SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN
XXXI TN, 2018
CHÚA NHẬT XXXI TN B
Mc 12, 28b-34
Cốt lõi của đạo Công
giáo là bác ái. Bác ái là đồng phục và là ngôn ngữ chung của người kitô hữu.
Bác ái là dấu chứng để nhận ra môn đệ của Chúa Giêsu, là ngôn ngữ cao trọng của
loài người và thiên thần, là ngôn ngữ độc nhất tồn tại trên thiêng đàng. Xin cho chúng ta biết giá trị cao quý của bác
ái mà nỗ lực thi hành trong đời sống, hầu xứng danh là môn đệ Chúa.
Theo truyền thống hội đường Do-thái thời
Chúa Giêsu, có đến 613 điều luật. Trong đó có 365 điều cấm làm và 248 điều phải
làm. Giữa một rừng luật như thế thì ngay cả chính người thông luật còn bối
rối huống chi là người dân.
Thời bấy giờ trong xã hội Do Thái cũng có nhiều phe nhóm,
mỗi phe nhóm đề cao một số luật lệ nên họ cũng không biết đâu là điều luật quan
trọng nhất để giữ. Có lẽ vì lý do đó mà tin mừng hôm nay cho biết: nhóm Kinh Sư
đề cử ra một người để đến hỏi thử Chúa Giêsu xem điều răn nào là quan trọng
nhất? Với câu hỏi này, họ vừa muốn biết Chúa Giêsu đứng về phe nhóm nào? Vừa
muốn thử xem trình độ hiểu biết của Chúa Giêsu về Thánh kinh và luật lệ ra sao?
Chắc hẳn Chúa Giêsu dư biết dụng ý của họ, nhưng vì đây là cơ
hội thuận lợi để Chúa Giêsu xác định lại điều quan trọng nhất trong giới luật
của Chúa. Người đã trích dẫn lại hai câu thánh kinh. Một được trong sách Đệ Nhị
Luật:“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên
Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi”(x Đnl 6,4-7). Một trong sách Lê-vi, đó là: “Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình” (x Lv 19,18) để trả lời cho họ: “Hỡi
Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy
yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”.
Còn đây là giới răn thứ hai: “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi”.
Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.
1. Với Chúa:
- Yêu hết lòng: Nghĩa là yêu trọn vẹn con người. Yêu hết
lòng cũng có nghĩa là yêu trung thuỷ, trước sau như một, không bao giờ thay
lòng đổi dạ, không một cản trở nào làm giảm bớt hay sức mẻ, dù có phải hy sinh
vẫn chấp nhận.
- Yêu hết linh hồn: Nghĩa là tình yêu ta dành cho Chúa có
sự can thiệp của những tài năng linh hồn như: lý trí, ý chí và nhất là tự do.
Chứ không phải là tình yêu mù quáng, hời hợt.
2. Với người thân cận:
- Người thân cận là ai?
Trong Cựu ước chỉ có nghĩa là người gần
gũi với người Do thái về huyết thống và chủng tộc. Nhưng “tha nhân” mà
Đức Giêsu nói ở đây là hết mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn
giáo… ngay cả kẻ thù cũng phải yêu.
- Như chính mình là sao?
Là phải ứng xử với kẻ khác cùng một “tình yêu” như chính bản
thân mình. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn đòi buộc chúng ta phải tiến lên tới đỉnh
của tình yêu bằng chính tình yêu Chúa dành cho ta: "Các con
hãy yêu mến nhau, như Thầy
đã yêu mến các con"(Ga 5,12). Đó là một nét độc đáo
của tình yêu Kitô giáo, thứ tình yêu đạp đổ mọi hàng rào ngăn cách chủng tộc,
mầu da, vượt lên trên óc phân biệt quốc gia hay tôn giáo, quên đi mọi hiềm
khích hay những thành kiến cá nhân hoặc phe nhóm.
