SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XII TN
CHÚA NHẬT
MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
(lễ thiếu nhi)
Hôm nay, chúng ta cùng
với Giáo Hội long trọng mừng kính lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Mừng kính thánh
lễ hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta tìm hiểu và suy niệm sâu xa hơn về bí
tích Thánh Thể, nhờ thế chúng ta thêm hiểu biết và yêu mến Thánh Thể Chúa hơn. Giờ
đây chúng ta hãy khiêm tốn nhìn nhận những lầm lỗi, thiếu sót và xin ơn tha thứ
của Chúa để xứng đáng cử hành mầu nhiệm Thánh.
Mừng kính trọng thể lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô
hôm nay, là dịp thuận tiện để cha cùng với các con ôn lại đôi chút giáo lý về
Bí Tích Thánh Thể mà Giáo Hội chỉ dạy chúng ta.
1. Các con cho cha biết: Ai đã lập Bí Tích Thánh Thể?
- Chúa Giêsu.
2. Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể khi nào?
- Chúa Giêsu đã
lập bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly trước khi Người chịu chết.
3. Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể như thế nào?
- Đang trong bữa
ăn, Người cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng tạ ơn rồi bẻ ra trao cho các môn đệ
mà phán: “Này là mình Ta, các con hãy cầm
lấy mà ăn”. Sau đó, Chúa Giêsu cầm lấy chén rượu nho, tạ ơn Chúa Cha rồi trao
cho các môn đệ và nói: “ Các con hãy nhận lấy mà uống, này là máu Ta, Máu tân
ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội” ( Mt 26,
26-28; Lc 22, 17-20). Khi ấy bánh và rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa.
4. Vì ý gì Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể?
- Vì yêu thương
chúng ta và muốn ở với chúng ta mãi nên Chúa Giêsu đã dùng chính Mình Máu Người
làm của ăn thức uống để nuôi dưỡng linh hồn bổ dưỡng thân xác nhắm giúp chúng
ta đủ sức tiến bước trên hành trình đi về nhà Cha.
5. Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể mấy lần?
- Chúa Giêsu chỉ
lập bí tích Thánh Thể một lần, nhưng Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho các tông đồ:
“Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (
Lc 22, 19). Qua đây Chúa Giêsu truyền lệnh cho Hội Thánh cử hành bí tích Thánh
Thể mà tưởng nhớ đến Chúa.
6. Giáo Hội cử hành bí tích Thánh Thể khi nào?
- Chính
khi cử hành thánh lễ là Giáo Hội cử hành bí tích Thánh Thể.
7. Khi nào bánh rượu trở nên Mình Máu Chúa?
- Trong thánh
lễ, khi linh mục chủ tế đọc lời truyền phép trên bánh và rượu lúc ấy bánh rượu
liền trở nên Mình và Máu Thánh Chúa.
8. Chúa Giêsu yêu thương muốn ở với chúng con. Vậy các con
có muốn rước Chúa vào lòng để ở cùng chúng con không?
- Muốn.
9. Muốn rước Chúa vào lòng thì phải có những điều kiện gì?
- Sạch tội
trọng, có ý ngay lành, giữ chay một giờ trước khi rước Chúa.
10. Rước Chúa thì được những ơn ích gì các con?
- Được kết hợp
mật thiếu với Chúa Giêsu và với nhau.
Xóa bỏ các tôi
nhẹ và gia tăng ơn thánh hóa.
Có sức chống
trả chước cám dỗ.
Bảo đảm cho ta
được sống đời đời.
Các con thân mến, Chúa Giêsu yêu thương
chúng ta đến hy sinh thân mình để trở nên Mình Máu Thánh nuôi sống chúng ta.
Chúng ta xin Chúa cho chúng ta biết đáp lại tình yêu Chúa bằng việc chăm học
giáo lý, siêng năng tham dự thánh lễ và luôn giữ tâm hồn trong sạch để dọn mình
rước Mình Máu Thánh Chúa cho xứng đáng.
THÁNH THỂ TUYỆT ĐỈNH CỦA TÌNH YÊU
Định luật tình yêu dạy cho ta hiểu rằng: yêu ai thì muốn ở
gần người đó, yêu ai thì muốn hy sinh phục vụ cho người đó và yêu ai thì
muốn trở nên một với người mình yêu. Hành động mà Chúa Giêsu trao ban chính Mình
và Máu Thánh Người để làm lương thực thần
linh nuôi sống chúng ta, chính là đỉnh cao của tình yêu dâng hiến.
Khi yêu nhau người ta không chỉ dừng ở việc phục vụ trong
hy sinh, nhưng người ta còn muốn nên một với người mình yêu: mình với ta tuy
hai mà một. Vì lẽ đó, Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể, biến bánh thành Thịt
và rượu thành Máu Người để nhằm ở lại mãi với người mình yêu.
Người đời trước khi đi xa, xưa nay thường để lại cho người
thân bằng những kỉ vật, bằng của hồi môn quý giá. Đối với Chúa Giêsu những kỉ
vật những của hồi môn dù cho quý giá mấy cũng tầm thường, không đủ nói lên hết
tấm lòng yêu thương của Chúa dành cho nhân loại. Nên Chúa muốn dùng kỉ vật hết
sức đặc biệt và cao trọng nhất, đó chính bản thân Chúa. Nhưng bản thân bằng xương
thịt của Chúa chỉ có thể trao ban một lần, không thể trao ban mãi. Vì thế, Chúa
muốn lưu lại bản thân Ngài bằng hình thức nhiệm mầu dưới hình bánh và rượu làm
của ăn của uống thiên liêng dưỡng nuôi linh hồn ta. Làm như thế Chúa muốn ở lại
với các tông đồ và với chúng ta luôn mãi. Đồng thời qua việc kết hiệp với Mình
Chúa, Chúa lưu truyền sự sống của Ngài trong thân thể ta và trở nên một trong
chúng ta.
Để thể hiện yêu thương các môn đệ đến cùng, Chúa Giêsu còn
muốn các môn đệ trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài và là hiện thân của Ngài
giữa trần gian. Vì thế Chúa Giêsu trao ban chức linh mục cho các môn đệ “các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Trong thánh lễ, nhờ việc đặt tay trên bánh rượu và đọc lời truyền phép như Chúa
Giêsu đã làm trong bữa tiệc ly, qua đó Chúa hiện diện nơi hình bánh rượu, trở
nên của ăn bổ dưỡng thân xác nuôi sống linh hồn cho những ai đón nhận Ngài, vì
Chúa nên một với chúng ta.
Tham dự thánh lễ hôm
nay, ước gì giúp ta hiểu được bài học tình thương đến cùng mà Chúa dành cho
chúng ta. Xin cho chúng ta cảm nhận sâu sắc tình Chúa mà nổ lực hết sức mình để
đáp lại tình Chúa yêu thương bằng đời sống gắn bó thân tình với Chúa; bằng
những hy sinh phục vụ quên mình vì Chúa và tha nhân, nhất là luôn biết gắn kết
với Chúa nơi Bí Tích Thánh Thể để Chúa ở trong ta và ta được sống trong Chúa
trong tình yêu viên mãn.
Ngày 24/06/2018
SINH NHẬT THÁNH GIOAN
TẨY GIẢ
Cùng với GH, hôm nay chúng ta mừng kính trọng thể lễ Sinh
Nhật Thánh Gioan Tẩy Gỉa. Đây là dịp GH mời gọi chúng ta chiêm ngắm và suy niệm
về cuộc đời, sứ mạng cao quý mà Thiên Chúa đã trao phó cho Gioan Tẩy Giả. Xin
Chúa cho chúng ta luôn ý thức về ơn gọi và sứ mạng cao quý mà Chúa đã trao ban
cho ta nhân ngày chịu phép rửa, và xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết nổ lực
hoàn thành xuất sắc ơn gọi và sứ mạng của mình, theo gương thánh Gioan Tẩy Gỉa.
Chiêm ngắm và suy niệm về con người và cuộc đời của thánh
Gioan Tẩy Gỉa, chúng ta nhận ra ngài là quả là một con người “độc” và “lạ” hiếm
thấy trên trần gian này.
Gioan Tẩy Gỉa là con người độc đáo.
– Sinh ra trong một gia đình mà ông là người con độc nhất,
rất quý hiếm.
– Ngay từ trong bụng mẹ đã được Đấng Cứu Thế đến viếng
thăm và được Đức Maria đến chúc phúc và chăm sóc.
– Chỉ mình ngài là được PV/GH mừng hai lần trong năm. Kính
nhớ ngày ngài bị trãm quyết ( 19/08) và kính trọng thể ngày sinh nhật hôm nay
(24/06).
Gioan Tẩy Gỉa còn là con người rất lạ.
– Được cưu mang và hạ sinh trong lúc Dacaria và bà
Elizabeth đã già nua, hết khả năng sinh sản. Ấy vậy mà Thiên Chúa đã làm cho bà
Elizabeth có thai và sinh con trai. Điều mà Dacaria không ngờ đến thì Thiên
Chúa đã làm cho ông. Nên bà con láng giềng đến chia vui cùng ông và ai nấy đều
tự hỏi “con trẻ này rồi sẽ như thế nào?”.
– Cách sống của Gioan cũng lạ thường. Ngay từ nhỏ ông đã
vào hoang địa để sống ẩn tu. Ngài chỉ ăn châu chấu, uống mật ong rừng và
mặc áo bằng da thú. Mãi cho đến 30 tuổi, ngài mới rời bỏ hoang địa bắt đầu thi
hành sứ mạng loan báo Đấng Cứu Độ. Ngài không mệt mỏi kêu gọi người ta ăn năn
sám hối, để chuẩn bị lòng đón nhận Đấng Cứu Thế.
– Cái chết của Gioan cũng hết sức lạ lùng. Chỉ vì can đảm
nói lên sự thật về tội ác tài trời của vua Hêrôđê, vì nhà vua cướp lấy người vợ
của anh mình mà Gioan đã bị bắt bỏ tù và nhận lấy cái chết ngay trong ngày sinh
nhật của vua Hêrôđê. Dưới sự chỉ đạo của bà Hêrôđia, người đàn bà độc ác mà đầu
Gioan đã rơi và được đặt trên cái dĩa dâng làm quà cho cô con gái ngây ngô của
bà nhân ngày sinh nhật nhà vua.
Nhìn lại con người và cuộc đời của Gioan Tẩy giả, chúng ta
thấy ngài quả là một con người dám lội ngược dòng, can đảm sống và minh chứng
cho những giá trị cao quý của công lý. Ngài đã trở nên con người “độc” là “lạ”,
xứng đáng được mọi người mến phục và GH mừng kính: “trong các
người nữ sinh ra không ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Gỉa”.
Xin cho chúng ta cũng biết noi gương ngài, sống trung
thành với sứ mạng loan báo tin mừng cứu độ bằng cách can đảm làm chứng cho chân
lý và lẽ phải. Nhất là sẵn sàng hy sinh ngay cả mạng sống cho những giá trị của
Tin Mừng.
Thứ hai: Mt 7, 1-5
Chúa dạy chúng ta: “Các con phải nên trọn lành như Cha các
con trên trời là Đấng trọn lành”. Tuy nhiên Chúa không muốn chúng ta tự cao, tự
đại cho mình tốt lành thánh thiện hơn người khác rồi lên mặt dạy đời, xét đoán
và lên án người khác.
Xin cho chúng ta biết khiêm tốn nhận mình còn nhiều yếu
đuối, thiếu sót và lầm lỗi để biết lo sửa đổi mỗi ngày nên hoàn thiện hơn, hầu
xứng đáng là con của Chúa.
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta: “ anh em đừng
xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán”.
Tâm lý tự nhiên trong chúng ta là thích xét đoán người
khác. Lý do bởi vì:
- Ta luôn nghĩ mình hay hơn, tốt hơn, giỏi hơn người khác.
- Do tính ác nằm sẵn trong người ta. Tuân tử nói: Nhân tri
sơ tính bản ác.
- Ta thích chà đạp và hạ bệ người khác nhằm để tự nâng bốc
mình lên.
Thật vậy khi xét đoán ai, tức là chúng ta đặt mình lên
trên người ấy, và muốn mọi người tôn vinh ca ngợi ta.
Sở dĩ Chúa Giêsu dạy chúng ta chứ nên xét đoán người khác
là bởi vì:
- Quyền xét đoán là quyền của Thiên Chúa: “ Chỉ có một
Đấng ra lề luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn
ngươi là ai mà dám xét đoán người thân cận?” ( Gc 5, 12 ).
- Nhân vô thập toàn, là con người ai cũng có những thiếu
sót và tội lỗi, lắm khi tính hư nết xấu và tội lỗi chúng ta còn lớn hơn người
khác. Do đó Chúa Giêsu khuyên chúng ta nên để ý đến cái “xà” trong mắt của mình
hơn là quan tâm đến cái “rác” trong mắt anh em. Và hãy lưu tâm lấy cái “xà”
trong mắt mình trước đã hơn là chỉ lo lấy cái “rác” trong mắt anh em.
- “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa
xét đoán”. “Cầm đuốt mà rê chân người”; “ Bới lông tìm vết, vạch lá tìm sâu”,
bươi móc lầm lỗi người khác rồi kết án buộc tội thì đáng bị Thiên Chúa kết án.
Xin cho chúng ta đừng bao giờ tước quyền của Thiên Chúa để
xét đoán và lên án anh em mình, cũng đừng bao giờ đồng lõa hùa theo người khác
để rồi nói xấu và dạy đời người khác. Trái lại cho chúng ta biết can đảm nói
điều tốt lành cho anh em, nhất là những người vắng mặt Làm thế ta sẽ
được Thiên Chúa ghi công. Bởi vì “ anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ
đong cho anh em đấu ấy”.
Thứ ba: Mt 7, 6. 12-14.
Con tim chỉ vui trở lại, hy vọng và tình yêu chỉ được thắp
sáng và tâm hồn được biến đổi thành một người mới khi tôi biết sống hy sinh và
cho đi. Đó là sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta.
Truyện kể:
Hai hạt giống cùng nằm trên một mảnh đất màu mỡ.
Hạt giống đầu tiên nói: “Tôi muốn lớn lên! Tôi muốn rễ của
tôi phải ăn sâu xuống lòng đất, mầm của tôi sẽ vươn lên vỏ đất cứng bên
trên…Tôi muốn giương nhành lộc non như tấm băng rôn báo hiệu xuân về… Tôi muốn
cảm nhận cái ấm áp của mặt trời chảy dài trên khuôn mặt, và cái tinh khiết của
sương mai trên những cánh hoa.
Và cô ta lớn lên …
Hạt giống thứ 2 nói “ Hmmm, nếu rễ của tôi ăn sâu xuống
đất, tôi không biết tôi sẽ đụng phải thứ gì trong bóng tối. Nếu tôi vươn mầm
qua lớp đất cứng, cái mầm mịn màng của tôi có lẽ sẽ bị hủy hoại … chuyện gì sẽ
xảy ra nếu tôi để lộc non xuất hiện và sâu bọ có ăn chúng? Và nếu tôi nở hoa,
một đứa trẻ nào đó sẽ ngắt tôi khỏi đất. Không, tốt hơn là tôi nên chờ cho tới
khi an toàn.
Và rồi cô ta chờ …
Một con gà mái đang đào bới xung quanh tìm thức ăn và phát
hiện ra hạt giống đang nằm chờ, thế là gà ta ăn ngay hạt giống ấy.
Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ
sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát
tan để góp cho vườn hoa cuộc đời thêm tươi đẹp - đó là sự chọn lựa của hạt
giống thứ hai.
Theo khuynh hướng tự nhiên ai trong chúng ta cũng thích sống an nhàn và tìm
tư lợi cho mình. Nhưng đó không phải là điều Chúa muốn nên Người phán: “Tất cả những
gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng phải làm cho người
ta”.
Trong cựu ước chỉ dạy: “Đừng làm cho người khác
điều chính mình không thích.” (Tb 4, 16). Lời dạy này còn mang tính thụ
động và tiêu cực nên không phù hợp với lời dạy của Chúa Giêsu.
Vì sợ bóng tối, hạt giống thứ hai đã không đâm rễ vào
lòng đất nên chẳng bao giờ nhìn thấy được ánh sáng.
Cũng vậy, không thích bóng tối không có nghĩa là không
gieo bóng tối. Vì chưa hẳn không gieo bóng tối là có ánh sáng. Muốn có ánh sáng
phải gieo ánh sáng.
Vì lo sợ đất cứng, sâu bọ và lũ trẻ làm hại nên hạt giống
thứ hai đã thụ động tìm sự an toàn, cuối cùng rồi cũng bị hủy diệt.
Cũng vậy tránh điều dữ cũng chưa hẳn tìm được điều lành.
Muốn có điều lành cần phải làm những việc lành.
Không ai là một hòn đảo. Sống là sống với, sống cùng, sống
vì và sống cho người khác. Khi sống cho người khác đòi hỏi chúng ta phải hy
sinh, chịu thiệt thòi và mất mác, phải đi vào con đường hẹp. Nhưng đó lại là
con đường dẫn đến sự sống.
Sự sống ở đây không đơn thuần là tồn tại dưới hình thức
vật chất, bởi vì không có vật chất nào không theo quy luật: sinh ra, lớn lên và bị
tiêu diệt; sự sống ở đây chính là cõi vĩnh hằng, là dẫu
có chết đi, nhưng với mọi người xung quanh, bạn chưa từng chết,
bạn không bao giờ chết, bạn tồn tại trong trái tim mỗi người và trong tình
yêu của Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta biết khôn ngoan chọn cho mình một
con đường hẹp. Đó là con đường của thập giá hy sinh. Con đường vị tha, sống vì
anh em bằng tấm lòng yêu mến cho dẫu phải gặp nhiều gian lao thử thách và đau
khổ. Nhưng chúng ta hằng tin rằng đó là con đường dẫn chúng ta đến ánh sáng của
niềm vui, hạnh phúc và sự sống đời đời.
Thứ tư: Mt 7, 15-20
Lòng dạ con người tỏ hiện ra bên ngoài bằng việc họ làm
chứ không phải điều họ nói. Người đời thì thường nói một đàng làm một nẻo.
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cảnh cáo và lên án những ai
nói một đàng làm một nẻo; đồng thời cũng mời gọi chúng ta biết nỗ lực thống
nhất đời sống, nghĩa là thống nhất giữa “cái là” và “cái làm”.
- Thông tin cho biết thị trường Việt Nam luôn xuất hiện
nhiều loại thực phẩm giả: Hột gà giả, gạo giả, thịt bò giả, rượu giả, cà phê
giả…
Báo chí và truyền thông chính thức cũng cảnh báo về những
loại tiền giả có mệnh giá cao thỉnh thoảng lại được vận chuyển từ Trung Quốc
vào Việt Nam.
Không chỉ thực phẩm giả, tiền giả trôi nổi trên thị trường
mà vàng giả vẫn bày bán khắp nơi. Nhiều cô làm le đeo quằn cả tay, cứ
tưởng là vàng thật ai ngờ là vàng giả trăm phần trăm.
- Nhưng hàng giả không nguy hiểm cho bằng người giả.
Với kỹ thuật giải phẫu thẩm mỹ và trang điểm như hiện
nay, người ta có thể biến một người xấu xí già nua trở nên thiếu nữ xinh đẹp
và trẻ trung lạ thường, bằng cách: đội tóc
giả, gắn mi và răng
giả, độn ngực và mông giả…Người
ta còn có thể làm cho anh chàng đực rựa “trăm
phần trăm” thành cô gái y như thật.
- Thế nhưng cái giả bên ngoài không đáng sợ bằng sự giả
dối bên trong của con người. Chẳng hạn để khoe khoang với bè
bạn, để dễ dàng trong công ăn việc làm, cũng như để luồn lách vào chức vụ nọ
chức vụ kia, người ta có thể bỏ tiền ra mua một cái bằng…phó tiến sĩ giả, để hù
dọa bà con lối xóm.
Người ta cũng có thể mượn danh làm công an giả, cán bộ
giả, thậm chí cả linh mục giả để dối gạt thiên hạ, ẵm về cho mình những món
tiền lớn và những lợi nhuận kếch xù.
Người ta sẵn sàng mượn tạm danh nghĩa, lợi
dụng những chức vụ giả tổ chức gây quỹ từ thiện nhằm móc
túi những nhà hảo tâm.
Họ là những kẻ nghĩ thế này, nói thế kia, nói một đàng làm
quàng một nẻo. Tư tưởng không đi đôi với lời nói, còn lời nói thì không đi đôi
với việc làm. Tư tưởng, lời nói và việc làm của họ không còn trong suốt như pha
lê. Không còn hợp nhất với nhau.
Đúng như Chúa Giêsu nói trong bài tin mừng hômn nay: “Họ
là những ngôn sứ giả đội lốt chiên mà đến với chúng ta”. Và lưu ý chúng ta
phải cẩn thận đề cảnh giác những hạng người ấy.
Xin cho chúng ta biết can đảm sống thật với mình với người
và với Chúa. Vì sự thật sẽ giải thoát chúng ta.
KÍNH THÁNH TÂM CHÚA
GIÊSU
Ông bà anh chị em thân mến, cùng với GH,
hôm nay chúng ta họp nhau nơi đây để tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Nguyện
xin thánh Tâm Chúa uốn lòng chúng ta nên giống trái tim Chúa, để chúng ta biết
thể hiện TY Chúa trong đời sống gia đình, cũng như ngoài xã hội, nhằm góp
phần xoa dịu phần nào vết thương trong trái tim Chúa.
Năm 1597, lệnh
bắt đạo trên đất Nhật thật gắt gao, Chỉ trong một tuần lễ, mọi
cơ sở công giáo đều bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt
gần hết, giáo dân bị phân tán và khủng bố tàn tạ. Tại vùng
Odawara, Kamakura, người ta bắt được 2 linh mục trẻ tuổi
là Simauchi và Uzawa cùng nhiều ảnh tượng, giải
về Tokyo. Quan đại thần Tsukamoto nhặt trong đống ảnh tượng một
mẫu ảnh thật kỳ cục: Người gì mà để trái tim ra ngoài
!
Tsukamoto là một nhà nho
uyên bác, có óc thực tế, thích tìm hiểu. Ông cầm mẫu ảnh trái tim coi
qua rồi vứt vào sọt rác, nhưng đến tối, ông nhớ lại và
nghĩ bức ảnh kỳ lạ kia hẳn có một ý nghĩa
nào đó. Ông lượm lại bức ảnh để trên bàn và suy nghĩ.
Trời đã về khuya mà quan vẫn ngồi bất động một mình với
bức ảnh trước mặt. Mãi đến gần một giờ sáng, vị đại thần
mới thở ra nhẹ nhàng khoan khoái, tay cầm bút lông ghi dưới
bức ảnh mấy chữ : "Đối ngoại hữu kỳ tâm - Đối nội vô tâm
giả"
Từ đó Tsukamoto
đặt bức ảnh trái tim trên bàn làm việc một cách kính cẩn. Một hôm
có ông bạn tên Osaki đến chơi, thấy vậy hỏi:“Thế nào,bạn lại thích ảnh
tượng của bọn tà đạo rồi sao ?”
“Đứng về mặt chính trị của triều
đình thì tôi không dám phản kháng. Nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo thì tôi rầt
thích bức ảnh này. Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình và hành động
cùng lối xử thế tổng quát của Kitô giáo.”
Để ông bạn coi: Đối với thiên hạ,
tha nhân bên ngoài thì "Hữu Tâm", còn với bản thân mình
thì "Vô Tâm". Cho nên họ mới vẽ trái tim để ra ngoài...
Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời;
còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo riêng cho mình, phải diệt
cái ngã vị kỷ. Đem hết trái tim ra giúp đời, giúp người.
Nội bức ảnh nầy tôi thấy đầy đủ hơn
cả cái học Từ Bi của Phật, khoan dung hơn cái Nhân Thứ của Khổng, cao siêu hơn
cái Vô Ngã của Lão, mạnh mẽ hơn cái học Dũng thuật của Thần Đạo Nhật Bản vậy.
Một tôn giáo dạy phụng sự nhân
loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng tới, không quan
tâm đến tư lợi, thì quả là ngay chính của Thiên hạ vậy.
Osaki cảm phục sự diễn đạt của bạn.
Không ngờ Đạo Công Giáo lại hàm chứa một triết lý nhân sinh cao siêu như vậy.
Từ đó hai ông trở nên những người bạn chí thân và đã âm thầm nhận phép Rửa Tội,
đồng thời vận động triều đình thả hai linh mục... (Trích
"Phúc").
Đúng như lời giải thích của Tsukamoto. Thiên
Chúa đã yêu thương con người cách vô vị lợi.
- Bài đọc 1 cho biết: Thiên Chúa yêu
thương và tuyển chọn dân Do Thái làm dân riêng của Người, không phải vì họ quan
trọng hay vì công lao của họ, nhưng hoàn toàn là do lòng tốt của Thiên Chúa.
- Còn bài đọc 2, thánh Gioan định
nghĩa "Thiên Chúa là Tình Yêu". Bằng chứng là Ngài đã
không tiếc gì đối với chúng ta. Ngay cả Người Con Một Yêu dấu, Ngài cũng sẵn
sàng trao ban cho chúng ta .
- Riêng bài Tin Mừng hôm nay cho biết,
chính Chúa Giêsu hằng yêu thương chúng ta. Đặc biệt là những người bị xã hội bỏ
rơi. Cụ thể là những ai đang mang gánh nặng, đang gặp đau khổ và những người bị
đẩy ra bên lề xã hội. Chúa Giêsu tha thiết mời gọi họ đến với Chúa để Chúa ủi
an, nâng đỡ và bổ sức cho họ. Có lẽ Chúa sẽ không cất đi hết những khó nhọc,
gánh nặng của kiếp người. Nhưng chắc chắn Chúa sẽ ban ơn trợ lực và ban sức
mạnh để những ai đến với Ngài sẽ vượt qua.
Cũng chính vì yêu thương chúng ta nên
Ngài tha thiết mời gọi chúng ta hãy học lấy bài học yêu thương như Ngài. Bài
học yêu thương đó được cụ thể hóa qua đời sống hiền lành và khiêm nhượng.
Xin cho chúng ta cảm nhận tình yêu
sâu xa mà Chúa đã dành cho chúng ta. Xin cho chúng ta cũng biết đáp trả tình của Chúa qua
đời sống gắn bó mật thiết với Chúa và yêu thương chân thành với tha nhân mà
không cần toan tính. Amen.
Thứ năm: Mt 7, 21-29
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta biết điều kiện
cần phải có để vào nước trời. Đó là lắng nghe và thực hành lời Chúa.
Xin cho chúng ta biết quý trọng lời Chúa dạy và nổ lực đem
lời Chúa ra thực hành trong đời mình. Nhờ thế hy vọng chúng ta mới xứng đáng
được Chúa ban thưởng hạnh phúc nước trời.
Có một câu chuyện kể rằng: Một người nông
dân nghèo, được vào thiên đàng, ông nhìn thấy người ta mang những vật rất kỳ lạ
vào trong nhà bếp. Ông thắc mắc và lên tiếng hỏi: Cái gì thế? Có phải để nấu
súp không ?
Không phải. Đó là những cái tai của con
người. Khi sống ở trần gian, tai giúp họ nghe những điều tốt lành, nhưng họ
không làm điều tốt lành đó. Khi chết, chỉ có tai của họ được vào thiên đàng
thôi, những phần khác của cơ thể thì không được vào.
Một lát sau, người nông dân lại nhìn thấy
người ta mang vào nhà bếp những vật kỳ lạ khác. Ông cũng lên tiếng hỏi: Cái gì
thế? Có phải để nấu súp không?
Không phải. Đó là những cái lưỡi của con
người. Khi sống trên đời, lưỡi khuyên bảo người khác làm điều tốt và sống tốt,
nhưng chính họ lại không sống; không làm những điều tốt lành đó. Khi chết, chỉ
có lưỡi của họ được vào thiên đàng thôi, những phần khác của cơ thể thì không
được vào.
Như vậy để được hưởng trọn vẹn hạnh phúc
nước trời không chỉ có nghe và nói những lời hay ý đẹp mà thôi. Nhưng
điều quan trọng là phải thực hiện những lời hay ý đẹp ấy trong đời sống.
Nghe lời Chúa không chưa đủ, điều quan
trọng là phải thực hành lời Chúa.
Bởi lẽ thực hành lời Chúa thì được xem là
người khôn ngoan, vì đã xây dựng đời mình trên nền tảng vững chắc là đá. Cho dù
mưa sa, bảo táp cũng không tài nào sụp đỗ. Ngược lại nếu chỉ nghe và nói lời
Chúa mà thôi, thì được xem như người khờ dại, vì đang xây dựng đời mình trên
nền cát. Do đó khi mưa sa, gió bảo thì ngôi nhà ấy sẽ sụp đổ hoàn toàn.
Xin Chúa cho chúng ta không chỉ giữ đạo
trên môi miệng mà điều quan trọng là biết lắng nghe và đem lời Chúa áp dụng vào
thực tế đời sống. Nhờ thế chúng ta mới xứng đáng được vào hưởng hạnh phúc nước
trời.
Thứ sáu: Mt 8, 1-4
Người mắc bệnh cùi thời Chúa Giêsu
phải chịu nhiều đau khổ.
Đau về thể xác.
Vì không có thuốc chữa trị, nên bệnh cùi
hành hạ thân xác rất nhức nhối.
Vi trùng cùi Hansen ăn vào da thịt dần
mòn làm lỡ loét mặt mày, tay chân đau buốt.
Gân cốt tay chân thường bị co vấp lại,
không còn khả năng làm việc như người bình thường. Tình cảnh họ rất là đau
thương.
Khổ về tâm hồn.
Quan niệm bệnh là do tội lỗi lỗi gây nên,
cùi là bệnh nặng chứng tỏ tội của người cùi phải rất nhiều.
Người cùi bị mọi người xem thường, khinh
bỉ và xa lánh vì sợ lây uế. Người cùi phải sống tách biệt với cộng đồng vì xã
hội đẩy họ ra bên lề cuộc sống.
Người bị bệnh cùi luôn phải sống nhờ người
khác và bị xem là thành phần ăn bám xã hội. Thật chua xót!
Việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh cùi chứng
tỏ Ngài là Thiên Chúa quyền năng và giàu lòng thương yêu..
Việc Chúa Giêsu chữ lành bệnh cùi đồng
nghĩa với việc Chúa phục hồi phẩm giá làm người của họ, trả lại cho họ tình
trạng tốt đẹp thuở ban đầu mà Chúa đã tác tạo.
