Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

GIÁNG SINH NƠI HỌ ĐẠO VÙNG QUÊ

Hòa trong bầu khí tưng bừng của ngày lễ mừng Chúa Giáng Sinh trong đêm nay, tôi xin trân trọng gửi lời chào thân thương và nồng ấm đến tất cả mọi người; đặc biệt là quý ông bà và anh chị em không cùng niềm tin công giáo. Nguyện chúc tất cả quý vị Giáng sinh thật vui tươi và an lành trong tình yêu của Chúa Hài Đồng Giêsu!
Lễ Giáng sinh ngày nay không còn dành riêng cho người Kitô hữu nữa, mà là dành cho hết mọi người. Nhưng với những người Kitô hữu, chúng ta đừng để lễ Giáng sinh trở thành một ngày lễ hội thuần túy mang tính xã hội hóa; trái lại chúng ta phải luôn ý thức lễ Giáng Sinh còn là ngày lễ mang tính chất của niềm tin tôn giáo của người công giáo chúng ta .
Chính vì thế mà đêm nay Họ đạo chúng ta tổ chức đêm diễn nguyện mừng Chúa Giáng Sinh, không nhằm để trình diễn sắc đẹp, giọng hát...nặng về kĩ thuật biểu diễn, nhưng tất cả chỉ nhằm để diễn tả lại phần nào lịch sử ơn cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa dành nhân loại chúng ta. Mà đỉnh cao của tình thương ấy là biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Sinh làm người để  ở cùng chúng ta.
Đêm nay còn được gọi là đêm của hồng phúc. Bởi nơi Hài Nhi Giêsu trời đất được kết nối, Thiên Chúa và con người được gặp nhau, tình yêu đất trời được nở hoa. Nơi Đức Giêsu mà ơn phúc của TC tuôn tràn lai láng trên nhân trần... Nên đêm nay là đêm huyền nhiệm tình yêu. Vì là huyền nhiệm nên chúng ta không thể suy thấu được. Chỉ có tình yêu mới phần nào giúp ta cảm nhận được hai chữ huyền nhiệm, "huyền nhiệm Tình yêu". Ôi tình yêu Chúa thật huyền nhiệm!.
Chỉ vì yêu mà: từ một vị TC trên cao lại sẵn sàng giáng xuống thấp để được gần gũi với chúng ta; từ một TC giàu sang lại trở nên nghèo khó; từ một vị TC uy quyền lại hạ sinh trong thân phận hài nhi Giêsu bé nhỏ, mỏng manh và yếu đuối để chấp nhận lệ thuộc vào con người; từ một TC thánh thiện tốt lành vô cùng lại chấp nhận mang lấy thân phận yếu đuối của kiếp người; từ một vị TC sáng tạo nên sự sống lại chấp nhận đón nhận cái chết đau thương thay cho chúng ta đáng phải chết.
Đúng như lời của thánh Phaolô gửi cho tín hữu Philipphê đã xác quyết: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8).
Vì vậy nên đêm diễn nguyện canh thức giáng sinh này chỉ nhằm mục đích diễn tả lại chương trình cứu độ kì diệu đầy yêu thương của TC dành cho nhân loại chúng ta. Để qua đó giúp chúng ta cảm nhận sâu xa hơn về tình yêu của Thiên Chúa. Từ đó ta sống xứng đáng hơn với tình yêu của Người.

Xin cho ánh sáng huyền nhiệm của Ngôi Lời nhập thể chiếu sáng vào mọi tâm hồn, đặc biệt được lan tỏa đến mọi gia đình, nhất là những gia đình đang gặp khó khăn. Để nhờ ánh sáng của Chúa xua tan hết mọi bóng tối còn che phủ nơi gia đình, ngõ hầu ánh sáng tình yêu Giáng Sinh của Chúa sưởi ấm mọi tâm hồn và dẫn lối đưa đường cho mọi gia đình tiến bước trên con đường ngay chính mà đạt đến bến bờ của bình an và hạnh phúc.















Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
(Từ 31/12/2018 đến 05/01/2019)

Thứ hai, ngày 31/12: 1Ga 2, 18-21
Bài đọc I, Thánh Gioan đề cập đến những kẻ Phản-Kitô và ý thức chúng ta đề phòng họ. Những kẻ phản Kitô không ở đâu xa, nhưng ở rất gần chúng ta và ngay trong hàng ngũ của chúng ta.
Trãi qua hơn 2000 năm chưa bao giờ Gíao Hội được bình yên, bởi lúc nào và ở đâu cũng có sự chống đối do những kẻ phản Kitô gây ra. Có khi dữ dội bằng những hình thức cấm cách và giết hại những người tin theo Chúa Kitô; có khi ngấm ngầm đả phá bằng những tư tưởng sai lạc chối bỏ Thiên Chúa; có lúc dùng tiền của , danh lợi, lạc thú mua chuộc hầu làm cho ta xao lãng đời sống đạo… Bởi thế mà Chúa Giêsu đã chẳng cảnh báo chúng ta: "Thầy đến không phải để đem hòa bình nhưng là chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng" (Lc 12,52-53). " Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát" (Mt 10, 22).
Xin cho chúng ta luôn đặt trọn niềm tin vào Đức Kitô bằng cách chống lại mọi hình thức đi ngược lại với lời dạy của Chúa và can đảm khướt từ mọi lời mời gọi đường mật của thế gian làm nguy hại đến đức tin của chúng ta.


Suy niệm 2:
Sống trong xã hội vàng thau lẫn lộn, con người không còn khả năng phân biệt đúng sai, tốt xấu, thật giả…vì thế, hơn bao giờ hết con người ngày hôm nay cần có ánh sáng thật soi đường, chỉ lối. Chúa Kitô là ánh sáng thật, Ngài đến trần gian để soi đường chỉ lối. Xin cho chúng ta tin nhận và sống theo sự hướng dẫn của Ngài.
Ánh sáng là chủ đề tài nổi bậc trong tin mừng. Ngay những trang đầu của Tin mừng, thánh Gioan đã cho biết Chúa Giêsu chính là “ánh sáng, ánh sáng thật, ánh sáng đến trần gian và chiếu soi mọi người”.
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tự xưng mình là ánh sáng thế gian và Ngài mời gọi con người đi trong ánh sáng của Ngài.
Từ hai ngàn năm qua, Ngôi Lời Thiên Chúa đã chiếu ánh sáng Thiên Chúa vào trần gian. Người mang lửa xuống trần gian. Người mong ước cho ngọn lửa ấy cháy bừng lên, lan rộng ra. Nhưng nhìn vào tình hình thế giới hôm nay, ta thấy bóng tối vẫn còn vây phủ con người.
 Bóng tối chết chóc của chiến tranh, hận thù, của ô nhiễm môi trường, của đói nghèo, áp bức, phân biệt chủng tộc, của nền văn hóa sự chết giết hại cả những mầm mống sự sống.
Bóng tối tội lỗi. Tội lỗi vẫn tiếp tục lan tràn. Sự dữ nổi lên dưới nhiều hình thức khác nhau. Nguy hiểm nhất là người ta đánh mất cảm thức về tội lỗi, thản nhiên sống trong tội, sống chung với tội lỗi.
Bóng tối của hận thù ghen ghét. Trong thế giới văn minh mà con người hô hào hôm nay, vẫn còn có những người say máu giết hại đồng bào của mình, gây nên tội ác diệt chủng. Vẫn có những thế lực đen tối ngấm ngầm gây chia rẽ giữa các quốc gia, dân tộc, giữa các cộng đoàn, hội thánh...
Sống trong xã hội tràn ngập bóng tối của sự chết, của tội lỗi và hận thù…như thế, Chúa Giêsu không ngừng mời gọi chúng ta phải chiếu giãi ánh sáng của công lý, hòa bình, yêu thương, tha thứ… ra trước mặt mọi người “Các con là ánh sáng thế gian”.
Ngày nhận lãnh bí tích rửa tội, Giáo Hội trao cho ta cây nến sáng để nhắc nhớ chúng ta hãy gìn giữ ngọn nến ấy luôn cháy sáng mãi trong suốt cuộc đời. Cây nến phục sinh mà người kitô hữu chúng ta thắp lên trong đêm lễ phục sinh nhắc nhở chúng ta nhiệm vụ mang ánh sáng Chúa Kitô chia sẻ cho mọi người chung quanh.

Xin Chúa giúp chúng ta tẩy sạch mọi bóng tối tội lỗi nơi tâm hồn, để thực sự được sinh lại trong sáng của Đức Giê-su. Trở nên con cái sự sáng bằng đời sống tươi vui, an hoà, khiêm nhường, nhịn nhục, yêu thương, đoàn kết với mọi người. 

Thứ ba, ngày 1/1: Ds 6: 22-27; Lc 2: 16-21
Lễ Mẹ Thiên Chúa
Trong ngày đầu năm mới, ai trong chúng ta cũng mong ước và cầu chúc cho nhau những điều tốt lành. Nhưng suy cho cùng những mong ước ấy chỉ là những ước mong.  Bởi lẽ những điều ấy không do chúng ta sở hữu, nhưng là Thiên Chúa, đấng là cội nguồn của mọi phúc lành. Con người chúng ta chỉ là trung gian, là khí cụ Chúa dùng để chuyển tải những phúc lành của Chúa đến cho nhau mà thôi. Thế  nên trong bài đọc 1, trích sách Dân số, Thiên Chúa đã chỉ dạy cho A-ha-ron phải biết cách chúc lành cho dân như thế nào. Đó là phải nhân danh Chúa mà chúc. “Xin Thiên Chúa tươi nét mặt nhìn đến và dủ lòng thương. Xin Chúa ghé mắt nhìn đến và ban bình an”.
Nếu khi xưa Chúa đã nhờ ông A-ha-ron thay mặt Chúa để chúc lành cho dân Do Thái, thì với mầu nhiệm con Chúa Gíang Sinh làm người. Thiên Chúa lại mời gọi Đức Maria thay mặt Chúa để trao ban phúc lành của Chúa đến cho nhân loại, qua việc cưu mang và hạ sinh Đấng Cứu Thế, nguồn mọi phúc lành.
Chính nơi Đấng Cứu Thế là Đức Giêsu Kitô mà mọi ơn phúc của Thiên Chúa tuôn tràn trên chúng ta. Ơn giải thoát khỏi tội lỗi, ơn làm con cái Chúa, ơn nhận lãnh Thánh Thần…(x. bài đọc 2).  Đó chính là phúc lành viên mãn mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại chúng ta.
Ngày đầu năm không gì quý hơn là chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì yêu đã nhận chúng ta làm con và cho chúng ta được gọi Ngài bằng Cha.
Chúng ta tạ ơn Chúa chỉ vì tình yêu đã sẵn sàng ban chính con của Ngài là Chúa Giêsu cho chúng ta. 
Chúng ta cũng tạ ơn Chúa đã trao ban Chúa Thánh Thần để hướng dẫn, soi sáng và ban sức mạnh hồn xác trên chúng ta.
Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì đã ban cho chúng ta người Mẹ tuyệt vời là Đức Maria. Một người Mẹ luôn sống đời đơn sơ, trong sáng, khiêm nhường. Một người Mẹ luôn quy phục và vâng nghe thánh ý Chúa với niềm tin và phó thác trọn vẹn. Một người Mẹ cao sang và uy quyền, nhưng cũng đầy lòng yêu thương con cái trần gian.
Xin Mẹ cho chúng con biết mở lòng đón nhận phúc lành của Chúa nhân ngày đầu năm này và xin cho đoàn con Mẹ luôn biết sống theo gương Mẹ qua việc ghi nhớ và thực thi Lời Chúa trong năm mới này, để lòng Mẹ được an vui vì đoàn con thân yêu.

Thứ tư, ngày 2/12: 1Ga 2, 22-28
Lời Chúa trong bài đọc 1 hôm nay, thánh Gioan tiếp tục cảnh tỉnh các kitô hữu hãy đề phòng những kẻ phản Kitô. Nhưng làm thế nào ta phân biệt ai là những kẻ phản Kitô? Thánh Gioan cho biết chính Chúa Thánh Thần sẽ giúp ta, vì ta được nhận dầu của Ngài. Chúa Thánh thần là thần chân lý và sự thật nên những ai sống theo sự thật và chân lý, kẻ ấy thuộc về Đức kitô. Còn ngược lại những ai sống giả dối và bất chính thì kẻ ấy chính là những kẻ phản Kitô.
Để phân biệt đâu là người thật đâu là kẻ gian dối không dễ, nhất là trong xã hội ngày hôm nay. Vì xã hội càng phát triển thì nạn lừa đảo càng tinh vi. Ngày hôm nay không chỉ người ta mượn danh công an giả, cán bộ giả, thầy tu giả…  để lừa gạt thiên hạ, ẵm về cho mình những món tiền lớn và những lợi nhuận kếch xù. Người ta cũng sẵn sàng mượn tạm danh nghĩa, chức vụ, tổ chức giả để vận động gây quỹ từ thiện nhằm móc túi những nhà hảo tâm.
Không chỉ họ lừa tiền, lừa tình mà còn lừa cả về lý tưởng sống nữa. Thật là đáng sợ! Họ là những kẻ nghĩ thế này, nói thế kia, nói một đàng làm quàng một nẻo. Tư tưởng không đi đôi với lời nói, còn lời nói thì không đi đôi với việc làm. Đúng như lời Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh chúng ta : “Họ là những ngôn sứ giả đội lốt chiên mà đến với chúng ta”. Và lưu ý chúng ta phải cẩn thận cảnh giác, đề phòng những hạng người ấy.
Xin cho chúng ta biết can đảm sống thật với mình với người và với Chúa  theo gương của Gioan Tẩy Gỉa mà bài Tin mừng hôm nay nói đến. Đồng thời xin Chúa giúp chúng ta đừng bao giờ mạo nhận những gì mình không có, cũng đừng bao giờ đánh cắp công ơn của người khác; nhưng phải biết nói, sống, và làm chứng cho sự thật, vì "sự thật sẽ giải thoát chúng ta".

Thứ năm, ngày 3/1: 1 Ga 2, 29-3, 6
Thư thứ nhất của thánh Gioan, tiếp tục ý thức chúng ta, những người tin Chúa phải có bổn phận làm vinh danh Thiên Chúa. Lý do tại sao chúng ta phải có nhiệm vụ làm vinh danh Chúa? Thưa bởi vì chúng ta là con của Chúa. “Tất cả những ai tin vào Đức Kitô, Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa”(Ga 1,13). Nhưng để làm vinh danh Chúa, không gì khác hơn là chúng ta phải sống đúng chức vị làm con Chúa. Mà để sống xứng danh là con Chúa, theo thánh Gioan thì phải thi hành hai việc cụ thể:
 1. Phải nên công chính, vì Chúa là Đấng Công chính. Theo nghĩa Thánh kinh  thì sống công chính là mau mắn vâng nghe và thi hành ý Chúa.
2. Phải có đời sống thánh thiện và tinh tuyền bằng cách tránh xa tội lỗi. Bởi sống thanh sạch không vương tội lỗi ta mới nên giống Chúa Giêsu người Con yêu dấu của Chúa Cha. Ngược lại nếu chúng ta sống trong tội lỗi là chúng ta chống lại Luật của Chúa và tách rời khỏi Con yêu dấu của Chúa. Vì " Phàm ai ở lại trong Người thì không phạm tội. Còn ai phạm tội thì đã không thấy Người, và cũng chẳng biết Người.".
Qua bí tích rửa tội chúng ta được vinh dự làm con Thiên Chúa. Xin cho chúng ta ý thức sống bổn phận làm con Chúa bằng cách đặt trọn niềm tin tưởng vào Chúa vì Ngài là Cha hằng yêu thương chúng ta; biết sẵn sàng lắng nghe và làm theo sự hướng dẫn của Chúa; nhất là biết nổ lực loại trừ mọi tính hư nết xấu nơi bản thân mình, ngõ hầu danh Chúa, Cha của chúng ta được cả sáng và được vinh danh, qua đời sống tốt lành của chúng ta.

Thứ sáu, ngày 4/1: 1Ga 3,7-10
Thư thứ nhất của Gioan được viết trong bố cảnh cộng đoàn có sự chia rẽ nội bộ sâu sắc bởi những giáo thuyết sai lạc về thiên tính và nhân tính nơi Đức Giêsu, do những kẻ phản Kitô gây ra. Thánh Gioan gọi tên những kẻ ấy là con cái của ma quỷ, vì họ không bởi Thiên Chúa sinh ra.
Để tránh tình trạng tin theo những luận điệu sai lạc ấy, thánh Gioan kêu gọi những người con bé nhỏ, tức những người còn non yếu về đức tin, hãy sáng suốt phân định, đừng vội nghe theo những kẻ phản Kitô mà bị lừa gạt. Nhưng đâu là tiêu chuẩn để phân định đúng sai?
Thánh Gioan đưa ra hai tiêu chuẩn, đó là: công chính và yêu thương: “Bất cứ ai không phải là người công chính, và không thương yêu anh em mình, thì không bởi Thiên Chúa mà ra”.
1. Công chính. Thánh Gioan cho biết TC là Đấng Công Chính, ai sống công chính thì thuộc về Thiên Chúa “Ai thi hành sự công chính là người công chính, cũng như chính Người là Đấng công chính”.  
- Công chính hiểu theo nghĩa thông thường là công bằng và chính trực.
+ Công bằng là của ai thì trả cho người đó; đối lại là bất công.
+ Chính trực là thẳng thắn là không quanh co, không e ngại; trái ngược với chính trực là giả dối, nịnh bợ, lừa dối niềm tin của một ai đó.
Chúa Giêsu đã từng gọi ma quỷ là cha của kẻ gian dối và khuyên chúng ta hãy trung thực trong lời nói: “có thì phải nói có, không thì nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5, 37). Nên ai sống gian dối là con cái của ma quỷ.
- Công chính theo nghĩa Thánh Kinh là biết lắng nghe và luôn thực thi thánh ý Thiên Chúa. Tổ phụ Abraham, thánh cả Giuse… được gọi là đấng công chính, vì các ngài đã luôn vâng nghe và làm theo ý muốn của TC. Vì thế, những ai không lắng nghe và thực hành lời Chúa là kẻ chống đối. Mà kẻ chống đối TC thì thuộc về ma quỷ.
2. Yêu thương. Thánh Gioan quả quyết rằng: “Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa”(1Ga 7-8). Mà tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ cách mạnh mẻ nhất qua việc “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4, 9). Vì thế nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy”(1Ga 4, 20).
Từ đó thánh Gioan kết luận: người sống yêu thương anh em mình thì “không phạm tội được, vì đã bởi Thiên Chúa mà sinh ra” và “Bất cứ ai không phải là người công chính, và không thương yêu anh em mình, thì không bởi Thiên Chúa mà ra”.
Nhờ bí tích bí tích Thanh tẩy, chúng ta được sinh ra làm con Chúa. Đó là một vinh dự vô cùng lớn lao mà Chúa thương ban cho chúng ta.
Xin cho mỗi người chúng ta nhận ra niềm vinh dự cao quý ấy mà không ngừng tạ ơn Chúa.  Và không ngừng chiếu giãi ánh sáng công chính và yêu thương của Chúa vào những nơi còn bao phủ bởi những bóng tối của bất công, gian dối, hận thù và ghen ghét… do ma quỷ gây ra. Nhờ đó mà cuộc sống của chúng ta thêm tươi đẹp và tâm hồn của ta được an vui và hạnh phúc.

Thứ bảy, ngày 5 tháng 1: 1Ga 3,11-21
Trong bố cảnh cộng đoàn bấy giờ có sự thù ghét và chia rẽ nội bộ trầm trọng. Nên thánh Gioan kêu gọi các kitô hữu là những người con trong đức tin “phải thương yêu nhau”. Bởi yêu thương chính là sứ điệp mà Thiên Chúa ban cho con người ngay từ ban đầu, khi tạo dựng con người giống hình ảnh Người. Nhưng con người đã nghe theo ma quỷ mà chối bỏ tình yêu Chúa. Hậu quả là Cain đã giết em mình là Abel vì lòng ghen ghét. Như thế, một khi con người đánh mất tình thương thì sự chết xuất hiện “Ai không yêu thương, thì ở trong cõi chết”.
Nhưng vì quá yêu yêu thương nhân loại, Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người, sẵn sàng chấp nhận hy sinh mạng sống mình để giải thoát con người khỏi tình trạng của sự chết, để ban lại cho con người sự sống mới trong Chúa Kitô. Do đó, để có được sự hiệp nhất trong Chúa thì mỗi người phải trung thành sống giới luật tình yêu mà Chúa Giêsu Kitô đã dạy và nêu gương sống cho chúng ta.
Cụ thể sống yêu thương như Chúa Giêsu Kitô là biết cảm thương và mở lòng ra đối với những ai nghèo khổ. Nhất là biết ra tay thực hiện những việc làm bác ái thiết thực, chứ không chỉ dừng lại ở đầu môi chót lưỡi. Khi ta thi hành tình thương là dấu chỉ cho biết có Chúa ở cùng ta, nên lòng chúng ta sẽ được bình an, vì điều đó làm đẹp lòng Chúa.
Năm nay, GH tiếp tục hướng về các gia đình, để đồng hành với các gia đình gặp khó khăn. Nhưng đâu là nguyên nhân gây ra những khó khăn nơi các gia đình? Có lẽ có rất nhiều nguyên nhân tác động. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là nơi ấy thiếu vắng tình yêu.
Xin cho ánh sáng mầu nhiệm tình yêu của Ngôi Lời nhập thể chiếu sáng lan tỏa vào mọi gia đình, nhất là những gia đình đang gặp nhiều khó khăn, để nhờ ánh sáng tình yêu của Chúa soi dẫn, giúp các gia đình này bước qua được mọi trở ngại, đạt đến bến bờ niềm vui, bình an  và hạnh phúc trong cuộc sống.


 LỄ THÁNH GIA THẤT NĂM C
(Hc 3, 3-7. 14-17a;  Cl  3, 12-21;  Lc 2, 41-52)

Hôm nay, cùng với GH, chúng ta mừng kính lễ thánh gia: Thánh Giuse, Đức Maria và Chúa Giêsu.
Phụng vụ lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm và học hỏi đời sống nhân đức tuyệt hảo nơi gia đình thánh gia mà noi theo.
 Xin cho chúng ta biết tích cực góp phần xây dựng gia đình kitô hữu chúng ta thật sự trở thành tổ ấm của yêu thương và cộng đoàn của niềm tin và hiệp nhất trong tình yêu Chúa, nhờ ơn ban của Chúa qua phúc lành của gia đình thánh gia.

Chưa bao hai chữ “gia đình” được xã hội và GH nhắc nhiều đến như ngày hôm nay. Vậy gia đình là gì mà GH và cả xã hội quan tâm cách đặc biệt như thế?
Gia đình là nền tảng của xã hội. Gia đình tốt xã hội sẽ vui; gia đình có vững xã hội mới an. Ngược lại gia đình không lành mạnh, xã hội sẽ bất an.
Gia đình còn được ví như tế bào của xã hội. Bất cứ tế bào nào bị suy nhược, hay bệnh tật thì cũng đều làm ảnh hưởng đến toàn bộ thân thể của xã hội .
Cách riêng GH thì xác định: Gia đình là Hội Thánh tại gia. Nơi mỗi gia đình đều có đầy đủ ơn gọi và bổn phận như GH hoàn vũ. Gia đình có tốt lành thì GH mới Thánh Thiện. Gia đình còn được gọi là tổ ấm yêu thương là cái nôi của sự sống. Bởi nơi ấy ta được sinh ra, được nuôi sống và lớn lên trong tình yêu của cha mẹ anh chị em. Gia đình chính là mái trường đầu tiên và tốt nhất để ta học làm người và làm con Chúa. Gia đình chốn êm ái nhất để ta tựa vào nghỉ ngơi mỗi khi mệt mỏi trên đường đời. Chính nơi gia đình, ta mới tìm được sự bình an tâm hồn đích thật.
Do tầm mức quan trọng như thế, nên GH và xã hội rất quan tâm đến gia đình. Nhưng khi nhìn vào thực tế gia đình hiện nay, ta nhận thấy có quá nhiều thách đố như: Tình trạng di dân bùng nổ; sống thử và hôn nhân khác tôn giáo gia tăng; tình trạng ngừa phá thai, ly hôn, li dị diễn ra hàng ngày…gây tác động rất lớn đến xã hội và GH. Giờ đây, gia đình không còn là tổ ấm yêu thương, là chỗ dựa tinh thần vững chắc và là nơi chốn bình an như mong muốn nữa. Gia đình ngày nay bị rạn nứt và đổ vỡ rất nhiều. Vậy làm thế nào để trả lại giá trị đúng nghĩa cho hai chữ “gia đình” vốn dĩ rất thiêng liêng?
Ở mỗi thời đại, xã hội đều tìm ra những nguyên tắc để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, hình như không có nguyên tắc nào hoàn hảo và chuẩn mực cả, “bởi mỗi hoa mỗi cây, mỗi nhà mỗi cảnh”. Có lẽ vì vậy mà GH mong muốn các gia đình Kitô hữu hãy tìm đến học hỏi mẫu gương tuyệt hảo nơi gia đình thánh gia.
Vậy khi nhìn vào gia đình thánh gia chúng ta học được gì? Chắc chắn có rất nhiều bài học nơi gia đình thánh gia, nhưng theo tôi nghĩ có 3 bài học hay ba nhân đức quan trọng mà chúng ta nên học đòi bắt chước, để xây dựng gia đình của mình.
1. Trước hết là bài học vâng phục thánh ý Chúa.
- Thánh Giuse, được gọi đấng công chính, bởi lẽ ngài hằng biết lắng nghe và vâng phục thánh ý Chúa. Đọc lại phúc âm chúng ta thấy rất nhiều lần ngài đã vâng nghe và làm theo ý Chúa qua lời mộng báo của Thiên Thần.
- Đức Maria thì luôn khiêm tốn và sẵn sàng vâng nghe và thực thi thánh ý Chúa trong niềm tin và phó thác hoàn toàn, cho dẫu phải đối mặt với bao hiễm nguy và đau khổ.
- Còn Chúa Giêsu thì xác quyết: “lương thực của Ta là lam theo thánh ý Cha Ta”. Ngay khi biết mình đi vào con đường thập giá và phải đối mặt cái chết đau đớn trên thập giá trong sợ hãi và cô đơn, nhưng Người vẫn tuân phục thánh ý Cha để  chấp nhận “uống cạn chén đắng”.
2. Thứ đến là bài học trung thành tuân giữ lề luật.
Theo luật Do Thái quy định, những người đàn ông trưởng thành, tức từ 13 tuổi trở lên buộc phải về Giêrusalem dự lễ vượt qua, riêng phụ nữ thì luật không buộc. Cũng theo luật, chỉ buộc dự lễ 3 ngày đầu thôi, còn những ngày sau thì tùy ý. Nhưng tin mừng hôm nay cho biết, cả gia đình thánh gia đều lên Giêrusalem để dự lễ và cả nhà ở lại tham dự cho đến hết kỳ lễ. Điều này cho thấy gia đình thánh gia có tinh thần tuân giữ luật rất cao, nên cả nhà đã làm hơn những gì mà luật đòi hỏi.
3. Sau hết đó là bài học chu toàn bổn phận.
Với vai trò là trụ cột gia đình. Thánh Giuse đã không quản ngại hy sinh vất vả để gìn giữ  bảo vệ và chăm sóc thánh gia. Là vị thuyền trưởng của con thuyền gia đình, thánh Giuse đã làm hết sức mình để lèo lái và đưa dẫn gia đình mình vượt qua mọi sóng gió để đạt đến bến bờ bình an.
Với vai trò là vợ và mẹ, Đức Maria đã khiêm tốn tùng phục thánh Giuse và tích cực cộng tác với chồng để chăm lo gia đình. Nhất là luôn để tâm giáo dục con cái.
Tin mừng hôm nay cho biết tâm trạng lo lắng và đau buồn khi biết mình lạc mất con như thế nào của Đức Maria. Nên khi tìm gặp con trẻ, bà rất đổi vui mừng. Tuy nhiên với bổn phận là một người mẹ, Đức Maria vẫn không thể giữ im lặng nên bà đã nói lên lời trách hờn con mình: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!" . Và kể từ đó, con trẻ Giêsu theo ông bà trở về Nazareth, Tin mừng cho biết, con trẻ Giêsu mỗi ngày được lớn lên trong tình thương của cha mẹ nên càng“ tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta”.
Với Đức Giêsu. Mặc dù Người là Con Thiên Chúa, nhưng Người vẫn mang thân phận con người. Nên Người vừa ý thức mình có bổn phận đối với Chúa Cha; bên cạnh đó, Người cũng ý thức mình phải chu toàn bổn phận hiếu thảo với thánh Giuse và  Đức Maria. Hiểu như vậy ta mới chấp nhận được câu trả lời của Đức Giêsu trước lời trách hờn của Mẹ Người “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”.  Tuy nhiên sau đó, Người theo cha mẹ trở về nhà và kể từ đó Người luôn chu toàn tốt bổn phận hiếu thảo với hai ông bà. “Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà”.
Có lẽ mong muốn lớn nhất nơi các gia đình không gì khác hơn là có được hạnh phúc thật. Nhưng để có hạnh phúc đích thực, ước mong mỗi gia đình chúng ta biết hướng về gia đình thánh gia để học nơi các Ngài bài học của khiêm tốn vâng phục thánh ý Chúa; của ý thức tuân giữ luật Chúa và GH; của nỗ lực chu toàn tốt vai trò và bổn phận của mình nơi gia đình.
Xin thánh gia ban dồi dào những ơn cần thiết và thương chúc lành cho các gia đình. Amen.

NHỮNG THÁCH ĐỐ CHO GIA ĐÌNH NGÀY NAY
I. Khái Niệm Về Gia Đình  (Gia đình là gì?)
Có rất nhiều khái niệm khác nhau về gia đình tùy theo cái nhìn ở từng góc độ khác nhau. Xin liệt kê 4 khái niệm gia đình:
1. Theo từ vựng công giáo tác giả Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ thì:
-  Chữ gia nghĩa là: (dt.) (1) Nhà, chỗ để ởTại gia (ở nhà). (2) Người hay nhóm người trong một nhà hay trong một trường phái nào đóĐại gia (nhà giàu có, người giàu có). Triết học thời xưa bên Trung Quốc chủ trương lấy chính danh định nghĩa sự vật:  nông gia (nhà nông).
-  Chữ đình  nghĩa là (dt.) (1) Sân nhàTiền đình (sân trước). (2) NhàĐình tiền (trước cửa nhà). 
Gia đình là chỉ chung mọi người trong nhà.
2. Theo Từ điển Công Giáo HĐGMVN
- Gia: Nhà (bên trong).
- Đình:  Nhà (bên ngoài).
+ Gia đình: người trong một nhà.
Gia đình là một nhóm người có liên hệ với nhau do hôn nhân hay máu mủ, cách chung có cha mẹ và con cái. Vợ chồng làm nên gia đình căn bản. Ông bà, con cháu, họ hàng là gia đình mở rộng.
3. Với các nhà nghiên cứu xã hội học.
Gia đình là một nhóm xã hội được hình thành trên cơ sở hôn nhân và quan hệ huyết thống, những thành viên trong gia đình có sự gắn bó và ràng buộc với nhau về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ có tính hợp pháp được nhà nước thừa nhận và bảo vệ. 
4. Trong Tiếng Anh, gia đình là “FAMILY”, từ này khi được chiết tự thành các chữ cái thì rất có ý nghĩa, đó là: Family = Father And Mother, I Love You.
Theo đó, chúng ta nhận thấy: một gia đình đúng nghĩa bao giờ cũng phải có cha, có mẹ, có những đứa con, và tất cả các thành viên trong gia đình phải yêu thương nhau. Một khi được sống, được phát triển trong một môi trường tràn ngập tình yêu thương như thế, mỗi một con người sẽ trưởng thành, và nhất định sẽ trở thành một con người tốt, một người công dân tốt của xã hội, của đất nước.
II. Gia Đình: Do Ý Định Và Là Kế Hoạch Của Thiên Chúa  (Nguồn gốc gia đình bởi đâu?)
Hôn nhân gia đình gắn kết với chiều dài của lịch sử nhân loại. Nghĩa là từ khi có con người là có gia đình. Những câu chuyện về gia đình xuất hiện rất nhiều trong Kinh Thánh.
a. Cựu Ước:
Mở cuốn Kinh Thánh ra là bắt gặp ngay trình thuật về sự tạo dựng người nam và người nữ; người nam bỏ cha mẹ mà kết hợp với người nữ và họ chỉ còn là một huyết nhục và gấp sách lại với hình ảnh tiệc cưới Con Chiên trong sách Khải Huyền.
Tác giả sách sáng thế cho biết: Sau khi tạo dựng vũ trụ, trái đất với hết mọi thứ cỏ cây, thú vật, Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người “theo hình ảnh của Ngài”. Nhưng Ngài đã không tạo dựng nên con người cô độc. Trái lại, Ngài đã tạo dựng con người có nam có nữ và ban cho họ khả năng qui hướng và kết hợp lại với nhau để tạo nên cộng đoàn nguyên thủy là Gia đình (St 1,26-27). Vì thế, nam hướng về nữ và người nữ hướng về nam, hai người yêu thương gắn bó lại với nhau nên “một xương một thịt” (St 2, 23-24). Hai người chia sẻ bổ túc cho nhau, trợ giúp  nhau cả về thể chất lẫn tinh thần (St 2,18) và cùng hợp tác với Thiên Chúa để “sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất” và làm chủ vũ trụ (St 12,6-28).
Như vậy chính Thiên Chúa là tác giả sáng tác nên tổ chức gia đình, và Ngài đã ban cho họ những quyền lợi để hưởng dùng, cũng như những sứ mệnh phải chu toàn ( xem MV 12,48 (Hiến chế “Giáo Hội trong thế giới”) và GĐ 3 (Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo).
b. Tân Ước:
Đến thời Tân Ước, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người trong khung cảnh mái ấm gia đình Nazarét, khiêm tốn vâng lời Thánh Giuse và Đức Maria.
Khi thi hành sứ vụ công khai, Chúa Giêsu bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến đời sống gia đình: Dấu lạ đầu tiên Người thực hiện là tại tiệc cưới Cana để giúp đôi tân hôn vượt qua khó khăn (x. Ga 2,1-11); Người chia sẻ tình bạn với gia đình ông Lazarô (x. Lc 10,38); đến thăm gia đình ông Phêrô (x. Mc 8,14); chia sẻ nỗi niềm với các gia đình đang chịu thử thách (x. Mc 5,41; Lc 7,14-15). và tự giới thiệu Mình như là Hôn Phu kết hợp với Hiền Thê của Người (x. Ga 3,29).
Trên thập giá, Người hiến mình vì yêu thương cho đến cùng, và trong Thân xác Phục sinh, Người thiết lập những quan hệ mới giữa con người với nhau. Mạc khải trọn vẹn lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Giêsu cho người nam và người nữ phục hồi lại “thuở ban đầu” khi mà Thiên Chúa vốn đã liên kết họ thành một xương một thịt (x. Mt 19, 4-6), nhờ đó, với ân sủng của Đức Kitô, họ có khả năng yêu thương mãi mãi và chung thuỷ với nhau.
Thư gửi Tín hữu Êphêsô đã xác định “mầu nhiệm cao cả”, vốn làm cho tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh được hiện diện trong thế giới này (x. Ep 5,31-32), nơi tình yêu hôn phối giữa người nam và người nữ.
III. Thực Trạng Gia Đình Ngày Nay. (những thách đố ngày nay nơi gia đình là gì?)
Ngày nay các gia đình đang phải đối diện với bao nhiêu thách đố bởi  xã hội có nhiều thay đổiThiết tưởng chúng ta không thể nào liệt kê hết được, vì chúng rất đang dạng và phức tạp.
Xin nêu lên một vài thách đố nơi các gia đình Công giáo hiện nay:
• Đức tin cá nhân không vững, dẫn đến thực hành tôn giáo giảm sút.
• Cha mẹ ít quan tâm hay không đủ khả năng trong việc giáo dục và truyền đạt đức tin cho con cái.
• Cuộc sống gia đình và tương quan giữa các thành viên bị giảm thiểu, kéo theo sự giảm sút việc cầu nguyện trong gia đình.
• Tình trạng ngừa thai, phá thai, ly dị gia tăng  và luôn là những cám dỗ lớn.
• Khủng hoảng hôn nhân xảy ra nhiều hơn, nhất là nơi các gia đình trẻ do thay đổi môi trường, kinh tế, xã hội...
• Hôn nhân khác đạo gia tăng  trong đó có nhiều người theo đạo chỉ cốt để kết hôn; đạo ai nấy giữ…..
IV. Thái Độ Của Giáo Hội  (Giáo hội quan tâm đến gia đình như thế nào?)
Trãi qua suốt dòng lịch sử GH luôn quan tâm đồng hành cùng với gia đình được thể hiện qua các Giáo Huấn GH và đường hướng mục vụ cụ thể của các GH địa phương.
1. Giáo huấn của Giáo hội
Qua dòng thời gian, Hội Thánh đã không ngừng cung cấp các giáo huấn của mình về Hôn nhân và Gia đình: 
- Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes đã dành cả một chương để đề cao phẩm giá của Hôn nhân và Gia đình (x. GS 47-52).
- Đức Phaolô VI, qua Thông điệp Humanae Vitae, đã cho thấy sự liên kết mật thiết giữa tình yêu vợ chồng và việc sinh sản. 
- Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã quan tâm đặc biệt đến gia đình. Qua Tông huấn Familiaris Consortio, Đức Thánh Cha gọi gia đình là “con đường của Hội Thánh”. Ngài đã đưa ra một cái nhìn tổng quan về ơn gọi yêu thương của người nam và người nữ; đề ra các hướng dẫn cơ bản cho Mục vụ Gia đình và sự hiện diện của gia đình trong xã hội. Đặc biệt, liên quan đến tình yêu vợ chồng (x. FC 13), ngài mô tả làm sao vợ chồng qua sự yêu thương nhau, nhận được hồng ân Thần Khí của Đức Kitô và sống lời mời gọi nên thánh của họ.
- Đức Bênêđictô XVI, trong Thông điệp Deus Caritas Est, lại bàn đến chủ đề sự thật của tình yêu giữa người nam và người nữ, đây là điều chỉ được sáng tỏ cách trọn vẹn trong ánh sáng tình yêu của Đức Kitô chịu đóng đinh (x. DCE 2). Ngài tái khẳng định rằng “Hôn nhân dựa trên một tình yêu đơn nhất và vĩnh viễn sẽ trở thành biểu tượng của mối quan hệ giữa Thiên Chúa và Dân Ngài và ngược lại. Cách thức Thiên Chúa yêu thương trở thành chuẩn mực cho tình yêu của con người” (DCE 11). Hơn nữa, trong Thông điệp Caritas in Veritate, ngài nêu lên tầm quan trọng của tình yêu như một nguyên tắc của đời sống trong xã hội (x. CV 44), là nơi con người học kinh nghiệm về công ích.
- Đức Thánh Cha Phanxicô, gần đây ngài đã triệu tập liên tiếp 2 thượng hội đồng  để bàn về gia đình. Lần thứ 1 vào tháng 10 năm 2014, thượng hội đồng Giám mục ngoại thường ; lần thứ 2: từ ngày 4 đến ngày 25 tháng 10 năm 2015.  Và sau đó, ngày 8 tháng 4 năm 2016, ngài đã ban hành Tông huấn Amoris laetitia  Niềm vui của Tình yêu để hướng dẫn dân Chúa trong việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình. (trích tông huấn Amoris Laetitia). Điều đó cho thấy Giáo hội rấtquan tâm đến gia đình. 
2. Đường Hướng Mục Vụ.
Tiếp nối giáo huấn của Đức Thánh Cha, trong Thư Chung đầu tháng 10 vừa qua, HĐGM VN đã đề nghị một lộ trình mục vụ cho 3 năm (2017-2019) với những điểm nhấn cho từng năm:
– Năm 2016-2017: Chuẩn Bị Cho Người Trẻ Bước Vào Đời Sống Hôn Nhân.
– Năm 2017-2018: Đồng Hành Với Các Gia Đình Trẻ
– Năm 2018-2019: Đồng Hành Với Những Gia Đình Gặp Khó Khăn.  
Cùng với bức tâm thư  với chủ đề “ơn gọi tình yêu và sứ vụ xót thương”, để chia sẻ những “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng” trong đời sống gia đình, cũng như đồng hành với các gia đình Công  giáo trong việc xây dựng gia đình Công giáo dưới ánh sáng lời Chúa và Giáo huấn của Hội Thánh.
Hưởng ứng lời đề nghị của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, mỗi Giáo phận tùy theo hoàn cảnh đã triển khai những thực hành mục vụ cụ thể. Riêng giáo phận Cần Thơ, ngày từ đầu năm đã đưa ra quyết định thực hành mục vụ 2019 với khẩu hiệuniềm vui tình yêu gia đình “đồng hành với các gia đình gặp khó khăn”; cùng với quyết tâm thực hiện những việc làm cụ thể để đồng hành cùng với những gia đình di dân, hôn phối khác đạo và bị đổ vỡ.

Ước mong với sự đồng hành của Giáo Hội, những gia đình biết cách để khắc phục những khó khăn, và tìm ra được những phương thế thích hợp để bảo vệ và thăng tiến mọi thành viên trong gia đình, được hưởng một cuộc sống yên bình, hạnh phúc.


SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN-NĂM B Kn 1,13-15; 2,23-24; 2Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43 Suy niệm 1: ...