Nếu so sánh tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, thì
có lẽ yêu mến Chúa dễ hơn yêu thương tha nhân. Bởi vì tha nhân là những con
người đầy giới hạn, đầy khuyết điểm, nên dễ làm cho ta khó chịu. Còn Thiên Chúa
là Đấng trọn tốt, trọn lành và ở xa nên ta dễ yêu mến Người hơn. Tuy nhiên nếu không yêu thương tha nhân là ta không
yêu mến Thiên Chúa vì ta không tuân giữ lời Người.
Như vậy, mến Chúa và yêu người là hai mặt của một tình
yêu. Cả hai như một đồng tiền hai mặt. Nếu bỏ một mặt, đồng tiền ấy sẽ vô giá
trị.
Xin Chúa cho chúng ta
biết sống yêu thương nhau như tình Chúa yêu chúng ta. Đó là tình yêu phổ quát,
bao dung tha thứ, tận tâm phục vụ và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho người
mình yêu. Nhờ thế mà ta mới xứng đáng với tình Chúa yêu và xứng danh là môn đệ của
Chúa. Amen
Thứ hai: Lc 14, 12-14
“Như
trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư
tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy”(Isaia 5, 9). Đó
cũng là sứ điệp lời Chúa hôm nay muốn gửi đến chúng ta. Xin Chúa
uốn lòng chúng ta giống như trái tim Chúa, để chúng ta cũng có cách suy nghĩ và
hành xử giống như Chúa.
Gần đây rong khu vực nông thôn rộ lên phong trào tổ chức
đám tiệc. Ngoài tiệc cưới, đám tang, giỗ chạp… người ta còn bày ra nhiều lý do
khác để ăn mừng như: thôi nôi, đầy tháng, sinh nhật…nói chung người ta tìm đủ
mọi lý do để tổ chức tiệc. Thì ra người ta thích tổ chức tiệc tùng là
nhắm đến lợi nhuận kinh tế trong thời buổi kinh tế khó khăn. Vì thế, những thực
khách được nhắm đến thường là những người có tiền và có địa vị trong xã hội.
Còn những người nghèo thì ít khi người ta mời dự tiệc.
Đó cũng chính là mưu tính của vị thủ lãnh người Biệt Phái
mà Chúa đề cập trong bài Tin Mừng hôm nay. Để lên án đầu óc tính toán vụ lợi,
Chúa Giêsu đề nghị ông ta loại bỏ tính ích kỷ và lòng tham lam tiền mà quan tâm
đến những người nghèo khổ. Nên Chúa đề nghị khi dọn tiệc nên “mời những
người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù”. Làm được như vậy, họ sẽ được
phúc vì sẽ được người nghèo biết ơn ở đời này và được ban thưởng hạnh phúc ở
đời sau, nhờ những người công chính sống lại đền ơn cho họ.
Để cụ thể hóa lời dạy của Chúa Giêsu, ĐTC Phanxicô đã
thiết lập ngày “Thế giới người nghèo” hàng năm. Với mục đích để các cộng đoàn
Kitô hữu “trở nên dấu chỉ cụ thể, rõ ràng cho tình yêu thương của Chúa Kitô,
đối với những người rốt cùng và túng thiếu nhất”.
Xin cho chúng ta biết đáp lại lời mời gọi của Chúa và
GH mà thể hiện lòng yêu thương người nghèo bằng những việc làm thiết thực như: lập “quỹ bác ái” tại các Họ đạo; học
hỏi “sứ điệp ngày thế giới người nghèo”; dành một ngày Chúa nhật dâng thánh lễ
cầu nguyện cách đặc biệt cho người nghèo; đi đến với người nghèo trong các khu
xóm; chầu Thánh Thể và suy niệm Kinh Lạy Cha để thấm nhuần tinh thần đón nhận
và chia sẻ. Đó chính là phương thế để
ta đạt đến sự trọn lành và xứng danh là môn đệ Chúa Giêsu.
Thứ ba: Lc 14, 15-24
Đời người ai cũng khao
khát được hạnh phúc nước trời. Làm thế nào để đạt được niềm khát khao sâu xa
đó? Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu sẽ chỉ cho chúng ta biết. Xin cho chúng ta biết
lắng nghe và nỗ lực thực thi điều mà Chúa Giêsu chỉ dạy để được tham dự vào bàn
tiệc nước trời.