Việc Chúa chữa lành bệnh cùi cho họ là
lời mời gọi mọi người hãy mở rộng vòng tay đón nhận nhau trong tình anh em, dù
họ là ai.
Việc Chúa chữa lành bệnh cùi cũng chính
là mời gọi tha thiết đối với những ai đang mang nặng những nỗi đau về thể xác
hay những vết thương nơi tâm hồn hãy mạnh dạn đến với Chúa để kêu xin ơn cứu
chữa của Ngài; và hãy can đảm hòa nhập với cộng đồng xã hội để có được niềm
vui, nguồn an ủi.
Có lẽ chúng ta không mắc phải bệnh cùi về
thể lý vì ngày nay đã có thuốc đặc trị. Nhưng rất có thể chúng ta lại mắc phải
bệnh cùi về tâm linh.
Cùi tâm linh là khi chúng ta vô
ơn đối với Thiên Chúa. Sống xa cách Chúa, không quan tâm đến thánh lễ Chúa
nhựt, không còn biết cám ơn Chúa qua giờ kinh sáng-tối nơi gia đình, không để
tâm học hỏi Thánh kinh và giáo lý….
Cùi tâm linh là khi chúng ta tự tách rời
khỏi anh em trong các sinh hoạt của họ đạo. Có thể vì mặc cảm hay vì tự cao mà
ta sống cu ki một mình, không còn khả năng hòa nhập với cộng đoàn họ đạo.
Cùi tâm linh là khi chúng ta vô tâm, thờ ơ, dửng dưng, ích kỷ, tư
lợi mà không biết chạnh lòng thương trước nỗi đau của người khác.
Sự Những thứ đó chính là những chứng bệnh cùi về tâm linhnguy
hiểm.
Vậy mỗi người chúng ta
hãy ý thức về bệnh cùi tâm linh của mình và xin
Chúa cứu chữa.
Xin Chúa cho chúng con biết khiêm tốn
nhận ra bệnh tình nguy hiểm đang mang trong người. Và xin Chúa thương cứu chữa
cho lành sạch “Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch”.
Thứ bảy: Mt 8, 5-17.
Tình thương ơn cứu độ của Chúa là phổ quát dành cho hết
mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc hay tôn giáo. Tuy nhiên để đón
nhận được tình thương và ơn cứu độ của Chúa đòi hỏi con người phải có đức tin.
Đó là sứ điệp lời Chúa hôm nay gởi đến chúng ta.
Tin mừng cho biết Chúa Giêsu yêu thương và cứu chữa nhiều
người, không phận biệt họ là ai.
Tiêu biểu là việc Chúa Giêsu chữa lành thằng bé đau liệt
của viên đại đội trưởng, nhờ lòng tin mạnh mẽ của ông ta.
Cất bước ra đi khỏi mái nhà tiện nghi êm ấm để lên đường
tìm Đức Giêsu là bằng chứng của một niềm tin.
Thốt lên lời nài xin cùng Đức Giêsu về nhu cầu mình cần
trong khiêm tốn, là dấu chứng của lòng tin cậy.
Nhận thân phận và ngôi nhà mình bất xứng không đáng Chúa
ngự đến, thể hiện lòng khiêm nhường thẳm sâu và niềm tin tuyệt đối vào quyền
năng của Chúa nơi Đức Giêsu.
Niềm tin này đã được Chúa Giêsu xác nhận qua lời tuyên bố
mạnh mẽ: “Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Ít-ra-en”.
Chính lòng khiêm nhường thẳm sâu và niềm tin tưởng tuyệt
đối của viên đại đội trưởng đã được Chúa Giêsu đón nhận qua việc Chúa đã cứu
chữa gia nhân của ông ta được lành bệnh.
Lòng tin tưởng phó thác của viên đại đội trưởng khiến
chúng ta nhớ đến lòng tin phó thác của Đức Maria nhân ngày thứ bảy, kính Đức
Maria hôm nay. Với lòng tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, Đức Mẹ đã sẵn sàng vâng
theo thánh ý Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc đời, dù phải trải qua bao là
thử thách.
Trên hành trình bước theo Chúa, niềm tin của chúng ta cũng
phải đối diện với biết bao là chông gai thử thách. Xin cho chúng ta luôn kiên
vững niềm tin vào Chúa như Mẹ Maria và mạnh mẻ thể hiện niềm tin của mình như
viên đại đội trưởng, nhờ thế chúng ta sẽ được Chúa yêu thương đón nhận và cứu
chữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét