SUY
NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN
CHÚA
NHẬT XXIV TN-NĂM C
Chúa
là Người Cha nhân hậu, giàu lòng yêu thương, cảm thông và sẵn sàng tha thứ
những lầm lỗi của ta, một khi ta nhận ra sai lỗi và quyết tâm đổi mới đời sống.
Đó là nội dung của sứ điệp lời Chúa hôm nay gởi đến chúng ta. Xin cho chúng ta
cảm nhận được tình yêu của Chúa mà quyết tâm từ bỏ tội lỗi, quay về sống trong
ân sủng của Người.
Người đời thường nói: con
cưng là con hư. Nếu cưng không đúng cách sẽ làm hư hỏng con cái. Nhưng con đã
hư rồi thì liều thuốc duy nhất để chữa là tình thương.
Tin mừng hôm nay, không
trình bày cho chúng ta biết trước khi hai người con hư, người cha đã yêu thương
chúng như thế nào. Nhưng chỉ cho ta biết, người cha đã dùng tấm lòng yêu thương
tha thiết để cảm hóa hai đứa con sau khi chúng đã ra hư đốn.
Người con thứ: Nhẫn tâm cắt đứt tình
cha và sẵn sàng bỏ nghĩa anh em, gom lấy nữa phần gia sản gia đình ra đi phiêu
lưu tìm cảm giác lạ. Từ nay thay vì ngủ nhà cha, anh ngủ nhà trọ. Thay
những bữa cơm đơn sơ ở nhà cha bằng những bữa tiệc linh đình nơi nhà hàng sang
trọng. Thay vòng tay yêu thương chân tình của cha già bằng những vòng tay ân ái
gian trá của các kiều nữ chân dài xinh đẹp.
Nhưng khách sạn dù có thoải
mái, cơm nhà hàng dù có sang trọng, nằm trong vòng tay của các kiều nữ xinh đẹp
êm ái, thì rồi anh cũng chẳng thấy bình an và hạnh phúc. Kết quả của phiêu lưu
tìm cảm giác lạ trong thác loạn đã làm anh tan gia bại sản, thân xác tiều tụy
và đau khổ, kiếp sống không ra con người.
Dẫu thế tình cha vẫn ấm áp
như ngày nào. Vui mừng chào đón người con như thuợng khách. Sẵn sàng tha thứ,
yêu thương. Tình yêu vẫn nguyên vẹn tha thiết và nồng nàn như xưa.
Người con cả cũng chẳng hơn gì đứa
em hư hỏng. Dù cần cù lam lũ, không hề bất tuân lệnh cha. Nhưng đầu anh
lại có nhiều toan tính, lòng anh đầy ích kỷ và ghen tỵ. Trong khi mọi người vui
mừng “vì em con đã chết nay sống lại đã mất nay tìm thấy”. Vậy
mà anh lại kể công và phân bì với em mình cùng cha già. Trong khi người cha
không hề coi anh là người ngoài thì chính anh lại xem mình là kẻ xa lạ vì không
thừa nhận mình là con cha và là người anh của đứa con thứ:“Cha coi đã bao
năm con hầu hạ Cha, thế mà chưa bao giờ Cha cho lấy một con bê con để ăn mừng
với bạn bè. Còn thằng con cha kia ( không phải là em con), sau khi nuốt hết của
cải của cha với bọn đĩ điếm, nay trở về, cha lại cho con bê béo ăn mừng”.
Thấu hiểu hết lòng con,
người cha ra năn nỉ con vào chia sẻ niềm vui và ân cần giải thích cho con hiểu
rằng: “nó là em con và con là con cha”. Cha muốn con vui trong phận
làm con và làm anh và hãy vui mừng và hãnh diện vì luôn được sống trong tình
thương của cha.
Hình ảnh của hai đứa con
trong dụ ngôn có lúc cũng hiện diện nơi mỗi chúng ta. Có lúc ta cũng muốn chối
bỏ chúa, bỏ đạo, bỏ nhà thờ. Có lúc chúng ta cũng muốn phiêu lưu tìm cảm giác
lạ quá độ của bia rượu, thuốc lá, cà phê, trai gái, bất trung và sa đoạ như đứa
con thứ. Cũng lắm lúc chúng ta sống trong ích kỷ tham lam toan tính, tìm lợi
mình, muốn hại người, nuông chiều và nuôi dưỡng lòng ghanh tị. Cảm thấy
khó chiụ khi ai đó giàu hơn chúng ta, giỏi hơn chúng ta, đạo đức hơn chúng ta,
được nhiều người thương mến hơn chúng ta.