Thấy cái này nhớ đến cái kia, hay làm cái này nghĩ cái nọ,
đó là suy nghĩ thường tình của con người. Cũng thế, trong bữa tiệc nhà thủ lãnh
Biệt phái, một người ngồi đồng bàn cùng với Chúa Giêsu đã bộc bạch nỗi khát
khao của mình “phúc cho kẻ được ăn tiệc trong Nước Thiên Chúa”.
Nhân cơ hội này Chúa Giêsu đã hướng dẫn ông cũng như chúng ta cách thế làm sao
để được tham dự bữa nước trời.
Chúa Giêsu cho biết bàn tiệc nước trời đã dọn sẵn sàng và
rộng cửa mời gọi mọi người vào tham dự. Thế nhưng, Chúa Giêsu cũng cho
thấy con người lại quá say mê nhiều thứ khác ở trần gian nên dễ dàng từ chối
bàn tiệc nước trời.
Chúa Giêsu đưa ra 3 lý do khiến con người thường hay từ
chối lời mời gọi tham dự bàn tiệc nước trời: Mới tậu một thửa ruộng, nên cần
phải đi xem đất (1). Mới mua năm đôi bò nên phải đi thử chúng (2). Mới
cưới vợ, bởi đó không thể đến được (3). Những lý do trên chung quy lại chỉ vì
lợi ích trước mắt mà quên đi giá trị vĩnh cửu sau này.
Hằng ngày, hàng tuần Chúa tha thiết mời chúng ta đến tham
dự bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể để ta cảm nếm niềm vui nước trời. Nhưng chúng
ta lại tìm mọi cách, diện mọi lý do để khướt từ. Tất cả cũng vì cơm áo gạo
tiền.
Xin Chúa ban cho chúng lòng cam đảm để vượt lên trên những
giá trị trần thế chóng qua để siêng năng đến tham dự bàn tiệc Lời Chúa và Thánh
Thể mà Chúa thiết tha gọi mời. Nhờ đó chúng ta sẽ cảm nếm được niềm vui hạnh
phúc nước trời hôm nay và mai sau.
Thứ tư: Lc 14, 25-33
Tin mừng hôm nay, Chúa
Giêsu tiếp tục đưa ra những điều kiện cần thiết để trở thành môn đệ chân chính
của Chúa. Xin cho chúng ta tích cực làm theo lời dạy của Chúa, để trở nên môn
đệ đích thực của Người.
Thời buổi kinh tế thị trường như hôm nay, trước khi đầu tư
vào bất cứ công việc gì, người ta cũng phải tính toán rất là chi tiết, kẻo thất
bại sẽ gây tan nhà nát cửa và bị người khác chê cười.
Đầu tư cho nước trời và tòng quân đứng dưới cờ Giêsu là
quyết định hệ trọng ảnh hưởng đến hạnh phúc đời này và đời sau. Vì thế, Tin
mừng hôm nay Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta phải hãy suy tính thật cẩn
trọng. Ví như người muốn xây nhà, trước hết phải tính xem phí tổn bao
nhiêu? có khả năng làm nổi hay không? Nếu không thì đừng khởi công kẻo công
trình đắp chiếu gây tổn hại kinh tế. Cũng vậy muốn chống lại quân thù kéo 20
ngàn quân vây đánh, nhà vua phải tính toán lực lượng xem có đối đầu nổi không.
Nếu chỉ có 10 ngàn quân lại không có kế sách nào hay, thì tốt nhất nên cầu hòa,
hoãn binh kẻo thua trận, nước mất nhà tan là chắc chắn.
Nếu những sự đời như xây nhà, đánh trận mà người ta còn
biết suy nghĩ tính toán cẩn trọng như thế, thì hạnh phúc vĩnh cửu nước trời và
làm môn đệ của Chúa không phải là chuyện đùa, nên cần phải chuẩn bị thật chu đáo.
Vậy phải chuẩn bị thế nào?
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết sẽ phải
chuẩn bị 2 cách: 1 là từ bỏ, 2 là vác thánh giá. Đó là phương cách hữu hiệu để
được làm môn đệ Chúa và sẽ chiếm hữu được nước trời.
Từ bỏ những gì mình yêu thích cũng đồng nghĩa với việc vác
thập giá vì nó khiến ta hối tiếc vì mất mát và thấy thương đau vì những thử
thách. Từ bỏ tiền bạc, của cải, danh vọng, tình thân…xem ra còn dễ. Nhưng từ bỏ
bản thân để thuộc trọn về Chúa quả là rất khó khăn. Thật khó biết bao phải bỏ
tính kiêu căng tự mãn, lòng ích kỷ tham lam, bỏ ý riêng để vâng phục ý Chúa
hoàn toàn. Nhưng với ơn Chúa ta có thể bỏ được mọi sự chóng qua ở đời này.
Xin Chúa giúp chúng ta có đủ sức mạnh ơn thánh để ta can
đảm khướt từ mọi quyến rủ trần gian mà làm theo ý Chúa muốn. Nhờ đó ta mới xứng
đáng trở thành môn đệ chân chính của Chúa và chiếm hữu được hạnh phúc nước
trời.
Thứ năm: Lc 15, 1-10
Tin mừng hôm nay Chúa
Giêsu dùng hai dụ ngôn để làm nổi bậc lên tình thương vô cùng của Thiên Chúa
dành cho con người. Xin cho chúng ta cảm nhận được tình thương Chúa mà chân
thành sám hối để an vui sống trong vòng tay yêu thương của Người.
Trong quyển sách “Niềm vui sống đạo”. Tác giả là người tôi
tớ Chúa, Đức cố Hồng Y Phanxiô-Xaviê
Nguyễn Văn Thuận đã dí dỏm nêu ra 10 khuyết điểm của Chúa Giêsu. Trong 10 khuyến điểm
đó có hai khuyết điểm liên quan đến đoạn tin mừng hôm nay:
1. Chúa Giêsu không
biết làm toán:
Với dụ ngôn con chiên bị mất, cho
thấy lối cư xử của Chúa Giêsu tỏ ra không biết tính toán. Một kẻ có 100 con
chiên ở giữa đồng trống mà mất một con, hẳn phải tính toán xem làm sao một con
đi lạc lại hơn 99 con còn lại. Vậy mà Chúa Giêsu cho rằng 1 con đi mất cũng bằng
99 con còn lại, nên chấp nhận bỏ 99 con mà đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất.
Rồi khi tìm thấy thì vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu mời bạn hữu
và những người thân cận đến chia vui. Hẳn là Chúa Giêsu không biết làm toán!
2. Chúa Giêsu không sành luận lý:
Chúa Giêsu không những không cân nhắc tính toán trên số lượng, mà có lúc
lời dạy của Ngài xem ra đi ngược lại với sự khôn ngoan bình thường của con người.
Với dụ ngôn về đồng bạc bị mất, người phụ nữ có 10 đồng, nhưng trong đêm lỡ
đánh mất 1 đồng: “Bà thắp đèn, quét nhà,
moi móc tìm cho bằng được”. Rồi khi tìm được, thì bất chấp giờ giấc nghỉ
ngơi đêm của hàng xóm, bạn bè mà đánh thức họ để cùng chung vui với mình. Sao
bà không nghĩ dù sao thì cũng vẫn còn 9 đồng khác trong tay, 1 đồng rơi thì vẫn
còn đó, tìm trong đêm chi cho mệt nhọc. Rồi vui mừng gì mà đến độ phải làm phiền
hà đến những người chung quanh trong đêm tối. Đúng là thiếu lý luận!
Sau khi dí dỏm kể ra 10 khuyết điểm của Chúa Giêsu, Đức cố Hồng Y tài đức
của chúng ta đã tóm kết bằng một lý do duy nhất, đó là: vì Chúa Giêsu quá yêu
thương chúng ta. Yêu đến nỗi không nhớ lỗi lầm, không tính toán, không xét nét,
không vị kỷ, không phê phán, không câu chấp, không gò bó, không biên giới,
không điều kiện; Tình yêu đó yêu điên cuồng đến độ phiêu lưu và hy sinh cả mạng
sống mình; tình yêu đó khác với mẫu mực nhỏ hẹp của xã hội và của lối cân nhắc
giới hạn của chúng ta.
Thật ra, Chúa là Ðấng trọn lành, làm sao có khuyết điểm được, nhưng Chúa
lại là Tình Yêu vô hạn, mầu nhiệm. Trí khôn loài người không hiểu nổi, không
tin nổi, nên gọi là khuyết điểm! Chẳng qua vì Chúa là yêu thương, mà yêu thương
của Thiên Chúa cao hơn lý luận con của người. Và ngài khích lệ chúng ta hãy can đảm chọn lựa cuộc sống làm chứng
cho 10 khuyết điểm tuyệt vời đó của Chúa Giêsu. Nghĩa là làm chứng cho tình yêu
cao vời của Chúa.
Xin
Chúa cho chúng con cảm nhận được tình yêu lớn lao mà Chúa dành cho mỗi người chúng
con. Và đừng bao giờ để chúng con phản phúc lại tình yêu của Chúa.
Thứ sáu: Ga 2, 13-22
09/11: CUNG HIẾN ĐỀN
THỜ LATÊRANÔ
Cùng với GH, hôm nay
chúng ta kỷ niệm lễ cung hiến Đền Thờ Latêranô. Sau 300 năm GH sơ khai bị bách
hại gắt gao. Đến năm 306 khi vua Công-tăng-ti-nô lên ngôi, với chiếu chỉ
Mi-la-nô được ban hành, thì tự do tín ngưỡng mới được tôn trọng. Từ đó các
thánh đường và cơ sở tôn giáo của GH được triều đình hỗ trợ tái thiết và xây
mới lại, trong đó nổi bật là đền thờ Latêranô. Đến ngày 09/11/ 324 đền thờ được
hoàn thành và cung hiến long trọng, dưới triều đại ĐGH Xin-vét-te.
Mừng kính kỷ niệm ngày
cung hiến đền thờ Latêranô hôm nay, là dịp nhắc nhờ chúng ta về sự cao quý của
nhà thờ: là nơi Thiên Chúa hiện diện cách đặc biệt giữa dân Người, là nơi dành
riêng thờ phượng TC, là nơi con người gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau, là nơi tín
hữu lãnh nhận các nguồn ơn thiêng của Chúa qua các bí tích, là nơi dân Chúa qui
tụ lại để lắng nghe và học hỏi Lời Chúa…vì thế chúng ta phải quan tâm gìn giữ
Nhà Thờ sạch đẹp, đồng thời có thái độ xứng hợp mỗi khi bước vào nhà Chúa.
Hơn nữa hình ảnh đền
thờ vật chất còn nhắc nhớ chúng ta đến ngôi đền thờ vững bền và cao quý khác
xinh đẹp không tàn phai theo năm tháng đó là ngôi đền thờ tâm hồn, nơi TC Ba
Ngôi ngự trị. Xin cho chúng ta luôn ý thức gìn giữ thân xác và tâm hồn mình
trong sạch để xứng đáng là nơi cư ngụ của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Bài đọc 1, tiên tri Ezekiel tiên báo về hình ảnh Đền Thờ
thật lạ lùng. Từ nơi Đền Thờ ấy, một dòng nước chảy tràn ra và làm cho nước
biển hóa thành nước ngọt. Nguồn nước ấy làm sinh sôi các sinh vật. Hai bên bờ
dòng nước ấy mọc lên những cây trái tốt tươi. Trái thì làm thức ăn và lá lại
dùng làm thuốc uống, chữa lành bệnh tật.
Hình ảnh đền thờ lạ lùng mà tiên tri Edekiel tiên báo ấy
được ứng nghiệm nơi Thân Thể Đức Giêsu. Thật vậy chính từ cạnh sườn bị đâm thâu
trên thập giá mà nguồn nước sự sống dồi dào của Chúa được tuôn đổ trên thế gian
và thấm nhập vào tâm hồn những ai tiếp nhận Người, từ đó làm phát sinh hoa trái
tốt lành nơi những tín hữu. Đó cũng là tư tưởng của thánh Phaolô. Trong bài đọc
II, thư gửi các tín hữu Côrintô, thánh Phaolô cho biết: Thân thể của chúng ta
đã được Thiên Chúa tạo dựng trên nền tảng là Đức Kitô, nên được hòa nhập vào
trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô và trở nên đền thờ của TC. Nên khi tôn
trọng và giữ gìn thân xác mình trong sạch cũng là góp phần làm cho đền thờ
trong Đức Kitô được tốt đẹp.
Sự kiện Chúa Giêsu đánh đuổi những con buôn ra khỏi đền
thờ mà bài Tin Mừng tường thuật, một mặt nhắc nhở chúng ta về giá trị cao quý
của ngôi Nhà thờ vật chất, bởi nơi đây giúp ta cùng với cộng đoàn được hiệp
thông với nhau trong Chúa; mặt khác cũng ý thức chúng ta về ý nghĩa thánh
thiêng về một đền thờ quý giá hơn đó là đền thờ tâm hồn. Bởi nơi đây chính là
nơi mà Thiên Chúa Ba Ngôi thích ngự trị.
Xin cho chúng ta ý thức rằng, sự hiệp thông với Chúa và
với nhau trong Chúa không chỉ nơi Nhà Thờ vật chất; mà sự hiệp thông ấy phải
được trãi dài trong suốt đời sống ở mọi nơi và trong mọi lúc. Nhờ đó mà sự sống
của Chúa Giêsu được lan tràn trên cuộc đời chúng ta, từ đó trổ sinh nhiều hoa
trái tốt lành mang lại niềm vui và ơn ích cho người và cho đời.
Thứ bảy: Lc 16, 9-15
Chúng ta đang sống
trong đời đại kinh tế thị trường nên tiền bạc có sức ảnh hưởng rất lớn trên
cuộc sống. Nếu không thức tỉnh chúng ta dễ rơi vào vòng xoáy kim tiền mà đánh
mất giá trị cao quý khác nhất là có nguy cơ loại bỏ TC ra khỏi cuộc sống. Đó là
điều mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay.
Dẫu biết rằng tiền của thế gian chỉ là phương tiện chứ
không phải là ông chủ. Tuy nhiên vì tiền bạc giúp con người có được cuộc sống
sung túc và thoải mái nên nó có một sức hút mãnh liệt. Nhiều người say mê tiền
bạc đến nổi đặt nó lên làm ông chủ để tôn thờ ngang hàng với thần thánh “tiền
là tiên là phật”. Chính vì đặt tiền bạc vào địa vị cao nhất đời mình, nên ta dễ
dàng loại bỏ tất cả những giá trị khác để kiếm tiền. Vì tiền người ta có thể
làm bất cứ việc gì ngay cả tham nhũng, gian lận, bán rẻ nhân phẩm và giết hại
lẫn nhau để có được đồng tiền.
Tin mừng hôm nay, sau khi Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết
tiền bạc chỉ là phương tiện chứ không phải là đích điểm. “Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy
bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào
nơi vĩnh cửu”. (Lc 16, 9). Đích điểm của con người là tình bạn
hữu và nước trời. Vì vậy mà tiền bạc không phải là ông chủ để ta tôn thờ, trái
lại nó chỉ là đầy tớ để phục vụ cho tình bạn và là phương tiện vật chất làm bậc
thang để đưa ta vươn tới nước trời.
Chính vì thế mà Chúa rất quyết liệt đòi buột chúng ta phải
dứt khoát chọn lựa giữa Thần Tài và TC. “Các con không thể làm tôi TC
mà lại làm tôi tiền của được!”.
Xin cho chúng ta biết khôn ngoan chọn Chúa làm gia nghiệp
đời mình và đặt Chúa làm vị trí trung tâm và cao nhất trong các chọn lựa của
đời sống Chúng ta. Để cho dù bất cứ hoàn cảnh nào xảy ra chúng ta vẫn trung
thành với Chúa Đấng đáng chúng ta tôn thờ đến cùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét