Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2019

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN


CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN-NĂM C
Lc 16,19-31

KHÔN NGOAN XỬ DỤNG TIỀN CỦA
Ông phú hộ trong dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể, xem ra cũng đáng khen. Ông chẳng làm gì nên tội. Không ăn trộm ăn cắp ai. Không cho vay ăn lời dù lãi chỉ bằng ngân hàng nhà nước. Không lấn ranh hay chiếm đoạt đất đai ai cả cho dù là ý muốn. Cũng chẳng lê lết sang nhà hàng xóm để nhiều chuyện, nhất là không thấy phiền trách hay nói hành nói xấu ai. Đời ông không hề cờ bạc, không số đầu số đuôi. Dù nhiều tiền lắm của nhưng chẳng thấy nói ông có vợ bé hay vào hàng quán ăn uống phung phí…
Sống được như ông thời nay xem ra quả là quá tốt còn gì! Nhưng phải chi trái đất này chỉ một mình ông thì quá tốt. Phải chi xã hội này mọi người đều giàu có như ông thì số phận ông đâu có hẵm hiêu và đau đớn đến thế. Tất cả cũng bởi tại vì cái anh Lazarô nghèo nàn và bệnh tật chết tiệt! hiện diện trên thế gian này nên làm cho cuộc sống giàu sang, sung sướng của ông trở nên lo sợ và bất an. Lo sợ không bởi trộm cắp nhưng vì phải chia sẻ; bất an không do ăn uống no say nhưng vì tiếng vang xin giúp đỡ của người nghèo.
Quy luật cuộc đời biến đổi không dò. Hôm qua là chủ nay lại là tớ; hôm qua giàu có nay lại nghèo khổ. Hôm qua là sung sướng thoải mái nhưng nay lại gian lao, bất hạnh…
Cuộc đời của ông phú hộ và Lazarô cũng xoay chuyển bất ngờ sau cái chết. Giàu có, sung sướng, tiện nghị, yến tiệc linh đình nhưng thiếu bác ái cho đi lại trở thành vực sâu u tối, giam hãm nhà phú hộ muôn đời trong đau khổ và vô vọng.
Chấp nhận đau khổ, bệnh tật, nghèo nàn, khốn cùng nhưng không hề than trách, trái lại một mực tin tưởng và phó thác vào tình thương của Chúa, tất cả những điều ấy lại trở thành bậc thang đưa dẫn Lazarô lên tận đỉnh vinh quang đến nỗi khoảng cách từ Lazarô và nhà phú hộ giờ đây trở thành vực thẳm ngàn trùng, không thể nào qua lại được.
Chúa cũng sẽ xét xử chúng ta về những việc làm bác ái mà ta đã làm hay không làm cho tha nhân theo như lời Chúa đã phán khi đến ngày ta phải ra trình diện trước tòa Chúa phán xét:“...Hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc hãy vào hưởng vinh quang cùng Ta. Vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn…..”. 
Như thế ông phú hộ bị phạt không vì ông ta lắm tiền nhiều của, cũng không vì ông ăn sang mặc đẹp. Nhưng ông ta bị phạt bởi vì ông không biết chạnh lòng thương xót người anh em nghèo khổ của mình bằng tình bác ái cho đi của cải dư thừa để giúp đỡ cho anh Lazarô đang cùng khốn.
Xin Chúa cho chúng ta biết xử dùng tiền bạc, của cải Chúa ban cách có hiệu quả, nhằm mang lại nhiều ích lợi xác hồn cho mình và cho mọi người theo lời Chúa dạy. Nhất là xin cho chúng ta dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng biết sống tin yêu và phó thác vào Chúa, chắc chắn ta sẽ được Chúa trọng thưởng hạnh phúc thiêng đàng như Chúa đã ban thưởng vinh phúc nước trời cho Lazarô nghèo khó.

Th hai: Lc 9, 46-50
Tin mừng hôm nay đề cập đến tinh thần, thái độ và cách hành xử cần phải có của người môn đệ Đức Giêsu.
Với hình ảnh cụ thể khi đặt đứa bé bên cạnh mình, Chúa Giêsu đã chỉ dạy cho các môn đệ tinh thần và thái độ cần phải có của người làm lớn:
- Về tinh thần: Lẽ thường tình, ai trong chúng ta cũng thích làm lớn, đứng đầu, lãnh đạo như các môn đệ Chúa Giêsu khi xưa. Chúa Giêsu có lẽ cũng không nghiêm cấm các môn đệ ước muốn làm lớn. Nhưng điều Ngài quan tâm là làm lớn, đứng đầu với tinh thần nào mới quan trọng. 
Để xứng đáng là người đứng đầu, lãnh đạo theo tinh thần của Chúa Giêsu mong muốn đó là phải biết sống khiêm tốn và tận tâm phục vụ mọi người. Phải luôn ý thức rằng chức vụ gắn liền với trách nhiệm. Khi người lãnh đạo biết hạ mình xuống để phục vụ người khác với tinh thần khiêm tốn vô vị lợi, thì chính lúc ấy hình ảnh và giá trị của người lãnh đạo mới trở nên cao đẹp và đáng được trân trọng! Ước mong trong đạo, ngoài đời đều có những vị lãnh đạo mang tinh thần ấy!
- Về thái độ: Theo khuynh hướng tự nhiên, ai trong chúng ta cũng thích liên hệ và tiếp đón những người có chức cao quyền trọng, giàu sang thế giá; còn những người thấp cổ bé miệng, cô thế cô thân, nghèo khổ thì ta có vẻ xem thường, khinh bỉ, không thích đón tiếp họ. Đó cũng chính là thái độ của các môn đệ xưa kia.
Chúa lại không muốn như thế. Chúa muốn các môn đệ hãy vì danh Chúa mà đón tiếp những ai bé nhỏ, nghèo hèn, bởi họ chính là hiện thân của Chúa. Tiêu chí trong ngày phán xét chính là đức ái. Phần thưởng hay hình phạt là tùy thuộc vào việc ta có quảng đại giúp đỡ những người nghèo khổ hay không?  Hy vọng mỗi người trong chúng ta đều có được thái độ ân cần, quảng đại và nhiệt tâm giúp đỡ mọi người, nhất là anh em nghèo khổ.
- Qua cách hành xử độc đoán của tông đồ Gioan khi ra sức ngăn cấm người khác làm phép lạ trừ quỷ nhân danh Chúa chỉ vì người ấy không cùng phe nhóm của mình. Chúa Giêsu lại tiếp tục chỉ dạy cho các môn đệ về cách thế hành xử phải có của người môn đệ Người. Cách hành xử ấy phải dựa trên những nguyên tắc căn bản như: Trong những điều tốt thì ủng hộ chứ không cấm đoán; hợp tác chứ không chống đối; Và trong hết mọi sự cần nhớ rằng: "ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta".
Cách hành xử của tông đồ Gioan ngày xưa cũng rất có thể là cách hành xử của người kitô hữu chúng ta ngày nay. Bởi lẽ chúng ta vẫn còn sống ích kỷ nhỏ nhen, muốn Chúa chỉ ban ơn phúc cho ta hay phe nhóm ta mà thôi còn những người thuộc phe nhóm khác thì mong muốn Chúa đừng bao giờ thi ân giáng phúc cho họ. 
Xin Chúa hoán cải và biến đối lối suy nghĩ hẹp hòi ích kỷ này của chúng con. Mong lắm mọi người dù lương hay giáo, lớn hay nhỏ, hữu thần hay vô thần đều có được tinh thần tôn trọng những đặc sủng riêng biệt do CTT ban cho để cùng nhau chung tay thực hiện những điều thiện hảo với mong muốn mang đến niềm vui và hạnh phúc cho mọi người.


Thứ ba: Mt 18, 1-5.10
Kính thánh Têrêsa Hài Đồng Giê-su
Dưới trần gian tranh giành địa vị, chức quyền đã đành. Trên trời mà còn tranh quyền đoạt lợi quả là một điều đáng trách. Thế mà các môn đệ xưa kia lại đưa lối suy nghĩ ấy vào chốn vĩnh cửu, nên các ngài đã không ngần ngại đặt vấn đề với Chúa Giêsu: "ai là người lớn nhất trong nước trời?".  
Chúa Giêsu không trả lời cho các ông biết ai là người lớn nhất trong Nước Trời, nhưng Chúa lại cho biết điều kiện cần phải có để được vào Nước Trời. Điều kiện ấy chính là phải trở nên như trẻ nhỏ. Không phải chúng ta hóa kiếp trở lại làm trẻ nhỏ, nhưng Chúa muốn chúng ta phải có tinh thần trẻ nhỏ.
Vì trẻ nhỏ có tâm hồn đơn sơ, ngay chính. Chúa muốn chúng ta cũng có tấm lòng đơn sơ và ngay chính như các trẻ nhỏ. Đừng mưu mô, lọc lừa, gian tham vì bất cứ lý do nào. Biết rằng sống đơn sơ, ngay chính thời nay phải chịu rất nhiều thiệt thòi, ngay cả bị cho là dại khờ và bị ngưởi khác xem thường nữa.
Vì trẻ nhỏ luôn biết tin tưởng, phó thác. Biết mình bé nhỏ, yếu đuối không có khả năng sống tự lập nên lúc nào trẻ nhỏ cũng tin tưởng phó thác vào sự che chở, đỡ nâng của người lớn. Chúa cũng muốn chúng ta tin tưởng, phó thác vào tình thương và quyền năng của Chúa, cho dẫu cuộc sống của ta còn nhiều gian lao thử thách.
Vì trẻ nhỏ sống khiêm nhường, vâng phục. Trẻ em tự biết mình còn nhiều thiếu xót nên lúc nào cũng khiêm tốn lắng nghe và làm theo những lời chỉ dạy của cha mẹ, thầy cô... Chúa cũng muốn chúng ta có lòng khiêm nhường như Mẹ Maria mở lòng lắng nghe và thực thi thánh ý của Chúa. Chúng ta có thể lắng nghe tiếng Chúa qua tiếng nói lương tâm, qua những biến cố vui buồn trong đời sống, qua sự hướng dẫn của GH, nhất là qua việc học hỏi và suy niệm Lời Chúa hàng ngày.
Tóm lại, Chúa muốn chúng ta áp dụng tinh thần của trẻ thơ vào trong đời sống mình. Ai sống được tinh thần như thế thì mới được vào Nước Trời và xứng đáng được gọi là người lớn nhất trong nước Chúa.
Đây cũng là con đường mà chị thánh Têrêsa Hài Đồng Giê-su đã áp dụng cho trong đời sống mình. Thánh Têrêsa là một vị thánh rất trẻ, cuộc đời của ngài chỉ vỏn vẹn 24 tuổi thanh xuân. Ngài đã chọn cho mình con đường nên thánh, đường vào Nước Trời bằng tinh thần thơ ấu thiêng liêng. Ngài yêu Chúa như một đứa bé yêu mến cha mẹ. Ngài làm những việc rất ư là tầm thường nhưng với tấm lòng phi thường. Thân xác ngài mỏng manh yếu đuối, nhiều bệnh tật nhưng tình yêu ngài dành cho Chúa, cho mọi người, đặc biệt là cho các linh hồn trong luyện ngục thì thật lớn lao vĩ đại.  Ngài thánh hóa tất cả những việc làm bổn phận hàng ngày với tình yêu dâng hiến dành cho Chúa, cho việc truyền giáo và cho phần rỗi các linh hồn.
Noi gương thánh nữ, chúng ta hãy sống tinh thần bé nhỏ: luôn tin tưởng cậy trông vào tình thương Chúa; khiêm tốn nhận ra giới hạn của mình để biết lắng nghe, làm theo ý Chúa; sẵn sàng hy sinh âm thầm phục vụ mọi người nhất là những người nghèo khổ với lòng yêu mến chân thành.
Xin cho chúng ta luôn nhớ rằng trước mặt Chúa, chúng ta chỉ là những người con bé nhỏ, không có Chúa ta chẳng làm được việc gì và nếu chúng con có làm được việc gì đi nữa, tất cả cũng là hồng ân Chúa ban. 
Xin cho chúng ta hằng biết phó thác cả cuộc đời mình vào bàn tay uy quyền của Chúa tựa như đứa bé nương tựa vào lòng mẹ để tận hưởng hơi ấm tình thương và bình an của Chúa trao ban.

Th tư: Mt 18, 1-5.10.
Nhớ các Thiên Thần Hộ Thủ
Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng Thiên Chúa dựng nên hai thế giới hữu hình và vô hình. Thế giới vô hình là thế giới thiêng liêng, mắt phàm không thấy được, thế giới thiêng liêng đó có các Thiên Thần.
Thiên Chúa dựng nên các Thiên Thần nhằm để thờ phượng Thiên Chúa, thi hành những mệnh lệnh của Thiên Chúa và giúp đỡ con người. Thiên Chúa dựng nên hằng vô số các Thiên Thần, nhưng có 3 Tổng Lãnh Thiên Thần là: Mi-ca-en, Gáp-ri-en và Ra-phen-en mà Hội Thánh đã mừng kính vào ngày 29 tháng 09 vừa qua.
Riêng hôm nay cùng với Hội Thánh, chúng ta kính nhớ các Thiên Thần Bản Mệnh hay còn gọi là Thiên Thần Hộ Thủ. Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta một Thiên Thần Bản Mệnh riêng. Vị Thiên Thần này luôn gìn giữ bảo vệ chúng ta khỏi mọi sự hãm hại của ma quỷ; giúp chúng ta tránh xa mọi cám dỗ ma quỷ ở mọi nơi mọi lúc.
Vị Thiên Thần Hộ Thủ sẽ luôn ở bên cạnh chúng ta, đồng hành với chúng ta suốt cuộc đời dương thế cho đến khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay.
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su nhắc đến vị Thiên Thần này. Từ đó Chúa muốn chúng ta hãy tôn trọng phẩm giá mỗi người, chớ khinh thường bất cứ ai, nhất là những con người bé nhỏ nghèo hèn, vì mỗi người chúng ta đều mang hình ảnh Thiên Chúa, là con Thiên Chúa và được Thiên Chúa ban cho một vị Thiên Thần bảo vệ, gìn giữ. Đồng thời, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy trở nên như trẻ nhỏ. Vì trẻ nhỏ có tâm hồn đơn sơ trong trắng như Thiên Thần. Trẻ nhỏ biết mình yếu đuối mỏng manh nên luôn tin tưởng phó thác vào tình thương của Chúa.
Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa, vì Chúa đã thương ban cho mỗi người chúng con một vị Thiên Thần Hộ Thủ. Xin cho chúng con luôn nhớ tới Thiên Thần Hộ Thủ và  tích cực cộng tác với ngài để chống lại những cám dỗ của ma quỷ. Đồng thời xin Chúa cũng giúp chúng con biết  ý thức tôn trọng phẩm giá của con người, nhất là những con người bé nhỏ nghèo hèn mà sẵn sàng đón tiếp và phục vụ họ vì danh Chúa.

Th năm: Lc 10, 1-12
Suy niệm 1:
Bản chất của Hội Thánh là truyền giáo, Hội Thánh không còn là Hội Thánh nữa nếu như Hội thánh không truyền giáo. Chính Chúa Giê-su, trước khi về cùng Thiên Chúa Cha, Người đã trao sứ mạng truyền giáo cho Hội Thánh mà đại diện là các Tông Đồ.“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng”.
Không phải đợi đến khi Chúa về trời, Người mới trao sứ mạng này cho các Tông Đồ mà ngay trong khi Người còn đang thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng, Người cũng đã sai phái các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng.
Bài Tin Mừng hôm nay, tường thuật lại việc Chúa Giê-su sai 72 môn đệ đi loan báo Tin Mừng. Khi thi hành sứ vụ loan báo tin mừng, Chúa muốn các ngài phải đặt mối ưu tư truyền giáo lên hàng đầu, đừng quá bận tâm những chuyện vật chất khi truyền dạy: “đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép; cứ ăn những gì người ta dọn lên”
Trải qua mọi thời, ở mọi nơi, Hội Thánh không ngừng thực hiện sứ mạng cao cả này. Từ 12 Tông Đồ, Hội Thánh Chúa đã phát triển và lan rộng đến mọi nơi trên thế giới. Đến nay người Công giáo có khoảng 1 tỷ 313 triệu người, chiếm tỷ lệ 17,7% dân số thế giới (Phòng Báo chí Tòa Thánh, 6/3/2019). Một con số còn rất khiêm tốn, do dó Hội Thánh rất muốn con cái mình phải thao thức và hành động cho sứ mạng truyền giáo.
Đừng cho rằng truyền giáo là công việc của hàng giáo sỹ và những nhà chuyên môn. Không phải như thế! Mỗi người tín hữu, khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội đều được tham dự vào 3 chức vụ của Hội Thánh đó là: ngôn sứ, tư tế và vương giả. Với chức vụ ngôn sứ, mỗi người tín hữu có nhiệm vụ và bổn phận phải truyền giáo tùy theo bậc sống của mình.
Mục đích truyền giáo là giới thiệu Chúa cho mọi người, giúp mọi người tin vào Chúa và đón nhận ơn cứu độ. Là một tín hữu bình thường, chúng ta phải có sự hiểu biết sâu xa về Chúa qua việc không ngừng trau dồi kiến thức giáo lý. Vì làm sao ta có thể giới thiệu một người cho người khác nếu ta không hiểu không biết người đó là ai? Bên cạnh việc giới thiệu Chúa cho người khác, chúng ta còn phải làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày, đừng để đời sống của chúng ta phản chứng lại những gì chúng ta loan báo trên môi trên miệng. Vì ngày hôm nay người ta cần chứng nhân hơn thầy dạy, mặc dù thầy dạy cũng rất cần.
Vậy trước tiên chúng ta can đảm tuyên xưng mình là người tin theo Chúa, đừng vì những lợi ích vật chất mà ta chối bỏ niềm tin của mình.
Tiếp theo, chúng ta can đảm sống cho những giá trị Tin Mừng như: sự thật, công bằng, bác ái…mặc dù đôi lúc vì những giá trị này mà chúng ta phải chịu thiệt thòi, hiểu lầm.
Cuối cùng chúng ta phải thực hành niềm tin của chúng ta. Làm sao người ta có thể tin có Chúa khi thấy một người Công Giáo không thực hành niềm tin và lòng bác ái. Có ai đó đã thốt lên “Tôi tin có đạo Công Giáo nhưng tôi không tin người Công Giáo” thật là đau lòng!
Vậy mỗi người trong chúng ta hãy thao thức ưu tư về việc truyền giáo. Thao thức lo âu chưa đủ, Chúa muốn chúng ta hãy có những hành động cụ thể tùy theo bậc sống và khả năng của mỗi người.
Lạy Chúa, Chúa đã từng băn khoăn khắc khoải “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”, Chúa muốn mỗi người hãy là những tay thợ gặt lành nghề. Xin Chúa ban thêm cho chúng con sự can đảm và lòng hăng say giới thiệu Chúa cho những người chung sống và làm việc với chúng con bằng chính cuộc sống chứng tá của chúng con. Xin cho chúng con biết cùng cộng tác với Hội Thánh trong sứ mạng truyền giáo với hết khả năng và sức lực mà Chúa ban và xem đó như là công việc “sống còn” của chúng con và của Gíao hội.

Suy niệm 2:
Công đồng Vatican II khẳng định rõ rằng: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là truyền giáo” (Ecclesia peregrinans natura sua missionaria est, Ad gentes 2). Sẽ không còn là Giáo Hội nữa nếu như Giáo Hội không truyền giáo. Chính Chúa Giê-su, trước khi về cùng Thiên Chúa Cha, đã trao lại sứ mạng truyền giáo cho Giáo Hội qua các tông đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng”(Mc 16,15). Nhưng không phải đợi đến khi về trời, Chúa mới trao sứ mạng này cho các Tông Đồ, mà ngay khi còn ở tại thế, Chúa đã sai phái không chỉ 12 tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng mà Người còn chỉ định thêm 72 môn đệ nữa. Vì đây là sứ mạng quan trọng nên trước khi sai 72 môn đệ lên đường thi hành sứ vụ truyền giáo, Chúa Giêsu căn dặn các ông nhiều điều:
1.   Gắn bó mật thiết với Chúa bằng cầu nguyện: Ý thức Thiên Chúa mới chính là chủ mùa gặt. Nên Chúa Giêsu bảo các môn đệ: “hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Bởi vì chỉ có Chúa mới đánh động lòng người và làm cho người ta tin vào Chúa; chứ con người không có khả năng làm được điều đó.
2.  Tin tưởng và phó thác vào Chúa: Khi thi hành sứ vụ loan báo tin mừng, Chúa muốn các môn đệ phải tuyệt đối tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa, đừng quá nương tựa vật chất: “Ðừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép…”. Cũng đừng quá  sợ hãi khi đối mặt với những hiểm nguy “như chiên con đi vào giữa bầy sói”.
3.   Sống tinh thần siêu thoát: Bằng lòng với cuộc sống hiện tại, không so đo tính toán, đứng núi này trông núi nọ: “Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Ðừng đi hết nhà nọ đến nhà kia”. Sẵn sàng cắt đứt mọi liên hệ với những ai không đón tiếp mà không hề vương vấn hay tiếc nối: “vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần”.
4.  Khiêm tốn cộng tác với nhau: Để loại trừ tính kiêu căng tự mãn, nhưng biết khiêm tốn đón nhận và hợp tác làm việc với anh em trong nhiệm cao quý là loan báo Tin mừng, nên Chúa đã “sai các ông cứ từng hai người một”. Nhờ cộng tác với nhau nên lời chứng của các môn đệ đáng tin cậy và có sức mạnh lay động người nghe.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã từng băn khoăn khắc khoải khi nhìn thấy “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Hôm nay, cánh đồng truyền giáo vẫn còn bao la bát ngát. Vì thế, Chúa cũng muốn sai mỗi người chúng con ra đi khỏi vùng ngoại biên đi đến vùng đất mới, môi trường mới và gặp gỡ những con người mới để loan báo niềm vui tin mừng. Xin cho chúng con ý thức được những điều mà Chúa đã căn dặn các môn đệ xưa kia mà áp dụng vào đời sống chúng con hôm nay, khi thi hành sứ mạng truyền giáo.

Th sáu: Nhớ thánh Phanxicô Assisi.

Suy niệm 1: Lc 10, 13-16.
Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người. Người luôn hiền hậu và khiêm nhường, giàu lòng thương xót với mọi người, ngay cả tim đèn leo lét Người không nỡ dập tắt; cây lau bị ngã, Người không nỡ bẻ gãy. Thế nhưng tại sao Người lại quở trách nặng lời với các thành: Corozain, Bethsaiđa và Capharnaum? Để hiểu được điều này, chúng ta hãy để tâm lắng nghe lời Chúa nói với chúng ta trong bài tin mừng hôm nay.
Chúa Giê-su xuống thế làm người, sau 30 năm sống ẩn dật, Người ra đi rao giảng Tin Mừng, mạc khải Thiên Chúa Cha, kêu gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng. Những thành như Corozain, Bethsaiđa hay Capharnaum là những thành được diễm phúc nghe lời giáo huấn của Chúa, được chứng kiến những phép lạ Chúa làm. Nhưng những người ở đây lại lòng chai dạ đá, cứng đầu cứng cổ, không chịu ăn năn sám hối, canh tân đời sống mà lại khước từ những lời giáo huấn của Chúa. Thế là Chúa phải thốt lên những lời quở trách xem ra rất nặng nề: “khốn cho ngươi”. Giả như Chúa đến rao giảng cho những thành dân ngoại như Tyrô và Siđon thì hẳn họ đã chú tâm lắng nghe mà ăn năn sám hối từ lâu rồi. Vì thế mà Chúa cho biết trong ngày phán xét những thành đó sẽ được xét xử khoan hồng hơn những thành đã được Chúa rao giảng Tin Mừng và kêu gọi sám hối.
Vì sao dân chúng ở những thành này lại không chịu ăn năn sám hối và tin theo Chúa. Có thể vì họ quá biết về Chúa Giê-su. Một người xuất thân từ một gia đình nghèo ở một làng quê hẻo lánh, là con của một bác thợ mộc tầm thường... Do bởi cái nhìn định kiến như thế nên họ đã không nhận ra Đức Giê-su là Con Thiên Chúa. Cũng rất có thể họ tự hào mình là dân riêng của Thiên Chúa, là con cháu của tổ phụ Abraham, đương nhiên họ sẽ được Thiên Chúa nâng lên đến tận trời.
Có thể những lời khiển trách của Chúa Giê-su dành cho những thành như Corozain, Bethsaiđa hay Capharnaum cũng là những lời dành cho chúng ta hôm nay. Bởi nhờ bí tích Rửa Tội, chúng được Chúa chọn làm dân riêng của Chúa, được diễm phúc lắng nghe Lời Chúa chỉ dạy, nhất là được đón nhận chính Mình và Máu Chúa vào trong cung lòng. Thế nhưng đời sống của chúng ta nhiều khi chẳng khác gì một người không biết Chúa, có khi còn tệ hơn nữa. Lắm khi ta cũng bon chen, tranh giành, lọc lừa, mưu mô xảo quyệt theo kiểu người đời, cũng như dễ dàng khước từ những lời giáo huấn của Chúa và GH để sống theo ý riêng của mình.
Xin Chúa cho chúng ta biết nhận ra những lầm lỗi, thiếu sót của mình để khiêm tốn đón nhận những lời hướng dẫn của Chúa qua giáo huấn của GH và các vị mục tử mà thật tâm sám hối về những thiếu sót, tội lỗi của mình để đời sống sao cho phù hợp với thánh ý của Chúa.

Suy niệm 2: Mt 11, 25-30.
Mạc khải cho biết, Đức Giêsu mang hai bản tính: Thiên tính và nhân tính. Nếu bỏ qua Thiên tính mà xét theo nhân tính, thì Tin mừng hôm nay cho biết Đức Giêsu là một người tuyệt vời, bởi Ngài luôn có được tâm an và khí hòa.
1. Với tâm an: Ngài đã nhìn mọi sự xảy đến trong đời sống hết sức an nhiên và bình thản. Trước những thành công, Ngài không tỏ ra hãnh diện và kiêu kỳ. Khi đối mặt với thất bại, Ngài không thua buồn, buông xuôi bỏ cuộc. Tất cả đều được Ngài nhìn dưới ánh sáng của niềm tín thác vào kế hoạch của Thiên Chúa Cha.
- Nhờ tâm an, nên Ngài sáng suốt nhận ra rằng: chính vì lòng đầy kiêu căng và tự mãn là nguyên nhân làm cho những người Biệt phái, các Kinh sư không còn khả năng đón nhận mầu nhiệm nước trời.
- Nhờ tâm an nên Ngài biết được: Do lòng khiêm tốn của những người thu thuế, tội lỗi, bệnh tật và ít học…, gọi chung là những kẻ bé mọn mà họ đón nhận được mầu nhiệm cao quý nước trời.
2. Với khí hòa: Ngài không nổi nóng và loại trừ những kẻ kiêu căng chống đối; cũng như không hãnh diện tự hào trước những người tin nhận và muốn tôn Ngài làm vua. Trái lại, Ngài sáng suốt hướng họ đến cách sống tốt đẹp hơn:
- Với những kẻ cứng cỏi và kiêu căng, Ngài mời gọi họ đến với Ngài để học lấy bài học quan trọng làm người đó là hiền lành và khiêm nhường.
- Với những người khiêm nhường và hiền lành, Ngài mời gọi họ tiến thêm một bước nữa trong đời sống đức tin mà sẵn sàng mang vào ách và vác lấy gánh của Ngài. Nghĩa là đi theo để thi hành giới luật tình yêu của Chúa dạy.
Dẫu biết rằng khi mang ách và vác lấy gánh của Chúa thì rất nặng nề và nhọc mệt. Bởi con đường theo Chúa là con đường hẹp và là đường thập giá. Biết thế, nên Chúa Giêsu tha thiết mời gọi những người này hãy đến với Ngài để Ngài nâng đỡ và bổ sức cho và Ngài đảm bảo rằng: “Ơn Ta đủ cho con”(2Cr 12,9).
Tóm lại sứ điệp lời Chúa hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng: Muốn có được tâm an, khí hòa mà bình tâm đón nhận những biến cố vui buồn trong cuộc sống; cũng như sáng suốt giải quyết mọi vấn đề một cách tốt đẹp nhất theo ý Chúa, chúng ta cần phải luôn có cái nhìn đức tin. Nhưng để có cái nhìn đức tin, đòi buộc trước hết chúng ta phải hoàn thiện đời sống nhân bản là hiền lành và khiêm nhường trong lòng.
Xin Chúa cho ta biết sống hiền lành (kỹ năng mềm) và khiêm tốn (kỹ năng thấp) trước Chúa, tha nhân và lương tâm. Nhất là xin cho ta có được đức tin vững mạnh để can đảm đi theo Chúa đến cùng trong việc thực thi giới luật tình yêu mà Chúa chỉ dạy. Nhờ đó, ta mới xứng đáng trở thành những kẻ bé mọn trong nước trời. 

Th bảy: Lc 10, 17-24.
Các môn đệ trở về sau khi ra đi loan báo Tin Mừng, lòng đầy hớn hở vui mừng vì thành quả đã đạt được. Nhưng Chúa bảo các ngài chớ vội mừng về những thành quả đó. Vì sao vậy? Có thể Chúa chưa hoàn thành sứ mạng cứu chuộc nhân loại mà Thiên Chúa Cha giao phó nên quyền lực ma quỷ và sự dữ vẫn còn hoành hành thế gian; cũng có thể Chúa không muốn các môn đệ tự cao tự mãn về những gì các ngài làm được. Chúa muốn các ngài hãy vui mừng vì phần thưởng dành cho các ngài ở trên trời.
Thật vậy! Quê thật của chúng ta, đích điểm của cuộc đời chúng ta là ở Nước Thiên Đàng. Cuộc sống ở trần gian chỉ là một cuộc lữ hành. Cho dù ở trần gian này có hạnh phúc thế nào đi nữa, rồi cũng sẽ qua, của cải vật chất có nhiều bao nhiêu, tất cả cũng sẽ hết khi ta nhắm mắt xuôi tay. Của cải trần gian chỉ là phương tiện cho ta sử dụng, ta phải sử dụng làm sao để đạt được Nước Trời mai sau.
Tất cả những điều trên, không phải ai cũng hiểu được. Chỉ những ai có tâm hồn đơn sơ bé nhỏ mới hiểu được những mạc khải của Thiên Chúa. Không phải Thiên Chúa không mạc khải cho những nhà thông thái, nhưng vì họ tự cho họ hiểu biết hết mọi sự, họ không cần ai dạy bảo và hướng dẫn. Ơn Thiên Chúa ban giống như mưa từ trời, ai biết đem đồ ra hứng thì mới lấy được nước mưa. Một ly nước đã đầy làm sao có thể đổ thêm nước vào nữa, có đổ vào thì nó cũng tràn ra ngoài; tâm hồn của một người đã bị lấp đầy những sự hiểu biết thế gian và đầu óc con người bị nhét đầy bởi tính tự cao tự mãn thì làm sao hiểu được những điều cao siêu mà Thiên Chúa mạc khải.
Các môn đệ là những người có phúc. Vì các môn đệ đang sống với Chúa, lắng nghe những lời giáo huấn của Chúa. Chúa Giê-su chính là mạc khải cuối cùng và là mạc khải trọn vẹn của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Điều mà các ngôn sứ và vua chúa thời xưa hằng mong ước. Ngày xưa, trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa mạc khải cho dân Ít-ra-en qua các ngôn sứ, các ngôn sứ chỉ loan báo Đấng Cứu Thế là Chúa Giê-su sẽ xuất hiện trong tương lai và các ngài hằng ao ước Đấng Cứu Thế sẽ đến vào thời các ngài. Nhưng mơ ước cũng chỉ là ước mơ.
Phúc của các môn đệ cũng là phúc của mỗi người chúng ta. Ngày hôm nay chúng ta sống trong thời Tân Ước, chúng ta không còn phải chờ đợi một mạc khải nào nữa từ Thiên Chúa. Chính Chúa Giê-su đã đến, Người chính là mạc khải trọn vẹn và cuối cùng của Thiên Chúa và Người đã mạc khải Thiên Chúa cho chúng ta, như có lần Người đã từng phán: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.  Thế mà nhiều khi chúng ta lại còn đi tìm kiếm những mạc khải khác, chúng ta tin vào những ma thuật bói toán, những tiên đoán này, nọ vì niềm tin của chúng ta đặt nơi Thiên Chúa chưa thật vững mạnh.
Lạy Chúa, xin Người củng cố và gia tăng thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con cảm thấy hạnh phúc được gọi Thiên Chúa là Cha, cảm nhận Chúa thật gần gũi và luôn hiện diện với chúng con trong cuộc sống hằng ngày. Còn gì hơn, khi chúng con được nghe chính Chúa dạy dỗ và hướng dẫn, được chính Chúa nuôi dưỡng bằng Mình Thánh Chúa mỗi khi tham dự thánh lễ, điều mà bao người mơ ước mà không được. Xin Chúa cũng soi lòng mở trí giúp chúng con hiểu rằng cuộc sống ở trần gian này chỉ là tạm bợ, chóng qua, đích điểm và mục đích cuối cùng của chúng con chính là phần thưởng Nước Trời, để chúng con luôn biết sống  theo thánh ý Chúa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...