Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XVII TN

Thứ hai: Mt 13, 31-35
Để mạc khải về mầu nhiệm nước trời cho dễ hiểu, Chúa Giêsu hay dùng đến dụ ngôn. Như vậy, có thể nói dụ ngôn là con đường ngắn nhất, thực tế nhất, gần gũi nhất và cũng hữu hiệu nhất để đưa dẫn chúng ta tiếp cận với những giá trị thiêng liêng cũng như những thực tại vô hình của nước trời.
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng đến hai dụ ngôn: Dụ ngôn hạt cải và tấm men để mạc khải về mầu nhiệm nước trời.
Với hai dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta biết: nước trời khởi đầu bé tí ti như hạt cải, âm thầm như tấm men. Nhưng với thời gian nó dần dần lớn lên, vững mạnh và có sức lan tỏa đến bất ngờ!
- Với hạt cải nhỏ bé, nhưng khi được gieo vào lòng đất, nó lại âm thầm lớn lên vững mạnh, to lớn đến nổi làm chổ nương tựa cho chim trời ẩn trú an toàn.
- Với tấm men ít ỏi, nhưng khi trộn lẫn vào ba đấu bột thì nó lại kích thích ba đấu bột dậy men, trở thành một khối bột to lớn.
Giống như hạt cải ban đầu nhỏ tí ti, nhưng khi gieo vào lòng đất nó mọc lên và trở thành cây cao bóng cả, trở nên nơi trú ẩn an toàn cho chim trời những khi mõi mệt và gặp hiểm nguy; GH khởi đầu rất khiêm tốn, nhỏ bé chỉ với nhóm tông đồ 12 nhỏ nhoi.  Nhưng trãi qua hơn 2000 năm nay, GH đã không ngừng phát triển và lớn mạnh. Đến nay đã có trên 2 tỷ người kitô giáo, chiếm 1/3 dân số thế giới. GH đã trở thành nơi tựa nương cho bao nhiêu người yếu đuối, nghèo khổ tựa nương; trở nên bóng mát cho những ai mệt nhòai trên đường đời ẩn náo. Bởi lúc nào GH cũng đứng về phía người nghèo, cô thế cô thân để bênh vực chở che, nhằm đem lại cho họ nguồn bình an đích thực. Như lời mời gọi của Chúa Giêsu: "những ai  vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11, 28).
Tựa như tấm men rất ít ỏi, nhưng khi được trộn vào ba đấu bột nó lại âm thầm kích thích cho ba đấu bột dậy men thành một khối to; làm thành những tấm bánh thơm ngon mang lại niềm vui và nguồn sức sống cho con người. Số tín hữu trong GH ban đầu cũng rất ít ỏi, lại phải sống hòa nhập với mọi người trong một thế giới rộng lớn. Vậy mà chỉ với thời gian ngắn, Tin mừng của Chúa đã thấm nhập và lan tỏa đến mọi người trên khắp cùng thế giới, nhờ vào đời sống hiệp nhất yêu thương và gương chứng nhân đức tin anh hùng của các kitô hữu.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết tích cực cộng tác với GH trong sứ mạng mở mang nước trời bằng đời sống chứng nhân của tình yêu Chúa; trở thành men Tin mừng thấm nhập vào mọi tâm hồn và lan tỏa đến mọi nơi. Nhờ đó mà GH của Chúa mỗi ngày được lan rộng và vững vàng hơn.

Thứ ba: Mt 13, 36-43
Với lời giải thích về dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng lúa, Chúa Giêsu muốn mạc khải cho các môn đệ biết về lòng từ bi và nhẫn nại của TC dành cho những người tội lỗi; đồng thời qua đó cũng cho thấy trước số phận khác biệt của người công chính và kẻ bất lương trong ngày sau hết. Ngày ấy “Người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Chúa”; còn kẻ bất lương sẽ “bị tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.
Cảm nhận được lòng từ bi nhẫn nại của TC; và nhìn thấy được sự công thẳng của Người trong ngày phán xét, phải là động lực mạnh mẽ thúc đẩy mỗi người chúng ta quyết tâm sống tốt hơn, hầu xứng đáng với tình thương của một vị Thiên Chúa “chậm bất bình và giàu lòng xót thương”(x. Xh 34,6), nên “Ngài  không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống”(Ed 33, 11).
Mong rằng mỗi người trong chúng ta giữ được bản chất tốt lành vốn có đã được Thiên Chúa gieo vãi vào trong mãnh đất tâm hồn ngay từ thuở ban đầu.
Ước gì mỗi người chúng ta đều biết can đảm khước từ mọi mầm móng của cỏ lùng do kè thù gieo vãi vào trong thế gian này để những hạt lúa tốt có cơ may phát triển mạnh mẽ và trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành nơi mỗi chúng ta.

