lộc, gia đình Thím Thuyết,...cũng như các tập thể và cá nhân các quý vị ân nhân, thân nhân, bạn bè đã rộng lòng giúp đỡ để chúng con hoàn thành ngôi thánh đường này. Sự quan tâm trợ giúp của quý vị về tinh thần cũng như vật chất, nói lên tình đoàn kết yêu thương, sự hiệp thông trong Giáo Hội và tình liên đới Kitô giáo một cách sống động nhất. Xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho quý vị.

Chúng tôi chân thành cảm ơn các cấp chính quyền tỉnh Sóc Trăng, huyện Thạnh Trị, các xã lân cận đặc biệt hai xã Thạnh Tân và Lâm Tân, các ban ngành hữu quan, đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng và tổ chức lễ khánh thành ngôi thánh đường hôm nay. Chúc quý vị sức khoẻ và thành công   trong nhiệm vụ xây dựng quê hương, bảo vệ đất nước và thăng tiến con người.
Chúng tôi cũng chân thành cám ơn đại diện các tôn giáo bạn. Quý vị đại đức các chùa chung quanh đã đến chia sẻ niềm vui và chúc mừng nhân ngày lễ khánh thành hôm nay. Sự hiện diện của quý vị nói lên tình hiệp thông sâu xa. Kính chúc quý vị an vui và chu toàn tốt nhiệm vụ xây dựng và loan tryền tình yêu thương.
Chúng tôi cũng Chân thành cảm ơn các đơn vị thi công, giám sát, kỹ thuật, các tổ thợ, đặc biệt là cháu Vĩnh và cháu Tú, cháu Tạo, gia đình anh bảy Phương...đã không quản ngại hy sinh, chấp nhận chịu ăn ở khổ cực trong hoàn cảnh còn nhiều thiếu thốn, nhiệt thành trong việc xây dựng thánh đường.
 Xin trân trọng cảm ơn anh chị em giáo hữu từ các giáo xứ, ban, các hội trong cũng như ngoài Giáo Phận, đã tích cực giúp đỡ, cộng tác để họ đạo Sakeo có một ngày lễ được sốt sắng và thành công tốt đẹp.
 Xin Chúa Giêsu là vua (bổn mạng học đạo), nhờ lời chuyển cầu của mẹ Maria, thánh cả Giuse và cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ban xuống trên Đức cha, quý Cha, quý tu sĩ Nam nữ, quý đại biểu, quý khách, quý ân nhân và toàn thể cộng đoàn muôn ơn lành, sự bình an, hiệp nhất và yêu thương.
 Và chắc chắn trong công việc chuẩn bị ngày lễ hôm nay chúng con còn nhiều thiếu sót, chúng con rất mong được sự thông cảm và lượng thứ.
 Một lần nữa thay mặt cộng đoàn dân Chúa họ đạo Sakeo, chúng con xin chân thành cám ơn!

                                          
Thứ hai (Mc 10,17-27)
Có lẽ thao thức và khát vọng lớn nhất của con người là sự sống đời đời. Để được sự sống đời đời thì phải làm gì? Lời Chúa hôm nay sẽ giải đáp cho chúng ta biết được điều đó.

Trong  sách Giáo lý công giáo thường được chia thành 3 phần:
Tín lý (những điều phải tin).
Luân lý ( những điều phải giữ).
Bí tích (những điều phải sống).
Nhưng hình như những người không có tín ngưỡng cũng như đa số những người có tính ngưỡng của các tôn giáo khác chỉ chú trọng đến phần luân lý mà thiếu quan tâm đến vấn đề niềm tin và sống niềm tin, cho nên xảy ra những điều sai lạc trong luân lý.
Ngày hôm nay, nền luân lý Kitô giáo đề cập rất nhiều về Mục Đích và Phương Tiện trong đạo đức sinh học. Một hành vi được xem là tốt khi người ta dùng một phương tiện tốt để đạt đến mục đích tốt. Nếu thiếu đi một trong hai yếu tố này thì kể như hành vi đó chưa tốt.
Ví dụ: Con người không thể nhân danh mục đích giúp đỡ những người nghèo khó, mà đi cướp bóc của cải người giàu để chia cho người nghèo. Điều này sai luật luân lý. Hay vì nhằm mục đích giúp cho những người đau đớn vì chứng bệnh nan y được chết êm dịu mà dùng đến thuốc an tử kết thúc sự sống của họ. Đây quả là hành vi sai trái, tội lỗi.
Lý do vì chính Chúa là nguồn và là Đấng ban sự sống. Sự sống là do chính Thiên Chúa tác tạo, quyền quyết định sinh tử là bởi Thiên Chúa, con người không có quyền can thiệp vào sự sống-chết của con người.
Anh thanh niên trong bài tin mừng hôm nay mặc dù giàu có và xem ra đạo đức nhưng anh ta vẫn không an lòng.
Giữ luật lệ chính chắn cũng như nhiều của cải xem ra không bảo đảm cho hạnh phúc nước trời. Chính vì mục đích là nước trời đã làm cho anh ta phải thao thức.
Để đạt được mục đích tốt thì cần phải xử dụng phương tiện tốt . Nhưng anh ta cứ tưởng chăm chú giữ những luật lệ hay giàu có là đạt được nước trời. Nhưng anh ta thật sai lầm bởi lẽ những phương tiện đó nó lại không hợp với mục đích hạnh phúc nước trời.
Mục đích mà Chúa Giêsu chỉ cho anh ta biết đó là Tình Yêu, bởi chính Chúa là Tình Yêu. Có được Tình Yêu như Chúa thì giống Chúa, ở trong Chúa, nên một với Chúa. Mà giống Chúa, nên một với Chúa, ở trong Chúa thì là hạnh phúc nước trời.
Phương tiện Chúa Giêsu chỉ cho anh ta đạt đến mục đích không phải là tiền bạc, của cải, cũng không chỉ là tuân giữ chay cứng những luật lệ, nhưng phải là những việc làm thể hiện Tình yêu Chúa, yêu người. Yêu Chúa thì phải sống cậy trông phó thác vào Chúa chứ không phải là tiền bạc của cải. Nên Chúa bảo: “ hãy bán tấ cả …mà theo Ta”. Yêu người là phải biết rộng lượng chia sẻ với anh chị em, đặc biệt những người nghèo khó “hãy bán hết của cải mà bố thí cho người nghèo…”.
Lạy Chúa cả đời sống đạo là để được hạnh phúc nước trời, xin cho con biết phụng sự Chúa hết lòng vì tình yêu với niềm tin tưởng phó thác; cũng như biết quảng đại chia sẻ với anh chị em chúng con hết lòng với tình quý mến. Nhờ đó mà con có được hạnh hạnh phúc ở đời này và cả đời sau . Amen

Thứ ba. (Mc 10,28-31)
Con đường dẫn đến hạnh phúc quê trời không phải thoải mái, dễ dàng. Trái lại con đường ấy đầy chông gai và thử thách, đòi hỏi chúng ta phải nổ lực cố gắng hy sinh rất nhiều. Con đường đó cũng không hề ngắn ngủi, đến đích chỉ trong vòng một hai ngày, trái lại nó rất dài, đòi chúng ta phải kiên trì bước đi trong sự tốt lành từng giây phút và suốt cả đời ta.
Vì nhu cầu hưởng thụ vật chất mà ngày nay người ta có thể dùng mọi hình thức để kiếm tiền bất kể việc làm đó đúng hay sai, tốt hay xấu,chính đáng hay không chính đáng.
Một học sinh bỏ thời giờ, sức khoẻ, tiền của, tâm trí …cho việc học tập với mong muốn sau này mình có việc làm ổn định, đời sống thoải mái.
Một người nông dân suốt năm tháng vất vã gieo trồng với hy vọng được mùa bội thu, lợi nhuận kinh tế cao.
Người buôn bán cũng luôn mong mua may bán đắc, lời càng nhiều càng tốt.
Nhìn chung khi làm bất cứ việc gì điều đầu tiên mà ai cũng nhắm đến đó là phải có lợi, có lời.
Với suy nghĩ rất con người ấy, hôm nay tông đồ Phêrô cũng thưa với Chúa Giêsu: “chúng con bỏ mọi sự mà theo Thầy ?”, với ý là bỏ và theo Chúa thì có lợi gì?
Sau khi đưa ra một loạt những việc từ bỏ: cha mẹ, anh em, ruộng vườn, nhà cửa…Chúa Giêsu khẳng định sẽ trọng thưởng gấp trăm ngay ở đời này cộng với sự ngược đãi, nhất là được sự sống đời đời mai ngày.
Phần thưởng gấp trăm ở đây không có nghĩa là về số lượng con số. Nhưng phải hiểu theo nghĩa là sẽ nhận được những giá trị khác quý giá gấp trăm lần.
Ví dụ: Những người hiến thân trong bậc tu trì, khi chấp nhận rời xa cha mẹ, anh chị em ruột, khi đó họ lại gia nhập vào một cộng đoàn có rất nhiều người cha thiêng liêng và anh em cùng chí hướng. Gia đình này lớn hơn, thân thiết hơn, gắn bó hơn, yêu thương chia sẻ và giúp đỡ nhau nhiều hơn gia đình nhỏ bé cùng chung huyết thống chúng ta nữa.
Nhất là phần thưởng sự sống đời đời mai sau. Quả đây là phần thưởng vô cùng to lớn, không gì có thể đánh đổi được giá trị của  sự sống hạnh phúc đời sau.
Còn khi Chúa Giêsu nói “ kẻ đứng đầu sẽ nên sau chót, và kẻ sau chót sẽ lên đứng đầu”. Câu nói này, Chúa Giêsu muốn chúng ta đừng bao giờ ỉ lại, hay chểnh mảng trong nhiệm vụ nhưng phải luôn hy sinh cố gắng và kiên trì trên bước đường theo Chúa..
Lạy chúa, Ở đời tốt xấu trở như bàn tay. Có khi trước đây họ là người tội lỗi xấu xa, nhưng giờ họ lại ăn năn hối lỗi và có đời sống đạo đức tốt lành. Trái lại có những người trước đây là tốt lành thánh thiện nhưng giờ họ lại bê tha, tội lỗi, xấu xa. Xin cho chúng con luôn luôn biết tỉnh thức sẵn sàng trong bổn phận, để trong giờ Chúa đến chúng con phải là "kẻ trước hết" trong kiên trì, cố gắng hy sinh đi theo Chúa, sống hết mình vì tình yêu "như Chúa đã yêu".

Thứ tư (Mc 10, 32-45)
Danh dự con người không hệ tại ở chức cao quyền trọng, làm lớn hay nhỏ, nhưng hệ tại ở lòng khiêm tốn phục vụ lợi ích cho tha nhân. Đó là sứ điệp lời Chúa muốn gửi đến chúng ta qua bài tin mừng hôm nay .
Kiêu ngạo là tự cho mình hơn người, coi thường những người khác.
Ai cũng mến người khiêm nhường và ghét người kiêu ngạo, bởi lẽ hơn người thì kiêu mà kém người thì ghen. Đó là tâm lý của nhiều người.
Các môn đệ Chúa Giêsu, dù lâu nay theo Chúa, được dạy bảo và huấn luyện nhiều, nhưng trong đầu các ông vẫn còn mang nặng tính kiêu ngạo.
Vì kiêu ngạo mà các ông đã không ngần ngại tranh giành chức quyền, đang lúc Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Người.
Vì kiêu ngạo muốn hơn người, nên hai ông Giacôbê và Gioan đã xin Chúa Giêsu cho mỗi ông được ngồi bên hữu bên tả Chúa, nghĩa là muốn được địa vị cao, có vinh dự, được làm lớn và muốn người ta phục vụ mình  trong nước của Chúa khi Ngài lên làm vua Dân Do Thái.
Cũng vì kiêu ngạo mà những môn đệ khác sinh lòng ghen tị, khó chịu khi hai ông Giacôbê và Gioan xin được ngồi bên hữu bên tả Chúa.
Phấn đấu để được hiểu biết hơn, tài giỏi hơn, tốt lành hơn nhằm phục vụ lợi ích cho mình, cho người, cho xã hội và Giáo Hội là việc nên làm. Nhưng nổ lực tranh đấu để đứng đầu mọi người, để thống trị mọi người, để tạo uy thế cho mình, để được tư lợi và bắt mọi người phục vụ cho quyền lợi cá nhân quả là điều đáng lên án. Cũng đáng khiển trách đối với những ai khi thấy người khác tài giỏi hơn mình, tốt lành hơn mình, thành công hơn mình mà tỏ ra ghen tị, khó chịu, tức giận…vì đó cũng chính là những kẻ kiêu ngạo.
 Các môn đệ của Chúa Giêsu ngày xưa là thế, tự cao tự đại, ham mê chức quyền, say mê danh vọng… cũng vẫn ích kỉ hẹp hòi, ghen tị muốn hơn thua với nhau. Tất cả xuất phát từ tính kiêu ngạo.
Mà hậu quả của kiệu ngạo là không thể lường. Theo Kinh Thánh, thiên thần Luxiphe phản nghịch muốn có quyền năng bằng Đức Chúa Trời nên bị Ngài nguyền rủa và đày xuống hỏa ngục thành satan.
Adam và Eve khi nghe lời cám dỗ của Satan ăn trái Chúa cấm cũng là để có được sự tinh khôn và giống Thiên Chúa biết cả tốt xấu, hậu quả là đất mất hạnh phúc thiêng đàng.
Người kiêu ngạo chỉ thấy mình là tất cả, mình tài giỏi hơn, khôn ngoan hơn người khác, ý của mình luôn đúng, văn thơ mình luôn hay, họ không thấy trời cao đất rộng, như ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung.
Lạy chúa, Kiêu ngạo và ghen tị là hai tật xấu cản trở sự phát triển đời sống chúng con về mọi phương diện. Xin cho chúng con ý thức loại bỏ hai tật xấu này để sống hoà hợp, vui vẻ với nhau, cộng tác với nhau, đừng để con kiêu ngạo muốn hơn người, và cũng đừng để con phân bì, ghen tị khi thấy người khác hơn mình.

Thứ năm (Mc 10, 46-52)
Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chữa đôi mắt mù loà của anh chàng Bartimê được sáng, nhờ lời kêu xin tha thiết của anh ta: “ lạy ông Giêsu, con vua Đavít. Xin dủ lòng thương tôi” và “ xin cho tôi được sáng”.
Chúng ta cũng bắt chước anh mù này,  tha thiết  xin Chúa chữa đôi mắt tâm hồn chúng ta được sáng, để chúng ta nhận ra Chúa chính là Cứu Chúa chúng ta, nhận ra mọi người là anh em, nhất là nhận ra Chúa nơi những người nghèo khổ bất hạnh.
Anh mù rất đổi quen thuộc ở thành Giêricô, tên đích danh của anh ta ai mà không biết: Bác-ti-mê, con ông Ti-mê chẳng xa lạ gì. Bởi lẽ hằng ngày anh thường quanh quẩn nơi đó để xin ăn.
Mà đã mang kiếp cầm ca, thì có ai muốn đến gần, cho dẫu là người hát rong thì cũng chẳng ai muốn để ý làm gì cho vướng bận, tốn hao.
Vì quen nên nhàm. Do đó, chẳng ai muốn nhìn và cũng chẳng ai chịu nghe tiếng kêu xin của anh ta.
Nhưng người đời thường nói “có tật ,có tài”. Vì thế, cho dù mọi nguời xa tránh làm ngơ, nhưng anh ta biết Đức Giêsu quan tâm và yêu thương anh.
Dẫu mọi người hôm đó không nhận ra sứ mạng Thiên Sai của Ông Giêsu, nhưng bằng con mắt tâm hồn anh lại nhận ra sứ mạng bí mật Thiên Sai của Đức Giêsu. Vì vậy, anh ta đã không ngần ngại lớn tiếng kêu vang Người. “ Lạy ông Giêsu, con vua Đavit. Xin dủ lòng thương tôi”. Bằng cảm nhận trực giác, anh ta nhận ra quyền năng chữa lành nơi Đức . Nên dù bị cản ngăn, cấm đoán anh vẫn kêu xin thiết tha.
 Thật tinh tường, anh ta còn thấy nơi Đức Giêsu có một kho báu rất quý giá mà trần gian chẳng ai có, đó là quyền cứu chữa. Vì thế, anh ta không hề xin Người: tiền bạc, cơm gạo, bánh trái như mọi ngày, trái lại anh ta xin cho được sáng mắt : “ xin cho tôi được sáng”.
Nhờ nổ lực cảm nhận thế giới và con người bằng đôi mắt của tâm hồn, của đức tin và rồi nỗ lực hết sức mình để thực hiện điều cảm nhận đó, anh ta đã được Chúa đáp lời, cho anh ta được sáng mắt như lòng nguyện ước.
 Hằng ngày các môn đệ vẫn thấy, vẫn nghe Chúa Giêsu  nói, chứng kiến những việc Người làm, nhưng vì mơ tưởng địa vị cao sang, chức cao quyền trọng nên đôi mắt họ đã bị che mờ, không nhận ra sứ mạng Messia của Chúa Giêsu.
Cảm tạ ơn Chúa đã cho ta có được đôi mắt sáng ngời, để nhìn đời và để làm duyên. Xin cho chúng ta có được đôi mắt sáng tâm hồn để đừng bao giờ nhìn đời, nhìn người bằng ánh mắt (mang hình viên đạn) của vô tình, hửng hờ và khinh khi như đám đông và các môn đệ, nhưng biết nhìn đời bằng ánh mắt của cảm thông, yêu mến chân tình.
Xin cho ta cũng có được ánh sáng của niềm tin để đừng bao giờ hành xử vô duyên đối với nhau, nhất là đối với những người thiếu may mắn hơn mình bằng những hành vi ngăn cản, cấm đoán như đám dân xưa. Trái lại, xin cho chúng ta có những hành động thật đẹp, bằng những việc làm bác ái, bằng những hy sinh phục vụ quên mình khi anh chị em cần đến chúng ta. Nhất là đừng bao giờ có thái độ và hành vi ngăn cản những người yếu đuối, sa ngã đến với Chúa.

Thứ Sáu ( Lc 1, 39-56)
ĐỨC MARIA THĂM VIẾNG BÀ ELIZABETH
Sự kiện Đức Maria ra đi thăm viếng bà Elizabeth để lại cho chúng ta những bài học hết sức quý giá.
1. Bài học từ bỏ và hy sinh
Khi chấp nhận ra đi thăm viếng bà chị họ Elizebeth là Đức Maria đã sẵn sàng chấp nhận từ bỏ:
Bỏ mái ấm gia đình với những gì đang có, như sự yên hàn, những tiện nghi, dẫu là tiện nghi tối thiểu.
-  Bỏ lại những công việc gia đình hàng ngày và những thói quen nhỏ nhặt.
- Bỏ những bận tâm lo lắng cho bản thân và gia đình mình.
Từ bỏ những gì quen thuộc với mình là điều rất khó. Thế nhưng, nếu không dám từ bỏ thì không thể lên đường.
Sự cất bước lên lên đường của Đức Maria cần phải hy sinh.
- Hy sinh chổ ở thân quen, chổ nằm êm ấm cho dẫu là nhà tre vách lá, chiếu rách giường xiêu.
- Hy sinh mang lấy hành trang nặng nề trên vai gầy và tiến bước nặng nhọc đang lúc lòng mang dạ chữa.
- Hy sinh chịu gian lao thử thách để băng qua những vùng đồi núi, sa mạc, giữa bầu trời nắng gắt với bao là hiểm trở, đói khát dọc đường.
Đến với những nơi phồn hoa phố thị, vào với những biệt thự sang trọng, gặp gỡ những đại gia, được đón tiếp nồng hậu, được thết đãi bởi những bữa ăn cao lương mỹ vị đã là một hy sinh; huống chi ra đi đến những nơi đèo dốc hiểm trở, vào ở trong ngôi nhà nghèo nàn như nhà của Giacaria có lẽ chẳng ai muốn bao giờ. Hơn nữa đến viếng thăm gia đình của Giacaria chẳng được phục vụ chu đáo, trái lại Đức Maria còn phải lo lắng chăm sóc cho bà chủ nhà trong lúc sắp sinh nở quả là một hy sinh lớn lao.
Nhưng điều mà con người không muốn ấy thì Đức Maria lại thực hiện cách vội vàng "vội vả lên đường".
Động lực nào đã thúc đẩy Đức Maria ra đi thăm viếng bà Elizabeth? Nếu không phải là động lực của tình yêu. Chính tình yêu là động lực giúp cho Đức Maria sẵn sàng từ bỏ, chấp nhận hy sinh để ra đi thăm viếng và giúp đỡ người chị họ mình trong lúc khó khăn. Chính tình yêu thúc bách Đức Maria ra đi để chia sẻ niềm vui. Vui vì đang cưu mang Đấng Cứu Thế. Niềm vui ấy mong muốn được chia sẻ cùng người chị họ và cho gia đình Giacaria. Vui vì "có Chúa ở cùng".
2. Bài học của yêu thương phục vụ.
Không chỉ đơn thuần thăm viếng để chia sẻ niềm vui, Mẹ còn chấp nhận hy sinh thời giờ và công việc gia đình để ở lại với người chị họ, không phải một giờ hai giờ, một ngày hai ngày mà là suốt 3 tháng.
Ở lại không phải để được phục vụ, để sống trong cảnh nệm êm chăn ấm nhưng để giúp đỡ người chị họ đang mang thai và sinh con trong lúc tuổi già. Đức Maria "đến để phục vụ chứ không phải được phục vụ".
Ngày nay, thời đại văn minh, tiến bộ con người không còn nhiều thời gian thăm viếng nhau. Có chăng người ta chỉ thăm nhau bằng một cú điện thoại hay vài hàng chữ qua Emai, họa hiếm lắm người ta mới đến với nhau với tính cách xã giao, hời hợt.
Giữa cuộc sống bộn bề lo toan cơm áo gạo tiền, vất vả nhọc nhằn, việc đến thăm nhau chân tình là điều rất quý. Nhất là thăm viếng mục vụ lại là việc làm cao quý biết bao.
Thăm viếng một bệnh nhân để lắng nghe họ tâm sự cũng là góp phần chữa lành họ. Có mặt bên cạnh một một gia đình đang gặp chuyện bất hoà để chia sẻ nỗi niềm của họ cũng là góp phần hàn gắn gia đình họ trước nguy cơ rạn vỡ, thăm viếng những gia đình ngụi lạnh trong đạo thánh để hâm nóng lại tình yêu Chúa, cần thiết lắm thay. Thăm viếng những gia đình nghèo khổ, những bệnh nhân già yếu để chia sẻ, an ủi, động viên và cũng cố đức tin là nhiệm vụ hết sức quan trọng của đời kitô hữu....
Dĩ nhiên để làm được điều đó cần phải "có Chúa ở cùng", nhất là dám chấp nhận hy sinh từ bỏ, cũng như ý thức sống trong tinh thần phục vụ yêu thương chân thành theo gương Mẹ Maria. Xin Mẹ thương giúp chúng con.

Thứ Bảy (Mc 11,27-33)
Trong cuộc sống ngày nay, việc nhận ra được chân lý đã là khó, nói chi sống theo chân lý quả là không dễ chút nào.