Chúa Người Cha thấu hiểu
lòng của mỗi chúng ta. Nhưng Chúa cũng là Đấng giàu lòng yêu thương tha thứ,
mong muốn ta nhận ra lầm lỗi mà sửa đổi.
Xin cho
chúng ta biết can đảm từ bỏ kiếp đi hoang mà quay gót trở về cùng Chúa là Cha giàu lòng thương xót hầu xứng đáng đón nhận sự tha thứ và tình thương mà Chúa ban tặng cho chúng ta.
Thứ
hai: Lc 7, 1-10
Sống thế nào để đẹp lòng
Thiên Chúa và được mọi người quý mến? Đó là điều mà bài tin mừng hôm nay muốn
nói đến.
Lối sống cao đẹp của viên
sĩ quan ngoại giáo người Rôma mà tin mừng thánh Luca hôm nay đề cập đến, đã
được Chúa Giêsu khen ngợi; chắc chắn phải là lối sống mà Chúa mong muốn nơi
người kitô hữu chúng ta phải vươn đến. Vậy đó là lối sống nào?
- Trước tiên là lối sống tử
tế:
. Tử tế đối với người
ăn kẻ ở của mình. Bằng tình thương chân thành qua việc tận tâm lo lắng và vất
vả hy sinh tìm thầy chạy thuốc để cứu chữa cho người đầy tớ của ông đang bị
bệnh nặng.
. Tử tế với Đức Giêsu. Với
lòng kính trọng Chúa Giêsu, ông nghĩ mình không xứng đáng đến gặp trực tiếp Chúa
Giêsu. Nên ông đã nhờ người có uy tín trong đạo giúp ông đến gặp gỡ Chúa để xin Người cứu chữa cho tên đầy tớ của ông. Hành động này cho thấy
cung cách ứng xử hết sức tử tế mà ông dành cho Chúa Giêsu.
. Tử tế với dân tộc Do
Thái. Việc làm tử tế của ông không chỉ giới hạn đối với cá nhân một ai đó mà còn dành cho cả dân tộc Do Thái nữa. Chính vì vậy mà ông
đã được người dân Do Thái quý mến qua việc xác nhận“ông ta đã yêu mến dân
ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta”.
- Thứ đến ông có lòng khiêm
tốn. Với
chức vị sĩ quan của đế quốc Rôma nên quyền thế của ông rất lớn trong xã hội. Đáng lẽ ra ông
chỉ cần ra lệnh là Đức Giêsu cũng phải tùng phục theo mệnh lệnh của ông. Nhưng không, trái lại ông chỉ nhận mình là người bé nhỏ không xứng
đáng trực tiếp gặp Chúa Giêsu và còn cho rằng ngôi nhà của ông cũng
không xứng hợp để Chúa Giêsu đặt bước chân vào: "Lạy Thầy, không
dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi”.
- Trên hết, ông ta là người
có đức tin mạnh mẽ. Với kinh nghiệm của một người lãnh đạo quân
đội, ông hiểu rằng chỉ cần cấp trên ra lệnh là cấp dưới phải phục tùng. Áp dụng kinh nghiệm ấy vào đời sống đức tin, ông xác tín rằng chỉ cần Đức Giêsu phán một lời thì mọi bệnh tật đều tan biến. Chính niềm xác tín mạnh mẽ đó nên ông đã được Chúa Giêsu khen ngợi hết lòng: “trong Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”. Và Người đã ra tay chữa lành cho tên đầy
tớ theo như ý nguyện của ông.
Xin cho chúng ta biết học
nơi người sĩ quan Rôma ngoại giáo này những đức tính cao đẹp trong ứng xử, nhờ đó mà ta được mọi người
quý mến và xứng đáng đón nhận ơn lành của Chúa.
Thứ
ba: Lc 7, 11-17
Tin mừng hôm nay trình
thuật lại phép lạ Chúa Giêsu cứu sống con trai người đàn bà góa thành Naim. Qua
đây minh chứng cho biết Đức Giêsu chính là Thiên Chúa quyền năng và giàu lòng
thương xót. Xin cho chúng ta luôn vững tin vào Người, nhất là trong những lúc
gặp gian nan thử thách.
Phép lạ của Chúa Giêsu cứu
sống đứa con trai người đàn bà góa thành Naim hôm nay muốn nói với chúng ta 2
điều:
- Đức Giêsu chính là Thiên
Chúa quyền năng: Sự sống con người là quý giá nhất. Sự sống
ấy do chính Chúa tạo nên và ban tặng cho con người. Nên không ai có quyền trên
sự sống ấy, ngoại trừ Thiên Chúa. Sự sống của đứa con trai bà góa thành Naim
hôm nay đã mất, không ai trên trần gian này có thể phục hồi được, trừ một mình
Thiên Chúa là chủ của sự sống. Nên khi Chúa Giêsu phục hồi sự sống của đứa con
trai bà góa thành Naim, minh chứng cho biết Đức Giêsu chính là vị Thiên Chúa
quyền năng.
- Đức Giêsu là
Thiên Chúa giàu lòng thương xót: Với quan niệm của người Do Thái thời Chúa
Giêsu thì người phụ nữ và con trẻ là thành phần thấp kém vì bị xã hội khinh
thường. Người phụ nữ không được tham gia vào các công việc trong xã hội cũng
như tôn giáo vì thế mà mất đi nguồn thu nhập cho cuộc sống nên tình cảnh sẽ rất
khó khăn và nghèo khổ. Đứa con trai chính là niềm vui và hy vọng lớn lao của bà
góa này. Nhưng nay niềm hy vọng của cuộc sống bà ta đã mất vì đứa con trai bà
ta đã chết. Nhìn thấy tình cảnh đau thương ấy, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương
và quyết định ra tay cứu sống đứa con trai duy nhất của bà góa và trao nó lại
cho bà, cho dẫu đây là trường hợp không ai kêu xin Người. Trao đưa đứa con trai
sống lại cho bà góa, cũng đồng nghĩa với việc trạo ban lại cho bà ánh sáng hy
vọng và niềm vui.
Qua phép lạ này cho thấy:
Đức Giêsu chính là vị Thiên Chúa quyền năng, nhưng cũng rất giàu lòng thương
xót. Ngài đã dùng quyền năng của Ngài để thực thi lòng thương xót qua việc phục
sinh đứa con trai của bà góa thành Naim, đem lại cho bà ta niềm niềm vui và hy
vọng sáng tươi.
Xin cho chúng ta nhận ra
được khuôn mặt của Thiên Chúa giàu lòng thương xót nơi Chúa Giêsu để chúng ta
luôn biết yêu mến, vâng nghe và sống theo sự hướng dẫn của Người. Đặc biệt
trong những lúc đau khổ và thất vọng xin cho chúng ta biết tìm đến nương tựa
vào quyền năng và tình thương của Ngài.
Thứ
tư: Lc 7, 31-35
Bằng lối so sánh dí dỏm,
Chúa Giêsu đã dùng những hình ảnh của các trẻ em chơi đùa ngoài đường phố để phản
ánh thái độ và lối sống tiêu cực của những người Biệt phái và Kinh sư.
- Với thái độ kiêu
căng không muốn ai bằng mình nên những người Biệt phái và Kinh
sư tự xem mình là trung tâm vũ trụ. Họ luôn muốn đặt mình ở vị trí cao nhất, vì
thế họ tự cho mình cái quyền phê phán và chê bai bất cứ người nào. Ngay cả
Gioan Tẩy Gỉa người rất thánh thiện đạo đức được dân chúng ngưỡng mộ, vậy mà cũng
bị họ chê bai hạ bệ:“khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu,
thì các ngươi bảo: Người bị quỷ ám". Thậm chí cả Đức Giêsu được
dân chúng ngưỡng mộ và được Gioan tẩy giả giới thiệu “Đấng quyền thế” ấy
vậy mà họ vẫn ác ý tìm cách bôi xấu, khinh thường.“Khi Con Người đến có ăn
có uống, thì các ngươi lại nói: "Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với
quân thu thuế và phường tội lỗi".
- Với lối sống tiêu cực đầy
lòng ích kỷ như các trẻ nhỏ, những người Biệt phái và
Kinh sư luôn đòi buộc mọi người phải tùng phục và làm theo ý của họ. Chưa bao
giờ thấy họ khiêm tốn nhận ra khuyết điểm và sai trái của mình; cũng như không
bao giờ thấy họ tôn trọng ý kiến và sống cho người khác.
Xin cho chúng ta biết loại
khỏi lòng mình sự ích kỷ, lòng tự mãn để chúng ta biết khiêm tốn nhận ra những
yếu đuối thiếu xót bản thân mà thấy được những điều tích cực tốt đẹp nơi tha
nhân bằng cái nhìn trong sáng và chân thành.
Thứ
năm: Lc
7, 36-50
Giáo lý công giáo dạy cho
chúng ta biết: điều kiện quan trọng nhất để đón nhận sự tha thứ của Chúa khi
lãnh nhận bí tích giao hòa, đó chính là ăn năn dốc lòng chừa tội.
- Ăn năn tội: Tức là thật
lòng đau đớn vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa.
-
Dốc lòng chừa: là quyết tâm chừa cải (không phạm tội nữa).
Ăn năn tội cách trọn là sự hối hận vì đã xúc phạm đến tình
yêu. Ăn năn tội cách chẳng trọn là hối hận vì sợ hãi hình phạt.
Nói như vậy thì người phụ nữ tội lỗi có mặt trong nhà người
Biệt phái mà bài tin mừng hôm nay nói đến đã hội đủ các điều kiện cần thiết để
xứng đáng được Chúa tha thứ.
- Trước hết bà có lòng ăn năn cách trọn nên“bà đứng phía chân Chúa khóc nức nở, nước mắt đẩm
chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức dầu thơm”. Những hành vi
này vừa nói lên nỗi đau đớn vì tội lỗi bà đã phạm. Vừa cho thấy bà cảm nghiệm
được lòng khoan dung tha thứ của Chúa Giêsu nên bà sẵn sàng quên mình không sợ
dư luận cũng như lề luật cấm mà can đảm đến với Chúa Giêsu.
- Thứ đến bà cũng quyết tâm dốc lòng chừa cải qua những hành động như hy sinh trút hết bình dầu thơm
bạch ngọc để xức chân Chúa; khóc lóc bên chân Chúa; dùng mái tóc để lau chân
Chúa và dành đôi môi để hôn chân Chúa… Tất cả cho thấy giờ đây bà đã sẵn sàng
quyết tâm để biến đổi đời sống.
Lòng khiêm tốn ăn năn tội và quyết tâm đổi mới đời sống là
điều kiện tiên quyết để bà xứng đáng đón nhận được lòng thương xót và sự tha
thứ của Chúa Giêsu khi Người tuyên bố với ông Biệt phái mời Chúa đến dự
tiệc: “tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu
mến nhiều”. Rồi Người bảo người đàn bà: “Đức tin con đã cứu con, con hãy về
bình an”.
Xin cho chúng ta biết khiêm tốn nhận ra những lầm lỗi thiếu
xót của mình mà chân thành sám hối ăn năn và quyết tâm đổi mới đời sống như
người đàn bà tội lỗi hôm nay hầu xứng đáng đón nhận tình thương và sự tha thứ
của Chúa.
Thứ
sáu: Lc 8, 1-3
Để
thực thi sứ mạng loan báo tin mừng đến muôn dân, Chúa Giêsu luôn cần đến sự
cộng tác của mọi người, thuộc mọi thành phần. Tin mừng hôm nay cho chúng ta
biết ngoài sự cộng tác của các tông đồ, còn có một thành phần đặc biệt cùng
đồng hành với Chúa Giêsu trên bước đường rao giảng Tin mừng. Đó là những người
phụ nữ.
Xin
cho chúng ta biết ý thức tích cực góp phần cộng tác với Chúa và GH trong việc
loan báo tin mừng.
Quan niệm người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng
như người Việt Nam chúng ta trước đây là trọng nam khinh nữ. Do đó phụ nữ là
thành phần thấp kém và bị xã hội xem thường. Tiếng nói hay việc làm của họ
không được xã hội đề cao. Trong mắt mọi người, người phụ nữ đúng nghĩa phải là
người phụ nữ truyền thống và gia đình mà thôi.
Ngày nay ở Việt Nam chúng ta có cái nhìn cởi
mở hơn. Một người phụ nữ được đánh giá cao là người phụ nữ biết kết hợp giữa
hiện đại và truyền thống. Nghĩa là người ấy một mặt biết chăm lo tốt gia đình
mình nhưng cũng phải là người tích cực tham gia vào các công việc ngoài xã hội.
Chúa Giêsu đã có cái nhìn rất hiện đại nhưng
cũng rất truyền thống. Chính vì thế mà Ngài không khinh chê sự đóng góp của
những người phụ nữ đã hy sinh đồng hành và giúp đỡ Ngài cũng như các tông đồ
trên hành trình rao giảng Tin mừng. Cái nhìn của Chúa Giêsu là cái nhìn của
dung hòa, của bao dung với hết mọi người cũng như luôn trân trọng mọi đóng góp
cho công việc loan báo Tin mừng tình thương.
Xin cho mọi người, mọi thành phần trong GH ý
thức được sự cần thiết của Chúa đối với mỗi người chúng ta trong việc loan niềm
vui tin mừng, để dùng hết khả năng hay địa vị của mình mà cộng tác tích cực với
GH trong việc truyền giáo.
Thứ
bảy: Mt 9, 9-13
KÍNH
THÁNH MATTHÊU TÔNG ĐỒ
Cùng với GH hôm nay chúng
ta mừng kính thánh Matthêu tông đồ. Cuộc đời và ơn gọi của Mathêu được biến đổi
nhờ vào mong muốn của bản thân khi bắt gặp được ánh mắt cảm thông và lòng
thương xót của Chúa Giêsu. Chúa cũng luôn nhìn chúng ta với ánh mắt cảm thông
và đầy yêu thương. Xin cho chúng ta cảm nhận được tình yêu ấy để mau
chóng thay đổi đời sống mà sẵn sàng đi theo Chúa trên mọi nẻo đường theo gương
của thánh Matthêu.
Về Matthêu, Thánh kinh
không thấy nói về ngài nhiều. Chỉ biết tên của ngài là Lêvi, làm nghề thu thuế.
Sống ở Caphanaum. Sau khi được Chúa Giêsu kêu gọi, ông bỏ lại tất cả để theo
Chúa Giêsu làm tông đồ. Theo lưu truyền thì sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống,
ông rao giảng tin mừng cho người Do Thái tại Palestin ở vùng đất Ê-thi-ô-pi, Ba
tư… ; sau đó tử đạo ở Ê-thi-ô-pi. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Matthêu đã
ghi lại những hoạt động, cách sống và lời giảng dạy của Chúa Giêsu thành quyển
Tin mừng vào khoảng năm 60.
Bài tin mừng được trích đọc
hôm nay nói đến 2 điều: Lòng thương xót của Đức Giêsu và sự đáp trả nhanh chóng
của Lêvi tội lỗi.
1. Lòng thương xót của Đức
Giêsu. Nếu mọi người trong xã hội Do Thái thời bấy giờ
khinh bỉ và xa lánh những người thu thuế, bởi vì họ cho rằng những người làm
nghề này phạm vào 2 tội công khai không thể tha thứ được, đó là: cộng tác với
đế quốc Rôma để bóc lột dân tộc mình; và lấy thuế vượt mức quy định để làm lợi
cho mình. Nhưng hôm nay Lêvi đã bị chinh phục bởi cảm nhận được ánh mắt đầy yêu
thương của Thầy Giêsu khi đi ngang qua bàn thu thuế của ông và bất ngờ hơn nữa
là ông nhận ra Chúa Giêsu đã đặt niềm tin vào ông qua lời mời gọi theo Ngài.
2. Sự đáp trả nhanh chóng
của Lêvi tội lỗi. Cảm nhận trước tình yêu và sự tin tưởng
của Chúa Giêsu, Matthêu đã lập tức đứng dậy đi theo Chúa, cho dẫu phải bỏ lại
tất cả, ngay cả cái nghề hái ra tiền cho dẫu mai này cuộc đời có bấp bênh đi
nữa. Điều này cho thấy tận thâm tâm Matthêu đã luôn mong muốn có được cơ hội
đổi đời và cơ hội ấy hôm nay đã đến với ông. Ông lập tức nắm lấy cơ hội ấy khi
bắt gặp được ánh mắt giàu lòng thương xót và tin tưởng của Chúa Giêsu dành cho
ông.
Xin cho chúng ta cảm nhận
được ánh mắt đầy yêu thương của Chúa Giêsu và lời mời gọi chân tình của Người
mà can đảm từ bỏ tất cả, ngay cả những gì đam mê nhất nơi trần gian để dấn bước
theo Chúa cho đến cùng với sứ mạng sống và làm chứng cho niềm vui tin mừng tình
thương của Chúa với hết khả năng của mình, theo gương Thánh Matthêu tông đồ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét