Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013


LƯỢC SỬ HỌ ĐẠO SAKEO
ĐỊA DANH VÀ DÂN SỐ HỌ ĐẠO SAKEO

Họ đạo Sakeo trực thuộc hạt Sóc Trăng, Giáo Phận Cần Thơ.
Sakeo là tên một địa danh thuộc xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Cũng tại nơi đây, hạt giống  Đức Tin đầu tiên được gieo vãi. Trãi qua gần 100 năm nay (1924-2013), với biết bao thăng trầm, thay đổi, di dời, hạt giống bé nhỏ ấy đã nẩy mầm, âm thầm lớn lên và phát triển không ngừng, trở thành một cộng đoàn sống đức tin khá vững mạnh.
Sau nhiều lần di dời, hiện nay họ đạo nằm trên địa bàn của xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng .
Địa chính họ đạo bao gồm bốn xã: Thạnh Tân, Lâm Tân, Lâm Kiết, Tuân Tức, có 25 ấp. Tổng dân số khoảng 30.495 người. Trong đó có ba dân tộc: Kinh, Hoa và Khmer chung sống. Người dân tộc Khmer chiếm khá đông, khoảng trên 50 phần trăm.

GIÁO DÂN HỌ ĐẠO SAKEO
Giáo dân chủ yếu cư trú rãi rác trên địa bàn 2 xã Thạnh Tân và Lâm Tân.
Tổng số Giáo dân hiện nay khoảng 1.000, trên 300 hộ.
2 thầy Đại Chủng Sinh,1 thầy Dòng Đồng Công, 1 dự tu chủng viện và 1 đệ tử Dòng Con Đức Mẹ Cần Thơ.
Họ đạo được chia làm 9 khu, 4 giới (Gia Trưởng, Hiền Mẫu, Giới Trẻ và Thiếu Nhi). Ngoài ra, còn có các Hội đoàn như: Legio Maerie, hội bác ái và Thiếu Nhi Thánh Thể. Bên cạnh đó, còn có nhóm Giáo Lý Viên và Ca Đoàn, Lễ Sinh cùng với Ban Hội Đồng Giáo Xứ cộng tác tích cực với Cha sở trong các sinh hoạt của Họ đạo.

HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN HỌ ĐẠO
Trước năm 1924: Tại xóm kinh Cây Cóc. có một cái bến hơi phình ra giống như "bụng bà có bầu". Dân quen gọi là Bến Bầu, chỗ cho ghe, xuồng đậu lại buôn bán. "Bến Bầu" đó nay vẫn còn. Từ đó mang tên Bầu Còn. Tại đây, cha KÈN lập một Nhà Thờ bằng cây lá và tụ tập được 3 gia đình công giáo. Cha lấy tên địa danh làm tên gọi cho Nhà Thờ: Nhà Thờ SAKEO nguyên thuỷ.
Năm 1924 – 1935, Khi con kinh Cái Trầu  (là con kinh phía trước Nhà Thờ Sakeo hiện nay) múc xong, dân chúng bắt đầu tụ tập ra mé bờ kinh sinh sống và khẩn hoang lập nghiệp. Cách bờ kinh xáng khoảng 1km, cha Emmanuel Phan Thanh Hóa đã dựng lên một nhà thờ nằm ven con rạch được gọi là Rạch Cũ, nhánh của Rạch Chóc. Lúc này họ đạo có tên là Rạch Cũ.
Năm 1928 Nhà Thờ được di dời ra sát bờ kinh sáng và họ đạo đổi tên thành Rạch Chóc, gồm 32 gia đình Công Giáo.
 Năm 1938 cha Gioan Baotixita Hồ Thanh Biên từ Talok (Kampuchia) được thuyên chuyển về làm cha sở họ đạo Sakeo.
Đến năm 1945, giặc giã nổi lên, nhà thờ, nhà xứ bị đốt phá bình địa, ảnh tượng nát tan…cha con phải di tản vào kinh số II, thuộc khu vực rừng chàm. Thời kỳ lưu lạc rừng chàm, từ năm 1945-1948, cha con dựng nhà thờ, nhà xứ bằng cây lá. Đây là thời kỳ cực kỳ gian khổ. Vì hoàn cảnh cha và một số giáo dân theo cha vào rừng chàm xây dựng nhà thờ và sinh hoạt tôn giáo, một số khác lưu lạc qua những vùng bên cạnh như: Trà Cú, Mỹ Phước, Sóc Trăng.
Đến khoảng năm 1950, tình hình tương đối yên ổn, cha con trở về Sakeo xây dựng Nhà Thờ trên nên đất của ông bà cụ thân sinh cha Phêrô Nguyễn Văn Chính, (cha sở họ đạo Trà Rầm). Con số giáo dân trở về quê cũ, dĩ nhiên giảm sút vì đã quen nơi sinh sống và lập nghiệp rồi. Cũng may là khi trở về, cha con còn nh đem về được một quả chuông, quả chuông đó còn đang treo tại gác chuông đơn sơ hiện nay, họ đạo lúc này mang tên Bầu Còn.
Năm 1956, cha Tôma Lê Văn Hay được bổ nhiệm làm cha sở họ đạo, cha cùng với bà con giáo dân dựng lại Nhà Thờ, nhà xứ bằng vật liệu nhẹ trên nền Nhà Thờ mà cha Biên đã xây dựng.
 Cuối năm 1958 cha Phêrô Nguyễn Dư Khánh về nhậm chức cha sở Họ Đạo. Ngài đã điều đình và mua đứt miếng đất của con cháu Bà Ba Tỏ, để xây cất nhà Thờ, nhà xứ theo lối kiến trúc thật độc đáo. Năm 1961 thì hoàn thành Nhà Thờ. Sau đó 1962 nhà xứ và một ngôi trường cấp I, cũng được xây dựng.
Năm 1968, cha Laurensô Phạm Thanh Xuân về nhận nhiệm sở, là một linh mục trẻ, năng động, hăng say với việc mục vụ họ đạo. Cha tiếp tục trùng tu họ đạo và phát triển nhiều mặt đạo đời. Các sinh hoạt đoàn thể rất hăng hái, đặc biệt là phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Ngoài ra, cha còn lập thí điểm truyền giáo ở Phú Lộc ( 1971). Họ đạo lúc này mang tên là Tuân Tức, theo tên hành chánh địa phương.
Sau ngày 30-4-1975, cha Anrê Nguyễn Quang Toàn về nhận nhiệm sở mới. Thời gian này rất khó khăn về nhiều mặt. Hai bên đạo-đời chưa hiểu rõ nhau nên có những sự kiện đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên, họ đạo vẫn sinh hoạt bình thường, thánh lễ, giáo lý vẫn theo khuôn khổ quy định. Giáo dân đã lên tới 1.022 người, gồm 178 gia đình. Lúc này Sakeo lại phải đổi tên là họ đạo Tân Phước, vì Nhà Thờ, nhà xứ thuộc ấp Tân Phước, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Hậu Giang.
Đến tháng 4 năm 1991, cha Matthêu Hoàng Văn Lại được Đức Cha Emmanuel Lê Phong Thuận bổ nhiệm làm cha sở họ đạo thay thế cha Anrê. Cha sống rất đơn sơ và gần gủi với bà con cả lương lẫn giáo. Dân chúng cũng rất quý mến cha. Năm 1994 cha lâm bệnh nặng và đã qua đời.
  Sau khi cha Matthêu. Hoàng Văn Lại qua đời, năm 1995 Đức Cha Emmanuel bổ nhiệm cha Giuse Trần Đình Phượng  về làm cha sở họ đạo Sakeo.
Lúc này, các cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng. nhà thờ nứt nẻ, mối mọt và dột nát. Nhà xứ thì củ kỉ, chật hẹp nên cha cho sửa sang lại. Dù có cố gắng sửa lại nhưng vẫn không chắc chắn được.
Nhận thấy những khó khăn nhất định trong các sinh hoạt của họ đạo, nhiều lần Đức Cha Emmanuel tỏ ý muốn cha sở xây dựng lại nhà thờ.
Vâng theo ý Đức Cha, đầu năm 2006 cha sởcha phó Clémente Nguyễn Văn Lanh cùng với bà con giáo dân bắt tay vào việc xây dựng nhà thờ mới. Tuy nhiên, vì họ đạo còn nghèo, kinh phí xây dựng chủ yếu là do 2 cha đi xin các ân nhân giúp đỡ, và sau gần 5 năm xây dựng, nhà Chúa vẫn còn dở dang.
 Đầu năm 2011, cha Giuse Trần Đình Phượng nhận được bài sai về nhận nhiệm sở Họ đạo Ngan Rô. Cha phó Clémente Nguyễn Văn Lanh được Đức Cha bổ nhiệm làm cha sở Họ đạo. Thế là bao khó khăn, vất vã giờ chỉ còn một mình cha gánh vát. Cha cùng với bà con giáo dân tiếp tục công việc xây dựng nhà Chúa trong niềm tin tưởng và phó thác. Và đến hôm nay, sau gần 7 năm xây dựng ngôi Nhà Thờ mới đã được hoàn thành.
Tạ ơn Thiên Chúa ban cho chúng con những vị tiền nhân anh dũng, đã không quản ngại hy sinh để gieo rắc hạt giống tin mừng nơi mãnh đất Sakeo lắm chua mặn này.
Tạ ơn Chúa đã gìn giữ, che chở họ đạo đứng vững, tồn tại và phát triển cho đến hôm nay, dù phải trải qua bao cuộc bể dâu.
Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con có được ngôi nhà thờ mới khang trang như ngày hôm nay, sau gần một 100 năm mong ước.
Xin dâng lên Chúa niềm vui mừng lớn lao này của bà con họ đạo Sakeo chúng con.
Xin dâng lên Chúa với biết bao là mồ hôi công sức của tháng ngày qua.
Xin cảm tạ tình thương quang phòng của Chúa, và xin tri ân tình người đã trợ giúp, đỡ nâng.
Xin phó thác tương lai họ đạo vào bàn tay đầy yêu thương của Chúa Giêsu là Vua, bổn mạng họ đạo chúng con.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...