Xin Chúa cho chúng ta có được đôi tai sâu lắng như Đức Maria, để chúng ta cũng có thể nhận ra lời chân lý từ Chúa. Và xin cho chúng ta có được sức mạnh nội tâm như Đức Maria, để can đảm sống theo lời chân lý của Chúa dạy.
Khi thấy đời sống độc thân-khiến tịnh của các linh mục, anh em chính quyền hay thắc mắc và đặt câu hỏi:
Làm sao các vị ấy có thể sống khiết tịnh được?
Nếu là người có thiện chí, thì lời giải thích của ta sẽ làm cho họ hiểu và dễ chấp nhận. Ngược lại, họ hỏi để đã kích, bôi nhọ, hạ bệ thì dù cho giải thích thề nào đi nữa thì cũng như không.
Sau khi Chúa đánh đuổi những người buôn bán, đổi tiền ra khỏi đền thờ. Các thượng tế, kinh sư và đầu mục thấy khó chịu muốn nhổ bỏ cái gai Giêsu ra khỏi mắt họ. Chính vì thế họ họp lại với nhau, bàn luận cách thế để hạ bệ  Đức Giêsu. Sau cuộc hội thảo, họ tóm kết lại thành hai câu hỏi để gài bẩy đẩy Chúa Giêsu vào con đường chết, đó là:
1.“ Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?
 2. Ai đã cho ông quyền đó để ông làm các điều ấy?”
Hai Câu hỏi trên không phải vì thiện chí muốn tìm hiểu sự thật, nhưng là để gài bẩy hạ bệ và tiêu diệt Đức Giêsu. Điều này không chỉ xảy ra một lần trong tin mừng mà ít nhất là ba lần.
Trước những câu hỏi nhằm tìm cách gài bẩy như thế này, Chúa Giêsu không hề trả lời trực tiếp? Vì nếu trả lời quyền ấy là do từ trời là sẽ lọt vào khung phạm luật cao nhất của thời bấy giờ. Còn nếu trả lời không biết, thì sẽ  đánh mất niềm tin của dân chúng. Đàng nào cũng nguy.
Nhưng “võ quít dày có móng tay nhọn”. Thay vì trả lời trực tiếp, Chúa đảo ngược tình thế nhằm đưa họ về chính cõi lòng, để tự vấn lương tâm bằng cách đặt câu hỏi ngược lại: “ Tôi xin hỏi các ông một điều, nếu các ông trả lời đúng thì tôi sẽ nói cho các ông biết, tôi lấy quyền ai mà làm việc đó. Vậy phép rửa của ông Gioan bởi Thiên Chúa hay bởi loài người?.”
Nếu họ trả lời phép rửa của Gioan bởi trời. Tại sao không tin Chúa?, vì chính Gioan làm chứng và loan báo về Đấng Cứu Thế là do Thiên Chúa sai đến và có uy quyền Thiên Chúa.
Còn nếu trả lời là do bởi người ta, thì sẽ gặp phản ứng của dân chúng, vì họ tin ông Gioan là ngôn sứ bởi trời đến để loan báo về Đấng Cứu Thế. Đàng nào cũng không được, nên họ chọn cách an toàn nhất là: “chúng tôi không biết” cho xong chuyện. Dù biết rõ nhưng phải dối lòng.
Xin cho chúng ta biết chân thành tìm kiếm sự thật đích thực. Đừng bao giờ vì quyền lợi hay thành kiến mà đóng chặt cửa lòng phủ nhận chân lý.
Xin cho chúng ta biết can đảm sống thành thật trong lời nói, ý tưởng và việc làm nhất là can đảm làm chứng cho chân lý.
Xin cho chúng ta cũng biết khiêm tốn nhận ra quyền năng Chúa hành động trong thế giới này và luôn tin tưởng vào uy quyền của Chúa. Amen.

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN-NĂM B Kn 1,13-15; 2,23-24; 2Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43 Suy niệm 1: ...