Thứ tư: Mt 13, 44-46
Để mạc khải về những khía cạnh khác nhau của nước trời, trong những ngày qua, Chúa Giêsu đã dùng rất nhiều hình ảnh cụ thể để diễn đạt.
Tiếp tục về đề tài nước trời, Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến hai hình ảnh rất gần gũi, đó là kho báu và viên ngọc quý để làm nổi bật giá trị tuyệt đối của nước trời.
Bằng dụ ngôn người nông dân sẵn sàng bán đi tất cả gia sản của mình mà tậu cho bằng được kho báu bị chôn giấu trong mảnh ruộng nọ; và nhà buôn kia cũng chấp nhận đánh đổi mọi thứ ông có, mà mua lấy viên ngọc quý. Qua đó, Chúa Giêsu như muốn nhắc nhở chúng ta cũng phải biết tích cực lo tìm kiếm và sẵn sàng hy sinh tất cả những gì mình có, để mua lấy cho bằng được kho tàng quý giá, vượt trên cả kho báu và viên ngọc quý trên trần gian này, đó là Nước Trời. Bởi làm gì có kho tàng nào quý giá bền vững và an toàn cho bằng nước trời, vì“nơi đó kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá” (Lc 12, 33), nên rất đáng cho chúng ta đánh đổi mọi thứ mà mua lấy. 
Xin Chúa cho chúng ta biết khao khát tìm kiếm những giá trị thuộc về nước trời và can đảm đánh đổi mọi thứ chóng qua đời này, ngay cả phải hy sinh mạng sống mình để mua cho bằng được Nước Trời làm gia nghiệp đời mình.

Thứ năm: Mt 13, 47-53
Như một ưu ái cho những người sống nơi vùng sông nước hiểu được mầu nhiệm nước trời, Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu lại tiếp tục dùng dụ ngôn chiếc lưới thả xuống biển bắt cá.
Đây là dụ ngôn cuối cùng trong một loạt 7 dụ ngôn nói về Nước Trời, được Tin mừng Matthêu ghi lại ở chương 13. Sứ điệp của dụ ngôn này nhằm nhấn mạnh đến số phận đời đời của mỗi người chúng ta trong ngày phán xét.
- Tựa như đàn cá bơi dưới biển, gồm đủ mọi thứ cá tốt, xấu khác nhau, thì trong xã hội và GH… cũng đều có những người tốt và kẻ xấu chung sống bên cạnh nhau. 
- Giống như cá bơi lội dưới nước sâu, ta không biết được đâu là cá tốt, đâu là cá xấu, cho đến khi chiếc lưới được kéo lên bờ, thì ta mới phân biệt được rõ ràng. Cũng vậy, sống trên thế gian này, ta không tài nào đánh giá được đâu là người tốt, đâu là kẻ xấu. Nhưng đến ngày tận thế, ngày mà lưới trời chụp xuống trên thế gian, lúc đó các Thiên Thần sẽ tách biệt ra, thì ta mới nhận ra đâu là người lành và đâu là kẻ dữ.
- Cũng giống như số phận của những con cá được kéo lên bờ, cá xấu sẽ bị ném ra ngoài; còn cá tốt thì được bỏ vào giỏ; thì số phận đời đời của mỗi chúng ta trong ngày phán xét cũng vậy. Ngày đó, kẻ xấu sẽ bị quăng vào lò lửa không hề tắt. Ở đó họ sẽ phải “khóc lóc nghiến răng”. Còn người công chính sẽ được Chúa ân thưởng hạnh phúc nước trời. 
Nhưng làm thế nào để ngày phán xét, ta sẽ được vào hưởng vinh quang nước trời? Cuối đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu như muốn nói đến điều then chốt, quyết định số phận của mỗi người trong ngày phán xét, đó là có biết học hỏi và đem lời Chúa ra thực hành hay không. Việc hiểu lời Chúa và đem ra áp dụng vào đời sống hiện tại cũng  “giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ”.
Như thế thì học hỏi lời Chúa là điều cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Điều quan trọng nhất vẫn là đem lời Chúa ra thực hành, thì mới xứng đáng được Chúa ban thưởng hạnh phúc nước trời.
Xin cho chúng ta biết noi gương thánh An-phong, nhất là Mẹ Maria biết để tâm lắng nghe lời Chúa dạy và tích cực đem lời Chúa ra thực hành trong đời sống hiện tại nơi trần gian này. Nhờ đó mà ta mới hy vọng được vào chung hưởng phần phúc vinh quang cùng với các thánh và Mẹ Maria trong nước trời mai này. 

Thứ sáu: Mt 13, 54-58
Tin mừng hôm nay cho biết Chúa Giêsu trở về quê hương xứ sở để công bố chương trình hành động trong sứ mạng cứu độ của Ngài. Nhưng Chúa Giêsu lại bị những người đồng hương Nazareth khước từ và đối xử tệ bạc. Đâu là nguyên nhân dẫn đến việc khước từ và hành xử tệ bạc ấy của dân làng Nadarét? Xét cho cùng cũng bởi hai chữ “tại vì”.
-  Tại vì Chúa Giêsu không có bằng cử nhân, tiến sĩ trong tay nên khi hành nghề giảng dạy thánh kinh, giáo lý, hay giáo luật…liền bị làng Nadarét xem thường và phản đối. Phải chi Chúa Giêsu giảng dạy về kĩ thuật đóng bàn ghế, cất nhà… thì còn dễ chấp nhận!
- Tại vì Chúa Giêsu sinh ra và lớn lên trong một gia đình quá nghèo: Con của bác thợ mộc Giuse và cô Maria quê mùa không nghề nghiệp trong tay, không của hồi môn nên làm sao có của dư của để. Giá như Chúa Giêsu là con của một đại gia, thì có lẽ không bị dân làng xúc phạm!
- Tại vì Chúa Giêsu không có bà con thân thuộc làm chức cao quyền trọng nên làm sao được ngưỡng mộ. Bà con họ hàng của Ngài chỉ là những người chân lấm tay bùn. Chẳng có ai giàu sang quyền quý. Giá như Chúa Giêsu là con ông cháu cha (CÔCC), thì tiếng vỗ tay, tét đùi tán thưởng của dân làng Nadarét sẽ vang dậy không ngừng trước những lời hay ý đẹp được thốt ra từ miệng Ngài hôm ấy rồi!
Tắt một lời, “tại vì” họ biết rất rõ về lý lịch trích ngang của Chúa Giêsu, một lý lịch được xếp vào “hạng tồi”, nên không lạ gì họ chối từ, không tin nhận Ngài là Đấng Cứu Thế.
Ngày nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục bị coi thường, hất hủi, loại trừ nơi những người nghèo khổ, bệnh hoạn tật nguyền; nơi những người thấp cổ bé miệng, không có địa vị gì trong xã hội. Đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hóa hôm nay, khi mà mọi thứ đều được đánh giá dựa trên đồng tiền, trên tiện nghi vật chất, thì Chúa Giêsu nơi những người nghèo hèn vẫn còn bị coi rẻ.
Khi mà người ta quá coi trọng địa vị bằng cấp, thì Chúa Giêsu nơi những người kém cỏi ít học vẫn bị khinh thường. Khi mà xã hội quá đề cao thân thế chức quyền, thì Chúa Giêsu nơi những người cô thân cô thế vẫn còn bị hất hủi chà đạp.
Đâu là những tiêu chuẩn tôi thường dựa vào để đánh giá người khác? Tôi có thường bị óc thành kiến, ác cảm chi phối mà đánh giá người khác một cách bất công không? Thái độ của tôi thế nào đối với những người nghèo khổ bệnh tật bất hạnh?
Xin Chúa giúp chúng ta biết gạt bỏ đi cái nhìn hẹp hòi và trần tục, để mặc lấy cái nhìn đức tin, cái nhìn siêu nhiên: cái nhìn giúp ta nhận ra Chúa Kitô nơi những nghèo khổ, thấp hèn, bệnh tật, khổ đau… để biết tôn trọng và đón nhận họ như đón nhận chính Chúa. Amen.

Thái độ khước từ Chúa Giêsu của dân làng Nadarét xưa nhắc nhở chúng ta cần phải duyệt xét lại thái độ sống đạo hôm nay.
Có những anh chị em tân tòng nhưng đời sống đạo của họ rất tốt. Trái lại, có những người vỗ ngực xưng mình là "đạo dòng", thì lại có đời sống đức tin hết sức là yếu kém. Phải chăng “sống lâu lên lão làng?”
Có những giáo dân gần gũi nhà thờ, được dễ dàng lãnh nhận các bí tích, nhưng lại thờ ơ. Trái lại có những giáo dân ở xa nhà thờ lại siêng năng chuyên chăm tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích. Phải chăng “quen quá hóa nhàm?”
Có những giáo dân miệng luôn ca ngợi việc làm của cha này, cha kia. Trong khi đó lại xem thường những việc làm của cha sở mình, để rồi không hề góp phần cộng tác xây dựng họ đạo nhà. Phải chăng “gần chùa gọi bụt bằng anh?”
Có những người chỉ thích đi khấn vái nơi này nơi kia, nhưng chính nhà thờ của mình thì chẳng bao giờ xem trọng. Vì thế ít khi thấy bén mảng tới để cầu nguyện, khấn xin. Phải chăng “bụt nhà không thiêng?”.
Nếu có những thái độ và những biểu hiện như thế là chúng ta lại đi vào vết xe cũ của dân làng Nadarét xưa.
Thành kiến có thể làm cho chúng ta mù quáng, không nhận định và phê phán một cách khách quan đúng đắn được. Thành kiến làm cho chúng ta không thể đối thoại cởi mở với người khác và không nhìn thấy cái hay cái tốt nơi anh em. 
Xin Chúa giúp chúng ta biết can đảm dẹp bỏ những thành kiến để nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống. Nhất là nhận ra những mặt tích cực và cao đẹp nơi những người anh em bé nhỏ. Amen.

Thứ bảy: Mt 14, 1-12
Cái chết anh dũng của Gioan Tẩy Giả được Tin mừng trình thuật hôm nay, cho thấy lòng người còn nhiều góc tối.
– Góc tối của đam mê dục vọng:  Đắm chìm trong dục vọng, vua Hêrôđê đã xem thường đạo lý luân thường nên đã cướp đi người vợ của anh mình. Đắm chìm trong đam mê, nhà vua chỉ còn biết buông mình theo những thú vui thấp hèn trong những tiệc tùng náo nhiệt, đầy rượu và thịt.
– Góc tối của hận thù ghen ghét: Không chịu nổi lời nhắc nhở của Gioan Tẩy Giả trước hành động vô luân của mình, bà Hêrôdia đã căm thù ông đến tận xương tủy. Nên khi cơ hội đến, bà lập tức mách bảo con gái xin vua cha cái đầu Gioan Tẩy Giả thay cho nửa giang sơn.
– Góc tối của nhác đảm sợ hãi: “Vẫn biết Gioan Tẩy Gỉa là người công chính thánh thiện; vua che chở ông. Khi nghe Gioan nói, nhà vua rất phân vân nhưng lại cứ thích nghe. Nhưng rồi lại không can đảm làm theo tiếng lương tâm của mình”. Vì sợ tiếng nói lương tâm, sợ nghe những lời chân lý, sợ mất uy tín với lời hứa bồng bột trước bá quan văn võ trong lúc ngà ngà… nên nhà vua đã đi đến quyết định ngông cuồng là ra lệnh chém đầu Gioan Tẩy Giả.
– Góc tối của ngây ngô dại khờ: Salômê, một cô con gái có tài mà không có đức. Cô đã dùng tài múa nhảy của mình thay vì phục vụ niềm vui và hạnh phúc cho đời cho người. Trái lại với sự ngây ngô dại khờ của mình, tài năng của cô đã bị lợi dụng để phục vụ cho văn hóa sự chết.
Xin cho ánh sáng chân lý của Chúa chiếu giãi vào mọi ngỏ ngách của lòng người, hầu xua tan những góc tối nguy hại đang còn ẩn nấp đâu đó nơi cỏi lòng con người hôm nay.
Xin cho chúng ta dám can đảm sống và làm chứng cho ánh chân lý như Gioan Tẩy Giả dầu phải hy sinh mạng sống, để bảo vệ cho đạo lý luân thường và làm chứng cho nền chân lý tin mừng.



















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN B KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI 1 Cv 1,12-14...