CHÚA NHẬT XVII TN, NĂM C
Lm Seoka
KINH LẠY CHA
ĐỊNH HƯỚNG SỐNG CHO
NGƯỜI CON CHÚA
Lc
11, 1-13
Lời Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu
chỉ dạy các môn đệ trong đoạn Tin mừng hôm nay, chính là định hướng quan trọng
và đúng đắn nhất cho mọi lời cầu nguyện dành cho những ai muốn sống tâm tình
con thảo đối với Chúa.
– Sống tình con thảo là không
làm theo ý mình, nhưng làm theo ý Cha và mong muốn mọi người cũng biết thi hành
thánh ý của Chúa Cha như ta vậy.
– Sống tâm tình con thảo là
không mưu tìm tư lợi cho riêng mình, nhưng mưu tìm vinh quang, danh dự và lợi
ích cho Người Cha của mình.
– Sống tâm tình con thảo là
luôn biết sống hiệp nhất với anh em bằng tinh thần bao dung, quảng đại, yêu
thương tha thứ theo mẫu gương của Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương.
– Sống tâm tình con thảo là
luôn tin tưởng và phó thác vào uy quyền của Cha mình. Do đó, điều quan trọng
của người con thảo không phải là quan tâm đến những nhu cầu vật chất cho bằng
ưu tiên hàng đầu là làm sao tìm kiếm thánh ý Cha để sống cho đẹp lòng Cha. Vì
thế mà người con ấy phải can đảm chối bỏ những lời mời gọi ngọt ngào của ma
quỷ, thế gian và xác thịt là những kẻ thù luôn chống đối và dẫn dắt ta đi ngược
lại với đường lối của Cha mình.
- Sống
tinh thần con thảo còn là luôn biết gắn kết đời mình vào Chúa trong mọi nơi,
mọi lúc và trong hoàn cảnh. Bởi người con ấy hiểu rằng không ai yêu thương mình
hơn chính người Cha tốt lành của mình.
Xin cho mỗi người trong gia đình
chúng ta biết sống tâm tình con thảo với Chúa là Cha; biết siêng năng quy tụ
bên nhau trước bàn thờ Chúa để cầu nguyện sáng tối;biết khiêm tốn lắng nghe và
thực thi lời dạy của Chúa mà sống quảng đại, tha thứ và hy sinh phục vụ lẫn
nhau với lòng tín thác vào tình thương của Chúa là Cha giàu lòng xót thương.
Nhờ đó, mà ta mới xứng đáng trở nên người con thảo của Chúa.
CHÚA
NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN, NĂM C
Cầu nguyện là một hành vi rất quan
trọng không thể thiếu đối với đời sống của các tôn giáo. Đối với người công
giáo cầu nguyện còn được gọi là hơi thở của linh hồn nữa. Nhưng phải cầu nguyện
như thế nào cho phù hợp với ý muốn của Chúa? Đó là điều mà phụng vụ lời Chúa
hôm nay muốn nói với chúng ta.
Vậy giờ đây, chúng ta hãy để tâm
lắng nghe lời Chúa dạy mà điều chỉnh lại cách cầu nguyện của mình, sao cho phù
hợp với ý muốn của Chúa.
Thông thường khi nói đến cầu
nguyện, đa số chúng ta đều nghĩ đến xin ơn nọ ơn kia, mà ít ai nghĩ rằng cầu
nguyện chính là cách để “làm vinh danh Chúa và làm công việc của Chúa”.
Cầu xin cho những nhu cầu về vật
chất là một điều cần, nhưng vẫn chưa đủ, vì còn mang nặng tính ích kỷ, chỉ nghĩ
đến bản thân mà không quan tâm gì đến ý muốn của Chúa. Vì thế mà Chúa Giêsu đã
chỉ dạy cho các Tông đồ cách thức cầu nguyện sao cho xứng hợp qua lời “Kinh Lạy
Cha”.
Khi phân tích lời Kinh Lạy Cha, ta
nhận thấy gồm có tất cả bảy điều nguyện xin, và được chia ra thành hai phần rõ
rệt:
1. Phần thứ nhất: Gồm
ba điều nguyện ước qui hướng về Chúa: Xin cho Thánh Danh Thiên Chúa được thiên
hạ nhận biết mến yêu mà tôn thờ (1); xin cho Nước Cha, tức là uy quyền thống
trị của Chúa được lan rộng khắp mọi nơi, nhất là nơi tâm hồn của mỗi người (2);
xin cho Thánh Ý Cha được mọi người trên thế giới này tuân phục cách tuyệt đối,
và được các Thánh ở trên trời hằng vâng theo (3).
2. Phần thứ hai: Gồm
bốn điều, đó là những lời nguyện xin cho nhu cầu vật chất và tinh thần cho bản
thân mình. Xin cho lương thực hàng ngày dùng đủ để nuôi sự sống thể xác (1) ;
xin Thiên Chúa tha nợ (tội lỗi), cái nợ tội lỗi đã làm phiền lòng Chúa là Cha
yêu thương ta (2) ; xin Chúa đừng để chúng ta sa vào những mưu chước cám dỗ của
ma quỷ(3); và cứu giúp chúng ta khỏi mọi sự dữ, tai ương thường xuyên xảy ra ở
trần gian này (4).
Những lời nguyện xin ở trên đây
phải luôn luôn được nuôi dưỡng bằng những tâm tình tin cậy và yêu mến của người
con đối với Cha mình. Nên người cầu nguyện phải xem Thiên Chúa là Cha, một
người Cha trên hết mọi người Cha.
Sau khi dạy Kinh Lạy Cha, Chúa
Giêsu còn đặc biệt nhấn mạnh đến lòng kiên nhẫn phải có khi cầu nguyện.
Bởi kinh nghiệm xưa nay cho chúng
ta biết: muốn làm bất cứ việc gì, chúng ta cũng phải kiên nhẫn và dầy công chịu
khó. Người nông dân muốn có mùa gặt bội thu, phải vất vả làm đất, gieo hạt, nhổ
cỏ, vun xới, tưới phân, chăm sóc… hy sinh như thế mới mong mùa thu hoạch mang
lại kết quả tốt đẹp.
Một học sinh muốn trở thành bác sĩ,
kỹ sư phải vất vả và học hành thức khuya dậy sớm miệt mài đèn sách thì mới có
thể trở thành người có chuyên môn giỏi, giúp ích cho mình và cho đời.
Kiên trì là điều kiện cần thiết cho
mọi thành bại trong cuộc sống. Nói cách khác, kiên trì lao động chắc chắn sẽ
đem lại thành công. Kinh nghiệm ấy được cha ông ta đúc kết thành câu châm ngôn
: "Có công mài sắt có ngày nên kim”. Câu châm ngôn này không những
chỉ đúng trong lãnh vực tự nhiên mà còn đúng cả trong lãnh vực siêu nhiên nữa.
Bài đọc 1 cho thấy: Khi cầu nguyện,
Abraham mặc cả với Chúa nhiều lần bằng cách hạ dần số người công chính có trong
thành Xơ-đôm tội lỗi, để xin Chúa tha phạt cho cả thành. Quả là có lợi khi ông
lý luận chẳng lẽ người công chính cũng bị vạ lây với hình phạt dành cho người
tội lỗi? Và cuối cùng nhờ biết “đôi co”, Thiên Chúa “đành chịu thua” sự kiên
trì của ông Abraham. Thế là ông và cả thành thoát nạn, bởi vì bản chất của
Thiên Chúa là Đấng "chậm bất bình và đầy lòng khoan dung".
Lòng kiên nhẫn cầu nguyện của ông
Maisen cũng vậy. Khi ông giang tay cầu nguyện thì dân Chúa thắng thế; còn khi
ông mệt mỏi xuôi tay xuống thì quân A-ma-lếch chiến thắng.
Thánh Phaolô trong thư gửi Timôthêô
cũng đã căn dặn phải kiên nhẫn, trung tín cầu nguyện và năng suy gẫm lời Chúa
trong Thánh Kinh.
Nổi bậc nhất là dụ ngôn người bạn
vay bánh giữa đêm khuya mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin mừng hôm nay. Cho
dẫu người bạn hàng xóm thức dậy và lấy bánh cho người bạn mình vay không vì
tình nghĩa, thì cũng ít ra cũng vì sự kiên nhẫn của người bạn này.
Hơn ai hết, Chúa Giêsu biết được
giá trị cao quý của việc cầu nguyện là cần thiết cho đời sống chúng ta là thế
nào? nên Người đã tha thiết kêu mời chúng ta hãy kiên tâm cầu nguyện: “Anh
em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc
11, 9).
Cuộc trở lại của thánh Augustinô là
một ví dụ điển hình, nói lên lòng kiên nhẫn trong việc cầu nguyện của bà mẹ là
Monica. Phải mất gần 20 năm trời lời cầu xin, bà Mônica mới được Chúa
nhậm lời.
Xin cho chúng ta biết vâng nghe lời
dạy của Chúa mà siêng năng cầu nguyện và cầu nguyện kiên trì với lòng tin tưởng
vào Chúa là người Cha đầy lòng yêu thương chúng ta. Tin chắc Ngài sẽ nhận lời
mà ban cho chúng ta những điều thiện hảo nhất, hơn cả những gì chúng ta cầu
xin. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét